===
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Thân thế và sự nghiệp nhà phê bình Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa
Thụy Khuê
Bài đăng ngày 27/09/2008 Cập nhật lần cuối ngày 06/10/2008 09:00 TU
Là một trong những nhà phê bình tiên phong của thế kỷ XX nhưng vì dám lên tiếng, vì dám nói lên những điều phải nói của người trí thức trước thời cuộc, Trương Tửu đã phải im lặng trong 40 năm. Sự trừng phạt đau đớn nhất cho một giáo sư, một nhà phê bình, một nhà tư tưởng. Nhưng sự im lặng ấy, cũng là thái độ đẹp nhất của một nhà văn : không viết vì không thể viết những điều trái với sự thật.
In bài
Gửi bài
Bình luận bài
Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa (1913-1999)
Là một trong những nhà lý luận phê bình tài ba nhất của thế hệ tiền chiến : Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa mất tại Hà Nội một ngày cuối đông, cách đây chín năm trong sự lãng quên của mọi người. Ông là một trong những nhà phê bình tiên phong đã đưa phê bình Việt Nam vào thời hiện đại. Trương Tửu viết trước Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan, nhưng nếu cách viết của Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan còn nằm trong đường lối phê bình của thế kỷ XIX, thì Trương Tửu đã vận dụng phương pháp phê bình thế kỷ XX. Và đó là một bước tiến quan trọng trong phê bình văn học.
Trương Tửu gắn bó với hai hệ lụy : ông thuộc nhóm trí thức Hàn Thuyên được coi là Trốt kít và ông đã tích cực tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Hai cái án ấy đã chấm dứt sự nghiệp của nhà phê bình Trương Tửu và sự nghiệp giảng dậy của giáo sư Trương Tửu ở Đại học Văn Khoa Hà Nội, từ năm 1959. Trong 40 năm còn lại của đời ông, từ 1959 đến 1999, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã sống một cuộc đời gần như ẩn dật, làm nghể đông y, không liên hệ gì đến sinh hoạt văn học nữa.
Những năm gần đây, có một số cố gắng in lại những tác phẩm của Trương Tửu trước 45, nhưng đối với số đông sinh viên trí thức hiện nay, hỏi Trương Tửu là ai ? Ông đã làm những gì cho nền phê bình văn học của nước nhà, có lẽ nhiều người không biết. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những gì ông viết ra, đã bị loại trừ quá lâu trên văn đàn miền Bắc sau 1954 và trên cả nước sau 1975.
Là một trong những người đi tiên phong trong lãnh vực phê bình văn học, Trương Tửu sinh ngày 18/10/1913 và mất ngày 16/11/1999 tại Hà Nội. Bài viết đầu tay của ông là bài Triết lý truyện Kiều in trên Đông Tây tuần báo năm 1931, năm ấy ông mới 19 tuổi, và đang tự học để thi tú tài. Từ đó ông hiện diện thường xuyên trên các tạp chí văn học tại Hà Nội. Trương Tửu nổi tiếng từ năm 1935, với loạt bài phê bình viết trên báo Loa, dưới nhan đề «Văn học Việt Nam hiện đại».
Song song với việc viết phê bình, ông còn sáng tác một loạt tiểu thuyết tranh đấu như : Thanh niên S.O.S (Minh Phương, Hà Nội, 1937), Một chiến sĩ (Minh Phương, Hà Nội, 1939). Cùng những tiểu thuyết xã hội như Khi chiếc yếm rơi xuống (Minh Phương Hà Nội, 1939) và Khi người ta đói (đăng trên Phổ thông bán nguyệt san số 59 tháng 5 năm 1940). Không kể một loạt tiểu thuyết khác như Một cổ đôi ba tròng (Tân Việt, Hà Nội, 1940), Trái tim nổi loạn (Văn Thanh, Hà Nội, 1940), Đục nước béo cò (Minh Phương, Hà Nội, 1940), Một kiếp đọa đầy (Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941). Hoặc loại sách khảo luận như: Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (Đại đồng thư xã, Hà nội, 1938).
Giai đoạn 1940-1945, Trương Tửu là giám đốc văn chương nhà xuất bản Hàn Thuyên và ông cũng là linh hồn của nhóm Hàn Thuyên. Ông đã xuất bản những tác phẩm ký tên Nguyễn Bách Khoa gồm những cuốn: Kinh Thi Việt Nam (Hàn Thuyên, 1940), Nguyễn Du và truyện Kiều và Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Hàn Thuyên, 1944) là những công trình nghiên cứu phê bình, áp dụng phương pháp duy vật biện chứng. Giai đoạn ký tên Nguyễn Bách Khoa, gắn liền với nhóm Hàn Thuyên là một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp phê bình của Trương Tửu.
Nếu ở miềm Bắc sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi và tác phẩm của Trương Tửu bị loại trừ, thì ở miền Nam, ảnh hưởng Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa trong đại học rất lớn. Nguyễn Văn Trung trong bộ Lược Khảo Văn Học, Tập ba viết : "Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác- xít đúng hay không đúng. Chỉ xét về phương diện chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hòi thì phải nhận là Nguyễn Bách Khoa thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay (tức là năm 1968) cũng khó tìm ra một Nguyễn Bách Khoa khác. Do đó ảnh hưởng của Nguyễn Bách Khoa vẫn còn rất mạnh ở miền Nam hiện nay như Thanh Lãng đã nhận định: "Mấy cuốn phê bình của Nguyễn Bách Khoa, nhất là từ sau 47 trở đi, đã hầu như biến thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, từ giáo sư cho đến học sinh, tất cả đều phê bình theo Nguyễn Bách Khoa. Một phong trào rộng lớn lan tràn" (trích Lược Khảo Văn Học, trang 192). Những lời trên đây của giáo sư Nguyễn Văn Trung cho thấy địa vị của Trương Tửu trong giới đại học miền Nam.
Về phương pháp phê bình của Trương Tửu chúng tôi sẽ bàn đến trong những kỳ tới. Hôm nay chúng ta đi tiếp đoạn đường còn lại của nhà văn và nhà phê bình Trương Tửu trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.
Để tìm lại tầm quan trọng của hoạt động Trương Tửu trong thời kỳ này, không gì rõ hơn là đọc lại những bài đánh Trương Tửu, của những nhà văn lãnh đạo thời ấy. Qua những bài viết đó, người ta thấy Trương Tửu được xem như là một trong những nhà tư tưởng « đầu sỏ » cùng với Trần Đức Thảo, đã cầm đầu phong trào đấu tranh ở đại học, đã khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho sinh viên. Qua những lời buộc tội Trương Tửu của Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Cương, Như Phong, Bùi Huy Phồn v.v.. chúng ta có thể biết được đường hướng hoạt động của Trương Tửu trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Tố Hữu viết: "Chúng -tức là Trương Tửu và Trần Đức Thảo- muốn biến đại học thành một "pháo đài" phản cách mạng như bọn chúng thú nhận, và thật sự từ vị trí ấy, chúng đã tung ra trong giới văn nghệ sĩ trí thức những sách báo phản động nhất, những tác phẩm của Trốt- Ky phương Tây, cùng những tài liệu của bọn phản cách mạng, bọn xét lại quốc tế". "Trong những tập giai phẩm mùa thu, mùa đông, Trương Tửu đưa ra luận điệu "văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền" (trích Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận, trang 161).
Hoài Thanh viết: "Trương Tửu nhắc đi nhắc lại lời Gide khuyên các nhà văn nhà nghệ sĩ hãy gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng (...) Trương Tửu chủ trương thành lập một đoàn Tân văn nghệ, không chịu sự lãnh đạo của một đảng nào hết, mà chỉ có thể hợp tác với đảng chính trị một cách hãn hữu" (sđd, trang 65).
Vẫn lời của Hoài Thanh trong bài « Thực chất của Trương Tửu », viết: "Trong ba tập Giai Phẩm liên tiếp, nó đả kích thậm tệ vào toàn bộ cán bộ Đảng phụ trách công tác văn nghệ, phủ nhận tính chất mác xít, tính chất vô sản của đảng. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt sự việc để vu khống... một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ" (sđd, trang 66).
Qua thứ ngôn ngữ trên đây của Tố Hữu và Hoài Thanh, chúng ta biết được tầm quan trọng của Trương Tửu lúc bấy giờ. Không những ông đứng ra trông nom bài vở cho các tờ Giai Phẩm mùa thu và mùa đông, mà ngòi bút của ông còn là trục chính. Ông đã phê phán trực tiếp tư cách của những văn nghệ sĩ lãnh đạo từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu. Theo ông, đó là những kẻ có tâm lý "bảo hoàng hơn vua". Trong bài “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” đăng trên Giai Phẩm mùa thu tập II, ra ngày 30/9/56, Trương Tửu viết: "Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này : Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói : Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói : các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm" [...]
Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban kia, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.
Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm hội hoạ (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật ; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng "Hướng điền" của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo ; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài "Trăng lên" và "Niềm vui" của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa có ý kiến [...]
"Thêm vào tư cách lãnh đạo ấy sự hiểu biết nông cạn và lệch lạc về văn nghệ, sự áp dụng máy móc phương châm phục vụ kịp thời, sự bắt buộc lồng một cách công thức chủ trương chính sách vào tác phẩm nghệ thuật, sự độc quyền và bè phái trong việc xuất bản báo, sự áp chế có tính cách hành chính hoặc quân sự đối với những văn nghệ sĩ dám nói thực, nói thẳng, nói hết... là ta có tất cả cái tình trạng văn nghệ ngột ngạt năm sáu năm nay. Bao nhiêu năng lực sáng tạo văn nghệ vì thế mà quằn quại không phát triển mạnh được".
Bài viết của Trương Tửu tố cáo toàn diện bộ mặt lãnh đạo văn nghệ. Nhưng qua đó ông phê phán bộ mặt lãnh đạo nói chung.
Trên Giai phẩm mùa thu tập III, ra ngày 30/10/56, trong bài “Văn nghệ và chính trị”, ngòi bút của Trương Tửu hướng về điều kiện sáng tạo: "Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phán ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghiã là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả".
Đó là những điều Trương Tửu viết về bản chất và lập trường của người nghệ sĩ. Về mối tương quan giữa văn nghệ và chính trị, ông viết:
"Văn nghệ tự thân nó tất yếu phải mang chính trị tính và phải có tác dụng chính trị", "bản thân văn nghệ mang chính trị như bản thân không khí mang oxygène", " Họ- (tức là văn nghệ sĩ- làm nghệ thuật để phục vụ một lý tưởng mà chủ quan họ cho là cao cả, tốt đẹp. Lý tưởng này, tùy hoàn cảnh lịch sử cụ thể, hợp với nguyện vọng của giai cấp cách mạng này hay giai cấp cách mạng khác, có chính trị "
Trương Tửu cho rằng: quy luật của văn nghệ là "phát hiện sự thật toàn diện". Do quy luật của "tự thân văn nghệ" như thế, người nghệ sĩ theo đúng "lý tưởng nghệ thuật cao cả" của mình, theo cái "tự do nội tâm" của mình, cho nên khi nhìn vào sự thật họ thấy đúng sự thật, và nếu người văn nghệ sĩ nói "sự thật toàn diện" ấy lên, đúng như sự nhìn thấy của mình, thì điều đó tức khắc có lợi cho chính trị tiến bộ, cho giai cấp cách mạng. Bởi vậy, Trương Tửu viết tiếp: "Văn nghệ có tác dụng soi sáng cho đường hướng cho chính trị quần chúng", người văn nghệ "chiếu toả ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình". Đứng trên quan điểm văn nghệ đó, Trương Tửu đòi hỏi:"Một đảng cộng sản chân chính phải tạo đầy đủ điều kiện cho văn nghệ sĩ làm tròn nhiệm vụ phát hiện sự thật sâu sắc của cuộc sống. Lãnh đạo tốt là tuyệt đối không ngăn cản văn nghệ sĩ phát hiện sự thật một cách hoàn toàn tự do ».
Sau khi đặt điều kiện như thế, ông tuyên bố: « Nếu lãnh đạo không tạo điều kiện ấy cho văn nghệ, thì "nó cũng tự tạo cho nó điều kiện ấy" và ông dứt khoát đòi: "Trả công việc lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ". Cuối cùng, Trương Tửu kết luận :"Vận mạng của văn nghệ sĩ dài hơn vận mạng của đảng, dài hơn vận mạng của chế độ" " văn nghệ sĩ là những chứng nhân về mọi hành động của Đảng trước toà án lịch sử nghìn đời".
Những lời trên đây là những biện chứng chặt chẽ và tha thiết nhất của một nhà văn, nhà phê bình đòi quyền tự do tư tưởng. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Trương Tửu gắn bó với với lý tưởng công bằng xã hội, những tác phẩm đầu tay của ông là những quyển tiểu thuyết đấu tranh xã hội, đấu tranh cho giai cấp cần lao. Cho nên khi cách mạng nổi lên, ông đã tìm thấy ở cuộc cách mạng giai cấp này, như một điều kiện cần thiết để tiến đến công bằng xã hội. Nhưng ông không thể chấp nhận sự chuyên chính của một đảng cầm quyền, độc quyền tịch thu tự do tư tưởng của toàn thể dân tộc và ông đã bước vào cuộc đấu tranh thứ nhì và cũng là cuộc đấu tranh cho những lý tưởng cao nhất của người cầm bút : dó là cuộc tranh đấu cho tự do và sự thật.
Trương Tửu đã bị kết án im lặng trong 40 năm. Có lẽ đó là sự trừng phạt đau đớn nhất cho một giáo sư, một nhà phê bình, một nhà tư tưởng. Nhưng sự im lặng ấy, cũng là thái độ đẹp nhất của một nhà văn : không viết vì không thể viết những điều trái với sự thật.
===
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/105/article_1118.asp
No comments:
Post a Comment