Monday, February 1, 2010

TÔ HẢI * HỒI KÝ 3

*
CHƯƠNG 08

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG HOÀ BÌNH

Trở về Liên Khu IV, sung sướng nhất là được đi giữa ban ngày. Không còn phải chạy trốn những chiếc Spifire, Junker... vì lúc này Pháp chỉ còn lo tiếp tế, chuyên chở thương binh và cứu viện các mặt trận. Có lúc tôi còn được hưởng thú đi ô tô tải Molotova Liên Xô do...Tầu viện trợ nữa. Tám năm trời cuốc bộ, nay dù ô tô tải không ghế (chỉ chở quân dụng, hoặc thương binh nằm ngổn ngang), tôi cũng thấy được cái giá của những chuyến ô tô này nó đắt thế nào. Chính ở cái chân dốc Cun, Hòa Bình, tôi đã gặp thầy giáo trẻ Trọng Bằng và khuyến khích động viên cậu ta bỏ nghề dạy học, vào văn công cho có... tương lai.



Sau này Trọng Bằng quả đã trở thành giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, tổng thư ký Hội Nhạc Sĩ Việt Nam! Số phận phải chăng đã mỉm cười với cậu ta từ cái giốc Cun vì tiếp sau đó là những năm dài đi học và đi học... để rồi trở về thành chỉ huy, giám đốc nhạc viện cũng như Đình Quang chỉ sống để đi học, dạy học (sân khấu) rồi lại đi học, rồi thành...nghệ sĩ nhân dân, thứ trưởng. Họ là những người có tài, nhưng cũng có “số may”, có “thời”. Còn tôi, cái số luôn là số... 13! Tôi trở về Khu IV với ngàn mối lo. Trước tiên là lo tìm vợ con và tôi đã tìm thấy trong một hoàn cảnh cực kỳ bi đát. Vợ tôi, may nhờ cái “mác” bộ đội nên trong cơn lốc đấu tố đã...thoát nạn. Không những thế, sau mấy vụ dự đấu tố ở địa phương, vợ tôi còn được nâng cấp “lên”... cố nông (!) và được chia “quả thực.” ([1])


Tôi còn nhớ: đó là một gian nhà đầu hồi của địa chủ, một cái chum và 20 cân thóc! Mẹ con hàng ngày kiếm sống bằng nghề rút bông thành sợi để hàng tuần đem bán cho những khung dệt thô sơ, đủ bữa cơm, bữa cháo qua ngày. Khi tôi lần mò tìm ra địa chỉ vợ con thì trước mặt tôi là…một bà lão 21 tuổi và một thằng con trai đen đủi, gầy gò, cởi truồng, đi đất, gầy như que củi, mắt toét, mũi thò lò. Cái sai lầm “lấy vợ liều”, “lấy để cho có vợ”, đã biến một cô gái 17 tuổi, học sinh trung học, từng sắm vai chính trong các vở kịch của Lộng Chương, Đinh Ánh thành một con người tàn tạ đến không ngờ. Và đứa con đầu lòng tội nghiệp của tôi, một nhạc sĩ, cháu nội một gia đình trung lưu có học là một hình nhân chẳng khác gì bốn que tăm cắm trên một củ khoai gầy guộc.

Đúng là tôi đã sai lầm, đã phạm tội lớn với hai mẹ con. Trước mắt, tôi phải làm sao kéo vợ con ra khỏi cảnh sống nửa người, nửa vật này. Thế là bao nhiêu dự kiến, bao nhiêu ước mơ đều bị xếp xó. Tôi về Bộ Tư Lệnh IV với quyết tâm xây dựng nhanh đoàn văn công với mục đích tối thượng: đưa vợ con trở lại Đoàn. Trước mắt là có miếng ăn cái đã. Tôi lùng xục các đơn vị để tìm nhân tài (tạm). Cũng may thời ấy ở Khu IV có khá nhiều đơn vị mang 2 con số 33, 55, 44 đều là các đơn vị “thu dung”, nơi đã cung cấp cho nhiều đoàn nghệ thuật những tài năng sau này phát triển thành nghệ sĩ nhân dân, ưu tú như Hoài Phiên, Đoàn Bôn, Huy Thành vv…Một lẽ đơn giản: họ đều là “lính kiểng”, không có khả năng chiến đấu, thậm chí một số còn mang lý lịch xấu, thuộc loại “có vấn đề”.

Tôi lao vào các “mỏ quặng nhân tài” này, tìm ra một loạt các tay hát được, múa được, thể hình cao ráo, lanh lợi. Các cái tên Đoàn Bôn, Hoài Phiên, Hữu Độ, Bá Sĩ... sau này còn ở lại nghề cho đến lúc về hưu. Một số khác, nửa đường đứt gánh do sự tuyển chọn “lấy được” của tôi, nhưng tôi đã cố gắng sửa chữa sai lầm của mình bằng cách cho họ đi học để khỏi làm hại cuộc đời họ bằng cái nghề diễn viên bất đắc dĩ mãi! Một số đã thành đạt, trở thành giáo sư, tiến sĩ, nhà ngoại giao. Người không may nhất, cũng có tâm và có tài nhất là Vũ Ngọc Hải, đã bị tù khi làm...bộ trưởng Bộ Điện Lực. Nghe đâu anh ta đã làm quá đúng, quá tốt trước khi người ta yêu cầu... tốt và đúng!

Chỉ trong một tháng, tôi đã xây dựng hòm hòm được một đoàn văn công 30 người theo đúng yêu cầu của lãnh đạo: chỉ lấy công nông binh! Nam thì đã sẵn (dù gượng ép) chỉ cần ký lệnh điều động. Còn nữ chỉ duy nhất...vợ tôi đủ tiêu chuẩn...“binh”. Thế là đi lùng trong các làng, xóm xem em nào mặt mũi sáng sủa, thử vài động tác múa do vợ tôi thị phạm, vài câu hát do chính tôi hát trước. Và...OK!

Rốt cuộc tôi cũng có trong tay một “đoàn nghệ thuật” biên chế thành tổ kịch, tổ múa, tổ hát hẳn hoi. Để có một đội chèo theo trên chỉ đạo, tôi được tăng cường một cán bộ...quân sự chính cống sẵn sàng bỏ hết “công danh” để về làm văn nghệ chuyên nghiệp vì ông ta cũng có tài vặt hát chèo, đánh trống, kéo nhị trong các buổi đơn vị ông tham gia hội diễn quần chúng. Đó là đại đội phó pháo binh Nguyễn Văn Thịnh, một người yêu văn nghệ hơn cả tôi, sẵn sàng làm phó cho tôi, giúp tôi đi soi đèn, kiểm soát xem đêm đêm có anh diễn viên nam nào dám mò đi kiếm chác bên nhà nữ!

Dưới sự đôn đốc của ông Thịnh, với khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả chúng tôi đều hăng say ngày đêm luyện tập, dàn dựng tiết mục để Đại Hội Văn Công toàn quốc sẽ diễn ra ngay những ngày đầu tiếp quản thủ đô! Tất cả những gì tôi học được ở những ngày chờ đợi tại đại hội văn công toàn quân, tôi đều giốc ra với anh chị em: từ khổ trống chèo học trực tiếp của cụ Năm Ngũ đến điệu múa Mã Đao Vũ học của đoàn văn công lục quân Trung Quốc và tất nhiên các tiết mục “con đẻ” của tôi đều được hoàn chỉnh thành một chương trình đàng hoàng.

Công sức của vợ tôi với các chị em mới tuyển cũng không ít vì cô là người thâm niên nhất, là con dao pha trong cả hát, múa, kịch suốt quá trình ở hai đoàn văn công trước đó. Tất cả đã sẵn sàng ra quân...hí ha hí hửng trở lại Đô Thành! Nhưng nhiệm vụ của đoàn văn công Bộ Tư Lệnh IV chúng tôi lúc đó lại được trên... thay đổi:

Không tiếp quản thành phố mà hỗ trợ cho cuộc đấu tranh Cải Cách Ruộng Đất, hoạt động khắp vùng giới tuyến và biên giới Việt Lào! Tôi đã vì vợ con mà cố thành lập cho được đoàn này để rồi tìm cách chuồn về với gia đình, với cha mẹ và 6 đứa em tôi. Thế mà bây giờ chính tôi đã làm một cái “cũi” lớn để tự nhốt tôi vào đó.

Quả thật, những ngày hòa bình sau 1954 đối với tôi là cả một cuộc chiến mới mà tôi suýt mất mạng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi phải tiếp tục đóng vai trò hai mặt: một mặt “vì nhân dân phục vụ”, một mặt sống cho vợ con và chờ thời. Tuy nhiên, nhiệm vụ đoàn trưởng một đoàn văn công khá lớn (chỉ sau Tổng Cục Chính Trị) đã chi phối, hành hạ tôi đến khốn khổ vì phải đối phó liên tục với mọi đường lối chủ trương rất...Tầu Mao từ trên dội xuống mỗi ngày. Nào là “Hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”, “Thâm nhập thực tế”, “Ba cùng”, “Chống chuyên môn thuần túy”, “Chính trị là thống soái” vv...Tất cả đều (vô tình hay hữu ý?) hướng vào việc triệt tiêu mọi sáng tạo nghệ thuật, biến nghệ thuật thành những cái thực dụng thấp lè tè, miễn là hát lên được, diễn lên được những gì lãnh đạo muốn thấy.

Trong quân đội lại có thêm khẩu hiệu “Tiến lên chính qui hiện đại” mà trước mắt là quân phong, quân kỷ để ghép tất cả vào kỷ luật. Bắt đầu là cuộc sống doanh trại (dù chỉ là những ngôi nhà tranh, tre, giường nằm vẫn là những mảnh ván thô kê trên hai chiếc niễng), nhưng điều lệnh nội vụ được áp dụng triệt để. Chăn màn, chiếu, ba lô phải gấp ngay ngắn, vuông vắn, thẳng tắp. Giờ giấc quy định, đúng phóc theo lệnh kèn, không trừ một ai. Dù là văn nghệ sĩ, là diễn viên cũng mặc –– Anh là văn nghệ quân đội kia mà. Bên Tầu họ như thế cả! Sáng tác phải thức đêm khi có hứng ư? Chuyện lãng mạn của bọn tiểu tư sản bịa ra cốt để bào chữa cho cách sống bê tha! Lao động nghệ thuật là một thứ lao động như trăm ngàn lao động khác! Đảng đã cho ta một trái tim, đã chỉ lối đưa đường, hãy phấn đấu sống cuộc sống quân đội, ắt sẽ nói được tiếng nói của người lính! Kỹ thuật chẳng qua chỉ là phương tiện. Biết bao người có học hành gì đâu mà cũng viết được khối tác phẩm cách mạng ra cách mạng!

Chính ở cái thời Mao-ít tận xương tận tủy này đã xuất hiện những tên cơ hội chủ nghĩa số một, đủ mầu sắc, những tên bốc thơm bợ đít, đã làm ra những câu thơ tuyệt vời nghệ thuật cách mạng vô sản như của Tố Hữu:

Giết! giết nữa bàn tay không phút nghỉ

Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong

Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt!

Cũng chính những năm này, biết bao tên tuổi đã bị lên án thậm chí bị ghép tội “chống Đảng”, “đi theo đường lối tư sản”, “ăn phải bả chủ nghĩa đế quốc” vv...bị cấm sáng tác, bị đưa ra khỏi biên chế, thậm chí bị đi cải tạo. Có người uất ức thề chết không bao giờ cầm bút. Có người trở thành nửa điên, nửa khùng. Có người chuyển ngành, nát rượu, rồi chết trong quên lãng. Tên tuổi của họ quá nhiều và chẳng cần nhắc lại. Còn những kẻ đào đất chôn thây hàng loạt tác giả và tác phẩm bỗng trở thành những “ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ vô sản!” Một số đã bị lịch sử chôn vùi nhưng lạ thay, không ít kẻ đã “đánh đập” văn nghệ sĩ độc ác nhất nay vẫn nắm những chức vụ cầm cân nảy mực trong đời sống văn nghệ.


Tôi không muốn nêu ra những cái tên bẩn thỉu đã dùng những từ ngữ thiếu văn hóa nhất để lên án một Vũ Trọng Phụng, một Đặng Thế Phong một Nguyễn Công Hoan (khi viết Đống Rác Cũ). Họ là ai? Đang làm gì? Cả nước đều biết, thế giới đã biết. Giấy trắng mực đen còn lưu lại những bài lên án một Màu Tím Hoa Sim, một Đoàn Chuẩn, một Vũ Hoàng Chương... đã đưa họ lên đài danh vọng, ăn trên, ngồi trốc vì có “quan điểm lập trường” hơn người. Đang còn sờ sờ kia!

Có thể họ u mê, bị nhồi sọ, họ cuồng tín?

Nhưng đối với bọn nghĩ thế này, nói thế khác để kiếm chác thì, cho đến chết tôi vẫn nguyền rủa chúng và thực tế, mãi tới sau này, tôi không bao giờ bắt tay chúng, nói câu giao đãi với chúng trong những lần gặp gỡ bắt buộc do công việc phải chạm trán. Tôi không nêu tên chúng ra đây vì lòng thương đối với con cái chúng, chứ tuyệt đối không hề tôn trọng chúng.

Có thể nào quên được các cảnh đấu tố giữa văn nghệ sĩ với nhau mà có những kẻ vạch ra chuyện như “chuyên môn thủ dâm”, “làm tình một lúc với hai phụ nữ”! Tất cả chỉ nhằm chôn vùi vĩnh viễn một tên tuổi và hút máu mủ từ những xác chết văn nghệ do chính chúng tạo ra để sống phây phây, để chiếm lòng tin của “trên”. Cái “Chân” trong chúng chẳng có, sao chúng có nổi cái “Thiện” và cái “Mỹ”? Vậy mà có ô dù của một “anh lãnh đạo”, nắm một cơ quan báo, đài, xuất bản, thậm chí chui vào được cả những bộ phận đầu não của chính quyền, chúng mặc sức ra tay hành hạ anh em văn nghệ bằng các cuộc học tập, đi thực tế, đi “cải tạo lao động”, “ba cùng”. Hàng loạt những tác phẩm không đáng giá một xu được tung ra theo yêu cầu của “trên” ca ngợi cuộc “cách mạng long trời lở đất” của nông dân, đề cao phong trào “một mo cơm, ba quả cà, tiến lên đồi trọc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.


Rồi “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, rồi “Người Tốt Việc Tốt”, “Mỗi Người Làm Việc Bằng Hai”…Tất cả đều thành tác phẩm văn nghệ hết. Có những cuốn sách in cả triệu bản phát không như Con Chim Đầu Đàn, Sống Như Anh... Có những bài hát “tất phải hát” không sống được vài ngày. Đáng lẽ phải đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi của cuộc sống tinh thần trong hòa bình thì do bắt chước bọn Mao-đồ-tể, do...chẳng biết làm gì nếu không có đầu rơi, máu chảy,người ta lại căng cứng hơn cả trong chiến tranh, tiếp tục dùng người Việt trị người Việt bằng cách chia họ ra thành những giai cấp, để bắt đầu một cuộc diệt chủng kiểu mới. Nếu một Làng Tôi, một Quê Em Miền Trung Du, một Ba Vì Năm Xưa... được chấp nhận trong kháng chiến thì những ngày gọi là hòa bình đó, một Xa Khơi, một Bài Ca Gửi Noọng, một Tình Ca Tây Bắc thậm chí cả Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người...cũng bị các nhà cầm cân nẩy mực phán một câu “tiểu tư sản”... “ủy mị”!

Tôi còn nhớ trong ban giám khảo một cuộc thi, một vị quyền cao chức trọng đã phê phán Trần Kiết Tường: “Ca ngợi Bác Hồ như kẻ...thất tình!?” Và người ta đã trao giải cho những Cô Thợ Hàn, Ông Lão Xã Viên vì đề tài đúng phóc yêu cầu của Đảng là đề cao giai cấp công nhân và nông dân! Tuy nhiên, cũng chính trong lúc này, cuộc đấu tranh vì cái đẹp chân chính bắt đầu nảy sinh... từ sự trao đi đổi lại trong các nhóm nhỏ tới chỗ bùng lên trên báo chí, trong các hội nghị, trong các buổi học tập đủ thứ nghị quyết, hết số 1, đến số 2, số 3... có Trời nhớ nổi!

Và cái gì phải đến đã đến. Đó là vụ Nhân Văn! Vụ này nói trắng ra là một vụ ra tay trừng trị những cái đầu đang muốn tìm đến một chút tự do, chỉ một chút thôi, trong sáng tác và trong sinh hoạt. Và cũng không có gì lạ khi nó nổ ra ngay giữa một môi trường kỷ luật thép nhất: quân đội! Chính từ Phòng Văn Nghệ Quân Đội, một số văn nghệ sĩ đã đấu tranh để “bung ra” khỏi sự gò ép “giờ nào việc nấy”, bung ra khỏi các qui định máy móc về quân phong, quân kỷ, về điều lệ đội ngũ đem áp dụng đồng loạt cho họ, những người tuy ăn cơm, mặc áo quân đội nhưng chẳng ai có ham muốn trở thành lính chuyên nghiệp, chẳng ai có chức vụ, cấp bậc gì rõ ràng ngoại trừ một người duy nhất là “đại úy Thanh Tịnh”.

Cái giấy phong quân hàm lạ lùng này do chính tay ông Lê Liêm lúc đó còn ở Bộ chỉ huy mặt trận nào đó, nếu tôi không nhầm, ký. Thanh Tịnh còn có cả một giấy chứng nhận được xử dụng khẩu Smith Weston chiến lợi phẩm và đã là đề tài cho chính Thanh Tịnh kể chuyện vui những khi có liên hoan: “Tôi là đại úy duy nhất không biết...đi đều! Còn khẩu súng này là khẩu súng tôi chỉ mong địch nó...bắt được để nó... bắn tôi và nó sẽ... chết vì đạn... chạy hậu!”

Giữa các tên tuổi tài danh như Hoàng Cầm, Tử Phác, Trần Dần, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn ([2]), Lương Ngọc Trác ([3])... hầu hết đều đi tắt vào lực lượng võ trang mà chưa học “đi đều... bước!”, một văn nghệ sĩ đảng viên có bằng cấp quân sự, biết sáng tác, biết chỉ huy dàn nhạc, còn biết cả dẫn đầu đơn vị mỗi sáng “Chạy đều! Chạy!” cả chục cây số, tôi là một “vốn quí” của quân đội lúc ấy. Cứ gắng đóng kịch ít năm thì hoạn lộ đầy lợi quyền đối với tôi đâu có quá xa vời. Vậy mà cái tư tưởng rời khỏi quân đội càng sớm ngày nào càng tốt vẫn cứ âm ỉ trong tôi.

Nhưng đâu có dễ ra khỏi cái tổ chức hết sức chặt chẽ này! Ra bằng cách nào mà không bị sứt tai, mẻ trán, không bị khoác vào cổ tấm biển “chống Đảng” hoặc “đảng viên bị khai trừ”, để vợ con khỏi bị liên lụy quả là nan giải! Đặc biệt sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, do không có điều kiện để... liên quan, tôi càng được tín nhiệm. Nói cho đúng, nếu tôi sống ở môi trường Hà Nội, ắt tôi sẽ là một “nhân văn” cỡ... kha khá. Không ít lần, ra họp ngoài trung ương, tôi đều được các vị “đàn anh” lôi kéo, thậm chí còn đưa ra một loạt bộ mặt nằm trong “hệ thống Ignorance au pouvoir” ([4]) cần loại bỏ.


Tôi cũng bị “dí điện” bởi những tâng bốc... cỡ tôi đáng ra phải là thế này, thế nọ…hoặc cái tên A, tên B đang sống bằng cách... dìm chết anh em, và thằng này thằng nọ đang “đặt bục công an giữa trái tim người” vv... Đặc biệt với anh em văn nghệ trong quân đội thì chuyện o ép, ghép vào kỷ luật, chống các viên “đạn bọc đường”, “biến chất”, “ăn phải bả tư sản” lúc này đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. Đại diện cho phong trào đấu tranh giải phóng khỏi mọi gò bó về tư tưởng, về sinh hoạt, giờ giấc, tác phong, điều lệnh là các vị Tử Phác, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện... Tôi là đối tượng cần phải lôi kéo qua những phát biểu hăng hái của tôi về sự đau khổ của một văn nghệ sĩ sống xa Trung Ương. Tôi sẽ có một số phận cực kỳ bi đát (hoặc cực kỳ tốt đẹp?) nếu nhân cơ hội này “đứng lên” theo chân các bậc tiên chỉ như Văn Cao, như Tử Phác?

Tiếc thay và cũng may thay là cái sự...hèn vì thương vợ, thương con, vì chẳng còn nơi bấu víu khi cả gia đình tôi đã bám lấy cái lương công chức... di cư vào Nam! Thế là tôi đành... ậm ừ không dám nhận viết một bài vạch trần tội ác của lãnh đạo văn nghệ Quân Khu IV theo gợi ý của Nguyễn Văn Tý, người sau này chẳng có quyết định phục hồi gì vẫn bắt buộc phải trao giải Hồ chí Minh! Chẳng hiểu Đảng cải tạo anh hay... ngược lại?



Nói tóm lại, kiếp nhạc sĩ đảng viên hèn, tôi vẫn cứ là thằng hèn! Tôi…run khi Phùng Quán rủ tôi đến chơi một “nhà văn nữ có thể đọc ngược Hamlet ([5]) (!) bằng tiếng Anh”: Thụy An. Tôi đã rút lui ngay khi đến thăm Tử Phác, được chứng kiến những đồng chí của tôi nằm dài bên... bàn đèn thuốc phiện mà chửi đổng! Tôi còn biết nhiều tên chẳng tài cán gì nhưng cũng cố “theo đóm ăn tàn” ra vẻ nhân văn, nhân viếc. Đám này đã bán rẻ anh em trong các cuộc đấu tố về sau. Tóm lại, sau khi tiếp quản Hà Nội, một sự phân hóa về tư tưởng, về nhận thức mọi mặt trong đời sống xã hội đã tác động rất lớn đến giới văn nghệ và những cái tên nhân văn thật, nhân văn dỏm, những tên chỉ điểm, hai mặt kể cả trong lẫn ngoài Đảng dần dần lộ diện. Tôi cũng không muốn nêu tên của họ vì lúc này có người đã chết, có người đã...nhận ra mình bị những tên trùm văn nghệ lưu manh kiêm mật thám lợi dụng nên trót tố cáo anh em trong thời gian học tập nội bất xuất, ngoại bất nhập suốt cả tháng trời tại lăng Hoàng Cao Khải. Loại người này tôi coi như người đã... chết! Và đã chết thì...thôi! Tha!

Riêng cá nhân tôi, với những mâu thuẫn đầy mình, tôi đã dừng lại đúng lúc sau bài “Khuyết điểm tại ai?” đăng trên báo Văn Nghệ trả lời Trần Công. Bài này là tuyên ngôn của Tô Hải trước vụ Nhân Văn. Tôi lên án sự gò bó về đề tài, về sinh hoạt đối với anh em văn nghệ trong quân đội. Bên cạnh đó, tôi cũng cực lực chỉ trích lối sống “văn nghệ thời xưa” (bệ rạc, rượu chè, hút sách...), nếp sống vô kỷ luật dễ đưa đến “ăn phải đạn bọc đường”...

Sau bài báo này, tôi bị anh em Nhân Văn cho là “thành phần không đáng tin cậy”! Trớ trêu là chính sau bài báo này, tôi lại bị chi bộ kiểm điểm về “lập trường không vững”, “không có tinh thần bảo vệ Đảng”! Nhất là tôi đã cả gan sáng tác một ca khúc đăng trên báo...“ngoài”, tức không phải của quân đội, bài Lời Tổ Quốc. Người ta chỉ trích tôi là sáng tác để…kiếm tiền.

Ở cái đất “lập trường nhất thế giới” là khu IV, tôi chỉ thật sự sống cho tôi khi có dịp được về Hà Nội và phải công nhận là tôi gặp không ít may mắn khi rất nhiều người đã vạch cho tôi một con đường thoát: đi học!

Người đầu tiên thông cảm với nỗi khó khăn của tôi lại là ông “vua nguyên tắc” Lưu Hữu Phước! Lúc này dưới trướng ông, gần như tất cả đều không ai mê anh nhạc sĩ “đi đều, bước!” mà tôi lại là đại diện cho thứ âm nhạc “tempo di marcia” với hai bằng tốt nghiệp... quân sự!

Bồi dưỡng chuyên môn để trở thành cốt cán văn nghệ của Đảng là lời anh Phước khuyên khi gặp tôi ở nhà riêng trên đường Nguyễn Thái Học. Còn Lương Ngọc Trác thì nói “Phải học mới tồn tại được, mới ấm vào thân được. Cắn răng vào mà học đi!” Nhưng đi học nước ngoài cùng đợt với Huy Du, Trần Ngọc Xương, Hoàng Đạm...thì tôi đành từ chối! Lý do duy nhất: vì quá mắc mớ gia đình, con cái. Tôi ra đi thì vợ con sẽ dựa vào ai?

Lúc này, 1956, tôi đã có đứa con thứ hai và gia đình vợ, chỗ nương tựa gửi con để vợ tôi có thể lên đường đi biểu diễn không còn nữa. Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên... địa chủ. Bố vợ tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, bỏ lại tất cả gia tài, điền sản, nhà máy ở Tân Mai. Đưa vợ con chạy ra Bắc, còn lại ít nữ trang, tiền bạc, gia đình ông ở lại thành phố Vinh. Khi Vinh bị tiêu thổ kháng chiến, ông mua một mảnh vườn sát chân núi ở Diễn Châu. Sau những ngày xất bất xang bang, cái gia đình tiểu tư sản đàng hoàng vừa tổ chức được cuộc sống ổn định thì bão tố ập đến.

Người ta lôi ông già ra đấu, tra hỏi vì sao không họ hàng hang hốc gì mà về đất này mua đất, làm vườn? Có phải để bóc lột nông dân không? Hai con đi bộ đội cùng thằng rể (là tôi) sao đã lâu không có tin tức? Có phải chạy theo giặc không? Tất cả lý lẽ đưa ra chỉ nhằm mục đích chiếm bằng hết những gì có thể chiếm: giường tủ, bàn ghế, quần áo, mâm đồng, chậu thau, bát đĩa, ấm chén…

Phải kiếm cho ra một cớ gì mà trấn lột công khai chứ! Thôi thì chụp cho cái mũ “kẻ thù giai cấp” là xong!

Còn chuyện này cũng phải nói ra. Sự thật là trong lúc gia đình bị đấu tố, tôi và Nguyễn Đăng Long (sau là thiếu tướng) đều biết, nhưng chẳng qua đều... hèn, nên chẳng đứa nào dám thò mặt về thăm gia đình. Vả lại, con cái địa chủ mò về lúc ấy mất mạng như chơi. “Dứt khoát” với kẻ thù giai cấp (một lối nói hay được dùng thời ấy) chứng tỏ có lập trường vững. Và chỉ có những người có lập trường vững mới có…tương lai.

Riêng tôi, do hoàn cảnh bó buộc, không thể không liên hệ với gia đình vợ. Lý do: thằng con trai thứ hai khốn khổ từ lúc lọt lòng mẹ được ông bà ngoại nhận nuôi để vợ tôi có thể lên đường tái ngũ. Cùng với ông bà ngoại, thằng bé nằm trong vòng vây của “các ông bà nông dân”. Nghĩa là sau khi lột hết từ cái quần đến chiếc bát mẻ, cả nhà vợ tôi, già trẻ lớn bé, không trừ một ai, “bị giam tại chỗ”, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hình phạt này là cách bắt người chịu án đói hoặc tự tử. Nhiều người không chịu nổi đã tự kết liễu cuộc đời!.

Tôi đành liều mạng trở về cứu đứa con trai. Tôi về làng, mang theo giấy giới thiệu của ông Ngự, một cán bộ cốt cán của Đoàn Ủy Cải Cách Ruộng Đất. Theo giấy giới thiệu, cháu Tô Đăng Sơn là con đồng chí Tô Đình Hải chỉ là một đứa bé “người dưng” gửi lại gia đình tên địa chủ Nguyễn Đăng Quỳ mà thôi! Đối với tôi, ông Ngự là một ân nhân mà, than ôi, tôi không sao có thể trả ơn, bởi chính ông sau này cũng bị “xử trí” –– khai trừ Đảng và khai trừ khỏi... mặt đất, bởi có hành động “cản trở cuộc cách mạng long trời lở đất!”.

Tôi nằm một đêm tại trụ sở Đội Cải Cách mà lòng đầy căm hận. Mối hận “lầm đường” trào lên mỗi khi nghe tiếng loa phát đi phát lại: “Lệnh cho tên địa chủ Nguyễn Đăng Quỳ...mang trả lại con tên là Tô Đăng Sơn... cho ông bộ đội Tô Đình Hải…”

Sáng sớm chưa rõ mặt người, tôi thấy bố vợ tôi mặt mày sưng vù, răng cửa rụng gần hết (do bị đánh), mang tới trụ sở một thằng bé, không, một xác trẻ con gày guộc xám ngoét. Đó là thằng con yêu quí của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang còn sót lại mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà mớm cho. Nhìn con trong tình trạng ấy, tôi nguyện với mình phải trút mối căm hờn nén lại bằng phát súng bắn thẳng vào thái dương những kẻ đã gây cảnh đau khổ cho gia đình tôi, lần lượt từng đứa một.

Tôi cắn răng ôm lấy con, không kịp nói một lời an ủi bố vợ, vì “các ông bà nông dân” đã đuổi quầy quầy ngay khi ông trao đưa cháu ngoại cho tôi, ở đầu làng. Tôi chỉ còn kịp nói với theo một câu: “Chúng con sẽ trở về!”

Chúng con đây chính là những đứa con bất hiếu vì tình thế phải nén căm hờn để tồn tại, để giữ lấy mạng sống cho một ngày mai… bất định. Tôi bắt đầu xét lại cái “chỗ đứng thiêng liêng nhất” của tôi: là đảng viên một cái Đảng mà vừa đánh Tây xong lại quay sang đánh dân mình! Tôi quyết tâm bằng mọi giá phải ra đi, đi ngay khỏi vùng đất dữ này, mặc cho hậu quả đối với gia đình sẽ ra sao. Và thời cơ đã đến: Tổng Cục Chính Trị có lệnh triệu tập một số anh em “cốt cán” đi học bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thế là tôi để vợ và hai con lại thành phố Vinh hoang tàn để ra Hà Nội. Ở đây tôi đã gặp từ Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Lương Ngọc Trác, Văn Chung ([6])… trong một lớp bổ túc sáng tác do chuyên gia Bắc Triều Tiên giảng dạy. Lớp học này, về sau này tôi mới vỡ lẽ, là kết quả sự đấu tranh dai dẳng giữa hai quan điểm “nên hay không nên học nghệ thuật... tư sản!” của mấy ông trùm cao nhất của “đỉnh cao trí tuệ Việt Nam”!

Chả là: đến những năm 1960, hai ông Hà Huy Giáp ([7]), Cù Huy Cận một là bí thư Đảng đoàn, một là thứ trưởng bộ Văn Hóa còn đặt lại vấn đề: “Trường nhạc Việt Nam có nên học đồ-rê-mi không? Tại sao không học hồ, xừ, sang, cống, líu?” hoặc “Việt Nam ta không thể có bi kịch” (Hà Huy Giáp), thậm chí “Giao hưởng là nhạc tư sản phương Tây” (Cù Huy Cận) vv... Tất cả những phát biểu ngu dốt này còn nằm trên báo chí những năm 1960-1970 như vết nhơ của một giai đoạn “ngu dốt đến phá hoại” của những kẻ có quyền sinh quyền sát cả một thế hệ văn nghệ nước nhà. Đáng kinh tởm, đáng đưa ra tòa án lịch sử hơn là những kẻ cơ hội, những tên gia nô văn nghệ chuyên môn bợ đít các “anh trên”, hùa theo dây máu ăn phần, kiếm tí chút chức danh và quyền lợi.

Lịch sử hãy công bằng, qua các tư liệu, văn bản giấy trắng mực đen còn lưu khắp nơi mà xóa tên chúng khỏi các sách giáo khoa, các bảng tên đường phố, bất kể chúng sau này có vẻ thay đổi cách nhìn, có viết được dăm ba thứ quay ngoắt 180 độ ca ngợi những người mà chính chúng đã là chỉ điểm cho bộ máy giết người của Đảng giết họ cả thể xác lẫn tâm hồn. Tội chúng không thể dung tha!

Ngay giữa hàng ngũ chỉ huy cao cấp nhất trong và ngoài quân đội thời ấy, có một số người chỉ vì một chân lý giản đơn nhất là “Thời thế đã thay đổi”, phải “tiến lên chính quy và hiện đại” trong mọi mặt đời sống mà cuối đời phải thân bại danh liệt, để chúng tôi được hưởng một chút văn minh, tiến bộ của loài người nói chung và của nền âm nhạc chân chính nói riêng. Trong những người mà suốt đời tôi không bao giờ quên ơn ấy, có ông Lê Liêm.

Chính dưới thời ông Lê Liêm phụ trách văn nghệ mà các trường nhạc, trường múa, trường điện ảnh, các nhà hát, dàn nhạc giao hưởng ra đời. Nhưng khi chính ông lại lao vào học piano và... sáng tác nữa thì chúng tôi đều tiên đoán “ông đang đi vào con đường... chết!” Và ông chết thật, chết cả về địa vị, về sự nghiệp, về danh hiệu “đảng viên lão thành” và chết trong quên lãng của người đời!

Một câu nói của ông lúc còn đương chức khi gặp tôi ở nhà riêng trên đường Cột Cờ, tôi vẫn nhớ: “Phải chống lại những thứ giáo điều từ “bên ấy” (Tàu) đang làm mai một hết tài năng của anh chị em”. Đến nay, tôi vẫn thấy ông đúng, đúng 100%, đúng đến muôn đời.

Sau này khi bị ghép vào tội “xét lại”, bị khai trừ khỏi Trung Ương, khỏi Đảng, ông còn nói với tôi: “Lịch sử sẽ chứng minh là tôi không “xét lại” vì tôi đã “xét đi” bao giờ!” Tất cả chỉ là “rập khuôn theo người ta” chứ đã nghĩ ra được đường lối văn hóa nào riêng của mình đâu!”. Ông chẳng được ai “phục hồi” vì những kẻ “đánh” ông vẫn đang ngồi kia, còn những kẻ mới lên dại gì mà nhắc đến ông, dù họ... “xét lại” hơn ông cả ngàn lần!

Phong trào “tiến lên chính quy và hiện đại” trong quân đội giúp một số anh em có tâm, lo lắng cho sự ngu dốt thật sự của mình (do 9 năm chỉ biết làm theo bản năng) lập được một trường nhạc quân đội do ông Trần Du, một cán bộ chính trị, làm giám đốc. Ngôi nhà 13 Cao Bá Quát và 13 Lý Nam Đế được dành cho các lớp sáng tác, chỉ huy, và các lớp nhạc cụ từ violon, cello, contre basse tới bộ gỗ, bộ đồng... Trong 2 ngôi nhà cùng mang số 13 ấy đã nảy sinh bao nhiêu vụ chém giết nhau về quan điểm học và dạy. Nhưng cũng chính từ nơi đó, lần đầu tiên, anh em “làm nhạc bản năng” mới vỡ lẽ là chưa bao giờ và chưa có ai là nhạc sĩ chuyên nghiệp cả!


Tôi phải đau lòng nhắc lại câu của Lương Ngọc Trác: “Cắn răng lại mà học” khi thấy thầy Mao Vĩnh Nhất sau khi kiểm tra trình độ anh em, đã buông một câu:“Không ai hiểu một điều gì cơ bản trong âm nhạc hết! Phải học lại từ đầu thôi!” Thật là nhục! Mang tiếng “nhạc sĩ” mà chưa biết cách viết 4 bè hòa thanh ra sao, chẳng biết mặt mũi tờ giấy tổng phổ thế nào? Còn về cách ký âm, điều kiện tối thiểu để sáng tác nhạc, thì... càng xấu hổ, chẳng khác gì nhà văn chưa biết chữ vậy! Mỗi anh một kiểu, thậm chí gạch phách, gạch nhịp chẳng theo qui luật nào, hết sức tùy tiện, có anh đưa thầy xem tác phẩm cũ của mình, bài nào cũng ghi trên portée...3 dòng! Chẳng một ai có nổi cái tư duy cùng một lúc trên hàng loạt âm thanh, tiết tấu, màu sắc âm nhạc khác nhau! Ngay người đã có kinh nghiệm viết cho dàn nhạc như Nguyễn Văn Thương, Lương Ngọc Trác và cả bản thân tôi đều làm cái việc “cho nhạc cụ hát thay con người”, cho dàn nhạc đánh những câu đơn giản, vuông vức, còn phần đệm chẳng qua thay cây ghi-ta bằng những cây kèn, cây đàn khác thôi. Tiếc thay, tới nay, 1998, người ta vẫn gọi cái việc hoàn toàn thủ công mỹ nghệ đó là... “hòa thanh, phối khí!” Nội dung của dàn nhạc, màu sắc, hòa thanh lại vẫn chỉ là các ắc-co trưởng, thứ, 7, 9, hoặc “siêu” hơn nữa thì có tí tăng, giảm lắp vào theo kiểu hòa thanh cột đèn (!) bất kể điệu thức, tình cảm của bài hát.

Trở lại với lớp học âm nhạc đầu tiên của các nhạc sĩ “số một” Việt Nam lúc bấy giờ, cả lũ chúng tôi (xin lỗi hương hồn các anh Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đỗ Nhuận vì đã gọi các anh là “lũ”!) đều nhận thấy “không học là làm nhạc...bịp”! Sự thật là trong những năm ấy, sáng tác bài hát chỉ là một thứ “trò chơi”, hứng chí thì hát lên những lời ca (ý đẹp lời hay càng tốt) bằng những âm thanh lên xuống, nhanh, chậm, ngắn, dài…Thế là trở thành nhạc sĩ của Đảng rồi! Và không ít người đã nhận ra con đường làm văn nghệ “dễ xơi” nhất là làm...nhạc sĩ ở cái xứ mà cả nước đều dễ bị...bịp, dưới sự lãnh đạo của một cái gọi là Đảng Cộng Sản chuyên bịp người và bịp mình! Cũng vì lẽ đó mà tới hôm nay, những “Hội” do Đảng thành lập và trả lương có cả trên ngàn “nhạc sĩ hội viên” không cần học nhạc và hàng trăm nhạc sĩ “nổi tiếng” ở các tỉnh lẻ làm nhạc “không son phe”, chẳng khác nào nhà văn mà chưa qua lớp i-tờ vậy! Một hiện tượng có một không hai trong lịch sử âm nhạc thế giới và một kỷ lục của Guiness mà không bao giờ người ta dám nói đến!

Cũng cần nhắc đến một hiện tượng chỉ có ở Việt Nam và một nước láng giềng là phong trào “tự biên tự diễn”. Đó là các thứ hội diễn ngành, nghề, tỉnh, huyện, xã... đã “ép” ra bằng được những nhân tài địa phương hoặc đi thuê mấy ông “nhạc sĩ đói”, đẻ ra những “tác phẩm” ca ngợi riêng địa phương, đơn vị, ngành nghề của mình! Thế là ông ổng trên Đài đủ thứ tỉnh ca, huyện ca, thợ lò ca, thợ đá ca, thợ điện ca, thợ may ca, thậm chí cả quét rác ca, đổ thùng ca, tín dụng ca, ngân hàng ca, khách sạn ca...làm loạn cào cào thẩm mỹ âm nhạc vẫn được khuyến khích, động viên, trao giải thưởng cao hơn cả giải chuyên nghiệp.

Trước xu thế “quần chúng làm nên tất cả” đó, việc tập trung một số cốt cán trong làng nhạc Việt cách mạng lại để cho họ nghiên cứu, học tập “kỹ thuật tư sản” về âm nhạc không phải chuyện không “bạo phổi” của mấy vị lãnh đạo có “tâm và có tầm”. Chẳng khác gì đưa đồng chí của mình đi học...nhảy đầm, cho phép đồng chí nếm thử “viên đạn bọc đường” để xem ai có đủ bản lãnh chỉ... mút đường rồi... nhả đạn ra! Cho nên, riêng về thành phần được chấp nhận là “học viên chính thức” hay “học viên dự thính” đã phải qua nhiều lần bàn bạc, thảo luận để thông suốt nghị quyết của trên về 3 tiêu chuẩn:

1) Phải có quan điểm vững chắc, ưu tiên đảng viên!

2) Phải sinh hoạt chính quy, chặt chẽ, rút kinh nghiệm vụ Nhân Văn Giai Phẩm, mọi vấn đề nảy sinh phải qua chi bộ thảo luận, kịp thời phản ảnh ngay lên Tổng Cục.

3) Nêu cao tinh thần đấu tranh, đặc biệt với mọi thứ rơi rớt của nhóm Nhân Văn? ([8])

Tôi là một trong số “đủ tiêu chuẩn” làm học viên chính thức. Hàng loạt tên tuổi ham học chỉ qua buổi họp chi bộ đầu tiên, đã bị cho...“ra rìa”. Một số khác thì chỉ cho... “dự thính”! Ở cái lớp học âm nhạc chính quy “khai sơn phá thạch” này, càng ngày tôi càng thấy nó quả là sản phẩm có được nhờ sự đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng tiến-bộ-có-học và bảo-thủ-vô-học, không muốn mở mang đầu óc con người để dễ biến họ làm nô lệ cho một nhóm luôn thù ghét những gì là khoa học, là văn minh, là tiến bộ của loài người! Tuy nhiên, xu thế ‘tiến bộ”... tạm thời thắng thế nên lớp học “âm nhạc tư sản” cuối cùng được chấp nhận như một thể nghiệm để... “thử xem nó ra sao”.

Và cả quá trình học như điên, học đến phát bệnh ấy, tôi luôn bị dằn vặt về những lý thuyết bâng quơ như “mầm mống tư tưởng xét lại”, “sự xâm nhập của kỹ thuật tư sản”, “cần cảnh giác với chuyên gia Mao Vĩnh Nhất”, ông thầy khá tận tâm nhưng thẳng thắn, bạo miệng. Lúc này ở bên Triều Tiên, các cuộc thanh trừng văn nghệ sĩ đã bắt đầu. Trước tiên là những người có tài và tốt nghiệp ở các nước tư bản về (trong đó có nghệ sĩ vũ đạo nổi tiếng Thôi Thừa Hỷ ([9]) bị thủ tiêu). Tôi còn luôn vang bên tai lời dặn dò của bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối (xin lỗi hương hồn bạn): “Tô Hải cần chú ý khi làm việc với thầy Mao! Ông này có vấn đề đấy! Cần cảnh giác với những gì ông ta phát biểu...Với tớ...về chuyên môn tớ cho thầy điểm 10, nhưng về chính trị, thầy là con số... 0 rỗng tuếch”!

Thì ra tình hình tư tưởng của chuyên gia hàng ngày cũng được đánh giá qua nhận xét của Triệu Đại Nguyên, đảng viên trưởng đoàn! Mới đầu tôi chỉ cho đó là nhận xét hằn học của ông bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối do bị thầy “quật” nhiều cú đau quá về chuyên môn. Ví dụ về một bài tập hòa thanh “viết cho xong”, thầy Mao phán: “Bài tập này còn tồi hơn bài tập của học sinh sơ cấp ở nước tôi!” Hoặc với một nhạc sĩ có tiếng giỏi về nhớ nhiều sách Tây thường hay đối chiếu với những gì đã đọc ra để chất vấn thầy thì thầy “chơi” luôn: “Tôi yêu cầu các đồng chí hãy nhớ là đã vào lớp học của tôi, chỉ nghe những gì tôi nói mà thôi, không có đưa bất cứ sách Tây, sách Tầu nào ra để làm phiền, làm khó cho tôi và cho mọi người nữa! Còn nếu không tin tưởng tôi, xin cứ việc rút lui!” Tôi còn nhớ gương mặt lúng túng của phiên dịch viên Hà Huy Hiền khi tìm chữ để dịch câu nói quá ư thẳng thắn sao cho nó nhè nhẹ bớt đi. Và càng học khó hơn, cao hơn, thầy càng có nhận xét thẳng thừng. Ví dụ: “X. chỉ có thể là... “thợ” nhạc! Y. sẽ chẳng thành tài trong nghệ thuật mà sẽ trở thành... một cán bộ chính trị!”

Cũng thời gian đang học tập chuyên môn này, có vụ phong quân hàm cho văn nghệ sĩ. Khi chính thức công bố, người cao nhất là Đỗ Nhuận chỉ có chức...thiếu tá. Một loạt đại úy gồm Lương Ngọc Trác, Trọng Loan. Hạng bét có Nguyên Nhung, chuẩn úy. Làng nhàng trung úy có mấy anh em chúng tôi: Tô Hải, Văn An...Thầy Mao Vĩnh Nhất chẳng ngần ngại phát biểu (bằng tiếng Việt lõm bõm): “Tô Hải...Triều Tiên... trung tá!” Có lẽ thầy chỉ nghĩ đến kết quả học tập và sáng tác của tôi nên tự phong quân hàm cho tôi mà phát biểu đụng chạm đường lối “duy nhất đúng đắn” của Đảng Lao Động Việt Nam nên sau này về nước thầy bị “no đòn” bởi báo cáo qua lại giữa hai Đảng.

Quả là ông thầy này có nhiều “tội” đáng chết thật, khi nói câu nào tôi cũng phát...sợ vì thấy nó quá đúng, nhưng đúng…chưa phải lúc. Riêng đối với tôi, ông có sự chăm sóc rất đặc biệt vì cho đến cuối khóa, thầy gần như chỉ tập trung chấm bài và hướng dẫn riêng cho tôi. Ngoài số anh em dự thính, chỉ có 6 người trong quân đội thầy mời đến nhà riêng ở phố Quan Thánh để bồi dưỡng, chỉ bảo, từ các điều sơ đẳng nhất về nghệ thuật viết nhạc không lời, về cấu trúc của các thứ Suite, Rondo, Sonate, những khúc thức mà đối với chúng tôi còn hoàn toàn xa lạ. Mỗi ngày tôi làm việc từ 15 đến 20 tiếng, làm việc đến chảy máu dạ dày mà không chịu đi bệnh viện.

Tôi như lạc vào một vương quốc đầy châu báu, hoa thơm, quả ngọt của truyện cổ tích. Cái gì cũng muốn chiếm làm của riêng mà không sao bê đi cho hết được. Tôi phải nghĩ ra nhiều mẹo vặt để nhớ và “tiêu” những thứ bổ béo đã được ăn. Ví dụ, để nhớ chủ đề một bản sonate của Beethoven, một bản giao hưởng của Tchaikovsky tôi đã đặt lời ca như “Chó nấu với giềng, ngon tuyệt / Bu mày ơi, có mệt hay không” (symphonie số V của Beethoven) hoặc “Dốt như con bò mà làm nhạc sĩ hay sao?” (số VI của Tchaikovsky). Còn về các bài hòa thanh (do quá nhiều) thì làm... ca dao! Ví dụ:

Nốt 7 giải quyết về 3,

Nốt 3 về 1 hoặc là về 5,

Nốt 5 trở lại căn âm,

Bè bass lên 4 xuống 5, cũng tùy...

Kể ra học như tôi cũng kỳ, nhưng biết làm thế nào để có thể nuốt nổi cả một chương trình mà thầy Mao gọi là “đại học của đại học!” Nghĩa là học hết mọi môn: tác khúc, hòa thanh, phức điệu, nhạc khí, phối khí, phân tích tác phẩm và ngượng nhất là môn piano. Lý do: piano thì không cách nào giấu dốt khi trả bài. Mà trả bài cho ai? Toàn là những cô giáo cùng hoặc kém tuổi mình: Minh Thu, Lê Liên, Thái Thị Sâm...những đàn em của các “nhạc sĩ dốt nhất thế giới về nhạc” và cùng có tên trong cái gọi là “Association des compositeurs Vietnamiens”! Thôi, muốn “ấm vào thân” (hay khổ vào thân?) thì chẳng có cách nào khác là phải...cày, cày, và cày! Làm bài hòa thanh chưa xong đã sang bài tác khúc, sang bài phối khí. Ngoài ra, lo chạy gam, tập Méthode Rose, Hanon, Classiques favoris... để sau này còn có thể hòa thanh trên đàn, chấm dứt tình trạng hòa thanh bằng “vẽ” trên giấy.

Không phải sự quá tải trong chương trình học tập là cái cớ để bàn ra, bàn vào về mục đích lớp học kỹ thuật của ông giáo sư ngoài Đảng (Đảng Lao Động Triều Tiên) đã học tập và trưởng thành từ đất tư sản Nhật Bản! Đa số cho là học nhiều thứ “vô bổ”, không có tác dụng, nhất là đang có chủ trương “Hướng về Đại Đội, phục vụ Chiến Sĩ” nên đã có sự cố ý cắt xén những cái không thể học cho vào để mong đưa chuyên gia vào quỹ đạo... tù mù với các khẩu hiệu “Chính Trị là thống soái”, “Kỹ Thuật là con dao hai lưỡi” vv... và vv... Nhưng một số anh em, trong đó có tôi, thấy rõ đó là sự tự ái, mặc cảm của một số có quyền nhưng... dốt đặc, không muốn qua lớp học này lộ rõ chân tướng là đồ...óc bã đậu! Chẳng qua đã trót được đưa lên ngôi “nhạc sĩ”, mà là nhạc sĩ lãnh đạo, nhạc sĩ cấp trên, nhạc sĩ cốt cán nữa, nên không thể để bọn nhạc sĩ “không đáng tin cậy” kia nắm được “vũ khí bí mật nghề nghiệp” để sau này khó...trị! Những bộ mặt bẩn thỉu trong văn nghệ này ở đâu cũng có và chỉ cần có chỉ số thông minh của con... mèo thì ai cũng thấy! Tuy nhiên, nói ra để bảo vệ chân lý “cái dốt là kẻ thù” thì chẳng ai dám, kể cả những tay bạo miệng như tôi. Thôi thì “bắt phơi trần, phải phơi trần. Cho may ô cũng được phần may ô”. Cái hèn của lũ chúng tôi là ở đó, muốn có miếng cơm, manh áo phải biết nghĩ một đàng, làm một nẻo. Muốn tồn tại, dù tồn tại một cách nghèo hèn, phải biết...im mồm! Và muốn làm văn nghệ phải biết nói: “Chỉ thị cấp trên, chủ trương của Đảng vô cùng sáng suốt”!

Chẳng thế mà người ta dám viết trơ tráo trên giấy trắng mực đen “Sáu tháng không tập đàn (do đi về đại đội “3 cùng”) tôi thấy tiếng đàn của tôi càng hay hơn trước (?!) do thấu hiểu được tình yêu giai cấp nên tôi dồn cả tình yêu đó của tôi vào trong tiếng đàn!” Hoặc: “Có cần thiết không, khi phải học các thứ kỹ thuật giao hưởng phương Tây?” (quan niệm giao hưởng là của Tây), “Có cần thiết phải học ba cái “hòa thanh nhà thờ” không, khi Lê Nin đã dạy chúng ta “tôn giáo là... thuốc độc của loài người?”.

Còn nhiều điều ngớ ngẩn, điên khùng nữa mà nói ra chắc thế hệ con cháu sẽ cho là tôi... bịa! Bởi đã có một lần ở nhà ông bạn nhạc sĩ Trịnh Tuấn, cả hai ông bố đã bị các con của ông “phang” cho một gậy, sau khi nghe bọn tôi ôn lại vài chuyện ngớ ngẩn cũ: “Sao bố và các bác thời ấy hèn thế nhỉ?!” Đau hơn cả bị người dưng đánh, tôi đành ngậm nỗi đắng cay trả lời: “Đúng! Chỉ vì để hôm nay các cháu được đi học nước ngoài, có nhà cao, cửa rộng, nên bố cháu và các bác phải chịu Hèn như vậy đó! Riêng bác, nếu không vì gia đình thì hôm nay, bác sẽ về nước với danh hiệu ít nhất cũng bằng các ông Trần Văn Khê ([10]), Nguyễn Thiên Đạo ([11])... được đưa rước, đề cao, nịnh bợ tùm lum trên báo, đài, tivi! Đâu có trở thành một anh nhạc sĩ công chức, chuyên bảo đâu làm đấy để lúc về hưu, phải ôm cả đống tổng phổ, sách, đĩa “âm nhạc đích thực” mà chờ ngày mang chúng cùng xuống dưới mồ thế này?”

Trở lại cái lớp “đại học… học đại” năm 1958...

Chúng tôi đều háo hức với những hiểu biết cơ bản đầu tiên về âm nhạc nên anh nào anh nấy quên hết mọi khó khăn về gia đình, về trình độ (rất không đồng đều) để tranh thủ kiếm ở thầy dăm ba nốt. Điển hình nhất là anh chàng Nguyên Nhung. Từ một “nhạc sĩ quần chúng” vô danh ở đơn vị F.325, cậu ta được “chiếu cố” lần đầu tiên đi học. Mà học ngay vào những môn khó nuốt như Rondo, Variations, Sonate! Cứ như vịt nghe sấm! Vì vậy, Nguyên Nhung là một điển hình trong trắng, học đến đâu ghi sâu đến đấy. Ngoài giờ lên lớp của thầy, cậu ta còn phải tự ôn những mục sơ đẳng nhất của chương trình sơ cấp. Ví dụ: nhạc lý, ký, xướng âm và “trụ” được đến cuối khóa vào loại ... trung bình. Trái lại, có loại thứ hai là các vị “cái gì cũng biết một tí nhưng chẳng biết cái gì.” Họ học để biết chứ làm thì... không được! Hoặc... không muốn làm vì sợ lòi cái đuôi dốt! Kết quả là cuối khóa, chẳng có tác phẩm nào, dù nhỏ nhất trình làng. Còn loại “phục xuống mà viết” (cụm từ của Nhân Văn) trong đó có tôi thì kiên trì “moi” cho bằng hết chữ của thầy.


Chúng tôi thể nghiệm tất cả những gì đã được học. Bài làm nào cũng nộp thầy đầy đủ kể cả bài piano (sau khóa học tôi đã tiến đến Classiques favoris II) và tiến hành hòa thanh được trên đàn. Tôi ôm bụng (đau dạ dày nặng) mà làm bài. Tôi thức gần như thâu đêm suốt sáng cố viết bằng được một “cái gì đó” có thể gọi là âm nhạc thuần túy, “âm nhạc có học nhạc hẳn hoi” chứ không là thứ “nghêu ngao theo lời ca” hoặc “ngâm thơ có giai điệu, tiết tấu” như bấy lâu vẫn làm...Tôi bắt đầu có tư duy dàn nhạc đầu tiên (conception orchestrale) ngay sau khi học xong cách phối hợp các bộ gỗ, đồng, dây, gõ. Tôi hiểu ra thế nào là tư duy monodique và càng thấy sáng tác âm nhạc mà chỉ nghĩ được có cách hát lên, hát xuống một lời ca, nó lạc hậu đến chừng nào so với thế giới. Cái “cứu cánh văn học”, thậm chí quá nhiều lời ca, nhiều lý lẽ, kể cả triết học để ghép giai điệu vào, quả là đã kìm hãm sự phát triển khoa học của nghệ thuật âm nhạc Việt Nam mấy thế kỷ! Đáng buồn thay, khi ngồi viết những dòng này, viết về sự ngu dốt của một thời xa xưa đó thì bên tai tôi đang vang lên những thứ âm nhạc vô học y như thời xưa mà còn tồi tệ hơn ở lời ca mất dạy, giai điệu, tiết tấu ăn cắp của nước ngoài một cách công khai và trắng trợn!

Thì ra thời nào Đảng và Nhà Nước này đều sản sinh những tay trùm bịp bợm ở mọi lãnh vực! Chỉ cần chút “năng khiếu âm nhạc... ngoại lai”, với vài lời ca mùi mẫn, đắm say (giả vờ) hoặc dí dỏm, rẻ tiền là các “nhạc sĩ thời đại” có ngay một bài hát! Với phần đệm đã có sẵn trong đàn organ, với một ca sĩ có giọng khê khê, nhờ nhợ... có tác phong biểu diễn cóp-pi “Spice girls” là lập tức được một loạt “nhà phê bình” tung hô lên báo là “ngôi sao” là “siêu sao”, là “top nọ, tép kia” ngay, bất kể các “nhạc sĩ chuyên gia bậy bạ” kia nếu cho thi thử vào trường nhạc sơ cấp thì đảm bảo trượt 100%, vì...hầu hết đều...mù nhạc giỏi lắm chỉ biết ký âm sau khi nảy âm trên cây mandoline hoặc ghi-ta! Chuyện nhạc sĩ nghiệp dư, nói đúng là người làm bài hát nghiệp dư – chansonnier amateur, của thời chúng tôi cách đây nửa thế kỷ đến nay,1998, đang được lặp lại rộng hơn, thắng thế hơn và... kiếm ra tiền hơn ở cái “cơ chế thị trường” nửa dơi nửa chuột có cái đuôi lòng thòng “xã hội chủ nghĩa”.


Các nhạc sĩ chính gốc, viết được từ ca khúc đến giao hưởng, nhạc kịch... đang ngày càng mất chỗ đứng và sống trong tủi hận, nghèo túng. Không còn những cái tên Hoàng Vân, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Nam, Chu Minh, Tô Hải... trên “thị trường âm nhạc”. Thay thế là những cái tên chủ khách sạn, những cái tên cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội, đặc biệt là với những cái tên được Đảng giao cho nắm các “đầu ra” của âm nhạc thì các Ban Chấp Hàn –– được Đảng hủ hóa bằng “lợi” và “quyền” –– phóng tay kết nạp họ tùm lum vào Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, một tổ chức nghề nghiệp âm nhạc đông nhất thế giới! Điều này giải thích tại sao không mấy ai thực sự có tài, kể cả những anh em trẻ, muốn bén mảng đến “cái Hôi …cái Hè của Hội...Nhà Sí Việt Nam”, vào những năm cuối thế kỷ 20 này!

Tôi cũng phải nói thật về cái động cơ “học lấy chết” của tôi trong câu chuyện kể trên là hoàn toàn...cá nhân. Tôi muốn nhắc lại điều này thật rõ bởi lúc đó người ta dạy chúng tôi “học để phục vụ Đảng”, là điều Đảng luôn nhắc nhở tại các cuộc họp trong và ngoài chi bộ, vì Đảng đã đánh hơi thấy có xu hướng “học vì mình”, vì muốn thoát khỏi cái giáo điều “văn nghệ phục vụ công nông binh”. Chẳng ai dại mà nói ngược lại nhưng ai cũng biết cái thời “hát lên những khẩu hiệu” đã cáo chung. Muốn “làm nghề” phải có “nghề”. Mà nghề nhạc thì càng học càng thấy mình dốt và... liều! Ai đời một ông tướng như Hoàng Văn Thái, một kịch sĩ cải lương như Đào Mộng Long ([12]), một tù nhân chính trị như Nguyễn Ngọc Bạch ([13]), hàng ngày chỉ được nghe tiếng kèn clairon của lính khố xanh gác ngục rồi cũng được những kẻ bợ đỡ đôn lên thành “tác giả” những bài ca “lịch sử” mà giai điệu không thể vượt khỏi cái arpège Đô phát ra từ kèn clairon!.

Còn thời 1954-1960 với những yêu cầu mới, đối tượng mới, trình độ mới, với sự giao lưu dù chỉ hạn hẹp trong khối Xã Hội Chủ Nghĩa, kiểu hát unisson, đánh nhạc tutti từ đầu đến cuối (!?) làm sao có thể tồn tại?

Mặt khác, do tình hình thúc ép, người ta cũng phải tổ chức các đoàn nghệ thuật “ra vẻ chính qui” bằng cách sáp nhập hàng chục đoàn văn công nhỏ lại thành một đoàn lớn để...“lấy le” mà không biết là “cộng 100 thằng ngu lại không thể thành được... một người khôn!”

Mặc dầu rất sợ kỹ thuật (là “con dao hai lưỡi”!) nếu rơi vào tay những người không đáng tin cậy thì...lợi bất cập hại, người ta cũng đành phải nghe theo các cố vấn mà mời các “chuyên gia âm nhạc đỏ” vào để mở lớp đào tạo người sản xuất ra cái nuôi sống các đoàn văn công quân đội. Có đoàn lúc này quân số lên 100, 150 người mà vẫn dàn hàng ngang hát một bè Vì Nhân Dân Quên Mình, Hò Kéo Pháo, Chiến Thắng Điện Biên! Bên cạnh là mấy chục cây đàn, kèn trống tập hợp về mà chẳng ai biết hòa âm phối khí ra sao ngoài mấy bản “phối theo kiểu Parmentier” của mấy ông quản đội kèn bú-dích thời Pháp thuộc!

Tình trạng lạc hậu về âm nhạc hàng mấy thế kỷ so với thế giới, sau này về Sài Gòn, gặp các ông nhạc sĩ “tại chỗ”([14]) thì té ra các vị này được sống yên ổn trong thành cũng chẳng biết học ai, học ở đâu, vì Nhạc Viện Quốc Gia thời ông Thiệu không đào tạo môn sáng tác (composer)! Họ chỉ tự thỏa mãn với một số ca khúc “yêu đương”, “lỡ làng”, “thương nhớ”... hoặc cũng hò hét động viên quân đội “quốc gia” tiến ra sa trường tiêu diệt bọn Việt cộng khát máu! Vậy là lớp học về kỹ thuật âm nhạc chính quy đầu tiên của chúng tôi ra đời, không ít thì nhiều đã đánh thức được sự ngu dốt cực kỳ về âm nhạc của cả một thế hệ, nếu nói không ngoa!

Lúc này, các nhạc sĩ ngoài quân đội cũng đã tổ chức một lớp nhạc (chưa gọi là trường) chẳng ra sơ, trung, cao cấp gì để đào tạo những nhạc sĩ, nhạc công chưa hề được học...nhạc! Giảng viên là các ông Tô Vũ, Lê Yên, Doãn Mẫn ([15]), Phạm Văn Chừng ([16]), Phạm Ngữ ([17])... cũng chưa ai qua lớp nhạc nào ngoài sự... tự đọc (chứ chưa tự làm!) kể cả hiệu trưởng Tạ Phước ([18])! Cái lực lượng “kỹ thuật tự túc” này, ngoài đảng viên Lê Yên, tất cả đều... ngoài Đảng mãi cuối năm 1958 mới được bổ sung một chuyên gia âm nhạc cộng sản là Thỉnh Lệ Hồng, một học sinh mới tốt nghiệp Nhạc Viện Bắc Kinh! Đương nhiên chúng tôi trở thành nhân vật cốt cán, những “sĩ quan nhạc sĩ” của Đảng, được ưu tiên trang bị vũ khí để chiến đấu trên mặt trận âm nhạc, để làm âm nhạc theo đường lối... vô sản! Anh nào cũng biết là mình đang được trao một cơ hội để... phủ nhận mọi đường lối ngu dân xưa nay của Đảng, để tự trang bị những cái mà Đảng rất sợ sẽ trở thành vũ khí nguy hiểm có thể quay lại chống Đảng bất cứ lúc nào! Nhưng ai dám nói ra điều này, nếu không muốn tiêu cả cuộc đời? Vậy thì cứ học và cứ làm, cứ trang bị cho mình những gì có thể thanh thản nhận cái chức danh “nhạc sĩ”, không còn rụt rè, ngượng ngập.

Tất cả bọn tôi đều nghĩ giống nhau nhưng mãi sau này mới “xì” ra cho nhau biết nỗi lòng...“kệch cỡm” của mình! Tuy nhiên cũng có vài tên tuổi đến lớp là nhạc sĩ (dỏm), có động cơ thoạt đầu giống tôi, nhưng sau một thời gian, nuốt không trôi cái nghệ thuật phức tạp này, đã quay trở lại phê phán nó, phê phán cả thầy rồi đánh tơi bời những người mà họ cho là “kỹ thuật chủ nghĩa”, “ăn phải bả tư sản”... Bi kịch này đối với tôi là điển hình nhất cho sự nhỏ nhen của con người đối với con người.

Trở lại sự học của tôi, tôi được thầy Mao, thầy Triệu đặc biệt chú ý vì những lý do: 1) Tôi là người chăm chỉ, không bỏ sót bài tập tác khúc, hòa thanh, phối khí, phân tích tác phẩm nào và có lẽ còn do cái tính khác người là luôn thể nghiệm những gì mà thầy... chưa dạy! 2) Tôi luôn “moi” thầy, thậm chí đưa thầy đến thế bí phải mở sách ra xem mới giải đáp được! (Điều không ngờ là thầy rất... khoái khi gặp học trò ham biết cả những thứ không hề có ở bất cứ cuốn giáo khoa âm nhạc nào!)

Tôi còn nhớ, có lần tôi hỏi thầy Mao: “Vẫn biết quãng 5 song song là không tốt. Nhưng nếu tôi muốn diễn tả hai trái tim, hai cảm xúc đối lập nhau mà “cố tình” cho một đoạn nhạc cứ 2 “tông” tiến hành song song thì sao?”

Tôi được trả lời: “Một! Anh là người vô cùng sáng tạo. Hai! Anh phạm lỗi vì không làm nổi cái điều đơn giản nhất: Đó là chưa biết đi mà đã định...chạy! Và cuối cùng, anh có thể là một thằng... bịp vì anh đã phá luật trong khi chẳng hiểu luật là cái gì! Y hệt một tên khùng giữa đường mà đi, không quần áo mà cứ tưởng ta đây là số một!”

Tôi càng thấu hiểu thế nào là sự “tiêu hóa” trong học tập nghệ thuật âm nhạc. Học để sáng tạo chứ không phải học để sáng tác như...bài tập. Tôi càng thấm thía cái lắc đầu thương hại và chán nản của thầy Mao khi trả bài hòa thanh cho Vũ Trọng Hối và một bạn khác kèm theo câu “Tôi không thể bắt được một lỗi nào, không một vệt bút đỏ, nhưng tiếc rằng: đúng, đúng cả, nhưng... không hay!”

Chính các ý kiến vỡ lòng về cái “hay” trong nghệ thuật của thầy đã luôn thúc giục tôi: “Đã viết là viết sao cho không giống ai và cũng chẳng được phép giống chính mình”. Đó là một phương hướng, một tiêu chí hoàn toàn đúng. Chỉ tiếc nó không đúng ở nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và không đúng cho tới hôm nay, khi tôi viết những dòng này!

Mọi sự lặp lại, cóp-pi, thậm chí “thuổng” cả nhạc nước ngoài, nhạc trong nước, mọi sự nhai lại đến nhàm chán và trơ tráo, những “Em ơi! tình duyên lỡ làng”, những “tóc ướt, môi mềm, nụ hôn, yêu nhau đi chiều hôm tới rồi”... chẳng có lấy một xu sáng tạo, cứ ngang nhiên lặp đi, lặp lại, trâng tráo, tồi tệ hơn! Cái “cũ” mà lớp chúng tôi muốn bỏ đi từ cách đây 20, 30 năm, ngày nay lại được... đề cao, phổ biến, ca ngợi như...cái “mới”, được mấy nhà lý luận ba xu, mấy nhà báo vô văn hóa âm nhạc phóng lên thành “top này, top nọ” đến tận trời!

Bài học “làm nghề” đầu tiên đó mãi bây giờ vẫn là nỗi đau, sự nhức nhối, thậm chí nỗi căm giận mang xuống suối vàng không tan, bởi lẽ tôi luôn húc đầu vào tường để làm nhạc một cách... tử tế!

Tác phẩm đầu tiên “làm nghề tử tế” là cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy. Tôi liều mạng xông vào lãnh vực chưa nhạc sĩ nào ở Việt Nam dám làm hoặc... chưa đủ sức làm: Viết cho đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng! Thời điểm bắt đầu là giữa năm 1958, thời điểm mà ở Việt Nam chưa ai nhìn thấy cái dàn nhạc giao hưởng ra sao, gồm nhạc cụ gì! Còn các nhạc sĩ “chính hiệu” cũng chưa biết tờ giấy tổng phổ gồm bao nhiều dòng nữa! Bản thân tôi, khi bắt đầu phần phác thảo bằng piano cũng gặp không ít ý kiến bàn ngang, thậm chí có người cho là “viển vông, nói... phét!” Một số bạn bè thông cảm như Văn An, Nguyễn Văn Thương... thì khuyến khích nhiệt tình. Văn Chung còn nói: “Cứ viết đi, viết cho chúng nó biết tay!” Chẳng biết “chúng nó” mà Văn Chung định nói là ai ? Riêng tôi chẳng giấu diếm cái động cơ “Viết cho chúng nó biết tay” này với anh bạn cố tri luôn cười ra nước mắt Văn An: “Tao sẽ làm, chết cũng làm, chẳng mấy khi có thầy ra thầy.


Tội gì không “moi” cho hết những gì họ có!” Thế là tôi bắt đầu vào cuộc “phiêu lưu”, sáng tác một “tác phẩm âm nhạc cho ra âm nhạc”. Mới đầu chỉ là một hợp xướng 3 đoạn kép đệm bằng dàn nhạc giao hưởng. Tất cả tích lũy suốt trên mười năm làm lính, những cảm xúc dồn nén không có cách gì giãi bầy lên khuông nhạc hơn một số ca khúc đã viết (do không có kỹ thuật, không được học hành âm nhạc tử tế) tôi tập hợp lại trong một chương Tiếng Hát Biên Cương với một Introduction bằng dàn nhạc gần bằng bài hợp xướng (!). Khi đưa phác thảo tới thầy thì thầy phê: “Đầu to, đít bé!” Nội dung thì thầy phán: “Quá nhiều vấn đề, quá nhiều chủ đề âm nhạc! Tất cả đều chưa được phát triển, mới trình bày đã vội...hết rồi!” Thầy khuyên: “Nếu có quyết tâm và thời gian thì nên xử dụng hình thức cantate, nghĩa là dàn nhạc không chỉ còn là đệm nữa, hợp xướng cũng “nói”, dàn nhạc cũng “nói”. Bằng không thì biến cái Introduction thành một Ouverture viết cho dàn nhạc. Còn phần hợp xướng chỉ là một chủ đề Trên Đường Biên Giới mà chủ đề âm nhạc (sau này thành chương II) chỉ gói gọn trong đoàn người và ngựa đang leo đèo lội suối biên cương thôi. Bằng không sẽ là “nhiều cái lọ đựng toàn nước hoa nguyên chất (!) nhưng do pha loãng vào đủ thứ chai, thứ lọ, thứ vại, thứ chậu không phù hợp nên chẳng phân biệt mùi gì ra mùi gì!”

Sau đó thầy còn đưa ra một số những “chai đầy nước hoa nguyên chất” –– gọi bằng cái tên không có trong khúc thức học là “trường ca” –– và nói: “Đây là do bí kỹ thuật nên người viết không biết phát triển ra sao, đành chuyển sang chủ đề khác, nhịp điệu, tiết tấu khác, hoặc để có vẻ có “tay nghề” hơn là chuyển sang điệu thức khác. Rốt cuộc “chưa... ngửi được hương thơm thứ nhất đã phải ngửi mùi thứ 2, thứ 3, thứ 4”...

Trở về nhà, tôi đứng trước lựa chọn: Làm lại từ đầu hay bỏ cuộc! Cuối cùng, tiếc rẻ đoạn nhạc không lời mở đầu, tôi quyết định giữ lại đoạn mở đầu của dàn nhạc vì nó là tất cả tư duy dàn nhạc đầu tiên trong đời sáng tác âm nhạc của tôi, ở đó tôi đã xử dụng tiết tấu, nhịp điệu 5/4 của cồng chiêng thuở Nụ Cười Sơn Cước năm nào. Phần tả cảnh, tôi dùng dàn nhạc. Phần tả tình, tôi dùng hợp xướng và đơn ca. Nhưng để có được yêu cầu đối tỷ, cuối cùng từ ba chương tôi đã gồng mình viết thành bốn chương nhạc. Để đỡ “điều ong tiếng ve”, tôi đã bí mật làm việc không kể giờ giấc, có khi thức trắng 3, 4 đêm liền. Tôi quên hết mọi hoàn cảnh khó khăn, gia đình, vợ con để vừa hoàn thành yêu cầu của lớp học, vừa khó khăn chấm từng nốt nhạc cho từng chiếc sáo, chiếc kèn, cây đàn, chiếc trống to, trống bé... Sáng tác lúc này đối với tôi là cả một quá trình thực hành các bài học một cách... không giống những gì thầy đã dạy. Vấn đề phát triển chủ đề âm nhạc luôn là bài toán khó nhất đối với nhạc sĩ chỉ viết ca khúc như tôi. Tôi đã có sáng kiến kết hợp giữa bài nghiêm chỉnh và “không nghiêm chỉnh” để nộp cho thầy. Nghĩa là người khác làm một thì tôi phải làm 2 hoặc 3, 4... để thầy góp ý và khi thầy gật gù khen “Khá, khá!” là tôi hí hửng về nhà thể hiện ngay trên tổng phổ quên ăn quên ngủ.

Cặm cụi, mê say như thế suốt 4 tháng vừa học vừa làm, tôi hoàn thành 4 chương hợp xướng khi thầy kết thúc khoa mục viết cho giọng người. Cái khó là lời ca trước kia vốn dễ ợt với tôi vì chỉ viết cho một giai điệu thì nay khi viết cho nhiều bè, đối vị, phức điệu, giải quyết thế nào thì thầy... cũng chịu vì ở nước thầy lời ca không cần chú ý đến sắc, huyền, hỏi, ngã. Còn ở ta lắm bè có nghĩa là có bè sẽ hát là “hải quân”, có bè sẽ hát là “hài quân” và có bè sẽ hát là...“hai quần”! Tôi đã thử nghiệm cách tìm những lời có nguyên âm giống nhau, dù khác nghĩa. Ví dụ: Bè một là “nơi xa” thì bè hai có thể là “lời ca”, bè ba có thể là “sỏi đá”. Sáng kiến này được anh chị em hát bè phụ hoan nghênh vì họ không còn bị gọi là các “ông bà Tây hát tiếng ta” (do hát sai dấu). Tuy nhiên dù đã trình bày và “nghiệm thu” cuối khóa thì từ đó đến nay... chẳng có ai áp dụng! Lý do đơn giản là hợp xướng đã hết tồn tại và người viết hợp xướng chẳng còn ai muốn phí sức khi âm nhạc chỉ là... đơn ca (nữ là chủ yếu) và phần đệm chỉ còn ghi-ta, oọc, bass và trống! Chao ôi! Nghĩ đến bước phát triển thụt lùi của âm nhạc Việt Nam mà muốn thét lên một tiếng căm hờn và đau đớn! Dù sao, nếu bắt tôi sống lại những năm 1957-1958-1959, tôi vẫn “phủ phục xuống” mà viết, mà chấm chấm, gạch gạch từng mesure trên tờ tổng phổ 24 khuông nhạc như ngày nào, dù cái thời phải dán mấy tờ giấy viết ca khúc lại để làm tổng phổ đã qua rồi.

Tôi vẫn tiếp tục lao động âm nhạc thực sự như những ngày đầu được bước đến thềm của nghệ thuật âm nhạc đích thực! Tôi sẽ vẫn thả hồn trong từng mesure tổng phổ, vẫn tưởng tượng ra khi bộ dây mô phỏng vó ngựa biên cương thì bộ đồng nổi lên tiếng kèn thôi thúc lên đường, khi bộ gỗ gợi lên bề sâu tâm hồn thì bộ gõ sẽ mô phỏng nhịp điệu, tiết tấu của tiếng chân ngựa nặng nhọc leo đèo, vượt dốc... Niềm vui chưa từng có của tôi chính là khi nhìn thấy từng mảng, từng mảng tư duy âm nhạc của mình hiện dần lên trên từng mesure, từng trang giấy tổng phổ... rồi cứ vang lên, vang lên như đã được dàn dựng ở trong đầu. Toàn bộ năng lượng, trí tuệ, sức tưởng tượng đúng là phải đổ ra gấp 10, gấp 100 lần khi chỉ tư duy cho một thứ “lời ca được ngâm lên theo kiểu mới”, như trước kia. Tôi đâu biết là đang được dẫn vào con đường đầy hiểm nguy gai góc: Con đường âm nhạc chính thống, âm nhạc bác học, một thứ âm nhạc mà đáng lẽ tôi phải được trang bị trước khi trở thành thứ “nhạc sĩ tự nhiên chủ nghĩa” hiếm thấy trên thế giới này!

Vâng! Tôi đang bước đến con đường xa lạ với đường lối của Đảng, xa lạ với trình độ quần chúng và xa lạ ngay cả với...nhạc sĩ nữa! Tôi đang là đối tượng “có vấn đề ” của các nhà “nhạc sĩ cầm quyền”. Họ rất sợ những gì mà tôi đang học, đang làm, nhưng không sao ngăn tôi được vì chính họ mở ra lớp nhạc để giao “vũ khí kỹ thuật cho giai cấp công nhân, cho đảng viên” mà tôi là một đại diện được lựa chọn đúng tiêu chuẩn!

Thế là, mặc dù góp ý “xây dựng” nhiều lần trong chi bộ về động cơ học tập, về thái độ học tập, về tư tưởng “kỹ thuật tư sản thuần túy”, về tư tưởng “thiếu quan điểm quần chúng” trong sáng tác của tôi, cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy, tác phẩm âm nhạc đầu tay của tôi, có thể gọi chính thức như thế, lặng lẽ ra đời trong sự thờ ơ của nhiều ông lãnh đạo. May thay, giữa lúc này (1958-1959) cái khẩu hiệu “tiến dần lên chính quy hiện đại” trong quân đội là lá bùa hộ mệnh cho tôi và những người ủng hộ. Hơn nữa, hai chuyên gia do đảng và nhà nước Triều Tiên của “Kim tướng quân vĩ đại” cử sang Việt Nam, giúp nhạc sĩ chúng tôi tiến lên chính quy và hiện đại không lẽ chỉ để dạy có một món...ca khúc? Mà ca khúc thì, xin lỗi, chúng tôi thừa sức dạy cho các thầy (vì có lý thuyết nào, kỹ thuật nào của ca khúc là đúng nhất, hay nhất, với mọi người, mọi dân tộc, mọi thời đại?). Đồng thời sự tập hợp cả trăm diễn viên, nhạc công, ca sĩ thành những đoàn văn công lớn đang tạo ra bệnh...đói tiết mục, đói kỹ thuật để tồn tại. Họ đang chờ sáng tác của lớp nhạc sĩ được học để làm nghề đầu tiên ở Việt Nam.

Cũng phải nói thêm về công ơn của nhiều anh em “nhạc sĩ biết điều” và sự đòi hỏi không thể từ chối của các chuyên gia: Họ muốn có một cái gì tương đối ra trò để báo cáo kết quả học tập cuối khóa, báo cáo với hai Đảng và hai Bác vĩ đại. Thế là tác phẩm báo cáo của tôi cứ thế mà “phình” thêm ra! Mới đầu là 3, sau thành 4 chương. Còn dàn nhạc thì tôi cứ viết cho đầy đủ giao hưởng hai quản... biên chế đúng như sách! Bộ đồng thiếu thì mượn quân nhạc, bộ gỗ, bộ dây, ai không đánh được, thổi được thì cứ việc...oéc! oéc!...không sao! Nguồn bổ sung nhạc công lúc ấy như contre basse, cello, cordeo thì lớp nhạc cụ do ông Trần Du đã có công lớn đào tạo cấp tốc. Tội nghiệp cây violon này sau chẳng còn ai nhắc tới! Chỉ huy Triệu Đại Nguyên, chuyên gia, đảng viên của Triều Tiên chạy đôn chạy đáo vận động các cấp ra chỉ thị cho tập trung về 19 Lý Nam Đế đủ biên chế dàn nhạc mà tổng phổ của tôi yêu cầu! Có thể nói chưa bao giờ tôi được “Viết đến đâu, phối đến đâu, dàn dựng đến đó” như thế.

Và ngày ra mắt “nội bộ” tại Thư Viện Trung Ương để xét duyệt đã đến. Kết quả thật bất ngờ! Mặc cho những ý kiến không có thiện chí, Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy được nhiệt liệt hoan nghênh! Có lẽ đây là lần đầu được “xem” một dàn hợp xướng với dàn nhạc lớn và đông người như vậy chăng? Tôi ngồi ở cuối phòng để nghe hiệu quả của hòa thanh 4, 6 bè hát, nghe hiệu quả cụ thể của sự phối hợp đồng, gỗ, dây, gõ... do chính tôi lần đầu tiên viết ra mà rưng rưng nước mắt.

Không phải tôi cảm động vì đã làm được một việc tưởng như không bao giờ có thể làm được. Tôi khóc vì tủi thân, vì nỗi uất ức và cả sự căm thù cái hệ tư tưởng bẩn thỉu của một số kẻ muốn giết tác phẩm ngay trong trứng nước, họ đang ngồi kia, trên hàng ghế đầu để “duyệt” những cái mà họ... chẳng hiểu mô tê gì cả. Tôi căm thù cái bọn cũng mang danh nghệ sĩ nhưng ... sợ kẻ khác giỏi hơn mình, có tác phẩm được hoan nghênh hơn mình. Tôi cũng nghĩ tới những tháng không một xu dính túi, cơm tập thể, áo quần hai bộ, nhịn đói, nhịn khát, thức suốt đêm để chấm cho được một trang tổng phổ, dạ dày đau quằn quại... Còn ở Khu IV xa xôi, vợ tôi lại cho ra đời thêm đứa con thứ ba cũng không một xu dính túi, không một chính sách nào cho diễn viên cả!

Quả là tôi đã làm một việc tự đánh giá mình bằng cái giá cực đắt, cái giá phải trả mãi nhiều năm sau...“Tác phẩm đầu tay” của tôi vậy là đã được hoan nghênh, hoan nghênh trước hết bởi người “xét duyệt” mà quan trọng nhất trong đêm đó có hai nhân vật Hoàng Văn Hoan ([19]) và Nguyễn Chí Thanh. Cả hai ông đều mê văn nghệ...mỗi người một kiểu! Nói cách khác là mỗi ông một “gu” chẳng giống nhau mà cũng...chẳng giống ai. Tôi đã nghe mấy ông lớn cãi nhau đến khản cổ về việc “nên duy trì hay nên khai tử” vở chèo Lưu Bình Dương Lễ của đoàn chèo Tổng Cục Chính Trị mới thành lập dưới sự lãnh đạo nghệ thuật của Cao Kim Điển. Số là cửa sổ phòng làm việc (nhà 11 Lý Nam Đế) của ông Lê Chưởng ([20]), chủ nhiệm chính trị, người lãnh đạo trực tiếp chúng tôi, chỉ cách phòng tôi, 13 Lý Nam Đế, chưa đầy 5 mét.

Mọi sự tranh luận nghe đến tức cười như “Đưa vợ đi giúp bạn kiểu Lưu Bình-Dương Lễ là...coi thường phụ nữ, là khuyến khích chế độ đa thê” vv... cứ vô tình lọt qua tai tôi khiến tôi càng ngạc nhiên và... tức cười về những quan niệm thiếu văn hóa của họ. Vậy mà họ vẫn có thể “khai tử” hoặc “cho lên mây” cả một loạt con người, một loạt tác phẩm chỉ bằng cái lắc hoặc gật đầu. Và, chính tôi đang hồi hộp chờ đợi sự phán xét tác phẩm âm nhạc đầu tay của mình bởi những người chẳng có tư cách gì, chẳng hiểu biết tối thiểu để cho phép nó được ra đời hay đem... chôn sống nó! Một tuần chờ đợi lo âu vì các dư luận không thiện chí làm tôi phát điên. Nào là “Hát gì mà chẳng nghe thấy lời! Chỉ được cái to và dài, còn nội dung nửa cách mạng, nửa tiểu tư sản”... Tệ hơn có ý kiến nội bộ cho đây là “tư tưởng thành tích” của mấy chuyên gia “có vấn đề”.

Cuối cùng, chương trình đêm kỷ niệm 15 năm thành lập Quân Đội 22/12/1959 được quyết định! Cả Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy lẫn Qua Sông Lại Nhớ Con Đò của Tô Hải đều được duyệt! Tiết mục “đinh” sẽ là Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy! Mãi sau này nó vẫn là “đinh” của đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị, vẫn là “tiết mục yêu cầu” của các buổi phát thanh. Tôi nhận được nhiều lời khen của đồng nghiệp, nhất là của các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo. Có đơn vị còn đề nghị tặng huân chương ngay cho tác giả vì đã “nói đúng nỗi lòng và niềm tự hào của họ”. Nhưng đặc biệt là nhiều kẻ “không có gì để vượt lên”([21]) đã ra tay tìm cách hạn chế bớt sự ồn ào của việc xuất hiện một tác phẩm “đề cao uy tín” cho một thằng “đầy tư tưởng cá nhân, tự kiêu, tự đại, coi thường mọi người”... là tôi! Và, việc “triệt” tôi bắt đầu ngay đêm ra mắt tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đêm đó là đêm diễn long trọng nhất, có nhiều cấp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước dự, huy động nhiều đoàn nghệ thuật quân đội và nhân dân tham gia nhất, nhưng không một tác giả nào được mời (thời đó chưa có “lệ” bán vé). Trước sự coi thường chất xám đến vô văn hóa như thế, một loạt tác giả đã phản ứng và cuối cùng được phát cho một vé... không số (nghĩa là đến “chuồng gà” cũng không). Nhiều anh em chấp nhận nhưng tôi kiên quyết ở nhà! Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu đêm đó tôi cứ nằm mà nghĩ tới thân phận của một “người lính viết thuê”, nghĩ tới số phận của Moussorgsky ([22]) không có được bộ đồ để vào nhà hát dự buổi ra mắt tác phẩm Boris Godunov của mình mà... giận hờn đến ứa máu mắt! Chẳng ai thèm để ý đến tác giả của đêm biểu diễn từ lâu đã thành chuyện “chẳng có gì mà ầm ỹ”.

Nhưng, chuyện động trời đã xảy ra: khoảng 7 giờ tối, có tiếng ô tô phanh kít ở ngoài cổng 13 Lý Nam Đế. Chuyên gia Mao Vĩnh Nhất hộc tốc chạy lên gác cùng phiên dịch Hà Huy Hiền. Ông như nổi điên khi biết “học trò cưng” của ông không được phép đến dự buổi ra mắt chính thức tác phẩm đầu tay của mình và là “đinh” của đêm biểu diễn. Vì thế, ông bỏ ra về giữa lúc các quan chức đang chúc mừng hai ông thầy có “công lớn” trong đêm biểu diễn qui mô và đồ sộ nhất từ trước đến nay. Một việc làm mà sau này chính ông phải trả giá khi về nước: Ông bị thanh trừng cùng hàng loạt văn nghệ sĩ có tư tưởng tư sản, chống đối lãnh đạo, kể cả chống đối lãnh đạo Việt Nam. Việc này mãi ba năm sau, khi vợ ông, một diễn viên đơn ca, sang biểu diễn tại Việt Nam, tôi đến thăm để gửi cho ông một số xuất bản phẩm có bàn tay ông giúp sức, tôi mới biết. Cơn giận dữ, nhất là những câu chửi bới của ông, mà người phiên dịch chỉ dám tóm tắt lại cho tôi, đã làm tôi dịu hẳn nỗi hờn giận và cảm thấy trách nhiệm của mình trước sự vắng mặt của hai người đã góp sức cho toàn bộ chương trình ca nhạc của đêm biểu diễn long trọng này. Thế là tôi nài nỉ thầy về lại nhà hát vì vắng thầy hôm nay rất không có lợi...cho đứa học trò, nhất là họ biết thầy bỏ nhà hát chỉ vì học trò của thầy không có vé mời, sau đó lại rủ trò đi ăn phở Tạ Hiền nữa thì...nguy to! Trước mắt là nguy to cho tôi! Họ sẽ không bỏ lỡ cơ hội ghép cho tôi cái tội lôi kéo ông thầy “thiếu lập trường” này phản ứng với tổ chức thì... khốn!

Cuối cùng, chính anh phiên dịch Hà Huy Hiền (sau này cũng trở thành nhạc sĩ hội viên Hội Âm Nhạc Việt Nam do nắm rất vững các thứ lý thuyết về âm nhạc qua lớp phiên dịch) đã đề nghị một biện pháp giải quyết là anh nhường vé có số bên cạnh thầy cho tôi, còn anh vào nhà hát bằng vé không số! Có điều là thầy sẽ chỉ còn cách... “im lặng” khi giao tiếp vì đã mất người phiên dịch. Tôi tự ái, không chịu nhận đi bằng chiếc vé không phải của mình, còn thầy cũng “hạ hỏa” sau khi nghe tôi phân tích sự bất lợi nếu hôm nay có đủ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Quân Đội mà thầy lại bỏ ra về. Không thể gọi là gì khác một thái độ “phản ứng trong quan hệ quốc tế!”

Kết cục, thầy kéo tay tôi thẳng ra xe, chấp nhận giải pháp của Hà Huy Hiền. Tuy nhiên thầy vẫn lầu bầu “Tôi sẽ nói thẳng với ông Võ Nguyên Giáp về cái chuyện coi thường văn nghệ sĩ cực kỳ vô lý này!” Trong xe, tôi cùng Hiền cố nói để thầy rõ ở cái xứ này, chuyện đó là chuyện thường. Quyền lợi và địa vị của một tác giả chẳng là gì. Thầy nói ra chỉ khổ cho tôi sau khi thầy về nước. Họ sẽ “trần” tôi ra trò, cho là do tôi kêu ca phàn nàn với chuyên gia để ông phản ứng...Thầy Mao đành đồng ý.

Tôi tới nhà hát đúng lúc mở màn, đèn dưới khán giả đã tắt, thầy và tôi đi thẳng lên hàng ghế A, hai chỗ dành riêng cho chuyên gia và phiên dịch còn đó. Chúng tôi ngồi xuống giữa lúc chỉ huy Triệu Đại Nguyên bước ra sân khấu sau lời giới thiệu của Hồng Ngọc về cantate Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy của tôi. Thú thật, tôi hoàn toàn phân tán tư tưởng, chẳng hiểu nổi những gì diễn ra trên sân khấu. Đầu óc tôi chỉ nghĩ về hậu quả của việc xảy ra sau khi họ phát hiện vì sao tôi lại có giấy mời để được ngồi ở hàng ghế đầu, dành cho toàn các ông kễnh và chuyên gia, đại sứ các nước bạn? Nói dại nếu có một vụ nổ lựu đạn, có lẽ thủ phạm không ai khác là kẻ đã lén lút chui vào được cái nhà hát không dành cho những kẻ như tôi. Giờ giải lao, các chuyên gia được mời lên phòng gương nghỉ ngơi xơi nước thì tôi lang thang ngoài hành lang gặp gỡ diễn viên, bè bạn, đồng nghiệp. Tất cả đều chúc mừng sự thành công của cantate bằng lời lẽ nhiệt tình đôi khi... hơi quá đáng! Sự thật một phần do anh em yêu mến tôi, một phần vì chưa bao giờ được nghe một tác phẩm của “ta” tương đối có qui mô, huy động đông đảo diễn viên đến thế. Chính những lời khen “bốc” quá này, cùng hàng loạt thư và đề nghị sau này của chuyên gia, của nhạc sĩ, nhất là của các đơn vị biên phòng với Cục Tuyên Huấn nên tặng huân chương hạng này, hạng kia cho tác giả...đã báo hiệu một tương lai khốn nạn đang chờ tôi!

Lý do khó tránh nổi cuộc chiến “khỉ vặt lông khỉ” trong đó những con đười ươi to đùng ác độc sẽ chẳng tha cho những con khỉ nhãi ranh như tôi vì bỗng được đề cao Khôn thì sống mà chống thì chết! Thế thôi! Và tôi không còn cách nào khác để thoát khỏi lời của cụ Nguyễn Du: “Chữ tài liền với chữ tai một vần... ” ngoài cách chọn con đường tiếp tục...hèn! Tôi kệ cho chi bộ phê phán đủ thứ “tội” sau đêm biểu diễn định mệnh đó. Nào “coi thường cấp trên”, “coi mình là cái rốn vũ trụ”, “cố tình có mặt trên hàng đầu để tự đề cao”, nặng hơn là...coi thường tổ chức. Một số tay, mà trời bắt chết sớm cả, bắt đầu “chiến dịch xóa bỏ sự “hiện hữu vô ích” của tác phẩm này với ý kiến thật... “thực tế và thuyết phục”. Ví dụ: Sau ngày tổng kết này, khi các diễn viên, nhạc công trở về đơn vị, Tiếng Hát Người Chiến Sĩ Biên Thùy sẽ... chết!

Điều này có cái đúng ở thời điểm 1959...

Việt Nam đứng giữa hai con đường cộng sản khác nhau như nước với lửa, thù nhau còn hơn thù đế quốc. Liên Xô sau Đại Hội 20 chống sùng bái cá nhân, các nhà văn, nhà thơ trước bị coi là lãng mạn “tư sản” được phục hồi, các bộ phim chống chiến tranh ca ngợi hoà bình được chiếu. Ở bên Tầu, Shakespeare, Beethoven, Chopin...bị lên án, tượng phết sơn xanh đỏ tím vàng, khoác quần áo thật, lắp mắt thuỷ tinh được coi là có “nhân dân tính”, “đảng tính”. Cuộc cách mạng văn hóa đang báo hiệu sẽ ác liệt và...tàn bạo hơn cả cải cách ruộng đất. Người ta đưa nghệ sĩ, giáo sư...ra đấu tố thậm chí đánh gãy tay người pianist giỏi nhất Trung Quốc vì chơi “toàn tác phẩm phục vụ vua chúa” của Beethoven, Mozart!!!

Ở các nước xã hội chủ nghĩa Triều Tiên, Liên Xô, Albanie, Roumanie.., không kể Nam Tư, mỗi đảng theo một đường riêng, chẳng ai giống ai mà ai cũng cho mình là đúng!. Ở Việt Nam, với các nhà “lý luận dựa hơi” người khác, tất nhiên cũng có 2, 3, 4 kiểu “cách mạng”, cái nào cũng “triệt để nhất”. Người ta mời các chuyên gia đến để đưa văn nghệ tiến lên chính qui hiện đại, đồng thời đưa các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ xuống đơn vị, về nông thôn để... “cải tạo tư tưởng”!

Trong thực tế, điều đáng sợ nhất với những người lãnh đạo văn nghệ là việc học hỏi tử tế, đi sâu vào nghệ thuật chân chính, đúng là nghệ thuật, sẽ làm lòi ra một số vô tài bất tướng, không đủ trình độ tối thiểu tiếp thu cái mới. Bọn này luôn dè bỉu những gì là khoa học, là tiến bộ và cái bùa hộ mệnh của họ là “quan điểm lập trường”, “tất cả phải vì nhân dân lao động”, “chính trị là thống soái”... Bọn họ chỉ chờ cái gật hoặc lắc của cấp trên là lập tức phát lệnh tấn công bất cứ những gì là văn hóa!

Viết một bản nhạc, vẽ một bức tranh chẳng khác mở một hàng phở, một cửa hàng may! Anh thợ may thuê thêm vài thợ bạn làm với mình có thể bị dán nhãn hiệu “tư sản bóc lột” thì vẽ một cô thiếu nữ đầy đủ áo quần, nhưng có những đường cong của thân hình, viết bản nhạc không lời với một giai điệu trữ tình rất có thể sẽ lãnh tai hoạ. Những cụm từ “kỹ thuật tư sản”, “thiếu tính Đảng, tính nhân dân”, tính quần chúng, tính chiến đấu” và cả một lô thứ “thiếu” khác trở thành những lời kết án mà người ta hăng hái bịa đặt ra để diệt nhau, đạp lên xác nhau mà leo lên địa vị cao hơn. Vậy mà tôi đã viết một tác phẩm đủ các thứ...“thiếu”: Thiếu quan điểm quần chúng” (vì không ai hát được), “sặc mùi tiểu tư sản”, “kỹ thuật thuần túy” (vì khó hiểu, khó nghe, lắm bè bối, ầm ỹ)... Cái đáng chết nhất dành cho tôi là cả một chương nhạc sặc mùi Nụ Cười Sơn Cước với giai điệu “nặng mùi tiểu tư sản, không phản ảnh đúng tâm trạng chiến sĩ nơi biên cương!”

Ông Lê Quang Đạo ([23]), phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị lúc ấy trực tiếp hỏi tôi giữa một hội nghị tuyên huấn toàn quân: “Nếu điều anh về đơn vị biên phòng anh có vui vẻ nhận nhiệm vụ không?” Tôi đã trả lời không sợ hãi: “Thưa đồng chí, là nhạc sĩ làm sao tôi có thể nhận cái nghề không phải nghề của tôi! Tôi đâu biết bắn người bằng súng đạn? Tôi chỉ biết bắn người bằng...âm nhạc thôi!” Ông ta nói giữa hội nghị: “Đó! Làm sao có thể nói trung thực tâm tình người lính khi không dám nhận làm người lính! Vì thế, cái chương 3 của đồng chí Tô Hải nói lên tình cảm của một anh văn nghệ tiểu tư sản tự bịa ra thôi chứ đâu phải tư tưởng và suy nghĩ của anh chiến sĩ biên phòng!” Tôi muốn nổi khùng lên để nói thẳng rằng ông là đồ ngu dốt, và ngu dốt đến mức có thể bảo Victor Hugo chỉ viết được Les Misérables với điều kiện phải làm nghề của Jean Valjean hay Ténardier...Nhưng tôi lại im lặng một cách hèn nhát vì...“chống là...chết!” Và chỉ với câu nói vừa nêu, tôi cũng biết số phận nào sẽ dành cho tôi những ngày sắp tới. Đó là việc chi bộ biểu quyết không thể để tôi ở lại Tổng Cục như yêu cầu mới đầu nữa! Lý do ở lại Hà Nội, Tô Hải sẽ “chết” vì tính tự cao tự đại, tự nọ, tự kia...Hơn nữa, cần tăng cường cho một đoàn văn công mũi nhọn đầu cầu giới tuyến, Đoàn Quân Khu IV, mới thành lập ở khu giới tuyến quân sự tạm thời do 4 đoàn 308, 367, 325, Tư Lệnh IV cộng lại với nhau để trở thành một đoàn mạnh. Nơi này đang rất cần sự đóng góp của Tô Hải!

Sự phân tích “ưu ái” của chi bộ cùng những lời đe dọa kỷ luật Đảng của ông bí thư Vũ Trọng Hối, ông Chính Hữu ([24]), trưởng phòng văn nghệ chuyển đạt ý kiến của Tổng Cục Chính Trị phá tan giấc mộng trở thành nhạc sĩ sáng tác chính hiệu sau 18 tháng dùi mài kinh sử của tôi. Từ đây, tôi bị dồn vào cuộc chiến để tồn tại, cuộc chiến với hàng loạt tư tưởng, đường lối phản nghệ thuật, với sự ngu dốt và nguy hiểm nhất là với bọn cơ hội luôn bám những điều duy ý chí để kiếm lợi trong lúc chính họ thừa biết về cái đất Khu IV nổi tiếng với những cuộc thanh trừng không thương tiếc là... giết Tô Hải cả về sự nghiệp lẫn con người! Sau nhiều cuộc vận động, gặp gỡ những người có thể giúp tôi tiếp tục hành nghề một cách tử tế, không kết quả hoặc chỉ nhận được lời hứa:“Sẽ nghiên cứu”...tôi đành vác ba lô lên đường. Ấy là chưa kể một buổi kiểm điểm về tội “vô tổ chức” vì đã đi báo cáo với các cấp lãnh đạo... ngoài quân đội! Tất cả những gì tôi trình bày một cách “có tổ chức” với những người lãnh đạo cao nhất về văn nghệ do Đảng cử ra đều biến thành... vô tổ chức!

Lại một bài học nữa về sự “dân chủ” trong Đảng! Một kế hoạch “phá xiềng” trong tôi đã hình thành. Tôi sẽ tự giải phóng. Trước tiên là phải giải phóng khỏi cái danh hiệu “đảng viên” khốn khổ khốn nạn để không còn bị ràng buộc trách nhiệm gì trước cái tổ chức lúc nhúc những tên muốn cản mình làm nghề. Tôi sẽ tiếp tục viết, viết tử tế, tiếp tục gửi tác phẩm đến những nơi có thể “xài” được tác phẩm của tôi, không nhận bất cứ một nhiệm vụ gì có thể chiếm hết thời gian như đoàn trưởng, đoàn phó, chỉ đạo nghệ thuật vv...Tóm lại, tôi quyết phải ra khỏi quân đội, ra khỏi Đảng càng sớm càng tốt để có thể... “Cho chúng mày biết tay ông!”

Kể ra tôi quá ngây thơ và liều lĩnh khi tin ở cái “vốn” mới có của mình, tin ở sự giúp đỡ chí tình của bạn bè, của vài vị lãnh đạo mà sau này cũng suýt...“mất hết” trong số đó, ông Lê Liêm thì... mất sạch!

Tôi mang niềm tin sắt đá là sẽ làm nên sự nghiệp ở cái đất nổi tiếng thù ghét những gì là “phi nông dân”, tin ở câu “hữu sạ tự nhiên hương”! Cứ tưởng cái tài mọn mới có sẽ giúp tôi, chẳng cần Đảng, chẳng cần đồng lương trung úy khốn nạn, cũng có thể sống phây phây như các họa sĩ Trần Đông Lương, Phan Thông, Bùi Xuân Phái...

Một liều ba bảy cũng liều, vì võ khí chiến đấu với cái ...nồi cơm tôi đã có trong tay! Trước mắt, hãy về thăm vợ con! Và với số tiền kha khá, lần đầu tiên kiếm được do Đài Tiếng Nói Việt Nam trả nhuận bút cho các tác phẩm tôi viết trong gần hai năm học ở Hà Nội, tôi lên đường về khu IV...

Tôi không dự đoán hết được về những gì sẽ chờ tôi, về những mưu mô hiểm độc quyết “khử” tôi, có chỉ đạo, có tổ chức đang giăng bẫy tiêu diệt ít nhất ý chí của tôi, thậm chí dùng kỷ luật thép quân đội “đầy” tôi xuống một đơn vị chiến đấu để chết mất xác! Kết quả cuộc đụng độ không cân sức giữa tôi và lực lượng cơ hội vô văn hóa, vô văn nghệ bậc nhất đương nhiên đã rõ. Người thua, người đầu hàng một cách hèn kém phải là... tôi!

Chân lý lại một lần nữa bị chà đạp bởi cái đa số “ba bị”, ngu si và im lặng... để tôi sẽ phải đau đớn nhận thêm những trang đời tủi nhục.



____

([1]) Tên gọi những gì cướp được của địa chủ bị đấu.

([2]) Nguyễn Đức Toàn (1929), nhạc sĩ, hoạ sĩ, đại tá QĐNDVN.

([3]) Lương Ngọc Trác (1928) nhạc sĩ.

([4]) Ngu độn trong giới cầm quyền –– tiếng Pháp.

([5]) Tác phẩm của William Shakespeare.

([6]) Văn Chung (1914-1984) nhạc sĩ thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, tác giả các nhạc phẩm Bóng ai qua thềm, Trên thuyền hoa...

([7]) Hà Huy Giáp (1907-1995) uỷ viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Văn hoá.

([8]) Lúc này nhóm Nhân Văn mới bị “dẹp” tạm thời. ([9]) Thôi Thừa Hỷ (Choi Seung-hee 1911-1969), nhà vũ đạo kiệt xuất Triều Tiên. Sinh tại Hán Thành, học nghệ thuật múa ở Nhật, bà bỏ sang làm việc ở Bình Nhưỡng, tạo ra một trường phái múa truyền thống và cổ điển. Bà biến mất năm 1960, được phục hồi tên tuổi năm 2003, và lúc đó ngành tuyên truyền Triều Tiên mới tuyên bố bà mất năm 1969. ([10]) Trần Văn Khê (1921), nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền.

([11]) Nguyễn Thiên Đạo (1940), nhạc sĩ Pháp gốc Việt.

([12]) Đào Mộng Long (1915-2006), diễn viên, đạo diễn, soạn giả sân khấu cải lương và kịch nói. Năm 1946, tại Sài Gòn ông có viết một bài ca Hồn Chiến Sĩ để hát cho thương binh.

([13]) Cán bộ chính trị, đoàn trưởng một đoàn văn công.

([14]) Cách gọi những người ở Sài Gòn từ trước năm 1975 còn ở lại làm việc với chính quyền mới.

([15]) Doãn Mẫn, hay Dzoãn Mẫn (1919-2007), nhạc sĩ dòng tiền chiến.

([16]) Phạm Văn Chừng, nhạc sĩ tiền chiến, được nhớ đến nhiều với ca khúc Con Chim Lạc Bạn.

([17]) Nhạc sĩ, được nhớ đến với ca khúc Nhớ Quê Hương.

([18]) Tạ Phước, tên thật Tạ Văn Phước (1919) nhạc sĩ, giáo sư, hiệu trưởng đầu tiên của Nhạc Viện Hà Nội (1956-1977).

([19]) Hoàng Văn Hoan (1905-1994), nguyên ủy viên Bộ Chính Trị ĐCSVN, phó chủ tịch Quốc Hội VNDCCH.

([20]) Lê Chưởng (1914-1973), thiếu tướng, lúc này là cục trưởng Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng Cục Chính Trị.

([21]) Vào thời gian ấy những anh em đi học nước ngoài chưa về.

([22]) Modest Petrovich Mussorgsky (1839-1881), nhạc sĩ Nga vĩ đại.

([23]) Lê Quang Đạo tên thật Nguyễn Đức Nguyên (1921-1999) thượng tướng, nguyên chủ tịch Quốc Hội, phó chủ tịch Nhà Nước trong những năm 1987-1992.

([24]) Chính Hữu tên thật Trần Đình Đắc (1926-2007), nhà thơ, nguyên đại tá, phó cục trưởng Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng Cục Chính Trị.




CHƯƠNG 09

CUỘC PHIÊU LƯU GIỮA SA MẠC GIÓ LÀO

Một lần nữa tôi lại là kẻ lạc đường!

Lần này sự lạc đường có thể dẫn đến cái “chết” thật sự cả về sự nghiệp, sinh mệnh chính trị cũng như thể xác. Tôi phải đối đầu với những tên đồ tể văn nghệ bậc nhất thời đại, những kẻ dám tuyên bố: “Chúng tôi không cần kỹ thuật! Nội dung tư tưởng là chính. Chúng tôi không cần hát bè, không cần dàn nhạc lắm thứ... kèn Tây! Chúng tôi chẳng hiểu Tổng Cục kêu gọi “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ” mà lại thành lập các đoàn văn công cồng kềnh, xây dựng những trường lớp, học toàn nhạc Tây, kèn Tây, rồi còn cử về ba cái “của nợ” đòi hỏi phải làm sàn tập, may váy, áo hở đùi, hở ngực... (ý nói ba-lê). Cả những cái đàn “tư sản” cồng kềnh (ý nói piano) cũng phát về Đoàn? Để ai nghe? Ai dùng?” Có hàng trăm thứ nghe rồi cứ tưởng như vu oan giá họa cho giới lãnh đạo “văn nghệ quân khu IV” thời ấy.


Nhưng tất cả là sự thật đã được bớt đi 80%! Có hai luồng tư tưởng đối địch trong việc tiến lên xây dựng văn nghệ quân đội. Lúc này đang còn sự giằng co bên đúng bên sai, mạnh ai nấy làm nên mới có sự chéo ngoe về việc “đào tạo nhân tài cho giai cấp” như thế, thì ở cái địa phương nổi tiếng “kiên định lập trường” này chỉ có một quan niệm: “Tất cả cái gì mà nông dân (tức quân chủ lực) không cần, không hiểu thì ở đây không làm, không khuyến khích!”

Chủ trương đó được cụ thể hóa bằng lời của ông tư lệnh trưởng Nguyễn Đề (hay cái gì Đề, du kích Ba Tơ chính cống) chỉ thị cho đoàn văn công Quân Khu của ông: “Phải nắm cho chắc: Ta là văn công, văn công quân đội. Không phải quân đội chung chung mà là quân đội quân khu IV. Tất cả những gì thể hiện trên sân khấu phải nêu bật nhiệm vụ đang làm. Tất cả những gì không nhằm mục tiêu đó đều sai đường lối lãnh đạo của Quân Khu Ủy!”

“Lời vàng thước ngọc” đó được một loạt kẻ “dạ! thưa anh” vận dụng để triệt tiêu tất cả những con người, những vốn liếng hiểu biết ít ỏi –– một số người như tôi được chính Đảng và Quân Đội bồi dưỡng.

Trước tiên là dẹp các buổi luyện tập cơ bản ba-lê, son filé, các buổi dàn dựng ouverture Carmen, Marche turque. Hợp xướng thì yêu cầu hát một bè! Tốp ca lại yêu cầu bỏ bè, hát... unisson! Như vậy tức là dẹp hợp xướng! Tội nghiệp mấy giọng Alto, Baryton cứ phải cố mà leo lên mí, phá hoặc đang nửa chừng câu hát, nhào xuống một octave! Anh chàng Sĩ Lộc, tốt nghiệp khóa chỉ huy, các cậu Lưu Khâm (contre basse), Phạm Vỵ (basson), Phí Văn Chúc (clarinette), các vũ công, biên đạo Hồng Nga, Nam Hà đều ngơ ngác trước sự “vô lý không có nhẽ” này, vì họ đều là học trò khá của các giáo sư Triệu Đại Nguyên, Chu Huệ Đức, Kim Tế Hoàng và trở thành “đối tượng có vấn đề” trong cuộc chỉnh Đảng năm 1960! Họ, hoặc là nhận tội “kỹ thuật thuần túy”, “thiếu quan điểm quần chúng” hoặc thẳng thắn trình bày nhận thức của mình, đều được xếp vào loại “phản ứng giai cấp” do tất cả đều là “quần chúng” ngoài Đảng.

Tôi chỉ biết im lặng trong các cuộc họp chi bộ khi nghe những câu kết luận “giết người” như thế. Duy nhất có một đảng viên bị kết tội là Sĩ Lộc bị khai trừ lưu Đảng. Hai “quần chúng đội trưởng” khác là Nam Hà và Trương Công Lê thì cách chức đội trưởng!

Tôi mới về đoàn, là người chuyên sáng tác, không quyết định gì nên “tội” không cụ thể! Dựng “Carmen” là do Sĩ Lộc, “thèm chỉ huy mà cố gắng làm lấy được” dù thiếu cả đống nhạc cụ. Dựng các thứ “4 chàng trai và cô gái” của Liên Xô, “Múa quạt” Triều Tiên là do Hồng Nga, Nam Hà. Cho thông qua chương trình là các ông Đào Ngọ (đoàn phó), Đồng Ngọc Vân (đoàn trưởng kiêm bí thư). Tôi chỉ có trách nhiệm thấy dựng Tiếng Hát Biên Thùy là “sai đường lối” mà vẫn im lặng. Có ông “cốt cán” còn đặt vấn đề: “Phải chăng do động cơ thích đề cao cá nhân?” Trong bụng tôi chỉ cười vì tôi ham hố gì sự nổi tiếng ở cái đất khu IV này. Chẳng qua anh chị em thích tác phẩm này cứ cố “dựng lấy được” chứ sự thật nghe họ hát mà thương! Đàn địch đánh cứ “oéc lên, oéc xuống” đến thảm hại.

Nhưng tôi đã chủ trương “nằm im tìm thời cơ thoát hiểm” nên theo gương Phù Sai nuốt hết những thứ khó ngửi, khó nghe ấy cho xong chuyện! Vụ chỉnh đảng đó tôi may mắn chỉ có mỗi một “tội”: quá ham chuyên môn nên ít để ý đến trách nhiệm “lãnh đạo toàn diện” của Đảng và không chịu tham gia sinh hoạt cùng anh em. Ví dụ: tranh thủ giờ thể dục buổi sáng, tôi đều “chạy” Hanon ([1]), Czerny ([2]) trên cây đàn Zimmerman mới được phát cho đoàn vì nơi đặt nó là ở phòng tập, lúc nào cũng bận! Tôi cứ nghĩ những tay có học như Khánh “kính”, Bùi Tín... ở trên Cục, Phòng, Ban đâu có ngu, đâu có thiếu văn hóa? Bọn họ cũng có bằng tú tài, ít thì cũng đỗ đíp lôm, cũng biết đọc tiếng Anh, tiếng Pháp như tôi. Bùi Tín, con cụ Bùi Bằng Đoàn, hiểu khá đúng về nghệ thuật những khi trao đổi riêng tư với tôi. Người như “Khánh kính”, xưa là dân Lycée du Protectorat đã giấu biệt cái quá khứ “tội lỗi” học trường Tây để leo cao (quá lắm đến đại tá là cùng) thì nhiều vô thiên lủng! Những người này nắm những chức vụ trực tiếp lãnh đạo văn nghệ ở quân khu nên không bao giờ phát biểu bằng cái đầu của chính mình. Mà nào có cái gì to tát cho cam. Khánh chỉ mới có chức trưởng ban Tuyên Huấn, còn Bùi Tín thì phó ban. Chính cái thời điểm tôi không giữ chức vụ gì để cần phải làm việc với họ đã cứu tôi. Tất cả tội lỗi “phi giai cấp” trong đường lối văn nghệ này, các đội trưởng đội phó lãnh đủ. Còn ban chi ủy, gồm một đồng chí cấp dưỡng tên Mẫn, một ông y tá tên Chiểu, một ông quản lý tên Phúc cùng chính trị viên kiêm đoàn trưởng kiêm bí thư Đồng Ngọc Vân mắc một tội nhẹ là... “mất cảnh giác” do thiếu chuyên môn!

Vậy làm sao để “Đảng lãnh đạo được toàn diện” bây giờ? Rõ ràng chỉ có một cách là phải dựa vào anh em có chuyên môn mà là đảng viên. Chết nỗi đảng viên đã phân ra ba loại A, B, C cao thấp khác nhau, độ tin cậy khác nhau, trong đó hầu như tất cả những anh có chuyên môn đều nằm ở loại đảng viên... hạng bét. Họ bị xếp vào hạng kém cỏi vì hầu hết đều có chút ít văn hóa, mặt mũi sáng sủa và xuất thân tiểu tư sản học sinh, mặc dầu có anh đã ở lính trên 10 năm!

Cuộc “thịt” nhau gọi là chỉnh Đảng này đã đưa tôi vào một vũng lầy mới. Số là, chẳng biết có lệnh từ đâu, sau cuộc cải tổ, chỉnh đốn tổ chức các đoàn văn công quân đội theo phương châm “hướng về đại đội phục vụ chiến sĩ”, tôi bị tròng cái thòng lọng mới: đề bạt lên làm đoàn phó kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Nghĩa là từ nay mọi trách nhiệm không đi đúng đường lối của Đảng (là cái Đảng của Quân Khu IV) tôi sẽ phải giơ đầu chịu báng!

Tuy nhiên, nhờ cái “quyền rơm vạ đá” này tôi đã tìm ra con đường để tự giải phóng. Đầu tiên là giải phóng cho một số nhân vật mà tôi thấy có đôi chút khả năng nghệ thuật nhưng suốt đời sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì với ba cái tiết mục “vì nông dân phục vụ” này bằng cách cho họ đi học nghề cho ra nghề. Có những người sau này trở thành giáo sư, nghệ sĩ ưu tú, “nghệ sĩ nhân dân” như Thế Vinh, Đoàn Bôn, Hương Mai (vợ tôi)! Một số khác do hoàn toàn không có khả năng văn nghệ nhưng có trình độ văn hóa, tôi lấy lý do “tinh giản biên chế” cho đi học văn hóa tiếp tục. Khuynh (accordeon) và Vỵ (basson) sau này tốt nghiệp đại học ngoại giao trở thành nhà ngoại giao ở các sứ quán “phe địch” hẳn hoi! Riêng Vũ Ngọc Hải (diễn viên múa) leo cao nhất và ngã cũng đau nhất: Trung ương ủy viên và bộ trưởng Bộ Năng Lượng để rồi vào tù vì có sáng kiến mà Đảng không cần! Về anh chàng thông minh, đẹp trai, nhạc khá, múa hay này, cho tới sau khi anh ta ra tù, tôi vẫn thấy chính chất nghệ sĩ của anh ta đã giết anh ta. Tôi đã nói thẳng cái ý này: Muốn “làm to” thì phải xa lánh cái nghề văn nghệ, trong xã hội do mấy ông cộng sản tạo ra, nó là một cái nghề không đáng tin cậy vì nó hay nhòm ngó vào mặt trái, vào chiều sâu của sự thật luôn có quá nhiều tởm lợm. Kinh nghiệm ba ông Lê Liêm, Việt Phương và kể cả ông Võ Nguyên Giáp khi học piano cũng bị giảm “uy tín” đi không nhiều thì ít! Sau này, ông Trần Độ chuyển sang viết lách đã có các chuyển biến tư tưởng và tình cảm “không có lợi” cho Đảng rõ ràng!

Cái âm mưu mạo hiểm sáng lên trong đầu tôi khi bị đề bạt bất đắc dĩ là nếu biết lợi dụng ngay đường lối “cực kỳ sáng suốt của quân khu ủy” ắt sẽ phá tan cái tổ chức phi văn nghệ là đoàn văn công “quân khu đầu cầu giới tuyến quan trọng bậc nhất” (chẳng hiểu ai là bậc 2, 3?)!

Tôi sẽ là thuyền trưởng chạy sau cùng khi con tàu đã hết sạch thủy thủ theo cách làm cho nó “đắm” càng mau càng tốt. Tôi nắm chắc lợi khí của những phương hướng “Tất cả vì công nông binh”, “Hướng về đại đội”, “Biểu diễn đi đôi với xây dựng phong trào” mà chia năm xẻ bẩy đoàn ra để về các sư đoàn “ba cùng”! Tất nhiên mỗi nhóm 5-10 người cũng mang theo vài ba tiết mục hát, múa để thỉnh thoảng làm khổ anh em chiến sĩ bằng những cố gắng “nghệ thuật hóa” các động tác lăn, lê, bò, toài, phất cờ, đặt bộc phá, tuần tiễu biên cương, tình cảm quân dân…một cách hết sức tự nhiên chủ nghĩa.

Cùng lúc này có các phong trào “tiền hồng vệ binh” trong quân đội rất vô văn hóa. Đáng sợ nhất là phong trào lập thành tích bằng số lượng buổi diễn xuất phát từ đoàn Quân Khu III của ông Nguyễn Thịnh, một đoàn trưởng “tiến bộ nhất về lập trường tư tưởng” do đã cho quần chúng hưởng tới…300 buổi diễn một năm!

Thế là nơi nơi đều được phát động học tập “đoàn ông Thịnh” để có thành tích. Có đoàn chia nhỏ theo chiến sĩ ra bãi tập, phục vụ ngay giữa giờ giải lao cũng đạt ba “buổi” biểu diễn một ngày! Cái ông Thịnh này không phải nông dân bần, cố gì. Ông vốn là một tay accordéon ngày xưa ở các tiệm nhảy hạng bét Hà Nội. Ngày đi theo cách mạng, ông “tự cải tạo tư tưởng” ghê gớm và được Đảng tín nhiệm để sau trở thành một cán bộ chủ chốt lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Tổng Cục! Ông lánh xa những thứ mình từng yêu thích, từng chơi cho Tây nhảy đầm như sợ thuốc độc –– một nhân vật điển hình cho chủ nghĩa cơ hội. Chính ông đã truy bức tôi trong cuộc chỉnh đảng, trước lớp học ở ấp Thái Hà đầu năm 1958: “Có bao giờ đồng chí (chao ôi, hai tiếng “đồng chí”!) có tư tưởng chạy theo gia đình vào Nam không?” Một câu hỏi trắng trợn chưa ai dám hỏi khi người bị hỏi lại đang có nhiều “thành tích sáng tác” theo yêu cầu của Đảng, đang có chức (dù chức nhỏ tí xíu), lại đang là một đảng viên! Tôi trả lời: “Nếu đi theo “địch” thì tôi đã theo từ “khuya” rồi, chẳng ngu gì đợi hôm nay hòa bình rồi mới trở cờ! Kẻ nào đến hôm nay mà còn tư tưởng đó là... đồ ngu!” Vậy mà ông ta vẫn cố ép: “Ít nhất không có hành động thì có lúc nào đó, Tô Hải có “tư tưởng” theo “địch” không?” Đến mức đó, không chịu đựng nổi nữa, tôi đã bung ngay trước cuộc họp tổ Đảng một câu chửi thề: “Theo! Theo! Theo cái con c...! Chính mày mới là thằng từng theo Tây, đánh đàn phục vụ Tây chứ tao chưa bao giờ có được cái thành tích như mày!” Tất nhiên, cái sự gọi là “phản ứng giai cấp” đó một lần nữa được ghi trong tim đen của những kẻ nắm vận mệnh những người trí thức tiểu tư sản lạc đường như tôi.

Trở lại với cái đoàn văn công Quân Khu IV lấy “chính trị làm thống soái” của tôi. Nhờ rắp tâm “phá cho tan” bằng cách dựa vào những phương châm điên khùng của mấy thằng đại ngu, tôi thanh lọc gần hết anh em thật sự có tài bằng cách cho họ đi học, chỉ giữ lại những ai làm văn nghệ quần chúng chẳng có chút triển vọng gì. Trên cương vị mới, có quyền trong tay, tôi đẩy họ xuống các đại đội “xây dựng phong trào” kể cả cho đi làm phụ hồ trên các công trường xây dựng doanh trại! Họ lập thành tích chẳng phải 300 mà tới 500 cuộc biểu diễn một năm, bởi vì mỗi tối, khi phân tán về các đại đội, nhóm nào cũng có một chương trình giống nhau để liên hoan văn nghệ với anh em chiến sĩ và để báo cáo... láo!

Đoàn chúng tôi, từ một đoàn “chạy theo đường lối văn nghệ tư sản” bỗng nổi tiếng bởi hoạt động “đúng đường lối”, hình thức và nội dung đều “kịp thời”. Uy tín của tôi có phần nào được củng cố với chi bộ! Biểu hiện rõ ràng nhất là 99% đã bầu tôi vào chi ủy, một điều chưa từng có. Cái 1% không bầu cho tôi chính là lá phiếu của tôi! Nhưng, chính sự “sa đà” bầu Tô Hải vào chi ủy khiến cả chi bộ đã bị triệu tập đột xuất vào tư lệnh bộ để nghe liên chi, cụ thể là trưởng ban tuyên huấn Khánh, huấn thị về sự “thiếu tính giai cấp”, “tính Đảng”, quá đặt nặng vấn đề chuyên môn, thiếu cảnh giác với tư tưởng “chuyên môn thuần túy”. Đặc biệt cuộc họp chi bộ này đã tổ chức ở trên Ban, một sớm chủ nhật, lúc tôi đang lo ngồi luyện đàn piano, nghĩa là người ta “khai trừ không tuyên bố” tôi để tiện bề phê phán! Tới hôm phổ biến danh sách chi ủy, người ta nói rất ưu ái là: “Liên chi không duyệt đồng chí Tô Hải vào ban lãnh đạo chi uỷ vì đồng chí ấy đã gánh quá nhiều nhiệm vụ, nhất là phải lo phần việc sáng tác, lo tiết mục cho đoàn!”

Lý do “liên chi không duyệt” mãi sau tôi mới được Hoài Phiên “xì ra” khi có mâu thuẫn với bí thư. Trên thực tế tôi có ham hố gì cái chức vụ làm hại nghệ thuật của mấy ông “lãnh đạo toàn diện” này! Tất cả mục tiêu trước mắt tôi là sau khi giải phóng vợ và một số anh chị em mà tôi thấy sẽ có tương lai nếu được học hành đến nơi đến chốn, tôi sẽ tìm đường “biến” khỏi cái tổ chức giết nghệ thuật này. Tôi càng hi vọng khi được biết sẽ có thay đổi lớn về tổ chức sau Đại Hội Đảng III cuối năm 1960 với chiều hướng càng ngày càng lấy “chính trị làm thống soái” vì càng ngày người ta càng cố học theo những lời Mao chủ xị vĩ đại dạy!

Những gì là nghệ thuật đích thực sẽ không có lý do tồn tại. Các tổ chức văn công cồng kềnh đi đâu cũng cả năm sáu cam nhông chở sân khấu, phông màn, máy nổ chẳng sớm thì chầy sẽ bị “tinh giản”…Nó thừa thãi một cách vô duyên vì nhạc không cần phối, hát không cần bè và luôn luôn phân tán để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với chiến sĩ. Nhiệm vụ mới lại là 50% biểu diễn, 50% xây dựng, hướng dẫn phong trào, nghĩa là quay về thời nhạc không son-phe, phát động mọi người làm văn nghệ, mọi người đều sáng tác. Ba đoàn văn công Tổng Cục đã sáp nhập thành một, cho về vườn hoặc điều xuống đơn vị làm lính, làm cán sự, cán siếc... Còn ở cái đất Khu IV đầu cầu giới tuyến này có thêm đoàn văn công 324 tập kết của ông Nguyễn Thông (sau thành đạo diễn điện ảnh) từ Khu V ra!

Các ông Đôn, ông Đề đều là dân khu V, đang lãnh đạo Quân Khu IV thay thế ông Lê Nam Thắng suýt chết vì gia đình bị quy địa chủ mấy đời. Họ giải tán cái chân chất văn nghệ dân tộc, địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng của họ gồm đa số là nghệ nhân bài chòi. Ấy là chưa kể về thành tích “kiêu binh” vì chịu đựng gian khổ nhất, đói ăn, rách mặc nhất và nắm vững đường lối Đảng nhất. Trong những người này nổi lên độc một ông Vĩnh An, nghệ nhân đánh đàn nguyệt, đàn cò và sáng tác được độc một bài, Gửi Anh Lính Bờ Nam, nhái dân ca khu V. Sau này, trên thị trường văn nghệ hiện đại sót lại đúng một anh chàng Công đổi tên là Thuận Yến ([3]), do được cho đi học nhạc tử tế!

Vậy là lý do xoá sổ “đơn vị đầu cầu” của tôi đã rõ, nhất là đơn vị đó lại ở dưới sự lãnh đạo của một anh trung úy nhạc sĩ tiểu tư sản, đang nắm trong tay cả mớ “kỹ thuật tư sản”! Tôi biết điều này nhờ cương vị trong ban chỉ huy đoàn, thường được đi họp ngoài Tổng Cục ([4]) và được các bạn tâm huyết rỉ tai cho hay để liệu bề lo thân. Lúc này tôi không còn sợ bỏ đơn vị, rời quân ngũ lấy gì mà ăn nữa! Tôi đang “nổi tiếng” và sẽ được trọng dụng nếu chuyển tới bất cứ cơ quan nào. Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Đạm, Chu Minh...đều chưa về nước. Người viết được cho dàn nhạc, cho múa, cho phim lúc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trường nhạc của ông Tạ Phước (đã “lên” trung cấp) mới đào tạo nổỉ một số viết giỏi ca khúc, hợp xướng như Hoàng Hiệp ([5]), Hồng Đăng ([6])... Cả đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị chỉ trông vào mấy ông Lương Ngọc Trác, Nguyễn Đức Toàn, Doãn Nho ([7])...

Rồi, giữa lúc đang cùng toàn đoàn lao động xây dựng doanh trại của Sư 325 ở vùng cát trắng Quảng Bình, tôi bỗng nhận được lệnh (quân lệnh như sơn) đưa toàn bộ dàn nhạc ra Hà Nội, phục vụ chuẩn bị Đại Hội Đảng!

Tôi mừng như người chết sống lại: Té ra mình còn được tín nhiệm, té ra khả năng chuyên môn của mình vẫn được khẳng định. Ngoài Hà Nội, thiếu gì người mà họ phải điều một đội nhạc 24 người ra để làm cái gì đó chưa biết. Vậy là tôi thu xếp lên đường. Tôi cũng không ngờ lần đi này là “một đi không trở lại” nên đã bỏ mất hết tài liệu, sách báo, tủ đĩa mà tôi mua cho đoàn học tập, đáng tiếc nhất là nhiều vật kỷ niệm nhỏ suốt 15 năm đi lính của tôi, nằm trong hai chiếc thùng gỗ đựng giầy Trung Quốc viện trợ. Nhưng tôi đã “một ra đi là không trở về”, không một chút luyến tiếc, thậm chí không bao giờ quay lại mảnh đất mà tôi liên tục đóng vở kịch đời để tồn tại suốt 10 năm! Tôi còn nhớ như in những cặp mắt ướt lệ, những câu nói thất vọng khi gặp tôi ở công trường E.95 của Hồng Nga, Minh Huệ, Hoài Thu, Bá Sĩ, Đồng Thụ... “Làm sao anh kéo bọn em ra với”! Hoặc: “Thế là anh Hải thoát thân một mình rồi!” Tôi chỉ còn biết động viên: “Nói bậy, đi vài tháng rồi về chứ ai cho đi hẳn mà thoát với chẳng thoát!” Trên đường về thủ đô, tôi luôn nghĩ tới họ. Những vũ công, ca sĩ “lầm đường” sẽ làm gì khi cả dàn nhạc bị điều đi? Phải chăng họ chỉ còn là công nhân xây dựng, phụ hồ, người đẩy xe bò ban ngày, rồi buổi tối xuống lán trại hát cho chiến sĩ nghe với chiếc phong cầm của Dũng, người nhạc công độc nhất được chọn ở lại để tiếp tục “đánh lẻ” lúc cần thiết!

Đội nhạc do tôi và Sĩ Lộc chỉ huy rồi đã ra đến Hà Nội. Nhiệm vụ được giao khá quan trọng: đoàn kịch nói Tổng Cục Chính Trị (Đào Hồng Cẩm lãnh đạo) đang dựng một vở chào mừng Đại Hội Đảng khá đồ sộ.

Chưa bao giờ nhân lực và tài lực được điều động tập trung và dồn dập đến thế. Bên đoàn ca múa, ngoài cái “đinh” Tiếng Hát Biên Thùy của tôi là một loạt tiết mục về chiến thắng, về công ơn trời biển của Đảng, của Bác. Bên đoàn kịch dựng lại cả cảnh chiến đấu trên Đồi A1! Nhưng chỉ “nói không thôi” thì làm sao tạo được khí thế? Vậy là vở kịch nói lại có một dàn nhạc đủ đồng, gỗ, dây, gõ ngồi ở fosse d’orchestre phụ họa. Đó là vở Trước Giờ Chiến Thắng, một vở mà tôi đã đoán trước số phận của nó sẽ ra sao. Nó không thể tồn tại như một tác phẩm văn nghệ vì con người nó đưa lên sân khấu là con người chẳng giống ai và hành động sân khấu đã dìm tình cảm vào không khí ùng oàng đến đinh tai nhức óc. Nó là “chính trị chứ không phải nghệ thuật”. Tuy nhiên, tôi như nắng hạn gặp mưa rào. Chẳng mấy khi được tắm một bữa cho đã! Tôi yêu cầu bổ sung nhạc cụ này, nhạc cụ khác. Chết nỗi, đoàn nào cũng đang dồn dập “làm lớn” để “chào mừng” cả! Cuối cùng, đành bổ sung bằng các em học sinh trung cấp đang học một vài năm gì đó. Tôi còn nhớ 2 anh chàng Tỵ (trompette), Hữu Xuân sau này trở thành “nghệ sĩ lớn” do sớm bỏ cây kèn Hautbois đã thổi cho tôi trong dịp đó mà mỗi lần bị tôi và Sĩ Lộc nhăn nhó do thổi không ra nốt đã có lúc chán nản xin bỏ cuộc. Riêng anh chàng Tỵ do văng bậy ra vì không thổi được nốt pha dièse đã bị tôi quẳng cả cái giá nhạc vào đầu chảy máu. Tôi bị kiểm thảo, phải nhận lỗi nóng nảy!

Nói cho ngay, tôi quả có lợi dụng cái dàn nhạc “giao hưởng tạp pí lù” này để luyện lại “ngón nghề”, thể nghiệm vài suy nghĩ sáng tạo chứ chẳng rung động gì với cái mình viết. Âm nhạc cho sân khấu và điện ảnh mãi sau này chỉ được dùng thay tiếng động không hơn không kém! Âm nhạc, “tốc ký của tình cảm”, cuối cùng chỉ còn là phương tiện gây không khí! Đuổi bắt: âm nhạc! Bước chân gián điệp leo hàng rào: âm nhạc! Đánh rơi cốc nước: cũng âm nhạc! Không bao giờ một đạo diễn bảo nhạc sĩ: Hãy đưa ra các chủ đề âm nhạc cho những nhân vật chính. Hãy theo diễn biến tình cảm của nhân vật mà phát triển chủ đề. Thậm chí cả đến những gala, đại hội nhạc liên hoan Pop, Rock...cái người ta muốn có, muốn hưởng chính là cái... “không khí”! Mấy ai chú ý đến khúc thức, đến lời ca, đến ý nghĩa? Càng không ai để ý đến kỹ thuật hát “phô”([8]) hay không? Phối khí, hòa âm ra sao? Màu sắc dàn nhạc thế nào? Đến với những buổi gọi là “hòa nhạc” đó, có quá nhiều thứ “bị” nghe, quá nhiều thứ “bị” xem để cuối cùng, về nhà chẳng biết mình đã nghe, đã thấy những thứ gì?

Trở lại với “dàn nhạc trời cho”...tôi đã cố bám sát từng màn một của vở Trước Giờ Chiến Thắng, cố xoay sở sao cho vở diễn có thêm không khí chiến đấu, anh dũng, hào hùng bằng cả một tập tổng phổ dày như một bản giao hưởng –– chỉ nói độ dày thôi. Sĩ Lộc thì toát mồ hôi dàn dựng những gì tôi “nặn” ra đêm trước để kịp lắp ghép –– với số nhạc công mà sau này gần như chẳng ai theo được nghề nhạc công đến cùng –– những mẩu nhạc không đầu, không đuôi, không chủ đề có thể cắt bớt hoặc đánh lại (reprise) tùy thích. Cuối cùng, vở diễn rồi cũng xong.

Đoàn kịch nói Tổng Cục Chính Trị được báo chí khen ngợi, tung hô hết lời. Sau đêm ra mắt long trọng tại Nhà Hát Lớn là tiếp tục “phát huy chiến quả” mấy đêm liền ở sân khấu Nhà Hát Nhân Dân rồi đi các đơn vị, các quân khu, sư đoàn biểu diễn chào mừng thành công Đại Hội! Đi đâu cũng có dàn nhạc ngồi chếch một bên sân khấu (dựng ngoài trời vì, ngoài Hà Nội ra, sân khấu nào chứa nổi cả một trận đánh Đồi A1!), đánh lên những khúc nhạc, minh họa thêm cho tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của chiến sĩ Điện Biên một cách hết sức…vô duyên! Điều này càng dễ thấy khi các nhạc công “mượn” đã trở về đơn vị khiến cuối cùng dàn nhạc gần như chỉ còn đánh unisson, chủ yếu chỉ tạo tiết tấu bằng trống, mõ, phèng la! Đã thế, chính cái dàn nhạc lù lù bên sân khấu lại phân tán người xem kịch. Trẻ con thường thích ngồi gần dàn nhạc để xem kèn, xem trống, ngắm ông bắt nhịp, múa gậy (chỉ huy) thật mềm, thật dẻo hơn là xem diễn viên kịch đang cố gắng bắt chước các chiến sĩ lọt vào cửa mở, băng bó thương binh, bò lăn, lê, toài, chạy ào ào lên đỉnh đồi A1 cắm cờ!

Tôi có ý nghĩ rất sớm là sân khấu kịch nói, nếu cần dùng nhạc, không nên dùng “nhạc sống” (dù có fosse d’orcherstre) vì khi lù lù trước sân khấu, dù chơi có thật hay như dàn nhạc Philadelphia cũng chỉ làm phân tán tư tưởng người xem kịch. Lúc này có thể nhờ đài phát thanh thu thanh hộ, nhưng phát ra bằng cái gì thì không có. Máy ghi âm (magnétophone) là thứ “cấm tư nhân xử dụng”([9])!

Sau này khi kịch nói được xử dụng âm nhạc qua băng ghi âm (bằng máy cơ quan) thì lại vấp phải hệ thống tăng âm, loa phóng thanh, hầu hết đều của...Tàu! Nhạc phát ra từ hai cái loa sắt cứ léo nhéo, lục cục đến phát khiếp! Nhờ sự lạc hậu về âm thanh ấy mà thời hạn phục vụ Trước Giờ Chiến Thắng của tôi cứ nghiễm nhiên kéo dài! Dù gì đi nữa chúng tôi đã góp sức có hiệu quả tuyên truyền về sự “thành công rực rỡ” của Đại Hội Đảng.

Và tôi đã tranh thủ thời gian “nghỉ tại Hà Nội” để vận động các cán bộ lãnh đạo văn nghệ có nhận thức tiến bộ ngoài quân đội ủng hộ cái “chính nghĩa” rút lui khỏi đời “văn công lính” của tôi. Tôi nói ra tất cả những gì đã phải cắn răng chịu đựng, phải đóng kịch, phải làm ăn giả dối. Bằng những dẫn chứng cụ thể về những cản trở, phá hoại, tôi được không ít người có chức có quyền cảm thông. Hai người mà tôi tin tưởng có đủ khả năng “giải thoát” tôi khỏi cái “địa ngục văn nghệ quân khu IV” là Lưu Hữu Phước và Lê Liêm. Lúc này Lưu Hữu Phước là vụ trưởng Vụ Âm Nhạc và Múa còn Lê Liêm là trung ương ủy viên, trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng.

Sau cuộc gặp gỡ cả một buổi tối tại nhà riêng Lê Liêm, cả hai ông đều thống nhất ý kiến: Chỉ có một cách là rút Tô Hải ra ngoài này – tức là ra Hà Nội. Nhưng đi đâu, về đâu vẫn là chuyện phải bàn, vì tôi vẫn là quân nhân thuộc Quân Khu quản lý. Tóm lại, cần nghiên cứu, cân nhắc kẻo “bên quân đội” phản ứng. Toàn phòng Văn Nghệ thuộc Tổng Cục Chính Trị lúc này đã được kiện toàn. Trưởng phòng là Hồ Nhị Quang, một cán bộ chính trị chẳng có một xu văn nghệ dính túi. Các trợ lý, sau khi đã loại bỏ hàng loạt những kẻ có vấn đề như Phùng Quán, Tử Phác, Hoàng Cầm, Tạ Hữu Thiện lúc này là những tay vô tài bất tướng, hoặc có chút xíu tài cán thì cơ hội chủ nghĩa số một. Họ đang “tham mưu” cho Tổng Cục một cuộc cải cách đến tận gốc các đoàn nghệ thuật với hướng “gọn, nhỏ, lẻ”, “lấy đại đội làm cơ sở”, lấy “hướng dẫn phong trào”, “lấy ca múa làm chính” vv... Tóm lại, lấy cái vô nghệ thuật làm nghệ thuật, phục vụ kịp thời là chính, cho quần chúng công nông ăn những món ăn rẻ tiền nhất! Chính sự giằng co trong phương hướng xây dựng văn nghệ quân đội này đã đẩy các đoàn văn công vào ngõ cụt. Bế tắc trong nội dung, mâu thuẫn trong hình thức tổ chức, trao số phận hàng ngàn diễn viên vào tay các ông đoàn trưởng “lập trường vô sản vững vàng” tới mức thấy các diễn viên hàng ngày chạy gam, tập thở, phát âm ô, ô, a, a...luyện động tác cơ bản vv…đều là...“ảnh hưởng nghệ thuật tư sản”! Các vị chưa từng là nghệ sĩ như Trịnh Xuân Ngôi, Lê Tín, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Trân ... và nhiều nhiều ông Bàn, ông Ghế, ông Mít, ông Xoài... gì gì nữa, không đếm xuể, mỗi khi đi họp các đoàn trưởng ở Tổng Cục đều nhất tề “hua-ra” cái phương châm “xé lẻ” các đoàn, đều đồng thanh phê phán cái tổ chức cồng kềnh, xa rời chiến sĩ (!).

Đặc biệt những anh chị em được đi học, dù chỉ là dăm bảy tháng, về đoàn, đối với các ông này, đều trở thành các “phần tử phức tạp”, gây rối, đòi hỏi những điều phi thực tế, thiếu quan điểm quần chúng. “Trước mắt, Đảng yêu cầu chúng ta làm văn nghệ thì chúng ta ra sức cống hiến, nhưng khi Đảng bảo ta làm việc khác hoặc điều ta xuống đơn vị chiến đấu thì ta lại trở về vai trò người lính cầm súng của mình!” Điều này được ông Đồng Ngọc Vân, một cốt cán lãnh đạo văn nghệ, cánh tay phải của Cục Tuyên Huấn và Phòng Văn Nghệ Quân Đội, tay chân của tướng Hoàng Minh Thi, (người đầu tiên có sáng kiến nhốt anh em văn nghệ sĩ trong chuồng trâu), bí thư kiêm đoàn trưởng đoàn văn công Quân Khu IV, tuyên bố trước hội nghị Tuyên Huấn toàn quân một cách rất có...“đảng tính” như vậy! Có điều, tôi phải cảm ơn ông, vì khi nhìn thấy tôi ngồi ngay bên cạnh ông đã chữa lại một chút: “May ra thì ở đây, làm văn nghệ hết đời chỉ có đồng chí Tô Hải!” Chữ “may ra” của ông, về sau tôi càng nghĩ càng thấy đúng. Ông đã tiên đoán được con đường khốn nạn mà tôi sẽ phải liên tục vượt lên để hành nghề cho đến lúc về hưu mà không bị... vào tù! Vì sao? Chính trong giai đoạn này, khi tôi tưởng mình được “giải phóng” thì lại là lúc tôi bị rơi vào vùng lốc xoáy của những cuộc tranh giành, những vụ giết người không gươm mà tội phạm không ai khác chính là những kẻ suốt đời coi sự hiểu biết và thông minh là... kẻ thù không đội trời chung, những kẻ luôn tụng niệm lời dạy của những Xít, những Mao, những Trần Phú… là “trí thức không bằng cục phân”.., là “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Phải nói trong số tử vi mà mẹ tôi lấy cho tôi từ khi mới chào đời có nhiều điểm khá đúng. Đúng nhất có lẽ là lời tiên đoán: Tôi luôn có “quí nhân phù trợ”, dù những người phù trợ tôi sau này hầu hết chẳng nên ông nên tướng gì, điển hình là ông Lê Liêm. Tôi cũng gặp may nhờ sự... vô tổ chức của Vụ Tổ Chức lúc bấy giờ.

Số là trong lúc tôi đang lang thang cùng đoàn kịch Tổng Cục đi khuyếch trương sự thành công của Đại Hội thì có lệnh: “Giải tán đoàn văn công quân khu IV, sáp nhập vào đoàn khu V cùng đóng quân ở Nghệ An”!

Dàn nhạc và một số nhóm ca, múa được lọc ra, ai khá nhất thì đưa về Tổng Cục, số còn lại cho...chuyển ngành hoặc giải ngũ. Thế là cái giờ mong đợi của tôi đã tới. Nhưng vì tôi là người của quân khu IV nên nỗi lo phải trở về quân khu để nhận lệnh điều động, lấy giấy tờ, làm thủ tục vẫn còn đó. Tương lai chẳng hứa hẹn điều gì may mắn bởi văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng là cái quái gì với cái Phòng Chính Trị, cái Ban Tổ Chức quân khu. Ở đó người ta chỉ căn cứ vào cái lon trung úy tôi đã đeo 6 năm nay để phân công tác mà thôi, chưa nói đến trò ác ý: Cho tên “trí thức tiểu tư sản” đi...“thực tế lao động, tạo điều kiện cho đồng chí đi sát thực tế, sát cuộc sống hơn!” như từng áp dụng với nhiều văn nghệ sĩ khác. Nói trắng ra là không cho mày làm văn nghệ nữa!

Tôi lại chạy đến ông Lê Liêm, lại trình bày những điều kiện thuận lợi và khó khăn của tôi, nếu trở về Quân Khu. Lúc này chính là lúc Ban Bí Thư trung ương Đảng đang có chủ trưởng cải tổ toàn diện các tổ chức văn nghệ ngoài quân đội sau vụ Nhân Văn rồi vụ “Hậu Nhân Văn” (báo Văn) bằng cách tăng cường một số cán-bộ-đảng-viên-văn-nghệ-sĩ-quân-đội sang các cơ quan bộ Văn Hóa và các Hội. Nhân danh Ban Tuyên Huấn Trung Ương đảng, ông Lê Liêm đã ký quyết định điều động một loạt văn nghệ sĩ đảng viên quân đội về các nhà xuất bản, báo chí, trường nhạc, các hội nghệ thuật...Nhờ quyết định này mà những Từ Bích Hoàng, Vũ Cao, Vũ Tú Nam, Hà Mậu Nhai, Hà Minh Tuân, Tô Hải... được “biệt phái” từ quân đội sang các cơ quan khác. Chao ôi! Mừng như được về Sài Gòn với Cha mẹ và 6 đứa em tôi.

Tuy nhiên tôi vẫn lo cho hai chữ “tăng cường”. Liệu tôi có trở thành “tội phạm văn nghệ” với nhiệm vụ mới không? Tôi sẽ là “nhạc sĩ đích thực” hay tự biến mình thành một tên “sen đầm văn nghệ”? Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi chọn Nhà Xuất Bản Âm Nhạc và Mỹ Thuật, nơi có phòng dành cho cán bộ không nhà cửa. Nhà xuất bản này ở số 94 Tô Hiến Thành, chỉ mấy bước là tới nhà tập thể 51 Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi ở của vợ tôi lúc này đã trở thành diễn viên Đoàn Kịch Nói Trung Ương, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo nghiệp vụ dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Liên Xô Vaxiliép. Tôi trở thành “nhạc sĩ dân thường” từ đó.

Cất biến sao, mũ, quân hiệu, quân hàm...,tôi thành cán bộ biên tập nhạc với mức lương trung úy biệt phái (mất phụ cấp thâm niên theo qui định) suốt 15 năm cho tới “ngày giải phóng” miền Nam 1975 trong cái cơ quan luôn thay tên, đổi chủ đến chục lần. Lúc tách, lúc nhập, lúc mang tên Mỹ Thuật Âm Nhạc, lúc Âm Nhạc riêng, Mỹ Thuật riêng, lúc lại thâu tóm cả Văn Chương vào để thành nhà xuất bản Văn Hóa, sau cùng là nhà xuất bản Văn Nghệ. Mỗi cuộc thay đổi đều kéo theo các cuộc đấu đá để giành giật những chiếc ghế giám đốc, trưởng phòng. Tôi đã thừa kinh nghiệm để không nhận bất cứ chức vụ gì, thậm chí luôn luôn tự hạ mình: “Chớ giao cho tôi lãnh đạo mà hỏng hết việc đấy!” Tôi quyết không rời mục đích đặt ra là sẽ cho tất cả chúng mày, những thằng nhân danh Đảng của chúng mày, nhân danh quan điểm lập trường vô sản của chúng mày để dìm tao xuống đất đen, cho chúng mày thấy “Tao có đủ khả năng tự vươn lên và vươn lên trên mọi mặt, chẳng cần đến cái đồng lương của Đảng!”

Trước mắt, tôi phải lo thu vén, tập hợp lại cái gia đình khốn khổ từ lâu tứ tán khắp nơi. Lòng tự ái và ước muốn “làm cho chúng nó biết tay”, “cho chúng nó tức điên lên” thúc đẩy tôi thực hiện được một số việc mà người khác có khi bỏ ra cả 5, 10 năm chưa chắc đã làm nổi. Đó là gây được một uy tín chuyên môn giữa đất thủ đô và tạo nên một tổ ấm gia đình, khá đầy đủ tiện nghi, nằm chềnh ềnh giữa một phố lớn!

Cũng chính cuộc đua tranh tương đối tự do hơn trong đời “lính tăng cường” này đã cho tôi nhận thức được cuộc đời “hèn sĩ” của tôi chưa thể chấm dứt! Tôi sẽ trở thành “mạt hạng” hơn nếu làm đúng vai trò “tăng cường lãnh đạo”, nghĩa là tìm mọi cách tiêu diệt nhân tài, hạn chế tối đa cái gì là Chân, Thiện, Mỹ. Tôi cũng có thể nhân dịp này, vĩnh viễn rời bỏ vai trò “lãnh đạo” mà từ lâu, tôi vô cùng xấu hổ khi nghe được bao điều “kể tội cộng sản” mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt từ sau cải cách ruộng đất và sau vụ đàn áp anh em Nhân Văn Giai Phẩm.

Cái “tít” đảng viên từ những năm 1960, đã manh nha mang theo quyền và lợi như đi học nước ngoài, đề bạt lên chức, lên lương nên đảng viên đối với quần chúng, là kẻ ăn trên, ngồi trốc, vô tài bất tướng và đáng ghét nhất. “Âm mưu” tự khai trừ mình khỏi Đảng bắt đầu từ những năm 1960 đã được tiến hành êm đẹp. Nhưng đó là chuyện về sau còn lúc này muốn gì thì gì, tôi phải tiếp tục hoàn thành cái nhiệm vụ Đảng giao là “tăng cường lãnh đạo”! Nghĩa là, tôi phải cố gắng sắm nốt vai kịch “hèn sĩ” một thời gian nữa trong các vai càng phụ, càng mờ nhạt càng tốt. Hơn thế, vì biết ơn những người đã ra tay cứu vớt tôi khỏi cái địa ngục văn nghệ quân khu IV, tôi cũng chưa dám có hành động gì để làm họ phiền lòng vì “sản phẩm tăng cường” của Quân Đội mà họ giới thiệu lại là thứ...“khó nhai” sao? Chính nhờ họ, tôi đã trút được cái “mác quân nhân cách mạng”, nhảy vào một sân khấu cuộc đời lớn hơn, rộng hơn tuy cũng lúc nhúc đủ loại “diễn viên”, trung có, gian có, mặt đỏ, mặt xanh, mặt trắng, đủ mọi mầu sắc. Với cảnh chân ướt chân ráo trở lại “sân khấu” lớn Hà Nội một cách cực kỳ may mắn, tôi cố sắm một vai hết sức phụ trong xã hội: Làm một công chức tốt trong cơ quan và làm một nhạc sĩ thực thụ ngoài đời, không mơ tưởng tơ hào địa vị gì, dù nhỏ nhất. Tôi cố tạo cho mình thành thứ “chẳng đáng quan tâm” của... bất cứ ai, trừ những nhà hát, các xưởng phim, các đoàn văn công lớn, nhỏ đang xô đến gõ cửa số nhà 26B phố Huế của tôi!

Thế là đã quá đủ, quá tốt, quá hạnh phúc rồi!

Vậy là nhờ cái vô tổ chức của tổ chức giữa ba hệ thống Đảng – Chính Quyền – Quân Đội, tôi từ một “quân nhân nhạc sĩ đảng viên” bỗng được quyết định của Trung Ương Đảng điều về tăng cường cho bên chính quyền, khi đang công tác tại đoàn kịch Tổng Cục Chính Trị.

Mặc dầu có quyết định do trưởng ban Tuyên Huấn (nay là ban Văn Hóa Tư Tưởng) đóng dấu hình chữ nhật hẳn hoi, nhưng giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng từ cơ sở thì tôi... không có! Lý do: muốn có mảnh giấy này tôi phải trở về Quân Khu đối mặt với hàng ngàn khó khăn phức tạp, thậm chí có thể bị ngăn cản sự ra đi quá tốt đẹp này, dù họ chẳng có chút gì ưu ái muốn giữ tôi ở lại!

Một ý đồ táo bạo đã hình thành trong tôi.

Sau khi trao đổi với một số bạn cùng chí hướng, cái ý đồ nung nấu từ lâu nhưng không tìm được lối thoát nay đã có thể thực hiện: Tranh thủ cơ hội có một không hai này rời bỏ ngay hàng ngũ những kẻ “tiên phong ăn gian nói dối” một cách an toàn, hoặc ít thương tích nhất.

Việc “đảng viên xin ra Đảng” còn tệ hơn “đảng viên bị khai trừ”. Cả hai đều là tai họa khôn lường chẳng những cho tôi, mà còn cho cả vợ con tôi nữa. Cách Đảng đối xử với những người “ly khai” kiểu Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng... nham hiểm, phi nhân tính thế nào luôn là lời cảnh cáo cho ai có tư tưởng đã vào Đảng lại bỏ Đảng hoặc bị Đảng khai trừ. Ngay cả dư luận xã hội (được Đảng nhào nặn) cũng lên án những người như thế, coi là “phần tử nguy hiểm”, thậm chí không bằng “quần chúng bình thường”. Chết nỗi, đã là văn nghệ sĩ đảng viên thì khó có ai không bị mắc bẫy cộng sản không ít thì nhiều? Trừ những tên “cốt cán” khốn nạn, cho tới hôm nay vẫn “tọa hưởng kỳ thành” những “quả thực” của chế độ, vẫn tiếp tục bốc thơm cái chủ nghĩa diệt chủng bị cả loài người lên án, còn có biết bao người chỉ vì muốn tồn tại mà phải sống hèn, nghĩ hèn và làm việc cũng hèn suốt bao năm trời!

Tôi nghĩ tới những lần phải cắn răng nín lặng trước hành động giết người, kể cả giết những đồng chí, bè bạn tôi trong các cuộc chỉnh Đảng, chỉnh quân, nhất là trong “cải cách ruộng đất”. Tôi nghĩ tới số phận những người thân, họ hàng và bao người quen biết bị cướp sạch nhà cửa, của cải trong các thứ cải tạo này nọ, hết “cải tạo công thương” đến “cải tạo tư sản.” Tôi nghĩ tới bao đồng nghiệp, đồng khóa đã bị mất hết chỉ vì bị...địch bắt trong chiến đấu hoặc do có những ý tưởng, những sáng tạo khác người như trường hợp một số đồng nghiệp trong nhóm Nhân Văn, Đất Mới. Tôi lại nghĩ tới những vị tá, tướng, những bà mẹ nuôi bộ đội suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp cuối cùng bị đấu tố, bị truy bức bằng những trận đòn hội chợ rồi bị bức tử, bị xử bắn bởi các tòa án của mấy ông bà nông dân...

Tôi ôn lại cả quá trình tôi đã sống hèn thế nào khi trên cương vị đảng viên phải cắn răng chấp hành nghị quyết chi bộ do ba tên cấp ủy vô học lãnh đạo... Vậy mà, “đảng viên Tô Hải” đã thoát chết, thậm chí còn được tín nhiệm để “tăng cường lãnh đạo” cho bên “nhân dân” nữa! Những câu hỏi đặt ra với tôi lúc này là có nên tiếp tục sống hèn, sống “vâng, dạ” mãi để tồn tại không? Có nên cùng chịu trách nhiệm với những kẻ đang nhân danh Đảng mà nhắm mắt tô hồng mãi cái chủ nghĩa khùng điên, vô học, vô đạo, vô lý, vô luân mãi không? Nhất là mọi thông tin về chủ nghĩa cộng sản, với câu khẩu hiệu khôi hài “Prolétaires de tous les pays, dispersez-vous!”([10]) đã tràn lan khắp thế giới. Tôi nghĩ đến các vụ Khrushov công khai vạch tội Stalin trong đại hội đảng CSLX, tiếp đến vụ đàn áp đẫm máu ở Budapest, vụ xe tăng Liên Xô tiến vào Praha...

Nói trắng ra là tôi quá ngán những lời hứa hẹn hão huyền, phi lý, phản khoa học... của những người cộng sản cuồng tín hay cuồng quyền lực? Tôi thấy phải từ bỏ không thương tiếc cái tổ chức bắt tôi gật đầu theo mọi chỉ thị, kể cả gật đầu đồng ý bỏ người vào tù không xét xử. May là tôi chưa gặp trường hợp phải giơ tay đồng ý bắn ai bao giờ.

Chỉ đứng ngoài Đảng, tôi mới có điều kiện để nghĩ và làm theo ý mình. Tôi cho rằng với tài năng của mình, lúc bấy giờ, dù ra khỏi biên chế Nhà Nước, tôi cũng thừa sức sống, chẳng lệ thuộc vào cấp ủy nào, vào bè phái nào.

Tôi sẽ không còn phải đi họp những cuộc họp phổ biến các nghị quyết thu hồi ruộng đất vừa mới chia xong tay cho nông dân để bắt họ vào các hợp tác xã, “đưa vào tập thể” mấy cái máy khâu tàng của những cửa hiệu may, tịch thu cửa hàng của những người bị coi là giàu có sau khi chụp cho họ cái mũ tư sản, “kẻ thù giai cấp”...Còn cả ngàn vạn chuyện vô lý, cả ngàn vạn tội ác tầy trời nữa nhưng không một cá nhân, một Bộ Chính Trị, một Ban Bí Thư nào có lời xin lỗi nhân dân hoặc có một văn bản nào công nhận cái quá khứ đầy tội ác với Đất Nước với Lịch Sử! Những sửa sai lặt vặt về sau như phục hồi danh dự muộn màng cho những ông như Kim Ngọc, bí thư Vĩnh Phúc, như Nguyễn Hữu Đang... hoặc kết nạp lại Hoàng Cầm, Lê Đạt vào Hội Nhà Văn, cho in tác phẩm của Trần Dần, Phùng Quán... đều được lặng lẽ làm, cũng như đã lặng lẽ đưa những Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên ([11]), Lê Huy Vân ([12]) vào tù chẳng cần xét xử... !

Có thể nói chưa bao giờ tôi có dịp kiểm điểm bản thân trên cương vị đảng viên sâu sắc đến như vậy, chưa bao giờ tôi nhận ra mình chính là “kẻ vừa có tội vừa là nạn nhân” rõ ràng đến thế và tôi mong được trở lại đứng trong hàng ngũ 70 triệu quần chúng nhân dân như trong những ngày hiếm có trong đời này. Vậy thì, nhân cơ hội Trung Ương giới thiệu mà cơ sở (chi bộ) lại chưa giới thiệu này, sao không tranh thủ “đào thoát”? Nhưng quả thật, tôi cũng hơi...“hốt” và chưa dám thôi tiếp tục...sống hèn!

Thế nhưng như thể Trời định, khi tôi toan trở về Quân Khu lấy giấy tờ, làm thủ tục đi khỏi đấy thì đơn vị của tôi đã giải tán! Một số, kể cả chính trị viên kiêm bí thư Đồng Ngọc Vân được tướng Hoàng Minh Thi, “kẻ tử thù của văn công Quân Đội” ra quyết định điều về đoàn ca múa Tổng Cục Chính Trị và được đề bạt...tổng đoàn trưởng lãnh đạo luôn ba bốn đoàn ca múa, kịch, cải lương. Thật ra, cũng có một lần, do bị thúc bách quá, tôi đến gặp ông bí thư cũ khi ông đã chuyển hẳn về Hà Nội, ngỏ ý “xin” ông xác nhận cho tôi là “đảng viên”. Ông không những không đùn đẩy trách nhiệm cho hết Tổng Cục Cán Bộ lại Ban Tổ Chức Quân Khu theo thói thường, để thoái thác, mà còn lên giọng ghép tôi vào tội “vô tổ chức” khi “hai, ba lần có lệnh Quân Khu gọi mà không “về” nên bây giờ mới xảy ra tình trạng mất liên lạc thế này! Dù sao thì điều kiện để thoát khỏi tiếng “phản Đảng” đã có.

Tôi liền đưa ông giám đốc kiêm bí thư Đảng nhà xuất bản Âm Nhạc và Mỹ Thuật Nguyễn Đình Tính tới gặp ông bí thư cũ của tôi để ba mặt một lời cùng xem xét sự vụ. Kết luận: “Rõ ràng đồng chí Tô Hải vẫn thiết tha với Đảng. Mọi trục trặc giấy tờ có gây hậu quả thế nào, đồng chí Tô Hải cũng không phải chịu trách nhiệm vì đã báo cáo tổ chức”. Từ đó chỉ còn chuyện xác minh xem tôi có “vô tổ chức” hay không, khi tôi lần chần không quay lại Quân Khu làm mọi thủ tục cần thiết? Và trong chuyện tôi chuyển công tác, ai là người có quyền điều động? Chuyện này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, công văn đi, lại suốt hai ba năm trời giữa các cơ quan gồm nhà xuất bản, bộ Văn Hóa, Tổng Cục Chính Trị, Quân khu IV... May cho tôi, chính sự ngu dốt và quan liêu, chính cái thứ trách nhiệm chẳng ai chịu trách nhiệm còn tồn tại đến hôm nay đã đẻ ra một trường hợp không tiền khoáng hậu: Tôi trở thành một “quần chúng có sinh hoạt đảng”. Cứ như thế, tôi tiếp tục sống “lửng lơ con cá vàng”.

Họp đảng viên văn nghệ sĩ thì Tuyên Huấn Trung Ương triệu tập. Họp chi bộ cơ sở thì...còn chờ giấy giới thiệu của đảng ủy cơ sở cũ “đang” ở quá trình giải quyết! Chẳng phải đảng viên cũng chẳng phải quần chúng. Điều lợi ngay trước mắt là tôi được miễn mọi trách nhiệm để chỉ chuyên tâm làm nghề...

Tuy nhiên, mở đầu một giai đoạn mới, vào một vai mới, trên một sân khấu mới, với những bạn diễn mới, cái gì đang chờ đợi tôi?

Liệu sự đánh đổi lấy tự do, liệu ý định sống “đờ-mi-hèn” của tôi có thành hiện thực, có xứng đáng với sự trả giá của tôi, của gia đình tôi hay không?


__

([1]) Charles-Louis Hanon (1819–1900), nhạc sĩ sáng tác, thầy giáo đương cầm nổi danh người Pháp.

([2]) Carl Czerny (1791-1857), nhạc sĩ sáng tác, thầy giáo đương cầm, tác giả nhiều sách giáo khoa âm nhạc nổi danh người Áo gốc Séc.

([3]) Thuận Yến, tên thật Đoàn Hữu Công (1935), nhạc sĩ.

([4]) Tổng Cục Chính Trị.

([5]) Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn (1931), nhạc sĩ, có những ca khúc được nhiều người biết như Lá Đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô Gái Vót Chông

([6]) Hồng Đăng (1936), nhạc sĩ với các ca khúc Hoa Sữa, Lênh Đênh, Biển Hát Chiều Nay…

([7]) Doãn Nho (1933), nhạc sĩ, đại tá QĐNDVN được biết tới với những ca khúc Tiến Bước Dưới Quân Kỳ, Người Con Gái Sông La, Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng, Chiếc Khăn Piêu...

([8]) Tiếng Pháp: faux – sai, lạc điệu.

([9]) Chính nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn phải đăng ký máy dưới danh nghĩa cơ quan Hội Nhạc Sĩ.

([10]) Vô sản tất cả các nước, hãy bưông nhau ra! (tiếng Pháp).

([11]) Vũ thư Hiên (1933), nhà văn, nhà báo, bị tù trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng” (1967-1976). Từ 1997 sống tại Pháp, được biết đến nhiều qua tiểu thuyết Miền Thơ Ấu, hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày.

([12]) Huy Vân (1931-1969?), đạo diễn điện ảnh với phim Một Ngày Đầu Thu, bị tù trong vụ “nhóm xét lại chống Đảng”(1968-1973).




CHƯƠNG 10

SỰ TRẢ GIÁ QUÁ ĐẮT CHO NHỮNG VINH QUANG CAY ĐẮNG

Được về Hà Nội” lúc ấy với tôi, là cuộc đổi đời.

Việc đầu tiên là phải kiếm một chỗ ở vì tôi và ông Mai Thăng, phụ trách biên tập cải lương không thể sống chung trong căn phòng 12 mét vuông do cơ quan bố trí được. Là dân Nam Bộ và lính chuyển ngành lại có cấp bậc thượng úy, ông được sắp xếp về nhà xuất bản Âm Nhạc để suốt ngày... nấu nướng từ thịt cóc, thịt mèo... trên cái bếp dầu nhỏ xíu đặt ngay góc phòng lúc nào cũng sặc mùi tỏi, mùi dầu hôi và mùi rượu mà tôi rất dị ứng. Cho nên tôi bỏ hết thời gian đầu để đi kiếm một chỗ ở riêng.


Cũng lại một dịp may hiếm có trong đời đến với tôi. Tôi gặp một đồng ngũ Lục Quân cũ nhưng đã “dinh tê”, hiện là nhân viên “lưu dung” của Sở Nhà Đất đang đi kiểm tra các cửa hàng bị “cải tạo” phải đóng cửa. Đó là Nguyễn Đắc Hưu, ân nhân số một của tôi, dầu đối với nhà nước, anh là một...tên đào ngũ! Anh bảo tôi làm đơn trình bày hoàn cảnh vợ con không nơi ăn ở, công tác quan trọng (sáng tác), không quên kê khai bao nhiêu huân chương, tác phẩm rồi đưa cho anh. Hưu chạy ngay được cho tôi một cửa hàng tại mặt tiền Phố Huế! Chỉ có ba ngày. Lại bí thư đảng ủy Trần Minh Sơn khu Hai Bà, kiêm trưởng ban Cải Tạo Công Thương ký với câu phê bên cạnh: “Xét hoàn cảnh đồng chí Tô Hoài, duyệt cấp cho đồng chí đó tầng một của cửa hàng Bình Minh để có thể yên tâm sáng tác”.


Nghĩa là phân phối nhà cửa cướp được cũng do Đảng quyết định. Ôi! Ơn đảng nhiều quá! Vậy là giữa cái phố Huế đầy cửa tiệm đóng im ỉm bỗng dưng một hôm có một anh bộ đội (tôi chẳng có bộ thường phục nào) xe đến một cái bàn, một cái ghế và một tấm phản cá nhân cùng hàng chục thùng giấy tờ, hồ sơ lủng củng của cơ quan mà tôi chẳng hiểu trong đó đựng những gì, nhưng cũng ra vẻ một bộ phận cơ quan Nhà Nước nào đó mới chuyển nơi làm việc! Gia sản của tôi chỉ là một cái ba lô Trung Quốc kiêm...gối đầu! Sở dĩ có vụ “đột nhập tức thì” này là nhờ kinh nghiệm của ông Nguyễn Đình Tính, giám đốc nhà xuất bản. Ông cho biết: “Trong lúc này, mạnh ai nhanh chân trước, người ấy được. Các cửa hàng hiện đang do ban Cải Tạo Công Thương quản lý, để họ bàn giao cho bên Nhà Đất thì đến mùa...quýt! Trên đó có cả vạn cái đơn mà giải quyết thì vẫn là “nhất thân nhì thế, ba quen biết! Tớ cũng phải dùng chiến thuật này mới chiếm được cái garage của một tay tư sản đấy!”


Thời đó chưa có lệ đút lót, ăn hối lộ, mọi việc đều giải quyết theo nguyên tắc “tự biên tự diễn” của các cơ quan rất…vô nguyên tắc, nhưng cách đó thật sự trong sáng gấp ngàn lần những nguyên tắc ra vẻ nguyên tắc của các cơ quan công quyền ngày nay! Thế là lần đầu tôi có nhà, có nhà đàng hoàng, có nhà ngay phố chính, đặc biệt là có nhà sau 18 ngày, tính từ ngày “biệt phái” sang... “nhân dân”! Nhờ cái nhà này mà tôi đón được ba đứa con về, làm khai sinh (khai “phịa” vì chẳng nhớ nổi chúng sinh ngày nào, tháng nào ngoài năm sinh... tương đối chính xác) cho chúng được đi học. Cũng nhờ cái nhà này mà tôi đã “ăn nên làm ra”, được sống với vợ con như một gia đình đích thực. Tôi biết ơn anh bạn Đắc Hưu suốt đời. Tôi cũng biết ơn cả cái chữ ký của ông Trần Minh Sơn dù ông nhầm tôi là nhà văn Tô Hoài, đã ký cho tôi cái “cầu bật” để vươn tới những gì tôi hằng mơ ước.



Tôi cũng biết ơn các ông Nguyễn Đình Tính, Nguyễn Đình Quí, Mai Thăng, những người đã ủng hộ tôi hết mình. Với riêng ông giám đốc nhà xuất bản Âm Nhạc và Mỹ Thuật Nguyễn Đình Tính, cho tới khi thời thế thay đổi, ông trở thành một cán bộ không nghề ngỗng, “ngồi chơi xơi nước” chờ về hưu, tôi thật đặc biệt có tình cảm và thương hại. Số là ông thuộc loại “lính được tăng cường” sang các cơ quan tư tưởng của Đảng như hàng trăm con người vô tên tuổi, vô nghề nghiệp ngoài nghề... chính trị viên! Ông là chính trị viên tiểu đoàn đã có thời gian làm địch vận nên được điều về để... “văn nghệ vận” ở cái bộ Văn Hóa.

Với lá cờ đỏ “chính trị là thống soái”, người ta giao cho ông chức giám đốc nhà xuất bản Mỹ Thuật và Âm Nhạc đầy những “phần tử không đáng tin cậy” gồm hàng loạt họa sĩ, nhạc sĩ “chuyên” thì có nhưng “hồng” thì chưa! Lúc đó, Bộ Văn Hoá từ trên xuống dưới, ngoài ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng mà chẳng có quyền gì (ông là đảng viên Đảng Xã Hội ([1]) cho đến lúc chết), tất cả các vị thứ trưởng, vụ trưởng, vụ phó, giám đốc, thậm chí cả trưởng, phó phòng sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm đều là cán bộ chính trị, đặc biệt là những cán bộ từng làm Công An và...địch vận!

Cùng với các ông Mai Vy tỉnh ủy viên phụ trách Công An Hà Tây, Trần Văn Hải phụ trách tổ chức cán bộ, Võ Hồng Cương trước là Công An dưới sự lãnh đạo của ông Hà Huy Giáp thứ trưởng kiêm bí thư đảng đoàn, một loạt chức vụ cục trưởng, vụ trưởng chuyên nghành nghệ thuật, các giám đốc các nhà hát, các cơ quan xuất bản, các đoàn nghệ thuật…đều được trao vào tay những ông cán bộ chính trị như Lý Thương, Phạm Ngọc Lê, Phan Trọng Quang và hàng lô hàng lốc sĩ quan, cán bộ lão thành (cả thật và...dỏm (như bà Châu cục trưởng Cục Xuất Bản, hoặc ông Hồng Việt, giám đốc xưởng Phim Đèn Chiếu, ông này sau bị tù vì... tham ô, hủ hóa, khai man lý lịch).

Họ là những người “Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” khi được đặt vào những vị trí này. Nhưng khi họ “tích cực” công tác thì…ôi thôi, văn học nghệ thuật không còn biết chạy đường nào. Rồi đến lúc người ta âm thầm xem lại cách đối xử với văn nghệ sĩ để cũng âm thầm như thế phục hồi tư cách công dân cho những người vô tội theo cách bao dung, khoan hồng. Tôi thật đau lòng khi thấy người ta phục hồi cho Văn Cao bằng việc cho sống lại các tác phẩm trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Vậy từ năm 1954 ông viết những gì? Tại sao ông không có được bản Sông Lô thứ hai? Tôi nhớ những buổi ngồi với ông, đưa vài tập nhạc của người khác để ông...trình bày bìa. Tôi lặng nhìn ông uống rượu suông, nghe những lời ông nói “chẳng ra đầu ra đuôi”, “chẳng ra say ra tỉnh”.


Tới ngày tôi vào Nam, 1975, Văn Cao vẫn chưa được in tuyển tập và vẽ bìa cho chính các tác phẩm bất hủ của mình. Văn Cao còn phải sống lay lắt bằng nghề vẽ bìa, minh họa thơ cho người khác thì chuyện khai trừ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, đuổi họ khỏi biên chế xét ra chẳng... nặng nề cho lắm! Các cán bộ biên tập của nhà xuất bản khi đưa cho Văn Cao...vẽ bìa, trong đó có tôi là người tích cực, hoặc đưa cho Trần Dần dịch Những Người Chân Đất (với điều kiện không được đề tên thật của người dịch) không phải không gặp khó chịu.

Có lần tôi suýt khốn nạn vì phản đối quá kịch liệt một...nhạc sĩ dỏm khi anh ta phê bình tôi thiếu cảnh giác, rằng bìa do Văn Cao vẽ “không hiện thực”, còn nhiều “biểu tượng hai mặt”(?!) May mà tôi được giám đốc Nguyễn Đình Tính và trưởng phòng biên tập Đình Quí tín nhiệm gần như tuyệt đối nên mới thoát nạn. Tôi được coi như thứ “cố vấn chuyên môn” đáng tin cậy nhất và có cấp bậc cũng như đồng lương cao nhất phòng biên tập, chỉ thua họa sĩ Huỳnh Văn Gấm từng là tỉnh ủy viên nhưng lại mang danh...họa sĩ nên không bao giờ được giao làm lãnh đạo!

Thời thế và nhiệm vụ bắt buộc các vị giám đốc, vụ trưởng, thứ trưởng muốn hoàn thành nhiệm vụ đều phải chọn một số tay sai có nghề (tức vừa chuyên vừa hồng!) mà ngoan ngoãn, gọi bốc lên là...chuyên viên. Tôi thuộc loại chuyên viên đó vì làm sao các vị có thể duyệt được một tiết mục để thu đĩa do các nước anh em Liên Xô, Tiệp Khắc giúp in miễn phí, làm sao các vị có thể đọc những bản nhạc của các tác giả gửi tới.Tôi thành kẻ gọi dạ bảo vâng của các vị chỉ nhằm mục đích tranh thủ viết và viết. Việc cơ quan tôi gần như chỉ cần làm bằng ngón tay... út!

Lúc này, khách hàng đến 26B phố Huế nhiều đến mức tôi phải từ chối nhận đơn đặt hàng. Các nhạc sĩ mới từ nước ngoài về như Hoàng Vân, Chu Minh, Huy Du... mãi sau này vẫn không “đông khách” bằng tôi. Một năm tôi phải viết cho đủ các đoàn văn công, các trường, các xưởng phim, các nhà hát vv... kể không hết. Tất nhiên, tiền cũng vào như nước. Vợ chồng con cái tôi ăn tiệm đều đều, đến nỗi công an phải báo cáo hiện tượng khả nghi ấy cho đảng đoàn Hội Văn Nghệ lúc này do ông Học Phi ([2]) phụ trách.


Quần áo thì may sắm toàn đồ xịn, chủ nhật nào cũng diện bảnh vào ra khách sạn Rex dành cho khách quốc tế nhờ tôi xin được cái “các đặc biệt” dành riêng cho một số rất ít văn nghệ sĩ, “trí thức lớn”, chứ tôi chỉ là loại văn nghệ sĩ tép riu và, nếu đánh giá trên đồng lương chỉ vào loại...đi chợ “nhân dân anh hùng” ([3])! Tuy nhiên trong nhà tôi đầy đủ piano, radio loại cung cấp cho bộ trưởng (xin “tiêu chuẩn” do ông Lê Liêm ký), vợ một xe đạp đầm, chồng một xe Favorit, là những vật tiêu dùng siêu hạng thời ấy, còn tiền mặt lúc nào cũng có vài xấp trong tủ, tiêu gì cứ việc lấy. Nhưng biết tiêu gì, sắm gì hơn, khi tivi, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ lúc ấy chỉ có trong... khái niệm và thỉnh thoảng được thấy trong... phim!

Để có được những cái đó, tôi phải trả giá đắt, nhưng ít nhất cũng đã có khối cái “được”: được hạnh phúc gia đình, được nhà cửa, tiền bạc. Thu hoạch của tôi so với phần đông anh em nhạc sĩ khác lúc ấy chênh lệch đến... 4 số không. Lương của tôi là 85 đồng nhưng bản quyền “nhạc viết thuê” bình quân hàng tháng 1.200 đồng. Vậy thì cần gì phải phản đối ông Nguyễn Đình Tính khi ông ấy phê bằng bút đỏ vào bản thảo của các tác giả đáng kính những điều ngu xuẩn, khi ông duyệt lời ca của một bài hát mà chính ông chẳng hiểu nổi cái hay, cái đẹp là gì? Tôi làm ông vui lòng bằng cách tự mình chữa đi vài từ để trình bày lại với tác giả sau, mặc dầu biết việc làm này là xâm phạm quyền tác giả. May là bạn bè cũng hiểu nỗi khổ của tôi và họ cũng chẳng ham hố gì mấy bản nhạc in với vài chục đồng bản quyền lúc ấy gọi là tiền thù lao.

“Thời hoàng kim” này chính là nhờ sự... ngu dốt của cả một triều đình, vì thế mà một số văn nghệ sĩ chúng tôi, kẻ vớ bở, người ấm ức vì bị thiệt thòi. Số là chẳng hiểu ở đâu ra (có người cho là sáng kiến học lỏm của Liên Xô, Trung Quốc), một quy định tạm thời về bản quyền tác giả bỗng được ban hành, đầy nghịch lý đến không thể tin nổi. Thí dụ: nhạc tính tiền bằng cách...đếm mơ-duya, tranh tính tiền bằng...cm vuông! Mặc dầu có phân loại A, B, C hẳn hoi, nhưng một bản nhạc nếu dài, có xếp loại C (thấp nhất) thì tiền nhuận bút lại cao gấp nhiều lần bản nhạc loại A mà ít nhịp! Tôi “giàu” lên là nhờ các bản nhạc như cantate, hợp xướng và viết cho phim, cho kịch. Riêng Tiếng Hát Biên Thùy, tôi được trả...2.700 đồng tiền thu đĩa và 750 đồng tiền in trên giấy!


Với cái giá bao cấp 200 đồng một chiếc xe đạp loại nhất Việt Nam, 700 đồng một cây đàn Piano, 350 đồng một Radio Orion to đùng 3 loa, tôi đã có tất cả những gì mà bao người mơ ước suốt đời không có ở cái thời 3 hào một bát phở “chui” ấy. Cho nên, không ít kẻ “ghen ăn tức ở” bắt đầu nói ra nói vào. May mà lúc này vàng, đô la là những thứ bản thân tôi cũng như bao người khác chưa hề biết đến khái niệm chứ chưa nói đến mua sắm, tích trữ để...đi tù! Tôi chẳng biết dùng tiền làm gì ngoài việc khao bạn bè, anh em dàn nhạc vài bữa ở các nhà hàng Phú Gia, Bodéga, nhiều lắm cũng chỉ hết vài chục đồng. Kể ra, nếu tôi được sống lại những ngày ấy, tôi sẽ mang vài món quà gì “trên mức tình cảm” cho ông Nguyễn Đình Tính, một giám đốc biết điều đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Trong cái không khí không mấy thuận lợi cho những kẻ bỗng giàu lên như tôi, chính ông Tính là người bảo vệ tôi: “Tiền nong của Tô Hải là do công sức lao động nghệ thuật của đồng chí đó mà có! Mọi thu nhập của Tô Hải đều có chứng từ chuyển khoản ở ngân hàng cả!” Cái thời bao cấp, xét cho cùng, cũng có cái hay của nó. Tiền tư nhân có đồng nào là gửi tiết kiệm.


Giá gạo 40xu/kg, thịt 2 đồng/kg chẳng thay đổi cả chục năm, nhà cửa cấp không, tiền thuê hết vài ba đồng bạc, có ai nghĩ tới mua nhà, mua đất để mang cái tội có “tư tưởng tư sản”. Tiền bản quyền quá 100 đồng là không được phép lãnh tiền mặt. Phải dùng séc để rút tiền, chuyển khoản cho các cửa hàng Nhà Nước (cửa hàng tư nhân đã bị dẹp bỏ) sau khi được...“duyệt bán” cho một thứ gì. Tất cả đều trong sáng, có lẽ chủ yếu là do không mấy ai thấy được cọc tiền nào quá vài trăm đồng để mà thèm muốn. Ngay tiền mình có ở quỹ tiết kiệm ngân hàng mà mỗi khi ma chay, cháy nhà... vẫn phải làm đơn “xin” rút với cả lô chữ ký, dấu đỏ chứng nhận. Do đó, khó có tội ăn cắp của công dễ ợt như ngày nay. Vậy thì tiền sẽ làm gì nếu không chỉ là...ăn và mặc ngoài tiêu chuẩn Nhà Nước cấp phát?

Phải thú thật, chính cái tư tưởng “cho chúng mày biết tay”, “cho chúng mày tức hộc máu mồm ra mà chết” đã thúc đẩy tôi làm việc cật lực để khẳng định mình. Tôi viết như điên để hoàn thành những tác phẩm sản xuất... hàng loạt cho đủ các thể loại phim, kịch như Câu Chuyện Iếc-Cút (đạo diễn Monakhov) hoặc Chị Nhàn, Tiền Tuyến Gọi..., hết thảy đều dùng hình thức giao hưởng cho dàn nhạc mới được thành lập mà chỉ huy giỏi nhất là ông Vũ Lương. Mục đích tôi luôn theo đuổi là luyện thêm tay nghề. Chồng tổng phổ hết sức tỉ mỉ cứ ngày một cao để rồi một ngày kia nhìn lại, tôi thấy nó vô duyên dễ sợ.

Số là viết nhạc thời ấy là một chuyện, còn dàn dựng nó, thu thanh nó và phát nó ra bằng đường âm thanh của phim nhựa 35 ly hoặc bằng băng từ, qua những ampli và loa Trung Quốc thì...eo ơi, tất cả đều là công cốc! Hơn nữa, nội dung và hình thức của phim, kịch, múa... từ kịch bản tới lúc thành hình tượng trên sân khấu, trên màn ảnh ... xa cách nhau một trời một vực với tưởng tượng, với “tư duy âm nhạc chính qui” của tôi. Tôi còn nhớ khi viết một trường đoạn của phim Độ Dốc (đạo diễn Lê Đăng Thực) ca ngợi cảnh kết của một nông trường tiến lên “đại sản xuất mở rộng”, tôi đã khổ tâm, khổ tứ cố viết như kiểu chương cuối bản giao hưởng số 7 của Prokofiev (chủ đề sản xuất của đoàn thanh niên Komsomol). Cuối cùng, khi lắp vào phim, nó vô duyên đến...tức cười. Vậy mà đồng, gỗ, dây, gõ...cứ ầm ỹ cái mouvement allegro vivace. Kết quả là ban xét duyệt của Cục Biểu Diễn gồm những vị võ vẽ vài ba nốt nhạc nhất trí xếp nó vào loại... “trung bình” và tất nhiên, tiền bản quyền cho tác giả phải kém xa một bộ phim mà mấy ông nhạc sĩ tự biên tự diễn quẳng ra độc một giai điệu trong một ca khúc rồi... mặc cho dàn nhạc muốn xoay sở ra sao thì ra, miễn đủ số phút yêu cầu!

Ở đây phải nhắc tới hai tay đã “cứu” các nhạc sĩ chỉ biết hát lên lời ca rồi trót mang danh hội viên Hội Nhạc Sĩ nên bị...“mời nhầm” làm nhạc không lời! Đó là các anh Quang Khải và Huy Thư. Rất nhiều bộ phim có tên nhạc sĩ X., nhạc sĩ Y...nhưng sự thật là do 2 anh (sau cũng trở thành hội viên cả) đã có công phối âm phối khí, biến tấu, để có thêm ít tiền còm cho bản thân và anh em nhạc công vốn rất khó khăn về đời sống. Sau này, do ăn chia không minh bạch giữa người đứng tên và người viết thực thụ, đã nổ ra không ít vụ kiện cáo, bôi xấu nhau.

Riêng tôi, cho đến khi được anh em nhạc công — có lẽ vì tập khá vất vả — khuyên nhủ, tôi đã tỉnh ngộ: “Đừng kiếm tiền bằng những thủ đoạn...tử tế!” Và tôi cũng chẳng hào hứng gì mà cứ viết mãi thứ âm nhạc nghiêm túc để rồi cuối cùng hiệu quả về kinh tế lại thua hẳn kẻ làm ăn lèm nhèm. Tôi đã thất bại trong các vở Đêm Mưa (đạo diễn Dương Ngọc Đức – Ngọc Phương, cả hai nay đều là nghệ sĩ nhân dân), Hoa và Ngần (kịch bản Nguyễn Đình Thi, đạo diễn Dương Ngọc Đức) khi huy động cả một dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng để làm “một cái gì đó” có tí nghệ thuật! Cuối cùng, chỉ cần hội đồng xét duyệt phán thế nào đó, vở kịch bị “đổ” ngay lập tức kéo theo các nhà đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ...


Đi tiêu cả một quá trình sáng tạo! Điều “lạ mà không lạ” là hầu hết các vở “có vấn đề” lại là những vở mà chúng tôi đều thấy hứng thú nhất! Vở bị bỏ có nghĩa là tác giả kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ không có ... tiền! Thật ra, ngay vở được diễn có khi cũng chờ cả tháng, đi lên đi xuống mới lấy nổi tiền ở cái ông tên Tốn trên Vụ Biểu Diễn, vì còn phải “chờ hội đồng xét duyệt xếp loại vv...” Mãi mấy năm sau tôi mới biết hầu hết tác giả, biên đạo, nhạc sĩ khi qua cửa ông này đều “giúp đỡ ông cái số lẻ”. Ông chỉ là người giữ khâu cuối cùng là chi tiền, nhưng ông luôn có ý nghĩ đây là khoản chi không hợp lý vì các tác giả chẳng ai không ăn lương Nhà Nước cả! Ông thường vừa đưa tiền vừa lầu bầu: “Các ông sướng thật! Đã có lương rồi mà lại còn được lãnh lương thứ hai gấp cả 5, 10 lần lương của tôi!”


Ý kiến này không do ông Tốn tự phát ra mà ông chỉ nhắc lại những gì đã nghe từ các ông lớn, thứ trưởng, vụ trưởng, các ông Mai Vy, Hà Huy Giáp, đặc biệt là từ ông...Cù Huy Cận, một nhà thơ có tiếng, cũng khuyên anh em “không nên đòi hỏi bản quyền găng quá mà chỉ nên coi là “hương hoa” của Đảng và Nhà Nước!” “vì đất nước ta, dân ta đang còn nghèo!”...Phải chăng vì ông đã có đời sống đầy đủ với cương vị thứ trưởng nên ông nói thế? Hay ông thực sự thương Đảng, thương dân ta nghèo? Hay ông... “ghen ăn tức ở”, vì ông là nhà thơ thứ trưởng duy nhất chẳng mấy khi có bài được lĩnh bản quyền kể từ khi ông nổi tiếng với tập Lửa Thiêng trước 1945, chẳng dính gì đến cách mạng, cách miệng?

Và cuối cùng, một quyết định nhằm hạn chế bớt thu nhập dễ làm văn nghệ sĩ hư hỏng của Liên Bộ Tài Chánh - Văn Hóa được ban hành. Ngoài những qui định hết sức “vô nghề nghiệp”, ở từng chi tiết thì có một khoản rất cơ bản gây tranh cãi. Đó là “sáng tác trong giờ” và “sáng tác ngoài giờ”! “Trong giờ” có nghĩa là ăn lương để sáng tác chỉ được hưởng 20% bản quyền! Còn “ngoài giờ” là sau khi hoàn thành các nhiệm vụ biên tập, giảng dạy hoặc làm nghề khác như nhà giáo, diễn viên, cùng những ai “ngoài biên chế” đều được hưởng 100% số tiền qui định!

Một loạt văn nghệ sĩ đều có tư tưởng ra khỏi biên chế vì...không chịu được cái kiểu phân chia lạ đời này. Hai họa sĩ Phan Thông, Trần Đông Lương ra đầu tiên. Cả hai đều không phải đảng viên, thuộc loại “có vấn đề” nên họ tự nguyện ra khỏi biên chế là điều Đảng rất hoan nghênh! Cả hai sau này khá chật vật vì sống sao nổi khi tất cả các đầu mối tiêu thụ tác phẩm hội hoạ đều là của Nhà Nước? Ngay các hoạ sĩ ăn lương Nhà Nước còn chưa biết tiêu thụ tác phẩm ở đâu cho hết, huống hồ các hoạ sĩ ngoài biên chế, cho dù được hưởng tiền bản quyền 100%!

Các hoạ sĩ sống khổ thế nào vì bị triệt đường sống có lẽ chỉ một số rất ít người thấu hiểu. Từ chỗ mến phục các nhân tài vài người trong số ít đó đã trở thành những mạnh thường quân cho các nghệ sĩ. Nổi bật trong những người như thế có ông Lâm, thường gọi là Lâm Toét do có đôi mắt ướt nhèm nháy liên tục. Ông có một quán cà phê nhỏ ở đường Nguyễn Hữu Huân, nơi văn nghệ sĩ Hà Nội thường tụ tập. Đối với các hoạ sĩ, ông Lâm Toét có sự ưu ái đặc biệt: Các anh có thể ăn chịu uống chịu bao nhiêu cũng được. Bằng cách đó ông đã giúp cho các anh có miếng bánh mì ốp la, đĩa xôi lạp xưởng, tách cà phê đen… hàng ngày. Khi thiếu tấm vải nền, hộp bột mầu, tuýp sơn dầu các anh không tìm được sự giúp đỡ từ các cơ quan “thu mua” tranh của nhà nước vô sản thì có thể tìm thấy sự giúp đỡ ở ông chủ quán Lâm Toét. Để trả ơn tri ngộ, các nghệ sĩ tặng lại ông rất nhiều tác phẩm có giá trị. Chỉ riêng các bức tranh ký tên những Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái ... kèm theo câu “mến tặng” hoặc “kính tặng Lâm” có thể cho thấy họ yêu mến và kính trọng ông hơn...


Đảng và Nhà Nước chừng nào! Các danh họa nước ta đâu đến nỗi bán tác phẩm của mình để đổi lấy một tách cà phê như Modigliani ([4])? Các anh, cùng một số nhà văn như Nguyễn Tuân ([5]), người không mấy ngày vắng mặt, dùng “Cà-phê Lâm” như các nghệ sĩ Pháp dùng La Rotonde ([6]) làm nơi gặp nhau, trao đổi thông tin về đủ thứ...chính trị, thế sự, nhân tình, nghệ thuật và nuốt với nhau những ngụm đắng cuộc đời! Những gì các anh trao đổi đã không lọt qua lỗ tai ông Lâm, từ đó, ông nhìn thấy một thế giới đầy những người tài khổ cực. Và ông quyết giúp họ bằng khả năng có thể của ông. Tôi xin làm nhân chứng khi cần đưa ra tòa những kẻ bôi xấu ông bằng cách vu cáo ông “lợi dụng mua tranh bằng giá rẻ mạt!” Chao ôi, nếu các ông cộng sản lãnh đạo cao cấp học được lòng quí trọng nhân tài chỉ bằng một phần trăm ông Lâm toét thì đâu đến nỗi phải chạy đôn chạy đáo đi tìm, đi mượn tác phẩm của họ bị tứ tán khắp nơi, mỗi khi cần triển lãm những sản phẩm văn hoá của đất nước.

Có lần tôi được Trần Đông Lương tặng một bức tranh lụa. Biết nhà anh hôm ấy hết...gạo, tiền cũng chẳng còn đồng nào, tôi khệ nệ vác lên nhà anh...10 kí gạo. Anh bắt tay tôi, nói đùa:“Cám ơn! Cảm ơn! Nhưng này, tớ không có bán tranh rẻ thế đâu đấy nhé!” Tôi trả lời: “Trần Đông Lương đâu có tặng tranh cho anh Lành, anh Tô ([7]) mà lại tặng mình, cũng là Tô, nhưng Tô...hạng bét! Còn gạo đây hở? Thằng Tô hạng bét lấy 13 kí rưỡi mua theo sổ gạo “nhường cơm sẻ áo” cho hoạ sĩ Trần Đông Lương đấy, được chưa?” Hai chúng tôi ôm lấy nhau, cố ngăn nước mắt khỏi trào! Tôi nhớ lần tôi đưa Quang Dũng 5 đồng ăn xôi ngay bên hè đường, đưa tờ giấy 10 đồng anh nhất quyết chỉ lấy 5, buộc tôi phải đổi tiền lẻ anh mới chịu nhận. Tôi chở gạo, mua rượu “quốc lủi” đến biếu một họa sĩ “cỡ lớn”, một nhà thơ không ai không biết, một dịch giả chuyên dịch những tác phẩm khó dịch nhất, tôi “cho vay không đòi lại” những con người không gặp may như tôi, khi dăm ba đồng, khi vài chục...với tất cả tấm lòng mến mộ tài năng của các bạn.

Những điều nhỏ nhặt đó, dù hôm nay các bạn còn nhớ hay đã quên, dù các bạn đã “đi xa”, hay còn sống (sót), dù các bạn đã đổi đời trở nên giàu có nên quên dĩ vãng đau buồn, tôi thấy cần nhắc lại để hậu thế biết cuộc đời của các văn nghệ sĩ “lầm đường theo Đảng” thời ấy cơ cực và nhục nhã mức nào. Có thể không ít người sẽ lại buông ra câu nói của con một ông bạn thân của tôi: “Sao thời ấy các cụ... hèn đến vậy?” Vâng! Nhiều cái còn hèn, còn nhục hơn nữa đã biến không ít người trong chúng tôi thành những kẻ suốt đời “ăn giả”, “viết giả”... Tóm lại là tất cả chúng tôi đều sống giả, sống bằng cái đầu và trái tim của người khác. Điều đáng trách là chính tôi, một nạn nhân, đồng thời cũng là một tội đồ, có lúc không phải là không “cuồng tín” để bị mê hoặc, nhưng chủ yếu vẫn là kẻ cố bám lấy cuộc sống, cố nuốt mọi cục phân thối hoắc để tồn tại mà vẫn làm ra vẻ tươi cười...

Vì hèn nhát, vì cực kỳ hèn nhát, vâng, đúng là vậy. Chúng tôi, cả một lớp văn nghệ sĩ thời ấy đã hèn như thế, hèn nhát trong xử thế, hèn nhát cả trong sáng tác.

Tôi thật xấu hổ khi đọc lại những gì tôi viết trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất khi mà trong lòng tôi, tôi biết nó là một cuộc cách mạng lưu manh nhất, giết người tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam! Thử hỏi trước kia ở đất nước ta có thời đại nào làng xóm giết nhau, cha bị con đấu tố, vợ chỉ mặt chồng giữa sân đình gọi là “thằng kia!”...rồi đưa ra đầu làng bắn bỏ không? Vậy mà tôi và biết bao anh em không dám có một lời kiến nghị, phản đối. Người “dũng cảm” lắm là người lẩn trốn không chịu viết gì về cuộc “cách mạng long trời lở đất” do Đảng lãnh đạo. Cuộc “phản tỉnh” cuối cùng và khá muộn màng có thể sẽ chẳng ai biết nếu tôi không viết ra để phản tỉnh cho chính mình, để có dịp ôn lại cả một con đường sai lầm liên tục.

Trở lại với cái thời “giàu sang phú quí, hạnh phúc đề huề” những năm 60 của gia đình tôi... Giàu sang ([8]) nhờ tôi gắng sức kiếm ăn bằng cái nghề mình được đào tạo và một phần do gặp thời cơ lộn xộn về đường lối ngay trong cái tổ chức Đảng. Kẻ thì ủng hộ, kẻ thì phản đối cách xử sự với văn nghệ sĩ. Trong khi tình hình “phe ta - phe nó”, “xét lại”, “giáo điều” ngày càng phức tạp…là điềm báo cái “bắt đầu của sự kết thúc”. Bắt đầu bằng sự chia rẽ trong nhận thức về những khái niệm cơ bản nhất: Xã hội chủ nghĩa là gì? Cộng sản chủ nghĩa là gì? Thế nào là chuyên chính vô sản?... Từ những lý luận cơ bản đó, người ta buộc phải vạch trần quá trình sai lầm tệ hại đưa đến bế tắc toàn diện của chủ nghĩa cộng sản phản khoa học nhất lịch sử loài người, biến một phần sáu trái đất thành trại lính, tất cả phải nghe lệnh của mộ băng nhóm, thậm chí một cá nhân như Stalin, Mao Trạch Đông, Nikolai Ceaucescu ([9]), Enver Hodja ([10])... cùng ăn, cùng làm, cùng nghĩ theo một bàn tay chỉ đường!

Tất cả những vụ xé toạc bức màn sắt đó chẳng do thế lực phản động nào từ bên ngoài nhúng vào cả! Chính nội bộ các đảng cộng sản đủ mọi mầu sắc tự đánh nhau chí chóe bằng lý luận, choảng nhau thực sự bằng xe tăng, đại bác hẳn hoi (vụ Nga-Tàu). Các ông “anh lớn” đã thế, các đồng chí phe ta thì...mạnh ai nấy nói, nấy làm. Buồn cười nhất là chú bé Albanie vừa theo chân Tàu chửi Liên Xô, lại quay ngoắt chửi Mao, chửi Tiệp, chửi Hung...chửi tất! Không chơi với ai, bỏ ô tô đi xe đạp, nhịn đói chứ không ăn bánh mì...“xét lại”, không dùng đồ Anh, Mỹ...

Loại thông tin đáng sợ này người ta cố giấu, nhưng giấu sao được những kẻ nghe đài hàng ngày bằng ngoại ngữ như chúng tôi, giấu sao được những người đọc được các báo tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Nga, tiếng Tầu thuộc “phe ta” nữa. Trong cảnh bất lực vì không ngăn cấm nổi, một tên sen đầm văn nghệ còn chỉ tay vào mặt Bửu Tiến ([11]) mà doạ: “Ba cái văn kiện chữ Tây này nhiều lắm chỉ đến tay vài trăm trí thức ở Hà Nội, cứ đọc bậy đọc bạ, sao rồi cũng có ngày... ”

Tuy nhiên từ trên cao nhất, người ta vẫn cố chơi “trò xiếc đi hai dây” thậm chí...4,5,6,7...dây càng lâu càng tốt! Phải nói cái trò “bí mật ỡm ờ” “mọi người đều tốt” này kéo dài cũng được một thời gian.

Chính cái thời gian lấp lửng này mà anh em văn nghệ sĩ “nhờ mưa mát mặt” ít nhiều. Phe vẫn còn chút ít quyền nhưng “xét lại”, nghĩa là theo Liên Xô, cứ tiến hành các kiểu xây dựng, cách tân... theo kiểu Liên Xô mà không bị công khai trấn áp. Phe “chính trị là thống soái” thì cứ thẳng tay điều hàng loạt văn nghệ sĩ đi làm đường, đắp đập, làm thủy lợi, trồng cây ở các lâm trường, nông trường! Chẳng ai muốn bấm nút một cuộc đấu tranh chết người khi những trùm ný nuận về “ai thắng ai” cứ ngậm hột thị trên con đường... rã đám, bởi điểm mặt trên thực tế chẳng có tay lãnh đạo nào có lý luận gì ngoài sự nhai lại của 2 ông Xít ông Mao! Vì thế hàng loạt chính sách dễ thở được đưa ra thời kỳ này. Ví dụ trong chế độ bản quyền có mục “Mỗi năm mọi văn nghệ sĩ sáng tác được nghỉ ba tháng để sáng tác” tức giải phóng khỏi công việc sự vụ. Nhưng cũng chính thời gian này, trên các công trường, nông trường khắp miền Bắc, từng đoàn văn nghệ phải chấp hành ý kiến của ban bí thư, rời thủ đô về lao động thật sự với công nông. Mỗi người có một cách đi thực tế và nhiều cách trốn...thực tế!

Của đáng tội, khối người, trong đó có tôi, ra ruộng bê đất, đắp bờ chẳng qua là... “làm vui” cho nông dân chứ họ đâu cần đến cái thứ “lao động tài tử” quẩn chân họ! Họ cũng chỉ chấp hành ý kiến trên để văn nghệ sĩ ra ruộng “cùng làm” mà lòng chẳng muốn chút nào! Còn “cùng ăn”, “cùng ở” thì...bịp số một! Chẳng anh nào không có miếng chả, miếng giò, lọ ruốc bông, thậm chí tối tối còn vật gà, cắt cổ vịt đánh chén với chủ nhà túy lúy rồi lăn đùng ra ngủ ở chỗ tốt nhất mà chủ nhà thường nhường cho.

Chuyện khôi hài này, Nguyễn Tuân đã kể lại khi cụ cùng chúng tôi — Hà Mậu Nhai, Nguyễn Đình Thi, và tôi -– đi thực tế…Sài Gòn đêm Noel 75 tại nhà một văn sĩ “tại chỗ” là bà Tùng Long! Mọi người cứ cười nôn ruột khi cụ Nguyễn nhắc tới cái tật của Nguyên Hồng là hay nói... “nhịu” (thay mọi chữ bình thường bằng chữ lờ...bờ) chính là do “ba cùng” mà ra! Buồn cười nhất là chính các ông Mai Vy, Võ Hồng Cương, những người lãnh đạo chủ trương này cũng thỉnh thoảng “hạ phóng” xuống lội ruộng, đào đất cùng anh em văn nghệ. Do trình độ của các ông quá hạng bét cả về văn hoá lẫn chính trị nên gần các ông, tôi mới phát hiện các ông chỉ là những cái “máy phát âm” lại điều gì trên đã nói mà thôi, còn trong thâm tâm thì chính các ông cũng đâu có tin là bỏ bút, bỏ đàn cả mấy tháng trời sẽ làm anh chị em “lớn lên về... tư tưởng.” Vậy mà cứ hết đoàn này đến đoàn khác lên đường về nông thôn, nhà máy, làm... phiền sản xuất! Một số tác phẩm viết về nông thôn, về công nhân cứ ào ào ra đời và được đề cao, tặng thưởng thậm chí in bao cấp cả trăm ngàn bản, bán như cho... Điển hình là cuốn Con Chim Đầu Đàn của Lê Phương viết về “tổ đá nhỏ ca ba” (nhà máy xi-măng). Ngay những Mùa Lạc, Cái Sân Gạch của Đào Vũ ([12]), Nguyễn Khải ([13])... thời ấy được đề cao như “tuyệt tác” thì sau này, nhắc đến nó, chẳng ai biết nó là cái giống gì. Nổi đình đám và ồn ào nhất, nhưng cũng sớm mất dạng nhất, là hàng loạt bài hát với đề tài đào mương, chống hạn, làm thủy lợi. Những Cờ Ba Nhất, Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong ra đời một cách...rình rang, với mục đích “trình làng” — đúng ra là trình Đảng! Sự “tiến bộ” trong tư tưởng của nhạc sĩ, sau khi thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, đều được “ép ra đời...ông ổng!

Riêng tôi, về nông nghiệp tôi đã “rặn” ra một...đống, nào Nước Đã Về Đồng, Bài Ca Của Đội Thủy Lợi được giải của...bộ Thủy Lợi! Về công nghiệp, chỉ riêng đề tài hòn than thôi, tôi đã viết tới... 6 bài! Nào Mỏ Đẹp Mỏ Giàu, Bài Ca Từ Trong Lòng Đất, Hành Khúc Công Nhân Mỏ...nào Mai Đây Con Lại Lên Tầng, Lên Đèo Ngang...Về điện, về xi măng, về tất cả... những gì đi thực tế cũng có ngay tác phẩm, tôi cũng được đề cao, khen thưởng, ít nhất cũng do cấp bộ!

Tóm lại tao, mày, nó, chúng tôi, các anh, chúng nó... đều làm dối, nói dối, khen nhau dối, và từ trên xuống dưới đều dối nhau là “Đừng có nói...đó là...nói dối!”

Tuy vậy, không thể phủ nhận là cũng do những dịp đi “thực tế bắt buộc” này, không ít anh em đã có một số ghi chép (đặc biệt là nhóm họa sĩ) có lợi cho việc xây dựng tác phẩm tử tế sau này. Riêng những tác phẩm...“báo cáo thành tích” thì số phận nào dành cho nó, đã được thời gian và công chúng trả lời. Có người còn cố bám vào cái lý luận ra vẻ biện chứng duy vật lịch sử là nó đã “đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất ở miền Nam thật to lớn.” Phần tôi và đa số đều thấy những thứ “nhi nhô” đó không thể gọi là nghệ thuật, thậm chí còn đóng góp vào sự sai lầm chết người của cái chủ trương “Một mo cơm nắm, một gói muối mè, một trái tim hồng tiến lên đồi trọc xây dựng chủ nghĩa xã hội” (phong trào Gió Đại Phong)!

Không phải các vị Nguyễn Khải, Đào Vũ không thấy việc tập hợp công cụ sản xuất trâu, bò, ruộng đất... mới được chia trong cải cách ruộng đất vào cái gọi là hợp tác xã không có chút khả năng gì, ngay cả khả năng làm nông nghiệp. Cái lối làm việc theo kẻng, lao động chấm công dưới sự lãnh đạo của một ban chủ nhiệm gồm toàn đảng viên không cần giỏi nghề nông sẽ dẫn tới con đường...khốn nạn cả nước! Không phải chúng tôi khi đi thực tế, được mời nhậu nhẹt ở nhà ông bí thư, bà chủ tịch, không thấy những câu vè của nông dân “mỗi người làm việc bằng hai để ông chủ nhiệm mua đài, mua xe”, “mỗi người làm việc bằng ba để ông chủ nhiệm xây nhà, xây sân” là sự phản ảnh chân thật nhất cái thực tế đáng buồn của nông thôn Việt Nam những ngày sống dở chết dở đó! Cái sự hèn, hèn đến kinh tởm của anh chị em chúng tôi là ở đó. Biết cả đấy mà không dám nói.

Tuy nhiên sự sợ hãi phải vào tù, phải đi cải tạo như thời Nhân Văn đã giảm đi nhiều vì sự thật đã dần lộ nguyên hình! Với giới trí thức, bắt đầu khó thể nói mãi chủ nghĩa cộng sản là “một khối thống nhất từ Vĩnh Linh đến Bá Linh” nữa! “Sự thật viết hoa” đang vả những cái tát ra trò vào miệng những con vẹt ngu đần. Sự phân hóa tư tưởng đã hình thành trong giới văn nghệ sĩ kể cả bọn nhát như thỏ đế. Kể từ sau Đại hội 20 Đảng CS Liên Xô, rất nhiều báo chí, phim ảnh của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu (“phe ta” cả) mang đến cho chúng tôi những thông tin động trời! Hàng loạt tác phẩm, điện ảnh, văn học âm nhạc... dù không bị cấm, nhưng bị hạn chế, chỉ lưu hành nội bộ, cũng mở cho chúng tôi những con đường suy nghĩ mới. Những phim Liên Xô như Bầu Trời Trong Sáng, Khi Đàn Sếu Bay Qua, Bài Ca Người Lính, Người Cùng Thời Đại... đặc biệt những họa báo Ba Lan đã có ảnh hưởng rất lớn trong các văn nghệ sĩ đọc được tiếng Anh, tiếng Pháp. Ấy là chưa kể báo chí “phe nó” như Paris Match, Nouvel Observateur, L’Express... bị cấm nhưng vẫn lọt vào qua nhiều đường khác nhau: Các thư viện, các sứ quán, các bà bán giấy lộn… là thứ quốc cấm đấy, nhưng vẫn được chuyền tay nhau đọc. Càng đọc nhiều, càng nghe nhiều — tôi gần như nghiện tất cả các đài trên thế giới, dù “phe ta” hay “phe nó” — tôi càng thấy xấu hổ cho sự hèn nhát, thiếu bản lãnh của giới văn nghệ ăn lương nhà nước. Họ cũng là những người đáng thương, xét cho cùng, khi sau suốt cuộc đời chỉ viết theo chỉ thị, theo yêu cầu, theo com măng ([14]), để tồn tại và rốt cuộc rồi trắng tay hoàn tay trắng trong thời kỳ gọi là “Đổi Mới” về sau.

Theo tôi nghĩ, sự hèn nhát lớn nhất của giới văn nghệ miền Bắc Việt Nam vào thời kỳ cả thế giới cộng sản đang rung động đến tận nền móng chuẩn bị cho một cái chết đang chờ, là không dám làm một cái gì đó, dù chỉ nhỏ bằng ngón tay út cụ Phan Khôi hay Trần Dần. Mặc cho thời thế thay đổi, mặc cho quan điểm về cái Hay, cái Đẹp, cái Thật đã được định hình trở lại sau khi thần tượng Stalin bị chính những người cộng sản Liên Xô giật đổ, họ vẫn chúi đầu vào đống rác giáo điều, không dám hé con mắt nhìn ánh sáng chan hoà.

Nhà cầm quyền cộng sản đang dao động, hoang mang, trước ngã ba đường tỏ ra lỏng tay kiềm chế văn học nghệ thuật. Thời điểm ấy dễ thở hơn nhiều so với thời Nhân Văn, vậy mà không hề xuất hiện ở Việt Nam một Essenin, một Bulgakov, một Pasternak, thậm chí thứ suy nghĩ độc lập nhẹ nhàng như Cholokhov, như Akhmatova, như Chukhrai ([15])... Tấm gương của những văn nghệ sĩ được coi là mới trong phần thế giới bị nhuộm đỏ không hề có ảnh hưởng biểu kiến nào ở Việt Nam. Đến ngay những thông tin về Đại Hội 20 của đảng cộng sản Liên Xô mà cũng chỉ dám nói thầm vào tai nhau, bí bí, mật mật, cứ như đi họp “hội kín” vậy!

Tất cả chỉ im lặng hoặc xì xào ngầm về sự khẳng định như “đinh đóng cột” của thứ trưởng Hà Huy Giáp: “Nước ta không thể có bi kịch, tất cả chỉ là anh hùng ca”! Các bậc lão làng văn nghệ vẫn tiếp tục có mặt để nghe lên lớp về... văn nghệ bởi mấy ông lãnh đạo không văn nghệ chút nào. Đại để: “Hiện thực xã hội chủ nghĩa là hãy viết thật, vẽ thật mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.” Bạo phổi hơn, còn có ông thứ trưởng Hà Xuân Trường ([16]), đi sâu vào chuyên môn cực kỳ... bậy bạ như “Beethoven là người sáng lập ca kịch (opéra) cổ điển Đức!” Hoặc “Xa rời tính Đảng, nghệ sĩ không còn là kỹ sư tâm hồn nữa!” Cứ làm như những Shakespeare, Voltaire, những Orson Welles, Maugham, Miller ([17])... tất cả chỉ vì không có đảng lãnh đạo nên đều là “bồi bút” của chủ nghĩa tư bản hết”!

Những điều ngu si dốt nát, thậm chí phi lý tới mức con nít cũng không nghe nổi đó cứ liên tục, liên tục... nhai đi nhai lại mà chẳng một ai dám viết một bài báo, một ý kiến phản đối, bác bỏ. Tất cả chỉ vì quá sợ cho cái mạng sống và nồi cơm của mình trước những đòn răn đe từ thời Nhân Văn Giai Phẩm: Bị khai trừ, bị tinh giảm biên chế hoặc tệ hại hơn, đi cải tạo, cấm sáng tác và... đi tù!

Những bạn bè đồng nghiệp đang còn nằm trong tù như Nguyễn Hữu Đang, Phan Tại, Vũ Thư Hiên, Lê Huy Vân... với những cái “tội không phải văn nghệ” cho có vẻ hợp pháp như “âm mưu chống Đảng, chống chính phủ”, thậm chí “gián điệp”, thí dụ như trong vụ "Nhân Văn Giai Phẩm" chẳng cần bằng chứng gì hết mà Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Nguyễn Hữu Đang, Phan Tại vẫn bị kết vào tội gián điệp chỉ vì họ giao du với De Bonfils, một Pháp kiều...

Những bài học sờ sờ đó đã khiến cả giới văn nghệ với “chất men bất phục tùng và phản kháng” như xưa nay người ta từng nghĩ câm như hến!

Có phải đó là chính sách chuyên chính vô sản, vật hóa con người (abêtissement de l’homme) của đảng cộng sản Việt Nam đã thành công đến tuyệt cú? Tệ hơn nữa là bọn cơ hội, nhân lúc này, nhảy ra kiếm chác bằng cách bới lông tìm vết, khoác anh này vào tội “xét lại”, chị kia vào tư tưởng “hậu Nhân Văn”! Tác phẩm của ai bị trù dập đều bị soi qua lăng kính của bọn đểu giả “chỗ này là biểu tượng hai mặt”, chỗ kia là “nhằm đả kích chế độ”... Những bài hát có giai điệu mượt mà tí chút đều bị lên án, nhẹ thì “ảnh hưởng phương Tây đồi truỵ”, nặng thì “mang dấu ấn của chủ nghĩa xét lại”.

Một biểu hiện cơ hội chủ nghĩa đến ghê hồn là chuyện quay ngoắt 180 độ với những cái hay vừa mới được công nhận hôm trước. Điển hình là vở kịch Liên Xô Câu Chuyện Iếc-Cút mà tôi tham gia làm nhạc một cách chính qui (nghĩa là từ lúc đọc vở, dàn dựng đến lúc hoàn chỉnh, công diễn). Người ta đã “hua-ra” đến khản cổ, đã uống từng lời của ông Tố Hữu khi phân tích giá trị nghệ thuật, tư tưởng của vở diễn, đặc biệt là đạo lý cộng sản chủ nghĩa giữa con người và con người. Chưa bao giờ có một vở kịch nói mà khán giả, kể cả diễn viên phải đắp chăn nằm ngủ ngay phòng bán vé để sáng hôm sau mua được 2 chiếc vé...Vậy mà, chỉ sau đó ít lâu, khi có cái nghị quyết ba lăng nhăng đánh số là “nghị quyết 9”, khi người ta đã công khai lên án “chủ nghĩa xét lại”, khi một “ông to” phán: “Hay gì cái vở đề cao…một con đĩ (vai Valia)!” Thế là...dẹp! Các tiến sĩ, phó tiến sĩ (dỏm) đang có chức có quyền (nói trắng ra là lũ nịnh thần) cũng tát nước theo mưa, quay ngoắt 180 độ để phê phán vở kịch, thậm chí còn đấm ngực thùm thụp tự phê phán về sự “yếu kém trong lập trường” khi đã duyệt cho vở kịch xét lại ấy được ra mắt công chúng! Những tên “lá mặt lá trái” này càng về sau càng được tín nhiệm, càng lên cao (dù không ít tên cũng ngã đau) có những danh hiệu, học vị sang trọng từ cái thời “giết nhau để leo lên, dìm nhau xuống vũng lầy để vươn tới”, tôi có thể kể ra cả hàng trăm, vì họ là ai, học hành đến đâu, lạc vào con đường văn nghệ bằng ngả nào, gặp may ra sao, thực chất thế nào, cả về trình độ lẫn tư cách.


Họ là những tên gác rạp (gọi là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm), là những anh không thể làm bất cứ việc gì khác ở các đoàn văn công hơn là khuân vác, kéo màn, dựng cảnh! Họ là lính cũ của tôi, của các đoàn bạn, nhà hát bạn, thậm chí chỉ là anh... chấm cơm ở một sở văn hoá địa phương kiêm bảo vệ... và nhiều nhất là những tay vô tài bất tướng nhưng “lý lịch trong sạch”, trung thành với Đảng, “đầu đội chủ trương, lưng thắt chính sách, nói như... Trung Ương, làm bằng cái... miệng” Tôi dám bảo đảm 90% các vị được ưu tiên “bồi dưỡng”, được phong hoặc tự phong tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú...chi chi đó, đến một cái bằng trung học phổ thông, trước khi được gửi đi học nước ngoài...cũng không có! Một số đã chết, một số đã...lại quay 180 độ lần nữa, nghĩa là lại “hua ra” Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt...lại ca ngợi Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng vào thời...“đổi mới”!

Tôi xin lỗi số ít những tài năng chân chính khi phải nêu lên những mặt đáng tởm của giới “văn nghệ giả cầy”... gặp vận, vì đã làm các bạn phải vấy bẩn. Tôi cũng cảm phục những con người đầy bản lãnh đã nằm im (như thầy Nguyễn Công Hoan sau vụ Đống Rác Cũ) như Hữu Loan, Văn Cao. Tôi càng kính trọng những người thà đói cơm, rách áo những vẫn viết, vẫn vẽ theo tiếng gọi của con tim, của nghệ thuật chân chính, quyết không dính vào chính trị, cũng chẳng nhằm danh vọng, tiền tài như Trần Đông Lương toàn vẽ... con gái, một đề tài hoàn toàn không phục vụ công, nông, binh. Tôi càng thông cảm với sự chia tay cùng nghệ thuật của một số diễn viên rất có tài, có lửa, sau khi người ta đã phá tan cái đoàn văn công Tổng Cục Chính Trị bằng cách tăng cường cho các đoàn địa phương dưới chiêu bài “tinh giản biến”. Việc làm này đồng nghĩa với cấm dàn dựng các tiết mục kiểu Tiếng Hát Biên Thùy, Ouverture Carmen (Bizet)!

Điều khôi hài là trong cái gọi là thời Đổi Mới lại được chứng kiến một cuộc quay ngoắt 180 độ nữa, khi người ta bỗng chửi bới cả quan điểm “nghệ thuật vì nhân sinh” một thời được đề cao lồng lộng của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, mà chính ông trưởng ban Văn Hoá Tư Tưởng Nguyễn Khoa Điềm cũng làm lơ khi thấy bố đẻ của mình bị lăng nhục. Nhưng cuối cùng thì nghệ thuật đâu có vì nghệ thuật? Tất cả là một thứ hàng hóa rẻ tiền “luộc lại” một cách trâng tráo đủ loại táp nham, thậm chí những gì là phản nghệ thuật nhất mà ngay thế giới phương Tây vẫn lên án, những “bài hét” chứ không phải bài hát: “Ô!Ô!Ô Tình yêu là gì. Ô!Ô!Ô! Nụ hôn là gì”... với nhịp điệu Rock’n roll... bắt chước một cách rất “nhà quê”! Người ta triển lãm hội hoạ “mới” bằng cách... tự trói mình vào cột, xung quanh là mùng, màn, máu mê, bê bết ngay ở tả vu Văn Miếu! Họ tặng giải thưởng cao nhất cho những tác phẩm chửi bới quá khứ hy sinh vô ích và mù quáng...để rồi lại, một lần nữa, tự kiểm điểm là...sai lầm!


Và cả ngàn thứ “bịp bợm mà ăn khách” khác nẩy nở như nấm độc gặp mưa: hàng loạt họa sĩ không hề biết vẽ, hàng loạt nhạc sĩ không biết ghi, hàng loạt ca sĩ một nốt nhạc bẻ đôi không biết. Người ta phong “nghệ sĩ nhân dân”, cho những “nghệ sĩ” không hề gần một người dân nào vì quanh năm chỉ sống gần dân...nước ngoài, có về thì biểu diễn xong là lên xe chuồn thẳng về khách sạn để rồi sớm hôm sau, lên đường “dông” tuốt về trời Tây! Của đáng tội, họ quả có tài, cho nên không phong cho họ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú... thì bị lộ tẩy là chưa có “Đổi Mới”! Vì vậy tiếc gì dăm cái mề đay, ba cái danh hiệu mà chẳng ra tay ban phát! Có mất gì đâu, mà lại được tiếng là dưới thời họ lãnh đạo, tiến sĩ, giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú... nhiều đến thế đấy!

Chẳng hiểu có nước nào nhiều “sĩ”, nhiều “nhà” như ở nước Việt Nam của chúng ta trong giai đoạn chuyển nhanh, chuyển mạnh, sang nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” này không? Tôi không nói vống lên đâu. Chỉ riêng hai cái “hội âm nhạc” to nhất nước đã có gần…hai ngàn nhạc sĩ! Tôi từng dạy một số “hội viên” trong hai cái hội này (tức là họ đã được công nhận là “chuyên nghiệp”), tôi biết họ ở trình độ nào. Họ không ký âm nổi chính bài hát do họ ê, a ra, chưa nói đến những “tính cộng, tính trừ trong âm nhạc”! Có thể nói chẳng ngoa rằng những người này đã được cấp bằng cử nhân, tú tài từ khi mới học...mẫu giáo! Âm nhạc là nghệ thuật của khoa học âm thanh mà còn thế huống hồ các ngành khác. Cho nên, từ một anh bán xi măng, sắt thép, từ một cô bán xăng lậu bên vỉa hè, thậm chí cả một ông cán bộ chính trị, cấp trung ương, cấp bộ, từ một bà vợ một ông thứ truởng... bỗng đùng một cái trở thành “nhạc sĩ”, “đạo diễn”, “nhà này”, “nhà nọ”!... Điển hình nhất là có một ông Xuân Kỳ nào đó đã cho ra cùng lúc bộ phim Ngã Ba (cháo) Lòng do chính ông ta đạo diễn, một “tập thơ biếu” không cho ai vào xem phim và tặng luôn một album nhạc, cũng của ông ta nữa! Lạ lùng là các tác phẩm của ông ta đều nhanh chóng lọt qua mọi cửa xét duyệt của các “nhà định hướng” (hội đồng xét duyệt) vốn xưa kia là những cửa ải khó lòng vượt được. Nếu tin ở lời ông ta thì để mua được cửa ải đó ông ta chỉ cần 5 phút!

Cùng với sự loạn xị bát nháo trong âm nhạc là một làn sóng “văn nghệ ba xu” với các tên tuổi lạ hoắc, ào ào nhảy ra chiếm lĩnh thị trường dưới sự lãnh đạo tài tình của những nhà cộng sản kiểu mới một mặt vẫn ê a tụng kinh Mác-Lê-Hồ, mặt khác tha hồ thu vét tất cả những gì mà kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho họ kiếm chác!

Trở về thuở mà chính trị trở thành một thứ thủ đoạn chuyên dùng để... thịt nhau, lũ chúng tôi hầu hết, dù tỏ ra theo Liên Xô, theo Trung Quốc, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là...“vờ theo cái gì mà “trên” bảo theo”! Thế thôi! Tuy nhiên, không ít người, trong đó có tôi, đã không còn để bị nhào nặn vuông tròn, méo, dẹp thế nào cũng được nữa.

Rất nhiều nguồn thông tin, rất nhiều sự thật cay đắng hàng ngày diễn ra trước mắt, rất nhiều điều đang trắng thành đen, đang xấu thành tốt buộc chúng tôi phải nghĩ tới quá khứ, hiện tại và tương lai của mình. Để tồn tại, thôi thì... “mạnh ai nấy tự cứu.”

Trong khi đó, bọn cơ hội tha hồ kiếm chác cũng mạnh ai nấy làm... mạnh ai nấy nói! Nói theo Liên Xô hoặc Trung Quốc cũng cộng sản đâu có sợ...mất lập trường! Một xu hướng nhỏ đã xuất hiện trong giới họa mà phá phách nhất thời ấy là anh chàng Lưu Công Nhân nhờ bà vợ là một nhân vật có vai vế chuyên đi nước ngoài sắm cho anh ta đủ sơn, toile...để anh ta phá...của, hoặc vẽ chim, hoa, lá, cá, phong cảnh, hoặc đi xa hơn tí chút là... bỏ cái đẹp để vẽ cái xấu, vẽ vài bức khỏa thân, rồi âm thầm triển lãm tại gia vì sợ công an văn hóa…tóm cổ! Công an đã đôi lần đe người này người nọ trong giới hội hoạ về tôi dám vẽ con gái cởi truồng. Nhưng đe thì đe, người thích vẽ vẫn vẽ. Về văn học thì hàng loạt truyện dài truyện ngắn thuộc loại “có vấn đề” lần lượt ra đời, cái nọ sau cái kia, cái này bị cấm, cái kia lọt ra, như Vào Đời, Cây Táo Ông Lành...Về điện ảnh có Biển Gọi...cũng bị các nhà phê bình mác-mít lê-nin-nít phê phán và cấm chiếu.

Riêng âm nhạc là thứ ai cũng nghe được và...chửi được do ít lý luận, ít nhà phê bình nhất, thì được phát triển “vô tư”! Bên cạnh những bản giao hưởng, opéra của Beethoven, Tchaikovsky dựng “lấy được” mà đánh sai, so lệch giữa các bè cả chục mơ-duya, cũng không bị phát hiện. Chuyên gia nước ngoài là anh chàng Thôi Long Lân, tốt nghiệp loại...“tồi” ở Nga, được Đảng Triều Tiên cử sang giúp Việt Nam, chưa từng chỉ huy giao hưởng, có chăng là chỉ huy dàn...kèn đồng của Tổng Cục Đường Sắt nước bạn. Bên cạnh là đủ loại nhạc gọi chung là “nhạc nhẹ”, nhạc Jazz cũng được ông Xunhaxaba ([18]), được thứ trưởng Nguyễn Đức Quì, người cán bộ có trí thức, có văn hóa âm nhạc nhất, “bật đèn xanh”!

Lần đầu tiên, người ta cho nhập vào Việt Nam đủ loại đĩa hát 33, 45 vòng/phút của Rumania, Bulgaria, Ba Lan, Hung, Liên Xô, nhất là Đông Đức với hai hãng Amiga và Eterna nổi tiếng về thu âm tốt nhất! Không kể những đĩa nhạc nhẹ, người mua các đĩa giao hưởng, sonate của Mozart, Beethoven, chỉ là vài nhạc sĩ cần nghe để học, để nghiên cứu và mấy ông nhạc sĩ tỏ vẻ ta đây cũng là nhạc sĩ như ai, mua về để...bầy trong tủ kính, chứ nghe thì... không hiểu mô, tê, răng, rứa gì. Người yêu nhạc lúc này có dịp tiếp cận lần đầu với những thứ gọi là “nhạc nhẹ” mà đôi khi chẳng nhẹ chút nào! Thôi thì đủ thứ hay, dở...Từ The Beatles nổi tiếng đến các nhóm nhạc sớm nở tối tàn cây nhà lá vườn của các nước xét lại, từ Paloma, Santa Lucia, Guatanamera...đến Unchained Melody, thậm chí cả Violetta trong Traviata đến Ode de la Joie trong symphonie số 9 của Beethoven đều được “nhẹ hóa”, “rock hóa” bởi các nhóm nhạc...Ba Lan, Tiệp Khắc tràn vào qua cái cửa hẹp Xunhasaba của Đảng và Nhà Nước! Shake, Soul, Rock, R&B, Boogie Woggie, Mambo, Rumba của châu Mỹ La Tinh rồi Louis Armstrong, Duke Ellington...được các dàn nhạc lạ hoắc thu đĩa với các nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa lần đầu được phát thanh và bầy bán công khai ở cửa hàng sách ngoại văn duy nhất giữa phố Tràng Tiền.

Cảm ơn các ông Tây (dù đây là Tây...Đông Âu!) lại một lần nữa giải phóng tư tưởng cho lũ văn nghệ sĩ an-nam-mít để họ xét lại cái tư cách làm văn nghệ của họ. Hơn cả mong đợi, một cuộc họp về nhạc nhẹ Việt Nam được hai ông giám đốc, phó giám đốc Xunhasaba — Văn Các và Sĩ Trúc — dưới sự chủ tọa của thứ trưởng kiêm cục trưởng Cục Xuất Bản Nguyễn Đức Quỳ chủ trì, nhằm động viên nhạc sĩ Việt Nam viết “nhạc nhẹ Việt Nam”, mang hơi thở và tâm hồn Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của quần chúng! Chuyện lạ chưa từng có!

Âm nhạc không cần minh họa chính sách, không cần tuyên truyền đường lối của Đảng được những người thay mặt Đảng “com măng” công khai và chính thức!

Sau hội nghị này, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức ngay một mạng lưới cộng tác viên sáng tác và biểu diễn (có tạm ứng tiền hẳn hoi) để thực hiện một việc làm mang đầy tính chất... “mặc com lê cho mấy anh nhà quê!”

Dù các ông Đỗ Nhuận, Lê Yên, Nguyễn Xuân Khoát đều nhiệt liệt hưởng ứng, dù đã tập hợp những cây saxo, ghi-ta, contre basse “số dách” thời ấy cuối cùng cũng chỉ ra được một số bản nhạc nhảy (musique de danse) như tango, valse, thứ “âm nhạc của người ta” bị mấy ông ở rừng về “quê mùa hóa” đi bằng cách xử dụng một số thang âm 5 cung, 6 cung và càng “Việt Nam hóa” bằng những giai điệu mang điệu thức dân tộc thì càng...vô duyên! Cứ như mặc áo the thâm mà đi giầy bottine, đội mũ phớt vậy!

Phải kể đến sáng tạo Đám Cưới Bên Sông theo điệu Rumba của Đỗ Nhuận, một cái bóng của Đoàn Lữ Nhạc nhưng chẳng ăn nhập gì với mấy hợp âm trưởng, thứ, át 7 mà anh xử dụng ([19]) nên chính anh, khi nghe dàn dựng xong đã phải xin lại tổng phổ để “nghiên cứu” thêm rồi... chẳng thấy trao lại cho tôi nữa.

Một chi tiết khá lý thú và...kỳ cục là sau này, đến cuộc “kháng chiến chống Mỹ”, bỗng dưng giai điệu và nhịp điệu đó lại được phổ biến rầm rĩ dưới cái tên mới Vui Mở Đường, không sửa một nốt! Việc khéo léo “tận dụng thành quả lao động” (chính Đỗ Nhuận tuyên bố nửa nạc nửa mỡ với tôi như thế khi tôi phát hiện điều này) anh đã áp dụng một lần ở Đèn Cù và sau này ở Giận Thì Giận, Thương Thì Thương đổi thành Trồng Cây Lại Nhớ Đến Người. Cái lối “tận dụng thành quả lao động” ấy đã thành đề tài tranh cãi, chỉ trích, thậm chí thù hằn, chửi bới nhau...Nhưng lẽ phải không thể không thuộc về ông tổng thư ký đã có thành tích đi tù Sơn La, lại mới đi bồi dưỡng chuyên môn 2 năm ở tận Liên Xô nữa!


Cho đến nay, chẳng hiểu sao người ta vẫn giới thiệu cái bài dân ca Nghệ An Giận Thì Giận, Thương Thì Thương được đặt lời mới là “sáng tác” của Đỗ Nhuận (!) dù chỉ vài hôm trước đó Tivi, đài vừa giới thiệu bài dân ca Nghệ An đó với đầy đủ âm nhạc và lời ca của chính nó! Còn vụ Đèn Cù mà Đỗ Nhuận chấm thêm bè 2 ở đoạn 2 và mở rộng đuôi câu kết trọn bằng thủ pháp thường dùng trong các ca khúc phương Tây thì được... quên đi bởi Đỗ Nhuận đã chủ trương không đặt cho nó lời ca mới nào! Cứ “Khen ai khéo kết cái đèn cù... ” rồi thì voi giấy, ngựa giấy, tít mù ấy lại vòng quanh... mãi thì thế nào cũng khối kẻ động lòng... nên cho nó chết hẳn là phải “đạo cộng sản an-nam-mít... đặc” đúng đắn nhất!

Vậy là...“nhạc nhẹ Việt Nam” không phải không muốn có từ rất sớm nhưng rõ ràng bắt đầu từ đâu thì tất cả đều...chịu. Các nhạc sĩ Việt Nam lạc hậu với tình hình âm nhạc thế giới quá lâu! Một vài thể nghiệm rụt rè đều thất bại vì rõ ràng đánh lên nghe như... mấy chị Thái trắng Tây Bắc hát chèo trong một vở của Lưu Quang Thuận vậy!

Trừ Đỗ Nhuận không tốn sức vô ích vì biết (và dám) “tận dụng thành quả lao động”, còn lại thì...đành xếp xó! Sau này xem lại hai bản nhạc nhẹ tôi viết theo kiểu giao hưởng hóa của Dalibor Braza (một nhạc trưởng Tiệp hay Hung gì đó nổi tiếng một thời) tôi mới thấy là Stravinsky quả là đúng khi kết luận về xu hướng giao hưởng hóa nhạc Jazz: “Đó là một sự ngu xuẩn vì nhạc jazz chơi bằng trái tim chứ không phải bằng tổng phổ!”

Cũng may mà số băng thu thanh đĩa hát đó (thu thử để duyệt) sau này đã được ông Trần Lâm ([20]) hạ lệnh “nhốt” chặt trong kho bá âm Bà Triệu, và cũng chưa có tiếng vang gì, nếu không lại khối kẻ ăn đòn, hoặc lợi dụng để phán nhau, kiếm chác tí...“lập trường kiên định”!,

Vừa là người thực hiện — biên tập, tổ chức luyện tập, thu thanh thử... — lại kiêm tác giả, tôi sẽ phải ăn ít nhất vài ba đòn toé máu! Vì cơn bão kèm gió xoáy cấp 2 đã bắt đầu: tất cả văn nghệ sĩ lại được tập trung “rửa não” lần nữa bằng nghị quyết 9 ([21]). Mục tiêu rõ ràng là chống tư tưởng và đường lối “xét lại” của Khrushov, đặc biệt trong giới văn nghệ, nhưng tuyệt đối bí mật để có thể vừa “chửi vừa xin tiền ông anh”!

Lần này, chúng tôi không tập trung ở lăng Hoàng Cao Khải “nội bất xuất ngoại bất nhập” như thời chống Nhân Văn nữa, nhưng cuộc đấu đá không kém phần quyết liệt. Đặc biệt trong đợt “học tập” này, một loạt các ông lớn bị các đồng chí (cũng lớn như họ) thẳng tay trừng trị, đuổi cổ thẳng ra khỏi Đảng! Lý do: nghị quyết 9 dù đóng dấu “tuyệt mật”, dù chưa phổ biến tới chi bộ chẳng hiểu sao lại có đầy đủ trên bàn của Tcherbakhov, vị đại sứ cực kỳ thân thiết với các đồng chí cộng sản ngu nhất thế giới của Việt Nam anh hùng! Đó là thời những cán bộ Đảng từ tiền khởi nghĩa như Ung Văn Khiêm ([22]), Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh ([23])... phải trả giá cho sự “tự do tư tưởng” của mình. Đó là thời mà mấy tay Hoàng Thế Dũng, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Minh Cần... được cử đi học chủ nghĩa Mác ở trường Đảng Liên Xô đành ở lại để không bị bắt, chịu thân phận lưu vong. Đó cũng là thời lên ngôi của mấy tay quyết liệt lên án “chủ nghĩa xét lại” trong văn nghệ, những nhà chính trị đang theo học các trường đảng ở Liên Xô bị gọi về nửa chừng đã vạch trần sự thoái hóa và sa đọa tư tưởng của xã hội Liên Xô thời Khrushov, ca ngợi sự vững vàng của đảng ta kiên trì đường lối mác xít-lê-nin-nít để leo lên nắm quyền lãnh đạo. Điển hình nhất là Hà Xuân Trường. Tên vô danh tiểu tốt này nhờ thành tích học Liên Xô mà chống Liên Xô đã trở thành cột trụ về tư tưởng chống “xét lại”. Trường được cử trực tiếp nắm văn nghệ thay ông Lê Liêm bị nghi ngờ “không vững lập trường” (sau rồi cũng bị khai trừ)!

Đó cũng là thời kỳ hàng loạt văn nghệ sĩ, nhà báo, lý luận gia như Lê Huy Vân, Vũ Thư Hiên, Vũ Huy Cương, Kỳ Vân, Lưu Động, Phạm Viết, Hoàng Minh Chính... mất chức, mất đảng tịch hoặc bị bắt đưa đi đâu không rõ? Chẳng có xét xử như thời Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Phùng Cung... vì đảng không có toà án, mang ra chính quyền thì xấu mặt đảng quá nên đảng áp dụng luật... mafia! Ngây thơ, hay anh dũng nhất, có ông Dương Bạch Mai. Tôi nhớ như in hình ảnh ông lần cuối khi ông bỗng xuất hiện giữa phòng họp chính của Hội Văn Nghệ tại 51 Trần Hưng Đạo giữa lúc chúng tôi đang thảo luận tổ về cái nghị quyết dớ dẩn “chống đường lối chính sách của nước người ta.” Ông chỉ cái can chống vào giữa cuộc họp, nói to: “Chúng mày học chống Liên Xô hả? Chống Liên Xô thì ăn c... đấy! Xét lại với chẳng xét đi”!

Vài tháng sau, được tin ông bị nhồi máu cơ tim chết ngay tại hành lang Nhà Hát Lớn, giữa cuộc họp Quốc Hội mà ông chương trình nghị sự đã bị công khai công kích.

Còn khá nhiều ca “chết” hoặc “xuất huyết não”, nhiều phần tử “danh bại thân...liệt” (liệt thật sự), “đột tử”(?) nữa trong thời kỳ đấu tranh tư tưởng này mà lịch sử cần làm sáng tỏ...Có hay không sự thanh toán nội bộ giữa những tên cộng sản với nhau? Riêng tôi chỉ là cán bộ “tép riu” phụ trách biên tập một nhà xuất bản, chẳng có cái “tội” nào lớn! Tất cả chúng tôi, những “chiến sĩ văn hoá”, thực chất là những công chức, cấp trên “bảo sao làm vậy”.

Nhưng, theo chỉ thị của Đảng, ở đâu cũng phải tìm ra bằng được ảnh hưởng của “chủ nghĩa xét lại”, nên cuối cùng người ta cũng tìm ra mấy “tội” chính của tôi trong cơ quan, để răn đe và giảm bớt ảnh hưởng của kẻ mà ông giám đốc Nguyễn Đình Tính quá tin tưởng. Lúc bấy giờ thậm chí có tin vỉa hè rằng tôi sắp lên làm... phó giám đốc nhà xuất bản, điều mà tôi rất ngán, nhưng là mơ ước của một số người trong nội bộ. Thế là họ “oánh” tôi tới tấp về nhiều thứ: “Tại sao, trong lúc hòa bình toàn dân vui tươi phấn khởi mà anh lại... khóc” vì bài Qua Sông Lại Nhớ Con Đò, tôi nghĩ về một cô lái đò đã hi sinh trong kháng chiến để có cây cầu hôm nay...“Tại sao ít viết ca khúc hùng tráng, phục vụ kịp thời mà toàn là giai điệu mềm yếu, ẻo lả, sặc mùi nhạc nhẹ của bọn xét lại?”, “Tại sao viết về đề tài thống nhất mà nghe buồn như không có một chút tin tưởng gì vào ngày thống nhất?”... Kết cục là một biên bản họp tổ được trình lên trên, kê khai tất cả những tác phẩm bị kết án là “xét lại.” Biên bản được xào nấu lại thành công văn phổ biến cho các cơ quan đã trót xử dụng chúng như đài phát thanh, các nhà xuất bản, các tờ báo để...“xóa sổ”!?

Tôi thuộc lớp “xét lại có mức độ”, nhưng một loạt tác phẩm đã thu thanh, thu đĩa, in ấn cũng bị “ách” lại, trong đó có vài bài mà tôi cho là hoàn toàn chẳng có gì “nguy hiểm” đến nỗi phải chôn vùi bằng cách xóa băng, không cho biểu diễn, không cho phát hành đĩa (nhưng đành... chịu, nếu đã in trên giấy, vì không thể thu hồi). Đó là bài Qua Sông Lại Nhớ Con Đò (Quý Dương hát), Một Đêm Tháng Bảy (Quốc Hương hát) và sau này Những Người Trẻ Mãi, Màu Xanh Trường Sơn, Màu Đỏ Trường Sơn...

Họ sợ tiếng khóc và nỗi buồn trong tình cảm con người nên lên án là “hát lên không có lợi cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà!” Nhưng đến nay, tôi vẫn không hiểu vì sao một số tác phẩm nhạc không lời của tôi, mặc dầu được dàn dựng khá công phu nhưng không bao giờ được công diễn, được phát thanh, phát hình? Điều khá đặc biệt là tổng phổ (bản duy nhất vì lúc đó làm gì có photocopy!) không bao giờ tôi đòi lại được. Mãi sau này, thân với Bảo Hùng, một trung tá công an văn hóa, người được phân công theo dõi và “giúp đỡ” cụ...Nguyễn Tuân (xin lỗi Bảo Hùng nhé) nhưng đã...“mê” cụ, theo dõi Trần Khánh thì “mê” Trần Khánh, cho biết: “Lắm nhận xét chết người về cậu lắm đấy, “tạnh” ngay cái kiểu viết nhạc không lời muốn hiểu thế nào thì hiểu cũng được đi!”... Thế là rõ! Nhạc không lời của tôi đã bị những “giám định viên âm nhạc” dốt đặc cán mai gạch đít. Nhạc không lời dù có muốn cũng khó tìm ra “tội”, nhưng cái chuyện được dựng nên là “có vấn đề” trở thành nỗi đe dọa thường xuyên đối với tôi.

Thời gian này, do muốn phê phán Liên Xô nhưng không muốn mất viện trợ của Liên Xô nên các vị lãnh đạo “chóp bu” đã bị dồn vào cái thế “gà mắc tóc”! Nhiều tài liệu “tuyệt mật”, “chỉ lưu hành nội bộ” không hiểu từ đâu lọt ra đã bị... lưu hành tùm lum. Cái số ít chống nghị quyết 9 ra mặt cũng chỉ là...“cộng sản theo Liên Xô” chống “cộng sản theo Trung Quốc”! Đâu dễ ghép nhau vào “phản động”? Vì thế, vẫn có một số người công khai bảo lưu, thậm chí đàng hoàng treo chân dung Khrushov to tướng trên tường (như ông Bửu Tiến) và chỉ hạ nó xuống khi chính Khrushov cũng tự đề cao cá nhân như ai (và sau này Brezhnev cũng thế), chẳng thua kém Staline!

Còn ở ngoài quần chúng thì rõ ràng khó dẹp bớt cái đòi hỏi hưởng thụ, cái khát vọng muốn ngừng nghỉ “hò kéo pháo”, cái mong muốn được rung đùi trước một vẻ đẹp rất nhân bản của thi ca, nhạc họa đích thực...

Tiếc rằng, cái đẹp thực thụ lúc này rất hiếm, vì người làm ra cái đẹp thực thụ thì ít, còn kẻ mang đến cái đẹp “dỏm” thì nhiều! Người ta thấy khắp nơi treo “tranh bờ hồ”, tranh “xanh đỏ tím vàng” người nào cũng giống người nào, đủ mặt, mũi, chân, tay, mặt mày hớn hở, nhập từ Trung Quốc. Còn đĩa hát thì ngoài một số rất ít ỏi phải đặt trước và phải quen hai bà “Hảo đen” và “Hồng Anh”, là hai người có mối mua được hàng từ phương Tây, mới có được các đĩa có giá trị nghệ thuật đích thực, không phải là hàng nhái từ Đông Âu.

Một khiếu thẩm âm mới đã nảy sinh trong giới trẻ. Một vài cửa hàng như Thủy Toạ, Phú Gia (đều là của Nhà Nước) đã yêu cầu các dàn nhạc, ca sĩ phục vụ “sống” trong một số ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc lễ, tết. Thế là vài nhóm nhạc nằm im sau 1954 rục rịch “tái xuất giang hồ”, tưởng thời cơ đã đến!

Nhưng than ôi! Khác với các thứ “nhân tài nằm im” sau này ở Sài Gòn khi “tái xuất giang hồ” lập tức chiếm lãnh thị trường, được quần chúng và cả lãnh đạo, báo chí, truyền thông ủng hộ hết mình, các nhóm nhạc của “Hà Nội xưa” bị đập chết ngay từ trong trứng! Đau nhất là nhóm “Toán Xồm”, không chỉ bị “dẹp”, mà còn bị đưa ra tòa, chịu án tù vì đã dám chơi nhạc “tư sản”, “tuyên truyền văn nghệ đồi trụy” giữa chỗ đông người! Cùng ra toà với Toán Xồm còn có một thanh niên trẻ măng tên Lộc, bị bắt vì hát “nhạc vàng”, nên có hiệu là Lộc vàng.

Phiên tòa “văn hóa đồi trụy” được xử công khai mấy ngày liền tại...Thư Viện Trung Ương? (để làm gì tới nay tôi vẫn chưa nghĩ ra vì tòa án chỉ cách đây có mấy bước ?) Có thể, người ta nghĩ rằng vụ án mang nhiều tính chất nội bộ văn hóa, một thứ vụ án văn nghệ, lập toà án xử ở đấy thì hơn chăng? Được “mời” đi dự từ đầu đến cuối để... “học tập”(?!), tôi thấy tức cười vì cái gọi là toà án lại... vô luật pháp đến cùng cực! Chỉ cần nghe vài câu “hỏi tội” của quan tòa, hay thẩm phán gì đó, cũng đã thấy chính tòa chẳng dựa vào cái gì để mà bỏ tù người ta cả:

Hỏi:

- Ai cho phép anh đánh “nhạc nhẹ”?

Toán xồm:

- Dạ! Thưa quí tòa, tôi được cửa hàng Nhà Nước thuê đánh đã 3, 4 tháng nay.

Hỏi:

- Anh đánh những nhạc gì?

- Dạ, nhạc nhẹ ạ!

Hỏi:

- Anh đánh cụ thể những cái gì?

Đáp:

- Dạ! La Paloma, La Comparsita, Violetta, Tango bleu...toàn là bài hát nghe qua đĩa hát của...Liên Xô, Cuba, Ba Lan thôi ạ!

Hỏi:

- Nhưng anh đánh có đúng như người ta không?

- Dạ! Họ đánh Rumba, Mambo, Tango, Cha Cha Cha thế nào là chúng con đánh đúng như thế thôi ạ!

Hỏi:

- Anh có biết “Cha Cha” là điệu nhảy đồi trụy không? (nhiều tiếng cười)

Đáp:

- Dạ, đâu có! Cha Cha Cha là nhịp nhảy Mỹ la-tinh, Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Đông Đức đều đánh...

Quan tòa lúng túng vì lỡ “hố” khi đi vào lĩnh vực chuyên môn, đập bàn:

- Im ngay, đừng có ngoan cố!

Cuối cùng, tòa lôi ra bản “giám định” đánh máy sẵn của một “chuyên viên, chuyên hòn” nào đó ở vụ Âm Nhạc “nhai lại” đường lối chung chung của đảng như dân tộc, hiện đại, “cổ phục vụ kim”, “ngoại phục vụ nội” và quan trọng nhất là phần phân tích (hầu hết là xuyên tạc) thời sự trong nước và quốc tế.(?!) Nào là tình hình đất nước khó khăn, đồng bào đang ngày đêm “làm việc bằng hai”, nào là kẻ thù đang âm mưu phá hoại, diễn biến hòa bình ở các nước anh em... đang âm mưu phá hoại hiệp định Genève chia cắt lâu dài đất nước... làm văn nghệ phải tập trung toàn tâm toàn ý vào các nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra là xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất ở miền Nam...Âm mưu tách rời văn nghệ khỏi nhiệm vụ chính trị bằng cách đem luồng văn hóa tư sản ra ru ngủ quần chúng là cố tình chống lại đường lối văn nghệ của đảng”... Phía dưới ký tên hai ông “chuyên viên” của vụ Âm Nhạc hẳn hoi, đều là “hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam” nhưng tôi bảo đảm chẳng ai biết họ sáng tác hoặc nghiên cứu cái gì. Sau này, dù đã hết thời, mỗi khi có dịp nhắc lại vụ án Toán Xồm, các ông vẫn cho là mình...khôn, vì không dại gì đi vào vấn đề cụ thể!

Cùng với Toán Xồm còn có một nhà nhiếp ảnh lão (nhưng chưa thành!) tên Nguyễn Duy Kiên cũng bị ra tòa. Nguyên do là công an khám nhà ông bắt được một tấm ảnh khỏa thân, trong đó, ông cố ý bố cục cái khiêu dâm nhất của người đàn bà thành một quả đồi có đặt đại bác: một cái tẩu thuốc gác trên một cặp kính dâm đặt ngang cái chỗ “dâm” nhất của người đàn bà!

Ông Kiên bào chữa trước toà rằng ảnh của ông là ảnh “khoả thân nghệ thuật”. Chính vì cách trình bày ý đồ sáng tác của ông là như thế làm các quan tòa phải chuyền tay nhau xem đi xem lại mãi tấm hình đen trắng cỡ 9x12 rồi đi đến kết luận: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là một biểu tượng...hai mặt, giễu cợt cuộc chiến đấu anh dũng của quân đội ta (Tại sao lại là “ta” mà không phải “địch” thì Tòa không nói) bằng hình thức văn hóa đồi trụy!

Cả hai “nghệ sĩ tự do” và đã có “quá trình phục vụ thực dân đế quốc” (cả hai đều không tham gia kháng chiến chống Pháp) đều nhận bản án khá nặng: Toán Xồm 12 năm tù, Nguyễn Duy Kiên 7 năm tù! Chuyện này xảy ra vào những năm 1963-1964, nếu tôi nhớ không nhầm.

Sau này tôi chỉ gặp lại có Toán Xồm. Anh vẫn sống độc thân, vẫn rung đùi, ngất ngư theo những điệu rock nặng, heavy metal, techno... Anh vẫn có nụ cười không ra tiếng: “Bây giờ chẳng mấy ai dám sờ đến cái lông chân của những cháu đang hò hét, nhảy nhót như điên trên sân khấu, trong các vũ trường”.

Còn ông già Kiên, nếu còn sống năm nay phải 106 tuổi vì khi bị bỏ tù, ông đã chẵn 70 cái xuân xanh, tôi không thấy, không nghe nói đến bao giờ nữa.

Vụ án rõ ràng mang nhiều tính chất “răn đe” vì chỉ đánh vào những “phần tử ngoài xã hội” (nghĩa là không biên chế nhà nước). Còn trong nội bộ thì người ta hại nhau bằng cách tán láo, phê bình liều mạng, bới móc mọi từ ngữ, tình tiết để ghép vào tội “xét lại”.

Cán bộ xuất bản báo chí đi học hết lớp này đến lớp khác, được nhắc nhở phải làm trọn nhiệm vụ “người lính gác của Đảng”, cả thẩy 6 cổng gác ([24]) để khỏi lọt một tác phẩm “xấu” ra đời! Tôi còn nhớ ông “lính gác cuối cùng” (nhà in) cũng phát hiện từ cuốn Vai Trò Giáo Dục Của Âm Nhạc (do tôi biên tập) có câu “Trong Đại Hội Đảng Liên Xô lần thứ 20 đồng chí Khrutxốp đã nói:... ” cần phải đục bỏ! Thế là tôi phải lập tức chạy thẳng xuống nhà in cắt ngay câu vừa được phát hiện nhưng... để nguyên câu Khrushov nói, vì ông ta chỉ nhắc lại một câu nói của... Lê-nin mà thôi!

Các bộ phim, các vở kịch được xét duyệt, soi qua các cỡ thấu kính, lăng kính, kỹ đến nỗi khi sửa chữa xong theo yêu cầu chúng hết…là phim, là kịch. Tôi nhớ rất rõ chuyện người ta phát hiện cảnh bài trí sân khấu trong vở Giáo Sư Hoàng của Bửu Tiến là...xỏ lá! Số là cảnh điện thờ nhà ông giáo sư nọ có một tấm hoành phi ghi ba chữ Hán: Đức Thọ Đường. Mấy tên cơ hội sẵn thành kiến với Bửu Tiến phê: “Đây là ý đồ xỏ lá đồng chí... Lê Đức Thọ”! Thời gian ấy, Sáu Búa Lê Đức Thọ quyền sinh quyền sát thế nào không ai không biết, lời phê ấy là lời đề nghị án tử hình. Chuyện xảy ra trong “vùng địch”, toàn “phe nó” cả, vậy mà khi một quan chức cao cấp “ngụy” (Đào Mộng Long thủ vai rất tuyệt) được giao chức bộ trưởng thì lão gạt phắt: “Ấy chết! Tôi không có chuyên môn, làm bộ trưởng thế nào được, xin cho tôi làm... thủ tướng thôi!”

Thế là “phạm húy” rồi.Từ chủ tịch hội đồng bộ trưởng (tức thủ tướng) đến các vị đứng đầu các bộ, khối anh giật lên đùng đùng như đỉa phải vôi!

Vở kịch sau đó bị... xếp xó cùng hàng loạt vở khác không một lời giải thích. Có thể kể Đêm Mưa, Tàn Đêm (đều của Tất Đạt), Cơ Sở Trắng (Hoài Giao) sau này là Con Nai Đen, Hoa Và Ngần (đều của Nguyễn Đình Thi), Câu Chuyện Iếc-Kút (của một tác giả Liên Xô)... Buồn cười nhất là một số tác phẩm viết theo com-măng, viết để đáp ứng yêu cầu chính trị được các nhà xuất bản nhà nước cho in và được các “nhà phê bình” đề cao lên tận mây xanh như Tổ Đá Nhỏ Ca A (Lê Phương), Sống Mãi Như Anh (Trần Đình Vân) được in cả mấy trăm ngàn bản, bán như cho thì lại được mang ra...nghiên cứu, học tập. Nhưng tôi nhớ chỉ cái tên “anh Trôi” hay “anh Trỗi” mà người viết và người duyệt tranh cãi mãi xem tên nào là đúng thì làm sao tin được cái “hiện thực bịa đặt” của mấy ông lãnh đạo văn nghệ!

Các mặt văn hóa nghệ thuật khác thì đều sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết. Có cuộc triển lãm tranh, điển hình là tranh của họa sĩ đảng viên Lưu Công Nhân, sau 2, 3 lần xét duyệt đã được bầy lên, nhưng vào phút chót trước giờ khai mạc người ta “bứng đi” cả một gian toàn tranh sơn dầu không đúng đường lối... hiện thực xã hội chủ nghĩa, xem ra có chịu ảnh hưởng chủ nghĩa xét lại! Mạch Nước Ngầm của Nguyên Ngọc, Đêm Mất Ngủ của Vũ Thư Hiên, Chị Cả Phây của Ngô Ngọc Bội và nhiều truyện ngắn in rải rác trên các báo nữa bị Tố Hữu đánh, coi là chống lại đường lối của Đảng trong văn học. Phở, Giò của Nguyễn Tuân bị phê phán đủ điều, sau này ông thỉnh thoảng còn nhắc lại một cách dí dỏm và cay cú: “Người ta đánh vào cái giò của tôi!”

Biết rằng chân lý của nghệ thuật đích thực đang dần sáng tỏ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm ([25]), Trần Đông Lương... tiếp tục sống cực khổ để vẽ những gì mà các ông thích. Tội nghiệp, chưa bao giờ, khi còn sống, các họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam này có một cuộc triển lãm độc lập. Điện ảnh thì được chính anh em trong giới tóm tắt trong hai câu vè mỉa mai: “Luống khoai xanh, Bức tranh để lại, Mùa than này, Không phải tại tôi”. Toàn là đầu đề những bộ phim chẳng ra tuyên truyền quảng cáo, chẳng ra phim tài liệu hay phim truyện!

Tóm lại, văn nghệ đích thực của thời kỳ này, nếu có. đều nằm trong ngăn kéo, dưới gậm giường của các tác giả! Còn cái văn nghệ bề nổi chỉ có Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất, Nữ Dân Quân Miền Biển, Trên Tầng Cao, Ánh Đèn Sáng Trên Cầu Việt Trì... đến hành khúc công nhân mỏ, hành khúc công nhân điện, rồi sang tới cả ngân hàng, công ty vệ sinh vv... Muốn bài hát được phổ biến thì phải nhớ kỹ những gì ông Trần Lâm đã dặn: “Không phút nào chúng ta được quên hai tiếng Miền Nam trong tác phẩm! Cho nên thời kỳ này, ca khúc nào cũng thế, dù viết về nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp hay về chị quét rác, anh đổ thùng... cũng đều kết ở hai chữ “Mi... ền Na... m” trên âm khu cao đứt hơi người hát và... rách lỗ nhĩ người nghe!

Tôi nhớ đến câu nói của Lương Ngọc Trác: “Hết la-ghe (la guerre, chiến tranh) là hết chuyện với đám văn nghệ mặc áo lính cánh mình!”

Lại càng thấy thấm thía một nhận định của Lacouture ([26]): “Họ (ý nói Việt Nam) chỉ có tổ chức trong cái... vô tổ chức (organisé dans la désorganisation) còn trong hòa bình họ sẽ cực kỳ bối rối vì không biết làm gì và làm thế nào? ”...

Để có thể tiếp tục nghề kiếm tiền bằng âm nhạc mà không bị xăm soi, tôi luôn trong tư thế sẵn sàng cho ra đời hàng loạt bài hát, điệu múa, nhạc phim theo yêu cầu của Đảng, thậm chí còn “chơi trội” hơn người ở chỗ người ta viết một thì tôi đẻ hai, đẻ ba sau mỗi đợt đi thực tế sáng tác. Những Khúc Hát 13 Người (đề tài xi măng), Quê Ta Xanh Một Màu Xanh (đề tài trồng rừng), Hành Khúc Công Nhân Điện, Hành Khúc Công Nhân Mỏ, Đội Thủy Lợi... của tôi sòn sòn ra đời để sớm chết yểu chính là trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tôi cũng còn có một “nửa trái tim” để nói lên những gì là con người nhất, chân thực nhất, là “của tôi” nhất. Tiếc thay vài bước đi mạnh dạn ban đầu đã vấp phải ngay những ông “lập trường dở hơi” đang nắm quyền xét duyệt cùng bộ sậu cán bộ dưới quyền chuyên nghề “Dạ! Thưa anh!” tìm mọi cách gạt bỏ!

Một thủ đoạn để tôi khỏi “nổi khùng” là cứ in, cứ thu thanh nhưng không...phát, thậm chí thu cả đĩa hẳn hoi nhưng chỉ có ở đĩa master chứ không đưa sang Tiệp Khắc in hàng loạt. Đó là trường hợp Qua Sông Lại Nhớ Con Đò (Quí Dương hát), Một Đêm Tháng 7 (Quốc Hương hát), Những Người Trẻ Mãi (Quí Dương), Mùa Xuân Khát Vọng Và Niềm Tin (Tuyết Thanh hát), Màu Xanh Trường Sơn, Màu Đỏ Trường Sơn (Trần Khánh hát)... đều bị “bỏ tủ lạnh” hoặc... xóa băng!

Có hai kết luận rất thành kiến đối với tôi:

— 1) Ca khúc của Tô Hải rất khó hát! (chẳng hiểu nó nằm ở điệu thức nào?)

— 2) Nội dung tư tưởng và tình cảm hay đưa những chuyện đau thương, mất mát thậm chí giữa lúc người ta đang vui trong ngày chiến thắng thì “ông ấy” lại “tương” ra một thứ marche funèbre (hành khúc đám tang)! Giữa lúc người ta đang phát động đấu tranh đòi thống nhất nước nhà thì “ông ấy” lại...“nằm mơ” được về miền Nam bằng một giai điệu buồn như... vọng cổ!?

Tóm lại, Tô Hải hay đi vào những cái... trái khoáy!

Giữa tôi và những người tạm gọi là “có nghề” tí chút nắm sự in ấn ở một bên và bên kia là các ông nắm khâu phát thanh (và vô tuyến truyền hình sau này) là cả một hố sâu ngăn cách về cái Đẹp.

Mà buồn thay cái đẹp chân chính không bao giờ được ở vị trí kẻ thắng, mặc dầu lịch sử đã trả lời rõ ràng: Cái đẹp thực dụng hay đúng hơn là “cái đẹp cơ hội”, “cái đẹp dốt nát” dù được “lăng xê” ([27]) đến tận trời xanh, cuối cùng cũng sẽ bị khai tử không cần ai ký lệnh “cấm phổ biến” cả! Những bài “Son si rề son si rế rế, những bài hát “nôm na chửi cha mách qué” như “Ta nói thật: Nếu Mỹ kia thò tay lên đất này, ta chặt ngay!” hoặc “Không cho chúng nó thoát! Chúng bay vào sẽ không có đường ra!” tự các tác giả sau này cũng van xin các vị làm “báo âm nhạc” hãy thương tình đừng cho phát thanh trong các dịp kỷ niệm, kỷ niếc gì nữa! Bản thân tôi đóng góp không ít vào các “khẩu hiệu chiến đấu phổ nhạc” này, thậm chí còn nhiều hơn mọi người. Nhưng ở thời gian văn nghệ bị thực dụng hóa đến cao độ này, không ít văn nghệ sĩ đã khéo né tránh một cách an toàn.

Sướng nhất là mấy tay họa sĩ. Vẽ xong, coi như hoàn thành tác phẩm. Vào bất cứ nhà ông nào cũng đều thấy họ đang làm những gì mà họ thích, đặc biệt là mấy ông có vợ, con... kiếm ra tiền, sẵn vốn, sẵn nguyên vật liệu thì tha hồ mà... thoát ly chính trị! Chỉ tội nghiệp mấy họa sĩ lớn nhưng nghèo mạt rệp như Phái, Sáng...chỉ vẽ để luyện tay nghề bằng vật liệu của chủ nợ kiểu Lâm toét, Tô Ninh! Một số thì đành bán rẻ cho mấy ông trùm chơi tranh giàu có như Đức Minh... chứ ai mua tranh ở cái thời 13 kí gạo phân phối theo tem. Các nhà văn, nhà kịch, nhà điện ảnh, nhà thơ hoặc là... tịt ngòi, hoặc quay sang viết truyện... “Người Tốt Việc Tốt”. Ca nhạc như Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất, Sóng Duyên Hải là đề tài độc tôn trên làn sóng phát thanh, ầm ỹ đến nứt màng tai chiếm lĩnh gần như toàn bộ thời gian phát sóng, phương tiện duy nhất để chuyển tải âm nhạc. Tuy nhiên, không phải cái sự “bắt nghe”, “bắt hát” không có tác dụng gây tiếng tăm cho một số nhạc sĩ nghiệp dư. Họ nắm bắt rất trúng yêu cầu của chính trị, tha hồ tung ra hàng loạt tiếng động có cung bậc cao thấp rồi gọi chúng là ca khúc, gây ô nhiễm thính giác đồng loại. Khác với các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc dù dở đến mấy, thậm chí...“vô âm nhạc”, như tiếng tàu điện leng keng, tiếng chổi tre của bác quét rác... còn làm lỗ tai người ta quen đi! Thế thì âm nhạc kiểu kèn “bú dích” chẳng có gì ngoài một số arpège trong khúc thức A, B của các bài hát hướng đạo, thống lãnh không gian bằng những chiếc loa Trung Quốc lắp mọi đầu đường, làm gì chẳng “nghe mãi thành quen”, thậm chí thuộc lòng, dù rất ghét nó.

Một số “tác gia” kiểu như thế đã được đề bạt vào cương vị lãnh đạo, được bồi dưỡng, cho đi nước ngoài nghiên cứu, thực tập (nghĩa là chẳng học hành gì ra đầu ra đũa) để rồi trở về (nói như nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến)... “phá đám các tổ chức nghệ thuật” bằng sự “chỉ đạo” chết người vì ngu dốt. Một số, sau này “mất tích” trên diễn đàn văn học nghệ thuật, một số “sống lâu lên lão làng” hoặc “được lòng các anh trên”, leo lên những địa vị quyết định số phận và tương lai cả nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Có thể kể ra hàng lô, hàng lốc các nhà “văn hóa” không hề có mảnh bằng trung học lại được cử đi nghiên cứu về Bertholt Brecht ([28]), không một ngày hoạt động sân khấu ngoài việc lo đóng và mở cửa rạp được đi thực tập tại nhà hát Stanislavsky ([29]), những vị chưa ghi nổi bài hát do mình “đặt” ra (tôi không dùng từ “viết”) lại được đi học nhạc viện Tchaikovsky! Những nhà biên kịch đạo diễn điện ảnh cả cuộc đời chưa hề làm được một bộ phim ra hồn trở thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vì chuyên làm...“giám đốc”, chuyên đi học nước ngoài! Để dẫn chứng, tôi xin kể vài cái tên các nhà lý luận như Vũ Đức Phúc, Hà Xuân Trường, Trương Chính…, các nhà hoạt động sân khấu, điện ảnh Đình Quang, Lê Đăng Thực… Hoạn lộ hanh thông, Hà Xuân Trường, Đình Quang làm đến thứ trưởng, Lê Đăng Thực làm giám đốc Trường Điện Ảnh, nơi đào tạo ra một loạt diễn viên tài năng thua xa những người chẳng được đào tạo ngày nào. Đố ai kể ra được một phim, một vở, một lý thuyết chuyên môn do họ đóng góp cho nền điện ảnh và sân khấu nước nhà.

Đối với tôi, những vị này không thù oán, thậm chí có người còn là bạn tôi trong quân ngũ. Tôi chỉ muốn nói lên một sự thật là các vị bị “xếp nhầm nghề”, vì thế phải chịu miệng thế ỉ eo về cái tẩy “dốt vẫn hoàn dốt” của các vị!

Chỉ đáng giận một số vị không biết mình, biết người, sau khi nắm được cái “ưu thế chính trị” đã luôn “kiếm chác” bằng những “sáng kiến”... phá hoại nghệ thuật! Do học không đến đầu đến đũa, các vị càng ngày càng làm khổ anh em, khi được tổ chức đề bạt “giáo sư”, “tiến sĩ”... tha hồ “phán” và “xét” bừa bãi tác phẩm của người khác. Nhiều vị tồn tại dai dẳng tới thời “kinh tế thị trường” mới dần dần rớt đài và đi vào quên lãng. Cái được của các vị có chăng chỉ là quyền lợi vật chất thu vén được khi còn cầm quyền văn nghệ! Các vị đâu có biết là đối với những người có học, làm nghề tử tế, chẳng bao giờ các vị có được sự kính trọng cần có cả về nghề nghiệp lẫn tư cách!

Cũng chính thời gian này, một số người không ham danh, ham lợi, chỉ ham nghề, đã có dịp tự phát ra ánh sáng qua tác phẩm của mình. Thời “cái dốt cầm quyền” (theo nhận định của nhóm Nhân Văn) nay được thay thế bất đắc dĩ bằng thời “thầy mo cầm quyền” hoặc “tạp chủng cầm quyền” bởi hàng loạt các học vị tắt, học vị dỏm (kiểu ông “Lê” nhà hát giao hưởng, ông Đoàn Đức sân khấu, ông Tú Ngọc nhạc... được “cơ cấu” vào ban văn hóa tư tưởng) đã không ít thì nhiều, cho phép anh em làm nghề đích thực lợi dụng ngay thời cơ “rối rắm về lý luận lang băm” mà sáng tạo nghệ thuật!

Hoàng Vân chói sáng trong âm nhạc (không chỉ về ca khúc), Hoàng Việt (bị coi là Tây nhất miền Nam) được đề cao cả trong Tình Ca và trong giao hưởng. Cả hai trước đó không phải không bị những sự đánh giá và đối xử thiếu công bằng. Khi nói về Hoàng Việt, người ta chỉ nói đến độc có một Tình Ca và vài ca khúc viết thời kỳ chưa được học hành gì như Lá Xanh, Nhạc Rừng? Vậy cuộc sống chiến đấu đã dập tắt hay thổi bùng sức sáng tạo của anh? Bản giao hưởng Quê Hương sau này của anh rất ít ai được nghe vì các “xếp” đương thời đã giành hết chỗ để được đứng bên Mozart, Beethoven bằng những thứ giao hưởng “ẩm ương” chuyên... đuổi khán giả ra khỏi rạp rồi còn đâu! Kết quả là giao hưởng chẳng ra giao hưởng, opéra thành óp pê... vào. Người sành điệu nằm nhà nghe Tchaikovsky qua đĩa 33 vòng/phút được những dàn nhạc nổi tiếng trình diễn, hơn là đến nhà hát để phải nghe những thứ tác phẩm “học mót” các thầy đủ loại nhưng chưa “tiêu hóa” nổi ấy!

Chưa bao giờ, khái niệm về cái Đẹp ngay trong giới lãnh đạo, trong giới văn nghệ sĩ lại va chạm nhau đốm đốp như thế. Các cuộc cãi lộn về “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” (Hoàng Ngọc Hiến) về “âm nhạc có phản ảnh hiện thực không” (giữa Vũ Đức Phúc và Đỗ Nhuận) và các cuộc tranh cãi không có tổ chức về cái “chân” cái “thiện” cái “mỹ” được phát triển trên cả báo chí, ở các sa-lông thậm chí cả ở các quán cà phê mà tập trung nhất là ở cà phê Lâm Toét và cà phê Tuyên, gần trụ sở Hội Văn Nghệ 51 Trần Hưng Đạo.

Các thứ ca dao, tục ngữ thậm chí phủ nhận nhau bằng ca dao, vè (kiểu Xuân Sách) đã nhân danh nghệ thuật, suýt lại đưa nhau vào con đường...chỉnh huấn, chỉnh đảng... để rồi mất thêm một số nhân tài đất nước, hoặc tệ hại hơn, đi theo gót các nhân vật như Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính về sau này...

Cái “suýt nữa” ấy không xảy ra là nhờ... “thằng Mỹ”!!! Đúng ngày 5-8-1964, những quả bom Mỹ đầu tiên rơi xuống miền Bắc mở đầu giai đoạn văn nghệ “tất cả cho tiền tuyến” thứ hai, sau những năm tưởng hòa bình nhưng đầy mâu thuẫn thậm chí có cả chiến tranh giữa những... cái đầu, giữa những trái tim, giữa con người và con người, giữa các người đồng chí đồng chóe từng bao năm cùng chung trận tuyến đánh Pháp, giành độc lập tự do!

Bi hài hơn cả là chiến tranh quyền lực giữa những con người ưu tú nhất, sáng suốt nhất, tài tình nhất và cũng... hiểm độc nhất trong nỗ lực xây dựng vây cánh, tìm mọi thủ đoạn để hạ bệ nhau giữa cung đình cộng sản, sau khi ông “vua đi hai dây” Hồ Chí Minh qua đời...

Và, người Mỹ ngày càng lún sâu vào cuộc chiến hao tài tốn của mà sau này chẳng phải mất một mạng nào cũng trở lại được Việt Nam với ý đồ chính trị ban đầu và được các nhà “cộng sản kiểu mới” hoan nghênh gấp nhiều lần hơn khi xưa các bậc cha chú họ hoan nghênh hai ông anh cả, anh hai Liên Xô - Trung Quốc!



_____

([1]) Đảng này được Dảng Cộng Sản lập ra từ cuối năm 1944 nhằm lôi kéo trí thức đi với Mặt Trận Việt Minh (bình phong của Đảng Cộng Sản), sau năm 1945 nó mãi mãi là một đảng bù nhìn.

([2]) Học Phi, tên thật Chu Văn Tập (1915), nhà văn, nhà soân kịch.

([3]) Xin ghi lại đây bài thơ khuyết danh thuở ấy: Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Con phe có chợ Đồng Xuân/ Vỉa hè – đấy chợ nhân dân anh hùng.

([4]) Amedeo Clemente Modigliani (1884-1920), hoạ sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng người Ý, nên danh ở Pháp.

([5]) Nguyễn Tuân (1910-1987), nhà văn nổi tiếng với Vang Bóng Một Thời, Tóc Chị Hoài, Chùa Đàn..,

([6]) Quán cà phê nổi tiếng ở khu Montparnasse, Paris, nơi các hoạ sĩ, nhất là các hoạ sĩ trường phái siêu thực, và các nhà văn, nhà thơ thường đến tụ hội trong thời gian giữa hai cuộc đại chiến thế giới.

([7]) Lành, bí danh của nhà thơ cách mạng Tố Hữu; Tô, bí danh của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng.

([8]) Giàu sang ở đây là so với đồng lương và mức sống 13 cân gạo, 5 lạng thịt, 5 mét vải của cán bộ đồng trang lứa với tôi.

([9]) Nicolae Ceauşescu (1918-1989), bí thư Đảng CS, chủ tịch Nước Rumani từ 1965 đến 1989 bị nhân dân hành quyết.

([10]) Enver Hoxha (1908-1985), người sáng lập, nhà độc tài kiểu Stalin, tổng bí thư Đảng Lao Động kiêm Chủ tịch Nhà Nước Albani.

([11]) Bửu Tiến (1918-1992) nhà viết kịch, nghệ sĩ sân khấu, trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đứng về phía chính quyền, nhưng khi biết mình sai lầm, đã công khai xin được anh em bị Đảng trấn áp tha lỗi.

([12]) Đào Vũ, tên thật Đào Văn Đạt (1927-2006), nhà văn một thời được ca tụng với tiểu thuyết Cái Sân Gạch.

([13]) Nguyễn Khải, tên thật Nguyễn Mạnh Khải (1930-2008), nhà văn, viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn kịp thời theo chủ trương của Đảng.

([14]) Đơn đặt hàng –– Commande, tiếng Pháp.

([15]) Các nghệ sĩ Liên Xô (cũ): Serguei Essenin (1895-1925), nhà thơ trữ tình; Mikhail Bulgakov (1891-1940), nhà văn gốc Ukraina; Boris Pasternak (1890-1960) nhà thơ, nhà văn; Mikhail Cholokhov (1905-1984) nhà văn, Nobel 1965; Anna Akhmatova, tên thật Anna Gorenko (1889-1966) nhà thơ; Grigori Chukhrai (1921) đạo diễn điện ảnh.

([16]) Hà Xuân Trường (1924 - ?), nhà lý luận của ĐCSVN, từng giữ chức thứ trưởng Văn Hóa Thông Tin, tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung ương Đảng.

([17]) George Orson Welles (1915 – 1985) nhà văn, đạo diễn, diễn viên. William Somerset Maugham (1874 – 1965) nhà văn, nhà biên kịch; Arthur Miller (1915 – 2005), nhà soạn kịch sân khấu.

([18]) Tên gọi của Tổng Công Ty Xuất Nhập Khẩu Sách Báo.

([19]) Lúc này Đỗ Nhuận chưa đi Liên Xô học nhạc.

([20]) Giám đốc đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam lúc bấy giờ. ([21]) Nghị quyết của hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 9, khoá 2, họp ngày 11-12-1963. Nội dung của nó, theo lời văn, thì ĐCSVN vừa “chống xét lại”, vừa chống “giáo điều”, kiên trì lập trường mác xít-lê-nin-nít, nhưng tinh thần của nó là chống Liên Xô. ([22]) Ung Văn Khiêm, tên khác: Nhường, Huân (1910-1991) đảng viên cộng sản, từng giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao ở miền Bắc Việt Nam.

([23]) Và rất nhiều cán bộ khác nữa của ĐCSVN bị bỏ tù trong cái gọi là vụ án "nhóm xét lại chống Đảng".

([24]) Sáu cổng gác ấy là: 1/ Người viết tự kiểm duyệt tác phẩm; 2/ Tổ trưởng chuyên môn đọc, duyệt; 3/ Thủ trưởng đơn vị đọc, duyệt; 4/ Chuyên viên 2 cơ quan ; 5/ Cục trưởng Cục xuất bản và Tuyên giáo trung ương đọc, duyệt; 6/ công nhân nhà in, người sửa bản in phát hiện sai trái, phản hồi cho cơ quan hữu trách.

([25]) Nguyễn Tư Nghiêm (1922), họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu, là một trong bộ tứ hoạ sĩ tài danh Phái - Sáng - Liên - Nghiêm.

([26]) Jean Lacouture (1921), nhà báo Pháp, thường viết cho tờ Le Monde.

([27]) Lăng xê (từ tiếng Pháp lancer = tung ra, đưa ra).

([28]) Bertolt Brecht, tên thật Eugen Berthold Friedrich Brecht (1896-1956), nhà soạn kịch nổi tiếng người Đức.

([29]) Stanislavsky, tên thật Constantin Sergeievich Alekseiev (1863-1938), diễn viên, đạo diễn, sáng lập Nhà Hát Nghệ Thuật Moskva, nổi tiếng với thể hệ Stanislavsky được diễn đạt trong cuốn Đời Tôi trong Nghệ Thuật.


*

No comments: