Daniel Grandclément
BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC AN NAM
Chương 12
Ngày 2 tháng 2 năm 1945 đài phát thanh bí mật của mạng lưới Pavie nói rằng vừa nhận được một trăm ba mươi ba thùng và hai mươi hai hòm và nay yêu cầu gửi tiền đến. Pavie là mật danh của tổ chức ở Huế do Ban Hành động (Service Action) của lực lượng Pháp tự do. Ban này đặt dưới quyền tướng Blaizot chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, mới đến Kandy, trên đảo Ceylan (nay gọi là Srilanca) gần đây. Cuối cùng, những người Pháp theo De Gaulle đã hành động. Đầu năm 1945 được người Anh giúp sức họ bắt đầu xây dựng mạng lưới tình báo trên toàn bán đảo Đông Dương, theo kinh nghiệm của đội quân ngầm hoạt động bốn năm dưới ách chiếm đóng của Đức.
Người từ bên ngoài quyết định các đòn vũ lực và tiếp tế vũ khí. Con người nắm toàn bộ hệ thống bí mật trong những tháng đầu là Crèvecoeur thuộc phái De Gaulle. Ngoài ra chính tướng De Gaulle ở Alger đã ra lệnh cho ông ta cầm đầu Ban Hành động. Đại uý Crèvecoeur là người phụ trách miền trung xứ Trung Kỳ. Đó là một con người cương nghị, đầu óc phiêu lưu mạo hiểm nhưng chính xác, tỉ mỉ đã để lại tập hồ sơ dày cộm mười lăm tập tại Viện lịch sử quân sự ở Vincennes. Hàng kilô giấy không nói được hết các hoạt động của các thượng sĩ, trung uý ngay sau khi Pháp đầu hàng mong ước được sang châu Á để chiến đấu chống Nhật hay đơn giản chỉ dấn thân tìm kiếm vinh quang.
Crèvecoeur đặt bản doanh ở Côn Minh phía nam Trung Hoa, phỏng theo các phương pháp hoạt động của SOE (Special Operation Executive), cơ quan đặc vụ Anh được Churchill hoàn chỉnh, đã phát động người Pháp kháng chiến chống Đức. Lần này những người lính dù không nhảy xuống Bordeaux hay Nevers ở Pháp mà ở phía bắc Huế, nam Quảng Trị. Người Anh cung cấp máy bay còn người Mỹ thì cung cấp vũ khí.
Trên mặt đất ở nội địa có mạng lưới gồm viên chức dân sự và quân nhân là tổ chức Gordon được lập ra từ nhiều năm nay. Tổ chức này thu lượm tin tức, giúp những người lính vượt ngục và giúp các phi công từ máy bay bị bắn rơi. Các công chức, các cơ quan công chính và đường sắt tổ chức phá hoại việc quản lý khai thác đường sắt. Có chuyến vận tải của Nhật Bản bị chặn lại với muôn vàn lý do, do đánh tráo hay do kiểm soát Khâm sứ Trung Kỳ, Grandjean, ít ủng hộ thậm chí chống lại các hoạt động chống Nhật của các phần tử theo De Gaulle. Ngay cả tướng Turquin phụ trách quân sự cũng vậy. Hai ông này sợ rằng Nhật sẽ viện cớ đó để loại bỏ người Pháp và chấm dứt chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Đầu năm 1945, công cuộc kháng cự ngày càng trở nên quan trọng. Dưới sự thúc đẩy của Ban Hành động nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan trong quân đội thuộc địa tham gia vào mạng lưới chống Nhật.
Cũng như ở các thuộc địa, những quan hệ căng thẳng nảy sinh giữa cánh dân sự và quân sự. Nhưng ở Trung Kỳ còn có những căng thẳng giữa các nhóm có lợi ích khác nhau. Các thành viên của nhóm Gordon cung cấp tin tức tình báo trước hết cho người Mỹ. Nhưng Tổng thống Roosevelt lại là người kiên quyết tán thành chính sách phi thực dân hoá. Ông quyết định ủng hộ người Việt Nam mong muốn đánh đuổi người Pháp ra khỏi cửa. Nước Mỹ nghị sĩ cũng như dân chúng đều lên án thái độ của Pháp đối với các thuộc địa cũ của mình. Báo Mỹ Chicago Sun (Mặt trời Chicago) viết: Đông Dương thuộc Pháp trở thành tượng trưng cho chủ nghĩa thực dân da trắng. So với người Mỹ và người Anh, người Pháp làm rất ít để giáo hoá dân chúng và cải thiện cuộc sống vật chất cho họ. Sự nghèo nàn tràn ngập đất nước, sự ngu dốt của người bản xứ, các biện pháp hạn chế về kinh tế nhằm ràng buộc thuộc địa với chính quốc, tất cả làm cho Đông Dương trở thành một điểm đen đặc biệt ở châu Á thuộc địa(1).
Các mạng lưới chống Nhật cạnh tranh nhau thậm chí đối nghịch với nhau. Người phụ trách của mạng Gordon, một thương nhân làm ăn ở Đà Nẵng, mất tích trong những tình huống kỳ lạ, trong lúc đang ủng hộ mười hai quân nhân đồng minh bị rớt xuống biển... Nhưng nói chung họ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi họ liều lĩnh và muốn ăn to. Họ thả dù không phải chỉ là những khẩu tiểu liên Stein hay súng lục tự động mà cả những dụng cụ rất khó giấu kín như đại bác, trọng pháo và đạn pháo. Tuy nhiên nhiều tháng ròng từ cuối 1944 đến đầu 1945, người Nhật đều không phát hiện được(2).
Tại Huế, Giraud, kỹ sư trưởng công chính, Girard, giám đốc nhà máy điện, Gey, nha sĩ và Niedris, kỹ sư điện lãnh đạo phong trào kháng Nhật. Một quân nhân, đại uý Hebre, không ngừng tìm được những bãi rộng để thả dù vũ khí. Đầu tháng 2 năm 1945 họ yêu cầu có số tiền mười nghìn đồng bạc Đông Dương để dọn dẹp bãi tiếp nhận ở Làng Hồi phía tây thành phố Huế.
Được cung cấp tin tức tình báo, Mỹ ném bom căn cứ Nhật ngày càng chính xác. Điện ngày 2 tháng 2 năm 1945 đánh đi từ Huế đánh dấu việc chấm dứt các dợt thả dù. Cuối tháng tất cả các tổ chức chống Nhật ở đây đã nhận đầy đủ vũ khí để làm nhiệm vụ. Chỉ còn 15 ngày nữa những nhóm hoạt động bí mật đã sẵn sàng khởi sự. Đó là ngày N. được ghi trong các bức điện mật như ở mặt trận Normandie phía bắc nước Pháp mười tháng trước đó. Vì các nhóm chống Nhật ở đây không phải chỉ có giúp đỡ người Mỹ mà còn có ý định chờ Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương sẽ nổi dậy đoạt lại chủ quyền từ tay Nhật. Đó là điều người Pháp mong đợi. Họ thảo luận nhiều khi không giữ gìn ý tứ, không thận trọng. Hình như họ cho rằng không phải là nhiệm vụ quá khó khăn không thể thực hiện được. Người Nhật ở đây không nhiều, ở An Nam chỉ
Tại sao phải vội vã đi đến một chung cuộc xem ra không thể tránh khỏi? Các pháo đài bay Mỹ đã ném bom Tokyo. Quân Đồng minh phản công quân Nhật gần như khắp các mặt trận Á Đông. Chắc hẳn vì là nếu giải phóng được một vùng đất thuộc địa cũ có sự tham gia nhiệt tình và có kết quả của Pháp sẽ có ảnh hưởng chính trị lớn. Nó có thể chứng tỏ rằng việc De Gaulle tuyên chiến với Nhật không phải là những lời lẽ trống rỗng.
Tại Đà Lạt, nơi ở thường xuyên của Toàn quyền Decoux, những người cầm đầu chủ chốt của chính quyền bảo hộ đều được thông báo về tình hình khá chặt chẽ. Họ đều biết việc gì xảy ra. Những người được chính phủ mới ở Pháp tín nhiệm, kèm sát đô đốc và bao trùm lên bộ máy quyền lực của ông ta. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, trung tá Crèvecoeur bí mật kiểm kê những người Việt Nam đáng tin cậy. "Dưới tấm bình phong đó chúng ta sẽ lựa chọn những người sẽ làm việc cho chúng ta trong tương lai". Bức điện kết thúc bằng một đoạn đề phòng "tham vọng của người Mỹ". Như vậy những người phụ trách chính quyền bảo hộ và những phần tử trong Ban Hành động đã bắt tay nhau cùng hành động. Sau này Toàn quyền Decoux sẽ bị đưa ra toà xử về tội trung thành với chính phủ Vichy, nhưng lúc này đây vào ngày 9 tháng 3 năm 1945 tất cả những người Pháp ở Đông Dương đều có chung một mục tiêu.
Còn Bảo Đại, ông ta nói đã bị hoàn toàn đứng ngoài mọi âm mưu khôi phục chủ quyền của người Pháp. Hình như không biết gì đến hoạt động của những người Pháp chống Nhật này và rất ít quan tâm đến cuộc chiến.
Cũng ngày hôm đó, ngày 9 tháng 3 năm 1945 bắt đầu từ buổi tối người Nhật khởi sự truất quyền thống trị của Pháp. Một tiếng sét, một làn sóng tấn công khiến dân chúng và quân đội thuộc địa sững sờ! Trong lịch sử người ta gọi đó là đòn mồng 9 tháng 3 hay là cuộc đảo chính mồng 9 tháng 3. Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Tóm lại một đòn tàn nhẫn và công hiệu một cách ngạc nhiên.
Tại Huế, những quân nhân Mặt Trời Mọc bắt đầu khởi sự bằng việc chiếm nhà ga rồi khách sạn Morin ở đầu cầu Trường Tiền, một chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương thời đó gọi là cầu Clémenceau dùng để dân chúng người Pháp ở bên này sông Hương sang được khu Đại Nội và kinh thành Huế. Người Nhật mặc thường phục để tạo thế bất ngờ rồi chia nhau bao vây các doanh trại quân Pháp. Các đơn vị lính Pháp đang chuẩn bị rút ra ngoài đều bị tiêu hao. Nhiều binh sĩ đang đi chơi ngoài phốbất ngờ bị bắt hoặc bị giết.
Tại nhà Ngân hàng Đông Dương, lính Nhật giết người gác đêm, chiếm nhà băng. Chỉ để lại hai lính Nhật để canh giữ toà nhà tượng trưng cho sức mạnh của Cộng hoà Pháp.
Tuy nhiên quân Pháp cố lẻ tẻ chống lại. Nhiều trận giao chiến ác liệt và đẫm máu diễn ra. Quân Nhật chết hai trăm bốn mươi bảy binh sĩ. Chiều hôm sau đơn vị bảo vệ thành Huế hạ vũ khí đầu hàng. Đài phát thanh Sài Gòn qua lời kêu gọi của nữ phát thanh viên người Pháp nghẹn ngào đọc lời kêu gọi người Pháp đầu hàng.
Tàn binh quân đội bảo hộ đều bị bắt làm tù binh gần ở đồn Mang Cá, tại đây năm 1885, quân của tướng De Courcy đã dùng để chống cự lực lượng triều đình nổi dậy.
Khắp nơi trên toàn Đông Dương, quân đội Nhật giam giữ tù binh Pháp trong xà lim và tập trung quản thúc kiều dân Pháp tại các trại hoặc các khu biệt cư.
Chỉ trong một đêm, người da trắng bị tiến công, bắn giết bằng đại liên, lưỡi lê hoặc bị giam giữ. Những người Nhật khi mới đến diễu hành trên đường phố một cách dễ thương, những trí thức người Nhật đã từng tổ chức chung những hoạt động giao lưu văn hoá với tư sản thuộc địa đã bộc lộ một cách đáng ngạc nhiên những hành động tàn bạo của họ. Theo thống kê của quân đội viễn chinh Pháp năm 1947, hai nghìn một trăm người Pháp bị giết hại trong đêm mồng 9 tháng 3 và những ngày sau đó. Quân lính thuộc địa đã chống cự hết sức mình. Trong đêm 9 tháng 3 toàn bộ lính Pháp ở Hà Nội đều bị bắt làm tù binh cũng như ở Lạng Sơn, tình hình còn bi thảm hơn. Gần bốn trăm lính Pháp bị chặt đầu bằng kiếm. Số còn lại đều bị bắt hết.
Các sĩ quan buổi tối mồng 9 đã được mời đến ăn tối với các cấp chỉ huy tương đương của Nhật. Tiệc rượu tan, lính Nhật yêu cầu khách hạ vũ khí và ra lệnh cho quân lính dưới quyền phải đầu hàng. Sĩ quan Pháp từ chối. Họ bị chính những người vừa ăn nhậu với họ ban nãy rút kiếm và dao găm xử tử ngay.
Trong đêm kinh hoàng đó, biết bao hành động tàn ác không thể giải thích được không thể tha thứ được và nói chung đều không gặp sự kháng cự đáng kể nào của người Pháp. Sự có mặt gần một thế kỷ của Pháp bị xoá sạch trong một dêm. Những người trước đây coi thường sức mạnh người Nhật cho rằng họ không có nhiều quân, nay lặng lẽ ngơ ngác ngồi trong nhà giam băng bó vết thương. Không còn thời cơ nào để nghĩ đến các tranh giành ảnh hưởng với người Mỹ hay các cuộc thanh trừng tiếp theo sự sụp đổ của chế độ Vichy. Người Nhật vừa nhắc nhở họ rằng chiến tranh chưa phải là chấm dứt.\
Còn đối với dân chúng người Việt, thì nếu không tỏ ra thù nghịch thì cũng là thờ ơ, nếu không nói là hả hê trước tai hoạ của bọn thực dân. Bảo Đại sau này viết hồi ký: Cái đầu Pháp bị cắt lìa khỏi cơ thể Việt Nam. Chỉ cần một đêm, nước An Nam cổ xưa đã chuyển thành một nước Việt Nam mới(3).
Tại Paris cuộc đảo chính Nhật ở Đông Dương không được ai chú ý. Chính quốc còn bận tâm nhiều chuyện khác. Tuy nhiên danh sách những kẻ bị hành hình mùa xuân năm 1945 còn dài. Hiến binh Nhật, một loại Gestapo châu Á loại trừ hết những phần tử đã ngăn cản công cuộc phòng vệ của Nhật Bản. Tại Huế chín trăm tù binh bị tra tấn nhưng không ai cho biết thành phần và vũ khí trang bị cho các nhóm chống Nhật được mệnh danh Ban Hành động.
Cục diện chiến tranh đã thay đổi. Những quan chức Pháp không còn. Duy chỉ còn sĩ quan chỉ huy trong quân đội Nhật căn bản là căm ghét người da trắng. Họ dùng thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi bại trận đã thấy trước là không thể tránh khỏi, để ủng hộ những người quốc gia Việt Nam. Nền thống trị của Pháp bị quét sạch. Họ đã phải tìm người thay thế. Họ không có đủ sức hay đủ thời gian để lập bộ máy thống trị mới.
Vậy họ phải cố đưa người bản xứ vào lấp chỗ trống của các quan chức bảo hộ để lại. Làm sao đây để tổ chức bộ máy mới duy trì hoạt động các cơ quan công ích và cuối cùng là đánh đòn bọn thực dân người Âu? Bằng cách giao quyền hành cho Bảo Đại.
Quân đội Nhật sụp đổ từng mảng. Lửa chiến tranh đã lan trên đất Nhật, chính thủ đô của họ, Tokyo bị các pháo đài bay của Mỹ oanh kích. Họ cố sức tàn lao vào công việc cuối cùng này: phục hưng chế độ quân chủ.
Bảo Đại chỉ là ông vua bù nhìn... Thôi cũng được, ông "phải" đứng ra trị vì vậy!
Ngày 9 tháng 3 Nhà vua và Hoàng hậu đang đi săn, như thường lệ ở khu rừng cách Huế vài cây số. Chiều ngày 9 người Nhật đón được họ giữ lại. Sau một đêm ông có thời gian suy nghĩ tính sổ với chính quyền Pháp, với những quân nhân Pháp bị người Nhật kết tội là phản bội. Hôm sau người Nhật mới đưa Bảo Đại và Nam Phương về Huế. Vậy là trong đêm xảy ra đảo chính đó Bảo Đại vắng mặt tại Huế. Trùng hợp ngẫu nhiên?
Không. Đây là có tính toán. Bảo Đại không muốn chứng kiến sự tan rã của những người bạn cũ. Ông đã phong thanh được tin từ ngày 25 tháng 2 là người Nhật sẽ hành động nhưng ông không thông báo cho người Pháp biết. Còn hơn thế vì người Pháp đã báo trước là dựa vào ông để tuyên bố độc lập cho Việt Nam(4).
Nhà vua đang lu mờ dần trong bàn tay người Pháp, chỉ vui thú săn bắn và mơ mộng thì nay đang chơi đòn chính tn khá tinh tế khiến các quân nhân Pháp không tưởng tượng nổi.
Tuy nhiên Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của ông lại miêu tả khác. Ông Hòe đã ghi được diễn biến các sự kiện khá chính xác đúng như đã xảy ra bên trong Tử Cấm thành. Cách nhìn của ông Hòe không êm dịu gì. Sau này ông đi theo cộng sản nên ông cũng phải hạ bớt giọng khi miêu tả vị Hoàng đế nhẹ dạ, phù phiếm hơn là sự thực. Ông viết: "Sáng sớm hôm sau 10 tháng 3 ông đi xe vào đến cửa Thượng Tứ thấy cửa đóng chặt gọi mãi không thấy ai ra mở. Trên tường dán những tờ bố cáo bằng chữ Hán đại ý: quân đội Thiên hoàng đã đánh đổ Pháp, thiết quân luật để giữ trật tự và giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền độc lập để cùng Nhật Bản xây dựng khối Thịnh vương chung Đại Đông Á"(5).
Dân chúng tụ tập trước tờ bố cáo khiến xe ông Hòe không đi được. Người xem bàn luận xôn xao nghẽn lại lối đi ông Hòe quay xe định trở ra thì bị bọn lính Nhật chặn lại, ông phải xuống xe và lên xe của chúng, dẫn đến trước một tên quan ba Nhật trẻ tuổi, đeo kính trắng, mặt mũi khôi ngô, gươm bên hông dài lê thê sát gót. Thấy ông Hòe đeo bài ngà Ngự tiền Văn phòng Tổng lý, y đứng nghiêm chào và kính cẩn nói bằng tiếng Pháp: "Quân đội Thiên hoàng chỉ truất quyền của thực dân Pháp thôi, không đụng chạm đến Nam triều". Viên sĩ quan Nhật cho biết thêm quân Pháp đã đầu hàng trên toàn lãnh thổ Đông Dương, nhưng Pháp chết rất ít vì quân Nhật ít bắn đạn thật chỉ đốt pháo đùng để uy hiếp khiến quân Pháp tưởng là đạn thật nên đầu hàng ngay còn các quan chức dân sự thì cho bắt ngay chỉ trừ một số tên ngoan cố bị giết.
Ông Tổng lý văn phòng của Bảo Đại lo ngại không phải là sự an toàn của các bạn ông mà sự rối loạn của bộ máy điều hành đất nước. Mỗi cơ quan trong triều đình đều có quan chức từ Paris cử đến để đứng đầu, nay không còn người Pháp nữa thì bộ máy nhà nước sẽ điều hành sẽ ra sao đây và điều quan trọng nhất là ai sẽ trả lương đây? Người Nhật? Viên quan ba Nhật nói để ông yên lòng: "Chúng tôi sẽ nắm giữ các vị trí của người Pháp trước đây, nhưng chúng tôi sẽ sớm chuyển giao cho người Việt Nam". Nhưng khi ông Hòe hỏi ai sẽ thay Khâm sứ Pháp nắm thực quyền hành pháp, viên sĩ quan Nhật lắc đầu trả lời không biết.
Vẫn không có tin tức gì về Nhà vua. Những cận thần của Nhà vua đều biết xe ôtô chở Bảo Đại đã rời khỏi khu vực săn từ đêm nhưng họ không biết người Nhật đã giữ ông suốt đêm khi xe về đến Huế!
Cuối cùng, sáng hôm sau, 11 tháng 3 Phạm Khắc Hòe đến điện Kiến Trung nơi ở và làm việc của Bảo Đại hỏi. Thị vệ trả lời vua đã về nhưng còn đang ngủ mê mệt? Trước khi ông đến, các vị đại thần trong Viện Cơ mật đã đến đây nhưng thấy Bảo Đại còn ngủ liền kéo cả sang chầu bà Hoàng Thái hậu ở Cung Diên Thọ. Tại đây, ông Hòe đã gặp lại họ.
Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung mặc dù còn sớm đã phì phèo hút thuốc sâu kèn. Bà tỏ ra ít xúc động về sự kiện diễn ra đêm trước. Ngồi chễm chệ trên sập sơn son thếp vàng bà tiếp tục nói chuyện một cách khoái chí về ván mạt chược với các vị đại thần viện cơ mật trong đó có cả Phạm Quỳnh, vị đại thần vẫn đảm nhiệm công việc "hầu hạ Đức Từ" tức là làm một chân đánh bài với bà Hoàng Thái hậu.
Câu chuyện vẫn đang rôm rả nhưng ai cũng lo lắng về Nhà vua. Quan thượng thư họ Phạm nói đề mọi người yên tâm: Được một đội tuần tra Nhật tháp tùng, Bảo Đại đã trở về Đại nội an toàn và vẫn mạnh khỏe.
Lúc đó một thị vệ lên báo Bảo Đại đã dậy và sẵn sàng cho vào bệ kiến. Trước khi rời phòng, Đức Từ còn nói nhỏ với đại thần bộ Hộ là Hồ Đắc Khải hỏi vay ba trăm bạc để tiếp tục đánh bài.
Cuộc họp rất quan trọng. Vấn đề được bàn là tiếp nhận hay khước từ nền độc lập mà người Nhật trao trả. Chẳng có gì quan trọng thật nhưng đề nghị ngày 10 tháng 3 của họ đưa ra phải được trả lời.
… Yokoyama, đại sứ nước Mặt trời mọc vừa đến đây hôm qua. Ông ta đề nghị sẽ đảm nhiệm chức trách trước đây của Khâm sứ Pháp, và như vậy sẽ mang danh nghĩa cố vấn tối cao của chính phủ Việt Nam độc lập sẽ được thành lập nay mai. Nhà vua thông báo cho Hội đồng cơ mật và hỏi ai có ý kiến gì không. Chẳng ai có ý kiến gì. Tất cả đều nhất trí hoan nghênh.
Bây giờ chỉ còn việc ra một bản tuyên bố Việt Nam độc lập. Phải viết thế nào cho khác với bố cáo của người Nhật. Cần thảo ngay một bản tuyên chiếu của Nhà vua.
Một dự thảo được Phạm Quỳnh đưa ra ngay sau đó gồm có mấy ý chính:
- Một là tuyên bốViệt Nam độc lập.
- Hai là xoá bỏ các hiệp ước đã ký với Pháp.
- Ba là chính phủ Việt Nam độc lập sẽ hợp tác thân thiện với chính phủ Đại Nhật Bản để cùng nhau xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á.
Thực tế bản dự thảo chỉ chép lại trung thành một bản giác thư mà Yokoyama đã trao cho Nhà vua.
Mọi người đều vui mừng, bản dự thảo được mọi người nhất trí chấp nhận. Cuộc họp kết thúc chỉ sau mấy phút rất nhanh. Bảo Đại chuyển sang chuyện đi săn hai hôm trước, ông đã săn hạ được con bò rừng rất to, rồi Nhà vua kết thúc cuộc họp: Thôi, mời các thầy về nghỉ. Ai thích mạt chược và thịt bò rừng thì chiều nay vào chầu Đức Từ...
Các vụ thảm sát, nỗi thống khổ người Pháp phải chịu, các vụ tra tấn đang diễn ra chỉ cách cung điện Nhà vua chỉ vài trăm mét. Nhưng xem ra không thành vấn đề
Ngày 11 tháng 3, bản tuyên bố Việt Nam độc lập, sau khi được được ông Hòe hoàn chỉnh đã được công bố.
Việt Nam độc lập nhưng thực tế chỉ Trung Kỳ và Bắc Kỳ trừ ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ Nam Kỳ là nhượng địa chưa được người Nhật trao trả.
Chiểu tình hình quốc tế nói chung và tình hình châu Á nói riêng, chính phủ Việt Nam công khai tuyên bố bắt đầu từ hôm nay xoá bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp và đất nước lấy lại nền độc lập. Nước Việt Nam sẽ nỗ lực bằng phương tiện của chính mình đế xứng đáng với một nhà nước độc lập, phù hợp với những nguyên tắc chung về Đại Đông Á, tự coi là một phần tử trong Đại Đông Á nguyện sẽ đem hêt sức mình đóng góp vào nền thịnh vượng chung. Như vậy chính phủ Việt Nam tin vào lòng chính trực của Nhật Bản và quyết tâm hợp tác với Nhật để đạt mục đích nói ở trên.
Phải lập chính phủ cho nhà nước mới. Nhưng tại sao không lập vua mới. Kỳ Ngoại hầu Cường Để cố nhẫn nhục chờ đợi từ ba mươi năm nay ở Tokyo, có lẽ thời cơ vẫn chưa đến với ông ta chăng?
Giải pháp đưa Cường Để về làm vua với Ngô Đình Diệm làm thủ tướng đã có lúc được tính đến... Bộ tham mưu Nhật cuối cùng giữ Bảo Đại. Đó là ý kiến của tướng Tscuchihashi, tổng tư lệnh lực lượng chiếm đóng đã thắng thế. Nhưng khá nhiều sĩ quan của ông không tán thành trao độc lập cho người Đông Dương vì theo họ dân chúng Đông Dương chưa đủ trình độ cai quản đất nước. Không có bộ máy quân sự thì không thể tuyển mộ nhân lực cho cuộc chiến và duy trì an ninh.
Tscuchihashi nghĩ rằng chỉ cần độc lập danh nghĩa hơn là thực chất và chính phủ của Việt Nam độc lập phải được kiểm soát chặt chẽ(6). Vậy thì chọn ai là thủ tướng? Thoạt đầu Phạm Quỳnh được chỉ định tạm quyền nhưng hình ảnh Phạm Quỳnh quá lộ mặt thân Pháp. Hơn nữa ông ta cũng phản đối không chấp nhận những quy tắc mới. Cùng với các quan đại thần trong Triều đình ông ta thấy ngay nền độc lập có những giới hạn như hồi còn mồ ma chế độ bảo hộ. Không có tự chủ về ngoại giao, không có quân đội, không có độc lập tài chính, v.v... Tokyo liền chọn một nhân vật có tinh thần quốc gia ôn hoà hơn và gần gũi với Nhật Bản hơn. Đó là nhà sử học, nhà giáo Trần Trọng Kim, có uy tín và trước đây đã bị người Pháp truy nã, hiện đang nương náu tại Singapore, lúc đó bị Nhật chiếm đóng và đổi tên là Chiêu Nam đảo.
Ai đã chọn và chỉ định Trần Trọng Kim? Chắc chắn phải là người Nhật. Dù trong các cận thần cũng có người nhắc đến tên Trần Trọng Kim nhưng Nhà vua chẳng có vai trò gì trong việc chỉ định này. Vả lại ông Kim, một thanh tra tiểu học đã được Yokoyama tiếp trước khi vào bệ kiến Bảo Đại.
Chính phủ mới được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1945 nhưng vì phải chờ các vị tân bộ trưởng tập trung đông đủ nên ngày 8 tháng 5 mới chính thức ra mắt tại Huế trong Tử Cấm thành.
Theo tục lệ truyền thống, sau lễ bái mạng tại điện Cần Chánh, toàn thể nội các phải vào chầu Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung tại cung Diên Thọ. Bà này đòi các vị bộ trưởng mặc quốc phục. Tổng lý nội các sẽ đội khăn đóng, bận áo dài gấm quần rộng nhưng các bộ trưởng khác không ai bắt chước nhà giáo già và mọi người vẫn mặc âu phục nhưng chụp khăn đóng trên đầu, khoác áo gấm rộng ra ngoài, dưới vẫn mặc quần tây và đi giầy tây. Một bức tranh tạp nham về sắc phục. Tuy nhiên bà Hoàng Thái hậu cũng mời trầu và thuốc để thay lời chào mừng. Khi chia tay, bà không quên mời thủ tướng và các bộ trưởng đưa các bà mệnh phụ đến luôn để chầu tam cúc, tổ tôm hay đánh mạt chược là một đam mê không thể bỏ của bà Hoàng Thái hậu.
Sau buổi chầu Hoàng thái hậu, toàn thể nội các dẫn nhau đến điện Kiến Trung để yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu. Tại đây vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã chờ sẵn. Nhà vua mặc áo dài lam bằng sa tanh, giày thêu, còn Nam Phương bận áo dài đỏ và quần trắng. Cả hai nom dáng điệu vui vẻ. Họ mở sâm banh chúc mừng tân thủ tướng và các bộ trưởng có mặt đông đủ. Nam Phương thân ái hỏi thăm gia đình từng vị khiến họ rất cảm động.
Chính phủ mới bắt đầu nhiệm vụ trong một bầu không khí gần như vui vẻ.
Tuy nhiên Nhà vua là con người chuộng thực tế và sáng suốt. Cũng là con người trung thực, ông báo trước cho các tân bộ trưởng chấp nhận mọi tình huống hiểm nguy đang chờ đón họ. Chính phủ đầu tiên của Việt Nam độc lập đã bị công kích trước. Họ không thể làm được việc gì nếu không có sự đồng ý của người Nhật. Họ phải đương đầu với sự sỉ nhục khi người Nhật đến lượt họ bị Đồng minh đánh bại và rời khỏi Đông Dương.
Chỉ vài tháng sau, chính phủ mới thành lập này đã bị cách mạng đánh đổ. Tuy nhiên ê-kíp mới này gồm những người có tinh thần quốc gia sẽ làm được đôi việc có ích.
Chấp nhận độc lập trong bối cảnh đó có phải là sai lầm không? Mặc dù người bảo hộ Nhật Bản đã suy yếu, mặc dù chiến tranh và bão tố cách mạng, chắc chắn Bảo Đại vẫn hy vọng có thời gian đưa Việt Nam về với các nước tự do. Trước mắt Nhà vua chỉ còn mấy tháng trước khi đế quốc Mặt Trời Mọc sụp đổ dưới các đòn tiến công của Đồng minh.
Và ngoài ra trò chơi chính trị này có vẻ làm ông thích thú... Ông gần như bận bịu với trật tự mới. Mấy hôm sau ông trả lời các nhà báo: "Thời Pháp thuộc tôi không nói được gì, không được tự đi đâu. Nhưng bây giờ thì từ khắp nơi trong nước các đại biểu đến nhiệt tình bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới. Tôi rất sung sướng"(7).
Ngày 9 tháng 3, Bảo Long vẫn ở Đà Lạt với bà dì. Từ hôm sau, một đại tá Nhật mời bà bá tước Didelot là em gái bà Nam Phương về Huế. Người Nhật đưa đến một chiếc xe với cả một tiểu đội lính hộ vệ. Chuyến đi kéo dài ba ngày. Bà bá tước một mình với đám trẻ, con đẻ của bà và các con của bà Nam Phương. Ba ngày phải đi sáu trăm cây số từ Đà lạt về Huế. Tất cả các cầu trên đường đã bị đánh sập, đường bị các máy bay Mỹ ném bom hư hỏng nhiều chỗ từ nhiều tháng nay. Nhưng cuối cùng họ cũng về đến thành phố. Bà bá tước phải về ở tạm một căn nhà rồi tìm cách liên lạc với bà chị sau.
Trong Tử Cấm thành cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thản như trước hoặc gần như trước.
Nhà vua cùng một lúc tổ chức chính phủ mới và quan tâm đến đứa con trai của ông.
Chiến tranh chẳng làm ông bận tâm, kể cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ này có liên quan đến vận mệnh của nền quân chủ hay số phận của Việt Nam.
Nhà vua vẫn mải mê săn bắn, chơi quần vợt, có lẽ cả đánh gôn trong lúc tiếng ồn ào của cuộc chiến đang bao quanh. Không có gì thay đổi trong việc thực hiện các thú tiêu khiển của ông. Suốt đời, ông Con Trời này đã giữ được phong cách sống theo sự lựa chọn của ông.
Thản nhiên, hờ hững với các sự kiện đáng lẽ ra phải thu hút sự chú ý của ông. Không thật sự là tài tử, nhưng quả là cách sống của ông vượt lên trên mọi sự lo toan bận bịu của người thường. Tuyệt nhiên không có hoặc ít có điều gì có thể thật sự đụng đến ông. Một số người cho cá tính của ông vua bù nhìn này quá giản đơn, ông chẳng coi trọng điều gì ngoài thú ăn chơi.
Buổi tối hôm đó, ông dạy con trai một trò chơi mới. Hai cha con ngồi trên thuyền lướt trên mặt nước hồ trong Đại nội để... câu những con cá chép to hàng trăm tuổi đang nhung nhúc dưới nước. Đây là cuộc săn cá vì ông cùng với con trai ngồi trên thuyền phải tính toán khúc xạ để mũi tên hay chiếc lao phóng ra đi qua mặt nước trúng vào con cá đang bơi. Để có thu hút nhiều cá ông còn chiếu đèn xuống mặt nước. Tối nay thì ông đi săn cá, tối khác thì ông chơi quần vợt trên sân quần vợt được bố trí trong một gian nhà kho gần tường thành.
Không phải lúc nào cũng hội hè đình đám. Nhưng dù sao nền độc lập cũng phải được ăn mừng, được hoan hô. Dù độc lập đến quá dễ dàng nhưng cũng là sau hàng chục năm nỗ lực mà không dám mơ tưởng đến. Con đường dọc sông Hương đông nghẹt người ăn mừng độc lập. Mấy hôm sau khi đạo dụ tuyên cáo độc lập được đưa ra cho thần dân.
Một nhà văn nữ có mặt ở Huế hôm đó miêu tả: "Phố chính đông chật ních người "bản xứ". Một chiếc loa phóng thanh kêu oang oang đinh tai nhức óc các khẩu hiệu. Những chiếc xe tải rẽ đám đông phát những cờ giấy màu cỡ nhỏ màu vàng - đỏ, màu của nước An Nam. Đây là đoàn người đi ăn mừng độc lập giống như một đám ma nhà giàu hơn là một cuộc biểu tình yêu nước với pháo nổ, tiếng cò cử chói tai của dàn sáo nhị, tiếng trống inh ỏi, những cờ phướn cực đại do những dân quê vác đi, nét mặt ngơ ngác như không hiểu sao họ lại được đưa đến đây"(8).
Ăn mừng lễ độc lập theo cách riêng của mình, Bảo Đại ban Dụ ân xá các chính trị phạm. Tất cả những ai đã bị phạt tù, phạt giam vì tham gia hội họp hay xâm phạm tự do báo chí, vì đình công, những người bị đi đày hay cấm lưu trú đều được trả tự do. Nhưng cẩn thận hơn Bảo Đại nói những tài sản đã bị tịch thu hay bán rồi thì không được trả lại. Hơn thế nữa, một đạo dụ còn giải thích thêm những ai phạm tội cướp của giết người có ý đốt nhà dù có lý do chính trị cũng không được hưởng ân xá.
Trong thời gian đó, những người Pháp thường dân đi tị nạn bắt buộc hay quân nhân tù binh đều lên đường. Tất cả đều tập trung về Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, và Huế (đối với người sinh sống ở miền Trung). Các chuyến đi mang dáng dấp của những cuộc di dân.
Những người ở Đà Nẵng ồ ạt rời khỏi thành phố bằng xe lửa dành riêng. Họ phải để lại tài sản, mỗi người chỉ được mang theo mình một valy xách tay. Các đường xe lửa đều bị quân đội mang theo vũ khí và canh gác bao vây. Một cuộc đi đày nhẹ nhàng dưới con mắt tò mò của dân chúng người Việt hốt hoảng trước cách đối xử với các ông chủ cũ của họ.
Người Việt Nam hay người Nhật từ chính quốc đến, nắm giữ những vị trí của người Pháp trước đây trong bộ máy chính quyền bảo hộ. Đó là trường hợp của nhà Ngân hàng Đông Dương tại Huế do một giám đốc và phó giám đốc của Ngân hàng Yokoyama Spishi điều hành. Dù sao các giao dịch ngân hàng không có gì nhiều. Ngân hàng Đông Dương chỉ còn quan hệ với nước Nhật. Ngược lại nó vẫn có quyền phát hành giấy bạc mà những chủ nhân mới ở Đông Dương quan tâm trên hết.
Tại Huế, thường dân Pháp tị nạn về đây rất đông. Họ đổ xô tìm nhà ở tuỳ theo túi tiền và quan hệ bạn bè. Rất đông, vài trăm gia đình, kèm theo trẻ em và hành lý cồng kềnh, họ bỗng nhiên phải rơi vào hoàn cảnh tồi tệ của thời chiến.
Không bị coi là tù binh, những người Pháp thường dân đều phải dồn về các khu vực riêng và không có quyền đi khỏi nơi đó. Người thì tràn vào các khách sạn, người thì đến ở nhờ nhà bạn, trải đệm trong hành lang hay lối đi làm chỗ ở tạm. Họ chen chúc nhau nhưng cuối cùng cũng thu xếp được chỗ ở chấp nhận được. Mật độ dân số tăng nhanh, giữa người chung cảnh ngộ dễ dàng kết bạn với nhau dù trước đây không hề quen biết nhau. Tất cả đều đi lại bằng đôi chân, bằng xe đạp hoặc những chiếc ôtô hiếm hoi vì không đào đâu ra xăng chạy xe, và xăng cũng khan hiếm như rượu vang. Đài thu thanh, súng, máy chữ, máy ảnh, ống nhòm đều bị tịch thu.
Các cha cố dòng Cứu thế người Canada gốc Pháp cũng bị tạm giữ mặc dù nhà tu của họ không ở trong khu biệt cư.
May mắn là bà vợ đại sứ Yokoyama lại là người Pháp và có thể nhờ cậy, bà ta đã khoan hồng đôi chút với người Pháp. Họ được làm gì tuỳ ý miễn là không ra khỏi chu vi dành cho họ. Cũng may là trong chu vi ấy đã hình thành nên một cái chợ và lúc đầu có bán cả lương thực. Các nhà buôn được tự do mang hàng đến bán...
Đa số gia nhân hầu hạ trong các gia đình Pháp kiều đều bỏ trốn. Dù không cãi lộn, không có hành vi bạo lực không trộm cắp, những người Việt vẫn bỏ đi, vắng bóng người Việt trên đường phố quang cảnh thành phố trở nên ủ rũ.
Ngày 15 tháng 3, các tờ cáo thị dán trên tường cho biết mọi sự đi lại trong khu biệt cư đều bị cấm. Chỉ những ai có đeo băng tay do quân đội Nhật cấp mới được đi lại. Tất cả chừng 15 người kể cả nhân viên y tế.
Để tiếp tục giao lưu với nhau, những người bị quản thúc đã đục phá tường rào ngăn cách quanh nhà. Chẳng mấy chốc sau này người Nhật cấm cả việc gọi nhau qua tường.
Một Uỷ ban tương trợ được thành lập thay mặt Pháp kiều giao dịch với nhà đương cục Nhật vì những người có trách nhiệm hợp pháp đều bị bắt tù hoặc đưa đi tập trung.
Gia đình Bảo Đại - Nam Phương vẫn ít xuất đầu lộ diện, suốt ngày ru rú trong nội cung.
Việc dân chúng người Pháp bị dồn vào ở trong những khu biệt cư cũng không làm thay đổi cuộc sống của bọn trẻ của gia đình Hoàng hậu Nam Phương.
Chúng không có ai là bạn bè thân thiết. Từ vài năm nay Nhà vua cũng ít tiếp xúc với giới quan chức thuộc địa. Chán chường vì những cải cách của ông đều hỏng hoặc bị xuyên tạc, Bảo Đại ít gặp các quan chức cai trị người Pháp. Đêm đảo chính mồng 9 tháng 3 đã không thay đổi gì đến cuộc sống riêng của Nhà vua...
Một hôm, dân chúng thấy một chiếc máy bay bay thấp là là trên các nóc nhà cao tầng trong thành phố. Họ nhận ra đó là một trong những chiếc máy bay của Bảo Đại đi thả truyền đơn của Nhật trấn an dân chúng, đồng thời tỏ thái độ cứng rắn của những ông chủ mới đối với những ai - kể cả Nhà vua - đã hợp tác với chế độ thực dân.
Ngày 27 tháng 8, bệnh viện đóng cửa. Các bệnh nhân dù chưa khỏi cũng phải trở về nhà. Các thầy thuốc, phần lớn là quân nhân đều bị tập trung về Mang Cá.
Elula, Perrin một nhà văn nữ người Âu có mặt ở Huế đã miêu tả. Các thầy thuốc quân nhân được phép tạt qua nhà. Họ mang quân phục tươm tất, đeo đủ các huân huy chương trên ngực bình thản bước lên xe vận tải đưa họ về trại giam. Họ ôm hôn từ biệt vợ con. Những người này lâu nay ở trong khu điều trị của bệnh viện nay phải bỏ lại các đồ đạc cồng kềnh đề về ở tại trường Thiên Hựu (Providence) do Nhà thờ Thiên Chúa giáo cai quản. Trường Thiên Hựu hơn một năm sau đó, trở thành nơi trú ẩn chính của kiều dân Pháp khi chiến tranh nổ ra. Vào tháng 3 năm 1945, tại đây có đến năm trăm người đa số là người già, phụ nữ và trẻ em thân nhân các tù binh Pháp tạm lánh, mà chỉ có mấy cha cố người Canada gốc Pháp chăm sóc. Trong các căn nhà trong khu phố Tây, mỗi người đều tổ chức tự vệ.
Các góc nhà, góc vườn biến thành những pháo đài nho nhỏ. Nhưng vũ khí chỉ là gậy tre vót nhọn, súng cao su và cả bóng đèn điện mà khi nổ có thể gây tiếng nổ khiến đối phương có thể nghi là tiếng súng. Tất cả những thứ gọi là vũ khí thô sơ đó không phải là để chống Nhật mà chống lưu manh, trộm cướp hay những phần tử "quốc gia" quá khích. Thường dân Pháp bị bỏ rơi, phó mặc cho bọn cướp của giết người, đến mức ngày 25 tháng 4, cố vấn tối cao của Triều đình là Đại sứ Nhật Yokoyama phải ra thông tri kêu gọi dân chúng không nên nhầm lẫn chế độ chính trị thực dân với những phẩm cách cố hữu của người Pháp. Có nhiều người Pháp đã làm hết sức mình vì lợi ích của nhân loại. Đối với những người đó chúng ta phải cư xử theo đạo lý chung Đại Đông Á. "Khi một con chim nhỏ bị thương quằn quại trong bàn tay người thợ săn, anh ta sẽ không giết chết nó...".
Không có gì đáng khinh bằng cách đối xử tàn tệ với kẻ yếu không còn gì để tự vệ... Nhà đương cục Nhật Bản có lời khuyên dân chúng nên bắt chước cử chỉ cao cả đó".
Tại Huế, một bộ phận quân Pháp không bị bắt làm tù binh đã chạy thoát sang biên giới Việt-Lào. Ở Bắc Bộ các tiểu đoàn của tướng Alessandri sau khi bị tổn thất nặng trong các cuộc giao chiến với Nhật đã chạy được sang Trung Quốc, còn những cánh quân khác bị đánh tơi tả, bị tiêu hao, chết và bị bắt làm tù binh. Một số đơn vị không chiến đấu, chạy dài, trừ trường hợp ngoại lệ. Quân đội tại Đông Dương không tồn tại. Các nhóm chống Nhật trong mạng lưới Ban Hành động bị tan rã hoàn toàn. Hàng nghìn thường dân Pháp bị kẹt trong các khu phố Tây chỉ còn dựa vào sự kháng cự của chính mình.
Trộm cắp như rươi. Quần áo giặt xong, phơi trên dây cũng phải thay nhau trông để khỏi mất cắp, kể cả các đồ vật nhỏ, không giá trị. Nhiều người phải bán các thứ còn lại, không cần thiết để lấy tiền độ nhật vì các khoản lương, phụ cấp đều bị cắt. Nhiều người nghĩ sớm muộn cũng phải ra đi vĩnh viễn từ biệt cái xứ sở đầy tai ương này nên phải tính chuyện bán dần đồ đạc. Nhiều người Việt Nam vốn kiếm sống trên hè phố, họ đi từ biệt thự này sang biệt thự khác để tìm mua đồ cũ. Khu phố Tây biến thành một chợ giời khổng lồ dùng lòng đường, vỉa hè để bày đồ cũ rao bán. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn người Nhật ra lệnh giải tán chợ bán đồ cũ, cấm ngườỉ "bản xứ" lui tới các khu phố Tây. Một số hiếm hoi người Việt còn làm công cho các gia đình người Âu giàu có được phép luỉ tới nhưng phải đeo băng ở cánh tay do các nhà đương cục Nhật Bản cấp. Điều này khiến những người Việt Nam kỳ thị và căm ghét và trả thù.
Ngày 13 tháng 7 năm 1945, những chiếc máy bay hai thân xuất hiện trên bầu trời Huế. Đó là những máy bay Mỹ. Có lẽ họ thao diễn để mừng ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7? Những kiều dân Pháp xì xào bàn tán, đoán già đoán non quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương nay mai. Nhưng liệng vài vòng, chúng lặng lẽ bay đi không có dấu hiệu gì muốn tiếp xúc với người Pháp.
Sang đầu tháng 8, những người Pháp bị giam trong nhà lao được chuyển về Mang Cá giam chung với tù binh. Chủ yếu là những nhân viên Sở Mật thám và những thành viên của mạng lưới ban Hành động, được coi là những phần tử nguy hiểm. Sau đó, một số trong bọn này được thả mặc dù có một thanh niên đã từng đánh chết một binh sĩ Nhật. Họ kể lại: Cực nhất là nhà giam, diện tích chỉ rộng 2 mét x 1,2 mét. Trong 22 tiếng đồng hồ của một ngày đêm, họ bị Hiến binh Nhật tra hỏi liên tục xem cất giấu vũ khí ở dâu. Cai ngục bắt tù nhân quỳ trên những thanh gỗ cứng, kẹp trong kẽ tay rồi bóp chặt cho xương ngón tay gãy răng rắc, luồn dây điện vào hạ bộ hoặc úp khăn ướt trên mặt rồi tưới đẫm đến khi nạn nhân ngạt thở. Một buổi chiều bọn lính Nhật gọi tù binh ra làm bia cho các binh sĩ luyện võ jiu-itsu(9)
Ngày 8 tháng 8, tù binh Pháp bị giam ở Mang Cá bị giải đi Sài Gòn. Một trăm năm mươi sĩ quan bị giải ra ga đi qua trước cửa khách sạn Morin. Số lớn khác chia thành nhiều toán đi ngả khác ra ga. Nhiều vợ con tù binh nghe tin đứng dọc đường để tiễn biệt chồng con. Nhưng không phải ai cũng được gặp. Nhiều người gạt lệ ra đi không nhận được chút an ủi cuối cùng nào của người thân.
Sau khi đám tù binh được chuyển đi, kiều dân Pháp ở thành phố phố Huế cảm thấy như bị bỏ rơi. Đường phố trong khu phố Tây càng thêm vắng. Thân nhân tù binh càng thấy hiu quạnh, bơ vơ, không biết tin tức chồng con họ ra sao.
Nhưng rồi một tin đồn lan ra, dai dẳng như có thật vừa gây ra mối lo sợ vừa gây cảm giác hài lòng và lóe lên những tia hy vọng... Người Mỹ đã ném bom nguyên tử trên đất Nhật. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki có lẽ đã biến thành tro bụi. Tổn thất ghê gớm.
Một tin đồn khác lại gieo hoang mang không kém. Qua những người Việt Nam hiếm hoi họ còn được gặp trên đường phố họ được nghe nhưng người cách mạng vừa lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quân du kích Việt Minh đã làm chủ phần lớn lãnh thổ miền Bắc, đổi thành Quân Giải phóng. Người đứng đầu Quân Giải phóng đã hạ quân lệnh khởi nghĩa.
Chú thích:
(1) CAOM, Hồ sơ lưu trữ Bộ Pháp quốc hải ngoại. Báo Chicago Sun (Mặt trời Chicago) ra ngày 26 tháng 8 năm 1945.
(2) Ngày 23 tháng 2, Toàn quyền Decoux điện cho Bộ thuộc địa: Việc thiếu thận trọng của tổ chức kháng chiến gây cho tôi nhiều trở ngại. Mối quan tâm của chúng ta là các sáng kiến quá sớm không được gây khiêu khích người Nhật để hỏng việc lớn. Jacques Folin trích dẫn trong Indochine 1940-1945 la fin d un rêve (Đông Dương 1940-1945, kết thúc một giấc mơ) Nhà xuất bản Perrin 1997.
(3) Bảo Đại: Le Dragon d Annam (Con Rồng Annam) Plon.
(4) Gilbert David, Chroniques secrètes d Indochine. (Biên niên sử bí mật Đông Dương), Nhà xuất bản L Harmattan, 1994.
(5) Phạm Khắc Hòe - "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(6) Masaya Shiraishi trích trong L Indochine française (Đông Dương thuộc Pháp) của Paul Isoart, Nhà xuất bản Presses Universitaires Françaises, 1982.
(7) Ngày nay, số 2, ra ngày 12 tháng 5 năm 1945.
(8) Elula Pernn, Sách đã dẫn.
(9) Elula Perrin, Sách đã dẫn.
Daniel Grandclément
BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC AN NAM
PHẦN 2: CÁCH MẠNG
Chương 13
Người thiếu phụ còn trẻ và khá đẹp vuốt phẳng chiếc váy dài bằng vải, ngồi thu mình trên hàng ghế phía sau. Súng săn xếp gọn trong cốp xe. Một chiếc xe bình thường như mọi xe khác không có dấu hiệu gì nổi bật cho biết xe dùng vào việc gì. Nhưng trên đầu xe, phía bên phải vẫn phấp phới chiếc cờ vàng nho nhỏ của Hoàng gia. Trong cái thành phố đế đô này, xe ôtô chạy trên đường phố chẳng có bao nhiêu, cắm cờ hiệu hay không, ai cũng biết người ngồi trong xe là ai vì đây là chiếc xe riêng của Nhà vua, chỉ chở ông trong các chuyến đi chơi xa ngoài thành phố. Ông cũng ngồi ở hàng ghế sau, im lặng, vẻ mặt đăm đăm bí hiểm trong bộ đồ săn. Còn nàng nhìn thẳng phía trước, hơi ngả người về phía sau giữa các gối dựa khi chiếc xe vượt qua trạm gác của lính hộ thành người Việt. Khi xe qua trạm gác ngoài cùng giữa đám binh sĩ Nhật đứng nghiêm chào thì nàng lại ngả người thêm nữa. Chiếc xe lặng lẽ ra khỏi hoàng thành bằng cửa phía đông như mọi lần, để được kín đáo hơn là qua cửa Ngọ môn chỉ dành cho sứ thần nước ngoài hay đoàn ngự đạo trong các nghi lễ chính thức. Cuộc đi này không có gì phải lén lút? Trong hoàng cung, ai mà chẳng biết hôm nay Ngài Ngự đi săn cùng với bà cố vấn Nhật. Cả hai người chẳng bận tâm gì đến thời cuộc bên ngoài trong lúc chiến tranh đang tiếp diễn và cuộc cách mạng sắp đến gần. Tuy nhiên thành phố Huế mỗi ngày lạỉ mang thêm dáng vẻ thời chiến. Khu phốTây cách biệt, ở phía nam sông Hương, bên kia cầu Trường Tiền, chung quanh chăng dây thép gai có lính Nhật canh giữ. Trên mặt đường nham nhở cày xới vì các mảnh bom Mỹ dân chúng vẫn qua lại bình thường nhưng không ai quên cuộc sống vẫn đang còn trong thời chiến.
Kể cũng quá đáng pha lẫn đôi chút hài hước. Trong không khí nước sôi lửa bỏng của những ngày hè năm 1945, ít ai tưởng tượng được rằng bà cố vấn Yokoyama, một phụ nữ Pháp xinh đẹp, vẫn nhiều lần rong chơi suốt ngày trong những cánh rừng thưa cùng với Nhà vua, chỉ vì ham thích săn bắn và hưởng không khí thoáng đãng ngoài trời. Thế nhưng ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe cho biết những chuyện phiêu lưu tình ái này chẳng làm ai ngạc nhiên. Trong hoàng cung và có lẽ cả những thành viên khác của nội các cũng đều biết thói quen và tài quyến rũ của Nhà vua. Tuy nhiên chắc hẳn rồi đây những chuyện nhân tình nhân ngãi và lối sống phóng túng đó cũng phải chấm dứt trong bão táp cách mạng đang xô đến làm thay đổi đến tận mọi ngõ ngách của cuộc sống, không trừ một ai.
Từ mấy năm nay Việt Minh đứng về phe Đồng minh bên cạnh Trung Hoa, Anh và Mỹ đang trên đà phản công thắng lợi trên khắp các mặt trận từ Âu sang Á. Người Mỹ còn cung cấp cả vũ khí, điện đài, và cả người huấn luyện cho du kích Việt Minh.
Còn Bảo Đại, một "kẻ được bảo hộ" ngoan ngoãn và trung thành của đế quốc Pháp, nay lại được Nhật Bản, trong thế thất bại không tránh khỏi, trao trả "độc lập".
Trong lúc những ông chủ cũ người Pháp, bị giam trong trại tù binh, hoặc sống tập trung trong các khu biệt cư dưới sự canh giữ của lính Nhật thì những người của nước Pháp tự do thuộc phe De Gaulle, dù đã biết những gì xảy ra trên xứ Đông Dương, vẫn chưa chuẩn bị xong phương tiện để chiếm lại thuộc địa từ tay Nhật. Pierre Messmer và Jean Cédille, được chỉ định làm "uỷ viên Cộng hoà Pháp" chuẩn bị hành trang, sẵn sàng nhảy dù, một người xuống Bắc Kỳ, một người xuống Nam Kỳ, còn tướng Leclerc vừa được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông lúc này còn chưa tập hợp xong lực lượng.
Thời cơ ngàn năm mới có một lần, ông Hồ Chí Minh đã không bỏ lỡ để phát động nhân dân giành lấy chính quyền.
Không khí u ám bao trùm lên cả Đại nội. Tất cả đều rầu rĩ, rã rời. Thuế má, lần đầu tiên triều đình Huế có vinh dự được trực tiếp thu nhưng không thu được. Tình hình bất an xảy ra khắp nơi. Làm sao lập lại trật tự ở thành phố, ở nông thôn, trong lúc trong tay chính phủ hoàng gia không có cảnh sát, cũng chẳng có một lực lượng trật tự nào có thể hành động hữu hiệu.
Mới ra mắt quốc dân được mấy tháng, ngày 5 tháng 8 Chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức: Ba bộ trưởng xin từ nhiệm, một bộ trưởng bị nạn vì bom Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bất lực, không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật đồng ý. Bảo Đại chấp nhận từ chức nhưng lại giao thủ tướng lập chính phủ mới, rồi theo thường lệ ông tiếp tục đi săn mạn Quảng Trị.
Hoàng hậu Nam Phương triệu tập Tổng lý Ngự tiền văn phòng đến gặp. Ông Hòe kể lại: Bà lo lắng về chiều hướng phát triển của tình hình, chán nản than vãn về Đức vua vẫn chứng nào tật ấy, say mê chơi bời, cờ bạc, săn bắn, trai gái... Bà hỏi xem có cách nào "cứu vãn tình hình" được không nhưng cứu vãn thế nào đối với con ngựa quen đường cũ?
Việc lập nội các mới trong tình hình Nhật Bản đầu hàng đến nơi xem ra không thể thực hiện. Ông Kim cố sức liên hệ, tiếp xúc, vận động người này người khác nhưng các nhân vật cấp tiến đều khước từ cộng tác. Làn sóng cách mạng đang dâng lên cuồn cuộn, kéo phăng cả những người lưng chừng do dự. Những cố gắng của ông đều vô ích. Lúc này không thể nghĩ đến tiếp tục thể chế hiện hành được nữa. Duy trì nền quân chủ lúc này là ảo tưởng. Ông Hòe bắt đầu tác động một cách kiên nhẫn vào tinh thần đang suy sụp của Nhà vua, vận động ông tự nguyện thoái vị. Ông không ngớt gợi lại cuộc cách mạng Pháp 1789 và số phận bi thảm của vua Louis XVI rồi nhẹ nhàng khuyên Nhà vua không nên chờ nước đến chân mới nhảy. Bảo Đại vừa cười nhạt vừa nói với giọng mỉa mai: "Không có lẽ quân đội Nhật sẽ khoanh tay ngồi nhìn để cho dân chúng làm chi thì làm?".
Cuối cùng ông thủ tướng Kim cáo bệnh, khẳng định ông bị tăng huyết áp và không ra khỏi nhà.
***
Vào giữa tháng 8 ngột ngạt, nóng bức, Nhà vua được người Nhật trao lại các nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và xứ Nam Kỳ thuộc địa. Ngày 14 tháng 8 Bảo Đại ra sắc chỉ Nguyễn Văn Sâm sung chức Khâm sai Nam Bộ, nhưng ông ta chưa kịp lên đường thì hôm sau, ngày 15 nước Nhật thông báo... ý định đầu hàng Đồng minh?
Người Nhật bỏ cuộc, đầu hàng vô điều kiện.
Không mấy ngạc nhiên nhưng không ai ngờ Nhật Bản đầu hàng sớm thế.
***
Hai hôm sau, ngày 17 tháng 8, tại thủ đô Hà Nội, Việt Minh lợi dụng một cuộc mít tinh của công chức được triệu tập để biểu thị ủng hộ Nhà vua, hạ cờ của chế độ quân chủ xuống, trưng cờ đỏ sao vàng lên. Hai ngày sau, 19 tháng 8, quần chúng cách mạng chiếm dinh Khâm sai Bắc Bộ trước đây là dinh Thống sứ Bắc Kỳ, thành lập chính quyền cách mạng tại thủ đô Hà Nội. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Đến lúc này Nhà vua quyết định hành động. Cùng ngày 17, ông triệu tập một cuộc họp bất thường của nội các lâm thời. Cuộc họp quyết định Nhà vua, như muốn vượt qua mặt Việt Minh, gửi thông điệp đến những người đứng đầu các nước Mỹ, Anh, Trung Hoa, Pháp, kêu gọi giúp đỡ để bảo vệ nền độc lập giành được từ tay Nhật. Trong thông điệp gửi Đại tướng De Gaulle có đoạn viết: "Tôi nói với nhân dân nước Pháp, nơi tôi đã sống thời niên thiếu, tôi muốn nói với tư cách một người bạn, chứ không phải người đứng đầu nhà nước.
Các vị đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm đầy tang tóc dưới chế độ chiêm đóng, nên không thể không hiểu rằng dân tộc Việt Nam có hai mươi thế kỷ lịch sử đầy vinh quang trong quá khứ, không muốn và không thể chịu đưng được nữa bất kỳ một sự đô hộ nào, của nước ngoài.
Các vị sẽ hiểu rõ hơn nếu các vị có thể chứng kiến những sự kiện đang diễn ra ở đây thấy rõ ý nguyện độc lập của nhân dân Việt Nam đã ấp ủ tận đáy lòng và không một sức người nào có thể kìm nén được. Ngay dù các vị có thể lập lại trên đất nước này sự thống trị của Pháp thì cũng không có ai nghe theo: mỗi làng sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi người cộng tác cũ của các vị sẽ là một kẻ thù, và các quan chức, các kiều dân Pháp sẽ chỉ đòi thoát khỏi bầu không khí nghẹt thở này. Mong các vị hiểu rằng cách duy nhất để cứu vãn quyền lợi Pháp và ảnh hưởng tinh thần của nước Pháp là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, từ bỏ mọi ý nghĩ lập lại chủ quyền hoặc bất cứ một hình thức cai trị nào của nước Pháp trên đất nước này.
Chúng ta có thể dễ dàng thoả thuận với nhau nếu các vị từ bỏ ý định trở lại làm ông chủ của chúng tôi".
Còn với người đứng đầu nhà nước Liên Xô? Dù Liên Xô cũng là nước thắng trận và có công lớn nhất trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít và trong hội nghị cũng đã có người nêu ý kiến, nhưng cuối cùng Bảo Đại không gửi thông điệp cho Stalin, người đứng đầu nhà nước Xô viết. Trong hồi ký của mình, ông viết: "Tôi đã chọn chỗ đứng của tôi".
Bảo Đại còn yêu cầu ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng thảo một đạo Dụ số 105 tuyên bố ý định của ông là "sẵn sàng trao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh vào Huế thành lập Nội các mới. Vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau. Nhà vua cam đoan sẽ tuân theo ý nguyện của nhân dân".
Thiếu một câu rõ kêu trong dự thảo. Ông Hòe đã tìm ra câu đó: "Muốn củng cố độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc Trẫm sẵn sàng hy sinh về tất cả các phưởng diện. Trẫm đặt hạnh phúc của nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ, Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm".
Buổi chiều, ông Hòe đệ trình bản dự thảo lần cuối.
Ông đọc to, rõ ràng từng lời câu nói đầy dũng cảm đã đi vào lịch sử: "Trẫm muốn làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ...". Ông còn nhắc đi nhắc lại như để nhập tâm và cho "quen miệng", để không vấp váp khi phải nhắc trước công chúng. Sau một lát đắn đo, ông nhún vai nhè nhẹ rồi cuối cùng đặt bút ký(1).
Vậy là không hề có chuyện đối đầu với chính quyền cách mạng. Vả lại Nhà vua không muốn và cũng chẳng có phương tiện để chống lại. Sau này Bảo Đại giải thích: ông muốn tránh một cuộc tắm máu giữa những người cách mạng và người Nhật. Vì người Nhật, mặc dù thất trận, vẫn có trọng trách duy trì trật tự cho đến khi Đồng minh vào tiếp nhận đầu hàng.
Nhưng với một số người thân cận muốn Nhà vua thoái vị ngay, không yêu cầu Nhật can thiệp. Phải thành lập ngay chế độ cộng hoà mà không cần đợi đến tuyển cử, chờ hỏi ý kiến nhân dân. Quyền bính nay đã ở trên các đường phố Hà Nội hay khắp nông thôn chứ không phải ở trong các gian phòng hoang vắng của Đại nội, cũng không ở trong tay Bộ tư lệnh quân đội Thiên hoàng chỉ muốn được yên thân chờ Đồng minh đến giải giáp và mau chóng trở về nước. Quyền lực mỏng manh của các ông khâm sai, các tỉnh trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim đang tan rã từng mảng. Thời gian gấp lắm rồi. Nơi nơi nổi dậy thành lập chính quyền nhân dân. Ngay ở ven lộ chung quanh thành Huế, các đội tự vệ dân quân tập luyện đêm ngày. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nhiều nhà trong thành phố. Ngay hôm sau, quần chúng biểu tình tràn ngập các phố giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang: "Độc lập muôn năm", "Đả đảo chủ nghĩa phát-xít", nhiều nhất là: "ủng hộ Việt Minh".
Nguy cơ bùng nổ cuộc nổi dậy tại kinh đô Huế khiến tư lệnh quân đội Nhật đề nghị dùng vũ lực để lập lại trật tự trên đường phố. "Chỉ cần hai tiếng đồng hồ là quét sạch cuộc nổi loạn". Nhà vua từ chối. Ông không muốn người Việt Nam phải đổ máu.
Trước khi có quyết định cuối cùng, Bảo Đại muốn biết ai ở đằng sau Việt Minh? Nhà cách mạng nào?
Trong ký ức của mình ông nhớ đến cái tên Võ Nguyên Giáp, cái tên duy nhất ông nhớ được. Buổi chiều ngày 19 tháng 8, bốn lần ông gọi điện cho ông Hòe, hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai? Mọi người chỉ biết Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng, nhiều lần bị truy nã và kết án, nhưng cũng ít người biết Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh chỉ là một. Đó là người đứng đầu chính phủ cách mạng lâm thời đóng trụ sở tại tầng một toà Thống sứ ở Hà Nội, nay được gọi là Bắc Bộ phủ.
Sự mê tín, như thường thấy ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong những giờ phút quyết dịnh. Phạm Khắc Hòe không ngừng nhắc lại câu sấm truyền: Nam Đàn sinh thánh. Thánh đó có thể là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu không thành công và đã mất năm 1940. Từ những năm 1920 người ta lại giải thích ông thánh cứu nước chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu ở Nghệ An.
Chính câu sấm truyền ấy cùng với dư luận đồn đại, theo ông Hòe kể lại sau này, đã khiến Nhà vua đi đến quyết định cuối cùng.
Ngày 20 tháng 8, Bảo Đại cho biết ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Buổi sáng ngày 21 tháng 8, lá cờ vàng ba gạch hình quẻ ly của Triều đình lâu nay vẫn ngạo nghễ trên cột cờ cao trên kỳ đài của hoàng thành thì hôm nay đã được thay bằng lá cờ của cách mạng, màu đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ ở chân kỳ đài có mặt lúc đó chẳng những không làm gì để ngăn cản mà lại còn phụ giúp những người cách mạng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên(2). Việc này làm Bảo Đại đau khổ và suy sụp hơn là tuyên bố sẵn sàng thoái vị. Ông nghĩ trước khi làm lễ cáo yết tổ tiên và giao quyền bính cho chính phủ cách mạng thì quyền lực Nhà vua mà tiêu biểu của nó là cờ vàng cỡ lớn treo cao gần ba chục mét, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy. Ông chấp nhận ý kiến thoái vị vì vào thời điểm đó, dù có thừa nhận hay không, phong trào Việt Minh đã tập hợp được đại đa số những người yêu nước có tinh thần quốc gia - dân tộc trong nhân dân. Những người Cộng sản chỉ chiếm số rất ít trong hàng ngũ những người tham gia Việt Minh. Theo số liệu được công bố sau này cả nước lúc đó chỉ khoảng năm nghìn đảng viên, phần lớn lại là những đảng viên mới. Họ hoạt động bí mật và thường giấu kín cả việc họ là đảng viên.
Cùng ngày, De Gaulle lên tiếng. Lúc này ông đang ở Washington để hội kiến với Truman. Người đứng đầu nước Pháp tự do được tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Lập trường của De Gaulle lúc này là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Ông chỉ tuyên bố. "Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn".
Như thế là còn rất xa so với lập trường của Bảo Đại nêu ra trong thông điệp ngày 17 tháng 8 gửi De Gaulle, bản thông điệp đã khiến người Pháp rất rầu lòng. Giám đốc cơ quan DGER - Tổng nha nghiên cứu và tư liệu tức Cục tình báo Pháp sau này, là A. Boutheret - viết cho Laurentie, giám đốc chính trị của Bộ Thuộc địa: "Đề nghị của Bảo Đại đưa ra đúng vào lúc tướng De Gaulle đang thương lượng với Mỹ, đã đẩy chúng ta vào một tình thế cưc kỳ tế nhị. Nhân nhượng tối đa của chúng ta là độc lập của Liên bang Đông Duơng trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp". Đó là sự phản ứng duy nhất của De Gaulle đối với thông điệp của Bảo Đại nhưng vẫn được giữ kín. Trong Hồi ký chiến tranh, tướng De Gaulle không hề nhắc đến bức thư đó. Lúc này nước Pháp không có ý định trao trả độc lập cho Annam và chắc chắn không thừa nhận những gì đã thoả thuận giữa Nhật và Việt Nam. Hai ngày sau, René Pleven, Bộ trưởng Thuộc địa viết:
"Vấn đề gay cấn hiện nay là làm sao giúp cho nhũng nhân vật như Bảo Đại có thể thoái lui mà không mất mặt hoàn toàn. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục dùng ông ta".
"Chắc chắn là uy tín của Bảo Đại đã bị giảm sút nghiêm trọng sau khi ông ta tìm cách khôi phục quyền lực muộn màng bằng cách biên mình thành công cụ của người Nhật".
***
Một đơn vị biệt kích Pháp, mang mật danh Lambda được máy bay Anh đưa từ Calcutta đến nhảy dù xuống miền rừng núi phía tây Thừa Thiên cách Huế hai mươi tám cây số vào ngày 22 tháng 8 năm 1945. Cầm đầu là đại uý Castelnat(3), người bạn cũ, nguyên sĩ quan hầu cận của Bảo Đại. Sáu người trong đội biệt kích được lệnh bằng mọi giá phải liên lạc được với Bảo Đại yêu cầu ông hãy đừng vội thoái vị để chờ người Pháp trở lại.
Một nhân chứng, Elula Perrin, đã giải thích trong một cuốn sách được công bố bốn mươi năm sau: "Những người Pháp mới ở chính quốc cho rằng những người Pháp cũ ở Đông Dương là những kẻ đã cộng tác đắc lực với người Nhật. Họ không tin những người này nên khi nhảy dù xuống vùng rừng núi đã tìm cách liên lạc với những người dân bản xứ đã chiến đấu chống Nhật, tức là những người cùng trong mặt trận chống phát-xít như họ, để hy vọng nhận được sự ủng hộ".
Đội biệt kích đã không đến được thành phố Huế. Vừa xuống đất họ đã bị Việt Minh chặn đánh và bắt làm tù binh, cùng với vũ khí, điện đài và đầy đủ tài liệu Họ đã đến quá chậm. Lực lượng cách mạng thấy cần phải tăng cường sức ép để buộc Nhà vua thoái vị ngay để ngăn chặn hậu hoạ. Nhà vua cũng biết rằng mình nhiều năm là công cụ ngoan ngoãn và trung thành của chính quyền bảo hộ nên không được lòng nhân dân. Một mặt ông thấy khó mà cưỡng lại ý chí của nhân dân, mặt khác tuy không muốn bị Pháp lợi dụng một lần nữa nhưng cũng không đủ sức chống lại âm mưu dụ dỗ của chúng. Trong cảnh ngộ của ông lúc này, ông chỉ vớt vát được đôi chút thể diện là nhanh chóng chấp nhận từ bỏ ngai vàng trao ấn kiếm tượng trưng quân quyền cho Việt Minh và sẵn sàng cùng với nhân dân ra sức giữ gìn nền độc lập.
Ngày 22 tháng 8, được tin Việt Minh đã chiếm chính quyền ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong nước Nhà vua vẫn hy vọng có thể giữ được ngôi báu bằng cách giao cho Việt Minh lập nội các mới. Ông ban chiếu mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế lập nội các(4). Ông không biết trước đó tại Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc bí mật giữa Khâm sai Bắc bộ Phan Kế Toại và cả Thủ tướng Trần Trọng Kim với đại biểu Việt Minh, trong đó Việt Minh đã khước từ lời mời hợp tác mà kiên quyết đòi chính phủ họ Trần từ chức, giao toàn bộ chính quyền cho Việt Minh. Ngay tại Thừa Thiên, nhân dân đã hưởng ứng lời kêu gọi tổng khởi nghĩa của Việt Minh, nổi dậy lập chính quyền cách mạng ở một số huyện trong tỉnh.
Đúng hôm sau, ngày 23 tháng 8, Việt Minh tỉnh Thừa Thiên (mang mật danh Nguyễn Tri Phương) chủ trương biến cuộc míttinh chào mừng việc Nhật trao trả Nam kỳ thành cuộc biểu tình tuần hành võ trang khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng tại thành phố Huế.
Trong lúc hàng chục vạn dân các phủ, huyện trong tỉnh Thừa Thiên và nội thành Huế, cờ biển rợp trời, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, nườm nượp kéo về sân vận động Huế thì một tối hậu thư, lời lẽ khô khan, cương quyết, gần như thô bạo, được dán kín và gửi cho Triều đình. Chính Nhà vua đã tự tay mở thư đọc:
- Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở Thừa Thiên-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền lực gì ở Việt Nam và chính quyền Nam triều càng không thể tồn tại được nữa.
- Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay.
- Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân tuyên bố bảo đảm tính mệnh và tài sản cho Hoàng gia và toàn thể nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày truớc cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.
Hạn trả lời chậm nhất là 13 giờ 30 ngày 23 tháng 8 năm 1945.
- Ông Phạm Khắc Hòe được Việt Minh chỉ định làm người liên lạc giữa Nhà vua và chính quyền cách mạng(5).
Ký tên và đóng dấu
Việt Minh Nguyễn Tri Phương.
Làm thế nào bây giờ? Bảo Đại thấy mình đơn độc. Đọc xong bức thư, ông bực dọc đứng dậy quay vào trong nhà nói: "Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm".
Bên ngoài, đường phố chuyển động, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu như sấm dậy. Trong Đại Nội, tâm trạng mọi người hoảng loạn. Lúc này "ngôi báu" cũng chẳng có nghĩa lý gì với mạng sống của mọi người trong hoàng gia. Hơn sáu chục năm qua, kể từ khi vua Tự Đức băng hà (1883), hoàng cung đã chứng kiến nhiều chuyện vua bị phế truất rồi bắt bỏ ngục, bức tử, đem đi dày biệt xứ... Đâu đó tiếng tụng kinh niệm Phật râm ran, cố lấy lại bình tâm, cầu mong Đức Phật độ trì tai qua nạn khỏi. Nhà vua và Hoàng hậu cùng với bà Hoàng thái hậu cố tỏ ra điềm tĩnh nghe ngóng tình hình, nhưng mọi người không khỏi lo sợ quần chúng biểu tình ùa vào trong hoàng cung và một cuộc tàn sát có thể xảy ra.
Đúng 12 giờ 25 phút ngày 23, nội các lâm thời họp cấp tốc do Nhà vua chủ toạ. Không phải bàn nhiều, mọi người nhất trí chấp nhận tất cả các điều kiện của Việt Minh đưa ra. Thủ tướng Trần Trọng Kim nói giọng mát mẻ như muốn ám chỉ ông Hòe là người của Việt Minh:
- Thôi, bây giờ thì mọi việc do tay ông Hòe quyết định cả?
Nhưng không ai là không biết chính ông Kim cũng như nhiều người trong nội các của ông, những lúc hiểm nguy đã đi tìm sự che chở của người Nhật.
Tan họp, Phạm Khắc Hòe thảo ngay thư trả lời chấp nhận thoái vị ngay của Nhà vua và được lệnh chuyển ngay cho Việt Minh đang chủ trì cuộc míttinh ở sân vận động Huế tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.
Tối hôm đó, tin khởi nghĩa thành công tại Huế và Vua Bảo Đại nhận thoái vị đã được điện báo cáo ngay cho Hà Nội(6). Sáng hôm sau, 24 tháng 8 lại một bức điện ngắn do Uỷ ban nhân dân Bắc bộ gửi vào:
"Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay đế củng cố nền độc lập và thông nhất nước nhà".
Sau này tin đầy đủ hơn cho biết: Chiều ngày 21 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội một nhóm trí thức và sinh viên họp ở Việt Nam học xá đã nhất trí yêu cầu Nhà vua thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập(7).
Lúc này, ông Hòe đã đi dò hỏi được các nguồn tin đáng tin cậy cho biết lãnh tụ Việt Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cũng chính là Nguyễn Ái Quốc.
Vả lại, trưa hôm trước, Nhà vua đã chấp nhận tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên-Huế là thoái vị ngay cho nên lúc này chẳng còn gì để trù trừ nữa. Hồi 15 giờ ngày 24 tháng 8 năm 1945 Bảo Đại lệnh cho Ngự tiền văn phòng trả lời ngay cho Uỷ ban Nhân dân Bắc bộ: "Khâm phụng Hoàng đế, sắc văn phòng tôi trả lời bức điện 6-T của quý Uỷ ban rằng Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng nhưng vì có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng Ngài mong ông chủ tịch chính phủ gấp về Thuận Hoá đế Ngài sẵn sàng giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho các nhà đương chức Nhật Bản và Uỷ ban nhân dân cách mạng Thuận Hoá biết" (8).
Ngay buổi chiều ngày 25 tháng 8 ông Hòe được lệnh niêm yết tại Phu Văn Lâu "Chiếu thoái vị và tuyên chiếu gửi hoàng tộc", đồng thời sao gửi các Khâm sai Bắc Bộ, Nam Bộ và các tỉnh trưởng tại Trung Bộ.
Ngày 26 tháng 8, thêm một bức điện nữa từ Hà Nội gửi vào, lần này là của Uỷ ban Dân tộc giải phóng:
"Hoan nghênh Nhà vua đã thoái vị, nhường chính quyền cho Việt Minh là đại biểu của các tầng lớp dân chúng. Ngày 27 tháng 8 đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời sẽ lên đường đi Thuận Hoá"(9).
Tất cả dường như đã kết thúc. Chiều 26 tháng 8, Nhà vua làm lễ cáo yết thoái vị với tổ tiên tại Thế miếu, có thông báo mời đông đủ "văn võ bá quan" đến dự, nhưng chẳng có ai đến trừ có mấy người còn ở lại đến phút chót. Sau đó họ đến điện Kiến Trung để bái yết Nhà vua và Hoàng hậu lần cuối cùng. Họ xếp hàng đôi hai tay chắp trước bụng, vái chào. Bảo Đại nét mặt vẫn lạnh lùng, thản nhiên nhưng Nam Phương lặng lẽ khóc thầm, để yên những giọt nước mắt lăn trên gò má.
Bà cho người đem trả chiếc mũ có đính chín con phượng hoàng bằng vàng cho Ngự tiền văn phòng nhưng Phạm Khắc Hòe không nhận, lấy lý do là tài sản quốc gia sẽ được kiểm kê sau... Nhưng ông vui vẻ nhận chiếc cặp da láng bóng của bà và bộ cúc áo chẽn bằng hổ phách nạm vàng của Bảo Đại tặng riêng ông Hòe làm kỷ niệm. Trong buổi trò chuyện tâm sự chiều hôm đó với ông Hòe về cuộc sống dân thường sau khi rời bỏ ngai vàng, Bảo Đại cảm thấy trong người nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi một tình huống khó xử. Ông không có nhiều tài sản cá nhân. Tất cả những gì ông được hưởng đều thuộc về nhà nước. Ông không có gì ngoài chiếc xe 11 CV Citroen tậu bằng tiền được bạc khi sang Pháp chữa chân năm 1939. Ông còn sở hữu một đồn điền chè và hai chiếc xe tải còn tốt. Chè có thể khai thác để bán. Xe tải có thể cải tạo thành xe chở khách. Và sẽ lại đi săn không chỉ là thú vui mà đem thú săn được làm thịt bán. Sừng hươu, nai và xương hổ sẽ nấu cao, đem bán làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh(10).
Mấy hôm sau ông Tổng lý văn phòng kiểm kê các đồ châu ngọc trong kho báu vật của Hoàng cung được tàng trữ trong căn hầm lớn đặt dưới mái sau điện Cẩn Chánh. Hàng năm vào ngày hai mươi tháng chạp âm lịch, triều đình làm lễ đưa báu vật ra lau chùi, kiểm kê. Chỉ có các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình đưa ra lau chùi quét sạch bụi bặm sau đó lại đưa xuống hầm chờ đến năm sau.
***
Ngày 27 tháng 8, hai ngày sau khi về Hà Nội, Hồ Chí Minh mở rộng thành phần Uỷ ban Dân tộc Giải phóng, mời một số nhân sĩ trí thức ngoài Việt Minh tham gia và đổi thành Chính phủ lâm thời đồng thời cử một phái đoàn chính phủ gồm ba người, có một tiểu đội giải phóng quân hộ tống rời Hà Nội đi trên hai chiếc ôtô lên đường vào Huế, trưởng đoàn là Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền cổ động, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Dân tộc Giải phóng ngoài ra còn có Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh, Cù Huy Cận, Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ lâm thời.
Dọc đường đi đến đâu cán bộ địa phương và đồng bào hễ thấy có đoàn chính phủ từ Hà Nội vào là giữ lại để hỏi thăm tin tức, có nơi tụ tập đông đảo để nghe đại biểu chính phủ nói chuyện. Đường xấu, nhiều cây cầu bị bom Mỹ phá sập chưa kịp sửa lại, nhân dân địa phương phải làm cầu phao đặt trên thuyền ghép cho xe đi cho kịp. Gần đến Huế trời lại đổ mưa, mưa to như trút nước. Mãi đến trưa ngày 29 tháng 8, phái đoàn mới đến Huế đi thẳng vào sân vận động, nơi hàng ngàn người tụ tập chào mừng phái đoàn. Nhiều người ở xa đã đến từ tối hôm trước, quần áo ướt sẫm vì trận mưa đêm. Thời tiết mùa này ở Huế hay có mưa rào bất thình lình như vậy. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy tiếp đó là các diễn văn chào mừng, đáp từ, chúc tụng với cách chào Việt Minh: đưa tay nắm ngang tai. Mọi người hoan hô khi Trưởng đoàn Trần Huy Liệu dõng dạc tuyên bố tám mươi năm thống trị thực dân, một nghìn năm chế độ vua quan phong kiến đã chấm dứt. Sau mít tinh, phái đoàn trở về toà Khâm sứ nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân Trung Bộ. Sau khi nghe báo cáo, phái đoàn nhất trí chủ trương chung đối với Bảo Đại là khoan hồng, với thái độ mềm dẻo. Tại đây ông Tổng lý Ngự tiền văn phòng chuyển đến Phái đoàn ba đề nghị:
1. Các lăng tẩm, đền miếu của các vị vua chúa nhà Nguyễn được tôn trọng;
2. Chính phủ cách mạng không phân biệt đối xử với người trong hoàng tộc;
3. Cho phép các quan lại cũ trong triều tuỳ theo tinh thần và khả năng được đóng góp vào công cuộc giành độc lập thống nhất và xây dựng đất nước.
Các đề nghị của Nhà vua đều được phái đoàn chính phủ chấp nhận đồng thời phái đoàn cũng yêu cầu: Bảo Đại và gia đình Nhà vua rời khỏi hoàng cung sau khi thoái vị, chỉ được đem theo tài sản đích thực là của riêng; những tài sản trong hoàng cung sẽ do Uỷ ban nhân dân Trung Bộ làm biên bản vào bảo quản; lăng tẩm, đền miếu là công trình của nhân dân xây dựng lên phải là tài sản chung của Nhà nước, họ nhà Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng. Hai bên còn thoả thuận trước lúc lễ thoái vị chính thức cử hành, thì cờ vàng của hoàng triều được kéo lên lần cuối cùng trên kỳ đài, khi tuyên bố thoái vị xong sẽ hạ xuống và kéo cờ cách mạng lên. Phái đoàn đề nghị được gặp Nhà vua vào lúc bốn giờ rưỡi chiều hôm sau, 29 tháng 8 (11).
Mấy hôm trước viên quan năm Nhật Bản chỉ huy lực lượng Nhật ở Huế đã ra lệnh tăng cường phòng thủ hoàng thành, chăng thêm dây thép gai ở cầu Trường Tiền và ở các cửa vào thành để bảo vệ an toàn cho hoàng gia. Bảo Đại lúc này tin là tính mệnh đã được chính quyền cách mạng bảo đảm nên đã khước từ sự bảo vệ của Nhật và ra lệnh dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, mở rộng các cửa vào Đại nội từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối hàng ngày như cũ. Để đảm bảo thi hành lệnh của Nhà vua, ông còn viết thư gửi tới Bộ chỉ huy Nhật tại Huế.
Chiếc xe ôtô chở phái đoàn chính phủ đúng ngày giờ đã hẹn trước tiến thẳng vào Tử cấm thành, đỗ trước thềm điện Kiến Trung. Các thành viên phái đoàn, nhân dịp này, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, thay cho quần áo mặc hồi ở chiến khu không thích hợp trong lúc này.
Nhà vua hôm nay mặc chiếc áo chẽn màu xanh, đầu để trần, cùng với ông Phạm Khắc Hòe tiếp phái đoàn.
Lúc đầu cả hai bên hơi lúng túng trong cách xưng hô. Họ đã chọn cách xưng hô "Ngài", "Nhà vua" và "chúng tôi", để tránh cách xưng hô lỗi thời "hoàng thượng", "trẫm"... Ông tỏ ý vui mừng được trao quyền bính cho chính phủ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu.
Ông cho biết ông muốn làm nhiều việc có ích cho dân nhưng đã bị người Pháp ngăn trở. Trong buổi hội kiến, không có mặt Hoàng hậu Nam Phương, Bảo Đại dường như cảm động một cách chân thành. Cuộc hội kiến rất ngắn, diễn ra chỉ gần nửa giờ. Hai bên thoả thuận sẽ tổ chức lễ thoái vị long trọng vào bốn giờ chiều hôm sau, 30 tháng 8. Mặc dù thái độ hoà giải với giọng nói ôn hoà, mềm mỏng tỏ rõ độ lượng khoan hồng của cách mạng nhưng Bảo Đại hơi thất vọng không được tự tay trao quyền bính cho người đứng đầu chính phủ cách mạng.
Sau cuộc hội kiến với Bảo Đại, phái đoàn chính phủ về nghỉ tại Uỷ ban nhân dân Trung Bộ đặt tại Toà Khâm sứ Trung Kỳ cũ. Qua đường dây liên lạc với Cao Miên và Lào, phái đoàn thông báo tình hình cách mạng đã thành công ở Việt Nam. Phái đoàn đã nghe báo cáo về toán biệt kích Lambda của Pháp gồm sáu người từ Jesorre thuộc Bengale (Miến Điện nay là Myanmar) căn cứ của lực lượng 136 của Bộ chỉ huy Đồng minh ở Đông Nam Á, nhảy xuống Hiền Sĩ cách Huế hơn hai chục cây số, nhằm mục tiêu là tiến về Huế, liên lạc với các nhóm người Pháp kháng chiến chống Nhật để tìm cách lập lại nền thống trị của Pháp khi Nhật đã đầu hàng(12). Viên thiếu tá chỉ huy đội biệt kích Castelnat yêu cầu được ra Hà Nội để liên lạc với đại diện Đồng minh nhất là với phái đoàn Sainteny của Pháp vừa mới tới Hà Nội nhưng không được chấp nhận.
Chiều ngày 30 tháng 8 đông đảo các đoàn đại biểu sáu huyện trong tỉnh Thừa Thiên và các tầng lớp nhân dân kinh thành Huế đã tụ tập trên bãi đất trống giữa cửa Ngọ Môn và kỳ đài để dự lễ thoái vị của Bảo Đại, ông vua cuối cùng của Triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Số lượng người đến dự, theo tin loan báo chính thức lên đến mười vạn người, nhưng không đông bằng cuộc míttinh một tuần trước đó tại sân vận động Huế, ngày 23 tháng 8 tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Dù sao thì cũng là cuộc tụ tập đông nhất từ xưa đến nay trước cửa Ngọ Môn.
Phái đoàn Chính phủ ngồi xe mui trần từ từ tiến qua cửa chính giữa Ngọ Môn, xưa nay chỉ dành riêng cho Toàn quyền hay Nhà vua trong các nghi lễ chính thức. Đoàn quân nhạc kèn đồng sáng loáng và một đơn vị giải phóng quân Việt Minh, mặc quân phục chỉnh tề nhưng không mang cấp hiệu, lưỡi lê tuốt trần lập hàng rào danh dự rất uy nghi, ngoài ra còn có lực lượng bảo an, cảnh sát trật tự, lính cứu hoả hàng ngũ chỉnh tề. Hoàng thân Vĩnh Cẩn, em họ Bảo Đại, thay mặt hoàng tộc cùng một số thượng thư, quan lại cũ của Triều đình và các quan khách của chính quyền cách mạng ở địa phương cũng được mời lên lễ đài đặt trên lầu Ngũ Phụng. Khác với các lễ tấn phong trước kia, bà Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương đều không được mời dự. Bảo Long cùng với mẹ theo dõi quang cảnh buổi lễ từ một góc cửa sổ trên điện Kiến Trung. Tâm trạng rối bời, những cảm tưởng nặng nề xen lẫn lo âu sợ hãi, bà Hoàng hậu tưởng tượng mình như là Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette sắp bị truy bắt rồi bị chặt đầu cũng với chồng là vua Louis XVI.
Những người cách mạng muốn lễ thoái vị được tổ chức trọng thể và trang nghiêm. Nhà vua trong bộ đại triều phục mặc hoàng bào có thêu rồng trước ngực, đầu chít khăn vàng, quần lụa trắng, chân đi giày thêu, tiến lên phía trước, những người đi theo đứng lùi phía sau. Một lính thị vệ kéo lá cờ vàng của chính thể quân chủ lên cột cờ. Tiếng súng lệnh nổ vang mở đầu buổi lễ.
Trong đám quần chúng có mặt một số người thấy lá cờ vàng lại tung bay trên kỳ đài không giấu nổi tâm trạng bực bội tuy họ đã được báo trước đây chỉ là một nghi thức cần thiết và cái vinh dự cuối cùng này chỉ kéo dài trong chốc lát.
Ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ lâm thời Trần Huy Liệu nói lên ý nghĩa quan trọng của buổi lễ long trọng hôm nay không những chỉ là lễ thoái vị của Nhà vua, chuyển giao chính quyền cho cách mạng mà còn đánh dấu sự sụp đổ chế độ phong kiến vua quan đã tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử. Ông vui mừng báo tin chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đứng đầu là chủ tịch Hồ chí Minh sẽ ra mắt quốc dân ngày 2 tháng 9 để đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Tiếp đến Hoàng đế Bảo Đại trịnh trọng đọc "Chiếu thoái vị". Ông xúc động không nói nên lời. Khán giả dù có nghe qua loa phóng thanh vẫn không nghe rõ. Có thể ông ít nói tiếng Việt, nhất là trước đám đông. Tuy nhiên quần chúng hiểu rằng Bảo Đại chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân chủ và ông thỉnh cầu:
1. Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt thánh, chính phủ mới xử trí như thế nào cho có sự thể.
2. Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, chính phủ sẽ lấy sự ôn hoà xử trí đế những phần tử ấy cũng có thể giúp vào sự kiến thiêt quốc gia và tỏ rằng chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
Đối với hoàng tộc, Nhà vua kêu gọi: "bà con trong hoàng tộc... ai ai cũng vui lòng để nghĩa nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ cộng hoà, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc…".
Bảo Đại kết thúc bản tuyên bố thoái vị bằng câu nói nổi tiếng. "Trẫm ưng làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ, quyết không đế cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia đế lung lạc quốc dân " và hô: "Việt Nam độc lập muôn năm! Dân chủ Cộng hoà muôn năm!". Hai báu vật biểu tượng của quyền lực, thanh kiếm vàng nạm ngọc, chiếc quốc ấn nặng gần tám kilô đúc từ thời Minh Mạng được Nhà vua thay mặt cho quân quyền trịnh trọng trao tận tay cho đại biểu chính phủ cách mạng. Sau khi cờ vàng quẻ ly tượng trưng cho quân quyền hạ xuống - lần này thì vĩnh viễn, ngay lập tức, tiếng súng lệnh nổ vang trong lúc lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho chính thể dân chủ cộng hoà kéo lên. Tiếng hoan hô lại vang lên ầm ầm như sấm. Đối với vài trăm quan lại, công chức chính quyền Nam triều cũ, việc thoái vị thế là đã hoàn tất. Không còn Hoàng đế, không còn Bảo Đại. Chỉ có một công dân mới mang tên Nguyễn Vĩnh Thuỵ, cái tên trong sổ Tôn nhơn phủ, chỉ được gọi khi còn đi học lúc nhỏ... Tiếp đến vị Trưởng phái đoàn chính phủ Trần Huy Liệu phát biểu nói lên ý nghĩa quan trọng của lễ thoái vị chính thức chuyển sang quyền hành chính phủ dân chủ cộng hoà, một sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử kết thúc chế độ phong kiến tồn tại từ nghìn năm nay.
Mọi việc coi như đã xong. Nhưng những người có mặt trên lễ đài có một phút bối rối. Một khoảng trống nhỏ. Còn thiếu một cái gì đó chăng? Một lời nói, một cử chỉ hữu nghị, cảm thông? Thấy vậy đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nhanh trí gài trên ngực ông chiếc huy hiệu màu đỏ tượng trưng cho quốc kỳ có ngôi sao vàng ở giữa, chắc hẳn là sát hình tượng con rồng thêu trên hoàng bào Vua đang mặc trên người.
Một lần nữa quần chúng lại vỗ tay hoan hô sau khi nghe ông trưởng đoàn Trần Huy Liệu phát biểu: "Từ nay cựu Hoàng đế Bảo Đại được gọi là công dân Vĩnh Thuỵ". Các quan khách trên lễ đài chắp tay nghiêng mình vái chào người công dân mới Vĩnh Thuỵ, có người ngượng nghịu nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh.
Buổi lễ thoái vị kết thúc. Mọi người hân hoan hồ hởi diễu qua lễ đài rồi mới giải tán vui vẻ ra về. Cựu hoàng lặng lẽ trở về điện Kiến Trung. Bà Nam Phương đang rầu rĩ, sụt sùi giọt lệ chờ đợi. Ngạc nhiên thấy chồng trở về yên lành, không bị cách mạng dẫn đi sau lễ thoái vị nhưng bà không che giấu nổi niềm chua xót thấy triều đại nhà Nguyễn thế là chấm dứt hẳn.
Nhưng cộng đồng quốc tế ngay cả ở khu vực châu Á có vẻ như dửng dưng trước sự kết thúc của triều đại phong kiến Việt Nam. Tin Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt, các chính quyền thân Nhật trong khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á theo nhau sụp đổ không làm mấy ai bận tâm bằng trăm công nghìn việc trong những tuần lễ hoà bình đầu tiên ở chính nước họ.
Có phải Bảo Đại đã chấp nhận lý tưởng dân chủ cộng hoà của Việt Minh không? Tại sao không thể có giải pháp dung hoà, giữ lại ngôi báu làm tượng trưng nhưng vẫn giao thực quyền cai trị cho cụ Hồ? Ai cũng biết trong chương trình Việt Minh nhiệm vụ giải phóng dân tộc lật đổ chế độ thống trị thuộc địa được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng trong chương trình Việt Minh đã nêu lên khẩu hiệu thành lập chế độ dân chủ cộng hoà, vậy liệu có chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến không? Ông Hồ Chí Minh trong thâm tâm có tính đến một công thức thoả hiệp, ít ra là trong thời gian đầu khi nền độc lập chưa được củng cố từ bên trong và chưa được thế giới công nhận từ bên ngoài hay không? Đối với Đồng minh, Bảo Đại là kẻ hợp tác với quân phiệt Nhật, dù chỉ vẻn vẹn trên năm tháng, liệu họ có chấp nhận chính quyền mới do Bảo Đại đứng đầu không. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này, không tìm đâu ra một nhân vật trong hoàng tộc có tinh thần chống Nhật nghĩa là đứng về phe Đồng Minh để có thể cùng với Việt Minh đứng ra nói chuyện với phe Đồng Minh, vận động họ công nhận chính quyền mới. Duy trì thêm một thời gian nữa chế độ quân chủ dù là dưới hình thức quân chủ lập hiến, hoãn lại sự thoái vị một thời gian có thể góp phần nâng cao uy thế của cách mạng, hạn chế sức phản kháng của các thế lực đối lập, nhưng không đủ để bào chữa cho một chế độ đã quá nhiều bê bối, đàn áp phong trào nông dân Tây Sơn và nhiều phong trào nông dân khác từ thế kỷ XVIII, đã để mất nước cho thực dân Pháp sau đó lại cam chịu làm tay sai ngoan ngoãn cho chế độ bảo hộ hết Pháp lại Nhật. Không nên quên rằng lý tưởng dân chủ cộng hoà không phải chỉ nảy nở trong nhân dân Việt Nam từ khi có phong trào Việt Minh, có Đảng Cộng sản mà rất lâu trước đó, từ khi phong trào Đông Du tan rã.
Cùng ngày 30 tháng 8, thông tấn xã Nhật Domei loan tin: "Nhà vua Việt Nam định lập một chính phủ mới. Ông mời đảng cách mạng vào Huế để lập chính phủ mới, lập nên đa số cánh tả trong chính quyền mới".
Quả thật, sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mồng 5 tháng 8, Bảo Đại đã giao Trần Trọng Kim mời một số cựu chính trị phạm cũ tham gia chính phủ mới, nhưng không một ai hưởng ứng.
Người ta nhớ lại ngày 22 tháng 8 năm 1945 nghĩa là ba ngày sau Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, và một ngày trước khởi nghĩa ở Huế, Nhà Vua vẫn hi vọng có thể cứu vãn ngôi báu, mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế để lập nội các mới trong khi chờ nội các này triệu tập Quốc hội để quyết định chính thể.
Lễ thoái vị vừa kết thúc, Hoàng đế và Hoàng hậu họp tất cả những gia nhân, hầu cận, thị vệ thị nữ để thu dọn đồ đạc giao lại hoàng cung cùng tài sản công của Triều đình cho chính quyền cách mạng, đại bộ phận cho về gia đình quê hương bản quán. Những đồ dùng cá nhân, quà biếu có thể mang theo. Vua đã thoái vị, triều đình đã không còn, nền quân chủ đã bị thủ tiêu. Sự có mặt của họ ở những nơi nguy nga này không còn lý do tồn tại.
Cảnh ngộ nước đôi của cựu hoàng dần dần lộ rõ. Bảo Đại nay không còn đặc quyền của một Hoàng đế, được hưởng mọi quyền tự do của công dân, nhưng cũng có nghĩa vụ phải chấp nhận một số hạn chế: ông được lệnh phải chấm dứt mọi liên hệ với người nước ngoài nhất là với những người bạn cũ Pháp, Nhật. Sự cấm đoán này là cần thiết để đề phòng mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Sau lễ thoái vị, không khí đường phố vẫn náo nhiệt khí thế dường như muốn thay đổi nếp sống tĩnh lặng quen thuộc của người dân xứ Huế. Không mấy ngày là không có những đoàn quần chúng diễu hành trên hai bờ sông Hương. Những tiếng loa, những tiếng hô khẩu hiệu, những nhịp trống ếch của thiếu nhi, những tiếng hát đồng ca vang trên đường phố. Tưng bừng, hồ hởi nhưng không phải không có những tiếng thét căm hờn, những vụ bắt bớ, những tình cảnh cay đắng, những phiên toà cách mạng tuyên án tử hình và án quyết thi hành ngay lập tức. Nhưng nhìn chung chế độ thay đổi quá êm ả, cứ như là đã có sự dàn xếp đâu vào đấy từ trước. Với một số người, tưởng như Hồ Chí Minh và Bảo Đại đã hành động theo một kế hoạch chung được vạch ra một cách tỉ mỉ: Bảo Đại lợi dụng Nhật để tuyên bố độc lập, xoá bỏ các hiệp ước bảo hộ do các triều vua trước đã ký với Pháp, tuyên bố nền dộc lập của Việt Nam để một thời gian ngắn sau đó Nhật bại trận thì Nhà vua thoái vị, lặng lẽ trao chính quyền cho Việt Minh và Việt Minh đã chiến đấu bên cạnh Đồng minh nên có tư cách để giao dịch với Đồng minh yêu cầu họ công nhận độc lập.
Làm thế nào có thể tách bạch cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc về gia đình Nhà vua và Hoàng hậu?
Ông bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến một cựu chính trị phạm đã bị kết án năm năm khổ sai trong nhà ngục Kontum, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, đã được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ kiểm kê tài sản trong hoàng cung mà Phạm Khắc Hòe đã chuẩn bị bước đầu.
Công việc của ông tiến hành không mấy khó khăn. Hoàng gia không tham gia vào việc xác định xem từng đồ vật cái nào thuộc về họ. Người đại diện của chính phủ cách mạng cũng có thái độ rộng rãi. Máy bay, ôtô được coi là quà biếu của Pháp, vậy thì để lại cho cựu hoàng sử dụng. Nhưng cựu hoàng nhất định nhường lại cho cách mạng, nhất là hai chiếc máy bay để huấn luyện phi công(13). Sau cuộc trao đổi hữu nghị ấy, một bảng liệt kê dài được trình lên Bộ trưởng. Mẹ con bà Nam Phương không mang theo những gì thuộc tài sản nhà nước, tuy nhiên, cũng đến khoảng bốn chục hòm đồ đạc Việc thu dọn để ra ở bên ngoài hoàng thành tiến hành rất khẩn trương, chỉ nửa ngày là xong. Một đoàn người dài như trong một cuộc rút lui hay một cuộc di cư lũ lượt ra khỏi cửa thành. Một số mang theo đồ đạc nặng quá không đủ sức đem hết phải bỏ lại trên cầu Trường Tiền, cây cầu sắt đồ sộ và duyên dáng bắc qua sông Hương gần trước cổng thành.
Cho đến chiều ngày 31 tháng 8 bà hoàng thái hậu Từ Cung cùng mẹ con bà Nam Phương và gia nhân đã dọn hết đồ đạc tài sản riêng về An Cựu ở trong cung An Định trước đây là nơi nghỉ hè của hoàng gia. Trong lúc Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao thì ông Tôn Quang Phiệt, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn: "Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cốvấn tối cao cho chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết đế ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh". Ông cựu hoàng đọc đi đọc lại bức điện, mặt tái đi, nghĩ đây có phải là một cuộc đi đày trá hình chăng. Một lần nữa Vĩnh Thuỵ lại nhún vai, đưa bàn tay trái lên ngang cổ, lẩm bẩm nói một câu tiếng Pháp: "Đã đến cổ rồi có lên thêm một chút nữa cũng chẳng can chi"(14). Nhưng ông trấn tĩnh được ngay, lập tức nghĩ đến việc cử ai đi tháp tùng. Ông Hòe hay Hoàng thân Vĩnh Cẩn? Ông cựu Tổng lý Ngự tiền văn phòng hối thúc cựu hoàng nên nhận lời và khuyên "Về người đi theo, nên hỏi ý kiến Hà Nội".
Vậy là ông sẽ ra sống và làm việc tại Hà Nội, thủ đô mới của chế độ Cộng hoà. Một thành phố ông hình như cả đời làm vua chỉ đến một lần từ khi ở Paris về, vào thời mà người Pháp cho ông đi thăm đất nước trước khi nắm quyền bính.
Chú thích:
(1) Xem toàn văn tờ Chiếu ngày 17 tháng 8.
(2) Hai thanh niên Việt Minh được giao hạ lá cờ vàng của Nhà Vua, kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh là Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương, cả hai đều là thanh niên trí thức ở Huế. Sau này trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng, nổi tiếng trong các trận đánh trên Đường số 4, mặt trận Cao Bắc Lạng và Nguyễn Thế Lương là Cục phó Cục Quân Báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Viên lãnh binh chỉ huy lính khố vàng bảo vệ kỳ đài đã kể lại rằng ông đã dàn quân chuẩn bị chống lại, nhưng Bảo Đại sau khi được tin báo, đã can ngăn: "Chớ, chớ! Việt Minh đấy! Các ngươi mà nổ súng thì Trẫm là người chết trước đó" - xem Hồi ký Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ Đường số 4 anh hùng, Nhà xuất bản Trẻ, T.P. Hồ Chí Minh, 2004 (B.T).
(3) Có tài liệu viết là Castella (B.T).
(4) Báo Đông Phát xuất bản tại Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1945. Đáng chú ý là tờ chiếu này không được Phạm Khắc Hòe nhắc đến trong hồi ký "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Nguyên văn tờ chiếu ngày 22 tháng 8 năm 1945.
(5) Phạm Khắc Hòe, "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Xem thêm: Tố Hữu: "Nhớ lại một thời", Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (N.D).
(6) Tố Hữu, "Nhớ lại một thời", Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (ND).
(7) Bốn nhà trí thức đã ký tên vào kiến nghị là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường. Cuộc họp của trí thức và sinh viên Hà Nội ở Việt Nam học xá ngày 21 tháng 8 cũng như bức điện có bốn nhà trí thức ký tên là hoạt động tự phát. Không có gì chứng tỏ là do Việt Minh giật dây (N.D).
(8) Báo Cứu quốc sốngày 27 tháng 8 năm 1945, và Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(9) Báo Đông Phát, xuất bản tại Hà Nội ngày 29 tháng 8 năm 1945.
(10) Phạm Khắc Hòe, sách đã dẫn.
(11) Trần Huy Liệu, Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 18, tháng 9 năm 1960.
(12) Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ Đường số 4 anh hùng, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004. Chiến lợi phẩm thu được gồm: 6 khẩu Carbine, 6 khẩu súng ngắn Brown Canada 9 mm, 2 điện đài, 2 máy phát điện quay tay, 6 túi quân trang, lựu đạn, đạn được, đồ hộp, thuốc men, bạc nén, tiền Đông Dương, 6 cặp da đựng nhiều tài liệu, giấy bút, bản đồ, la bàn... Cũng xem Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi. Les archives de la guerre, 1944-1947, Nhà xuất bản Gallimard, 1988 (ND)
(13) Trong phiên họp ngày 29 tháng 10 năm 1945 của chính phủ, bộ trưởng Lê Văn Hiến đã cho biết ông Vĩnh Thuỵ sẵn lòng cho chính phủ mượn hai chiếc máy bay riêng để chính phủ huấn luyện phi công. Ngày 29 tháng 11, hai chiếc máy bay này đã được tháo cánh chở xe lửa ra Hà Nội, rồi sau đó đưa đi Chiêm Hoá thuộc tỉnh Tuyên Quang làm học cụ cho lớp huấn luyện không quân đầu tiên, năm 1949 (ND).
(14) Hồi ký Phạm Khắc Hòe, (sách đã dẫn).
No comments:
Post a Comment