Tuesday, February 16, 2010

ĐỜI TÀI HOA 2






ĐỜI TÀI HOA

II


IV. NGUYỄN HÀM NINH VÀ CÁC BÀ CHÚA THƯỜNG SƠN, LẠI ĐỨC


Đọc hai bức thư của ông Tùng gửi cho cụ trong mùa hè năm tân dậu hiệu Tự Đức, về đoạn nói người em của em ông là bà Lại Đức ( tức Diệu Liên) muốn lấy bộ Đường Thi Biệt Tài của cụ và tặng cụ những gì gì đó, đọc đoạn ấy, chắc các ngài đã phải nghĩ nhiều!

Phải chăng các ngài đã tự hỏi rằng trong lúc còn nghiêm ngặt cái tục lệ " phụ ngôn bất xuất ư khổn", mà sao bà lại dám gửi lời mượn sách của một người khác giống cùng đem cho này nọ? Túng sử bà có muốn như thế thì ông Tùng cứ bảo sách mình mượn, của mình cho cũng được, cần gì phải nói bà cho, bà mượn? Hay rằng ông nghĩ rằng nói vậy để cụ vui lòng mà cho mượn và nhận cho?

Không lẽ? Vì cụ với ông là bạn thân, ông mượn gì mà cụ chẳng cho, ông cho gì mà cụ chẳng nhận? Sở dĩ ông cứ nói thật tình là để cho cụ biết rằng ông không có lạ gì chuyện cụ với bà vì mến tài nhau đã thành ra bận tình nhau; và ông cũng không (DTH49) cấm gì việc đó: ông đã sớm biết rằng người tài tử khách giai nhân phải lòng nhau là thường! Cho nên dầu khi bắt gặp những thư từ hai bên trao đổi cho nhau, ông cũng chả trách mắng gì. Chúng tôi dám nói như thế là bắng vào tập Tĩnh Trai của cụ. Trong ấy có bài thơ nguyên văn như vầy:

無 題
十 二 珠 欄 凭 紫 煙
桃 花 如 錦 草 如 氈
疎 簾 清 簟 圍 棋 地
細 雪 寒 梅 咏 絮 天
蠲 忿 杯 中 將 進 酒
同 心 帳 底 小 遊 仙
春風 一 去 無 消 息
留 與 鸚 哥 話 舊 緣


Vô đề
Thập nhị chu lan bằng tử yên,
Đào hoa như cẩm thảo như chiên.
Sơ liêm thanh đạm vi kỳ địa,(1)
Tế tuyết hàn mai vịnh nhứ thiên (2).
Quyên phận bôi trung tương tiến tửu,
Đồng lâm trướng để tiểu du tiên.
Xuân phong nhất khứ vô tiêu tức,
Lưu dữ Anh kha thoại cựu duyên.(3)

Dịch: KHÔNG ĐỀ
Lầu son đỏ rực tầng mây,
Cỏ kia nệm trải, hoa này gấm phô.
Rèm thưa nhấp nhoáng cờ đua,
Hoa bay trời tuyết, câu thơ thả vần.
Khối sầu lóng lánh rượu tan,
Phượng reo trướng ngọc, tiếng đàn đồng tâm.
Gió xuân từ vắng giai âm,
Chim anh võ lại hỏi thầm duyên xưa.
(Đẩu Tiếp dịch)

Bài thơ ấy tuy cụ nêu là "vô đề" song thông minh như ông Tùng há lại không biết là một bài thơ tình cụ viết cho một công chúa nào đủ tài cầm kỳ thi tửu? Tuy vậy, ông vẫn không tỏ ý bất bình, hoa bút khuyên đỏ ngòm cả mặt giấy, lại phê: Khả địch Ngọc Khê, Phi Khanh, Đoan Kỷ đẳng bất năng cập 溪 ,卿 , (4) (Có thể địch được Ngọc Khê, bọn Phi Khanh, Đoan Kỷ không thể bì kịp). Nhưng bài thơ hay ấy, không phải cụ gửi cho Diệu Liên công chúa, mà lại gửi cho bà Thường Sơn, chị ruột của bà Diệu Liên. Rõ thực cụ "nhiều chuyện" quá! Mà cho đến các bà cũng thế. Than ôi, hai bà há rằng lại không biết rằng cụ đã có người nâng khăn sửa túi rồi ư? Đã biết không thể gặp nhau mà vẫn thương nhau, thì thương nhau chỉ để nhớ nhau mà thôi. Vì nó sẽ đến cái ngày mà hai bà phải rời bỏ cụ, hạ giá vào một nhà quý phái nào đây. . . Trong lúc bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa, Thường Sơn công chúa có mấy vần thơ kiệt tác:

自嘆

植 竹 移 梅 强 自寬
覺 無 言 處 淚 難 乾
傷 心 最 是 庭 前 月
不 作 團 圝 舊 日看


Tự thán (5)
Thực trúc di mai cưỡng tự khoan,
Giác vô ngôn xứ, lệ nan can.
Thương tâm tối thị đình tiền nguyệt,
Bất tác đoàn loan cựu nhật khan.

Dịch: Tự Than

Giồng trúc, đời mai luống gượng tươi, (6)
Lệ đâu khô được? Dạ chưa phơi!
Ngậm ngùi trước cửa, vừng trăng khuyết,
Chẳng lại như xưa tròn lại coi !

Đó là tình buồn bên phái đẹp. Lòng đây lòng đó lòng nào buồn hơn? Cụ có cái buồn tha thiết như vậy chăng? Trước đã có bài Vô đề, nay lại có bài Ức mai này để trả lời câu hỏi đó. Bà Diệu Liên biệt hiệu Mai Am, nên với bà cụ có bài Ức mai ( nhớ hoa mai):

憶 梅
林 堂 昨 夜 朔 風 吹
小 閣 清 寒 獨 座 遲
笛 裡 關 山 愁 舊 曲
水 邊 籬 落 認 前 棋
香 南 雪 北 無 方 訊
月 地 雲 堦 有 夢 思
欲 把 新 詞 遠 相 贈
美 人 宛 在 水 之 湄


Ức mai
Lâm dường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc tọa trì. (DTH 52)
Địch lý quan san sầu cựu khúc,
Thủy biên ly lạc nhận tiền kỳ.(7)
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ty.
Dục bả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thủy chi mi.

Dịch: Nhớ mai
Đêm qua gió bấc thổi vù vù,
Lạnh lẽo lầu khuya khách đứng trơ.
Điệu cũ non sông buồn tiếng địch,
Ngày xưa rào giậu rậm bờ hồ?(8)
Hương nam tuyết bắc tin xuân bặt,
Nền nguyệt thềm mây giấc mộng hờ.
Muốn nghĩ vài câu xa gửi bạn,
Người đâu bên nước bóng lờ mờ?
(Đẩu Tiếp dịch)


Mai Am công chúa, được bài thơ ấy, quá cảm động, đọc đi đọc lại trăm lần chưa chán, bà còn xin để lộn vào tập hành thi của bà. Không phải bà không có tài làm thơ hay mà phải mượn bài ấy để làm duyên cho sách mình. Chính là bà muốn lưu lại một ít dấu thơm của cụ trong sách mình để làm kỷ niệm! (DTH 52) Ấy biết: tuy hoa đã có chủ rồi mà đối với cụ, bà Mai Am cũng như bà Thương Sơn vẫn chưa nỡ dứt hẳn mối tình! Nhưng thế lại càng thêm bận biu cho ai là khách râu mày:
Chả thế mà cụ đã cho cô đào hát bài "Vong tình ca "(9):


一 聲 河 滿 子
數 淚 落 君 前
Nhất thanh hà mãn tử, (10)
Sổ lệ lạc quân tiền.
Khúc tỳ bà bát ngát giữa giang thiên
Cảnh lão đại luống đau lòng Tư Mã.
除 夕 之 夜
是 耶 非 耶
Trừ tịch chi dạ,
Thị da, phi da? (11)
Giữa vừng soi, thấp thoáng mặt Hằng Nga,
Còn nhớ khúc kỳ đinh năm nọ?
Gẫm thân thế luống nực cười sự cũ,
Thôi thời thôi nhắc lại mà chi!
Cuộc trăm năm đeo lấy chữ tình si,
Phải được kẻ ''tư không kiến quán''?(12)

司 空 見 慣
尋 芳 自 覺 三 春 晚
閱 世 無 如 半 枕 閒

Tầm phương tự giác tam xuân vãn,
Duyệt thế vô như bán chẩm nhàn.
Trong vòng bạch phát hồng nhan,
Trách con tạo điên đảo đảo điên chi lắm bấy.
Đôi tay áo rủ bụi trần thay thảy!

Biết rằng đâu là ân, là oán, là nợ là duyên,
Vong tình là tiểu thần tiên!


Tuy vậy, tưởng cụ không nên vong tình, vì cuôc tình duyên giữa các bà và cụ, đành rằng ngắn ngủi mặc dầu, song nó vẫn đã đánh giá cho cái đời tài ba của cụ, nó đã làm cho thanh danh của cụ trở nên bất tử vậy!





V.TỰ TÍCH CỦA NGUYỄN HÀM NINH

( Xem trang bên phải)

1. Chữ của cụ Nguyễn Hàm Ninh viết bài BẤT KIẾN






不 見
不 見 雲 岩 叟
孤 吟 孰 起 予
家 山 千 里 外
文 酒 十 年 餘
彭 澤 哥 歸 去
西 河 感 索 居
春 來 康 健 未
何 惜 八 行 書



BÂT KIẾN

Bãt kiến Vân Nham tẩu (13)
Cô ngâm thục khởi dư?
Gia sơn thiên lý ngoại,
Văn tửu thập niên dư.
Bành Trạch ca quy khứ,
Tây hà cảm sách cư,
Xuân lai khang kiện vi?
Hà tích bát hàng thư!

Dịch:

KHÔNG THẤY
Người núi Vân, không thấy
Nhờ ai khởi hứng cho?
Rừng nhà ngàn dặm cách,
Chén rượu chục năm thừa.
Xiêm áo thân ràng buộc,
Ruộng trưa bạn hát hò
Xuân về người mạnh chửa?
Chỉ tiếc tám hàng thơ!


2. Chữ của ông Cao Bá Quát phê bình ( ở hàng đầu, dưới hai chữ 'bất kiến 不 見':天機所至落筆定不費想 Thiên cơ sở chí, lạc bút định bất phí tưởng (Khi thiên cơ đã đến thi ra hạ bút không cần phải mất công nghĩ lâu.
3. Chữ của Ông Tùng Thiện vương phê bình ( ở hàng cuối dưới bốn chữ 惜 八 行 書 ' tích bát hàng thư' và viết ra hàng đôi:

一 氣 阿 成 全 無 斧 鑿 痕 迹 此 盛 唐
所 以 超 人 也 予 於 此 詩 亦 然.

Nhất khí a thành toàn vô phủ tạc ngân tích. Thử Thịnh Đường sở dĩ siêu nhân dã. Dư ư thử thí diệc nhiên ( cười một hơi mà thành ra bài thơ, không thấy dấu chạm trỗ đẽo gọt ở chỗ nào. Thơ buổi Thịnh Đường sở dĩ hơn đời là thế. Tôi đối với bài thơ này cũng vậy.(14)

4. Dấu chấm và khuyên: Dấu chấm và khuyên ở xa chữ là đấu mực của ông Quát. Khuyên sát vào trong chữ là dấu son của ông Tùng.





____

CHÚ:
1.Thơ Đỗ Phủ : Thanh điệm sơ liêm khán dịch kỳ 清簟疏簾看弈棋. (Chiếu sạch rèm thưa xem đánh cờ)
2. Lưu Nghĩa Khánh 劉義慶 trong sách Thế Thuyết Tân Ngữ 世說新語 kể truyện Tạ Thái 謝太傅 rằng nhân trời tuyết, họ Tạ hỏi : Bạch tuyết phân phân hà sở tự? ( Tuyết trắng bay man mác giống gì?); Con người anh là Lạng nói: Tản diêm không trung sai khả nghĩ . (Có thể tỉ như muối ném lên trời). Cô con gái người anh tên là Tạ Đạo Uẩn 謝 道韞 nói: vị nhược liệu nhứ nhơn phong khỉ , ( Chưa bằng hoa liễu gặp gió mà bay lên)
3.Thơ Chu Khánh Dư 朱慶餘 : Hàm tình dục thuyết cung trung sự; Anh võ tiền đầu bất cảm ngôn含情欲說宮中事,鸚鵡前頭不敢 言 (唐詩鑑賞- 蘭臺) nghĩa là người cung nữ ôm lòng thương nhớ muốn nói ra lại sợ con anh vũ đậu ở trước cung nghe . Nhưng ông bảo cứ nói.
Còn hai chữ " anh kha" là mượn trong Xuân Chử Ký Văn: Hàn Phượng Nghị làm thông phán ở Lung châu, người nhà bắt được một con anh vũ đem về bỏ trong lồng nuôi. Thấy nó buồn rầu, ông liền bảo thả ra. Sau người nhà của quan phán đi đường, ngồi nghỉ dưới gốc cây, nghe con anh vũ hỏi:" Bác còn nhớ tôi không? Tôi là con anh võ mà quan phán nuôi ngày xưa. Xin gửi lời thăm ngài.
4. Ngọc Khê, Phi Khanh, Đoan Kỷ đều có những mối tình với các cung nữ hay các bà chúa. Lý Thương Ẩn 李商隐(813-858) tự Nghĩa Sơn 義 山, hiệu Ngọc Khê sinh 玉溪生, quê ở Hà Nội ( Hà Nam) đã có mối tình với các cung nữ. Ôn Đình Quân 溫庭筠 (812-870) , vốn tên Kỳ 岐, người Thái Nguyện ( nay là Sơn Tây) hiệu Phi Khanh, thi nhân Vãn Đường, tề danh với Lý Thương Ẩn. Vy Trang 韋莊(836-910) người Tràng An ( nay Sơn Tây), đỗ tiến sĩ.
Cao Bá Quát phê: Cao bộ trung đường, phủ thị dư tử (Môt bài thơ hay đời Trung Đường đáng cho các nhà thơ khác bắt chước).
5. Sơn Trung xin đặt nhan đề trong khi không có Tĩnh Trai thi tập, và dịch như sau:
Dời mai, trồng trúc, gượng tươi,
Lệ chưa khô được khi lời chửa trao.
Trước sân nhìn bóng trăng cao,
Buồn thay trăng khuyết làm sao cho tròn?
6. Trồng trúc: Đường thi bách quan chí chép: Quan tư trúc xem việc trồng tre để dùng cho việc đan lát đồ dùng .trong cung.
Dời mai: thơ Đỗ Phủ: An đắc kiện bộ di viễn mai, Loạn tráp phồn hoa hướng tình hạo.; (Ước chi được mạnh chân mà dời giống mai thật xa giữa đám hoa và có nhiều ánh sáng mặt trời.Trồng trúc đời mai là nói thay đổi tình yệu.)
7. Hai câu 3,4 lấy ý ở thơ Lý Bạch 李白: Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch, Giang thành ngũ nguyệt lạc mai hoa吹玉笛,江城五月 落梅花 ( Tiếng ngọc địch trong lầu Hoàng hạc bay ra, tháng năm, ngoài sông, dọc thành, hoa mai rụng.)
8. Trong Quần phương phổ, đoạn nói về hoa mai có câu: "Xuân hiểu hoành cô san; Thủy biên ly lạc gian"; ( Lúc xuân vừa sang, hoa mai nở lan ra núi và hàng rào ven sông).
9. Sơn Trung đặt nhan đề.
10. Thơ Trương Hỗ 張祜 Cố quốc tam thiên lý; thâm cung nhị thập niên. Nhất thanh hà mạn tử, Song lệ lạc quân tiền 故国三千里,深宫二十年。一聲何滿子﹐雙淚落君前 ( Nước cũ ba ngàn dặm, Trong cung đã 20 năm. Nghe một khúc ca vũ, hai hàng lệ tuôn trào)..Hà mạn tử là một khúc ca vũ trong ca phường đời Đường.
11. Câu này ở kinh Kim Cương.
12. Tư không kiến quán trở thành một thành ngữ : 司空見慣渾閒事,斷盡蘇州刺史腸. Thành ngữ này xuất phát từ việc Lưu Vũ Tích được bổ ra làm thứ sử ở Tô Châu, đi ngang Dương Châu được Châu suý là Đỗ Hồng Tiệm đãi rựợu. Trong tiệc rươu họ cùng nhau ca hát. Lưu làm bài ca tặng Tư không Lý Thân: " Cao kết vân mấn tân dạngtrang, xuân phong nhất khúc trang vy nương. Tư không kiến quán hồn nhàn sự, Đoạn tận Tô châu thứ sử trường高髻雲鬢新樣妝,春風一曲杜韋娘; 司空見慣渾閒事,斷盡蘇州刺史腸 ( Tóc tơ trang điểm mặn mà, Đào nương cất tiếng xuân ca não nùng. Tư không gặp buổi thung dung. Tô châu thứ sử đau lòng xiết bao!).
13.Vân nham lão tẩu: Hiệu của một người bạn của Nguyễn Hàm Ninh, ở làng Vân Tập, Quảng Trạch, Quảng Bình.
14.Lời phê này đã rõ cái tài mẫn tiệp của cụ, lời thơ tự nhiên, không gò gẫm gì mà hay. Trong Tịnh Trai Thi Tập, đem cho ông Tùng phê bình, biết bao nhiêu những bài xướng họa với ông, hay với nhà vua, cụ đều đề: Tức tịch ứng giáo thứ vận nghĩa là vâng lời họa ngay trong tiêc. Ghê chưa!










VI. PHẢN THÚC ƯỚC

Chúng tôi xin trình độc giả hai bản Phản Thức Ước của Nguyễn Hàm Ninh. Một bản theo nguyên văn của Nguyễn Hàm Ninh do Đẩu Tiếp sưu khảo và chú thích. Và một bản do Nguyễn Thiên Thụ theo bản trên mà hiệu đính đầu năm 2010, thay thế những tiếng cổ và tiếng địa phương , không những giữ nguyên ý, nguyên vận mà còn làm rõ nghĩa để được phổ biến khắp nơi.




A. PHẢN THÚC ƯỚC I (CHÁNH BẢN)


DTH 57

Tiểu dẫn

Làng T.H. trước kia soạn ra một bản quốc văn theo điệu tứ lục gọi là " Thúc ước". Trong đó người ta chuyên khoe khoang phong thổ, nhân vật, còn những ô phong bại tục thì tuyêt nhiên không nói gì đến. Đành rằng làm thế thì chỉ tổ dung túng cho những mầm tệ thường nảy nở ra. Song chả biết người mình ai đã gây ra cái phong trào làm thúc ước như vậy?

Hẳn thúc ước ngày nay tức là ước thúc ngày xưa. Nhưng xưa kia chắc có thể chế hẳn hoi mà một ngày một lâu, bây giờ người ta làm mất hẳn cái nhân cách của nó đi chăng? Thử lật sách ra mà xem: Trong Chu lễ có văn tư ước, trong Lễ Ký có lời ước tín. Lại theo cổ chế, trong mỗi làng đều có một bản hương ước, phàm người đã cùng một ước với nhau yhì việc hay cùng khuyên lơn, việc dở cùng chỉ vẽ, ai có điều lành thì chép lấy,, ai có điều lỗi cũng ghi lấy, đâu phải lối " tốt khoe, xấu che" như các bản thúc ước ở " Ố Nàm" ta! Muốn đáp lại những bản thúc ước thiếu sự thành thật ấy mà người ta đã làm trong làng, cụ Nguyễn Hàm Ninh soạn ra bản " Phản thúc ước" này.



Mấy năm nay bua việc nhẹ nhàng; làm ăn hồ hởi - Ơn thần linh đất nước, nhà đủ người no; bọn lý dịch cai hương, cha truyền con nối. - Phép xưa lề cũ, hát hỏng bày một tiệc xôn xao; Bắt chặp bỏ qua (1A), nôm na kể vài câu giọng lưỡi.-

Đình làng ta: Hai giáp sum vầy, ba gian rộng rãi - Hông Mụ bà (1) án hậu đâm sang; Nhà Thủ bộ án tiền vạt trái - Chê chán thiên nhiên của rú,(rừng núi), biết bao phen trâu kéo người sương (gánh); Hay ho địa lý thầy làng, đã mấy sạc ( bận, lần) dời đi đổi lại (2). - Hết táng (3) lim sang táng đá, mối cũng kiên (ê ) răng; Ròng (4) cây gụ với cây nao, mọt đành chắt lưỡi! - Cảnh tứ thời, cây cối xanh um , chữ vạn phúc ( 5) son vàng đỏ chói - Ngoài đua đúm (6), gió xuân đón lại, trai đua mạnh, gái đua mềm; Trong cỗ bàn, chữ Á (7) dâng lên, thịt đầy chằm (8), xôi đầy đọi (bát). - Công đức thuở Ất dần tạo được, hậu thần (9) rành những bậc kỳ anh; Khoa danh năm mậu dậu (10) đổ về, hương đình (11) rặt ( toàn) những tay tuấn ngãi.- Cúc cung ngảnh mặt quày ra (12), Ẩm phước ( 13) chuyền tay ních (14) mãi!


Mật ngọt và ( vài) câu hát phế, mưa xối tràn mâm (15); Bọt sôi ba chén rượu mèo, sấm ran cả dãy.(16) - Bầu Hậu Đường (17) , ngọm ( 18) nước lá vằng (19) ; bánh Lân thỏ thơm màu ruốc cáy (20) - Suồng sàng nét cũ cũng quen tuồng; Thành chợ cách nay càng phải thói - Kẻ giàu có tập chiều (DTH 58), thanh lịch, đồ trà bát mẫu (21) nhởn nhơ: Kẻ ăn chơi học phết kinh kỳ, đãy gấm áo sô đua đại ( đua đòi). Phong thuần tục mỹ có đâu hơn, Nhân kiệt địa linh âu hẳn vậy.

Tảng đá vua Lồi (22) sót lại, huyệt công hầu còn dành dập núi Thành Thang . Cột cờ chúa Trịnh ngã rồi, dấu dinh lũy hãy chơn vơn hòn Vọng Bái (23). Vàng bạc chú Ngô chôn những mấy, Câu lâu kia khói mịt nghìn xưa (24). Gỗ trò nhà Nước kéo khi nao, Chập Chài nọ đá phơi một dãi. (25 ).Con mang chạy xuống chúng đều kinh , củi lụt trôi về, người phải lạy. (26). Mụ Mai bến cũ, thuyền tống ôn đẩy xuống quỷ chìm tăm (27) - Thánh võ nền tân, bùa trấn trạch dán lên ma bạt náy.(28).- Chòi Cổng thị du xuân thuở nọ, kẻ thua người được, ai cũng kinh bài duộc cố Chàng (29); Cầu Thượng gia cúng đức năm nao, tháng lại ngày qua, ai cũng nhắc tiền trăm Điêu ngoại (30).

Non xanh nước biếc chán cảnh phong quang; Bóng đá chân sim, nhiều nơi địa lợi- Mật dương khôn chạy khỏi Chương Trù (31) Cá Bống dễ đâu hơn khe Bái. - Truông Nhà Doãn, truông Nhà Mới. Sáng trăng Trưa Má , dầu lòng Vân Tán (32) cưa săng (gỗ) .Truông Đá Đen, truông Đá Bạc, Lòng Lé, Sáo Bầu, chán sức Khe Dang phát rẫy. - Thổ sản dư trên trại dưới làng, Lâm lộc khắp đường nghin (gần ) chợ ngái (xa). - Động Táu, Hóc tre dư sức củi, vai rùn Pháp Kệ, Đông Dương ; Sũng Bùi, Võng Tréo thiếu gì than, trán sém Kẻ Loan, Kẻ Đại (33).

Sơn lâm mỗi vẻ mỗi hay; điền địa một ngày một mới,- Trong chằm trọ tan canh bịp (34) rúc, tơi mưa nón nắng khách cày bừa; Ngoài đồng điền thẳng cánh cò bay; cơm rá , nước bầu (35) người cấy hái. - Bờ đập chắn ngang một khúc, nước chảy tràn ruộng cạn ruộng sâu (36); Nương vườn dày khít từng dây, tre pheo giáp khe con, khe cái.

Giang sơn như thế gẫm nên xinh ; Nhân vật buổi này xem cũng giỏi.- Phất cờ tướng phót (nhảy lên) lên đàn Đế Thích (37) , hòng thí con xe mà về con pháo, lỏng trong tay nước được thua ; Xách bầu tiên, xen vào đám Lưu Linh (38), đã say rượu Kịa lại nhắm rượu Cầu, quều mấy giọng say nhân say ngãi (39). Thế sự đành không có, có không; Nhân tình mặc phải chăng, chăng phải. - Văn thí trúng ngồi dòng chức sắc (40), thầy tú tại gia, thầy cử xuất sĩ, giá tài danh nổi tiếng xôn xao; Võ sung biền đứng nóc quan binh, chú thơ (DTH 59) ngạch ngoại, chú đội chỉ dư, viêc hương đãng ra tay chống chõi. - Giấy cũ nhàm tay biếng dở, đến khoa kỳ đem quyển lượt xem chơi.: Giuờng cao vếch mãy ( tréo chân) ngồi ngay, khi hương ẩm chặt thủ heo vác tới.(41)

Phường quan viên đã lắm người hay, hàng tổng lý lại ghê tay sõi. - Hai trăm chuỗi quan trên nhắm xuống đạo thí sai, son đóng đỏ nhăng ( giăng) hàng ; Muời tám làng dân dưới trông lên, dấu mộc ký mực chần đen cả phái. (42)- Gậy chày, giáo vạt, vào điếm ra làng ; Võng quảy, hòm mang, lên đồn xuống ải. Ruộng công, bồ lễ tết thiên quan nhờ thiên lộc bỗng dưng. (43) Ngày kính, quắc đầu heo, quý vật đãi quý nhân thừa thãi. (44) Lệ lục giáp, ngoài đình trống giục, một thầy phó lý chạy mà run(45); Lịnh ngũ thân giữa đám giêng ( chiêng ) hồi, ba chú biền binh khiêng đã mỏi (46).- Khi quan sai trăm việc đều đi; Khi thánh ứng một ( hoặc cả ) nhà phải chạy.(47)- Đĩa dầu đầy gạt mãi, chú Ho biết ý đã kinh hồn (48), Đọi ( bát ) chè (chè xanh, chè tươi) đặc bâng (bưng) ra, thầy Vạo trông chừng đà áy náy.(49)-

Miệng lưỡi đao sắc ngọt, thầy tú tài kinh bợm tay gầng (50); Mũi mỏ cuốc đỏ lòm, bác Cai xã chắc nơi chân cậy (51). Hô ứng trong đảng loại hữu linh, xuất nhập chốn công môn vô ngại. Thuế hai vụ "thu đa nộp thiểu" (52), dĩ Trường an hoa đá thiếu gì đâu. Rượu hai bên "nguyên hữu bị vô,"(53) thầy phù thủy đầu gà đền đã mấy. Cửa rộng thênh năm thước, thổ công rê một bụng ra nghiêng (54); mình thấp trệt vài gang, hương trưởng nhét lưng hòm đựng cúi. (55). Chính sự giỏi giang rất mực, cánh sổ dân có chữ hoang thai ( 56); Văn chương đặt bọng ngang đời, con heo thác bởi câu đồi bại. (57)- Troắt (58) ngọn roi tra nợ, dân Khe Dang nhăng ( giăng ra) khắp đầy sân; Khua hồi mõ nhóm làng, quan án cựu mới ra khỏi chái.(59) - Lời ăn tiếng nói vẫn ngang tàng; Quần rộng xống dài coi nhóng nhưởi - Dân lâm phần mong ơn vua tha cả, chính suất năm quan, phụ cư ba bốn, hãy nạp cho thầy lý với thầy cai; (60); Binh thủy sư nhờ thầy đội lo giùm, mật ong một ché, tiền mặt năm trăm, may thuyên được đội mười qua đội bảy (61).


Thiệt là một nước đôi kênh, Thiệt là một nhà hai chái.- Sĩ nửa nắng, nứt tài đầu xứ , thoáng cỗ bài tính mấy dấu sỏ lèo (62); Nông vài mùa nổi cuộc giàu quê, chặt ống khế, biết bao trương đỡ mại.- Công khéo léo đẽo cày nêm cuốc, dầu chạm rồng vẽ phượng cũng dư hay. Thương thờ ơ chum mật, chiếu cau, so vào (DTH60) lộng ra khơi đã chán lợi.- Ngư nơm nhủi ( 64)trong bàu ngoài ruộng , tràu, rô, cá gáy đầy oi (65); Tiều rựa, rìu lên động xuống khe, triêng (66) chở, vác, rào chật trại. - Canh thủng thỉnh cày thuê kiếm bữa chờ mùa ra dư áo dư khăn; Mục thảnh thơi trâu gửi từng bầy, yên núi được khỏi beo, khỏi khái ( cọp) . - Săn đã có cai Vu thuộc núi, miếng ngon dư tái hoãng nem nây (nai); Bắn ai bằng thợ Thắng khéo rình của quý thiếu ngà voi răng đáy . - Nhịp nhàng may mắn, sát thịt vì con chó bắt hơi; Thơ thẩn hay ngoa, đâm xơ bởi ông Rồng lạc giái (67).

Ai ai cũng đều khoái lạc vô cùng; người người được thanh nhàn tự tại.- Cố nghĩ chữ " lão đương ích tráng", tay dẽo chầu cất chén hay hây; Cháu nhớ câu " xuân bất tái lai" gan ráp mạnh (?) sạch bàn thảy thảy (68).
Phong lưu hết cuộc trẻ cùng già; lịch sự đến điều trai với gái.- Trai bách hạnh dư ngàn dư vạn, lưng chồn vòi, khí cốt hiên ngang; Gái tam tòng, thêm bốn thêm năm, tiếng la lối ? ngôn từ khẳng khái. (69)- Nghề xóc đĩa mới đem về hay lạ, năm bảy anh đánh đuốc chơi đêm; Chuyện đàn ghẹo, chưa đặt để đã hay, năm ba ả vác xe kéo vải.


Trong hương thôn ai nấy mừng cho; ngoài ca xướng sự này mách với- Trước thời chúc thánh chúc thọ, mở ra chú kép hãy tang tình; Sau thời hát hãm hát dồn, đứng dậy đôi đào cho róng rảy.- Không hớ đâu mà hứng nhận đeo (70); Có nghe lọt mới cho cắc nhảy (71)!- Có tiền mua tiên cũng được, chớ quen tuồng ngỏng ngảnh làm cao; Ở ngọt thì lọt tận xương, hay gì thói ngung ngăng làm ngảy (72)!.- Kể làm sao hết cuộc làm vui; Rồi lại khuyên người đến giải.- Xôi thịt vừa thơm vừa béo, các " đẳng quan" xin đánh chén cho lỳ. Trò vè hay lỡm hay lừa, các rễ xã phải soi chăm cho sõi- Rưọu hai phe dễ đã xơi nao; Tiền tám xóm biết là răng nấy..- Thầy hoa phe (73) cho phẳng cho sòng, Kẻ bua việc (74) đã tầng đã bởi.- Một miếng giữa làng, bằng một sàng trong bếp, cỗ ngồi phần biếu phân minh; Một ngày ăn rày, thời bảy ngày ăn đâu, giấy trắng mực đen tỏ giãi..- Chú dẹp đám bua quan (75) cho sát việc chớ hề ý ngoại riêng tây.. Nẫu đi coi đứng đặt có hàng giây, không được thói xưa bấm nháy. (76)- Đừng bắt nhù nhăng, chằng cù đế đễ nghe tuồng đồng thiếp (77) sơn trang; Chớ vày thằng nọ, mó thằng kia, để soi bạc bài hoa trò rối.- Chật đám phòng khi thiểu khoảnh dằm (78) đã quen gốc thị cây đa; Nhét bồ những thuở kinh niên, vuốt cho thẳng những áo sen quần sượi (79)- Ăn xem nồi, ngồi xem hướng cho êm; Lành một chọ (80), lọ một nơi chớ bậy.- Trái quýt hở hang, dầu kẻ bắt được tay vay được cánh chớ đời! Cặp ngà hở hệt mặc ai, coi bằng mắt bắt bằng tay mà nhởi.(81)- Buổi chơi bời chớ có thờ ơ; Nơi đình đám vốn hay ồn ậy (82).- Sợ lúc ham vui mắc lận , giày chú Cai ném xuống vực Chùa (83). E khi quá giấc mà say, váy bà Hậu trôi về Đồng Bãi (84) .- Dặn dò đến thế cũng hay; Xem sóc mấy ai cho trải.

Thôi tiệc này chán lúc vinh hoa; Bây giờ mới tỏ lời khuyến giái.- Trong thập thất hãy có người trung tín, há rằng không xóm đức làng nhân; Trên hoàng thiên đã phú tánh tri năng, âu cũng biết đường khôn sự dại- Ăn cây nào, rào cây nấy, chôn giau cắt rún là đây; Mất lòng trước được lòng sau, xé ruột phơi gan mà nói- Cây da cũ, một cây lửa ngược, đàn Tiên nông bước tới những thêm đau (85); Miếu thần linh trăm việc hương nguyền, sách điển lệ xin làm sao lại dối! Đạo trên đầu há phải rằng chơi (86); Vạ sau ót sao mà chẳng đoái?- Suy trong "thần oán" đã nên lo, Nghĩ nỗi " dân nham" ( 87) càng đáng náy!- "Sinh cung tử" phải đeo thầm cựu án, (88) công đức chi mà rộng miệng khoe khoang? "Công chiếm tư" chưa rửa sạch tiền khiên, tình tệ ấy lại quen noi lừng lẫy!(89)- Giọng việc làng, mắc mớp (90) cả quan dân; Nghề chiều cháu, mem cơm (91) từ cố vải. - Thước ruộng tấc vườn là của nước, bỏ đi đặt lại, chẳng phân phi sao xếp sổ làm thinh? (92). Đồng tiền lượng bạc há riêng ai, trang nọ tờ kia, muốn tư tệ lại tìm đường mà chấy (93).- Mỡ dân rán đã đầy xanh, da đất quét vừa chật đãy! - Chớ nghĩ miệng hùm dạ bụt, lặng ao động biển vốn cơ thương (94); Chỉ e mặt sứa gan lim, kẻ tóc chân tơ khôn lẽ bới; (95) Nghề bớt -xớ (96)nỡ để nợ đời sau, Lòng ở thiệt, hơn cha quỷ quái.

- Bỗng chốc làm sang làm cả, áo sợi vàng còn để chuyện đời xưa (97); Hay chi nửa chợ nửa làng, cùi thầy địa đã đau đòn năm ngoái (98). Theo chân voi đòi chân ngựa, miệng bình bưng kín thế là xong; Chắp đầu cá vá đầu tôm, mặt lượt vương sưa (thưa) (99), ai chẳng thấy? Kẻ hương lý thôi ra (100), đành phận trước, góp -lướm sưu-bơi (101) đà rảnh xác, chớ nhúng chàm những việc thày lay; Người khoa danh dành lại để đàng sau, giùi mài rèn tập phải ra công, chớ vạch lá thêm điều bới chải.(102)- Ách giữa đàng, mang vào cổ, rồi ra lắm tiếng thị phi; Đòn giữa đất, cất lên (DTH 61) lưng, thế cũng nhiều phen lợi hại.- Sao đặng đầu đi đuôi lọt, một nhà vui, êm ấm trong ngoài; sao cho nước chảy bè xuôi, trăm miệng hợp thuận hòa trên dưới.- Biết đâu trương- cử cho đang, Liệu đã xa khơi khôn vói ( với). Nào kẻ miệng hô tay cáp, nên ý quan xem phải mặt hay chưa; Những nơi bóng mát cây cao, chồi phần-tử nỡ đang tay thế ấy! (103)- Thớ lợ anh anh chú chú, gai sau lưng ngảnh lại mà rùn! Đong đưa nói nói, cười, đinh trước mắt trông ra những trói!- Gẫm nhân tình gươm sắc muốn reo lên; Tưởng thế sự xương khô nên dựng dậy. - Đánh chó còn hòng ngó bát, danh khí chung sao nỡ dày vò; Rút dây lại sợ động rừng, căn bản ấy lại còn ái ngại

- Cao minh đành có quỷ dòm nhà; Thiện ác lẽ đâu trời sót lưới.-Thuyền mạch áo đề (104) lúc ấy, cố nhân sao lãng nghĩa non sông; Chiếc gà đấu rượu năm xưa, đồng tỉnh há riêng duyên kim cải (105) - Miệng đời tạc để nên bia, Dạ thế mỏng đâu quá giấy!- Bận áo qua nơi lõa quấc, (106) nếp cổn y âu có lúc truồng mình; Đeo hương vào chốn bào ngư ( 107) dầu lam xạ cũng ghe phen nén mũi- Cửa tam kỉnh muốn giục giày quay lại, tị lân đâu có khách giương cầu. Giá thiên kim dầu mở tủ đem ra, dã lão ai hay tình đỉnh đối.- Đồ long đã xếp nghề hay; Ẩn bào lại nương chốn tối.- Hạc nội mây ngàn là bạn cũ, cánh tiều liêu ( 108) há chật áng sơn lâm.; Canh rau cơm hẩm cũng ơn thừa, giấc hồ điệp đã lần chừng quan -cái.

Rày nhân một cuộc cờ tàn, bốn dây đàn gãy- Đến khi " hứng tận bi lai", Nghĩ nỗi " sự tùy niên cải".- Hay dở đã đành nét bút, đỡ buồn dễ khiến trẻ ngâm chơi; Phải chăng phó mặc ngoài tai, vuốt bụng xin tha người nói quấy.- Vì muốn con trẻ đàn bà nghe được rõ, dầu trong ấy khi riễu khi cười, khi nao, khi nức, nôm na pha mấy giọng nhà quê; Dám xin người sang kẻ quý xét cho minh, thiếu nơi nao là khe, là suối, là động, là đèo, ước cũ sẵn cả bài thấy Ái (109).

Nguyễn Hàm Ninh


________

Chú thích:

1*Bắt chặp bỏ qua: Vế này đối vế trên" phép xưa lề cũ". Chặp: một lúc, một hồi , một lúc, một lát (Chặp tối, chúng mình gặp nhau một chặp). Bắt chặp đồng nghĩa với bắt chụp, bắt chộp. Tự điển Eugene Gouin ghi là bắt chặp là s'emparer nghĩa là nắm bắt ( to seize, grab). Bắt chặp bỏ qua nghĩa là nắm lấy rồi bỏ xuống. Ý nói vui chơi một buổi, một lúc. Gặp cuộc ca hát, hội hè vui thì chơi một lúc.
1. Hông Mụ bà: hông là thung lũng, trong có miếu Mụ bà và hương phần của cụ.
2. Vì làng sẵn có của rừng rú, nên nay xây đình chỗ này, mai lại dời đi xây đình chỗ khác, không sợ hao kém của dân.
3. Táng: Nhà kiểu xưa thường có cột, phần cuối của cột (tiếp với nền nhà) thường dùng một phiến đá hay tấm gỗ kê lên. Miếng đá hay gỗ này gọi là táng (táng đá hay táng gỗ).
4. Ròng cũng như rặt nghĩa là hoàn toàn. Ròng lim táu là đình làng hoàn toàn làm bằng hai thứ danh mộc này.Vàng ròng là vàng thuần túy, vàng nguyên chất, vàng tốt không pha trộn.
5.Trong đình có bức hoành phi viết hai chữ Vạn phúc sơn son đỏ.
6. Đúm: đúm là hát (đàn đúm).
7. Á là đầy, mâm cỗ đầy ắp.
8. Chằm: đầm, ao. -Chằm là đan lát , may nhiều lớp ( chằm nón). Đây là đồ đan bằng tre, lá dùng để đựng như mâm, rỗ, rá, mẹt. . .
9.Hậu thần: những bậc có công đức với làng, sau khi chét được thờ ở đình làng như một vị thần linh. Tuy nhiên, có những ông bà nhà giàu, không con cháu, đem cúng tiền của, ruộng nương cho làng để được làng thờ cúng sau khi mất. Họ được thờ riêng một bên.
10. Không có năm ất dần, mậu dậu. Đây là nói đùa.
11. Hương đình: thi hương và thi đình.
12. Cúc cung: Khi tế thần, có vị được mời làm chủ tế, nghe tướng lễ xướng cúc cung ( cúi mình xuống ) thì lại quay mặt ra ngoài.
13.Ẩm phước: Khi tướng lễ hô ẩm phước ( uống chén rượu phước do thần linh ban), hai tư văn (người phụ lễ ) bưng rươu mời chánh tế thì chánh tế cầm lấy rồi vái thần linh, sau trao cho tư văn cất đi để mang về nhà mà uống. Song ở đây, chánh tế uống ngay.
14. Ních là ăn no, uống đầy bụng.
15. Nghe hát hay, quan viên ném tiền lên mâm như mưa.
16. Sấm ran: ý nói các quan viên uống rựơu say quát nạt nhau inh ỏi. Cũng có nghĩa khác.
17. Hậu Đường, Lân thỏ là tên người.
18. ngọm : ngụm , miếng, hớp, uống .
19. Lá vằng: Một thứ lá ở miền Trung dùng để uống như uống trà ( chè xanh, chè tươi, chè khô) nhưng có vị đắng, được coi như một vị thuốc có tác dụng giúp tiêu hóa tốt. Địa danh " Đức Mẹ La Vang" đúng ra là "Lá Vằng" vì vùng này nhiều cây lá vằng. Màu: mùi. Người xưa không phân biệt màu với mùi. Màu xanh thì người xưa gọi lả mùi xanh. Nhưng người ta nói mùi tanh, mùi hôi.
20. Có nhiều loại cua nhỏ bằng khoảng quân cờ được gọi là cáy , còng, rạm, dã tràng, ba khía. .. Chúng thường đào hang ở sông, biển, ruộng, thấy bóng người thì chạy trốn vào hang cho nên có thành ngữ " nhát như cáy". Ruốc là cá, tôm, tép, cua đem muối rồi xay nhỏ, giã nhuyễn.
21. Bát mẫu: bát kiểu, bát đẹp. Thường là bát có vẽ hoa, người, loài vật. . .
22.Lồi: Chiêm Thành. Vua Hoàn vương Chiêm Thành đóng đô ở núi Thành Thang, gần làng Trung Thuần, tức Khe Cừ, là nơi Nguyễn Hàm Ninh làm nhà tranh ẩn dật.
23. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh binh ở hòn Vọng Bái, làng Trung Thuần ( Trung Ái).
24. Khi Chiêm Thành bị đánh thua, một số người Tàu giúp Chiêm Thành trốn về nước chôn của lại ở rừng Câu Lâu.
25. Gỗ trò: tên một loai gỗ quý. Mùa lụt, núi Chóp Chài hiện ra một dãy trắng xóa do đá vỡ ra , dân chúng bào là đường Hà Bá lên lấy gỗ về xây âm cung. Muà lụt, cây trò trôi về dân chúng bảo là vua Thủy tề ( nhà nước ) lấy gỗ về xây cung điện.
26. Con mang ( mang, mển là một loai nai nhỏ) chạy xuống đồng, dân bảo là mang thần khống dám bắt, gổ lụt trôi về, dân không dám vớt vì cho là gỗ của Hà Bá ( nhà nước). Dân còn bày hương án tế lạy.
27. Một thầy phù thủy tinh ma, trong làng ai cũng ghét. Một hôm làm lễ tống ôn, thuyền đã đi rão khi khắp nơi, khi đến bến Mụ Mai, đáng lẽ thầy phải nhảy xuống để người ta đẩy thuyền ra giòng sông, nhưng thầy chậm chân bị quăng xuống sông uống nước đầy bụng một phen.
28. Sau khi tu bổ nền thờ đức Thánh võ, làng rước thầy pháp dán bùa trừ tà. Một ông Tú trong làng nói đùa rằng đức Thánh võ cũng sợ yêu quái nên phải nhờ thấy dán bùa! Bạt: chạy mất, bay mất. Náy có lẽ là hồn vía! Bạt náy có lẽ là mất hốn vía.
29.Một ông chức sắc đánh bài chòi, thường đánh ăn được nhiều tiền trở nên giàu. Dân ví ông như ông thợ giỏi gọi là Cố Chàng. Cố là người già có chắt, hoặc có con làm lớn. Chàng cũng như đục, cưa, bào là dụng cụ của thợ mộc. Hoặc Chàng còn có nghĩa khác? Duộc: thói quen, sự việc xảy ra liên tiếp, một loài giống nhau, một số sự việc giống nhau.
3o. Điêu ngoại: Điêu ngoại là ông bà Nguyễn Húc. Hai ông bà thấy cầu Thượng gia sắp sập bèn cúng làng một số tiền lớn không ngờ bọn chức sắc nuốt mất. Không rõ Điêu, Điếu hay Điểu. Phải là Điêu ngoại đối với Cố Chàng .
31. Khe Bái. - Truông Nhà Doãn, truông Nhà Mới, Truông Đá Đen, truông Đá Bạc, Lòng Lé, Sáo Bầu, Sũng Bùi, Vọng Tréo . . . là các địa danh ở xung quanh làng Trung Thuần
32. Người làng Vân Tán huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thường làm thợ mộc.
33. Các làng gần Trung Thuần như Pháp Kệ, Đông Dương chuyên nghề đón củi; Kẻ Loan, Kẻ Đại chuyên nghề đốt than.. .
34. Chằm: ao, đầm, trọ: chưa rõ là gì nhưng trọ có lẽ nghĩa là ruộng sâu, ao : nông dân làm ruộng ở ao hồ cho đến khi con bìm bịp kêu vẫn làm.
35. Rá: dụng cụ bằng tre đan dày, dùng để chứa ; nông dân dùng để mang cơm theo ăn buổi trưa. Bầu: là trái bầu phơi khô dùng để đựng rượu, chứa nước hoặc đựng bắp, đậu. . .
36.Trong làng có ông quan võ phong đến tước hầu, đắp cho làng một cái đập để phòng lụ, sau đâp bể một đoạn, dân làng chẳng đắp lại.
37.Đế Thích: vị tiên ông giỏi chơi cờ (đàn: nơi đắp đất cao để tế lễ, hoặc nơi trang trí trang trọng để quý khách ngồi (đàn Nam giao, đàn chẩn tế, đang đàn bái tướng, đăng đàn diễn thuyết). Em của là cụ tú Nguyễn Hàm Trạch đánh cờ cao.
38.Lưu Linh, người đời Tấn, một nhân vật trong đám Trúc lâm thất hiền, nổi danh uống rươu.
39. Kẻ Kịa và Kẻ Cầu là hai làng chuyên nghề bán rươu. Nguyễn Hàm Ninh thich rươu lại mê hát ả đào. Ông lấy một bà kẻ Kịa và một bà ở làng Kẻ Cầu. Cụ còn có câu thơ: Say là say ngãi say nhân/ Say thơ Lý Bạch, say đờn Bá Nha".
40. Nói về một vị chức sắc đi thi phải mang sách theo.
41. Nói về các quan võ giành nhau cái thủ heo đến nỗi đánh nhau. Một ông tức quá vứt thủ ( đầu) heo quăng ra sống bị làng phạt vạ phải về giết con heo để mang thủ đến đền cho làng. Nguyễn Hàm Ninh chỉ trích việc hương ẩm, rượu chè say sưa, giành nhau cái đầu heo. Thực ra họ không giành nhau cái đầu heo mà giành nhau thứ bậc trong làng.
42. Một ông tốn hai trăm quan cho quan phủ để xin tấm giấy "thí sai cai tổng", về làng đắc ý, rượu say đắc ý gọi cô đào đến hát, bắt cô đào lẫy Kiều: "Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống ,người ta trông vào"!Phái tức là giấy biên nhận, chứng nhận, công văn.
43. Theo lệ , bọn hương lý phải đi tết chánh tổng. Một năm kia, bọn họ làm ngang bỏ đi, viên chánh tổng tức giận lấy một mẫu đất công để bù lại.
44. Viên chánh tổng lên phủ về nhằm ngày kính tức là ngày kiêng thịt, gặp một người dân mang thủ heo về, ông cướp thủ heo của người ta, người dân xin lại vì cần thủ heo ngày mai cưới vợ cho con. Chánh tổng say rượu nên thèm thịt nên vừa đi vừa cạp mất tai mũi. Người nông dân la khóc. Chánh tổng ném đầu heo xuống đất, rồi đánh đạp nông dân. Anh nông dân chết giấc, người mẹ nông dân đi kiện quan, chánh tổng phải đưa 30 quan cho gia đình nạn nhân để yên chuyện.
45. Một viên cai tổng uống rượu say, ra đình làng gióng trống gọi cô đầu đến hát, tên phó lý chạy đến bị thầy quát cho.
truất ngọn roi: đánh bằng roi.
46. Một viên cai tổng làm tang mẹ, cả đám lấy chiêng làng mà đánh. Mấy anh lính về nghỉ phép thấy vậy, giành lấy giêng đem trình quan trên, nhưng đi được nửa đường bên kia theo năn nỉ nên yên chuyện. Ngũ thân hay ngũ thần? Xưa nay sách nói tứ thân phụ mẫu là cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, chưa nghe nói ngũ thân. Ngũ thần là 5 thời gian, là bốn mùa và giữa năm.
47. Một viên cai tổng thích ngự đồng, tự xưng là Quan công.
48. Một viên cai tổng nhân một buổi hát ả đào ở đình, thấy hai cô đào xinh qua, ông tìm ra diệu kế, cứ gạt mãi đĩa dầu. Anh kép tên Ho biết gian ý của thầy, gạt đèn cho mau tắt, liền kéo hai cô đào chạy.
49.Một cai tổng dâm dục, thầy Vạo lại có vợ hầu xinh. Một hôm thầy tổng tới chơi, cô vợ hầu không để cho đầy tớ làm việc này mà đích thân bưng chè (chè xanh, chè tươi, trà) ra đãi khách. Khách về, hai vợ chồng cãi nhau.
50. Một ông tú tài hay chỉ trích viên cai tổng, bị bọn thủ hạ cai tổng đánh một trận. Gầng thì cay, tay gầng là tay ghê gớm.
51. Một cai xã thấy cai tổng mạnh bèn kết thông gia. Mũi mỏ cuốc là mũi quặp. Cuốc là cái cuốc, cũng có nghĩa là con quốc
( quấc). Quốc ngữ buổi đầu chưa phân biệt cuốc, quấc, quốc. C6ạy là nhờ cậy, trông cậy.
52. Bọn hương lý thu thuế nhiều mà nạp quan trên it, nghĩa là chúng ăn chận, ăn bớt và bóc lột dân. Hoa Trường an là nói quen lớn, thế mạnh, chẳng ai làm gì.
53. Bên nguyên đi kiện thì mất rượu, bên bị không mất rượu nhưng có tiền, làng xử bên bị được. Bên nguyên bèn đòi lại các lễ lạc. Các quan viên mắng:" Sao mày ngu thế! Thầy phù thủy đời nào đền đầu gà!
54. Bác xã kia đi tuần, thầy nhà nọ cúng thổ địa bày la liệt, bèn ghé vào nói: Cúng nhiều quá, bụng thổ địa to cũng không ăn hết, để ta ăn dùm. Đêm khuya, rượu say, bác phải ngủ lại. Đêm đau bụng, ra ngồi đầu hè. Rê: mang , bưng ra.
55. Hương trưởng mỉa cai xã:" Sao mày to lớn thế, gỗ nào cho vừa mày?" Cai xã đáp:" Mày thấp mà khoẻ, sau này chết nhét vào con cúi được. Con cúi là miếng bông lăn lại nhỏ bằng ngón tay, dài hơn một gang, dùng để xe sơi chỉ.
56. Cai xã thù một người đàn bà trong làng nên khi khai sổ đinh ghi tên con bà là hoang thai. Quan bảo hoang thai sai bây giờ mới báo, bèn phạt lý trưởng.
57. Một viên cai xã làm tờ trình quan trên về việc đình làng hư hại vì lụt, viết rằng " thần từ đồi bại", quan bắt làm heo tạ lỗi thần minh.
58. Dân Khe Dang vay nợ cai xã, đáo hạn không trả được bị cai xã đánh đòn. May có cụ đến can thiệp, cứu họ khỏi đòn.
59. Quan án cựu là cụ Nguyễn Hàm Ninh.
60. Vua Tự Đức có dụ cho dân làm phần ( dân sống nghề rừng) được miễn thuế nhưng các bác xã, hương lý không đọc đến hai chữ "Khâm thử"!
61.Trong làng có mấy người được tuyển vào lính thủy đội 10, trong làng có thầy đội hưu trí nói rằng ông quen lớn, có thể xin cho về gần, nhưng mất tiền mà không được, chỉ thuyên chuyển từ đội 10 sang đội 7 cũng ở tại Huế!
62. Con một ông chức sắc nọ suốt ngày vui cuộc đỏ đen, đi hạch thí sinh nhờ người làm bài mà đỗ đầu xứ! Sỏ lèo: danh từ trong nghề cơ bạc.
63 Ống khế: ống tre đựng văn tư, khế ước ruộng đất. Chặt ống khế là nói nhiều văn tự mua ruộng. Bán đỡ là bán tạm, sau có thể chuộc lại, bán mãi hay đoạn mãi là bán đứt luôn.
64.nhủi: cái nhủi là dụng cụ đan bằng tre, hình tam giác, dài hơn một thước, người nông dân cầm cán đẩy trong ruộng để bắt bắt tôm cua cá.
65. Oi: dụng cụ bằng tre đan dày như một cái bình, nông dân đeo bên lưng để đựng tôm, cua, cá.
66: Triêng: cái gánh.
67. Ông tú Rồng đi săn, hưou lạc đến Kỳ Anh bị thầy lại ở đấy đòi chia một nửa. Giái : giới hạn, vượt sang địa phận khác. Thầy tú tức giận làm một bài tứ tuyệt thơ nôm, song không hay nên chẳng chép vào đây.
68. Một kỳ lão thích hát ả đào, có người khen"Ngài 70 mà tiếng trống chầu đánh còn gióng giả. Đứa cháu vốn hay xóc dĩa nói hớt: "Chơi xuân kẽo hết xuân đi, đã già rồi cũng nên gắng lấy".
69.Bách hạnh, tam tòng là đủ. Câu này là mai mỉa.
70.Ông cho đào Truyền cái nhẫn vàng nhưng người khác không rộng rãi như thế mà mong hứng lấy.
71.Quan viên nghe cô đào hát, một vị cầm chầu ( là trọng tài giám thưởng ).Tùng là tiếng đánh vào mặt trống, khi cô đào hát bình thường, cắc là tiếng đánh vào chang trống khi cô đào hát hay, và vải ném tiền ra thưởng.
72.Làm ngảy: làm cao, giận dỗi.
73.Thầy hoa phe?
74.Bua việc: công việc
75. Bua quan: việc quan
76. Nẫu: các anh, các bạn. Bấm nháy: bấm vào tay hay thân thể , hoặc nháy mắt làm hiệu.Ngày xưa khi có hội hè, bọn con trai lợi dụng tối tăm chọc ghẹo, sờ mó các cô gái. Người Trung hay dùng tiếng "nẩu" cho nên người Nam gọi người Trung là người nẫu!Câu này khuyên các cô khi đi dự hội hè đ2nh đám phải cẩn thận, và khuyên các trai làng nên bỏ lề thói bất nhã với phụ nữ.
77. Đồng thiếp: một cách ngồi đồng. Thầy phủ thủy làm phép cho người ngồi thiếp đi xuống âm phủ thăm thân quyến. Còn ngồi đồng hay cầu đồng là mời thần thánh hay vong linh nhập vào đồng cốt để nói chuyện.
78. Dằm: miếng gỗ hay tre nhỏ xíu (bị dằm đầm vào tay. Chỗ ngồi ( Êm dằm), là dòng sông.
79. Ngày xưa quần áo tốt thường để trong bồ (bồ là dụng cụ đựng thóc, vải, áo quần, sách vở, thường đan kín bằng tre, hình thức giống như cái chum, cao gần một thược, bán kính đáy khoảng 3 tấc tây. Áo cánh sen, quần sợi hay sượi là vải do kéo sọi chỉ mà dệt thành Sợi cũng là tơ dệt thành. Áo quần để lâu trong bồ cho nên có xếp nếp, khi mặc phải vuốt cho thẳng.
80. Một chọ: một xó. Ý nói phải tránh xa kẻ xấu, đưừg để xấu tốt lẫn lộn.
81. Trái quít cặp ngà: báu vật trong thân thể phụ nữ. Nhởi: chơi. Thôn quê hay nói chơi nhởi, đi nhởi.
82. Ồn ậy: ồn ào.
83. Trong cuộc hát ả đào ở đình, có thầy cai cầm chầu, không thưởng chữ nào mà chỉ say sưa chiêm ngưỡng người đẹp. Các cô đào lén ném giày của thầy xuống vực sâu mà thầy không biết. Mắc lận: mắc lừa, mắc mưu.
84.Một bà hậu thần đi xem hát ở đình, buồn ngủ ra sau hè mà năm , bị kẻ nào lột quần, tỉnh dậy lấy áo thụng của hậu thần mà về. Giữa đường bà thấy áo quần của bà trôi giữa đồng Bái
85. Đàn Tiên nông có cây đa cổ thụ, bị kẻ nào đốt mất.
86.Thấy sách điển lệ chép không đúng cách thức, cụ bảo làm lại, các hương chức chỉ vâng vâng dã dạ mà thôi.
87. Dân nham: bệnh của dân chúng. Dân chúng mắc những tệ đoan, lại bị bọn cường hào áp bức, bóc lột.
88. Sinh cung tử là đang sống mà khai đã chết. Bọn hương hào bắt dân đóng thuế, nhưng khi nộp tiền cho phủ thì chúng bỏ túi một ít và cung khai là những người này đã chết. Việc tiết lộ, họ chạy tiền nên khỏi tội cho nên tác giả nói "đeo thầm cựu án".
89. Công chiếm tư: Bọn cường hào chiếm công điền làm tư điền bị dân kiện nên mắc án.
90.Mắc mớp : mắc mưu.
91.Mem cơm: Cũng gọi là mớm cơm. Tục lệ từ đới ông cố, ông vải truyền lại là bà hay mẹ thường nhai cơm cho nhỏ rồi nhả vào miệng cho trẻ ăn.
92. Bọn quan chiếm đất công, dân kiện nhưng quan trên làm ngơ.
93.Chấy, hay chấy hóa là xoay xở tiền bạc như bán cái trạng thủ bộ 50 quan, bán cho người khác cái trạng cai xã 100 quan.
94. Cụ hay chỉ trích nhưng nói qua rồi thôi. Không rõ là cơ thương hay cơ thường.
95. Mặt sứa gan lim: Con sứa, hay con nuốt ở sông biển, mềm mại ,màu trắng,hay bơi trên mặt nước; gỗ lim cứng rắn. Ý nói bề ngoài hiền lành , dịu dàng mà bên trong bướng bỉnh, gian ác..
96. Bót xớ: bớt xén
97.Ngày xưa, chỉ có vua là mặc áo vàng, cấm dân mặc áo vàng (vì vậy mà các sư Việt Nam, Trung Quốc phải mặc áo nâu, áo màu xám). Một ông chức sắc dễ ngươi mặc áo thao vàng khè ra đình làng bị phe tư thù sai thủ hạ lột áo.
98. Một thầy phù thủy ở phương xa đến chê chức sắc trong làng quê mùa nên bị đánh một trận khá đau. Cùi: tay, cùi chõ
99. Mặt lượt vương thưa : lượt là thì mỏng dễ thấy. Vương, hay vuông chưa rõ là vật gì. Nhưng mặt lượt vương hay vuông thưa nghĩa là không kín đáo, người ta thấy hết, biết hết.
100.Thôi ra: đã thôi việc rồi.
101. Góp -lướm, sưu-bơi: thu góp, sưu thuế.
102. Bới, chải: chải tóc, bới tóc, ý nói thêu dệt.
103. Cụ bị bọn hương lý đặt điều mà kiện tụng,cụ định làm thẳng tay cho chúng biết mặt, song cụ không nỡ lòng. Trương cử: mở ra, giương lên; Xa khơi: xa xăm; vói hay với là giơ tay sờ vào, vin vào, chạm vào , hoặc dùng tay bắt lấy. Miệng hoôtay cáp: đánh, đấm, bốc . Cáp là một nắm vật trong bàn tay như nắm gạo , vốc gạo
104. Bọn hương lý xin quan bố mở sòng bài trong làng, quan bố chấp thuận. Cụ không biết là quan bố đã cho phép nên ngăn cản, chúng nó bèn dèm pha với quan bố. Quan bố giận lắm xui bọn chúng đặt điều vu vạ. Quan bố và cụ là anh em bạn học đấy. Thuyền mạch áo đề, nói bạn thân.Ðề bào tương tặng 綈袍相贈 tặng cho áo đũi dày. Lúc Phạm Tuy bị nạn, có người bạn tặng cho cáo áo đũi dày, vì thế gọi cái nghĩa bè bạn là đề bào 綈袍.
105. Kim cải: cây kim và hạt cải; dùng để chỉ duyên vợ chồng khăng khít với nhau như nam châmhổ phách hút hạt cải hút sắt, "Phải duyên em trao đổi lòng vàng, Không duyên kim cải, em đành để hoa tàn nhuỵ phai." (Ca dao)
106: lõa quốc: nước ở truồng.Đến xứ ở truồng thì mình cũng phải theo họ.
107. Bào ngư: hàng cá, hàng thịt tanh tao.
108. Tiều liêu: giống diều, chim ri, chim sẻ, quanh quách. Trang Tử 莊子 : Tiêu liêu sào ư thâm lâm bất quá nhất chi ; Yển thử ẩm hà bất quá mãn phúc 鷦鷯巢於深林不過一枝 , 偃鼠飮河,不過滿腹 (Tiêu dao du 逍遙遊) chim ri, chim sẻ làm tổ ở rừng sâu chẳng qua một cành, chuột nhắt uống nước sông, nhiều lắm cũng chỉ đầy bụng. Cụ dùng điển này này nói lên nỗi đau khổ của cụ. Cụ nguyên người làng Phù Kinh sau thiên qua Trung Ái ( sau lại đổi là Trung Thuần) cũng ở trong phủ Quảng Trạch, Quảng Bình nhưng dân ở đây cũng không thuần hậu. Cụ muốn về Phù Kinh nhưng bọn ở đây sợ cụ lấy mất cái đầu heo của chúng nên chúng không chịu nhìn nhận. Cụ giận lắm. Một hôm cụ lên chơi Lèn Rồng ở Phù kinh làm một tảng đá rớt xuống sông, nước sông bắn lên cao. Cụ cười nhạt mà bảo: "Khi nào dân làng vớt đuợc tảng đá lên mới có người xuất chúng ra đời." Làng ấy sau điêu linh.Đời Tái Hoa nhoè không rõ là Mũi Bốn hay Bổn nhưng tài liệu Quảng Bình ghi là lèn Rồng. http://www.quangbinhonline.com/vn/newsctl.aspx?arId=603&cms_action=0&grpid=14
109. Trước kia thầy Ái ở Trung Thuần đã làm một bản Thúc ước.


*




B. PHẢN THÚC ƯỚC II (HIỆU ĐÍNH)




Mấy năm nay công việc nhẹ nhàng; làm ăn hồ hởi - Ơn thần linh đất nước, nhà đủ người no; bọn lý dịch cai hương, cha truyền con nối. - Phép xưa lề cũ, hát hỏng bày một tiệc xôn xao; Khắc lụn canh tàn, nôm na kể vài câu giọng lưỡi.

- Đình làng ta: Hai giáp sum vầy, ba gian rộng rãi - Hông Mụ bà án hậu đâm sang; Nhà Thủ bộ án tiền vạt trái - Chê chán thiên nhiên của núi, biết bao phen trâu kéo người mang; Hay ho địa lý thầy làng, đã mấy bận dời đi đổi lại . - Hết táng lim sang táng đá, mối cũng ê răng; Toàn cây gụ với cây nao, mọt đành chắt lưỡi!

- Cảnh tứ thời, cây cối xanh um , chữ vạn phúc son vàng đỏ chói - Ngoài đàn hát, gió xuân đón lại, trai gái vui vầy; Trong cỗ bàn, lễ vật dâng lên, thịt xôi thừa thãi - Công đức thuở Ất dần tạo được, hậu thần rành những bậc kỳ anh; Khoa danh năm mậu dậu đỗ về, hương đình, toàn những tay tuấn ngãi.- Cúc cung ngảnh mặt quày ra , Ẩm phước chuyền tay uống mãi!


Mật ngọt vài câu hát xướng, mưa xối tràn mâm ; Bọt sôi ba chén rượu nồng, sấm ran cả dãy. - Bầu Hậu Đường , miếng nước lá vằng ; bánh Lân thỏ thơm mùi ruốc cáy - Suồng sàng nét cũ cũng quen tuồng; Thành chợ cách nay càng phải thói - Kẻ giàu có tập chiều (DTH 58), thanh lịch, đồ trà bát mẫu nhởn nhơ: Kẻ ăn chơi học phết kinh kỳ, đãy gấm áo sô phất phới. Phong thuần tục mỹ có đâu hơn, Nhân kiệt địa linh âu hẳn vậy.- Tảng đá vua Chiêm sót lại, huyệt công hầu còn dành dập núi Thành Thang . Cột cờ chúa Trịnh ngã rồi, dấu dinh lũy hãy chơn vơn hòn Vọng bái . -Vàng bạc chú Ngô chôn những mấy, Câu lâu kia khói mịt nghìn xưa . Gỗ trò nhà Nước kéo khi nao, Chập Chài nọ đá phơi một dãi. - Con mang chạy xuống chúng đều kinh , củi lụt trôi về, người phải lạy. - Mụ Mai bến cũ, thuyền tống ôn đẩy xuống quỷ tiêu tan - Thánh võ nền tân, bùa trấn trạch dán lên ma kinh hãi..- Chòi Cổng thị du xuân thuở nọ, kẻ thua người được, ai cũng kinh số đỏ cố Chàng ; Cầu Thượng gia cúng đức năm nao, tháng lại ngày qua, ai cũng nhắc tiền trăm Điêu ngoại.

Non xanh nước biếc, chán cảnh phong quang; Đất rộng trời cao, nhiều nơi địa lợi- Mật dương khôn chạy khỏi Chương Trù , Cá bống dễ đâu hơn khe Bái. - Truông Nhà Doãn, truông Nhà Mới. Sáng Trăng, Trưa Má , dầu lòng Vân Tán đốn cây .Truông Đá Đen, truông Đá Bạc, Lòng Lé, Sáo Bầu, chán sức Khe Dang phát rẫy. - Thổ sản dư trên trại dưới làng, Lâm lộc đầy khắp đường ngập lối . - Động Táu, Hóc tre dư sức củi, vai rùn Pháp kệ, Đông dương . Sũng Bùi, Võng Tréo thiếu gì than, trán sém Kẻ Loan, Kẻ Đại.

Sơn lâm mỗi vẻ mỗi hay; điền địa một ngày một mới,- Trong chằm bãi, tan canh bịp rúc, tơi mưa nón nắng khách cày bừa; Ngoài đồng điền thẳng cánh cò bay; cơm rá , nước bầu người cấy hái. - Bờ đập chắn ngang một khúc, nước chảy tràn ruộng cạn ruộng sâu ; Nương vườn dày khít từng dây, tre pheo giáp khe con, khe cái.

Giang sơn như thế gẫm nên xinh ; Nhân vật buổi này xem cũng giỏi.- Phất cờ tướng nhảy lên đàn Đế Thích, hòng thí con xe mà về con pháo, rõ trong tay nước được thua ; Xách bầu tiên, xen vào đám Lưu Linh , đã say rượu Kịa lại nhắm rượu Cầu, toàn mấy giọng say nhân say ngãi . Thế sự đành không có, có không; Nhân tình mặc phải chăng, chăng phải. - Văn thí trúng ngồi dòng chức sắc, thầy tú tại gia, thầy cử xuất sĩ, giá tài danh nổi tiếng xôn xao; Võ sung biền đứng nóc quan binh, chú thơ (DTH 59) ngạch ngoại, chú đội chỉ dư, viêc hương đãng ra tay chống chõi. - Giấy cũ nhàm tay biếng dở, đến khoa kỳ đem quyển lượt xem xem chơi.- Giuờng cao vếch mãy ngồi ngay, khi hương ẩm chặt thủ heo vác tới.

Phường quan viên đã lắm người hay, hàng tổng lý lại ghê tay sõi. - Hai trăm chuỗi quan trên nhắm xuống đạo thí sai, son đóng đỏ nhăng hàng ; Muời tám làng dân dưới trông lên, dấu mộc ký mực chần đen cả phái. - Gậy chày, giáo vạt, vào điếm ra làng ; Võng quảy, hòm mang, lên đồn xuống ải. - Ruộng công, bồ lễ tết thiên quan nhờ thiên lộc bỗng dưng. Ngày kính, cướp đầu heo, quý vật đãi quý nhân thừa thãi.- Lệ lục giáp, ngoài đình trống giục, một thầy phó lý chạy mà run; Lịnh ngũ thân giữa đám chiêng hồi, ba chú biền binh khiêng đã mỏi .- Khi quan sai trăm việc đều đi; Khi thánh ứng cả nhà phải chạy.- Đĩa dầu đầy gạt mãi, chú Ho biết ý đã kinh hồn, Bát chè đặc bưng ra, thầy Vạo trông chừng đà áy náy-

- Miệng lưỡi đao sắc ngọt, thầy tú tài kinh bợm tay gầng ; Mũi mỏ cuốc đỏ lòm, bác Cai xã chắc nơi chân cậy . Hô ứng trong đảng loại hữu linh, xuất nhập chốn công môn vô ngại. Thuế hai vụ "thu đa nộp thiểu", chốn Trường an hoa đá thiếu gì đâu. Rượu hai bên "nguyên hữu bị vô," thầy phù thủy đầu gà đền đã mấy. Cửa rộng thênh năm thước, thổ công rê một bụng ra nghiêng ; mình thấp trệt vài gang, hương trưởng nhét lưng hòm đựng cúi.

Chính sự giỏi giang rất mực, cánh sổ dân có chữ hoang thai; Văn chương sâu sắc hơn đời, con heo thác bởi câu đồi bại. - Đánh ngọn roi tra nợ, dân Khe Dang giăng khắp đầy sân; Khua hồi mõ nhóm làng, quan án cựu mới ra khỏi chái. - Lời ăn tiếng nói vẫn ngang tàng; Quần rộng áo dài coi phấn khởi - Dân lâm phần mong ơn vua tha cả, chính suất năm quan, phụ cư ba bốn, hãy nạp cho thầy lý với thầy cai; Binh thủy sư nhờ thầy đội lo giùm, mật ong một ché, tiền mặt năm trăm, may thuyên được đội mười qua đội bảy.

Thiệt là một nước đôi kênh, Thiệt là một nhà hai chái.- Sĩ nửa nắng, nứt tài đầu xứ , thoáng cỗ bài tính mấy dấu sỏ lèo ; Nông vài mùa nổi cuộc giàu quê, chặt ống khế, biết bao trương đỡ mại.- Công khéo léo đẽo cày nêm cuốc, dầu chạm rồng vẽ phượng cũng dư hay. Thương thờ ơ chum mật, chiếu cau, so vào (DTH60) lộng ra khơi đã chán lợi.- Ngư đơm, nơm trong bàu, ngoài ruộng, tràu, rô, cá gáy đầy oi ; Tiều rựa, rìu lên động xuống khe, gánh, chở, vác rào chật trại. - Canh thủng thỉnh cày thuê kiếm bữa chờ mùa ra khăn áo dư thừa; Mục thảnh thơi trâu gửi từng bầy, yên núi khỏi cọp beo giết hại . - Săn đã có cai Vu thuộc núi, miếng ngon dư tái hoãng nem nai; Bắn ai bằng thợ Thắng khéo rình của quý thiếu ngà voi răng sói . - Nhịp nhàng may mắn, sát thịt vì con chó bắt hơi; Tham lam quỷ quái, hiếp người bởi ông Rồng lạc lối.

Ai ai cũng đều khoái lạc vô cùng; người người được thanh nhàn tự tại.- Cố nghĩ chữ " lão đương ích tráng", dẽo tay chầu, cất chén hay hây; Cháu nhớ câu " xuân bất tái lai" rành xóc đĩa, sạch bàn thảy thảy .
Phong lưu hết cuộc trẻ cùng già; lịch sự đến điều trai với gái.- Trai bách hạnh dư ngàn dư vạn, lưng trâu rừng, khí cốt hiên ngang; Gái tam tòng, thêm bốn thêm năm, tiếng thanh la ngôn từ khẳng khái. - Nghề xóc đĩa mới đem về hay lạ, năm bảy anh đánh đuốc chơi đêm; Chuyện đàn ghẹo, chưa đặt để đã hay, năm ba ả vác xe kéo vải.


Trong hương thôn ai nấy mừng cho; ngoài ca xướng sự này mách với- Trước thời chúc thánh chúc thọ, mở ra chú kép hãy tang tình; Sau thời hát hãm hát dồn, đứng dậy đôi đào cho nhún nhẩy- Không hớ đâu mà hứng nhận đeo ; Có nghe lọt mới cho cắc nhảy - Có tiền mua tiên cũng được, chớ quen tuồng ngỏng ngảnh làm cao; Ở ngọt thì lọt tận xương, hay gì thói ngung ngăng làm ngoảy!.- Kể làm sao hết cuộc làm vui; Rồi lại khuyên người đến giải.- Xôi thịt vừa thơm vừa béo, các " đẳng quan" xin đánh chén cho say. Trò vè hay lỡm hay lừa, các rễ xã phải soi chăm cho sõi- Rưọu hai phe dễ đã xơi nao; Tiền tám xóm biết là được mấy..- Bậc quan viên cho phẳng cho sòng, Kẻ lo việc đã tầng đã trải- Một miếng giữa làng, bằng một sàng trong bếp, cỗ ngồi phần biếu phân minh; Một ngày ăn rày, thời bảy ngày ăn đâu, giấy trắng mực đen tỏ giãi..- Chú dẹp đám việc quan cho sát việc chớ hề ý ngoại riêng tây.. Anh đi coi đứng đặt có hàng giây, không được thói xưa bấm nháy. - Đừng bắt nhù nhăng, chằng cù đế để nghe tuồng đồng thiếp sơn trang; Chớ vày thằng nọ, mó thằng kia, để soi bạc bài hoa trò rối.- Chật đám phòng khi thiểu khoảnh ngồi đã quen gốc thị cây đa; Nhét bồ những thuở kinh niên, vuốt cho thẳng những áo sen quần sợi- Ăn xem nồi, ngồi xem hướng cho êm; Lành một xó, lọ một nơi chớ bậy.- Trái quýt hở hang dầu kẻ, bắt được tay vay được cánh không nên! Cặp ngà hở hệt mặc ai, coi bằng mắt bắt bằng tay chẳng phải- Buổi chơi bời chớ có thờ ơ; Nơi đình đám vốn hay phá quấy- Sợ lúc ham vui mắc lận , giày chú Cai ném xuống vực Chùa . E khi quá giấc mà say, váy bà Hậu trôi về Đồng Bãi .- Dặn dò đến thế cũng hay; Xem sóc mấy ai cho trải.

Thôi tiệc này chán lúc vinh hoa; Bây giờ mới tỏ lời khuyến giái.- Trong thập thất hãy có người trung tín, há rằng không xóm đức làng nhân; Trên hoàng thiên đã phú tánh tri năng, âu cũng biết đường khôn sự dại- Ăn cây nào, rào cây nấy, chôn giau cắt rún là đây; Mất lòng trước được lòng sau, xé ruột phơi gan mà nói- Cây da cũ, một cây lửa ngược, đàn Tiên nông bước tới những thêm đau ; Miều thần linh trăm việc hương nguyền, sách điển lệ xin làm sao lại dối! Đạo trên đầu há phải rằng chơi ; Vạ sau ót sao mà chẳng đoái?- Suy trong "thần oán" thêm âu lo, Nghĩ nỗi " dân nham" càng áy náy!- "Sinh cung tử" phải đeo thầm cựu án, công đức chi mà rộng miệng khoe khoang? "Công chiếm tư" chưa rửa sạch tiền khiên, tình tệ ấy lại quen noi lừng lẫy!- Giọng việc làng, lừa dối cả quan dân; Nghề chiều cháu, mem cơm từ cố vải. - Thước ruộng tấc vườn là của nước, bỏ đi đặt lại, chẳng phân phi sao xếp sổ làm thinh? . Đồng tiền lượng bạc há riêng ai, trang nọ tờ kia, muốn tư tệ lại tìm đường mà chạy- Mỡ dân rán đã đầy xanh, da đất quét vừa chật đãy! - Chớ nghĩ miệng hùm dạ bụt, lặng ao động biển vốn cơ thường ; Chỉ e mặt sứa gan lim, kẻ tóc chân tơ khôn lẽ bới; Nghề bớt -xớ nỡ để nợ đời sau, Lòng ở thiệt, hơn cha quỷ quái.

- Bỗng chốc làm sang làm cả, áo sợi vàng còn để chuyện đời xưa ; Hay chi nửa chợ nửa làng, cùi thầy địa đã đau đòn năm ngoái . Theo chân voi đòi chân ngựa, miệng bình bưng kín thế là xong; Chắp đầu cá vá đầu tôm, mặt lượt vương thưa, ai chẳng thấy? Kẻ hương lý thôi ra , đành phận trước, sưu thuế gom thu đà rảnh xác, chớ nhúng chàm những việc thày lay; Người khoa danh dành lại để đàng sau, giùi mài rèn tập phải ra công, chớ vạch lá thêm điều ngang trái- Ách giữa đàng, mang vào cổ, rồi ra lắm tiếng thị phi; Đòn giữa đất, cất lên (DTH 61) lưng, thế cũng nhiều phen lợi hại.- Sao đặng đầu đi đuôi lọt, một nhà vui, êm ấm trong ngoài; sao cho nước chảy bè xuôi, trăm miệng hợp thuận hòa trên dưới.- Biết đâu trương- cử cho đang, Liệu đã xa khơi khôn với. Nào kẻ miệng hô tay cáp, nên ý quan xem phải mặt hay chưa; Những nơi bóng mát cây cao, chồi phần-tử nỡ đang tay thế ấy! - Thớ lợ anh anh chú chú, gai sau lưng ngảnh lại mà rùn! Đong đưa nói nói, cười, đinh trước mắt trông ra những trói!- Gẫm nhân tình gươm sắc muốn reo lên; Tưởng thế sự xương khô nên dựng dậy. - Đánh chó còn hòng ngó bát, danh khí chung sao nỡ dày vò; Rút dây lại sợ động rừng, căn bản ấy lại còn ái ngại.- Cao minh đành có quỷ dòm nhà; Thiện ác lẽ đâu trời sót lưới.-Thuyền mạch áo đề lúc ấy, cố nhân sao lãng nghĩa non sông; Chiếc gà đấu rượu năm xưa, đồng tỉnh há riêng duyên kim cải - Miệng đời tạc để nên bia, Dạ thế mỏng đâu quá giấy!- Bận áo qua nơi lõa quấc, nếp cổn y âu có lúc truồng mình; Đeo hương vào chốn bào ngư dầu lam xạ cũng ghe phen nén mũi- Cửa tam kỉnh muốn giục giày quay lại, tị lân đâu có khách giương cầu. Giá thiên kim dầu mở tủ đem ra, dã lão ai hay tình đỉnh đối.- Đồ long đã xếp nghề hay; Ẩn bào lại nương chốn tối.- Hạc nội mây ngàn là bạn cũ, cánh tiêu liêu há chật áng sơn lâm; Canh rau cơm hẩm cũng ơn thừa, giấc hồ điệp đã lần chừng quan -cái.



Rày nhân một cuộc cờ tàn, bốn dây đàn gãy- Đến khi " hứng tận bi lai", Nghĩ nỗi " sự tùy niên cải".- Hay dở đã đành nét bút, đỡ buồn dễ khiến trẻ ngâm chơi; Phải chăng phó mặc ngoài tai, vuốt bụng xin tha người nói quấy.- Vì muốn con trẻ đàn bà nghe được rõ, dầu trong ấy khi riễu khi cười, khi nao, khi nức, nôm na pha mấy giọng nhà quê; Dám xin người sang kẻ quý xét cho minh, thiếu nơi nao là khe, là suối, là động, là đèo, ước cũ sẵn cả bài thấy Ái (109).

Nguyễn Hàm Ninh


Chép xong ngày 15 tháng 2 năm 2010
Nguyễn Thiên Thụ





PHỤ LỤC

A. TRONG 99 CHÓP NÚI

Để cho quyển sách này thêm phong phú, chúng tôi xin bổ túc một số bài thơ của Nguyễn Hàm Ninh trong quyển "Trong 99 Chóp Núi "của Đẩu Tiếp do Tân Việt , Hà Nội, xuất bản năm 1942




蜘 蛛


TẾ ĐIỆP (1)
Tranh phi tế điệp mổi song song,
Các bảo xuân tâm bất khẳng hàng.
Vị trục tri hà phao tận võng
Khẳng tha hứng đáo ngộ tương chàng.

(T99, 31.)
BƯỚM NHỎ
Tranh nhau, bướm lượn song song,
Cành xuân rực rỡ cho lòng mê say,
Lưới nhện bày sẵn nào hay,
Nhởn nhơ đâu biết có ngày tai ương!




月 落 烏 啼 霜 滿 天,
江 楓 漁 火 對 愁 眠,
姑 蘇 城 外 寒 山 寺
夜 半 鐘 聲 到 客 船

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Xem nghĩa sau bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh:

Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ (2).
Thuyền ai đậu bến Cô Tô?
Nửa đêm nghe tiêng chuông chùa Hàn Sơn.(T99,82)



B. CÁC TẠP CHÍ:

Có nhiều bài viết về Nguyễn Hàm Ninh và bài dịch Phong kiều dạ bạc như sau:


I. WIKISOURCE

Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế (张继 Zhang Jì), tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756 - đời vua Đường Túc Tông. Nguyên tác bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn San để cho người đời sau qua đây thưởng lãm.
Trích dẫn từ Phong Kiều dạ bạc của Wikipedia, Bách khoa Toàn thư Mở.

Nguyên văn chữ Hán

楓橋夜泊

月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山 寺
夜半鐘聲到客船

Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều

Bản dịch 1

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch 2
Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


___

  1. Lý Văn Hùng, Việt Nam văn chương trích diễm, Sài Gòn, 1961
  2. Tạp chí Văn Học, số 191, tháng 3 năm 2002, trang 36


http://vi.wikisource.org/wiki/Phong_Ki%E1%BB%81u_d%E1%BA%A1_b%E1%BA%A1c_%28Nguy%E1%BB%85n_H%C3%A0m_Ninh_d%E1%BB%8Bch%29




II. WIKIPEDIA.Thảo luận:Phong Kiều dạ bạc

Bản dịch của Hồ Tiểu Tà

Neo thuyền bến Phong Kiều
Trăng tản, quạ rền, sương lãng đãng.
Sông- ngư, lửa- gió đối nghiêng sầu.
Nửa đêm đỗ thuyền nghe chuông vọng,
Cô Tô chùa cổ một Hàn Sơn.

Hồ Tiểu Tà (thảo luận)


Liên kết ngoài

Nguyễn Hàm Ninh hay Tản Đà

Bản dịch của Tản Đà đã được xác nhận lại thực chất không phải của Tản Đà, mà của nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh (quan triều Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức).--Deshi 11:53, ngày 5 tháng 11 năm 2007 (UTC)

Bạn bổ sung cho nguồn dẫn về việc "xác nhận lại dịch giả". Với lại trong bài hiện có hai bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh, bạn kiểm tra lại dùm. 09:21, ngày 17 tháng 3 năm 2008 (UTC)
Vậy chứ ông Tản Đà có dịch bài này không?
Thi viện có một bản dịch ghi là của Tản Đà, không biết nguồn từ đâu.
Còn bản dịch mà Deshi nói là của Nguyễn Hàm Ninh nhầm thành Tản Đà, có đăng trong cuốn Thơ Đường (Tản Đà dịch, Nguyễn Quảng Tuân biên soạn, Nxb Trẻ và Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp.HCM, 1989, tr.95) nhưng ghi nguồn là cuốn Việt Nam Văn chương trích diễm (của Lý Văn Hùng, Sài Gòn, 1961). Như vậy có thể là ông Lý Văn Hùng nhầm chăng? Không thấy Deshi bổ sung tư liệu.
Avia (thảo luận) 16:03, ngày 6 tháng 12 năm 2008 (UTC)
http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Phong_Ki%E1%BB%81u_d%E1%BA%A1_b%E1%BA%A1c


III.NGUYỄN QUẢNG TUÂN

đến hàn san tự để tìm hiểu bài thơ phong kiều dạ bạc trương kế
nguyễn quảng tuân

Trong chuyến đi Trung Quốc vừa qua, chúng tôi đã có dịp tới thành phố Tô Châu, nơi có ngôi chùa Hàn San nổi tiếng.

Ngôi chùa này được xây dựng từ thời Nam Triều (đầu thế kỷ thứ VI) và đã được đặt tên là Diệu Lợi tự. Về sau chùa được gọi là Phong Kiều tự vì ở gần cầu Phong Kiều. Đến đời nhà Đường vì có hai thiền sư là Hàn San và Thập Đắc đến trụ trì ở đó nên chùa lại được đổi tên là Hàn San tự.

Chùa từ thời đó đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu nên không còn giữ được kiến trúc ban đầu nữa. Nếu so với các ngôi chùa khác ở Trung Quốc thì chùa Hàn San không có gì đáng kể về mặt kiến trúc nhưng lại rất nổi tiếng nhờ có bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.

Nguyên văn bài thơ ấy được truyền tụng như sau:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

và đã được khắc vào bia để ở trong chùa. Bài thơ chỉ có bốn câu với 28 chữ nhưng đã gây ra khá nhiều vấn đề tranh luận. Câu 1: Có người cho rằng câu 1 phải đọc như sau: Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên Và phải hiểu là: Trăng lặn ở núi Ô Đề (1), trời đầy sương. "Ô Đề" như vậy không còn là tiếng quạ kêu mà đã trở thành một sơn danh vì người ta cho rằng ban đêm không làm gì có tiếng quạ kêu. Nhưng cách hiểu này đã không được ai theo vì các con quạ vẫn có thể bất thường kêu về ban đêm.

Trong thơ văn Trung Quốc, Lý Bạch đã có bài thơ Ô dạ đề và Kim thị trong bài Tự thuật cũng đã có câu: "Không phòng dạ dạ văn đề ô" (Đêm đêm nghe thấy tiếng quạ kêu ngoài phòng vắng vẻ).

Trong văn thơ Việt Nam, Quách Tấn cũng có bài Đêm thu nghe quạ kêu và ông đã liên tưởng đến bến Phong Kiều trong bài thơ của Trương Kế và đã viết:

Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng.

Câu 2: Câu này cũng bị đặt thành vấn đề.

Nguyên do vào đời Thanh có Mao Tiên Thư cho rằng: "Ở Tô Châu đối diện với chùa Hàn San có núi Sầu Miên nên câu 'Giang phong ngư hỏa đối sầu miên' không thể hiểu là cây phong bên bờ sông và ánh đèn thuyền chài lấp lánh trước mặt khách (tác giả) đã làm cho khách xa nhà nhớ quê không sao ngủ được."

Ý kiến này đã bị Trương Duy Minh, tác giả quyển Hàn San tự (2) bác bỏ vì cho rằng bài thơ chỉ có bốn câu, ba câu đã tả cảnh rồi thì câu "Giang phong ngư hỏa đối sầu miên" phải là câu tả tình mới đúng. Điều này cũng hợp lý. Chính vì lẽ ấy mà tất cả các quyển Đường thi tam bách thủ chú giải và Thiên gia thi chú giải đều giảng "sầu miên" là "ưu sần bất đắc thành niên". Chỉ có một quyển Hội đồ Thiên gia thi của Chung Bá Kính chú giải đã giảng "sầu miên" là sơn danh như Mao Tiên Thư đã chủ trương.

Chúng tôi cho rằng cả hai nhà chú giải ấy đều chưa có dịp về tới chùa Hàn San cũng như mấy họa sĩ người Trung Quốc đã minh họa bài Phong Kiều dạ bạc mà cứ vẽ cầu Phong Kiều và chùa Hàn San ở bên ngọn núi. Có thể vì tên chùa Hàn San có chữ "san"là núi nên các vị ấy mới nhầm lẫn như vậy.

Chúng tôi khi về tận chùa Hàn San, đứng ở bến Phong Kiều bên Đại Vận hà, nhìn quanh bốn phía đều không thấy có ngọn núi nào ở gần, chỉ nghe nói ở tận xa, xa không nhìn thấy được, mới có núi Linh Nham sơn, Thiên Bình sơn, Thiên Địa sơn, Sư Tử sơn, Hoành Sơn, Hà Sơn...

Thế thì Trương Kế, nằm trong khoang thuyền mà có nhìn ra ngoài cũng chỉ thấy có những cây phong và những ngọn đèn chài, chứ làm sao có thể đối mặt được với "ngọn núi Sầu Miên", một ngọn núi không có thực ở bên chùa.

Để minh chứng cho điều sai lầm, chúng ta có thể xem bức ảnh chụp bến Phong Kiều với mấy chiếc thuyền đậu ở bên cầu, cửa Thiết Linh quan và ngọn tháp Phổ Minh ở phía sau chùa Hàn San.

Câu 3-4:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Hai câu này cũng gây thắc mắc cho người đọc vì vào lúc nửa đêm làm gì có tiếng chuông chùa.

Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ấu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy).

Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì". (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết.)

Diệp Thiếu Uẩn trong Thạch lâm thi thoại lại cho rằng: "Cái công vị thường chí Ngộ trung(3), kim Ngô trung tự thực bán dạ đả chung." (Vì ông không thường tới Ngô trung chứ hiện nay chùa ở đó vào lúc nửa đêm có đánh chuông thật.) Chúng tôi cho rằng về ban đêm, ở các chùa thường không có đánh chuông nhưng cũng có những trường hợp cúng lễ bất thường nên "dạ bán chung thanh"cũng không phải là vô lý.

Chính vì lẽ đó mà các nhà thơ từ đời Tống trở về sau mỗi lần qua bến Phong Kiều đều nhớ đến Trương Kế với cảnh "nguyệt lạc", "ô đề" và "dạ bán chung thanh." Nhà thơ Lục Du đời Tống trong bài Túc Phong Kiều đã viết: Thất niên bất đáo Phong Kiều tự Khách chẩm y nhiên bán dạ chung. (Bảy năm không tới thăm lại chùa Phong Kiều, Nằm gối đầu ngủ lại ở đất khách nghe tiếng chuông chùa đánh lúc nửa đêm thấy vẫn y như cũ).

Nhà thơ Tôn Địch cũng đời Tống trong bài Phong Kiều đã viết: Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự, Ỷ chẩm do văn bán dạ chung. (Quạ kêu, trăng lặn, cầu ở bên chùa, Nằm gối đầu ngủ còn nghe thấy tiếng chuông nửa đêm.) Nhà thơ Cố Trọng Anh đời Nguyên trong bài Bạc Xương môn đã viết: Tây phong chỉ tại Hàn San tự, Trường tống chung thanh giảo khách miên. (Chỉ tại chùa Hàn San mà gió tây Đưa xa tiếng chuông tới quấy động giấc ngủ của khách.) Nhà thơ Cao Khải đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: Kỷ độ kinh qua ức Trương Kế, Ô đề nguyệt lạc hựu chung thanh. (Mấy lần qua Phong Kiều đều nhớ Trương Kế, Quạ kêu, trăng lặn với tiếng chuông nửa đêm.)

Nhà thơ Văn Trưng Minh đời Minh trong bài Phong Kiều đã viết: Thủy minh nhân tĩnh Giang thành cô, Y nhiên lạc nguyệt đề sương ô. (Nước trong, lòng tĩnh, Giang thành vắng, Trăng lặn, quạ kêu trong sương vẫn y như cũ.) Qua các câu thơ ấy, chúng ta thấy các nhà thơ xưa ở Trung Quốc cũng đều nhắc lại cảnh "quạ kêu", "trăng lặn" và "tiếng chuông nửa đêm" như là những sự việc rất bình thường, không có gì đáng thắc mắc cả.

Nguyễn Hàm Ninh xưa, ở nước ta, cũng đã hiểu như vậy nên đã dịch bài thơ của Trương Kế sang thể lục bát như sau:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Bài thơ dịch này, trước đây người ta đã nhầm là của Tản Đà, được kể là hay, chỉ tiếc là ông đã bỏ mất chữ giang phong và đã nhầm bến Phong Kiều là bến Cô Tô và cũng chưa diễn đạt được vai trò chủ thể của tiếng chuông chùa Hàn San nhưng nó vẫn được kể là bài dịch hay nhất từ trước đến nay.

Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi thấy cần phải đến tận chùa Hàn San để tìm hiểu cho được chính xác bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, nếu không sẽ có những nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chú thích và minh họa như đã nói ở trên.

Chú thích:
(1) Có người cho là thôn Ô Đề
(2) Hàn San tự: sách do Trương Duy Minh biên soạn, Cổ Ngô Hiên xuất bản xã in năm 1993 ở Tô Châu.
(3) Ngô trung: tên cũ của thành phố Tô Châu.
(4) Hội đồ Thiên gia thi: Nhật Tân thư trang xuất bản, không đề


Nguyễn Quảng Tuân

http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/191/nguyenquangtuan_phongkieudabac.htm



IV. TRẦN LONG HỒ

đọc lại
PHONG KIỀU DẠ BẠC


Gần như, bất cứ ai đam mê thơ cũng đều ước mơ đến những nơi như Hoàng Hạc Lâu ở huyện Vũ Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc hay bến Phong Kiều bên Hàn San tự ở Tây huyện thuộc tỉnh Giang Tô... Đó là những địa danh nổi tiếng và tồn tại muôn đời với những bài thơ bất tử được lưu truyền như Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu hay Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế,... Nhưng qua bao nhiêu năm, thường những mơ ước đó vẫn còn y nguyên là ước mơ.

Nhân đọc bài "Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế" của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, tôi động lòng lắm, không biết làm sao hơn, đành giở những trang sách cũ, đọc lại bài thơ tuyệt tác này. Trương Kế vốn là nhà thơ nổi tiếng của thời Thịnh Đường nhưng người ta quên mất năm sinh và năm mất của ông, chỉ biết ông sinh thời vào khoảng những năm trước và sau 756, niên hiệu Chí Đức, đời Đường Túc Tông. Sinh quán của ông ở Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Ông là người thông thái, có kiến thức rộng, say mê đàm luận. Ông đậu tiến sĩ vào năm thứ 12 niên hiệu Thiên Bảo. Ông từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, khi mất ông đang làm tài phú ở Hồng Châu. Trương Kế chỉ để lại một tập thơ, trong đó nổi tiếng nhất là bài "Phong Kiều Dạ Bạc", tức là "Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều". Nhân bài viết của tác giả Nguyễn Quảng Tuân có đặt nhiều nghi vấn về những dữ kiện trong bài thơ này, mà những điểm đó đươc ghi nhận qua nhiều tác phẩm biên khảo văn chương của Trung Quốc. Trong khả năng giới hạn của bài viết này, tôi không thảo luận về những nghi vấn được nêu ra, để đưa đến những kết luận thế này hay thế nọ, hoặc đúng hay sai. Mà mục đích của bài viết này, tôi chỉ xin góp vào một chút dữ kiện để bổ túc mà thôi.

Bài "Phong Kiều Dạ Bạc" chỉ vỏn vẹn có bốn câu:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Nguyên bản bài thơ này bằng chữ Hán không có các dấu phết và dấu chấm ở cuối các câu. Nhưng tùy theo ý nghĩa của thơ, các tác giả đời sau đã phân đoạn và ngưng câu để thêm các dấu phết và chấm vào. Sự kiện này hay xảy ra, như trường hợp quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử được viết vào khoảng năm 500 đến 450 trước Tây Lịch. Đạo Đức Kinh được khắc trên các thẻ tre, không có dấu chấm phết, nhưng nhiều tác giả đời sau đã tùy theo cách đọc mà phân đoạn khác nhau. Mỗi khi các dấu chấm phết xê dịch thì ý nghĩa trong Đạo Đức Kinh thay đổi rất nhiều, có khi khác hẳn nhau.

Trở lại trường hợp bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế, tựu trung tác giả Nguyễn Quảng Tuân cũng theo các tác giả đời trước nên bản viết có các dấu phết ở cuối câu một và câu ba, và dấu chấm ở cuối câu hai và câu bố. Trong bài viết tác giả Nguyễn Quảng Tuân có đưa ra vài nghi vấn như sau: 1. Nghi vấn về những chữ bị xem là địa danh như ô đề trong câu một và sầu miên trong câu hai. 2. Quạ có kêu trong đêm hay không? 3. Chùa Hàn San nói riêng hay chùa nói chung, có đánh chuông vào nửa đêm hay không?


Tôi xin góp vào một số ý kiến bổ túc như thế này.

1. Tùy theo cách đọc, ta thử ngắt câu bằng các dấu chấm và phết. Câu một: Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, (a) (Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Trần Trọng San) (1) Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, (b) (Cách ngắt câu và chữ theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân) Bây giờ tôi ngắt câu và chữ khác đi đôi chút: Nguyệt lạc ô đề, sương mãn thiên, (c) Khi đọc, nếu ngắt câu khác nhau ý nghĩa câu thơ có thể khác nhau: Trăng lặn, quạ kêu, trời đầy sương, (a) Trăng lặn quạ kêu trời đầy sương, (b) Trăng lặn trên núi Ô Đề, trời đầy sương, (c) Như vậy, tùy theo cách ngắt câu, ô đề có thể là địa danh. Nếu xét thêm về yếu tố địa dư, ở đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Ô Đề. Nếu xét về ý thơ, với tài thơ của Trương Kế, thi nhân đang ngao du thuyền trên sông và đậu lại ở bến Phong Kiều, cảnh sắc hữu tình như vậy, không có lý do gì ông lại mô tả cảnh sắc trên núi Ô Đề ở mãi tận đâu xa (nếu quả thật có núi Ô Đề đi nữa).

Thêm vào đó, trên thuyền ở bến Phong Kiều, như tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã nói, chưa chắc gì đã thấy được núi Ô Đề (nếu có). Dù cho ở thời Trương Kế, dân cư thưa thớt, nhà cửa ít oi và nhỏ thấp. Trong các cách ngắt câu khác nhau, tôi thích cách của tác giả Trần Trọng San hơn: Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, Đến nghi vấn về chữ sầu miên trong câu hai: Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

(2) Về địa dư, đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô không có núi nào tên là Sầu Miên. Theo tác giả Nguyễn Quảng Tuân, có lẽ tên chùa là Hàn San, san có nghĩa là sơn, là núi, nên có tác giả đã nghĩ như vậy. Theo sách sử Trung Hoa để lại, vào đời đường cách 10 dặm ở phía tây đất Ngô huyện thuộc tỉnh Giang Tô có ngôi chùa do hai nhà sư tên là Hàn San và Thập Đắc trụ trì. Như vậy, người ta đã lấy tên của vị sư trụ trì để đặt tên cho ngôi chùa. Hơn nữa, về ý thơ, nếu tác giả nào cho chữ Sầu Miên là tên một ngọn núi thì người ấy quả tình đã xem thường Trương Kế quá nhiều. Với tài thơ Trương Kế, chúng ta có thể quả quyết được rằng, sầu miên không phải là tên một ngọn núi.

2. Đến nghi vấn, quạ có kêu trong đêm hay không? Thông thường, nói đến quạ người ta nghĩ ngay đến quạ đen. Tôi chưa hề thấy quạ trắng bao giờ. Chỉ có một loài quạ hiếm quý, không đen hoàn toàn là loài quạ khoang ở miền Bắc và Bắc Trung phần. Loài quạ này cũng đen gần hết, chỉ có ánh đỏ tím và khoang trắng ở cổ và ngực. Theo tôi biết, loài quạ có kêu trong đêm, thường là lúc gần sáng. Quạ có khi đi riêng rẻ hay từng bầy, đến đậu trên những cây cao, kêu đến đinh tai nhức óc. Trong bài thơ, Trương Kế chỉ rằng nửa đêm, có thể là nửa đêm về sáng. Loài quạ có thể kêu sớm hơn, chuyện này,tôi thiết tưởng không nên đặt thành vấn đề.

Hơn nữa, nhà thơ Quách Tấn của chúng ta cũng có bài thơ "Đêm thu nghe quạ kêu" (3)

3. Chùa Hàn San nói riêng hay chùa nói chung có đánh chuông về đêm hay không? Chúng ta đều biết chùa nào cũng đánh chuông công phu, thường khoảng ba hay bốn hoặc năm giờ sáng, tùy nơi. Theo sử sách Trung Hoa viết lại, căn cứ vào tài liệu của tác giả Trần Trọng San (4), tôi xin ghi lại câu chuyện về Trương Kế và bài "Phong Kiều Dạ Bạc". Chuyện này giải thích rất rõ ràng về tiếng chuông chùa Hàn San vào lúc nửa đêm. Chuyện ghi rằng, vào đêm Trương Kế đậu thuyền tại bến Phong Kiều, không phải chỉ có một mình thi nhân không ngủ được mà có đến hai người khác nữa cũng trằn trọc không sao an giấc. Hai người này say mê thơ, chắc cũng không kém nhà thơ Trương Kế.

Người thứ nhất là sư cụ trụ trì chùa Hàn San. Nhà sư thao thức không ngủ được, có lẽ vì cảnh sắc quá đẹp ở bến Phong Kiều chăng, nên suy tư để làm một bài thơ thất ngôn tuyệt cú. Nhưng nhà sư chỉ làm được hai câu đầu rồi bị ngưng trệ ở đó, không sao làm tiếp được. Lúc đó, nhà thơ Trương Kế ở dưới thuyền cũng thao thức vì cảnh đẹp thiên nhiên và làm chỉ được hai câu đầu mà thôi. Nhà thơ không nghĩ ra được hai câu tiếp.

Trong khi đó có người thứ ba cũng trằn trọc trong đêm là chú tiểu trong chùa. Chú tiểu cũng là người say mê thơ. Lúc đó, sư cụ trụ trì thấy chú tiểu còn thức bèn đưa hai câu thơ mà nhà sư làm ra nhưng không thể làm tiếp được kể kết thúc bài thơ. Chú tiểu vừa đọc qua hai câu đầu của sư cụ liền viết ra ngay hai câu sau. Sư cụ đọc qua, ráp nhau lại, nhận thấy cả bài thơ bốn câu hay quá. Nhà sư mừng rỡ, cho rằng Phật Tổ đã linh thiêng giúp đỡ cho hai người. Sư cụ bảo chú tiểu thắp hương, thỉnh chuông để tạ ơn Phật. Tiếng chuông chùa Hàn San vang ra trong đêm. Lúc đó, Trương Kế đang thao thức suy nghĩ về hai câu thơ sau, thì tiếng chuông chùa Hàn San vang ngân lên, lập tức nhà thơ viết liền ra hai câu sau, hoàn thành bài thơ tuyệt tác để lại cho đời sau.

Cảnh sắc lúc đó, sương phủ mờ cả dòng sông và bến đậu, trăng xế ngang đầu. Chiếc thuyền của nhà thơ Trương Kế đậu lẻ loi bên bến Phong Kiều. Trên bờ, ngoài thành Cô Tô, chùa Hàn San mờ ảo trong đêm. Tiếng chuông chùa ngân vang, lay động cả màn sương và bật mở hồn thơ Trương Kế. Bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" thật tuyệt. Chúng ta đọc lại lần nữa nhé. Câu đầu, thơ đi nhịp nhàng, lửng thửng như nhà thơ đang nhàn du trong sương, dưới trăng: Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên, Câu hai, thơ như chậm lại bên hàng cây phong, dưới sông thấp thoáng ánh lửa thuyền chài, đêm buồn dịu lặng, ray rức: Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên. Câu ba, thơ sực tỉnh, như dừng lại, ngoài trăng, sương, sông, nước, còn ngôi chùa ẩn hiện trong đêm: Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự, Câu cuối, thơ ngỡ ngàng trước tiếng chuông chùa ngân vang trong lòng đêm yên lặng, giửa đêm tịch mịch, sương như lung lay, nước như gờn gợn, khách trong thuyền xao xuyến cả tâm hồn: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Đã có nhiều tác giả dịch bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc " sang tiếng Việt. Bản dịch tiếng Việt qua thể lục bát, theo tác giả Trần Trọng San, bản này của thi sĩ Tản Đà (5), nhưng tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã đính chánh, bản dịch đúng ra là của thi sĩ Nguyễn Hàm Ninh, nhưng không thấy dẫn chứng.

Theo Trần Trọng San, bản dịch của Tản Đà như thế này: (6) Trăng tà, tiếng quạ kêu sương, Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô, Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Bản dịch, theo Nguyễn Quảng Tuân là của Nguyễn Hàm Ninh (7), có vài điểm không giống hẳn như bản trên: Quạ kêu, trăng lặn, trời sương, Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ. Thuyền ai đậu bến Cô Tô, Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Tôi ghi cả hai bản dịch ra đây để tiện đối chiếu. Ngoài các bản dịch bài "Phong Kiều Dạ Bạc" ra tiếng Việt mà tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã dẫn trong tạp chí Văn Học số 191, tháng 03 năm 2002, tôi xin bổ túc hai bài dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của hai tác giả Trần Trọng San và Nguyễn Hà. Bản dịch ra chữ Việt của tác giả Trần Trọng San: Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều (8)

Trăng tà, tiếng quạ vẳng sương rơi, Sầu đượm hàng phong, giấc lửa chài. Ngoài lũy Cô Tô, chùa vắng vẻ, Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai. Bản dịch của Trần Trọng San, cùng thể, vừa giữ được ý thơ lãng mạn lại vừa giữ được nét cứng cỏi của thất ngôn. Bản dịch, tôi thiết nghĩ đáp được hai yêu cầu của tác giả Nguyễn Quảng Tuân, thứ nhất là Cô Tô là thành lũy chứ không phải bến và thứ hai là tính chủ động của tiếng chuông chùa ở câu bốn. Cô Tô vốn là tên ngọn núi ở phía tây nam Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô. Chính ở đây, xưa vào thời Đông Chu (770 đến 314 trước Công nguyên), Ngô vương Phù Sai đã xây đài cho Tây Thi. Vì thế mà tác giả Trần Trọng San dùng chữ "lũy" ở câu ba trong bài dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên, trong bài dịch, ở câu một tác giả Trần Trọng San đã đi hơi xa, dịch thoát ý, khỏi chữ "mãn" nghĩa là đầy, và chữ "thiên" nghĩa là trời, khiến cho "trời đầy sương" thành ra "vẳng sương rơi". Bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt của tác giả Nguyễn Hà: Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều Tiếng quạ kêu sương, nguyệt cuối trời Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại Khuya khoắc lay thuyền động giấc ai... (9)

Bản dịch của tác giả Nguyễn Hà không ổn vì: (1) ở câu một: quá thoát ý, (2) ở câu hai: lạc ý vì chỉ có ánh lửa chài chứ không có thôn chài, (3) câu ba và bốn: vừa đảo ý vừa lạc ý vì câu ba xác định vị trí của chùa Hàn San và ở câu bốn tiếng chuông lay khách trên thuyền chứ không lay chiếc thuyền. Theo tôi, bản dịch ở thể thất ngôn tứ tuyệt hay nhất là bản của tác giả Trần Trọng San. Còn bài thơ của sư cụ trụ trì và chú tiểu ở chùa Hàn San cũng được sách ghi lại: Hai câu của sư cụ là:

Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung,
Bán tự ngân câu, bán tự cung.

Nghĩa là: Mồng ba, mồng bốn, mặt trăng mờ mờ, Nửa như móc bạc, nửa tựa cái cung. Và hai câu tiếp theo của chú tiểu là:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,
Bán trầm thủy để, bán phù không.

Nghĩa là: Một chiếc bình ngọc chia làm hai mảnh, Nửa chìm đáy nước nửa nổi trên trời. Tác giả Trần Trọng San có dịch bốn câu thơ trên gồm hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu: Mồng ba mồng bốn trăng mờ, Nửa dường móc bạc, nửa như cung trời. Một bình ngọc trắng chia hai, Nửa chìm đáy nước, nửa cài từng không. (10) Dĩ nhiên, chúng ta không thể so sánh hai câu của sư cụ và hai câu của chú tiểu với bốn câu thơ của Trương Kế được. Một bên là những người bình thường với hồn thơ dào dạt, làm được những câu thơ như thế cũng xứng đáng được tán thưởng lắm rồi. Lẽ nào, chúng ta so sánh bài thơ đó với bốn câu thơ của Trương Kế, là người đã nổi tiếng về tài thơ trong thời Thịnh Đường. Về sau, vào đời nhà Thanh, học giả Khang Hữu Vi có dựng một tấm bia khắc lại bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc", để trong chùa Hàn San (11).

Trần Long Hồ

___

(1). Thơ Đường, Trần Trọng San, cuốn một, trang 114, nxb Bắc Đẩu, in lần thứ ba 1972, lần hai 1966, lần một 1957.
(2. Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 114.
(3). Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, quyển trung, trang 592, nxb Xuân Thu.
(4). Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 114.
(5) Tạp chí Văn Học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36.
(6) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 115.
(7) Tạp chí Văn Học, số 191, tháng 03 năm 2002, trang 36.
(8) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 116.
(9) Đường Thi Tứ Tuyệt, Nguyễn Hà, nxb Văn Hóa Thông Tin, 1996, trang 209.
(10) Thơ Đường, sách đã dẫn, trang 116.
(11) Đường Thi Tinh Tuyển, Duy Phi, nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2001, trang 247."


http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/195/tranlongho_doclaiphongkieudabac.htm


V.BULUKHIN

BẢN DỊCH BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC HAY NHẤT LÀ CỦA MỘT NHÀ THƠ QUẢNG BÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI CỦA TẢN ĐÀ







Bài thơ Phong Kiều dạ bạc là tuyệt bút của Trương Kế làm cách nay khoảng 1250 năm, phiên âm ra Hán Việt :


Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch xuôi:

Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều Trăng xế, quạ kêu, sương đầy trời.
Khách nằm ngủ trước cảnh buồn của anh đèn thuyền chài và hàng cây phong trên bờ sông. Từ ngoại thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn
Nửa đêm có tiếng chuông vọng đến thuyền khách


Chỉ với 28 chữ, bài thơ làm người đọc cảm được nỗi sầu của lữ khách giữa sông trăng hiu hắt anh đèn, với tiếng quạ kêu thảng thốt, với tiếng chuông chùa cô quạnh giữa thinh không ... Phong Kiều dạ bạc đã được Khang Hữu Vi (1) viết lên đá và bản khắc còn lưu tại chùa Hàn Sơn ở Tô Châu cho đến ngày nay. Các học giả Việt Nam như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Đản, Trần Trọng San ....đã từng dịch nhưng chưa có bản dịch nào hay bằng bản in ở trang 1311 mục “Thơ Đường đỉnh cao của văn minh nhân loại” trong sách ALMANACH (NXBVHTT 1995) mà nhóm làm sách cho là nhà thơ Tản Đà dịch.

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Không rõ các tác giả sách ALMANACH căn cứ vào đâu mà khẳng định như thế, vì từ năm 1962, khi ấn hành “Thơ Đường tập I”, Nhà xuất bản Văn hóa - Viện Văn học đã ghi dưới bản dịch trên là “khuyết danh”. Làm như vậy là thận trọng vì thời đó người ta không có bằng chứng nào để nói bản dịch trên là của Tản Đà. Chúng ta đều biết toàn bộ văn dịch của Tản Đà có trong bộ Tản Đà vận văn gồm ba quyển, do Tản Đà Thư cục xuất bản lần thứ nhất vào năm 1939, lần thứ hai vào năm 1940, lần thứ ba vào năm 1941.

Sau này Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản lần thứ nhất vào năm 1945, tái bản lần hai vào năm 1952. Trong lần in 1952 có đầy đủ nhất các tác phẩm của Tản Đà gồm thơ ca, từ khúc, chèo, sấm, lý, hát ả đầu, văn dịch...nhưng truyệt nhiên không có bản dịch Phong Kiều dạ bạc như đã nói trên. Thời đất nước chưa thống nhất, ở Sài Gòn có hai quyển sách in bản dịch trên và ghi người dịch là Tản Đà. Đấy là “Thơ Đường tập 1” in năm 1957 của Trần Trọng San và “Văn chương Trích diễm” in năm 1957 của Lý Văn Hùng.

Sự nhầm lẫn của hai tác giả này dẫn đến các tập thơ Đường in sau đó đều ghi bản dịch trên là của Tản Đà. Mãi đến năm 1995 khi khảo đính và chú thích bài Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (2), học giả Nguyễn Quảng Tuân cùng các cộng sự tìm đọc tập Trong 99 chóp núi (Đinh Nhật Thận với Thu dạ lữ hoài ngâm) của Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề mới hay rằng bản dịch lâu nay cho là của Tản Đà lại chính là của Nguyễn Hàm Ninh (3) một nhà thơ Quảng Bình.

Số là, ở sách Trong 99 chóp núi do nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1942 ông Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề cho hay:

Trong quá trình làm sách ông có mượn được một số di cảo thơ văn của Đinh Nhật Thận trong tủ Sách của Nguyễn Hàm Ninh. Ông cũng may mắn tìm thêm được một số di cảo của Nguyễn Hàm Ninh là bạn thân của Đinh Nhật Thận và Cao Bá Quát, trong đó có bản dịch bài thơ Phong Kiều dạ bạc mà lâu nay người ta cho là của Tản Đà. Nguyên văn bài dịch Của Nguyễn Hàm Ninh được Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề chép lại như sau:

Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San (4)

Câu đầu của bản dịch này (Quạ kêu, trăng lặn, trời Sương) có khác cầu đầu của bản dịch mà lâu nay nhiều người cho là của Tản Đà (Trăng tà chiếc quạ kêu sương ) Có lẽ do tam sao thất bản lâu ngày mà thành ra như vậy!
___


(1) Khang Hữu Vi: (1858- 1927) Nhà văn lớn, nhà tư tưởng tư sản, lãnh tụ phái Duy tân ở Trung Quốc cuối thế kỷ 19
2) Đinh Nhật Thận: (1818- 1868)t danh sĩ quê ở Thanh Chương Nghệ An, tác giả “Thu dạ lữ hoài ngâm”
3) Nguyễn Hàm Ninh: (1808-1867) người làng Phù Hóa sau dời về ở làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, Quảng Trạch. Năm 1831 đỗ đầu kì thi hương, đã từng làm tri huyện Lục Ngạn, Án Sát Khánh Hòa, ông nổi tiếng hay chữ. Là bạn xướng hóa với nhà thơ danh tiếng Cao Bá Quát. 4) Người viết bài này tham khảo bài viết “Đến Hàn San tự để tìm hiểu bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế của Nguyễn Quảng Tuân, mới đây lại được hầu chuyện cụ Tuân tại tư thất của ông (5) Đinh Tiên Hoàng phường ĐaKao TPHCM) được ông cung cấp cho những tư liệu cần thiết.

http://bulukhin.multiply.com/journal/item/75/75







____
1. Bài này là thơ Nguyễn Hàm Ninh trong quyển "Trong 99 Chóp Núi" của Đầu Tiếp.
Nguyễn Thiên Thụ đặt nhan đề bài thơ.
(2). Trong 99 Chóp Núi ghi là giấc hồn. Có lẽ do ấn công xếp sai. Như vậy là không vần.Các bản khác ghi là giấc hồ. Nay Nguyễn Thiên Thụ xin sửa lại.


***

No comments: