Tuesday, February 2, 2010

VUA BẢO ĐẠI 11

*
Chương 21

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, từ mờ sáng, Bảo Long rời khỏi cung An Định, nơi cậu ta sống cùng mẹ và các em từ khi cha thoái vị. Người kéo xe đã chờ sẵn ngoài cổng. Cùng đi còn có một người trẻ tuổi, theo hầu từ lúc chào đời, chắc hẳn còn là người bạn thân thiết của cậu.
Không ai nói với ai một lời, như những kẻ đi trốn, hai người men theo khu vườn rộng, lùi lũi ra khỏi cung về phía thành phố. Trời hửng sáng rất nhanh và trong chốc lát tia nắng trời rụt rè của mùa đông miền Trung đã chiếu hắt lên những bức tường gồ ghề bao quanh khu nhà hát cũ đằng sau cung. Ở Huế, khu phố nầy mang dáng dấp thôn dã, nhưng trong số những người nhà quê hàng ngày vẫn làm ruộng quanh đó, không ai để ý hai người đang lén lút ra khỏi cung. Trong gia đình hoàng gia, kể cả những người thân cận, không một ai nói lên hai tiếng "đi trốn". Bản thân bà Nam Phương cũng thấy chối tai. Ngồi trong nhà bà nhìn theo đứa con trai đầu lòng và người hầu cho đến khi hai người đi qua cổng, vượt bức tường ngăn rồi bước lên chiếc xe kéo chờ sẵn. Lúc nầy xe xích lô còn ít người dùng, không phổ biến như những năm sau. Có ít người ở Trung Kỳ sử dụng xích lô mà một vài năm sau nó trở nên rất phổ biến. Hai người bước lên xe lọt thỏm trong thùng xe bên cạnh túi đựng quần áo và đồ dùng vặt vãnh. Người hầu gái của bà Nam Phương cũng vừa đến. Không hề có ôm hôn, chỉ một chút biểu hiện tình cảm. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, lắc lư. Bà Nam Phương lặng lẽ nhìn theo. Thực ra chỉ đi một quãng ngắn hơn trăm mét là đã đến khu nhà thờ dòng Chúa cứu thế. Ở đó đứng sau cánh cổng, một cha cố đã đợi sẵn.

***

Một vài tuần trước đó, Pháp đã nổ súng gây hấn ở Hải Phòng. Sáu nghìn người chết vì trọng pháo từ tàu chiến bắn vào. Sáu nghìn thường dân vô tội đã phải trả giá cho cơn giận dữ của cả hai bên Pháp và Việt Nam.


Tất cả bắt đầu bằng một vụ tranh chấp hải quan ở cảng Hải Phòng. Quan hệ hai bên vẫn rất căng thẳng. Việc hai bên, kẻ thắng cũng như người thua cùng đóng quân cạnh nhau trước đây còn vui vẻ cùng diễu binh ở Huế cũng như ở nhiều nơi khác nay nhường chỗ cho các cuộc đụng độ. Tình trạng lộn xộn và hy vọng qua đi, đến lúc nổ ra xung đột, tóm lại, là không thể tránh khỏi giữa Việt Nam và Pháp. Nó được nhen nhóm từ nhiều tháng nay, gần như hàng năm nay và vào tháng 12 năm 1946, nó đã thực sự nổ ra. Chính xác hơn là vào đêm 19, đầu tiên là ở Hà Nội, rồi đến Huế, nghĩa là chỉ một vài giờ đồng hồ sau khi Bảo Long rời khỏi cung An Định. Bà Nam Phương đón trước được tình hình nầy là do mạng lưới những người công giáo cung cấp đều đặn tin tức liên quan đến các sự kiện đang diễn ra tại Việt Nam.


Bà muốn đưa hết các con vào lánh trong khu nhà thờ, nhưng bà hoàng thái hậu phản đối. Cuộc tranh luận kịch liệt, không ai chịu ai đôi lúc dẫn đến việc hai mẹ con giận dỗi nhau thật sự...
Thực vậy, vấn đề trở nên nghiêm trọng. Chính quyền cách mạng không hề có thái độ thù nghịch với hoàng gia vậy có nhất thiết phải. rời bỏ cung An Định đang được bộ đội Việt Nam bảo vệ để chạy sang khu vực khác để tìm sự che chở hay không?


Theo tính toán của bà cựu Hoàng hậu, ngài Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ đã bỏ đi, sống đâu đó ở Trung Hoa hay Hongkong, như vậy ông không còn vai vế gì trong chính phủ cách mạng. Ảnh hưởng của ông trên mảnh đất Việt Nam là rất ít, thậm chí là số không. Những người lãnh đạo chính phủ sẽ chuyển sang đường lối cứng rắn. Vì thế bà cựu Hoàng hậu thấy cần phải tìm kiếm một thế lực khác để nương tựa cho chắc chắn.
Biết đi đâu đây? Người Pháp đã cố thuyết phục nhưng bà khước từ dọn đến ở trong khu vực do họ kiểm soát. Đưa ngay gia đình vào khu vực quân đội Pháp để được che chở đưới bóng cờ ba sắc, con trai bà sẽ mất đi mọi cơ may trở lại ngôi báu, tách khỏi trào lưu độc lập trong lúc nầy đang tập hợp được đa số các tầng lớp dân chúng người Việt. Tất nhiên bà cần phải tìm một nơi nào gẩn đó, phòng lúc nguy cấp có thể nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn. Người nữ sinh cũ của trường dòng Les Oiseaux phải xử sự khôn ngoan để không gây phiền hà cho ngài cố vấn vừa không làm liên luỵ tới con trai bà cho nên đã chọn một nơi tạm trú "trung lập" nghĩa là đứng giữa, không ngả về phía Pháp hay Việt Minh và cũng để chứng tỏ rằng không phải bà đã thay đổi lập trường chính trị. Vì vậy bà đã cho Bảo Long đi trước và đã đến nơi trú ẩn một cách dễ dàng.
Bây giờ, bà chỉ còn lo sao cho bản thân và những đứa con khác cũng sẽ ra đi tiếp. Lần nầy không giữ được bí mật nữa. Người chính trị viên đơn vị bảo vệ đã biết rõ ý định của bà đưa các con ra khỏi cung An Định. Thoạt đầu anh ta tức giận không chấp nhận lời thỉnh cầu của bà. Bà cựu hoàng từ tốn và kiên trì giảng giải lý lẽ. Cuối cùng người chính trị viên cũng mủi lòng đồng ý làm ngơ để bà đưa các con ra khỏi cung An Định(1).


Cả gia đình bà cựu Hoàng hậu Nam Phương nay ở nhờ trong trường dòng Cứu thế do các cha đạo người Canada gốc Pháp cai quản.
Trong khu giáo đường tôn nghiêm phấp phới lá cờ Canada. Trung lập theo ý nghĩa chính trị mà cũng là một địa điểm nằm đúng giữa hai phòng tuyến Việt Nam và Pháp trong cuộc giao chiến sắp xảy ra nay mai. Đúng vậy, tu viện dòng Cứu thế, một bên chỉ cách cung An Định, nơi bộ đội Việt Nam đã chiếm giữ làm vị trí tiền tiêu, một quãng ngắn còn Pháp sẽ đóng quân trong nhà thờ Thiên Hựu ở phía đối diện. Tu viện mang một dáng vẻ cổ kính của các nhà thờ tôn giáo dưới thời quân chủ ngày trước, đó là một toà nhà rộng hình chữ nhật gồm hai dãy phòng dành cho các tu sĩ có hành lang bao quanh. Đó là nơi các cha xứ vẫn thường hành lễ và xưng tội. Một toà nhà thật đẹp, được trang trí một cách cầu kỳ bằng những đường chỉ bằng thạch cao. Toà nhà mang dáng vẻ của một toà lâu đài mà ngày nay các cha trông coi vẫn gọi nó với một giọng đầy mỉa mai là "một cung điện Versailles thu nhỏ". Tu viện trông càng sâu thêm khi phía bên trong là một toà nhà khác bình dị hơn, đó là giáo đường hay là một trường dòng, vào thời mà gia đình bà Nam Phương tạm lánh ở đây, thật đông đúc chủng sinh trong đó một số chỉ nhỉnh hơn tuổi Bảo Long. Từ năm 1952, một nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc hiện đại bằng bê tông nằm sát ngay bên cạnh tu viện, làm thay đổi phần nào kiến trúc của tu viện.


Tại sao ở Huế lại có mặt người Canada? Các giám mục Việt Nam mong có các tu sĩ đến để giảng đạo cấm phòng. Toà Thánh đã đề nghị các cha người Canada tới vì xem ra dòng tu Canada hợp với ý nguyện của giáo hội châu Á. Do đó vào một ngày đẹp trời năm 1925 khoảng 15 cha cố người Canada gốc Pháp thuộc giáo phận Sainte-Anne-de-Beaupré xứ Québec thuộc Canada đã đến Huế đảm nhiệm công việc truyền giáo.
Cha Larouste, đứng đầu tu viện, buổi sáng hôm ấy đã thân hành đứng đón Bảo Long ở cổng tu viện. Ông có bộ râu rậm và dài, trắng muốt che kín ngực. Ông được làm quen với bà cựu Hoàng hậu chỉ từ khi bà ra khỏi hoàng thành sau lễ thoái vị của Bảo Đại, về ở cung An Định, hàng ngày bà đi chầu ở nhà nguyện trong tu viện ngay sát gần cung An Định.
Cuộc gặp đầu tiên giữa bà cựu hoàng và đứa con trai của mình với cha xứ diễn ra trong không khí nặng nề, gần như ngột ngạt. Theo ý Cha bề trên, nếu để cho gia đình bà lánh nạn trong trường, cộng đồng người Canada và toàn thể tu viện có thể bị liên luỵ. Bộ đội Việt Minh có thể bắt Bảo Long làm con tin để ngăn cản bà chạy sang phía Pháp.


Trong trường dòng, khi mẹ đưa các em đến, Bảo Long thản nhiên, lạnh lùng không mảy may xúc động, không ôm hôn, rơi nước mắt như phong tục yếu đuối của người Tây phương. Trong bữa ăn đầu tiên ở viện, cả nhà ăn uống bình thường, không làm dấu, không đọc kinh cầu nguyện. Bảo Long suốt ngày mặc quần soóc lửng theo lối phương Tây, được bố trí một phòng riêng.
Cậu ta cảm thấy thoải mái, nhanh chóng thích nghi với môi trường tôn giáo nhất vì mẹ của cậu là người sùng đạo Trong tu viện có nhiều chủng sinh hoặc con em các gia đình lánh nạn khác cùng lứa tuổi, cậu làm quen rất nhanh, mặc dù sau một năm học ở trường công trong thành phố cậu đã quen với nền nếp sinh hoạt nhi đồng theo cách giáo dục của Việt Minh, được hưởng thụ nhiều tự do khác hẳn lề thói giáo dục để làm vua trong hoàng cung trước đây, hoặc tác phong sinh hoạt tôn giáo trong tu viện.
Vào đây không còn có nhiều gia nhân đầy tớ nữa, ngoại trừ một cô hầu phòng duy nhất đi theo bà hoàng... Người hầu Bảo Long từ khi cậu mới ra đời đã đưa cậu đến đây cũng như người kéo xe nay nhận công việc gác cổng trường dòng(2).
Mặc dầu hoàn cảnh chật chội chen chúc, gia đình bà hoàng cũng được Cha bề trên thu xếp cho ở trong bốn căn phòng riêng sát liền nhau có cửa ra vào thông nhau để cả nhà đi lại, ra vào gặp gỡ nhau mà không phải đi qua hành lang, tránh không chung đụng với những gia đình lánh nạn khác. Các tu sĩ từ các nơi dồn về làm tu viện trở nên quá chật chội. Sáu mươi cha xứ và tu sĩ một trăm ba mươi chủng sinh, hàng chục gia đình lánh nạn gồm cả Pháp lẫn Việt. Chăn đệm xếp từng chồng khiến hành lang trở nên chật hẹp, không có chỗ len chân.


Những chiếc bàn dài được kê sát tường. Chính các cha đã thu gọn chúng lại, còn các cha được dành ở tầng hai. Đông người ở chung làm cho cuộc sống trở nên khó khăn. Nước rất khan. Các con bà Nam Phương phải học cách rửa mặt mỗi buổi sáng với một ca nước.
*** Ngay đêm đầu mới đến, vào khoảng hai giờ sáng, cả tu viện đột ngột tỉnh giấc vì những tiếng nổ chát chúa. Sau đó là tiếng súng liên thanh, súng cối, lựu đạn xen lẫn tiếng thét xung phong bằng cả hai thứ tiếng Pháp, Việt. Đèn phụt tắt, nước trong vòi ngừng chảy. Mọi người hốt hoảng sợ hãi chạy ào ra sân nhảy xuống các đường hào cuối vườn, dán mình vào các gốc cây. Chiến tranh đã bùng nổ. Việt Minh lần nầy đã áp dụng cách đánh tập kích vào ban đêm y như 21 tháng trước đây Nhật đảo chính Pháp đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945. Nhưng lần nầy, quân Pháp được trang bị tốt hơn và ít bất ngờ hơn.

Tại Hà Nội, bộ đội, tự vệ chiến đấu toàn thành phố nhất loạt nổ súng tiến công các vị trí Pháp, đốt cháy hoặc vây hãm các ngôi nhà theo phong cách kiến trúc châu Âu. Đối phương trở tay không kịp, nhiều người bị giết, một số bị bắt làm con tin. Đêm đầu tiên, người ta đã ước tính có 300 người bị mất tích tại thủ đô, trong đó có nhiều thường dân, đa số là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt những người lai Âu-Á là những nạn nhân chính.

Ngay cả Jean Sainteny, uỷ viên cộng hoà Pháp cũng bị thương khi xe của ông bị trúng mìn. Lệnh tiến công được quy định đồng loạt là 20 giờ tối 19 tháng Chạp nhưng do thông tin liên lạc chậm trễ nên mãi đến nửa đêm Huế mới nổ súng. Sự sai lệch nầy đã làm cho quân Pháp đề phòng và kịp loan báo cho các nơi đóng quân khác.
Lực lượng Pháp đóng tại cố đô phải đương đầu với hàng loạt cuộc tiến công của đối phương. Tuy được trang bị tốt, có xe bọc thép, nhất là được phi cơ yểm hộ (những chiếc Spitfire nổi tiếng mua của Anh) nhưng đối phương là những chiến sĩ quyết tâm, sẵn sàng hy sinh hơn là đầu hàng, miệng hát vang bài quốc ca Việt Nam. Họ tiến công anh dũng các vị trí Pháp khiến người ta nhớ lại các "hành động tự sát" của quân Nhật trước đây. Đi tiên phong trong các trận đánh là những đội quyết tử gồm những người lính mới qua 10 ngày huấn luyện để sẵn sàng hy sinh ngay trong trận đánh mở màn của cuộc tiến công nổi tiếng đêm 19 tháng Chạp(3). Theo kế hoạch đã định, ngay từ lúc bắt đầu nổ súng, bộ đội Việt Minh được lệnh mở đợt tiến công mãnh liệt, kiên quyết, liên tục để tạo thế bất ngờ, nhanh chóng tiêu diệt gọn không để đối phương kịp trở tay. Thế là họ lao vào cuộc chiến và hàng trăm người đã trúng đạn bỏ lại thi thể ngay trên cánh dồng, các hàng rào, trên đường phố. Họ là một đội quân dũng cảm, vô danh không phiên hiệu cũng như không có các vị tướng nổi danh. Họ chỉ là những người lính, những chiến binh sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cao cả. Họ là những dân quân, không mặc đồng phục, xung trận trong bộ quần áo thường dân. Phần lớn bộ đội Việt Nam tập trung trong hoàng thành. Một số khác giữ trụ được ở đầu cầu bờ nam sông Hương là nhờ lực lượng chốt trong cung An Định. Còn quân Pháp tập trung ở gần đó, đóng quân trong trường Thiên Hựu (Providence), trước đây cũng là một tu viện. Xe bọc thép được bố trí trên một thửa ruộng ngay dưới chân đê, chĩa nòng pháo ra xung quanh. Khu vực trường dòng Cứu thế nằm giữa hai vị trí đối địch cho nên sẽ trở thành điểm tranh chấp ác liệt giữa hai bên Pháp, Việt.


Đạn súng cối tầm gần của Việt Minh rơi trúng vào tường của trường dòng, phá huỷ chiếc cổng lớn của trường dòng làm hỏng hàng chiến và các chân cột. Một chiếc cột trúng đạn cối đã sụp đổ. Mái nhà bị nghiêng, khói đạn mù mịt trong các hành lang. Những người trong tu viện dù là tu sĩ hay dân tị nạn đều ở vị trí thuận lợi để quan sát tại chỗ các diễn biến. Bảo Long nhìn thấy một chiếc xe tăng bị trúng mìn và các dù thả quân tăng viện và lương thực rơi xuống cánh đồng ngay bên cạnh, nhận ra những chiếc phi cơ bay thấp ngay trên đầu là những chiếc Spitfire đang bắn phá các toà nhà trong cung An Định, nơi cậu sống mấy hôm trước đội quân nhảy dù sang mặt trận bên kia, cậu cũng nhận ra máy bay Spitfire đang bay sát mặt đất ngay trên đầu cậu để xả đạn vào ngôi nhà mà cậu đã sống ở đó mấy ngày hay mấy giờ trước đây. Cậu nghe thấy cả tiếng lách cách của các súng liên thanh. Sợ nhất là các tiếng nổ vào ban đêm. Bộ đội Việt Nam thường lợi dụng đêm tối để tấn công quân Pháp nhiều hơn ban ngày.

Ngày 20 tháng Giêng, khi trời hửng sáng thì một quả mìn đã được gài sẵn ở trong số các mố cầu ngay sát gần mặt nước nổ tung, làm tung lên một cột nước. Nhưng chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương chỉ bị hư hỏng nhẹ như bất đắc dĩ. Người đi bộ vẫn đi qua được cho đến khi hai tiếng nổ liên tiếp làm cây cầu bị sập hoàn toàn. Bây giờ thì cây cầu nổi tiếng Trường Tiền (đương thời còn gọi là cầu Clémenceau) đã sập hẳn chìm dần trong dòng nước sông Hương. Việc giao thông đi lại trên cầu tạm ngừng. Đám đông tụ tập gần đó thấy đã phá huỷ được chiếc cầu sắt kiên cố reo hò hoan hô. Dân chúng cố đô phần lớn sống tập trung quanh hoàng thành ở bờ bắc sông Hương. Còn quanh khu vực phố Tây ở bên bờ nam thì không thấy bàn tán gì dù cũng có một số người dân ở đây đã có mặt lúc cầu bị đánh sập.
Tiếng reo hò xen lẫn tiếng hát vang lên từng đợt. Tự vệ, dân quân là những người náo động nhất chiếm số đông trong các trận đánh. Quân số của họ là hơn một nghìn rưởi. Họ mặc thường phục trên ngực áo chỉ ghim một miếng vải đỏ-vàng, tượng trưng cho màu quốc kỳ Việt Nam. Lực lượng chính quy Việt Nam gồm khoảng hai nghìn quân. Họ phối hợp với nhau, thay nhau tiến công liên tục các vị trí Pháp. Trên dải đất hẹp trên bờ bắc sông Hương đối diện với các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa bên bờ nam, dân quân và tự vệ - những người lính đầu tiên làm quen với trận mạc - ở thế áp đảo do quân số đông. Ngoài ra bộ đội còn đóng rải rác khắp chung quanh thành phố để bao vây quân Pháp, cố dồn đối phương vào khu phố Tây nhỏ hẹp hình tam giác để tiêu diệt.


Ở Huế, Pháp có 750 quân thuộc trung đoàn 21 bộ binh thuộc địa và một trung đoàn xe bọc thép có những tháp pháo nhô lên nhưng được nguỵ trang kỹ bằng lá cây Cây cầu sắt Clémenceau hoành tráng bắc qua sông Hương, vốn là niềm tự hào của thành phố, nay đã đổ gục, dầm cầu chìm sâu trong dòng nước. Đi lại qua sông phải dùng thuyền bè.
Tiếng đại bác 75 gầm vang át cả tiếng hô xung phong. Nhưng pháo binh Việt Nam chưa biết điều chỉnh được tầm bắn, chưa biết phối hợp với bộ binh, nên chưa phát huy được hoả lực. Sau nầy, trong chiến tranh, các khẩu pháo được đưa đến gần mục tiêu và bắn thẳng nên gây nhiều thiệt hại cho đối phương hơn. Còn giờ đây, tiếng súng đại bác chỉ có tác dụng cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của bộ binh.
Tối ngày 20 tháng Giêng, một bản thông cáo chiến sự đầu tiên làm nức lòng quân và dân xứ Huế. Hơn 100 lính Pháp bị loại khỏi vòng chiến. Một xe Jeep và hai xe bọc thép bị phá huỷ. Chiến công đầu thật đáng phấn khởi. Nhưng không có ý nghĩa quyết định. Vì nhiều lý do, thông tin liên lạc chậm trễ hay chuẩn bị chưa xong, Huế nổ súng chậm hơn Hà Nội đến sáu tiếng rưỡi đồng hồ. Như vậy, còn đâu là yếu tố bất ngờ nữa?
Tuy nhiên, tại Huế, trong những giờ phút giao tranh đầu tiên, bộ đội Việt Nam giành được lợi thế. Máy phát điện nổ tung, đèn tắt ngấm cùng một lúc với hiệu lệnh tiến công. Điện mất thì nguồn nước cũng bị cắt. Kho xăng bốc cháy nguồn xăng dầu có nguy cơ cạn sạch.
Bị tiến công tới tấp, quân Pháp rút bỏ nhiều vị trí bên bờ bắc rút về khu hành chính và khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để cố thủ chờ viện binh. Việt Minh làm chủ khu dân cư bên bờ bắc. Tự vệ, dân quân và bộ đội chính quy dùng hàng trăm chiếc thuyền, ghe vượt sông đổ bộ sang bờ nam, tiếp tục tiến công quân Pháp. Vừa đặt chân lên bờ họ ào ạt xung phong ngay vào các vị trí Pháp đóng trong các toà nhà công sở dọc bờ sông. Hăng hái, dũng cảm có thừa, nhưng tiến công thiếu bài bản, trang bị vũ khí không đủ, sau lưng là mặt sông không có chỗ dựa, họ vẫn xông thẳng lên, bất chấp thiệt hại. Sau cuộc tiến công vào sở Công chính Trung bộ, cả một trung đội hy sinh chỉ có ba người sống sót?


Xác chết ngổn ngang bao quanh các toà nhà theo kiến trúc thuộc địa. Tuy nhiên họ đã chiến thắng. Quân Pháp rút bỏ dãy nhà công sở dọc bờ sông riêng vị trí Monn ở ngay đầu cầu Clémenceau vẫn trụ vững. Toà nhà khách sạn vuông vức, dáng hơi cổ lỗ, đối diện với hoàng thành là nơi cố thủ của quân Pháp ở Huế, một thách thức đối với lực lượng Việt Minh tập trung trong thành nội ở phía trước mặt bên kia sông Hương. Trận đánh giành giật khách sạn Morin diễn ra ác liệt giữa lực lượng tiến công và quân cố thủ.
Cũng như đạn đại bác, các trái lựu đạn tự tạo của Việt Minh không phát huy hiệu lực do được chế tạo từ các chất liệu kém chất lượng. Các đường đạn của lính Pháp gây nhiều thương vong cho bên tiến công. Việt Minh tiếp tục tăng viện từ bờ bắc sang. Như những con kiến, mỗi người mang một bó rơm để sẽ đốt dưới toà nhà chính trong khách sạn. Nhưng như thế chưa đủ. Phải lâu mới cháy hết. Vì thế họ đổ các xô ớt vào đống lửa. Rơm trộn ớt cháy nổ lép bép tạo ra một đám khói mù mịt đến ngạt thở.


Nhưng đã quá muộn. Xe bọc thép Pháp, đã xuất hiện cách đó chỉ khoảng một trăm mét. Ngay lập tức, chúng nổ súng chặn đứng cuộc tiến công và cuối cùng đánh lui được lực lượng tiến công.
Khách sạn Morin đáng thương, đen sạm khói súng vẫn nằm trong tay quân Pháp. Việt Minh bị thiệt hại nặng, bỏ dở cuộc tiến công, và sau đó không trở lại nữa. Họ bỏ lại các toà nhà đã chiếm được, rút ra ngoại thành thắt chặt vòng vây, tiếp tục quấy rối, tiêu hao lực lượng Pháp. Mấy lần Pháp đưa mấy trung đội cố gắng nống ra phá vây nhưng không thành công. Binh lính và thường dân Pháp ở Huế bị vây chặt trong thành phố trong nhiều tuần(4).


Ngay đêm 19 tháng Chạp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi:
"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thưc dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chử nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp đế cửu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm,. không có gươm thì dùng cuộc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thưc dân Pháp để cứu nước. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước... "(5) Chiến tranh lan rộng, giao tranh ngày càng dữ dội và quyết liệt. Cuộc chiến đấu ở Huế kéo dài hai tháng. Hai tháng kinh hoàng cho người dân cố đô. Hai tháng cầu nguyện không dứt đối với các thầy tu trong bầu trời rực lửa. Khó khăn lắm quân Pháp mới ngăn được các cuộc tiến công của đối phương nhưng luôn luôn bị vây chặt và phải chiến đấu từng ngày để khỏi mất thêm các điểm tựa.


Từ mấy tuần trước, khi tình hình trở nên căng thẳng, Bảo Long không đến lớp nữa. Cậu không còn nhắc tới các khẩu hiệu của Việt Minh nữa. Chúng đã lùi về quá khứ mà những người thân trong gia đình bà hoàng cũng cố gắng để cậu không nhớ tới nữa.
Cậu được mẹ cho mặc bộ quần áo hợp với tuổi, khác với quần áo của bọn trẻ cũng đang lánh nạn trong trường dòng. Tuy nhiên từ ngày đến đây, cậu không còn đi bít tất ngắn nữa. Cậu không thích ngủ một mình trong căn phòng dành cho mình. Quá tối, không có không khí, quá kín mít. Mấy tháng sống như bị giam lỏng, cậu phải bỏ sở thích đi chơi lông nhông với lũ bạn trên phố. Cậu cảm thấy gò bó, như bị nhốt trong tù. Cậu thích được ngủ chung với những đứa trẻ khác.
Vài ngày sau, giao tranh đỡ kịch liệt hơn. Đúng vào lúc cậu đã quen với những tiếng nổ đinh tai và những chùm tia sáng xé màn đêm. Lúc đầu cũng thấy sợ. Sợ cuống cuồng, rúc đầu vào nệm, thở hổn hển. Đêm đầu tiên thật kinh khủng. Mọi người trong tu viện đang ngủ, sau những tiếng ùng oàng đầu tiên, vùng ngay dậy, rối rít chạy đi tìm chỗ ẩn nấp, nhưng Bảo Long trong trạng thái quá căng thẳng gần như suy sụp cậu ngồi lì một chỗ. Chẳng thiết ăn uống. Ngay cả Cha bề trên Larouste có bộ râu dài, rất bình tĩnh, ra sức an ủi cậu ta cũng không ăn thua.


Tuy nhiên mấy ngày sau, cậu ta quen dần và còn thấy trong hoàn cảnh tị nạn như thế nầy cũng có cái hay. Giống như một cuộc thí nghiệm độc đáo, gần như một trò chơi. Bây giờ thì đúng là cậu ta không phải vui đùa với đánh trận giả có máy bay mà còn say mê với cuộc xung đột thật sự đang diễn ra. Cậu còn ép buộc các em chơi trò chiến tranh như thể là những sự kiện đang diễn ra ngoài kia vẫn chưa đủ. Cậu thích nhất là máy bay. Cũng giống như cha cậu trước đây khi Huế bị Mỹ ném bom lần đầu tiên, cậu nhận ra đó là những Spitfire bay là là sát mái nhà rồi những chấm trắng nhỏ từ trên trời hạ dần dần xuống. Đó là những chiếc dù mang lương thực và vũ khí do máy bay DC-3 hoặc Dakota thả xuống tiếp tế cho quân đang bị vây hãm. Bảo Long chăm chú nhìn theo dõi, chỉ cho các em từng loại máy bay. Cả những chiếc Junker 52 mới tịch thu được của Đức, được Pháp đặt lại tên là Toucan. Trong những ngày hiếm hoi tạm im tiếng súng, bầu trời yên bình vắng bóng máy bay, Bảo Long ra sân chơi. Chỉ có những trận đánh lẻ tẻ, những cuộc xung phong chớp nhoáng, rời rạc của bên nầy hoặc bên kia. Có những hôm yên ắng, Bảo Long nai nịt quần áo mùa đông bịt kín đầu, chơi trò dựng trại bằng hàng trăm vỏ đạn liên thanh 7,65 do máy bay Spitfire thả xuống rải rác trong vườn của các cha xứ.


Cậu cùng với các em còn nuôi những con vật bị lạc đang lang thang tìm chỗ trú ẩn. Mấy anh em Bảo Long đã quen với cuộc sống kỳ lạ vừa khủng khiếp vừa đau khổ. Dường như không còn gì khiến chúng phải chú ý hay bị "choáng" nữa. Chúng thản nhiên như đã quen với hiểm nguy và cả cái chết.
Bảo Long mặc dù tuổi còn nhỏ phải làm quen với cuộc sống trong tu viện. Cậu vẫn tiếp tục cuộc sống trong tu viện. Chẳng có gì đáng cười. Chỉ có chặt chẽ, nghiêm túc, kém vui vẻ hấp dẫn như ngoài đời từ sau cách mạng. Dậy sớm trước 5 giờ sáng, ăn bữa sáng đạm bạc. Chỉ có cơm và cơm. Không có thức ăn. Thỉnh thoảng các cha xứ chia cho mấy khẩu phần ăn do lính Pháp đem biếu. Khi đó, không khí vui vẻ như ăn tiệc.
Nhưng những bữa tiệc như thế thật hiếm hoi. Tuy nhiên, các tu sĩ quen sống kham khổ. Đôi khi còn chịu nhịn, tô điểm thực đơn của Bảo Long bằng những thức ăn do các con chiên đem biếu các cha nhân ngày giỗ tết ở Huế, thiên chúa giáo và tín ngưỡng truyền thống vẫn chung sống hoà thuận với nhau, không khi nào xung khắc(6).


Đêm đêm, mọi người trong trường dòng đều thức dậy để cầu kinh. Sau khi ngủ lại vài giờ nữa mọi người lại thức dậy hành lễ bước sang một ngày mới. Nhưng điều kỳ lạ nhất đối với bọn trẻ là buổi lễ tiến hành vào các ngày thứ sáu hàng tuần, sau khi đã cầu kinh tối. Các cha xứ gọi đó là lễ đánh roi tự phạt. Các đèn đều bật sáng, mỗi người về phòng riêng của mình, cửa mở tung. Họ trút bỏ quần và tự đánh vào mông bằng những sợi thừng làm bằng cây gai. Trong lúc tự hành xác họ vẫn tiếp tục đọc to kinh sám hối. Lúc nầy bọn trẻ trong gia đình bà hoàng vẫn nằm im ở trong phòng riêng của chúng, không nhìn thấy gì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh mà thôi.


Vài ngày trước lễ Phục sinh, quân Pháp bị bao vây đã hai tháng ròng, việc hành xác sám hối của các cha xứ dòng Chúa cứu thế tăng gấp đôi. Trong lúc đang chơi với lũ trẻ, một cha bỗng nhiên thốt ra một tiếng thở dài đau đớn. Chúng xúm lại hỏi lý do, tỏ ý lo ngại. Cha liền chỉ cho chúng xem cái áo có cài dây kẽm gai bó chặt ngực để sám hối.
Dù lòng nhiệt thành sám hối bằng tự hành xác gây xúc động và căng thẳng, dù các trận giao chiến gây nguy hiểm bà Nam Phương cảm thấy dần dần bớt căng thẳng hơn, trong lòng thanh thản, thậm chí bà còn đem chiếc máy quay phim 9,5 ly ra quay cảnh chíến tranh.
Cũng giống như chồng bà đã từng quay phim những lần máy bay Đồng Minh đi qua trên bầu trời Huế trong thời Nhật chiếm đóng. Bà cảm thấy lại được sức mạnh trong lúc xung quanh bà chỉ có các cha công giáo, những người bạn thực sự của bà.


Tất cả mọi người trong trường dòng đều dành cho gia đình bà và cậu con trai bà sự quý trọng. Tất cả mọi người đều biết rõ tung tích gia đình bà. Những người mới đi tu, 130 thầy tu trẻ măng hay gặp gia đình bà, lặng lẽ quan sát và đôi khi bắt chuyện. Một hôm, một cha xứ tuổi còn trẻ - chính là cha Điệt, nay đã trở thành Cha Bề trên của tu viện dòng Cứu thế tại Huế - đã nói với bà: "Bà là Hoàng hậu, chắc bà phải sung sướng lắm". Bà đã trả lời một cách rất khôn ngoan: "Không phải như vậy đâu, giàu có không đem lại hạnh phúc mà là cái "tâm" của mỗi người". Bà vốn ít can dự vào cuộc sống của cộng đồng tôn giáo ở đây, cũng biết quy định của dòng Cứu thế là không được tiếp người lạ.


Bà hiếm khi ra khỏi phòng riêng và tất cả đều được báo trước để bà khỏi phải đi qua lối hành lang. Bà đọc sách và năng cẩu kinh, được bảo đảm an toàn. Căn phòng riêng của bà được các hành lang bao quanh không có cửa sổ trông ra phố.
*** Ngay khi chiến sự bùng nổ, bà Hoàng Thái hậu đã rời Huế, đi tản cư tại quê nhà. Cung An Định giờ đây vắng lặng, lo sợ chiến sự lan tới mọi người đã bỏ đi. Chỉ còn một vài người hầu, trong đó có Nguyễn Đức Hoà, một trong những người đã sống ở đây lâu nhất ở lại với một vài người đàn bà có tuổi ông Hoà có đôi khi cũng về tận quê để vấn an bà Hoàng Thái hậu. Cuộc sống thời chiến thật cam go. Toà nhà chính đã sập vì trúng bom. Chỉ còn sót lại hai dãy hai bên đầu hồi ngày trước vẫn dành cho gia nhân.


Nhiều tuần trôi qua, quân Pháp vẫn không phá được vòng vây. Quân tăng viện vẫn chưa đến. Việt Minh cũng chưa có cuộc tiến công lớn nào. Một hôm, Phòng Nhì - cơ quan an ninh Pháp cho biết sắp có cuộc tiến công lớn của đối phương vào trường dòng, Việt Minh đang truy tìm gia đình bà hoàng, nhất là thái tử Bảo Long để ngăn chặn việc tái lập nền quân chủ, khi Pháp trở lại.
Quân Pháp đã báo trước cho các cha xứ biết nếu Việt Minh tiến công trường dòng, họ sẽ lập tức kiên quyết chống trả ngay, nhất định không để đối phương chiếm được trường dòng mặc dù đó là một mục tiêu rất khó bảo vệ.


Trước tiên các cha xứ trong trường dòng Chúa cứu thế tìm cách che giấu tung tích Bảo Long. Cha Bề trên đã ra lệnh cạo trọc đầu cậu bé để dễ trà trộn với các chủng sinh. Người ta còn đặt một tên mới là Nguyễn Ngọc Bảo và bắt phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nếu chẳng may bị bắt thì không bị lộ tung tích. Theo Cha Điệt kể lại, thì trong thời gian ngắn ngủi tạm lánh ở đây, Bảo Long đã vài lần nghe giảng giáo lý... Tuy nhiên, dường như đối với bà Nam Phương và các em gái của Bảo Long thì các cha xứ không đề ra biện pháp che giấu tung tích, mặc dù đức Cha Bề trên đã nghĩ đến việc khéo cải trang hoàng nữ lớn tuổi nhất làm học sinh trường dòng và hai đứa nhỏ tuổi hơn làm con gái nông dân. Tất cả những dự định ấy thật nực cười, đang trong tình hình căng thẳng như thế việc cải trang không dễ gì thực hiện.

Một hôm, tiếng súng máy làm mọi người giật mình. Lúc đó Bảo Long đang chơi ngoài sân. Các tu sĩ hốt hoảng trèo lên mái nhà để phát hiện hung thủ nhưng chẳng thấy ai, không biết có phải Việt Minh định bắn lén Bảo Long không. Mọi người trong trường bàng hoàng lo ngại. Bà Nam Phương càng tin vào luận điệu của người Pháp. Bà thấy cần quyết định dứt khoát ra đi rời khỏi trường dòng để tìm một nơi ẩn náu bên kia phòng tuyến. Ông Bảo Long kể lại: "Người Pháp cũng khéo chơi, thông qua các tu sĩ Cứu thế, họ ra sức lung lạc tinh thần mẹ tôi. Cứ xem cách Việt Minh đối xử và che chở cho bà nội tôi, Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung lúc nầy đang đi tản cư, tôi thiết nghĩ rằng họ sẽ đến tìm và sẽ đón mẹ tôi và các em đi tản cư trong vùng họ kiểm soát. Bởi lẽ có chúng tôi đứng về phía họ, họ sẽ càng được nhân dân ủng hộ". Nhưng đã quá muộn rồi. Vào tháng 4 năm 1947, bà Hoàng hậu dứt khoát vĩnh biệt tấm bình phong trung lập Canada. Chấp nhận sự giúp đỡ của Pháp có nghĩa là dưới con mắt của Việt Minh, của tất cả mọi người dân Việt Nam và thế giới, bà cựu Hoàng hậu đã chạy theo Pháp.

Ông Bảo Long nói tiếp: "Nhưng nếu mẹ tôi ngả theo Việt Minh thì sao? Tôi cho rằng nếu được như vậy thì vị thế của Việt Minh trước người Pháp sẽ được củng cố khá mạnh và có thể máu sẽ đổ ít hơn. Việc mẹ tôi rời khỏi sự che chở của người Canada chắc chắn đã không giúp được gì cha tôi mà chỉ khiến ông càng dứt khoát rời bỏ cụ Hồ. Về mẹ tôi, tôi thấy bà là một người phụ nữ hiền thục, có phẩm hạnh đáng quý, vào thời điểm thúc bách đó chỉ một mực lo làm sao cho các con được yên ổn chứ không có tham vọng gì về chính trị. Cũng có thể lúc nầy cha tôi đang ở quá xa, bà không có cách nào liên lạc được. Còn trường hợp cha tôi sau nầy thì khác, ông đã đắn đo rất nhiều trước khi quay về hợp tác với người Pháp".
Đúng vậy. Không thể liên lạc được với Bảo Đại lúc nầy đang ở Trung Quốc, bà Hoàng hậu đã tự quyết định một mình. Cũng có thể người Pháp đã tính toán xa hơn nên đã quyết định đón mẹ con bà để sau nầy có con bài Bảo Long nếu không lôi kéo được Bảo Đại nhận một giải phảp có lợi cho họ.

Về phần các cha xứ, họ cũng thấy nhẹ mình, mẹ con bà ra khỏi trường dòng phải chăng họ đã tác động để bà đi đến quyết định như vậy. Họ không muốn liên luỵ về chính trị. Tuy các cha xứ là người Canada trung lập, nhưng là Canada gốc Pháp nên cũng không tránh được nghi ngại ngờ vực của nhà cầm quyền Việt Minh. Kể lại chuyện cũ, Cha bề trên của nhà thờ Cứu thế ở Huế thừa nhận: "Chính các cha xứ Canada gốc Pháp hồi đó đã giảng giải cho bà thông cảm ý muốn của họ là gia đình bà nên ra đi để tránh phiền phức cho họ sau nầy".
Từ trường dòng chỉ cần chạy qua con phố ngăn cách với trường Thiên Hựu, nơi một tiểu đoàn Pháp đang cố thủ. Nhưng lực lượng Việt Minh hiện đóng trong cung An Định đang kiểm soát dọc phố. Nửa đêm, một tiểu đội quân Pháp đã tiến ra dọn đường, mở một lối đi an toàn và chuẩn bị che chắn cho các con bà Nam Phương đi trót lọt ngang qua phố.
Đã đến giờ xuất phát. Bà hoàng, cô hầu phòng và năm đứa trẻ tất cả chờ sẵn ngoài cổng chờ tín hiệu. Mỗi người đeo một túi vải đựng các đồ dùng thiết yếu.


Như thường lệ, Bảo Long là người đi đầu tiên. Phải chạy vài chục mét mới đến chỗ lính Pháp bố trí che chắn. Tại sao chọn Bảo Long đi đầu tiên? Rõ ràng ai cũng biết phải tận dụng yếu tố bất ngờ, người đi đầu sẽ không có nguy cơ bị dính đạn, như người thứ hai hoặc thứ ba, đối phương đã kịp đề phòng. Người Pháp cũng đã tính toán. Phải đảm bảo an toàn cho Bảo Long trước tiên để sau nầy còn có người giữ ngôi báu.
Đã dự kiến nhiều biện pháp đề phòng để tạo thuận lợi cho việc vượt qua con phố, nhưng lính Pháp lại quên không yêu cầu cải trang. Bảo Long vẫn mặc chiếc quần soóc lửng màu trắng hàng ngày, nên đã tạo ra một vệt sáng rất dễ phát hiện trong bóng tối nhá nhem. Một mục tiêu rất dễ lộ. Mặc kệ? Bảo Long cứ nhằm một lối đi qua hàng rào thép gai bao quanh trường Thiên Hựu mà chạy thục mạng, suýt vấp ngã nhưng cuối cùng cũng vượt qua bình an vô sự. Còn lại bà Nam Phương dắt díu mấy đứa con bé chạy theo. Bộ đội Việt Minh, có lẽ bị bất ngờ, không phát hiện ra hoặc không muốn bắn.


Ngay sau khi sang đến nơi an toàn trong trại quân Pháp ở trường Thiên Hựu, tất cả lên xe gắn súng liên thanh Coventry và có xe bọc Humber yểm trợ (những xe nầy quân Pháp mới mua lại của quân đội Anh) rồi tiến về nơi trú ẩn được bảo vệ tốt hơn và xa vùng chiến sự hơn.
Tuy nhiên, vấn đề không phải đi khỏi Huế vì lúc nầy Việt Minh vẫn bao vây chặt các vị trí quân Pháp. Họ chỉ đến một nơi ít trống trải hơn đôi chút và chờ viện binh đến giải vây.
Sau nầy khi chiếm được trường dòng, bộ đội Việt Minh đã lục soát rất kỹ. Sàn nhà bị lật lên kể cả sàn nhà nguyện. Họ chỉ tìm các nơi cất giấu vũ khí. Không ai tra hỏi tung tích mẹ con bà Nam Phương. Sau nầy khi Pháp làm chủ hoàn toàn thành phố Huế, phần lớn các tu sĩ đã trở về Canada, về trường dòng Cứu thế ở Sài Gòn hoặc đi nơi khác. Tuy nhiên trong toà nhà lớn được coi là "điện Versailles thu nhỏ", các cha xứ Việt Nam vẫn ở lại. Các hành lang dài gần như trống rỗng.


Về sau, trường dòng đã đóng cửa hẳn, các trường học cho trẻ em trên 5 tuổi tách khỏi nhà thờ, dạy theo chương trình của Nhà nước. Thay vào đó là trại mồ côi dành cho trẻ em dân tộc ít người ở miền núi.
Chú thích: (1) Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung vẫn ở lại cung An Định sau khi bà ra sức ngăn cản con dâu không được. Sau một thời gian ngắn đi tản cư tại quê nhà khi chiến sự lan rộng, bà trở về cung An Định và sống ở đó. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, cung An Định bị sung công, bà mới dọn sang ngôi nhà riêng ở gần đó (79 Phan Đình Phùng) cho đến khi mất năm 1980, thọ 90 tuổi. (2) Người theo hầu Bảo Long năm đó, sau nầy, khi Bảo Đại trở về nắm quyền bính, đã theo hoàng gia sang Pháp và cuối cùng cùng mở một nhà hàng ở Paris. (3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Cố vấn Chính trị, phụ lục liên quan đến an ninh. (4) Xem Hồi ký Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4/1995 và báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19 tháng 12 năm 1991. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 1995, tr. 480. (6) Nói chuyện với Bảo Long tại Paris, tháng 9 năm 1994 và cha Lành ở Huế tháng 2 năm 1995.

*
Chương 22

Trời mưa. Nằm chính giữa Hongkong, sân bay rất gần các cao ốc đến nỗi máy bay mỗi khi hạ cánh như muốn chạm vào các toà nhà. Cựu hoàng ngồi chờ ở đây đã khá lâu. Không kể mấy ngày đợi ở Côn Minh, dù ông đã thoái vị, thời buổi cách mạng hay chiến tranh, ít khi ông phải chờ đợi lâu như lần nầy. Gần nửa ngày đã trôi qua. Trọn một buổi sáng, ông chỉ thấy mỗi một cảnh tượng lạ mắt: Trên đường băng, từng đoàn lính Anh tấp nập xếp hàng lên máy bay về nước. Họ từ chiến trường chống Nhật trở về sau khi chiến tranh kết thúc. Bán đảo Hongkong lại trở thành một ngã tư sôi động. Còn lại rất ít vết tích chiến tranh. Còn vài tuần lễ nữa các quân nhân sẽ ra đi nhường chỗ cho chính quyền dân sự. Còn bây giờ, khi Bảo Đại đến đây mọi quyền lực vẫn nằm trong tay họ. Rõ ràng là người Anh coi nhẹ sự có mặt của ông, không có một nghi thức đón tiếp nào, chứng tỏ ông không hoàn toàn là người được hoan nghênh. Cuối cùng một viên chức đến dẫn cựu hoàng làm những thủ tục quen thuộc về nhập cảnh như đối với bất kỳ dân tị nạn hay du khách nào. Cựu hoàng không chỉ đi có một mình Đi với ông còn có Yu, một người bạn Trung Hoa, Hongkong và có cả Lý Lệ Hà. Cũng như ông, hai người trầm trồ ca tụng cảnh nhộn nhịp của Hongkong. Ở bán đảo nầy, các toà nhà cao ốc đua nhau mọc lên, cao như bức thành khổng lồ, phía dưới là cảnh lộn xộn khác thường, đầy màu sắc, có một không hai trên thế giới. Tiếng động ồn ã, ngày và đêm nhộn nhịp, băng biển quảng cáo giăng khắp phố. Một thành phố ồn ào đến kỳ lạ, say sưa, khác hẳn Trùng Khánh hay Hà Nội lặng lẽ, buồn tẻ.


Từ 5 tháng nay, Bảo Đại được "tự do". Tháng tư, ông quyết định ở lại, mặc cho phái đoàn chính phủ ra về một mình(1). Tháng chín, ông đến Hongkong. Ông làm gì trong khoảng thời gian ấy? Thường là thăm thú đây đó. Ông đi thăm các danh lam thắng cảnh, về nông thôn dự các trò du hí, tham viếng hữu nghị. Như ông kể trong hồi ký, ông đã được một gia đình Trung Hoa tiếp đón chăm sóc, chiều chuộng ưu đãi. Người đi với ông hôm nay là con trong một gia đình đã đối xử hào hiệp với ông. Có lúc ông đã nghĩ đến đi tu. Một nhà sư thích xem tướng, thấy ông có những nét hợp với cuộc sống tu hành. Bà Hoàng Thái hậu đã từng cam đoan rằng ông là Phật giáng trần, thế mà... rút cục không phải thế.


Ông thích đi xa, dạo chơi, ngẩng đầu lên, không để ai biết, thoả trí tò mò, hưởng thụ trong một thành phố lần đầu tiên ông được biết đến. Ông thích ứng rất nhanh với môi trường mới. Những ngày tiếp theo, người ta có thể thấy ông, vào buổi trưa, đến nhấm nháp các món ăn hảo hạng, thưởng thức những tiện nghi cực kỳ hiện đại của nhà hàng Parisian Grill. Ông đi đánh "golf", chơi quần vợt, vẫy vùng bơi lội ở Repulse Bay, bãi biển sang trọng của Hongkong.
Chính lúc đó ông chợt nhớ đến thần dân cũ và quyết định gửi cho họ một thông điệp. "Trẫm đã từ bỏ ngai vàng và chọn con đường lưu vong để không trở thành vật cản cho cuộc thí nghiệm mà các ngươi tin rằng phải đem lại hạnh phúc cho toàn dân"(2).


Ông Vĩnh Thuỵ, dù ở xa Hà Nội xa chính phủ, vẫn còn là cố vấn tối cao. Hình như không có quan hệ gì với chính phủ Hồ Chí Minh. Điều lạ lùng là cả hai bên, bên nào cũng giữ tình trạng không rõ ràng. Công luận không biết chính xác ông đứng về phía nào. Ông phân vân, không biểu lộ thái độ rõ rệt. Hình như Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gửi tiền cho ông trong những tháng đầu. Gửi qua đường bộ, qua núi non phía bắc, đến tận Quảng Châu. Ít ra là cho đến mùa hè năm 1946.

Rồi sau đó, lưng vốn cạn dần, cuộc sống sa sút hẳn. Không còn lâu đài, khách sạn sang trọng nữa. Vĩnh Thuỵ chọn một khách sạn nhỏ, mang tên Happy Valley (Thung lũng hạnh phúc), trong một khu phố bình dân nhộn nhịp, ồn ào, ngoài các trung tâm buôn bán. Ông chỉ ở một phòng. Không kể cô nhân tình, đám tuỳ tùng xem ra chẳng còn ai trung thành đi theo ông.
Mặc dù phải ăn tiêu tằn tiện, trong cuộc sống cô đơn, ông, vẫn vui vẻ thưởng thức cuộc sống ban đêm ở Hongkong chẳng cần phải giữ gìn ý tứ, giấu diếm ai.

Phải chăng ông có thể bình thản sống phóng đãng ở nơi ăn chơi nổi tiếng như Hongkong, như kẻ thù của ông vẫn lên án, trong lúc ở trong nước tình hình đang nước sôi lửa bỏng, số phận vợ con ông ra sao dưới chế độ Việt Minh? Bề ngoài xem ra ông không hề tỏ ra băn khoăn về vấn đề đó.
Ông Vĩnh Thuỵ vốn là con người nông cạn. Chẳng có gì làm cho ông ta phải suy nghĩ sâu xa. Thời gian ngắn ngủi cộng tác với cụ Hồ, việc ra đi không mấy vẻ vang khỏi Trung Hoa để đến tị nạn tại Hongkong cũng vậy: Nay tất cả các đảng phái đều phải ve vãn ông. Vầng hào quang bao phủ quanh ông tăng lên từng ngày.


Ngày 4 tháng 11 năm 1946, ở Hà Nội, Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ chuẩn bị bước vào kháng chiến toàn quốc Một số phần tử phản động đội lốt "quốc gia", bị lộ mặt đã chạy theo quan thầy Trung Hoa. Nhiều bộ, thứ trưởng là người của bọn chúng đã bị đuổi ra khỏi Chính phủ. Nhưng cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ, mặc dù đang ăn chơi ở Hongkong, vẫn có tên trong danh sách chính phủ, kèm theo ghi chú: "Đang ở nước ngoài về việc riêng". Ba lần cải tổ chính phủ tiếp theo, tên ông vẫn ở vị trí thứ hai trong chính phủ. Mỗi khi nhắc đến tên Vĩnh Thuỵ ông Hồ không quên nêu đầy đủ chức vụ "cố vấn Vĩnh Thuỵ". Ít lâu sau, trong một cuộc gặp các nhà báo ở Hongkong, cựu hoàng Bảo Đại sẵng giọng: "Không, tôi không còn là cố vấn nữa". Hồ Chí Minh muốn chứng minh chính sách đại đoàn kết của ông, có khả năng tập hợp rộng rãi các tầng lớp xã hội, các khuynh hướng chính trị khác nhau để phấn đấu cho sự nghiệp chung.
Chú thích: (1) Sau nầy, theo giải thích của chính ông, Hồ Chí Minh đã viết thư bảo ông ở lại Trung Hoa, khi cần trở về sẽ báo sau. (2) Báo Le Monde (Thế giới).

*


Chương 23

Không khí trong xe bọc thép nóng nực, bà Nam Phương, một tay gỡ bỏ khăn trùm trên đầu từ lúc rời khỏi trường dòng, một tay giữ chặt trên đầu gối hai con nhỏ tuổi nhất. Ngồi trước mặt là Bảo Long cũng đang ôm chặt em gái. Chiếc xe trinh sát bọc thép scout-car cùng chiếc xe gắn súng máy chở lính Pháp đi sau hộ vệ, bỏ đường cái lớn thường lệ, theo lối tắt, cắt ngang qua sân trường Thiên Hựu, một vị trí cố thủ của quân Pháp. Như thế, vừa nhanh chóng ra khỏi nơi nguy hiểm, vừa ra ngoài tầm bắn của pháo binh đối phương. Chiếc Humber vào số, tăng tốc độ để lại phía sau những ô cửa kính các căn nhà trong khu phố Tây.
Trời tối, xe đi nhanh nên không một ai nhìn thấy người đi trong xe là mẹ con bà hoàng. Nhưng nếu ai nhận ra thì họ sẽ suy nghĩ bàn tán ra sao nhỉ? Bà Nam Phương tưởng tượng ra những nụ cười giễu cợt hay những tiếng la hét thù địch. Nhưng may là không có gì xảy ra hết. Các ngôi nhà đóng kín cửa, bên ngoài đắp luỹ che chắn. Trời tối mịt như mong muốn của trung tá Costes. Các tay súng bắn tỉa của đối phương không thể phát hiện mục tiêu. Đường vắng lặng. Chỉ có tiếng động cơ gầm gừ của chiếc ôtô gắn súng máy đi sàu hộ vệ như tiếng chó săn thở dốc chạy theo chủ.
Mẹ con bà hoàng thế là đã chạy sang bên kia chiến tuyến. Như vậy có phải là phản quốc không? Bà tự nhủ: Không. Bà không phản bội tổ quốc, không chống lại nhân dân. Bà chỉ mong có một nơi an toàn cho các con bà. Mấy hôm trước các sĩ quan Pháp đã bắn tin cho bà biết từ nhiều ngày nay, Việt Minh tăng cường trinh sát dường như sắp tiến công trường dòng đến nơi để thu hẹp khu vực cố thủ của Pháp. Trường dòng Cứu thế sẽ bị kẹt giữa hai luồng đạn sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ con bà. Bảo Long có thể bị bắt làm con tin... Như vậy thì dứt khoát là phải đi khỏi nơi đầu sóng ngọn gió nầy, không còn có cách nào khác.
Đoạn đường nầy chỉ đi mấy phút là đến một nơi mà bà Nam Phương biết quá rõ. Đó là chi nhánh Nhà băng Đông Dương tại thành phố Huế, nơi vợ chồng bà gửi một phần tài sản gửi tiền và vàng vào tài khoản, chính xác hơn là đến căn hầm dưới nhà băng. Hơn các thành phố khác, Huế có nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều cung điện nguy nga tráng lệ, là nơi tập trung lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, ẩn hiện dưới tán lá, lùm cây, trầm mặc trong không gian tĩnh lặng làm xúc động lòng người. Huế lại có nhiều nhà cửa dinh thự của chính quyền bảo hộ cũ, xây bằng gạch, đá tượng trưng cho quyền lực của kẻ bảo hộ từ châu Âu đến. Đẹp nhất, đồ sộ nhất, sang trọng nhất và chắc chắn là được bảo vệ tốt nhất vẫn là những toà nhà của Nhà băng Đông Dương lừng danh.
Đó là một thế lực, một quyền uy, gần như một nhà nước, cung cấp tài chính cho các thuộc địa Pháp, gián tiếp chỉ huy nền kinh tế của hàng chục quốc gia, giữ hầu bao của vài ngàn khách hàng. Trong các hội sở Ngân hàng, an ninh được đặt hàng đầu. Những hàng cột ốp đá hoa cương, những chùm đèn thuỷ tinh trắng sữa, những quầy bằng gỗ quý. Có những két sắt đựng tiền chắc chắn với những cánh cửa thép vừa to, vừa dày chuyển động trên những bánh xe thép nhẵn bóng mỗi khi cần đóng kín.
Tìm đâu được chỗ tốt để ẩn nấp, để không bị bén lửa cháy, tránh được đạn pháo và súng máy, hơn là hầm ngầm hay hầm mộ. Nhà băng còn hơn thế. Nếu quân Pháp phải rút thì đây là sẽ là nơi cố thủ cuối cùng. Hơn thế nữa, nhà băng còn có những hầm ngẩm được gia cố kỹ, thiêng liêng hơn mọi chỗ thiêng liêng, là trái tim của toà nhà, đó là phòng để các két sắt.
Chiếc scout-car bọc thép qua ngã tư đại lộ Jules Ferry, quặt sang trái, chạy tiếp một quãng trên đại lộ Clémenceau dọc bờ sông Hương, rồi vượt qua cổng vào sân. Xe gắn súng máy đỗ ngoài đường đợi. Bọn lính đi bảo vệ nhìn chăm chăm về phía thành nội bên kia sông, nơi tập trung lực lượng Việt Minh, cũng là nơi xuất phát các cuộc tiến công vào các vị trí Pháp ở bên nầy sông.
Trong sân, chiếc scout-car lăn bánh chầm chậm trên sỏi đến một nền cao, xây kín ba mặt nằm giữa nhà băng và dãy nhà phụ đằng sau, xa đường, bên ngoài không nhìn thấy. Nhưng xe vừa dựng thì người lái thay đổi ý kiến, lùi xe và dừng lại trước lối vào chính, chân cầu thang lớn, nơi ông Fafard, giám đốc nhà băng đang đứng đợi.
Nam Phương biết ông nầy từ lâu. Hai năm trước đây, khi ông mới đến nhậm chức bà đã gặp hôm ông vào bệ kiến Nhà vua. Bữa nay bà thấy ông có vẻ khô khan, nghiêm nghị hơn thường lệ, trong ánh sáng lờ mờ lọt qua cửa trên gác lửng rọi xuống bậc tam cấp. Bà Nam Phương chủ ý đưa mắt tìm bà Fafard nhưng chỉ thấy một mình ông đứng đó. Còn cả gia đình đang ở trên gác nấp sau cánh cửa chớp đóng kín. Các con ông bà Fafard vẫn quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng theo đúng tác phong của một gia đình công chức Pháp phải đối phó với tình huống bất hạnh. Cử chỉ gần như anh hùng mà không biết. Sẵn sàng được giới thiệu khi bà Hoàng hậu tới trú ẩn trong nhà băng.
Suốt chiều nay, khi được biết gia đình cựu Hoàng đế đến ẩn náu trong nhà mình các cô gái đã tập các cử chỉ đón chào sao cho cung kính, lễ phép. Chúng tập nhún chân khi nghiêng mình chào khách, ôn lại cách đi đứng, chào hỏi cho đúng phép tắc. Dù đang lúc chiến sự diễn ra ác liệt, các quả đạn trái phá 75 ly từ hoàng thành bên kia sông bắn qua đầu sang phía trường Thiên Hựu, các cô gái vẫn hớn hở rối rít chờ đón sự có mặt của gia đình Nhà vua trong nhà mình. Những người trong gia đình ông chủ nhà băng Đông Dương ở Huế vẫn coi việc mẹ con bà hoàng đến lánh nạn ở nhà mình là một vinh dự đặc biệt. Đối với họ, coi như không có chuyện Nhà vua thoái vị. Ông Fafard thuộc phái ủng hộ chính phủ Vichy thân Đức, ông còn là bạn thân của toàn quyền Decoux, không thể một sớm một chiều quên ngay hình ảnh về chế độ quân chủ cũ.
Nam Phương bước ra khỏi xe đầu tiên. Cử chỉ rất đàng hoàng, dáng vẻ oai vệ. Theo sau là cô hầu phòng từ xe vận tải bọc thép bước ra, từ nay cô sẽ chăm sóc anh em Bảo Long. Bà hoàng bận chiếc áo dài trắng nên tuy trời tối bóng dáng bà vẫn nổi bật. Từ khi chồng thoái vị bà không được phép mặc áo vàng chỉ dành cho đương kim Hoàng đế và Hoàng hậu. Bà nói to, kiểu nói của người nặng tai, cất tiếng chào ông chủ nhà băng, đưa mắt chăm chú nhìn những bức tường từ nay sẽ che chở gia đình bà.

Toà nhà không có vẻ một công sự kiên cố. Bà hoàng chỉ thấy ngôi nhà nhỏ bé, yếu ớt không được vững chắc, oai vệ như hình ảnh được lưu lại trong trí nhớ của bà.
Theo đánh giá của những chuyên viên bất động sản thì đó là một ngôi nhà lớn, bình dị của các nhà kiến trúc bậc thẩy. Ngôi nhà hai tầng hình hộp, mỗi bề mười lăm mét, xây cất kỹ càng, khỏe khoắn nhưng không có tính cách nào hợp với thời chiến.
Tầng trệt chật ních người lánh nạn. Khi bà hoàng bước qua chiếc cửa sắt, những con mắt tò mò nhìn theo, bà nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc. Tự nhiên bà cảm thấy khó chịu, ngượng nghịu thật sự, một tâm trạng lạ lẫm trước đây chưa hề có. Quanh bà là những người đang sống chen chúc trong không khí ngột ngạt của các phòng làm việc của nhà băng nay biến thành những căn hầm cố thủ. Tất cả đều là người da trắng, không có ai là người Việt, trừ một thiếu phụ, vợ không chính thức của một người quê đảo Corse theo anh ta đến đây trú ẩn.


Ông chủ nhà băng đi trước dẫn mẹ con bà hoàng qua một cầu thang rộng lên tầng trên đã được dọn dẹp gọn ghẽ để dành cho gia đình "quý tộc" nầy gồm hai người lớn và năm đứa trẻ, hai trai ba gái, ở cùng một tầng với gia đình nhà chủ. Nhưng sau đó có ý kiến của một sĩ quan nhà binh Pháp, ông bà Fafard đã phải thu xếp chỗ ngủ dưới tầng hầm cho an toàn còn ban ngày có thể ở tạm trên gác nhưng lúc nào cũng phải sẵn sàng để khi có tiếng đạn pháo rít qua thì xuống ngay tầng dưới tránh đạn, mặc dù các con ông bà Fafard cũng đã biết cách phòng tránh mỗi khi bị pháo kích. Chúng nhanh chóng ra khỏi phòng và nấp trong hành lang, luôn luôn mang theo nệm để chống mảnh đạn.


Khi đi qua tầng dưới để xuống tầng hầm, bà hoàng gặp lại những ánh mắt không mấy thiện cảm, đôi lúc rõ ràng là thù nghịch của đám người Âu chen chúc ở tầng dưới. Một số người đang ở tầng hầm phải chuyển chỗ, nhường chỗ cho mẹ con bà hoàng. Một người có thái độ quá khích đã phản kháng lên ông Fafard. Chính là anh người quê đảo Corse, một nhân viên thuế quan Huế. Luận điệu của anh ta là tại sao người Pháp lại phải nhường chỗ cho một mụ đàn bà quý tộc người Việt đã đi theo Việt Minh, mấy hôm trước còn báng bổ nước Pháp trong lúc chồng mụ đang cùng với Hồ Chí Minh chỉ huy những tên hiếu sát đang làm khổ người Pháp ở đây. Sao mà yếu đuối nhu nhược kỳ lạ vậy.


Ông Fafard vốn tính điềm đạm phải dùng quyền uy của mình mới dẹp được cơn thịnh nộ của những người phải chuyển chỗ đến giữa phòng, xa các cửa sổ lớn ở tầng trệt của những người bị đuổi. Những người nầy phải tìm một nơi trú ẩn ở giữa những cửa sổ cao của tầng trệt đằng sau những bàn giấy đủ kiểu chất đầy hồ sơ. Anh chàng nhân viên thuế quan người Corse không nén nổi cơn giận dũ, vùng vằng ra khỏi nhà băng đi thẳng về nhà mình đào hào đắp ụ để tự phòng vệ.
Trong số trẻ con đang trú ẩn ở đây với bố mẹ, Bảo Long nhận ra một số bạn học ngồi cạnh mình trước khi xảy ra chiến sự.

Trong tầng hầm những tấm khăn trải giường được căng lên làm vách ngăn ra từng khoang cửa những người đến trước. Bà Nam Phương thong thả đi về chỗ dành cho gia đình, không nhìn thấy những bức tường xám xịt cùng các cặp hồ sơ lưu trữ dày cộm. Công dụng chính của tầng hầm là vậy. Trước hết là các đồ cồng kềnh, tiếp đến hàng dãy két sắt. Mẹ con bà hoàng được thu xếp chỗ ngủ trong một gian rộng có tấm ngăn bằng kim loại dày. Như thường lệ, cậu con trai lớn được ưu tiên một chỗ được bảo vệ chắc chắn nhất, gần tấm vách ngăn kim loại dày nhất, như được bọc kín trong một tấm nệm thép. Gần như một nấm mồ. Ông chủ nhà băng quen gọi nơi đây là "hầm mộ". Bà hoàng rùng mình khi để con mình ở trong ngăn hầm có dáng một nhà táng. Nhưng còn hơn là trúng mảnh đạn pháo hoặc bị đối phương bắt làm con tin. Lệnh của nhà binh Pháp là phải chuẩn bị chỗ ngủ cho Bảo Long ở góc nầy làm cho ông Fafard mỉm cười. Nhưng bà hoàng thì thấy không có gì đáng cười. Bà chỉ thấy yên tâm hơn. Đúng thế. Con bà được bảo vệ như một bảo vật, như những tờ giấy bạc nhà băng. Thế nào cũng được. Càng tốt.
Một cánh cửa nặng nề, bằng kim loại dày ba mươi phân được đẩy bằng một bánh xe quay tít gần giống như bàn cò quay. Bên trong tầng hầm không cửa sổ nầy, rất ít tường, mà chỉ có sắt thép, như một cái hộp kín chống đạn.


Gia đình bà hoàng đã ổn định chỗ nằm. Mỗi người một hốc làm bằng vải chăng trên dây tạo thành vách ngăn với gian để két sắt. Bà hoàng vẫn chưa hết khó chịu, không phải chỉ vì điều kiện sống thiếu tiện nghi. Một tâm trạng chua xót khi thấy thân phận một mẫu nghi thiên hạ phải chui rúc trong gian phòng chứa két bạc của thực dân. Tầng hầm không ra dáng một căn phòng. Ngoài gian để két sắt, tường không nhẵn, bóng láng như các trụ sở tài chính hiện đại, nhưng được tô điểm bằng những gờ hình chữ triện. Một cách trang trí, cổ điển, cũ kỹ, lỗi thời theo cung cách phòng khách thị dân.
Cũng như ở trường dòng Chúa Cứu thế, ở đây nước rất ít. Duy nhất chỉ có một vòi nước trong phòng tắm trên tầng một của gia đình Fafard. Để có nước dự trữ, bồn tắm được chứa đầy ắp phòng khi bị cắt nước.
Những người ở tầng trệt đến vòi nước lấy đầy từng xô xách xuống nhà, còn gia đình bà hoàng và ông bà Fafard và các con được lấy nước thẳng từ vòi bao nhiêu lâu cũng được. Để giết thời gian, bọn trẻ chơi bài.

Những lúc ngớt tiếng súng, Bảo Long rời khỏi tầng hầm làm bằng sắt thép nặng nề ấy chạy ra sân chơi với lũ bạn cùng lứa, đôi lúc còn chọc ghẹo bọn con gái, tất cả đều hơn tuổi, có đứa đã đến tuổi 17, 18. Bà Nam Phương chẳng ưa gì sự chung đụng thân mật thái quá như thế của bọn trẻ, nhưng vì hoàn cảnh buộc bà phải công nhận thái độ gia đình ông chủ nhà băng quả là tận tình. Thỉnh thoảng bà trò chuyện với mấy người Âu lân la làm quen với bà. Trong giao tiếp bà giữ vẻ đoan trang, giữ gìn mà vẫn uy nghiêm quý phái. Riêng với ông Fafard, có hôm bà nói chuyện tay đôi đến gần một tiếng đồng hồ. Bà giảng giải thái độ của chồng bà. Bà chăm chỉ cẩu nguyện. Dẩn dần bà tham dự những buổi lễ chầu trong phòng khách của tầng một. Bà có chỗ riêng cho bà, lùi sâu trong một căn phòng riêng của bà, cửa để ngỏ.


Thời gian trôi qua, Bảo Long quen dần cuộc sống dưới tầng hầm. So với những ngày ở trường dòng, cậu thấy được rộng cẳng hơn, chạy nhảy nô đùa trong hành lang và cầu thang. Thích nhất là giữ nguyên mái tóc.
Khi ở trường dòng các cha xứ đã dự định cạo trọc đầu cậu bé để giấu tung tích nếu lỡ bị bắt, nhưng chưa kịp thực hiện thì bà hoàng đưa các con chạy theo Pháp. Chung quanh nhà băng tường bao kín mít, các ô cửa sổ tầng hầm đều đã lấp kín để ngăn mảnh đạn không văng vào trong. Tia sáng mặt trời không thể lọt qua các bức tường kín. Tuy vậy bên trong nhà băng không đến nỗi tối quá. Máy phát điện vo vo suốt ngày đêm. Mỗi ngày qua đi được đánh dấu bằng các biến cố. Trước tiên là ổ khoá cửa phòng để két sắt bị hỏng hóc. May mà lúc đó không có ai bên trong. Bảo Long đang chơi ngoài sân.
Một hôm một ngọn nến rơi xuống khăn trải giường và bốc cháy. Mọi người phát hoảng. May chị hầu phòng vớ được bình nước, dập tắt được ngay. Mặc dù nơi trú ẩn ở hầm ngầm, tiếng nổ của đạn súng cối và đại bác vẫn dội vào Bảo Long chỉ mơ thấy đại bác bắn vào thành phố. Cậu ta chẳng sợ gì, chỉ tiếc không được nhìn gần hơn. Vũ khí vẫn là thứ luôn luôn quyến rũ thái tử Bảo Long.

Ông Fafard, từng ngày một, ghi lại các sự kiện xảy ra trong ngày vào cuốn sổ tay của ông, với nét chữ thanh và chính xác:
"24 tháng giêng. Đêm yên tĩnh. Hạ sĩ Petit cho biết tối qua từ phía đông thành phố Việt Minh đã áp sát một đồn tiền tiêu của Pháp ở An Cựu chỉ cách 300 mét rồi đặt pháo 75 ly bắn thẳng vào đồn làm một người chết mười bị thương, một mất tích. Quân Pháp phải bỏ đồn rút chạy. Người ta nói một máy bay Pháp bị trúng đạn, đã hạ cánh xuống bên kia kỳ đài, viên phi công đã kịp phá huỷ máy bay và chạy thoát vào trường dòng Chúa Cứu thế. Kllông biết có đúng như thế không! Khoảng mười một giờ, ba máy bay tiêm kích đã dội bom xuống cung An Định, để yểm hộ cho máy bay thả dù tiếp tế cho các đơn vị lính Pháp đang bị Việt Minh bao vây. Buổi tối yên tĩnh. 22 giờ có tiếng nổ lớn ở phía đông. Mười sáu giờ chôn cất ông Van Vuick, chết vì trúng thương ở đùi cách đây mười lăm ngày. Tôi cũng ghé vai khiêng quan tài. Lúc hạ huyệt, đạn nổ trên đầu, mảnh đạn tung tóe xuống sân. Có tiếng huyên náo ầm ĩ của bộ đội Việt Minh bên kia sông. Mấy phát súng cối của quân Pháp làm cho họ im bặt. Những loạt đạn súng cối khác rót vào thành nội. Cuộc pháo kích ngắn ngủi không thấy Việt Minh phản ứng gì. Đại uý P. cho bắn liên thanh sang bên kia bờ sông. Có tiếng tiếng người lao xao. Ngốc thật. Không nên bắn từ đài quan sát, vì rất dễ lộ mục tiêu. Hơn nữa bắn súng máy ban đêm mà không xác định rõ mục tiêu và tầm bắn thì làm sao có hiệu quả. Chúng tôi có vinh dự đặc biệt được đón cha Urutia đến nhà đọc kinh thánh. Chúng tôi rất lo lắng cho số phận của các cố đạo và các nữ tu còn đang bị kẹt trong vùng do Việt Minh kiểm soát .

Nam Phương giữ kín không thổ lộ cho ai biết dự định của bà. Chẳng hiểu vì sao. Bà có thể báo cho ông giám đốc nhà băng biết nay mai hết phong toả, may mà không bị Việt Minh bắt và bà cũng sẽ không trở lại trường dòng. Bà vẫn coi ông như người thân tín có thể tâm sự được và ông cũng là một con người đàng hoàng luôn luôn tôn trọng và có nhiều thiện ý với bà. Hoặc với giáo sư người Italia, cũng là một người đến lánh nạn ở tầng trệt của nhà băng. Ông nầy luôn gần gũi bà, quan tâm đến lo lắng của bà, đón trước các mong muốn của bà. Đến nỗi những người Âu khác chế nhạo ông là "đại nội thị thần".

Một ông khác nguyên là Khâm sứ Trung Kỳ cũng không nề hà công việc. Không quản đêm tối, ông liều mạng đi kiếm rau xanh, củ cải đỏ để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thực đơn ở đây, thường đơn điệu, chủ yếu là cơm theo khẩu phần của người lính.
Nhà băng Đông Dương ở Huế trong những ngày chiến tranh chẳng khác gì con tàu chòng chành giữa biển khơi trong cơn bão táp. Lưới lửa của các tay súng Việt Minh trùm lên đầu những người đang trú ẩn bên trong. Các vị trí Pháp ở Huế bị bao vây, thiếu đạn được, vũ khí, lương thực nhưng không bị Việt Minh quét sạch cũng là chuyện lạ. Chỉ có thể cắt nghĩa bằng trình độ tác chiến và chỉ huy yếu kém của bộ đội Việt Minh. Như sau nầy chính Bộ chỉ huy Việt Minh cũng phải thừa nhận: "Quân Pháp cố thủ trong các vị trí kiên cố, tuy lực lượng không nhiều nhưng là đội quân nhà nghề có trang bị hiện đại còn lực lượng của ta trí thức quân sự có hạn, trang bị lạc hậu, chưa biết đánh địch trong công sự vững chắc... đánh tràn lan, phân tán không tập trung binh lực để giải quyết dứt điểm..."(1).


Trung tá Costes, chỉ huy quân Pháp ở Huế, dù do dự và thiếu tự tin, dần dần cũng chặn được các cuộc tiến công của bộ đội Việt Minh cho đến ngày được giải vây. Chiến sự tại đây khá ác liệt. Quân Pháp bị bao vây mở nhiều cuộc tiến công để nống ra đều thất bại. Một chiếc máy bay tiêm kích Spitfire bị pháo phòng không của bộ đội Việt Minh đóng trong hoàng thành bắn hạ. Phi công bị thương và bị bắt, đã chết trong khi bị giam giữ. Tại thành phố Vinh, xa hơn về phía bắc, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũng bị bao vây.

Ở Huế, một lần tàu chiến tàu Pháp neo trên sông Hương bắn pháo tới tấp vào hoàng thành. Đạn pháo réo qua nóc nhà băng, phá huỷ các lâu đài, cung điện Nhà vua trong đại nội ẩn sau các bức tường thành kiểu Vauban. Bảo Long kể lại:
"Cuộc nã pháo rất ấn tượng. Như tiếng ầm ầm của một con tàu tốc hành. Mọi người trong nhà khấp khởi mong sao cho binh đoàn Burgonde (mang tên vị tướng chỉ huy), sẽ sớm đến giải thoát họ". "Các cuộc pháo kích sau đó còn tiếp tục làm cho tôi thích thú nhận thấy quân Pháp có nhiều vũ khí hiện đại hơn so với Việt Minh và cả quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng có mặt ở Huế trước đây [...]. Chiến tranh đối với tôi lúc đó như một trò chơi. Thấy được hiệu lực của vũ khí mà không nhìn thấy người bắn. Những ngày đó, tôi rất thích mỗi khi được nghe thấy tiếng súng nổ".
Hàng ngày, Bảo Long hay la cà đến vớĩ mấy người lính Pháp nấp bắn trên tầng thượng nhà băng. Họ chỉ có hai: một hạ sĩ và một lính. Mới trên mười tuổi, cậu bé có vẻ ham thích vũ khí, trận mạc... Có lần suýt nữa cậu bé để ngón tay trên cò súng trung liên và định bắn thử xem ra làm sao. Thật là nguy hiểm. Nếu lộ mục tiêu bộ đội Việt Minh sẽ bắn trả ngay. Tiếng súng nổ ầm ầm, mùi thuốc đạn khét lẹt...
Cuối cùng quân tiếp ứng đến, phá vỡ được cuộc bao vây. Bộ đội Việt Minh phải rút ra xa khỏi thành Huế, bỏ lại các cung điện đền miếu trong Đại nội tan hoang vì bom đạn. Tất cả những người trú ẩn ở nhà băng ùa ra ngoài, đứng bám vào cửa sổ nhìn sang để xem quang cảnh tàn phá bên kia sông.


Cuộc bao vây đã được giải toả. Mấy mẹ con bà hoàng rời khỏi tầng hầm. Không còn phải ở chung với két sắt nữa. Cũng không còn phải thấp thỏm với tiếng đạn réo qua mái nhà... Ông Fafard, chủ nhà băng có nhã ý mời họ lên ở trong phòng của gia đình ông. Họ được ngủ trên giường, có nệm đoàng hoàng. Nhưng bên kia sông trong Đại Nội các lâu đài vẫn âm ỉ cháy. Khói phủ kín bầu trời. Lửa đã tắt nhưng gia đình hoàng gia không thể trở lại hoàng thành. Không phải tất cả đều đổ nát nhưng các cung điện sẽ không bao giờ được dựng lại nữa.


Lính Pháp đưa gia đình bà hoàng về thăm lại cung An Định, nơi họ đã ở hơn một năm sau khi Nhà vua thoái vị. Tường lỗ chỗ mảnh đạn, mái sập, nhà xiêu, vỏ đạn vương vãi khắp nơi. Đồ đạc, quần áo, vật dụng sạch trơn. Bao kỷ vật thời huy hoàng không còn gì. Cái dinh cổ lỗ xấu xí đã từng là nơi cố thủ của bộ đội Việt Minh mấy tháng qua. Nơi đây là nhà ở cuối cùng của hoàng gia tại cố đô Huế.
Huế bây giờ là một thành phố thời chiến có đầy đủ những nét tiêu biểu: Cây cầu sắt nổi tiếng bắc qua sông Hương nối liền hai khu vực của thành phố bị đánh sập. Nhân dân qua lại phải dùng thuyền. Đường sá thô sơ bị bom đạn cày xới nham nhở. Cột cờ trên kỳ đài bị đạn trái phá tiện đứt đôi, nửa dưới còn lại nẻ toác, mảnh tướp tơi tả đung đưa trong gió. Hàng trăm toà nhà trong Đại nội bị phá trụi tan hoang giống như một gã khổng lồ bị xẹp hơi. Giữa đống gạch vụn, những mảnh ngói men ngũ sắc vẫn ánh lên màu sắc nhấp nháy dưới tia nắng. Những hoa văn trang trí rồng, phượng xưa kia lộng lẫy là thế nay vương vãi khắp nơi trên bãi tha ma của "những con rồng bị hạ bệ". Cửa Ngọ môn, mang tính lễ nghi nổi tiếng chỉ được mở trong những dịp đón rước long trọng nay chỉ cần lấy vai hích nhẹ cũng bung ra. Quang cảnh hoàng cung hoang vắng, không người canh giữ, không lính bảo vệ. Tội nghiệp cho xứ Huế thơ mộng, đề tài của biết bao bài thơ kim, cổ, được Thần, Phật độ trì nay chẳng còn gì để ngắm nhìn ca ngợi nữa. Ruộng đồng hoang hoá, vườn tược xác xơ. Chiến tranh vẫn còn đó.


Quang cảnh xám xịt và hỗn độn. Những đám trẻ lang thang kiếm ăn. Quân Pháp đã trở lại nhưng thanh bình chưa đến. Thiếu lương thực, an ninh không có gì đảm bảo. Mặt trận lùi xa về vùng rừng núi phía tây nhưng cuộc chiến với du kích không bao giờ ngừng. Các đội biệt động Việt Minh vẫn bất ngờ xuất hiện trong thành phố.
Một Uỷ ban điều hành lâm thời ra sức khôi phục các hoạt động bình thường, tung những chiến dịch tuyên truyền cho việc lập lại nền quân chủ.
Tương lai không có gì chắc chắn. Một nhân viên tình báo Pháp (SDECE - Service de Documentation Extérieure et Contre-Espionnnge - cơ quan tình báo và phản gián Pháp), đến gặp bà Nam Phương để thăm dò... Không một lời ca ngợi thắng lợi của quân Pháp, bà nói "Những hy sinh của tôi chẳng là gì so với những khổ cực hiện nay của nhân dân". Một câu nói chính trị, giáo điều. Rồi bà nói tiếp không biết liệu bà và các con có sống được trong tình cảnh "khốn cùng"(2) như thế nầy được nữa không.
Sau khi rời khỏi nhà băng, mẹ con bà hoàng lại trở về nhà dòng Chúa Cứu thế ở tạm mấy ngày rồi tất cả theo đường bộ ra Đà Nẵng.

***

Hoàng gia sẽ giữ quan hệ tốt đẹp với gia đình Fafard, giám đốc chi nhánh nhà băng Đông Dương tại Huế. Trong nhiều dịp khác về sau, mỗi lần đến thăm lại ông bà Fafard, nhất là các cô con gái đều được bà hoàng đón tiếp niềm nở. Chính ông sau nầy sẽ được bà hoàng chọn làm người tin cẩn để quản lý tài sản riêng cho mình.
Trong đoàn hộ tống hoàng gia đi Đà Nẵng lại cũng vẫn những chiếc xe bọc thép Coventry và Humber nhưng lần nầy chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, còn mọi người đi xe thường. Chuyến đi không kém phần vất vả. Em gái lớn nhất của Bảo Long bị ốm dọc đường. Trên đèo Hải Vân đã diễn ra những cảnh chẳng mấy thơ mộng như cái tên gọi của đèo: Xe bọc thép đỗ lại chĩa nòng pháo ra phía bìa rừng đề phòng du kích tiến công. Đoàn xe dừng lại cho đến khi hoàng nữ bình phục.

***


Từ Đà Nẵng gia đình bà Nam Phương đáp máy bay vận tải quân sự Junker 52 bay đi Đà Lạt. Nhưng bà không về ở trong biệt điện của Bảo Đại, nơi xưa kia cả gia đình Nhà vua sống phần lớn thời gian trong những năm trị vì. Toà biệt thự lớn quá, bà nay không còn tuỳ tùng, gia nhân. Đang thời chiến, cao nguyên Lang Biang cũng không tránh khỏi sẽ trở thành chiến địa. Vì vậy bà đưa các con về biệt thự của mẹ đẻ và ở tạm đó trong gần ba tháng.
Ba tháng nghỉ ngơi để tâm trí trở lại bình tĩnh, hồi phục những chấn thương tinh thần.
Đà Lạt vẫn còn là đất Việt Nam, nhưng rồi bà và các con vẫn phải ra đi. Bà đã cắt đứt hẳn quan hệ với Việt Minh vì mẹ con bà đã lánh nạn bên chiến tuyến của kẻ thù. Cuộc sống tại Đà Lạt cũng không lấy gì làm vui.


Hết cả huy hoàng, lộng lẫy. Vẫn bặt tin về ông Bảo Đại. Không còn trường cho bọn trẻ đi học. May là có các anh chị em họ bên ngoại cố làm cho các con bà vui vẻ.
Trừ Bảo Long còn giữ được vốn tiếng Pháp nhờ mấy cuốn truyện của Jules Vernes từ ngày xưa ông nội để lại còn các đứa con khác trong hoàng gia chỉ nói tiếng Việt. Sau nầy chúng sẽ phải học lại tiếng Pháp là thứ tiếng quen dùng trong gia đình.
Chú thích:
(1)Thừa Thiên- Huế trong kháng chiến chông thực dân Pháp, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1994, trang 60-63. (2) CAOM - Lưu trừ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Báo cáo 1257 của Sở tình báo phản gián Pháp (SDECE-Service de Documentaion Extérieure et de Contre Espionage), tập số 1245 NF.

2007-03-22 04:53:17



No comments: