Tuesday, February 2, 2010

VUA BẢO ĐẠI 9

*

Chương 17


Mùa thu năm 1945 ở Huế, đất trời xám xịt, mưa phùn kéo dài. Nước mưa rả rích trên những tấm ngói men trên mái lầu Ngũ phụng ở cửa Ngọ môn. Cả khu vực Đại nội hoang vắng ẩm ướt. Điện Kiến Trung, nơi ở trước đây của vua và Hoàng hậu vẫn cửa đóng then cài.
Không ai cướp phá, mọi thứ y nguyên. Song quang cảnh trống trải trong khu vực bốn kilômét vuông này trước đây cũng đã buồn tẻ hiu hắt. Hàng ngàn con rồng bằng sứ nằm rải rác trên các mái nhà, những rãnh máng, trong những khu vườn như ngẩn ngơ luyến tiếc chủ cũ thời quân chủ. Riêng chỉ còn lại một pháo đài án ngữ cửa bắc của toà thành là còn sống động. Dân địa phương quen gọi pháo đài này là đồn Mang Cá, nơi đóng quân của lực lượng bảo vệ kinh đô Huế trước đây.


Sau ngày đảo chính 9 tháng 3, nơi đây trở thành nơi giam giữ quân nhân Pháp trong những căn buồng chật hẹp hôi hám. Nhật Bản dã đầu hàng. Một triều đại đã kết thúc. Việt Minh đã nắm chính quyền toàn quốc nhưng số phận quân nhân Pháp bị giam giữ không hề hay đổi. Những người lính Pháp khốn khổ thoát chết khỏi những hành động tàn bạo của Nhật lo sợ sẽ phải chịu sự trừng phạt của Việt Minh, những người đã bị hành hạ đoạ đày dưới chế độ thực dân. Không có chuyện họ được trả tự do trước khi người Pháp trở lại xứ này. Quân Nhật dù bại trận nhưng vẫn được Đồng Minh giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh khu vực đóng quân, kể cả việc tiếp tục canh giữ tù binh Pháp. Chính phủ Việt Minh lên tiếng phản đối việc trả tự do cho đám tù binh Pháp này. Trong những ngày tháng 8 năm 1945, Pháp đã không đủ binh lực tiến vào Đông Dương để giải thoát tù binh và ngăn cản Việt Minh cướp chính quyền, nhưng từ bên ngoài họ ráo riết chuẩn bị tiến hành một công việc phi thường. Dù còn yếu kém, dù người Mỹ công khai phản đối việc lập lại chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương, Pháp sẽ tìm cách đưa quân trở lại ở miền Nam quân Pháp theo chân quân Anh vào giải giáp quân Nhật và sau đó, với sự thoả thuận của Việt Minh, tiến ra Bắc, thay thế quân Trung Hoa làm nhiệm vụ tiếp phòng miền bắc Đông Dương. Một năm (1946) đánh dấu bằng những cuộc chém giết ở miền Nam, khiêu khích, quấy rối ở miền Bắc, những cuộc đình chiến ngắn ngủi, những cố gắng hoà giải để rồi kết thúc bằng một cuộc chiến tranh thực sự giữa toàn bộ binh lực hai bên Việt Nam và Pháp.


Tháng 9 năm 1945, những người lính Pháp đầu tiên núp sau quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn. Người Anh, không giống người Mỹ, tận tình giúp đỡ quân của tướng Leclerc đè bẹp sức kháng cự của Việt Minh, nhanh chóng lập lại nền thống trị trên phần lớn các thành phố, thị trấn và vùng nông thôn miền Nam.
Ban đầu, mọi sự diễn ra thuận lợi tuyệt vời. Ở Sài Gòn, người Anh buộc lực lượng cách mạng phải trả giá đắt. Còn ở nông thôn, chính quân Nhật lại giúp Pháp đánh bại Việt Minh. Với sự ủng hộ "hữu hảo" của quân Anh, tướng Pháp Massu có thể quét sạch các đơn vị Việt Minh, đánh bật họ ra khỏi Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Quân đội tướng Leclerc phải thay đổi cách đánh không giống những trận đánh bên sông Rhin. Ở đồng bằng Cửu Long du kích Việt Minh không có súng ống phải đánh địch bằng cung tên...

Tháng 11 tình hình bắt đầu gay go. Dân quân du kích bám đất, bám dân ra sức ngăn chặn bước tiến của quân Pháp. Những bộ phận của sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa, thêm một lữ đoàn đến từ Madagascar được tung vào cuộc chiến. Đó là một đội quân chắp vá, nhặt nhạnh gần như lén lút, đúng lúc chiến tranh vừa kết thúc nên không phải dự các trận đánh cuối cùng của cuộc thế chiến thứ hai. Vũ khí của họ táp nham đủ loại từ nhiều nguồn Anh và Mỹ, mua lại ở các kho dự trữ không dùng đến, rải rác khắp châu Á. Đó là những siêu thị quái gở chuyên bán lậu vũ khí, ở đó họ phải mưu mẹo lắm mới mua được, vượt qua các quân lệnh và cấm đoán. Người Mỹ tỏ thái độ ngập ngừng khi phải bán súng đạn dùng vào việc duy trì hoặc lập lại chế độ thuộc địa. Ở Ceylan, công nhân bốc vác báo cho lãnh sự Pháp biết họ sẽ không xếp hàng xuống những tàu đi Sài Gòn nếu đó là những hàng phục vụ cuộc chiến tranh chống người da vàng(1).

Mục tiêu cuối cùng là phải chiếm lại Hà Nội và toàn bộ bờ biển Đông. Như vậy cần có xuồng đổ bộ. Người ta mua được của người Anh ở Singapore. Còn máy bay, chỉ có hai chiếc Dakota thừa của Mỹ, chúng được tháo rời, gửi từng bộ phận theo đường dân sự. Lại còn phải hứa bừa rằng hai chiếc máy bay đó sẽ không dùng để chiến đấu. May mắn là vẫn người Anh, bán lại những chiếc Spitfire, đóng hòm từ London cùng với mười sáu Dakota khác, mười hai Junker cũ và ba thuỷ phi cơ Catalina.
Đầu tháng 3 năm 1946, lợi dụng thời cơ hoà hoãn do hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng Ba ký giữa Sainteny và Hồ Chí Minh, trung tá Crèvecoeur chuẩn bị đưa quân vào Huế. Tưởng như hoà bình sẽ đến gần khi hai bên ký những văn kiện thừa nhận Cộng hoà Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện và tài chính riêng. Ngược lại, quân Pháp được phép tiến ra miền Bắc thay thế quân đội Trung Hoa, đóng quân ở một số vị trí then chốt bên cạnh lực lượng tiếp phòng Việt Nam. Việc ký kết hiệp định Sainteny-Hồ Chí Minh quả là tạo thuận lợi cho việc Pháp tái chiếm miền Bắc.


Nếu không thế, việc quân Pháp tiến về Huế không thể dễ dàng mau chóng đến thế. Crèvecoeur, không đủ quân số người Âu, phải lấy du kích người thiểu số Mẹo ở Lào bổ sung. Còn một âm mưu thâm độc khác: người Mẹo vốn thâm thù người Việt từ xa xưa. Quân Pháp vượt biên giới Lào xâm nhập lãnh thổ Việt Nam ở vùng núi phía tây Trung Bộ, vừa đi vừa đánh. Những cuộc chạm súng dữ dội nhưng ngắn ngủi, với liên quân Lào-Việt. Sau khi chiếm được Tchépone, họ dừng lại ở Lao Bảo, một cái đèo trên đỉnh Trường Sơn.

Một cuộc chiến tranh không tuyên bố. Gọi các cuộc giao chiến ấy là gì, giữa một bên là quân Pháp từ ngoài vào đánh nhau với những người cách mạng, những người chỉ một mực bảo vệ chính phủ đang nắm quyền ở Hà Nội. Một cuộc chiến tranh không tuyên bố, giấu mặt, đáng xấu hổ.
Còn những người Pháp đang mắc kẹt ở Huế. Trên báo chí chính quốc, không ai nói đến họ. Vài trăm thường dân đang sống trong cảnh sợ hãi lo âu, bị lịch sử bỏ quên.
Trong các trận giao chiến đầu tiên ấy, quân của trung tá Crèvecoeur đã chạm trán với quân của Lê Văn Sửu tư lệnh quân khu 4 gồm tất cả các tỉnh miền trung Trung Bộ đến vĩ tuyến 16.
Ở Tchépone cuộc đụng độ xảy ra ác liệt nhất. Liên quân Lào - Việt gồm ba trăm hai mươi bảy tay súng.


Quân số chênh lệch quá. Sau đó là các trận đánh lẻ tẻ trên đường Khe Sanh, con đường vắng vẻ không người qua lại ngoài vài trạm kiểm soát hay tiếp tế, hơn hai mươi năm sau trở nên nổi tiếng một cách đáng buồn đối với người Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai mà Washington gọi là cuộc chiến tranh của người Mỹ còn Hà Nội gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Việc phá cầu theo dự tính không thực hiện được. Bê tông rắn quá. Những viên đạn lõm, những gói bộc phá đã không làm sập được mố cầu. Thế là quân của Crèvecoeur vượt sông, qua cầu nhanh chóng không gặp một sự kháng cự quan trọng nào. Tuy nhiên trung tá thấy lệnh của Hồ Chí Minh được niêm yết ở khắp vùng quê, dọc đường tiến quân. Quân đội Pháp phát hiện ra bảy xác chết bị chặt đầu, chắc là của lính đào ngũ hoặc các tên tay sai phản động bị Việt Minh trừng trị. Trong một báo cáo tình báo ngày 30 tháng 3 năm 1946, Crèvecoeur viết: "Ảnh hưởng của chính phủ Hà Nội là không thể bàn cãi "(2).

Tại Huế, học sinh trường quân sự Trung Bộ, nữ thanh niên, hướng đạo sinh, thanh niên công giáo gửi thư cho các chiến sĩ ở mặt trận động viên họ giữ vững tinh thần kháng chiến cho đến khi đánh thắng kẻ thù Pháp.

Người chỉ huy mạng lưới tình báo Ban Hành động (Service Action) của người Pháp ở Đông Dương thuộc phái De Gaulle, tự hỏi: "Có thể kết luận như thế nào? Sau khi hiệp định mồng 6 tháng 3 được công bố, nhiều cuộc mít tinh biểu tình được tổ chức đây đó, phản ánh một tâm trạng hài lòng nào đấy, thấy cuộc chiến đấu chấm dứt, nhưng người ta không muốn thú nhận, bộc lộ một ý muốn rất đặc trưng của người Việt là không mất mặt, lại có vẻ chiến thắng, thể hiện trên các khẩu biệu được nhắc lại nhiều lần không mảy may thay đổi: "Độc lập! Đánh đuổi thực dân Pháp" (3)v.v...

Bất kể như thế nào, ngày 29 tháng 3 khi quân Pháp mang cờ tam tài, hoà bình tiến vào cố đô Huế, số thường dân Pháp lâu nay sống quản thúc trong khu biệt cư cảm thấy nhẹ nhõm yên tâm sau một thời gian dài chờ đợi. Tờ báo Paris - Sài Gòn mô tả: "Lúc đó là mười sáu giờ ba mươi ngày 29 tháng ba. Các đơn vị quân Pháp đột nhiên xuất hiện. Trung tá Crèvecoeur đầu đội mũ nồi xanh của đơn vị Commando, đứng thẳng trên xe Jeep, qua cầu Trường Tiền đi đầu đoàn quân tiến vào thành phố. Tiếng hoan hô vang dậy không dứt. Liên tục trong nửa giờ, chỉ trừ mấy phút gián đoạn do có đội lính tuần tra Trung Quốc đi ngang qua, diễu hành trước mặt chỉ huy các xe Dodge, GMC, xe ba bánh lắp liên thanh tự động của đơn vị biệt kích thiết giáp kị, lính quân xa, pháo binh, đầy bụi bặm, màu da rám nắng, nhưng nét mặt tươi tỉnh mãn nguyện tươi rói sung sướng. Paris? Đúng là quang cảnh giải phóng Paris được sống lại, không phải cho ba triệu dân chúng Paris mà ba nghìn người dân Pháp trong thành phố Huế, nhưng cũng là không khí ấy, niềm hân hoan ấy, cũng những thiếu nữ mặc áo mỏng, màu sáng ngồi trên xe Jeep, cũng những cái hôn ấy, những đám đông người lớn và trẻ em túm năm tụm ba, miệng nhai kẹo sôcôla Mỹ vây quanh những anh lính lái xe Jeep. Đoàn xe đã đi qua dòng người vẫn hò hét, hoan hô cười nói, ôm hôn nhau có cả tiếng.

Đoàn quân Pháp tiến vào Huế có vẻ hãnh diện, rất ấn tượng đối với Bảo Long. Cậu ta chú ý trước hết đến thân hình lực sĩ của các chỉ huy chiến xa, nhô người lên khỏi tháp pháo. Thật là những con người khổng lồ bên cạnh khổ người bé nhỏ của lính Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tờ Paris - Sài Gòn kết luận với đầu óc sáng suốt hơn: "Cái ngày quan trọng này đối với người Pháp ở Huế đánh dấu một thời đại đã chấm dứt, nó cụ thể hoá sự kết thúc chiển tranh vì từ sự đầu hàng của Nhật, số phận của họ không hề thay đổi, nhưng nó cũng nói lên một cái gì khác đã khép lại. Trong xứ Annam cổ xưa này mà người Pháp cam kết bảo hộ từ 1884, không thể quay về với quá khứ. Trước đây ở Huế người Pháp đã từng được tôn vinh, nhưng Huế bây giờ là thủ phủ của Trung Bộ, là nước Việt Nam tự do liên kết với Cộng hoà Pháp vì hoà bình và tiến bộ. Có thể cho phép tự xả hơi một ngày, nhưng chỉ một ngày thôi vì ngày nay những khó khăn đã bắt đầu xuất hiện, ở phía Pháp hay phía Việt cần có những người điềm tĩnh, thông minh có thiện chí. May thay, ở Pháp và ở Việt Nam vẫn có những con người như thế".

Trái với không khí lạc quan được miêu tả trong các bài viết, thành phố Huế của người Việt không tham gia vào ngày hội. Không có tiếng hoan hô tiếng reo hò khi các đoàn quân xa tiến thận trọng qua ngoại ô. Đa số dân chúng người Việt ở cố đô không hoan nghênh gì đội quân vừa mới thành lập của nền Đệ tứ cộng hoà Pháp.
Ngay hoàng gia dù dị ứng với cách mạng cũng chẳng hoan nghênh họ đến đây. Các cô, các cậu con bà Nam Phương, những học trò ngoan dưới mái trường của nước Việt Nam độc lập, xem họ là những kẻ thù man rợ.

Sự có mặt của quân đội Pháp càng làm cho tình hình thêm lộn xộn. Từ nay, trong một thành phố có bốn thứ quân của bốn nước khác nhau: Việt Nam, Pháp, Trung Hoa, Nhật Bản đóng bên cạnh nhau. Lực lượng Nhật Bản, dù đã thất trận vẫn đông hơn cả. Sáu mươi ngàn lính Nhật đồn trú ở Trung Bộ và Bắc Bộ hồi đầu 1946.
Ở Huế, nơi sau này người ta gọi là "chảo lửa Việt Nam" tình hình căng thẳng hơn, ghi dấu bằng một số cuộc đụng độ nhất là về ban đêm.
Tình thế kỳ cục này, sự chung đụng của những lực lượng đối địch nhau, kéo dài nhiều tháng, lúc thì yên tĩnh lúc lại căng thẳng.
Người Pháp trong khu phố Tây ở Huế tin rằng họ đã tai qua nạn khỏi. Họ ăn ngon, ngủ yên không còn phải lo nơm nớp cho mạng sống của họ, yên chí chờ đợi sự sắp xếp của Toà Đại diện Cộng hoà Pháp tại Hà Nội để trở về chính quốc hay sang một thuộc địa khác. Nhưng chỉ là thời gian tạm nghỉ. chiến sự sẽ trở lại với mức độ ác liệt hơn. Vài tháng sau, quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng. Cuộc thương lượng hoà bình ở Đà Lạt rồi ở Fontainebleau không đạt kết quả.

Chú thích:
(1) Xem Leclerc et l Indochine: 1945-1947, - Leclerc và Đông Dương 1945 1947, Quand se noua le destin d un empire, Khi nào kết thúc vận mệnh của một đế quốc - Nhà xuất bản Albin Michel.
(2) SHAT- Viện lịch sử lục quân Pháp, Hồ sơ Crèvecoeur.
(3) SHAT- Viện lịch sử lục quân Pháp, Hồ sơ Crèvecoeur.
hết: Chương 17

BẢO ĐẠI, HAY LÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA VƯƠNG QUỐC AN NAM

» Tác giả: Daniel Grandclément

18

Cựu hoàng lặng lẽ thắt dây giầy cao su. Ông cẩn thận vuốt thẳng đôi bít tất ngắn trắng. Trái với đối thủ, thay quần áo trong phòng dành riêng ở góc vườn, ông thay quần áo luôn trong buồng ngủ. Một gian phòng đẹp, rộng rãi, thiết bị nội thất theo phong cách âu châu, một tủ quần áo mô-đéc, một tủ đựng khăn, mũ, chân tủ cẩu kỳ. Chiếc giường rộng không có nệm êm như giường nằm ở điện Kiến Trung ở Huế hay ở Hà Nội, nhưng mệt vì chuyến đi xa làm cho ông quên đi độ cứng của cái giường. Vả chăng lúc nầy đang có chiến tranh dù rằng nhìn từ Park Hotel, một khách sạn bị lãng quên ở miền Nam Trung Quốc, những cuộc chiến đấu dường như lùi xa vào quá khứ. Bảo Đại đứng dậy, như cái máy, nhìn vào chiếc gương đứng để kiểm tra bộ đồ của mình. Ông chăm chút dáng chiếc quần vải, chiếc áo sơ mi cộc tay, chọn một cặp kính râm rồi xuống sân quần vợt.

Nghiêm Kế Tổ đối thủ quần vợt của ông đang đợi. Họ trao đổi vài đường ban. Xung quanh dọc hàng rào mắt cáo ngăn sân quần vợt với bãi trước khách sạn, một toán lính Quốc dân đảng canh gác, uể oải như thờ ơ với cảnh khác thường đang diễn ra. Mấy tháng trước đây, không ai chơi ban ở đây. Đã phải dọn dẹp, loại bỏ những đồ linh tinh, ngổn ngang, ghế đẩu, ghế dài, những vỏ chai. Khách sạn lại tìm lại được ít nhiều vẻ lộng lẫy của nó với sự xuất hiện của người khách du lịch không chờ đợi nầy.

Hai người chơi lên lưới. Chiếc vợt của Bảo Đại dựng trên đầu vợt, xoay tròn như một chiếc cù rồi đổ xuống. Bảo Đại được giao ban. Ông bước đến cuối sân sau vạch sơn, đánh một quả ban rất mạnh. Tiếng đập rất căng vào lưới vợt đánh thức khu vườn bao quanh.
Lẩn nầy bọn lính Quốc dân đảng chăm chú theo dõi các đường ban. Hai người chơi tốt, thẳng cánh không e dè. Dù hơi mập, Bảo Đại hầu như chiếm lĩnh sân, lên lưới mỗi khi có thể. Gần như một trận đấu của nhà chuyên nghiệp đến mức lính Quốc dân đảng xuýt xoa thở dài mỗi khi tính điểm hai trái ban đánh lỗi. Không còn phân biệt ai là cựu hoàng, ai là bạn chơi mà chỉ là hai đối thủ mải mê quần nhau qua đường ban, bất chấp thời gian và lịch sử.


Hai bên ngang sức ngang tài nên những người Trung Quốc không hề nói gì đến kết quả trận đấu.
Điều bất ngờ cho tất cả là sự có mặt của một người trẻ tuổi cao lêu đêu theo dõi cảnh tượng từ trước ban công của khách sạn. Ông ta không giống lính Quốc dân đảng cũng không giống hai đối thủ quần vợt trên sân. Cao to, tóc cắt ngắn, quần áo sẫm màu, ông theo dõi không mỉm cười vũ điệu của hai bóng trắng. Người ta gọi ông là Hương, Hà Phú Hương, một nhân vật nổi tiếng, thoát nạn từ nhà ngục Kontum trở về. Hương là một trong hai trăm ba mươi tù nhân của nhà ngục nầy, gồm công nhân, nông dân, sinh viên, phần lớn là tù chính trị. Chúa ngục là Palméséani. Hương bị đày vào đây sau những cuộc biến loạn năm 1930. Cao trào cách mạng năm 1930 đã bị dìm trong bể máu trong những vụ đàn áp tàn khốc chưa từng có, thực hiện bằng lưỡi lê, bằng súng liên thanh, đôi khi bằng cả đại bác.


Để đếm tù Palméséani gõ một chiếc ba toong vào đầu mỗi tù nhân, miệng đếm một hai ba, v.v... Những kẻ bị hạ ngục có nhiệm vụ hoàn thành xây dựng một con đường thuộc địa 14, từ Dakpao đến Dakxut, trong sáu tháng từ tháng chạp năm 1930 đến tháng sáu 1931, một trăm bảy mươi tù nhân bỏ mạng.
Không phải vì khí hậu vì sốt rét mà bị giết.
Palméséani loại bỏ những ai không chịu đựng nổi nhịp độ tiến trình công việc. Ngày 12 tháng Chạp năm 1931, tù khổ sai từ chối không chịu rời ngục Kontum đi Dakpek nơi họ bị chết nhiều, lính canh ngục liền nổ súng. Mười sáu người chết trong số những người cứng đầu nhất. Lịch sử không nói cuối cùng họ có chịu đi không. Chính quyền Pháp biết tất cả những sự kiện đó.
Ngay sau khi Việt Minh cướp chính quyền, Hương thoát ngục trở về tham gia ngay công tác cách mạng là uỷ viên phụ trách văn hoá và tuyên truyền trong Uỷ ban nhân dân Trung Bộ. Tháng 3 năm 1946 ông được triệu tập đến dinh chủ tịch chính phủ tại Bắc Bộ phủ, trước đây là dinh thống sứ Bắc Kỳ. Ông đến bằng xe đạp, phương tiện đi lại quen thuộc của ông.

Giáp, người bạn học cũ tại trường Quốc học Huế, đón tiếp ông và đưa đến gặp chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dầu cấp bậc khác nhau, do công việc bận rộn, những năm đau yếu, hôm nay lần đầu tiên người cựu chính trị phạm nhà ngục Kontum mới gặp lại bạn cũ. Ông Hồ Chí Minh nói với Hương: "Anh phải đi Trùng Khánh gặp Tưởng Giới Thạch nói với ông ta rằng chúng ta cần vũ khí để đánh đuổi quân Pháp". Ông Hồ giải thích thêm: quân Pháp đã chiếm Nam Bộ, đang đe doạ Hà Nội. Ông Hương kinh ngạc vì lời yêu cầu, vì sự tín nhiệm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch đã giao phó cho ông sứ mệnh quan trọng nầy. Ông chẳng biết gì về chính trị đối ngoại, về những chuyến công cán ngoại giao. Nhưng ông biết rằng thời gian cấp bách và hiểu rằng vị lãnh tụ cách mạng tìm cách phân hoá Trung Hoa và Pháp, lúc nầy đang thoả hiệp thu xếp với nhau trên lưng Việt Minh.


Hôm sau, ý thức sâu sắc tầm quan trọng của sứ mạng của mình, Hương trở lại phủ chủ tịch thì gặp một nhóm người, nguồn gốc chính trị rất khác nhau, người ta bảo sẽ đi với ông. Có những bộ trưởng cộng sản, cả những người của các đảng phái quốc gia thân Trung Quốc. Thời đó, chính phủ "liên hiệp quốc gia" tập hợp những người có ý thức hệ rất khác nhau. Dù có những cuộc hội họp, đón tiếp, nhưng chính là nhờ đài phát thanh Pháp mà ông Hương được biết cố vấn Vĩnh Thuỵ cũng tham gia phái đoàn. Ông không ưa cựu hoàng lắm nhưng cũng hiểu cựu hoàng không phải cùng loại với những người kia.


Chuyến đi bắt đầu bằng ôtô ra phi trường. Chiếc Packard mang từ Huế ra, lại lăn bánh chở chủ cũ và những người cách mạng trong chuyến đi không biết trước nầy. Hàng ghế sau hơi chật, Nguyễn Công Truyền, một quan chức Việt Minh, uỷ viên phụ trách tuyên truyền trong Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ và Hà Phú Hương ngồi cạnh Bảo Đại. Nghiêm Kế Tổ, người của Quốc dân đảng, thứ trưởng Ngoại giao làm trưởng phái đoàn trên danh nghĩa, sau khi Bảo Đại từ chối không nhận làm trưởng đoàn, sẽ đi sau. Dù còn trẻ nhưng Hương vừa trải qua mười hai năm cấm cố trong xà lim, cổ đeo gông nối với hai chiếc xiềng quanh mắt cá chân khiến cho ông không đứng thẳng được. Ông nổi tiếng là một tù chính trị ngoan cường với kỷ luật hà khắc trong nhà tù thực dân.

Trên xe ra phi trường cố vấn Vĩnh Thuỵ thổ lộ với hai bạn đồng hành, khiến họ sửng sốt: "Tôi chủ yếu là đi du lịch". Ông ăn mặc tề chỉnh, sang trọng. Một người đi du lịch, tại sao không. Ngoài câu nói trên theo thói quen, ông không nói gì thêm.
Phái đoàn lên máy bay từ phi trường Hà Nội tới Côn Minh trên chiếc máy bay DC-3 chen chúc đám quân nhân Trung Hoa, lỉnh kỉnh hòm xiểng.
Trừ ông Vĩnh Thuỵ cũng biết lái máy bay lại dày dạn trong chuyến đi xa bằng máy bay, còn với những người khác thì đây là lần đầu tiên họ đi máy bay.
Côn Minh chỉ là một trạm trung chuyển. Một quả đồi của Vân Nam, cao hơn hai nghìn mét trên mặt biển. Một khách sạn bị cuộc nội chiến làm hư hại. Họ tạm trú ở đây để chờ thiện ý của Tưởng Giới Thạch.


Tưởng thống chế để mấy ngày mới trả lời. Nghiêm Kế Tổ từ trong nước đi sau đã theo kịp họ ở đây. Không khí trong đoàn thiếu cởi mở đầm ấm. Họ không nói gì với nhau trong cuộc họp chung toàn đoàn, chỉ trao đổi riêng từng nhóm quen biết nhau. Giờ phút trôi qua chậm chạp. Vĩnh Thuỵ, không bỏ lỡ thời cơ, qua đêm với một cô hầu buồng của khách sạn. Ban ngày ông lại mặc quần áo trắng chơi quần vợt dưới con mắt sững sờ của ông Hương.
Bảo Đại, từ nay ta lại trở lại với cái tên quen thuộc của nhân vật, lại thắng ván nữa. Nghiêm Kế Tổ chạy bở hơi tai từ đầu nầy đến đầu kia của sân quần để ứng phó cũng không lại được với Bảo Đại. Cựu hoàng vẫn giữ nguyên vẻ phớt lạnh chỉ hơi đổ mồ hôi, dù trời nắng. Sau trận đấu họ đi tắm. Khách sạn được xây dựng cạnh một suối nước nóng cách đó khoảng bốn mươi cây số. Lần nầy chỉ có hai người với nhau. Không có lính Trung Quốc, không có hai ông cán bộ Việt Minh khắc khổ thường tham dự vào cuộc kiểm điểm của họ. Sau khi tắm là ăn trưa. Bí thư trưởng của tướng Lư Hán, người đã dẫn một trăm sáu mươi ngàn quân Trung Hoa vào Việt Nam mời một bàn tiệc trưa. Chỉ có Bảo Đại đến một mình không ai tháp tùng ông. Cuộc chờ đợi ở Côn Minh bảy ngày. Trong khi Bảo Đại, Nghiêm Kế Tổ, vui thú quần vợt, tắm suối nước nóng thì ông Hương không hề từ bỏ vẻ mặt cứng rắn của ông.


Có một người khác cũng cảm thấy khó chịu. Đó là lãnh sự Pháp tại Côn Minh. Ông không hiểu gì về chuyến đi của cựu hoàng. Ông ta đi tị nạn hay trái lại tham gia một phái đoàn chính thức như người ta nói(1).
Viên lãnh sự điện về nước một bài trả lời phỏng vấn của ông Hương với một tờ báo địa phương:"Người ta nói rằng cựu Hoàng đế Bảo Đại không bằng lòng chính phủ Hồ Chí Minh? Không. Ông hoàn toàn tán thành những biện pháp của chính phủ. Nếu người Pháp không tôn trọng hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3, không trao trả độc lập cho các ông, thì các ông sẽ làm gì? Trả lời: Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh một triệu người"(2).
Cuối cùng một chiếc máy bay DC-3 đưa họ lên Trùng Khánh, một thành phố ba triệu dân, nơi chính phủ Trung Hoa đóng.

Ở đây trong khách sạn mới "Bốn mùa", Bảo Đại được bố trí một phòng rộng có phòng tiếp khách riêng, trong lúc Nguyễn Công Truyền và Hà Phú Hương chung nhau một phòng nhỏ. Họ còn phải chờ đợi mấy hôm nữa. Cuối cùng văn phòng chính phủ yêu cầu cựu hoàng chỉ một mình ông đến nói chuyện với thống chế họ Tưởng. Người ta hỏi Bảo Đại, người đi du lịch, có phải đúng ông cầm đầu phái đoàn không? Bảo Đại từ bỏ cây vợt đến dinh thống chế. Vẻ uy nghiêm của dinh thự Tưởng Giới Thạch khiến ông nhớ lại cung điện vàng son của ông trong Tử Cấm thành Huế.
Những nghi thức trọng thể dành cho ông, mà tại Hà Nội có đôi chút lãng quên, chứng tỏ người Trung Quốc coi sự thoái vị chỉ là một giai đoạn.

Một chiếc xe công đến khách sạn đón và đưa ông đến trụ sở chính phủ. Ông được các nhân vật cao cấp Quốc dân đảng mời ăn trưa. Cựu hoàng không tiết lộ với các bạn đồng hành nội dung của những cuộc trao đổi. Sau nầy ông tâm sự với một nhân viên mật vụ Pháp:
"Người ta cho tôi biết chính phủ Việt Nam, một mặt cử tôi đi thực hiện một sứ mạng hữu nghị với Trung Hoa thì đồng thời cũng cử một phái đoàn đi gặp đại sứ Xô viết. Tưởng Giới Thạch rất bất bình. Trong thực tế, chính là Mạc Tư Khoa chỉ huy mọi công việc hiện nay ở Hà Nội"(3). Ông Hương, người phát ngôn chính thức của phái đoàn, rốt cuộc được mời dự một cuộc hội đàm với những người lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Hoa. Cuối cùng do Bảo Đại yêu cầu khẩn thiết, toàn thể thành viên trong phái đoàn được các cố vấn của Tưởng Thống chế tiếp trong một ngôi chùa để buổi hội kiến không có tính cách chính thức vì người Trung Hoa không muốn tiếp chính thức những nhân vật cộng sản.

"Các ngài có thể cung cấp vũ khí cho chúng tôi hoặc giúp chúng tôi chiến đấu với người Pháp không?". Ông Hương nêu câu hỏi.
"Sau khi Nhật đầu hàng, chúng tôi có quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Hơn nữa tất cả những phương tiện chúng tôi có trong tay đều cần để cầm chân quân đội của Mao Trạch Đông. Chúng tôi không có phương tiện để gíúp các ông".
Sự từ chối là dứt khoát nhưng đài phát thanh Pháp nhắc lại: "Một phái đoàn quan trọng của chính phủ cách mạng đã gặp Tưởng Giới Thạch". Thông báo nầy hình như để tỏ ra rằng mối dây liên hệ giữa nước Pháp và Trung Quốc không chặt chẽ như người ta tưởng. Chính phủ Hà Nội ra sức tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tin nầy. Nó cũng đáng giá cho chuyến đi nầy, Hồ Chí Minh không mong gì hơn thế.

***

Buổi tối Bảo Đại được tự do nhưng có kiểm soát. Người Trung Hoa không để cho ông được tự do sống cuộc sống ban đêm của ông dù rằng, mặc dù trong thời chiến, Trùng Khánh không thiếu trò tiêu khiển hấp dẫn. Có nhiều cạm bẫy, người Pháp có thể bắt cóc ông. Cuối cùng, khi người Trung Hoa nhận thấy cựu hoàng không thể nhịn những cuộc đi ra ngoài phố đó, họ phái đến cho ông một cô gái gọi. Cô nầy ngày đêm không rời ông nữa.

Chuyến đi và những cuộc thương thuyết của Bảo Đại với thống soái gây ra một mối băn khoăn lớn trong các nhân viên mật vụ đang giám sát thành phố Trung Quốc. Báo cáo của họ mâu thuẫn lung tung.
Cựu hoàng đi Trung Hoa chính xác vì lý do gì, cho ai? Đây là một đề tài nghiên cứu thú vị của giới tình báo.

Lúc đầu, cơ quan mật thám Pháp báo tin, ông sang Trung Quốc để đạt được việc rút ba mươi nghìn quân được gửi sang Việt Nam để chống lại quân đội do Paris gửi sang. Sau đó họ lại khẳng định: ông sang để thương lượng vay hai mươi triệu đồng của các nhà tài chính Mỹ do Tưởng Giới Thạch giới thiệu. Theo một loạt nguồn tin khác, nguồn tin nào cũng nói là có nguồn đáng tin cậy, Bảo Đại suýt nữa thành nạn nhân của một vụ mưu sát ở Côn Minh, ông không ngừng kêu gọi sự can thiệp của các cường quốc đồng minh công nhận ông là chủ tịch chính phủ Việt Nam thay thế Hồ Chí Minh đã bị cộng sản Pháp mua chuộc. Một tin khác: cựu hoàng tìm cách bán cho Trung Quốc các mỏ than ở Hồng Gai để lấy súng đạn, điều chắc chắn là Nhà vua trẻ đã nhiều lần tiếp xúc với đại sứ quán Hoa Kỳ. Ông mong Washington sẽ vào cuộc và người Mỹ sẽ chấp nhận làm trọng tài giữa nước Pháp và Việt Nam mới.
Thời kỳ Nhà vua phải mưu mẹo mới mua được quyển album dán tem đã xa rồi. Chiến tranh và cách mạng đã khiến ông trở nên quan trọng. Không phải do hành vi của ông hay sự lựa chọn đã chứng tỏ sự sáng suốt nhìn xa trông rộng của ông. Nhưng từ nay ông cân nhắc các sự kiện và mánh khóe. Con người ông chứa đựng một mớ hỗn tạp nhập nhằng. Có lúc ông thật sự là một thanh niên cường tráng lúc nào cũng mang một nỗi phiền muộn triền miên. Hình ảnh ông mờ nhạt. Hơi mềm yếu. Hình như ông để cho các sự kiện kéo đi mà không có chính kiến, hay không có cả nghị lực vững vàng. Hình như ông để mặc cho ngọn gió đẩy ông theo chiều hướng tốt.
Đến lúc phải trở về, cựu hoàng thông báo thẳng thừng với các thành viên trong phái đoàn "Tôi ở lại, tôi sẽ đi du lịch". Ông thêm: "Nếu gặp vợ tôi, nhờ các ông nói giúp tôi khỏe".
Hà Phú Hương nổi giận, không giữ được những điều kìm nén trong lòng từ lúc ra đi : "Thưa ngài, ngài chỉ nghĩ đến ăn chơi, gái và cờ bạc".
Cựu hoàng mỉm cười nhưng không nói gì. Nhận xét của ông Hương đâu có sai sự thật. Chuyện nầy do Hương thuật lại, chuyện kể chắc có thể khác nếu mấy tháng sau Bảo Đại không chống lại những người cộng sản.
Rõ ràng là cựu hoàng không trở về với gia đình. Một học sinh trốn học. Một vấn đề chính trị cao siêu hay đơn giản chỉ là lo cho sinh mạng không bảo đảm an toàn, nếu trở về với cách mạng là vấn đề an toàn. Bỏ trốn hay chỉ là vắng mặt, vấn đề nầy ông đã lưỡng lự lẩn tránh từ khi cách mạng nổ ra, bây giờ ông mới giải quyết.
Quyết định của cố vấn khiến mọi người sửng sốt.
Phái đoàn Việt Nam nghe Bảo Đại nói vậy tưng hửng như từ trên cao rơi xuống. Muốn hay không, đoàn cũng phải rời Trung Hoa về nước. Ngoài Bảo Đại, Nghiêm Kế Tổ cũng ở lại không chịu về. Từ sau hiệp định 6 tháng 3, quân Pháp thay thế quân Trung Hoa lo giải giáp và hồi hương quân Nhật. Quân của tướng Lư Hán rút khỏi miền Bắc, các đảng phái đội lốt quốc gia chống phá cách mạng mất luôn chỗ dựa. Chính phủ nhân cơ hội nầy thẳng tay trừng trị chúng, giải tán các toán vũ trang, xoá bỏ chính quyền ly khai ở một số tỉnh.
Ông Hương và Nguyễn Công Truyền trở về Hà Nội để báo cáo với chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết nói gì đây?
Một cuộc chạy trốn, một sự đào ngũ hay chỉ là ý muốn ngông cuồng đi du lịch? Kể lại có ích gì. Bình thường ra, phái bộ đi Trung Hoa sẽ phải có một người ở lại Trung Hoa là đại diện như trong quyết định của hội đồng chính phủ trong phiên họp ngày 11 tháng 3 năm 1946. Nhưng người đó là ai? Hồ Chí Minh chắc chắn biết trước ý định của ông cố vấn tối cao. Ông có viết thư cho Bảo Đại bảo ông ta ở lại chờ lệnh mới không?
Không ai khẳng định điều nầy. Ngoài mặt ông tỏ ý tiếc sự lựa chọn của Bảo Đại. Tuy nhiên nhịp cầu không vì thế bị cắt đứt. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh còn thuyết phục chính phủ gửi cho Bảo Đại một số tiền để ông ta có thể trở về nước trong trường hợp ông muốn trở về.
Trong thực tế, ông cố vấn tối cao không còn một xu dính túi. Tiền vợ nhờ chuyển cho chẳng còn gì, tiền nằm trong tài khoản của ông ở nhà băng Đông Dương bị phong toả. Muốn sống ở Trung Hoa ông phải vay nợ.
Lúc đầu ông vay của một người Tàu tên là Wong Phu. Ba năm sau, khi ông lại được làm quốc trưởng, người Tàu nầy gõ cửa đòi nợ. Ông vay của Lý Lệ Hà, cô nhân tình đã lặn lội sang Trùng Khánh theo ông, chia sẻ ngày đêm với ông và mở hầu bao. Bảo Đại lao vào các cuộc thương thảo với người Trung Hoa và Pháp. Ông sống nhờ vào tiền tiết kiệm của nhân tình. Sau nầy ông còn được một người Trung Hoa khác bao ông. Zing Tsong Phao, một nhân viên tình báo Trung Hoa-Mỹ, người đã tiễn ông ở Côn Minh.


Bảo Đại đi rồi, dù báo chí Hà Nội không có bài nào lên án hành động phản bội của ông nhưng đây đó những tin đồn về nguồn gốc đáng ngờ của ông được nhắc lại truyền tai nhau. Những chuyện xấu xa về tư cách ông được bàn tán, lan rộng khắp phố phường Hà Nội.
Chú thích: (1) Hồ sơ lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp. (2) Yunnan Ye Pao - Vân Nam Nhật báo, số ra ngày 24 tháng 3 năm 1946. (3) Hồ sơ lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp - Vụ Á - Châu Đại Dương,

*

No comments: