Tuesday, February 16, 2010

ĐỜI TÀI HOA 1

*


*

ĐẨU TIẾP
Nguyễn Văn Đề
soạn


KHÁI SINH
Dương Tụ Quán
duyệt






ĐỜI TÀI HOA

Tập lịch sủ ly kỳ nhất
của cụ thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh

bạn đồng hành của Cao Bá Quát








Hiệu sách Đông Tây
195, Hàng Bông, Hanoi
xuất bản

1938


In lần thứ nhất giá bán 0$35












ĐỜI TÀI HOA
Tiểu sử và thi văn của
NGUYỄN HÀM NINH


Đông Tây xuất bản 1938


Gia Hội thư quán
Canada 2010
Có sửa chữa và chú thích thêm

Copyright © 2010 by GIA HOI Publisher



MỤC LỤC


I. TIỂU SỬ NGUYỄN HÀM NINH 5.
II. TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN HÀM NINH 29
III. NGUYỄN HÀM NINH VÀ CAO BÁ QUÁT 31
IV. NGUYỄN HÀM NINH VÀ TÙNG THIỆN VƯƠNG 37
V. NGUYỄN HÀM NINH VÀ CÁC BÀ CHÚA THƯỜNG SƠN, LẠI ĐỨC 48
VI. TỰ TÍCH CỦA NGUYỄN HÀM NINH 54
VII.PHẢN THÚC ƯỚC 57
PHỤ LỤC: Các bài viết về Nguyễn Hàm Ninh. 68






(ĐTH, 5)

I. TIỂU SỬ NGUYỄN HÀM NINH (1808-1876)

Cụ húy là Hàm Ninh, tự Thuận Chi, biệt hiệu Tịnh Trai, Anh Toàn tử, sinh ngày rằm tháng giêng năm mậu thìn (1808), mất ngày rằm tháng chạp năm đinh mão (1867), tính theo tuổi An Nam, cụ đã hưởng thọ 60 tuổi. Cụ nguyên người làng Phù Kinh (sau 1954 đổi thành Phù Hóa), sau thiên cư qua Trung Ái (Trung Thuần), phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (Trung kỳ). Người ta đồn rằng cụ là một bậc thần đồng.. Khi cụ chưa sinh, những lúc canh khuya đêm vắng, trên hòn lèn Bảng, người ta thường thấy một ngọn đèn leo lét thắp dưới một gốc cây, xa nghe văng vẳng có tiếng người đọc sách. Khi cụ đã lọt lòng rồi, tiếng đọc sách ấy và ngọn đèn, không còn nghe thấy đâu nữa, họa chăng ở nhà cụ. . . Nhưng kịp lúc cụ đã trở về cõi suối làng mây, trên lèn Bảng tự nhiên ngọn đèn khuya lại thấy, tiếng đọc sách lại nghe, nhưng ít lâu lại im lặng. Đồng thời cụ Lê Chí Tuân ( Tấn sĩ, người Lâm Xuân) ra đời. nên có kẻ ức đoán rằng: người tiên trên lèn ( lèn: núi đá) Bảng hai lần thác sinh xuống cõi trần, sau là cụ Lê Chí Tuân., mà trước là cụ Nguyễn Hàm Ninh đó vậy..


Lạ nhĩ! Không biết lấy gì để làm chứng cho cái thông minh xuất chúng của cụ, sao người ta phải bịa ra những chuyện dị đoan ấy để làm gì? Theo chúng tôi thì cụ chỉ là một đùa con yêu quý của hai vợ chồng nhà nông nọ, ở chân núi Chóp Chài, bên ngọn nước Khe Dang kia. Không tiền, thuở nhỏ cụ thân sinh không cho đi học. Một hôm có một người bà con đem đến cho cái bánh, ngài đùa rằng trong nhà ai hễ ai lớn hơn cả thì đưược. Cụ hỏi: Thế thầy tuổi gì?

(ĐTH, 6)-Tuổi mùi. Thế mẹ tuổi gì? - Tuổi thân. Cụ cười: Thế thì cái bánh phần con, con tuổi thìn (1). Thìn đã rồi mới đến tị, ngọ, mùi, thân, dậu chứ!


Biết con là bậc thông tuệ phi thường, cụ thân mới cho cắp sách đến trường học phóng (2). Song cửa nhà đơn bần quá chừng, chưa đuợc mấy tháng cụ lại phải bỏ học về giúp đỡ việc nhà. Mãi đến năm 15 tuổi, nhờ có người cô ruột là bà Nguyễn Húc, một tay cự phú trong làng, không con nên mới xin nuôi cụ đem về nuôi cho ăn học, cụ mới được chuyên nguyện tàng tu từ đó. '' Một nét chữ, một câu thơ, chỉ suy học một đã biết mười'', một câu thơ ấy, không biết đã đủ đẻ diễn tả tài học của cụ đã được chưa? Các ngài đã từng nghiệm thấy chăng? Những người như cụ, thuở bé là những tay tinh nghịch cả đãy!

(Mộ phần của Nguyễn Hàm Ninh ở Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Người ta thường thuật rằng: một hôm trong một quán rượu ở chợ Ba Đồn, một cô kỹ nữ người Thỗ Ngọa, cô Bình, đương cùng thầy cử người Di Luân, bên lời tâm phúc, bên lời hàn huyên. Thoạt thấy cụ ở đâu vào, thấy cử muốn làm cách tảng lờ để chữa thẹn, liền đón hỏi: ''Thế nào? Mãy lâu nay anh có bài gì hay? Đọc nghe!''.
-Cụ Nguyễn: Thưa không, song nếu tiên sinh hạ cố đến, muốn nghe văn tôi, tôi xin đọc ngay một bài phú tức cảnh để hầu tiên sinh.
-Thầy cử: Được , tốt lắm, anh cứ đọc.
-Cụ Nguyễn:
Thầy cử Di Luân; Cô Bình Thổ Ngọa
Hai bên gặp gỡ thờ ơ; Một quán chuyện trò thong thả.. .
Thầy cử gượng cười: Hay, rất hay!
Trầu đầy đãy, nhai nhai, nhả nhả, trỏ bà gia ''chi'' lấy chìa vôi; Thuốc đầy bao, nút nuít châm châm, quát thằng nhỏ '' chi'' lấy đem chút lả (lửa)
Thầy cử vuốt râu: Hay, rất hay!

(Mộ phần của Nguyễn Hàm Ninh ở Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình)


(ĐTH, 7)

Cụ Nguyễn: Khăn hồng đỏ chót, vắt lên che đen kịt '' chi'' hàm râu; Quần lãnh bưởi láng xầy, thả xuống trắng bong '' chi'' cổ vả! (bắp vế). . .
Thầy cử đỏ mặt: Khăn tay sao lại đối quần lãnh, hàm râu sao lại đối cổ vả? à ra thằng này xấc thật!
Sau câu nói ấy, sẽ xảy ra sự gì, bạn đọc thử đoán, mà bài phú kia làm đến nửa chừng cụ đành phải bỏ dở!
Lại một lần cụ lên chơi ở tỉnh lỵ cùng mấy người bạn, bên đường thấy một mỹ nữ đi ngang, cụ liền đọc luôn mấy câu: Con nhà ai? đi đâu đó? Gò má hồng hồng; dây lưng đỏ đỏ. Nhìn qua phong dạng, ước mười bảy, mười tám mô chừng; Ngó lại hình dung, e cô hai, cô ba chi nỏ. Uớc chi được như vầy. . . Mà rứa, mà rứa. . .''dã tai''!(3)


Lại một lần có người quen biết trong làng đi cưới vợ ở Tượng Sơn, cụ cũng được mời đi. Qua bến Kênh Kịa, cụ đi sau, thoạt thấy cả đoàn dừng lại, rồi tin từ phía trước đưa đến: '' Câu đối! Họ ra câu đối!'' Cụ liền chạy lên trước đoàn, thấy các bực đàn anh đương đứng ngơ ngẩn trước một mảnh giấy hồng, trải trên một cái hương án mà người ta đặt chắn ngang đường để đòi nộp cheo. Cụ vội vàng cầm lấy mảnh giấy lên xem:

Chân giậm tay mò bơn hói Kịa,
Biết câu đối ra lỡm, cụ cũng đối lỡm lại:
Má kề miệng ngậm bống khe Dang.

Tài mẫn tiệp, sức thông minh của cụ như thế, thảo nào mới năm sáu năm nghiên bút dùi mài, mà đến năm 1829 (kỷ sửu) vừa 22 tuổi, cụ đã giật được cái tú tài, và qua năm sau 1831 ( tân mão), cụ đậu giải nguyên! (4) Năm ấy cụ vào Giám. Năm sau cụ đi Hậu bổ Nghệ. Cách mấy tháng, cụ đổi ra Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Năm 1833 ( quý tị), ông thân quy tiên, cụ phải

(ĐTH 8) về đinh gian. Quan huyện Đường Hào là bạn đồng khoa đồng liêu, lại tình đồng châu, đồng quận, có tiễn cụ bài thơ

NGUYÊN HÁN VĂN

客秋君我相攜往
今秋君向別吾歸
德水甘江天若遠
他鄉故郡月分煇
陪顏昨 夜知多苦
屈指來秋未可期
忠孝古來男子事
可堪初度遇相知


PHIÊN ÂM

Khách thu quân ngã tương huề vãng,
Kim thu quân hướng biệt ngô quy.
Đức thủy Cam giang thiên nhược viễn,
Tha hương cố quận nguyệt phân huy.
Bồi nhan lạc nhạn tri đa khổ
Khuất chỉ lai thu vị khả kỳ.
Trung hiếu cổ lai nam tử sự,
Khả kham sơ độ ngộ tương tri
(Các bản dịch trong tập này đều do Đẩu Tiếp phiên dịch)

Dịch

Cùng nhau thu trước cắp tay đi ,
Sao vội thu nay dứt áo về?
Xa cách sông Cam trời bến Đức,
Chung soi đất khách nguyệt làng quê.

(DTH, 9).
Lời trao hôm trước âu thêm bận,
Tiệc hẹn năm sau đã dễ gì?
Trung hiếu đạo trai đành phải thế,
Buổi đầu may gặp bạn tương tri!

Ở nhà cư tang được ít lâu, vì sinh kế, cụ phải tìm vào Thanh Toàn (Huế) hỏi nơi dạy học.(5) Bãy giờ gặp khoa giáp ngọ (1834), trong quán nước, cụ ngồi một mình trên bộ ngựa ( ván), các thí sinh, những ai đã tầng biết cụ, đều khúm núm đứng chực hai bên. Một anh chàng lạ mặt, từ đâu đến, thấy thế liền cười: '' chào thầy tú'', vì có tú tài mới đến kinh đô để hòng giựt cái cử nhân, chớ cử nhân hay tấn sĩ mấy ai qua đó, quanh quẩn ở ngoài trường thi làm gì!''Ngư mục hỗn châu'' là thế. Không lẽ cụ đành lặng thinh để cho người ta xem thường hay sao! Cụ liền đáp lại:

Ngã vị ''tầm sư'' vạn lý lai,
Lãnh Nam tiên chiếm bách hoa khôi.
Bồng bềnh khách địa thùy thanh nhãn
Hạnh đắc quân kim thuyết tú tài.


我為尋師萬里來
嶺南先占百花魁
蓬 萍客地誰青眼
幸得君今說秀才


Dịch
Vì kẻ tìm thầy đến đấy chơi,
(Đi tìm nơi dạy học mà lại bảo:Vì kẻ tìm thầy đến đấy chơi!)
Non Nam tầng tỏ mặt hoa khôi.
Bơ vơ đất khách ai tri kỷ,
May được nhà ông nói tú tài!

Nghe xong mấy vần thơ ấy, biết là một bậc kỳ tài, người kia liền theo xin lỗi, sụp xuống lạy và ngõ ý muốn tôn cụ làm thầy, rước về nhà ngồi dạy!.

(ĐTH, 10).
Đóng vai ông đồ mãi đến năm 1836 ( bính thân), cụ mới được đức Minh Mạng vời ra làm quốc học độc thư. Năm 1838 (mậu tuất), đổi qua Tôn nhơn phủ chủ sự. Chính lúc lên giữ chức ấy, cụ thấy trên điện Thái Hòa sáng rực hai câu đối sơn son thiếp vàng:

Tử năng thừa phụ nghiệp,
Thần khả báo quân ân.


子能承父 業
臣可報君恩


(Con thừa được nghiệp cha, Tôi trả tròn ơn chúa)
Cụ liền lấy bút phê bên cạnh:
Tối hảo! Tối hảo! Cương thường điên đảo,
Thần Nguyễn Hàm Ninh phụng khảo

Nghĩa là :Hay tuyệt! Hay tuyêt! Song cương thường ngược hết!
Thần Nguyễn Hàm Ninh phụng duyệt.


Sau vua Minh Mạng nhìn thấy, triệu cụ vào, hỏi sao dám bảo '' cương thướng điên đảo'' thì cụ tâu rằng chử tử đứng trước chữ phụ, chữ quân nằm sau chữ thần. Ngài bắt cụ chữa lạ, thì cụ đọc:

父業子能承
君恩臣可報


Ấy! chỉ đem lên đem xuống mấy chữ, mà câu văn già hẳn lên, làm cho đức Minh Mạng, đã sẵn lòng phục cụ, lại càng phục thêm! Càng được vua sủng hạnh, cụ lại càng '' quá lắm'', coi các'' ông lớn'' trong triều không ra gì! Có một ông lớn nào đó, người lùn, sinh được cậu con trai, cụ cả gan đi mừng một bài thơ mà hiện nay còn nghe truyền tụng hai câu:

(DTH, 11)
Bất nguyện ngô nhi đại quá nhân,
Đãn nguyện ngô nhi như phụ thân


不願吾兒大過人
但願吾兒如父親



Dịch:
Con ta lọ ước lớn hơn ai,
Ước được bằng cha đã chán chơi!

Châm chọc người ta đến xương tủy như thế, bảo họ không ghét sao được? bảo họ không tìm cách mà làm hại mình sao được? Há chẳng phải vì vậy mà năm 1840 (canh tí), tức là năm Minh Mạng thứ 21, không rõ người ta đã nhân cớ gì mà mời cụ lui về đó ư?
Cất xong một mái thảo đường ở Khe Cừ, chỗ vua Chiêm Thành đóng đô thuở trước, cụ có ba bài thơ tức sự:

渠溪草堂

I

山外寒溪溪外山
百城富貴草三間
開窗青曉看雲起
出郭斜陽便鳥還
園樹池 漁縈活計
蔾羹醬飯駐韶顏
房人莫訝歸來早
一日歸來一日閒

(DTH, 12)
II

古壘平蕪四面山
村煙藹藹翠黴間
草肥牧笛吹風去
禾長農簑 帶雨還
吟到園林無俗韻
醉同親故足歡顏
歲寒早結松筠侶
飮谷棲邱自在閒


III

把却 初衣托故山
北窗數酌誦人間
不緣世路多疎拙
未必園廬數往還
野鳥無機辰對語
溪花有主爲開顏
百年通塞何須問
一 日薰風午夢閒


(DTH, 11)


CỪ KHÊ THẢO ĐƯỜNG
I
San ngoại hàn khê, khê ngoại san,
Bách thành phú quý thảo tam gian.
Khai song thanh hiểu khan vân khởi
Xuất quách tà dương tiện điểu hoàn.
Viên thụ trì ngư oanh hoạt kế,
Lê canh tương phạn trú thiều nhan.
Bàng nhân mạc nhạ quy lai tảo,
Nhất nhật quy lai, nhất nhật nhàn.

II

Cổ lũy thành vu tứ diện san,
Thôn yên ái ái thúy vi gian.
Thảo phi mục địch xuy phong khứ,
Hòa trưởng nông soa đái vũ hoàn.
Ngâm đáo viên lâm vô tục vận,
Túy đồng thân cố túc hoan nhan.
Tuế hàn tảo kết tùng nhuận lữ,
Ẩm cốc thê khâu tự tại nhàn.

III

Bả khước sơ y thác cố san,
Bắc song sổ chước tụng nhân gian..
Bất duyên thế lộ đa sơ chuyết,
Vi tất viên lô sác vãng hoàn.
Dã điểu vô cơ thời đối ngữ,
Khê hoa hữu chủ vị khai nhan.
Bách niên thông tắc hà tu vấn,
Nhất chẩm huân phong ngọ mộng nhàn.

Dich

NHÀ TRANH Ở KHE CỪ

Đồi bên kia suối, suối bên đồi,
Phú quý nền xưa cỏ một chòi.
Mây sớm dậy trời bay cửa trước
Chim hôm về tổ ruỗi thành ngoài.
Quả vườn cá ruộng nhờ lộc đất,
Cơm tượng canh lê trẻ dáng người.
Lui được ngày nào, ngày ấy khoẻ,
Cùng ai, ai hỡi chớ cười ai!


Đất bằng lũy cũ núi tư bề,
Đỉnh núi xanh xanh ngọn khói quê.
Đồng cỏ hơi xuân còi thổi rảo,
Ruộng chiêm mưa ngọc nảy mang về
Ngâm cùng chim suối nghe tao nhỉ?
Say với người nhà rõ thú ghê!
Trời tạnh, bạn tùng đi lại sớm,
Mặc dầu khê núc , đỉnh non kê!


Áo mũ trả đi, núi cũ về.,
''Say nằm song bắc'' chuyện còn nghe.
Phải vì đường thế nhiều sơ sót,
Nào chắc vườn tiên mãi viếng ve.

(DTH 14)

Chim nội biết ai mồm mách lẽo,
Hoa khe thấy chủ mặt tươi lòe!
Việc đời thua được chi thèm kể,
Một giấc ngơi trưa, ngọn gió hè!

Trong bài thơ vừa đọc, thấy có câu cụ tỏ rằng biết đâu cụ lẩn mãi trong chốn yên hà, chẳng có ngày lại ra lo việc nước. Mà thật thế, buổi cụ treo ấn ra về, đức Minh Mạng đã bảo thầm cụ rằng: ''Khanh cứ về thăm nhà trong ít lúc, Trẫm sẽ chiếu dụng lại.''. . . Không dè chẳng bao lâu, Ngài đã không còn nữa. May nhờ có đức Thiệu Trị là học trò của cụ, nên một khi trò lên giữ ngôi báu, ngày 20 tháng giêng tân sửu (1841), thì chiều ngày ấy, liền chạnh nghĩ đến thầy, lập tức hạ chỉ cho bộ Lại '' Tra Nguyễn Hàm Ninh quán chỉ hà tại, tức hành khởi phục nhập các'' ( xét ông Nguyễn Hàm Ninh ở đâu, lập tức cho khởi phục nhập các''. Giấy bộ tư về làng, thì cụ đã đi chơi đâu ngoài Bắc rồi. Bộ phải tư cho các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, hễ đâu có cụ thì phải ''lập tức lai kinh hậu chỉ''. Cụ ở Hà Nội được tin ấy, lại được nghe đức Thiệu Trị bắc tuần, cụ liền chạy vào đón Ngài tại Vinh, và về triều theo Ngài, sung chức nội các hành tẩu.

Dã ngoại tú tài, Tề thiên đại thánh,
Bộ trung hành tẩu, lục địa thần tiên.

野外秀才齊天大聖
部中行走陸地神仙



Tú tài ở làng to như Tề thiên đại thánh. Hành tẩu trong bộ khoẻ như lục địa thần tiên. Đó là lời ngự phê trong tờ chỉ bổ cụ vào nội các vậy. Cụ được phép vào ra tự do trong các. Vì đức Thiệu Trị là bậc hiếu văn, ông nào không có văn danh thì đã dễ được gần gũi Ngài. Song cụ Nhâm Sơn ta càng năng được gần gũi Ngài thì dễ sinh ra lờn mặt. Lãy thị văn mà làm cho ngài kính phục còn chưa đủ sướng, cụ lại tìm cách mà trêu ghẹo ngài nữa! Chứng cớ? Thì một hôm, vua Thiệu Trị vi hành

(DTH 15) qua miền bến Ngự, gặp trận mưa to, ngài phải chạy vào một nhà thợ nhuộm bên đường. Mưa ngớt, ngài ra về, có tặng lại nhà chủ một câu đối. Cụ Nguyễn Hàm Ninh há không biết rằng câu đối ấy là của vua mình? Tuy vậy khi vào trực, cụ làm ra bộ nghiêm nghị lắm, cụ vẫn kêu: ''Hạ thân đi qua nhà tên . . .ở xứ nọ kia. . . trước cửa thấy dán câu đối:

Thiên địa huyền hoàng đô ngã thủ,
Triều đình chu tử tổng ngô môn.

天地玄黄都我手
朝廷朱紫總吾門



DICH
Đen trời vàng đất nhờ tay mỗ,
Mũ tía xiêm điều chật của ông.

Hỏi câu đối của ai làm, chủ nhà bẩm rằng của một thằng lạc phách nào ở phương xa đến. Kẻ hạ thần này cứ như khẩu khí trong câu đối ấy mà xét thì phải quyết rằng tác giả nó là một tay ghê gớm, nếu mạng ấy không làm vua được thì cũng làm giặc. Văy ngửa trông thánh thượng lập tức hạ lịnh cho truy nã hắn vế mà giết ngay đi, để phòng hậu hoạn, chẳng thế thì còn một cách này là đành nhường ngôi báu lại cho nó, mới mong giữ vẹn được cuộc thái bình cho muôn dân!''. . .Lời tâu ấy, buộc nhà vua phải thú thật với cụ: ''Thị Trẫm chi sở tác, khâm thử (Chính trẫm làm đó. Kính lấy.).


Tuy ngài vẫn biết rằng cụ chọc mình chơi, nhưng trong chỗ văn tự, ngài không lấy đó làm đều. Đoạn này phải khen đức Thiệu Trị là người có óc mới. Vua cũng là người, đối với kẻ làm tôi phải xem như anh em ruột, khi buồn cùng lo toan chống đỡ, khi vui cùng giỡn cợt nô đùa, mối tình thân ái có thế mới thêm khắng khít bền chặt. Ở Âu Tây, kẻ thiết cốt

(DTH, 16). thường '' tao mi'' với nhau , cũng bởi lẽ ấy. Vì vậy đức Thiệu Trị không giận cụ Thuận Chi là phải. Nếu có thì sao cụ ở Nội các chưa bao lâu mà qua năm 1845 (ất tị), cụ được thăng Hình bộ thị lang rồi đổi sang cẩn tín ty viên ngoại, và năm sau lại thiên Lại Lễ nhị bộ lang trung?

Như thế mà chừng như đức Thiệu Trị vẫn nghĩ rằng chua đủ để tỏ tấm lòng ân cần quyến chú của ngài đối với một bậc danh nho; ngài lại phải vội vàng trỏ đường chỉ nẽo cho cụ lập công, để sau ngài sẽ bạt dụng, trao cho cụ cái chức gì xứng đáng với tài: Cụ ngồi vào ghế lang trung chưa được yên chỗ, thì mùa đông năm ấy (1846) ngài đã bổ cụ vào làm án sát tại tỉnh Khánh Hòa! Cụ vừa đáo nhậm được đâu trong vòng một tháng, thì một hôm nọ thấy có hai người Tàu xin vào yết kiến. Người đi trước tự xưng là một vị hưu quan, đi du lịch, nghe tiếng cụ là một nhà học giả trứ danh, nên ghé vào thăm. Còn người đi sau tuy đến bây giờ cụ mới biết là bà con của người kia, nhưng hắn là ai, làm nghề gì thì cụ đã thừa biết từ lâu.


Chính gã này buổi cụ còn làm Nội càc, hắn có đem theo một ghe sách, nghe đâu toàn là sách quý lạ, có bộ dày đến mấy trăm chương, giá những 30 lạng bạc, đức Thiệu Trị bèn bảo cụ ra xem thử hay dở thế nào. Với chủ bán, cụ hẹn cho xem xong rồi sẽ mặc cả. Chủ bán bằng lòng. Văy là từ đó, ngày nào cụ cũng ra thuyền khách, vếch chân chữ ngũ mà nằm xem một tập, hai tập, ba tập. . .dần dần cả bộ cụ đã để mắt qua một lượt cả rồi. Chú Chệnh thật thà nọ hỏi cụ có thuận mua không thì cụ cười rằng: Tôi tưởng sách gì mới, té ra thứ sách ấy thì trong Nội các rày mới lục ra đã thấy có cả rồi. Đoạn cụ cho hắn xem một bộ chữ viết, bảo rằng đây là của người ta mới chép lại.


Cụ tin rằng vắn tắt bấy nhiêu lời cũng đủ cho người đồng chủng của tên Mã Viện biết cụ là một bậc thông minh cái thế có thể có sức ký ức khác thường, cả một bộ sách dày như thế mà ngảy xem đến đâu là thuộc làu đến đấy rồi đêm về đọc lại cho mấy tên thừa phái viết, không hề sót lấy chữ nào! Vì vậy cụ không cần bỏ tiền ra mua sách ai , như vua muốn mua, cụ cũng xin đừng, làm cho chú khách kia

(DTH, 17) đã bị ế hàng lại bẽ. Phen này trở lại An Nam, hỏi thăm biết cụ vào làm Án sát ở đây, tưởng nó sẽ lừa lại có bộ sách quý muốn bán, để cụ ăn quen, lại xuống ghe nó mà xem, rồi thừa lúc cụ xuất kỳ bất ý mà kéo neo trương buồm chạy thẳng ra khơi, thả cụ xuống nước để rửa giận không ngờ nó lại biết phục tài cụ, món lợi lớn mất đi, nó không thèm nghĩ đến, lại chạy về nước, kêu rầm lên rằng cụ là một quan trạng đâu đấy khiến cho trong đồng bào của hắn, có kẻ trí thức sẵn bụng hiếu hiền, phải băng vời vượt bể, tìm đến cõi Lãnh Nam này mà xem cho biết con người của cụ ra thế nào mà có được một khối óc thông minh như thế ấy!



Nghĩ rằng nhà thế phiệt kia là một người tri kỷ đáng tin mà chú Khách này cũng là một bậc quân tử nên trọng, nên cụ tiếp đãi rất mực tử tế. Lúc ra về, chúng lại trân trọng ngỏ lời mời cụ xuống thuyền nhập chén rượu lạt. Vui vẻ cụ nhận lời ngay. Đúng giờ hẹn, chúng đem kiệu tới công đường, rước cụ ra bến, rồi bơi xuống vào, rước thẳng ra ghe, neo ngoài cửa bể. Cùng khách rượu ngà ngà say, cụ ngủ quên khuấy lúc nào không biết. Chợt bừng mắt dậy, thì sóng đâu vỗ ầm ầm, thuyền sao chạy róc róc?


Kìa những lão chệch kia lúc nào mới đãi đằng mình một cách rụt rè e sợ, mà nay sao thấy mình ngơ ngác chưa rõ chuyện trước mắt là sự thực hay chiêm bao thì lại chẳng nói chẳng rằng, dám nhăn nanh trông mình mà cười rộ? Hay là hùm thiêng đã mắc phải bẫy mọi đấy rồi? Ôi quả thế! Biển sâu dùng thước mà đo, Lòng người nham hiểm dễ dò được sao! (Tục ngữ). Bây giờ nghĩ ra rồi cụ mới biết: Té ra thằng lái buôn nham hiểm kia, sở dĩ đem người thân thuộc của hắn sang nước ta lần này là cốt để cho có người xứng chuyện trò với cụ, mà tìm phương trả thù!Ngồi trong tàu với bọn nó biết bao nhiêu người, mà cụ vẫn cảm thấy mình như riêng lạc lối vào trong một chốn thâm lâm cùng cốc nào đây? Song nếu ai hỏi cụ có biết sợ không, thì cụ vẫn trông vào giữa bầu trời nước mà lặng ngâm:

(ĐTH, 18)
Hải lãng vân khinh tống khách thuyền,
Phàm quy bắc hướng nhược phi tiên.
Thời khan nguyệt chiếu ba tâm xứ,
Không úy thi đề dạ bất miên.



海浪雲輕送客船
帆歸北向若飛箭
辰看月照波心處
空畏詩題夜不眠


DịCH
Sóng biển un mây trước mũi thuyền,
Buồm bay về bắc chóng như tên.
Kìa xem lòng nước mặt trăng dọi,
E rộn bài thơ ngủ chẳng yên!

Thuyền đến Thượng Hải, chúng đưa cụ lên nhà. Trông lên bàn thờ, cụ thấy hai câu liễn trắng:

Kết phát đính ngô duyên, thùy vị kim triêu hồng bắc khứ,
Mang tâm bằng khách địa, hu ta hà nhật nhạn nam quy!

結髮訂吾緣誰謂今朝鴻北去
茫心憑客地吁嗟何日雁歸南


Dịch
Kết tóc hẹn duyên ta, một phút ai xui hồng về bắc,
Ôm lòng nương đất khách, bao giờ còn thấy nhạn sang nam?

Câu đối ấy nguyên hồi còn ở Bộ, cụ làm hộ cho một người đàn bà ta khóc chồng sang buôn bán ở Kinh, chết đi rồi chở linh cữu về Tàu, trong lúc nàng còn có thai. Bởi vậy trong Hán văn cụ đặt kết, mang, ngô, khách để cho thiết với sự tích của vợ chồng nhà hắn. Nay thấy tác phẩm của mình chưng ở nhà người, cụ biết tên Chệt quá cố kia với kẻ thù của mình cùng nghĩa anh em ruột thịt. Cụ than rằng: Buổi bà con của ngài chết, chính tôi đã làm một người khóc mướn, không ngờ ngày nay thân này lại chết vào tay các ngài

(DTH 19). Than ôi, sau khi tôi đã nhắm mắt rồi, ai là ngừơi dư nước mắt mà khóc mướn cho tôi? Câu nói văn hoa mà bi đát ấy đã cảm động đến quân mặt sát lòng đá. Chúng chỉ đòi giữ lại của cụ cái đùm tóc mịn màng để làm ''kỷ niệm'', còn cái tấm thân mảnh dẻ - tấm mình đặc biệt của con nhà văn, nhà thơ -- chúng lại chở trả về cho non sông Hồng Lạc.




歸故國
海平萬里送人囬
四望滄茫不見涯
宇宙模糊青霧裡
水天縹渺白雲 堆
壯心初試波千頃
歸思從甘酒半杯
佇立船頭看細浪
魚舟處處片帆開

Hải bình vạn lý tống nhân hồi,
Tứ vọng thương mang bất kiến nhai.
Vũ trụ mô hồ thanh vạn lý,
Thủy thiên phiếu diễu bạch vân đôi.
Tráng tâm sơ thí ba thiên khoảnh
Quy tứ tùng cam tửu bán bôi.
Trử lập thuyền đầu khan tế lãng,
Ngư châu xứ xứ phiến phàm khai.



Dịch
VỀ NƯỚC
Đường về muôn dặm bể mênh mông,
Bờ bến đâu đâu trước mặt mình.
Lẫn lộn bể trời trong khói bạc,
Mơ màng non nước giữa mù xanh.
Sóng dào chí cũ nghìn trùng tỉ,
Rươu ngọt lòng quê nửa chén đành.
Đứng trước mũi thuyền trời bể lặng,
Buồm chài bốn mặt cánh thênh thênh!


(DTH, 20)Đến cửa Thuận An, chúng đem thả cụ ở trên bãi biển rồi quay thuyền về. Còn cụ, theo dòng sông Hương, cụ tìm lên đỉnh Ngự, xin vào bệ kiến và chịu tội sơ phóng. Trong triều các quan lớn ghét cụ là thằng ngạo mạn, lúc ở Nội các, đã cậy thế, cậy thần mà bài bác họ nhiều điều, nay họ đều ùa lên cho rằng cụ đã làm nhục quốc thể, và thấy cái đầu trọc của cụ thì họ muốn cho cụ về cõi Phật luôn: họ ghép cụ vào tội đại tịch. Song còn có đức Thiệu Trị! Một vị minh quân thế ấy, há chịu để cho bọn quyền thần giết hại một bậc kỳ tài? Ngài liền tha cho cụ tội chết, và tạm phạt cụ vào Đà Nẵng sung quân ở đó. Lúc cụ ra đi có người em là ông tú Nguyễn Hàm Trạch theo tiễn chân. Ông này ở Khánh Hòa nghe tin cụ về nước, thì vội vàng ra Huế mừng cụ và tin cho cụ biết rằng bà ở nhà đã sinh một gái. Thế nên cùng ông Hàm Trạch cụ có bài thơ lưu biệt:

留 別
不道今相見
猶疑夢未眞
書來兒有母
獄定我為人
遷地清秋晚
高堂白髮新
承歡諸弟在
暫別莫沾 巾


LƯU BIỆT

Bất đạo kim tương kiến,
Do nghi mộng vị chân.
Thư lai nhi hữu mẫu,
Ngục định ngã vi nhân
Thiên địa thanh thu vãn,
Cao đường bạch phát tân.
Thừa hoan chư đệ tại,
Tạm biệt mạc triêm cân.

(ĐTH, 21)
DICH

LƯU BIỆT
Phải chăng đối mặt bắt tay ngồi,
Hay lại chiêm bao đấy nữa rồi?
Góc biển thư về con có mẹ,
Phương trời ngục định mỗ làm người.
Màu thu tiết mượn thương thân kẻ ,
Mái tuyết gương soi tủi phận ai.
Thôi chớ dầm khăn khi dứt áo,
Thân nhà còn cả các em ngoài !

Con trẻ mặc vợ, mẹ già có em, việc gia đình tưởng cụ không cần phải nghĩ đến nữa, và đành để cho họ giải đi:
Đái đắc khô già cử mục kinh,
Nhân nhân chỉ tiếu Nguyễn Hàm Ninh!

帶得枯遮舉目驚
人人指笑阮咸寧



(DTH, 22)
DICH
Ai thấy gông xiềng chẳng phải kinh,
Vừa cười chúng trỏ Nguyễn Hàm Ninh.

Than ôi, mới ngày nào cụ còn đạo mạo làm một ông quan lớn mà bây giờ đành ủ rủ trong bộ áo xanh!
Rong ranh xiềng sắt ngờ đeo ngọc,
Róng rít thừng mây tựa thắt đai.

Đọc câu thơ ấy, cảm thấy cái cảnh ngộ ấy của cụ, khiến ta không khỏi ngậm ngùi! Song những bậc danh vọng như cụ, mà cũng có lần phải nếm thú ngủ ngồi, trường ăn bốc, mới đủ cho thiên hạ tin rằng: nằm trong nhà đá, ngồi giữa cũi sắt, dẫu toàn là người có tội, cũng chưa hẳn là tụi đáng khinh! Tuy cụ đã lọt vào vòng luy tiết nhưng nhà vua vẫn còn một lòng quyến chú. Nên đày vào Quảng Nam chưa được mấy hôm, được đặc ân cải làm Trai đàn hiệu lực ở chùa Thiên Mụ, rồi lại khởi phục Hàn Lâm viện trước tác, đầu đuôi chỉ trong một tháng trời mà thôi!


Bãy giờ cụ vào làm việc ở sở tu thư. Nghĩ rằng dần dà rồi đức Thiệu Trị cũng sẽ cho cụ phục lại chức cũ, không ngờ năm ấy (1847 đinh vị), đức Thiệu Trị thăng hà, rồi vua Tự Đức đăng quang,. Lẽ ra ngôi báu phải về ông Hồng Bảo ( anh ruột Tự Đức) vì đức Thiệu Trị đã đặt ông làm thái tử đã lâu, không rõ sao lúc gần nhắm mắt, ngài lại muốn truyền vị cho ông em là Hồng Nhậm, cho nên ông này lên làm vua, thì ông Hồng Bảo tỏ vẻ bất bình! Vì vậy mà cả gia quyến của ông đều bị hại. Đức Tự Đức đã nhẫn tâm làm cái việc '' nồi da xáo thịt, củi đậu nấu mè''! Vì cớ ấy mà cụ Nguyễn Hàm Ninh không lấy làm phục ngài lắm. Bữa nọ nhân ngài thời cơm, vô ý răng cắn nhằm lưỡi, ngài bèn lấy đó làm đầu bài, bảo đình thần, mấy ông danh sĩ, làm mỗi ông một bài thơ

(ĐTH, 23).

Các quan lớn bài dâng lên ngự lãm nhiều lắm, nhưng bài của cụ là xuất sắc hơn cả, và được truyền tụng đến giờ:

生我之初汝未生
汝生之後我爲兄
珍羞曾幾同甘苦
囓指還忘骨肉情


Sinh ngã chi sơ, nhữ vị sinh,
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh.
Trân tu tằng kỉ đồng cam khổ,
Khiết chỉ hoàn vong cốt nhục tình.


Dịch:

Thuở bác ( lưỡi) sinh ra chú ( răng ) chửa sinh,
Từ sinh ra chú, bác làm anh.
Trân cam từng lúc cùng san sẻ,
Cốt nhục đang tâm nghiến đứt tình?

Bạn đọc chắc đã thừa biết, trong bài thơ ấy cụ muốn nói điều gì rồi. Ôi! Vì một miếng ăn, một chỗ ngồi, mà anh trở giận em, em quay giết anh, thế thì trường danh lợi phải chăng là chỗ người ta dễ ''đổ'' tình máu mủ, đứt nghĩa chân tay, mà kẻ học đạo thánh, sợ lưới trời, phải tìm đường xa lánh, quyết ý tảng lờ? Nhà thi sĩ đa cảm đa tình đổ ra chán nản, việc đời từ đấy. Chẳng những cụ buồn nỗi làm tôi mà không can gì được vua, cụ còn biết xét mình làm quan mà không ích chi đến đâu. Viết đến đoạn này, tựa hồ như có tiếng cụ ngâm đọc đâu đây:


聽雨
梅 花燈下影
蕉葉雨中聲
獨客難爲夜
端居空撫情
北圻方苦潦
西讓未休兵
經術知何補
深 宵看斗橫



THÍNH VŨ

Mai hoa đăng hạ ảnh
Tiêu điệp vũ trung thanh
Độc khách nan vi dạ,
Đoan cư không phủ tình.
Bắc kỳ phương khổ lạo,
Tây nhưỡng vị hưu binh.
Kinh thuật tri hà bổ
Thâm tiêu khán Đẩu hoành


(ĐTH, 24)
Dịch:

NGHE MƯA

Trong mưa , tàu chuối khóc,
Ngọn nến, đóa mai cười.
Đêm đố đặt lưng ngủ,
Giường cao ôm bụng ngồi.
Bắc kỳ dân ngập nước,
Tây nhượng giặc làm trời (6)
Thơ thánh ăn ai tá?
Đêm nhìn Bắc Đẩu soi!.

Xem vậy thì cụ vẫn một lòng ưu thời mẫn thế, nào phải tuồng túi cơm giá áo như những ai kia! Song dầu muốn làm, e cũng phải có trời mới được, bằng không thì có hoài bão thế nào âu cũng bằng thừa. Xem biết tình thế khó khăn lắm rồi, cụ không dám ngồi suông mà hưởng lộc nước, mới bốn mươi tuổi trời, đương độ trẻ trung, răng còm cứng, sức còn dai mà cụ đã từ bỏ miếng đỉnh chung, thác bệnh mà quyết đòi quy lý cho được. Vua Tự Đức cố cầm lại không xong, đành phải nghiêng tai nghe cụ hát bài quy hứng:


(ĐTH, 25)

歸興
村外一聲鳩
園林事事幽
鉤簾春醒燕
橫 笛晚傳牛
柳惠應三黜
張衡滿四愁
爲言歸興樂
安識主恩優


QUY HỨNG

Thôn ngoại nhất thanh cưu
Viên lâm sự sự u.
Câu liêm xuân tỉnh yến,
Hoành địch vãn truyền ngưu.
Liễu Huệ ưng tam truất,
Trương Hành mãn tứ sầu.
Vị ngôn quy hứng lạc,
Yên thức chủ ân ưu.


Dịch

VỀ QUÊ

Chim cưu một tiếng giục ngoài cồn ,
Muôn việc tối tăm núi một vườn.
Én tỉnh giấc xuân, tay sáo cuốn ,
Trâu về chuồng cũ, tiếng còi dồn.
Liễu công đáng mặt ba lần truất ,
Trương tử cam tâm bốn nỗi buồn.
Này thú điền viên chưa nói đến,
Biết đâu mưa móc nặng mang ơn.

(DTH,26)Nhà thơ quen nói vậy, họ thường ca tụng thú điền viên, nhưng dường như cụ chỉ sanh ra để đọc sách ngâm thơ. Trong nhà, cụ nuôi ba người, một người chực luôn bên trướng để khi cụ cần xem sách gì thì mở tủ mà tìm cho cụ xem; lại một người để đọc cho một người nữa biên lại những thơ văn cụ ngẫu hứng làm ra trong lúc tình cùng bầu rượu, duyên với cô đào, như bài ca trù mà cụ cho hát để nhắc nhở đến cái đặc ân của hai vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã tùng phen ưu đãi mình:

Sực nhớ đến Thiêu báu Khai nguyên di sự ,
Tấm bi như như say, như tỉnh, lại như mê.
Duyên tam sinh Âu kiếm Hợp châu về.
Đức tái tạo kể trời cao bể rộng

瓊樓玉宇三更夢
龍閤珠襦萬古愁

Quỳnh lâu ngọc vũ tam canh mộng,
Long cáp châu nhu vạn cổ sầu.
Đỉnh hồ xanh ngắt một màu ,
Trông cung khuyết biết mấy hàng huyết lệ.
Số viên tí lẻ loi là thế ,
Dẫu cơm săng áo cỏ cũng là ơn.
Bùn mây thân cũng là thân ,
Nhân sinh hồ dễ mấy lần được ru?
Lênh đênh một mảnh giang hồ.


(ĐTH, 27).
Ngoài bài ca trù ấy, cùng nhiều bài khác nữa, còn có một câu mà khi nào ngài cũng bắt cô đào Truyền, cái cô đào đó đủ cả thanh lẫn sắc ấy hát:
Ma hèm quen thói say sưa,
Đã say rượu Kịa, lại mơ rượu Cầu..

Phải hiểu cái thâm ý của câu hát ấy. Nguyên bà chính của cụ là người Tô xá ( sinh hạ được ba trai hai gái), sau khi quy điền cụ lại hỏi thêm một bà nữa người Kẻ Kịa ( Tượng sơn); cô đào kia người Kẻ Cầu ( Phú Mị). Kẻ Cầu và Kẻ Kịa là hai làng ở trong phủ có tiếng rượu ngon, nên cụ đặt câu hát ấy để đụa đào Truyền đó.! Ngoài sự gian díu với đào , cụ lại thường tìm chơi các chỗ danh sơn thắng tích. Trên đỉnh đèo Ngang (Hoành Sơn) cụ từng vui với cảnh:

Lờn vờn mặt nước cây hòng lội,
Chợn vợn chân non, sóng muốn trèo.

Còn cảnh chợ Trời ở Sơn Tây thì:

Hóa công xây đắp tự bao đời,
Nọ cảnh Sài sơn có chợ Trời.
Buổi sớm sương tan, trưa nắng giãi,
Ban chiều mây hợp, tối trăng chơi.
Bày hàng, hoa quả tư mùa đủ,
Cứ hiện, giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Thử lên mặc cả một đôi lời!

Ở Chợ Trời mà cũng có thơ cụ? Rõ thực thừa lúc nhàn tản, cụ đã ngao du khắp đây đó. Một lần ngang qua Nghệ, biết ông Lưu Lạng người Cao Lao (tổ tiên của Lưu Trọng Lư) làm án sát ở đấy, cụ ghé vào thăm. Rủi ông đi việc quan vắng

(ĐTH, 28), bà xin cụ để lại một tấm danh thiếp. Cụ liền bảo lấy bút mực, thảo ngay câu thơ:
Bái công một họ, không đồng phái,
Gia Cát trùng tên, vốn khác tài.
Sau quan án về, ngài thấy câu thơ, tự hỏi: Bái công một họ, họ gì? Họ Lưu. Gia Cát trùng tên: tên gì? Tên Lạng. Tưởng rằng tác giả sẽ xưng tên họ của mình, ai nhè lại đem tên họ ông Lưu Lạng ra mà nhạo! Quan án đoán ngay rằng: xược đến thế chỉ có Nguyễn hàm Ninh, bất đắc ý thôi quan về, rày mới đi lang thang. Chính nhờ đi lang thang như vậy, cụ mới tìm ra nhiều cái hay , cái đẹp của thơ, chim trong mây giáng, ẩn giữa cỏ cây? Song tiền lộ phí ai cung cấp cho, mà cụ được thong dong trên đường du lịch.

-Chỉ trông vào một túi thanh nang! Nghe đâu buổi ấy trong các bọn danh sĩ, ông Đinh Nhật Thận với cụ có tiếng hay thuốc nhất.

Nhưng làm thuốc rõ là cái nghề ''phản trắc'' làm sao! Thầy thuốc chỉ khéo cứu được mạng người mà nào cứu được mạng mình! Sinh ngày rằm tháng giêng năm mậu thìn (1808), mất ngày rằm tháng chạp năm đinh mão (1867), có tính theo tuổi An Nam, mới có thể nói rằng cụ đã hưởng thọ 60 tuổi. (6).Nhưng thôi, như nhà thi sĩ nào đó ở bên trời Âu đã nói:
Thánh hiền cũng có ngày vận mạt,
Chỉ câu thơ tuyệt tác mệnh trường.
Les Dieux eux mêmes meurent,
Mais les vers souverains demeurent.(ĐTH, 28)

____

CHÚ THÍCH
( Sơn Trung chú)

1- 4-6. Tài liệu tỉnh Quảng bình và Việt Nam nói cụ năm kỷ sửu (1808) đỗ Tú tài đến năm Tân Mão (1831) đỗ thủ khoa kì thi Hương,được bổ Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) năm 23 tuổi.
Nguồn: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam
NXB Giáo dục, Hà Nội - 2005

Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam
http://www.quangbinh.gov.vn/3cms/?cmd=130&art=1185942007581&cat=1185874918112
http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=1514aWQ9MjIwNzkmZ3JvdXBpZD0yNSZraW5kPSZrZXl3b3JkPQ==&page=8
Trang Trí Thức Việt viết:

Ông làm ở Quốc tử giám, năm sau được bổ làm Tri huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang. Năm Quý Tỵ 1833 cha ông mất, ông về chịu tang, đến năm Bính Thân 1836 được vời ra làm Quốc học độc thư, ít lâu bị gièm siểm phải thôi việc.Năm Tân Sửu 1841 ông lại được vời ra làm quan, giữ chức hành tẩu ở Hà Nội các. Về sau, ông làm Trung lang bộ Lại, rồi bộ Lễ, thăng Án sát tỉnh Khánh Hoà. Một thời gian sau phát vãng vào Đà Nẵng sung quân, nhưng chỉ trong vòng vài ngày được đổi làm Trai đàn hiệu lực tại chùa Thiên Mụ. Ông cùng với Cao Bá Quát đều được Tùng Thiện vương tri ngộ, yêu mến. Tài thơ văn và đức độ của ông được sĩ phu và nhân dân kính mến, ngưỡng mộ. Năm Đinh mão 1876, ngày 15 tháng 12 Âm lịch ông mất, thọ 59 tuổi. Lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.Các tác phẩm: Tĩnh Trai thi tập, Dược sư ngẫu đề, Phản thúc ước.
http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=Nguy%E1%BB%85n+H%C3%A0m+Ninh&type=A0

Theo giai thoại (1) cụ tuổi thìn tức là năm 1808 Đẩu Tiếp viết
(4) năm 1829 (kỷ sửu) vừa 22 tuổi, cụ đã giật được cái tú tài, và qua năm sau 1831 ( tân mão), cụ đậu giải nguyên! Như vậy cụ sinh năm mậu thin (1808), mà thi đỗ tú tài năm kỷ sửu (1829), và đỗ cử nhân đầu bảng năm tân mão (1931). Tóm lại (6) ,cụ sinh ngày rằm tháng giêng năm mậu thìn (1808), mất ngày rằm tháng chạp năm đinh mão (1867), có tính theo tuổi An Nam, mới có thể nói rằng cụ đã hưởng thọ 60 tuổi.(DTH. tr.28)

Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục ghi Nguyễn Hàm Ninh đỗ thủ khoa năm tân mão (1831) tại trường Thừa Thiên nhưng không ghi năm sinh của Nguyễn Hàm Ninh. Theo tài liệu này, làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch lúc này tên là xã Sùng Ái, huyện Bình Chánh (QTHKL nhà xb.HCM, 1993, tr.165)
2. Học phóng: Trẻ con học lớp vỡ lòng, thầy dạy học mặt chữ và học viết. Phóng là tô, là đồ các chữ.
3. Nghĩa là Con nhà ai, đi đâu đó?Gò má hồng hồng; dây lưng đỏ đỏ. Nhìn qua phong dạng, ước chừng mười bảy, mười tám ; Ngó lại hình dung, e cô hai, cô ba chi đó. Uớc chi được như thế nây, thế này, mà cùng nhau kia kia, nọ nọ. . )
Dã taì 也哉 :Nghĩa là vậy thay. Ngày xưa người ta thường dủng từ này để kết thúc bài văn.
5.Phong tục nghĩ việc về để tang trong ba năm là câu nệ hình thức, vì công vụ đình trệ, mà cá nhân thất nghiệp dài lâu
6. Tây nhượng: Đất Nam Kỳ,lúc bấy giờ quan ta thua phải nhường các tỉnh miền Nam cho Pháp
.




II. TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN HÀM NINH

(ĐTH, 29)
Những tác phẩm của cụ lưu lại, dầu chưa kể đến những bài thơ rải rác, mà chúng tôi sẽ đem vào tập Cổ Vận Thập Di 古韻拾遺 xuất bản sau này, chúng tôi tưởng nên nói sơ đến bản Phản thức ước. Với Tẩn Cung Oán, Chinh Phụ Ngâm, Kim Vân Kiều, Phản thúc ước cũng là một áng danh văn. Có điều nó lại chuyên về lối văn trào phúng, mà là một lối văn trào phúng rất hay, nếu ta được đọc qua vài câu thì sẽ muốn đọc mãi. Chúng tôi đã cho in bản Phản thúc ước ở cuối sách này để các ngài đọc lấy mà tự biết lấy, chúng tôi không cần phải nói vào đây cho nhiều. Chúng tôi muốn dành giấy mực, để thì giờ mà giới thiệu với bạn hai tập thơ khác của cụ bằng Hán văn. Một tập là Dược Sư Ngẫu Đề 藥師偶題. Như tên sách đã chỉ, đó là một tập thơ cụ ngẫu hứng làm ra trong lúc đi làm thuốc. Xin trích ra đây một bài để làm chứng:

行醫過千仞懷古
醫囊幾度此山行
感昔傷今未已情
野鳥向人言往事
青苔鎖 壁篆同盟
殘雲欲起成園陣
落石猶分伏路兵
最是關情無處寫
斜陽牧笛隔溪聲

(ĐTH, 30)
Hành y quá Thiên nhận hoài cổ (1)

Y nang kỷ độ thử sơn hành,
Cảm tích thương kim vị dĩ tình.
Dã điểu hướng nhân ngôn vãn sự,
Thanh đài tỏa bích triện đồng minh.
Tàn vân dục khởi thành vi trận,
Lạc thạch do phân phục lộ binh.
Tối thị quan tình vô xứ tả,
Tà dương mục địch cách khê thanh.

Dịch

LÀM THUỐC QUA NÚI THIÊN NHẬN NHỚ CHUYỆN XƯA

Qua lại thuốc thang mấy độ thừa,
Cảnh này chưa khỏi cảm thương (2) cho.
Trên thành rêu đóng, ghi lời ước,
Ngoài nội chim kêu, nhắc chuyện xưa.
Mây kéo dậy trời vây cả núi,
Đá lăn vào bụi nấp ven bờ.
Bút nào tả xiết tình này nhỉ?
Tiếng suối chiều xen tiếng sáo đưa.

Thơ cụ còn một tập nữa, nhan là Tĩnh Trai Thi Tập 靜齋詩集.Tập này chia ra làm Thiên Kiều 遷喬 (3) 1 thiên, Tiên Lê 藜 (4)4 thiên, Ngọa Du 臥遊 (5) 1 thiên. Chúng tôi đã từng xem bản thảo, chính chữ cụ viết ra, dấu mực của ông, dấu mực của ông Cao Bá Quát và dấu son của ông Tùng Thiện Vương phê bình. Bài nào cũng thấy có câu mà hai ngài phải giành nhau khuyên đặc cả mặt giấy.

Có bài Thương Sơn tiên sinh (tức Tùng Thiện Vương) phê : Thạnh Đường di trứ, bách độc bất yếm nghĩa 盛唐遺著百讀不厭 là một bài thơ hay đời Thịnh Đường sót lại, đọc trăm lần không chán. Còn Chu Thần tiên sinh (tức Cao Bá Quát) thì phê : Phi thiện học Thiếu Lăng, yên đắc linh diệu nãi dư! 非善學少陵安得靈妙乃余
nghĩa là nếu không phải đã học được cái tài thơ của Đỗ Phủ, thì làm sao mà được linh diệu đến thế! Những lời thơ như vậy xuất từ trong cửa miệng, dưới ngòi bút của những kẻ đã có tên trong câu Văn nghe Siêu, Quát, buông Tiền Hán; Thi đến Tùng Tuy xếp thịnh Đường文如超适無前漢 詩到從綏失盛唐 tưởng cũng đủ để bảo đảm cho tài học của người mà chúng tôi viết thành tập lịch sử này vậy (ĐTH, 30).







III. NGUYỄN HÀM NINH VÀ CAO BÁ QUÁT


(ĐTH, 31)
Phải chăng khi xem qua lịch sử một bậc danh nhân nào, người ta cũng muốn biết: đối với bậc danh nhân ấy, những danh nhân khác cùng sống vào một thời, ra thế nào. Vậy xin nói chuyện ông Cao Bá Quát với cụ.

Năm cụ Nguyễn Hàm Ninh đậu giải nguyên ở trường Thừa, thì ông Cao Bá Quát cũng đậu thủ khoa ở Hà Nội. Năm sau ( nhâm thìn, 1832), ông Quát từ Bắc vào Huế thi hội. Vào gần đến sông Gianh, giữa đường gặp một người khăn đen áo dài, trông cũng ra phết nhà nho, Ông liền hỏi ngay nhà Nguyễn Hàm Ninh ở đâu.

-Chứ ông hỏi thăm ông ấy làm gì? Mà ông là ai?
Người kia hỏi vặn thế, thì ông cười gằn:
-Hừ! Dầu nay mới thấy mặt, nhưng chắc từ lâu anh cũng đã nghe danh tiếng Chu Thần đấy hẳn? Từ Bắc vào, qua đâu mình cũng chẳng sợ ai, duy đến khoảng Lam Hồng, phải nể Đinh Nhật Thận, còn vào Quảng Bình nầy thì nghe có Nguyễn Hàm Ninh. . . Nhưng chưa chắc ''danh'' đã đúng như ''thiệt'' nên muốn gặp ''anh ta'' hỏi thử vài câu, xem học hành như thế nào.
-À tưởng gì chứ ông muốn thế, thì chắc Nguyễn Hàm Ninh hay chữ, sẽ sẵn sàng tiếp chuyện với ông. Song ông không cần phải tìm đến nhà, chính trên con đường này cũng có ông ta, ông đương đi thi Hội, ta cứ đi, sẽ gặp ông ngay trước mặt.


Cao Bá Quát cả mừng, rán sức đi nhanh nhưng đã trông mòn con mắt mà chưa thấy Nguyễn Hàm Ninh ở đâu. Lại quày lại hỏi người khách đồng hành.:
-Từ nãy tôi mãng sốt ruột về việc chưa gặp con người muốn gặp mà quên hỏi ông với Nguyễn Hàm Ninh có quen biết gì không?
-Lẽ nào lại không! Tôi là học trò ông ấy đấy, năm ngoái nhờ trời sư đệ cùng đỗ một khoa, nên giờ tôi cũng đi thi Hội.
-Quả thế thì chúng ta cùng đi, nói chuyện càng vui nào. Có thơ văn gì ông Nguyễn Hàm Ninh, anh còn nhớ, đọc cho nghe với\

(ĐTH, 32).
Nhưng người kia quyết không chịu đọc, bảo rằng nhiều lắm, mình trông thấy hóa chán, không làm sao nhớ hết!

Nói thế, thấy ông Cao Bá Quát có ý buồn, người kia vội cười: Anh rõ thật quá sính. Thích nghe văn mà không được nghe cũng buồn! Muốn mua vui cùng nhau, âu là anh hãy ra cho tôi vài bài thơ để tôi làm, anh sửa!''


Ông Cao Bá Quát bằng lòng ngay, thử ra cho ít bài, thì ra anh chàng nào đó, thơ đã hay mà làm lại mau, so với mình thực không thua kém gì mình chút nào. Thấy Cao Bá Quát chịu, người kia lại càng nổi láo, thách khéo Cao Bá Quát họa lại Tuy biết hai bên chỉ ngang sức nhau, song nhà thi sĩ họ Cao trong lòng vẫn lo sợ riết! Nào phải lo sợ gì ở người bận đi đường kia đâu! Mà chính là lo ở ông thầy nó kia! Nó là học trò mình còn không hơn đuợc nó, thì địch làm sao nổi với thầy nó chứ! Nghĩ thế, Chu tiên sinh lại gạn hỏi:
-Tuy nói anh là học trò, Nguyễn Hàm Ninh là thầy, song anh nên bình tâm mà xét: sức Nguyễn Hàm Ninh có hơn anh nhiều lắm không?
-Hơn nhiều, người kia đáp lại thế, hơn nhiều lắm. Không hơn thì sao mà làm thầy tôi được. Học lực của tôi, được như anh là may, còn dám hòng đâu đối địch với thấy tôi. Sức hai đứa mình đối với thầy kể đã thấm thía vào đâu!(6)


Nghe nói, Cao Bá Quát lấy lằm tức tối lắm ! Nhưng dù sao cũng quyết gặp cho được Nguyễn Hàm Ninh. Ông tin chắc rằng rồi đây người bạn đồng hành của mình sẽ đem giới thiệu với Thuận Chi tiên sinh, nào ngờ vào vừa đến Huế, nó thác cớ là có việc riêng cần kíp mà rẽ đi đường khác, chỉ bày cho mình nhà nọ phố kia là chỗ mà hằng năm ông Nguyễn Hàm Ninh vào kinh quen ở. Ông Quát phải mượn người khác chỉ chỗ. Từ dưới thềm nhà quán bước lên, trống tim đánh giục

(ĐTH, 33), ông Quát trong lòng hồi hộp, không biết cái con người mà mình sẽ gặp đây có dị hình dị tướng lắm chăng? Nhưng đánh bạo, ông vẫn bước vào, bước vào. . . thì ông đã phải lăn ra mà cười : nhà danh sĩ Quảng Bình không phải ai lạ, chính là người bạn đi đường của mình hôm nọ?


Cao Bá Quát càng phải phục Nguyễn Hàm Ninh là tay ''trạng''. Hai người yêu nhau từ đó. Lúc cùng làm quan tại triều, vẫn thường đi lại chơi bời với nhau như anh em một nhà. Chẳng những lúc phú quý có nhau mà khi hoạn nạn lại cùng nhau san cay sẻ đắng. Ông Cao Bá Quát, năm đi điển thí trường Thừa, nhân thấy bài ông Phan Gia Hành (?) văn hay quá mà phải một chữ phạm trường quy, quan trường vì không được phép mang bút mực theo, nên ông lấy bút son lăn vào muội đèn, chữa quách lại cho người tài không quen biết, vì chuyện ấy, ông bị phát phối vào Đà Nẵng. Lúc ra đi cùng cụ Nguyễn Hàm Ninh, ông có bài thơ lưu biệt:

留 別
此生歸路轉悠悠
老去文章不自謀
逐客已安樵子脚
吟翁仍是配軍頭
香 僑風雨難為夜
沱汛 雲煙暫覺秋
他日愁心君記取
五溪明月夜瑯舟


LƯU BIỆT (7)
Thử sinh quy lộ chuyển du du,
Lão khứ văn chương bất tự mưu.
Trục khách dĩ yên tiều tử cước
Ngâm ông nhưng thị phối quân đầu
Hương kiều phong vũ nan vi dạ (8),
Đà tấn vân yên tiệm giác thu .(9)
Tha nhật sâu tâm quân ký thủ,
Ngũ khê minh nguyệt dạ lang châu


(ĐTH, 34)
Dich

LƯU BIỆT
Thân này về đươc cũng lâu năm,
Phai lạt văn chương mái tóc râm.
Đành dõi gót Tiều thân bị đuổi,
Khéo đem đầu lính lão hay ngâm.
Gió mưa rạo rực đêm Hương thủy,
Mây khói mịt mù tấn Quảng Nam.
Sầu ấy ngày nào xin nhớ lấy
Năm khe thuyền cặp mảnh trăng rằm.

Sau cụ Nguyễn Hàm Ninh ở Tàu về lại gặp ông ở Đà Nằng. Cách it ngày, cụ được đổi về làm Trai đàn Hiệu lực (10) tại chùa Thiên Mụ, ông Quát lại có bài thơ tiễn lại:


斷蓬飛絮兩無根
惜別頻啼為子言
獨鶴不曾銷鏡影
遠山何事破眉垠
詩成恨字空題血
酒醉離杯卽夢魂
他 日旅亭分手後
幾回風雨暗西村


Đoạn bồng phi nhứ lưỡng vô căn,
Tích biệt tần đề vị tử ngôn.
Độc hạc bất tằng tiêu cảnh ảnh,
Viễn sơn hà sự phá mi ngân.
Thi thành hận tự không đề huyết
Tửu túy ly bôi tức mộng hồn.
Tha nhật lữ đình phân thủ hậu
Kỷ hồi phong vũ ám tây thôn.


(ĐTH,35)
DỊCH

Lênh đênh bèo bọt phận đôi ta,
Sùi sụt vì ai lúc bước ra.
Bóng kính bao hề rời hạc một ,
Ngấn mày sao nỡ dứt non xa.
Tanh rình mùi máu, hàng thư hận,
Say ngất hồn hoa chén rượu đưa.
Rồi nữa mỗi người thành mỗi ngả,
Mịt mù mưa gió biết đâu là. .!

Lời lẽ lâm li thế ấy đủ biết tình nghĩa nồng nàn dường nào. Sau cụ Nguyễn Hàm Ninh thôi quan về, ông Quát lại gửi vào năm Tự Đức tứ niên, một bài thơ ngũ ngôn:

有客曾相見
風流老順知
十年 知我友
一首贈君詩
今昔那從問
行藏未可知
山城明月夜
空復托離思


Hữu khách tàng tương vấn,
Phong lưu lão Thuận Chi.
Thập niên tri ngã hữu,
Nhất thủ tặng quân thi
Kim tích na tùng vấn,
Hành tạng vị khả tri.
Sơn thành minh nguyệt dạ
Không phục thác li tư


(ĐTH, 36)

DỊCH

Có khách thường nghe hỏi,
Phong lưu lão Tịnh Trai.
Mười năm quen biết mỗ
Mấy vần gửi đưa ai.
Đắc táng thôi bàn chuyện,
Hành tàng chửa định thời.
Thành non vừng nguyệt chiếu,
Bối rối dạ quan hoài.

Bài thơ ấy ông Quát nhờ ông Trần Cung Trọng (?) đưa lại trước có tự mấy lời:得順知留贈陳恭重永祥之作此老倔彊 正復與我同病宜無不可隐於恭重也一箋書此托恭重歸置書郵

Đắc Thuận Chi lưu tặng Trần Cung Trọng Vĩnh tường chi tác. Thử lão quật cường, chính phục dữ ngã đồng bệnh ; nghi vô bầt khả ẩn ư Cung Trọng dã, nhứt tiên thư thử thác. Cung Trọng quý trí thư bưu.

Nghĩa là được thấy bài thơ lưu tặng ông Trần Cung Trọng của ông Thuận Tri. Lão này cũng là tay quật cường, cùng ta một bịnh. Tưởng với Trần Cung Trọng, không cần phải dấu diếm gì nữa. Vậy rút mảnh giấy, viết mấy dòng, nhờ Cung Trọng gửi lại.


Xem đó đủ biết, hai bên rất tương đắc, ông Quát đã nhận cụ làm bạn đồng bệnh. Đồng bệnh tương lân! Nhưng chừng nào cụ Nguyễn chỉ cậy mình hay chữ mà ngạo đời thế thôi, không có cái chí giằng đất xoay trời như ông Cao Bá Quát
(ĐTH,37).







(ĐTH, 37)
IV. NGUYỄN HÀM NINH VÀ TÙNG THIỆN VƯƠNG



Ông Cao Bá Quát với cụ đã thân, mà cụ cùng với ông Tùng Thiện vương lại càng thân lắm. Bằng vào đâu mà tôi dám nói như thế? Thì cứ xem trong tập Kim Lang Can''金鋃玕 của cụ sưu tập. Độc giả ai có Hán học nghe đến ba chữ Kim Lang can, sực nhớ đến câu nói của Trương Hành: Mỹ nhân tặng ngã Kim lang can' '' cũng thừa biết đó là một tập văn, trong ấy cụ cho chép lại những thi văn của các bạn tri giao đã trao tặng cụ. Trong bài tựa tập ấy, cụ viết rằng: 是編註次以交之深淺爲先後爵祿非可比例也 Thị biên chú thứ, dĩ giao vi thâm thiển vi tiên hậu, tước lộc phi khả tỷ lệ dã! nghĩa là trong tập này, tùy theo tình giao thân hay sơ mà chép thơ tặng lên trước hay sau, không phải lấy tước lộc mà cân nhắc vậy. Thế rồi thấy cụ chép thơ ông Thương Sơn ( tức Tùng Thiện Vương ) lên đầu.

Vì sao mà ông được cụ kinh trọng như vậy? Há chẳng vì ông là người bạn tri âm thứ nhất của cụ hay sao? Lúc cụ tri huyện Lục Ngạn về đinh gian rồi vào dạy tư ở Thanh Toàn, đó là lần đầu cụ gần gũi ông Tùng. Chính nàng thơ đã làm môi giới cho cuộc nhân duyên giữa hai nhà văn: Biết ông Tùng là tay sính nên ở thành ngoài nghe đọc bài thơ gì của ông thì cụ Nguyễn liền họa lại mà gửi vào. Một lần ông Tùng thấy thơ thì liền phục đến người, thường vời cụ vào các, cùng nhau uống rựợu làm thơ.

Ông Tùng thường bảo cụ rằng: " Trong bạn thơ rượu, đã vì tài đức mà kết thân với nhau, thì khi chén tạc chén thù, câu xướng câu họa, hãy gác sự sang hèn ngoài trần tục nghĩa là đừng sá quan tâm gì đến chỗ phẩm hàm, tước lộc mà ái ngại, rụt rè." Nhờ được ông Tùng một lòng quý mến, ra tay dìu dắt cho, mà sau này cụ mới được vào làm việc ở Sở Quốc Học Độc Thư, và bước quan giai mỗi ngày mỗi thêm tấn phát. Mấy lần cụ bị nạn, cũng nhờ có ông Tùng vùa giúp mới được toàn thân.

(DTH 38) Nếu người suối vàng có biết, thì chắc ơn ông Tùng đến rày cụ cũng chưa quên, nhất là trong lúc chúng ta còn nhắc lại những áng thi văn ông Tùng đã trí tặng cụ. Nhớ hôm nào, ông Tùng đắt cụ lên chơi núi Thúy Vân, giữa trời núi Thúy Cảnh đã nên thơ, bên mình, bạn cũng lên chơi núi Thuý, lại là khách làng thơ, những cái lọt vào trong năm giác quan trong tai, trong mắt, trong mũi, trong lưỡi, trong da, đều là thơ. Ông Tùng vỗ vào vai cụ buột miệng đọc thành một bài thơ:


山徑候 明月
月明滄海東
平沙 沿岸白
遠火隔江紅
漁 唱潮聲外
鐘鳴樹色中
携朋遊達夜
詩句滿青筒
(金鋃玕)


Sơn kính hậu minh nguyệt,
Nguyệt minh thương hải đông.
Bình sa duyên ngạn bạch
Viễn hỏa cách giang hồng.
Ngư xướng triều thanh ngoại,
Chung minh thọ sắc trung
Huề bằng du đạt dạ,
Thi cú mãn thanh đồng.
(Kim Lang Can)

DỊCH
Chờ trăng lên đỉnh núi
Góc biển bánh trăng xây.
Cát trắng ven bờ chạy,
Lửa hồng trong lạch bay.


(DTH 39)
Chài reo ngoài tiếng sóng

Chuông điểm giữa màu (11) cây
Dắt bạn chơi đến sáng,
Tứ thơ, túi lượm đầy!

Cụ cho rằng bài thơ ấy để như vậy kể cũng đã hay, song còn có thể làm cho hay hơn nữa, nên xin phép ông Tùng, cụ chữa lại:

灌木鬱蒙籠
村墟鳥道通
廻沙沿海白
野燒隔江紅
漁 唱潮聲外
僧 歸月色中
岩花何處發
繞徑度香風
(Tĩnh Trai Thi Tập)


Quán mộc uất mông lung,
Thôn khư điểu đạo thông.
Hồi sa duyên hải bạch
Dã nhiễu cách giang hồng.
Ngư xướng triều thanh ngoại
Tăng quy nguyệt sắc trung.
Nham hoa hà xứ phát
Nhiễu kính độ hương phong.

Dịch:

Cây cối rậm vô cùng
Mọi lối chim đều thông (12).

(DTH 40)
Cát bạc viền quanh biển.
Lửa đỏ nhảy ngoài đồng,
Chài reo trong sóng biếc,
Tăng bước dưới trăng trong.
Hoa nở đâu đây tá?
Gió thơm bay mênh mông.

Tài thơ như thế, ông Tùng mến phục cụ là phải. Lúc cụ được phong Hình bộ phó lang, đem cho cụ, ông Tùng có bài:

鄭梅前後作都官
睥睨爭登李杜壇
不敢戱君官止此
索將詩草借余看


Trịnh Mai (13) tiền hậu tác đô quan,
Bệ nghệ tranh đăng Lý Đỗ đàn.(14)
Bất cảm hý quân quan chỉ thử,
Sách tương thi thảo tá dư khan.

Dịch:
Mai Trịnh nối nhau gót bá đài,
Ai cùng Lý, Đỗ dám so tài.
Ai mà cười cợt quan chức đó?
Hãy mượn tập thơ đọc thử coi!

Còn lúc làm chủ sự phủ Tôn Nhơn bị truất về, cách không lâu, cụ vào Huế, gặp ông Tùng ở trên một chiếc thuyền con, cụ đem cho ông Tùng xem ba bài Cừ Khê thảo đường (đã trích dịch trên kia), ông liền họa lại:

(DTH 41)

渠溪草堂
片帆著岸傍秋山
客思低回煙水間
遠 淚正隨黄葉下
故人偏與白雲還
們懷錯作相思夢
握臂猶驚平昔顏
我亦多愁刊未得
對君又値暫時閒


II

相思幾度隔關山
夜夜相逢夢寐間
驛路寒梅頻寄贈
雲程倦鳥亦知還
園林 有景多乘興
藥餌無靈不駐顏
愁病更兼詩客遠
書窗筆硯隔年閒

III

風流渾似白香山
况有才兼伯仲間
妙筆盡從看劍得
佳章多在罷官還
南窗北 岳棲吟興
泉嚮松聲護笑顏
那得同君向別墅
相將林下共投閒

(ĐTH 42)
Phiếm phàm trước ngạn bạng thu san,
Khách tứ đê hồi yên thủy gian.
Viễn lệ chinh tùy hoàng diệp hạ,(15)
Cố nhân thiên dữ bạch vân hoàn.(16)
Môn hoài thác tác tương tư mộng,
Ác tí do kinh bình tích nhan.
Ngã diệc đa sầu san vị đắc,
Đối quân hựu trí tạm thời nhan!

II

Tương tư kỳ độ cách quan san
Dạ dạ tương phùng mộng mị gian.
Dich lộ hàn mai tân ký tặng,(17)
Vân trình quyện điểu diệc tri hoàn.(18)
Viên lâm hữu cảnh đa thừa hứng
Dược nhị vô linh bất trú nhan .
Sầu bệnh cánh kiêm thi khách viễn
Thư song bút nghiễn cách song hoàn.

III

Phong lưu hồn tụ Bạch Vân san,(19)
Huống hữu tài kiêm Bá Trọng gian,
Diệu bút tận tòng khan kiếm đắc,(20)
Gia chương do tại bãi quan hoàn.
Nam song Bắc nhạc thê ngâm hứng,(21)
Tuyến hưởng tùng thanh hộ tiếu nhan.
Na đắc đồng quân hướng biệt thử
Tương tướng lâm hạ cộng đầu nhàn!


(ĐTH,43)

DỊCH


I


Cánh buồm trước bãi cạnh non thu,
Mây nước bâng khuâng rộn khách thơ.
Nhìn lá vàng rơi, lệ muốn ứa,
Theo mây trắng chuyển, bạn về nhà.
Nhớ khi họp mặt, ngờ trong mộng,
Tưởng lúc cầm tay,ngỡ bạn xưa.
Ta lắm buồn phiền chưa giải được,
Gặp nhau giây phút lại chia xa!

II

Cùng nhau bao lúc cách non sông
Trong mộng đêm đêm hội thích phùng.
Thường gửi mai tươi, ta tặng bạn
Luôn tung cánh mỏi, chim về rừng.
Suối gò hẳn lắm chiều vui vẻ,
Thang thuốc khôn cầm nét trẻ trung.
Mình bệnh khách thơ lại vắng mặt,
Bút nghiên mấy độ để sương phong.

III

Phong lưu lão Bạch tánh quen rồi,
Hơn kém tài thơ chín với mười.
Ngọn bút tuyệt vời lúc đắc dụng ,
Lời thơ sắc sảo buổi quy lai.


(ĐTH 44)

Song Nam núi Bắc thêm cao hứng,
Hoa nở, suối reo rộn tiếng cười.
Mong được cùng ai chung biệt thự,
Lâm tuyền ngày tháng mãi rong chơi.




Ngoài vô số những bài thơ như thế, tôi lại còn được thấy các bức thư ông Tùng đã gửi cho cụ lúc cụ ở sở Tu thư cáo quan về. Đọc những thư ấy, chẳng những mình được học một lối viết thư giản dị mà hay, ta lại còn được biết chỗ thân tình của ông Tùng đối với cụ. Vậy những bức thư ấy không nên bỏ qua. Một bức như vầy:



順之足下無恙幸葚,十畝之 間,夫耕於前,妻耘於後,樂從可知也.向以詩草見屬,俱墨.去年便季,送,
本,還. 訊,去年餘,送,.作,似,幸葚,吝.
-


Thuận Chi túc hạ vô dạng, hạnh thậm. Thập mẫu chi gian, phu canh ư tiền, thê vân ư hậu, lạc tùng khả tri dã. Hướng dĩ thi thảo kiến chúc, câu dĩ gia mặc. Khứ niên tá tịện ký nhị quyển ư tiểu quý, linh vị chuyển tống, sở dư nhất bản, tá mộ hữu vị hoàn. Tư bình nhân vấn tấn, tinh tá khứ niên mãi đắc Đường thi biệt tài dẫn điễn bị chú toàn bộ, khải đính nguyệt dư hậu thứ liên thi quyển tính tống, vị vãn. Nhược cận hữu giai tác, diệc ký bả tự, hạnh thậm, vật lận.
Tự Đức canh thân thu thất nguyệt- Bạch hào tử.


(ĐTH 45)

Dịch

Túc hạ vẫn mạnh khoẻ như thương đấy chứ? Mừng lắm! Trong mười mẫu ruộng, chồng cày trước, vợ bừa sau, cũng vui lắm nhĩ?

(DTH 46) Trước có cho mượn tập thơ, đã gia nét mực vào rồi. Năm ngoái đã cho ông tiếu quý (ông em của túc hạ) hai quyển. Còn một bản cho ông bạn mượn, chưa trả. Nay (tôi) cho người ra thăm, và mượn bộ "Đường Thi Biệt Tài Dẫn Điển Bi Chú" (mà ông) mới mua năm trước. Đợi (tôi) xem một tháng, sẽ giả lại luôn một lần với tập thơ kia, chưa muộn. Nếu gần đây, (túc hạ) có bài gì hay, cho coi với, may lắm, đừng sẻn.
Tháng 7 năm canh thân (1860), hiệu Tự Đức - Bạch hào tử)


Lại một bức thư như vầy:

完,,更,寄.
詩,急,公,欵;後,稍稍,報.餘, ,膝下養,可.
集,,索,意,聲, .幾何?.也.
驪駒路,雙.
-

Hướng tá Đường thi biệt tài tập, khảo đính phủ hoàn; thủ thử kiểm duyệt nhị tập dĩ đắc bán quyển, sĩ cánh tinh ký. Kim phụng sắc tuyển chư gia thi, chính cập biện công, vị hạ tư khoản; đãi sổ nguyệt hậu, sảo sảo tựu tự, tất hữu dĩ báo. Tái phụng kỳ sở tứ thượng phương hảo hạng cao ly sâm lạng dư, dĩ vi thái phu nhân diên (duyên) linh chi phẩm, thiều trợ tất hạ chi dưỡng, thu dụng, thị khả. Hựu Biệt tài tập, gia muội hỷ kỳ hữu chú, miễn phí sựu sách, hữu dục bích chi ý, kỳ vị ký thanh, thỉnh tuân thường thành chi lệ. Đản thành tất kỷ hà, diệc tu mạnh xuất ư Triệu (22), thủy khả dĩ báo dã. Ly câu tại lộ, ác quản song song.

Tự Đức tân dậu xuân,
Thương Sơn hành



(ĐTH, 46)
Dịch:

Trước (ông) có cho tôi mượn bộ Đường Thi Biệt Tài, khảo đính vừa xong. (Tôi ) lần lượt kiểm duyệt đến hai quyển thi, đã được nửa quyển, đợi sẽ gửi luôn. Nay (tôi) được hoàng thượng giao cho lựa chọn tác phẩm các thi gia, cần theo việc công, tình riêng chưa nghĩ đến. Đợi ít tháng dần dần sẽ duyệt xong sẽ có báo đáp về sau.. . .
Mới rồi nhà vua có ban cho tôi it sâm cao ly hạng tôt, xin lựa lấy một lạng già, gửi ra làm thuốc diên thọ cho Thái phu nhân ( cụ bà), gọi chút giúp ông về việc phụng dưỡng, ông nhận cho là phải.

Tái bút: Bộ Biệt Tài thấy có chú thích rõ ràng, khỏi tìm kiếm, (cho nên) cô em tôi lấy làm thích lắm. Ý cô ấy muốn được hòn ngọc bích ấy (quyển sách) nên nhờ tôi nói hộ cho để xin tuân theo cái lệ thường thành. Nhưng thành phải những bao nhiêu, tất phải hỏi ở Triệu mới biết mà báo lại chứ? Trên đường ngựa đợi, loáy hoáy vài hàng. . .
Mùa xuân năm tân dậu, hiệu Tự Đức - Thương Sơn.


(ĐTH 47) Lại một bức thư như vầy:

了,,連.,
刊,成,寄. 註,,兩,供,雙,匣,丸,几.
如,鶴,
月 ---

Sở ký thi quyển, phụng gia mặc liễu lánh phụ xuyết tự nhất thông, liên hướng văn tinh tống. Chuyết thi can quyển, hiện phương tục san, đãi bản thành, tái ký. Kỳ Đường thi bị chú, dĩ giao Tần lâu (23), thác tống bạch kim ngũ lượng, thiểu trợ tửu gia chi cung, tinh hảo bút nhất song, hoa tiên nhất hạp, danh mặc nhất hoàn, trình hiến văn kỷ.
Gia đình cận trạng hà như, vị thẩm châu thụ chi hạc, hà niên khước hướng đế thành phi dã.

Tự Đức tân dậu tam nguyệt,
Uyên Bạch

Dịch

Tập thơ (ông) gửi đó (tôi) đã xem xong rồi, (tôi) sẽ phụ vào một bài tựa nhảm nhí của tôi, rồi sẽ gửi ra với quyển văn lúc trước. Mấy quyển thơ của tôi, còn phải sửa sang lại, đợi in xong lại gửi. Đến như bộ "Đường Thi Bị Chú" thì đã giao về lầu Tần. Cô em gái của tôi cậy gửi tặng túc hạ 5 lượng bạch kim ( bạc) gọi là làm tiền rượu cho nhà thơ, bút hoa một đôi, hoa tiên một hộp, mực xạ một viên, dâng lên trước án thi thư.

(DTH 48). Không hiểu gần đây túc hạ nhà của thế nào và chim hạc đậu cây châu, bao giờ lại cất cánh bay về chốn kinh khuyết vậy (24)?
Tháng ba năm tân dậu hiệu Tự Đức. Trọng Uyên.



Thư từ của ông Tùng gửi cho cụ nhiều lắm. Đó tôi chỉ lục ra một ít bức, để các ngài thấy rằng: Không những lúc cụ còn làm quan, ông Tùng mới thân thiết với cụ mà thôi. Cụ đã thôi quan về rồi, ông vẫn một lòng mến tiếc thường có tin tức qua lại, thăm hỏi ân cần, tình xưa nghĩa cũ, không vì đất Bắc Trời Nam, kẻ sang người hèn mà đành xao lãng, há chẳng đáng làm gương ch ai đó cùng ai tự phụ là triu kỷ tri âm hay sao?



___________
Chú thích

1. Núi Thiên Nhận ở Nghệ An
2.Hai chữ thương cảm chỉ về bệnh nội thương ngoại cảm.
3. Thiên kiều do kinh Thi, thiên Tiểu Nhã, thơ Phạt mộc Phạt mộc đinh đinh, điểu ô anh anh, xuất tự u cốc, thiên vu kiều mộc詩經˙小雅˙伐木:伐木丁丁,鳥鳴嚶嚶, 出自幽谷,遷于喬木。nghĩa là chặt cây ào ào, chim kêu lao xao. Trong hang bay ra, chim đậu cành cao.
4. Tiên lê: chữ Lê bị nhoè nên nhìn không rõ. Lê là một loai rau, cũng là một vị thuốc. Phải chăng Tiên lê là nấu rau, sắc thuốc Nghĩa bóng là cảnh ẩn dật. Trong bài Cừ khê thảo đường I, Nguyễn Hàm Ninh có câu: "Lê canh tương phạn trú thiều nhan"(Sơn Trung chú).
5. Ngọa du: Ở nhà đọc sách, xem tranh cảnh mà biết danh lam, thắng cảnh khắp nơi, hoặc nằm nhà mà tưởng tượng hoặc mộng đi chơi non xanh nước biếc tức là đi du lịch nằm.
6. Những bài xướng họa ấy chúng tôi có nghe người đọc nay quên mất. Bao giờ hỏi lại được sẽ đăng lên báo.

7.Sơn Trung đặt nhan đề bài thơ
8. Hương kiều là cầu trên Hương giang ở Huế.
9. Đà: Đà Nẵng (Quảng Nam), tấn là đồn quân trấn đóng.Cả hai ông đều bị vào Đà Nẳng sung quân
10.Phạm tội phải đi làm lao dịch ở các cơ sở tôn giáo.
11. Chữ màu (dịch chữ sắc) mới xem qua hình như không được, có nghĩ lại mới biết tác giả đặt cao kỳ mà hay. Bởi vì tiếng chuông bay ra giữa cái đám xanh xanh màu của cây cỏ chẳng phải: chuông điểm giữa màu cây là gì? Màu mà cũng có tiếng. Thơ như thế mới thật là thơ mới!
12. Mình đứng giữa núi, cây cối mịt mùng hầu quên cả phương hướng, thế mà bầy chim vẫn thuộc đường mà bay về không sai lạc. Ý hay.
13.Bá Đài柏臺 là các quan ở bộ Hình. Trịnh Cốc 鄭 谷 người đời Đường làm Đô quan ( một chức quan ở bộ Hình) thơ hay lắm. Về sau Mai Thánh Du 梅 聖 兪. cũng thơ hay, cũng làm đến Đô quan. Lưu Khương Phủ đùa rằng Hừ! Mai Thánh Du làm quan đến đó nhi? Xưa có Trịnh Đô quan, rày có Mai đô quan!
14.Thơ Đỗ Mục" Kim đại phong tao tướng, Thùy đăng Lý Đỗ đàn.今代風騷誰登李杜壇 nghĩa là : Đới thánh tường đàn vang, Mấy ai hàng Lý Đỗ. Ý nói tưóng thơ đời nay ai nhảy lên đàn thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ làm thi bá một đời.
15. Thơ Hứa Hồn 許渾: Hoàng diệp hoàng hoa cổ thành lộ, thụ phong thu vũ biệt gia nhân.黄葉黄花古城路秋風秋
雨別家人 nghĩa là thành cổ ruỗi nhìn hoa lá úa, Trời thu mưa gió cách non nhà.
16.Về theo mây là nói nhàn tản. Mây bạc là nói về nhà nuôi mẹ .
17. Thơ của Lục Khải陸凱: Chiết mai phùng dịch sứ, ký dữ lũng đầu nhân. Giang nam vô sở hựu, liêu tậng nhất chi xuân.
折梅 逢驛使,寄與隴頭人,江南所無有,聊贈一枝春: Hái mai đem gửi trạm, Để tặng bạn Lũng nhân, Giang Nam không thú lạ, Xin gửi một cành xuân.
18. Đào Tiềm 陶潛 viết Quy khứ lai từ 歸去來辭 : Vân vô tâm dĩ xuất trục, điểu quyện phi nhi tri hoàn 雲無心以出岫,鳥倦飛而知還: Mây tình cờ ra khỏi núi; Chim mỏi cánh biết bay về.
19. Bạch Cư Dị 白居易 tức Bạch Lạc Thiên 白樂天 cáo quan về ẩn tại Bạch Hương sơn白香山, tự hiệu là Hương Sơn cư sĩ香山居士.
20.Đường thư: bà Võ hậu đòi xem văn của Quách Nguyên Chấn郭元振, ông dâng thiên Bửu kiếm lên, bà tấm tắc khen ngợi. Ý nói thơ cụ được nhà vua và ông Tùng phục tài.
21.Song nam đỉnh bắc: nói chỗ ẩn dật. Đào Tiềm trong Quy khứ lai từ: Ỷ nam song dĩ kỳ ngạo倚南窗以寄傲. Đỉnh Bắc tức núi Bắc Sơn hay Chung Sơn, chỗ mà Khổng Trĩ Khuê 孔稚珪 đã có bài Bắc sơn di văn 北山移文, người có Hán học không ai không biết.
22. Ngọc bích: Huệ vương nước Triệu có hòn ngọc bích của họ Hòa dâng. Vua Chiêu vương nước Tần nghe tiếng, xin đổi lấy 15 thành. Vua Triệu hỏi ý Lạn Tương Như. Ông bảo: "Vua Tần đem thành đổi ngọc, đức vua không thuận là rắc rối tại ta. Vậy tôi tình nguyện mang ngọc sang, nếu họ không trả thành, sẽ lại đòi ngọc đem về. Sau Lạn Tương Như qua Tần, vua Tần nhận ngọc rồi mà không hề nói đến chuyện đổi thành. Ông xin trả ngọc lại cho vua Triệu, và đem mình ông thế vào cho Tần. Vua Tần cảm động, giao ngọc cho Lạn Tương Như mang về.
23. Cổ nhạc phủ : Nhật xuất đông nam ngụ, Chiếu ngã Tần thị lâu. Tần thị hữu hảo nữ, Tự danh vi La phu 隅,照我秦氏 樓。秦氏有好女,自名為羅敷(Bóng ác đông nam ra, ánh chiếu lầu Tần ta. Họ Tần có gái đẹp, La phu: hiệu Tố Nga)
24. Thơ Lý Bạch:
: Tá vấn dục thê châu thụ hạc, Hà niên khước hướng đế thành phi?珠樹鶴。 何年卻向帝城飛?( Hỡi hạc, muốn đậu trên cây châu, Năm nào thì bay lên đế thành?)








No comments: