====
Cũng vào năm 1988 này, ngoài sự thay đổi trong cảm súc và sáng tác vì biến thiên của lịch sử, trong đời sống riêng tư, có vài ba việc xẩy ra làm cho tôi phải suy nghĩ...
Kể từ khi rời Hà Nội vào Saigon -- đầu thập niên 50 -- cho tới ngày gia đình tôi vừa di cư qua Hoa Kỳ, trong thời gian gần 30 năm, tôi không được biết nhiều về nhạc sĩ Văn Cao. Không biết tới chuyện bình thường như chuyện gia đình, con cái, hay tới chuyện thăng trầm như chuyện anh không còn được Nhà Nước ưu đãi nữa, vì có dính líu tới phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Cho tới khi có người bạn gái Thu Trang ở Pháp về Hà Nội vào năm 1977, sau khi cô ta tới thăm nhạc sĩ Văn Cao, chụp vài bức hình của anh rồi gửi tặng tôi, và kể cho tôi nghe qua loa về đời sống của gia đình anh vào lúc bấy giờ. Khi đó, gia đình tôi hãy dang còn ngụ cư ở tiểu bang Florida.
Trong ảnh, Văn Cao trông còn khoẻ mạnh lắm. Mặc áo sơ mi ca rô, quần rộng ống, tay chống bẹn, trông hách lắm. Một bức ảnh khác còn cho thấy anh vẽ nhiều hơn là soạn nhạc. Rồi không lâu, tôi được biết, sau nhiều năm im tiếng, anh vừa soạn một bài hát mới là bài Mùa Xuân Đầu Tiên. Mừng cho người bạn cũ còn sống sót, đã được cầm đàn trở lại. Mừng và rất muốn viết thư cho Văn Cao.
Nhưng vào lúc đó, dường như chưa có gì thay đổi lớn ở Việt Nam cho nên tôi vẫn ngại liên lạc với chàng Văn, dù chỉ là để hỏi thăm người bạn cũ mà thôi.
Và rồi cũng có lúc, tôi rất băn khoăn vì bài Tiến Quân Ca của anh đang có thể không được dùng làm quốc ca nữa.
Thế rồi, có vụ cởi mở nói chung và trong chính sách văn nghệ nói riêng vào khoảng tháng 10-1987. Khi có rất nhiều người ở nước ngoài về thăm Việt Nam thì vì hâm mộ nhạc sĩ Văn Cao từ lâu nên ai cũng tới nhà anh rồi đem về Mỹ những lá thư đầu tiên mà anh bạn già gửi cho tôi sau 50 năm xa cách.
Lúc này, sức khoẻ của anh đã xuống rất thấp, rượu đã làm anh quá suy nhược, tay anh yếu và run nên chỉ đọc thư cho vợ là Thúy Băng -- hay người khác như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường -- viết hộ rồi ký chữ VĂN CAO ngoằn ngoèo. Tôi đã viết khá nhiều thư cho bạn cũ kèm theo chút quà nho nhỏ và hẹn ngày về gặp lại Văn Cao tại thành phố Hà Nội thân yêu. Trong một lá thư, tôi còn viết cho anh bạn già :
-- Tao lạy mày, đừng uống rượu nữa !
Trong nhũng lá thư nhận được từ Văn Cao, tôi còn được anh cho biết ở trong nước cũng có nhiều người nhớ tới tôi và đang trông đợi tôi về. Ngoài ra, còn có những bức ảnh, những photocopies của những bài báo tường thuật những buổi Văn Cao ra mắt quần chúng ở Hà Nội, Huế và Saigon v.v... mà anh gửi cho tôi coi. Thật là cảm động !
Sau một thời gian trao đổi thư từ, anh chị Văn Cao và vợ chồng tôi còn có dịp nói chuyện với nhau nữa, khi có một nữ phóng viên truyền hình tên là Nam Trân về Việt Nam làm một cuốn phim phóng sự và tới thu hình cuộc đàm đạo với tác giả quốc ca, rồi sau khi tôi được coi những thước phim này thì tôi tự làm một cuốn video ngắn gửi về cho Văn Cao, cũng qua sự giúp đỡ của cô Nam Trân. Trong cả hai đoạn phim, chúng tôi đã có dịp nói với nhau nhiều điều đẹp đẽ về thời Hà Nội xa xưa và thời kháng chiến chống Pháp, tiếc rằng tôi không thuật lại trong đoạn hồi ký này vì sợ nó quá dài dòng.
Sau đó, ban điện ảnh của Đài BBC ở Luân Đôn còn có một ý định tuyệt vời là thực hiện một cuốn phim về chuyện hai chàng Lưu Nguyễn thời nay, từ cõi tiên nay cùng bỏ Thiên Thai để về cõi trần. Các chuyên viên điện ảnh đã qua Midway City để thu hình tôi và sẽ qua Hà Nội để thu hình Văn Cao rồi ghép thành một câu chuyện tân kỳ phát xuất từ bài hát truyền kỳ Thiên Thai của Văn Cao. Lại tiếc rằng vào thời gian này, hình ảnh, tiếng nói của tôi còn bị cấm kỵ khi tôi chưa về sống tại nước nhà, cho nên Trịnh Công Sơn đã thay thế tôi cùng đóng chung với Văn Cao trong một cuốn phim, nhưng phim này không còn mang ý nghĩa đầu tiên nữa.
Cho tới năm 1995, khi Văn Cao kiệt sức và qua đời, tôi vẫn còn bị cuộc sống Mỹ Quốc ràng buộc cho nên chưa quyết định được việc trở về quê hương và ước mong gặp người bạn quý đã không thực hiện được. Thế nhưng, tối thiểu tôi cũng đã gửi được Thái Hằng về Việt Nam vào năm 1994 và vợ tôi đã thay mặt tôi tới thăm Văn Cao. Đó là một an ủi cho tôi.
Khi được tin anh mất, tôi gọi điện về Hội Nhạc Sĩ và gọi điện cho chị Thúy Băng để chia buồn. Rồi khi tôi trở về Hà Nội vào đầu năm 2000 thì tôi cùng các con Minh, Hùng, Cường, Hiền, Đức tới thăm mộ nhạc sĩ Văn Cao, lạy bạn và tưới lên mộ bạn một chai rượu trắng :
-- Bây giờ thì ông tha hồ mà uống rượu nhé !
Thăm mộ Văn Cao, Mùa Xuân năm 2000
với chai rượu muộn màng
Cũng vào những năm 87, 88 này, tờ Đoàn Kết ở Paris có đăng một bài báo nhan đề Công và "Tội" -- Xin chú ý : chữ tội nằm trong ngoặc kép -- trong đó có sự đánh giá lại những văn nhân nghệ sĩ Việt Nam tự cổ chí kim, từ Trần Ích Tắc, Lê Trắc, Phạm Thái, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Khiêm, Võ Phiến, những người trong Tự Lực Văn Đoàn cho tới tôi, Phạm Duy, những người bị kết tội là "phản bội" nhưng xét ra cũng là những người có công trong việc phát huy văn hóa Việt Nam. À ra đã tới lúc có sự gạn đục khơi trong -- chữ trong bài báo -- rồi đó ! Cũng tốt thôi ! Dù tôi tự thấy mình có bao giờ xin vào một đảng nào đâu mà được gọi là phản đảng ? Tôi có bao giờ là tay sai trung thành của một chính phủ nào mà bảo tôi là phản bội ?
Rồi lại có thêm một bài báo của thi sĩ Chế Lan Viên đăng trên tờ Sông Hương số 21 vào tháng 9 năm 1986 nhưng tới năm 1988 tôi mới có trong tay để đọc. Bài báo nhan đề Lá Rụng Về Cội. Trong bài viết mà ông gọi là H�I KÝ về đoàn nghệ thuật XÂY DỰNG ở Huế, có đoạn nhà thơ này nói tới tôi.
Thi sĩ Chế LanViên đã nhắc tới những ngày sau Cách Mạng Tháng Tám, Huế là nơi tụ tập của rất nhiều văn nghệ sĩ như Phạm Đăng Trí, Nguyễn Đức Nùng, Tôn Thất Đào, Trần Hoàn, Thanh Tịnh, Trịnh Xuân An, Bửu Tiến, Trần Thanh Địch, Hoàng Trọng Miên, Lưu Trọng Lư, Khương Hữu Dụng, Tố Hữu, Lưu Quý Kỳ, Đào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Hải Triều, Hải Thanh, Hoài Thanh v.v... và Phạm Duy. Tất cả đã hoạt động trong một đoàn thể mang tên XÂY DỰNG, với phương châm dân tộc, dân chủ và dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Chí Thanh.
Trong bài HỒI KÝ này, Chế Lan Viên viết về những chuyến đi thực tế vào mặt trận Tây Nguyên, Bình Trị Thiên hay đi nhiều nơi khác của một số văn nghệ sĩ có tên trên đây. Và bây giờ -- 1986 -- tất cả đã già nhưng vẫn có mặt ở đây, đã như những chiếc lá rụng về cội... Chỉ trừ có Phạm Duy ! Đọc được bài này, tôi cũng rất là cảm động ! Nhất là khi thấy trong bài viết, anh Chế Lan Viên không che dấu chuyện tỉnh ủy Thừa Thiên có gợi ý nên kết nạp tôi vào Đảng.
Đồng thời, cũng trong năm 1988 này, bỗng nhiên có một lá thư vô danh -- dù đề tên người gửi ở Saint Paul, Minnesota, nhưng tôi điều tra ra là tên và địa chỉ giả -- gửi cho các báo tiếng Việt với đầu đề Áo Gấm Về Làng trong đó một người đội tên giả đã viết lời vu khống tôi là đã đi du lịch Việt Nam, đã về hát trên quê hương tả tơi nghèo đói... với những lời mạ lỵ rất thậm tệ. Lập tức, có báo Dân Tộc của một Mặt Trận "chính trị" ở Houston, Texas đăng lá thư này.
Những chuyện vu cáo như vậy còn tiếp tục với những tờ báo Ép Phê ở Paris, Thế Giới Ngày Nay ở Wichita, Kansas, Xây Dựng ở Houston, Texas, Làng Văn ở Toronto, Canada... với những lời vu khống tôi, bịa ra chuyện tôi gặp ông Đại Sứ Việt Nam, nói xấu người quốc gia, khinh rẻ người nghe nhạc v.v... Cái lối chống Cộng dối trá, bất lương của một số người mà tôi cho là mắc bệnh tâm thần, cuối cùng chỉ là trò mị dân, ảo tưởng bởi vì nó không làm hại hay đánh đổ được ai cả, nó chỉ làm cho không khí chính trị ở ngoài nước càng ngày càng thêm ô nhiễm.
Tôi không cần trả lời những người này, nhưng nhiều bạn quen hay không quen đã bất bình và lên tiếng hộ tôi, như các nhà báo Văn Thanh, Hải Triều, Trần An Bài v.v... Nhất là ông luật sư Nguyễn Lê Hà ở Canada đã có lòng tốt muốn thay mặt tôi để, qua một lá thư công khai, cho mọi người biết rằng : đây là một sự phỉ báng cá nhân có thể bị đưa ra chốn Pháp Đình. Còn tôi thì không muốn mất thì giờ để đi kiện ai cả, tôi chỉ muốn đưa tất cả những chuyện này ra trước một Toà Án Dư Luận bằng một hồ sơ mà tôi đặt cho cái tên là : TRONG CƠN GIÓ TANH MƯA MÁU, gửi tặng một số bạn thân.
Trên đầu chương 21 này, tôi đã viết : vào năm 1988 này, có những việc khiến cho tôi phải suy nghĩ ! Những việc này, xét cho cùng, cũng chỉ là do thiện cảm hay do ác cảm mà người đời dành cho một nghệ sĩ, suốt một kiếp ca nhân đã luôn luôn phải đứng hát ở những nơi đầu sóng ngọn gió.
Tôi có lẽ cũng không phải là người nghệ sĩ duy nhất phải đương đầu với cơn bão tố mang tên Việt Nam. Văn Cao mà đã chẳng được yêu rồi ghét, bị sa thải rồi lại được phục hồi ? Đã có lúc tưởng như bài Tiến Quân Ca cần phải bỏ đi nhưng rồi, may thay, khi chàng Văn qua đời, đám tang của anh vẫn là một quốc táng. Tiến Quân Ca vẫn là một bài quốc ca.
Thì ra, chẳng có gì là tuyệt đối cả ! Tôi đã nhìn ra sự đời như thế từ lâu. Hãy nghe lại những câu hát xa xưa :
Một ngày đi làm lính
Một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh
Một ngày về quyên sinh.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Vậy thì, 1988 là năm chuyển động của tôi. Sự thay đổi trong cảm súc và sáng tác của tôi chẳng có gì là lạ cả. Nó chuyển theo sự thay đổi của cuộc đời trước mặt. Nhưng tôi cần nói lên vài điều. Một mặt, đối với những người đã nhìn ra vị trí độc lập của nghệ sĩ và thấy không nên bắt chim phải học hót trong lồng... mỉa mai, tôi thấy cần phải cám ơn. Mặt khác, đối với những người giận dữ, bây giờ thì tôi mới nhìn ra sự bất ơn của họ, vì họ cũng đã từng nhiều phen -- như họ đã nói -- được hưởng những bài hát hay của tôi. Bởi vậy, tôi chỉ nên sẵn sàng quên họ như họ đã quên tôi. Người Ả Rập ở miền sa mạc nóng bức, thường nói : sói cứ sủa, đoàn người và lạc đà cứ đi. Tôi là người Việt Nam, nên chỉ nói giản dị : đường ta, ta cứ đi...
Đi Tới
No comments:
Post a Comment