====
Chủ Nhật, 15/10/2006 - 12:11 PM
Gặp người 31 năm đi tìm mộ liệt sĩ
Anh Trần Công Ngọc
(Dân trí) - Mẹ tìm con, vợ tìm chồng, con tìm cha, đồng đội tìm nhau.... Hơn 30 sau chiến tranh, nhiều cuộc kiếm tìm ấy rơi vào vô vọng khi những hài cốt đã lẫn trong quá khứ đổ nát. Rồi niềm hy vọng lại lóe lên khi họ hay tin, có một người, trong 31 năm qua đã tìm thấy hàng ngàn phần mộ liệt sĩ.
Người đó là anh Trần Công Ngọc ở thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 31 năm qua, anh đã đem đến niềm vui “hội ngộ” cho hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sĩ.
Khó mấy cũng đi tìm
Mới gặp anh Ngọc lần đầu, ít ai nghĩ con người đó mới đi quá nửa đời người. Khuôn mặt, dáng người già hơn cái tuổi 50 ấy có lẽ là kết quả của những cuộc kiếm tìm triền miên trong rừng sâu núi thẳm, những ngày leo đèo vượt suối, những đêm chông trại giữa rừng hoang. Nguồn năng lượng của anh có lẽ chính là ý chí: quyết tâm tìm hài cốt đồng đội còn nằm lại giữa chiến trường.
“Anh ấy đi suốt. Mấy bữa nay vào vụ thu hoạch rồi mà có chịu ở nhà đâu. Tối hôm qua bảo sẽ ở nhà nửa tháng để thu hoạch ruộng lúa và mấy sào lạc. Vậy mà, sáng nay có mấy người ở Hà Nội vào nhờ tìm mộ, anh lại đi” - vợ anh Ngọc than thở.
Anh luôn trăn trở: Còn bao người mẹ đang chờ tin con? Bao nhiêu người vợ đang đi tìm chồng? Và cả những đứa con chưa một lần thấy mặt cha cũng ngày đêm mong ngóng? Vậy là anh quyết tâm “đi tìm đồng đội”, hết nơi này đến nơi khác.
Câu chuyện của anh nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Nhiều người sau bao năm tìm không ra hài cốt người thân nghe vậy chạy đến nhờ cậy anh. Có những bà mẹ đã bảy tám mươi tuổi ở tận Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội,… cũng tìm đến anh. Và anh nhận lời. Đến nay, anh cũng không nhớ rõ mình đã tìm thấy bao nhiêu hài cốt liệt sĩ. Nhận lời giúp, anh không ngại khó, đi từ Huế đến các vùng núi ở Quảng Trị, Quảng Bình... rồi sang cả nước bạn Lào.
Công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ rất khó khăn. Ngoài chuyện am hiểu địa hình, người làm công việc này phải có cái tâm, có cảm nhận được sự hy sinh mất mát lớn lao của những người lính mới làm đựơc. Nhiều khi anh Ngọc phải lặn lội cùng người thân liệt sĩ trong rừng cả tháng trời. Chuyện đói cơm, khát nước là điều không thể tránh khỏi. Còn việc ăn cơm sống, uống nước rừng đã là chuyện hàng ngày. Anh cũng đã trải qua không biết bao nhiêu cơn sốt rét rừng.
Sau mỗi đợt sốt, đi cấp cứu ở viện về, cứ tưởng anh không còn sức mà đi tiếp. Nhưng có người đến nhờ, anh lại xách ba lô lên đường. “Gia đình tôi cũng có những ngày tháng như vậy. Nhìn khuôn mặt của họ là tôi biết họ đợi chờ điều gì. Làm sao tôi có thể ngồi yên khi thấy nước mắt bao bà mẹ vẫn chảy vì chưa tìm được con mình” - anh tâm sự.
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc quê anh vào vụ thu hoạch, công việc đang bề bộn. Nhưng chiều nay anh phải đi A Lưới (một huyện vùng cao của Huế) để tìm hài cốt một liệt sĩ quê Thái Bình.
Mấy năm nay, trong những đợt tìm kiếm mộ liệt sĩ do Quân kh 4, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, huyện tổ chức, họ điều mời anh cộng tác. Sau những lần đi đó bao giờ anh cũng nhận được bằng khen của Quân khu, Tỉnh đội. Không xem đó là thành tích của mình, anh chỉ coi đó là trách nhiệm, là tấm lòng của mình với những đồng đội, cha anh.
“Đừng bảo tôi làm nghề”
Trái với những điều tôi dự đoán, căn nhà anh trống hoác, đơn sơ, cà nhà trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Những chuyến đi rừng của anh không mang lại của cải cho gia đình. Anh nói: “Tôi làm việc này cũng một phần an ủi gia đình, nhất là mẹ tôi, bởi nhà tôi cũng có người hy sinh mới tìm được hài cốt. Nếu đây là nghề kiếm sống thì tôi bỏ lâu rồi. Tôi thấy vui với những người thân liệt sĩ, khi họ tìm thấy hài cốt các anh. Tôi muốn xoa dịu một phần mất mát, đau thương mà bao năm họ mang nặng trong lòng”.
Bà Thanh, hàng xóm của anh Ngọc, thán phục: “Ai chứ thằng Ngọc thì cả xã này người nào cũng biết. Làm cái việc như nó mà không có cái tâm thì coi như bỏ. Năm ngoái, có người thân của liệt sĩ đem tặng chiếc xe máy nhưng hắn nhất quyết không nhận”.
Có những gia đình liệt sĩ khó khăn đi tìm mấy tháng trời, đến khi cạn túi, anh lại cho về nhà “tạm trú”. “Cũng là hoàn cảnh khó khăn như mình thôi nhưng họ còn đau hơn mình nữa. Có ở trong hoàn cảnh ấy mới biết sự đau đớn, niềm mong mỏi đợi chờ của họ như thế nào”, anh Ngọc tâm sự.
Nhiều người khuyên anh nên bỏ công việc thôi, kẻo có ngày dính mìn, thiệt mạng. Nhưng anh lại nghĩ: “Nếu tôi tìm được hài cốt mà lỡ không may trúng bom mìn, bị thương hay chết đi cũng chẳng ân hận. Coi như tôi hy sinh một phần để các anh sau mấy mười năm xa cách giờ được “sống” bên gia đình”.
Phạm Hữu Khá
====
No comments:
Post a Comment