Tuesday, November 18, 2008

TÚ MỠ

===


Tập thơ Giòng nước ngược, tác phẩm đầu tay của tôi, có bốn câu thơ đề tặng :

Ít lời lẽ ngang phè,
Mấy vần thơ lỗ mỗ,
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Đáp tấm ơn tri ngộ.

Bốn câu thơ đó ghi lại mối tình chí thiết của tôi đối với anh bạn văn chương, người sáng lập ra Tự lực văn đoàn, trong đó tôi đã hoạt động hơn 13 năm, từ 1932 đến 1945, thời kỳ mới vào nghề, thuở đương thì tuổi trẻ lâng lâng làm việc, hào hứng nhất.

Ở đời, thường có sự gặp gỡ ảnh hưởng đến cả một tương lai. Tôi là một trong những trường hợp đó. Sự gặp gỡ không hẹn mà nên giữa tôi với anh Nguyễn Tường Tam đánh dấu bước đầu trong sự nghiệp văn thơ của tôi, từ một thư sinh chỉ làm thơ phiếm sau trở thành nhà thơ trào phúng thực thụ.

Tôi đã gặp anh Tam trong trường hợp nào ? Năm 1920, khi tôi đang làm thư ký Sở Tài chính được vài năm, thì một "lính
mới" đến nhập ngũ: một chàng trai ra dáng lanh lợi, đôi mắt trong sáng lộ vẻ thông minh, nói năng hòa nhã, mới gặp đã dễ cảm mến, đó là anh Tam. Anh vào làm cùng phòng Ba Kế toán với tôi.

Bởi gặp nhau lần đầu, chúng tôi đã thân nhau ngay, biểu lộ rất tự nhiên sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của đôi tri kỷ mà cuộc đời đã tình cờ đưa đến với nhau. Sau buổi làm việc chiều hôm đó, tôi cùng anh đi dạo mát trên bờ hồ Hoàn Kiếm, nói chuyện tâm sự, thành thực, cởi mở, với sự bồng bột của tuổi đôi mươi.

Tôi hỏi anh tại sao không xin vào Cao đẳng học nữa như số đô ng thanh niên hồi bấy giờ, theo con đường tiến thân đang mở
rộng thênh thênh, mà lại đi làm cái nghề "gãi giấy" không tương lai này ? Thời "oanh liệt" của thầy thông, thầy phán nay còn đâu ! Như hiểu thấu tâm lý bất mãn của tôi toát ra trong câu hỏi, anh Tam mỉm cười trả lời : "Tôi không có ý muốn trở thành ông tham, ông đốc ... như ai. Nguyện vọng tha thiết của tôi là viết văn, làm báo, sống bằng ngòi bút của mình, sống bằng nghề tự do, ngoài vòng kiểm tỏa. Tôi vừa đỗ đíp-lôm năm nay; trong khi chờ đợi chuẩn bị công việc lâu dài, tôi hãy đi làm cho đỡ buồn, kiếm ít tiền tiêu, chỉ là tạm bợ ít lâu thôi."

Anh hỏi lại tôi : "Thế anh, anh đỗ từ năm nào ? Xem ý anh cũng không thích gì cái nghề ông phán, sao anh không đi học nữa ?"

Với nụ cười héo hắt trên môi, tôi đáp : "Tôi không được sung sướng như anh ... Vì cảnh nhà sa sút, tôi phải đi làm chạy gạo ngay sau khi ở trường Bưởi ra với mảnh bằng "đíp-lôm" như anh, từ tháng 7-1918. Tôi nặng gánh gia đình lắm: một bà nội, một mẹ, một cô, bốn em nhỏ còn đi học ..."

Anh Tam rất thông cảm, ái ngại, an ủi tôi : "Nếu vậy anh có thể vừa đi làm, vừa tự học thêm để thi tham tá nâng cao địa vị lên ..."

Tôi cười chua chát : "Địa vì gì ở thời buổi nô lệ này hở anh ! Tôi có làm chơi đôi câu đối tức cảnh, đọc anh nghe :

"Học rồi thi, thi đã đỗ, đỗ phải đi làm, thời buổi văn minh vòng sỹ hoạn;
Thông với phán, phán lên tham, tham dù nhảy sếp, con nhà sai phải giống vong nô."

Lương càng cao càng như cái nút dây thắt chặt thêm, cột mình vào cái nghề làm thuê viết mướn. Tôi vào đời, cực chẳng đã mà phải làm cái nghề này, thôi thì miễn là đủ sống. Bà mẹ tôi rồi cũng phải xoay xở buôn bán thêm vào. Tôi chán ngấy học gạo rồi, chỉ muốn cho tâm hồn được thảnh thơi đôi chút. Ngoài hai buổi sáng xách ô đi, tối xách về, thì nghỉ ngơi, xem sách, đánh đàn, làm thơ để di dưỡng tính tình, chứ cứ chạy đuổi cái bả vinh hoa, cái mồi phú quý, thì biết thế nào là cùng ... Có người bảo tôi tư tưởng thế là gàn. Nhưng thôi, gàn cũng được, chứ vùi đầu vào sách kinh tế tài chính để lại ra đương đầu với hai kỳ thi
văn hóa và chuyên nghiệp thì tôi xin vái cả nón !"

Anh Tam tỏ ra vẻ tán thành cái gàn của tôi. Nghe tôi nói thích làm thơ, anh hỏi tôi đã tiến tới trình độ khá chưa và ngỏ ý muốn xem sáng tác của tôi. Tôi đáp : "Tôi muốn học đòi thơ Tản Đà mà tôi rất mê, nhưng trong bước chập chững thơ tôi còn non lắm. Tôi lấy câu thơ của Tản Đà cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc làm hướng sáng tác, nhưng xin thú thực chưa đạt, câu cười chưa được sảng khoái, tiếng khóc chưa được lâm li."

Tôi hỏi anh Tam về việc viết văn của anh, mới biết anh đang viết dở tiểu thuyết Nho Phong và dự định viết một truyện dài nữa, "Người quay tơ".

Cuộc trao đổi tâm sự buổi đầu giữa anh Tam với tôi có chiều tâm đắc, và từ đó chúng tôi thành đôi bạn tâm giao, động viên và khuyến khích lẫn nhau. Anh Tam tuy mới ra trường nhưng xem ra học rộng, đọc nhiều, nhớ kỹ. Có khi, trong buồng giấy, anh ngừng việc cộng sổ, làm "năng-đa" tán chuyện triết lý. Một hôm, không hiểu câu chuyện gì, anh nói đến vấn đề "gạn đục khơi trong" của học thuyết Mạc - Địch. Dĩ nhiên, các bạn đồng sự của tôi không thích thú lắm câu chuyện triết lý mệt óc đó. Để anh Tam khỏi bị ngượng như người thuyết minh giữa sa mạc, tôi làm ra bộ lắng tai nghe ...

Khi anh dẫn diễn đến câu : "Nước trong ta giặt giải mũ, nước đục ta rửa chân ...," tôi bất thình lình, ra vẻ bắt chuyện,
nói tiếp luôn "nước đá ta cho vào rượu bia ta uống !" Câu khôi hài ấy khiến cả buồng giấy cười ồ ... Câu phá quấy
của tôi không làm anh Tam giận, anh cười to hơn mọi người và bảo tôi : "Khá đấy ! Anh nên làm thơ hài hước đi, anh có
khiếu về trào phúng đấy." Một lời đã biết đến nhau ... Câu nói của anh thế mà thấm vào tâm trí tôi.

*


(...)

Hai năm sau, anh Tam xin thôi việc, để sang Pháp du học. Ở Pháp độ hai năm, anh về nước với mảnh bằng cử nhân khoa học.
Tôi lấy làm lạ: anh muốn trở thành văn sĩ sao lại đi lấy bằng cách trí ? Hỏi anh, anh nói rằng: anh sang Pháp chủ yếu là nghiên cứu nghề làm báo để khi về sẽ mở một tờ báo thể tài mới, khác hẳn các báo. Còn cái bằng cử nhân khoa học ? Chỉ là cái cứu cánh để phòng xa, nếu làm báo thất bại sẽ ra làm giáo sư cũng tốt. Thế là "tiên vi báo, cáo vi sư," anh muốn bắt cá hai taỵ Chu đáo thật !

Ít lâu sau, anh tính chuyện mở một tờ báo trào phúng lấy tên là "Tiếng cười". Anh thấy báo chí của ta bấy giờ chán ngắt, nếu không là báo thông tin "chó chết" thì là báo lý luận suông. Nước ta chưa có một tờ báo nào chuyên môn về trào phúng. Tiếng cười ra đời chắc sẽ được hoan nghênh như một cuộc cách mạng trong làng báo quốc ngữ. Hiện anh đang đi tìm bạn cùng chí hướng để tổ chức tòa soạn, và xin tôi nhận một chân trợ bút về mục thơ trào phúng, ngón sở trường của tôi mà anh đã khám phá ra. Yêu cầu đó thật là hợp với sở thích, với ước mong của tôi. (...)

Mãi đến khi anh Tam rủ tôi vào tòa báo Tiếng cười thì cá mới thực gặp nước; tôi mến phục anh Tam có con mắt tinh đời, biết người, biết của, nên vui sướng nhận lời cộng tác với anh.

*

(...)

Chúng tôi đã sáng tác được khá nhiều cho báo Tiếng cười. Nhưng vẫn chưa được giấy phép ra báo. Anh Tam có đi thăm dò
tin tức, thì ở sở Báo chí của Phủ Thống sứ người ta bảo rằng : "còn xét !" Một tháng, hai tháng, ba tháng, vẫn cứ "còn xét." Chúng tôi bảo nhau: cái kiểu kéo dài "còn xét" này, có nghĩa là nó không muốn cho phép. Nhưng nó xỏ lá không muốn công khai từ chối vì không có lý do chính đáng. Chẳng qua nó sợ tờ báo trào phúng, nó sợ người chủ trương tờ báo đó là tay đã sang Pháp về mà phàm những người chân chính ở Pháp về đều có tư tưởng bài Pháp thực dân; nó sợ tờ báo cười tung trời sẽ làm đảo lộn cả trật tự của cái xã hội thối nát mà chúng nó muốn duy trì để dễ cai trị.

Anh Tam đâu có chịu bó taỵ Anh xoay và đã xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân dịp có tờ "Phong Hóa" của anh Phạm Hữu Ninh quản trị, anh Nguyễn Xuân Mai, giám đốc, chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt, đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Anh Tam đề nghị với hai anh nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, hai anh vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương (tức là tiền cho thuê báo). Tất cả đều hỉ hả: anh Ninh và anh Mai trút được gánh nặng mà báo khỏi đình bản; anh Tam sẵn có tờ báo thay cho tờ Tiếng cười chắc là không được phép xuất bản.

Thế là tờ Phong Hóa nọ được tổ chức lại hoàn toàn từ hình thức đến nội dung, thay da đổi thịt, biến thành tờ báo trào phúng đầu tiên của làng báo ta. Tất cả những dự định cho báo Tiếng cười, anh Tam dồn cả cho báo Phong Hóa mới, ra đời vào khoảng đầu tháng 7-1932, đánh dấu một cuộc cách mạng báo chí ở nước ta (...)

Từ một tờ báo không ai biết đến, nó trở thành một tờ báo được mọi tầng lớp quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt ngay từ số đầu, và nổi tiếng khắp ba kỳ, là vì nó đáp ứng đúng nhu cầu của trí thức, của bình dân, nó đem lại niềm vui sống khi người ta đang buồn chết vì khổ sở; nó vạch mặt làm bia chế giễu những kẻ tai to mặt lớn, sống trên áp bức bóc lột dưới cúi luồn xu nịnh mà người bình dân căm ghét; nó bàn đến và tìm cách thực hiện một cuộc đời tươi sáng thay vào cuộc sống tối tăm, bùn lầy nước đọng; nó phát huy một lối văn quốc ngữ trong sáng, đánh rấp các thứ văn lai căng hoặc đặc sệt những danh từ Hán
học. Nó không làm cách mạng nhưng nó làm công việc khai phá, dọn đất cho cách mạng, gieo hạt sau này. Điều đó có lẽ bọn
thống trị chưa biết, vì Phong Hóa không đập thẳng vào Tây mà chỉ đả kích bọn quan lại cường hào tay sai của Tây, thì Tây cứ để cho làm xì hơi tức khí của dân chúng vào bọn này. Một mặt công chúng bị đánh lạc hướng, quên kẻ thù chính; một mặt bị ru ngủ bởi tiểu thuyết lãng mạn tiểu tư sản đều có lợi cho Tây cả, Phong Hóa không bị cấm vì thế.

Phong Hóa có những mục hấp dẫn, hợp với "khẩu vị" quần chúng.

"Từ cao đến thấp" nói về người; "Từ nhỏ đến nhớn" nói về việc; "Bàn ngang" nói ngược mà hiểu ra xuôi; (ba mục này Tứ Ly tức Nguyễn Tường Long phụ trách).

"Vui cười," mẩu truyện khôi hài, có duyên và phong phú (cả tòa soạn phụ trách và quần chúng đóng góp).

"Những hạt đậu dọn" vạch làm trò cười những câu văn viết sai, viết ẩu, ngớ ngẩn, lố lăng, nhặt ở các sách báo (Nhát Dao Cạo tức Trần Khánh Giư phụ trách).

"Cuộc điểm báo" bên những điều sai trái, lố bịch nhặt trong các báo (Nhị Linh tức Trần Khánh Giư phụ trách).

"Giòng nước ngược" thơ trào phúng (Tú Mỡ phụ trách).

Những mục trên đây nhằm cười đời một cách hóm hỉnh, thanh nhã mà chua cay, với trí tuệ trào lộng đặc biệt Việt Nam.

Ngoài ra, về văn chương có :

Những phóng sự về mặt trái xã hội;những truyện dài, truyện ngắn về tình yêu lãng mạn mà trong trắng, về xung đột giữa cái mới và cái cũ (của Khái Hưng tức Trần Khánh Giư, Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam, Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân, Thế Lữ v.v...).

"Thơ mới" khởi đầu bằng bài Tình già của Phan Khôi và mấy bài của Lưu Trọng Lư. Sau Thế Lữ nổi bật trong một bài giới thiệu của Nhất Linh, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông làm nổi đình đám phong trào thơ mới ngày càng lên như diều gặp gió.

Trước đây, lúc chuẩn bị ra báo, tôi đã thấy các anh làm việc không biết mệt. Nay báo Phong Hóa ra hằng tuần với nội dung súc tích như vậy, tôi lại càng thấy các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục: làm ngày, làm đêm, nhất là làm đêm, tốn khá nhiều cà phê, thuốc lá, làm việc đến rạc người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng ai không biết cứ tưởng là "dân làng bẹp" (nghiện thuốc phiện).

Riêng tôi, công chức viết báo nghiệp dư, ngày hai buổi tốt nhất đã cống hiến cho công sở, tôi cũng noi gương các anh hết sức tranh thủ thời gian để viết: đi đường từ nhà đến sở, từ sở về nhà, óc phải suy nghĩ, cấu tứ, tìm vần; về nhà, cơm nước xong buông đũa bát, lại ngồi vào bàn, viết cả buổi trưa, buổi tối. Có khi nhuận trí, viết một mạch, có khi tắc đành gác bút đi nằm, nhưng đầu óc vẫn thao thức, có đêm chưa ngủ - vần thơ bật ra, liền nhỏm dậy, bật đèn viết cho đến khuyạ Cái lối làm việc như thế, cố nhiên "bà Tú nhà tôi" không bằng lòng, lo tôi ốm, khuyên can chẳng được thì gắt, dọa sẽ tìm đến "bác Tam"
để phản đối. Nhưng tôi không thể làm khác được, đành cứ cười trừ; lắm khi làm xong một bài thơ, bài phú, mệt phờ, nhưng được cái đang sức trai, không quỵ ... Tôi rất muốn được như các anh sống để mà viết, viết để mà sống, nhưng ngẫm xưa nay thơ không nuôi nổi người phụng sự nó, huống chi tôi lại nặng gánh gia đình, nên chưa dám bỏ mồi bắt bóng, bỏ nghề "thầy phán fi-năng" theo hẳn nghề viết báo.

Đối với tòa soạn, tôi tiếng là chân trong nhưng vẫn làm việc ở nhà. Tối thứ bảy, tôi đến họp với anh em. Cuộc họp rất "gia đình." Trên căn gác ấm cúng nhà số 80 đường Quan Thánh, chúng tôi quây quần, thân mật như hồi ở Ấp Thái Hà : ăn phở, phở của bác phở rong phố Quan Thánh rất ngon, đã khiến tôi làm bài thơ thú vị Phở đức tụng; uống cà phê của chị Khái Hưng pha tuyệt khéo; đốt thuốc lá khói um cả căn gác, mùa rét đốt lò sưởi, củi nổ lách tách, anh em ngồi chầu ngọn lửa ấm áp, tán chuyện thời sự, nảy ra đề tài viết bài cho số báo tới.

Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài "Đời mưa gió", trong buổi họp tối thứ bảy, hai anh bàn nhau kỳ này nên
cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì đột nhiên trái chứng trái khoáy, rồi mỗi kỳ mỗi anh thay phiên nhau chấp bút. Công việc sáng tác tập thể của các anh là như vậy.

(...)

Anh Khái Hưng đi thăm chùa Tiêu, nhìn những bệ thờ xây cuốn, nhìn dưới ngôi tháp mộ có vẻ huyền bí, nảy ra tưởng tượng dưới đấy có thể là những hầm bí mật xưa che giấu hoạt động bí mật của một cuộc khởi nghĩa nào đó. Tiểu thuyết lịch sử Tiêu Sơn tráng sỹ của anh đã xuất bản từ ý nghĩ đó.

Một lần đi chơi Trung Hà (Sơn Tây) chúng tôi rẽ vào thăm Tản Đà ở làng Khê Thượng, nhưng không may hôm ấy nhà thơ đi Hà Nội vắng :

Tiểu đồng nói: bác vừa xuôi
Đi chơi Hà Nội chừng đôi ba ngày
Ra đường gặp gái không may
Hay là Hiếu ấy Hiếu này vô duyên ?

Chúng tôi bèn đem rượu và đồ nhắm lên một sườn đồi chén :

Ngồi trông núi Tản, sông Đà
Tưởng chừng bác Ấm như là có đây,
Rót đầy cốc rượu nâng tay,
Vắng ai mời vọng đưa cay cũng tình ...

Bài thơ Thăm Tản Đà vui, đầy tính tứ mà tôi trích mấy câu trên đây, được nhà thơ thích thú, và từ đó hai Hiếu gắn bó với nhau, có một đôi lần xướng họa.

Đối với Tản Đà, báo Phong Hóa hay có những bài thơ châm chọc, bức tranh biếm họa, câu văn bông lơn, những cái không
hợp thời của nhà thơ, nhất là cái nết nghiện rượu. Nhưng Tản Đà là người biết đùa, không giận. Một hôm, sau khi đọc bài thơ "Giời đầy Nguyễn Khắc Hiếu", nhà thơ thân hành đến tòa soạn, cười ngất phê bình : "Bài thơ thú lắm, nhưng mà xược !". Anh Khái Hưng hỏi : "Thực tình anh có giận chúng tôi không ?" Tản Đà cười khà đáp : "Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nhưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau !"

Từ đó, chúng tôi lại càng quý mến Tản Đà và đi lại cùng nhau thân mật hơn. Đến thời "Ngày Nay" khi Tản Đà đã qua nhiều lần thất bại trong nghề làm báo, thể theo lời mời của anh Tam, nhà thơ cộng tác với báo trong mục làm thơ Đường. Ở đây lại rõ cái tài của anh Tam biết thích dụng nhân tài.

(...)

Báo Phong Hóa ngày càng được bạn đọc tin yêu, số in tăng vọt lên đến 1 vạn, con số kỷ lục. Sách của "Tự lực văn đoàn"
ra nghìn nào hết nghìn ấy, có quyển in lại đến lần thứ tám. "Tự lực văn đoàn" thực hiện được hai giải thưởng về văn, hai giải thưởng về thơ, đặc biệt là có một giải khuyến khích về thơ tặng một phụ nữ, cô Anh Thơ, trong nhóm "Sông Hương" (tỉnh Bắc Giang), tác giả tập Bức tranh quê, một tập thơ mới có màu sắc, có hồn thơ riêng biệt: chỉ tả cảnh với những nét thơ mộc mạc nhưng trong sáng, không nói ra sự đối cảnh sinh tình của tác giả, dành phần kết luận cho người đọc.

Buổi phát giải thưởng tại Tòa báo thân mật mà không kém phần long trọng : bàn kê hình chữ T.L. Tiệc trà có một điểm cầu kỳ là những chiếc bánh kem thửa riêng cho khách quý được giải thưởng, tên khách, viết bằng đường màu, nổi bật trên chiếc bánh.

Tôi nhớ nhất là Tú Mỡ đã được hân hạnh trao giải thưởng cho nữ thi sĩ Anh Thơ, hôm ấy mặc áo lụa tím, cổ đeo kiềng vàng, duyên dáng rất ... anh thơ.

Và tôi còn nhớ mãi : sau khi tiệc tan, khách đã về hết, chỉ còn mấy anh em nhà, anh Tam nói một câu rất tình tứ : "Chúng ta
chiếu cố đến chị em phụ nữ mà tặng giải khuyến khích cho cô Anh Thơ, nay mới biết thật là đích đáng, về thơ cô đẹp và đôi mắt cô cũng đẹp (nguyên văn nói bằng tiếng Pháp "pour les beaux yeux de mademoiselle")."

Sau cuộc tặng thưởng văn chương đó "Tự lực văn đoàn" càng được tín nhiệm trong giới văn học.

(...)

Báo Phong Hóa ngày càng được cảm tình của công chúng bình dân, họ coi đó là tờ báo của mình, độc giả ngày càng nhiều
và gửi bì đến đóng góp ngày càng lắm. Được sự hỗ trợ của quần chúng, bộ biên tập càng hăng hái, càng viết mạnh bạo hơn, đi đúng vào tâm lý quần chúng, yêu cái gì quần chúng yêu, ghét cái gì quần chúng ghét. Quần chúng càng có cảm tình thì bọn thống trị càng để ý như cú dòm nhà bệnh, nhưng vẫn không tóm được cái gì sơ hở để đóng cửa báo, vì tòa soạn luôn luôn đề cao cảnh giác và có đủ mưu kế để "chơi nhau" với "mụ đầm kiểm duyệt."

Tuy vậy anh Tam hiểu biết tình thế bất trắc và đề phòng một ngày xấu kia, báo có thể đột nhiên bị đóng cửa, nên xoay xở cho ra một tờ báo nữa làm "bánh xe sơ cua," tờ "Ngày Nay", một tờ báo hiền lành, với nội dung văn chương, khoa học, xã hội, mỹ thuật, chính trị thường thức v.v... Số đầu tiên ra ngày 27 Janv. 1935.

Hai tờ báo của "Tự lực văn đoàn" đi song song với nhau một thời gian không dài lắm. Vào khoảng 1936, cái tai nạn bất ngờ
mà anh Tam phòng trước xảy đến: Phong Hóa bị đóng cửa, nghe đâu chỉ vì đã đăng truyện "thần thoại tân thời" Hậu Tây
du, truyện thực ra chẳng có gì quái ác, chỉ là một thứ truyện khôi hài nhạo nhại truyện Tây du của Tầu, với những nhân vật mới trong triều đình Huế như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng v.v... phò hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương sang Tây.

(...)

Có thể nói Ngày Nay là hình ảnh chân thực của tâm trí mọi tầng lớp bình dân trong nước, là người bạn tri kỷ, vui vẻ khuyên nhủ mọi người, mách bảo những sáng kiến hay, cần thiết cho cuộc đời mới. Việc biên soạn do những cây bút cũ của Phong Hóa cùng nhiều nhà văn mới hợp thành một đội ngũ hài hòa.

(...)

Mỗi năm số báo Tết là cả một sự nhộp nhịp phi thường; làm việc chúi mũi, chúi tai, nhưng vui thực là vui, vui quên cả mệt. Có một lần, tôi cùng với Thế Lữ làm chung phần thơ ca cho số Tết 1939, tại nhà riêng anh ở phố Thái Hà, làm hì hục suốt cả một đêm cho kịp ngày mai báo lên khuôn, làm xong mới thấy phờ người ... Nhưng bao nhiêu công khó nhọc được đền bù bằng sự vui sướng, thấy cảnh tấp nập của ngày báo phát hành. Tòa báo bận rộn như một nhà có việc vui mừng, các trẻ em bán báo đến lĩnh báo vui tíu tít như một bầy chim sẻ, rồi tản vù đi các phố, tiếng rao lanh lảnh "Ngày Nay số mùa Xuân ơ ...!" Các bạn đọc săn đón món quà Tết hằng năm không thể thiếu ... (...)

Thời kỳ trước Phong Hóa, tôi mới học nghề, thời Phong Hóa tôi vào nghề, và thời kỳ Ngày Nay tôi đã tương đối lành nghề. Được học hỏi anh em trong thực hành, cầm cán bút vững chắc hơn, ngoài thơ trào phúng, tôi còn muốn làm cả món trữ tình nữa. Nhưng sau khi viết thử vài đoạn đầu một bài trường thiên nhan đề "Tháng ngày qua" (nói về lòng người thay đổi với thời gian), thấy không được đăng, tôi hỏi, thì anh Tam nói thực ngay, không cần úp mở. "Dở quá ! Anh cứ nên chuyên về thơ, trào phúng, tốt hơn." Tôi còn thử viết cả phóng sự nữa, viết những bài tường thuật trào lộng theo kiểu Nhất, Nhị Linh, Lê Tạ.. Thế mà viết được mới cừ chớ ! Mấy bài : Đi xem hội chợ Yên Bái, Chợ Phiên Việt Nam, Ông X. nói chuyện Thơ Mới bằng tiếng Tây ở Hội Trí tri, Cuộc đá bóng của phụ nữ ở bãi Bắc Qua được đăng báo và các anh khen "chơi được !" khiến Tú Mỡ thỉnh thoảng lại cao hứng khoác áo "Lỏng phóng viên" viết đổi taỵ

(...)

"Tự lực văn đoàn" khi ra đời chỉ có chủ định làm việc văn chương. Nhưng hoàn cảnh thúc đẩy, thời kỳ này một số anh em bước vào đường làm chính trị, dù muốn hay không muốn. Một buổi tối họp mặt, anh Tam bảo tôi : "Đã đến lúc chúng ta phải hoạt động chính trị để giành lấy chính quyền. Cái chính phủ Trần Trọng Kim này không làm nên trò trống gì đâu. Nhật không nuốt nước ta được, vì Mỹ không để cho nó chiếm cái cửa ngõ Á Đông. Chúng ta cần phải vào một tổ chức cách mạng để khi thời cơ đến, sẽ đứng ra giành chính quyền. Hiện giờ anh em trong đoàn đã vào đảng Việt Cách hoạt động bí mật, anh cũng nên vào ..."

Tôi thú thực : "Tôi không biết làm chính trị. Trước đây anh Sắc đã rủ tôi vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tôi chỉ xin đứng ngoài ủng hộ; khi cần đến việc gì tôi có thể giúp được, tôi sẵn lòng làm ngaỵ Bây giờ cũng vậy thôi." Anh Tam cuõng không nài ép. Tôi hỏi lại anh : "Sao anh không vào Việt Minh ?" Anh trả lời: "Việt Minh là cộng sản. Họ chủ trương giành chính quyền bằng súng, sẽ gây ra chiến tranh chết chóc và tàn phá. Vả lại Mỹ sẽ chống cộng, Mỹ vừa giàu vừa mạnh. Ta đi với một đảng thân Mỹ rất có lợi, ta sẽ đấu bằng chính trị, không phải bằng đổ máu ít ra cũng giành được quyền tự trị. Mỹ nó chả cần cướp nước để cai trị như Tây. Ta đi với Mỹ để cho nó buôn bán với ta, đem tiền của mở mang kỹ nghệ, nó có lợi mà ta cũng có lợi ..."

(...)

Đến khi Cách mạng tháng tám thành công, làm xong Tổng tuyển cử, thành lập chính phủ Liên hiệp, trong đó anh Tam được
ghế Bộ trưởng ngoại giao, anh Long Bộ trưởng kinh tế, tôi khấp khởi mừng "Tự lực văn đoàn" có cơ hồi phục, tan rồi lại hợp. Nhưng tôi đã mừng hụt. Thế lực nước ngoài chi phối các đảng phái phản động, khiến những kẻ cơ hội xông ra tranh quyền cướp vị, đi tới phản nước hại dân.

(...)

Ô hô ! Người bạn tri ngộ cũ của tôi ! Trí tuệ thông minh như thế, ưa hoạt động như thế, yêu đời như thế, có chí lớn như thế, yêu nước như thế, chỉ vì lầm đường mà đến nỗi tai hại như thế, chết thê thảm như thế !

Viết bài hồi ký này đến đây, tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nuối ! "Tự lực văn đoàn" có những ước mơ tốt đẹp. (...)

Ôi ! "Tự lực văn đoàn" nay đã thuộc về dĩ vãng. Nhiều anh đã là người thiên cổ, chỉ còn sót lại ba chúng tôi, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Kể về công, anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giàu thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận. Đường lối "Dân tộc, khoa học, đại chúng" mà Đảng ta nêu lên trong Đề cương văn hóa, "Tự lực văn đoàn" đã thực hành từ trước. Quan điểm "Nghệ thuật vị dân sinh," tuy trên giấy trắng mực đen đoàn không nêu, trong tôn chỉ, nhưng trong thực tế, anh em đã hành động theo quan điểm đó (...).

Láng, 12 tháng 8 năm 1969

----------------------------------

[ Nguồn : "Nhất Linh, người chiến sĩ - người nghệ sĩ", Nhiều tác giả, Thế Kỉ xuất bản, California 2004 ]

No comments: