Tuesday, November 18, 2008

THANH LÃNG

===

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]

Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932
*
NHỮNG VỤ ÁN VĂN HỌC THẾ HỆ 1932
Thanh Lãng
A - Đặc tính chung thế hệ 1932
B - Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932
C - Những Vụ Án Văn Học Thế Hệ 1932 :
1 - Vụ Án Báo Chí / 2 - Vụ Án Cũ và Mới / 3 - Vụ Án Phan Khôi - Trần Trọng Kim
/ 4 - Vụ Án Tản Ðà - Phan Khôi / 5 - Vụ Án Quốc Học
/ 6 - Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
D - Mặt trận bênh thơ mới (1) / Mặt trận bênh thơ mới (2) / Mặt trận bênh thơ mới (3)
E - Phản ứng làng thơ cũ / F - Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam

Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới
A- Mặt trận bênh thơ mới (1)
Phong Hoá bênh Thơ Mới
Tôi nghĩ gọi phe bênh thơ mới đả kích thơ cũ là một mặt trận cũng không là quá đáng : chính bọn họ khai chiến, ngay cả lúc bên mà họ cho là địch không có ai ra ứng chiến. Thực vậy, lai rai từ lâu trước với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trịnh Đình Rư và ngay cả chính Phan Khôi, nhưng đến năm 1932 lại cũng chính cái ông Phan Khôi lai rai lúc đầu đã ra tay làm cách mạng. Bỏ ngoài phần lớn các tài liệu mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã trưng ra ở đầu cuốn Thi Nhân Việt Nam của các ông vì chưa tìm ra, tôi xin phép trình bày với các bạn theo tài liệu những sách vở báo chí mà tôi có trong tay. Tôi mong các bạn hợp tác với tôi để bổ túc vào sau. Vậy cũng theo chỗ tôi biết hiện nay thì, tuy báo Phụ Nữ Tân Văn đã là nơi xuất phát trận tuyến do Phan Khôi chỉ huy, nhưng tham gia thật sự vào trận mạc lúc ban đầu này lại không phải Phụ Nữ Tân Văn mà là tuần báo Phong Hoá của Tự Lực Văn Đoàn.
Ngay từ số 14, ra ngày 22-9-1932, Phong Hoá, như các bạn đã thấy ở trên, đã có lời chửi thơ cũ và hô hào theo thơ mới :" Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng ".
Thực ra, đòi cho thơ phải mới về tinh thần tức mới ý tưởng thì đã có nhiều người nói từ lâu rồi, nhưng mới về văn thể thì chỉ có từ Phan Khôi (Phụ Nữ Tân Văn số 122, 10-3-1932).
Tiếp sang Phong Hoá số 15 ngày 29-9-1932 nối bài " Sầu thảm nhiều rồi ", Việt Sinh chẳng những chửi thơ cũ mà chửi tất cả văn chương theo lối cũ là chỉ biết khóc, khóc một giọng rên ư ử từ ngàn xưa :" Xã hội ta xưa nay vốn là một xã hội tiêu điều nhạt nhẽo. Hơn một nghìn năm chịu đè nén dưới đạo Khổng đứng đắn nghiêm trang, hiểu lầm chăng, nên chỉ khuôn con người ta vào vòng lễ phép chật hẹp vô cùng.
" Nói không dám nói mạnh, cười không dám cười to, cái gì cũng như bó buộc, cằn cỗi già sói...
" Văn thơ của ta gần đây thực như khóc như đầm đìa huyết lệ. Một chữ là một giọt nước mắt để ngậm ngùi cho " Đạm Thuỷ với Tố Tâm ", xót thương cho " Lê Ảnh với Mộng Hà "...Ta hãy nghe ông Trần Tuấn Khải an ủi lòng người " Anh ơi ! anh ngồi xuống đây, anh xơi chén rượu này, anh nằm ngủ, anh ngủ cho say...kiếp trần thong thả ngày là tiên ! ". Ấy thế mà chưa ai ngủ, chỉ riêng Trần Tuấn Khải đó " phận kém duyên hèn " này mới tự mình du ngủ lấy mình đến nay ông thật ngủ yên rồi mà ngọn bút quan hoài hẳn từ nay ráo mực. Ông Đặng Trần Phất cũng đã yên giấc ngàn năm không bao giờ dậy nữa...
" Mà nào đã hết cái " thái sầu muôn kiếp không tan được " của bà Tương Phố, cái " tân sầu " khóc ve kêu hoa soan rụng của ông Nguyễn Tiến Lãng đã làm rơi biết bao nước mắt " (Phong Hoá số 15, 29-9-32).
Rồi cũng trên Phong Hoá số 15 ấy, nơi bài " Quốc văn nó đi như sao ? " với một giọng châm biếm tác giả khi thì nhái văn Tản Đà, khi thì nhái văn Hoàng Tích Chu, đã viết một lối văn bông đùa để chửi khéo tất cả các nhà thơ cũ :" Cho đến ngày nay thì biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ toàn loạt trứ danh nào Hiếu Nguyễn Khắc, nào Bi Hoàng Tăng, nào Quỳnh Phạm, nào Dư Lê, nào Việt An họ Nguyễn, nào Tuấn Khải họ Trần kể có vài muôn, nhớ tên sao viết vậy (Phỏng theo lối văn Đức Trần Hưng Đạo)...số văn sĩ nhiêu phong như thế thì đáng lý ra quốc văn được bành trướng một cách cấp tốc lắm mới phải ! hà cố các áng văn tuyệt tác về vận văn, về tản văn vẫn hạn hữu ? Vì cứ tầm quan sát của bỉ nhân thì chỉ về vận văn mấy tập Kim Vân Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán ngâm khúc,còn dáng đăng lục luận đề, chứ về tản văn thì thực tịnh vô nhất quyển " (Phỏng theo văn Phạm Quỳnh)...
" Thiếu ý sáng kiến, lối văn mới ta không có một. Thành thử không ai có " Xịch tin " riêng. Ta viết bá láp : lăng nhăng. Hoặc ta theo người xưa : lòng thòng. Còn ý tưởng ? Càng tệ càng cũ không mấy khi dám bước ra ngoài lũy tre trí thức nước Lỗ (Khổng Mạnh) và nước Sở (Lão Tử).
" Quốc văn muốn giàu. Phải có nhiều lối, nhiều lối mới. Lối cũ nào không hợp thời : ta phích !
" Lại phải có tư tưởng mới !
" Mới lên !
" Nào chúng ta nhúng tay vào làm việc " (Phỏng theo lối văn Hoàng Tích Chu)
Từ đó, hầu như chẳng có số báo nào mà Phong Hoá không dành giăm ba bài để chửi bới, trêu chọc tất cả các nhà văn, nhà thơ cũ. Nhưng mũi dùi hình như chĩa thẳng vào lãnh tụ của thơ cũ là Tản Đà.
Phong Hoá, số 28, 30-12-1932, nơi bài " Hoạ nguyên vận ", đã mô tả Tản Đà là anh say rượu :
" Anh lên giọng rượu khuyên Phong Hoá
Sặc sụa hơi men khó ngửi quá
Đã dạy bao lần tai chẳng nghe
Hẳn còn nhiều phen mồm bị khoá !
Thân mềm chưa chắc đứng ngay đâu !
Lưỡi ngắn thì nên co lại nhá !
Phong Hoá mà không hoá nổi anh,
Tuý nhân quả thực là nan hoá "
Chẳng phải vô tình mà Phong Hoá đánh các nhà thơ cũ : nó nằm trong chính sách văn học của Tự Lực Văn Đoàn mà chính sách của hội nhà văn này là theo mới. Dĩ nhiên, Thơ Mới phải được Tự Lực Văn Đoàn tích cực bênh vực. Như tôi đã nói gián tiếp ở phần trên, nơi bài " Lối Thơ Mớỉ (P.H. số 31, tức số Xuân 1933), trong khi cho đăng bức thư Lưu Trọng Lư ca ngợi thơ mới, Phong Hoá đã nhắc lại lập trường của họ đối với thơ mới, lập trường mà họ đã bày tỏ từ số 14 ra ngày 22-9-1932 :" Trong số 14, Phong Hoá đã bàn về những chỗ không hay, không hay vì bị bó buộc vào trong khuôn sáo của lối thơ Đường luật...Nay bản báo nhận được bức thư của cô Liên Hương để gửi cho ông Phan Khôi, nói về lối thơ điệu mới của ông, " ý tưởng có nhiều chỗ giống với ý tưởng của bản báo. Vậy bản báo vui lòng đăng lên mục văn học và sẽ lục đăng các bài thơ mới của các bạn thi nhân " (Phong Hoá số 31, 25-1-1933).
Thế là từ đây, ngoài việc viết bài chửi thơ cũ, bênh thơ mới, Phong Hoá còn chú trọng nhất đến việc đăng tải " thơ mới của các bạn thi nhân " như họ vừa hứa.
Việt Sinh chê thơ cũ
Thực vậy, cùng ở nơi số 31, tức số Xuân này, Việt Sinh và Nhất Linh đã chế diễu các ông làm thơ cũ :
Việt Sinh chế Nguyễn Tiến Lãng làm thơ sáo, đánh cắp văn mà không biết :" Trong bài nhớ Tết năm ngoái " ở sách " Xem tết ", ông Lãng hồn thơ lai láng, cảm vì xuân nên " vụt nghĩ " ra hai câu thơ :
Bức tranh vân cẩu treo rồi xoá
Gánh nợ tang bồng trả lại vay !
" Vì ông Lãng " Vụt nghĩ " nhanh quá, nên ông quên không nhớ đến hai câu thơ Vịnh nhà hát San nhiên năm xưa :
" Bức tranh vân cẩu treo rồi cuốn
" Một cuộc tang thương xoá lại bầy !
" Nếu chúng ta không nhầm thì hai câu dưới cũng hơi hơi giống hai câu trên. Mà nếu chúng ta không nhầm thì cái " Vụt nghĩ ra " của ông Lãng nó " cũng lâu lâu thì phải ".
Sau Nguyễn Tiến Lãng thì đến Trần Tuấn Khải là một nhà thơ lừng danh ở thế hệ trước, cũng bị Việt Sinh chửi là nhai lại cái cũ rích thành ra đạo văn :
" Trong " Sách chơi xuân " của Nam Ký, ông Á Nam vì Xuân làm bài thơ rất hay, rất mới :
" Một đời được mấy gang tay,
Một năm được mấy mươi ngày là xuân
Gặp xuân ta phải chơi xuân
Kẻo mai hạ tới thì xuân không chờ ! "
" Hay tuyệt ! Câu đầu, cả ý lẫn chữ là câu sáo cũ.
" Câu thứ hai cũng hay như câu thứ nhất.
" Câu thứ ba cũng hay như câu thứ hai.
" Còn câu thứ tư không hay thì là của ông Á Nam ".
Còn Nhất Linh thì chế diễu thơ của Phương Lang : " Vậy tôi chỉ nói đến bài thơ của ông Phương Lang và xin chép lại bài thơ ấy ra đây lần nữa :
Mặt bẩn sao chưa lau ?
Con ra lấy cái thau
Đổ nước mang khăn mặt
Mau !
" Thơ như thế sao gọi là thơ được. Đó chỉ là mấy câu sai con mà có vần. Bài sai đầy tớ của Ôn Như Hầu cũng chỉ là mấy câu sai đầy tớ mà có vần và đúng khuôn phép niêm luật. Nó cũng như thơ con cóc mà thôi...
" Nhất Linh lại xin bắt chước ông Phương Lang làm bài thơ như thế nữa :
LẠC QUAN
Trông vào nồi, cơm hết.
May còn miếng cháy ròn
Ăn với cá kho mặn,
Ngon !
MỪNG KHỎI BỆNH
Tay tôi mụn ghẻ đầy
May sao gặp thuốc hay
Bôi được một tuần lễ
Khỏi ngay !
" Chắc ông Công Luận phục hai bài thơ này lắm, vì theo ý ông tôi đã tránh được những tiếng cao nhã (mots nobles) mà toàn dùng cái giọng thông thường (langage vulgaire) đi thẳng một hơi trôi chảy vô cùng " (P.H. số 31).
Tứ Ly chế diễu Tản Đà
Sang số 34, 17-2-1933, Tứ Ly lại diễu Tản Đà trở lại : " Ông Hiếu với thầy Nhan Hồi. Trước kia Tứ Ly ví ông Hiếu với anh Tề Ngã. Nhưng nghĩ cho kỹ, có lẽ ông Hiếu giống thầy Nhan Hồi. Thầy Nhan Hồi đeo bầu, ông Hiếu cũng đeo bầu. Bầu Thầy Nhan Hồi đựng nước. Bầu ông Hiếu cũng đựng nước. Nước trong bầu Thầy Nhan Hồi không có men. Nước ông Hiếu lại có men. Cũng vì thế, ông Hiếu giống thầy Nhan ".
Nếu Tứ Ly viết văn xuôi nhạo Tản Đà thì Vân Dương làm thơ, mà là thơ mới chửi xỏ Tản Đà, tuy không có gọi tên tuổi Tản Đà :
" Ngày xuân ngồi ngắm hoa thuỷ tiên
Lòng thơ bỗng thấy sôi nổi lên
Bắt chước thi nhân ngồi bóp trán
Cố vịnh một bài " đứng ngoài hiên ".
Ngoài hiên đứng chờ người bạn quen
Chờ mãi khống thấy dạ ưu phiền
Mây bay, gió thổi, lá bàng rụng
Thi nhân bất nguyện càng buồn thêm
Không thấy bạn quen, ôi ! một thú
Thà vào trong nhà đắp chăn ngủ
Nghĩ vậy vừa toan quay lưng vào
Bỗng thấy một người nắm cái hũ,
Người đó ung dung đi lại gần
Cất giọng lè nhè " Kìa Dương quân,
Ngày tết sao không say tuý luý
Tội gì đứng đấy, rét cực thân ".
Chưa kịp trả lời, khách lại nói :
" Người trần ai cũng có tội lỗi
Nên ngày hăm ba cúng ông Táo
Để ngài lập bô cho ít tội.
Chẳng biết ông có cúng gì không ?
Riêng tôi chẳng dám để ngài giận
Một cái tầu bay, nghìn tờ công,
Gọi chút " vi thiềng " dâng ngài nhận
Thế giới có lắm sự khốn nạn
Tôi đều liệt vào tờ cáo trạng
Đốt, nhờ ông Táo đem lên trời
Để Đức Ngọc Hoàng coi, xét đoán
Này, đứa ngông cuồng, ưa theo mới
Đứa đem quốc tuý, riễu trên báo
Bọn gái đua nhau, mở, lập hội
Tôi đều liệt vào trong tờ cáo
Phải chăng lời tôi nói là đúng
Bác có cùng tôi cùng một bụng
Thôi, nói lâu rồi, tôi xin về,
Về nhà còn phải sửa cỗ cúng... "
Khách khom lưng chào, ung dung đi,
Tôi nhịn không được, bật cười khì
Khách ngoái cổ lại, trợn mắt quát :
-Ô hay Bác này giống người gì ! "
Tứ Ly chế thơ cũ trong vở kịch " Tuồng cổ Tân thời "
Chẳng những viết văn xuôi chửi Tản Đà, làm thơ diễu Tản Đà, Phong Hoá còn soạn kịch bêu xấu thi sĩ Núi Tản Sông Đà. Tứ Ly soạn vở tuồng lấy tên là " Tuồng cổ tân thời " đăng liên tiếp trên năm số Phong Hoá, tức các số 38 (17-3-1933), số 39 (26-3-1933), số 40 (31-3-19363), số 41 (7-4-1933), số 42 (14-4-1933).
Trong vở " Tuồng cổ tân thời " này, các nhà văn nhà thơ cũ được trình bày như là tập họp nhau uống máu ăn thề lập sào huyệt để đánh cướp và thanh toán bọn Phong Hoá Tự Lực Văn Đoàn. Chủ trại là Hoàng Tăng Bí, tham mưu là Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Văn Vĩnh, lâu la là các ông Nguyễn Tiến Lãng, Dương Bá Trạc, Nguyễn Công Tiễu, Trịng Đình Rư, Lê Công Đắc vv... Còn bên địch là cả tụi Phong Hoá, nhất là Tứ Ly, Việt Sinh, Nhất Linh, Nhát dao cạo... Cuộc tranh hùng được trình bầy cực gay cấn, sôi nổi, tàn nhẫn nhưng cũng cực là trò hề, buồn cười, tố cáo cái ngây ngô, nhiều khi ngu xuẩn của phe cũ.
Cuộc giao phong của phe cũ tuy nói thì hăng lắm mà vào việc chưa gì đã mỗi anh chạy tháo thân, kết cục bị Phong Hoá đánh tan tành. Sự tan tành của đảng bí mật trong Tuồng cổ tân thời là sự tan tành của lớp văn sĩ, thi sĩ cũ trước sức đi lên của bọn văn sĩ thi sĩ mới vậy. Thực thế, Tứ Ly đã đặt vào miệng của các nhân vật cũ những lời lẽ ngây ngô, và để vào người họ những cử động điên khùng, khiếp nhược. Tôi chỉ trích cho các bạn nghe một vài đoạn Tứ Ly đặt vào miệng Tản Đà, vị tướng soái của làng thơ cũ. Đây Tản Đà hét nhạc :
" Tản Đà thi sĩ, Khắc Hiếu nãi danh, làm tham mưu lạm dự chút quyền, chỉ một việc rượu chàn quí tị, thơ sẵn có khối tình bé tí, văn thời nào mộng lớn, mộng con, rượu càng say ngâm giọng càng ròn, tiếng ngông đã vang trời dậy đất.
" Ngâm :
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười
" TÁN : Rứa mà chừ, có tin chủ trại triệu đến trướng tiền việc dữ lành chưa rõ căn nguyên, mau tới đó cho tường hắc bạch.
" Cười nói : Kha kha ! hay chủ trại nhớ tên lính cũ, phố hàng Bông bán đủ hạng văn, mà bây giờ cho uống cho ăn, để cho được say lăn lóc (Tham mưu Hiếu cầm hũ ra).
. . . . . . . . . . . .
" Hữu tham mưu Hiếu rót rượu uống.
" TÁN : Say chuyếnh choáng non xanh còn chẳng thấy, thời mưu cao kế diệt biết đâu tìm, hay bây giờ bọn ta hoá ra chim, theo giấc mộng bay về nơi tiên cảnh, hay bây giờ ta đem rượu cúc rủ quân thù đặng chén say sưa, bao giờ cho say đứ say đừ, khi ấy sẽ ra tay trừ khứ !
" (Nói đến đây, hữu tham mưu tuý luý, gục xuống bàn không còn biết gì nữa) (Hồi thứ thứ nhất số 38 17-3-1933).
Sang đến hồi thứ hai (Phong Hoá số 40, 31-3-1933), Tứ Ly cho Tản Đà ra nghênh chiến với bọn Phong Hoá :" Trong thành Phong Hoá vẫn có tiếng cười đáp lại : Ha ha ! (Tả tham mưu Hiếu a bạch :- Thét -) : Bớ a !
" Phong Hoá ! Phong Hoá ! Bọn ngươi thực là láo quá, ta đây còn chẳng xá kể chi, ta say sưa nào có hại cái gì, mà chẳng để tuỳ ta sở thích. Ta đây giống Lưu Linh thủa trước, đích thực là Lý Bạch đời nay, trừ bọn mi, ta quyết ra tay, đem thành quách thu vào trong hũ.
" (Hát khách) :
Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh
(Tham mưu Hiếu mở hũ ra say lảo đảo)
" TÁN : Cái thành, cái quách nó ngả, nó...với giềng, hỡi đồ mách qué.
" NGÂM :
Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ru ? " (Hồi thứ hai).
Cũng lại Tứ Ly trong mục " Từ nhỏ đến lớn " (P.H. số 56, 21-7-1933), đã lấy số tử vi cho nhà thơ Tản Đà một cách rất ư là " xỏ lá " nói theo tiếng Phan Khôi :
" Số ông Nguyễn Khắc Hiếu
" Lấy văn chương mà suy xét thì ông ấm Hiếu đáng lẽ cũng được văn khúc, văn xương như ông cử Trạc, nhưng xét đến đường công danh thì không có thể được : hoặc giả văn xương phùng hình cho nên lao lực linh đinh, chịu làm ông ấm suốt đời chăng ? Nếu thế thì di hận biết thủa nào nguôi.
" Nhưng ông được sao tham lang thủ mệnh, nên lòng hận của ông không lâu. Vì có câu rằng :
" Tham lam tính bẩm thung dung,
Say miền gái đẹp rượu nồng mùi ngon.
" Gái đẹp thì không có, hay có cũng không được biết, chứ rượu nồng thì hẳn ông không còn chối vào đâu được !
" Nhưng thế cũng chưa đủ : ông còn là người cả lo, ông lại còn là một nhà thi sĩ. Nếu vậy thì mệnh ông còn phải có các sao bạch hổ, tang môn quan phù điếu khách, hoặc chính vị hoặc phụ chiếu. Vì rằng :
" Hổ tang chẳng việc mà lo.
" Quan phù điếu khách hay phô rộng nhời.
Rồi cũng nơi Phong Hoá số 56, 21-7-1933, Tú Mỡ đã làm bài văn tế viếng báo An Nam tạp chí của Tản Đà vừa chết một cách, theo tiếng nói của Phan Khôi, vừa xỏ lá vừa ba que.
Đây các bạn thử đọc bài văn tế đó. Thật là tàn tệ.
" Ngày 12 tháng năm dư năm Quý dậu :
" Ngu hữu là Phong Hoá tuần báo đứng trước linh vị An Nam tạp chí, hậm hực mà than rằng :
- Đỉnh non Tản mây đen mù mịt, quấn băng tang lặng lẽ âu sầu (1),
- Giải sông Đà nước xám lờ đờ, cuộn giòng lệ rền rĩ buồn bã (2).
- Than như không mà khóc cũng như không,
- Im cũng giở mà nói ra cũng giở.
- Nhớ bạn xưa :
- Giấy trắng mực đen,
- Nhà không tiếng cả,
- Dượng tiểu nghiệp văn chương đất Bắc, kế sinh nhai khen đã cố công thay !
- Lấy đại danh tạp chí nước Nam, tuyên chủ nghĩa thực đà to truyện quá !
- Duy trì đạo đức, dương Đông kích Tây.
- Bồi bổ văn minh, dung Âu, hợp Á.
" Nhồi độc giả năm pho kinh cổ, nhai lại chi, hồ, giả, dã, rõ cơ quan tiến thủ giật lùi,
" Ru quốc dân hay hũ thơ sầu, mơ màng tiên, cuội, trời, răng, khiến niên thiếu liên miên bả lả.
" Ố kim Nệ cổ, đã từng phen nắm đuôi ngựa Phan Khôi. Ghét cợt, chê cười, còn nhớ trận vuốt râu hùm Phong Hoá.
" Dằng dai như đỉa đói, chết đi sống lại bao lần,
" Siêu bạt tựa vịt trời, nay đó mai đây mấy thủa.
" Hơn bẩy, tám năm lăn lóc, khi Hà-thành, khi Nam-định ngoẻm trăm ấy, veo nghìn khác, than ôi, thua vẫn hoàn thua ;
" Non ba mươi tháng vật vờ, hết Hàng lọng đến Hàng khoai, thay dạng nọ, đổi hình kia, ngán nỗi khá không thấy khá.
" Vẻ vang thay nghìn rưởi số in,
" Hân hạnh lắm được một trăm độc giả.
" Cứ tưởng tạm ngơi ít bữa, lấy đà dưỡng sức, cho qua thời kinh tế lung lay.
" Nào hay đánh giấc nghìn thu, bặt tiếng im hơi, chẳng thoát nạn lý tài trắc trở.
" Hay là ngán trần tục, viết văn không kẻ hiểu, luống uổng công phu.
" Cho nên thăng thiên đường, tái bản để Trời xem cho cao phẩm giá.
" Than ôi !
" Cùng làng ngôn luận, tân cựu đôi đường,
Nửa kiếp kinh doanh, âm dương hai ngả,
Bâng khuâng luống xót xa lòng,
Tưởng nhớ thêm ngao ngán dạ,
Vừa độ nào ta đây bạn đó, điều phải chăng còn rũa bút luận bàn,
Mà bây giờ kẻ khuất người còn, thơ chua chát biết cùng ai xướng hoạ.
Thôi ! chẳng may mỏng phận ngắn đời,
Song nay đã yên mồ đẹp mả.
Ngu hữu gọi là lễ mọn vi thiềng :
Rượu lậu một bầu, trứng tươi hai quả ;
Mực nướng vài con, sò huyết một tá,
Bạn có khôn thiêng,
Xin về chứng quả.
Thượng hưởng.
TÚ MỠ
Tứ Ly chế thơ cũ trong hài kịch " Hội nghị Văn học "
Trong một hài kịch, một hồi một cảnh, tiêu đề là " Hội Nghị văn học ", diễn viên gồm có các ông Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Phạm Lê Bổng, Phan Khôi, Nguyễn Công Tiểu, Lê Dư, Tùng Vân, tay hài hước Tứ Ly lại một lần nữa đưa các nhà học giả ra làm trò cười. Mà nhân vật được chọn làm hề số một vẫn là vị nguyên soái của làng thơ cũ, thi sĩ Tản Đà :
" Ông Nguyễn Khắc Hiếu (ngồi một xó, mặt đỏ gay, từ nẫy, chốc lát lại thò tay vào bọc lấy bầu hồ lô ra nốc, loạng choạng đứng dậy) :Thưa các ngài, Viện ta là Hàn lâm viện về...(giọng rượu) văn chương, không phải về khoa học, ông tú Khôi lý luận xằng xì ! (lau trán). Văn chương là...là... (lưỡi líu dần) mâm gỏi...là...rượu. Cổ nhân có câu " hoả nhập thi xuất ", tưởng anh em ta nên uống rượu cho nhiều, rồi làm việc mới có ích cho nước.
" Nhát dao cạo : Cho rượu...
" Ông Hiếu :-..Tôi nói gì rồi nhỉ...(cố nghĩ) À phải...nên nhắm rượu...(rút hũ rượu ra) mời các ngài, văn chương là... thịt chim (say quá ông ngã gục xuống hũ rượu ngủ...) "
Như vậy, các bạn thấy, buổi đầu này, Phong Hoá xem ra chưa bày tỏ lập trường minh bạch về thơ mới, thơ cũ mà thường chỉ làm hai công việc : một là đem ra chế diễu các nhà thơ cũ, nhất là vị lãnh tụ thơ cũ là Tản Đà được mô tả như là anh chàng hề điên điên khùng khùng ; hai là trịnh trọng cho đăng vào chỗ đích đáng trên hầu hết các số báo những bài thơ mới của Tú Mỡ, của Thế Lữ, của Nhất Linh, của Tứ Ly, của Huy Thông vv...
Nhưng vào khoảng cuối năm 1933 sang đầu năm 1934, thì Phong Hoá đi hẳn vào con đường bênh vực, biện hộ cho thơ mới, phê bình ca ngợi thơ mới. Nhị Linh trên Phong Hoá số 67 (6-10-1933) đã lên tiếng chống báo Văn Học tạp chí để bênh thơ mới trong bài điểm báo :
" Một cuốn tạp chí văn học ngoài Bắc nơi nổi tiếng là đất văn vật - mà luôn mấy kỳ nay toàn rút bài của báo khác làm xã thuyết, thì cái giá trị của báo ấy cũng đáng ngờ lắm. Dẫu sao Văn Học tạp chí đã lấy những ý tưởng của báo khác làm ý tưởng của mình, chịu những ý tưởng ấy là đúng, là hay mà nêu lên trang đầu thì ta cũng cứ bình phẩm bài xã thuyết kia như là của Văn Học tạp chí.
" Tác giả TR, GI bắt đầu :
" Thường thường các tay thợ thơ ta bây giờ hay có cái khẩu khí : thơ cốt sao tứ cho cao, lời cho mạnh là được rồi, chứ hơi nào mà ngồi đẽo từng chữ. "
" Biết bao ý tưởng mâu thuẫn trong một câu nhập đề.
" 1. Dù ở Tây phương hay ở Đông phương, trong làng thơ bao giờ cũng có hai hạng : một hạng là thi sĩ (poète), hai là thợ thơ (versificateur). Các thi sĩ thì trước hết cốt tứ cho cao, lời mạnh rồi mới nghĩ tới văn thể. Còn hạng thợ thơ thời chỉ hì hục ngồi gọt đẽo đục, chạm từng câu, từng chữ như người thợ mộc hay người thợ khắc đục chạm gỗ...
" 2. Người đẽo từng chữ là công việc một thi gia tầm thường. Đây có lẽ tác giả muốn nói cân nhắc cẩn thận từng chữ. Song muốn có lời mạnh mà không chịu lựa từng chữ đích đáng thì mạnh sao được . Muốn tả một sự hùng vĩ mà không chọn những chữ có ý nghĩa, có âm điệu hùng vĩ thì tả sao nổi.
" Ta coi đó đủ biết tác giả viết chỉ để viết chứ không có nghĩ ngợi gì. "
Nhất Linh công kích thơ cũ
Cũng Nhất Linh, tức Nhị Linh, nơi Phong Hoá số 69, 20-10-1933, đã đi xa hơn bài công kích trên đây mà làm công việc so sánh thơ mới với thơ cũ : thơ cũ chỉ cần chọn tiếng, chọn chữ cho thật đối, đọc cho kêu, còn thơ mới cần chọn chữ cho hợp ý. Nhất Linh cho rằng xét chung, về điểm này, thơ mới hơn hẳn thơ cũ. Ông viết bài " Sự cân nhắc chữ trong thơ cũ và thơ mới ".
" Trong mục " Cuộc điểm báo " số Trung Thu, Nhị Linh có nói đến bài xã thuyết của Văn Học tạp chí, mục đích chỉ để công kích bọn thi sĩ mới, cho bọn này có tứ cao lời mạnh, nhưng không biết cân nhắc chữ dùng.
" Văn Học tạp chí, một tờ báo văn học mà như không muốn khuyến khích các trào lưu mới về văn học, vì chân thành thủ cựu hay vì không có tài theo kịp bọn mới, nên mới tìm cách dìm bọn này đi. Có biết đâu là làm như thế mà tự mình dìm mình.
" Đây tôi không muốn bàn xem thơ cũ hay thơ mới hơn, nên làm thơ cũ hay nên làm thơ mới.
" Tôi chỉ xin nói ngược lại ông TR, GI ở Văn Học : các nhà làm thơ mới cũng chọn chữ như các nhà làm thơ cũ. Nhà làm thơ cũ cân nhắc từng chữ, cốt ý để câu văn được chỉnh, đọc lên nghe cho kêu, có những chữ đối chọi một cách thần tình, khéo léo.
" Nhà làm thơ mới cân nhắc từng chữ để đo đắn xem chữ nào diễn được cái cảm của mình, tả được cái ý của mình đúng hơn hết,xem phải cần đến chữ nào, câu thơ mới có cái điệu khả dĩ diễn được sự rung động của linh hồn mình một cách rõ rệt hơn.
" Đó, hai bên cùng chọn chữ cả : khác nhau chỉ ở mục đích của sự kén chọn ấy.
" Xin lấy mấy câu thơ cũ nổi tiếng là những câu tuyệt tác làm thí dụ :
Hai bàn tay trắng làm nên thế,
Một tấm lòng son ở với đời,
. . . . . . . . . . .
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
" Cái hay của mấy câu thơ cũ này không phải ở ý nghĩa mà ở những chữ : hai một, trắng son, thế đời, nhớ thương, nước nhà, lòng miệng, cái con, quốc gia đối với nhau chan chát, hay ở chữ quốc (là con cuốc) vận lên chữ nước ; chữ gia (con gia gia) vận lên với chữ nhà mà chữ nhà lại đối rất chỉnh với chữ nước. Kể về cách xếp chữ thì thật là một công trình tuyệt sảo. Nhưng tiếc thay vì quá thiên về cách xếp cho tài tình nên quên mất cái hồn của câu thơ.
" Trái lại nếu lấy câu thơ mới như :
" Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan... ;
. . . . . .
Mau ! bay, trèo mau ! đừng lần nữa !
Phải cao, cao nữa, xa, xa nữa...
. . . . . . . . . . . . .
Ái ân, bờ cỏ ôm chân trúc...
. . . . . . .
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô...,
. . . . . . . . .
...Như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may
" Ta sẽ thấy nhà làm thơ mới chọn chữ một cách khác hẳn.
" Chữ vàng không cần phải đối với chữ bạc, mà cốt tả cho thật đúng cái mầu của một đêm trăng trong rừng. Những chữ ái ân, ôm, để tả sự dịu dàng sự âu yếm của cỏ cây, những chữ hắt hiu, hơi gió heo may phần nhiều bắt đầu bằng chữ h để tả đúng được tiếng sáo.
" Vẫn biết rằng trong thơ cũ cũng có chữ dùng đúng chỗ, diễn đúng ý, và trong thơ mới cũng nhiều câu chỉ kêu mà không có hồn, song nói về toàn thể, thì khác nhau như trên.
Một bên chỉ cốt cân nhắc để tìm những chữ nào đối chọi nhau, cho ý là phụ, một bên cố cân nhắc để tìm những chữ nào hợp điệu thơ, diễn đúng ý. "
Nguyễn Tường Bách công kích thơ cũ
Cũng như Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách, trong bài " Thơ mới " (P.H. số 97, 11-5-1934) tuy có công kích một ít thơ mới lố lăng, thơ thẩn, nhưng đã cực tán thơ mới, cho thơ mới chẳng những không lo bị tiêu ma, trái lại đã xây dựng được cơ sở rất vững chắc mà còn cho thơ mới về hầu hết các phương diện đã hơn hẳn thơ cũ : thành thực hơn, mạnh mẽ hơn, hợp tình hợp cảnh hơn :
" Thơ mới đã bị nhiều người công kích, cho là chỉ mới ở ngoài vỏ, còn bề trong vẫn cũ rích, và khó đọc khó nhớ vì không có âm điệu âm luật gì cả.
" Lẽ tự nhiên là trong bao nhiêu bài thơ mới thế nào cũng có bài chỉ nhặt nhạnh những ý tưởng sáo nhét vào một hình thể mới. Nhưng đấy chỉ là một số ít. Ta có thể mang nhiều bài ra làm chứng rằng thơ mới bây giờ đã xứng đáng với tên gọi.
" Thơ cũ chưa bao giờ tả được như thơ mới,những cảnh vui buồn, âm thầm hay lộng lẫy, những nỗi yêu thương, nhớ tiếc hay lo sợ, những tính tình trong lòng người, cao hơn nữa, những sự huyền bí nhiệm mầu của đời người và của vũ trụ. Những bài thơ của ông Thế Lữ, đã tỏ ra rằng thơ mới đã vượt qua những khuôn sáo chật hẹp của thi văn cũ mà đi vào một con đường khác rộng rãi, tốt đẹp hơn nhiều.
" Nhưng thơ mới bị công kích nhất là về phần hình thức. Vì nhiều người làm thơ không biết đặt câu cho có điệu, thành ra bài thơ chỉ là những câu nói thường có vần thơ. Như thế, không thể gọi là thơ được. Ta thử nghe mấy câu sau này :
(Trích trong Nhật Tân)
Như những hạt lệ của người bạn lẻ loi,
Khóc chồng trong lúc đêm khuya lòng sôi
(Trong Bạn Trẻ)
...Anh khen cái nhăn mặt của Tây Thi
Anh quên cơn cau mày của gái quê
Anh để ông dật khách là cao phẩm
Anh quên bác thợ cày bùn lấm...
(Trong Phụ Nữ Thời Đàm)
...Vừa rao vừa lạy mãi mới có người mua
Tiền chưa kịp trả xe chạy vù...
" Đọc lên nó lủng củng, chúc chắc, lại có vẻ ngớ ngẩn, tuy rằng ý tưởng cũng mới.
" Thơ mới hay thơ cũ cũng cần phải có điệu, chỉ khác là làm thơ mới phải tìm lấy điệu chứ không theo khuôn mẫu sẵn. Như thế tìm được điệu cũng khó, nhất là khi dùng câu không có hạn chữ.
" Dùng những câu tám hay chín chữ để đặt điệu hơn cả, tuỳ ý mình muốn dùng vần liền (rimes plates) hay vần cách (rimes croisées). Trong một câu lại phải biết đặt những chỗ nghỉ (coupes, césures) cho điệu lên xuống.
Mấy câu thơ của Thế Lữ để làm mẫu :
VẦN LIỀN :
Trời xanh dịu, sợi mây hồng vơ vẩn
Trên bờ sông, cô em đương thơ thẩn
Đứng lặng nhìn, mặt nước chiếc thuyền trôi.
Với ánh chiều thu, bầm tím chân trời.
. . . . . . . . . . . . . .
Chính vì, hồn thu vi vút ban chiều
Đã nhắc cho cô, thấy lòng cô yêu
VẦN CÁCH (BÀI HOÀI XUÂN) :
Tiếng ve ran, trong bóng cây râm mát
Giọng chim khuyên, ca ánh sáng mặt trời
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt
Mùa Xuân còn, hết ? Khách đa tình ơi !
Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may.
" Đọc những câu thơ trên đủ biết rằng thơ mới đã có điệu cũng ngâm được, du dương, êm ái không khác gì thơ cũ. Mà âm điệu lại có thể thay đổi theo những cảnh, những tính tình êm đềm hay dữ dội trong bài thơ. Trong bài " Con Hổ " của Thế Lữ có những câu rất mạnh mẽ :
... Ta sống mãi trong tình thương, nỗi nhớ,
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa,
Ta bước chân lên giõng dạc, đường hoàng !
. . . . . . . . . . . .
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
" Những ý tưởng ấy, nếu diễn ra bằng thể thất ngôn hay là lục bát sẽ thấy yếu ớt ngay.
" Hai bài thơ cũ chỉ khác nhau về ý tưởng, nhưng bài thơ mới vừa khác nhau ở tinh thần lại vừa ở hình thức nữa.
" Người ta đã có thể làm một bài " thơ mới " nhưng ý tưởng cũ hay một bài " thơ cũ ", nhưng ý tưởng mới (xem bài : Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Tiếng sáo Thiên thai của Thế Lữ ) :
" Tuy theo luật thơ cũ, nhưng chỗ nghỉ và chỗ xuống câu khác hẳn trong thơ cũ :
Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Đẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng muôn hình sắc
Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa.
. . . . . . . . . .
Trời cao xanh ngắt ! Ơ kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai .
" Nhưng hay hơn cả là đạt diễn những tư tưởng mới vào một hình thể mới.
" Thơ mới chắc sẽ đưa văn nghệ nước ta trên con đường tương lai rực rỡ, vì hiện nay đã sản xuất được nhiều tác phẩm có giá trị ! "
Tứ Ly tính sổ văn học để ca ngợi thơ mới
Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn đã là theo mới, mới trăm phần trăm, thì dĩ nhiên Phong Hoá phải ủng hộ thơ mới triệt để và phải coi đó là một bổn phận nữa là khác. Thực vậy, Phong Hoá đã tranh đấu cho Thơ Mới và sau hơn hai năm tranh đấu cho thơ mới, Phong Hoá đã tự kể công lao mình. Đây lời Tứ Ly tính sổ văn học năm 1934 đã có mấy lời về thơ mới như sau, đăng Phong Hoá số 134, 30-1-1935, nơi bài " Thơ mới và quần áo mới ".
" Về phương diện văn chương và mỹ thuật, thì trong năm vừa qua, Phong Hoá gây nên hai phong trào mới : phong trào kiểu áo mới và phong trào thơ mới.
" Thơ mới bắt đầu có từ bài " Tình già " của ông Phan Khôi. Nhưng vì thiếu người bênh vực có can đảm, thiếu thi sĩ mới có kiên chí, nên độ ấy không ai ngó tới nó nữa. Đến nay, thơ mới nghiễm nhiên chiếm một địa vị quan trọng trong làng văn : thi sĩ làm thơ mới rất nhiều, tương lai của thơ mới rất là rực rỡ. Tuy vậy, các nhà thi sĩ lối xưa vẫn nhất định rằng chỉ có thơ làm theo lối xưa là thơ, còn mới không phải là thơ, tuy nó vẫn là thơ.
" Phong trào mặt áo tân thời cũng bồng bột lên như phong trào thơ mới. Kẻ công kích, người khuyến khích. Những áo tân thời kể cũng đã làm tốn mực, giấy cho các nhà văn. Dẫu sao, có thay đổi mới có tiến bộ. Mỹ thuật bắt họ phải ăn vận mỗi người mỗi khác, nhưng nền luân lý chặt chẽ của Tống nho lại bắt họ phải ăn vận giống nhau : để lệch một bên ngôi cũng đã là phạm một tội nặng, huống hồ lại đổi cả kiểu một cái quần ! Tội thật đáng đầy chung thân...Đến bây giờ chính những bà những cô lên giọng đạo đức ấy vội vàng đi cạo răng, đi may áo mới...Ý chừng họ lấy làm sung sướng được chung thân...chung thân với áo quần kiểu mới.
" Mong rằng sau hai thứ mới này còn có nhiều thứ khác cần phải mới mà năm trước chưa phải lúc có thể thực hiện được. "
Ngộ Không phê bình Nguyễn Văn Hanh
Đàng khác hình như từ trước tới nay Tự Lực Văn Đoàn có chửi thơ cũ, cũng chửi bâng quơ, chửi trống không vậy, chứ chưa có ra mặt bắt bẻ đích danh ai bằng những bài tranh luận. Nhưng từ đầu năm 1935, thì Tự Lực Văn Đoàn đã tiến thêm một bước. Ngộ Không đã ra mặt bắt bẻ Nguyễn Văn Hanh từng điểm một bài diễn thuyết mà ông này đọc ngày 9 tháng 1 năm 1935 tại hội quán S.A.M.I.P.I.C., Saigon.
Ông Nguyễn Văn Hanh đưa ra năm lý do để bảo thơ cũ hay hơn thơ mới. Trước khi vào việc bác bỏ năm cái lý của ông Hanh và đưa ra năm cái lý là thơ mới hay hơn thơ cũ , Tứ Ly đã dùng cái ngón châm biếm để vẽ ra một Nguyễn Văn hanh dốt đặc mà lại kênh kiệu muốn học làm sang. Các bạn nhận thấy tất cả sự cay cú của Tứ Ly nơi bài " Một cuộc diễn thuyết ở Saigon : Vấn đề Thơ Mới...và Thơ Cũ (P.H. số 135, 8-2-1935).
" Tối thứ tư, 9 janvier vừa rồi, tại hội quán S.A.M.I.P.I.C. đường Galliéni, ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết về thơ cũ và thơ mới bằng tiếng Nam, người ta tới đông lắm, vì hai năm nay mới lại có diễn thuyết bằng tiếng Nam. Thấy báo " Tân Văn " giới thiệu ông Hanh là một nhà giáo " có học vấn " và đã từng có " thịnh danh trong văn giới " nên Ngộ Không tất tả chạy tới S.A.M.I.P.I.C. thì thấy quả nhiên là ông Hanh " có học vấn " : ông tỏ cho bà con cái học vấn của ông bằng những tiếng Pháp chen luôn luôn vào bài diễn thuyết tiếng Nam, tuy rằng những tiếng Nam ông dùng, bà con đều hiểu cả.
" Nhưng ông không cần, cứ mỗi tiếng Nam ông lại dịch ra bằng một tiếng Pháp, ngộ nhỡ người Nam không ai hiểu tiếng Nam chăng. Chu đáo lắm vậy !
" Ông nói : "Một bài thơ là một cõi thế giới, " univers "... " thơ không nên coi là một món chơi phiếm " bagatelle "... " thuyết nghệ thuật vì nghệ thuật " l'art pour l'art "...trụy lạc ; " dégénéré "...những tay thợ " les artistes " (tuy artiste không phải là tay thợ, nhưng có hề gì cái đó)... " những cái hay ở ngoài và những cái hay ở trong, beauté extérieure et beauté intérieure "... " tiếng ta là tiếng độc âm, " monosyllabique " còn tiếng Pháp là tiếng liên âm, " polysyllabique ", chữ tây không có dấu, " accents "... " thơ ta không nên làm " enjambement " ... vân vân.
" Mỗi lúc ông đọc nhầm, ông vội chữa ngay bằng một tiếng " à, bạc đồng ! " rất cứng cỏi. Có lúc ông đọc một câu rất dài bằng tiếng Nam, rồi tiếp ngay một câu rất dài bằng tiếng Pháp :" c'est le langage... " làm cho ai nấy giật mình tưởng ông sẽ tiện mồm diễn phăng ngay bằng tiếng Pháp thời nguy to.
" Nhưng may sao ông hãm phanh kịp, nên ai nấy mới hoàn hồn. Ông bảo đó là câu văn của một thi sĩ người Anh. Nhưng ông đọc bằng tiếng Pháp ? giá ông đọc luôn bằng tiếng Ăng lê có phải càng tỏ cái học vấn của ông một cách hùng hồn không. Ông còn có chỗ hở, tuy rằng ông đã có " thịnh văn trong văn giới " theo lời báo Tân Văn...
" Chưa xét đến nội dung bài diễn văn, cứ nghe ông nói đã thấy vui tai, vì tiếng Pháp, tiếng Nam chen lẫn, thật là :" nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau ". Đến nỗi người ta có thể nói là ông Hanh diễn thuyết bằng tiếng Pháp, chen lẫn tiếng Nam cũng được.
" Người ta chỉ tiếc rằng có một vài chữ (rất hiếm) ông không dịch ra tiếng Pháp như chữ " tôi " chẳng hạn. Giá ông cứ dịch là " moa " có phải lý thú bao nhiêu :" Hôm nay moa nói chuyện về thơ với các toa, moa lấy làm bố cu hân hạnh honoré, vân vân et coetera ".
" ...Nhưng ông vẫn chê thơ mới. Lạ nhất là ông đọc mấy bài thơ cũ, thất ngôn, ông nhất định bảo đó là thơ mới, rồi ông nói :" Tôi không thấy mới ở chỗ nào ". Thế thì còn ai cãi được nữa. Ông lại có cái nhã nhặn đọc mấy câu thơ của cô Nguyễn Thị Kiêm, vừa đọc, vừa nhìn vào tận mặt cô Kiêm ngồi trước mặt ông, rồi ông cười một cách ranh mãnh mà hỏi cô Kiêm :" Thơ của cô như thế thì mới ở chỗ nào, mà hay ở chỗ nào ? ". Ông nghiễm nhiên đóng vai ông giáo " chuy " học trò của mình, ông lấy thế làm khoái trí lắm. Tuy vậy, ông còn chưa cho là nhã nhặn lắm, ông còn muốn nhã nhặn hơn nữa kia, ông nói một cách tinh quái :" Của cô dài lắm, đây là tôi bỏ đầu , bỏ đuôi, chỉ lấy quãng giữa thôi "...và " cô còn cứng đấy, tuy thơ của cô có chữ " xìu dégonflée ". Chắc hẳn tối hôm ấy, ông về ngủ ngon giấc lắm vì đã rất nhã nhặn với thính giả, và tự cho mình là hóm hỉnh hơn người, tuy cô Kiêm có cự cho ông mấy câu làm ông lúng túng một lúc lâu và chối bay chối biến :" Không, không, tôi có công kích cô đâu, tôi, tôi...tôi có mạt sát cô đâu ! "
" CÁI ĐINH VÀ... CÁI ROI "
" Nhưng lúng túng nhất là khi ông đánh rơi một cái đinh ! Vâng, ông đánh rơi một cái đinh, loay hoay mãi không tìm thấy. Thính giả cũng có mấy ông đứng dậy quanh co tìm hộ ông hồi lâu mà không thấy. Ông tìm đinh để đóng hai bức tranh lên bảng đen, hai bức tranh dùng để cắt nghĩa thế nào là loi de symétrie (A) và loi d'alternance (B) :

" Ông nhổ lên, cắm xuống trong nửa giờ đồng hồ không treo xong hai bức tranh, rồi ông lúng túng mãi với cái đinh đánh rơi.
Mất mười phút đồng hồ mới xong cuộc tìm đinh đóng tranh. Xong hai tay nắm chặt một cây gậy tre, ông chỉ lên hình A bảo đó là symétrie, lên hình B bảo đó là alternance. Ông kết luận hình B đẹp hơn hình A, vì ông có một người bạn " học mathématiques supérieures " bảo ông như vậy. Xem chừng thính giả không tin mấy, ông tức mình hỏi phăng ngay ông Hồ Văn Lái họa sĩ, ngồi ngay đó :" Ông Hồ Văn Lái là nhà mỹ thuật hẳn ông đồng ý với tôi rằng hình B đẹp hơn A ? " Ông Lái gật đầu thế là ông Hanh đắc chí lắm, vênh mặt lên nói với thính giả, rồi bỉu môi mà leo lên diễn đàn.
" Thính giả ngơ ngác nhìn nhau có ý hỏi : hai bức tranh đó có liên hệ gì với thơ ? hay có bao hàm ý nghĩa gì sâu xa ? Nhưng chẳng ai hiểu hết.
" Sau mới vỡ lẽ là ông định cắt nghĩa cái hay của luật Bằng Trắc của thơ Đường.
" Nếu bằng bằng bằng bằng bằng ...thì không hay, nếu trắc trắc trắc trắc trắc...cũng không hay phải BBTTTBB thì mới hay. À ra thế ! Chỉ có thế thôi mà ông phải cầm lăm lăm cái gậy tre ở tay gõ mãi lên bảng đen như nhà giáo dạy học, làm cho thính giả cứ tưởng mình là học trò, mà nơm nớp sợ cái roi vô tình của ông. Nhất là cô Kiêm. Biết đâu lúc cáu tiết, ông lại không nện cho vài roi, theo thói quen của nhà nghề.
" Cái roi của ông từ đấy không rời tay ông ra. Khi ông lên ghế ngồi, vẫn để cái roi trên bàn, và luôn tay mân mê đến nó một cách khoái lắm.
" Đồng hồ đánh mười tiếng mà ông không cho học trò ra chơi, à quên, ông không cho thính giả về ngủ !
Ông Hanh bênh thơ cũ một cách rõ rệt, tuy ông nói là " Không nghịch với thơ mới ". Cứ kể ông đã có công trình vất vả chép đầy hai cái bảng đen hai bên, nào những bài thơ cũ của Yên Đổ, nào những TTBBBTTB, BBTTTBB,BBTTBBT, TTBBTTB...
" Trước hết ông đậy kín bằng mấy tờ giấy nhật trình, sau mới long trọng bóc ra để giảng nghĩa cho thính giả, ông thích chí lắm, hình như đã cho chúng ta biết một cái kỳ quan.
" Tóm tắt đại ý của ông, ông cho thơ cũ là hay, vì có những đặt điểm sau này :
" 1.- Câu trước câu sau đối chọi nhau, đọc câu trên cố ý đợi chữ đối ở câu dưới, khi đọc đến chữ mình đương đợi thì sướng lắm. Cũng như trông thấy một cái tai, rồi lại trông thấy một cái tai nữa thì sướng lắm. Vả khi trông thấy một cái mũi, có lẽ nếu thấy một cái mũi thứ hai ở sau gáy thì chắc cũng sướng lắm. Chắc ông Hanh này thích cửa sổ giả (fausses fenêtres) như ông Pascal đã nói.
" 2.- Thơ cũ có những lối yết hậu, chiết hạ...mà thơ mới không thể có được. Những câu thơ tuyệt cú mà ông thích là :
" Ước gì ta được mà ta để...
" Ta để đem về để nữa ta... "
" Ông thích nhất là những chỗ có chấm lửng (...) hóm lắm !
" 3.- Thơ cũ có lề lối, có khuôn khổ. Còn thơ mới chẳng có lề lối, khuôn khổ gì cả thì hay làm sao được. Vậy con chim phải ở trong lồng mới đẹp, nếu bay lượn không trung thì còn có lề lối gì nữa, đẹp sao được.
" 4.- Thơ cũ theo luật bằng trắc, nên mới có âm hưởng nhịp nhàng, chứ thơ mới có theo luật nào đâu, ai muốn viết sao thì viết. Nói đến âm hưởng, ông đọc câu thơ của cụ Nguyễn Du :
" Tiếng mau rập rập như trời đổ mưa ". Cụ Nguyễn Du có nghe thấy cái âm hưởng của hai chữ " rập rập " cũng phải đến bực tức mà gắt :
" - Đọc láo đến thế thì thôi !
" 5.- Lẽ thứ năm ông yêu thơ cũ...vì...vì lẽ gì không biết. Ông liền hỏi thính giả :" Những bài thơ cũ còn sống đến giờ là vì lẽ gì ? Nếu không hay sao còn sống mãi đến tận bây giờ ? Rồi ông đứng dậy, không kịp để thính giả hỏi lại ông :" thế cái búi tóc của đàn ông nếu không hay ho, sao còn lủng lẳng mãi tới bây giờ trên đầu Lý Toét ? Vậy nó hay vì cái gì ?
" ÔNG HANH CŨNG LÀ THI SĨ "
" Không những ông là thi sĩ, mà ông lại là thi sĩ của phái thơ mới nữa mới kỳ. Nói đáng tội, ông có làm hai câu thơ mới thật, song làm để chế riễu thơ mới. Nhân công kích cái lối câu trên rớt xuống câu dưới (enjambement) ông liền đọc hai câu thơ của ông làm và viết sẵn trong bảng đen :
" Tôi đi đầu trần. Vì tôi không
" Biết trên đầu có ai "
" Rồi ông chế nhạo lối rớt chữ của thơ mới. Kỳ thực, ông không hiểu " enjambement " là gì cả. Và hai câu thơ của ông, ngớ ngẩn đã đành là ngớ ngẩn, mà chẳng chế riễu được ai hết. Nhất là ông thích rung đùi lúc ngâm thơ, nên ông lại càng là thi sĩ nữa. Ông có hứa sẽ nói tại sao khi ngâm thơ lại rung đùi, nhưng trước khi kết luận, ông tự hỏi :" Tại sao rung đùi ? " Rồi chính ông cũng không biết tại sao cả, nên ông lại thôi không cắt nghĩa cho ai biết nữa.
" CÁCH LẬP NGÔN CỦA ÔNG HANH "
" Ông chê thơ mới mà ông chỉ đọc những câu ngớ ngẩn của những thi sĩ lơ mơ. Mà ông bênh thơ cũ, ông lại đọc những câu thơ vô nghĩa của Thượng tân Thị, và đôi câu đối viếng ông toàn quyền Pasquier cũng của Thượng tân Thị. Thành thử ông cũng không che chở cho thơ cũ được tí nào.
" Một điều nhầm to của ông là ông tưởng lầm rằng người ta thích làm thơ, là vì không có lề lối bắt buộc, nên dễ làm. Ông khoái chí lắm, kêu lớn lên, làm ai nấy đương lim dim ngủ đều giật mình tỉnh dậy :" À, tôi biết rồi, làm thơ cũ có khuôn khổ, lề lối, nên khó, còn thơ mới không có lề lối dễ làm, nên họ thích làm thơ mới...
" NHƯNG ÔNG HANH LẠI LÀ TRI KỶ CỦA PHONG HOÁ "
" Và nhất là tri kỷ của Tú Mỡ và Lê Ta (Tất nhiên là ông không đội trời chung với Thế Lữ). Ông đọc đến tên báo Phong Hoá luôn, hân hạnh cho báo Phong Hoá lắm thay mà cũng ân hận cho Thế Lữ lắm thay vì ông thích văn của Lê Ta, đọc thơ của Tú Mỡ, chứ không hề nói đến Thế Lữ.
" Ông yêu Tú Mỡ, vì Tú Mỡ làm thơ...lối cũ, như bài " Văn sách bà nghị khuyên ông nghị ". Ông đọc trọn bài cho thính giả. Ông yêu Lê Ta vì...Lê Ta công kích thơ mới của Nguyễn Vỹ, ông đọc từng đoạn văn rất dài của Lê Ta, lấy làm yêu mến lắm. Nhưng ông yêu ông nhất, vì ông đã công kích thơ mới, lối thơ yêu của Phong Hoá.
" Thành thử đối với ông, P.H. không biết nên cám ơn hay nên trách. Cứ kể trong cuộc diễn thuyết này, ông nói đến P.H. rất nhiều và giới thiệu Tú Mỡ với thính giả, cũng là tri kỷ lắm vậy.
" CÒN CÔ KIÊM ? "
" Cô Nguyễn Thị Kiêm bất bình vì ông Hanh đã mạt sát cô, và đã trái ý cô về vấn đề " mới cũ ", nên cô đứng dậy nói với thính giả sẽ tiếp câu chuyện ấy bằng một bài diễn thuyết tối thứ tư sau (16-1) cũng ở S.A.M.I.P.I.C.
" Chắc hẳn tối hôm đó, ta sẽ được xem cô Kiêm mắng lại ông Hanh như ông Hanh đã mắng cô ngày hôm nay, chắc là kịch liệt lắm.
" Rồi ông Hanh lại diễn thuyết cốt để mắng lại cô Kiêm, rồi cứ như thế mãi cho đến ngày nào cả hai người hoá đá có lẽ cũng vẫn còn mắng nhau. "
Ngộ Không tường thuật cô Kiêm diễn thuyết bênh thơ mới
Sau khi thuật lại cuộc diễn thuyết của Nguyễn Văn Hanh công kích thơ mới và công kích đích danh cô Nguyễn Thị Kiêm, Phong Hoá có loan báo là cô Nguyễn Thị Kiêm sẽ có bài trả lời vào tuần sau. Cô Kiêm đã giữ lời hứa. Ta sẽ nói đến bài diễn thuyết của cô Kiêm khi nói đến Phụ Nữ tân văn với vấn đề thơ mới. Đây ta chỉ thuật lại bầu không khí rất hài hước của buổi nói truyện của cô Kiêm do Ngộ Không, đặc phái viên của Phong Hoá tường thuật. Theo lời Ngộ Không thuật như các bạn sẽ đọc sau dây, thì hôm cô Kiêm nói truyện, Nguyễn Văn Hanh đã huy động lâu la đến để yểm trợ ông ta hầu phá rối cuộc nói chuyện của cô Kiêm. Đây là một tài liệu rất đặc thù, nó tố cáo sự hăng say của hai phe cũ mới, coi như là một cuộc ganh đua canh bạc chứ không phải chỉ là một cuộc thảo luận về thơ là cái gì mông lung mơ mộng. Bài của Ngộ Không thật linh động và hài hước hết chỗ nói, nó cho ta thấy thương cô Kiêm, thương thơ mới và khinh ông Hanh làm trò " mất dậy " và mất cảm tình với thơ cũ.
" Đúng như tối hậu ngôn của cô Kiêm quả nhiên tối thứ tư 16-1, hội quán Samipic biến thành một chiến trường rất náo nhiệt, hay nói cho đúng hơn, diễn đàn ở Samipic hôm đó đã thành ra một lôi đài thí võ. Người đi nghe thì ít, người đi coi rất đông, mà người trợ chiến lại đông hơn hết. Chưa đến 9 giờ, trong gian phòng ẩm thấp dưới nhà hầm của hội Samipic đã đông chặt những người, không còn chỗ nào lách chân, mà những cái mũi của thính giả ngơ ngác không biết đặt đâu để thở được một chút không khí. Không khí trong hầm lúc đó nồng những hơi người và đầy những sát khí.
" Cuộc tranh đấu bắt đầu. Cô Kiêm, sau mấy lời giới thiệu của bác sĩ Trần Văn Đôn, lên diễn đàn. Cô đứng trước bàn trong 10 phút đồng hồ, mà chưa nói gì được.
" Ngay hàng ghế thứ nhất, ông Nguyễn Văn Hanh ngồi lăm le chỉ chực vọt lên diễn đàn tuy không phải là phiên ông diễn thuyết. Tay xách một cái cặp da, đựng những giấy má gì không biết, làm cho mấy người chưa trả xong tiền nhà, tiền điện, cứ giật mình thon thót. Mấy ông bạn ngồi cạnh ông và xun xoe khắp mấy góc phòng đều mắm môi mắm lợi, xắn tay áo, để cố ý trấn tĩnh và cũng để nạt cô Kiêm nữa.
" Cô Kiêm biết mình dại, không sớm đề phòng thuê một ít người...trợ lực... Nhưng đã chót lên đến thì thôi cũng phải nói qua loa cho xong truyện. Thành ra cô bênh vực thơ mới không được hùng hồn lắm, và công kích ông Hanh cũng rất là nhè nhẹ.
" Ngay bên cạnh chỗ tôi ngồi, có một ông to béo, ý chừng là phe đảng ông Hanh. Mỗi lần cô Kiêm đọc một câu thơ mới của Thế Lữ, hay của Tường Bách hay của một thi sĩ nào ở báo Phong Hoá, thì ông rún vai bỉu ra một cái môi rất dài và " ứ ừ " một tiếng dài gần bằng cái môi ấy. Tiếng ứ ừ của ông ta được những cái mồm đồng đảng họa theo làm cho cô Kiêm xịu hẳn nét mặt lại và ông Hanh thì nở phồng hai lỗ mũi vốn nó cũng không nhỏ gì cho lắm. Cái ông to béo, có lúc nóng nảy dạng hai cái đùi u những thịt ra, như người đứng tấn một bài võ tầu làm cho mình suýt nữa bắn xuống đất, vì...thiếu chỗ ngồi, tôi chỉ được ghé một mẩu ghế của ông và một mẩu ghế nữa của ông bạn nhỏ người. Cũng may ông ta chỉ đứng vậy thôi chứ không đi bài võ tầu nào, nên không đến nỗi thành án mạng.
" Cái không khí lúc bấy giờ không phải là không khí một phòng diễn thuyết mà rõ là không khí một đài thí võ. Trong khi cô Kiêm khua môi trên võ đàn, như nàng Sử Cẩm Bình (trong truyện Anh hùng náo) múa võ trên lôi đài, thì ở dưới bọn đi xem, phe đảng ông Hanh cũng xắn áo, xắn quần, mắm môi mắm lợi như chư anh hùng, phe đảng của Lý Quảng.
" Cái không khí ấy đè nén một cách nặng nề, mãi cho đến khi cô Kiêm nói xong. Cô vừa đứng dậy thì ông Hanh lấy hơi vọt lên ...lôi đài.
" Xưa nay ông giáo Hanh trước mặt học trò vẫn phải giữ dè lời nói, thì tội gì hôm đó được dịp nói nhảm lại không nói. Người ta phải tuỳ từng lúc mà lịch sự, chứ lúc nào cũng lịch sự, cũng nhã nhặn thì còn có nghĩa lý gì. Vì thế, nên ông Hanh hôm đó quyết trút hết những cái lịch sự, nhã nhặn để lộ hẳn chân tướng trên diễn đàn một lần nữa, để tỏ cho bà con biết rằng nếu con em ít giáo dục thì về sau ăn nói như vậy.
" Ông Hanh leo lên diễn đàn, hỏi thính giả :
-Anh em chị em có muốn cho tôi nói không ?
" Những tay trợ chiến của ông đều trả lời :
" Có, có
" Tức thì ông Hanh toét một cái miệng rất tình và rất rộng, cười mà trả lời cô Kiêm một cách đắc chí lắm. Ông gọi cô Kiêm là " Nữ thi sĩ " rồi ông quay lại thính giả cười một cách ranh mãnh...Những người trợ chiến lại vỗ tay và cười rất hùng hổ.
" Ông Hanh nói :" Tôi, Nguyễn Văn Hanh, cô, Nguyễn Thị Kiêm, hay là cô, Nguyễn Thị Kiêm, và tôi Nguyễn Văn Hanh lật lại theo lối tây... "Rồi ông ra hiệu cả hai tay, cười một cách khoái lắm. Trong đám thính giả, có bao nhiêu con nít láu lỉnh, đều cười rộ lên. Những người đang ngáp hay đang cãi nhau cũng giật mình quay lại rồi cười theo và vỗ tay theo.
" Ông Hanh nói tiếp :" Tôi với cô cùng đi trên một con đường tối tăm, mà cô không biết. Ông định nói : Ông không phản đối thơ mới và đồng ý với cô Kiêm. Nhưng ông có một lối nói bóng bẩy mà xuyên tạc làm vui lòng một số đông thính giả.
" Ông lại nói : Cô đẩy một cái cửa đã mở rồi " vous enfoncez une porte ouverte. Một số đông lại cười rộ vì họ tưởng rằng cô Kiêm đến đẩy cửa nhà ông Hanh. Nhưng ông Hanh chỉ định nói là cô Kiêm phản đối ông vô ích, vì ông có công kích thơ mới đâu. Phải, ông không công kích thơ mới ông chỉ chê thơ mới thôi. Nhưng ông không dám nói là :" Tôi, Nguyễn Văn Hanh chê thơ mới " ông chỉ chê thôi, mà ông không nói là chê. Nhưng ông Hanh lại được mãn nguyện quá sức mong, là vì không một mình cô Kiêm " mắc cỡ " mà tất cả bao nhiêu nữ thính giả đều mắc cỡ, vì những lời lẽ, những dáng điệu của ông. Thực là kết quả mỹ mãn không ngờ.
" Ông nói với cô Kiêm :" Cô bảo cô không xìu (dégonflée) thế là cô còn cứng, vậy tôi xin xìu trước ". Rồi ông lại toét miệng ra cười và lom khom bước xuống ghế ngồi.
" Thế là ông lại được hoan hô một lần nữa.
" Có mấy bà ngồi hàng ghế đầu nhấp nhỏm đứng dậy mắng cho ông mấy câu, nhưng thấy vây cánh ông lớn quá, và nhất là cái quả đấm của ông nắm chặt quá, nên lại ngậm ngùi mà ngồi im. Có một bà, trái hẳn lại, vỗ tay dữ hơn mọi người để khen ông Hanh ; mọi người trông lại thì bà...bà Nguyễn Văn Hanh.
" Bỗng một ông nữa vọt lên diễn đàn. Thôi nguy to rồi, cô Kiêm lại phải một phen run sợ. Nhưng may sao, ông này tuy đem một cái mũi rất lớn lên diễn đàn cũng không đáng sợ bằng ông Hanh. Ông ôn tồn nói một hồi, không ai hiểu ông nói gì, chỉ thấy ông quanh quẩn mắng hết ông Hanh, lại cự đến cô Kiêm cho là hai bên đều vô lý hết, rồi ông lại cự cả ông, vì ông cũng vô lý nốt.
" Ông Hanh ngứa tiết lại nhẩy lên lôi đài. Hai ông giở tài ngọn lưỡi trước mặt cô Kiêm, làm cho cô Kiêm hậm hực muốn khóc ; cô muốn chui xuống đất, nhưng hiềm đất rắn quá, cô lại muốn bay lên trời, thì cái hầm lại thấp quá. Cô Kiêm cầu cứu ông huyện Tri, nhưng ông huyện Tri không động đậy ; cô cầu cứu ông Phan Văn Hùm, nhưng vẫn thấy ông Phan Văn Hùm nét mặt thản nhiên, lạnh lùng làm cho cô cuống quít ở giữa cái mồm rộng của ông Hanh và cái mũi lớn của ông nọ.
" Ông đốc tờ Đôn lúc bấy giờ vẻ mặt hớn hở lắm. Ông chắc lẩm : thế nào chẳng có anh vỡ đầu, sát trán, dập sọ, gẫy xương. Nếu không cũng có một vài ba thính giả hoảng sợ mà ngất đi chăng.
" Nhưng bà con thấy quang cảnh nguy ngập, xô nhau mà chạy trốn làm cho người ngao ngán nhất là ông đốc tờ Đôn. "
Thạch Lam tường thuật cô Kiêm diễn thuyết bênh thơ mới
Cùng một buổi diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm mà Phong Hoá có tới bốn bài tường thuật. Sau bài tường thuật của Ngộ Không tôi còn kể thêm ba bài tường thuật của Thạch Lam, của Lê Ta và của Ngym. Tất cả chúng đều cho ta thấy thính giả say mê tới vấn đề, đến chen chúc nhau thừa sống thiếu chết. Đây mấy lời mở đầu bài tường thuật của Thạch Lam :
" Đến cuộc diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm ở quán hội K.T.T.Đ.
" Người đến nghe và đến xem chắc hẳn là đông lắm. Vì một cái lẽ rất giản dị, diễn giả là một người con gái. Một cô con gái diễn thuyết tất có nhiều cô con gái đến nghe, những cô tân thiếu nữ ở Hà thành, áo tha thướt và nhiều màu tóc mượt và đen nhánh.
" Người ta đến đây cũng như một cuộc vui chơi. Trong một sự hỗn độn, bao giờ cũng lắm cái bất ngờ, lắm cái may rủi.
" Buổi tối hôm ấy không một ai nghe rõ được câu gì. Người ta chỉ thấy cô Kiêm chốc chốc lại đưa khăn tay lên lau mồ hôi trên trán, thấy đôi môi mấp máy. Thành thử không phải như bà Lê Dư diễn thuyết cho bà ấy nghe ở hội Trí Tri. Cô Kiêm dẫu có muốn nghe lời mình nói cũng không nghe thấy gì ".
Lê Ta tường thuật cô Kiêm diễn thuyết bênh thơ mới
Và đây đến lượt Lê Ta tuờng thuật :
" Công chúng mỗi lúc một đông thêm. Tiếng ồn ào mỗi lúc một lớn. Trên kia cô Kiêm vẫn nói . Dưới này họ lục đục chen nhau, cãi nhau về chỗ ngồi. Một ông to béo luôn tay run người này ấn người kia để bênh vực cái đồng hồ đeo tay của ông.
" Giữa lúc mồ hôi dang đua nhau làm ướt áo mọi người, thì bỗng cái quạt điện bừng chạy.
" Một ông dẫm lên chân một cô ngồi cạnh để tỏ ý bất mãn, rồi đứng lên diễn thuyết với hai người đằng sau xô lên.
" Dần dần, cả những người ngồi đầu đều đứng lên, rồi muốn cho cao hơn, họ đứng cả lên ghế.
" Một vài ông cố sức mở một đường " huyết đạo " xông vào gần chỗ tôi, phàn nàn rằng mình vẫn mộ tiếng diễn thuyết mà không được nghe lấy một tiếng nào. Các ông đứng lau mồ hôi một lúc trèo mám lên một cái ghế nghiển cổ trông. Lúc thấy được mặt diễn giả các ông sung sướng chen ra tỏ ý mãn nguyện lắm.
" Cái nóng bức trong hội quán cùng với sự náo động cứ tăng mãi lên, đến lúc những cánh quạt vì lòng nguyện vọng nhiệt liệt của công chúng lại bắt đầu quay, mà trật tự vẫn không giữ được...Những người ở dưới muốn nghe rõ lần lượt rủ nhau lên gác muốn mát lại rủ nhau xuống. Cứ thế mãi không thôi ".
Nguym tường thuật cô Kiêm diễn thuyết bênh thơ mới
Sau cùng là lời thường thuật của một người ký tên là Ngym, chẳng biết là ai :
" Thính giả, cả hai giống, có đến bảy tám trăm đầu.
" Các bà các cô đến đông. Phần nhiều không được trắng như mọi khi, ý chừng nóng quá mồ hôi ra trôi cả phấn.
" Nhưng vì đến sau, phải đứng cả. Có độ hơn 400 ghế thì các ông râu mày ngồi mất đến ngoài ba trăm rưỡi ghế. Ông huyện Trị thân sinh ra cô Kiêm, đứng lên xin các ông râu mày nhường chỗ cho các bà quần thoa " íu đúi ". Cái gì chứ cái ấy thì cố nhiên là thính giả phái khỏe không chịu nghe viện lẽ rằng họ không lẳng (nếu tôi có thể dịch chữ " galant " là lẳng được).
" Muốn cho thính giả lẳng lặng mà nghe, các tổ chức viên dùng " suỵt ". Sau có người " chừng cũng thạo về khoa học ", nghĩ ra được một kế rất điệu là đi mượn cái chuông. Anh hàng kẹo hay anh hàng dầu nào cho mượn cái chuông ấy, chắc cũng được biệt đãi.
Lê Ta phê bình tập thơ " Những bông hoa trái mùa "
Sau đấy Lê Ta, nhân đọc một tập cũ " Những Bông Hoa trái mùa " của hai ông Tường Vân và Phi Vân làm ra để thách đố, đua vai với thơ mới. Lê Ta đã phân tích tập thơ của hai ông và trích những câu văn vừa sáo, vừa rỗng, vừa đạo văn, vừa ngây ngô để minh chứng thơ cũ mà các ông ca ngợi đã hết sinh khí rồi. Thực bài trả lời của Lê Ta là cay độc, khiến cho làng thơ cũ phải một phen bể mặt. Đây bài phê bình " Những Bông Hoa trái mùa " của Lê Ta (P.H. số 148, 10-5-1935).
" Sau khi góp sức chế tạo ra được ngót ba mươi trang thơ (Những bông hoa trái mùa) hai nhà văn Tường Vân và Phi Vân " một ngày tốt đẹp kia ", đem in thành sách. In sách để tỏ cho thiên hạ biết hai ông cũng có triết lý về cuộc đời, mà hai ông coi như một buổi hát :
Còn lạ lùng chi cái thói đời.
Trăm năm cũng một lớp tuồng thôi
(Cuộc Đời)
" Để trách trăng, trách gió, trách người bạn gái, khóc ý trung nhân và để than cái nỗi đời xoay chuyển mãi, " dặm liễu " đã mòn chân " ngựa ký " mà " đường mây " chưa thẳng cánh " chim đồng " cho nên " anh hùng " còn thẹn mặt trần ai, luống lo tưởng đến " nợ kiếm cung " ( !) chưa biết đến bao giờ trả được.
" Tác giả thực là người có tâm huyết, có khí khái, có tình cảm và có những giọng cụ đồ cổ bất đắc chí ngồi cạy ghét móng tay mà giận đời không biết đến mình.
" Bởi thế, cái mới là cái đáng thù, cả sự chân thực cũng vậy. Đứng trên núi cao trông cảnh giang sơn dưới ánh trăng vằng vặc, các ông ngẫm, các ông cảm động bằng đôi mắt và trái tim của bà Huyện Thanh Quan :
Tuế nguyệt thành xưa trơ lớp đá,
Tang thương ngõ cũ nhạt làm meo.
(Trên núi Thiên nhẫn)
" Các ông tả cái sắc đẹp của giai nhân trên thuyền bằng văn Cung oán :
Cá dưới nước ra chiều lảng bảng,
Hoa trên giòng ra dáng lênh đênh.
Hoa kia ngơ ngẩn với tình,
Cô kia ngơ ngẩn như hình ai nghe.
(Trên mặt hồ tây)
" Các ông phục cái khí phách của bà Triệu Ẩu bằng lời của một nhà làm thơ cũ, tôi quên mất tên, nhưng vẫn nhớ kỹ cái nghệ thuật giở hơi và kiểu cách :
Dãi nắng dầm mưa đôi má phấn,
Xông tên đột pháo một đầu voi
(Triệu Ẩu)
" Các ông khen âm điệu thơ cũ thánh thót âm thầm như tiếng đàn năm cung. Không ai cãi hai ông, nhưng tiếc rằng khi nghĩ đến đàn, các ông lại nghĩ đến tính tình của người khác, các ông lại xúc động bằng tâm hồn của người khác vì trong lòng các ông không có một thi cảm riêng nào.
" Thi sĩ Nguyễn Du tả tiếng đàn như thế này :
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời ;
Tiếng êm như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sậm sập như trời đổ mưa.
" Các ông liền lấy những ý trên lập lại. Các ông cũng viết :
Trong như tiếng hạc mới bay qua,
Đục tựa lưng vời nước suối pha,
Êm ái tiếng khoan như gió thoảng,
Tiếng mau sầm sập lại mưa sa.
" Cái tài của các ông là cái tài xào nấu lại những món ăn cũ. Các ông lấy lời văn, ý tưởng, tình cảm của người khác làm của mình. Trong văn thơ các ông đầy rẫy những cành tuyết, mai, thông, liễu, ở những chỗ sông Tân, vườn Thuý, chơi sông đêm trăng các ông bắt chước người ta nhớ câu thơ Xích bích, ngắm nước hồ Tây các ông cũng chỉ nghĩ đến cảnh Bắc quân xô xát với truyện con trâu vàng. Các ông đi sau cổ nhân để lượm nhặt những rơm rác ấy là " Những bông hoa trái mùa ".
" Các ông đem bó hoa không đáng gọi hoa kia dùng làm thứ khí giới để công kích lối thơ chân thực dồi dào, phóng khoáng mà người ta thường gọi là thơ mới.
" Là vì các ông không làm được thơ mới.
" Các ông không phải là người biết tìm cái đẹp mới mẻ, biết tả đúng tâm sự mình trước cảnh vật, cái cảm hứng của các ông không thể ra ngoài khuôn sáo, chỉ quanh quẩn ở những điển tích mà đã mấy nghìn lần người ta nhắc đến, nghe quen tai quá, chẳng khác gì những lời chúc tụng của bọn người hát " súc sắc súc sẻ " đầu năm.
" Các ông trách lối thơ bây giờ không theo niêm luật cũ, vì các ông không biết rằng thơ bao giờ cũng phải có luật. Không phải cái luật hẹp hòi hạn câu chọn chữ là một lối rất tiện cho những người khúm núm thi thố cái tiểu sảo của mình. Nhưng thơ phải có thứ luật cao siêu hơn, thiêng liêng hơn : mình biểu lộ cảm tưởng, tâm trạng mình một cách êm ái, tha thiết hay hùng tráng du dương theo cái bản lĩnh riêng mình, không bao giờ chịu theo tư tưởng, tình cảm của người khác. Như thế thì trái với thứ biệt tài của hai ông lắm, nên hai ông không bằng lòng.
" Các ông chỉ ưa và chỉ tìm được những lời văn hoa sẵn có để tra vào cái khuôn khổ sẵn có. Khi tiễn đưa, tất nhiên phải dùng đến những chữ : chuốc chén qua nhà với duổi dong dặm kỳ ; khi vinh hoa tất nhiên phải chắp nhặt những tiếng : sắc nước hương trời. Mà cuộc đời bao giờ cũng là một tấn tuồng cũng như lúc mặt trời về chiều, bao giờ cũng là ác, là chênh chếch, giọt sương dùng để chỉ nước mắt, là ngô vàng rụng để tả mùa thu. Các ông cũng không quên những chữ cảnh biếc, biển quế, bụi hồng, mắt xanh, không quên những câu :
Lơ thơ dăm cụm lục chen hồng,
Thượng uyển là đây có phải không ?
Hương ngự ( !) ngạt ngào đôi khóm cúc,
Nhạc thiều ( !) reo rắt mấy cành thông (trang 15)
" Để tả những cảnh...trong vườn bách thú ( !). Nghĩa là những câu thơ có thể tả được bất cứ cảnh vườn nào, mà tả cảnh vườn nào cũng rỗng, cũng sáo, cũng không có nghĩa lý chi hết.
" Ấy thế mà các ông đi công kích bọn làm thơ lối mới ; các ông lấy những giọng oanh liệt để mắng họ :
Lạy bác xin đừng nói đến thi,
Nghĩa thi chưa hiểu hãy im đi.
" Và gọi họ là bọn mù :
Chẳng khác anh mù lại nói mơ,
Chẳng qua một bọn dốt làm thơ...
" Vâng, họ dốt vô cùng, dốt vì không biết theo kinh điển, vì không biết nhai lại những lời cổ nhân mà các ông quý trọng, vì không biết để cho cái khuôn khổ buồn cười của thơ (bát cú) kìm kéo, thắt buộc tính tình, cảm hứng của họ.
" Vâng, họ dốt và mù lắm, họ không thể sáng như hai ông Tường Vân và Phi Vân được, mà như thế, theo ý tôi, thì thực là may cho quốc văn.
" Vì quốc văn cần phải tiến. Quốc văn không phải thứ trò chơi dí dỏm ở trong ấy có những luật lệ bày ra để một ít người thợ khéo chắp nhặt cái tiểu sảo nọ để ghép vào cái tiểu sảo kia. Thơ văn của ta bây giờ mới biết theo khuynh hướng mới cũng đã quá chậm rồi, không cần phải có những bọn văn sĩ như hai ông Tường Vân và Phi Vân với cô Bích Ngọc ngăn cản lại.
" Nói đến cô Bích Ngọc, người đề tựa cho quyển " Những bông hoa trái mùa " tôi lại tưởng tượng đến một bậc nữ lưu đoan trang, trầm mạc. Tôi còn tưởng tượng lên thêm một bực nữa, tuy không được vừa ý cô nhưng tôi cũng cứ mạn phép cô tôi nói : tôi tưởng tượng ra một bực nữ lang... bà già.
" Bởi vì những ý tưởng của cô cũng đã già như cái cây cổ thụ.
" Cô cũng đồng lòng với hai nhà thi sĩ của cô ham mến cái cổ, coi lối thơ luật cũ rích như những bông hoa thơm, cô lại viết một bài thơ tám câu, có ý cho chúng tôi thấy thí dụ. Cái cụm hoa thơm là bài thơ quý hoá ấy cũng có đủ những biền ngẫu : nhị vàng đi dôi với cành thắm, lòng bướm với kiếp hoa, dậu cúc với cành hồng, nghĩa là những chữ sáo đi đôi với những chữ sáo.
" Cô thực là người biết yêu trọng quốc hồn, quốc tuý. Nhất thiết cái gì là mới, là lạ, cô đều ghét cay, ghét đắng lấy lẽ rằng cái mới lạ ấy không phải là của nhà. Câu phong dao :
Ta về ta tắm ao ta,
" Có lẽ là câu châm ngôn của cô. Cô thiết tha khuyên người ta chê bỏ và tự mình chê bỏ " ao ngoài ", để về tắm " ao nhà " dù ao nhà ấy đầy những bùn, những vẩn.
" Tôi buồn rằng người " thục nữ " có duyên đến thế lại kém vệ sinh.


[ Trở Về ]


====

No comments: