Tuesday, November 18, 2008

TRẦN VĂN NAM

===

những dấu hiệu hiện đại hóa
của thơ hải ngoại
trần văn nam


Bài này là phần dẫn nhập tổng quát, sửa soạn cho từng phần trình bày chuyên sâu hơn về nhạc tính dễ nhận diện, từ ngữ dễ nhận diện, thể Thơ dễ nhận diện, mà bấy lâu, Thơ Hải Ngoại đã đóng góp.

Trước hết, ta cũng nên biết qua về từ ngữ chủ nghĩa hiện đại trong văn chương thế giới, để phân biệt với từ ngữ hiện đại hóa riêng cho văn chương Việt Nam, ở trong cũng như ở ngoài nước. Điểm qua vài cuốn sách nghiên cứu Văn Học ở trong nước. Như cuốn "Quá Trình Hiện Đại Hóa Văn Học Việt Nam - 1900 - 1945" (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin - Hà Nội 2000). Các ông Phan Cự Đệ Mã Giang Lân đã nghiên cứu riêng về Thơ. Nét hiện đại hóa trong Thơ Thời kỳ 1900 - 1945 là Thơ Mới, đó là sự tổng hợp ảnh hưởng của Thơ Đường; ảnh hưởng của Thơ Pháp Thời Lãng Mạn, Tượng Trưng; nhào nhuyễn với truyền thống dân tộc. Đây là một ví dụ cụ thể về sự nhào nhuyễn đó: "Trong Thơ Lưu Trọng Lư có một tiếng gà rất Việt Nam. Trong Thơ Đường tiếng gà rất hiếm, ta thường nghe tiếng cuốc kêu, tiếng oanh hót, tiếng nhạn ngang trời... Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư có một ít nhạc điệu Verlaine, nhưng chủ yếu vẫn là nhạc điệu dân tộc" (Phan Cự Đệ). Theo tác giả Mã Giang Lân, cũng trong cuốn sách ấy, thì nét hiện đại hóa của Thơ Mới suy thoái nhường chỗ cho nét hiện đại hóa mới hơn nữa là trường phái Thơ Tượng Trưng: "Sang những năm 1940 - 1945, Thơ Mới lâm vào bế tắc khủng hoảng cao độ, bắt đầu thời kỳ suy thoái của nó với tập THƠ SAY (1940) của Vũ Hoàng Chương. nhường chỗ cho "Bộ ba Trường Thơ Loạn" tức Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn Mặc Tử". Và trong cuốn "Một Số Vấn Đề Văn Học Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội 1999", tác giả Nguyễn Hữu Hiếu cũng gọi trường phái Tượng Trưng là "Trường Thơ Loạn" nêu lên yếu tính của Thơ Tượng Trưng là hình ảnh ám thị và nhạc tính do sự láy đi láy lại của âm thanh các con chữ, của nhịp điệu ngắt câu. Ám thị qua biểu tượng cầu kỳ đôi khi cường điệu, phóng đại. Chú trọng quá về Nhạc Tính, đôi khi nặng về kỹ thuật, lạm dụng, không thành thực với tâm hồn: "Thơ Tượng Trưng không mô tả mà ám gợi thông qua hình ảnh, ngôn từ và nhạc tính... Với một mật độ dày hệ thống hình ảnh, Thơ gợi cảm giác. Ở Chế Lan Viên, đó là những bóng ma, những đầu lâu, xương trắng (Điêu Tàn), ở Bích Khê là những sọ người, những châu thân thiếu nữ, những sông trăng chảy ngọc, những hào quang khiêu vũ, những rượu hú ma, những hương trinh bạch... trong (Tinh Huyết), và ở Hàn Mặc Tử những hồn, những máu, cùng với trăng xuất hiện gần suốt cả tập Thơ... Nhạc là tất cả, trước khi nói đến cái hay của ý tứ... Những kiến trúc đầy âm vang... Với những bài Thơ đầy nhạc tính, cùng với sự chú trọng khả năng ám thị sự vật, khai sinh cho nó những ý nghĩa tượng trưng, trong các nhà Thơ Loạn, Bích Khê đi gần với tượng trưng nhất" (Nguyễn Hữu Hiếu, sách đã dẫn). Cũng trong cuốn sách này, tác giả Hồ Tấn Trai phủ nhận tất cả nét hiện đại hóa của Văn Học Miền Nam, chỉ nêu ra cái mới tiêu cực, gần như lặp lại Thơ Tượng Trưng trong bài "Về Ảnh Hưởng Của Chủ Nghĩa Hiện Sinh Trong Văn Học Ở Sài Gòn, 1954 - 1975". Tác giả viết: "Bởi vì những thủ pháp biểu hiện của Thơ hiện sinh chủ nghĩa cũng là những thủ pháp đã được dùng trong Thơ tượng trưng, đặc biệt là sử dụng biểu tượng và câu Thơ tự do... Trước đây, nhà Thơ tượng trưng cho mình có sứ mệnh đi tìm những dấu hiệu nói lên mối tương quan bí ẩn giữa con người và vũ trụ, còn ngày nay nhà Thơ hiện sinh tự gán cho họ cái nhiệm vụ thần bí là tìm lại cái bản thể uyên nguyên của con người, bằng cách nhìn vào hư vô, nhìn vào hố thẳm, họ nói chính những cái này sẽ làm cho cá nhân xao xuyến lo âu... Thơ tiêu cực suy đồi ở Sài Gòn có nhiều dạng, song ở đây cần nói đến loại Thơ tự mệnh danh là Thơ tự do, Thơ hôm nay, với những cây bút như Thanh Tâm Tuyền, Sao Trên Rừng, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Mai Trung Tĩnh, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Quách Thoại..." (Hồ Tấn Trai, sách đã dẫn, từ trang 222 đến trang 232). Lược qua vài nét hiện đại hóa trong Văn Học ta trước năm 1975, để thấy các trào lưu này cũng ít nhiều xuất phát từ chủ nghĩa hiện đại của Văn Chương Nghệ Thuật Ấu Mỹ, qua các chủ nghĩa Lãng Mạn, Tượng Trưng, Siêu Thực, Hiện Sinh... Tuy nhiên, vài dạng của chủ nghĩa hiện đại Ấu Mỹ như Kịch Phi Lý ấp úng những điều vô nghĩa trên sân khấu, Thơ Siêu Thực Viết Do Tự Động Từ Vô Thức, có lẽ chưa có ai áp dụng vào Văn Học Việt Nam. Nhưng PhảnTiểu Thuyết, cũng là một dạng của chủ nghĩa hiện đại, đã có vài người áp dụng trong Văn Học Miền Nam trước năm 1975. Sau năm 1975, nhất là sau thời kỳ cởi mở, Thơ trong nước được đúc kết có vẻ đa nguyên qua ba ý kiến, phê phán hướng Thơ về hiện đại như sau: "Quan điểm được đa số đồng tình, đó là khẳng định thành quả của Văn Học Cách Mạng về đội ngũ sáng tác, nội dung thời đại và chất lượng nghệ thuật. Loại ý kiến thứ hai, về cơ bản là phủ định giá trị Thơ kháng chiến. Sau Thơ Mới là nhóm Xuân Thu Nhã Tập và nhóm "Sáng Tạo" ở Miền Nam trước ngày giải phóng khả dĩ khiến Thơ đã nhúc nhích đi tới hiện đại. Ngoài ra Thơ Việt Miền Bắc mấy chục năm qua về cơ bản vẫn là Thơ Mới theo hướng lặp lại... Loại ý kiến thứ ba thừa nhận những di sản quá khứ, trong đó có di sản Thơ kháng chiến, nhưng đòi hỏi phải đổi mới Thơ theo xu hướng suy đồi (tức Tượng Trưng), siêu thực, hình thức, kiểu Thơ Phương Tây. Những tác giả này coi Thơ thuộc cõi vô thức, Thơ là cảm tính, là sự va đập âm thanh, là nghệ thuật của chữ.." (Vũ Duy Thông, trong cuốn "Cái Đẹp Trong Thơ Kháng Chiến Việt Nam 1945 - 1975, nhà xuất bản Giáo Dục - 2000). Đúc kết trên có vẻ không tán thành hướng Thơ về hiện đại theo kiểu phương Tây cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bây giờ đã vượt qua chủ nghĩa hiện đại, với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Chủ nghĩa này cũng phức tạp và đôi khi mâu thuẫn về hướng Tiến Tới Tân Kỳ: "Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại (Post - Modernisme) cũng muốn khép lại giai đoạn kéo dài ngót một thế kỷ, trong đó nền Văn Hóa bị ngự trị bởi chủ đề về tính hiện đại, xem xét theo hướng ấy thì hình như chủ nghĩa Hậu Hiện Đại báo hiệu thế kỷ 21 sẽ phải là thế kỷ Văn Hóa" ("La Culture du 20 e Siècle. Dictionnaire d'histoire Culturelle Michel Fragonard - Bản dịch do Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia - Hà Nội 1999). Phản Tiểu Thuyết (Anti - Novel - Nouveau Roman), Kịch Phi Lý (The Theatre of the Absurb), Thơ Cụ Thể (Concrete Poetry), được coi như những dạng của Hậu Hiện Đại. Nhưng Hậu Hiện Đại cũng không dễ định nghĩa và cũng mơ hồ như nhiều chủ nghĩa hay trường phái "Post - modernism is different from Modernism, even a reaction against it. It is no easier to define than many other - isms. Like them, it is amorphous by nature" (The Penguin Dictionary of Literary Terms and Literary Theory - Nhà Xuất Bản Penguin Books, 1999). Đọc bài "Mấy Vấn Đề Thi Pháp Thơ Ca Việt Nam Thời Kỳ Đổi Mới" của tác giả Phạm Quốc Ca (trong sách đã dẫn: Một Số Vấn Đề Văn Học Việt Nam"), ta thấy những phản bác, tranh luận, bỉ thử qua lại, về Thơ hiện đại ở trong nước; có nhiều nét tương đồng với những xôn xao bất đồng ý kiến về Thơ ở hải ngoại. Vì vậy, xin trích nguyên văn để độc giả hải ngoại nào hệ lụy về Thơ thấy mình như đang ở trong cuộc. Xin trích lại những ý kiến mà không theo một thứ tự nào: "Chúng ta mong được thấy sự nảy nở một nền Thơ đa thanh đa sắc chứ không muốn một kiểu Thơ nào đó chiếm lĩnh thi đàn mà độc tấu... Họ chủ trương Thơ hiện đại phải đặc biệt chú trọng biểu tượng âm thanh và cách tổ chức ngôn từ (con chữ) ... Phản ứng lại một cách gay gắt hướng đó, có người lại cho rằng: Tính hiện đại của Thơ không nằm trong hình thức mà là nội dung. Nếu người viết có cách nhìn, cách nghĩ hiện đại thì câu Thơ lục bát vẫn có thể hiện đại... xu hướng biểu hiện bản năng tình dục, chưa thấy phát hiện, sáng tạo được thế giới nào khác sâu sắc thâm thúy. Cùng với tính dục là ngôn từ tục tĩu, thô lỗ... Một số thi sĩ có tài năng thật sự và nổi tiếng trong trào lưu đó đã trở về với Thơ truyền thống... Để đổi mới Thơ, một số người đã đem ngôn ngữ đường phố, những cặn bã đời sống vào Thơ..." (Phạm Quốc Ca - sđd. từ trang 256 đến 274).

LÊ ĐẠT là nhà Thơ nổi bật nhất thuộc xu hướng hiện đại hóa thi ca. Ông có tập Thơ "Bóng Chữ" gây nhiều tranh luận, gay gắt là các bài báo giữa Đặng Tiến và Trần Mạnh Hảo. Tác giả Đặng Tiến rất ca ngợi những bài Thơ tân kỳ về từ ngữ của Lê Đạt, đôi khi vẽ rắn thêm chân theo kiểu phê bình sáng tạo. Chính về điểm thêm thắt này mà tác giả Trần Mạnh Hảo đả kích, tuy nhiên tác giả này đồng ý với nhận xét tinh vi này của ông Đặng Tiến: "Sự thật thì Thơ Lê Đạt tạo rung cảm mới bằng một vài thủ pháp: đảo ngữ, ẩn ngữ, nhấn mạnh vào ngữ âm, khi thác tính đa nghĩa trong từ vựng, sử dụng điển cố văn học". Mà những điều trên đều là những thủ pháp của Thơ Cũ (gồm Thơ Cổ Điển, Thơ Lãng Mạn, Thơ Tượng Trưng, Thơ Tự Do), nghĩa là vẫn chưa hiện đại hóa hoàn toàn. Ta thử nêu ra vài đoạn Thơ của Lê Đạt, một bên là Thơ với từ ngữ sắp xếp quá độ hiện đại hóa, một bên là Thơ thấp thoáng thủ pháp của Thơ cũ, thì rõ ràng độc giả sẽ thấy Thơ chưa thoát thói lề xưa của Lê Đạt mới là Thơ hay. Đây là phía cực đoan hiện đại hóa:

... Địa ngục trắng Hít - Nixon xổng xích
F ẹp
F dẹp
B. 52 bẹp
... anh lòng anh hái hoa
hoa hái hoa bông thắm
hoa bông hoa rõ hồng
hoa hồng bông hồng bông.

Và đây là phía thấp thoáng thủ pháp cũ:

... Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó

...Thành tích
Mấy trang giấy sờn
Mấy câu Thơ bụi
núi Vô Sơn.

Đã lược qua về từ ngữ chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa Hậu Hiện Đại, hướng hiện đại hóa của Thơ trong nước, bây giờ ta bước tới phần dẫn nhập những bản sắc dễ nhận diện về hiện đại hóa trong Thơ Hải Ngoại Việt Nam. Trước hết là dễ nhận diện về từ ngữ dùng trong thi ca. Để gọi là từ ngữ theo hướng hiện đại của Thơ Hải Ngoại thì từ ngữ đó phải khác với từ ngữ lãng mạn Thời Thơ Mới (1932 - 1945), khác với từ ngữ Tân Kỳ và Hiện Sinh trong Thơ Thời Văn Học Miền Nam (1954 - 1975). Ngôn ngữ "Nổi Loạn đồng nhịp với Hiện Sinh" trong Thơ Tự Do của Thanh Tâm Tuyền; ngôn ngữ "tân kỳ khai mở Lục Bát mới" do dùng từ lạ không bỏ chất Thơ của Cung Trầm Tưởng; ngôn ngữ "tân kỳ đậm đặc mật độ" trong thơ bảy chữ Tô Thùy Yên, ngôn ngữ "tân kỳ pha với Thiền Hư Không" trong Thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, Phạm Thiên Thư; ngôn ngữ "tân kỳ mật ngọt tình yêu" hay "tân kỳ cay đắng tình yêu" trong Thơ Nguyên Sa, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, ngôn ngữ có màu sắc nhà binh trong Thơ Hà Huyền Chi. (Và còn nhiều nhà Thơ quân nhân mà người viết không nhớ hết); hoặc ngôn ngữ hiện thực thời Mỹ đến miền Nam trong Thơ Du Tử Lê (và còn nhiều nhà Thơ viết về xã hội thời kỳ này mà người viết không nhớ hết)... Những ngôn ngữ đó thuộc về Thơ Thời Văn Học Miền Nam. Vậy ngôn ngữ gọi là hiện đại hải ngoại phải khác thì mới là hiện đại hóa. Ta cần phải nói đến ngôn ngữ muốn nhập xuống đường phố và thể Thơ nghiêng hẳn về tự do của nhà Thơ Trần Hồng Châu, một nhà khoa bảng đầy chữ nghĩa hàn lâm. Ngôn ngữ hàn lâm như bản sắc không thể lẩn tránh được trong Thơ Trần Hồng Châu. Ông không thể nhập hồn vào bụi đời, cả cung cách sống và ngôn ngữ nghênh ngang như một Cao Đông Khánh. Ta thử trích một vài đoạn trong bài Thơ được chọn làm nhan đề thi phẩm mới nhất của ông (Văn Học xuất bản 1999) là thấy bản sắc, và đôi khi ý hướng muốn đi lệch bản sắc đó:

... Hạnh phúc là lúc hết phải điên đầu
chuyện chính trị salon văn hóa thời trang
anh được vứt bỏ đồ lớn tiếp tân và lụa là cravate
sợi dây cổ thòng lọng.
Để đi dép lẹp xẹp mặc áo rằn ri
ra ngồi quán dì Năm với anh Tám xe lam
và khô mực râu ria xồm xoàm

... Hạnh phúc là khi bước vào giảng đường
chiêu niệm hồn xưa kiều nữ
những Ophelia những Giáng Hương và Quỳnh Như
Kinh Bắc
hương sắc trần gian
châu về hợp phố..
(Hạnh Phúc Đến Từ Phút Giây - Trần Hồng Châu)

Ngôn ngữ hàn lâm, nhiều từ phải quy chiếu với kho kiến thức về văn học thế giới, đã hiện diện suốt trong ba tập Thơ của Trần Hồng Châu xuất bản tại hải ngoại: "Nửa Khuya Giấy Trắng" (1992), "Nhớ Đất Thương Trời" (1995), "Hạnh Phúc Đến Từ Phút Giây" (1999). Chợt nhớ mơ hồ trong một tạp chí bài Thơ Uống Trà của Trần Hồng Châu, uống trà mà gác chân gác cẳng trên bàn. Đó cũng là hình ảnh một chút lệch hướng với bản sắc sử dụng ngôn ngữ thi ca trong Thơ Trần Hồng Châu. Có lẽ đây là một chủ đề nghiên cứu Thơ Trần Hồng Châu: "Vỏ bọc dầy của chữ nghĩa hàn lâm trong Thơ Trần Hồng Châu". Cũng là một bản sắc, nhưng không phải là bản sắc hướng về hiện đại hóa. Ngôn ngữ đường phố cũng không phải ngôn ngữ hiện đại hải ngoại. Dĩ nhiên, nên gạt ra ngoài ngôn ngữ viết tự động từ vô thức của trường phái Siêu Thực; ngôn ngữ ám gợi bằng biểu tượng của trường phái Tượng Trưng. Vậy ngôn ngữ hiện đại của Thơ Việt Nam hải ngoại là ngôn ngữ nào? Xin dùng từ Hiện Đại với cái nghĩa là "làm mới làm khác" với ngôn ngữ Thơ của các thời kỳ trước đây của Văn Học Việt Nam, không có nghĩa là "tân tiến" đã được mọi người công nhận, hoặc đã "bắt kịp" với các trào lưu chủ nghĩa hiện đại hay hậu hiện đại của thế giới. Hiện đại chỉ giới hạn là cái riêng đang hiện hữu trong Thơ đăng trên một vài tạp chí Văn Học Hải Ngoại như "Tạp Chí Thơ", "Tạp Chí Việt", "Tạp Chí Hợp Lưu"... Dễ nhận ra là đa số các bài Thơ đều không ưa rõ nghĩa (như Thơ Nguyễn Đăng Thường, Phạm Việt Cường, Lưu Hy Lạc, Hoàng Xuân Sơn, Thường Quán, Huỳnh Mạnh Tiên, Chim Hải, Phạm Miên Tưởng...) Sự tối nghĩa trước đây đã có Thanh Tâm Tuyền thuộc thời Văn Học Miền Nam trước 1975, nhưng Thơ Thanh Tâm Tuyền là "Thơ Nổi Loạn đồng nhịp với Hiện Sinh" đã phản ảnh được một thời kỳ. Dễ nhận ra nữa là từ ngữ Thơ chỉ được coi như những vật liệu sắp xếp thành câu, không cần tượng hình, không cần chất Thơ theo nghĩa mỹ cảm. Điều này tương đồng với quan niệm của một nhánh thuộc trường phái "Thơ Cụ Thể": Ngôn ngữ chỉ là vật liệu vật lý chẳng khác vật liệu vỏ chai hay bánh xe hơi mà họ đã sắp xếp thành các bài Thơ, nhằm nói lên một ý nghĩa, không cần đến chất Thơ, và cũng rất tối nghĩa (ví dụ một vài đoạn Thơ trong Tạp Chí Thơ, Tạp Chí Việt:

...bàn cờ năm tháng
mưa rơi
trên mấy ô gỗ ẩm mốc
đầu này
tên vua đen
bên kia con hậu trắng
không còn tốt xa mã pháo...
(Chân Phương)

...hớp ngụm hồn nhiên
nhả vào dấu
lượm lại mớ tuổi cuối
chuyến về
vẫn ngồi sau tóc
(Chim Hải)

Dễ nhận ra nữa là Thơ của họ áp dụng rất nhiều các dấu, triển khai mở rộng từ áp dụng khởi đầu của Du Tử Lê với dấu dùng trong computer. Du Tử Lê còn tận dụng đủ các loại dấu mà chẻ nát câu Thơ lục bát, tuy vẫn giữ khuôn khổ của câu sáu câu tám. Làm như vậy là phá vỡ sự êm đềm vốn từ lâu của lục bát, sự êm đềm mà có người cho là ê a ủy mị. Nhờ dấu mà Du Tử Lê cũng tạo được nhịp mới cho lục bát, nhất là ở câu tám. Trước đây chưa bao giờ có kiểu Thơ lục bát mà chữ cuối trong mỗi câu đứng riêng, biệt lập, đủ nghĩa:

...Cõi em muốn dạt chân về
Cõi đau nhân thế, cõi thề thốt, quên.

...Rừng mù lối tóc chim bay
Bớt son, môi cỏ, buồn lay lá, người.

...Nứt từng vết nẻ trên da
Thanh xuân vó ngựa, đìu hiu bãi, vùi.

Tác giả Tôn Nữ Hoàng Hoa (trong "Du Tử Lê, Tác Giả Và Tác Phẩm", tập IV, nhà xuất bản Nhân Chứng, 2000), nhận định đã có một phong trào làm Thơ theo kiểu Du Tử Lê: "Có kiểu làm theo Thơ lục bát và đã đổi nhịp điệu ở câu Thơ, hay làm Thơ theo hiểu bỏ rất nhiều dấu chẳng hạn như dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu than, dấu chấm phẩy, dấu slash, hay là trong một câu Thơ có lung tung dấu". Vài tác giả dùng các dấu theo hướng hiện đại hóa đó như: Hoàng Cường Long (dùng nhiều dấu hai chấm), Hà Nguyên Du (dùng nhiều dấu chấm than), Huỳnh Mạnh Tiên (dùng nhiều dấu gạch ngang và dấu slash), Quỳnh Thi (bỏ trống một khoảng trong câu), Nguyễn Thị Ngọc Nhung và Phan Thị Vàng Trăng (dùng nhiều dấu chấm câu. Sau dấu chấm câu thì chữ đầu viết Hoa nhưng không xuống hàng). Phạm Miên Tưởng và Trần Lộc Bình (Gạch bất chợt dưới vài chữ trong bài Thơ). Sử Mặc dùng dấu chấm thêm lượng thời gian trong âm nhạc như Thơ Nguyễn Xuân Thiệp, phối hợp với các dấu khác trong văn chương:

...Duy nhất, ở giữa thần bài
Chấm than! Đen ngòm. vực. gió
Cái đuôi, còn phất phơ dài
Chao ơi kiếp người rị mọ!
(Sử Mặc)

Đoạn Thơ này trích trong tạp chí Văn Học số 184 (tháng 8 năm 2001). Tạp chí này cũng đã đăng nhiều bài Thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, áp dụng nhiều "dấu chấm thêm lượng thời gian" của Ấm Nhạc làm cho Thơ tự do của Nguyễn Xuân Thiệp có chất Thơ huyền ảo mênh mang trên thảo nguyên. Và đây cũng là cái khí hậu Thơ đó:

tháng chín. cơn mưa nào ở Oklahoma
thoáng mùi tử đinh hương
quanh trời sấm dội
con chim màu đỏ trở về
một mình. đứng hót trong mưa
mưa long lanh
từng giọt. rơi ngoài trí nhớ. rơi trên lá
trên những khóm lan thấp thoáng dưới trời.
...
Tôi làm thơ
cho bạn bè. cho những người cùng khổ
cho sấm dội. cho đổ vỡ. cho mây xa
tôi làm thơ
và con chim màu đỏ
hót. một mình. dưới trời mưa thưa.
(Nguyễn Xuân Thiệp)

Là dấu nghỉ thời gian, dấu chấm không phải là chấm câu, không cần viết hoa sau đó. Điều mới là "dấu chấm thêm lượng thời gian của âm nhạc" nên Thơ tự do của Nguyễn Xuân Thiệp không có gì tối nghĩa vẫn là mỹ cảm của Thơ cũ. Thơ tự do của Lê ThịThẩm Vân cũng sáng sủa ý nghĩa, có cái nhìn đầy nhân bản, với lời Thơ hiện thực xã hội về người homeless; người đàn bà Việt làm vất vả, lãnh trợ cấp; cô gái đĩ Việt trên đất Nam Vang:

...lẫn trong
tiếng xe cộ, bóp còi, kèn hụ
là thân xác co quắp, tóc xoắn bệt bởi bụi đất rác mùi
tanh hôi
gã homeless
về đâu đêm đông dài dằng dặc?

...Tôi người đàn bà đam mê
trò chơi sắp xếp những con chữ
Những con chữ
biết mủi lòng...
(Homeless)

... Tiệm ăn nằm cuối đường cụt, bà làm mười hai tiếng một ngày, sáu ngày một tuần, suốt năm không ngày nghỉ lễ, bệnh, hè. Tiền tip chủ lấy trọn.

...Một chiều cuối đông
Tai nạn
"Trần Thị Bân, sanh quán tại Việt Nam, 47 tuổi"
Lục trong ví
xấp foodstamps 58 đồng...
(Người Đàn Bà Việt Nam)



...Giữa hai cánh tay, cặp đùi không còn một cọng lông
nhưng um khét mùi cỏ cháy
ông quắp lấy em
gọn bâng như ông nội bế em đặt vào giường thuở em
lên năm sáu bảy mỗi khi ham chơi quên ngủ ngoài sân trước

... hai tròng mắt em vẫn mở. "Trời chắc là sắp mưa..."
em nói thầm với tấm phên mỏng, thưa, che chắn căn nhà thổ trên đất Phnom Penh
(Lê Thị Thấm Vân)
(Trích bài: Người Con Gái Việt Nam Da Vàng. Thời Bình)

Quá hiện thực nên văn phong có vẻ lạnh lùng phơi bày sự thật. Khác với Thơ Tự Do của Nguyễn Xuân Thiệp gây ấn tượng thi vị. Mỹ cảm hay hiện thực, không phải là hướng hiện đại hóa (mà thường thấy là tân kỳ đến lập dị, tối nghĩa, không cần chất Thơ). Dễ nhận ra nữa trong cách làm Thơ mới là đưa ảnh hưởng "Thơ Cụ Thể" vào Văn Học Việt Nam. Một số Thơ tạo hình lạ nhưng có chất Thơ như dùng nhiều chữ "xe" sắp xếp thành một xa lộ lưu thông bận rộn (Ngu Yên); sắp xếp hai câu Thơ lục bát thành những ngọn lửa bốc lên (Lê Văn Tài); hình bàn cờ tướng thay cho lối đi tìm khuây khỏa những ngày vô cảm (Nguyễn Hoàng Nam); một trang chữ in nhập nhòe Thơ Chinh Phụ Ngâm thay cho xúc cảm đọc đoạn trời đất nổi cơn gió bụi, trống hành quân lung lay bóng nguyệt (Khế Iêm); một khung trống chỉ có một chữ chim đặt trên chữ bay, thay cho lời mô tả bầu trời bao la (Ngu Yên).

Dễ nhận ra nữa về hướng hiện đại hóa Thơ là các từ ngữ táo bạo dung tục, mà người liều lĩnh hơn cả là Đỗ Kh., vượt xa Nguyễn Đức Sơn thời Văn Học Miền Nam. Những người cùng khuynh hướng nhưng kín đáo hơn như Võ Đình Tuyết, Nguyễn Thị Hoàng Bắc...

Dễ nhận ra nữa về hướng hiện đại hóa là lối "Thơ-vắt-dòng" và "nhạc-tính-hóa lời nói thường ngày", mà Khế Iêm là người cổ xúy với lối Thơ "Tân Hình Thức Việt Nam" dựa vào đặc tính ngôn ngữ Anh trong Thơ "Tân Hình Thức Hoa Kỳ". Đặc tính ngôn ngữ Anh là nói "Nhấn" hay "Không Nhấn" vào những từ tùy theo xúc động khi đang nói. Khế Iêm lấy ví dụ nhà Thơ TIMOTHY STEELE đã nhạc-tính-hóa lời nói giận dỗi của một cô gái khi cãi vã với người tình. Ngoài Khế Iêm với quan niệm rõ ràng là nhạc tính hóa lời nói thông thường thành Thơ Tân Hình Thức, còn nhiều người nữa trong tạp chí Thơ và rải rác trên vài tạp chí khác đã làm Thơ theo kiểu vắt dòng, nghĩa là chữ cuối của câu Thơ trên nối liền với câu dưới thì mới trọn nghĩa, cứ thế cả một đoạn Thơ với cách vắt dòng như trên. Nối liền nghĩa từ câu này xuống câu khác, nên không cần viết hoa ở đầu dòng mỗi câu. Những người thường làm Thơ theo kiểu vắt dòng: Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường, Lê Giang Trần, Hà Nguyên Du, Trần Phục Khắc, Lưu Hy Lạc, Đỗ Kh., Nguyễn Đạt, Quỳnh Thi, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phan Tấn Hải, Phạm Việt Cường, Đoàn Minh Hải, Nguyễn Lương Ba... Anh Ngữ nói nhấn, còn người Việt không nói nhấn như vậy, nên nhạc tính hóa lời nói thường ngày trong Thơ Tân Hình Thức Việt Nam có phần bị hạn chế. Xin trích ví dụ với những bài Thơ ngắn nhất:

hăm bốn tháng sáu đồng ký hiệp
ước chung thân, đóng hết chỉ chừa
duy nhất một cánh cửa, cả hai
không được tháo nịt che hai bên
mắt ngựa, đến bốn cái móng sắt
phải được gỡ ra khỏi hai đôi
chân v.v...
(Hà Nguyên Du. Trọn bài: Đến Với Em)

sau một đêm mưa rào tôi
ra xó vườn nhỏ thấy một đóa bạch
hồng mới ló lộng lẫy trong
buổi sớm mây tôi ngắm ngửi
nó một chầy rồi chưa kịp mắng mầy
chỉ là đóa hồng là đóa
hồng là đóa thì bỗng nghe
trong bụi rậm có tiếng thì thầm a
nose is a nose is a
(Nguyễn Đăng Thường. Trọn bài: Surprise, Surprise)

Vang âm Thơ tự do mờ tối ý nghĩa của Thanh Tâm Tuyền; Thơ bị chẻ ra bằng nhiều dấu; nhất là dấu slash "hoán chuyển thi đoạn tùy theo độc giả" của Du Tử Lê; đi đến tận cùng chữ dung tục với Thơ Đỗ Kh., áp dụng trường phái Thơ Cụ Thể; Nhạc-tính-hóa lời nói thường ngày với Khế Iêm; Thơ "vắt dòng" của nhiều người trong tạp chí Thơ; đưa dấu chấm chấm thêm lượng thời gian vào văn chương với Thơ Nguyễn Xuân Thiệp... Đó là những dấu hiệu vài bản sắc hiện đại hóa của Thơ Hải Ngoại.

Trần văn Nam
(Trong sách dự thảo: THI NHÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI)

■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■ ■
Nhân Văn | Tin Văn | Phỏng Vấn | Ðiểm Sách | Ðọc Sách
Thư Viện | Thư Quán | Nối Vòng

===

No comments: