Monday, August 13, 2012

THỰC HƯ * XV

Chương 15
Linh Mục Chân Tín
có sám hối không?
phantinhphankhangLinh mục Chân Tín nổi tiếng trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam những năm đầu thập niên này vì ba bài giảng “Sám Hối” tại nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Saigon vào trung tuần tháng 4-1990, trong Mùa Chay, mùa sám hối theo lịch phụng vụ của giáo hội Công Giáo. Bài 1: sám hối cá nhân. Bài 2: về “tập thể giáo hội”. Và bài 3: “sám hối tập thể quốc gia”. Trong bài thứ ba ngày 11 tháng 4 ông đã trưng dẫn nhiều danh ngôn của các nhà văn, nhà khoa học và nhà lãnh đạo Liên Xô, kể cả tổng thống Liên Xô Gorbachev.
Ông cũng đọc vanh vách những trang báo nhà nước và trưng dẫn lời cán bộ cao cấp trong đảng Cộng Sản Việt Nam, kể cả tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để chứng minh rằng Liên Xô và các nước Đông Âu đã sám hối, còn Việt Nam thì mới có ân hận, ưu tư về tình hình xấu trong nước, nhưng chưa làm gì chứng tỏ là đã có sám hối thực sự. Ông chủ trương sám hối phải có hai nội dung: ân hận và đổi mới. Bài giảng này đã làm nhức tai nhà cầm quyền. Họ phản đối với bề trên của ông, bảo rằng linh mục không có quyền nói về chính trị trong nhà thờ.
Bất chấp sự phản đối của nhà nước, một tháng sau ông lên tòa giảng khẳng định ông có quyền nói về chính trị, và có bổn phận phải nói về chính trị để bảo vệ quyền lợi của người dân. Những bài giảng của ông lôi cuốn người nghe, chẳng những vì tài hùng biện, mà còn vì những vấn đề thời sự nóng hổi lúc ấy. Nhà thờ không còn chỗ ngồi. Giáo dân, và cả lương dân, phải đứng ngoài hành lang, ngoài sân để theo dõi một cách thán phục, say sưa.
Thời gian ấy phong trào dân chủ tự do ở Liên Xô và Đông Âu đã lên đến tột đỉnh. Người thì sợ, kẻ thì mong sẽ có một biến cố tương tự ở Việt Nam. Có cán bộ đã coi những bài giảng của ông là tiếng pháo lệnh để châm ngòi cuộc chính biến nào đó, mặc dầu trong bài giảng cuối cùng của ông, linh mục Chân Tín đã nói rõ: “tôi không nói chính trị vì chính trị…Tôi chả muốn xúi dục ai xuống đường cả. Tôi chỉ nói lời của Thiên Chúa để chúng ta suy nghĩ với nhau, để chúng ta cùng Nhà Nước suy nghĩ, để làm tốt hơn, để đem lại hạnh phúc cho dân tộc”. Vì vậy chỉ vài hôm sau, ngày 16-5-1990, công an thành phố đột nhập vào nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở đường Kỳ Đồng, Saigon và nhà Dòng Chúa Cứu Thế bên cạnh đó. Họ đọc lệnh lục soát văn phòng và chổ ở của linh mục Chân Tín. Đồng thời họ cũng đọc lệnh trục xuất ông ra khỏi thành phố, cưỡng bức cư trú tại xã Cần Thạnh, huyện Duyên Hải cách trung tâm thành phố 70 cây số. Tưởng cũng nên nhắc lại là cùng ngày, giáo sư cưụ linh mục Nguyễn Ngọc Lan, cộng tác viên thân cận và là bạn thân của linh mục Chân Tín cũng bị công an vây nhà, khám xét và tịch thu tài liệu, văn bản, máy đánh chữ v.v… Giáo sư Lan cũng được lệnh bị quản chế tại gia, không đựơc đi ra khỏi khu vực phường 6 quận 10. Từ đây tiếng tăm của hai ông đã vượt ra ngoài cộng đồng công giáo và ra ngoài nước.
Trong một bức thư viết cho Nguyễn Ngọc Lan, 5 tháng sau, Chân Tín đã châm biếm gọi chuyến đi an trí đó là đi hưởng tuần trăng mật với Nhà nước trong ba năm: “Tôi nhớ ngày “lên xe hoa” có 5 công an “phù rể” đưa về Duyên Hải “hưởng tuần trăng mật với Nhà nước trong 3 năm”
Chân Tín tên thật là Nguyễn Tín sinh ngày 15-11-1920. Từ nhỏ ông đã “dâng mình cho Chúa” trong dòng Chúa Cứu Thế, chuyên về giảng thuyết. Trong thời đệ nhị Cộng Hòa, ông chủ trương tờ Đối Diện phê bình chính sách của chính phủ, đứng đầu “ủy ban cải thiện chế độ lao tù”, bênh vực tù nhân, cả Cộng Sản. Đã nhiều lần CT bị gọi tới tổng nha cảnh sát để trả lời về những bài báo ông viết và hành động của ông trong cái ủy ban kia. Ông đã bị án năm năm cấm cố. Theo nhật ký Nguyễn Ngọc Lan (ngày 10-6-90) thì thời đó có những người “chống Cộng hủ lậu” ghét Chân Tín đến nỗi họ đã gửi cho vị linh mục này một xấp hình màu tục tĩu ghi trên đó những hàng chữ thóa mạ ông, ví đầu ông như cái nớ…” Tờ báo Đối Diện bị đóng cửa. Sau ông cho ra tờ Đồng Dao. Sau tháng tư 1975 ông và ông Nguyễn Ngọc Lan lại ra tờ Đứng Dậy (đều viết tắt là “Đ.D.” )
Mấy năm đầu sau “giải phóng” ông có chân trong chủ tịch đoàn mặt trận Tổ Quốc Saigon, và trung ương Mặt Trận Tổ Quốc V.N.. Ông cũng có sinh hoạt trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến thời còn Tạ Bá Tòng và Nguyễn Hộ. Đồng thời được Nguyễn Văn Trấn rất cảm phục. Toàn những người Cộng Sản miền Nam có vai vế sau này thành nạn nhân của chế độ như ông. Tờ Đứng Dậy đứng được cho tới năm 1978 thì bị Nhà nước bắt “ngồi xuống”  chữ của giáo sư Đỗ Mạnh Tri.
Trong các hội nghị của ủy ban trung ương mặt trận Tổ Quốc V.N. năm 1978, 1982 và 1983 ông đều có đọc tham luận. Nay đọc lại những bài tham luận đó người ta thấy ông luôn tỏ thiện chí với nhà cầm quyền, lợi dụng tiếng nói của mình trong mặt trận để bênh vực lập trường của giáo hội công giáo Việt Nam tỷ dụ như vụ linh mục Nguyễn Văn Vàng hoạt động chống Cộng, hay việc nhà nước bắt được một số tài liệu chống Cộng trong một số nhà dòng ở Thủ Đức… Ông cũng thẳng thắn phê bình nhà nước về việc giam giữ những người đi “học tập cải tạo” quá lâu và sự phân biệt đối xử với những người không vào đảng hay vào đoàn. Ông cũng nói rõ là tinh thần phấn khởi lúc ban đầu càng ngày càng sút giảm do sự phân biệt đối xử đó. Trong tham luận ngày 25 tháng 1 năm 1983 ông cho biết lý do tham gia Mặt trận là “tạo điều kiện để người cách mạng hiểu người công giáo hơn và đồng thời cũng cố gắng giúp cộng đồng công giáo hiểu cách mạng hơn…”
Đầu năm 1986 ông đã cùng với Nguyên Ngọc Lan gửi một lá thư cho Phạm Hùng, bộ trưởng bộ nôi vụ để nói lên những cảm nghĩ và ưu tư riêng liên quan đến một cuốn phim bôi bác đạo Công Giáo, gán cho giáo hữu những tội gián điệp, phản quốc. Đó là cuốn phim “Người Mang mật danh K 213″ liên quan đến vụ án gián điệp “Mai Văn Hạnh”. Phim được giới thiệu bởi ai đó có dùng “entête” của bộ Nội Vụ. Ông tố cáo “nhóm làm phim đã biến những biểu tượng cao quý trong tình cảm và lòng tin của các tín hữu công giáo thành những dụng cụ ghê tởm. Thánh giá có cánh ngang rút ra được như một cái ngăn kéo để giấu hồ sơ vào tâm. Tấm ảnh đạo xé đôi để hai tên phản động ráp lại ăn khớp mà nhận ra nhau. Tượng Đức Mẹ trở thành cửa che, chấn một đường hầm bí mật. Chỗ xưng tội bị biến thành nơi trao đổi tín hiệu phản động v.v…”
Làm những việc kể trên, ông đều dựa vào cái thế của một ủy viên trong mặt trận Tổ Quốc của đảng, và cái thế của một người thời chế độ cũ đã đứng về phe “chống Mỹ cứu nước” và đều nhằm một mục đích bênh vực đạo Công Giáo. Nhưng ông đã dùng những lời lẽ ôn tồn, hợp tình hợp lý, nếu không nói là thân tình, xem ra như muốn bảo vệ uy tín của đảng và nhà nước hơn là muốn bênh đạo của ông. Ông gọi Phạm Hùng một điều anh hai điều anh, chứ không giữ phép thưa ngài bộ trưởng như người khác. Gần 4 năm sau, trong một cuộc gặp gỡ thứ trưởng Nội-vụ Võ Viết Thanh ông cũng xưng hô như vậy.
Việc ông làm để bênh đạo đáng kể hơn hết là những lá thư góp ý về việc phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo Việt Nam. Trong trung ương Mặt trận Tổ Quốc chỉ có ba linh mục, từ trước đều có xu hướng thân cộng. Đó là Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ và Chân Tín. Hai ông trên thì đã được đảng và nhà nước đặt vào cái gọi là ủy ban đoàn kết những người công giáo yêu nước, và chịu sự chi phối của đảng rồi. Chỉ còn một mình Chân Tín đứng ngoài, trung thành với đường lối của toà thánh Vatican hoàn toàn. Ông cũng lại dùng thế đứng bấp bênh của mình trong mặt trận để nói lên nguyện vọng của đa số giáo dân và của hàng giáo sĩ, luôn luôn cố thuyết phục phía chính quyền rằng việc phong thánh và việc cho phép hàng giáo phẩm Việt Nam sang Roma dự lễ phong thánh chỉ có lợi chứ không có hại cho uy tín của chính phủ.
Trong vụ phong thánh tử đạo này linh mục Chân Tín cùng với giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã cho phổ biến nhiều tài liệu chuyền tay trong giới thân cận, vì báo đã bị đóng của, các báo khác không chịu đăng bài cũa các ông, trừ khi được lệnh trích dẫn một vài đoạn, đầu Ngô mình Sở để chỉ trích lên án. Khi bị giám đốc công an thành phố gọi lên “làm việc” với thứ trưởng Võ Viết Thanh, ông đã lợi dụng dịp này để bào chữa cho việc ông phân phát tài liệu, viết thư gửi hàng giám mục cách cư xử với Ủy ban đoàn kết do nhà nước dựng lên hòng chia rẽ và chi phối giáo hội.
Chính những bức thư và những tài liệu tương tự đã khiến công an đặc biệt theo dõi ông và ông Nguyễn Ngọc Lan. Cho đến khi có ba bài giảng Sám Hối, thì đó là giọt cuối cùng làm tràn ly nước. Người ta đã dùng biện pháp mạnh đối với ông. Nhưng vì ông được lòng một số cán bộ, nhất là những người còn nhớ ơn ông bênh vực giúp đỡ thời chế độ cũ, nên tuy là biện pháp mạnh nhưng cách thi hành cũng tương đối nhẹ nhàng. Ngoài biện pháp không được làm lễ, giải tội, giảng thuyết, và không được ra khỏi xã, ông vẫn được tiếp người thân đến thăm, nhận qùa, nhận thư và hàng ngày đi tắm biển. Cán bộ có trách nhiệm canh chừng ông lại phần đông là những người có cảm tình và dám tỏ cảm tình với ông. Dầu sao ba năm đằng đẵng không được về thành phố, không được làm chức vụ một linh mục, nhất là không đuợc tâm sự với người bạn thân là cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan, quả là một cực hình.
Khi đã mãn hạn kỳ ba năm ông trở lại sinh hoạt bình thường nhưng không thoát khỏi sự theo dõi ngầm của công an. Năm 1995, nghe tin Nguyễn Văn Trấn qua đời, ông đã ngồi sau xe gắn máy cho Nguyễn Ngọc Lan đưa tới viếng xác nhà cách mạng lão thành đã để cả đời phục vụ đảng Cộng Sản nhưng cuối đời đã bị đảng bỏ rơi này. Giữa đường thì xảy ra tai nạn. Một chiếc xe tông vào xe ông. Nhưng may thương tích của ông không đến nỗi trầm trọng như người bạn trẻ “đèo” ông.
Chân Tín đã phê bình chế độ Cộng Sản ra sao
Trong những hoàn cảnh khác nhau và với những đối tượng khác nhau, Chân Tín đã dùng những lời lẽ và luận điệu hơi khác nhau:
1. Với chính quyền và tổ chức quần chúng của chính quyền : ông ôn tồn, nhã nhặn, giữ lễ:
“…Nhưng điều khiến chúng tôi rất lo nghĩ –và hẳn chính quyền cũng chia sẻ sự lo nghĩ này của chúng tôi– không phải là ở bình diện an ninh nữa. Chúng tôi muốn nói đến nỗ lực chung là đẩy lịch sử đi tới, không đành tâm nhìn lịch sử chỉ là lập lại hay đi lùi. Đã có những nỗ lực có thể còn giới hạn, nhưng không ngừng để đồng bào công giáo phía Nam từ 1975 đi vào chế độ xhcn không như ở phía Bắc sau 1954 và không như người công giáo ở nhiều nước Đông Aâu. Nhưng những biến cố gần đây có thể đặt chúng ta trước một chỗ quặt đáng tiếc: đồng bào công giáo có thể sẽ khựng lại– không phải để nghĩ đến chuyện làm nên trò trống gì đâu –nhưng chỉ để rút vào một thế đứng “an phận” bi quan và tiêu cực.” (trích tham luận với hội nghị ủy ban trung ương Mặt Trận, 23-2-1978)
“Ngay ở trong ủy ban trung ương M.T. việc nêu lên những tâm tư nguyện vọng thắc mắc của nhân dân, của một giới nào đó cũng không được thoải mái. Nhưng ai đưa ra những tâm tư nguyện vọng thắc mắc của nhân dân dễ bị đánh giá là tiêu cực hay bất mãn.”
“…Tôi chỉ xin nêu ở đây trường hợp những người bị bắt giam vì lý do chính trị, nhưng tội trạng không rõ ràng, bị giam cầm lâu ngày, lâu tháng, lâu năm mà chưa đưa ra xét xử….”
Sau khi nhắc lại việc những người thuộc chế độ cũ học tập cải tạo đã 6 năm chưa được thả, ông nói đến vấn đề tự do tôn giáo, nêu lên những hạn chế cấm đoán trong việc phong chức linh mục, in ấn các tài liệu thờ phượng, rồi kết luận:
“Người công giáo V.N. muốn tham gia vào công việc xây dựng đất nước. Nhưng nếu mãi bị nghi ngờ và bị kỳ thị thì họ sẽ nản lòng và nhiệt tình cũng sẽ mai một.” (Tham luận với hội nghị lần thứ VII ủy ban trung ương MT Tổ Quốc., 22-12-1981)
Hai năm sau cũng trong bài tham luận đọc trước hội nghị MT ông lại nhắc đến việc những người đi học tập cải tạo vẫn chưa được về, và sự nghi kỵ và “kỳ thị vì nguyên do lý lịch hay vì nguyên do tôn giáo” rồi cố dung hòa:
“Công bằng mà nói thì có bên này bên kia. Có sai trái của một số người bên này sinh ra sự ngờ vực của mọi người của phía bên kia. Rồi từ ngăn cấm này đến ngăn cấm khác, từ hạn chế này đến hạn chế khác tạo người bên này cảm tưởng là Nhà nước phá đạo, bóp nghẹt đạo….Nếu cảm thấy như bị bắt chẹt, người tín hữu sẽ thắc mắc tự hỏi không biết mình xây dựng đất nước cho ai đây? Xây dựng một đất nước mà mình luôn ở ngoài rìa?” (tham luận ngày 25-1-1983.)
Năm 1987, Chân Tín không còn được đọc tham luận trong hội nghị nữa mà chỉ được gửi một bản góp ý. Ông đã bất mãn vạch rõ:
“Rõ ràng các ủy viên công giáo của mặt trận là thứ trang trí.” (24-12-87)
Về việc phong thánh cho 117 chân phước Tử Đạo, ông đề nghị “Nhà nước ta đi thêm một bước, tức là ủng hộ việc phong thánh vì việc này đề cao người Việt Nam anh hùng sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng.” Có theo dõi sự việc từ đầu và thấy lúc ấy nhà nước đang vận động cho một phong trào chỉ trích Vatican và giáo hội Việt Nam cũng như làm áp lực để hội đồng giám mục Việt Nam xin hoãn việc phong thánh, thì mới thấy lời đề nghị của Chân Tín làm một tiếng nói can đảm.
Trong buổi “làm việc” với giám đốc Thông Tin Văn Hóa Saigon ngày 7-6-88, khi ông này nói đến việc Tòa Thánh Vatican chọn ngày 19-6 để cử hành lễ phong thánh và nói: “Đây cũng là ý đồ chính trị kích thích chống Cộng” Chân Tín đã hỏi vặn lại: “Sao ta không nhắc đến kỷ niệm 40 năm Bác Hồ kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cũng vào ngày 19 tháng 6? Có người nói đùa là Vatican bị Cộng Sản V.N. lèo lái khi chọn ngày kỷ niệm 40 năm kia làm ngày phong thánh.” (Ý đồ đen tối thì cũng đỏ lòm đó.)
Cũng trong buổi làm việc này, sau khi nhắc lại việc ông đã từng bị kết án 5 năm cấm cố trong chế độ cũ vì “độc lập, vì dân tộc”, ông đã bảo thẳng viên giám đốc:
“Tôi nói công khai, trao đổi công khai. Tôi không làm gì chui, bất hợp pháp như dưới chế độ cũ. Vì dân tộc, vì tương lai đất nước, tôi tiếp tục nói thẳng nói thật cho mọi người biết, cho dầu phải đi tù, tôi sẵn sàng đưa tay cho người ta còng lại.
Viên giám đốc phân biệt: “Trong chế độ cũ ở tù là danh dự. Trong chế độ ta ở tù không vinh dự gì đâu.” Liền bị Chân Tín phản pháo:
“Cái đó không có gì chắc. Thời Staline nhiều người nói thẳng nói thật, đã đi ở tù, bị đày ở Siberia và người ta cho là không vinh dự vì tù dưới chế độ xhcn (chưa nói tới những nhà khoa học như Vavilop, nạn nhân của Mafia ngụy khoa học Lyssenko). Nhưng rồi ngày nay, dưới thời sám hối của Gorbachev, cái chân lý ngày nọ không còn nữa, cái vinh dự ngày nay là cái nhục, cái nhục thời đó lại là cái vinh. Và cả hai đều dưới chế độ xhcn.”
Dĩ nhiên giám đốc thông tin văn hóa cũng không phải vừa. Y cãi: “không thể so sánh chế độ ta với chế độ Stalin. Chế độ ta là chế độ dân chủ.” Nhưng Chân Tín đã mượn chính lời cấp trên của y là Nguyễn Văn Linh và cả Gorbachev để phản bác:
“Lê-nin đã từng nói chế độ xhcn là nền dân chủ một triệu lần hơn dân chủ tư bản chủ nghĩa. Nhưng ngày nay, Gorbachev đã nói Liên Xô thiếu dân chủ, đòi dân chủ hóa. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng than ta thiếu dân chủ, đòi dân chủ hóa. Vì sao? Từ trước tới nay chỉ có dân chủ hình thức….”
Rồi ông dẫn chứng cho lời khẳng định trên. Những bằng chứng cụ thể. Trước khi ra về ông nói với viên giám đốc: “Chính với tư cách người công dân thiết tha với đất nước này mà tôi nói như thế, chứ với tư cách linh mục công giáo, tôi chẳng cần gì hết.”
Trong buổi làm việc với thứ trưởng nội vụ Võ Viết Thanh ngày 8-11-89, khi ông này bảo: “Tôi thấy anh có một tham vọng lớn”, Chân Tín hỏi: “Anh cho tôi biết tôi có tham vọng lớn nào?” rồi tự trả lời:
“Tôi chỉ có một tham vọng là nhân dân ấm no hạnh phúc. Nhà nước cũng như giáo hội đều phải phục vụ con người. Trước kia tôi chống chế độ cũ cũng vì nhân dân. Nay nếu vì nhân dân, mà tôi có phải đi tù tôi cũng sẵn sàng. Tôi chắc rằng tham vọng phục vụ nhân dân là mẫu số chung của những ai yêu nước.”
Khi ông đã bị đày xuống Cần Thạnh, cán bộ công an thành phố xuống “làm việc” với ông đã nịnh: “Tôi đã theo dõi những hoạt động của anh trước 75 và thán phục. Nhưng tôi thắc mắc lý do gì anh thay đổi như vậy?”, ông đáp:
“Tôi trước sau như một. Tôi không đổi. Trước cũng như bây giờ tôi chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân. Luôn luôn vì nhân dân mà tôi phấn đấu, bất chấp nguy hiểm. Nếu tôi muốn hưởng thụ thì quá dễ…”
Khi cán bộ Cảnh nói: “Thứ Trưởng nội vụ đã cảnh cáo, anh Trị đã lưu ý mà anh lại nói thêm một bài chính trị. Như vậy là liều thuốc không còn hiệu nghiệm. Nhà nước đã cho một liều khác mạnh hơn; chỉ định cư trú và quản chế tại Cần hạnh.” Ông trả đũa không nương tay:
“Bài Sám Hối của tôi cũng là liều lượng mạnh cho nhà nước, khi mà những điều tôi đã nói với cấp trên từ trước không còn hiệu nghiệm.”
Năm tháng sau ngày bị đi đày ông viết cho Nguyễn Ngọc Lan:
“Nói đến “lễ chui” của tôi, tôi thấy Thiên Chúa cho tôi chui “công khai” ở giữa giáo dân. Mà càng chui lại càng rõ như ban ngày và giáo dân càng “thương” ông nhà nước. Và càng “im lặng” lại càng có tiếng nói của thinh lặng. Khi giáo dân thấy anh Hòa mặc áo thầy sáu đứng giảng trên bục bàn thờ và họ nhìn Chân Tín 41 năm linh mục ngồi nghe giảng cách chăm chú như trẻ thơ. Thì đó cũng là một bài giảng hùng hồn rồi.”
Ngày 1-2-1991 Chân Tín viết cho Nguyễn Ngọc Lan về dự kiến chế độ xhcn có thể sống dai ở các nước Á Đông như Trung Quốc và Việt Nam như sau:
“Tôi đã nghĩ rằng xã hội Khổng Mạnh ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam là nơi mà chế độ độc tài đảng trị có cơ may sống dai. Đó là vì trong chế độ gia đình và xã hội Khổng Mạnh, người cha có toàn quyền độc đoán toàn quyền sinh sát và ông quan cai trị dân là “dân chi phụ mẫu”, nên ông Vua hay ông quan cũng độc quyền. Trải qua hàng chục thế kỷ, dân Trung Quốc và Việt Nam đã quen chịu đựng chế độ độc tài, nên khi mấy ông vua hay ông quan Mác xít thiết lập chế độ độc tài đảng trị, người dân Trung Quốc và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chịu đựng. Chế độ xhcn Mác-xít là chế độ phong kiến đổi mới, có tổ chức có phương pháp. Ngày xưa mấy ông vua ông quan là những tên phong kiến cá nhân, mạnh ai nấy đè đầu đè cổ dân. Còn dưới chế độ xhcn Mác-xít, đảng Cộng Sản là tổ chức phong kiến có hệ thống dùng sự sợ hãi để bắt mọi người tuân theo. Tôi nghĩ đơn giản như thế qua thời gian 16 năm sống trong chế độ xhcn Mác-xít ở miền Nam Việt Nam.”
2. Với giáo dân và công chúng
Sau khi tờ Đứng Dậy của ông vô cớ bị đóng cửa vào năm 1978, người ta chỉ còn được nghe Chân Tín trong các giáo đường, và ông chỉ thường giảng thánh kinh và giáo lý một cách bình thường như các linh mục khác. Nhưng kể từ khi có phong trào dân chủ hóa tại Liên Xô do Gorbachev khởi xướng, nhất là từ khi cuốn phim Sám Hối của Abduladze được phép đem ra chiếu, con chiên giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc trách nhiệm dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3 Saigon, mới được nghe Chân Tín phê bình công khai Nhà Nước xhcn. Ông đã khôn khéo rào trước đón sau bằng hai bài giảng các ngày hôm trước nói về việc sám hối theo tinh thần Phúc Âm, trong khuôn khổ mùa chay, là mùa chuẩn bị mừng Lễ Chúa Kitô phục sinh. Bài thứ nhất, nói về sám hối cá nhân, được mở đầu bằng việc sám hối của chính cá nhân ông:
“Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước hết. Hơn ai hết, linh mục là người phải sám hối nhiều nhất, vì càng nhiều chức phận, càng nhiều trách nhiệm và đồng thời cũng nhiều sai phạm”. Rồi ông định nghĩa thế nào là sám hối: “Sám hối là đổi mới sau khi đã ân hận.”
Có điều đáng chú ý là đang nói về việc sám hối của giáo hữu, ông bỗng đem vụ Mười Vân, giám đốc công an Đồng Nai tổ chức di tản để hốt vàng, và vụ các cán bộ cao cấp (từ tỉnh ủy, chủ tịch, đến trưởng phòng hình sự) dính líu vào vụ án “hủ hóa” ở Đường Sơn Quán. Ông bảo họ có ân hận, nhưng chưa đổi mới nên chưa kể là sám hối.
Sang đến bài 2: Giáo hội sám hối, ông phê bình các vị lãnh đạo giáo hội Việt Nam “quá âm thầm chịu đựng và không dám nói thẳng, nói thật.” Rồi ông nêu một trường hợp cụ thể, ông không nêu đích danh, nhưng giáo dân có thể đoán đó là một trong vài linh mục ở trong ủy ban đoàn kết do nhà nước dựng lên (mà Nguyễn Ngọc Lan gọi là “Đàn Két”):
“Một vị “yêu nước” khác lại tuyên bố nào là Nước Thiên Chúa đã đến với chế độ Cộng Sản, nào là đảng CSVN tạo điều kiện cho ta giữ đạo. Đó là những lời nịnh bợ vô liêm sỉ, khi giáo hội đang bị bóp chết bằng cách giới hạn đào tạo linh mục, đóng cửa các nhà đào tạo tu sĩ, cấm in sách vở báo chí công giáo, việc dậy giáo lý bị giới hạn, việc thờ phụng có nơi bị làm khó dễ, linh mục đi lại giảng đạo nơi khác bị cấm đoán, các hội đoàn tông đồ giáo dân, công tác xã hội giáo dục bị loại bỏ.”
Vẫn làm ra vẻ phê bình hàng giáo sĩ ông lại nói xiên sang nhà cầm quyền:
“Trên đất nước này người ta coi mọi nhân quyền và dân quyền là ân huệ người ta có thể ban cho, có thể giới hạn, có thể mở rộng, có thể rút luôn. Họ coi họ hơn cả Thiên Chúa–Thiên Chúa ban cho con người tự do và không bao giờ rút lại, kể cả khi con người phản bội Ngài, đóng đinh con của Ngài. Giáo Hội phải đòi người ta trả những quyền căn bản của con người, chứ không có vấn đề xin xỏ, năn nỉ, ỉ ôi.”
Sau khi đã rào trước bằng tự sám hối, và phê bình giáo hội chưa sám hối đủ, nhà giảng thuyết hùng hồn tấn công các đảng Cộng Sản, với chủ đề: “Sám hối tập thể quốc gia”.
“Đảng Cộng Sản Việt Nam đã một mình cai trị toàn cõi Việt Nam trong một thời gian lâu dài hơn bất cứ chính phủ nào trước kia trong chế độ cũ”.
Hai tiếng “MỘT MÌNH” (cai trị) đã đánh đúng tim đen của đảng chủ trương “độc đảng”, chống “đa nguyên”.
“Khỏi nói đến ông Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn là những chế độ đầy vi phạm đến quyền căn bản con người, mà chưa thấy một chút ân hận nào, thì làm gì có sám hối, có đổi mới.”
Ở trên chúng tôi đã nói đến phim “Sám Hối” của Abduladze thực hiện năm 1970 mà mãi đến cuối thập niên 80 mới được xuất xưởng nhờ chính sách đổi mới của Gorbachev, và chỉ trong một thời gian ngắn đã được thế giới đánh giá là một kiệt tác. Trên tòa giảng nhà thờ Chân Tín đã nói vắn tắt nội dung như sau:
“Cuốn phim mô tả một vụ án xử một người phụ nữ đã ba lần đào mả ông Varlam, thị trưởng của một thành phố nhỏ ở Liên Xô. Bà này là con nạn nhân của ông thị trưởng này.Tại tòa bà tuyên bố bà không thể để tên độc tài đó trong mồ, nếu cần bà còn đào nữa.”
Rồi nhà giảng thuyết nói thẳng:
“Đây là bản án dành cho một cơ chế quyền lực độc đoán, không dựa trên pháp luật, mà dựa trên sự mị dân và đàn áp. Phải giải thoát mọi người khỏi nỗi khiếp sợ, và sự tôn kính không tự nguyện đối với ông thị trưởng tác oai tác quái, hình ảnh của Staline và cả một thế hệ lãnh đạo Liên Xô và các nước xhcn trong 73 năm qua.”
Chân Tín nhắc đến phim Sám Hối của Abduladze được chiếu ở Liên Xô là để nói rằng Liên Xô đã thực sự sám hối rồi. Ông cũng kể ra hàng loạt tên các nhà văn lớn và trí thức của Liên Xô đã phát biểu để lên án các chính quyền độc tài trong 7 thập niên qua và yêu cầu khôi phục lại đức tin vì như nhà văn lớn nhất Bykov đã nói “không thể có luân lý nếu không có tín ngưỡng.” Trong số hàng chục lời trích dẫn của các nhà văn và trí thức cùng cấp lãnh đạo Liên Xô được Chân Tín đọc lên trong buổi thuyết giảng, chúng tôi chỉ xin trích lại ở đây lời ông trưng dẫn Gorbachev, đã được chính báo Saigon Giải Phóng của nhà nước đăng tải ngày 1-7-1988:
“Các quyền của con người trong chế độ xhcn không phải là quà tặng của nhà nước, không phải là việc làm từ thiện của ai..” Câu trích dẫn còn dài, nhưng chúng tôi xin chuyển sang câu ông trích báo Times ngày 11-12-1989:
“Gorbachev nói với Gioan Phaolô II: “Chúng tôi cần những giá trị thiêng liêng, cần một cuộc cách mạng tinh thần. Đây là con đường độc nhất đưa đến một nền văn hóa mới và một nền chính trị mới….Bây giờ không những chúng tôi nhận định rằng không một ai có quyền can thiệp vào những vấn đề lương tâm cá nhân, nhưng chúng tôi còn nói rằng những giá trị luân lý mà tôn giáo đã làm nảy sinh ra và đã đúc kết trong hàng thế kỷ có thể giúp cho công việc đổi mới đất nước chúng tôi vậy. Những người thuộc về nhiều tôn giáo ở Liên Xô, tất cả đều có quyền thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của họ.”
Sau khi đã chứng tỏ Liên Xô đã thực sự sám hối. Chân Tín trích dẫn rất nhiều tài liệu báo chí và nhận xét của các cấp lãnh đạo Việt Nam để chứng minh rằng tại đây người ta có ân hận đấy nhưng chưa có gì thay đổi để có thể nói là đã sám hối. Chúng tôi chỉ trích một vài đoạn vắn của một số nhà lãnh đạo.
Trần Bạch Đằng trong báo Nhân Dân 5-3-90: “…Đảng Cộng Sản gồm những người vô thần, trong khi trong xã hội còn tôn giáo, còn tín ngưỡng và sẽ còn lâu, ngoài việc tìm chỗ có thể thỏa hiệp về chính trị, chúng ta đâu còn con đường nào khác?”
Nguyễn Cơ Thạch trả lời tạp chí Quan Hệ Quốc Tế: “Chế độ xhcn vì dân, đó là mục đích dân chủ, nhưng cách làm tập trung quan liêu bao cấp đi ngược lại mục đích dân chủ và đẻ ra nạn quan liêu tham nhũng lạm dụng quyền hành, ức hiếp nhân dân lao động”
Lê Đức Anh viết trong tạp chí Quốc Phòng: “Hầu như mọi nơi mọi ngành mọi cấp hiện tượng dân chủ hình thức quan liêu quân phiệt độc đoán chuyên quyền, trù dập ức hiếp nhân dân, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của quần chúng còn đang diễn ra phổ biến. Nhiều tiếng kêu oan của người dân vẫn chưa đưọc giải quyết.”
Phạm Văn Đồng (khi nhận huân chương Sao Vàng): “Cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn làm cho quần chúng phẫn nộ một cách chính đáng… phải quét cho sạch…”
Trần Xuân Bách (bộ chính trị, bí thư trung ương đảng) nói tại Câu lạc bộ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ngày 13-12-1989: “Nguyên nhân khủng hoảng là lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thóai hóa hư hỏng.”

Chân Tín nhận xét về câu nói của Phạm văn Đồng:

“Không phải kêu gọi quét sạch rác rưới, mà là vấn đề nền tảng, vách tường, cột kèo của ngôi nhà để nhân dân yên tâm sống dưới mái nhà.”
Ông nói thẳng:
“Cộng Sản Việt Nam chỉ nghĩ cách lấy lại lòng dân và củng cố quyền lãnh đạo của đảng . Chưa đặt vấn đề nhân quyền cũng như vấn đề cơ chế phải đổi mới…Cho tới nay nhân quyền và dân quyền đã bị vi phạm nặng nề tại Việt Nam.” Rồi kết luận:
“Trên đất nước ta “giữa lòng dân tộc” này, chưa có sám hối thật sự để cho ngày mai trên đất nước, tương lai của dân tộc sáng sủa hơn.”
Bài giảng sám hối sau cùng này là cớ để công an đưa ra lời cảnh cáo đối với bề trên của Chân Tín: “linh mục không có quyền nói chính trị trong nhà thờ.” Nhưng ông đã bất chấp lời cảnh cáo đó. Một tháng sau ông lại giảng chính trị nhưng vẫn lẻo mép: “Tôi không nói chính trị vì chính trị, nhưng mà tôi nói về chính trị, để làm sao cho cuộc sống của con người Việt Nam được tốt đẹp hơn.” Ông còn khiêu khích nhà cầm quyền bằng cách bảo: “nhà nước sợ, sợ giáo hội kích động người ta làm loạn chống chế độ… thực ra mọi sự xuất phát từ cái sợ, sợ, sợ.”
Ông muốn nói theo Nguyễn Văn Linh, Gorbachev. Tiếc một nỗi ông không phải Nguyễn Văn Linh hay Gorbachev hay người của đảng. Nên người ta không ngần ngại trục xuất ông ra khỏi thành phố. Trong số những người ông trích dẫn cũng chẳng thiếu kẻ bị thất sủng vì những phát biểu của họ, như Trần Xuân Bách, Trần Bạh Đằng và cả Nguyễn Cơ Thạch, kẻ trước người sau, mỗi người một mức độ khác nhau.
3. Từ đây ông không còn được nói trước công chúng, không đượïc giảng trong nhà thờ nữa. Nhưng ta có thể biết ông nghĩ gì về các vấn đề đất nước qua những bức thư ông viết cho ngưòi thân được công bố tại Paris. Đó là những thư riêng ông viết cho tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lan. Sau đây là một vài điểm đáng lưu ý: Ngày 21-9-90 ông viết:
“…Nhưng mình lại không làm chính trị. Mình là ngôn sứ của Chúa càng phải nói “chân lý thuần túy”, khó nuốt đối với đảng và nhà nước.”
Và:
“Chỉ nhìn qua những cuộc con đấu tố cha, vợ tố chồng, con đấu tố mẹ cho ta thấy cách mạng không làm cho con người lương thiện hơn. Ngày nay trên đất nước ta luân lý giáo dục suy đồi, điều đó không có gì lạ cả. Chỉ dậy hận thù, không dậy thương cha thương mẹ, chỉ thương đảng thương bác, kể cả Mao Xếnh Xáng. Bài thơ của ông Trung ương đảng nọ khóc Staline hồi nào đó cũng đủ biện minh cho thấy nguyên nhân sâu xa của suy đồi đạo đức.”
Miên man từ chuyện nọ sang chuyện kia, toàn những chuyện đau lòng, vị linh mục kết thúc bức thư dài bằng một ước mong:
“Mong rằng những người lính của bên này hay bên kia đã ngã gục trên bãi chiến trường và đã tan vào đồng ruộng, pha vào núi sông đất nước này” sẽ đoàn kết những người còn sống thành một cộng đoàn yêu thương cùng nhau xây dựng đất nước,”
Ngày 16-10-1990 ông viết:
“Khi người Cộng Sản bị bắt giam và bị tra tấn, anh em ta đã lớn tiếng phản đối bằng những cuộc xuống đường, thăm nuôi tù chính trị, viết bài trên tạp chí Đối Diện, bị đưa ra tòa biết bao lần, và tôi với tư cách chủ nhiệm, bị lên án 5 năm cấm cố và báo Đối Diện bị đóng của vĩnh viễn.
“Sau ngày chế độ xhcn được thiết lập ở miền Nam, anh em ta cũng đã phản đối những vi phạm nhân quyền và vì thế mà anh bị quản chế tại gia, còn tôi bị đày ra Duyên Hải.
“Như vậy là chúng ta đã thực thi chức năng ngôn sứ của người Kitô hữu và đã không im lặng trước bất công của bất cứ chế độ nào….”
Ngày 12-1-1991 ông cho Nguyễn Ngọc Lan biết có người nghe đài BBC hôm trước nhắc lại vụ Tín-Lan xảy ra đã hơn nửa năm, và nhận xét rằng như vậy là vụ này còn quan trọng hơn cả vụ Nguyễn Hộ-Tạ Bá Tòng, vì không phải nó chỉ liên quan đến cá nhân hai người mà là cả cộng đồng Công Giáo. Ông cũng nhắc lại lời của Bùi Tín cho rằng nó còn liên hệ đến thái độ chính trị của đa số nhân dân Việt Nam rồi ông so sánh:
“Chúng ta là tiếng nói của những người không có tiếng nói hay không dám nói. BBC ca ngợi Bùi Tín là can đảm. Nhưng dù sao Bùi Tín cũng còn cái thẻ đảng viên cao cấp để nói thẳng. Phần anh em chúng ta, chúng ta không có một chỗ dựa nào ngoài đức tin. Chúng ta không có đảng phái lực lượng nào hậu thuẫn. Kể cả hậu thuẫn công khai của giáo hội Việt Nam trên phương diện tinh thần. Chúng ta dựa vào đức tin, vào Tin Mừng để trở thành tiếng nói của những người không có tiếng nói.”
Từ ngày có đổi mới ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cũng như nhiều trí thức khác ở trong nước, hai ông Lan và Tín thường theo dõi thời cuộc trong các báo Tây Phương hoặc những tờ “Les Temps nouvaux”, “Sputnik” của Liên Xô, mặc dù rất khó khăn mới tìm được, vì chính quyền cấm bán cho dân chúng. Trong bức thư đề ngày 8-12-1990 viết cho Nguyễn Ngọc Lan, sau khi nói đến tình trạng trong nước “Vũ Như Cẩn”, vẫn như cũ, Chân Tín đã trích nguyên văn, không dịch, mấy lời của Legor Jakovlev, tổng biên tập tuần báo “Nouvelles de Moscou”:
“Mais dans quel abime mon pays, qui était si riche, a-t-il sombré en l’espace de 73 ans qui se sont écoulés depuis la Révolution d’Octobre?”
Trước khi nói lên lời đau xót đó, ông viết:
“Je suis assis à mon bureau et j’entends ma petite fille de trois ans bavarder avec sa poupée. Elle lui dit: “Tu vois, nous n’avons rien, ni thé, ni lait concentré, rien du tout.” Elle ne fait que répéter ce qu’elle entend à longueur de journée, dans la bouche des adultes préoccupés de trouver de la nourriture pour leurs enfants. Je sais pertinemment moi-même que les magasins sont vides, mais quand une petite fille qui le dit, juste en bavardant avec sa poupée, cela fait peur.” (Paris Match 8-11-1990)
Và khi Việt Nam đang rơi vào cái “abime” đó mà vẫn đao to búa lớn, thì “cela fait peur”. Cầu nguyện cho đất nước.” C.T.
Tạm dịch:
“Nhưng trong khoảng thời gian 73 năm trôi qua kể từ Cách Mạng Tháng Mười, đất nước tôi, trước kia giầu có là thế đã sa xuống cái vực thẳm nào?” “Tôi đang ngồi ở bàn giấy và tôi nghe đứa con gái ba tuổi đầu của tôi trò truyện với con búp bê của nó. Nó bảo búp bê: “Bé thấy không, chúng ta chẳng có gì cả, trà cũng không, sữa đặc cũng không, chẳng có gì hết.” Con tôi nó chỉ nhắc lại điều nó đã nghe từ cửa miệng những người lớn lo lắng kiếm thức ăn cho con cái họ. Tôi biết tỏng là các cửa hàng đều trống rỗng, nhưng khi chính một đứa bé con nói ra điều đó, ngay cả trong khi nó truyện trò với con búp bê, thì điều đó làm cho người ta kinh sợ.”
Đôi dòng cảm nghĩ về trường hợp linh mục Chân Tín:
Thời chế độ cũ nhiều người chỉ trích Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín là những con người “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản”. Vì hai ông bênh bọn Cộng Sản nằm vùng, săn sóc cả những người Cộng Sản trong tù. Sau khi chiếm trọn miền Nam rồi Cộng Sản đã đặt Chân Tín vào những chức vị “trang trí” trong mặt trận. Mục đích của họ chỉ là mượn cái áo nhà tu của ông để quảng cáo cho cái gọi là tự do tôn giáo hay tình đoàn kết không phân biệt người có tín ngưỡng hay người vô thần v.v… Ông thấy rõ Cộng Sản không tôn trọng nhân quyền, không có dân chủ, tàn ác với người chế độ cũ. Nhưng ông nói gì họ cũng không nghe. Đề xuất của ông bị ném vào sọt rác. Lúc ấy ông mới thức tỉnh. Té ra từ trước tới nay ông lầm. Trước kia ông thăm viếng tù Cộng Sản thì được. Ngày nay ông không thể làm gì bênh vực được cho những người dân vô tội bị Cộng Sản hành hạ. Cuối cùng chính ông cũng bị bao vây theo dõi rồi cô lập, cho đi “an trí”.
Người ta chờ đợi ông nói lên tiếng nói hối hận. Nhưng ông vẫn cho rằng các việc ông làm trong chế độ cũ hay trong chế độ xhcn đều do một động cơ thúc đẩy: “vì độc lập, vì nhân dân”. Ông nói thẳng với cán bộ hỏi cung: “không thay đổi, trước sau như một. “
Chính ông đã định nghĩa: Sám hối là đổi mới sau khi đã ân hận. Nay ông đã không ân hận về những gì ông đã làm trước kia, và còn khẳng định là ông không thay đổi, trước sau như một. Vậy thì rõ ràng ông chưa sám hối. Nhưng ông lại đã nói chính ông là người phải sám hối trước tiên. Như vậy ta có nên kết tội ông tự mâu thuẫn, cố chấp, đạo đức giả không?
Xét về mặt chính trị, đứng trên lập trường chống Cộng thuần túy, nhiều chiến sĩ quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa khó mà giảm khinh cho trường hợp của những người đã “đâm sau lưng chiến sĩ” bằng những hành động gây xáo trộn làm suy yếu mặt trận chống Cộng, làm lợi cho Cộng Sản. Và họ có lý, khi mà đến nay đã rõ Cộng Sản là xấu, là ác, Cộng Sản Việt Nam đã đắc tội trong việc tàn sát các người quốc gia, kể cả các đảng viên của họ, khi những người này dám tỏ rõ tình cảm dân tộc, tình cảm con người, trái với chủ trương, đường lối độc đoán của họ. Từ ngày miền Nam được “giải phóng”, nước nhà được “thống nhất”, Cộng Sản đã hiện nguyên hình là đảng độc tôn, nắm trọn quyền sinh sát, dìm đại đa số nhân dân xuống cảnh đói nghèo, mất tự do, mất nhân phẩm.
Nhưng xét về mặt đạo đức thuần túy, lấy lương tâm con người, lấy lòng yêu nước, thương dân làm thước đo, thì ta có thể thông cảm phần nào cho Chân Tín và những nhà trí thức khác đã vì lầm, chỉ vì họ không phải là những nhà chính trị chuyên nghiệp, không hiểu rõ cội nguồn của “cái Ác Cộng Sản” ngay từ đầu. Họ đồng hóa chiến lược xích hóa hoàn cầu dưới sự chỉ đạo của đệ tam quốc tế, của Liên Xô thì đúng hơn, với sự giải phóng người nghèo, người vô sản (sic). Họ lầm tưởng cuộc chiến tranh mà Hồ Chí Minh và đồng đảng của ông ta trên đất nước Việt Nam là cuộc chiến chính nghĩa, giành độc lập chống thực dân, chống đế quốc, chứ không biết rằng đó chỉ là cuộc chiến vì lý tưởng đấu tranh giai cấp đưa “giai cấp vô sản” (sic) lên nắm chính quyền. Nhưng thực chất chỉ là nhằm thu mọi quyền hành vào trong tay một thiểu số, phần đông xuất thân không phải từ vô sản, mà là từ giai cấp tiểu tư sản, và để rồi biến tổ quốc thành một thứ thuộc địa kiểu mới của đế quốc đỏ.
Nếu xét một cách độ lựơng theo ý đó và đọc được những gì Chân Tín đã viết, đã nói trong những năm 1985-1991, như đã trích dẫn ở trên, thì ta có thể hiểu ông đã thực sự ân hận, và đã đổi mới hoàn toàn, có lẽ chỉ vì hoàn cảnh riêng không minh nhiên nói lên được lời hối hận công khai đó thôi.Và điều đó cũng có thể áp dụng đối với phần đông tác giả trong tập sách này.
Tuy nhiên có một điều mà những người Ki-Tô hữu lấy làm khó hiểu đối với thái độ của hai nhà trí thức công giáo. Chẳng lẽ Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan không biết rõ ngay từ đầu rằng thuyết Mác xít là duy vật, vô thần, chối bỏ hoàn toàn mọi ý nghĩ về Thiên Chúa? Và chẳng lẽ hai ông lại chưa đọc thông điệp “Qui Pluribus” của Đức Giáo Hoàng Piô IX, trong đó ngay từ cuối năm 1846, là khi bản tuyên ngôn Cộng Sản mới đang được Marx cùng với Engels thai nghén, ngài đã nói: “Cái tà đạo được mệnh danh là chủ nghĩa Cộng Sản này hoàn toàn trái luật Tự Nhiên, khi được chấp nhận, nó sẽ hủy diệt mọi quyền lợi, của cải và sản nghiệp của con người và cả xã hội.” (1)
Hay là hai ông không biết gì về việc Hồ Chí Minh và đồng bọn đã ráp tâm theo lệnh đệ tam quốc tế đem áp dụng chủ nghĩa Cộng Sản ở Việt Nam, một khi ông ta thành công trong việc thanh toán xong mọi thế lực chống Cộng? Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ là như thế. Và chỉ có thế mới chạy tội được cho những người như Chân Tín đã lầm chạy theo ông Hồ và đồng bọn trong một thời gian. Nhưng tôi cũng được biết đích xác là có người ngay từ cuối năm 1945 đã cảnh giác giám mục Hồ Ngọc Cẩn, giáo phận Bùi Chu rằng “bọn họ là Cộng Sản cả đấy, xin các đức cha hãy liệu tìm cách mà đối phó, tránh thảm họa cho giáo hội.” Vị đó hãy còn sống tại tiểu bang Louisiana. Cựu trung tá Bùi Thanh Tùng, hồi 1945-1946 đã lên đến chức trưởng ty cảnh sát Hà Nam, (2) nhưng sau này bị nghi là chống Cộng nên bị Cộng Sản tìm cách hãm hại. May là có người cho biết ông liền tìm đường chạy vào Nam kịp thời. Có lẽ Chân Tín lúc ấy không tin và vẫn nghĩ Hồ chí Minh thực lòng vì dân, vì nước?
Chú Thích
(1) Papal encyclical “Qui Pluribus” of Nov 6, 1846, bản Anh ngữ, đoạn 32: “It is wholly contrary to natural law itself nor could it establish itself without turning upside down all rights, all interests, the source of property and society itself”
(2) Ngoài ra ông còn kiêm nhiệm 5, 6 chức vụ quan trọng khác trong tỉnh Phủ Lý lúc ấy (Hà Nam, sau này cũng có thời nằm trong tỉnh Hà Nam Ninh, gồm 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

No comments: