Chương 14
Bùi Tín, Thành Tín
hay
Bội Tín, Thất Tín
hay
Bội Tín, Thất Tín
Cựu đại tá Cộng Sản Bùi Tín, khi làm báo lấy bút hiệu Thành Tín. Tháng 9 năm 1990 ông sang
Pháp dự Liên Hoan của báo “Humanité” (Nhân Đạo) của đảng Cộng Sản Pháp
rồi xin gia hạn ở lại thêm một thời gian để “chữa bệnh”. Sau đó ông gửi về nước bản kiến nghị 12 điểm gọi là “Kiến nghị của một công dân”.
Bản kiến nghị được Đài BBC truyền đi đã gây dư luận xôn xao trong nước
cũng như ở hải ngoại. Nhà cầm quyền Cộng Sản nghe nhức nhối lắm. Mai Chí
Thọ, bộ trưởng bộ Nội Vụ thời ấy gọi ông là tên phản bội, thất tín. Đứa cháu ngoại ông tên Quỳnh Anh 8 tuổi nghe người lớn nói chuyện với nhau sao đó đã viết thư cho ông: “Ông Thất Tín ơi, con vẫn tin ông Thành Tín và nhớ ông Thành Tín lắm.”
Bùi Tín là ai, đã nói gì khiến Cộng Sản gọi ông là bội tín, thất tín? Người quốc gia ở hải ngoại có nghĩ ông thành tín không?
Sơ lược tiểu sử :
Bùi Tín sinh ngày 29 tháng 12 năm 1927 tại Hà-nội, con ông Bùi Bằng Đoàn, một trong những thượng thư thanh liêm của nội các Ngô Đình Diệm (1933), hơn ông này 20 tuổi. Ông Đoàn đã bị ông Hồ chiêu dụ, khi ông ta không thuyết phục được ông Ngô Đình Diệm cộng tác trong chức vụ bộ trưởng nội vụ, chính phủ Liên Hiệp hồi 1945. Ông Hồ rất quý trọng ông Đoàn
và giao cho chức chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội Việt Minh đầu tiên
cho đến khi qua đời (từ 1946 đến 1954). Cộng Sản đã để một con đường ở
Hà Đông mang tên Bùi Bằng Đoàn, sau này tình cờ gia đình con ông lại đến ở trên con đường này. Bùi Tín là con thứ 8 trong gia đình 10 chị em gồm 2 trai và 8 gái. Ông là trưởng nam. Ông có một người em gái út, tên Bùi Bội Sơn sống ở miền Nam có chồng là công chức trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, sau 1975 cả gia đình đã sang định cư ở Mỹ –năm 1992 gia đình bà ở San Diego.
Từ 1941 đến 1945 Bùi Tín theo học trường Khải Định, tức Quốc Học Huế, do ông Ngô Đình Khả, thân phụ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng lập, lúc ấy hiệu trưởng và phần đông giáo
sư là người Pháp. Khi Việt Minh cướp chính quyền và vua Bảo Đại đã
thoái vị, Bùi Tín vào lính “cụ Hồ” và được “cụ Hồ”, lúc ấy đã chiêu dụ
được ông Bùi Bằng Đoàn, cho theo học truờng Quân Chính “Đỗ Hữu Vị”. Ông Hồ là hiệu truởng danh dự của trường.
Năm 1956 ông thành hôn với một nữ giáo viên ở vùng Nghệ An là nơi ông đóng quân. Ông bà
chỉ có 2 con, một trai, một gái: Bùi Tân Vinh, kỹ sư cơ khí, đã cùng vợ
vượt biên tìm tự do. Và Bùi Bạch Liên, bác sĩ gây mê, mẹ của bé Quỳnh
Anh nói trên, còn ở lại Việt Nam. Ông đi bộ đội từ 1945 đến 1982 thì giải ngũ. Gia nhập đảng Cộng Sản từ 1946 đến tháng 3 -1991 thì bị khai trừ.
Trong một bài báo trả lời luận điệu của Bùi Biên Thùy đả kích ông, Bùi Tín cho biết sau khi ông Ngô Đình Diệm và ông Kennedy bị ám sát cuối năm 1963, Hà-nội chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ (2) đối với miền Nam; bộ quốc phòng đã cử ông cùng với 11 người khác vào chiến trường miền Nam “để phổ biến nghị quyết mới (3) và nghiên cứu tình hình tại chỗ.”
Trước đó ít tháng ông đã thi đậu cử nhân luật, năm 36 tuổi. Đầu năm 1973 ông được
cử làm ủy viên chính thức kiêm phát ngôn viên phái đoàn quân sự Hà-nội
trong ủy ban quân sự bốn bên. Vẫn theo bài báo nói trên, ông đã được chỉ định gần hai chục lần tham gia đoàn đại biểu quân sự cao cấp công tác tại một số nước trong khối Cộng Sản cũng như một số nước thuộc thế giới thứ ba như Aán Độ, Nam Dương… Từ 1972 đến 1981 ông là phó tổng biên tập, tờ Quân Đội Nhân Dân. Từ 1986 ông là phó tổng biên tập tờ nhật báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản V.N.
Chính ông cho biết trong nhiều bài báo, hay cuộc phỏng vấn trên đài, cũng như trong cuốn hồi ký Hoa Xuyên Tuyết: Ông là
sĩ quan cao cấp nhất trong số mấy sĩ quan cao cấp của Cộng Sản đại diện
đoàn quân “giải phóng” chấp nhận lời đầu hàng của tổng thống một ngày
Dương Văn Minh, mặc dầu một vài sĩ quan Cộng Sản đã lên tiếng phủ nhận
điều đó, nói rằng người nhận sự đầu hàng là trung tá Bùi Văn Tùng. Về
phía thế giới tự do không ai đặt vấn đề này vì khi ông phát
biểu như vậy thì đại tướng Dương Văn Minh cũng đang có mặt ở ngoại ô
Paris và những nhà báo ngoại quốc có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30-4-75
không ai lên tiếng cải chính hay phủ nhận. Hơn nữa độc giả tập san “Le Point” ở Pháp lúc ấy còn được xem hình ông đứng trước mặt tướng Dương Văn Minh, có thủ tướng Vũ Văn Mẫu và mấy vị bộ trưởng ở bên.
Đáp lời mời của đảng Cộng Sản Pháp ông tới Paris, lần đầu tiên trong đời, để dự đại hội liên hoan “Fête de l’Humanité” (4) của đảng Cộng Sản Pháp vào trung tuần tháng 9 năm 1990, ông lấy cớ bị đau tim xin ở lại thêm 2 tháng để chữa bệnh. Trong thời gian đó ông đã soạn thảo bản “kiến nghị của một công dân”
12 điểm gửi cho lãnh đạo ở Hà-nội qua tòa đại sứ Việt Cộng ở Paris.
Đồng thời, qua trung gian bà Judy Stow, trưởng ban Việt Ngữ đài BBC và ông Đỗ Văn, tức Đỗ Doãn Qũy, biên tập viên của đài này, mà ông đã có dịp gặp ở Hà-nội cách đó không lâu, ông đã cho phổ biến bản kiến nghị trong nhiều buổi phát thanh bắt đầu từ ngày 28 tháng 11 năm 1990. Đồng thời ông cũng trả lời hàng loạt câu hỏi của Đỗ Văn kéo dài 200 phút trên làn sóng điện qua 16 buổi
phát thanh liên tiếp. Cuộc phỏng vấn dài này, được phát đi từ cuối
tháng 11 đến giữa tháng 12 đã kéo chú ý của thính giả tại quốc nội cũng
như quốc ngoại.
Từ
đây bắt đầu một giai đoạn náo động của cuộc đời viên đại tá đã từng
được coi như một anh hùng của “chủ nghĩa xã hội”. Ngoài các đài phát
thanh Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Mặc Tư Khoa, các tờ báo lớn như Washington
Post, New York Times, International Herald Tribune ở Mỹ, Le Point, Le
Figaro ở Pháp; The Guardian ở Anh, The Nation ở Thái Lan… đã nói đến
hiện tượng Bùi Tín như là một biến cố có ý nghĩa vào lúc các chế độ Cộng
Sản tại Đông Aâu đang theo nhau sụp đổ. Các hãng thông tấn
AP, Reuter cũng loan tin và bình luận về bản kiến nghị của Bùi Tín.
Người ta chú ý nhiều đến bài phóng sự phỏng vấn của Michel Tauriac trên
tập san Le Point ở Paris với hàng tít lớn: “Người anh hùng của Hà-nội
đang sống trong một căn phòng bồi ở Paris: Câu chuyện buồn thảm của Bùi
Tín, người đã vỡ mộng, và để mất 40 năm đời mình”. Tờ International
Herald Tribune thì nhấn mạnh đến việc Bùi Tín gợi ý một chính phủ hòa
giải dân tộc trong đó có cả những người chống cộng đã chạy ra ngoại
quốc, mặc dầu những người này cảm thấy khó mà có thể hợp tác với Cộng
Sản, kể cả những người có đầu óc cởi mở và đã quay lại phê bình chỉ
trích Cộng Sản như Bùi Tín. Nhưng tờ báo cũng cho rằng Bùi Tín đã nói
lên nguyện vọng sâu xa nhất của hàng triệu người dân Việt Nam.
Trong số phản ứng của cộng đồng người Việt ở Hải ngoại sớm nhất người ta chú ý đến những tờ Độc Lập ở Đức với bài phân tích của ông Trần Đình Nam, tờ Thông Luận của nhóm các ông Phạm
Ngọc Lân, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Gia Kiểng ở Paris, và tờ Thời Luận
của Đỗ Tiến Đức ở Los Angeles. Một độc giả đã gửi cho Thông Luận một lá thư dài (5) nói đại ý ông ta
về thăm quê hương thì thấy dân ở trong nước rất phấn khởi khi nghe Bùi
Tín trên đài. Họ đặt kỳ vọng ở những cán bộ dũng cảm dám hy sinh làm một
việc liều lĩnh nhưng vô cùng cần thiết để thay đổi cái chế độ thối nát
này. Vị độc giả đó nói rằng “trong nước nhân dân đã sẵn sàng hành động.
Nhưng tiếc thay chưa thấy bóng dáng một tổ chức chính trị anh minh dũng
cảm nào xuất hiện để gánh lấy trách nhiệm nặng nề của lịch sử V.N..”
Còn ký giả Nguyễn Anh Tuấn của tờ Thời Luận (6) thì viết:
“Sở dĩ ý kiến của Bùi Tín được đa số đồng bào bàn tán sôi nổi vì những điều mà ông đề
nghị, như đổi tên nước, đổi tên đảng, bầu cử lại quốc hội mới, mời
người Việt hải ngoại về tham gia việc nước, có thể nói là rất táo bạo,
rất nguy hiểm đối với tác giả của nó. Vì tất cả những điều phạm húy đó
xưa rày chưa có một đảng viên nào dám nghĩ tới, chứ đừng nói là thốt ra
thành lời, và lại còn công khai phổ biến trước dư luận quốc tế và quốc nội như trường hợp của Bùi Tín.”
Phản ứng của ngành truyền thông bên
ngoài có chiều thuận lợi ban đầu đó sẽ giảm đi vào năm sau. Nhưng phản
ứng của báo chí đảng trong nước thì bất lợi và gay gắt ngay từ đầu.
Người ta không đếm xỉa gì đến những đề nghị của Bùi Tín, hơn nữa còn đả kích kịch liệt, gọi đó là những sự xuyên tạc, tâng công, tự đề cao và “thất tín”, phản bội…
Báo
Quân Đội Nhân Dân ở Hà-nội đã cho đăng bài của một giáo sư Trần Nhâm
nào đó lên án “hành vi bán Chúa của tên Giuda” Bùi Tín. “Phải chăng đại
tá Bùi Tín là một nhà dân chủ hay chỉ là một tên bịp?” …”anh ta không chỉ
đại diện cho riêng mình, mà là đại diện cho cả một khuynh hướng cơ hội
chủ nghĩa mang theo tâm trạng hoang mang, dao động, hoảng hốt qua tình
hình sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Aâu và Liên Xô.”
Báo Hà-nội Mới số 16-2-1992
đăng bài của Bùi Biên Thùy nhan đề: “Những luận điệu xuyên tạc và bịp
bợm của Bùi Tín” tố cáo Bùi Tín đủ điều, phủ nhận những gì ông nêu lên trong các bài báo ngoại ngữ ở Pháp, ở Mỹ.
Báo Tuổi Trẻ ở Saigon thì đăng bài của Bùi Văn Tùng chứng minh ông ta mới là người bắt tướng Dương Văn Minh đầu hàng chứ không phải
Bùi Tín. Tác giả bài báo đã dẫn chứng tác phẩm của chính Bùi Tín là
cuốn “Saigon trong ánh chớp chói lọi của lịch sử”, 1978, rồi kết luận:
“Ai có thể tin rằng Bùi Tín, một nhà báo, lại có thể bắt nổi một tổng
thống để rồi buộc tổng thống ấy đầu hàng không điều kiện?” (7)
Giữa
tháng 3 năm 1991, nghĩa là một tuần sau khi bị đảng Cộng Sản Việt Nam
chính thức khai trừ, Bùi Tín đã viết một bài yêu cầu phổ biến khẩn cấp.
Nội dung đề cao tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản của các nước Đông Aâu
và kêu gọi thành lập một chính đảng đối lập có cái tên “Đảng Độc Lập Tự
Do” chẳng hạn”. “Đảng này có thể tiếp nhận những người Cộng Sản tự
nguyện rời đảng Cộng Sản để gia nhập. Đảng đăng ký hoạt động hợp pháp
với ý thức chính trị xây dựng đất nước, vừa đoàn kết hợp tác, vừa ganh
đua với đảng Cộng Sản…”
Ngày
22-6-1991, nghĩa là 2 ngày trước đại hội VII, (đã được hoãn đi hoãn lại
nhiều lần, sau cùng mới ấn định dứt khoát là ngày 24-6-91) người ta
thấy trên tờ Le Monde một bài báo của Bùi Tín kêu gọi các đảng viên
trong nước tiếp tục công cuộc
dân chủ hóa (chấm dứt việc đảng tiếm quyền cai trị) và xét đến việc có
nên “dứt khoát từ bỏ cái chủ nghĩa duy ý chí” (Bùi Tín có ý nói “xã hội
chủ nghĩa” hiện hành) đã gây ra biết bao thất bại không?
Không biết đây có phải là một sự trùng hợp nào đó không,
mà chỉ một tuần sau ngày đám bảo thủ ở Liên Xô thất bại trong cuộc đảo
chính lật Gorbachev (19-8-1991), Bùi Tín đã tuyên bố trên đài Quốc Tế
Pháp RFI ở Paris hướng về Việt Nam rằng ông đã dứt khoát từ bỏ đảng Cộng Sản Việt Nam. Ít ngày sau qua bài phỏng vấn của chủ bút báo Phụ Nữ Diễn Đàn, ông cũng xác nhận điều đó với đồng bào ở Hải Ngoại. Ông còn
nói sẵn sàng hợp tác với người quốc gia chống cộng để “tranh đấu cho
nền dân chủ thực sự, chấm dứt độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt
Nam.” (8)
Gần một năm sau kể từ ngày bản “kiến nghị của một công dân” được phổ biến rộng rãi, Bùi Tín được một nhóm người Mỹ mời sang Hoa Kỳ. Điều không hay cho ông trước con mắt của cộng đồng Việt Nam là khi đặt chân lên đất Mỹ chiều ngày 15-10-1991, ông đã được sử gia thiên tả Stanley Karnow đón về ở nhà ông ở khu Potomac, tiểu bang Maryland, sát thủ đô Washington, gần một tuần lễ. Sau đó ông đi New York, Boston, San Francisco, San Diego, Los Angeles rồi trở lại Washington. Thượng tuần tháng 11 ông trở lại Paris.
Trong 5 ngày đầu tiên, ở thủ đô Mỹ, theo sự hướng dẫn sắp xếp của các ông Stanley Karnow, Đoàn Văn Toại, và tổ chức Asia Society ông đã
đọc nhiều diễn văn, trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của đài phát thanh và
báo chí, hội họp với hết nhóm nọ đến nhóm kia, đi thăm viện bảo tàng,
viện đại học, ngũ giác đài, tường trình ở quốc hội… Ông nói với ký giả Chử Bá Anh rằng mỗi ngày ông chỉ ngủ được 3 giờ. Theo ông Chử Bá Anh thì bài diễn văn đã đuợc ông soạn thảo ở Paris thật cẩn thận, khi sang Hoa Kỳ nhiều cố vấn đã góp ý sửa đi sửa lại và không còn giống nguyên bản nữa. Phải chăng vì vậy mà cộng đồng Người Việt hải ngoại sau đó rất bất mãn với ông về việc ông khẳng định với một số nghị sĩ và dân biểu quốc Hội Mỹ rằng không còn tù binh Mỹ ở Việt Nam, nhất là việc ông khuyến cáo Mỹ nên bỏ cấm vận và sớm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hà-nội, mặc dầu ông nêu lý do là dân chúng đói khổ quá rồi, cần phải cứu dân. Trong số những người ảnh hưởng tới lập trường của ông chắc chắn là có các ông Đoàn
Văn Toại và sử gia thiên tả Stanley Karnow, nguyên là ký giả của tờ
Time thiên tả. Trong “Vietnam, A History”, và nhất là “Vietnam A
Television History”, một bộ phim 13 tập, ông này đã ca tụng Hồ Chí Minh và Cộng Sản miền Bắc, mạt sát chính quyền miền Nam trước 75. (9)
Đến San Francisco Bùi Tín lại được các ông Bùi
Duy Tâm và Trần Văn Ân đón tiếp long trọng trước sự hiện diện của “cựu
quốc trưởng” Nguyễn Khánh, và tướng Nguyễn Khắc Bình, nguyên tổng giám
đốc cảnh sát và Trung Ương Tình Báo thời tổng thống Thiệu. Sự việc này
càng làm Bùi Tín mất tín nhiệm hơn nữa. Nhiều tờ báo ở Cali đã lên tiếng
phê bình ông và cả những người tiếp xúc với ông. Nhiều đoàn thể, trước kia hoan nghênh ông nay cảm thấy thất vọng, họ hủy bỏ các cuộc tiếp xúc dự trù dành cho ông.
Trong số những người Việt Nam đến dự các buổi thuyết trình của ông Tín ở vùng Washington có một số người tên tuổi như các cựu đại sứ Bùi Diễm, Trần Kim Phượng, các ông Phạm Dương Hiển, Lê Xuân Khoa, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Văn của đài VOA, và ông Lê Văn Ba, chủ tịch liên hội Việt Nam vùng thủ đô… Các ông Lê Văn, Lê Văn Ba và Nguyễn Ngọc Bích đều lên tiếng chê trách Bùi Tín, đại ý nói ông này phát biểu không khác gì lập trường của Hà-nội về hai vấn đề then chốt: không còn
tù binh Mỹ ở Việt Nam; Hoa Kỳ nên bãi bỏ cấm vận cho Việt Nam. Vì vậy,
khi trở về Pháp rồi, hoạt động của Bùi Tín ít được cộng đồng Việt Nam
hải ngoại quan tâm như trước. Ngoài một vài cuộc tiếp xúc trong phạm vi
nhỏ, ông thu hẹp hoạt động của ông vào những bài viết cho một số báo Việt ngữ như Phụ Nữ Diễn Đàn, Người Việt, Thế Kỷ 21, Ngày Nay… và mấy tác phẩm ông cho xuất bản sau đó tiếp theo cuốn hồi ký Hoa Xuyên Tuyết đã hoàn thành trước khi ông sang Mỹ, như “Mặt Thật”, “Về Ba Ông Thánh”, “Mây Mù Thế Kỷ”….
Vào hạ tuần tháng 6 năm 1992 người ta có thấy Bùi Tín xuất hiện trong một cuộc hội thảo của “Ủy Ban Dân Chủ” ở Paris. Theo ông Nguyễn
Đăng Dương cho biết trong số báo 102 Phụ Nữ Diễn Đàn, tháng 7 năm 1992
thì cuộc hội thảo này có mục đích tiến dần tới một “hội nghị hiệp thương
ba phe” hậu thuẫn cho nhân dân trong nước. Trong ban tổ chức và thành
phần diễn giả có các ông Đinh
Văn Hoàng (tiến sĩ, nguyên phó khoa trưởng trường đại học khoa học
Saigon, đứng đầu ban tổ chức), Nguyễn Văn Trần, Tôn Thất Long, Phạm
Trọng Chánh, … và Bùi Tín. Ngoài ra, theo Diễn Đàn Phụ Nữ, còn có một số
bài tham luận từ xa gửi tới để đọc hay tóm tắt trong hội nghị của một
số nhân vật không đích thân tới
dự được. Ba phe mà người ta nói đến ở đây là: Phe đối lập trong nước như
Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Hộ, Nguyễn Ngọc Đạt, Nguyễn Ngọc Lan..…và một số
nhà tu như Lê Mạnh Phát, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Chân Tín.
Tuy nhiên danh sách dự trù này không được
đem bàn trong cuộc hội thảo vì “sợ gây tranh cãi dai dẳng”. Phe thứ hai
là chính quyền Cộng Sản trong nước. Và phe thứ ba là cộng đồng người
Việt Hải Ngoại.
Ông Võ Long Triều (10) cũng có mặt trong cuộc hội thảo này. Ông cho rằng các diễn giả chưa có chương trình cụ thể và chưa dứt khoát đủ với Cộng Sản. Nếu có hành động dứt khoát tích cực ông sẽ góp một phần lương của ông. Ông Võ Long Triều đã tường thuật về cuộc hội thảo này trên làn sóng điện của đài Quốc Tế Pháp RFI, chương tình Việt Ngữ. Trong đó ông đã
nói nhiều về diễn giả Bùi Tín: “Đại tá Bùi Tín, bằng giọng hùng hồn,
đầy sức thuyết phục, bằng lời lẽ rõ ràng, đưa ra một khuôn mẫu mà theo ông có thể làm nền tảng cho một giải pháp mai sau.” Sang phần kế tiếp của chương này chúng tôi sẽ trở lại với những lời phát biểu của Bùi Tín, đã được Võ Long Triều trích dẫn.
Đầu năm 1999 vừa qua Bùi Tín lại kéo chú ý của độc giả Việt Nam ở hải ngoại bằng cái mà ông gọi là “một cuộc phỏng vấn thật đặc sắc”. Đối tượng của ông là Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng. Trong bài báo ông đã gián tiếp kết tội hai ông này
về cái chết của hàng triệu đồng bào trong một cuộc chiến đẫm máu, và
cuộc bỏ nước ra đi của hơn triệu người, trong số đó một phần quan trọng
đã bỏ mình trong lòng biển cả. Ông cũng tiết lộ là “hai đại lão khai quốc công thần
của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” này ngày nay “hay đến thăm chùa, thắp
hương trước tượng Phật, và còn thỉnh thoảng ở trong nhà ngồi thiền trước
bàn thờ Phật hàng giờ….”
Phải chăng ông muốn nói hai ông này đã sám hối, theo cách nói của linh mục Chân Tín, (11) và ngỏ ý mong đồng bào xóa tội cho hai ông, trong đó có một người có thể coi như bạn ông? Đúng ra không phải vậy. Bùi Tín muốn hai ông phải trả lời hai câu hỏi hạch tội của ông ta, và còn nói: im lặng cũng là một câu trả lời có ý nghĩa. Như vậy Bùi Tín đã dồn hai ông này vào cái thế kẹt, khó ăn khó nói với quốc dân rồi, trừ phi Võ Nguyên Giáp dám tập trung tàn lực của viên tướng già đứng lên đối đầu với phe bảo thủ đang nắm toàn quyền. Có lẽ đã hết kỳ vọng ở anh hùng Điện Biên rồi ông Tín mới tung ra lời thách đố như vậy.
Mấy điểm chính trong tác phẩm và lời phát biểu của Bùi Tín:
1. Trong số 12 điểm của “bản kiến nghị của một công dân”: chúng tôi chỉ nêu lên đây 4 điểm đáng chú ý:
* Điểm 3: Bùi Tín cho rằng đã có đổi mới nhưng chưa đủ.
* Điểm 4: Hai điểm chiến lược là xây dựng cnxh và bảo vệ tổ quốc xhcn không còn hợp thời nữa. Nhiệm vụ chiến lược bây giờ là xây dựïng và phát triển đất nước.
*
Điểm 6: Tuy cnxh trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã phạm nhiều sai
lầm, nhưng nó cũng làm nên sức mạnh trong chiến tranh giải phóng. Vì vậy
bác bỏ hoàn toàn cnxh cũng sai, mà cứ theo con đuờng cũ cũng sai. Phải
tìm ra một hướng mới.
* Điểm 7: Nên đổi tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và tên đảng thành Đảng Lao Động Việt Nam.
2.
Trong số những ý kiến Bùi Tín nêu lên trong các cuộc phỏng vấn, nhất là
cuộc phỏng vấn dài 200 phút dành cho phái viên đài BBC chúng tôi cũng
chỉ xin chọn ghi lại đây vài ý nổi bật.
Về giới lãnh đạo:
“Phần lớn họ sống giản dị, họ có những nỗi lo cho đất nước. Đặc quyền đặc lợi ở số đông họ nếu có cũng thật ra không có
gì to lớn so với các nơi khác. Về quá khứ của họ tôi thật sự tôn trọng,
họ đã vào tù ra tội trong hoạt động cách mạng, nhưng họ có những hạn
chế khách quan về trình độ văn hóa.”…”Đó không phải là tội lỗi của họ. Chúng ta không thể đòi hỏi hơn, cho nên lên án, chê trách, phê phán là không thực tế.”
Về tiềm năng lãnh đạo trong nước:
“…tôi nghĩ ở Việt Nam nhân tài không thiếu.
Thay đổi quan niệm cho thật thích hợp với nhân tài và thay đổi cách
tuyển chọn nhân tài thì sẽ tìm ra, và có thể tìm ra không ít.”
Đáp câu hỏi có sợ bị lên án là chống đảng, bất mãn,phản động không? Ông nói rất lâu, đại ý:
“Tôi không chống đảng, tôi yêu lý tưởng của đảng: công bằng xã hội, giải phóng con người trên thế giới đại đồng…Tôi không bất mãn…vì tôi quen sống giản dị. Cả gia tài tôi chỉ có một chiếc xe đạp đáng giá bằng 200 quan… Không gì
hấp dẫn và sung sướng bằng được sống trên quê hương mình, giữa bè bạn
mình ở trong nước. Cho nên tôi dứt khoát sẽ trở về trong vài tháng…Dù
biết rằng sẽ bị trừng phạt…bị kỷ luật, tôi vẫn trở về và chấp nhận mọi
hậu quả về việc mình làm.”
Về nỗi đau buồn sau khi chiếm được miền Nam:
“Nỗi đau thứ hai của tôi là chủ trương hòa giải và hòa hợp dân tộc được công bố hồi đó, nhưng cuối cùng cũng không được thực hiện trên cơ bản.”
Về di chúc của ông Hồ bị cắt xén:
“Vấn đề này rất lớn….Ông Vũ Kỳ cùng với tôi đưa ra…, toàn bộ di chúc của cụ Hồ Chí Minh, một cách đầy đủ ra trước quốc dân. Di chúc này không thể cắt xén đi được.”
Bùi Tín nói ông làm vậy vì hai lý do: ông Hồ có dặn phải chính đốn lại đảng, phải giảm thuế cho đồng bào, cho nông dân.
“Quốc hội năm ngoái đã quyết định giảm thuế 50% mỗi năm cho nông dân và giảm trong hai năm. Cái đó cũng là một việc do chúng tôi làm và đã đạt được kết quả tốt đẹp.”
Về nguồn gốc và triển vọng của bản kiến nghị:
“Trước kia chúng tôi có tật xấu không quen nghĩ khác, ngược những điều đã được quyết định một cách chính thức.” “…Thế nhưng vào lúc ấy có người thấy sai nhưng không dám nói”
Về việc xây dựng đất nước, ông nói nên xây ngôi nhà trên nền tảng đoàn kết toàn dân, cởi mở, dân chủ, đối thoại với nhau.
“Ngôi
nhà ấy phải mở rộng cửa ra bên ngoài theo cả bốn hướng… Phải tiếp thu
nguồn gió mát tức những nghiệp quý của tất cả các nước có chế độ chính
trị khác nhau,,,”
Về liên hệ chính trị của mình:
“Tôi không thuộc một tổ chức, không tham
gia một nhóm chính trị nào ở bên ngoài cả. Tôi vẫn tự coi mình là đảng
viên chân chính. Điều này có làm cho tôi sống chật vật, tôi rất lẻ loi,
rất cô đơn, nhưng tôi cam chịu….Nhưng do quan hệ xã hội rất rộng rãi của
một người làm báo, có thể nói tôi quen thân với anh chị em phóng viên
các báo..đài…Tôi có rất nhiều bạn bè tốt hiện đã về hưu hay còn ở trong
quân đội và các cơ quan nhà nước. Tôi cũng quen biết hầu hết các đại
biểu quốc hội, bộ trưởng, thứ trưởng… Tôi thấy một số người cũng có một
vài chính kiến mong muốn như tôi. Họ đều ở trong hoàn cảnh khó nói lên
chính kiến của mình.”
Trả lời Đỗ Văn về vị thế của đảng Cộng Sản V.N. và chế độ xã hội chủ nghĩa:
“…Còn bảo đảng Cộng Sản hiện nay không còn đủ khả năng lãnh đạo nên xuống đài, nhường chỗ cho tổ chức khác lãnh đạo, thì không thực tế và nguy hiểm. Vì hiện nay không có tổ chức chính trị nào khác cả. Cũng có thể nói, hầu hết những người ưu tú trong công nhân, nông dân, trí thức và quân đội đều đã ở trong đảng cả. Đây là một thực tế hiển nhiên cần phải nhận rõ.”…”Chủ nghĩa tư bản với bất công xã hội, chênh lệch quá đáng giữa người giầu và người nghèo, bóc lột lao động quy mô lớn, là việc không thể chấp nhận được. Chỉ nên chọn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội như thế nào, là một vấn đề còn phải ra công nghiên cứu kỹ….
“Trào lưu xhcn hiện nay rất rộng”…
Ông kể ra một lô hình thức xhcn ở những nước: Bắc Âu, Miến Điện, Ấn Độ, Pháp… chứng tỏ ông hiểu cnxh khác với những người lãnh đạo đảng Cộng Sản trong nước. Ông còn nhấn mạnh:
“Rồi
cũng phải dứt khoát từ bỏ những sai lầm trong xây dựng xhcn ở nước ta
trước đây: coi nhẹ sức sản xuất, cải tạo quan hệ sản xuất một cách vội
vàng, gò ép, tệ quan liêu bao cấp….”
Trả
lới Chử Bá Anh: Ngày 7-9-1991, nghĩa là 10 tuần lễ sau đại hội VII của
đảng và 3 tuần sau khi cuộc đảo chính lật tổng thống Gorbachev của Liên
Xô thất bại, ông Bùi Tín đã dành
cho chủ bút Chử Bá Anh của nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn 60 phút phỏng
vấn, trả lời về 5 vấn đề, trong đó có đại hội đảng và cuộc đảo chính hụt
nói trên.
Về đại hội VII:
“Trước
hết đây là một đại hội rất độc đoán. Tất cả các ý kiến xây dựng có hiểu
biết đều bị gạt bỏ….Chính trị thì vẫn chế độ độc đảng, vẫn giữ con
đường của chủ nghĩa xã hội. Cái mới là do lập luận không có
lý, cho nên họ chỉ đưa ra được lý do con đường xã hội chủ nghĩa là con
đường duy nhất đúng đắn vì đã do bác Hồ lựa chọn. Họ lại lợi dụng uy tín
còn lại của ông Hồ Chí Minh
trong nhân dân để bảo vệ con đường đã bế tắc.”…Tất cả 146 ủy viên trung
ương đảng được bầu (100 cũ, 46 mới) “đều là những người bảo thủ cũ kỹ”.
“Tất cả 13 ủy viên bộ chính trị đều giống nhau ở tư tưởng bảo thủ, giáo
điều không biết phục thiện. Ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải có chút ít quan điểm cởi mở về kinh tế, nhưng căn bản vẫn là bảo thủ cả về kinh tế và chính trị.”
Về sự sụp đổ của các nước Đông Âu:
“Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê-nin, chủ nghĩa xã hội trên thực tế đã phá sản. Đó là điều tất yếu. Nó đã tỏ ra không còn có thể đổi mới được, không thể phục thiện được nữa.”
- Ông có định trở về nước không?
- Tôi nhất định sẽ trở về nước. Tôi không hề xin cư trú chính trị.
-
Tôi chỉ mong là những người lãnh đạo ở V.N. sẽ thức thời nếu họ hiểu rõ
cái xu thế tất yếu đó, họ sớm từ bỏ độc quyền, thì may ra họ còn có thể
vớt vát được chút ít. Nếu không thì họ sẽ thất bại một cách thảm hại và nhục nhã.
Về việc từ bỏ đảng:
“Tôi không còn
là đảng viên Cộng Sản. Đã 15 năm nay tôi hoài nghi và mất niềm tin ở
chủ nghĩa Mác Lê-nin, ở đảng Cộng Sản. Trước đây tôi còn ở lại trong
đảng là nhằm để thức tỉnh một số đảng viên lương thiện còn ở trong đảng,
nay họ đã khai trừ tôi, tôi không chút băn khoăn luyến tiếc. Như vậy lại càng tốt cho tôi.”
Trả lời câu hỏi: “Nếu các hội đoàn quốc gia hải ngoại mời hợp tác, ông có tham gia?”
-
Tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả những tổ chức hoặc cá nhân cùng chung
một chính kiến là đoàn kết toàn dân, đấu tranh cho nền dân chủ thực sự,
chấm dứt độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản VN.”…”Chúng ta phải giữ
lập trường đa nguyên…Tôi nghĩ là trong mặt trận chung, đã là dân chủ thì
phải tôn trọng nhau và phải có quan điểm đa nguyên về chính kiến.”
Ông Chử
Bá Anh hỏi Bùi Tín tổng cộng 27 câu hỏi, thời lượng một tiếng đồng hồ. Ở
đây chúng tôi chép lại nguyên văn câu hỏi thứ 18 và toàn bộ câu trả lời
của ông Bùi Tín, vì nhận thấy chỗ tế nhị, phức tạp của vấn đề: xem ra lập trường của ông không thống nhất, nhưng đọc kỹ thì thấy không phải ông không có cơ sở:
- CBA: “Ông nói rằng lập trường của ông trước sau vẫn thống nhất, nhưng có hai điểm căn bản khác nhau. Đó là khi ông viết bản kiến nghị thì ông nhân danh đảng viên đảng Cộng Sản V.N., và ngày nay khi chúng tôi đang phỏng vấn ông thì ông lại ở một cương vị khác, vì ông đã
tuyên bố dứt khoát là từ bỏ tư cách đảng viên của đảng Cộng Sản V.N.
rồi. Và như thế có phải đã có sự khác biệt về lập trường ở nơi ông không?”
-
Bùi Tín: “Tôi đã nói rõ là tôi hoàn toàn mất tin tưởng ở sự lãnh đạo
của đảng từ lâu rồi, có thể nói là từ 15 năm nay. Tôi đã thử kiến nghị
bao nhiêu lần mà họ không tiếp
thu, họ tỏ ra rất là ngoan cố. Kiến nghị tháng 11 năm ngoái là tôi thử
một lần cuối cùng. Khi viết bản kiến nghị tôi phải lấy danh nghĩa đảng
viên và nhấn mạnh tôi là đảng viên đảng Cộng Sản, cốt là để giữ mối quan
hệ với những đảng viên mà tôi đã nói là những đảng viên lương thiện
trong đảng, bởi vì có làm nên được chuyện gì trong nước thì chủ yếu vẫn
là nhân dân và một phần đảng viên cùng hợp sức với nhau mà làm–một phần
mà tôi nói đó là độ 1/10 đảng viên lương thiện.–Cho nên , nếu tôi tự ý
ra khỏi đảng thì tôi mất thế đứng của tôi, nhất là người ta sẽ bảo tôi
là phản bội, người ta sẽ bảo tôi là kẻ bỏ trốn, kẻ hèn nhát bỏ chạy. Thế
cho nên tôi chờ cái quyết định họ khai trừ tôi. Như vậy các đảng viên
thuộc thành phần lương thiện thấy rằng tôi đã không phụ họ. Tôi không hề có sự luyến tiếc hay kiện cáo gì, khi những người lãnh đạo đảng Cộng Sản đã đẩy tôi đi. –Họ là những người không phục thiện. Tôi đã cố lấy lương tâm để thuyết phục mà họ không nghe, đấy là trách nhệm của họ. Điều đó tôi không băn
khoăn gì cả, vì vậy tôi nói vẫn thống nhất lập trường là thế. Từ trước
tới nay tôi vẫn theo đuổi con đường đấu tranh cho dân chủ cho đa nguyên.
Khi còn ở trong nước cũng như khi mới sang đây, không tiện
tổ chức một tổ chức chính trị mới, bởi vì điều đó rất nguy hiểm trong
điều kiện hiện nay, họ sẽ kết tội tôi về những tội nặng nhất là phản bội
tổ quốc để mà ngăn chặn tôi. Cho nên con đường, chiến thuật tôi đi như
thế là thích hợp.
Về việc làm trong quá khứ, Bùi Tín nhận khuyết điểm:
“Tôi
là người sống rất ngay thẳng, trung thực. Tôi nhìn nhận là đã đóng góp
vào những phần tội lỗi của đảng Cộng Sản khi tôi có chức có quyền. Thế
nhưng tôi đã sớm tách rời họ, có một khoảng cách với họ, và chính vì thế
họ chỉ xử dụng tôi bằng cách tận dụng những khả năng của tôi nhưng luôn
luôn nghi ngờ tôi, vừa sử dụng, vừa hạn chế, vừa kiểm soát tôi.”
Sau
khi Liên Xô sụp đổ và truớc khi sang Mỹ theo lời mời của một số nhân
vật Mỹ, như đã nói trên, Bùi Tín có viết một bài báo nhan đề “Sự phản
bội của một cuộc cách mạng.”:
“Tính cách mỉa mai và bi thảm của tình trạng này là chính những người Cộng Sản đã hoàn tất công tác
mà bộ máy chiến tranh của Mỹ đã chỉ làm được một phần trong thời chiến:
Họ đã nghiền nát đất nước Việt Nam và như vậy đã phung phí những thành
quả mà một triệu quân sĩ của chúng tôi và hàng hà sa số người dân đã hy
sinh tính mạng để đạt được.” Và: “Tôi tin chắc rằng tôi có thể hoạt động
ở bên trong một cách kín đáo, cùng với những người khác chia sẻ những
lo âu của tôi để thuyết phục các lãnh tụ rằng cần phải có những cải tổ
sâu rộng. Tôi đã lầm. Đảng Cộng Sản bị ám ảnh bởi việc lo tự bảo vệ nhất
định không chịu chấp nhận những bất đồng ý kiến….” …”lúc đó tôi không có
ý định đào ngũ và quả thật tôi muốn trở lại Hà-nội để tiếp tục cuộc vận
động của tôi. Nhưng các thân hữu của tôi cho biết tôi sẽ không được
an toàn sau khi tôi đã bị tố cáo là tên phản bội và bị khai trừ ra khỏi
đảng Cộng Sản.” …”Mặc dù tôi đã bị khai trừ nhưng tôi không dứt khoát thù nghịch đảng c.s.V.N. trong đó có một số nhỏ đảng viên quyết tâm lương thiện, nhìn xa trông rộng và họ thấy rằng cần phải thực sự đổi mới.”
Về thành phần lãnh đạo mới sau đại hội VII:
“Mục
đích của những người này là bám lấy chức vụ của họ. Vì thế cho nên viễn
tượng có được một cuộc đổi mới toàn diện thực là mơ hồ.”
Trong bài tường thuật trên đài phát thanh Quốc Tế Pháp RFI về cuộc hội thảo về giải pháp ba thành phần nói trên, ông Võ Long Triều đã trích dẫn một đoạn vắn bài thuyết trình của Bùi Tín mà ông cho
rằng rất hùng hồn, mạnh mẽ: “… Giải pháp đó phải chuyển biến từ độc
đảng sang đa nguyên, đa đảng, hợp với lòng dân, hợp với bộ phận lương
thiện còn ở trong đảng Cộng Sản, hợp với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại,
hợp với sự mong nuốn của thế giới. Một giải pháp không cần bạo lực, không gây hỗn loạn, xung đột, đổ máu. Nhưng nó vẫn mang tính chất cách mạng sâu sắc.”
Ông Võ
Long Triều nói, theo Bùi Tín thì trở ngại lớn nhất là lãnh đạo ở Hà-nội
cố bám lấy quyền lực vì họ cảm thấy họ mắc nợ với đất nước quá nhiều,
toàn nợ máu. Họ bị dồn vào chân tường để cố thủ. Để giải tỏa nỗi lo sợ
của họ, những người dân chủ phải đánh giá tình hình một cách khoa học,
tỉnh táo, công bằng. Ông Triều
nói tiếp: “Cũng theo đại tá Bùi Tín, những người du nhập chủ thuyết
Cộng Sản vào Việt Nam đều đã qua đời. Những người lãnh đạo hiện nay vừa
phạm sai lầm, vừa là nạn nhân, dân chúng có thể xóa bỏ miễn là họ nhận
tội và xin lỗi quốc dân.”
1. Từ ngày bỏ nước ra đi Bùi Tín đã có 4 tác phẩm đáng chú ý:
Hoa Xuyên Tuyết (1992), Mặt Thật (1995), Về Ba Ông Thánh, và Mây Mù Thế Kỷ (1998). Ngoài ra ông cũng
có một cuốn bằng Anh Ngữ xuất bản ở Luân Đôn: “Following Hô Chi Minh”.
Sau đây chúng tôi xin trưng dẫn ít đọan trong 3 cuốn: Hoa Xuyên Tuyết,
Mặt Thật và Mâu Mù Thế Kỷ.
A. Hoa Xuyên Tuyết.
Trong
tháng đầu năm1992 nhà xuất bản Saigon Press đã tung ra những tờ quảng
cáo hấp dẫn cho cuốn hồi ký chính trị này với những câu hỏi giật gân:
“Bùi Tín là con bài của Hà-nội? Bùi Tín muốn cứu đảng hay cứu nước? Bùi
Tín có còn là Cộng Sản không?
Bùi Tín là Yeltsin Việt Nam? Bùi Tín là một tiếng nói cho dân chủ? Hay
Bùi Tín là gì khác?” Tờ quảng cáo cũng bảo đây là những chuyện “Thâm
cung bí sử” của cấp lãnh đạo Việt Nam. Nguyên cái nhan sách đã thấy có
gì mới lạ và kéo chú ý người đọc. Vì vậy cuốn sách này là một trong hai
cuốn sách Việt ngữ đầu tiên mà tôi đọc khi mới tới Mỹ chưa được 3 tháng.
Cuốn kia là Hoa Địa Ngục, của Nguyễn Chí Thiện. Cả hai cuốn đều có bầy
trong ngăn “Sách Việt Ngữ” của một thư viện Mỹ mà tôi lui tới. Hoa Địa
Ngục và Hoa Xuyên Tuyết đều gợi nhớ tới hoa máu (“Huyết Hoa”) của Lý Đông A.
Nhưng trong ba thứ hoa, thì đối với tôi Hoa Xuyên Tuyết quyến dũ hơn.
Có nhiều lý do. Nhưng lý do đáng nói ở đây là vì nó nói lên nỗi lòng của
một người đã để phần lớn cuộc đời phục vụ ảo tưởng xhcn, đến nay mới
chồi lên được từ băng tuyết. Ngở ngàng, ưu tư, khắc khoải, trăn trở, ân
hận, sám hối:
“Từ
sau 1975…Đã bao lần tôi thầm thốt lên: Ôi! Số phận của con người! Cuộc
chiến tranh đã hao phí hàng triệu sinh linh, đều là con em đất Việt,
đồng bào ruột thịt cả. Để làm gì? Để đến nỗi này chăng? Nói là giải
phóng đất nước, giải phóng đồng bào, mà sao hàng trăm ngàn người lại
phải vào tù…Nhân danh lẽ phải? Nhân danh lẽ công bằng?
Nhân danh Cách Mạng? Tôi chẳng sao lý giải nổi nữa! Và cách mạng hy
sinh chiến đấu để làm gì? Để sau toàn thắng cuộc sống của dân ta còn lầm
than bi đát hơn cả thời chiến tranh…” (tr.12)
“Đã
hơn 15 năm nay, cho đến tận hôm nay, khi cầm bút để khởi đầu một cuốn
sách, tôi cảm thấy ngày càng rõ ràng và sâu sắc nhân dân Việt Nam đang
là cả một khối bất hạnh lớn trên thế gian này. Nỗi đau này không của riêng ai, nó ắt phải có căn nguyên của nó. Hay là ông cha ta đã phạm tội gì tầy đình lắm để con cháu ngày nay phải gánh chịu món nợ tiền kiếp? Ắt không phải như vậy. Đã mấy năm nay tôi cố tìm ra lời giải… (trang 5)
Các
bạn hãy coi đây là tâm sự, là lời tâm huyết của một người đi trước nhận
tội lỗi của thế hệ mình, của chính mình trước thế hệ trẻ thân yêu và
tin cậy.”(trang 6)
Cũng
như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín đã nói rất nhiều về những nhà lãnh đạo, từ Hồ
Chí Minh trở xuống cho đến Nguyễn Văn Linh và cả một số cấp bộ, thứ
trưởng và tướng lãnh Cộng Sản. Ông nói một cách bình tĩnh, khen lẫn chê, không hằn học cũng không kiêng nể.
Đối với ông Hồ Chí Minh, ông vẫn giữ tình cảm tốt không nghĩ ông Hồ giả hình, đóng kịch. Mà là “cách ứng xử có văn hóa, có tình cảm thật ở một con người “rất người”, lại lịch lãm.” Về chuyện ông Hồ có vợ Bùi Tín còn viết: “Tôi rất thích thú được nhà sử gia Pháp D. Hemery cho biết ông Hồ
đã có thể hai lần có vợ. Đó là cô đảng viên đảng xã hội Marie Brière ở
Paris (vào cuối những năm 1920) và cô nữ hộ sinh Tăng Tuyết Minh ở Quảng
Châu Trung Quốc tháng 10 năm 1928.”
Nhưng Bùi Tín không dám nói ông Hồ hoàn toàn vô tội trong cải cách ruộng đất, mặc dầu ông bào
chữa: do áp lực của các cố vấn Trung Quốc: “…do ý thức sùng bái Trung
Quốc rất phổ biến lúc bấy giờ, bởi thái độ mù quáng tự ty mà theo tôi ông Hồ cũng phạm phải.” (trang 112-113)
Về Trường Chinh ông khen
là người có nhiều đức tính tốt và rất cẩn thận trong khi viết cũng như
nói, nên đã nhận thêm một bí danh là “Thận”, bên cạnh bí danh “Nhân”.
Nhưng Bùi Tín cũng thuật lại câu chuyện sau đây thật buồn cười cho thấy ông Đặng Xuân Khu đã mãn nguyện vì những cái rất ư tầm thường: “Một hôm khi kể xong, khi chờ ăn cơm, ông kéo
riêng tôi vào buồng ngủ (đây là biệt dinh 1, nơi nghỉ của vua Bảo Đại
và gia đình hồi xưa), chỉ chiếc giường có nệm gấm vàng thêu rồng và chăn
vàng thêu phượng cùng với hai chiếc gối gấm vàng, chúm miệng lại, nói
rất nhỏ như để khoe: Chú vào đây, chú biết không,
đây là phòng ngủ, kia là giường, nệm, chăn gối của vua Bảo Đại và hoàng
hậu Nam Phương đó! Lúc ấy bà Trường Chinh ngồi ngay trên chiếc ghế ở
trong phòng.” (trang 131)
Về Phạm Văn Đồng:
“Tôi có một sự kính trọng và quý mến từ lâu. Ông được
cán bộ và nhân dân quý trọng về cách sống giản dị, thái độ ngay thật,
có văn hóa…Nhưng nhiều anh chị em trí thức vừa thương lại vừa chê ông vì sự nhu nhược …Tôi đã nghe ông than đến 6 lần: Tôi là thủ tướng nhiều tuổi nhất, nhưng cũng là thủ tướng bất lực nhất! Rồi ông trần tình: Tôi không có quyền, tôi nói mà chẳng ai nghe- Cả đến thay đổi một thứ trưởng, tôi đề nghị thôi mà cũng không được, chưa nói đến chọn bộ trưởng!” (trang 133)
Võ Nguyên Giáp là người được Bùi Tín khen hơn cả.
“Tôi còn nhớ hôm ấy, 7-5-1975…một viên tướng trong ủy ban quân quản ngỏ lời (với ông Giáp):
“Thưa anh, chúng tôi có chiếc đàn dương cầm loại tốt lấy được trong căn
cứ quân sự, xin để gửi anh chơi thử”. Tôi thấy đại tướng Giáp nổi giận,
quắc mắt: Sao lại vậy? Không được! Tôi mà nhận đàn dương cầm thì anh em khác nhận gì. Không được, kỷ luật chiến lợi phẩm phải nghiêm từ trên xuống dưới”. Tôi càng quý thêm ông Giáp hôm ấy.”…Chính tư duy khoa học, giỏi biện chứng pháp Mác xít từ tuổi trẻ đã giúp ông chỉ huy và lãnh đạo quân đội rất nhanh nhậy và sâu sắc…”
Về việc tranh chấp giữa ông Giáp và Lê Duẩn, Bùi Tín viết:
‘Khá đông cán bộ và đảng viên nghĩ rằng, hồi đại hội V ông Giáp bị đưa ra khỏi bộ chính trị là do “sáng kiến” của các ông Lê Duẫn và Lê Đức Thọ, và để cho khỏi quá lộ liễu, ông Giáp
bị đưa ra cùng với các vị khác: Nguyễn Văn Linh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn
Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn…theo cách dung dăng dung dẻ, chúng ta cùng
nhảy…ra!”
Bùi
Tín còn nói nhiều về những nhân vật khác như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức
Thọ, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch, Hồng Hà… và sau chót là Trần Văn Trà và
Trần Xuân Bách. Trần Xuân Bách ban đầu là đàn em của Lê Đức Thọ rất bảo
thủ, đã được Thọ đưa vào Bộ Chính Trị nhưng sau lại trở thành người cởi
mở, “cấp tiến” đến độ vì thế mà bị loại. Vì vậy tôi ghi lại đây mấy hàng
của bùi Tín để độc giả biết qua về nhân vật này.
Trần Xuân Bách là người được Bùi Tín nói đến nhiều nhất (gần 5 trang sách):
“Ông Bách quê ở Hà Nam Ninh, cùng tỉnh với Lê Đức Thọ và Nguyễn Cơ Thạch…Sau khi làm phó bí thư tỉnh ủy ông lên cơ quan trung ương làm trưởng ban tôn giáo của chính phủ…Về sau ông làm chánh văn phòng trung ương đảng. Năm 1980, ông được
cử sang Kampuchia làm trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam, bí thư đảng ủy
của Đoàn. Đây là chức vụ rất quan trọng khi vấn đề xây dựng khối liên
minh đặc biệt ba nước Đông Dương được đặt ra. Chính nhiệïm vụ này làm cho ông được ông Lê Đức Thọ, người phụ trách công tác tổ chức (trong đó việc sắp xếp cán bộ là việc lớn nhất), và cũng là người đảm nhận chức vụ giúp đỡ Kampuchia tín nhiệm thêm. Ông được đưa vào bộ chính trị ở đại hội V và vào ban bí thư và bộ chính trị ở đại hội VI (12-1986). Ông là ủy viên bộ chính trị trẻ nhất, ở tuổi 60 hồi ấy. Ngay sau đại hội VI ông được phân công những phần việc sau đây: quan hệ với hai nước Lào, Kampuchia, quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam với các đảng Cộng Sản và công nhân chưa giành
được chính quyền, chỉ đạo ban đối ngoại trung ương và ban Việt kiều
trung ương. Có một điều ít ai được biết là từ giữa năm 1987 ông được bộ chính trị giao thêm một việc nữa: làm công tác thông tin
cho bộ chính trị: nghĩa là thu thập tình hình trong và ngoài nước, đọc
các sách báo tin tức từ nước ngoài để tổng hợp và báo cáo cho các ủy
viên bộ chính trị khác. Ông tập họp một nhóm nghiên cứu trong văn phòng làm việc của ông gồm có 6 cán bộ chuyên thu thập sách báo các nước (Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Thái Lan, Hồng Kông…), đọc, lược dịch các sách báo tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa…và làm các bản tóm tắt. Ông cũng trực tiếp xử dụng các cơ quan thông tin của ủy ban khoa học xã hội và của thông tấn xã Việt Nam. Văn phòng của ông trở thành nơi có nhiều sách quý và sớm nhất…”…”Do những nguồn thông tin phong phú, mới mẻ và kịp thời như thế, quan điểm của ông Trần Xuân Bách thay đổi “xanh lại, trẻ lại”, theo tôi nghĩ….”….”Ông cho
rằng trong xã hội có ba loại nhân vật: nhân vật chính trị, nhân vật
khoa học, nhân vật kinh doanh. Ở Việt Nam hiện thiếu nhân vật kinh
doanh, cần quan tâm bồi dưỡng….Khủng hoảng kinh tế, xã hội đã đụng tới
đáy và đang manh nha khủng hoảng chính trị. Đầu năm 1989, sức mua của
đồng tiền giảm 3.300 lần so với năm 1976, tiền phát hành thêm để lưu thông đã đưa khối lượng tiền trong xã hội năm 1988 gấp 175,5 lần so với năm 1980.
“Ông kết
luận: hai động lực, hai sức bật trong lịch sử nhân loại là hàng hóa thị
trường và dân chủ đa nguyên–ở V.N. cả hai mặt ấy đều chưa thành động
lực….
“Cuối năm 1989, khi họp hội nghị trung ương lần thứ 7, ông Trần
Xuân Bách đọc tham luận và nhấn mạnh: Phải đi trên hai chân, chân kinh
tế đi mạnh vào kinh tế hàng hóa, phát triển thị trường và chân chính trị
là đi mạnh vào áp dụng dân chủ rộng rãi, chấp nhận đa nguyên. Ý kiến
của ông bị bác bỏ, bị coi là quá khích nguy hiểm. Ông đã tuyên bố bảo lưu ý kiến….” (tr.150-155).
Đó là lý do ông Bách bị thất sủng. Trước khi bị loại khỏi bộ chính trị, ông đã
bị những uỷ viên “có quan điểm cứng nhắc, mang tính giáo điều cực đoan
nhất”, như Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hà Phan, Nông Đức Mạnh phê bình một cách gay gắt.
Về
việc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ, Bùi Tín có nói đến những nạn
nhân Lê Trọng Tấn, hai cha con Phan Bình, Hoàng Văn Thái (bố vợ Võ Điện
Biên, con trai Võ Nguyên Giáp)… đã bị đột tử một cách bí mật, mà bạn đọc
đã biết qua chương 5 (Vũ Thư Hiên ) của soạn phẩm này. Tuy Bùi Tín không dám khẳng định đó là những vụ ám sát tàn ác và đê tiện, nhưng cách ông trình bày cho thấy đã có nhiều nghi vấn. (trang 191-193)
Về cách mạng Trung Quốc và Mao Trạch Đông:
“Rồi đến cảnh đấu tố trong cách mạng văn hóa vô sản. Rất Tầu nghĩa là ầm ĩ, xô bồ, ồn ào, bát nháo, số đông theo
nhau, lôi kéo nhau… Một tỷ người, một tỷ cái đầu tuân theo một hiệu
lệnh. Mọi ho hoe chống đối lập tức bị coi là phản bội, đáng nhổ vào mặt,
đáng đội mũ lừa dong trên đường để mọi người mắng mỏ, xỉ vả, nguyền
rủa.
“Tôi đã thu được biết bao tài liệu Trung Quốc ở Kampuchia, từ hiệp định quân sự ký giữa hai nước hồi 17-7-1976, về công binh Trung Quốc sang xây dựng sân bay Kompong Chang, dài rộng nhất Đông Nam Á; về lời khen của Mao Trạch Đông khi xiết chặt và lắc đi lắc lại bàn tay đẫm máu của Pôn Pốt: “Xin chúc mừng! Hảo, hảo à -Các đồng chí đã lập nên kỳ công của
lịch sử, diệt hết bọn tư bản, bọn địa chủ bóc lột, bọn tay sai phản
động chỉ trong một thời gian ngắn! Hảo a, hảo a!” Một cuộc cách mạng
bằng gậy, bằng vồ, bằng cuốc đập vào đầu hàng triệu con người! Nhân danh
chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng Sản thuần chất, trong sạch nhất, nhân
danh chủ nghĩa Mác Lê-nin, những định tạo nên mẫu mực cho cách mạng thế
giới.” (trang 201-202)
Về
những cuộc thanh trừng những thành phần bị kết tội oan là “chống đảng”,
“chống lãnh đạo”, “chống chủ nghĩa xã hội”, “xét lại”, “phản động”, “bị
thực dân và đế quốc mua chuộc”… Bùi Tín “thét lên” (trang 158-159):
“Qua cuốn sách này tôi lại xin thét lên một tiếng nói đòi công lý và công bằng
xã hội cho các vị sau đây: các tướng Đặng Kim Giang, Nguyễn Vinh, Lê
Liêm; các đại tá Đỗ Đức Kiên, Nguyễn Minh Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Nguyễn
Hiếu, Phan Hoàng; các giáo sư Bùi Công Trừng,
Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh; các nhà báo Hoàng Thế Dũng, Nguyễn Kiến
Giang, Quang Hân, Mai Luân, Mai Hiến, Định Chân, Trần Thư, Khắc Tiếp,
Hồng Vân….các văn nghệ sĩ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán,
Nguyễn Bính, Hữu Loan, Minh Quang, Quang Dũng, Trần Châu, Trần Đinh, Hà
Minh Tuân, Việt Phương, Anh Chính, Sỹ Ngọc,Văn Cao, Từ Phác, Đặng Đình
Hưng, Trần Lê Văn, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh; bộ trưởng Ung Văn Khiêm;
vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh; các đại tá Ngọc Bằng, Cao Nham, Đỗ Trường,
Nguyễn Trần Thiết bị giữ, bị xét hỏi sau đại hôi đảng toàn quân năm
1986; vụ các vị tướng ở học viện quân sự cấp cao bị chất vấn, điều tra
hồi đó (do cục bảo vệ quân đội tiến hành) cũng cần được kết luận công khai, minh bạch, theo đúng thủ tục pháp luật. Vụ ông Tạ Đình Đề, nguyên chỉ huy các lực lượng đặc biệt nội thành, sau ở tổng cục đuờng sắt bị giam giữ quá lâu, ra tòa không kết án được, đến nay vẫn không được kết luận! Trên đây có một số người đã mất; họ nhắm mắt trong oan ức và uất hận. Đây cần được coi là một nỗi đau của mỗi công dân
lương thiện. Thật đáng buồn là chưa có một đại biểu quốc hội nào chất
vấn nhà nước, và đảng về những vụ vi phạm pháp luật, ngang nhiên xâm
phạm quyền công dân như trên. Vậy mà họ cứ nói thao thao bất tuyệt về: lấy dân làm gốc! Sống theo luật pháp! Công bằng xã hội! Con người mới! Con người mới thật sự không bao giờ vô trách nhiệm, mặc kệ những nỗi oan trái và bất công của
đồng bào mình. Vì lẽ phải có sự quan tâm chung và cũng vì lẽ: hôm nay
họ chà đạp lên quyền sống của anh, thì ngày mai họ sẽ có thể chà đạp lên
quyền sống của tôi! Không ai cảm thấy an toàn cả!”
B. Ba năm sau cuốn Hoa Xuyên Tuyết, Bùi Tín cho ra thêm cuốn “Mặt Thật” gồm 4 phần: Cỗ Máy Nghiền. Những Hồ Sơ chưa thể khép. Nomenclature VN. Và Để Cất Cánh. Trong đó ông dùng trí nhớ của mình và những tài liệu mới nhất mà ông có dịp tiếp cận kể từ khi ông rời
Việt Nam và bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản, để chứng minh thực chất của
chủ nghĩa Mác-Lê-nin, lột mặt nạ của những người trụ cột trong các
chính quyền Cộng Sản ở Liên Xô, Trung Quốc, và Việt Nam.
Về cá nhân Mác ông ghi
nhận là trong khi tượng Staline bị hạ năm 1956, tượng Lê-nin bị kéo sập
năm 1990, kể cả pho tượng cao 6 mét ở thủ đô Ethiopia, thì tượng Mác ở
Berlin vẫn không bị phá và ở Tây Đức còn có cả một con đường mang tên Mác. Vì dầu sao người Đức cũng tự hào về những công trình tư tưởng của Mác. Nhưng ông viết:
“Cái
sai lầm lớn nhất của Mác có lẽ là ở phần Duy Vật Lịch Sử…Cái sai nữa
của Mác là cho rằng chủ nghĩa đế quốc là sự phát triển tột đỉnh của chủ
nghĩa tư bản, tới mức phát triển đó là chủ nghĩa tư bản đi xuống để bị
diệt vong….Cái sai lớn nữa của Mác là đề cao một chiều bạo lực, và
chuyên chính vô sản…Luận điểm về bần cùng hóa tuyệt đối giai cấp công nhân cũng là một luận điểm sai lầm do suy luận chủ quan có tính chất giáo điều…” (13)
Bùi Tín còn viết: “Những thiếu sót khác của chủ nghĩa Mác thì có nhiều…” Nhưng ông cho rằng phần lớn là do sau khi Mác chết người ta đã tâng bốc, thần thánh hóa ông. Chứ nếu ông sống lâu hơn thì “chắc chắn ông đã bổ sung, sửa chữa chủ nghĩa Mác ở rất nhiều điểm rồi.”(trang 23)
Đối
với Lê-nin và Stalin Bùi Tín cho rằng hai người này có ảnh hưởng tai
hại đối với xã hội Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ. Vì Lê-nin hiểu sai
Mác, có chỗ hiểu đúng như đấu tranh giai cấp , sử dụng bạo lực thì lại
áp dụng một cách cực đoan. Sau khi kể ra hàng loạt những ảnh hưởng tai
hại của chủ thuyết Lê-nin Bùi Tín viết:
“Đã đến lúc không thể mù quáng mãi được nữa. Đã đến lúc cần nhìn rõ bộ mặt Lê-nin một cách khách quan, tỉnh táo, đúng như nó có. Trong di chúc của ông Hồ
Chí Minh có nói rằng: “Phòng lúc tôi đi gặp cụ Mác, cụ Lê-nin…”nó đánh
dấu cả một thời kỳ lịch sử coi học thuyết chuyên chính vô sản là hòn đá
tảng của các chính sách lớn, coi đấu tranh giai cấp là sợi chỉ đỏ xuyên
suốt sự phát triển của xã hội Việt Nam…Hai điều đó hợp lại thành cỗ máy
nghiền nát tình đoàn kết dân tộc, tình nhân ái truyền thống, quyền dân
chủ của công dân, nếp sống trong luật pháp…dẫn đến thảm cảnh bần cùng và lạc hậu hiện nay.”
Để
chứng tỏ ảnh hưởng của Stalin đối với đảng và xã hội VN đã sâu đậm và
tai hại đến chừng nào, tưởng chỉ cần chép lại đây nguyên văn vài câu thơ
của nhà thơ chủ chốt của chế độ, ông Tố Hữu, mà Bùi Tín đã trích dẫn nơi trang 28 và 29 tác phẩm của ông:
“Stalin! Stalin!
Yêu ông biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Yêu ông biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Và:
“Hoan hô Stalin
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió.”
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió.”
Bùi
Tín cũng nhắc lại trong “Mặt Thật” những tội ác tầy trời của Stalin,
điển hình là vụ giết 25 ngàn binh sĩ Balan, rồi đổ vấy cho quân Đức; vụ
hơn một nửa ủy viên trung ương đảng bị tống giam và bị xử bắn trong vòng
không đầy 4 năm. Tệ hơn nữa 1108 trong số 1956 đại biểu dự đại hội đảng lần thứ 17 bị bắt và bị kết án “phản cách mạng”. (trang 30)
Và Bùi Tín cho rằng chính sách cải tạo vô thời hạn dành cho hàng chục vạn sĩ quan và công chức Việt Nam Cộng Hòa sau 30 tháng 4, 1975 là theo gương Stalin.
Bùi Tín còn nói Hồ Chí Minh cho tiến hành cải cách ruộng đất, không phải chỉ do áp lực của Mao Trạch Đông, mà chính Stalin cũng hạch hỏi tại sao chưa thi hành.(trang 67)
Bùi Tín đã thuật lại trưòng hợp địa chủ Nguyễn Thị Năm bị đấu tố oan trong cải cách ruộng đất ông Hồ có biết nhưng không có hành động gì bênh. Cho nên:
“Ông Hồ Chí Minh có lỗi lớn. Thà rằng ông không biết gì về việc này; và dù không biết, là chủ tịch nước, chủ tịch đảng, ông vẫn phải chịu phần trách nhiệm. Huống hồ ông đã biết rõ cụ thể, ông nhận định là bà Năm bị xử trí oan, thế mà ông vẫn giữ im lặng, ông không can thiệp. Ông đã để mặc cho nước của ông, đảng của ông bị một số kẻ nước ngoài lũng đoạn, lộng hành. Trên thực tế ông đã từ nhiệm vị trí, trách nhiệm của mình……” (trang 39)
Trong
đoạn áp chót của phần 1: Bức thư của Phan Chu Trinh, Bùi Tín đã nêu lên
những khám phá mới lạ của những nhà sử học Trần Quốc Vượng, rồi Daniel
Hemery liên quan đến thân thế thực sự của ông Hồ–theo ông Vượng thì ông Hồ phải là cháu nội của ông Hồ Sĩ TaÏo–rồi dẫn đến một “vấn đề rất lớn về ông Hồ Chí Minh: “ông là người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc, hay là một người Cộng Sản?” Và Bùi Tín khẳng định: “Theo tôi, ông vốn là một người yêu nước….”Bùi Tín còn viết: “Công lao của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là rõ ràng. Khó ai có thể bác bỏ hay phủ nhận được.” (trang 97-98)
Về
việc Cộng đảng VN xua quân sang Cambốt năm 1978 và đàn anh Liên Xô xua
quân vào Afghanistan Bùi Tín cho là do cùng một chính sách “nghĩa vụ
quốc tế”, muốn áp đặt quyền hành trên một nước đàn em.
Mặt Thật ra sau Hoa Xuyên Tuyết 2 năm. Tác giả đã có thêm nhiều dữ kiện về sự tàn bạo của chế độ Cộng Sản tại Liên Xô khiến ông nhớ lại nhiều cái tệ hại hơn về chế độ trong nước.. Trong “Lời Mở Đầu” ông viết:
“Nội dung cuốn sách có mang tính chất sám hối, do tác giả đã từng ở
trong bộ máy của đảng, nhà nước cầm quyền, từng vừa là thành viên, vừa
là nạn nhân của bộ máy ấy. Đây là sự sám hối tự nguyện và tự giác, đối
với lương tâm và đồng bào mình, không bị dồn ép bởi bất cứ ai.”
Trong niềm hối hận đó Bùi Tín viết về chủ nghĩa Mác Lê-nin:
“Chủ
nghĩa Mác Lê-nin, với học thuyết chuyên chính vô sản, đấu tranh giai
cấp, quan hệ quốc tế vô sản…thành cỗ máy nghiền, xéo nát tự do trong mỗi
nước, cũng nghiền luôn cả chủ quyền của các nước anh em, các nước “đồng
minh” của nhau!” (trang 45)
Về ông Hồ, sau khi kết tội ông ta “có lỗi lớn”, trong vụ bà Nguyễn Thị Năm bị chết oan trong cải cách ruộng đất, Bùi Tín nói về sự lệ thuộc của ông Hồ vào chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Mao:
“Sùng bái “mặt trời phương Đông”, nể sợ “thiên triều” Bắc Kinh, ông Hồ đã truyền cho những người lãnh đạo khác ở quanh ông, cho cả đảng Cộng Sản, một thái độ thụ động vô lý, mất hết khả năng phản kháng và tự vệ. Chính ông cũng bị cỗ xe Mác Lê-nin và tư tưởng MTĐ đè lên đầu, trong khi cả đảng Cộng Sản và xã hội bị cỗ xe ấy nghiền nát.” (trang 39)
Trong Mặt Thật, Bùi Tín cũng vẫn bênh ông Hồ đôi chút, tuy rằng đã hiểu hơn về cái “nhân ái” của ông Hồ. Bùi Tín bảo “ông thâm hơn”, và “lạt mền mà buộc chặt, khôn thế!” (trang 65) Ông cũng viết: “Thế nhưng ông Hồ không có toàn quyền quyết định. Có một thế lực cao hơn ông! Ông Mao…” Khi nói về sự ác cảm của Stalin đối với ông Hồ, và cho rằng có một thời ông Hồ bị “thất sủng” (14), ông Bùi Tín cũng gián tiếp bào chữa cho ông Hồ, ngụ ý ông Hồ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về đảng, và vì ông yêu nước hơn yêu chủ nghĩa Cộng Sản nên mới bị Stalin trù, hay không ưa!
Về
sự tàn bạo, quỷ quyệt của các chế độ Cộng Sản ở Việt Nam cũng như ở
Liên Xô. Bùi Tín đã thuật chuyện Tạ Đình Đề bị đảng trù thế nào rồi
trưng lời họ Tạ nói để dẫn đến trường hợp tương tự xảy ra ở Liên Xô thời
Stalin: Họ Tạ nhận xét:
“Khi ra tù, họ có cách khóa mồm các vị và họ giữ chìa khóa. Tài nghệ họ siêu đến vậy đó.” Liền sau đó, Bùi Tín viết:
“Chuyện
chẳng khác gì thời Stalin. Cũng trong bộ chỉ huy khởi nghĩa tháng 10,
vậy mà sau khi Lê-nin chết, Stalin đày Trotsky đi Alma Ata (rồi Trotsky
buộc phải xuất ngoại, nếu không sẽ
bị Stalin lấy đầu, để rồi sau vẫn bị Stalin cho người sang tận Mexico
để ám sát vào năm 1940). Còn 4 vị còn lại của bộ chỉ huy khởi nghĩa ấy
là Boukharine, Zinoviev, Kamenev và Ricốp đều bị xử bắn bởi Stalin vì
tội phản nghịch. Điều siêu phàm của KGB là 4 vị này, trước khi chết đều
“tự “nhận tội là có ý định ám sát đồng chí Stalin vĩ đại và hô: “Stalin
muôn năm”. Có nghĩa là đến khi không còn
gì để mất nữa, cuộc đời sắp kết liễu rồi vẫn xin lỗi, ca tụng chính tên
đồ tể của mình. Mà đó lại là những nhân vật cách mạng kiên cường nhất,
những trí thức cỡ lớn, có trình độ trí thức cao hơn Stalin đến mấy cái
đầu!” (trang 145-146)
Tuy
kết án chủ nghĩa Mác, nhất là Mác Lê, cho rằng nó đưa đến hậu quả vô
cùng tai hại cho xã hội loài người, Bùi Tín vẫn có vẻ bênh cá nhân Mác,
Engels, khi viết: “Nếu tỉnh dậy hai ông có
thể bàng hoàng, giận dữ nữa, bảo rằng: “chủ thuyết của chúng tôi đâu có
đơn giản, thô kệch, phi lý đến như vậy!” Rằng “tư duy chúng tôi đâu có
ấu trĩ, cứng đờ như người ta gán ghép một cách tai hại.” Rằng “chúng tôi
chỉ muốn cung cấp cho người đương thời một phương pháp luận rất uyển
chuyển, thì các người lại coi đó là những nguyên lý cứng nhắc không có sức sống!” Chúng tôi không nhận ra những gì mang tên chúng tôi, vẽ nên mặt mũi của chính chúng tôi. Không! Chúng tôi khác hẳn!” (trang 102, 103)
Trong
phần 3, nói về giai cấp mới, giai cấp đặc quyền đặc lợi, Bùi Tín đã
nhắc đến hai cuốn sách nổi tiếng của hai nhân vật Cộng Sản ly khai:
Milovan Djilas (Nam Tư) với “Giai Cấp Mới” (La Nouvelle Classe) và
Maichael Voslensky (Nga) với “Nhóm đặc quyền đặc lợi” (Nomenklatura) và
đưa ra bằng chứng về sự lạm dụng chức quyền để làm giầu một cách bất
chính và sự tha hóa của các cán bộ Cộng Sản, mà ông cho rằng trong thời chiến tương đối một số đông còn giữ được sự trong sạch, nhưng từ sau khi chiếm trọn miền Nam kể cả những cán bộ này cũng đua nhau làm giầu, giành
giật nhau hưởng thụ. Nếu Voslensky đã xếp một nửa triệu cán bộ Cộng Sản
Liên Xô ngồi trên đầu 200 triệu dân Liên Xô, thì Bùi Tín đã cho rằng ở
Việt Nam cũng có khoảng 50 ngàn gia đình trong số khoảng 10 triệu hộ dân
thuộc tầng lớp này, mặc dù ông cho là khó tính cho đúng, ông chỉ căn cứ vào tình hình nơi ông làm việc là toà báo Nhân Dân để ước lượng. Ông cũng cho biết:
“Về
nguyên tắc, đại hội đảng cao hơn trung ương, trung ương cao hơn bộ
chính trị, Bộ chính trị cao hơn tổng bí thư, nhưng trên thực tế thì
ngược lại: tổng bí thư cao hơn bộ chính trị, bộ chính trị cao hơn ban
chấp hành trung ương, Ban chấp hành trung ương cao hơn đại hội Đảng! Đây
là nền dân chủ của một nhóm người!
Nền dân chủ của một người!”
Nhận xét về những vụ án gần đây Bùi Tín viết:
“Một số đã bị vào tù do không ăn
cánh với nhau, ganh tị nhau, sát phạt nhau. Hầu hết số bị tù từ chung
thân đến 20 năm, 15 năm,10 năm tù do tham nhũng và hối lộ…là đảng viên,
lại là đảng viên có chức cao quyền lớn trong hệ thống chính trị, kinh
tế, tài chánh, chính là trong tầng lớp đặc quyền đặc lợi này…
“Việc
vào tù của họ cũng có những nét đặc quyền rất khác lạ. Có kẻ sẵn sàng
vào tù để che tội cho một số đồng bọn, để được chia lại vàng và ngoại
tệ, khi ra tù sẽ là triệu phú đô la, ăn xài suốt đời chúng và đời con
cháu chưa hết. Cũng có kẻ danh nghĩa thì “ở tù” mà bản thân vẫn sống xa
hoa ẩn dật, do đã biết đút lót hệ thống cai tù. Có đứa đã bị kết án, sau
đó đã được đưa ra nước ngoài với tiền của, vàng bạc, thoát thân…”
(trang 163-264)
C. Cách đây gần một năm Bùi Tín lại cho ra cuốn “Mây Mù Thế Kỷ”, do nhà “Đa Nguyên” xuất bản, 1998. Ông coi
4 nước Cộng Sản Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam như đám mây mù
của thế kỷ hai mươi còn sót lại sau khi “cái bóng đen khổng lồ chủ nghĩa
Mác bao trùm một phần thế giới trong thế kỷ 20 này” đã biến tan ở Liên
Xô và Đông Âu. Tác phẩm được viết dưới dạng hỏi đáp. Ông đã
để ra trên 300 trang sách trả lời 120 câu hỏi liên quan đến rất nhiều
vấn đề về cuộc chiến đã qua cũng như tình hình Việt Nam hiện nay. Chúng
tôi xin trích một vài đoạn vắn trong vài chục câu trả lời của Bùi Tín
trong cuốn Mây Mù Thế Kỷ này.
Về nguồn gốc cuộc chiến tranh Việt Mỹ:
“…Khi còn trẻ, là binh sĩ và là sĩ quan sơ cấp, tôi cho chiến tranh mà chúng tôi thực hiện là đúng, là chính nghĩa, vì nó nhằm giành
và bảo vệ nền độc lập, chống xâm lược, chống chiếm đóng của quân đội
nước ngoài trên đất nước tôi. Đơn giản, rõ ràng. Về sau, là người Cộng
Sản, tôi thấy đấy còn là cuộc chiến tranh để bảo vệ cả phe xã hội chủ
nghĩa, chống lại “sự xâm lược của phe đế quốc” do Mỹ cầm đầu….Tôi đang
cầm súng , đứng trên tiền đồn của phe xhcn, của nhân loại tiến bộ, vừa
làm nhiệm vụ quốc gia, vừa làm nghĩa vụ quốc tế. Nhưng đến nay tôi đã
nghĩ khác trước!” (trang 27-28)
Bùi Tín bắt đầu nghĩ khác kể từ 1975, khi ông được sống ở Saigon trong 4 năm:
“…Chúng tôi đã trực tiếp “khám phá” ra miền Nam, đúng như nó vốn có, không như
trước đó được đảng tuyên truyền. …Thêm vào đó, sau 30-4-75, các chính
sách sai lầm của đảng … (cải tạo, xóa bỏ vội vã tư bản tư nhân…) gây nên
thảm cảnh hơn nửa triệu thuyền nhân…, chiếm đóng quân sự lâu dài ở
Kamphuchia….Tiếp đó sự kiện làm nhận thức của tôi chuyển biến mạnh nhất
về chiến tranh là sự sụp đổ bức tường Bá Linh, sự tan rã của Liên Bang
Xô Viết, sự tiêu hủy đột nhiên của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. …Gần đây, nhiều tài liệu tuyệt mật của thời stalin và đảng Cộng Sản Liên Xô cũ được công bố từ Mát-xcơ-va nói lên sự thật lịch sử, cũng làm đảo lộn một số nhận thức của tôi về chiến tranh, về chính trị.” (trang 28-29)
Được
hỏi người Mỹ nhận thức về cuộc chiến tranh như thế nào, Bùi Tín cho
biết: “Tôi đọc khá nhiều sách Mỹ, dự một số cuộc hội thảo quân sự ở
Chicago, Texas, California, Boston, Virginia…tôi thấy người Mỹ có nhiều
quan điểm, nhận thức rất khác nhau, nhiều khi đối chọi nhau.” Ông phê bình thẳng McNamara: “Do đó ông McNamara nhận định: “đảng Cộng Sản Việt Nam tiêu biểu cho chủ nghĩa quốc gia chân chính là chỉ nói được “một cái chân voi”. Ông quên đi cái mặt độc đoán, phi dân chủ, thi hành học thuyết Cộng Sản kiểu Stalin…và như thế là thiếu sáng suốt, thiếu công bằng. Bộ não điện tử sống ở Lầu Năm Góc như có người đề cao ông McNamara chẳng lẽ không biết
rằng những người lãnh đạo Cộng Sản VN theo học thuyết quốc tế vô sản,
ráp tâm thi hành tuyên ngôn Cộng Sản và các chỉ thị của quốc tế Cộng
Sản; họ còn coi nghị quyết của đảng Cộng Sản Liên Xô và đảng Cộng Sản
Trung Quốc là mẫu mực để tham khảo và thực hiện. Quốc gia chân chính mà
như vậy ư? McNamara từng gắn bó với chiến tranh VN, với chính quyền
Saigon trên tinh thần đồng minh thân thiết, nay quay ngoắt lại nhận định
những người đứng đầu chế độ miền Nam hồi chiến tranh là “cặn bã của cặn
bã xã hội” thì thật là quá quắt trong ý đồ phỉ báng rất tùy tiện.
(trang 34-35)
Về các tướng lãnh trong quân đội Cộng Sản VN, ông ca
tụng các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, đánh giá cao các tướng
Trần Văn Trà, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Hữu An. Còn tướng Giáp thì: “đỉnh
cao “thiên tài” của ông, công bằng mà nói, là chiến dịch điện biên phủ tháng 1-1954.” Theo Bùi Tín, tướng Giáp chưa hề vào chiến trường miền nam. Tính ông dè dặt, e ngại, an phận, cờ đã đến tay mà không phất…”hồi còn ở trong nước, tôi rất quý mến tướng Giáp. Đến đại hội VI cuối năm 1986, uy tín ông lên khá cao, ông được đại hội toàn quân và một số ngành, địa phương nhắc đến như một nhân vật của tình thế, nhưng ông do dự không quyết đoán. Để trôi qua một cơ hội cực hiếm! Tôi giảm ghê gớm niềm tin ở ông từ đó. Một số sỹ quan cán bộ chê ông là hèn là nhát, không dám bênh vực lẽ phải, công lý, không dám dấn thân cho dân chủ.” (trang 46-47)
Được hỏi nếu Mỹ ném bom phá đê sông Hồng, làm lụt lớn Cộng Sản có bỏ cuộc không, hay nếu cuối năm 1972 Mỹ tiếp tục ném bom, Cộng Sản có nhượng bộ không, Bùi Tín đều quả quyết không khi
nào, có chết hàng triệu người Cộng Sản vẫn bằng chân như vại,vì “chính
những thảm cảnh ấy là dịp để đối phương dấy lên phong trào chống Mỹ mạnh
hơn, tranh thủ thêm viện trợ của các nước xhcn và sự ủng hộ của thế
giới …(trang 52)
Bùi
Tín cho rằng Mỹ đã sai lầm lớn khi tưởng nếu đánh mạnh thì sẽ lôi Liên
Xô và Trung Quốc vào vòng chiến. Thực ra Hànội rất sợ, vì cả Liên Xô lẫn
Trung Cộng đều không sẵn sàng
đem quân giúp. ” Đọc những tài liệu, hồi ký của Mỹ, gặp các nhà chính
trị, quân sự Mỹ, tôi thấy họ hiểu đối phương còn thiếu sâu sắc, có thể
nói là hời hợt! (trang 78-83)
Bùi Tín đã xác nhận là Hànội đã không tôn trọng hiệp ước trung lập Ailao để lại hàng chục ngàn quân mà vẫn chối. Chính cái hiệp ước này đã khiến Mỹ không dám đánh chiếm con đuờng mòn HCM mà phần lớn nằm trên đất Lào. Ông nói Việt Cộng chỉ rút tượng trưng, “có lúc quân đội VN ở Lào vẫn còn đến ba, bốn chục ngàn…” (trang 84-85)
Về mục tiêu “giành
độc lập và giải phóng miền Nam” thực hiện thống nhất tổ quốc, Bùi Tín
cho biết sau khi đã xem xét lại toàn bộ nhận thức của mình sau chiến
thắng 75, ông cho rằng
thực sự Việt Nam chưa có độc lập vì lệ thuộc vào chủ thuyết ngoại lai
Mác Lê. “Hơn nữa chế độ xây dựng trong cả nước từ hơn 20 năm nay còn
thua kém chế độ miền Nam trước khi gọi là “giải phóng”! Vậy thì giải
phóng để làm gì. Ở miền Nam hồi đó dù chưa thật đầy đủ, đã có nền chính
trị dân chủ, đa nguyên đã có nền tư pháp tương đối độc lập, nói chung có
tự do tín ngưỡng và tôn giáo, có tự do báo chí ngôn luận. Tất cả đều
còn khiếm khuyết, nhưng đã khác xa, tiến bộ hơn cái chế độ độc quyền,
một đảng lộng hành, người dân không có quyền dân chủ, tự do báo chí là con số không, tù chính trị còn rên xiết…” (trang 205)
Bùi
Tín khá lạc quan khi cho rằng đến nay (1998) “cuộc vận động dân chủ
trong nước đã đạt tới một đỉnh cao mới”, những “cơn bão Thái Bình”, sự
chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo.
“Một
phó thủ tướng viết hồi ký gọi một đại tướng là “y”… Một thư lưu truyền
trong quân đội kể tội “4 tên họ Lê: Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Lê
Khả Phiêu, đòi đưa 4 tên họ Lê này ra trước tòa án quân sự”, cáo giác
thủ tướng Phạm Hùng đã đột tử trên bụng bà trần Thị Trung Chiến, hiện là
bộ trưởng, ủy viên trung ương đảng…Đảng chẳng còn ra cái thể thống gì
nữa.” (trang 285)
Có lẽ Bùi Tín đã coi mình là thành phần cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại rồi, nên khi trả lời câu hỏi về nghiên cứu, kiểm điểm công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở trong nước, ông đã nói:
“Mỗi công việc Ta làm đều phải lấy đại khối đồng bào trong nước làm đối tượng. Vì đồng bào trong nước là lực lượng chủ lực, đông đảo,
chiếm đến 95% số dân Việt ở mọi nơi, lại là lực lượng trực tiếp làm
xoay chuyển tình thế, kết thúc chính quyền độc đoán. Tôi thấy các phong
trào của cộng đồng TA còn có phần xa cách, chưa nắm kỹ nhận thức, suy
nghĩ, ước muốn, tâm tư chung của đồng bào trong nước…..Không bắc
cầu nối cho chặt chẽ với trong nước thì kiểu cách chống cộng ở hải
ngoại còn rất ít hiệu quả và tác dụng, còn xa cách thực tế, mắc vào bệnh
duy ý chí chẳng kém gì những người lãnh đạo Cộng Sản.” (trang 290)
Trả lời 3 câu hỏi về hòa giải hòa hợp, Bùi Tín khẳng định:
“Tôi
cũng bác bỏ, phản đối kiểu hòa hợp mà những người lãnh đạo Cộng Sản kêu
gọi. Theo họ hòa hợp là cúi đầu phục tùng, chịu sự lãnh đạo của họ. Hòa
hợp ấy là hòa hợp giả cầy, kiểu ban ơn, trịch thượng.’ (trang 294)
Ông cũng
nói đến những cuộc gặp gỡ giữa những người bạn cu õ thuở xưa, rồi đã
từng chống nhau ở hai vùng chiến tuyến đối địch. Nay những người ấy nói
chuyện thân tình cởi mở với nhau cùng hát chung một bài hát; như trường
hợp chính tác giả với một trung tá VNCH, như trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy
với nhạc sĩ Kiều Hưng, ca sĩ Mai Huyền với ca sĩ Nam Sơn. Ông viết:
“Thật vui, thật cảm động, khán giả yêu cầu hai anh hát lại hai lần, vỗ tay không ngớt. Có cả những giọt nước mắt. Niềm xúc động về hòa giải hòa hợp dân tộc, giữa hai anh em thù địch. Không ai nói đến các chữ hoà giải hòa hợp, nhưng đích thực là đó.” (trang 297)
Bùi Tín cho rằng cộng đồng người Việt, mà ông bảo
trong số đó có nhiều người đã vào quốc tịch Mỹ, nên tuân theo chính
sách của chính phủ Mỹ bỏ cấm vận và tái lập quan hệ ngoại giao với Cộng
Sản VN, để “tăng thêm sức đấu tranh. Ai vắng mặt sẽ bị thiệt, sẽ tự đứng
ngoài quá trình dân chủ hóa VN. Hồi ấy tôi đã có dịp kiến nghị với cộng
đồng: nên lập một quỹ và cử người, lập tổ chức chăm lo: …giúp dỡ thương
binh, lập học bổng cho các tỉnh thành… góp tu bổ, chùa… nhà thờ.. lập
quỹ từ thiện giúp các người bị bệnh hiểm nghèo, hủi (cùi), ho lao…”
(trang 304).
“Quan hệ với trong nước là cả một cuộc đấu tranh. Không phải
nhất nhất làm theo yêu cầu của chính quyền Cộng Sản, mà là mặc cả,
thương lượng, đề ra điều kiện, tương nhượng, có phần lợi này bù cho bất
lợi kia, nhưng người có tiền, có vốn, có kiến thức bao giờ cũng ở lợi
thế, theo nguyên tắc ai chi tiền người ấy chi phối.” (trang 305)
Cuối
cuốn “Mây Mù Thế Kỷ”, nơi phần Phụ Lục, người đọc thấy có bức thư viết
tay của Bùi Tín gửi Lê Khả Phiêu, lúc mới lên làm tổng bí thư đảng, sau
đại hội 8. Trong bức thư này ông có đề nghị Phiêu họp trung ương đảng
“để
giải quyết các vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, “xét lại chống đảng”, và
việc bỏ tù hàng trăm ngàn viên chức sỹ quan chế độ cũ ở miền Nam; sự
kiện thuyền nhân bi thảm; việc thu vàng, buôn bãi, bán tàu…với vô vàn
nạn nhân thê thảm” (tr.336)
Đôi dòng cảm nghĩ về con người và lập trường của Bùi Tín.
Qua
mấy chục trang trên, có thể tóm tắt về con người và lập trường chính
trị của Bùi Tín như sau: Bùi Tín sống tuổi ấu thơ trong một gia đình
quan đại thần. Lớn lên trong môi trường văn hóa Tây Phương. –Những cán
bộ Cộng Sản cao cấp xuất thân từ gia đình công nhân, hay nông dân
nghèo sẽ bảo Tín gốc phong kiến, tiêm nhiễm ảnh hưởng thực dân Pháp, từ
nhỏ đã quen với nếp sống tiểu tư sản (tạch tạch sè).– Đến lúc trưởng
thành đi theo tiếng gọi kháng chiến, rồi gia nhập đảng Cộng Sản. Từ đó
từ tư duy đến nếp sống bị đúc khuôn trong ý thức hệ Mác Xít. Vì ngộ nhận
cũng như bao trí thức kiệt xuất khác cũng có lúc ngộ nhận, như ông viết, ông đã phục vụ hệ thống mác xít trong một thời gian dài 30 năm. Chỉ cho đến 1975, khi có dịp so sánh hai chế độ miền Nam và miền Bắc ông mới bắt đầu nhận ra mình đã lầm. Và khi có dịp chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô ông mới dứt khoát với quá khứ. Ông công khai nói lên lời sám hối. Hơn thế nữa ông hăng say kêu gọi các đồng chí cũ của ông hãy phá bỏ tư duy cũ, chế độ cũ, thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Ông cũng tích cực vận động với các nhân vật có ảnh hưởng trong chính giới và nhân dân Mỹ ủng hộ lập trường đa nguyên của ông. Ông không ngần ngại thẳng thắn phê bình một số người còn nuôi hy vọng lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam bằng bạo lực. Ông cũng
ủng hộ việc Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam và tái lập bang giao với Việt Nam.
Điều này làm một số người Việt quốc gia ở hải ngoại lúc ấy bất bình. Ông đã cố giải thích lập trường của ông và
mong những người chống cộng “cực đoan” nhìn rõ thực tế trong nước và
cân nhắc cái lợi cái hại giữa cấm vận và bỏ cấm vận. Lý luận của ông không phải không có cơ sở. Trong bức thư gửi tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ông khẳng định ông không có mưu đồ chính trị. Ông chỉ ước mong trong nước có tự do dân chủ, tự do báo chí để ông có thể ra một tờ báo cá nhân hầu cổ võ cho dân chủ đa nguyên. Đa nguyên theo ông hiểu
là người Cộng Sản phải tôn trọng những người trước kia mà họ gọi là
“ngụy”, và người quốc gia cũng phải tôn trọng quyền bình đẳng của những
người Cộng Sản trong chính quyền dân chủ tương lai.
So sánh với tất cả các tác giả được đặt thành một chương trong
soạn phẩm này, theo tôi nghĩ, Bùi Tín là người có ảnh hưởng nhất, dám
nói mạnh và có lập trường rõ rệt, và cũng là người đưa ra được những
giải pháp cụ thể, nhờ được sống ở bên ngoài, tiếp xúc với nhiều nguồn tư
tưởng đa dạng, chứng kiến những biến cố có tính quyết định trong cục
diện thế giới.
Nếu không lầm,
thì đã có lúc Bùi Tín mong mỏi và hy vọng tướng Võ Nguyên Giáp sẽ có
thể trở thành một thứ Gorbachev, hay Yeltsin Việt Nam. Có người còn nói
tới khả năng có một Bùi Tín làm thủ tướng hay đóng vai Yeltsin. Nhưng
sau đại hội VII, ông đã thất vọng và riêng đối với tướng Giáp thì càng ngày càng thất vọng hơn. Chắc ông cũng không ngờ ông đã bị một số người Mỹ và người Việt Quốc gia muốn lợi dụng ông. Thành ra vai trò của ông đã không sáng lên được.
Có
một điều cần thêm ở đây là tuy Bùi Tín sám hối và lên án chế độ xhcn ở
Việt Nam, cũng như ở Liên Xô dưới thời Stalin, và chế độ Mao ở Trung
Quốc, nhưng ông vẫn có vẻ bênh Mác và ông Hồ phần nào. Dầu sao ông và thân phụ ông cũng đã từng hưởng ứng lời kêu gọi của ông Hồ ngay từ đầu, và ông còn đi theo vết chân của ông Hồ chọn chủ nghĩa Mác-xít làm lý tưởng cho đời mình. Hơn nữa chế độ đã ưu đãi gia đình ông. Cha ông chết được lấy tên đặt cho một con đường ở một thành phố sát thủ đô. Riêng ông, tuy không được thăng tướng. Nhưng cũng lần lượt được trao những nhiệm vụ quan trọng, xuất ngoại hơn hai chục lần. Ông đã là một đảng viên tự nguyện, tích cực trong mọi công tác. Nhất là ông luôn nghĩ mình là ngưòi yêu nước thật sự, cũng như ông không nghi ngờ là nhiều đảng viên khác cũng có lòng yêu nước như ông. Ông không muốn mang tiếng là người vô ơn bạc nghĩa. Cũng không muốn nhận mình đã lầm chọn một chủ nghĩa vô nhân. Chính cái tâm trạng đó làm ông hơi lúng túng. Nhưng dầu sao ông đã cố gắng một cách đáng phục để lên án chế độ, và tuyên bố sám hối.
Những người quốc gia rộng lượng có thể ghi nhận sự chân thành của ông khi ông nói “sám hối” và cũng có thể thông cảm với ông phần nào về chuyện ông hãy
còn giữ chút cảm tình với Hồ Chí Minh. Bởi vì ai cũng hiểu một người mà
từ tư duy đến nếp sống đã bị nhào nặn đúc khuôn trong ba chục năm, nay
muốn “lột xác” không khỏi có vấn đề. Hy vọng sau này vào một dịp nào đó chúng ta sẽ được nghe ông nói rõ cảm tình của ông đối với Hồ Chí Minh còn ở mức độ nào.
Tất
cả những gì Bùi Tín viết đều chứng minh chủ nghĩa Mác Lê đã tác hại lên
toàn xã hội Việt Nam về nhân mạng, nhân phẩm, kinh tế, văn hóa. Vậy thì
con người sáng lập ra cái chủ thuyết và chế độ đó, là Mác, và con người
đem cái chủ thuyết và chế độ đó về áp đặt lên nhân dân Việt Nam, là Hồ
Chí Minh có phải là ân nhân hay tội nhân của dân tộc Việt Nam? Mác chủ
trương đấu tranh giai cấp, quả quyết lịch sử là lịch sử đấu tranh giai
cấp. Ông cũng chủ trương chuyên chính vô sản, thế giới đại đồng. Quan niệm về tổ quốc được ông coi như chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Chính Mác đã lên án tôn giáo gọi nó là thuốc phiện ru ngủ dân ngu, không cho họ tỉnh táo đấu tranh cho quyền sống của mình. Bùi Tín đã có kinh nghiệm về tôn giáo, ông đã từng khen mấy dòng tu Công Giáo về công tác nhân đạo mà ông bảo là hơn cán bộ Cộng Sản. Có lẽ đến tuổi này, ông cũng như các ông Đỗ
Mười, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã bắt đầu nghĩ đến một cái gì cao
xa hơn cái thuần vật chất của cuộc đời theo duy vật biện chứng.
Ông Hồ như ông viết, khi sắp chết vẫn còn bám lấy đuôi áo của các cụ Mác, cụ Lê đòi đi theo. Như vậy ông ta có thực sự vì dân tộc không hay
chỉ vì cái lý tưởng–ảo tưởng–của một chủ nghĩa ngoại lai, là kiến tạo
một thế giới của vô sản, trong đó vô sản phải chuyên chính, không cho giai cấp nào khác dự phần? Chắc Bùi Tín đã thấy là giai cấp là cái gì không tự
nhiên? Lịch sử đâu phải chỉ là đấu tranh giai cấp như Mác chủ trương,
lại còn bằng bạo lực nữa? Hơn nữa tuy lý thuyết thì nói vô sản chuyên
chính, nhưng thực tế được mấy người vô sản chia sẻ quyền lực với nhóm
“nomenklatura”?
Nơi chương 1 (Hoàng Văn Chí) chúng tôi đã trưng nguyên văn lời ông Hồ nói về việc ông ta chọn chủ nghĩa Mác Lê-nin. Lập trường đã như vậy thì trong lòng ông Hồ chỉ có giai cấp chứ không có dân tộc, chỉ có chủ nghĩa quốc tế chứ không có chủ nghĩa quốc gia. Những việc ông làm chỉ vì mục tiêu cuối cùng theo đúng đường lối quốc tế do Liên Xô lãnh đạo, chứ không hề vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Chỉ hiểu theo cách đó mới lý giải được tại sao ông Hồ
đã đành lòng nghe theo những lãnh tụ Cộng Sản ngoại quốc để làm cải
cách ruộng đất, và làm ngơ trước những nỗi oan ức của hàng chục vạn
ngưòi trong đó kể cả các đảng viên. Điển hình là mẹ của ba đảng viên: bà
Nguyễn Thị Năm mà Bùi Tín đã nêu đích danh.
Có
một điều khiến ai đã được đọc tờ “the Nation”, phát hành ở Bangkok,
ngày 28-12-1989, nghĩa là 9 tháng trước khi Bùi Tín rời Hà-nội đi Pháp,
phải đặt dấu hỏi: Đúng ra chủ trương đa nguyên, đa đảng của Bùi Tín bắt
đầu từ khi nào? Tờ báo này đã đăng lời ông nói với ký giả ngoại quốc nhân dịp quốc hội thông qua luật báo chí mới như sau:
“60 năm trước đây đảng Cộng Sản chỉ gồm một nhóm nhỏ, nay đã có tới hai triệu đảng viên, chúng tôi thấy không cần thiết phải có thêm một đảng chính trị nào khác nữa” (15)
Phải chăng câu nói trên chỉ là nói cho hợp với lập trường của tờ Nhân Dân cơ quan chính thức của đảng mà ông là phó tổng biên tập? Còn trong thâm tâm ông đã có ý nghĩ phải có đa nguyên đa đảng? Hoặc giả chỉ đến khi ông thấy Liên Xô tan rã, và ông đã bị khai trừ khỏi đảng ông mới nghĩ đến một nền dân chủ đa đảng cho Việt Nam.
Rất mong Bùi Tín trả lời thắc mắc trên của độc giả.
Chú Thích
(1) Hoa Xuyên Tuyết, tác giả Bùi Tín, Nhân Quyền tái bản lần thứ nhất, năm 1991, tr.74.
(2)
Tức từ quấy phá, khuynh đảo sang chiến tranh quy mô rộng lớn hơn. Về
định nghĩa phức tạp của “chiến tranh” và các lọai chiến tranh, xin xem
chi tiết ở chương tổng kết.
(3) Nghị quyết 9, được giữ bí mật khá lâu, vì là một chuyển hướng thiên hẳn về chủ nghĩa Mao của Trung Quốc, không muốn đàn anh Liên Xô biết, tránh nghi ngờ.
(4) Đại hội Liên Hoan của báo Nhân Đạo, cơ quan của đảng Cộng Sản Pháp.
(5) Thông Luận, tháng 2 1991, mục Độc Giả Viết.
(6) Tháng 12-1990.
(7)
Nếu chỉ đọc một bài báo này thì xem ra Bùi Tùng có lý. Nhưng nếu để ý
rằng tác giả đã bỏ đi một đoạn dài ở đầu nằm trong tác phẩm của Bùi Tín
mà ông ta trích dẫn, thì có thể nghi là có gì không ổn.
Và nếu được xem hình chụp Bùi Tín đứng trước tướng Minh, có sự hiện
diện của thủ tướng Vũ Văn Mẫu và mấy bộ trưởng khác, rồi được đọc các
bài báo khác của chính Bùi Tín nói kỹ về việc này, thì thấy Bùi Tín đáng
tin hơn.
(8) Phụ Nữ Diễn Đàn số 93, tháng 10-1991, trang 33.
(9) Xem “Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê” của Minh Võ, Thông Vũ tái bản lần I, Cali, Oct,1998, chương 11, từ trang 123-137.
(10) Đã từng là bộ trưởng trong chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, chủ nhiệm tờ Đại Dân Tộc. Sau tháng 4-1975 ông có bị đi tù một thời gian. Khi sang định cư ở Pháp ông làm cho đài phát thanh Quốc Tế Pháp.
(11) Xin xem chương sau.
(12) SĐD ( nxb Nhân Quyền tái bản lần I, 1994) trang 2.
(13) Mặt Thật, Saigon Press, 1994, trang 20-21). Từ đây các số trang là từ cuốn Mặt Thật, trừ trường hợp có ghi rõ xuất xứ khác.
(14) Thời gian ông “biến mất” một cách bí mật khoảng 1933-1938.
(15)Theo Hoàng Đông Phố, Phụ Nữ Diễn Đàn số 73.
No comments:
Post a Comment