Monday, August 13, 2012

THỰC HƯ * VI

Chương 6
Nổi Loạn hay Nỗi Oan
của Đào Hiếu
phantinhphankhangĐầu thập niên này độc giả trong nước háo hức đi tìm đọc một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn có tài, mà không tìm được. Người ta kháo nhau: hấp dẫn lắm, quậy lắm. nhiều màn mê ly lắm, tác giả chửi chế độ đấy. Đó là cuốn Nổi Loạn của Đào Hiếu, nhà văn đã có 14 tác phẩm xuất bản từ năm 1978 (“Giữa Cơn Lốc”) đến 1993 (“Nổi Loạn”).
Sở dĩ người ta không tìm được là vì nó đã bị nhà nước thu hồi viện cớ: “Chuyện bẩn thỉu, đồi trụy.” Bộ Trưởng Văn Hóa Trần Hoàn thì trả lời báo chí về lý do cuốn sách bị cấm phát hành như sau: “Về mặt chấp hành quy chế cuốn sách có 3 vi phạm:
1) Đăng ký tên sách là “Nỗi Oan” nhưng tự động sửa lại là “Nổi Loạn”.
2) Không nộp lưu chiếu mà cứ phát hành.
3) Khi phát hành Cục Xuất Bản và cả hội Nhà Văn đều yêu cầu tạm đình chỉ, nhưng không được thực hiện.”
Tuy nhiên cũng có ít người nhanh chân mua kịp trước khi nó bị tịch thu. Đây là chuyện một ngưòi đàn bà có chồng là cán bộ từng du học Ba Lan, có 4 con nhỏ mà còn đi ngoại tình với một cựu sĩ quan chế độ cũ cũng đã có vợ là một bác sĩ và 3 con.
Ngọc nguyên quán miền Nam được cha mẹ mang đi tập kết ra miền Bắc khi mới lên hai. Trong thời gian ở miền Bắc cô cũng như phần đông các gia đình cán bộ tập kết phải sống cuộc đời cơ cực thiếu thốn. Đến khi “hòa bình lập lại” gia đình cô trở về miền Nam. Cha cô, một cán bộ Cộng Sản nghiêm khắc, ép cô lấy một cán bộ Cộng Sản luống tuổi: Hùng vốn là một nhà sư đã hoàn tục vì giác ngộ chân lý của cách mạng vô sản và khi được cô vợ “hoa hậu Cần Thơ” thì được “giác ngộ lần thứ hai “và khám phá ra chân lý ngược với Nguyễn Du: “Tình là cõi phúc tu là giây oan.”
Nhưng vốn quen tác phong khắc khổ của một nhà tu và cù lần của một “cán cối”, Hùng đã không chinh phục được trái tim Ngọc. Đêm động phòng bị trì hoãn hai ba lần. Đến khi Ngọc biết đàng nào cũng phải “làm cho xong cái chuyện đó” thì nàng ngỡ ngàng nhận ra rằng nó chỉ có thế, và nhanh thế. Tuy cũng đã 24 tuổi nhưng cô cũng chưa được ai cho biết thực chất chuyện vợ chồng nó ra làm sao. Hùng đối với cô chỉ là “người đàn ông buồn tẻ như cục gạch ở đầu hè”. Mỗi lần ăn nằm với Hùng, Ngọc đều có cảm giác như kẻ bị hiếp dâm. Nhưng hai người cũng có được 3 đứa con.
Thế rồi tình cờ Ngọc gặp Phan tại một trại cải tạo khi cô đến thuyết minh trong một buổi chiếu phim cho tù cải tạo xem. Lợi dụng sự quen biết với trưởng trại, Ngọc mạo nhận Phan là anh đôi con dì với mình để xin cho chàng được thả ra khỏi cái “chuồng” giam phạm nhân bướng bỉnh. Phan đã bị mê hoặc bởi cô gái đẹp buồn này. Khi Phan được về sau 3 năm cải tạo họ lại gặp nhau trong những buổi chiếu phim ở các rạp. Mối tình nảy nở. Phan thuê một căn nhà nhỏ làm tổ uyên ương. Hùng vốn ngây ngô không hay biết gì. Nhưng bác sĩ Bích, vợ Phan thì tinh ý nên đã rình bắt được bức thư tình Phan viết cho Ngọc. Bích nhất định đòi Phan phải chấm dứt mọi liên hệ với Ngọc, bằng không thì hãy ra khỏi nhà. Nàng cũng viết sẵn giấy ly dị bắt Phan phải ký. Không những thế nàng còn đi báo chuyện này cho Hùng là chồng Ngọc biết, nói là để cùng nhau theo dõi và ngăn chặn cuộc ngọai tình.
Hùng dùng mọi cách để giữ Ngọc. Nhưng năn nỉ, canh chừng, cấm đoán, theo dõi, bắt ghen, đánh ghen đều vô hiệu. Cuối cùng anh ta đánh Ngọc một cách tàn nhẫn và đuổi ra khỏi nhà, để rồi một mình ngồi ở xó nhà uống rượu với anh hàng xóm. Thế là hai gia đình tan nát. Phan tuy yêu Ngọc, thấy mình có trách nhiệm với người yêu, nhưng không muốn bỏ vợ con. Anh bảo Bích thế và cũng thú thực với Ngọc như thế. Thực ra anh quá tham lam, vừa không muốn xa vợ con vừa muốn đắm mình trong thú vui nhục dục với Ngọc, người đàn bà giống như con thú xổ lồng thả lỏng bản năng trong những giờ làm tình bên người đàn ông mà nàng cho là “một nửa kia của chính mình” mà mình đã tìm lại được sau bao năm không biết đến tình yêu. Có lần nàng nói với Phan:
“…Em khám phá ra mình là một kẻ cuồng nhiệt, mê đắm và táo bạo, giống như con khủng long chuyển mình sau một ngàn năm ngủ vùi trong lòng đất. Nó tạo ra bão tố và đổ nát.
“Em ghê sợ cho cái luật bù trừ của Tạo Hóa.
“Có những lúc em nhớ anh điên dại. Và thèm khát cũng điên dại. Cho nên anh đừng cười em về chuyện làm tình nhé. Đã vào cuộc là không chấp nhận sự dừng lại, dù chỉ một giây. Liên tục, mãnh liệt, và vắt cho kiệt hết tinh lực. Em ghét cái gì nửa vời…”
Chính những trang sách nóng bỏng tả chân các cuộc mây mưa (trên giường cũng như dưới biển) này là cái cớ để cuốn tiểu thuyết bị thu hồi và liệt vào loại sách cấm. Người ta bảo nó “bị công luận lên án là truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy”. Nhưng nguyên nhân chính của việc thu hồi khó nói ra, đó là cuốn tiểu thuyết đã ám chỉ sự đần độn, ngu dốt và sự khắc nghiệt, đạo đức giả của những cán bộ đảng viên như Hùng và cùng với Hùng qua hình bóng văn chương bóng bảy người đọc sẽ hình dung ra đảng, và cái xã hội do đảng tạo ra.
Sau đây là một vài đoạn vắn trích từ cuốn tiểu thuyết Nổi Loạn:
Cảnh thiếu ăn trong gia đình nữ bác sĩ Bích:
“(Phan) Thiếu úy bộ binh quân đội Saigon cũ, hai lần bị thương, một miểng đạn còn nằm sâu trong đùi, ba năm học tập cải tạo, vợ là bác sĩ (Bích) nhưng lương không đủ nuôi ba đứa con. Cuối năm 1978 khi anh mới ở trại cải tạo về, gia đình ăn toàn bột mì, bo bo, sắn. Chiếc xe đạp của anh như một con ngựa già lọm khọm. Hồi ấy mỗi khi ra đường thấy ai đi xe đạp bị trật xính lui cui bên lề đường tôi hay nhìn. Thường là tôi gặp anh trong tư thế ấy…” (trang 243)
Và đây một cảnh khác :
…”Đứa chị nói:- Đừng giở giọng tham ăn.
Bích cười cười:-Vậy chứ má thấy nó ham ăn má lại thương. Tại vì nó thiếu nên cái gì nó cũng thèm.
Mấy đứa chị:- Má đừng binh. Nó toàn giành ăn với tụi con.”
Đó là cảnh gia đình một bác sĩ ở miền Nam sau khi đã “được giải phóng” 18 năm. Còn đây là cuộc đời của dân trong vùng Ngọc sống khi còn ở ngoài Bắc với gia đình trước 1975:
“Quá khứ của tôi gắn liền với những lối mòn quanh co đỏ chói màu gạch, những mái tranh lụp sụp ẩn hiện sau vòm cây thưa thớt, những con đê nhỏ, mương nước, những cánh đồng và đình làng…
“Có nơi nào trên trái đất này con người phải chui rúc vào đống lá chuối khô để ngủ trong suốt mùa đông giá rét? Trẻ con không có quần mặc, chỉ một chiếc áo vải tả tơi khoác ngoài đứng co ro trong gió? Những bữa cơm quanh năm chỉ có cà muối và rau muống ? Và người chết phải bó chiếu đem chôn?
“Có xứ sở nào trên mặt đất này, mà người dân cam chịu và hài lòng với kiếp sống hẩm hiu tăm tối như vậy? (…)
“Thế mà tôi vẫn sống vẫn lớn lên. Và lạ thay, giờ đây đàn ông lại quỳ dưới chân tôi, van lậy, khóc lóc tỏ tình.
“Chẳng lẽ những quả cà, những cọng rau muống, những con cua, con ốc, những củ khoai củ sắn kia đã tạo ra điều kỳ diệu ấy? Tôi không tin như thế. Và tôi vẫn thầm cám ơn bố mẹ tôi, cám ơn thiên nhiên đã tạo ra nhan sắc ấy, cám ơn những đóa hoa thủy tiên trong chùa, những lũy tre, những luống cải bẹ xanh trong vườn bà thím, những lá trầu không , những cơn mưa dầm gợi nhớ nhung, những hoàng hôn tím ngắt chân trời… Nhan sắc là niềm kiêu hãnh thầm kín, nhưng đó cũng là tai họa của đời tôi. Chúng là cội nguồn của sự ghen tuông , của tình và thù.
“Giờ đây tôi bị mang tiếng là người đàn bà ngoại tình, nhưng tôi không có gì xấu hổ về điều ấy. Tôi yêu Phan, đúng ra là tôi đã tìm được Phan, một người mà suốt 20 ở miền Bắc tôi không tìm được, ở làng Trinh Lương tôi không tìm được, ở khu Kim Liên Hà-nội tôi không tìm được, ở rừng núi Tuyên Quang tôi cũng không tìm được.
“Tôi đã tìm thấy, đã tình cờ nhặt được anh, cái “nửa kia” của mình. Chúa trời đã lấy một chiếc xương sườn của người đàn ông mà tạo ra tôi. Người đàn ông đó là Phan. Tôi đã nhặt được anh một cách rất tình cờ trong một trại cải tạo. Lúc ấy anh như người rừng, tơi tả, hoang dã và cô độc.
“Tôi đã tìm thấy anh như tìm thấy chính bản thân mình.
“Tôi không ngọai tình.
“Trước kia tôi có yêu ai đâu, kể cả chồng tôi….
“Tôi đã không được yêu, bây giờ tôi có quyền yêu.
“Tôi đã không được sống, bây giờ tôi có quyền sống.
“Ai có thể tước đoạt cái quyền thiêng liêng ấy của một con người?
“Những bạn bè cùng trang lứa với tôi có thể họ không may mắn tìm thấy cái “nửa kia” của đời mình, họ sống với cái nửa khác của ai đó trôi dạt vào đời họ, ráp không vừa, không khớp, khập khiễng tạm bợ. Và họ rán sống, họ cam chịu như họ đã từng cam chịu những quả cà, những cọng rau muống, cái cầu ao, ổ lá chuối khô, như họ đã cam chịu những chiếc loa phóng thanh ra rả suốt ngày. (…)
“…Bây giờ tôi phải trở lại với quá khứ vì tôi muốn mọi người hiểu thấm thía bi kịch của tôi, của cả thế hệ thanh niên cùng lứa với tôi để chúng ta hiểu nhau hơn và để xin bạn hãy cho phép tôi được sống trọn vẹn mối tình của mình, một mối tình đầy sóng gió và chưa biết sẽ kết thúc như thế nào.”
****
“Cái giếng nước đối với tôi luôn luôn là một mối đe dọa. Bởi vì nó không phải như những cái giếng nước thông thưòng ở miền Nam. Nó là một cái vực thẳm. Năm ấy tôi chỉ là một con bé 12 tuổi mà cái giếng thì to và sâu hun hút. Ba bên là bờ đất nham nhở đầy cỏ mọc, còn lại một bên thì thoai thoải lần xuống dưới đáy giếng bằng 38 bực cấp bằng đá, hẹp trơn trượt như đường về âm phủ. Giếng sâu đến độ khi tôi xuống sát mặt nước, ngoảnh nhìn lên không còn thấy mặt đất đâu cả, chỉ thấy một cái miệng hố lởm chởm đất đá và những lá cỏ dại.
“Dưới đáy giếng, bóng chiều càng mờ mịt hơn, chập choạng, rình rập. Cái cảm giác cô độc lạnh lẽo làm tôi sợ hãi. Tôi vội vàng múc hai thùng nước rồi ghé vai vào đòn gánh khó nhọc bước lên những cấp bậc trơn nhẵn.
“Đầu làng bên kia có một cái giếng nữa nhưng từ ngày có người tự tử ở đó thì không còn ai dám đến đó để lấy nước về uống. Không hiểu sao dạo ấy làng tôi lại có nhiều người tự tử đến như thế. Thường là họ treo cổ. Những cái mặt sưng to và tím bầm. Xác chết được gói trong chiếu, vài ba người vác ngang qua nhà. Họ đi nghiêng ngả dưới trưa nắng. Tiếng kèn khàn đục, vất vưởng lạc điệu.
“Ở cầu ao thường tấp nập hơn. Hàng ngày dân làng đến đó tắm gội, rửa bát, vo gạo, giặt quần áo, giặt cả chiếu chăn, cả đồ phụ nữ hành kinh nữa. Điều này ban đầu tôi không biết, nhưng một hôm nhìn quanh bờ ao thấy có một chỗ lúa tự nhiên vươn cao lên, xanh mướt, tôi hỏi nhưng chẳng ai giải thích được tại sao, đến khi lúa trổ bông thì chỉ riêng cái chỗ lúa tốt ấy là không có bông . Đó là một bí mật mà tôi không thể chia xẻ với ai được vì gần như không ai giải thích được, hoặc là không chịu giải thích cho tôi biết. Bữa kia tôi thấy một người đàn bà trong làng ra cầu ao giặt những mảnh vải mùng đầy máu và tạt cái thau nước đỏ lòm ấy vào chỗ lúa tốt tôi mới hiểu được sự tương quan giữa cái thứ nước ấy và chòm lúa xanh tốt kia.
“Tôi đâm sợ nước cầu ao. Nhưng người sợ nhất là bác tôi. Mỗi lần muốn rửa mặt ông buộc cái khăn vào cần câu, ném nó ra giữa ao (nơi mà ông vẫn hy vọng rằng nước sẽ sạch hơn trong bờ) rồi giật chiếc khăn lên như giật con cá. Ông vắt nước trong khăn vô miệng để súc miệng , sau đó mới dùng khăn lau mặt…Buổi sáng ông thường dậy rất trễ vì phải cuộn tròn trong cái ổ lá chuối khô để đợi mặt trời lên. Khi ngoài sân đã ngập nắng, ông mới trở dậy vác cái nong ra đặt giữa sân rồi chui vào đó nằm sưởi. Ba chị em tôi cũng bắt chước vác cái nong ra đặt kế bên. Đứa cháu nội lên hai cũng nằm cạnh….
“Nhưng kẻ gây ấn tượng cho tôi nhất là một người đàn ông ốm đói. Người ta gọi ông là ông Lời, tuy suốt ngày ông chẳng hề nói một lời nào cả. Dân làng đã nghèo nhưng ông còn nghèo hơn tất cả. Gần như ông không có gì để mà ăn, ông cứ luẩn quẩn trong vườn nhà như một bóng ma tìm bắt con ốc sên, con châu chấu. Gần như ông ăn tất cả những sinh vật mà ông bắt được: cóc, nhái, thằn lằn, thậm chí gà con chết người ta đã vứt đi ông cũng nhặt về nướng ăn. Người ông cứ xanh lướt, hai mắt lõm sâu lờ đờ. (…)
“…Ba hôm sau người ta đến báo cho ông hay rằng đứa con trai 12 tuổi của ông đi tắm sông đã bị ma da kéo chân đi. Hàng xóm bủa đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Ông không khóc, vẫn lặng lẽ, vẫn thất thểu đi ra sông. Ông không phải tìm kiếm, cứ bước thẳng xuống mé nước, trầm mình xuống. Một lúc sau mặt nước khép kín lại, phẳng lặng xóa sạch mọi vết tích của người đàn ông khốn khổ ấy.” (trang 103-112)
Với lối tả cái khổ và nhất là cái chết (tự tử) của một người như vừa kể, Đào Hiếu quả thực đã đưa ngọn bút của mình lên tuyệt đỉnh. Sau khi đọc những hàng cuối cùng vừa nêu, rồi nhớ lại câu nói của Ngọc ở đoạn trên: “Không hiểu sao dạo ấy làng tôi lại có nhiều người tự tử đến như thế” người đọc liền thấy cuộc sống miền Bắc lúc ấy tang thương đến độ nào. Vì khổ quá người ta đã đi tìm cái chết một cách thản nhiên. Sở dĩ người đàn ông kia chưa tự tử sớm hơn vì còn có đứa con. Nhưng nay đứa con đã chết đuối thì ông cũng trầm mình đi theo. Những cảnh đói khổ của các cựu tù nhân cải tạo được mô tả trong các cuốn hồi ký của họ có lẽ cũng chỉ đến thế. Nhưng chắc không ai diễn tả hay bằng Đào Hiếu.
Nếu cái nạn đói khổ không phải chỉ có trong tù, thì cái thói bắt làm “kiểm điểm”, “tự kiểm” cũng không phải chỉ tù nhân mới phải làm. Nhân dân cũng không thoát. Tác giả “Nổi Loạn” đã chế diễu cái tật hơi tý bắt làm tự kiểm của đảng một cách tài tình qua hành động và thái độ của Hùng, chồng Ngọc. Trong cuốn chuyện ít nhất là 10 lần Hùng bắt Ngọc, và cả Phan phải viết kiểm điểm, tự kiểm.
Hãy xem người chồng cán bộ Cộng Sản, đã từng du học Ba Lan, dọa đánh vợ, tra khảo vợ và bắt vợ viết tự kiểm:
“Người chồng hầm hầm rút cái roi mây treo trong xó nhà ra. Ông ta gằn từng tiếng:
- Đừng già hàm. Hãy khai thực đi: Hồi tối giờ cô đi đâu?
Ngọc nhìn thẳng vào mắt chồng hỏi:
- Anh định làm gì mà cầm roi đấy?
- Tao đánh mày nát xương. Nói mau!
….
Ngọc nói dứt khoát:
- Tôi không khai báo gì cả. Đây là nhà tôi chứ không phải đồn công an.
Thấy Ngọc nói cứng quá ông ta làm thinh một lúc khá lâu. Rồi ông lại bàn lấy một xấp giấy trắng và một cây bút. Ông đặt các thứ ấy trước mặt vợ, ra lệnh:
- Viết tờ kiểm điểm đi.
- Tôi không viết.
- Không viết thì ngồi đó tới sáng.
…..
Ngọc mở choàng mắt chạm vào một cái khuôn mặt to bè đỏ gay nồng nặc mùi rượu.
- Không được ngủ. Dậy viết kiểm điểm đi dã.
Nhưng Ngọc nhắm mắt, mềm rũ, nằm vật xuống giường. Người chồng lại ghế ngồi, lấy thuốc lá ra hút để trấn áp cơn say. Chưa hết điếu thuốc ông đã bật dậy đến bên giường, nắm hai ngón chân cái vợ kéo mạnh:
- Chưa ngủ được đâu! Tôi bảo cô phải viết kiểm điểm. Cô nghe rõ chưa? (Trang 44-47)
Đây là một cảnh khác, tại công ty du lịch. Thêm một người nữa bị ông cán bộ bắt viết kiểm điểm.
Nguyễn Văn Hùng giơ tay đấm vô lưng Ngọc. Phan đứng dậy:
- Anh là đàn ông mà làm gì vậy? Muốn đánh thì đánh tôi đây này.
- Mày thách hả? Tao giết mày.
Đám đông đã vây quanh như coi đá gà. Một người có trách nhiệm trong công ty du lịch bước đến. Anh ta bảo Nguyễn Văn Hùng:
- Đây là cơ quan. Xin ông đừng làm mất trật tự. Chuyện riêng của các người xin đi chỗ khác giải quyết.
Hùng đành ngồi xuống ghế.
- Thôi được, ông ta nói. Lấy giấy ra đi. Mỗi người viết một tờ kiểm điểm, ký tên vào.
Ngọc rất tức nhưng cũng phải cười.
- Đừng làm trò hề. Anh đi về đi là hay hơn cả.
- Tôi về để cho hai ngưòi đi hú hý với nhau à?
- Anh ấy có đi đâu.
- Đừng qua mặt tôi. Tôi không ngu đâu. Lấy giấy viết kiểm điểm lẹ lên.
Không thấy ai nhúc nhích, ông ta điên tiết lên, sục sạo trong túi quần tìm kiếm. Vẫn không có, ông ta đứng lên hỏi những người đang bu quanh:
- Ai có giấy xin cho một tờ.
Mấy anh lơ xe và xích lô nhìn nhau cười, họ bảo nhau:
- Đi kiếm giấy cho thủ trưởng làm kiểm điểm kìa.
Cô bé bán thuốc lá moi ở đâu ra đuợc một tờ giấy bằng bàn tay, nhàu nát. Hùng tiếp lấy vuốt vuốt cho thẳng rồi đặt trước mặt vợ:
- Hai người viết chung một tờ cũng được.
Ngọc gạt tờ giấy xuống đất.
- Không viết hả? Người chồng thét. Được rồi tôi sẽ làm một tờ biên bản.
Ông kê tờ giấy lên đầu gối, hí hoáy viết. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc…Chữ nghĩa ngoằn ngoèo rối rắm, vừa viết vừa nhíu mày, ngừng lại suy nghĩ rồi viết tiếp. Xong ông ta đưa tờ giấy cho Phan.
- Ký đi!
Phan không cầm tờ giấy, chỉ đọc lướt qua. Anh nói:
- Tôi không đồng ý câu “bắt quả tang hai người đang âm mưu hẹn nhau đi hủ hóa…”
- Đó là sự thực. Người chồng nói.
- Tôi không ký đâu.
Nguyễn Văn Hùng vụt đứng lên giơ nắm đấm:
- Tao bảo mày ký!
- Không, vì tôi không muốn anh làm nhục vợ anh và tự làm nhục mình. Anh sẽ làm gì với tờ giấy này?
- Làm gì mặc tao. Ký đi.
- Tôi không ký.
Một quả đấm vụt ra trúng ngay bả vai Phan, nhưng anh vẫn ngồi im hút thuốc lá…”(tr 95)
Sau đây là một cảnh bắt buộc viết tự kiểm khác:
“…–Không nói nhiều cô đi ngay đi.
Ngọc ném mạnh ly nưóc vào tường, đi thẳng ra cửa. Chị bước hấp tấp về phía cầu thang, nhưng người chồng đã đuổi kịp, níu tay lại:
- Cô chưa đi được đâu.
- Chính anh đuổi tôi mà.
- Đúng. Nhưng trước khi đi cô phải thú nhận hết mọi tội lỗi của cô đã. Phải nộp cho tôi bản tự kiểm thật chi tiết rồi mới được đi.
Ngọc vùng vẫy nhưng không được, chị la lớn:
- Trò hề! Tại sao tới giờ này anh vẫn chưa thấy đó là trò hề? “ (tr.198)
Sau đó Ngọc bị hành hung, lột hết quần áo nhốt vào buồng, trần như nhộng.
“Bây giờ thì Ngọc không còn một vật gì che thân ngoài tóc và lông. Tất cả đều mượt mà, đẹp một cách kiêu hãnh. Chị cúi xuống nhặt những mảnh vải tả tơi ném ra cửa sổ.
Thành phố rất im lặng .
Ngọc thức, nhìn ngắm những thương tích của mình .
Chị đi lại phía tủ áo. Một cái tủ trống. Hoàn toàn trống. Chị giận dữ kéo nắm cửa nhưng nó đã bị khóa từ bên ngoài. Chị đạp cửa rầm rầm nhưng nó không nhúc nhích. Ngọc lại giường ngồi và nhận ra trên giường có một xấp giấy trắng, một cây bút, một dòng chữ nguệch ngoạc: “Nếu muốn ra khỏi đây hãy viết bản tự kiểm.” Ngọc hất xấp giấy xuống đất. Giấy bay lả tả trắng cả sàn nhà, cây bút bi bắn vào góc tường.
Ngọc bấu tay vô song cửa sổ.
- Mở cửa! Chị la lên. Mở cửa mau!
Bóng đen của người chồng lù lù hiện ra, chậm chạp như con gấu già. Ông ta đang xách ấm nước sôi từ dưới bếp lên để pha trà.
- Mở cửa!
Ông ta điếc. Rất may trong phòng có cái gạt tàn thuốc. Ngọc ném mạnh ra cửa sổ, bay ngang mặt người chồng, vỡ tan tành trên tường vôi.
- Mở cửa cho tôi.
- Cô sẽ không bao giờ được ra khỏi phòng nếu không viết tự kiểm.
- Nhưng phải trả quần áo cho tôi. Vali tôi đâu?
Người chồng im lặng pha trà. Rồi uống nhâm nhi. Rồi đốt thuốc lá.
- Đồ tồi! Anh có quyền gì mà nhốt tôi? Trả quần áo đây.
- Loài dâm đãng thì cần gì quần áo.
Ngọc gầm thét:
- Tao mà ra được tao sẽ giết mày. Đồ hèn. Mày dám mở cửa không?
- Viết tự kiểm đi.
Người chồng đã uống xong tách trà, chùi miệng rồi bỏ đi.
Lát sau ông ta quay lại, đến bên cửa sổ ném vào một mớ giẻ rách đen nhẻm hôi hám.
- Quần áo của mày đấy.
Ngọc nhặt miếng giẻ lên. Đó là cái áo ngủ bằng vải tám Ngọc đã vứt đi từ ba bốn năm nay trong kẹt tủ. Nó đã bị chuột cắn nát, bị gián gặm nham nhở. Ngọc giũ nó trong luồng sáng của nắng mai giọi vào cửa sổ. Bụi bay mù mịt làm chị phải quay mặt đi. Trong chiếc áo ngủ tả tơi ấy Ngọc vừa giống ăn mày, vừa giống tù nhân, mặt mày sưng húp, đường nét lệch lạc, biến dạng. Ngọc đóng cửa sổ, lại giường nằm.
Tự nhiên nàng bật cười. Kẻ nào đạo diễn cái trò hề này? Ban đầu chỉ là một mối tình đơn giản, nhẹ nhàng. Vì suốt ba mươi mấy năm tôi thiếu nên tôi phải đi tìm. Phan cũng thế. Chỉ là bạn bè đi uống cà phê đi nghe âm nhạc. Còn bây giờ thì nổi tiếng cả nước. Quỷ cái. Ngoại tình. Đĩ ngựa. Kẻ vô luân. Dâm đãng. Cướp vợ. Giựt chồng. Kẻ thì hăm bắn, người thì dọa tạt át xít. Bạn bè tẩy chay. Xã hội đàm tiếu. Tất cả những cái đó ngày càng đẩy chúng tôi lại gần nhau hơn.
“Ngọc cười lớn. Chúng mày biết cái khỉ khô gì về tao. Hiểu quái gì về Phan, về người vợ nhạt nhẽo của Phan, về ông chồng dở hơi của tao. Sao chúng mày ngu quá vậy? Cái bọn đạo đức giả, bọn ăn thịt người. Cái bọn ganh tị, cả đời chỉ chực chui vào gầm giường người khác để rình rập bêu xấu.” (trang 199-202)
Ngu mấy các cai văn nghệ của đảng cũng hiểu rằng những câu trên nhắm vào bọn lãnh đạo (hiếu sát, phi nhân, đạo đức giả, cai trị bằng công an cảnh sát, chuyên rình mò người dân…). Vì thế không thể để “Nổi Loạn” được. Và họ đã vội vã cho thu lại.
Nếu không có chuyện “cho ra rồi lại thu lại” này thì cuốn tiểu thuyết đã không gây được chú ý. Vì thực ra nếu so với Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài hay Trần Mạnh Hảo và Nguyễn Huy Thiệp, thì Đào Hiếu không nổi tiếng bằng. Vì cuốn chuyện đã được phổ biến ở hải ngoại, nên chúng tôi chọn cho vào một chương để độc giả có dịp nhìn vấn đề ở một khía cạnh riêng, tương đối khác lạ, chứ không phải vì tư thế của tác giả, so với nhiều nhà văn khác.

No comments: