Chương 7
Nguyễn Hộquay lại chống Đảng
Nguyễn Hộ, sinh 1-5-1916 tại xã Hanh Thông, Gò Vấp, Gia Định, là một cán bộ Cộng Sản kỳ cựu miền Nam, gia nhập đảng Cộng Sản khi mới 21 tuổi. Sau 1975 đã có thời ông làm chủ tịch mặt trận tổ quốc Saigon. Giữa năm 1987 ông về hưu rồi cùng với một số cán bộ cựu kháng chiến trong đảng như Tạ Bá Tòng, đứng ra xin lập hội các người kháng chiến cũ, nhưng không được chấp thuận mà chỉ được phép lập Câu Lạc Bộ, quyền hạn và phạm vi hoạt động giới hạn hơn. Cùng đứng trong nhóm ông, ban đầu có cả Trần Văn Trà. Nhưng về sau tướng Trà tách ra và quay lại theo chính quyền chống câu lạc bộ này. Tổ chức của ông vất vả lắm mới ra được tờ “Truyền Thống Kháng Chiến”, chỉ phát hành được 3 số thì bị tịch thu, rồi đình bản. Câu Lạc Bộ bị giải tán và thay vào đó là một câu lạc bộ khác do đảng điều khiển. Ông Hộ nói rằng những người lũng đọan tổ chức này là các ông Võ Trần Chí (lúc ấy là bí thư thành uỷ Saigon), Trần Bạch Đằng và Trần Văn Trà.
Thực ra thì ban đầu tướng Trà rất tích cực trong hoạt động của Câu Lạc Bộ. Lúc đó cũng là lúc Nguyễn Văn Linh đang có hy vọng trở thành một thứ Gorbachev của VN. Nhưng rồi ông Linh đã không thắng nổi Lê Đức Thọ, cho nên khi ông ta chuyển hướng thì Trà cũng chuyển hướng theo. Võ Trần Chí, Trần Bạch Đằng cũng thế. Một nguồn tin Tây phuơng lúc ấy còn nói có cả tướng Võ Nguyên Giáp đứng đàng sau cái CLB này (xin xem chương 20). Điều này có thể đúng. Vì cũng vào thời gian ấy tại Âu Châu, người Việt hải ngoại đã lên tiếng tích cực ủng hộ Nguyễn Hộ làm lãnh tụ cho phong trào Dân Chủ trong nước. Trong số những người này có tên các vị Nguyễn Cao Hách, Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Hữu Thống, hoà thượng Thích Giác Lượng v.v…
Tờ Truyền Thống Kháng Chiến viết gì, và Câu Lạc Bộ trước làm gì để đến nỗi báo thì bị đình bản còn tổ chức thì biến thể theo đảng, chẳng cần nói ai cũng đoán được. Sau đây là những điểm chính mà nhóm ông Hộ kiến nghị:
1.“Bộ chính trị và ban bí thư trung ương đảng cần có sự kiểm điểm định kỳ, phê và tự phê trước ban chấp hành trung ương để qua đó điều chỉnh, kiện toàn cơ quan lãnh đạo: ai có đủ đức tài thì tiếp tục phát huy, còn ai không đủ đức tài thì cần cho rút lui để đưa người có đức có tài thay thế, chứ không thể cứ sống lâu lên lão làng.”
2. “Không nên “độc diễn” khi quốc hội bầu chủ tịch hội đồng bộ trưởng, mà nên có một số người ra ứng cử chức vụ nói trên với chương trình hành động cụ thể của mình. Quốc hội sẽ chọn một chủ tịch hội đồng bộ trưởng trong số các ứng cử viên ấy bằng lá phiếu kín của mình.
3. “Quốc hội cần cách chức một số bộ, thứ trưởng không làm tròn trách nhiệm, dẫn đến hậu quả là có trên 10 triệu người (ở miền Bắc) bị đói năm 1987, và nhân dân cả nước sống cơ cực kéo dài.”
Trong buổi hội thảo của câu lạc bộ cũ, lúc còn chủ động, được tổ chức từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều chủ nhật 7-1-1990, để bàn về các biến chuyển dồn dập ở Đông Âu lúc ấy, với tư cách chủ tọa, Nguyễn Hộ đã kết thúc 8 giờ bàn thảo sôi nổi như sau:
“Ngay trong những điều kiện của chế độ xã hội chủ nghĩa, nếu sự bất mãn của quần chúng cứ dồn dập mãi (theo sau sự tàng trữ những yếu tố bất công, nghèo đói ức hiếp), thì cách mạng sẽ nổ ra. Lịch sử là do nhân dân làm nên: Ở Đông Âu nhân dân đã làm lại lịch sử. Ở Việt Nam nhân dân đòi hỏi chứ không xin xỏ đổi mới. Đảng hiện nay đang suy thoái quá, cần lột xác, không thể cứ ba trợn như thế này. Cần chạy, cần nhảy, cần bay chứ không “cà rịch, cà tàng”, may ra mới khá được. Phải trả quyền dân chủ cho nhân dân, không thể ăn cướp quyền đó của nhân dân (cử tọa, khoảng 500 người, vỗ tay). Đảng nên làm đầy tớ nhân dân, chứ không làm cha người ta.” (1)
Sau khi thất bại và bị loại khỏi CLBKC mới, Nguyễn Hộ quyết định “về vườn”. Ngày 21 tháng 3 năm 1990 ông ly khai khỏi đảng, vì theo lời ông “nó đã trở thành vô nghĩa” và ông lên đường về Phú Giáo một vùng quê cách Saigon độ 60 cây số về phía đông nam. Sau khi ông đi khoảng hơn một tháng thì một số đồng chí của ông trong CLBKC cũ bị bắt, trong đó có Tạ Bá Tòng (Tám Cần), Hồ văn Hiếu (Hồ Hiếu), Đỗ Trung Hiếu (Mười Anh), rồi cả Lê Đình Mạnh, một người tích cực ủng hộ CLBKC cũng bị bắt.
Ông Võ Văn Kiệt lúc ấy là phó thủ tướng có tới Phú Giáo thăm ông vào một ngày tháng 8. Ông Kiệt muốn ông theo về Saigon, nhưng ông không chịu, và khi ông Kiệt hẹn gặp lại lần thứ hai thì ông cũng từ chối. Vì vậy không đầy một tháng sau ông bị bắt bằng một cách cũng na ná như Hà Sĩ Phu và Vũ Thư Hiên, được ông thuật lại nguyên văn như sau:
“Lúc 7 giờ sáng, khi tôi đang bơi xuồng (trên sông Saigon), vừa cặp vào bờ định bước lên đi vào đám ruộng gần đó để hái rau má, rau đắng về ăn. Đúng vào thời điểm ấy một chiếc ghe lớn đang chạy trên sông lại cặp sát xuồng tôi, trong đó có 6, 7 thanh niên khỏe mạnh. Bỗng có tiếng hô to: “Bác ơi! Bác có thấy một chiếc ghe nhỏ chạy ngang qua đây không?” Tôi trả lời: “Không!” Liền có tiếng hét to: “Đúng nó rồi!” “
Đó là ghe công an. Họ bắt ông đem về Saigon, đến đêm thì lại đưa lên Xuân Lộc, đi sau xe ông luôn có mấy chiếc xe khác “hộ tống”. Sau một tuần ông được đưa về Bình Triệu giam trong bốn tháng. Đến ngày 30 Tết, (năm 1991) ông được cho về nhà để quản thúc tại gia. Ông cho biết là trong 4 tháng bị giam giữ cẩn mật ở Bình Triệu, các ông Võ Văn Kiệt , Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, Võ Viết Thanh, Trần Văn Danh đều khuyên ông nên làm kiểm điểm để “giải quyết nội bộ”. Nhưng tin mình không có lỗi, ông không tự kiểm mà chỉ viết một bài dài 20 trang “phát biểu quan điểm của ông về tình hình chung trong nước”
Sau đây là một vài đoạn trích từ tập tài liệu ông soạn trong thời gian hơn hai năm bị quản thúc tại gia liên quan đến đảng, chế độ và quan niệm của ông về chủ nghĩa tư bản nói chung và một thứ chủ nghĩa “tư bản Trung quốc”.
Về chủ nghĩa Cộng Sản và đảng Cộng Sản Việt Nam
“Khi còn là đảng viên của đảng Cộng Sản Việt Nam, một thứ tù binh của đảng, tôi chỉ biết nói và suy nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ…”
“Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: Cộng Sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt 60 năm trên con đường cách mạng Cộng Sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì…Đó là điều sỉ nhục…”
“Chủ nghĩa Cộng Sản là một lý tưởng cao đẹp nhưng khi thực hành thì đầy thảm họa…”
“Chủ nghĩa xã hội trên hai mặt có tính chất quyết định – kinh tế và chính trị – là một chế độ xã hội không hợp lòng dân và trào lưu tiến hóa của lịch sử, nên đã bị bác bỏ ở khắp nơi…”
“Rõ ràng thuyết đấu tranh giai cấp và ý thức hệ Mác xít trong điều kiện kể trên của ngày nay tự nó đã lỗi thời và phá sản…”
“Ở Việt Nam tham nhũng đã trở thành quốc nạn, nhưng Việt Nam là nước không có dân chủ tự do, dân không có quyền, thì làm sao chống tham nhũng có hiệu quả? Cho nên điều trớ trêu thường xuất hiện là người hô hào chống tham nhũng lại chính là kẻ tham nhũng rất tệ hại…”
“Chính đảng Cộng Sản Việt Nam đã tước đoạt của nhân dân các quyền tự do mà nhân dân đã trả giá quá đắt, thứ vũ khí mà nhân dân phải có để bảo vệ lợi ích của mình khi nó bị vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dân chủ tự do bị chà đạp, vũ khí tự vệ bị tước đoạt thì nhân dân giống như người bị xiềng xích, bị bịt tai, bịt mắt, khớp miệng và tất nhiên gần 70 triệu người Việt Nam không thể không biến thành tù nhân của đảng Cộng Sản Việt Nam…”
“Đảng Cộng Sản Việt Nam phát động chống đa nguyên đa đảng là chống lại sự nghiệp dân chủ tự do của dân tộc Việt Nam, chống lại văn minh tiến bộ của đất nước, tức muốn kềm hãm dân tộc Việt Nam trong mê muội tối tăm, mù quáng…“
“Vì sự độc quyền lãnh đạo của đảng nên Quốc Hội chỉ biết làm theo chỉ thị của đảng. Vả lại hầu hết đại biểu quốc hội là cán bộ đảng viên của đảng. Do đó trước khi khai mạc quốc hội, những đảng viên cán bộ ấy được một đại diện của bộ chính trị đến để huấn thị là quốc hội cần phải làm như thế này, như thế này… Số người ngoài đảng ở trong quốc hội không đáng kể, hơn nữa, nếu có thì chính họ cũng đã được đảng hóa (Mác-xít hóa) mất rồi. Cho nên có thể nói: Quốc Hội là Đảng, Đảng là Quốc Hội, Nhà Nước là Đảng, Đảng là nhà nước. Với tính chất ấy đại biểu quốc hội không phải là người nói lên tiếng nói trung thực của nhân dân (cử tri) mà chính là người chỉ nói tiếng nói của đảng mà thôi.”
Vì quốc hội là của đảng, chính phủ là của đảng, tòa án là của đảng, báo chí cũng của đảng, cả bốn quyền lực trong một quốc gia đều nằm trong tay đảng cho nên đảng muốn làm gì tha hồ, ngay cả những tội ác tầy trời. Nguyễn Hộ đã nói đến sự trù dập đối với Trần Xuân Bách, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Mười Thơ và những cái chết đầy ám muội của một số tướng lãnh Cộng Sản như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Trần Bình và con của ông này. Sau đây là nguyên văn về một vài vụ:
“Trường hợp của đại tướng Hoàng Văn Thái trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói với vợ ông rằng: “Người ta đã giết tôi”. Và vợ ông trước mặt những người đến viếng thăm, đã khóc lóc thê thảm và kêu to lên rằng: “Người ta đã giết chồng tôi.” Cái chết đột ngột của đại tướng Lê Trọng Tấn cũng tương tự như trên (theo lời kể tỉ mỉ của hai vợ chồng một vị trung tướng đương chức ở Hà-nội, 1987)
“Dĩ nhiên,trước đó không lâu, một đại hội đảng bộ toàn quân diễn ra trong bầu không khí căng thẳng của cuộc đấu tranh nội bộ chưa từng có, đưa đến kết quả là hai ủy viên bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam là đại tướng Văn Tiến Dũng (bộ trưởng quốc phòng) và đại tướng Chu Huy Mân (phó bí thư quân ủy trung ương) đều thất cử, không được bầu vào cấp ủy đảng và đoàn đại biểu đảng bộ toàn quân đi dự đại hội lần thứ 6 của đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó Hoàng Văn Thái được trung ương chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng thay thế Văn Tiến Dũng, thì bị chết bất đắc kỳ tử. Và người được chỉ định thay ông là đại tướng Lê Trọng Tấn cũng chịu chung số phận bi thảm liền sau đó. Thật là khủng khiếp và đáng kinh ngạc….
“Còn trung tướng Trần Bình, cục trưởng cục tình báo quân đội, bị bắn chết ngay trên đường phố thuộc quận 3 thành phố HCM, và sau đó con trai ông cũng bị bắn chết trong khu vực nói trên.
“Trước các sự việc nghiêm trọng đó, dư luận xã hội rất xôn xao, còn các cơ quan thông tin thì im hơi lặng tiếng…Bởi vì sự độc quyền lãnh đạo—độc tài—của đảng Cộng Sản Việt Nam đòi hỏi tất cả phải được bưng bít, phải được giấu kín…”
“Nhìn chung, các cơ quan và tổ chức khác như chính phủ, tòa án, mặt trận, và các đoàn thể quần chúng đều là công cụ tay sai của đảng mà thôi. Bất cứ việc xét xử nào ở tòa án ở từng cấp đều phải làm đúng quyết định trước đó của cấp ủy đảng, tức là tuyên án công khai đúng như cấp ủy đảng đã tuyên án trước đó trong nội bộ.”
Đầu đoạn D của phần I là phần nói về quan điểm và cuộc sống Nguyễn Hộ đã viết bằng chữ cái tô đậm mấy lời như sau:
“BÁM CHẶT CÁI ĐÃ LỖI THỜI: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐÓI NGHÈO, LẠC HẬU VÀ ĐẪM MÁU”
Nguyên cái đầu đề đó đã đủ nói lên sự giác ngộ, phản tỉnh của Nguyễn Hộ nó dứt khoát và triệt để đến mức độ nào. Và ông đã để cả đoạn đó (dài hơn một trang lớn) để chứng minh nó lỗi thời, nghèo đói, lạc hậu và ĐẪM MÁU ra sao. Khỏi cần phải trưng dẫn.
Về chủ nghĩa tư bản
Trong phần II của tài liệu, ông Nguyễn Hộ đã so sánh hai chủ nghĩa tư bản và Cộng Sản và nói về những cái hay của chủ nghĩa tư bản và cho rằng Việt Nam chỉ có một cách đi theo Tư Bản Chủ Nghĩa mới cứu vãn được tình thế. Ông cũng mỉa mai rằng chính sách đổi mới của Việt Nam bắt buộc phải đổi theo tư bản chủ nghĩa, nhưng lại đổi mới nửa vời với “cái mũ xã hội chủ nghĩa” ở trên đầu. Ông cũng cho rằng chủ nghĩa tư bản cũng sẽ đến lúc bị tiêu diệt nhưng không bởi chủ nghĩa xã hội mà bằng hòa bình và trí tuệ. So sánh hai chủ nghĩa nói trên ông viết:
“Như mọi người đều biết, khi trên thế giới xuất hiện hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa song song tồn tại và đối đầu nhau quyết liệt, thì đồng thời cũng bộc lộ khá rõ nét những hiện tượng nghịch lý:
“+ CNTB xuất phát từ của riêng, lợi ích cá nhân, lợi nhuận – từng bị lên án là “thối nát” và”phải bị tiêu diệt” – nhưng trong tác động thực tiễn của nó lại dẫn đến những hậu quả kinh tế xã hội kỳ diệu, không lường trước được: năng suất lao động cao, hàng hóa dồi dào có thể thỏa mãn mọi nhu cầu xã hội, làm cho đất nước phồn vinh giầu có hùng mạnh, nhân dân ấm no hạnh phúc, xã hội phát triển đạt đến đỉnh cao của nền văn minh hiện đại ngày nay.
“+ CNXH, ngược lại , được cho là ưu việt, xuất phát từ của chung (sở hữu công cộng), luôn luôn vì lợi ích xã hội (tức không có của riêng , không có lợi nhuận, không có giai cấp người bóc lột người), nhưng trong tác động thực tiễn lại dẫn đến những hậu quả hoàn toàn khác hẳn: kinh tế bị phá hoại nghiêm trọng bởi chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, năng suất lao động thấp kém, hàng hóa đơn điệu thiếu thốn, không đáp ứng nổi các yêu cầu cấp bách của xã hội (tem phiếu, xếp hàng rồng rắn, quày hàng trống rỗng…), đất nước lâm cảnh nghèo nàn lạc hậu triền miên, nhân dân sống cơ cực, lầm than, đói rách, và không hề có dân chủ tự do…”
“Từ thực tiễn đó ta thấy không phải là vấn đề tiêu diệt chủ nghĩa tư bản như đảng Cộng Sản từng khẳng định mà chính là vấn đề học tập và làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa như thế nào cho tốt, cho nên cần khiêm tốn một chút vì thực tiễn luôn luôn là chân lý sáng ngời.”
“Thật là kỳ lạ CNTB không hề chủ trương “thế giới đại đồng”, nhưng lại thực hiện “thế giới đại đồng”. Còn CNCS thì chủ trương , hô hào tiến tới một “thế giới đại đồng”, nhưng lại thực hành một quốc gia khép kín, tự cung tự cấp (ích kỷ), bế môn tỏa cảng.”
“Vì lúc bấy giờ (sau chiến thắng Điện Biên Phủ, 1954 và sau khi chiếm được miền Nam, chú thích của M.V.), mọi người đều được giáo dục rằng: trong xã hội chủ nghĩa mọi vấn đề đều có sự lãnh đạo của đảng, mọi thứ đều tốt cả, nên không cần có đấu tranh của quần chúng. Đấu tranh của quần chúng chỉ tồn tại trong xã hội cũ (xã hội thuộc địa). Trong xã hội chủ nghĩa Đảng và nhân dân là một, giữa đảng và nhân dân không thể có ý kiến, quan điểm khác nhau, không có đối lập, đối kháng, nên không thể có đấu tranh, đình công, biểu tình. Do đó trong CNXH không có vấn đề đấu tranh cho dân chủ tự do, vì chế độ XHCN (chuyên chính vô sản) là chế độ dân chủ một triệu lần hơn chủ nghĩa tư bản” (?)”
Sau khi đã so sánh tư bản với Cộng Sản và khẳng định tư bản là đúng Cộng Sản là sai, Nguyễn Hộ hỏi đảng Cộng Sản Việt Nam:
“Đảng Cộng Sản VN có dám làm một cuộc cách mạng về tư tưởng, có dám “lột xác” không? Có dám vứt bỏ ý hệ Mác Xít giáo điều lỗi thời không? Có dám vứt bỏ quan điểm tư tưởng thành kiến cũ rích đối với đồng bào Việt Kiều (theo tư bản chủ nghĩa ) không?”
Nghe câu hỏi này, người ta tự hỏi: Phải chăng một Việt Kiều ở Mỹ đã gà cho Nguyễn Hộ? Hay chính ông đã thực sự “lột xác”, đã hối hận vì hơn nửa thế kỷ đi theo Cộng Sản chống lại đồng bào mình, phá rối miền Nam, tàn sát những người quốc gia, chỉ vì những người này đi theo một chủ nghĩa đúng đắn hơn cái chủ nghĩa mà ông và các đồng chí của ông từng theo?
Về chính sách đổi mới của Việt Nam khởi sự vào giữa thập niên 80, Nguyễn Hộ phê bình là nó què quặt vì đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị, cho nên “giống như “cá mắc câu”, càng vùng vẫy thì mắc câu càng sâu, tức càng khẳng định “kiên trì chủ nghĩa xã hội” thì càng đi sâu vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản mà không có sức mạnh nào cưỡng lại được.”
Về chế độ “tư bản kiểu Trung cộng” và kiểu Việt Nam
Nguyễn Hộ so sánh đổi mới ở TQ dưới quyền Đặng Tiểu Bình và đổi mới ở Việt Nam dưới thời Nguyễn Văn Linh có những điểm giống nhau và khác nhau. Ông tán thành đổi mới kiểu Trung Quốc vì nó thực tế hơn, tuy vẫn còn què quặt vì chưa đổi mới chính trị:
“Chủ Nghĩa Xã Hội mang màu sắc Trung Quốc” là “chủ nghĩa xã hội” không theo tư tưởng Mác – Lê-nin, đảo ngược hoàn toàn chủ nghĩa Mác – Lê-nin. “Chủ Nghĩa Xã Hội mang màu sắc Trung Quốc là chủ nghĩa tư bản đích thực ở Trung Quốc.” Như vậy chủ nghĩa tư bản được xây dựng ở Trung Quốc là thông qua sự lãnh đạo vòng vèo đầy mưu lược của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đảng của “chủ nghĩa Mác – Lê-nin” (?) Phải chăng đây là nghịch lý, ngược đời? Tuyên bố học tập theo chủ nghĩa tư bản, làm theo mô hình tư bản chủ nghĩa là lời tuyên bố dũng cảm, táo bạo đầy tinh thần cách mạng sáng tạo, thật sự cầu thị của nhà lãnh đạo cao niên (88 tuổi) Đặng Tiểu Bình. Lời tuyên bố ấy bao hàm ý thức thừa nhận rằng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là phương thức sản xuất hoàn thiện nhất của xã hội loài người ngày nay; nó có sức thu hút quyến dũ lạ thường và đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của nhân dân , của xã hội.”
Đó là nói về Trung Quốc. Về Việt Nam Nguyễn Hộ cũng khẳng định với chính sách đổi mới hiện nay tình thế cũng không thể đảo ngược. Nói gì thì nói, nói xuôi nói ngược, thực chất vẫn là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Vậy thà thành thực khiêm nhượng mà thú nhận thì hơn. Ông kết thúc bài viết của ông như sau:
“Thưa các Ngài Tư Bản,
“…Vì vậy giờ đây chúng tôi thấy phải học tập các Ngài, học tập chủ nghĩa Tư Bản, làm theo mô hình Tư Bản Chủ Nghĩa của các Ngài, và tất nhiên là phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê-nin, chủ nghĩa c.s. đã quá lỗi thời, để tiến kịp theo các Ngài trên con đường tiến hóa của lịch sử.”
Đọc bài phát biểu của Nguyễn Hộ, một cán bộ tự thú mình chỉ học đến sơ học yếu lược, trước khi đi theo kháng chiến chống Pháp, những người chống Cộng cực đoan chắc khoái chí, vì thấy ông ta phê phán chủ nghĩa Cộng Sản và ca tụng chủ nghĩa tư bản chẳng khác mình bao nhiêu. Và không khỏi nghi có người khác viết hộ ông. Người đó là ai? Những người đó là ai? Vì không có thông tin chính xác nên chúng tôi không dám khẳng định.
Nhưng chúng ta hãy lưu ý là Nguyễn Hộ có giữ chức chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Saigon, kiêm ủy viên chủ tịch đoàn Mặt Trận trong cả nước trong một thời gian dài sau 30 tháng tư. Trong vai trò trung gian giữa đảng và quần chúng ông đã có nhiều dịp tiếp xúc với những người ngoài đảng, kể cả những người chống đảng – lấy cớ để vận động. Cũng trong cương vị đó ông được chứng kiến tận mắt những gì mà chế độ tư bản đã ảnh hưởng tới đời sống vật chất của người dân Saigon nói riêng và người dân miền Nam nói chung. Chắc chắn ông phải suy nghĩ và so sánh với những gì chủ nghĩa xã hội đã làm cho người dân miền Bắc trước 75 và cho người dân cả nước sau 75.
Ảnh hưởng của những người xung quanh, tác động của thực tiễn xảy ra hàng ngày trước mắt, kèm theo những suy tư của một con người có tâm huyết chắc chắn đã thay đổi con người ông. Cho nên ông đã “lột xác”, (2) sẵn lòng từ bỏ cái đảng mà ông đã theo trên nửa thế kỷ. Ông cương quyết đi theo con đường mới vì tin tưởng rằng cùng với ông còn có nhiều đảng viên khác cũng suy tư như ông cũng đang muốn từ bỏ đảng dứt khoát, chỉ chưa dám, hoặc không biết cách bày tỏ ý muốn của mình đó thôi. Chẳng những chính ông “lột xác”, ông còn kêu gọi “Đảng phải lột xác để đi lên. Đổi mới là phải dân chủ. Dân chủ là của dân, phải trả lại cho dân, không phải là món quà ban phát.” Ông dõng dạc tuyên bố như thế để kết thúc cuộc mít tinh của CLBKC tổ chức vườn Tao Đàn ngày 7-1-1990. Đáp lại lời kêu gọi này đảng đã đẩy ông và Tạ Bá Tòng là hai người trụ cốt ra khỏi CLBKC để đặt những người ngoan ngoãn hơn lên thay, biến nó thành một thứ con rối của đảng. (3)
Chú thích
(1) Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lan, nhà báo (nguyên linh mục công giáo hoàn tục), đã dự cuộc hội thảo này và ghi lại trong nhật ký của ông, ngày 7 tháng 1 năm 1990. Cũng trong buổi hội thảo này Trần Văn Giầu, một cán bộ cách mạng Cộng Sản lão thành kỳ cựu miền Nam, xuất thân từ trường cách mạng đông phương của Liên Xô cùng với các lãnh tụ Cộng Sản đông âu và tây âu như Tito, Honecker, Thorez…và tốt nghiệp thủ khoa, cũng đã phát biểu như sau: “Tôi có nhiều nhược điểm, mà một trong những nhược điểm đó là tin vào Liên Xô, đánh chết cũng không chừa. Giả như tôi gặp được đồng chí Gorbachev, tôi sẽ nói với đồng chí ấy: “Mày cứ phải tiến lên”. Nhưng Trần Văn Giầu khôn hơn (hay hèn hơn?) Nguyễn Hộ ở chỗ biết rào đón thật cẩn thận rồi mới phun ra câu nói trên. (“Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan 1989-1990, Sống Thẳng, Nói Thật”, Nhà Xuất Bản Tin, Paris, 1991, trang 181-182).
(2) “Lột xác” cũng là đầu đề của một bài tiểu luận của Nguyễn Hộ.
(3) “Viết cho mẹ và quốc hội” của Nguyễn Văn Trấn, Văn Nghệ, 1995, trang 399
No comments:
Post a Comment