Monday, August 13, 2012

THỰC HƯ * XII

Chương 12
Giáo Sư Thạc Sĩ Trần Đức Thảo
bị đầu độc?
phantinhphankhangNgày 24-4-1993 một ký giả làm cho tờ Le Monde ở Pháp điện thoại cho cựu đại tá Việt Cộng Bùi Tín, lúc ấy đang ở Paris: “Có tin giáo sư Trần Đức Thảo chết vì bị đầu độc, ông có biết gì không? “ Đó là một câu hỏi lúc đó không ai có thể trả lời. Nhưng những người sống gần ông Thảo trong những ngày đó, như các bà Bích Hồng, Hồng Hạnh, cho biết mấy hôm trước giáo sư bị ngã ở cầu thang hai lần, rồi lại bị tiêu chảy, trong người hết sức mệt. Ông thều thào nói với bà Bích Hồng nhờ bà gọi điện thoại cho mấy người quen nhưng bà Hồng cho biết cán bộ quản lý của sứ quán Việt Nam Cộng Sản tên Hảo cấm bà không được gọi, y còn đe đuổi bà nếu cãi lệnh. Tuy vậy vì quá thương người ốm bà cũng liều lén đi gọi. Có người đến cho ông vài viên thuốc cầm tiêu chảy được vài ngày. Đến trưa ngày 23 tháng 4 thì ông lên cơn đau và nói sảng : “Đông Âu đấy! Đông Âu đấy!”… rồi: “Nó kiểm điểm! Nó kiểm điểm!” Ông được đưa vào nhà thương và hôm sau thì mất. Bạn bè yêu cầu cho khám nghiệm tử thi nhưng không được chấp thuận. Thi hài ông được hỏa táng. Gần nửa năm sau, ở Paris người ta đọc được mẩu tin sau đây trên tờ Bông Sen, tháng 9, 1993: “Có người bạn ở Việt Nam cho biết bình tro di cốt triết gia Trần Đức Thảo được đưa từ Pháp về không có ai nhận, rốt cuộc vẫn nằm lây lất ở cầu thang của công ty mai táng thành phố Hồ Chí Minh” (1) Nhưng tháng 5 báo chí trong nước loan tin là lễ truy điệu giáo sư Thảo được tổ chức long trọng tại trường đại học tổng hợp Hà-nội.
Không biết người ta có độc ác và táng tận lương tâm đến độ đầu độc ông Thảo không. Nhưng sự ngược đãi thì mọi người đều biết là có. Như đã nói nơi chương trên, giáo sư Trần Đức Thảo là người duy nhất trong những nạn nhân của vụ “Nhân văn- Giai phẩm” được Trương Như Tảng nói đến trong “hồi ký một Việt Cộng”. Họ Trương còn kể rằng em ruột của Phạm Ngọc Thảo là Lucien Phạm Ngọc Hùng sau khi được phép đặc biệt gặp giáo sư Thảo, là bạn học cũ, đã nói: “Ông Thảo như người ở cung trăng, nửa khùng nửa điên.” (trang 300) Nhận xét này trùng hợp với lời tường thuật của bà Bích Hồng nói trên rằng trước khi tắt thở ông Thảo đã nói những câu có lẽ là những ý nghĩ thường ám ảnh triết gia: “Đông Âu đấy… Nó kiểm điểm…” Sau khi ông mất được nửa tháng tờ Saigon Giải Phóng có đăng một bài của Nguyễn Đình Thi bày tỏ cảm nghĩ riêng về một nhà tư tưởng mà ông ta kính trọng. Ông Thi cũng có nhận xét gần giống Phạm Ngọc Hùng.
“Mỗi lần gặp anh, tôi thấy nhà triết học uyên bác ấy vẫn luôn như ngơ ngác trong các việc đời.”
Có phải ông thuộc loại người mà thời trước các cụ thường hay ví “ngất nga ngất ngưởng như Đình Tưởng mất vợ”? Nói của đáng tội, ông cũng có nỗi buồn đó thật. Bà Nhất, vợ ông đã bỏ ông để lấy bạn ông, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một thứ lý thuyết gia của chế độ. (2). Không vợ, không con, lại bị cô lập với mọi người (3) và lại là người hay suy tư. Triết gia thường được gọi là nhà tư tưởng (penseur) mà. Nhất là cuộc đời ông, hoài bão ông không nhỏ, lại bị dồn nén, kìm hãm, đè ép thì làm gì không dở khùng dở điên. Sau khi ông mất, nhà văn Phùng Quán, cũng từng là nạn nhân của vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”, đã kể lại 5 câu chuyện cười ra nước mắt về một “nhà tư tưởng hay đãng trí” đăng trên tờ Văn Nghệ cuối năm 1993 tựa đề: “Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo.” Người không để ý thì coi như những chuyện chẳng hay ho gì đối với một nhà trí thức. Nhưng đọc kỹ giữa những hàng chữ thì thấy rõ ràng tác giả muốn qua những câu chuyện này lên án chế độ đã biến một bộ óc siêu việt thành một cái đầu lẩm cẩm ngu đần, mà lại còn giả nhân giả nghĩa cho truy điệu long trọng ở thủ đô. May cho “đảng ta” là chưa thấy người Việt Nam nào công khai đặt dấu hỏi giống nhà báo của tờ Le Monde (Thế Giới) đã hỏi ông Bùi Tín.
Thực ra ông Thảo là người như thế nào và đã làm gì nên tội để đến nỗi bị trù dập không ngóc đầu lên được và bị chết trong cảnh cô đơn như vậy?
Trần Đức Thảo, con cụ Trần Đức Tiến, sinh năm 1917 tại tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc. Gia đình gửi ông ra Hà-nội học trường Tây Albert Sarraut, đến năm 18 tuổi thì đậu bằng tú tài phần 2, ban triết. Sau đó ông sang Pháp học trường cao đẳng sư phạm ở thủ đô Paris. Năm 1943 ông đậu thạc sĩ triết học, là văn bằng của các giáo sư có tư cách dạy triết bậc trung học. (4) Ông nổi tiếng vì đỗ đầu lại có nhiều bài đăng báo ngoại quốc và nhất là ông có tranh luận với Jean Paul Sartres (5) về triết học Mác xít và có vẻ thắng thế. Người ta đã chú ý nhiều đến vụ kiện giữa ông và ông Sartres. Có người bảo ông thua, có người bảo ông bãi nại, để về nước tham gia cách mạng với Hồ Chí Minh mà ông đã được gặp tại Pháp năm 1946. Cũng trong năm 1946 ông Thảo có viết một bài về “chủ nghĩa Mác và hiện tượng học” đăng trên tờ La revue internationale (Tạp chí thế giới) Những năm sau ông còn viết một số bài đăng trên tờ Les temps modernes (Thời Hiện Đại, hay Thời Mới), và tờ Revue de métaphysique et morale (tạp chí siêu hình học và đạo đức học), khiến ông được chú ý tới như một nhà Mác- xít. Hai cuốn bằng Việt ngữ nhan đề “Triết lý đã đi đến đâu”“Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” cũng như một số bài bằng Pháp ngữ có tính cách tư tưởng thuần túy đăng trên tờ La pensée (Tư Duy) càng làm cho ông nổi tiếng hơn nữa.
Có người bảo chỉ sau khi gặp ông Hồ, ông mới bỏ Satre để quay ra ôm chân Mác. Với số kiến thức về Mác ông hy vọng sẽ có thể cùng với nhóm ông Hồ đẩy mạnh cách mạng ở Việt Nam. Ông rời Pháp cuối năm 1951 và đến đầu 1952 thì về đến Việt Bắc. Tuy là đảng viên Cộng Sản Pháp, nhưng Trần Đức Thảo nói chưa bao giờ gia nhập đảng Lao Động, tức đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng về đến nơi ông chỉ được nhà cầm quyền trao cho những công việc không phù hợp với sở trường và hoài bão của ông, như dịch thuật một số tài liệu của đảng và người ta còn kiểm duyệt gắt gao những bài ông dịch hay viết. (6) Tình trạng đó dĩ nhiên khiến ông bất mãn. Ông cũng đã bị qua cuộc thử lửa trong “chỉnh đốn tổ chức” và còn được chỉ định tham gia chiến dịch cải cách ruộng đất ở nông thôn. Qua hai kinh nghiệm đó ông thấy mối nguy nô lệ Trung Quốc bèn đạo đạt ý kiến với những cán bộ lãnh đạo nhưng cấp trên luôn luôn bảo thủ, không đếm xỉa đến ý kiến của ông. Khi có chiến dịch sửa sai và phong trào “nhân văn – giai phẩm” ông liền tham gia. Bài “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ” của ông đăng trên tờ Nhân Văn số 3 ngày 15 tháng 10 năm 1956, rồi bài “Nội dung xã hội và hình thức tự do” đăng trên tờ “Giai phẩm mùa đông” sau đó độ một tháng đã làm cho giới lãnh đạo hết sức bực mình, nhất là những tay cai văn nghệ lúc ấy như Tố Hữu, Phạm Huy Thông. Họ viết bài đả kích ông mạt sát ông, gọi ông là “thứ phản động đội lốt Mác-xít”. Và từ đó ông bị theo dõi canh chừng gắt gao. Người ta vẫn để ông đi lại tự do để mua thức ăn về tự nấu nướng lấy mà ăn. Có điều đáng nói là trong số thức ăn rẻ tiền của ông người ta thường thấy có món thịt cóc. Cũng tương tự như hoàn cảnh của Nguyễn Hữu Đang đứng đầu nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. (Xin xem chương 19). Nhưng hễ có ai gặp ông bất cứ ở chỗ nào, thì người ấy liền bị bắt để điều tra đủ chuyện. Vì vậy không ai dám gặp ông. Người ta còn nói chính vợ ông đã báo cáo ông, rồi còn đòi ly dị để thành hôn lại với bạn ông là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.(7) Trong hai năm từ tháng 4, 1991 đến tháng tư, 1993 sống ở Pháp trên một căn gác lụp sụp, cũ kỹ đầy gián của toà đại sứ Việt Cộng, ông cũng sống như một tên tù giam lỏng. Ông tâm sự với mấy người thân là ông gặp ai đều phải báo cáo cho sứ quán, tuy cũng không hiếm khi ông lén lút gặp những người ông thích.
Đến thời Nguyễn Văn Linh làm tổng bí thư, với chính sách cởi mở, ông trở lại cầm bút. Những tiểu luận như “Triết lý đi tới đâu?” hay “Vấn Đề Con Người và chủ nghĩa lý luận không có con người” không gây được tiếng vang nào. Người ta coi ông như một ông già lẩm cẩm chẳng mấy ai thèm chú ý. Năm 1991, vào thời gian chế độ Cộng Sản ở Liên Xô tan rã, không biết bằng cách nào ông lại được đảng giao cho công tác sang Pháp với sứ mạng: “Vận động trí thức Pháp ủng hộ chế độ hiện hành ở Việt Nam, vì nay đảng đã có chính sách cởi mở.” Nhưng sang đến nơi ông không vận động gì cả mà lại lợi dụng cái “chính sách cởi mở” kia để hoàn tất một tác phẩm về chủ nghĩa Mác, nhằm chứng minh là Mác sai. Hết thời hạn, ông vận động xin gia hạn và ở cho đến khi mất trong hoàn cảnh như đã nói ở trên. Theo ông Trần Tri Vũ, người đã được đàm đạo với ông nhiều lần trong những tuần lễ trước khi ông mất, thì tác phẩm mà ông định viết đó là một tác phẩm nhằm chứng minh “Mác sai chứ không phải tại người ta không hiểu Mác và áp dụng sai”. Ông mới chỉ viết được 4 chương, còn những chương quyết định thì chưa xong. Nhưng ông cũng cho ông Trần Tri Vũ và một vài người biết đại ý như sau: “Tôi muốn chứng minh từng bước một bằng triết học là chủ nghĩa Mác nay đã hết thời rồi. Bởi vì chính Mác đã sai. Mác sai từ những điểm cơ bản và cả về phương pháp.” Ông cũng thú thực chỉ mới khám phá ra điều đó từ tháng tư năm 1992, tức là một năm trước khi ông mất, và vào thời gian ông đã ở bên Pháp rồi. (8) Ông cũng nói trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng có những ngừời thấy thuyết Mác xít có gì đó không ổn, nhưng chưa chứng minh được là nó sai, hoặc không dám nói lên ý nghĩ đích thực của mình. Người khác thì “ngậm miệng ăn tiền”, chỉ cố ôm lấy chủ nghĩa Mác để bảo vệ chức quyền, dù biết nó sai.
Bây giờ hãy xem những gì ông viết từ vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã đụng chạm tới chủ thuyết của đảng ra sao, để đến nỗi ông bị trù dập như vậy. Vì khuôn khổ chương sách, cũng như mục đích của toàn bộ soạn phẩm, chúng tôi không đề cập đến những gì ông viết khi còn là một người theo thuyết hiện sinh, rồi khi mới rời bỏ Sartre quay sang phe Mác-xít, nhất là thời gian chưa về nước, như các bài báo đăng trên các tờ báo Pháp Les temps modernes, La revue Internationale và Revue de métaphysique et morale, mà chỉ trích dẫn mấy đoạn trong những bài báo đăng trên hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm Mùa Đông nói trên.
Trong bài “Nỗ Lực Phát Triển Tự Do Dân Chủ” (ngày 15-10-56) có đoạn sau đây:
“Chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã gột rửa những vết xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do dân chủ.”
Trong bài “Nội Dung Xã Hội Và Hình Thức Tự Do” ông viết :
“Tổ chức chúng ta, tuy xét về nội dung là dân chủ thực sự, nhưng lại bị lũng đoạn bởi những bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân.”…và:
“…Nhưng vì cơ cấu của tổ chức lãnh đạo có hướng một chiều, rất nặng về tổ chức và phương tiện đả thông, cưỡng bách mà những ý kiến phê bình của nhân dân hay cấp dưới thì lại hoàn toàn để cho cấp trên quyết định có nên xét đến và cho thảo luận hay không, cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo đã có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh tác phong đàn áp tư tưởng, phớt qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan thành lập trường bất di dịch. Nhờ những điều kiện ấy mà những phần tử lạc hậu, bảo thủ, đã ngăn cản ý kiến cuả quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm, cho đến lúc tác hại lớn quá, cơ sở đã bị tổn thất nặng nề, chỉnh đốn tổ chức ở huyện và tỉnh phát triển theo một thứ chủ nghĩa “nông dân lưu manh hóa”. Rõ ràng những phần tử quan liệu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối của lịch sử, biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn, lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.”
Về tương quan giữa (đảng) lãnh đạo và nhân dân ông viết:
“Nếu trong phần phê bình có phần “bất mãn” thì có các bất mãn ấy mới sửa chữa được sai lầm, có cái bất mãn ấy thì lãnh đạo mới thỏa mãn được nhân dân. Lãnh đạo theo đường lối quần chúng không phải chỉ là ngồi trên , mà “tìm hiểu quần chúng.” Vì như thế vẫn còn là tự đặt mình trên nhân dân, mà người lãnh đạo không có quyền tự đặt mình trên nhân dân…”
Chính lúc trung ương tin tưởng rằng nhờ tổ chức chặt chẽ mà nắm được hết thì biện chứng pháp của lịch sử đã quay lại vấn đề: “tổ chức thoát ly quần chúng, lãnh đạo rất yếu, chỉ đạo lung tung.”
Để bảo vệ lập luận của mình, và cũng để tự vệ, ông Thảo đã dẫn chứng Đặng Tiểu Bình, lúc ấy là tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, chưa bị họ Mao thanh trừng, ông viết:
“Trong bản tham luận đọc trước đại hội thứ 8 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hiện giờ là tổng bí thư của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã nói: “Đảng không có quyền vượt lên trên quần chúng nhân dân, tức là đảng không có quyền ban ơn, cưỡng bách, mệnh lệnh đối với quần chúng nhân dân, đảng không có quyền xưng vương, xưng bá trên đầu nhân dân.”
Người nói câu này sau đó đã bị Mao thanh trừng, cách chức. Dĩ nhiên ngưòi trưng dẫn câu của Đặng Tiểu Bình cũng không thoát cảnh trù dập. Vì lúc ấy Bắc Việt đương áp dụng chính sách Mao. Mặc dầu ai cũng biết cả hai nhà Mác xít này đều phát ngôn theo đúng thuyết của Mác. Lúc ấy ông Thảo chưa thoát được ra khỏi cái khuôn đã đúc nên tư duy của ông, như ít ngày trước khi ông mất.
Trước khi mất, ông Thảo đã nói gì với những người trong nhóm thân hữu Trần Đức Thảo? Những lời tâm sự sau đây của nhà Mác-xít Trần Đức Thảo được ông Trần Tri Vũ kể lại trong bài “phóng sự bên lề triết học “đăng trên Phụ Nữ Diễn Đàn đã nói ở trên:
Nhân nói về cảnh luật sư Nguyễn Mạnh Tường phải bán sách quý cho người ta gói hàng để có tiền mua thức ăn, ông Thảo nói:
“Trí thức mà không biết nịnh bợ thì sống khổ hơn con chó.”
Ông cũng cho biết chính ông cũng đã từng có thời gian phải đi bắt cóc về ăn cho có chút “protit”. Được hỏi: “Khi đã sang Pháp chuyến này ông có được tự do không? ” Ông trả lời ngay:
“Tự do cái gì! Chúng nó muốn đánh cho chết ấy chứ tự do cái gì?”…”Gặp ai rồi là tôi cũng phải báo cáo với sứ quán. Riêng những buổi như thế này là gặp lén lút đấy.”
Sau đây là tóm tắt đại ý những gì ông Thảo thấy sai trong chủ nghĩa Mác, mặc dù đối với những người chống Cộng thì nó đã hiển nhiên từ lâu rồi:
“Mác sai từ những điểm cơ bản và cả từ phương pháp. Về cơ bản Mác đã chủ trương hy sinh hiện tại để xây dựng tương lai, hy sinh cá nhân để xây dựng tập thể. Cái tương lai xây trên cái hiện tại bị triệt tiêu, cái tập thể dựng trên những cá nhân đã bị trù dập, đàn áp, tiêu diệt nên nó không vững, không hợp với con người. Vì hy sinh hai nền tảng đó mà chủ nghĩa Mác không thể là một chủ nghĩa nhân bản được nữa. Cùng lắm nó chỉ có cái vỏ; bề ngoài là nhân bản, nhưng cốt lõi nó rỗng…
Về mặt phương pháp, Mác tưởng rằng đã cải tạo được biện chứng duy tâm của Hégel thành biện chứng duy vật. Nhưng trong thực tế Mác đã bất lực không làm được điều đó. Thay vì lấy những khoa học hiện thực như thống kê học để làm phương tiện, Mác,và nhất là những môn đệ của ông như Lê-nin, đã lấy cái ý chí của mình làm phương tiện để tư duy, suy luận, nên nó luôn luôn đưa ra xa với thực tế, nó trở thành duy ý chí, trở thành thứ biện chứng duy tâm đích thực, nên nó sai, nó hỏng. Hégel dùng biện chứng duy tâm để nói chuyện trên trời nên nó ít tai hại. Mác mang phương pháp đó ra lý giải chuyện dưới đất thì nó tai hại vô cùng.”
Trả lời câu hỏi của Trần Tri Vũ: “Như vậy cụ phủ nhận hết những gì cụ đã viết về Mác, đã ca ngợi Mác?” ông nói lớn như gắt lên:
“Tất nhiên rồi! Hẳn phải là như thế!”
Phủ nhận tất cả những gì mình đã viết trước kia đối với ông Thảo, không phải là tự mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất, mà là làm theo phép biện chứng duy vật: “phủ định của phủ định” vậy.
Trần Tri Vũ đã ca ngợi ông hết lời: “Có nhà trí thức nào đã có được thái độ can đảm như vậy?”
Nhưng những người không ưa thì bảo ông Thảo chỉ đón gió trở cờ đó thôi, chẳng có gì anh hùng cả. Họ xét lại những hành động, thái độ của ông từ ngày ông ở trong Tổng Ủy Ban Đại Diện Việt Kiều. Lúc ông đi với nhóm đệ tứ, lúc ông công kích đệ tứ, quay sang đệ tam, lúc ông theo chân Sartre, gọi Mác là “petit philosophe” (triết gia nhỏ, xoàng thôi), lúc quay ra đả kích Sartre tôn thờ Mác. Khi về Việt Nam thấy Việt Minh lãnh đạo phong trào cải cách ruộng đất ông cũng về nông thôn làm cán bộ cải cách. Trong “chỉnh đốn cán bộ” ông cũng hăng hái tự phê, tự kiểm, hăng say “lao động” nằm gai nếm mật với các cán bộ đảng. Đến khi Khrutshchev hạ bệ Staline, ông mới theo nhóm Nhân Vân Giai Phẩm, bài Staline. Khi cởi mở thời Nguyễn Văn Linh ông cũng khéo léo vận động để được đi Pháp để vận động cho đảng. Nhưng sang đến Pháp vào lúc Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, ông mới quay ra viết sách chứng minh Mác sai. Nhưng tác phẩm đánh Mác chưa xong thì ông đã ra người thiên cổ. Vì vậy người ta chỉ biết ông là người Mác xít. Tuy ông có can đảm chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chê lãnh đạo Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ ông từ bỏ đảng Cộng Sản Pháp mà ông đã gia nhập vào những năm đầu khi ông mới tới Pháp. Ông cũng không chịu để người phe quốc gia chống cộng giúp đỡ trong lúc ông vô cùng túng thiếu và bị tòa đại sứ Việt cộng canh chừng, o ép, gần như giam lỏng. Ông bảo:
“Nhiều người đã gợi ý về việc ấy. Nhưng tôi không nhận vì cái thế của tôi nó khác. Tôi là người làm công tác khoa học xã hội, là chuyên về triết học Mác xít, tôi không làm chính trị, mà là làm công tác tư tưởng. Ở đây tôi không đứng về phe nào thì mới có ích lợi.”
Nhưng không biết ông có nghĩ lại: khi ông bỏ dở việc nghiên cứu triết học, trở về Việt Nam năm 1951, theo Việt Minh “kháng chiến” và theo Việt Minh làm cải cách ruộng đất, có phải là hành động chính trị không, hay cũng chỉ là làm văn học?.
Tôi xin phép mở một dấu ngoặc để nêu một câu hỏi: “Tại sao những người c.s. như Hồ Chí Minh khéo thu hút trí thức như Trương Như Tảng, Trần Đức Thảo… đi theo họ. Còn người quốc gia chống cộng thì lại bị trí thức từ chối khéo, lấy cớ không làm chính trị? Phải chăng vì vậy mà phe quốc gia chống cộng đã thua?
Người không ưa Trần Đức Thảo nhất, mà ông cũng chẳng ưa gì ông ta, chính là tiến sĩ Phạm Huy Thông, người đã đả kích, thóa mạ, lên án ông nặng nề. Nào “triết gia phản bội chân lý”. Nào “”thành tích” chính trị của Thảo ở Pháp trước đây, lại toàn là những thành tích bất hảo. Mất gốc rễ dân tộc…” Nào “Thảo chạy theo bọn Tờ -rốt -kít nói xấu kháng chiến và đảng Cộng Sản”
Trong bài báo của Phạm Huy Thông nhằm hạ uy tín và kết tội Trần Đức Thảo có một đọan gây suy nghĩ cho những người bàng quang muốn tìm hiểu thái độ của trí thức Việt Nam nói chung đối với cuộc kháng chiến bị lãnh đạo bởi đảng Cộng Sản: “…Sau một thời gian Thảo xin về nước. Thảo nói với hai giáo sư Lê Văn Thiêm và Nguyễn Hoán, đại ý rằng: “Bọn Cộng Sản đã thắng thế rồi; trí thức chúng ta phải về nước mà cùng thắng với họ mới được, kẻo họ củng cố địa vị thì chúng ta không còn chen chân được nữa!” Câu nói để lộ một phần nào động cơ của Thảo về nước, không phải để cùng toàn dân đánh giặc, mà chính là để tranh giành địa vị, chuẩn bị cho những mưu đồ đen tối…” (Báo Nhân Dân 4-5-1958)
Ngoài những tay cai văn nghệ của đảng ở trong nước như Tố Hữu, Phạm Huy Thông thẳng tay đả kích và kết án Trần Đức Thảo vào lúc có vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm”, cũng có những người ở ngoại quốc viết về ông Thảo một cách đứng đắn hơn, nhưng cũng hàm ý chê trách ông Thảo “chỉ theo đám đông, theo bên mạnh”. Và ông Thanh Bằng là một người trong số đó. Nhưng ông này cũng cho rằng ông Thảo là người chủ trương cách mạng tiểu tư sản chứ không chủ trương cách mạng vô sản. Và đặc biệt là ông ta đã nói rằng “ông Thảo không quên khen tặng Việt Minh đã biết “ngừng cuộc đấu tranh giai cấp” (!?) vì đã giải tán Đông Dương Cộng Sản Đảng để gây khối liên hiệp đoàn kết toàn dân!” Câu này đã cho thấy cái trò bịp giải tán đảng hồi 1946 thế mà lợi hại. Đến bộ óc của Trần Đức Thảo cũng bị lừa.
Để kết thúc chương này, chúng tôi xin mượn lời của ông Trần Tri Vũ, người đã có cái may được gặp giáo sư Thảo nhiều lần trước khi ông qua đời, và cũng đã nghiên cứu kỹ những bài giáo sư Thảo viết, cũng như một số người khác đã viết về ông, rằng ông Thảo là một người khó hiểu và khó đánh giá cho thật công bình. (9) Theo soạn giả, có lẽ ông Thảo không phải là người đón gió trở cờ, chỉ thấy ai mạnh là theo, thấy chỗ nào đông là tới như ông Thanh Bằng xét đoán. Nhưng vì ông có học vị, có tiếng tăm, lại có hoài bão lớn nên muốn dùng sở năng của mình để làm nên một cái gì đó cho dân cho nước. Nhưng chẳng may ông đã chọn lầm con đường Mác xít, con người Hồ Chí Minh. Mà điều này chẳng cứ gì ông hay Trương Như Tảng hay Nguyễn Mạnh Tường mà rất nhiều người khác cũng bị lầm như vậy. Cũng như nhìn rộng ra trên thế giới, những Bertrand Russel, Jean Paul Sartre, Picasso, Tagore, Bernard Shaw, Albert Camus, Anatole France… Ông Allen Dulles, em ngoại trưởng Foster Dulles, nguyên giám đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ (CIA) thời tổng thống Eisenhower, trong bài báo: “Muốn thắng Cộng Sản phải tìm hiểu Cộng Sản” phổ biến vào cuối thập niên 50, đã thú thực là trong khi nghiên cứu sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản và phong trào đệ tam quốc tế, ông, với tư cách là một chuyên viên cao cấp về tình báo, đã lấy làm lo ngại rằng thuyết Mác Xít không chỉ thu hút đám đông, mà nó có một sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trí thức trẻ. Chúng tôi hy vọng sẽ mổ xẻ thêm vấn đề ở chương tổng kết.(10)
Chú Thích:
(1) Theo lời tường thuật của ông Trần Tri Vũ trong Phụ Nữ Diễn Đàn số 122, (1994). Liên Tiếp trong nhiều số báo từ ngày ông Thảo mất, Trần Tri Vũ đã cho đăng loạt bài “phóng sự bên lề triết học” kể lại những gì ông Thảo nói với nhóm các ông, có được ghi băng làm tài liệu. Bạn đọc muốn biết thêm chi tiết xin tìm đọc PNDĐ các số 116-122
(2) Sau này ông Viện cũng bất mãn quay ra phê bình đảng.
(3) Xem đoạn cuối chương 11, Trương Như Tảng.
(4) So với bằng thạc sĩ của các ông Vũ Quốc Thúc và Nguyễn Cao Hách (trong nhóm “Quê Hương” của ông Ngô Đình Nhu) thì kém xa. Theo chế độ học chính và văn bằng của Pháp lúc đó. Thạc sĩ luật, y là giáo sư đại hoc. Thạc sĩ triết hay văn chương, toán chỉ là giáo sư trung học. Ở Pháp cũng như ở Việt Nam (trước 75), ai dậy ở bậc trung học cũng thường được gọi là giáo sư (professor), không như ở Mỹ thường chức giáo sư (professor) chỉ dành cho người dậy đại học hoặc tương đương. Trong ngành y và ngành luật bằng thạc sĩ cao hơn bằng tiến sĩ. Còn ngành triết, văn, văn phạm, khoa học thì ngược lại. Ông Trần Đức Thảo chỉ có bằng thạc sĩ chứ chưa có bằng tiến sĩ triết học.
(5) Jean Paul Sartre (1905-1980) là triết gia Pháp sáng lập trường phái Hiện Sinh, hay Sinh Tồn (existentialisme). Một thời gian ông cũng là người có cảm tình với phái Mác xít, cũng như nhà danh họa Tây Ban Nha Picasso, trừơng phái Lập Thể. Sartre nổi tiếng với những tác phẩm La Nausée (Buồn nôn), Les mains sales (Bàn tay bẩn) rất được thanh niên thời ấy thích, cùng với những tác phẩm của Francoise Sagan (tiểu thuyết gia và kịch tác gia Pháp sinh năm 1935) như Bonjour Tristesse (Buồn ơi chào mi)….
(6) Mãi đến 1956 ông mới được cử làm giáo sư đại học những phụ trách môn sử cổ đại, rồi môn lịch sử triết học.
(7) Khi còn học ở Pháp ông Viện đã hăng say hoạt động trong phong trào sinh viên hải ngoại cứu quốc và được coi như lãnh tụ sinh viên theo Việt Minh. Gần đây ông Viện đã có đề xuất với nhà cầm quyền những điều cần sửa đổi. Nên bị coi như thành phần khả nghi đối với chế độ.
(8) Phụ Nữ Diễn Đàn số 122, trang 74.
(9) Trần Tri Vũ có thuật lại rằng Trần Đức Thảo rất sợ sệt, thận trọng trong cách xưng hô đảng. Khi nói với người thường chưa quen biết ông dùng những từ “đồng chí”, “đảng ta”. Khi người đối thoại thân rồi ông gọi “họ”, và với người rất thân ông dùng từ “nó”, “chúng nó”.
(10) Xin xem “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản” của Minh Võ, tái bản năm 1970, trang 6

No comments: