=
Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Thứ sáu, 16/03/2007
Bích Hằng đang đi tìm mộ.
Sau khi Bích Hằng chôn cất thắp nhang, người lính Sài Gòn này đã “dắt” Hằng đến bên bụi cây rất lớn và chỉ chính xác chỗ anh bộ đội nằm và khi đào thì thấy ngay hài cốt. Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.
Những ngày đầu tiên đi tìm mộ đối với Phan Thị Bích Hằng hết sức khó khăn. Khi đó, chị chưa biết “nói chuyện” với người đã chết, mà chỉ “nhìn” thấy hình dáng họ như thế nào mà thôi, họ già hay trẻ, da trắng hay đen, béo hay gầy và trên cơ thể có những đặc điểm gì đặc trưng. Chính vì thế, có những trường hợp trông hình thức thấy nhang nhác nhau dẫn đến nhầm lẫn đáng tiếc.
Đó là một kỷ niệm đi tìm liệt sĩ chống Pháp hy sinh ở trận Chùa Cao (Ninh Bình). Chị tìm thấy hài cốt liệt sĩ này ở dưới ruộng, gần bốt Chùa Cao. Chị “trông” thấy ông mặt vuông chữ điền, râu quai nón, rất giống con trai ông, nhờ Hằng tìm mộ. Bích Hằng khẳng định đúng là ngôi mộ của liệt sĩ và đề nghị gia đình đắp đất lên để hôm sau tiến hành đào hài cốt.
Tuy nhiên, đêm đó, khi đang ngủ, tự nhiên có một bác bộ đội đi cùng một người nữa giật giật chân kéo chị dậy và bảo: “Này này, cậu dậy đi tớ bảo cái này. Hôm nay cậu làm thế là không được nhé. Cậu nhầm rồi. Cậu lại chỉ mộ cậu liên lạc của tớ. May mà vợ con tớ chưa đem về đấy nhé. Nếu mà đem về nghĩa trang rồi thì hóa ra tớ vẫn phải nằm lại ngoài ruộng mà cậu liên lạc lại được cả nhà tớ kêu bằng bố.
Nhìn đây này, cậu liên lạc mới chỉ 23 tuổi, còn tớ đã ba mấy tuổi rồi. Tớ có cái mụn ruồi ở mũi, cậu nhìn thấy chưa, rất to. Ngày xưa bố vợ suýt không đồng ý gả con gái cho tớ vì bảo cái mụn ruồi ấy là chết yểu, con gái ông lấy tớ sẽ góa chồng sớm. Dù có cái mụn ruồi quái quỷ ấy nhưng tớ vẫn đẹp giai nên cô ấy vẫn mê và quyết lấy tớ. Đây này, nhìn nhé, ở cái chỗ đất này, tớ ném cành hoa vạn thọ ở chỗ này nhé. Mai cậu nhớ phải lên sớm không trẻ con nó nghịch lại lấy đi mất”.
Đúng như dặn dò, hôm sau Hằng dậy thật sớm, một mình đi xe xuống chỗ mô đất đắp hôm qua. Hằng chợt rùng mình vã mồ hôi giữa mùa đông giá rét khi thấy cách chỗ nấm đất khoảng 5m, trên nền cỏ ướt đẫm sương đêm có một cành cúc vạn thọ. Phía dưới cành cúc vạn thọ chị "nhìn thấy" hài cốt của người liệt sĩ chống Pháp mà đêm trước đã dựng chị dậy chỉ dẫn.
Ngay lập tức, chị đến gia đình xin lỗi và thuật lại chuyện liệt sĩ về báo cho chị tối hôm trước. Khi nghe Hằng kể đến đoạn nhìn thấy bác liệt sĩ có cái mụn ruồi to tướng trên cánh mũi thì bà cụ, là vợ của liệt sĩ òa lên khóc và khẳng định: “Đúng là mộ chồng tôi rồi”.
Ngay hôm ấy, cả gia đình nhà nọ cùng đi đào chỗ Hằng chỉ và thấy ngay hài cốt. Hài cốt người chiến sĩ này nằm dưới mảnh ruộng mà từ nhiều năm nay người ta vẫn cày bừa, trồng cấy. Sau đó, hài cốt đó được đưa về quê nhà, còn hài cốt người liên lạc được đưa vào nghĩa trang Chùa Cao.
Trường hợp đầu tiên mà chị Bích Hằng phát hiện ra khả năng "giao tiếp" của mình với các “vong” là khi “gặp” mẹ của GS Mai Hữu Khuê, giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Khi chị đi tìm, liền “thấy” một bà cụ. Đứng trước cụ, chị cảm thấy như có tiếng nói, “thấy” cái miệng lắp bắp mà không hiểu cụ nói gì.
Chỗ bà cụ nằm là một cái vũng nước rất bẩn. Hằng liền cất giọng: “Cụ ơi, cụ nói cái gì đấy?”. Hằng đột nhiên “nghe thấy” cụ gọi: “Cháu ơi!”. Tim chị như muốn vỡ ra vì sung sướng, bởi chị đã nghe được âm thanh phát ra từ phía người chết.
Bà bảo: “Bà tên Kình, nhắn hộ cho bà là mộ bà ở đây mà các con tìm mãi không thấy. Con bà là Khuê”. Nghe được thông tin đó, Hằng kể lại cho dân làng. Dân làng bảo con bà ấy làm to lắm, rồi họ nhắn cho ông Khuê về nhận mộ mẹ.
Từ khi “trò chuyện” được với người chết, chị Hằng cứ lang thang đến khắp các ngôi mộ để “nghe” người chết “nói”, rồi tìm cách chỉ dẫn cho thân nhân họ. Chính vì có khả năng đặc biệt này mà Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã nghiên cứu đề tài TK06, có nghĩa là “tìm ngược”, tức người chết tìm người sống.
Đề tài này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Đã có rất nhiều liệt sĩ vô danh thông báo cho người nhà biết được mình đang nằm ở đâu, đến để đào hài cốt đưa về quê thông qua các nhà ngoại cảm.
Sự kiện gây xúc động lớn mới diễn ra gần đây là hành trình xác định tên cho các liệt sĩ nằm dưới những ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang Điện Biên Phủ và cuộc “đi tìm” người thân, đồng đội còn sống của các liệt sĩ thông qua các nhà ngoại cảm.
Hầu hết những cuộc nhắn đi đến địa chỉ này, địa chỉ kia, tìm người này người kia... của người chết đều chính xác đến kinh ngạc.
Cũng chính vì cách tìm ngược đó mà Bích Hằng làm được những việc đáng trân trọng. Trong những chuyến đi tìm mộ thất lạc cho gia đình nào đó, đều có rất nhiều người chết “đi theo” nhờ cậy. Trên đường đi tìm mộ, cứ “thấy” chỗ nào có hài cốt, chị thắp nén hương, “họ” liền túm ngay lấy, nói: “Tôi tên là thế này, người nhà tôi là người này, ở nơi này...”.
Thế là cuối cùng gia đình nhờ mình đi tìm mộ vẫn chưa tìm thấy thì đã lại tìm được cho nhiều người khác. Để đi được đến nơi có ngôi mộ cần tìm thì phải trò chuyện, giúp đỡ không biết bao nhiêu người.
Trong chuyến đi tìm mộ ở xã Vô Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên), chính qua những lời "nhắn nhủ" của người âm dọc đường đi tìm mộ mà chị đã tìm thấy mộ cụ Lương Ngọc Quyến, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đầy bi tráng diễn ra năm 1917.
Những người nằm dưới đất, nơi chị Hằng đi qua “nhắn” rằng: “Ở phía đồi bên kia có một lão thành, là người có công với nước rất nhiều, nếu cháu có thể quá bộ qua đó thăm ông ấy thì tốt”. Tuy nhiên, khi đó đường đi quá xa, nên chị xin lỗi, từ chối, chỉ ghi lại thông tin mà “họ” cung cấp. Chị còn phải đi tìm cho gia chủ, cho người nhờ mình xong đã.
Khi về Hà Nội, từ những thông tin mà những người đã chết cung cấp, Hằng nhắn cho anh Lương Quân, là cháu nội cụ Quyến. Một thời gian sau, Hằng tiếp tục lên Thái Nguyên tìm mộ. Trong quá trình đi tìm lại gặp một “linh hồn” và người này giới thiệu với chị là nhà báo Thôi Hữu, rồi ông lại nhắn rằng: “Bên kia đồi có người đức cao vọng trọng, là cụ Lương Ngọc Quyến”.
Vậy là hành trình tìm mộ cụ Lương Ngọc Quyến, người đã yên nghỉ gần thế kỷ giữa cánh rừng đại ngàn đã diễn ra hết sức kỳ lạ, xúc động.
Hồi đi tìm mộ cụ sư tổ chùa Vua, phố Thịnh Yên (Hà Nội) để lại cho chị nhiều kỷ niệm nhất về lòng vị tha cũng như nghĩa tình của... người chết. Trước đây chùa Cua rộng lắm, sau khi mất, cụ sư tổ được an táng trong khuôn viên nhà chùa. Tuy nhiên, khi đất cát lên giá, người dân lấn chiếm đất chùa, dựng nhà dựng cửa làm mất mộ cụ.
Bích Hằng lội xuống hồ nước tìm nhưng không thấy. Đêm đó, nhà chùa thắp nến sáng rực cả khu vực quanh chùa, thế rồi sư tổ lên gặp chị. Sư tổ “kể” tỉ mỉ đã chết như thế nào. Cụ tên thật là Hoàng Đình Điều, người Lạng Sơn, từng là một tướng quân, dưới quyền “Hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám.
Sau khi giặc Pháp bắt được cụ Đề Thám thì cũng bắt được cụ. Tuy nhiên, cụ trốn được và tìm về chùa này tu. Dù tu thiền, song cụ vẫn hoạt động cách mạng bằng cách nuôi giấu cán bộ. Trong số những cán bộ cách mạng được cụ nuôi giấu ngày đó có cụ Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Chủ tịch Phong trào Xôviết - Nghệ Tĩnh.
Theo Công An Nhân Dân
====
No comments:
Post a Comment