Sunday, March 21, 2010

ĐẨU TIẾP * THẦN SIÊU 2








ĐẨU TIẾP * THẦN SIÊU 2



(TS, 53)
NÉT BÚT THẦN


Thi ca cụ Nguyễn Văn Siêu

Hoành Sơn Lão Tẩu Nguyễn Như Thiệp

Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề
phiên dịch






(TS, 55)
TỰA

của Phạm Thượng Chi tiên sinh

Đêm nhàn câu cũ ngâm vang,
Tiếng ra vàng đá, điệu dường trúc tơ.
Chỉ mong trời nắng mưa hòa thuận
Chỉ mong người bệnh hoạn tiêu tan.
Mong sao giặc cướp yên hàn,
Mong sao lúa má mùa màng tốt tươi.
Cửa đóng lại cũng vui cũng thích,
Xuân hề chi mà trách mà hờn.

Đó là cái trí của nhà thơ ta vào khoảng đời an nhàn vô sự bảy, tám mươi năm về trước

(TS,56)
Mấy câu thơ của cụ Phương Đình dịch trên đó là tả ra cái cảnh êm đềm một xã hội đã qua, một thế giới dĩ vãng tuy cách ta chưa bao lâu mà coi ra nó xa xôi tịch mịch biết là dường nào!

Ngày nay ta sống giữa đời hoạt động phân vân, lắm lúc nghĩ lại cái thú thanh nhàn của các cụ mà tiếc mà thèm.
Thèm, tiếc nhưng cũng khôn sao trở lại được vì cái phong trào đời nay nó lôi, nó cuốn ta đi hoài!

Đã đến đâu có lẽ cũng chẳng biết, chỉ biết nhắm mắt theo hoài, mà nhìn lên tiền đồ trước mắt thời u ám mịt mù, thật là " mơ mờ nhân ảnh như ngừơi đi đêm". Lắm lúc cũng thấy mỏi gối chồn chân, mơ hồn lẫn trí, muốn ngừng lại nghỉ ngơi một đôi chút.

Những khi ấy, mở tập thơ cổ của tiền nhân, cùng các cụ ngâm phong vịnh nguyệt, trông hoa rụng mà thương cho tình bướm, nghe chuông chùa mà tỉnh giấc mộng trần, bấy giò thấy trong lòng khoan khoái, trong

(TS, 57) dạ thảnh thơi, mà thần trí cũng tỉnh táo sáng sủa hơn trước.
Cho hay thơ cổ lai vẫn là một món thần diệu để di dưỡng tính tình. Giữa đời hoạt bát phấn đấu này, thân thể thường nhọc nhằn, tinh thần thường mỏi mệt, món di dưỡng đó lại càng cần lắm nữa.

Ngày nay mà đọc thơ của các cụ như đương buổi trời hè nóng nực được một luồng gió mát thoảng qua.

Tiếc vì thơ văn của tiền bối, phần nhiều viết bằng chữ Hán, các bạn thanh niên ngày nay, ít người trực tiếp mà đọc được. Vậy nên ai đã dụng công mà phiên dịch ra quốc âm cho được phổ cập hơn, là làm một việc rất có ich lợi đáng được hoan nghênh.

Hai ông Nguyễn Như Thiệp và Nguyễn Văn Đề đã chịu khó dịch ít thơ của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu là bậc thi bá đã nổi danh trong nước hồi cận đại. Trước khi đem xuất bản, hai ông nhờ tôi viết mấy lời để đặt trên đầu sách. Vậy có

(TS, 58)
vài câu giới thiệu như trên để tỏ lòng khuyến khích dịch giả.

Huế ngày 28 tháng 7 năm 1938
Phạm Quỳnh
Giáo dục bộ Thượng thư



ĐÔI LỜI CỦA TÁC GIẢ VỀ BÀI TỰA CỦA PHẠM THƯỢNG CHI TIÊN SANH


Bài tựa của quan Thượng Phạm Quỳnh đề năm 1938 là lúc sách này chưa có phần thứ nhất Lịch sử Thần Siêu ở đầu nay phần ấy mới thêm vào, chớ trước kia sách chỉ là một tập thơ dịch mà thôi, vì vậy trong tựa chỉ riêng nói về việc dịch thơ.

Đề tựa cho một tập thơ dịch ở thơ xưa mà mở đầu bằng một câu thơ dịch:
Đêm nhàn câu cũ ngâm vang
mới đọc một câu, độc giả biết ngay là tập thơ dịch.

(TS, 60)
Vậy bài tựa ấy đem vào đầu tập thơ dịch này thật là đắc địa, đừng tiếc sao lại không đem lên sách này chẳng chuyên một việc dịch mà thôi.


MẤY LỜI CỦA DỊCH GIẢ

Đã không phải là nhà háo cổ, không phải là nhà ưa văn cổ, thích thơ cổ thi ai lại theo đường con sâu cái mọt mà chun sâu vào làm gì trong kho sách để đào bới những đống giấy nát từ muôn nghìn năm để lại?

Những bảo vật trong kho tàng văn học của nước nhà lại thường bị chôn sâu giấu kín trong những đống giấy ấy.
Do đó mà nhưng cái hay sâu xa kín đáo trong văn chương mình không được mấy người biết đến, nhất là từ hồi nào cái học " chi hồ giả dã" nhường chỗ cho cái học " F,J,Z,W".

(TS,62)
Kỷ giả chính là một trong những người đã chạy theo cái học mới ấy.
Một hôm đọc L'art d'écrire thấy có câu :" La grâce divine pleut sur les riches comme sur les pauvres." (Ơn trời tắm gội cho người giàu cũng như người nghèo) mà Antoine Albalat, học giả trứ danh nước Pháp nức nở khen chữ Pleut là rưới mưa, là dầm thấm, là tắm gội mới mẻ và thần linh lắm. Hỏi ra thì trong Hán văn những chữ như " vũ lộ quân triêm", là ơn mưa móc thấm đều, "mộc dục giáo hóa" là tắm gội ơn giáo hóa v.. v .. có đã lâu đời!

Mới đây văn chương Á Đông có cái hay! Ừ mà cái hay ấy đối với ta đã nhạt lắm rồi . Ôi! Cái mà bên mình đến các ông đồ cổ cũng cho là nhạt, là sáo, mà ở bên kia địa cầu nên có người lấy làm mới, làm hay thế thì họ sẽ càng chịu đến đâu khi biết ra được những cái mà các nhà cựu học của ta bảo rằng " đời đời đọc lên vẫn thấy ngon miệng, vẫn nghe ngọt lỗ tai"

(TS, 63)
Như thơ Đường, như văn Hán mà nhiều người hay dịch đó. Thơ Thạnh Đường văn Tiền Hán, hay vẫn hay thật, song người nước mình biêt đâu chẳng có những kẻ "văn ăn đứt Tiền Hán, thơ loán cả Thạnh Đường?" Ai có nhớ câu thơ của vua Tự Đức :" Văn như. ., Thi đáo". . . (1)" cũng đều biết là tôi muốn nói thơ văn của các ngài Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát!

Trong bốn ông ấy, hai ông Siêu Quát là riêng được thời nhân tôn xưng là Thần Siêu, Thánh Quát. Thơ hay như ông Quát mà chỉ mới được liệt vào bậc Thánh, huống chi đến bậc Thần(2) như Thần Siêu thơ lại càng thần biết mấy?
Tiên sinh có câu:

Tửu phi Nguyên Lãng nan trường túy,
Thi bất Thanh Liên cảm lạng ngâm."

___


1. Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường.
2.Mạnh Tử chia người ra sáu bậc:Cao nhất là Thần, rồi đến Thánh, đến Đại, Mỹ, Tín,Thiện



(TS,64)
nghĩa là nếu không phải Lưu Linh thì rượu đâu dễ say hoài, Nếu không phải Lý Bạch thì thơ đâu dám ngâm vang? Nghe đó dễ biết tiên sinh là người khí khái, nếu không có biệt tài làm một đại thi hào thì đâu thèm làm thơ như tụi mình?
Ấy thế bọn hậu sinh ta, tiên sinh vẫn như một người lạ trên đàn văn không được mấy người nghe thơ biết tiếng. Bởi vì tiên sinh không có thơ nôm để đời. Bởi vì mình không chịu khó mà đọc, mà hiểu những giai tác bằng Hán văn của cụ.

Kẻ viết mấy dòng này nhơn bởi trong đống sách xưa, may được tập thơ của cụ nhan là Phương Đình Thi Tập. Được cuốn sách viết tay ấy, bỉ nhân có cái cảm giác như được một món gia tài quý báu mà nhà thơ ở đất " nghìn năm văn vật" đã dành lại cho. Cầm lấy tập thơ, liền cảm thấy một sứ mạng gì mà người muốn giao phó cho mình, tôi vừa mở ra xem một bài thấy hay, hai bài thấy hay, cả quyển thấy hay, hay nhất ở cách dàn


(TS,65)
bài dựng ý, cách dùng chữ đặt câu thật là mới mẻ lạ lùng. Phải đã là một nhà thơ có thiên tài luôn luôn phải tìm những nguồn mới cho thi văn, cụ Phương Đình tức Nguyễn Văn Siêu đã biết trước ta!
Không nhờ có tiên sinh, không biết có nhờ thơ của tiên sinh, thảo nào người ta chẳng bạo mồm bảo thơ Đường luật là hủ, bảo lối thơ Đường luật là cổ?

Muốn cho ai nấy trông vào mà biết ra, tôi tưởng nên dịch ra quốc âm một ít thơ văn của cụ.
Nhưng hoa văn của bậc hoa thám, không phải kẻ tài sơ học thiển này mà có thể tự mình tìm hiểu lấy được, phần lớn đều nhờ có gia quân giảng giải nên ký giả mới hiểu rõ và dịch vần lại được. Ấy là chưa nói có bài cũng do gia quân dịch vần lấy nữa.

Sách này dịch xong từ độ cuối xuân năm 1938,

(TS, 66)
Sau khi đã được Phạm Thượng Chi tiên sinh đề tựa, ký giả xem lại, vẫn thấy nhiều bài chưa được vừa ý, nên để sửa chữa dần chưa vội đem xuất bản. Hôm nay sửa chữa vừa xong thì vừa lúc gia nghiêm xuân thu vừa đúng lục tuần nên vội in ra để hầu gia quân ngâm chơi mà nhâm chén rượu thơ, luôn dịp để kỷ niệm cuộc đồng đường đồng điệu của cha con trong một nhà.

Vậy có thơ rằng:

Giang hồ muôn dặm những ham chơi,
Ngảnh lại cha già đã sáu mươi.
Nhà khó lấy chi mừng lễ thọ,
Gấm thêu chẳng có, có thơ thôi!

*
Thơ nay phiên dịch tự bao giờ,
Dịp tốt in ra nay cũng vừa.
Giữa lúc Thân già bày tiệc thọ,
Người dâng chân gấm, tớ dâng thơ.

*
Thơ thần, chữ thánh dịch nên lời,
Ấy cũng nhờ ơn bố dạy nuôi.

(TS,67)
Sách cũng như nhà. con có bố,
Ai nhìn thấy sách biết nhà vui."

Ấy vì muốn "sách cũng như nhà con có bố" để ai nhìn thấy sách biết nhà vui" nên trộm lấy danh hiệu của nghiêm quân đặt lên đầu sách đội lên trên tiểu tự của mình để tỏ lòng kính trọng và biết ơn.

Nếu may mà tập thơ dịch này được các nhà thức giả hoan nghênh thì ấy là nhờ công của gia quân một phần lớn duyên cớ vì sao, trên kia đã nói.

Trái lại nếu trong sách còn có chỗ vụng về lầm lộn, thì ký giả xin nhận khuyết điểm vì ký giả thì phiêu bạt ở xa, mà lão thân ở nhà thì việc nhiều, mắt kém, nên ký giả thỉnh thoảng mới nhờ người hiệu đính vài chỗ, chứ không nỡ để người ngồi cặm cụi một mình dưới đèn khuya vừa đọc vừa sửa lại sách này lúc còn là một bản thảo viết ngòng ngoèo lem luốc.
Vậy có mấy lời phân trần như trên, mong

(TS,68) rằng bạn đọc sẽ không bỏ qua trước khi để mắt đến các bài dịch thi ca của Phương Đình tiên sinh.

Xacam ngày 21 Mai 1942,
Đẩu Tiếp




(TS,68)

Bài số 1 (Anh Ngôn tập I, bài 61,tờ 30)



(1).
(2). 翠靄
(3).
(4).
(5).
(6).滿
(7).
(8).

Quá Thúy Ái điếu Tiền Trạch phu nhân

(1).Hồng nhan diệc nhất tử
(2).Thúy ái đáo kim truyền
(3).Lưu thủy khấp chung cổ
(4). Hàn vân mai viễn thiên.
(5).Hưng vong thành để sự
(6).Cảm khái mãn đương niên
(7).Bằng diếu cô bồng hạ
(8).Thanh phong lưỡng ngạn tuyền.


Qua sông Thúy Ái điếu bà Tiền Trạch


(1).Má hồng cũng (một kiếp người) một lần chết

(TS,70)
như ai. (2).Thế mà đến nay dòng Thúy ái vẫn còn lưu danh.
(3).Từ xưa dòng nước vẫn sụt sùi chảy như khóc( người mạng bạc lòng son).
(4).Ở phương trời xa kia, một đám mây lạnh lẽo vùi lên (phải chăng là mồ hồng nhan ở đó?
(5).Ai làm nên nỗi, hoặc ai bị dìm mất, ngảnh lại đều ra thế thế.. .(Nào còn ai đội đá sống đời, mà hưởng mãi cái được, hoặc chịu mãi cái thua kia đâu?)

(6).Thế mà năm nào, (tướng quân thua trận, bị quân Tây Sơn đâm chết trên sông này, phu nhân) lại quá đau buồn ( mà chi, đến nỗi theo chồng mà gieo đầu xuống sông tự tử. . .)
(7).Nay một mình ta (qua đây) ngồi dưới mui thuyền, nhờ nghìn thu mà ngậm ngùi than cho ai mấy tiếng
(8).Bỗng hai bãi gió đâu xây xung quanh? Hay là "Hữu tình ta lại gặp ta?"

Qua sông Thúy Ái điếu bà Tiền Trạch (a)

(1).Má hồng cũng một kiếp như ai ,
(2).Thúy ái còn thơm để lại đời.
(3).Mặt đất sụt sùi dòng nước chảy
(4).Chân trời lạnh lẽo đám mây vùi
(5).Được thua đã chán tuồng mơ mộng,
(6).Thương tiếc xui chi phận thiêt thòi
(7).Nhớ chuyện nghỉn xưa than một tiếng
(8). Gió đâu đôi bãi thốc ngoài mui!

Bản dịch khác:

1).Má hồng rồi cũng chết ,
(2).Thúy ái danh để đời.
(3). Sụt sùi dòng nước chảy
(4).Lạnh lẽo đám mây vùi
(5).Qua rồi cuộc thành bại,
(6).Còn mãi mối cảm hoài.
(7).Nhớ chuyện xưa than thở
(8). Đôi bờ gió thổi mãi!

___

1. Danh tướng Ngô Cảnh Hoàn đời Lê Hiển Tông (黎顯宗; 1740 – 1786), dòng dõi danh tướng Ngô Cảnh Hựu đời Lê Trang Tông (1533 – 1548). Quê làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm đến Tổng binh chỉ huy sứ, Quản đội Tiền Trạch nên đời sau vẫn thường gọi là “Ông Tiền Trạch”. Năm Bính Ngọ 1786, Tây Sơn cử binh đánh, ông và hai người con trai cầm quân chống cự quyết liệt trên sông Thúy Ái. Thua to, ông cùng hai con đều tử trận. Vợ ông là Phan Thị Thuấn hay tin, lúc đó mới 20 tuổi, gieo mình xuống sông Thúy Ái tử tiết.


(TS,71)

Bài số 2 (Anh Ngôn tập II, bài 151, tờ 32 )

與陽亭吳台別

(1).
(2).
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).
(8).

Dữ Dương Đình Ngô đài (a) biệt

(1).Tam nguyệt xuân đào Nhị thủy mi,
(2).Xuất môn vị giải hữu sinh ly.
(3).Tự phùng quy khách liên tiêu thoại
(4).Thốc khởi tha hương vạn lý ti.
(5).Bịnh chính đa thìn chung cưỡng tửu,
(6).Tình nan tận xứ, khả vô thi
(7).Nghĩ tương huy thủ Lân giang đán
(8).Bất giác Hôi sơn dục (b) mộ thì!



(1).Sóng xuân trong tiết tháng ba nhấp nhô trên dòng Nhị hà
(2).(Trước cái cảnh đẹp ấy), mới trong cửa bước ra, ta thực không ngờ sắp có cái sầu ly biệt thế này
(3).Từ khi gặp bạn soạn sửa ra về cùng nhau chuyện vãn thâu đêm
(4).Bỗng chốc lòng ta sinh ra nhớ quê nhà ngoài muôn dặm.
(5).Bấy giờ chính là lúc nhiều bịnh, cần phải cố uống rượu cho thật nhiều ( cho tiêu đi mới được)
(6).Còn như cái chỗ mê tình đã khó tả ra sao cho xiết thì dầu không có thơ cũng chẳng làm sao.
(7).Cứ mãng nghĩ đến lúc cùng nhau hoa tay trên sông Lân kia trong một buổi mai tươi sáng nọ
(8).Mà chẳng biết rằng ở non Hôi (Khôi) này trời đã muốn tối rồi.


Tiễn bạn Dương Đình họ Ngô

(1).Xuân dậy dòng Hồng sóng tháng ba,
(2).Ngờ đâu vĩnh biệt lúc đi ra.
(3).Một đêm gặp bạn bàn về quận,
(4).Muôn dặm xui ai chạnh nhớ nhà.
(5).Lúc bịnh đa mang cần có rượu
(6).Chỗ tình khôn xiết, khá không thơ.
(7).Sông Lân ngày trước cùng vui vẻ
(8).Nào biết non Hôi bóng xế tà.


___

Tân chú:
(a). Ngô Thế Vinh (1802 - 1856) hiệu Trúc Đường, Khúc Giang và Dương Đình quê xã Bái Dương, huyện Nam Chân, nay là huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.Ông đỗ Tiến sĩ năm kỷ sửu 1829 (năm Minh mạng thứ 10), làm quan đến chức lang . Khi làm giám khảo trường thi Hương ở Hà Nội, do duyệt quyển không kỹ, nên bị cách chức, ông về quê dạy học và phụng dưỡng mẹ già. Học trò nhiều người thành đạt. Vua Tự Đức thường sai Trung sứ đến nhà lấy thơ văn trước tác của ông để dâng vua xem. Sau vua lại gia ơn phục hồi Tiến sĩ. Ông soạn tới 72 cuốn. Đồng biên soạn cuốn chuẩn định Hương Hội thi pháp. Ông đề tựa cuốn Ức Trai di tập do Dương Bá Cung soạn. Tác phẩm chủ yếu là sách giáo khoa, có tập Dương Đình thi văn tập và Trúc Đường phú tập. Ngoài ra, Ngô Thế Vinh còn biên soạn sách triết học như Trúc Đường chu dịch tùy bút, sách sử học như Tống sử học.
(b).Bản cũ ghi : Bất giác Khôi sơn nhật mộ thì. Bản Khảo Cổ ghi là Hôi sơn. Không rõ Lân giang, Hôi sơn ở đâu hoặc thuộc điển tích nào. Hai câu 5, 6 khuyên.


(TS, 73)

Bài số 3 (Anh Ngôn II, 152, 32)



(1).
(2). 落
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).
(8).

Sơn thủy độ

(1).Liên sơn hoành dã bôn
(2).Lạc thủy nhất phong tôn
(3).Bích lũy y cô chúy
(4).Ba đào tước bán căn.
(5).Tà dương cách lãnh tận
(6).Yên cảnh dữ khê hồn
(7).Đoản trạo nghinh lâu chuyển
(8).Đào hoa nhược tố nguyên.


(1).Một " bầy" núi nối nhau chạy ngang qua đồng
(2).Một hòn cao lọt xuống nước
(3).Vách xanh treo một mình giữa trời.
(4).Sóng đánh mất nửa chân.
(5).Bóng mặt trời tà đã khuất núi rồi.
(6).(Bấy giờ) cái cảnh mây khói cùng lẫn lộn giữa khe.
(7).Đẩy cái chèo ngắn làm cho bóng lầu lung lay.
(8).Như là đi ngược suối Đào là nguồn tiên vậy (a).


Qua đò Sơn thủy

(1). Một đoàn núi chạy ngang đồng,
(2).Một hòn cao lại xuống sông đành ngồi.
(3).Vách xanh treo lửng giữa trời.
(4).Nửa chân giơ lỏng mà coi sóng lồng.
(5).Chiều chiều đá bít vừng hồng
(6).Một khe mát rượi nước cùng lộn mây.
(7). Chèo đưa bóng điện lung lay,
(8).Nguồn Đào có lẽ đường này mà lên.

___

a.Đào Tiềm tự Uyên Minh, người đời Tấn, có bài ký về " suối hoa đào" nói rằng xưa ở đất Vũ Lăng có người thuyền chài chèo thuyền ngược suối, qua một cái rừng hoa đào thì gặp những người đời trước chạy loạn đời Tần, hiện đương ở đó. Bác chài ra về sau lại dắc những người khác thì không tìm ra đường nữa. Vì vậy hậu nhân thường dùng chữ Đào nguyên (suối Đào) để chỉ chỗ tu tiên.


(TS, 75)

Bài số 4 (Anh Ngôn tập I, bài 68, tờ 31)



(1).宿
(2).
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).
(8).故人

Xuân nhật hiểu khởi

(1).Túc hỏa minh thư dũ
(2).Hiểu chung văn Phật đài
(3).Chủ nhân thôi bị khởi
(4).Tiểu tử báo hoa khai
(5).Dạ khí dung cô trúc
(6).Tình quang lộng tiểu mai
(7).Lưu oanh chuyên bất dĩ
(8).Ưng hữu cố nhân lai.

Ngày xuân dậy sớm

(1).Ngọn đèn khuya lòe song sách
(2).Tiếng chuông sớm vang bên chùa.
(3).Chủ nhà tung chăn dậy
(4).Trẻ con mách hoa nở
(5).Hơi đêm đã chui vào trong ngọn trúc đứng trơ trọi kia
(6).Ánh mặt trời nô giỡn trên cành mai nho nhỏ xinh xinh.
(7).Chim hoàng oanh (sao mà) gióng giả kêu hoài?
(8).(Như thế này) chắc phải có ông bạn xưa nào sắp tới chơi )


Ngày xuân dậy sớm
(1).Song sách còn chong nến
(2).Chuông chùa giục sáng trời.
(3).Chủ nhà tung chiếu dậy
(4).Con trẻ mách hoa cười.
(5).Bóng tối chui cành trúc
(6).Ánh hồng giỡn đóa mai
(7).Oanh vàng sao giục mãi?
(8).Chắc có bạn sang chơi!

Bình:
"con trẻ mách hoa cười" thật là

(TS, 76)
ngây thơ và ý vị.Ăn cắp ý ở đây và thêm thắt sửa đổi đôi chút, có thể có một câu thơ xuân.
"Người đẹp cười hoa nở" Con trẻ mách chim kêu!"



Bài số 5 (Anh Ngôn II, bài 157, tờ 34)



(1).
(2).側
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).
(8).

Lãnh Khê thủy

(1).Lưỡng hàng thúy lãnh quải thanh thiên,
(2).Trắc xuất trung phong thị lãnh tuyền.
(3).Tham khán danh sơn tần hưởng hậu
(4).Khước kinh tuấn phản hựu liên tiền.
(5).Vô danh đề điểu như tương thức
(6).Nhập hạ lâm hoa cố tự nghiên
(7).Lộ tận thanh hoa hồn bất giác
(8).Do nghi Tam Điệp dữ vân hoàn.


(1).Núi và trời bóng in xuống nước nên ngó như) hai dãy núi xanh kia tự trên trời xanh thỏng xuống.
(2).Một bên cái chóp giữa, có giòng nước chảy ra, ấy là Lãnh Tuyền
(3). Cứ mãng xem những hòn núi danh tiếng lùi lại phiá sau thuyền
(4).Lại giật mình thấy những hòn khác nối nhau mà trồi lên trước mắt.
(5).Con chim gì không biết tên

(TS, 76) mà nghe kêu ròn rã như quen nhau vậy?
(6).Vào hè rồi, hoa trong rừng tự tươi lấy (vì nhờ có nước khe)
(7).Đường đi đã qua Thanh Hóa, đã đến Ninh Bình rồi mà chẳng biết
(8).Còn ngỡ núi Ba Dội đương quanh quẩn trong mây.

Qua khe Nước Lạnh

(1).Hai dãy non xanh thẳng giữa trời
(2).Một bên chóp giữa, suối khơi ngòi.
(3).Mãi coi hòn nọ sau lưng trụt
(4).Lại khiếp tầng kia trước mặt trồi!
(5).Đón khách chim gì suồng sã hót,
(6).Vào hè hoa tự nhởn nhơ tươi
(7).Thờ ơ đường đã sang Thanh Hóa
(8).Núi Điệp trong mây cứ ngủ hoài?




Bài số 6 (Anh Ngôn II. bài 93, tờ5)



(1).
(2).
(3).何故
(4).


Hiểu khởi tiểu đồng báo hữu khách chí ngâm thi thả khứ

(1).Thụy khởi nam song nhật chính mai
(2).Phong hoa vô lực sấu thành đôi

(TS, 77)
(3). Đô hội cấp vấn xuân hà cố?
(4).Đối hữu ngâm ông đoạt hiểu lai

(1).Nằm khểnh bên cái cửa sổ, xây mặt về hướng nam (a) vừa bừng mắt dậy thì mặt trời ( đã lên cao) đã dọi vào chính hoa mai
(2).Trước gió hoa kia bị đuối sức, ngó xác xơ từng đống
(3).Vội vàng kêu thằng ở hỏi:Xuân vì sao như thế?
(4). Nó đáp rằng có một ông vừa đi vừa ngâm thơ, tới đây từ sáng kia.(Bấy giờ ta mới biết sở dĩ xuân kia buồn tẻ như thế là vì bao nhiêu cái đẹp của xuân người ta lượm hết mà ngâm thơ đi rồi. Mình dậy trễ nên chi!)

Ngủ dậy

(1) Song mai dậy tiếp mặt trời
(2).Trăm hoa gió đánh rã rời, xác xơ.
(3).-Đồng ơi, xuân lạ lùng chưa?
(4).Thưa rằng có khách ngâm thơ đi rồi

___

a. Đào Tiềm người đời Tấn, thôi quan về nằm khểnh ở song nam.

(TS, 79)

Bài số 7 ( Anh Ngôn I, bài 35,tờ 14)



(1).
(2). 猶聞溜水聲
(3).西
(4).

(1).Đạm tảo trường thiên sắc,
(2).Do văn lưu thủy thanh,
(3).Phù tây thiên thụ xuất
(4).Trực bắc chúng phong sinh.

Trên sông mưa vừa tạnh

(1).Trời đất ( đen nghịt những mây trong lúc mưa) đã lợt dần như quét
(2).Những tiếng nước chảy còn nghe ồ ồ bên tai (tưởng như trời còn mưa. Song kỳ thực đấy là nước trên cao đổ xuống sông đó thôi.)
(3).(4). Ở bên trời tây rừng đâu mọc ra , ngoài phía bắc, núi đâu un lên ?( Lúc qua khúc sông lạ này ta chỉ thấy bốn bề trời đất mù mù, nào có rừng núi gì đâu?

Mưa tạnh trên một khúc sông lạ

(1).Trời đất màu lợt cả
(2).Nước chảy tiếng nghe còn.
(3).Nghìn cội rừng tây mọc
(4).Trăm hòn núi bắc un!

Bình:
Trong bốn câu thơ này, với một ngọn bút thần, tác giả đã vẽ ra một cảnh của một khúc sông lạ sau lúc tạnh mưa. Vì mưa tạnh trên sông nên " nước chảy tiếng nghe còn" và là một khúc sông lạ nên không biết xưa nay gần sông vẫn có núi, có rừng lại tưởng rằng núi rừng mới mọc ra sau lúc mưa tan. Các chữ " mọc" và "un"( do chữ xuất và sinh dịch ra đã đem đến cho rừng núi một vẻ linh động riêng.


Bài số 8 (Anh Ngôn II, 169, tờ 37)



(1).
(2). 長
(3).
(4).
(5).
(6).穿
(7).
(8).


Bộ hải ngạn

(1).Đông nam hối vạn quốc
(2).Trường tẩm nhứt ngung thiên
(3).Viễn bích liên không tịnh
(4).Tằng ba bức địa phiên
(5).Nhơn kinh vân quyển khứ
(6).Sơn nhạ tuyết giao xuyên
(7).Khí vị tiêu hồ hải
(8).Chinh đồ cảm tráng niên

Đi bộ trên bờ biển

(1).Ở phía đông phía nam, muôn nước đều châu lại (chỗ mình đứng)
(2).Nước thấm dài một góc trời
(3).Xa kià biển xanh lặng lẽ tiếp với trời
(4).Sóng (từ đâu) dưới đất trồi lên
(5).Người thì hốt hoảng sợ mây cuốn đi (nhưng đâu phải là mây chỉ là những làn sóng xanh ngắt như mây ngoài khơi vụt vụt bay vào)
(6).Núi thì ngạo nghễ thách tuyết xoi đi nhưng nào phải là tuyết, chỉ là những làn sóng trắng phau như tuyết, đằng xa hung hản xốc tới)
(7).Làm trai nghênh ngang năm hồ, bốn bể cái khí ấy chưa tiêu.
(8).Đi đường cảm thấy mình tuổi trẻ và sức mạnh.

Trên bờ biển

(1).Muôn nước cùng chầu lại một nơi
(2).Dầm dầm nước thấm một phương trời.
(3).Biển xanh xa những liền trời giợn
(4).Sóng bạc từ đâu dưới đất dồi.
(5).Vùn vụt mây qua người sợ cuốn
(6).Hùn hùn tuyết lại, núi hòng xoi.
(7).Nghênh ngang hồ hải chưa tiêu khí,
(8).Hăm hở đường xa sức trẻ trai.

Bình:
" Sóng bạc từ đây dưới đất dồi"
Sóng mạnh nên nói"
Sóng bạc từ đây dưới đất dồi"



(TS, 82) lên. Một thi sĩ tầm thường có đặt được những chữ trác lạc như bức địa phiên (dưới đất dồi) chăng?



Bài số 9 (Anh Ngôn II, 162, tờ 45)



(1).
(2).
(3).
(4).
(5).穿
(6).
(7).
(8).
(9).
(10). 勢若波濤奔走間
(11).
(12).
(13).
(14).便
(15).
(16).


SƠN HÀNH CA

(1).Nhật nhật sơn, nhật nhật sơn
(2).Dạ bất hành sơn, diệc tại sơn
(3).Đê dữ thương ba chuyển
(4).Cao dữ bạch vân phan
(5). Tứ diện nhân xuyên nhứt khích
(6).Trung đồ tuyệt địa tỏa trùng quan.
(7).Đại tế nhật nguyệt tiểu tế dã
(8).Tiêm như kiếm kích, viên như hoàn
(9).Cánh hữu đoàn sa ế hải ngạn
(10).Thế nhược ba đào bôn tẩu gian
(11).Hưu tương hình tự di tình tánh
(12).Thiên thiết địa tàng phi nhất ban
(13).Quân mạc học Thục trung cuồng túy khách
(14).Sảo bất xứng tình tiện ta hành lộ gian
(15).Gian tai hữu thậm ư sơn giả
(16).Thế tình vãng vãng ố không hoàn

BÀI CA ĐI ĐƯỜNG NÚI

(1).(Ngày ngày) đi đâu cũng thấy núi, ngày ngày (đi đâu cũng thấy) núi
(2).Đêm không đi cũng vẫn ở núi, và vẫn thấy núi.
(3).Dưới thì khua sóng biếc
(4).Trên thì vin mây xanh
(5).Bốn mặt vây lấy người chỉ chừa một lỗ (trông lên trời thẳm)
(6).Giữa đường ngăn lấy đất, bủa ra nghìn non khóa kín đường đi.
(7).Lớn thì che vừng nhật, vầng nguyệt, nhỏ thì che mât ruộng
(8). Nhọn thì mũi đòng, mũi mác, tròn thì như cái vòng.
(9).Lại có mấy đụn cát, nằm ngăn lấy bờ biển
(10).Trông thấy hình thế như bay nhảy ở giữa sóng
(11).Thôi đừng đem sự giống nhau bề ngoài mà bỏ sòt tính tình bên trong.
(12).Trời bày đất đặt không chỉ có đường này thôi.
(13).Nhà ngươi chớ học cái cái gã say sưa ở đất Thục (a)
(14).Hễ chút gì không được vừa lòng thì bèn than rằng đường đi gian nan hiểm trở
(15).Có cái lại càng hiểm trở gian nan hơn đường núi nữa.
(16).Ấy là cái tình đời có qua mà ghét không có lại

(TS,84)


Trên đường núi.

(1).Ngày đi những núi cùng rừng
(2).Đêm không đi, núi cũng giăng đầy trời.
(3).Dưới ngo ngoe chân bơi với sóng
(4).Trên chơi vơi đầu đụng vào mây.
(5).Đất cùng ai lọt vào đây
(6).Trời chừa một lỗ, đá vây tư bề.
(7).Cao lớn ra thời che nhật nguyệt
(8).Thấp bé chăng cũng bít đồng điền
(9).Tròn như xuyên bích vòng huyền,
(10).Nhọn như mũi mác, mũi tên, mũi đòng.
(11).Thêm dọc biển chất chồng cát đụn,
(12).Như cả trời vây lượn sóng đào.
(13).Ai ơi đừng thấy mà nao,
(14).Trời bày đất đặt riêng nào có đây.
(15).Xin chớ học bợm say đất Thục
(16).Chút gặp điều trái ngược lòng mình.
(17).Đã đành nản chí bình sinh
(18).Vội than đường thế gập ghình lôi thôi.
(19).Có cái hiểm bằng mười đường núi,
(20).Cái tình đời như nước chảy xuôi,
(21).Đi qua có một lần thôi,
(22).Còn hòng trở lại với ai đâu mà!


___

(a).Đỗ Phủ lúc ở Quy châu có người sơn nhân thường mời ông tới nhấm rượu, tình rất thân mật. Ông có bài thơ tặng có câu rằng: "Duy quân tối ái thanh cuồng khách " nghĩa là chỉ có nhà ngươi là thích kẻ ngông gàn này.
  江浦雷聲喧昨夜,春城雨色動微寒。黃鸝並坐交愁濕,
  白鷺群飛大劇幹。晚節漸於詩律細,誰家數去酒杯寬。
  惟吾最愛清狂 客,百遍相看意未闌。卷234_31 《遣悶戲呈路十九曹長》杜甫




(TS,85)

Bài số 10 (Anh Ngôn II, 147, tờ 31)

冷 池 峽

珥 水雙分下
南昌一縣浮
紅波沿碧樹
白鷺散青洲
潮信遥通海
斜陽半入舟
烟波雖有興
不免 鄉關愁

LÃNH TRÌ GIÁP

Nhị thủy song phân hạ,
Nam Xương nhất huyện phù.
Hồng ba duyên bích thụ,
Triều tín dao thông hải,
Tà dương bán nhập châu.
Yên ba tuy hữu hứng,
Bất miễn hương quan sầu.

(1).Dòng Nhị Hà hai sông nhánh chảy xuống
(2).Huyện Nam Xương một doi đất nổi lên
(3).Sóng hồng chập chờn leo lên cây biếc
(4).Cò trắng rải rác khắp cồn xanh
(5).Ngọn triều xa thông đến biển
(6). Bóng chiều nào lọt vào thuyền
(7).Vẽ khói sóng trên sông tuy là có thú
(8).Song cũng không khỏi được cái sầu hương quan.



QUA LÃNH TRÌ

Dòng Nhị phân hai ngả,
Huyện Nam nổi một thành.
Sóng đào theo cành biếc,
Cò trắng điểm cồn xanh.

Thông bể con triều chuyển,
Nửa thuyền bóng ác chênh.
Nước mây tuy có thú,
Nhà cửa khó quên tình.


Bài số 11 (Anh Ngôn II, 171,tờ 35)



(1).滿
(2).彷彿
(3).
(4).
(5).
(6).兜鍪嵿
(7).便
(8).

Động Hải (a) chu trình

(1).Như thử kỳ quan hứng mãn cao
(2).Quan hà phưởng phất cựu chu tao
(3).Thiên trùng thúy lãnh tống giang thủy
(4).Nhứt phiến hoàng sa cách hải đào
(5).Nhật lệ ( b) cô đài phiên vũ hạ
(6).Đâu mâu (c) trực đính nhập vân cao
(7).Du nhân (d) chính hữu đông phong tiện
(8).Nhật mộ năng vô giảm bán hào


(1).Cái cảnh đẹp lạ mắt như thế này ( mà có con thuyền chống đi dạo xem) thì hào hứng cao vọt lên đến ngọn sào.
(2).Giữa con sông còn phảng phất nhớ con đường cũ đã qua lại năm nào.
(3).Non xanh đưa giòng nước chảy xuôi
(4).Cát vàng một đụn

(TS,86)
ngăn sóng biển tràn lên.
(5).Thành Nhật lệ đứng trơ trọi một mình, cuồn trận mưa từ trên trời xuống
(6).Núi Đâu Mâu vừa cao, vừa thẳng, thọc vào mây xanh.
(7).Khách chơi thuyền chính đương được gió đông thuận tiện.
(8).Song trời sầm tối. dễ chẳng mất đi một phần hào hứng hay sao?


Trên sông Nhật Lệ

(1).Cảnh ấy hươi sào hứng dễ nên,
(2).Quan hà phảng phất nhớ đường quen.
(3).Dãy non xanh đứng liền khe cạnh
(4).Đụn cát vàng nằm kế biển bên.
(5).Động hải thành cô, trời tụt xuống,
(6).Mâu sơn đỉnh nhọn ráng đâm lên.
(7).Gió xuân đương mát, trời sầm tối,
(8).Dễ chẳng nhạt phai hứng dạo thuyền



__

(a). Động Hải: tức Đồng Hới là tỉnh lị Quảng Bình.
(b). Nhật Lệ: sông chảy qua Đồng Hới.
(c). Đâu Mâu : núi ở gần Đồng Hới.
(d). Bản Đẩu Tiếp ghi là "du nhân" (khách chơi), song bản Khảo Cổ ghi "Nghi lưu chính hữu...". Nghi lưu là sông Nghi , lấy điển trong Luận Ngữ, thiên Tiên Tiến XI. Một hôm, Khổng Tử hỏi các học trò về chí hướng của họ. Tử Lộ , Cầu muốn ra làm quan giúp nước, cứu dân; Tăng Điểm thì nói:" Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân may xong, cùng bọn thanh niên 20 tuổi và , 7 đứa trẻ đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ vu rồi hát mà về. Khổng tử nói:"Ta cũng thích như vậy".
[ 莫 春 者 , 春 服 既 成 ; 冠 者 五 六 人 , 童 子 六 七 人 , 浴 乎 沂 , 風 乎 舞 雩 , 詠 而 歸 。 」 夫 子 喟 然 歎 曰 : 「 吾 與 點 也 ! 」




Bài số 12. (Anh Ngôn II, 165, tờ 36)



(1).
(2).
(3).
(4).宿
(5).
(6).
(7).
(8).

Hà Hoa phủ (a) trở vũ nhân giản (b) thái thú (c) Lê đài

(1).Văn đạo tiền khê trướng dạ thanh
(2).Tham đồ khứ giả tận hồi hành.
(3).Bất kham phong vũ nhơn thiên lý,

(TS, 88)
(4). Hựu túc tâm loan nhật ngũ canh
(5).Dục túy nam huân (d) phùng tửu cấm
(6).Cưỡng ngâm lưu thủy (e) lãm hương tình
(7).Phủ trung đồng quận đồng niên khách
(8).Khẳng phóng cầm tôn nhất xuất thành.

Gặp mưa ở phủ Hà Hoa làm thơ tặng quan tri phủ họ Lê

(1). Nghe nói trước dường cả đêm nước khe dâng lên cao lắm.
(2).Những ai ( ham đi đường) cố đi cho được cũng đều phải quay về.
(3).Không thể nào người đi muôn dặm mà liều mưa gió như thế được.
(4).Lại phải nằm lại giữa rừng núi suốt ngày.
(5).(Thấy dân đói rét) muốn hát một khúc Nam huân mà lại buồn rượu cấm.(Rựợu cấm bấy lâu vì trong hạt đói kém, không đủ gạo mà ăn, còn gạo đâu mà nấu rươu nữa?"
(6).(Bây giờ nghe nước chảy) mà hát bài lưu thủy thì lại nghe nhớ nhà, hát không đành dạ.
(7).Quan trong phủ (là người cùng hạt) ở một quận, đậu một khoa
(8).Đâu có chịu cho ta cất chén mang đờn mà ra thành vội!

Mắc mưa

(1).Nghe nói trước dường nước rợn khe,
(2).Ai đi không được cũng quay về.
(3).Thâu đêm muôn dặm liều dầm dãi,
(4). Suốt sáng nghìn non phải ngủ nghê
(5).Hát khúc Nam huân buồn rượu cấm,
(6).Ngâm câu Lưu thủy não lòng quê.
(7).Đồng niên, đồng quân, quan trong phủ,
(8).Muốn cáo ra thành dễ có nghe!

___



(a) Phủ Hà Hoa là một phủ nằm phía nam xứ Nghệ An thời nhà Hậu Lê đến cuối thời nhà Nguyễn (năm 1919). Biên giới của phủ này kể từ phía nam phủ Đức Quang cho đến dãy núi Hoành Sơn {nơi có Đèo Ngang}.
(b).Giản là tấm thiệp, là tấm danh thiếp. Tác giả ghi thơ vào tấm thiệp tặng quan tri phủ là bạn.
(c). Thái thú: quan trấn nhậm một châu quận, sau gọi là tri phủ.
(d).Vua Thuấn vỗ đờn mà hát rằng : "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề, Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngôn dân chi tài hề " 舜作五弦之琴以歌南風:'南風之薰兮,可以解吾民之慍兮; 南風之時兮,可以阜吾民之財兮nghĩa là gió nam thổi điều hòa thay có thể giải giận cho dân ta, gió nam thổi phải mùa thay có thể thêm của cho dân ta.
(e). Lưu thủy: tích Bá Nha, Tử Kỳ.Cao sơn lưu thủy” gắn liền với điển tích Sở Bá Nha- Chung Tử Kì. Bá Nha làm quan, Tử Kỳ là người tiều phu. Bá Nha gảy đờn, Tử Kỳ nghe được. Một lần Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kì liền bảo “Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn” (Đánh đàn hay thay, vòi vọi tựa Thái Sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kì nhận ngay ra rằng “Đăng đăng hồ nhược lưu thủy” (Cuồn cuộn như nước chảy).
Khi Tử Kì lâm bệnh chết, Bá Nha chỉ gẩy đàn thêm một lần duy nhất trước mộ người tri âm rồi đập đàn vào tảng đá, không bao giờ cầm đến cây đàn nữa.




Bài số 13 (Anh Ngôn II, 143, tờ 30)



(1).
(2).掉不
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).
(8).

Hồi thuyền

(1).Nhật lạc phong tuy cấp
(2).Châu khinh trạo bất tiền.
(3).Nhơn tình yếm vãn mộ
(4).Nhi ngã độc lưu liên
(5).Lộ lập hoang vân chữ
(6).Oa minh cốc vũ thiên
(7).Hồi đầu chỉ tự tích
(8).Tứ tọa giao thương nhiên


(TS, 90)

Thuyền về

(1).Mặt trời lặn, gió kíp lại còn theo thổi giục
(2).Cho nên đò nhẹ mà chèo mãi chẳng đi
(3).Thấy cảnh bóng tà trời tối, lòng người ai mà không chán nản.
(4).Duy một mình ta hay nghênh ngang vậy thôi.
(5).Đàn cò đã bay về ngủ trong đám mây vắng vẻ không người qua lại.. .
(6).Giống ếch kêu vang trong trận mưa lúa trổ bông.
(7).Quay đầu nhìn lại, luống tiếc rẻ một mình.
(8).Vì bốn mặt càn khôn đã khép lại tối mò!



Thuyền cô trời tối gió to

(1).Trời càng tối, gió giục càng to
(2).Đò nhẹ , chèo đi chả chuyển cho.
(3).Chầy trễ dễ ai không phát chán,
(4).Nghênh ngang riêng tớ chẳng hay lo.
(5).Đàn cò về lại trong mây trắng,
(6).Lũ ếch kêu vang giữa trận mưa.
(7).Bốn mặt quay đầu, lòng những tiếc,
(8).Càn khôn khép lại tối mò mò. . .


Bài số 14 (Anh Ngôn II, 81, tờ 1)



(1).
(2).
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).偶然
(8).滿


Giai đăng Kiếm hồ Ngọc Sơn tự

(1).Hồ thượng cô sơn sơn thượng lâu
(2).Thanh phong đình ngọ bạc song châu.
(3).Hoa không vãng tích xuân tương mộ
(4).Kiếm hữu dư linh khí dục thu.
(5).Mạc quái âu nghi tình vị hiệp
(6).Thả đồng ngư lạc hứng nan hưu.
(7).Ngẫu nhiên đề cử sơn ông chí,
(8).Cấp dữ tâm mưu mãn mục mưu.

Cùng lên chùa Ngọc Sơn hồ Gươm

(1).Trên hồ là một hòn núi, Trên núi có một ngôi đền
(2).Giữa trưa ( dưới núi) gió mát thổi tạt vào hai lá thuyền.
(3).Hoa luống để lại cái dấu xưa đó mà thôi, chớ xuân thì đã hầu muộn rồi
Gươm tuy có thiêng thừa song khí thiêng cũng đã sắp về thu!(Nghĩa là sắp tàn, sắp lạnh).
(Ôi, gươm này là gươm nào? Há chằng phải là thanh gươm thần đã giúp cho Lê Thái Tổ đòi lại quyền tự chủ của " non sông" này ư? Tục truyền rằng vua Thái Tổ nhà Tiền Lê là Lê Lợi trước khi chưa nổi lên đánh đuổi quân Minh vẫn ở Lam Sơn mò được một lưỡi gươm, sau lại được một chuôi kiếm.

(TS, 92)
Nhờ thanh gươm ấy, ngài định được giặc Tàu, lên ngôi vua ở Thăng Long. Ngày kia ngài ngự thuyền chơi trên hồ Tả Vọng, thấy nổi trên mặt nước một con rùa thật lớn, ngài giật mình lấy gươm phóng đại vào rùa, rừa chìm, gươm cũng chìm. Rồi một người dưới nước trồi lên bảo rằng:"Nay ngài đã bình định được thiên hạ, chúng tôi xin rút gươm thanh gươm cũ của chúng tôi về." Nói xong, người kia biến mất. Và từ đó, hồ này đổi tên là hồ Hoàn kiếm'(trả gươm", người ta gọi tắt là hồ Gươm.
(5). Bầy le kia bơi trên mặt hồ, coi bộ như nhát, ý hẳn còn ngờ vực mình vì tình chưa hợp, chứ chẳng có gì khác hơn, xin đừng lấy làm lạ.
(6).Vả chăng vui với phường chài kia cái vui tưởng không bao giờ chán.
(7).Bỗng đâu có ông già trên núi xuống giới thiệu ngôi chùa trên núi Ngọc với mình (Ấy là ông già Nguyễn Tín Trai người Nhụy Khê, có chùa tu ở trên núi Ngọc Sơn.Chú của Nguyễn Văn Siêu)
(8).Ta cùng ông vừa

(TS, 93)
tìm cái đẹp cho mắt, vừa mưu cái nhàn cho lòng (Thấy cảnh đẹp, ta muốn rủ sạch lòng trần để hòng cùng ai hôm mai tu dưỡng hạo nhiên).


CHƠI HỒ GƯƠM

(1).Hồ rồi lên núi, núi lên đài,
(2).Gió thổi, đôi thuyền khách lại chơi.
(3).Hoa luống còn đây, xuân đã muộn,
(4).Gươm tuy thiêng đó khí hầu phai.
(5).Vịt ngờ lòng thế bơi thêm lẹ,
(6).Chài rủ hồn thơ, lội thấy say.
(7).Ông lão trên chùa đâu bỗng gặp,
(8).Cùng nhau cảnh ấy lại tình này.

Hay là:
Hồ rồi lên núi, lên đền,
Bóng tròn gió thổi, đôi thuyền lại chơi.
Xuân tàn, hoa luống gượng cười,
Còn hoa luống những còn vài dấu xưa.
Gươm thần tuy có thiêng thừa.
Khí thiêng ngán nỗi bây giờ hầu tan.
Đàn le coi bộ nhát gan,
Chừng còn ngờ bụng thế gian lạ gì!
Thôi đành cùng lũ chài kia,

(TS,94) Cùng bơi, cùng lội, cùng chơi nói cùng.
Bỗng đâu đầu bạc một ông,
Trên chùa xuống rước khách cùng lên chơi.
Càng trông đẹp mắt cảnh trờiu,
Cảnh thiền vội muốn cùng ai sạch lòng.


Bài số 15 (Anh Ngôn II, 90, tờ 5)




落花辰節又逢君


何辰雲水各天 涯

腸斷春風萬里

萍梗此疑夢寐

忽添驚落如花



LẠC HOA THỜI TIẾT HỰU PHÙNG QUÂN

Hà thời vân thủy các thiên nha,
Trường đoạn xuân phong vạn lý xa.
Bình ngạnh thử hồi nghi mộng mị,
Hốt thiêm kinh lệ lạc như hoa.


(1).Hồi nào mây nước mỗi bên lưu lạc một phương trời,
(2).Nghìn dặm xa nhau, nghe gió xuân mà đứt ruột.
(3).Bây giờ thờ ơ mà gặp nhau (1) còn ngờ là chiêm bao.
(4).Bỗng giật

___

1. Nguyên Hán văn chữ "bình ngạnh" nghĩa giống như "bình thủy". Bình là cánh bèo, ngạnh là cành đào. Điển trong Chiến quốc sách:" Vua Tần nghe tiếng Mạnh Thường Quân là người hiền tài, muốn tìm về trọng dụng.Mạnh Thường Quân toan vào Tần, ai ngăn cũng chẳng được, Tô Đại mới bảo rằng: " Có con Bồ nói chuyện với cành đào. Bồ nhìn nói:" Nhà ngươi là cành đào bên nước Đông, nay đem ngươi ra chạm đẽo thành hình người, thả xuống dòng nuớc. Ngươi mà thành hình người thì ngươi lênh đênh giữa vời rồi tính làm sao?"
Những kẻ ky lữ thường cho là viêm ngạnh phù bình, điển ra từ đó.bèo trôi, gỗ nổi là nói người lưu lạc tha phương mả thờ ơ gặp nhau.




(TS, 95) mình biết ra quá mừng mà nước mắt rơi xuống như hoa (trong tiết hoa rụng này)


TIẾT HOA RƠI LẠI GẶP CHÀNG

Ngày nào muôn dặm nước mây xa,
Gió giục xuân về ruột muốn sa.
Thấy mặt nay còn ngờ thấy mộng,
Giật mình giọt ngọc rụng như hoa



(TS, 96)


Tân chú:
Phú là một loại của thi ca, nằm giữa thơ và văn xuôi. Xét về vận, Phú có hai loại, một loại là phóng vận là muốn làm vần gì cũng được, còn loại khác là hạn vận, thì phải theo ý, theo vần một câu thơ, lời nói nào mà đặt vần. Các cụ ta đôi khi làm thơ cũng giống làm phú,nghĩa là lấy ý từ một câu thơ cổ và cũng hạn vần.. Nguyễn Văn Siêu và các cụ đồng thời thường chú trọng đề tài này. Các cụ lấy một câu thơ cổ nào đó như trên đây là một câu thơ của Đỗ Phủ 杜甫 trong bài
Giang Nam phùng Lý Quy Niên 江南逢李龜年 làm đề tài ngâm vịnh trong tiệc rưọu : 正是江南好風景,落花時節又逢君。
Chính thị Giang Nam hảo phong cảnh
Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân.

(Chính tại Giang Nam phong cảnh đẹp/ Giữa mùa hoa rụng lại gặp chàng.
Gặp Lý Quy Niên tại Giang Nam)





(TS,96)

Bài số 16 (Anh Ngôn II, 68, tờ 36)

河渡

波 傾滄海入
水引碧峯來
今古如行客


THANH HÀ ĐỘ
Ba khuynh thương hải nhập,
Thủy dẫn bích phong lai.
Kim cổ như hành khách,
Giang sơn vãng phục hồi.

1.Sóng nghiêng biển xanh mà trút vào.2. Nước dẫn gió biếc cùng lùa tới. 3. Cái nay và cái xưa cũng như người đi đường. 4. Giang sơn đi qua rồi đi lại.

QUA CỬA GIANH

Sóng nghiêng vào đại dương
Nước luồn khắp vách đá..
Giang san là v ô thường.
Kim cổ là hành giả...

___

1. Thanh Hà cũng có tên là Thanh Khê, cửa biển sông Gianh, Quảng Bình


Bài số 17 (Anh Ngôn I, bài 1, tờ 1)

(二首 )

(1).
(2).
(3).
(4).西
(5).
(6).
(7).
(8).


(1).
(2).
(3).
(4).
(5).
(6).
(7).柱石
(8). 悠悠


Nhĩ Hà (nhị thủ)


(1).Vạn cổ càn khôn nhất thủy lưu,
(2).Lâm lưu cố lũy cảm tân lâu.
(3).Đông minh nhật xứ thiên nguyên định
(4).Tây lĩnh vân trung vạn hác phù.
(5).Sự khứ bi lại quán thước cảm,
(6).Hoa phi xuân giảm khúc giang sầu.
(7).Tự hành, tự chỉ yên ba lý,
(8).Thùy vấn ngư ông độc điếu ngư.

(1). Sa châu khứ tuế dựng trung lưu
(2).Kim tuế di lai bắc ngạn đầu.
(3).Thủy thế tự lai đa hoán chuyển
(4).Nhân sinh ưng giác dị trầm phù.
(5).Bách niên giang thượng thâm căn thụ
(6).Thiên lý phong trung hữu tiếp chu.
(7).Trụ thạch thử tâm năng ổn định
(8).Du du vật ngoại cánh hà ưu.

Nhĩ hà ( hai bài)

(1).Từ ngàn xưa có một dòng nước chảy trong vũ trụ
(2).Những thành lũy cũ truyền từ xưa đến bây giờ phòng vệ cho những lâu đài mới.
(3).Phía đông nơi mặt trời mọc muôn nghìn suối đã ổn định.
(4).Ở núi tây , trong mây muôn khe suối nổi lên.
(5).Sự việc đã trôi qua thì buồn sầu tới, những con chim hạc, chim khách mang nhiều cảm xúc.
(6).Hoa bay, xuân tàn, trên khúc sông chỉ thấy buồn.
(7).Tự mình đi, tự mình dừng lại ở bên trong nơi khói sóng,
(8).Hỏi ai để tìm ông câu ngồi một mình trên thuyền.


(1).Năm ngoái cát trên sông bao bọc giòng sông
(2).Năm nay đầu bờ phía bắc đã di chuyển .
(5).Thế nước chảy đến đã có nhiều thay đổi
(3).Người ta nên biết rằng thế sự dễ thăng trầm.
(4).Trăm năm, trên bờ đã có nhiều cây cổ thụ gốc rễ sâu xa.
(6).Trong gió ngàn dặm có mái chèo của chiếc thuyền
(7).Lòng này như trụ đá sầu lâu dài.
(8).Há còn man mác lo âu về những cái vật ngoại thân?


NHĨ HÀ (hai bài)

(1).Mấy kiếp một dòng nước chảy xuôi
(2).Bao nhiêu thành lũy giữ lâu đài.
(3).Đông phương ác mọc ngàn sông rộng
(4). Tây lĩnh mây bay vạn núi dài
(5).Việc tới , sầu qua chim cảm xúc
(6).Hoa bay, xuân muộn suối u hoài.
(7).Tự đi, tự đứng trong mây khói,
(8).Ai biết thuyền câu của lão chài?


(1).Năm ngoái cát vàng lấp cửa sông,
(2).Năm nay con nước đã thay dòng.
(3).Dòng sông thế nước đà lưu chuyển,
(4).Thế sự nhân tình cũng biến thông.
(5).Trong gió tiếng chèo bay vạn dặm
(6).Trên bờ cổ thụ mọc trăm đông.
(7).Lòng này, trụ đá sầu dằng dặc,
(8).Những vật ngoại thân chớ bận lòng!



Bài số 18 (Anh Ngôn I, bài 2, tờ 2)



(1).沿
(2).
(3).
(4).徘徊
(5). 雲
(6).
(7).宇宙
(8).

Nhĩ hà đối nguyệt

(1).Duyên lưu yên hỏa thiên thụ huýnh
(2).Bạc phố châu phàm vạn lý thông.
(3).Lao lạc khách tình đương ngạn bắc,
(4).Bồi hồi phiến nguyệt tự giang đông.
(5).Vân đê viễn thụ tà khuy thủy,
(6).Thiên khoát cao lâu dị đáo không.
(7).Vũ trụ khan lai hữu chí lạc,
(8).Tiêu thâm ý vị hữu thùy đồng?



(1).Ven bờ sông khói lửa ( chập chờn), ngàn cây chạy dài xa tít.
(2).Phố phường, bến bãi thuyền bè thông suốt mọi nơi.
(3).Khách ở bờ bắc lòng bâng khuâng
(4) Ở giang đông nhìn trăng cảm thấy bồi hồi
(5).Mây xuống thấp, hàng cây xa tắp cúi nhìn dòng nước,
(6).Trời rộng lầu cao dễ đến tầng không,
(7).Nhìn lại vũ trụ thì thấy có nhiều điều vui thich
(8).Ai có thể cùng ta chung cái thú đêm khuya?

Ngắm trăng trên sông Nhị

(1).Ngàn cây xa tít, khói ven sông
(2).Phố chợ đò giang vạn nẻo thông.
(3).Bối rối tình quê người bến bắc,
(4).Bồi hồi trăng tỏ kẻ sông đông.
(5).Ngàn xa mây thấp nhìn sông biếc
(6).Trời rộng lầu cao thấu đỉnh không.
(7).Nhìn lại đất trời nhiều cảnh thú
(8).Ai chơi suốt sáng với ta không?

(Bài này hai câu thực điểm, hai câu luận khuyên tròn.)


Bài số 19 (Anh Ngôn I, 37, 17)




(1).
(2).
(3).

(4).

(5).

(6).

(7).

(8).



Ất Dậu niên tam nguyệt, thập cửu nhật hữu cảm
Lập Trai tiên sinh dịch trích chi nhật

(1).Nhân tâm hữu tà chánh
(2).
Học thuật hữu thị phi
(3).Dị đoan thẩn bất tức
(4).Nghĩa lý hựu chí vi
(5).Thùy tự nhất thân xử
(6).Kham vị học giả y
(7).Ngô kim thất sở chuẩn
(8).Tư đạo tương an quy?

Năm ất dậu, tháng ba, ngày mười chín, là ngày Lập Trai tiên sinh lìa trần.

(1).Lòng con người có thể phân ra hai loại chính và tà.
(2).
Học thuật thì phân ra phải và trái.
(3).Nhiều giềng mối khác biệt cứ xuất hiện không ngưng nghỉ
(4), Nghĩa lý thì vi diệu, sâu xa.
(5).Ai có thể một mình mà cư xử cho đúng (làm và hiểu cho đúng).
(6).Thật khó mà có một bậc học giả để nương nhờ,
(7).Ta nay mất tiêu chuẩn, lạc phương hướng.
(8). Làm sao mà an tâm về với đạo?

NHỚ THẦY

(1).Lòng người có chính tà
(2).Học thuật có phải trái.
(3).Nhiều giếng mối sinh ra
(4).Nghĩa lý thì sâu xa
(5).Một mình sao hiểu nổi!
(6).Biết trông cậy vào ai
(7).Phương hướng đã mất rồi
(8).Làm sao mà an vui?





Bài số 20 (Anh Ngôn, bài 3, tờ 2)

遊 西湖

(1). 今 古 已如此,
(2).江山亦識夫。
(3).城池空歷歷,
(4).天水自悠悠。
(5).鐘聲醒 浮世,
*6). 樹 色明殘秋。
(7).且盡今朝興,
(8).同 君蕩 百憂。

Du Tây Hồ
(1).Kim cổ dĩ như thử,
(2).Giang sơn diệc thức phu.
(3).Thành trì không lịch lịch,
(4).Thiên thuỷ tự du du.
(5).Chung thanh tỉnh phù thế,
(6).Thụ sắc minh tàn thu.
(7).Thả tận kim triêu hứng,
(8).Đồng quân đãng bách ưu.

CHƠI TÂY HỒ

(1). Xưa nay cảnh vẫn như thế
(2).Giang sơn có biết hay chăng?
(3).Thành trì còn trơ trơ đó
(4).Nước muôn đời vẫn chảy xuôi.
(5).Tiếng chuông chùa thức tỉnh người đời.
(6).Tàn thu thì sắc cây càng rõ nét
(7).Hôm nay tận hưởng niềm vui
(8).Cùng bạn quên trăm mối sầu!


Chơi Tây Hồ

(1).Cảnh vẫn như xưa nay
(2).Giang sơn nào đổi thay?
(3).Thành trì vẫn còn đó
(4).Nước sông chảy đêm ngày!
(5).Chuông chùa thức kẻ say
(6). Thu tàn, sắc in rõ
(7).Hôm nay vui suốt ngày
(8).Để quên bao đắng cay!




ĐẨU TIẾP * THẦN SIÊU 3



No comments: