Saturday, March 13, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * TRUNG QUỐC ĐẤT NƯỚC & CON NGƯỜI

*

TRUNG QUỐC TRƯỚC 1945 DƯỚI CON MẮT NGƯỜI VIỆT NAM

Người Việt Nam rất mến yêu Trung Quôc với những bậc triết nhân có tư tưởng nhân ái như Lão tử, Khổng tử, Mạnh tử, Trang từ. . . Nhưng bên cạnh những bậc thánh hiền kể trên, Trung Quốc còn có những con người gian ác như Kiệt, Trụ, Lã Bất Vi, Tần Thủy hoàng, Hốt Tất Liệt đã gieo đau thương cho nhân dân Trung Quốc và nhân loại, đặc biệt là nhân dân Việt Nam.

Một số người Việt Nam trước 1945 đã có những cái nhìn khác nhau về đất nước và con người Trung Quốc .

Tài liệu thì nhiều, ở đây tôi xin giới thiệu năm tác giả chính là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Trọng Kim và Hồ Dzếnh. Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi nhìn con người Trung Quốc xâm lược và hành động dã man của họ tại Việt Nam. Còn các tác giả khác nhìn con người Trung Quốc tại Trung Quốc và đất nước Trung Quốc, một đất nước nghèo khổ, có lẽ còn nghèo khổ hơn Việt Nam.


I. TRẦN HƯNG ĐẠO, TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, TÀN ÁC VÀ KHINH MẠN


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn 興道大王陳國峻 (1232? - 1300) là danh tướng thời nhà Trần, hai lần kháng chiến chống Nguyên . Ngài là tác giả của bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc). Ngài còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần.Thời kháng Nguyên, Trần Hưng Đạo đã viết Dụ chư tỳ tướng hịch văn (諭諸裨將檄文), trong bản văn này, Ngài thuật tả những hành động ngạo mạn, hống hách và sách nhiễu tài vật của sứ thần nhà Nguyên đối với triều đình ta trước khi chúng xâm lược. Người Trung Quốc ở đây bản chất dã man và hiếu chiến của Mông Cổ, cậy mậnh hiếp yếu. Họ có hai nét đặc biệt là tham và ác:

. . . 偽使往來道途旁午
掉 鴞烏之寸舌而陵辱朝廷
委犬羊之尺軀而倨傲宰祔

托忽必列之令而索玉帛以事無已 之誅求
假雲南王之號而揫金銀以竭有限之傥庫
譬猶以肉投餒虎寧能免遺後患也 哉

. . . ngụy sứ vãng lai, đạo đồ bàng ngọ.
Trạo hào ô chi thốn thiệt nhi lăng nhục triều đình;
Ủy khuyển dương chi xích khu nhi cứ ngạo tể phụ.
Thác Hốt Tất Liệt chi lệnh nhi sách ngọc bạch, dĩ sự vô dĩ chi tru cầu;
Giả Vân Nam Vương chi hiệu nhi khu kim ngân, dĩ kiệt hữu hạn chi thảng khố.
Thí do dĩ nhục đầu nỗi hổ, ninh năng miễn di hậu hoạn dã tai?

những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường,
uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều-đình,
đem thân dê chó mà bắt-nạt tổ-phụ,
lại cậy thế Hốt tất Liệt
忽 必 烈 mà đòi ngọc-lụa,
ỷ thế Vân-nam-vương để vét bạc vàng;
của kho có hạn, lòng tham không cùng,
khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói,
giữ sao cho khỏi tai-vạ về sau!
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)


Lời lẽ của Hưng Đạo vương rất thống thiết, mô tả rất rõ ràng hành động lang sói của sứ thần và tướng tá nhà Nguyên.

Trần Hưng Đạo biết người Trung Quốc luôn muốn xâm chiếm Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Ngài đã để lại di chúc:

Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái nó cậy trường trận, ta dùng đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới có thể dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy". (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

II. NGUYỄN TRÃI, TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, TÀN ÁC


Nguyễn Trãi 阮廌 (1380–1442 ) hiệu là Ức Trai 抑齋 là đại thần nhà Hậu Lê, đã có công giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh. Trong Bình Ngô đại cáo 平吳大誥, Nguyễn Trãi đã tố cáo tội ác của Trung Quốc tại Việt Nam. Đây là một bức tranh về con người và hành động của quân Nguyên tại Việt Nam:

頃 因 胡 政 之 煩 苛 。
至 使 人 心 之 怨 叛 。
狂 明 伺 隙, 因 以 毒 我 民;
黨 懷 奸, 竟 以 賣我 國 。
焮 蒼 生 於 虐 焰,
陷 赤 子 於 禍 坑 。
欺 天 罔 民, 詭 計 蓋 千 萬狀;
連 兵 結 釁 稔 惡 殆二 十 年 。
敗 義 傷 仁 ,乾 坤 幾 乎 欲 息;
重 科厚 歛, 山 澤 靡 有 孑 遺。
開 金 場 塞 冒 嵐 瘴 而斧 山 淘 沙,
採 明 珠 則觸 蛟 龍 而 緪 腰 汆 海 。
擾 民 設 玄 鹿 之 陷 阱 ,
殄 物 織 翠 禽 之 網 羅 。
昆 虫 草 木 皆 不 得 以 遂其 生,
鰥 寡 顛 連 俱 不獲 以 安 其 所 。
浚 生 靈之 血 以 潤 桀 黠 之 吻 牙;
極 土 木 之 功 以 崇 公私 之 廨 宇 。
州 里 之 征徭 重 困,
閭 閻 之 杼 柚皆 空 。
決 東 海 之 水 不足 以 濯 其 污,
罄 南 山之 竹 不 足 以 書 其 惡 。
神 民 之 所 共 憤,
天 地之 所 不 容 。


Khoảnh nhân Hồ chính chi phiền hà,
Trí sử nhân tâm chi oán bạn.
Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân;
Nguỵ đảng hoài gian, cánh dĩ mãi ngã quốc.
Hân thương sinh ư ngược diệm,
Hãm xích tử ư họa khanh.
Khi thiên võng dân, quỷ kế cái thiên vạn trạng;
Liên binh kết hấn, nẫm ác đãi nhị thập niên.
Bại nghĩa thương nhân, càn khôn ky hồ dục tức;
Trọng khoa hậu liễm, sơn trạch mỹ hữu kiết di.
Khai kim trường, tắc mạo lam chướng nhi phủ sơn đào sa,
Thái minh châu, tắc xúc giao long nhi hoàn yêu thộn hải.
Nhiễu dân thiết huyền lộc chi hãm tịnh,
Điễn vật chức thúy cầm chi võng la.
Côn trùng thảo mộc giai bất đắc dĩ toại kỳ sinh,
Quan quả điên liên câu bất hoạch dĩ an kỳ sở.
Tuấn sinh linh chi huyết dĩ nhuận kiệt hiệt chi vẫn nha;
Cực thổ mộc chi công dĩ sùng công tư chi giải vũ.
Châu lý chi chinh dao trọng khốn,
Lư diêm chi trữ trục giai không.
Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.
Thần dân chi sở cộng phẫn,
Thiên địa chi sở bất dung.

Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thưà cơ gây loạn
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lòng người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha;
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Sau chiến thắng, Nguyễn Trãi tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ sống trong hòa bình vì người Việt Nam đã tha chết cho họ, và quân Trung Quốc đã sợ Việt Nam bạt vía kinh hồn:

社 稷 以 之 奠安,
山 川 以 之 改 觀 。
乾 坤 既 否 而 復 泰,
日月 既 晦 而 復 明 。
于 以開 萬 世 太 平 之 基,
于以 雪 天 地 無 窮 之 恥

Xã tắc dĩ chi điện an,
Sơn xuyên dĩ chi cải quán.
Càn khôn ký bĩ nhi phục thái,
Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh.
Vu dĩ khai vạn thế thái bình chi cơ,
Vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chi sỉ.


Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc


III.NGUYỄN DU
, TRUNG QUỐC HUYỀN THOAI VÀ THỰC TẾ

Nguyễn Du ( 1766–1820) là một cựu thần triều Lê, sau ra làm quan triều Nguyễn. Năm 1802, ông nhậm chức Tri huyện tại huyện Phù Dung (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên). Tháng 11 cùng năm, đổi làm Tri phủ Thường Tín (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Kể từ đó, Nguyễn Du lần lượt đảm đương các chức việc sau:
Năm 1803: đến cửa Nam Quan tiếp sứ thần nhà Thanh, Trung Quốc.
Năm 1805: thăng hàm Đông Các điện học sĩ.
Năm 1807: làm Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.
Năm 1809: làm Cai bạ dinh Quảng Bình.
Năm 1813: thăng Cần Chánh điện học sĩ và giữ chức Chánh sứ đi Trung Quốc.
Sau khi đi sứ về vào năm 1814, ông được thăng Hữu tham tri Bộ Lễ.
Năm 1820, Gia Long mất, Minh Mạng (1791-1840) lên ngôi, Nguyễn Du lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, nhưng chưa kịp lên đường thì mất đột ngột (trong một trận dịch khủng khiếp làm chết hàng vạn người lúc bấy giờ) ở kinh đô Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức 16 tháng 9 năm 1820.

Trong triều nhà Nguyễn có rất nhiều người Minh hương cũng như người Việt Nam tài giỏi nhưng vua Gia Long cử Nguyễn Du làm chánh sứ là do hai mục đích:
+Đối nội, vua Gia Long muốn thu phục nhân tâm Bắc Hà nên dùng Nguyễn Du là cựu thần nhà Lê.
+Đối ngoại, vua Gia Long muốn chứng tỏ nhà Nguyễn cũng chỉ là nhà Lê nối dài, tiếp tục nền tảng ngoại giao thân thiện với Trung Quốc, khác với Tây Sơn.

Vì đi sứ Trung Quốc, ông viết Bắc Hành Tạp Lục Tập viết về những điều tai nghe mắt thấy ở Trung Quốc. Ở đây Nguyễn Du thất vọng về nước Trung Hoa văn minh, giàu đẹp. Bắc Hành thi tập cho ta thấy mâu thuẫn giữa huyền thoại và thực tế của nước Trung Hoa ở thế kỷ 19.

1. GIAO THÔNG BẤT TIỆN:

Sự giao thông trong một quốc gia, một địa phương cho ta biết sự nghèo đói hay thịnh vượng của nước đó, vùng đó. Từ xưa, thông thường chỉ nơi thành thị là nhà cửa cao đẹp, đường sá rộng rãi, còn nơi thôn quê, nhất là nơi núi rừng thì giao thông rất khó khăn, nguy hiểm. Nếu viết như vậy và hiểu như vậy thì không thành vấn đề. Thế mà các văn nhân, thi nhân Trung Quốc mô tả xứ họ là thần tiên, đường sá bằng phẳng,đất nước thanh bình.

Khi đọc sách hoặc nghe người kể chuyện, Nguyễn Du cũng tưởng Trung Quốc là vĩ đại, nhưng đi vào thực tế, ông thấy khác xa. Không phải chỉ có "Thục đạo nan" mà hầu hết đường sá Trung Quốc rất hiểm trở và bất tiện cho việc giao thông. Nguyễn Du đã nói yêu tinh, ma quỷ trên đường đi. Phải chăng là bọn cướp ngày, cướp đêm?

共 道中華路坦平
中華道中夫如是
(寧明江舟行)

Cộng đạo Trung Hoa lộ thản bình
Trung Hoa đạo trung phù như thị
(Ninh Minh giang chu hành )

Ai cũng nói Trung Hoa đường sá bằng phẳng
Không ngờ đường sá Trung Hoa lại như thế!
(Đi thuyền trên sông Ninh Minh)

山 麓 積 泥 深 沒 馬
谿 泉 伏 怪 老 成 精

(幕府即 事)

Sơn lộc tích nê thâm một mã
Khê tuyền phục quái lão thành tinh
(Mạc phủ tức sự)

Đường núi bùn ngập mình ngựa,
Khe suối ma quỷ thành tinh.
(Trạm nghỉ chân tức sự)

2. TRUNG HOA NGHÈO ĐÓI

Ở đâu thì cũng có ngưòi giàu kẻ nghèo. Việt Nam là một nước nghèo thế mà Nguyễn Du lại thấy Trung Hoa còn nghèo hơn Việt Nam. Nguyễn Du là con nhà quan, là tài tử, đã gặp nhiều ca kỹ, già có, trẻ có, có người hát xướng ở cung điện, có kẻ hát rong ngoài đường, nhưng người hát rong ở Trung Quốc lại khổ hơn những người hát xẩm tại Việt Nam. Ông viết bài Thái Bình mại ca giả để nói về nỗi khổ cực của dân Trung Quốc:

只 道 中 華 盡 溫 飽
中 華 亦 有 如 此 人
(太 平 賣歌者)

Chỉ đạo Trung Hoa tận ôn bảo
Trung Hoa diệc hữu như thử nhân
(Thái Bình mại ca giả)

Người ta ca tụng Trung Quốc giàu mạnh,
Thế mà có người nghèo khổ đến thế sao?
(Người hát rong ở Thái Bỉnh)

Nước Việt Nam nhỏ bé, nghèo, đường sang Trung Quốc xa xôi nhưng phái đoàn sống đây đủ, dù đi bộ hay đi thuyền, lương thực vẫn thừa mứa. Ông viết trong bài thơ trên:

君 不 見使船朝來供頓例
一船一船盈肉米
行 人飽食便棄餘
殘 肴泠飯沉江底

Quân bất kiến sứ thuyền triêu lai cung đốn lệ
Nhất thuyền, nhất thuyền doanh nhục mễ
Hành nhân bão thực tiện khí dư
Tàn hào lãnh phạn trầm giang để.
(Phản Chiêu hồn)

Ngươi không thấy sứ thần từ xa lại,
Hai ba thuyền gạo thịt chứa đầy.
Cả đoàn ăn uống no say,
Ăn không hết thì đổ đầy trường giang.
(Người hát rong ở Thái Bỉnh)

Đa số nhân dân Trung Quốc không có đủ lương thực, phải ăn cơm trộn cám:

民食半枇糠
(信陽即事 )

Dân thực bán tỳ khang
(Tín Dương tức sự)

Dân ăn cơm trộn cám
(Viết ở Tín Dương)

Nguyễn Du còn đi sâu vào xã hội Trung Quốc. Ông đã nghe, đã thấy bọn quan lại Trung Quốc gian ác, bóc lột nhân dân khiến nhân dân vô cùng đói khổ. Trong bài "Phản Chiêu hồn", Nguyễn Du viết:

出 者驅車入踞坐
坐 談立議皆皋夔
不露爪牙與角毒
咬嚼人肉甘如飴
君不 見湖南 數百州
只有瘦瘠無充肥
(反招 魂)


Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa,
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quì.
Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di!
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu,
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.

Lên xe xuống ngựa uy nghiêm,
Luận bàn ra vẻ thánh hiền đời xưa.
Giấu nanh vuốt, che mưu cơ,
Nhai xương, nuốt thịt thể như bánh quà
Hồ Nam mấy trăm nóc nhà,
Nhân dân đói rách xương da phơi bày.
(Chống bài Chiêu hồn )

Bài Sở Kiến hành tả cành nghèo đói của Trung Quốc. Nhân vật chính là một bà mẹ với ba đứa con quá đói phải đi khất thực.

一人竭傭力
不充四 口糧
沿街日乞食
此計安可長
眼下委溝壑
血肉飼 豺狼
母死不足恤
撫兒增斷腸
奇痛在心頭
天 日 皆為黃
陰風飄然至
行人亦悽惶
昨宵西河驛
供具何 張黃
鹿筋雜魚翅
滿棹陳豬羊
長官不下箸
小 們只略嘗
撥棄無顧惜
鄰狗厭膏粱
不知官道上
(所見 行)


Nhất nhân kiệt dung lực
Bất sung tứ khẩu lương
Duyên nhai nhật khất thực
Thử kế an khả trường
Nhãn hạ ủy câu hác
Huyết nhục tự sài lang
Mẫu tử bất túc tuất
Phủ nhi tăng đoạn trường
Kỳ thống tại tâm đầu
Thiên nhật giai vị hoàng
Âm phong phiêu nhiên chí
Hành nhân diệc thê hoàng
Tạc tiêu Tây Hà dịch
Cung cụ hà trương hoàng
Lộc cân tạp ngư xí
Mãn trác trần trư dương
Trưởng quan bất hạ trợ
Tiểu môn chỉ lược thường
Bát khí vô cố tích
Lân cẩu yếm cao lương

(Kiến sở hành)


Một ngưòi làm tích cực
Không nuôi được bốn người
Ngày phải đi khất thực
Nhưng không thể mãi được
Có thể chết nơi sông ngòi..

Làm mồi cho hùm sói.
Bỏ con thì ai nuôi?

Thân mẹ chết đã đành
Ôm con, buốt tâm can.
Mặt trời cũng uá vàng
Gió lạnh bỗng thổi tới.

Khách qua đường xót thương
Ðêm qua trạm Tây Hà
Họ mở tiệc xa hoa
Đầy dê, lợn, vi cá
Đại quan không đụng đũa
Thuộc hạ chỉ nếm qua.
Ăn không hết thì đổ
Chó mèo cũng chê thịt cá
(Những điều trông thấy)


3. TRUNG HOA KHÔNG LỄ NGHĨA

Khổng tử dạy lễ nghĩa và người Trung Quốc ai cũng nói lễ nghĩa nhưng thực tế không phải vậy.
Ông Cù Các Bộ trung thần nhà Minh chết thế mà dân Trung Quốc bỏ miếu hoang tàn:

共 道中 華尚節義
如 何香火太凄涼
(桂林瞿閣部)

Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa,
Như hà hương hỏa thái thê lương.
(Quế Lâm Cù Các Bộ)

Ai cũng nói Trung Quốc trọng tiết nghĩa
Sao để nơi này hoang lạnh thế ư?
(Ông Cù Các Bộ ở Quế Lâm)

4. BANG GIAO HOA VIỆT

Tâm trạng của Nguyễn Du khác với tâm trạng Nguyễn Trãi. Sau khi bình Ngô, đất nước hòa bình, Nguyễn Trãi lạc quan, ông hy vọng từ nay về sau, Trung Quốc không dám xâm chiếm nước ta. Trong bài thơ Quá Thần phù hải khẩu, ông viết khi đất nước sạch bóng quân Minh:



(
口)

Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba
(Quá Thần phù hải khẩu)

Hồ Việt một nhà nay được thấy,
Bốn bể từ nay sạch bóng kình.
(Qua cửa bể Thần Phù)

Còn Nguyễn Du thì khác, khi tiếp xúc với nhà Thanh, Nguyễn Du cảm thấy mùi tanh hôi nồng nặc của beo, cọp và ông lo nghĩ mối bang giao Hoa Việt không được tốt đẹp và bền vững. Ông viết:

針芥易相感,
越 胡難似 親。
(題 韋盧集後)

Châm giới dị tương cảm,
Việt Hồ nan tự thân.
(Đề Vi, Lư tập hậu)

Kim cải dễ đồng cảm,
Việt Hồ khó thân yêu!
(Đề sau tập thơ của hai ông Vi, Lư)



Nguyễn Du là sứ thần mà cũng là môt nhà thơ có khí tiết, biết nhận xét khách quan, không tỏ ra nịnh bợ Trung Quốc như những người khác.Và những nhận xét của ông rất sâu sắc.


IV.TRẦN TRỌNG KIM, ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI TRUNG QUỐC

Trần Trọng Kim 陳仲金 (1883 – 1953), là nhà giáo dục, nhà biên khảo văn học và sử học Việt Nam, bút hiệu Lệ thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, năm 1897, ông học Trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường thông ngôn và đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1905, ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon, sau được học bổng vào trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước. Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm.


Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các vào ngày 17 tháng 4 năm 1945. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Sau 1945, ông sống lưu vong ở Trung Quốc, Cao Miên rồi trở về Việt Nam sống thầm lặng và mất tại Đà Lạt vào ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi. Ông là một học giả, đã biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị. Sau đây là một vài tác phẩm chính:

Việt Nam sử lược (1919)
Truyện Thúy Kiều chú giải (1925)
Nho giáo (1930),
Phật Lục (1940)
Một cơn gió bụi (1949)

Sau khi giải tán chính phủ, ông ra Hà Nội sống với gia đình trong khi bên ngoài nhiều biến cố xảy ra. Việt Minh lên, quân Anh Pháp đổ bộ tước vũ khí quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào, còn từ đấy trở ra, quân Tưởng Giới Thạch phụ trách. Một Cơn Gió Bụi là một thiên hồi ký, viết về cuộc đời ông là lịch sử Việt Nam trong khoảng 1945. Trong đó có đoạn ông viết về người Trung Quốc tại Việt Nam và người Trung Quốc tại Trung Quốc.


1.NGƯỜI TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM

Các tướng tá của Tưởng Giới Thạch cũng lợi dụng tình hình tại Việt Nam mà làm tiền phe cộng sản. Ông viết:


Theo ý tôi hiểu, thì mưu mô do bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Ðại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Ðảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Ðến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện. Ðó là một việc rất bí ẩn, khó lòng biết đích xác được, chẳng qua chỉ là sự xét đoán theo tình trạng hiện ra bên ngoài mà thôi. Và tôi thấy những người biết qua việc ấy đều đồng ý kiến như thế cả. (Chương 6)

Tuy Quốc Dân đảng ghét cộng sản nhưng không ghét tiền . Tổ sư hối lộ là ông Hồ Chí Minh. Hồ đã kêu gọi Tuần Lễ Vàng không phải để xây dựng nước mà là để hối lộ quân Tưởng. Hồ Chí Minh muốn đuổi ông Bảo Đại cho khuất mắt nên nhờ các tướng Trung Quốc mời Bảo Đại qua Trùng Khánh . Tưởng Giới Thạch đón tiếp khá tử tế nhưng rồi bọn họ cũng như cộng sản là một lũ "xỏ lá kềnh".

Trần Trọng Kim viết:
Sang đến Trùng Khánh, chủ tịch Tưởng Giới Thạch có tiếp ông tử tế. Song mấy người Việt Minh và Quốc dân đảng bỏ ông ở bên ấy không để tiền nong gì cho ông, ông phải vay mà tiêu. Còn hoàng hậu và mấy người con, ông Hồ có hứa rồi sẽ cho sang sau, nhưng rồi cũng không cho sang. Lúc ấy chính phủ Trung Hoa đang dọn về Nam Kinh, có mời ông về đấy, nhưng ông từ chối rồi về ở Hương Cảng. Sau chính phủ Việt Minh gửi thư sang bảo ông cứ ở bên Tàu đừng về nữa. Xem thế cũng rõ cái ý chính phủ Việt Minh là muốn đưa ông Bảo Ðại ra ngoài để họ dễ làm việc và khỏi lo ngại về việc có thể xảy ra được. (Chương 7)


2.NGƯỜI TRUNG QUỐC VÀ ĐẤT NƯỚc TRUNG QUỐC

(1). Trung Quốc và Việt Nam

Tình thế Việt Nam lúc này hỗn loạn mà Trung Hoa Dân Quốc cũng vậy.

Hôm sau tôi gặp ông Bảo Ðại, lời đầu tiên ông nói: "Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn". Tôi đem tình thực trình bày rằng:
„Ngài không về ở Nam Kinh là phải lắm, vì xem tình thế nước Tàu đang có nạn cộng sản, chính phủ Tàu còn gỡ không ra, họ làm thế nào mà giúp chúng ta. Tuy bề ngoài thì họ đối đãi tử tế và nói những chuyện giúp đỡ nọ kia, nhưng sự thực thì họ không thể giúp ta được việc gì ra trò đâu. Vậy chúng ta cứ đứng ở ngoài chờ xem tình thế biến đổi ra sao sẽ liệu“, ông Bảo Ðại cũng đồng ý như vậy.
Ông lại nói thêm: "Chưa biết chừng bọn Tưởng Giới Thạch cũng phải cuốn gói chạy ngày nào đấy".
Ấy là câu chuyện nói đầu tháng 8 năm 1946 mà sau hóa ra đúng thật.

Qua đoạn này, ta thấy:
+Quân Trung Quốc thường hay cướp phá biên giới.
+Vua Bảo Đại và các nhà cách mạng Việt Nam đã bị người Trung Quốc lừa dối hoăc hứa hẹn hão huyền.
+Trung Hoa Quốc gia sẽ phải tháo chạy vì Mỹ bỏ rơi!

(2). THÀNH PHỐ QUẢNG CHÂU

Quảng Châu là một thành thị lớn lao vào hạng nhì hạng ba ở nước Tàu, dân cư trù mật, buôn bán phồn thịnh. Phố xá có nơi đường phố sạch sẽ, nhà cửa rộng lớn, nhưng có nhiều nơi đường xá còn giữ nguyên vẻ cũ. Giữa đường cứ cách độ trăm thước tây lại có một khải hoàn môn bằng đá đục chạm theo kiểu cổ, đề những khoa thi tiến sĩ đời xưa, chắc là để mừng những người thi đỗ về vinh quy. Còn có những đường, những ngõ lát đá tảng, hai bên có cống rãnh bẩn thỉu, nhà cửa lụp sụp và không được sạch sẽ lắm.

. . . Phía dưới, giáp bờ sông có một khu đất gọi là Sa Diện, chung quanh có con sông nhỏ bao bọc, ở trong là những lãnh sự quán, nhà ngân hàng và nhà buôn bán của ngoại quốc. Ðường xá khu ấy sạch sẽ và không cho xe cộ đi lại.

Ngoài thành thị có thể gọi là Phiên Ngung, tức là nơi Triệu Ðà đóng đô ngày xưa, nay thấy có mấy cái đồi và mấy cái nhà làm theo kiểu mới. Người ta nói đó là nơi Tôn Dật Tiên đóng trụ sở hồi Quốc dân đảng mới khởi lên. Ði xa một đoạn nữa là Hoàng Hoa Cương nơi chôn 72 liệt sĩ trong đảng cách mệnh nổi lên đánh nhà Thanh vào khoảng hơn 40 năm về trước. Nay hàng năm đến ngày 29 tháng ba dương lịch có lễ kỷ niệm những liệt sĩ ấy ở đó.

Bên cạnh Hoàng Hoa Cương, bên kia con đường có cái ngôi mộ một người Việt Nam tên Phạm Hồng Thái. Ngày 19 tháng sáu năm 1925 lấy danh hiệu một phóng viên nhà báo, đến ném tạc đạn vào đám tiệc của người Pháp đãi viên Ðông Dương toàn quyền Merlin, khi viên ấy sang Sa Diện. Phạm Hồng Thái ném xong chạy trốn, nhảy xuống sông, chết đuối. Người Tàu đem chôn ở chỗ bây giờ, có dựng cái bia do Hồ Hán Dân viết. đấy đi xuôi một quãng xa, thì đến khu trường đại học làm trên những ngọn đồi, cây cối sầm uất, đường xá mát mẻ.
(Chương 9)

(3). NHÀ CỬA Ở QUẢNG CHÂU

Trần Trọng Kim cho biết là cấu trúc nhà cửa của dân chúng có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Có nhiều nét khác Việt Nam. Rõ nét nhất là tối tăm, chật hẹp và bẩn thỉu:

Nước Tàu thì ai cũng biết là một nước rộng lớn và có rất nhiều người, nhưng có đi qua các nơi mới thấy rõ sự rộng lớn của nước ấy và sự trù mật của dân nước ấy. Xe chở hành khách chạy trung bình 25 cây số một giờ mà phải chạy năm sáu giờ mới hết địa hạt một huyện, và có nhiều làng rất trù mật. Những làng bên Tàu không như bên ta có lũy tre bao bọc chung quanh. Nhà cửa ở các làng làm thành dẫy ở hai bên đường như ở các thành thị, chen chúc giáp mái nhau. Những nhà mái lợp ngói, tường xây bằng gạch sống xếp chồng lên không có vôi hồ, rồi quét ngoài vôi trắng. Nhà làm theo lối một cửa trước và một cửa sau, còn thì không có cửa sổ hay cửa nào khác nữa, trông xa còn khá, nhưng đến gần thì thấy tiều tụy, vào trong nhà lại thấy tối tăm và gà lợn ở lẫn với người, thật là bẩn thỉu.

Người Tàu thường ưa ở những cái buồng nhỏ hẹp, khi thấy cái buồng nào rộng, thì họ lấy gỗ ngăn thành mấy phòng nhỏ để mấy người hay mấy gia đình ở chứ không thích những buồng rộng rãi và khoáng đãng. Tôi gặp những người đã sang ở bên ta, nói ta làm nhà để buồng là phí đất. Xem cách làm nhà cửa và những nghệ thuật về đường trang sức của người Tàu hình như nó phản chiếu cái hình tượng của nước Tàu. Nhà cửa hay miếu mạo thường làm to lớn vững chắc, có nhiều buồng nhiều ngõ, và có những kiểu trang sức rậm rạp.


(4). THÔN QUÊ TRUNG QUỐC:

Những người ở thôn quê thì làm ruộng làm vườn rất chăm chỉ. Ði qua thấy ở chỗ đồng áng có người làm ruộng tát nước như ở bên ta, nhưng họ không tát nước bằng gầu, mà chỉ tát bằng thứ guồng nhỏ đạp bằng chân. Những người ấy trông có vẻ đói rách khổ sở. Ðó cũng có lẽ là vì sự chiến tranh và nổi loạn trong mấy chục năm mà gây ra cái hoàn cảnh thê thảm ấy.

(5). KHÁCH SẠN TRUNG QUỐC.

Những nơi thành thị lớn gần mé biển, như Thượng Hải hay Quảng châu, thì sự sinh hoạt rất náo nhiệt nhưng xét kỹ ra thì còn kém về đường tổ chức. Còn ở nội địa như ở Nam Kinh cũng có nhà máy điện song những đèn không sáng hơn ngọn đèn dầu của ta ngày trước. Những cột đèn thì thường làm bằng cây tre nhỏ, tưởng có gió to thì đổ hết cả. Dân ở đấy thì dùng nước sông đầy bùn. Tôi còn nhớ ở khách sạn Nam Kinh, sáng dậy người ta cho một chậu nước rửa mặt, để một lát thì bùn đọng ở đáy chậu một lớp khá dầy. Trời nực ai muốn tắm mất độ 300 bạc quốc tệ, mà người ta chỉ cho vào cái thùng gỗ độ chừng hai ba thau nước. Người Tàu gọi tắm là lấy khăn dúng vào nước rồi lau mình, chứ không phải là dúng mình vào nước hay là lấy nước dội lên mình.
Một hôm tôi mới đến Nam Kinh, trời nóng mấy người rủ nhau đi đến nhà tắm công cộng, mỗi người phải trả 450 quốc tệ. Người ta đưa cho mỗi người một cái khăn tắm, giống như cái khăn lau bát của mình. Ðến lúc vào đến buồng tắm, trời ơi, thấy một cái bể tắm nước đục như nước rửa bát mà có đến năm sau người đầy những mụn nhọt, ghẻ lở, đang hì hụp trong cái bể ấy. Trông thấy mà rùng mình rồi, còn ai dám tắm nữa. Song người Tàu quen như thế rồi, không cho là ghê tởm, dơ bẩn nữa.(Chương 9)

(6). NHO GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC

Tính người Tàu rất cẩu thả, không có làm việc gì cho đúng hẹn. Xe hàng hẹn đúng 6 giờ sáng chạy, thì ít ra cũng phải đợi đến 8, 9 giờ mới bắt đầu đi. Khi có việc cần kíp đánh điện tín đi chỗ nào, tưởng chừng năm ba ngày là chậm, thế mà phải đợi hàng tháng mới tới nơi, có khi lại không bao giờ tới. Lúc đầu tôi mới đến Quảng Châu, liền nhờ một người bạn của Vũ Kim Thành, trong chi bộ Quốc dân đảng, đưa đến sở bưu điện đánh cái điện tín lên Nam Kinh hỏi một việc, chờ đến mấy ngày không thấy có tin trả lời. Sau tôi đã lên đến Nam Kinh được hơn hai tuần lễ cái điện ấy mới đến nơi. Xem thế thì mới biết công việc làm ăn ở sở bưu điện của Tàu hỗn độn và cẩu thả chừng nào.

Thượng Hải, tôi thấy một người làm trong sở quan thuế nói rằng những tiền thu vào được mười phần thì chính phủ chỉ được có ba phần là cùng, còn thì các công chức trong sở ấy chia nhau mất cả. Một chính phủ mà công chức làm việc như thế, thì làm gì mà không đổ nát.
Việc cá nhân đối với nhau cũng vậy, trừ khi nào người ta có những việc quan hệ tới quyền lợi hay tiền bạc, còn thì ít khi người ta giữ đúng lời hẹn. Trước ta thường nghe người Pháp gọi sự hàm hồ cẩu thả của người Tàu là "Chinoiserie", thật có sang bên Tàu mới hiểu rõ cái tiếng chế nhạo ấy.

Xưa ta học đạo Nho, ta tưởng nước Tàu là nước đạo gốc ấy, tất người Tàu dù sao cũng còn giữ được cái căn bản nhân nghĩa, lễ trí, ngờ đâu cái nền học cũ đã tiêu diệt mất hết cả, chỉ thấy rặt những sự đa trí xảo, lừa dối. Nhất là những nơi thành thị lớn gần miền bể, người ta đắm đuối vào cuộc sống vật chất hèn kém, không thấy gì là lễ nghĩa liêm sỉ cả. Các công chức thì bất cứ việc gì cũng có mánh khóe để ăn hối lộ và những thanh niên phần nhiều xem ra rất xa hoa phù phiếm, và hầu hết đều muốn bắt chước sự hành động, cử chỉ của người Âu, người Mỹ. Nhưng hình như chỉ có cái vẻ Âu, Mỹ ở bề ngoài, kỳ thực thì Âu Mỹ chẳng phải Âu Mỹ mà Tàu thì thật chẳng phải Tàu như ta vẫn tưởng tượng.

Cái cảnh bề ngoài nước Tàu ngày nay chẳng thấy gì là cảnh tượng một nước đã thấm nhuộm lâu đời trong cái đạo học của nho giáo. Tôi nói cái cảnh tượng bề ngoài mà thôi, vì tôi là người đi qua đường, thấy thế nào thì nói thế nấy, chứ hoặc giả còn nhiều cái tốt đẹp ẩn nấp ở bề trong nữa, thì không thể biết được. Dù sao cái cảm tưởng của một người ở phương xa đã từng học theo đạo nho và chỉ biết nước Tàu nói trong sách cổ, thì thật là một cái cảm tưởng rất ngao ngán cho giống người học một đàng làm một nẻo. (Chương 9)

Trong khoảng 1940-1945, nhiều nhà cách mạng Việt Nam đã sang Trung Quốc nhưng không ai viết về Trung Quốc và có những nhận xét sâu sắc như Trần Trọng Kim. Trần Trọng Kim viết khá đầy đủ rất tiếc là ông không nói đến việc quân Lư Hán đến Việt Nam năm 1945 để giải giới quân đội Nhật.

V. HỒ DZẾNH, ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI TRUNG QUỐC



Hồ Dzếnh (1916- 1991) quán làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông sang Việt Nam lập nghiệp, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học rồi sống bằng nghề dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Vì ông viết bài ca tụng tướng Nguyễn Sơn nên bị trù dập, phải sống tủi nhục, nhưng ông vẫn viết văn thơ tuyên truyền. Năm 1993, tác phẩm của ông được đưa ra ngoại quốc. Ông lên tiếng chỉ trích chế độ cộng sản tàn ác. Trong Quyển Truyện Không Tên (Thanh Văn, Hoa Kỳ, 1993, dày 103 trang), tác giả đã nói rất nhiều. Ông đã viết thay cho con trai ông trong Quyển Truyện Không Tên:

'' Một nhà văn như cha tôi không khác gì cô gái điếm: Cô gái chiều khách hàng, nhà văn chiều thời đại.''.

Ông cũng như Chế Lan Viên có hai khuôn mặt của Thúy Kiều ở chốn thanh lâu. Có khi bướm lả ong lơi, cười đùa cùng nhân thế; còn khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, lại đau đớn xót xa. Ông mượn lời con trai ông viết về cuộc đời ông ở dưới ngọn cờ máu. Ông viết về chiến tranh, về những người lãnh đạo chiến tranh tại miền Bắc, cùng các chính sách vườn không nhà trống, phá cầu đào đường, cải tạo tư tưởng và cải cách ruộng đất tại miền Bắc là nơi ông đã tìm về nương náu, ngược với dòng chảy của dân tộc:

"Tôi sinh ra giữa một kỷ nguyên khác lạ, kỷ nguyên của những con đường thênh thang bị phá vỡ, cầu bị sập, nhà cửa tiêu tan, xe cộ bịt lối. Người đô thị tản mạn lên rừng xanh, những cô gái xinh tươi của cuộc đời nhung lụa biến thành những cô hàng nước, những bèo bọt phong trần. Cuộc đời đó thật là vĩ đại và kinh khủng, lay chuyển hết mọi tầng lớp, giai cấp, san phăng hết mọi chênh lệch sang giàu. Nếu chỉ có một trạng thái biến đổi đó thì chưa đến nổi gay gắt. Đằng này, buồn thế hệ gậm nhắm vào từng lòng người, cái phẫn uất, cay chua nhào thành một loại cảm giác kỳ dị, gán lên cuộc sống một hình thức sượng sần khó tả. Cái gì dở, trái, đều được văn chương mới mệnh danh bằng những tiếng kêu ròn: tiểu tư sản, phong kiến. Muốn vào trong cái thế giới vừa tân tạo hôm qua, con người bắt buộc phải qua một lượt lột xác, hay ít nhất, cũng phải có ý thức lột xác (19). .

Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội. Tháng 2-2007, cộng sản phát giải thưởng cho một số nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm để vỗ về họ như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, và Lê Đạt. Hồ Dzếnh và Vũ Bằng cũng dự phần.


Truyện ngắn của ông trước 1945 rất đặc sắc, nhất là tác phẩm Chân Trời Cũ. Đó là những thiên hồi ký về quảng đời niên thiếu của ông, những kỷ niệm của gia đình ông, liên hệ đến những người thân thích bên Trung Quốc. Truyện ngắn của ông cho chúng ta biết một vài điều về nước Trung Quốc.

Nhìn toàn bộ, Chân Trời Cũ là một bản nhạc buồn, một bức tranh màu xám. Theo cái nhìn của Hồ Dzếnh, người Trung quốc một số xấu xa về diện mạo cũng như tâm hồn, bần tiện, nghiện thuốc phiện và chỉ biết đồng tiền như ông chú của Hồ Dzếnh. Người chú này ở Trung Quốc nghe tin anh làm ăn khá ở Việt Nam bèn sang bòn rút. Vẫn biết Trung Quốc có nhiều người mặt đẹp và tâm hồn đẹp, nhưng những nhân vật mà Hồ Dzếnh kể ra lại là những người Trung Quốc xấu xí.

Nghệ thuật tả người của Hồ Dzếnh rất đặc sắc như đoạn tả thím Củ:

Thím Củ ngày nay so với thím Củ cách đây mười năm đã hoàn toàn khác.Khác vì cái vẻ e lệ mảnh mai đã biến đi, nhường cho một thứ già đau khổ, thứ già ''viễn xứ''. Thím Củ thường nghe nhiều người nói: đàn bà Tàu lúc về già thì răng chìa ra, mắt sâu hoắm vào, gò má nhô lên, nước da se đét lại. Cách ăn mặc của người đó làm xung quanh. thấy lợm lên một cái gì keo cú, độc ác.
Thím Củ ngày nay đã già và xấu đi nhiều.Áo thím mặc đã từ màu chàm đổi sang màu bồ hóng,mà thím chỉ thay mỗI tháng độ vài lần. Bồ hôi thấm khắp áo, rồi bồ hôi lại khô đi. Áo thím chạy một hàng cúc bọc vải thô, lâu ngày bóng ghét vì mấy đầu ngón tay luôn luôn cài mở. Chân thím Củ to ra, đôi chân trước kia đã có thời bị bó nhỏ biến lại. Da thím sần sùi, dáng đi nặng nề, lệch bệch. Ủã thế mắt thím lại kèm nhèm do cái khăn lau độc nhất là đôi ống tay áo đưa lên quệt dử, đã dày cộm (117)

Đọc Chân Trời Cũ, ta hiểu thêm về nước Trung Hoa. Cha Hồ Dzếnh trả lời con khi Hồ Dzếnh hỏi:

-Ba hả, tại sao người Tàu không ở bên Tàu lại cứ sang bên nước Nam?
-Tại vì người Tàu thích đi ra ngoài.. Tại vì người Tàu nghèo, dân nhiều gạo it.Tại vì ở bên Tàu lắm cướp. Cướp nó ở rừng, cướp ở đâu cũng có ăn, vì nó ăn cướp(48).

Thật vậy, trước 1945, Trung Hoa và Ấn Độ là quốc gia nghèo đói. Ấn Độ đã giải quyết được nạn đói nhờ cuộc cách mạng xanh. Đúng là dân Trung Quốc đói nên sinh ra các đảng cướp như đám cướp của Minh Thành Tổ Chu nguyên Chương, Lương Sơn Bạc. Mao Trạch Đông cũng là đảng cướp chỉ khác các đảng cướp khác là mang dấu hiệu sao đỏ và búa liềm. Hồ Dzếnh yêu Việt Nam và cũng yêu Trung Quốc nhưng ông là nhà văn tả chân cho nên rất tôn trọng sự thực dù đó là sự thực đau lòng.




Các tác giả trên đã phát biểu cảm tưởng của họ đối với người Trung Quốc tại Việt Nam và tại Trung Quốc. Tuy nhiên có hai sự kiện lịch sử mà chỉ nghe trong nhân dân bàn bạc hoặc sơ lược vài hàng tronh sử sách, chứ chua có nhà văn nào tả chi tiết. Đó là giặc cờ đen đời Tự Đức, quân Tưởng Giới Thạch do Lư Hán sang Việt Nam giải giới quân đội Nhật năm 1945.

Ở đây tôi xin ghi lại vài nét về quân Cờ Đen và quân Tưởng Giới Thạch.

(1). Ở bên Trung Quốc, thời Đạo Quang (1782-1850) ,Hàm Phong (1831-1861) bên ngoài các cường quốc xâm chiếm, bên trong loạn lạc nổi lên. Hồng Tú Toàn (1812-1864) là một trong những đám phản loạn thời ấy. Hồng Tú Toàn gốc nông dân, quê ở thôn Phúc Nguyên Thuỷ, huyện Hoa, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông học hành thông minh nhưng đi thi nhiều lần không đỗ. Ông theo đạo Thiên Chúa, gọi chúa Giê su là anh, lập ra phái Bái thượng đế, và lập đảng chống triều đình Mãn Thanh, lưc lưọng quân sĩ khởi lên ở Quảng Tây, chiếm được nhiều nới, cải quốc hiệu là Thái Bình Thiên Quốc, tự xưng là Thiên vương, năm 1853, chiếm Nam kinh, đặt làm thủ đô và gọi là Thiên kinh. Đến năm 1864 thì bị Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương dẹp tan, ông tự tử. Đời Tự Đức, dư đảng của Hồng Tú Toàn là bọn Ngô Côn, Lưu Vĩnh Phúc chạy sang nước ta, trước xin hàng, rồi sau đem tàn quân cướp phá các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

(Lưu Vĩnh Phúc)

Năm (1868) Ngô Côn chiếm Cao Bằng. Triều dình sai quan tổng đốc Phạm Chi Hương viết thư sang cho nhà Thanh đem quân sang tiểu trừ. Nhà Thanh sai phó tuớng Tạ Kế Qui, đem quân sang cùng với Tiểu phủ Ông Ích Khiêm và đề đốc Nguyễn Viết Thành đánh phá quân của Ngô Côn ở Thất Khê. Nhưng đến tháng 7 năm ấy, quân ta đánh thua ở Lạng Sơn, tham tán Nguyễn Lệ, phó đề đốc Nguyễn Viết Thành tử trận, thống đốc Phạm Chi Hương bị bắt. Cuối năm 1870 Ngô Côn đem quân vây đánh tỉnh thành Bắc Ninh, quân của Tiễu phủ Ông Ích Khiêm thắng trận giết đuợc Ngô Côn. Nhờ cách dụng binh khéo léo. Sáng quay lưng về huớng Ðông, chiều quay lưng về huớng Tây. Quân Tàu thuờng thức khuya hút thuốc phiện, sáng thức dậy chưa tỉnh con say, mắt nhắm, mắt mở, lại bị mặt trời chiếu thẳng vào mặt làm quáng mắt. Quân đội của Ông Ích Khiêm bố trí trận đứng quay lưng về huớng có ánh nắng mặt trời buổi sáng.


Quân Tàu hướng về phía mặt trời không thấy bị Quân ta chém giết vô số Ngô Côn bị giết trong trận nầy.Ngô Côn bị tử trận nhưng còn những đồ đảng là Hoàng Sùng Anh hiệu cờ vàng, Lưu Vĩnh Phúc hiệu cờ den, Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi hiệu cờ trắng, vẫn cứ quấy phá ở Tuyên Quang. Tỉnh Thái Nguyên bị vây, trung quân đô thống Ðoàn Thọ đưa quân lên đóng ở Lạng Sơn, bọn giặc Khách là Tô Tứ nổi lên, nửa đêm vào lấy thành Ðoàn Thọ bị tử trận, Võ Trọng Bình thì vuợt thành chạy thoát.

Khi Pháp xâm lược miền Bắc, Ông Ích Khiêm đuợc thăng chức Tham Tri, Ông đuợc lệnh ra Bắc hợp với quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc để chống Pháp. Năm 1874, tại Ô Cầu Giấy, Lưu Vĩnh Phúc đã giết Francis Garnier. Cậy có công chống Pháp, quân Tàu đòi hỏi quá nhiều lương thực, áp bức dân ta tàn ác, dân chúng oán than khắp nơi ...

Khi còn Sông Tô Lịch đây là nơi sầm uất vì buôn bán các thổ sản từ trên rừng xuôi về. Riêng đoạn Hàng Mã thì chuyên làm các đồ vàng mã tùy táng hay để hóa trong tín ngưỡng với người âm, sau này mới chuyển về khu vực Phố Hàng Mã gần Chợ Đồng Xuân như bây giờ.Và năm 1882 quân Cờ Đen đã đồn trú tại đây trong khi bao vây quân Pháp đồn trú tai khu nhượng địa Đồn Thủy. Nhưng với người dân ta, quân Cờ Đen cũng là nỗi kinh hoàng vì những hành vi cướp bóc, hà hiếp không khác đám thổ phỉ.

Sau Pháp chiếm Bắc Việt, bắt triều đình đoạn giao với Trung Quốc. Sau Lưu Vĩnh Phúc chết nhưng hình ảnh quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng của bọn giặc cướp Trung Quốc còn ghi mãi trong lòng dân miền Bắc.

(2).Người Bắc Việt nhất là người Hà Nội khó quên hỉnh ảnh gần hai trăm ngàn quân Tầu của tướng Lư Hán sang giải giới quân Nhật. Người ta kể rằng quân đội Nhật giao súng ống cho quân Tưởng nhưng quân Tàu sợ Nhật, không dám lại gần. . .

(Tướng Lư Hán)

Hình ảnh quân đội Lư Hán là một hình ảnh đoàn quân ô hợp và đói rách trên thế giới chưa từng có. Họ mang theo cả gia đình gồm đàn bà trẻ con, phu khuân vác, nồi niêu xoong chảo, gồng gánh. Họ ăn bận lôi thôi, hiện rõ nét đói rách , khốn khổ. bệnh tật, và vô kỷ luật, gây ra nhiều vụ cướp phá khắp nơi. Họ uống rựơu, ăn thịt chó, hút thuốc phiên công khai.. Người ta kể rằng quân Tàu đi đâu thì mang theo cả bao bố tiền quan kim của Trung quốc, một thứ tiền vô giá trị chẳng khác gì tờ giấy loại. Lính Tàu vào quán phở làm một hơi năm sáu tô phở rồi lăn ra chết.
Đó là hình hình khó quên tại miền Bắc nước ta, đến nỗi trẻ con khắp nước đã ca vang:
"Đoàn quân Tàu ô đi sao mà đói thế!".
Trên kia, Trần Trọng Kim đưa ra giả thuyết là tướng Tàu và cộng sản Việt nam rất gian manh. Tôi nghĩ rằng Lư Hán lúc này có lẽ đã ngầm theo Mao và thi hành các âm mưu của Mao trợ giúp cho cộng sản Việt Nam.



Qua những tác giả và tác phẩm trên, ta đã thấy phần nào con người và đất nước Trung Quốc. Những nhận định trên giúp ta đi sâu vào bản chất con người và thực tế xã hội chứ không phải chỉ nhìn Trung Hoa qua Đường Thi, Tứ Thư, Ngũ Kinh, Nam Hoa Kinh, hay Tử Cấm thành, Thượng Hải, Nhạc Dương lâu, Hàn Sơn tự. . Ngay cả nhìn Vạn Lý Trường thành, ta thấy gì? Uy nghi? hùng vĩ? Ca tụng bạo chúa Tần Thủy hoàng? Bạn có nghe không tiếng than khóc của trăm ngàn bộ xương khô ở quanh Vạn Lý Trường Thành? Bạn có biết không Vạn Lý Trường Thành chỉ là suy nghĩ khùng điên của kẻ ngu ngốc, tốn sức người, sức của mà nào đâu chận được có ngựa Mông, Mãn?

Một số tác phẩm đã viết về người Trung Quốc và đất nước Trung Quốc trước 1945. Còn sau 1945 thì sao? Chúng ta sẽ chờ những tác phẩm sau:
+ Hình ảnh các tướng và cố vấn Trung Quốc tại Điện Biên phủ, tại các tiểu đoàn, trung đoàn và bộ viện trong khoảng 1945 mà có người kể và viết là sống xa hoa, thái độ hống hách.
+Hình ảnh cán bộ Trung Quốc đến các xã thôn miền Bắc trong CCRĐ 1953-1956 ,rất khắc nghiệt tàn ác ,bọn trung ương cộng sản Việt nam khiếp sợ không dám can thiệp!
+Hình ảnh binh sĩ Trung Quốc trước và trong 1979 tấn công biên giới, phá hủy Pac Bó và tàn sát nhân dân rất tàn độc, một mảnh gạch ngói cũng không còn.
+Hình ảnh biên giới và biển Đông, quân Trung Công xâm chiếm đất đai và biển cả, giữ tàu thuyền, bắt bớ, đánh đập ngư dân Việt Nam rất dã man mà bọn Mạnh, Triết, Dũng không dám hó hé trong khi mạnh mẽ bịt miệng nhân dân.

Lịch sử sẽ tiếp tục và lặp lại. Và trong sử sách và tâm hồn người Việt Nam cũng vẫn lưu giữ những hình ảnh, hành động và ngôn ngữ và cử chỉ của những kẻ xâm lược tàn ác.

NGUYỄN THIÊN THỤ

*

No comments: