Thursday, March 11, 2010

DỊCH GIẢ PHONG KIỀU DẠ BẠC

*


*

AI DỊCH PHONG KIỀU DẠ BẠC CỦA TRƯƠNG KẾ? NGUYỄN HÀM NINH HAY TẢN ĐÀ?
Nguyễn Thiên Thụ


I. NGUYỄN HÀM NINH LÀ AI?

Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai, người làng Phù Kinh nay là Phù Hoá, sau dời đến làng Trung Thuần xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô nuôi cho ăn học.


(Mộ của Nguyễn Hàm Ninh ở Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Năm Kỉ Sửu (1829) đỗ Tú tài đến năm Tân Mão (1831) đỗ thủ khoa kì thi Hương, được bổ Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) năm 23 tuổi, sau phải về để tang cha. It lâu sau lại được về kinh làm Quốc học độc thư bị gièm pha phải thôi việc. Ông làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Cuộc đời của ông thăng trầm, bị cách chức nhiều lần.Ông từng Chủ sự phủ Tôn nhân, án sát Khánh Hòa, bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc nên khi về lại bị triều đình cách chức, rồi bị đưa ra Đà Nẵng. Sau đó, ông được phục chức cũ, được cử làm trước tác ở Viện Hàn Lâm, nhưng một lần nữa lại bị cách chức.

Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ. Ông là bạn xướng hoạ của Cao Bá Quát, Đinh nhật Thận và Tùng THiện vương. Tác phẩm của ông gồm có "Tĩnh Trai thi tập", "Tĩnh trai văn tập" (chữ Hán), một bài văn tứ lục Phản thúc ước và một số bài thơ, ca trù (chữ Nôm).




II. AI DỊCH PHONG KIỀU DẠ BẠC?

Trước đây, nhiều người đã dịch bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế.

Người ta bảo bản hay nhất là của Tản Đà.

Gần đây, ông Nguyễn Quảng Tuân nêu lên ý kiến là Nguyễn Hàm Ninh là người dịch bài thơ này nhưng ông không cho biết xuất xứ. Có lẽ hơn nửa thế kỷ qua, lại chiến tranh ác liệt tàn phá quê hương, sách thất lạc mà chỉ còn nhớ mang máng trong trí tưởng mà thôi, cho nên Nguyễn Quảng Tuân không thể nêu xuất xứ rõ ràng. Hoặc vì một nnguyên nhân nào khác chăng?


(Mộ của Nguyễn Hàm Ninh ở Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Năm 2008 cho đến 2010 tôi mới hoàn thành việc đánh máy quyển" Đời Tài Hoa "(viết về Nguyễn Hàm Ninh), và đang đánh máy bản "Trong 99 Chóp Núi" ( viết về Đinh Nhật Thận) của Đẩu Tiếp do Tân Việt xuất bản 1942, tôi mới thấy quả là Nguyễn Hàm Ninh đã dịch bài này. Bài này nằm ở trong quyển "Trong 99 Chóp Núi" của Đẩu Tiếp. Trong khi chú thích bài "Thu dạ lữ hoài Ngâm" của Đinh Nhật Thận, về Hàn san, và Đẩu Tiếp nói đến thơ Trương Kế và bài dịch của Nguyễn Hàm Ninh:

Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.(1)
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn sơn.
( trang 57, 82 )

(1). Trong bản Trong 99 Chóp Núi ghi là giấc hồn, lạc vận, là do lỗi ấn công, phải là giấc hồ (hồ điệp) mới đúng.

(tr.82, Trong 99 Chóp Núi)


Đẩu Tiếp quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, ở gần làng Trung Thuần nên khoảng 1930-1936 đã ra tận Trung Thuần tìm đến nhà của Nguyễn Hàm Ninh và tìm thấy trong tủ sách Nguyễn Hàm Ninh nhiều tài liệu, trong đó có bài thơ dịch này.

Nay nhiều bài báo ở Việt Nam có thảo luận việc này. Nay tôi xin trình làng xuất xứ bản dịch này của Nguyễn Hàm Ninh. Những tài liệu này tôi đã thu thập từ lâu. Quyển "Đời tài Hoa" copy tại Thư Viện Khảo Cổ Saigon khoảng 1963; quyển "Trong 99 Chóp Núi " là sách trong thư viện Nguyễn Văm Sâm do ông Sâm tặng tôi năm 1968; và quyển "Thần Siêu " là sách của gia đình do ông Nguyễn Triết tặng năm 1977 tại Saigon,. Những chi tiết liên hệ đến Nguyễn Hàm Ninh tôi ghi vào phần Phụ Lục của quyển Đời Tài Hoa đã tái bản dưới dạng điện tử năm 2010.
Xin đọc Đời tài Hoa, còn Trong 99 Chóp Núi đang dang dở, nếu cần, quý vị có thể tham khảo




*

Chúng ta vẫn biết Tản Đà dịch thơ Đường hay nhất.
Thi viện thì xác nhận bản dịch trên là của Nguyễn Hàm Ninh, còn bản của Tản Đà trong Tản Đà Vận Văn Toàn Tập,tập IV như sau;

Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Đối chiếu với bản của Nguyễn Hàm Ninh là khác biệt một vài chữ:

Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.(1)
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn sơn.

http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=1547

Tài liệu của Cửa sổ Tin Học cho biết có hai bài dịch Phong kiều dạ bạc khác nhau :

+Nguyễn Hàm Ninh:

Quạ kêu, trăng lặn, trời sương
Lửa chài le lói sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


+Tản Đà:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


http://forum.cuasotinhoc.vn/lofiversion/index.php/t340324.html

Như vậy là sinh ra một vấn đề khác nữa:
Tại sao hai bản dịch của Tản Đà khác nhau.

+Thi Viện
Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.(1)
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn sơn.

+Cửa Sổ Tin Học
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.


Cửa sổ Tin Học không cho biết xuất xứ cho nên không rõ rệt. Vậy ta phải đi tìm các sách của Tản Đà ở nhiều nơi để có một tin tức chính xác.
+Tản Đà Thư Cục
+Nhà xuất bản Hương Sơn
+Nhà xuất bản Á Châu
+Tạp Chí Ngày Nay.

Tôi xem trong Tản Đà Vận Văn do Hương Sơn, Hà Nội, in lần thứ hai, năm 1941-1942 thì không thấy.Và tôi cũng đã tìm Tản Đà Vận Văn của Á Châu Sàigon,(không ghi năm in) thì cũng không thấy có bài này. Hai quyển này khác nhau ở điểm:Quyển của Hương Sơn để rải rác thơ dịch của Tản Đà trong bốn tập, còn quyển của Á Châu thì gom thơ dịch lại ở tập II, từ trang 161 đến 268.
Vậy ta có thể kết luận rằng bản dịch nay còn được truyền tụng không phải là của Tản Đà mà là của Nguyễn Hàm Ninh.



III. VÀI Ý KIẾN VỀ CHÚ THICH VÀ GIẢNG GIẢI

Vì các học giả đã nghiên cứu, thảo luận khá đầy đủ về Phong kiều dạ bạc, nay tôi chỉ xin sơ lược vài điểm:




1. Nửa đêm có chuông chùa không?

Vấn đề này người Trung quốc cũng đã thảo luận. Âu Dương Tu đặt ra vấn nạn này. Ông nói :canh ba không phải là lúc chùa đánh chuông! (Tam canh bất thị đả chung thời) 三更不是打鐘時 ). Đấy cũng là một nhận thức chủ quan sai lầm. Tại sao ông không đến chùa ở lại một đêm, hoặc it nhất cũng nên gặp một chú tiểu mà hỏi một câu. Có khó khăn gì đâu! Người tu hành thật sự khổ lắm. Ăn thì tương chao, nửa đêm trời lạnh phải dậy hai lần để tụng kinh gõ mõ vì các nhà sư phải theo lệ tụng kinh, ngồi thiền ngày bốn buổi vào các thời tí, ngọ, mão dậu. (Có thể có những chùa, những ông sư Lỗ Trí Thâm thì khác) .Và qua nhiều bài thơ khác, tiếng chuông chùa ban đêm đã đi sâu vào lòng thi nhân.

Trong bài thơ Đại vân tự Tán công phòng 大雲寺贊公房 ( Phòng của ông Tán tại Đại-vân tự) bài số ba của Đỗ Phủ 杜甫 như sau:

燈 影 照 無 睡,
心 清 聞 妙 香
夜 深 殿 突 兀,
風 動 金 琅 璫.

天 黒 閉 春 院,
地 清 棲 暗 芳
玉 繩 迴 斷 絶,
鐵 鳯 森 翺 翔.

梵 放 時 出 寺,
鍾 殘 仍 殷 牀
明 朝 在 沃 野,
苦 見 塵 沙 黄


Đăng ảnh chiếu vô thụy,
Tâm thanh văn diệu hương.
Dạ thâm điện đột ngột,
Phong động kim ngân đương.

Thiên hắc bế xuân viện,
Địa thanh thê ám phương.
Ngọc-thằng hồi đoạn tuyệt,
Thiết phượng sâm cao tường.

Phạn phóng thì xuất tự,
Chung tàn nhưng ân sàng.
Minh triêu tại ốc dã,
Khổ kiến trần sa hoàng.

Bài ba
Đèn sáng nên khó ngủ,
Lòng thanh cảm mùi hương.
Cung điện khuya cao vút,
Gió động rung khánh vàng .

Trời tối, cửa chùa đóng,
Đất mát, hương ngạt ngào.
Sao Ngọc chiếu lấp lánh,
Chim phượng tít trời cao..

Tiếng tụng kinh vang vang,
Bên giường vọng tiếng chuông.
Sáng mai nơi ruộng ướt,
Lại thấy cát bụi vàng

Ngoài ra trong thơ Trung Quốc còn có nhiều âm thanh tiếng chuông chùa. Trong Vương Trực Phương Thi Thoại, bài Hộc thi 鵠 詩 có câu:

定 知 別 往 宮中 伴,
遙 聽 維 山 半 夜 鐘

Định tri biệt vãng cung trung bán,
Diêu thính duy sơn bán dạ chung,

Bạch Cư Dị 白居易 cũng có câu thơ:

新 秋 松 影 下,
半 夜 鐘 聲 後
Tân thu tùng ảnh hạ,
Bán dạ chung thanh hậu.

Trong Thi Lâm Quảng Ký 詩林廣記, thơ Ôn Đình Quân 溫 庭筠 có câu:

悠 然 旅 思 頻 回 首,
無 復 松 窗 半 夜 鐘。
Du nhiên lữ tứ tần hồi thủ,
Vô phục tùng song bán dạ chung.


Nguyễn Trãi trong bài Thính vũ cũng nói đến tiếng chuông khuya:

隔 竹 敲 窗 密
和 鐘 入 夢 清
吟 餘 渾 不 寐
斷 續 到 天 明


Cách trúc xao song mật
Hòa chung nhập mộng thanh.
Ngâm dư hồn bất mị,
Đoạn tục đáo thiên minh.

Trúc mọc như song kín
Chuông vang, mộng chẳng thành,
Ngâm thô rồi vẫn tỉnh
Thức ngủ đến bình minh.


Nhân tiện đây tôi cũng xin góp ý về chữ " song viết " trong các bản nôm như sau.
Qua bài thơ trên, ta thấy chữ song viết là do chữ song mật 窗 密 là cái cửa sổ có nhiều chấn song. Mật là nhặt, chặt, chặt . song mật viết nôm là song nhặt, song nhật 窗 日, dùng chữ nhật để đọc nhặt, chặt để nói về cửa sổ nhiểu chấn song hay cửa sổ đóng chặt chứ không phải là " song viết "


Đinh Nhật Thận trong Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm cũng nói đến tiếng chuông chùa Diệu Đế ban đêm:


盡 心

. (53-56)

Hà xứ thị hương quan nhạn tín,
Du tai nan tả tận tâm tình.
Dạ văn Diệu Đế chung thanh,
Hải môn cổ hưởng ngự thành pháo thôi.

Trông tin nhạn biết là đâu tá?
Tâm tình này ai tả cho nên.
Đêm chùa Diệu Đế chuông rền,
Trống vang cửa bể súng rên thành vàng.(53-56)

Như vậy là có tiếng chuông chùa thật chứ không phải là ảo tưởng, là hư cấu.


2. Quạ kêu đêm không?

Một số cho rằng quạ không kêu đêm. Tôi nghĩ rằng quạ cũng như các loài sống thành bầy, vì tranh giành nhau, vì đùa nghịch, vì đánh lộn nhau, hoặc có kẻ thù đến thì chúng kêu để báo động hoặc xông ra chống cự, chứ không phải ban đêm là hoàn toàn im lặng. Có nhiều bài thơ về quạ kêu đêm, ở đây, tôi xin đưa ra ba bài tiêu biểu:

+Lý Bạch (701-762) có bài Ô dạ đề:

烏 夜 啼
黃 雲城邊烏欲棲,
歸飛啞啞枝上啼。
機中織錦秦川女,
碧紗如煙隔窗語。
停梭悵然憶遠人,
獨宿房淚如雨。

Hoàng vận thanh biên ô dục thê
Quy phi á á chi thượng đề.
Cơ trung chức(1) cấm Tần xuyên(2) nữ,
Bích xa như yên cách song ngữ
Đình thoa(3) trướng nhiên ức viễn nhân,
Độc túc cô(4) phòng lệ như vũ.

Tản Đà dịch:

Quạ kêu đêm

Mây vàng tiếng quạ bên thành,
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu.
Tần Xuyên cố gái buồng thêu
Song sa khói tỏa như khêu truyện ngoài.
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài như mưa.

___

1. Bản khác ghi:Khuê trung chức phụ 閨中織婦
2.Bản khác ghi Tần gia nữ
3.Bản chữ Hán ghi là cô , còn bản Tản Đà ghi là không.
4. Bản khác : hướng nhân vấn cố phu.向 人問故夫

5, Bản khác ghi không phòng空房



+Lý Dục 李煜 (937-978) tức Lý Hậu chủ nhà Nam Đường


烏夜啼
昨夜風兼雨,
簾幃颯颯 秋聲。
燭殘漏 滴頻欹枕,
起坐不能平。

世事漫隨流水,
算來夢裡浮生。
醉鄉路穩 宜頻到,
此外 不 堪行。


Tạc dạ phong kiêm vũ,
Liêm vi táp táp thu thanh.
Chúc tàn lậu đoạn tần ỷ chẩm,
Khởi toạ bất năng bình.

Thế sự mạn tuỳ lưu thuỷ,
Toán lai mộng lý phù sinh.
Tuý hương lộ ổn nghi tần đáo,
Thử ngoại bất kham hành.



Đêm qua trời gió mưa,
Tiếng thu lọt rèm thưa.
Đêm tàn không yên gối,
Ngồi dậy lòng thẩn thờ.

Cuộc đời như dòng nước
Đời người giấc chiêm bao
Luôn luôn đến làng rượu,
Nơi khác chẳng bưóc vào.


Trong Bắc Hành Thi tập, bài Từ Châu dạ, Nguyễn Du nghe tiếng quạ kêu trong đêm:

枯 楊 三 百 樹
樹 樹 有 啼 鴉
(徐 州 夜)

Khô dương tam bách thụ
Thụ thụ hữu đề nha
(Từ châu dạ)
Ba trăm cây dương khô héo
Đầy cành, quạ đứng kêu
(Đêm ở Từ Châu )



3. Các địa danh: Núi Ô Đề? Núi Sầu Miên?

Cái tên này có từ bao giờ? Muốn hiểu rõ, ta phải tìm các tài liệu cổ về địa danh của Trung Quốc, nhất là địa danh của Tô Châu.

Dẫu sao, nghiên cứu thơ Trung Quốc có khó khăn. Giai thoại " Hoàng khuyển ngọa hoa tâm" là một cảnh báo cho người đọc và nhà biên khảo, phê bình.

Nay xin giới thiệu sơ lược một tài liệu chú thích của người Trung Quốc về bài này:

A. CHÚ THÍCH
(1).Bài này ngoài cái tên Phong kiều dạ bạc 楓橋夜泊 còn có tên Dạ bạc Tùng giang 夜泊松江 và Dạ bạc Phong giang 夜泊 楓 江.
(2). Phong kiều:楓橋: nay ở huyện Ngô tỉnh Giang Tô.
(3). Bạc泊 (bến) là nơi dừng thuyền.
(4). Ngư hỏa: ánh sáng của thuyền chài.
(Không nhất thiết là ban đêm câu cá)
(5).Hàn sơn tự 寒山寺: ở huyện Ngô, tinh Giang Tô.

B. BÌNH
(1). Tác giả bài này bình luận rằng bài thơ này rất hay, đã tả đầy đủ:
+những gì mình thấy ( sở kiến 所見): nguyệt lạc 月落,
+những gì mình nghe ( sở văn 所聞 : ô đề 烏啼
+và những gì mình cảm ( sở 所感 ): sương mãn thiên 霜滿天
Như vậy "ô đề" không phải là núi.

(2).Tác giả cho rằng tại đây là một bức tranh tuyệt đẹp. Cận cảnh của cái cầu hòa với sắc thu và tâm tình con người.
(3). Bốn câu nói về người khách nằm ngủ trong thuyền mà nghe thấy nhiều thứ :chùa, chuông chùa, cầu, cây cối, nước. . .

Tác giả xác nhận chùa Hàn Sơn đánh chuông ban đêm là có thật.Ông nói rằng thi nhân đời Tống là Tôn Địch 孫覿 trong bài Quá phong kiều thi đã viết:

白首重來一夢中
青 山 不 改 舊 時 容。
烏 啼 月 落 橋 邊 寺,
倚 枕 猶 聞 半 夜 鐘

Bạch thủ trùng lai nhất mộng trung,
Thanh sơn bất cải cựu thời dung.
Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự
Ý trượng do văn bán dạ chung.


Ngày nay người ta bảo phía tây Hàn sơn tự có Ô Đề Sơn và Sầu Miên Sơn. Việc này là do bài thơ Trương Kế mà sau người ta đặt ra như thế!Bài thơ của Tôn Địch cũng có thể nói là núi Ô đề, Sầu miên sơn ở cạnh chùa.
http://ds-hk.net/thread-126880-1-1.html




___

THƯ TỊCH

+BULUKHIN . BẢN DỊCH BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC HAY NHẤT LÀ CỦA NGUYỄN HÀM NINH. ngày 22-12-2009.
http://vn.360plus.yahoo.com/bulukhin/article?mid=963


+Cửa Sổ Tin Học. Thơ Đường.
http://forum.cuasotinhoc.vn/lofiversion/index.php/t340324.html

+ Hà Quảng. TRAO ĐỔI THÊM VỀ BÀI THƠ PHONG KIỀU DẠ BẠC . Thư viện Hoa Sen.http://www.thuvienhoasen.org/tho-phongkieudabac-haquang.htm

+HỒ TIỂU TÀ. Thảo luận Phong kiều dạ bạc.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:Phong_Ki%E1%BB%81u_d%E1%BA%A1_b%E1%BA%A1c

+Nguyễn Khôi. Còn một tấc lòng.
http://www.baobacninh.com.vn/?page=news_detail&category_id=12604&id=63540&portal=baobacninh

+Nguyễn Khôi.Thăm Hàn san tự. http://newvietart.com/index4.90.html


+NGUYỄN QUẢNG TUÂN.Phong kiều da bac
http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/191/nguyenquangtuan_phongkieudabac.htm

+THI VIỆN. Bài thơ: Phong Kiều dạ bạc - 楓橋夜泊 (Trương Kế - 張繼) Nửa đêm đậu bến Phong Kiều (Người dịch: Nguyễn Hàm Ninh). 月落烏啼霜滿天, 江楓漁火對愁眠。 姑蘇城外寒山寺, 夜半鐘聲到客船。 www.thivien.net › ... › Trung QuốcTrương Kế
Xuân Canh dần, tháng 3-2010.

+Trần Long Hồ. Đọc lại Phong kiều dạ bạc.
http://www.nhanvan.com/magazines/vanhoc/195/tranlongho_doclaiphongkieudabac.htm

+Trương Kế. Phong Kiều dạ bạc.
http://ds-hk.net/thread-126880-1-1.html

+Vũ Dinh Dinh.
A Famous Chinese Poem Often misunderstood By Readers
http://www.thewriterspost.net/V11I1_ff1_vudinhdinh.htm


+Vương Trí Nhàn. Văn chương và sự chính xác.
http://thuykue.blogspot.com/2008/10/vn-chng-v-s-chnh-xc.html

+WIKISOURCE. Phong kiều dạ bạc.
http://vi.wikisource.org/wiki/Phong_Ki%E1%BB%81u_d%E1%BA%A1_b%E1%BA%A1c_%28Nguy%E1%BB%85n_H%C3%A0m_Ninh_d%E1%BB%8Bch%29


*
Nguyễn Thiên Thụ

*


No comments: