VI
MAO trong cuộc chiến tranh chống Nhật
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
"... Tất cả đều tuân theo ý Mao là ghi vào Điều lệ đảng hẳn một điều khoản là '' lấy Tư tưởng Mao Trạch Đông làm cơ sở lý luận và tư tưởng ''..."
1-. Ngày 7-7-1937, sự kiện xung đột giữa quân Nhật và quân Trung Quốc tại Lư Cầu Kiều (còn gọi là cầu Marco Polo) đã làm nổ ra cuộc chiến tranh Nhật - Trung. Cuối tháng 7, quân Nhật với ưu thế quân sự, chiếm luôn 2 thành phố lớn nhất phía Bắc Trung quốc là Thiên Tân và Bắc Kinh.
Thế nhưng sau đó chiến tranh như ngừng lại. Quân Nhật không mở rộng địa bàn chiếm đóng. Ở thủ đô Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch cũng không tuyên chiến với Nhật, chỉ kêu gọi Hội Quốc Liên can thiệp. Cả 2 bên đều chưa muốn chiến tranh mở rộng. Nhật chỉ muốn chiếm một vùng đất phía Bắc làm bàn đạp sau này. Ở gần Thượng hải Nhật có một trại đóng hải quân chừng 3 ngàn quân do cuộc ngừng bắn từ năm 1932 quy định.
2-.Một tháng sau, chiến sự lớn đột nhiên nổ ra ở ngay Thượng hải rồi lan rộng. Nguyên nhân vì đâu. Điều bí ẩn nay được phơi bày. Trước đây dư luận hầu như đều cho rằng do phía Tưởng cố tình tiến công trước. Nay mới rõ : chiến sự mở rộng do ý định của Staline. Staline e ngại rằng Nhật bản đang chiếm đóng Mãn Châu, với số quân đông, nay lại chiếm một phần phía Bắc Trung quốc ở gần biên giới Liên Xô, có thể dễ dàng gây chiến với Liên Xô, điều mà Staline cố tránh. Staline chỉ mong sao Nhật đánh về phía Nam Trung quốc để rồi sẽ bị sa lầy ở chiến trường Trung hoa rộng lớn. Staline đã tạo nên một nhân vật lợi hại thực hiện ý định chiến lược của mình. Nhân vật ấy là một viên tướng của Tưởng: Trương Trị Trung (Zhang Zhi Zhong, thường gọi tắt là ZZZ).
3-. Trương Trị Trung lúc ấy là Tư lệnh vùng Thượng Hải - Nam Kinh. Năm 1925 Trương từng là giáo viên Học viện quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu do Liên Xô lâp nên để đào tạo sĩ quan trung cao cấp cho quân đội của Tưởng; khi Quốc - Cộng hợp tác chống Nhật, nhiều sĩ quan Hồng quân cũng được đào tạo tại đó. Tại Học viện này, ZZZ được gọi là ''giáo sư đỏ'', ''sư trưởng đỏ'', có cảm tình với cộng sản. Sau này ZZZ kể rằng có lúc ông yêu cầu Chu Ân Lai - khi ấy là Chủ nhiệm chính trị của Học viện, kết nạp ông vào đảng cộng sản, nhưng Chu trả lời : tốt hơn hãy hợp tác bí mật với đảng cộng sản. Những năm 1930, ZZZ có quan hệ với Sứ quán Liên xô ở Nam kinh, như Lépine tủy viên quân sự và đại sứ Bogolomov.
Lư Cầu Kiều
Ngay sau sự kiện Lư Cầu Kiều, ZZZ đã yêu cầu Tưởng tiến công trở lại quân Nhật ở vùng Thiên Tân - Bắc Kinh, giữ quyền chủ động, nhưng Tưởng không đồng ý. Tiếp đó ZZZ lại đề nghị Tưởng chủ động tiến công quân Nhật ở ngay Thượng Hải, Tưởng vẫn không đồng tình, vì Thượng Hải đang là trung tâm công nghiệp - tài chính, lại quá gần thủ đô Nam kinh. Cuối cùng Tưởng căn dặn khi có dấu hiệu quân Nhật sắp sửa tiến công, vẫn phải chờ lệnh để hành động.
Ngày 9-8, ZZZ dựng lên một cuộc xung đột ở sân bay Thượng hải. bố trí một người tù mặc quân phục sĩ quan bị một sĩ quan và lính Nhật bắn chết, rồi 2 người này bị bắn trả, nhằm khơi ngòi cho cuộc xung đột lớn. Nhưng phía Nhật cũng như phía Tưởng đều không muốn chiến tranh lan rộng. Tưởng vẫn chủ trương tự kiềm chế, không gây sự. Ngày 14-8, ZZZ ra lệnh chuẩn bị cho máy bay ném bom tàu chỉ huy Izuma của Nhật và một số vị trí quân Nhật, Tưởng liền ngăn lại: không được tiến công, chờ khi có lệnh. Ngày 15, ZZZ ra thông báo báo chí, báo tin (hoàn toàn bịa đặt) quân Nhật đã ném bom Thượng hải và quân Nhật đã bắn vào dân chúng, cả một làn sóng căm thù Nhật bản lan rộng, lên cao. Tưởng đành phải ra lệnh: tổng tiến công sáng sớm mai! ( ngày 16). Ngày 18 Tưởng lại ra lệnh ngừng bắn. Nhưng quân Nhật đã gửi quân tiếp viện. Chiến tranh lan rộng, ngày càng quyết liệt. Số thương vong 2 bên ngày càng lớn. Và rồi chiến tranh kéo dài đến 8 năm.
Vài tuần sau ZZZ xin từ chức, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong lịch sử gián điệp quốc tế, có thể coi đây là một trong những trường hợp tiêu biểu thành công nhất, làm chuyển biến sâu sắc tình hình rồi ''hạ cánh'' nhẹ nhàng. ZZZ ở lại lục địa Trung quốc và sống ở Bắc Kinh.
4-. Một nhân vật tình báo cộng sản Trung quốc khác được coi là chui sâu, leo cao và có hiệu quả chiến lược là Thiệu Lập Từ (Shao Li-tzu) vẫn ở trong Quốc dân đảng suốt 22 năm lại làm việc cho đảng cộng sản đến năm 1949 mà không hề bị lộ. Điều kỳ lạ là Thiệu từng có chân trong số sáng lập viên của đảng cộng sản Trung quốc, rồi thay đổi tên.. Chính Thiệu từng dẫn con trai Tưởng là Tưởng Kinh Quốc sang Pháp rồi sang Nga tháng 11 năm 1925. Về sau Tưởng giao cho Thiệu chức tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây là nơi có nhiều căn cứ Đỏ, kể cả Diên An, là thủ đô Đỏ. Trong 2 năm 1937-38, Tưởng cử Thiệu làm trưởng Ban tuyên truyền của Quốc dân đảng chỉ đạo mạng lưới tuyên giáo truyền thông báo chí. Thiệu am hiểu chính trị quốc tế, thấu hiểu nhiều ngoại ngữ, quan hệ rộng với giới báo chí Âu - Mỹ, dưới chiêu bài ''tuyên truyền khách quan'' đã làm cho chủ nghĩa cộng sản dễ chấp nhận và chủ nghĩa cộng sản quốc tế có tính nhân văn, che dấu bản chất hung bạo phi nhân của nó. Sau khi cộng sản toàn thắng, Thiệu ở lại trên lục địa, nhiều lần gặp lại Mao, được khen thưởng, và chết tại Bắc kinh năm 1967.
5-. Staline rất thích thú khi ZZZ thực hiện ý mình, làm cho chiến tranh Trung - Nhật lan rộng xuống phía Nam Trung quốc, liền tăng gấp viện trợ quân sự cho Tưởng. Ngày 21-8-1937 Liên Xô ký với Tưởng Hiệp ước không xâm lược Xô - Trung và viện trợ vũ khí. Liên xô bán cho Tưởng 1 ngàn máy bay, nhiều xe tăng, pháo binh. Staline còn cử sang 300 cố vấn quân sự đứng đầu là tướng Vassili Tchouikov, nói được tiếng Trung quốc. Suốt 4 năm cho đến năm 1940 Liên xô gần như là nguồn cung cấp vũ khí duy nhất cho Tưởng.
Không những vậy, Staline còn cử quân chiến đấu sang giúp Tưởng, cũng là để thí nghiệm vũ khí mới sản xuất. Theo thống kê bán chính thức, từ 12-1937 đến cuối 1939, 2 ngàn phi công Nga đã lái máy bay chiến đấu trên chiến trường Trung hoa, hạ chừng 1 ngàn máy bay Nhật, và có lần ném bom cả Đài loan, lúc ấy bị quân Nhật chiếm đóng.
5-.Staline còn nhiều lần chỉ thị cho Mao rằng đảng cộng sản Trung quốc và Hồng quân Trung hoa cần tịch cực tham gia chống Nhật, lôi cuốn mạnh mẽ Tưởng vào cuộc chiến đấu này.
Nhưng Mao nghĩ khác. Lúc ấy Hồng quân Trung quốc có 60 ngàn quân chính quy, trong đó 46 ngàn đóng ở vùng Tây - Bắc, với thủ đô là Diên An. Đoàn quân này mang tên Bát Lộ quân, do Chu Đức làm tư lệnh, Bành Đức Hoài làm phó. Còn 10 ngàn quân đóng ở phía dưới sông Dương Tử là Tân Tứ quân, tư lệnh là Hạng Anh (Xiang Ying).
Mao và nhị Chu
Mao luôn nghĩ rằng trên chiến trường Trung Hoa có 3 thế lực theo thế chân vạc như thời Tam quốc: Quốc dân đảng, Cộng sản và Nhật. Phải thúc đẩy cho quân Nhật và quân Tướng đánh nhau thật lực. Quân Nhật đánh ngày càng sâu vào nội địa đuổi theo quân Tưởng thì lại càng tốt. Quân của Mao cứ việc theo gót chân quân Nhật, chiếm các vùng quân Nhật bỏ lại, biến thành căn cứ của mình. Vì quân Nhật không có dân, không có chính quyền và kinh tế tại chỗ nên không thể trụ lại. Chỉ có quân của Mao làm được. Hơn nữa sau mỗi cuộc đọ sức giữa quân Nhật và quân Tưởng, lính Tưởng bỏ ngũ nhiều, Hồng quân thu nhận số tàn quân ấy, nuôi dạy để bổ xung cho quân mình.
Mao cũng nhiều lần nói rõ với Tưởng là Hồng quân chỉ là lực lượng phối hợp phụ trong cuộc chiến chống Nhật thôi, Tưởng cũng đồng ý vậy.
6-.Staline luôn nhắc Mao rằng Hồng quân phải tận lực cùng quân của Tưởng tấn công quân Nhật. ''Đánh Nhật trước hết ! ''. Mao không thực hiện khẩu hiệu ấy. Lâm Bưu lại hưởng ứng, cho rằng có dùng quân, quân mới trưởng thành. Lâm Bưu đã chỉ huy trận đánh quân Nhật vang dội ở Bình Hình Quan, phía Đông Bắc tỉnh Thiểm Tây. Chu Đức và Bành Đức Hoài cũng muốn đánh Nhật, Mao liền triệu về Diên An để cầm chân. Cuộc tranh luận Nhật với Tưởng, đâu là kẻ thù chính, số 1, ưu tiên, kéo dài cho đến cuộc họp tháng 8 và tháng 9 -1937, Mao lôi kéo Lạc Phủ, Vương Gia Tường, tranh thủ Chu Ân Lai, Bác Cổ, cô lập Vương Minh, đi đến kết luận : kẻ thù số 1 của chúng ta là Tưởng Giới Thạch. Mao dùng đến cả thủ đoạn mỹ nhân kế, cung cấp cho Lạc Phủ và Vương Gia Tường mỗi người một cô vợ trẻ đẹp. Lưu Thiếu Kỳ và Bành Đức Hoài cuối cùng cũng đứng về phía Mao, ủng hộ quan điểm của Mao. Để tranh thủ thiện cảm của Staline, Mao một mặt kiểm soát kỹ mọi điện liên lạc từ Diên An sang Moscow, một mặt cử một loạt phái viên sang gặp Staline để nói tốt về mình. Đó là Vương Gia Tường, rồi Lâm Bưu, cả Nhiệm Bật Thời (Ren Bi -shi), rồi đến em ruột Mao là Mao Trạch Dân (Mao Tse-min) và cuối cùng là Chu Ân Lai. Chu đến Moscow đúng vào lúc chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra vào tháng 9-1939, khi Mao đã củng cố vị trí vững chắc số 1 trong đảng và trong Hồng quân. Điều thuận lợi cho Mao là Staline tỏ ra đồng ý trên một điểm là nếu Hồng quân bị quân Tưởng tiến công hay bị đe dọa tiến công thì có thể giáng trả và giáng trả mãnh liệt, trách nhiệm về nội chiến là thuộc về phía họ.
Mao cho xoá bỏ hình Bác Cổ khỏi tấm hình đã chụp
Trong 2 năm 1939-40 những cuộc xung đột Quốc - Cộng ngày càng nhiều, tuy quy mô không lớn. Tháng 2-1940 Mao báo cáo rõ cho Staline là phần lớn các trận đụng độ, hồng quân giành phần thắng vì chủ động, tinh thần binh lính tốt hơn; riêng ở Hà Bắc đã loại 6 ngàn quân Quốc dân đảng, còn ở Thiểm tây là 10 ngàn...Staline tỏ ra hài lòng, gửi Chu Ân Lai mang về một máy liên lạc Radio loại tốt cùng 30 vạn đôla để chuyển cho Mao.
6-. Tháng 5-1940 thủ đô Trùng Khánh của Tưởng bị Nhật ném bom ngày càng dữ dội. Sau này được biết Trùng Khánh là thành phố chịu đứng nhiều bom đạn nhất trên thế giới, bằng 1/3 tổng số bom các nước đồng minh rải xuống toàn nước Nhật trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Trước tình hình ấy, Bành Đức Hoài phó tư lệnh Bát lộ quân liển lên kế hoạch tiến công lớn từ 20-8-1940, suốt gần một tháng vào trang thiết bị, cầu cống hệ thống đường sắt và đường bộ quân Nhật thường dùng. Tổn thất cho quân Nhật là cực lớn, chúng phải chuyển từ tiền tuyến về một sư đoàn để dọn dẹp, sửa chữa, nhiều cuộc hành quân bị đảo lộn. Uy tín Hồng quân lan rộng. Cùng với trận Bình Hình Quan, cuộc tiến công lớn này là 2 trận thắng vang dội của Hồng quân trong chiến tranh chống Nhật. Bát lộ quân sau đó lên đến 40 ngàn quân, vượt quá số quân 2 năm trước.
7-. Ngày 22-6-1941, Đức tiến công Liên xô, làm đảo lộn mọi tính toán của Mao. Mao luôn mong được sự chi viện lớn về mọi mặt của Liên xô thì nay Liên xô phải tập trung mọi sức lực chống phát xít Đức. Mao mất ngủ dài dài. Mao lao vào công việc củng cố tổ chức, huấn luyện cán bộ, đảng viên, binh sĩ, làm kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi, kể cả trồng thuốc phiện để tăng ngân sách.
Trong việc trồng thuốc phiện, Mao tỏ ra hăng hái đặc biệt. Quanh Diên An các thửa ruộng đất tốt nhất là dành cho thuốc phiện, từ 6 ngàn héc-ta lên dần đến 12 ngàn rồi 15 ngàn héc-ta năm 1943. Năm 1943, Diên An thu hoạch được hơn 44 tấn thuốc phiện. Thuốc phiện trồng xen với ruộng ngô và ruộng kê. Ở phía Bắc Thiểm tây, có một viên tướng Quốc dân đảng nổi tiếng về trồng trọt, khai thác, chế biến và kinh doanh thuốc phiện là tướng Đặng Bảo Sơn (Teng Pao-shan), trở nên bạn của Mao. Do trồng thuốc phiện mà nền kinh tế ngèo nàn có lúc kiệt quệ vùng đỏ Thiểm tây trở nên khá giả. Mao sống cuộc sống vương giả, mỗi bữa ăn có đến 7, 8 món khác nhau.
8-. Từ đầu năm 1944, thắng lợi to lớn trên mặt trận châu Âu và Thái Bình Dương của Liên xô và lực lượng đồng minh mang lại sinh khí mới cho Diên An và các vùng căn cứ đỏ. Mao tập trung sức chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ VII họp vào tháng 4-1945. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Bành Đức Hoài, Chu Đức từng có lần lên tiếng phê bình, can ngăn Mao nay đều đã quay về tỏ ý hoàn toàn khuất phục. Tất cả đều tuân theo ý Mao là ghi vào Điều lệ đảng hẳn một điều khoản là '' lấy Tư tưởng Mao Trạch Đông làm cơ sở lý luận và tư tưởng ''.
Quân phiệt Nhật đang trên đà thất bại không sao tránh khỏi. Cuộc nội chiến Quốc - Cộng sẽ là cuộc đọ sức sinh tử ở ngay trước mắt. Hồng quân sau 8 năm chiến tranh chống Nhật đã lớn mạnh trông thấy. Nay đã thành những binh đoàn đông đảo cộng với dân quân khá rộng khắp với tổng quân số là 1 triệu 300 ngàn quân, gấp gần 16 lần 8 năm về trước. Nhưng quân Quốc dân đảng vẫn còn đến gần 4 triệu quân. Mao sẽ còn phải dựa vào Liên Xô, vào Staline và vào Đệ tam Quốc tế cộng sản để xoay chuyển tình thế, tiến lên hoàn thành tham vọng cá nhân cháy bỏng của mình, ngự trị như một Hoàng đế toàn năng trên một đất nước bao la với số dân lớn nhất thế giới.
(còn nữa)
Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)
No comments:
Post a Comment