Friday, March 26, 2010

MAO TRẠCH ĐÔNG 5

MAO với sự biến Tây An - bắt cóc Tưởng Giới Thạch
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday


Staline dùng con trai Tưởng làm con tin có lợi bao nhiêu thì việc dùng con trai cả của Mao làm con tin, khi nhả mồi chẳng có lợi gì..."

1-. Tháng 10-1936 một sự kiện chấn động dư luận thế giới, Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc ở Tây An. Tưởng còn được gọi là Tưởng Tổng Tài, Tưởng Thống Chế, là người đứng đầu Quốc Dân Đảng sau khi Tôn Dật Tiên mất năm 1925. Tưởng thống nhất đất nước vào năm 1928, đứng đầu Chính phủ và quân đội Trung hoa, đóng đô tại Nam Kinh.

Cuốn sách của Jung và Jon với những tài liệu và chứng cứ mới cho ta một cách nhìn mới về sự kiện gọi là ''sự biến Tây An''.

2-. Nhân vật chính trong sự kiện này là Trương Học Lương (Zhang Xue Liang), con của nhà quân phiệt lừng danh Mãn Châu Trương Tác Lâm (Zhang Tso Lin), bị ám sát tháng 6-1928. Khi Nhật tiến chiếm Mãn Châu năm 1931, Trương đem 200 ngàn quân vào vùng Thiểm Tây, đặt dưới trướng của Tưởng Giới Thạch. Trương Tác Lâm được gọi là Tà Soai (Đại Soái) còn Trương Học Lương là Xẻo Soai (Tiểu Soái).

Tưởng Giới Thạch (phải) và Trương Học Lương (trái)


Lương có tham vọng cực lớn, từng giao thiệp rộng, từ Âu châu sang Mỹ, quan hệ một thời khá thân với cả gia đình Mussolini, thường khoe giang sơn của mình rộng bằng cả Pháp và Anh cộng lại. Lương còn quan hệ kín đáo với một số nhà ngoại giao Liên Xô. Lương có tính ngông nghênh, ăn chơi xả láng, có máy bay riêng, thuê một người Mỹ lái. Mộng tưởng ngông cuồng của Trương là sẽ thay thế Tưởng ngự trị đất Trung Hoa.

Tham vọng của Trương lọt vào tầm mắt Staline, khi Tưởng tỏ ra yếu, không dám đương đầu tuyên chiến với Nhật, khi Xít muốn chiến tranh Trung - Nhật nổ ra quyết liệt kéo dài để Nhật sa lầy và tiêu hao trên chiến trường mênh mông này, không còn sức đe doạ Liên Xô. Với tính toán ấy, Xít thường thôi thúc Hồng quân Trung hoa chống Nhật mạnh mẽ, điều mà Mao rất lừng khừng.

Mao cũng tính đến một liên minh với Lương nhằm hạ Tưởng khi Trương cũng được sự tiếp sức của Liên Xô. Mao ngỏ ý ủng hộ Trương trong ý đồ thay chân Tưởng, Mao còn để Trương hiểu ngầm rằng Moscow sẽ chi viện lớn tiền và vũ khí cho Trương.

3-. Tháng 10-1936 khi đội Hồng quân đi Tân cương để tiến về phía biên giới Liên Xô bị sa lầy, Tưởng báo cho Trương ông ta sẽ cũng cán bộ tham mưu đến Tây An bản doanh của Trương để kiểm tra tình hình, đốc chiến cuộc truy quét Hồng quân đang nao núng. Lập tức Trương nghĩ đến chuyện bắt giữ và có thể giết Tưởng. Trương báo mật tin cho Mao ở căn cứ cách Tây An có 300 kilômet, cùng trong tỉnh Thiểm Tây. Mao liền phái Diệp Kiếm Anh đến gặp Trương bàn định chuyện này. Vào lúc này xảy ra đột biến. Ngày 25-11-1936 Nhật và Đức ký Hiệp ước liên minh chống cộng sản quốc tế (Pacte anti - Komintern) làm cho Staline từ bỏ ý định chống Tưởng và chỉ thị gấp cho Dimitrov cầm đầu tổ chức Komintern nhắc đảng cộng sản Trung Hoa phải liên minh với Tưởng lập chính phủ liên minh chống Nhật.

Mao tuy sợ Staline một phép, nhưng lại tiếc dịp hiếm loại bỏ Tưởng với hy vọng bản thân sẽ có dịp nổi lên một khi Tưởng chết, Quốc dân đảng mất lãnh tụ.

4-.Thế là Trương được Mao khuyến khích lao vào hành động, với bản chất hiếu danh, phiêu lưu, từng tuyên bố ''cờ bạc là nghề của ta'', may ra thắng to. Ngày 4-12 Tưởng với vài chục sĩ quan và cận vệ đến Tây An. Quân của Trương bảo vệ vòng ngoài đã biết rõ thậm chí thực tập việc đột nhập phòng ngủ của Tưởng. Mờ sáng 12-12, Tưởng sau khi tập thể dục đang mặc quân phục thì 400 quân của Trương tiến công giết viên sĩ quan an ninh và một số cận vệ của Tưởng. Tưởng thấy động chạy ra ngoài đồi thì bị bắt. Tin Tưởng bị bắt cóc vang động toàn thế giới, được gọi là ''sự biến Tây An''.

5-. Ở Diên An, Mao được kể lại là ''cười như điên'' khi nhận được tin này, hí hửng nghĩ rằng rồi Liên Xô sẽ càng lao vào giúp đảng mình gấp bội. Mao lầm to ! Khi Mao điện cho Moscow đề xuất việc xin giết Tưởng thì đúng vào lúc báo Pravda (Sự thật) ở Moscow đăng xã luận lên án cuộc bắt cóc, bảo vệ Tưởng với nhận định: hành động bạo lực này chỉ có lợi cho bọn Nhật bản xâm lược. Ngày 16-12 Dimitrov thay mặt Đệ tam Quốc tế Cộng sản điện cho Mao với lời lẽ nghiêm khắc lên án cuộc bắt cóc làm lợi cho Nhật bản và chỉ thị cho đảng cộng sản Trung hoa tham gia trả tự do và quyền lực cho Tưởng. Mao rất ương ngạnh coi như không có chỉ thị của Moscow, hy vọng Trương vốn tính liều lĩnh, manh động vẫn sẽ sớm thủ tiêu Tưởng. Nhưng Mao nhầm to, Trương không dám làm ẩu.

6-.Trương khôn ngoan, hiểu rõ tình hình, quyết định trả lại tự do cho Tưởng với tất cả quyền lực cũ, tự đến trước mặt Tưởng khóc và cúi đầu nhận tội, còn giao sinh mệnh mình cho Tưởng, tự nguyện theo Tưởng làm ''tù binh'' để được an toàn. Vợ Tưởng là Tống Mỹ Linh được Trương mời đến Tây An đón Tưởng bằng máy bay, Tưởng trở về Nam Kinh như một anh hùng vào đúng ngày Noel 24-12-1936, sau 12 ngày đêm bị giữ.

Xẻo Soai (Tiểu Soái) Trương Học Lương theo Tưởng 40 năm sau đó, bị giam lỏng ở Đài loan, sau khi Tưởng chết năm 1975, tổng thống mới Lý Đăng Huy cho Trương được hoàn toàn tự do, Trương sang sống tại Hoa kỳ, chết ở Hawaii năm 2001 khi 102 tuổi, thọ hơn cả Mao và Tưởng một phần tư thế kỷ.

Vương Minh (bên phải) là đối thủ chính trị lớn


6-. Tuy Mao ôm hận khôn nguôi, hụt mất dịp diệt Tưởng để nổi lên, Mao vẫn tận dụng sự biến Tây An để kiếm lợi. Mà lợi rất to. Mao yêu cầu Trương ngay sau sự biến để cho Chu Ân Lai đến Tây An tham gia giải quyết tình hình và hy vọng Chu có thể gặp Tưởng. Staline liền nghĩ ra diệu kế là đưa vấn đề Tưởng Kinh Quốc đang còn bị giữ ở Liên Xô ra mặc cả. Kinh Quốc là con trai duy nhất của Tưởng Thống chế, được gửi sang Liên Xô từ năm 1925, mấy lần Tưởng-cha đòi Tưởng-con trở về nước nhưng Staline vẫn giữ làm con tin. Được tin ấy, Tưởng đồng ý gặp Chu Ân Lai và trong niềm vui sắp được tự do, lại sắp gặp con trai quý sau 11 năm dài xa cách, Tưởng thoả thuận với Chu một loạt điều hệ trọng đối với đảng Cộng sản: coi đảng cộng sản là một chính đảng hợp pháp - không còn bị coi là phiến loạn - khi chịu tôn trọng luật pháp quốc gia, có vùng đất tự quản, có thủ phủ của mình, được cấp ngân sách và có quân đội đặt dưới quyền của chính phủ trung ương. Điều này có nghĩa là nội chiến Quốc - Cộng chấm dứt. Đảng Cộng sản Trung hoa có vùng đất rộng 129.000 kilômet vuông với 2 triệu dân, với Diên An là thủ phủ. Tưởng đảm nhận trang bị và trả lương cho 46 ngàn quân sĩ cộng sản.

Ngay sau đó, tháng 3 -1937, Moscow để Tưởng Kinh Quốc trở về, do Khang Sinh trong ngành tình báo của Mao dẫn đi bằng đường xe lửa xuyên Xibêri suốt một tuần lễ.

Ngày đầu năm 1-1-1937 Hồng quân và các cơ quan trung ương đảng CS rải rác ở phía Nam và Tây tỉnh Thiểm Tây tiến vào Diên An. Từ đó Diên An trở thành Thủ đô Đỏ, căn cứ cộng sản hợp pháp, nơi Mao ngự trị trong mười năm đi đến chiếm lĩnh toàn đất nước Trung Hoa.

7-. Nhân trên đây nói về Tưởng Kinh Quốc (Chiang Chinh Kuo) được trở về Trung quốc sau hơn 10 năm ở Nga, Jung và Jon cho thấy vài điều lý thú. Tưởng Giới Thạch chỉ có một con trai duy nhất sinh năm 1910 từ người vợ đầu tiên. Sau khi vợ chết, ông lấy Tống Mỹ Linh (Soong Mei Ling) em gái của Tống Khánh Linh (Soong Qing Ling), vợ của Tôn Dật Tiên, người sáng lập Quốc Dân Đảng. Hai chị em xinh đẹp, từ gia đình giàu có và quyền quý họ Tống nổi tiếng. Tống Khánh Linh sau 1949 là Phó chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lúc ấy bộ chính trị Trung quốc còn nghiêm khắc với quy định để Mao lấy Giang Thanh nhưng Giang không được tham gia công việc chính trị (vì từng có nhiều quan hệ với mật vụ Quốc dân đảng) nên đệ nhất phu nhân ở Bắc kinh trên thực tế là bà phó Chủ tịch Tống Khánh Linh, còn ở Đài loan, đệ nhất phu nhân là Tống Mỹ Linh. Hai chị em ruột đều là ''bà lớn số 1'', đối lập nhau, chỉ cách nhau một eo biển, thật ngộ ! Với Tống Mỹ Linh, Tưởng không có con, các bác sĩ gần ông cho là vì ăn chơi, ông mắc bệnh phong tình, không có con được. Năm 1925 giữa lúc quan hệ giữa Tưởng và Liên Xô khá mặn mà, Moscow ngỏ ý nhận con trai Tưởng sang ăn học lâu dài, Tưởng tán thành ngay. Cậu bé Kinh Quốc 15 tuổi thông minh học giỏi, biết nhiều ngoại ngữ, đến 20 tuổi học về kỹ thuật công nghiệp rồi nhận công việc kỹ sư trong vùng núi Oural. Từ năm 1934, Tưởng ngỏ ý muốn đón con về nước, nhưng phía Liên Xô trì hoãn, khi thì nói Kinh Quốc đang nghiên cứu dở dang, khi thì là Kinh Quốc chưa muốn về. Năm 1935, hai lần vào tháng 6 và tháng 10, Tưởng sốt ruột cho em rể mình là bộ trưởng tài chính Tống Tử Văn (Soong Zi Wen, Soong T.V.) và phái viên Trần Lập Phu (Chen Li Fu) nhắc lại yêu cầu này, nhưng đại sứ Nga Dimitri Bogomolov ở Nam Kinh vẫn hứa suông. Tháng 3-1935 Tưởng Kinh Quốc lấy vợ là cô Faina Vakhreva, một kỹ thuật viên của nhà máy, đến tháng 12-1935 cô sinh một con trai. Tưởng mừng lắm vì rất thương yêu con cháu, và quan tâm đến việc kế nghiệp mình, điều mà Tưởng Kinh Quốc thực hiện theo đúng ý người cha.

Con của Tưởng trong tay Staline đã trở thành con tin có giá trị đổi chác cao; tự do cho con trai Tưởng được đổi lấy tự do và quy chế hoạt động công khai cho toàn đảng Cộng sản Trung quốc, cho Nhà nước đỏ, cho Hồng quân, để làm cơ sở chiếm lĩnh toàn quốc, bành trưứng chủ nghĩa cộng sản ở châu Á.
Mao Ngạn Anh (lớn nhất, ở giữa) và em được sang Nga học


8-. Staline cũng dùng chính sách con tin với con của Mao. Đầu năm 1937, Moscow được biết Mao có hai con là Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh ở Thượng Hải do một gia đình mục sư Tin lành nuôi giữ, sống nghèo khổ, nhiều khi còn đi lêu lổng, bới rác, yêu cầu cho sang Nga ăn học. Mao lấy bà vợ thứ hai khi ở Trường Sa là Dương Khai Tuệ trong một gia đình trí thức, sinh ra với Mao 3 con trai là Ngạn Anh, Ngạn Thanh và Ngạn Long. Sau khi Khai Tuệ bị quân Quốc Dân Đảng giết, ba anh em được đưa sang Thượng Hải để các nhà hảo tâm Tin lành nuôi. Đến nơi vài tuần thì Ngạn Long là em út chết vì kiệt sức khi mới 4 tuổi. Cũng vẫn Khang Sinh tổ chức đưa hai anh em Anh và Thanh sang Nga qua Paris thủ đô Pháp vào đầu năm 1937. Chỉ có Anh học hành tốt, còn Thanh bị suy nhược, ngãng tai và bệnh tâm thần không học được. Tháng 5-1943, Mao Ngạn Anh 21 tuổi, học xong chương trình trung học, khá về ngoại ngữ, xin trở về nước. Moscow lần lữa. Staline lại dùng đến chính sách con tin khi nổ ra xung đột giữa Mao với Vương Minh (còn có tên Trần Thiệu Vũ) đến mức quyết liệt vào năm 1944. Mao do ham quyền lực tột đỉnh nên luôn thấy ở Vương Minh kẻ thù nguy hiểm nhất, còn nguy hơn Trương Quốc Đào, vì Vương có nhiều tài năng lãnh đạo và chức vị trong đảng vượt xa Mao, lại được Quốc tế CS hiểu rõ, được Staline, Dimitrov tín nhiệm do từng 4 năm là đại diện đảng CS Trung hoa ở Liên Xô. Vương nhỏ bé dáng thư sinh nhưng am hiểu sâu thời đại, lịch sử, có năng khiếu diễn thuyết, tranh luận bằng cả tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức. Về đến Diên An, Mao kéo cánh với Lạc Phủ, Trương Văn Thiên, doạ Chu Ân Lai, cô lập vu cáo Vương Minh, kết đủ tội: vô tổ chức, cơ hội hữu khuynh, cá nhân chống tập thể, tổ chức đấu tố Vương, cho đến nhiều lần cho uống chất độc để tàn phá thần kinh, bộ máy tiêu hoá của Vương qua tay những bác sĩ Mao sai bảo. Vương Minh kiên định bác bỏ vu cáo còn báo cho Moscow biết và tìm cách sang Nga trình bày và chữa bệnh. Mao rất sợ Vương thoát khỏi tay mình. Tháng 8-1943 Moscow cho máy bay đến Diên An đón Vương Minh, Mao viện cớ Vương đang ốm bác sĩ không cho đi xa. Staline liền nghĩ kế, bắn tin rằng nếu Mao để Vương đi thì con trai Mao sẽ được về Diên An. Mao không trả lời. Vì khác hẳn với Tưởng, ở Mao tình cảm với vợ con rất mờ nhạt. Về sau, Staline bỏ rơi vấn đề đòi Vương sang Nga khi Mao lùi chiến thuật làm như không còn găng với Vương Minh. Staline vẫn o bế Mao, tháng 10-1945 cho máy bay chở Ngạn Anh về Diên An, còn cho Anh khẩu súng ngắn khắc tên mình làm kỷ niệm.

Thế là Staline dùng con trai Tưởng làm con tin có lợi bao nhiêu thì việc dùng con trai cả của Mao làm con tin, khi nhả mồi chẳng có lợi gì. Mao Ngạn Anh lúc ấy đã 23 tuổi. Năm 1948 Anh xin Mao được lấy Lưu Tư Tề (Liu Si Qi) còn có tên là Lưu Tùng Lâm (Liu Song Lin), một cô gái xinh được Mao xem là ''con nuôi'' luôn ở trong số các cô y tá, chăm sóc, phiên dịch quanh Mao. Mao nổi cơn ''ghen'' mắng mỏ Anh rồi lại phải chấp nhận nhưng hẹn sau ngày thành lập nước 1-10-1949 mới cưới. Mao không dự lễ cưới. Sau khi chiến tranh Triều tiên bùng nổ, Ngạn Anh được cử làm phiên dịch tiếng Nga trong sở chỉ huy của Nguyên soái Bành Đức Hoài. Ngạn Anh chết ngày 25-11-1950 trong một trận bom dội trúng sở chỉ huy, khi 28 tuổi. Mao không cho công bố tin này, giấu vợ Ngạn Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc hai năm rưỡi sau.

(còn nữa)

Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)

No comments: