Friday, March 26, 2010

MAO TRẠCH ĐÔNG 8

VIII
MAO trong cuộc chiến tranh Triều Tiên
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

"... Mao là một trong những người đề xướng mạnh mẽ nhất, Mao cũng là người quyết định nhất trong thời gian hơn 3 năm. Kẻ kiếm lợi riêng nhiều nhất, có tính toán nhất cũng là Mao ..."

1-.Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25-6-1950, hơn nửa năm sau khi Mao đã chiếm xong toàn Trung Quốc. Đầu năm 1948 chính quyền Kim Nhật Thành được Liên Xô dựng lên ở miền Bắc vĩ tuyến 38°, ở miền Nam là chính quyền Lý Thừa Vãn do Mỹ hỗ trợ.

Từ đầu năm 1960 Staline, Mao và Kim Nhật Thành bàn bạc kỹ với nhau và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này, cuộc xung đột quân sự lớn sau chiến tranh thế giới II.

Mao tại buổi sinh nhật thứ 70 của Stalin

Staline cho rằng đây là một cuộc thăm dò thái độ của Mỹ và phương Tây, nắn gân nắn cốt xem họ đối phó ra sao, vì Xít đã có dự kiến trong đầu là khi thuận lợi có thể xuất quân chiếm Tây Đức, Ý và Tây Ban Nha ở châu Âu. Xít cũng cần một chiến trường để thử những vũ khí vừa được cải tiến.

Kim mong chiếm cả nước Triều Tiên dựa vào hai nước CS đàn anh hùng mạnh, sau khi quân Mỹ vào Nam Triều Tiên để giải giáp quân Nhật đã rút hết về nước, chỉ để lại một số cố vấn quân sự.

Mao muốn chiến tranh ở Triều Tiên để bành trướng thế lực CS ở châu Á, nơi mà Quốc tế CS phân công cho Mao đảm nhiệm sự lãnh đạo. Hơn nữa Mao muốn qua cuộc chiến tranh này thăm dò phản ứng của Mỹ và thế giới để hoạch định cuộc chiến giải phóng Đài loan.

Mao còn nuôi dưỡng một ý đồ kín đáo là qua cuộc chiến sẽ đòi Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc ngày càng nhiều vũ khí hiện đại với quy mô lớn, và nhất là viện trợ quân sự lớn để xây dựng gấp nền công nghiệp quốc phòng hiện đại hiện đang còn quá yếu kém lạc hậu. Đây là mưu đồ xuyên suốt thời gian cuộc chiến.

2-. Ngay sau khi chiến tranh bùng nổ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết cử quân đội của LHQ vào tham chiến bên cạnh quân Nam Triều Tiên. Lẽ ra đại diện Liên Xô là Yakov Malik có thể bỏ phiếu bác bỏ (veto) nghị quyết ấy, nhưng Staline chỉ thị là cho qua. Staline và Mao đều nghĩ quân Liên Hợp Quốc chủ yếu là quân Mỹ; chiến tranh sẽ có thể là cỗ máy nghiền nát ngày càng nhiều quân Mỹ, là điều mà phía Mỹ, dư luận Mỹ khó có thể chấp nhận. Ngày 1-7-1950 Mao cử Chu Ân Lai nói với đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh rằng: Mỹ có thể cử từ 30 đến 40 sư đoàn sang Triều Tiên thì quân Trung Quốc sẽ tham chiến để nghiền nát. Trong vài năm chúng ta có thể tiêu diệt hàng trăm nghìn quân Mỹ.

3-. Hơn 1 tháng sau khi khởi đầu, quân Bắc Triều Tiên chiếm đến 90% miền Nam; ngày 15-9-1950 quân Mỹ đổ bộ lên cảng Inchon gần Séoul, cắt đường rút lui của quân miền Bắc, còn chuẩn bị đánh chiếm miền Bắc. Ngày 29-9, Kim Nhật Thành phát hoảng gửi điện cầu cứu Staline và Mao.

Phía Trung Cộng, trừ Mao ra, không mấy người trong bộ chính trị tán thành tham chiến. Trong cuộc họp đầu tháng 10 của bộ chính trị, Lưu Thiếu Kỳ - nhân vật số 2, Chu Đức tư lệnh Hồng quân và Lâm Bưu đều tỏ ra e ngại. Họ viện lẽ Mỹ có ưu thế tuyệt đối về không quân, về pháo binh tỉ lệ so sánh là 1/40, Mỹ có thể ném bom các thành phố lớn, các cơ sở công nghiệp của Trung Quốc; Mỹ còn có thể dùng đến bom nguyên tử.
Mao mất ngủ vì lo nghĩ nhưng cuối cùng vẫn cho rằng thế giới ở vào thời bình rồi, khả năng dùng bom nguyên tử là thấp, không quân Liên Xô có thể bảo vệ các đô thị Trung Quốc. Mao dự tính số quân mình có thể bị hy sinh nhiều nhưng không đáng ngại. Quân gọi là ''tình nguyện '' sẽ chủ yếu là quân của Tưởng bị bắt làm tù binh hàng mấy triệu, khá thiện chiến, chưa biết dùng làm gì (!), nay tổ chức lại do Hồng quân chỉ huy, có chết bao nhiêu cũng không đáng tiếc.

4-. Sáng sớm ngày 3-10 Mao cử Chu Ân Lai đến gặp đại sứ Ấn độ bắn tin rằng Trong quốc sẽ chỉ tham chiến nếu quân Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, ngụ ý yêu cầu trở lại tình hình trước chiến tranh; như vậy để khi tham chiến Trung Quốc có cớ là dùng quyền tự vệ chính đáng.

Mao, Chu Ân Lai và Lâm Bưu trong chiến tranh Triều Tiên

5-. Mao cử Chu Ân Lai và Lâm Bưu sang Nga gặp Staline để xin vũ khí gấp, Staline chấp nhận gửi ngay sang nhiều vũ khí quân dụng máy bay, pháo, xe tăng, quân cụ quân dụng cùng với những cơ sở công nghiệp quốc phòng. Chỉ riêng yêu cầu một sư đoàn không quân tiêm kích gồm 124 phi đội do quân đội Liên Xô đảm nhận để bảo vệ quân Trung Quốc tại chiến trường thì Staline do dự rồi từ chối. Chu Ân Lai và Lâm Bưu thất vọng về điều này vì biết rằng không có không quân Liên Xô bảo vệ ắt rằng quân Trung Quốc sẽ bị thương vong lớn. Mao suy nghĩ vài ngày, rồi quyết định lao vào cuộc chiến với tham vọng lớn là qua chiến tranh đưa Trung Quốc của Mao lên vị trí cao, cao hơn nữa. Mao dựa vào số quân đông gần như vô tận để ném vào cuộc chiến dù cho ác liệt đến mấy. Ngày 19-10 quân ''tình nguyện '' Trung Quốc vượt biên giới sông Áp Lục. Quân Bắc Triều Tiên tan tác chỉ còn hơn 7 vạn quân bị quân Mỹ đẩy lùi lên phía Bắc được cứu. Quân Mỹ đến lượt bị đánh mạnh phải lùi nhanh về vĩ tuyến 38.

6-. Nguyên soái Bành Đức Hoài tư lệnh 45 vạn chí nguyện quân muốn dừng lại ở vĩ tuyến 38. Bành báo cáo rằng đường tiếp tế quá dài bị máy bay Mỹ bắn phá không ngơi, quân lính kiệt quệ không còn sức. Đường xe lửa độc đạo cứ sửa xong là bị đánh lại ngay. Ngày 13-12 vào mùa đông Mao ra lệnh cho Bành vượt qua vĩ tuyến 38. Bành cho quân chiếm Séoul thủ đô Nam Triều Tiên, chiếm vùng cách vĩ tuyến 38 chừng 1 trăm kilômét. Tuy thắng, quân của Bành phải trả giá quá đắt, chết la liệt vì bom đạn, vì cóng lạnh khi nhiệt độ xuống âm 30°. Ngày 25-1-1951 quân Mỹ phản công quyết liệt, quân Bành thêm nguy khốn. Bành phải về Bắc Kinh gấp ngày 21-2 xin chỉ thị. Mao lạnh lùng nghe rồi phán: chiến tranh này phải lâu dài, không thể kết thúc nhanh.

Ngày 1-3 Mao gửi thư dài cho Staline, cho biết quân Trung Quốc đã thương vong 10 vạn (gần 1/4 quân số) và có thể mất đến 30 vạn năm nay và năm sau. Nhưng đã có sẵn 12 vạn quân sắp ra trận và có thể huy động 30 vạn nữa; chiến trận này có thể diệt vài chục vạn sinh mạng Mỹ để buộc chúng từ bỏ cuộc chiến trong thất bại. Mao chỉ yêu cầu Staline gửi gấp thêm vũ khí, thiết bị công nghiệp quốc phòng và giúp xây dựng gấp không quân và hải quân thật lớn và hiện đại. Staline giúp ngay những xưởng sửa chữa máy bay dã chiến sát biên giới Trung - Triều, cả những thiết bị để Bắc kinh tự chế tạo máy bay chiến đấu. Từ đó Trung Quốc có thể sản xuất 3.600 máy bay tiêm kích hàng năm. Mao còn nài Staline thoả thuận trang bị đầy đủ gấp cho 60 sư đoàn bộ binh.

7-. Trong khi Mao một mực muốn kéo dài chiến tranh theo tính toán riêng thì Kim Nhật Thành kinh hoàng thấy đất nước tan nát dưới bom đạn và chỉ muốn ngừng chiến. Ngày 3-6-1951 Kim bí mật sang Bắc Kinh gặp Mao nhằm bàn một cuộc ngừng bắn với phía Mỹ. Dù Mao vẫn muốn tiếp tục chiến tranh, một cuộc ngừng bắn có thể có lợi để xả hơi, chấn chỉnh bộ đội sau một năm chiến đấu ác liệt. Thế là ngày 10-7-1951, cuộc đàm phán quân sự giữa phía Mỹ và phía Trung-Triều bắt đầu. Tại cuộc đàm phán, vấn đề trao trả tù binh trở thành gay go. Phía Mỹ có trong tay 2 vạn tù và hàng binh. Phía Mỹ yêu cầu trao trả theo nguyên tắc tự nguyện. Phần lớn số tù hàng binh trên đây vốn là quân Quốc Dân Đảng của Tưởng không có nguyện vọng về nước. Mao chỉ thị cho đoàn đàm phán của mình: ''phải đòi về bằng hết; không một tên tù hàng binh nào thoát khỏi tay chúng ta''. Kim sốt ruột cho rằng: ai không muốn trở về cũng không sao, còn tốt nữa, ta khỏi phải nhận họ về, thêm bận tâm. Phía Mỹ giữ vững nguyên tắc tự nguyện. Thật ra Mao chỉ dùng vấn đề tù binh để nhằm kéo dài chiến tranh, để moi móc thêm tối đa từ Staline, Mao không mảy may quan tâm đến hàng chục vạn quân và dân Triều Tiên cũng như hàng chục vạn ''chí nguyện quân Trung Quốc'' phải chết thêm, cũng như không mảy may động lòng trước cảnh tàn phá ghê gớm trên đất Triều Tiên. Cuộc đàm phán ngừng vì bế tắc trong vấn đề tù binh do sự độc đoán lạnh lùng của Mao.

8-. Sang tháng 2-1953, tổng thống Mỹ mới trúng cử Eisenhower trong diễn văn mở đầu nhiệm kỳ ngỏ ý khả năng Mỹ dùng bom nguyên tử chống Trung Quốc. Mao không mấy bận tâm lời doạ này, còn coi đây là dịp tốt để nài Staline giúp Trung Quốc sản xuất bom nguyên tử. Tháng 8-1949, Liên Xô đã thử thành công bom nguyên tử. Mao liền cử chuyên gia nguyên tử giỏi nhất của mình là Tiền Tham Tường (Qian San-qiang) sang Liên Xô. Staline chưa muốn chuyển giao bí mật nguyên tử cho Mao, nhưng tuyên bố của Eisenhower làm Staline lo nghĩ rất nhiều.

Tù binh Trung Hoa tại gần Hwachon (miền trung Triều Tiên)

9-. Trong cuốn sách của mình, Jung và Jon đặt ra một nghi vấn: phải chăng lời doạ của Eisenhower và yêu sách của Mao về bom nguyên tử trong tháng 2-1953 đã có tác động trên một mức nào đó đến cái chết đột ngột của Staline vào đêm 5-3-1953 ? Theo tướng Dmitri Volkogonov kể lại là ông từng khai thác kỹ những hồ sơ siêu mật của đảng Cộng sản Liên Xô, những ngày ấy Staline rất lo nghĩ, mất ngủ liên miên. Staline nghĩ nhiều đến bom nguyên tử, đến Mao, con người và tham vọng của Mao, còn nhắc đến Tito, tiếc rằng không giữ được Nam tư và Tito trong khối CS; Staline từng hoài nghi về Mao, coi Mao là một Tito ở châu Á. Ngày 28-2 Staline quyết định chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và báo rằng ông sẽ hành động ngay ngày mai. Ngay đêm ấy ông bị đứt mạch máu não dẫn đến hôn mê rồi chết 5 ngày sau.

10-. Những người thay Staline muốn hoà dịu ngay với Mỹ và phương Tây. Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký ngày 27-7-1953, chấm dứt 3 năm chiến tranh khốc liệt. Miền Bắc 2 triệu rưỡi, miền Nam 1 triệu người chết, cả quân đội và nhân dân. Phía quân Trung Quốc, con số ''chính thức'' là hơn 15 vạn, nhưng có lần Đặng Tiểu Bình tiết lộ là 40 vạn.

11-. Jung và Jon nói lên một vấn đề ít ai biết là tuy Trung Quốc huênh hoang về sự nghiệp ''Kháng Mỹ viện Triều'', nhưng chính nhân dân Triều Tiên và cả Kim Nhật Thành đều tỏ ra cay đắng về thái độ độc đoán của Mao, nên đài kỷ niệm chí nguyện quân Trung Quốc ở Bình Nhưỡng không được quý trọng còn vấp phải sự dửng dưng của quần chúng.

12-. Về trao đổi tù binh, cuối cùng Mao phải nhượng bộ, chấp nhận nguyên tắc tự nguyện sau 3 năm chiến tranh.

Trong 21.374 tù binh Trung Quốc do phía Mỹ giữ, hơn 2 phần 3, có nghĩa là hơn 14.000 không muốn trở về với cộng sản, họ ở lại Nam Triều Tiên hoặc sang Đài loan và hầu hết được sống bình thường. Còn chừng 7.000 người trở về đều bị coi là phản bội, bị đủ thứ hành hạ bi đát. Phía Mao còn gian dối giữ lại 6 vạn tù binh Nam Triều Tiên giao lại cho Kim Nhật Thành, không biết số phận họ ra sao trong một chế độ kín mít.

Về tù binh phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên giam giữ có 21 người Mỹ và 1 người Ê-cốt tự nguyện ở lại, họ sớm vỡ mộng và cuối cùng tìm mọi cách để trở về nước họ tuy có nhiều khó khăn.

12-. Mao cảm thấy hài lòng nhất về cuộc chiến tranh Triều Tiên là được Staline viện trợ cho một khối lượng vũ khí hiện đại nhất và theo quy mô lớn nhất, làm cho lực lượng quân sự Trung Quốc có bước đột biến: bên cạnh 60 sư đoàn Bộ binh được trang bị hoàn toàn mới như những sư đoàn bộ binh của Liên Xô, hải quân và không quân của Trung Quốc cũng có bước đột biến lớn. Sau chiến tranh, không quân Trung hoa có 3 ngàn máy bay tiêm kích phản lực, còn tự sản xuất mỗi năm 3 ngàn 6 trăm máy bay nữa. Không quân Trung Quốc vượt lên là không quân lớn thứ 3 của thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô. Mao cũng cố nài Staline xây dựng 91 nhà máy quốc phòng hiện đại để tự sản xuất tên lứa, xe tăng, xe bọc thép...

Bành Đức Hoài kí kết thoả ước đình chiến

13-. Sau khi Staline chết, Mao vẫn tìm cách kể công với Khrouchtchev về đóng góp của Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên để đòi thêm viện trợ, đưa số nhà máy quốc phòng từ Liên Xô chuyển sang từ 91 lên đến 141, sau đó còn cố nài thêm 15 nhà máy quốc phòng nữa, khi Khrouchtchev sang Bắc kinh dự kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc 1 tháng 10-1954. Dịp này Mao được Liên Xô cho vay thêm 520 triệu đôla với điều kiện rộng rãi.

Chính trong dịp này, Mao được Khrouchtchev cam kết viện trợ khoa học kỹ thuật để tự sản xuất được bom nguyên tử.

14-. Khrouchtchev đã nghe lời tán tỉnh của Mao và gửi ngay từ 1957 nhà bác học nguyên tử Yevgeni Vorobyov sang giúp Mao điều hành việc sản xuất bom nguyên tử; nhà bác học này đã đào tào gấp cho Trung Quốc 6 ngàn chuyên gia kỹ thuật về bom A (trước đó chỉ có 60 người). Mục tiêu của Mao trở thành cường quốc quân sự có bom A được hoàn thành ngày 16-10-1964, khi bom A Trung Quốc nổ ở Lop Nor trên sa mạc Gobi. Cả Trung Quốc mở hội mừng với hát múa ồn ào náo động để ca ngợi Mao.

Ngay trước và sau đó mâu thuẫn và xung đột Trung - Xô nổ ra quyết liệt, Bắc Kinh không nói gì nhiều đến sự đóng góp của Liên Xô trong trái bom A Trung Quốc. Có thể nói về mặt khoa học kỹ thuật, đó là bom A của Liên Xô sản xuất trên đất Trung Hoa. Nhưng chi phí thì thật sự là do nhân Trung Quốc gánh chịu, lên đến 4 tỉ 100 triệu đôla, theo giá năm 1957.

15-. Với chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh nóng lớn nhất giữa 2 siêu cường châu Á và châu Mỹ, với hy sinh gần 4 triệu sinh mạng, Mao là một trong những người đề xướng mạnh mẽ nhất, Mao cũng là người quyết định nhất trong thời gian chiến tranh kéo dài hơn 3 năm. Kẻ kiếm lợi riêng nhiều nhất, có tính toán nhất cũng là Mao, thanh thế và thực lực chính trị, quân sự, ngoại giao của Trung Quốc của Mao nổi bật hẳn lên. Từ đó tham vọng của Hoàng đế Cộng sản phương Đông này cũng tăng theo, Jung và Jon sẽ cho ta thấy rõ tham vọng ấy trong những phần sau.

(còn nữa)

Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)


Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc

Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)


Lựa chọn

Trang in Trang in

Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè

No comments: