Friday, March 26, 2010

MAO TRẠCH ĐÔNG 13

XIII
Chân dung con người thật của Mao
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

"... Riêng Mao chịu trách nhiệm về 70 triệu mạng sống bị hủy diệt. Có ai trên cuộc đời này, cổ kim đông tây, có ai tham gia giết người nhiều đến vậy, kinh khủng đến vậy?..."

1-. Nhìn chung con người thật của Mao là thế nào? Chân dung tinh thần của nhân vật lịch sử này ra sao?

Jung và Jon để gần 10 năm trời, đi hàng chục vạn dặm, hỏi chuyện hàng nghìn nhân chứng sống, tra khảo hàng mấy nghìn trang tư liệu hiếm, trong hàng chục kho lưu trữ cực quý để vẽ nên chân dung tinh thần của Mao. Có gì quý hơn là những trang ghi tốc ký và ghi âm những buổi đối thoại của Staline, Dimitrov, Khrouchtchev...với các nhân vật Trung Quốc như Vương Minh, Chu Ân Lai, Mao, Lưu Thiếu Kỳ... Có gì thú vị hơn là những mẩu chuyện sống động Jung và Jon thu được từ miệng cô bán đậu phụ bên đầu cầu sông Đại Độ hơn 60 năm trước nay là bà cụ hơn 90 tuổi, hay cuộc trò chuyện với nhân vật Trương Học Lương hay Trương Quốc Đào khi đã trên dưới một trăm tuổi.

2-. Mao Trạch Đông đã có hàng tỉ cuốn Mao Tuyển, hàng tỉ tỉ cuốn sách đủ thứ tiếng, truyện tranh, bài thơ, vở ca kịch, luận văn lịch sử, chính trị viết về mình. Ngoài dân Trung Quốc lại con bao nhiêu đảng phái, nhóm vũ trang Mao-ít ở rừng rậm hay thành phố Á Phi Mỹ la-tinh sùng bái Mao như thần như thánh. Nhân vật vĩ đại, đại cứu tinh, anh hùng dân tộc, siêu nhân, nhà chính trị khổng lồ. Thế mà Jung và Jon cho ta một chân dung khác lạ, một Mao chưa từng biết rõ, từng chân tơ kẽ tóc, như ta thường nói, một Mao như là bằng xương bằng thịt, làm cho tỉ tỉ tài liệu và nhận thức cũ chỉ là cái bóng mờ ảo của Mao, chỉ là tấm ảnh bị loá loà méo mó hoàn toàn giả tạo, không thật. Khối người sẽ giật mình. Ta đã bị lừa. Khối người sảng khoái, vỗ đùi đen đét: à ra thế, sự thật đây rồi. Mà có gì thích hơn, mừng hơn, sướng hơn là tìm ra sự thật, sự thật đúng như có thật, sự thật bướng bỉnh và trần trụi.

Trong cuộc “vạn lý trường chinh”

3-. Sự thật Mao là con người ra sao? Có thể nhìn, ngắm Mao trên nhiều góc độ khác nhau. Mao như là một con người bình thường, với những tình cảm yêu ghét buồn vui. Mao như một nhà lãnh đạo cộng sản, như một lãnh tụ, đòi hỏi tài năng lãnh đạo, đạo đức gương mẫu, quan hệ với đồng chí, đồng bào. Mao như một nhà lý luận với những trước tác và quan điểm, tư tưởng, sáng tạo của mình. Mao trong cuộc sống gia đình riêng, với cha mẹ, vợ con, cháu, anh em họ hàng gần xa của mình.

Vậy thì qua hơn 800 trang sách Những điều chưa biết về Mao, tác giả vẽ nên cho ta thấy một chân dung Mao ra sao? Tất nhiên chỉ trong khuôn khổ cuốn sách này. Không nên thêm thắt tô vẽ thêm điều gì khác.

4-. Về con người. Mao hiền lành hay ác độc? Mao vì người, vì nhân dân, vì giai cấp vô sản cùng cực hay vì ta, vì bản thân mình? Mao luôn có ước vọng và mưu đồ cho Trung Quốc phát triển nhanh, thật nhanh, trở thành một siêu cường rồi thành cường quốc vô địch của thế giới. Nhưng đi sâu vào ý đồ ấy vẫn nổi lên tham vọng cá nhân là động lực chính, quyền lực cá nhân Mao vẫn là mục tiêu chính. Cái ác ngự trị trong con người Mao rật đậm đặc. Trong chiến tranh Triều Tiên, Mao tính đến cái chết của hàng chục vạn binh lính trong bom đạn như một bài tính giữa phiên chợ đầy hàng hoá. Thật đáng sợ.

Mao còn tính đó là dịp đẩy hàng triệu binh lính cũ của Quốc dân đảng vào chỗ chết, mình khỏi mất công thủ tiêu; rồi vấn đề trao đổi tù binh, Mao đòi đối phương trả về không thiếu một binh sĩ từng bị bắt và đầu hàng để Mao trị tội bằng hết. Thật may mà đòi hỏi của Mao không được chấp nhận. Các cuộc khủng bố trắng ở Giang Tây, Hồ Nam, rồi ở Diên An, rồi trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá đều được Mao trực tiếp chỉ đạo, từ treo người, xẻo tai, cắt gân chân, cho đến đầu độc Vương Minh, hành hạ vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ, tra tấn Bành Đức Hoài, Hạ Long đều được thực hiện bởi mối thù cá nhân tàn ác nhất. Mao tỏ ra dửng dưng khi số người chết do đói kém lan tràn ở nông thôn những năm 1960, 61 và 62 lên đến gần 30 triệu đồng bào mình, tất cả chỉ vì những chính sách phiêu lưu nhảy vọt, làm lò cao, công xã nhân dân của Mao gây nên.

5-. Mao không ngớt nói đến nhân dân, buộc đảng viên luôn tự phê bình, cán bộ luôn kiểm thảo tìm ra tội lỗi để sửa chữa, dạy đảng viên về tinh thần hy sinh cao độ, vì dân vì tập thể, vì vô sản toàn thế giới, nhưng Mao lại sống một cuộc sống hoàn toàn vì cá nhân mình, cho cá nhân mình, một cuộc sống ích kỷ cao độ, hoàn toàn đạo đức giả. Nói một đằng làm một nẻo đã thành nếp sống của Mao. Mao bảo người khác, dạy người khác làm điều hay, điều phải nhưng bản thân thì không làm, còn làm trái lại. Mao không bao giờ tự phê bình, nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa. Như Đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá sai rành rành rõ ràng nhưng Mao vẫn sĩ diện kéo dài. Trong cuộc trường chinh, Mao chuyên nằm trên võng gần như suốt cả năm. Nơi Mao ở được thiết kế công phu theo sở thích riêng của Mao. Mao chuyên ăn cơm riêng trong phòng riêng của mình, với hàng chục người đứng phục vụ, với những cao lương mỹ vị quý hiếm nhất. Mao sống cuộc sống như một hoàng đế xưa. Xung quanh phải diệt hết chó mèo, ếch nhái, gà qué để không ảnh hưởng giấc ngủ. Đoàn tàu đặc biệt của Mao đến đâu là cấm xe cộ ở quanh hàng buổi. Mao ưa thức đêm, ngủ ngày, buộc cận thần phải theo thời gian biểu của mình. Nửa đêm Mao triệu tập bộ chính trị đến ngồi quanh ghế đệm Mao ngồi hay quanh giường Mao nằm.

Bộ chính trị 1938 hầu hết bị hãm hại vì tính đa nghi của Mao:
(từ trái sang) Mao, Bành Đức Hoài, Vương Gia Tường, Lạc Phủ, Chu Đức, Bác Cổ, Vương Minh,
Khang Sinh, Hạng Anh, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Chu Ân Lai

6-. Đặc tính của Mao là đa nghi, vì biết mình làm nhiều điều bất công, thất đức, quái ác nên luôn sợ bị trả thù ám hại. Do đa nghi nên Mao trừng trị tra khảo oan ức biết bao đồng chí của mình. Vì nghi Hạ Long có âm mưu cùng Liên Xô hãm hại Mao hành hạ tra tấn Hạ Long và hàng trăm người từng quen thân Hạ Long. Mao nhiều lần nghi Đặng Tiểu Bình lật đổ mình nên loại bỏ Đặng khi bắt đầu cách mạng văn hoá, sau còn quản chế và giam lỏng Đặng hai lần nữa, mà thật ra Đặng không có âm mưu lật Mao. Mao còn nghi Liên Xô có ý định kéo quân sang bằng bộ binh, xe tăng, cả ném bom bằng không quân, cho đến cả bom nguyên tử, để bắt dựng hàng hàng ''núi nhân tạo'', nhiều lúc xuống hầm sâu, đi tránh về phía Nam. Càng về già Mao lo sợ bị ám sát, hay giật mình khi nghe tiếng động lạ, thấy người lạ, cho nên quy định ai đến gần phải nói to vừa phải - to quá hay thầm thì đều làm Mao hoảng sợ, phải báo trước, có người dẫn vào.

7-. Đặc tính khác rất sâu đậm ở Mao là giữ thù riêng, thù cá nhân rất dai dẳng. Ta thường gọi là thù dai. Mao quyết trả thù cá nhân đến cùng. Chu Ân Lai phục vụ Mao hết mình, như một kẻ nô lệ, thế mà Mao nhớ mãi chuyện từ những năm 1930 Mao đã bị Chu thi hành kỷ luật vì Mao để quân lính cướp phá dân như thổ phỉ, để hành hạ Chu, không cho Chu mổ, bắt Chu phải chết trước mình và bắt Chu kiểm điểm về một bài báo từ năm 1932. Mao còn thâm thù Vương Minh, Bành Đức Hoài và Lưu Thiếu Kỳ và tìm cách hành hạ ba người này cho đến chết với những cực hình rùng rợn nhất mới hả dạ.

8-. Ở Mao cũng nổi lên sự dối trá, dối trá có hệ thống, có nghệ thuật. Tất cả những chuyện Mao kể cho Edgar Snow về cuộc đời hoạt động của mình và về cuộc trường chinh thì phần lớn là thêu dệt và bịa đặt. Trái với điều Mao kể, Hồng quân không hề có chuyện có nhiều chiến công đánh Nhật hơn là quân Quốc dân đảng. Trong cuộc trường chinh việc đánh quân Quốc dân đảng cũng rất ít vì chính Tưởng Giới Thạch gián tiếp quy định hành trình và khu vực dành cho Hồng quân. Trận đánh oai hùng Mao kể diễn ra rực lửa ở cầu Đại Độ là chuyện hoang đường do Mao bịa đặt trăm phần trăm, bị nhân chứng còn sống là bà cụ bán đậu phụ ở quán hàng ngay đầu cầu ngày xưa bác bỏ.

Chiến thắng cầu Đại Độ: sự dối trá vĩ đại

9-. Trong cuộc sống gia đình, Mao tỏ ra rất ít tình cảm. Mao tỏ ra tự thương mình nhất, tự yêu mình nhất.

Bà vợ thứ nhất là ''cô La'' (họ La) cưới khi Mao 15 tuổi cô La gần 20 tuổi, đến khi 22 tuổi thì cô La chết.

Bà vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ, sinh năm 1901, con thầy giáo của Mao ở Trường Sa (Hồ Nam), có học, sanh với Mao ba con trai là Mao Ngạn Anh, Mao Ngạn Thanh và Mao Ngạn Long; Ngạn Anh sang Nga học về làm phiên dịch cho Bành Đức Hoài ở Triều Tiên, chết trong một trận ném bom của Mỹ. Ngạn Thanh bị bệnh tâm thần bẩm sinh, sang Nga cùng Ngạn Anh rồi ở lại trong trại tâm thần (mới chết gần đây theo báo Nga, thọ gần 80 tuổi); con út là Ngạn Long chết khi 4 tuổi ở Thượng Hải. Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng bắt ở Trường Sa rồi bi giết ngày 14-11-1930. Năm 1990 ở Trường Sa phát hiện 8 lá thư của Dương Khai Tuệ viết trước khi chết được giấu và bảo quản kỹ gói trong giấy dầu gắn trong tường, lời rất tình cảm, thương nhớ Mao và 3 con, mong Mao từ bỏ chủ nghĩa cộng sản hung bạo.

Vợ thứ ba của Mao là Hạ Tử Trân, bí danh là Quế Viên, xuất thân gia đình tiểu thương tiểu chủ, lấy Mao năm 1928 khi 18 tuổi, có với Mao 7 con, kể cả 2 lần xẩy thai trên đường hành quân, đến mức có lần Mao bảo vợ mình sinh đẻ như gà. Hạ cùng dự cuộc trường chinh với Mao, đi ngựa, đi bộ, nằm võng, mặc quân phục hồng quân, mũ kết có sao đỏ, cầm súng, có lần bị thương nặng ở vai. Hạ sống với Mao ở Diên An. Khi Mao có tình ý với Giang Thanh là diễn viên ca kịch từ Thượng Hải mới đến Diên An vào năm 1937, Mao liền cho Hạ đi sang Nga để dưỡng bệnh khi Hạ vừa có mang, để lại con gái nhỏ tên là Li Mẫn (Ly Min) sinh năm 1936, còn gọi là '' Kiều - Kiều '' (Chiao Chiao). Ở Moscow năm 1938 Hạ sinh con trai, rất giống Mao, đặt tên là Lyova, được 6 tháng thì chết vì sưng phổi. Năm 1939 Hạ biết Mao lấy vợ khác khi tình cờ xem phim thời sự do Karmen quay từ Diên An gửi về trong đó Giang Thanh được giới thiệu là ''Bà Mao'', Hạ lên cơn tâm thần rồi sức khỏe suy sụp. Năm 1940 Mao cho Chiao Chiao sang Moscow ở với mẹ. Chiao Chiao mừng nhưng bệnh mẹ cô ngày càng nặng, hay đánh mắng con khi lên cơn. Về sau hai mẹ con về Trung Quốc, Mao không gặp Hạ, không cho Hạ đến Bắc Kinh, bà sống cô đơn ốm yếu cho đến chết (1984) khi 74 tuổi. Chiao Chiao có hồi đến Bắc Kinh gặp Mao, Mao muốn cô quan tâm đến chính trị nhưng cô không theo ý muốn ấy, thế là Mao cấm cửa, không cho cô đến gặp nữa.





Dương Khai Tuệ


Hạ Tử Trân


Giang Thanh

Vợ thứ tư là Giang Thanh, trên đã nói về con người này. Giang ở với Mao lâu nhất, gần 40 năm. Mê mệt nhau rất sâu sắc rồi cay đắng vì nhau cũng nhiều, làm hại nhau cũng lắm, đi đến ghét bỏ và thù hận nhau cho đến chết. Giang là công cụ chính của Mao trong cách mạng văn hoá, Mao cho Giang vào bộ chính trị, đứng đầu Tiểu tổ cách mạng văn hoá với quyền sinh quyền sát kinh người, để rồi Mao không thèm nhìn mặt Giang và đồng tình triệt hạ trừng phạt Giang sau khi mình chết yên ổn. Đầu năm 1977, Giang cùng ''lũ 4 tên'' bị bắt, khai trừ khỏi đảng, ra trước vành móng ngựa, Giang bị tội tử hình rồi chuyển xuống chung thân; bà tự sát trong tù, thắt cổ vào năm 1991.

Giang có với Mao một con gái, đẻ ở Diên An ngày 3-8-1940, đặt tên là Lý Nạp (Li Na). Li Na được nuông chiều, kiêu ngạo, trong cách mạng văn hoá Giang và Mao cho Li Na làm chủ bút báo quân đội. Li Na tự phụ hống hách, có lần bắt tướng tá lớn tuổi giơ tay chào mình kiểu nhà binh. Li Na khó lấy chồng, 31 tuổi đành lấy một anh hầu hạ Mao, cả Mao và Giang không đồng tình, không dự đám cưới, cho là anh ta thuộc loại hèn kém; khi Li Na sanh con trai, Giang không bao giờ bế, Mao cũng không ưa gì cháu ngoại.

10-. Về bạn bè hầu như cả cuộc đời Mao không có bạn, chưa nói gì đến thân thiết. Bạn theo đúng nghĩa, hợp với mình, để tâm sự, trao đổi tâm tình. Mao như chẳng viết thư cho ai. Việc gì cũng tự mình giải quyết. Mao chỉ có ''bạn'' theo mưu đồ riêng, kết liên minh với kẻ này để cô lập, hãm hại kẻ khác, ''bạn'' theo từng thời kỳ, giai đoạn. Tin cậy Bành Đức Hoài cử Bành làm tư lệnh quân tình nguyện rồi quay lại coi Bành là tử thù. Gắn với Lưu Thiếu Kỳ, cử Lưu làm chủ tịch nước rồi quay lại dùng cực hình với Lưu. Liên minh với Lâm Bưu, đề cao Lâm, nâng Lâm thành người kế thừa mình, rồi quay sang đe dọa trừng trị Lâm đẩy Lâm phải chạy trốn. Không một ai là bạn dài lâu của Mao. Đây cũng là một nét khác thường trong chân dung tinh thần của Mao.

…như những hoàng đế Trung hoa dâm dật nhất
11-. Về mặt hoạt động sinh lý Mao có những nét độc đáo. Bành đã nhân xét Mao có cung tần mỹ nữ quanh mình như những hoàng đế Trung hoa dâm dật nhất. Trong hàng ngũ cán bộ quan chức cộng sản thời nay, không ai có hoạt động sinh lý gấp gáp, vô độ, bất kể đạo đức, bất cần dư luận như Mao. Mao cho tuyển những cô văn công quân đội, văn công binh chủng không quân, 17, 18 tuổi, bằng con bằng cháu mình, ít hơn Mao đến 35, 40 tuổi cũng không từ. Mao còn cho thiết kế ngay trong Đại lễ đường Nhân dân một phòng riêng của mình để giữa những cuộc họp trung ương, giữa đại hội đảng vẫn có thể hú hí với gái trẻ khi muốn, Mao còn hướng dẫn đóng giường gỗ quý dài rộng, lót nệm lông quý, có độ nghiêng, để cùng một lúc làm tình với 2, 3 cô, với các loại tư thế khoái cảm nhất. Về mặt này, có thể coi Mao là quán quân quốc tế của mọi thời đại. Cá nhân ích kỷ về sinh lý của Mao càng thêm nặng khi dưới chế độ Mao, việc quan hệ nam nữ cực kỳ nghiêm khắc, một vợ một chồng là triệt để, cán bộ viên chức phần lớn chỉ được gần nhau 12 ngày đêm mỗi năm.

12-. Cũng không thể bỏ qua một nét nữa không giống ai của Mao, đó là một số nét hủ lậu kiểu nông dân cổ lỗ. Mao không đánh răng bằng bàn chải và xà phòng đánh răng; chỉ xỉa răng và lấy bã chè xúc miệng. Mao hầu như không tắm chỉ lấy khăn nhúng nước ấm lau mình. Mao không quen ngồi bệ vệ sinh để đi cầu, mà chuyên ngồi xổm như khi còn ỉa ngoài đồng. Mao không muốn học một ngoại ngữ nào, hoàn toàn mù ngoại ngữ giữa thời toàn cầu hoá; ngay tiếng bạch thoại đúng kiểu Bắc kinh Mao cũng ngọng, nói theo giọng Hồ Nam. Mao không hề đi một nước nào khác ngoài hai lần đến Moscow gặp Staline và họp các đảng cộng sản năm 1949 và năm 1957.

Tên đồ tể
không tiền khoáng hậu

Có lẽ do sự hủ lậu, khép kín, tự mãn như thế mà tư tưởng của Mao cũng cổ lỗ tăm tối, thiển cận theo, như chủ trương dựng lò cao ở sân nhà nông dân và đánh trống chiêng phèng la và hò hét để diệt chim sẻ, nhằm vượt nước Anh và vượt Nhật bản sau đó.

13-. Nhưng nét trội nhất trong con người của Mao mà ít người biết đến là gì? Ngay từ trang mở đầu và đến trang bìa sau cùng của cuốn sách, Jung và Jon đều đưa ra con số 70 triệu người chết mà Mao đã trực tiếp và gián tiếp gây nên, mà Mao phải chịu trách nhiệm trước lịch sử Trung Quốc và lịch sử loài người. Tác giả không đưa ra con số ấy một cách tùy tiện, phỏng đoán. Trong cuốn sách, mỗi sự kiện, mỗi nhận định, mỗi con số đều được cân nhắc, thẩm tra, có bằng chứng, nhân chứng hẳn hoi, như trong một công trình lịch sử và khoa học chính xác. Tác giả đã thống kê và cộng lại vô vàn nạn nhân của thanh trừng và chiến tranh, khủng bố trắng và cải cách ruộng đất, đại nhảy vọt và cách mạng văn hoá, chiến tranh Triều Tiên, biên giới Trung - Xô và chiến tranh Trung - Việt năm 1979, nạn nhân của nạn đói hoành hành triền miên hàng chục năm, mấy triệu nạn nhân diệt chủng của Pôn Pôt theo học thuyết của Mao, và vô vàn nạn nhân của các đảng, các nhóm từng suy tôn Mao là bậc thầy, từ châu Á sang châu Phi và Mỹ la tinh, áp dụng học thuyết đấu tranh giai cấp là động lực cơ bản của xã hội loài người, chính quyền từ đầu ngọn súng..

Cuộc sống con người là của quý nhất. Một mạng sống là vô giá. Riêng Mao chịu trách nhiệm về 70 triệu mạng sống bị hủy diệt. Có ai trên cuộc đời này, cổ kim đông tây, có ai tham gia giết người nhiều đến vậy, kinh khủng đến vậy? Hit-le thua xa. Staline kém xa. Tần Thủy Hoàng như bé lại.

Lời kết của cuốn sách chỉ có 2 câu ngắn, chưa đến 3 giòng rưỡi:

'' Ảnh và thi hài của Mao vẫn ngự trị tại quảng trường Thiên An Môn, giữa trái tim của thủ đô Trung Quốc. Chế độ cộng sản hiện tại vẫn tự nhận kế thừa Mao, và vẫn ra sức kéo dài huyền thoại về Mao ''.

Một lời kết luận tra vấn sự mụ mị của mỗi người bất cứ ở đâu đến nay vẫn còn mù quáng lầm lẫn và hoang tưởng về Mao.

(còn nữa)

Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)


Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc

Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)


Lựa chọn

Trang in Trang in

Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè

No comments: