XI
MAO với nỗi ám ảnh từ ngoài và niềm cay đắng từ trong
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
"... Mao vừa uất hận vừa cay đắng không còn biết tin ai. Người Mao tin nhất, đưa lên cao đến thế lại thành kẻ thù rắp tâm giết mình. Vụ án Lâm Bưu càng mở rộng càng làm Mao mất ngủ và suy sụp ..."
1-. Cuộc đời của Mao rất sôi nổi và nhiều lúc bấp bênh trong quá trình giành đỉnh cao quyền lực và duy trì quyền lực cao nhất bằng mọi giá, dù cái giá ấy là sinh mạng của hàng vạn đồng chí của mình, hàng triệu binh sĩ của mình hay hàng chục triệu nông dân nghèo khổ trên đất nước mình.
Mao từng ở trong cơ quan trung ương Quốc dân đảng rồi chuyển sang đảng cộng sản; ở trong đảng CS khi thì là uỷ viên trung ương, khi là uỷ viên dự khuyết bộ chính trị, khi lại mất chức, bị khai trừ khỏi đảng, khi lại chỉ có cái chức chủ tịch khu đỏ ở Giang Tây, hoặc chỉ là Chủ tịch căn cứ Diên An. Có khi Mao không được nắm quân đội, khi thì chỉ là phó chính uỷ Hồng quân.
2-. Khi còn Staline, đảng CS Liên Xô luôn được Mao coi là thượng cấp của mình, Staline là cấp trên để thường xin chỉ thị, Mao cũng coi Dimitrov bí thư Quốc tế CS – Komintern (Quốc tế CS), rồi sau là Kominform (cơ quan Thông tin CS Quốc tế) là cấp trên của mình. Mao luôn dò xét thái độ của Staline và Dimitrov đối với cá nhân mình, bưng bít để những tin xấu về mình không đến được Moscow, luôn kiểm soát liên lạc radio sang Liên xô để kiểm duyệt các điện báo. Staline nhiều lần biết rõ Mao có cá tính độc ác với đồng chí, hay chia rẽ, kéo bè cánh, kém kỷ luật, để quân lính cướp phá dân như thổ phỉ, nhưng Staline vẫn ưa Mao ở ý chí mạnh mẽ không thương tiếc với kẻ thù giai cấp và kẻ thù trong nội bộ, ý chí độc đoán mang xu hướng độc tài toàn trị của Mao cũng hợp với khẩu vị của Staline. Chính Staline đã chọn Mao, xem mặt gửi vàng, mà không chọn Vương Minh, Trần Độc Tú, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Lý Lập Tam hay Trương Văn Thiên... dù những người ấy từng ở Liên Xô lâu, từng làm việc với Staline, am hiểu tiếng Nga và có nhiều đức tính trội hơn Mao.
3-. Sau khi Staline chết, rồi Khrouchtchev lên, quan hệ căng thẳng và quyết liệt, Mao lên án Khrouchtchev là trùm xét lại. Sau khi Khrouchtchev bị hạ vào tháng 10-1964, Mao hy vọng Liên Xô sẽ ngừng chống sùng bái cá nhân, phục hồi cho Staline. Brejnev là ông chủ mới ở Điện Kremli muốn bang giao trở lại bình thường với Bắc kinh nhưng hiểu rõ tình hình cực xấu về kinh tế xã hội ở Trung quốc cũng như thái độ ương ngạnh ham quyền lực của Mao nên có ý thúc đẩy chính giới Trung quốc thay Mao bằng một người khác.
Ngày 7-11-1964 Điện Kremli mở tiệc lớn mừng Cách mạng tháng mười, đoàn Trung quốc đông đảo do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu sang dự sau thời gian dài căng thẳng. Một sự kiện kinh hoàng xảy ra. Nguyên soái Rodion Malinopski bộ trưởng quốc phòng Liên xô đến ghé tai Chu Ân Lai nói :'' Chúng tôi không muốn một Mao hay một Khrouchtchev quấy rầy quan hệ giữa chúng ta ''. Chu giật mình đáp: ''Tôi không hiểu ngài muốn nói gì ''. Ngay sau đó, Malinopski lại nói với Nguyên soái Hạ Long (thay mặt bộ trưởng quốc phòng Trung quốc): ''Chúng tôi đã loại tên hề Khrouchtchev, các bạn hãy làm như vậy với Mao tên hề của các bạn đi ! ''. Một lúc sau, Malinopski lại nói với Hạ Long theo giọng bỗ bã con nhà lính: '' Bộ quân phục nguyên soái của tớ và của cậu đều như là cứt con chó của Staline và cuả Mao ''. Ngay đêm ấy Chu thảo báo cáo tỷ mỷ gửi cho Mao. Vì đây không phải là chuyện đùa. Ở cương vị nguyên soái, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng quốc phòng nói ra ắt phải là từ một chủ trương bán chính thức của ban lãnh đạo đảng Liên Xô.
Sáng hôm sau, theo lệnh Mao, Chu Ân Lai chính thức phản đối chuyện này với Brejnev. Phía Liên xô xin lỗi, Liên xô không hề có ý gì, đây là do Malinovski uống quá nhiều rượu. Có lẽ trong chuyện hiếm có này, phía Liên Xô vẫn chưa hiểu tâm lý của Chu Ân Lai là sợ sệt và quy phục Mao đến mức nào.
Nhà nước đỏ TQ do Mao thành lập
Thật ra 12 năm trước Mao đã bị Staline chơi một vố đau điếng. Hồi ấy, tháng 10- 1952 Lưu Thiếu Kỳ được Mao cử sang Liên Xô dự Đại hội đảng cộng sản Liên xô thứ 19; ngày 8 tháng 10 Lưu đọc lời chào mừng trước đại hội. Sáng ngày 9, trên báo Pravda (Sự Thật) của đảng Cộng sản Liên Xô đăng bài và ảnh Lưu với lời giới thiệu là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung quốc. Lưu phải vội vàng cải chính, vì với các đảng cộng sản thường tổng bí thư là nhân vật cao nhất. Mao hiểu rằng báo Pravda là tờ báo cực kỳ bảo thủ và ''nghiêm chỉnh'', không có sơ xuất. Đây là cú đá nhẹ để cảnh cáo và thăm dò Mao. Mao vốn đa nghi lại e sợ Lưu Thiếu Kỳ vì Lưu từng sống ở Liên xô, từng gặp Staline nhiều lần, có uy tín về nhân cách. Lần này câu rỉ tai của Malinopski thật nguy hiểm.
Với Mao chỉ vài lời rỉ tai của một quan chức Nga lớn như vậy làm Mao kinh hồn bạt vía lâu dài, luôn lo sợ bị Liên xô can thiệp phế bỏ mình. Nỗi lo sợ của Mao đổ lên đầu hàng ngàn quan chức và sinh mạng hàng trăm quần thần của Mao. Người bị điêu đứng nhất là nguyên soái Hạ Long, chỉ vì bị Malinopski rỉ tai, phải chịu mấy trăm cuộc hỏi cung và tra tấn cho đến chết bi thảm trong tù tháng 6-1969, tất cả sĩ quan tướng lĩnh từng cộng tác với Hạ Long đều chung số phận. 6 năm sau, tháng 6-1975 ngày kỵ của Hạ Long được bạn bè và gia đình tổ chức, vì sợ bóng vía cả người chết và người sống, Mao quy định không được có vòng hoa và diễn văn.
Sự kinh sợ Liên Xô của Mao lên đến mức bệnh hoạn. Không một ai được sang đất Liên xô nữa. Tướng Hứa Quang Đạt (Xu Quang-da) theo kế hoạch cũ, tháng 5-1965 sang Moscow họp về chương trình hợp tác quân sự, khi về bị hỏi cung 416 lần suốt 18 tháng, rồi chết trong tù.
Mao tính từ biên giới Ngoại Mông thân Liên xô đến biên giới Trung quốc có 5 trăm Kilômet bình địa, xe tăng có thể phóng sang Bắc kinh, liền ra lệnh dựng nhiều dãy ''núi nhân tạo'', cao 40 mét, rộng 3 , 4 trăm mét để ngăn chặn, tốn không biết bao công của. Cuối năm 1969 khi phái đoàn Liên xô sang Bắc kinh họp về biên giới, Mao đa nghi sợ sẽ bị Liên xô tấn công liền về ẩn ở Tô châu, luôn ở dưới hầm sâu tránh bom nguyên tử.
Trên là nỗi ám ảnh Mao từ ngoài nước. Dưới đây là nỗi bất an lớn từ bên trong.
3-. Trở lại lúc Mao đã là Chủ tịch đảng kiêm Chủ tịch nước rồi, vị trí của Mao vững vàng không có gì đe doạ nổi. Ấy vậy mà như các phần trên đã nói, hai lần Mao suýt mất chức, một lần ở Lư Sơn tháng 7-1959, và lần thứ hai ở Bác Kinh tháng 2-1962 khi các chính sách của Mao phá sản rõ ràng không sao che dấu chối cãi được. Lần trước là vì Bành Đức Hoài tính thẳng thắn ngay thật, và lần sau là do Lưu Thiếu Kỳ có trình độ chính trị, đức độ, uy tín cao. Cả 2 lần vị trí Mao lung lay dữ dội .Cả 2 lần kẻ cứu Mao là Lâm Bưu. Lâm Bưu sinh năm 1908 ở Hồ Bắc, thông minh, từng học ở Liên Xô, tốt nghiệp học viện quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu), từng là Tư lệnh đạo quân Đông Bắc chỉ huy Chiến dịch lớn đánh chiếm Mãn Châu rồi đánh chiếm vùng Thiên Tân - Bắc Kinh, từng sáng tạo binh thư về cách đánh công kiên cho Hồng quân. Mao hiểu rõ tâm địa của Lâm là kẻ đa mưu, lắm mánh khoé và đầy tham vọng cá nhân, từng có mưu thâm nhằm hạ bệ danh tướng Chu Đức để rồi ngoi lên đứng đầu cả 10 vị nguyên soái. Chỗ mạnh nhất của Lâm là Lâm được Mao giao trực tiếp năm quân đội, cả lục, hải, không quân. Sau khi Lâm được Mao dùng làm mũi nhọn để gạt Bành Đức Hoài đến Lưu Thiếu Kỳ, Lâm được Mao trả công, được nâng lên là một trong 5 phó chủ tịch đảng, rồi sau là nhân vật số 2, kẻ sẽ lên ngôi thay mình.Tại Đại hội IX Lâm đọc Báo cáo Chính trị, được ghi tên vào Điều lệ đảng là Người kế thừa Mao. Mao còn cho vợ Lâm là Diệp Quần vào Bộ chính trị dù đã có quy định trong đảng là không được đưa các bà phu nhân lên mà không có thực tài và đức. Diệp Quần nổi tiếng là đa dâm, khi ở Nga đã bồ bịch với sĩ quan Nga, về nước quan hệ càng buông thả vì Lâm Bưu bất lực, tạng yếu, sợ nước, sợ gió, sợ tiếng động. Mật vụ của Mao còn ghi âm lén những buổi trao đổi tình ái rất mùi mẫn trên điện thoại giữa Diệp và tổng tham mưư trưởng họ Hoàng.
Lâm Bưu và Mao trong cách mạng văn hoá
4-. Lâm được Mao thưởng công đến vậy vẫn chưa vừa ý. Lòng tham quyền của Lâm là không có hạn. Tháng 8-1970, tại cuộc họp Ban chấp hành trung ương đảng ở Lư Sơn, một vấn đề thường bỗng trở nên gay gắt, khi bàn về chức Chủ tịch nước. Quốc hội Trung quốc ngày 3-1-1965 vẫn bầu Lưu Thiếu Kỳ tiếp tục làm Chủ tịch nước. Nhân dân nhiều người hô: Mao Chủ tịch và Lưu Chủ tịch vạn tuế! Thậm chí có người còn muốn ở Thiên An Môn chỉ treo ảnh Chủ tịch nước thôi. Lại cũng có ý kiến nên bỏ chức chủ tịch nước đi; về chính quyền có Thủ tướng là đủ. Tại hội nghị Mao và Lâm có ý kiến khác nhau. Mao muốn bỏ chức Chủ tịch nước. Còn Lâm muốn giữ, để dành chức ấy cho mình, vì chắc chắn Lưu Thiếu Kỳ sẽ phải ra đi, hiện đang bị quản thúc rồi. Mao giật mình thấy số người tán đồng Lâm có vẻ nhiều hơn số đồng ý với Mao. Thế là Mao dùng quyền chủ tịch đảng chấm dứt thảo luận vấn đề, còn quyết định đưa Trần Bá Đạt, nhân vật số 5 lúc ấy, ra khỏi Bộ chính trị; Trần vừa mới tỏ ý ủng hộ Lâm. Ngay sau đó Trần bị quản thúc rồi bị giam. Quan hệ Mao - Lâm trở nên gay cấn.
Mao lo sợ Lâm manh động, liền cử những tướng tin cẩn về nắm Bộ tư lệnh quân khu Bắc kinh. Mao cẩn thận còn cho mấy cô diễn viên múa của không quân đang hầu hạ mình đi nơi khác e rằng đó là người của Lâm cài.
Lâm hiểu rõ Mao là con người cực thâm hiểm khó chọi lại, bàn với gia đình kế thoát thân. Lâm Bưu, Diệp Quần và con trai là Lâm Lập Quả bàn theo nhiều hướng: sang Nga, qua Mông Cổ, sang Hồng Kông (còn thuộc Anh), hay sang Đài loan; Hồng Kông là hướng chính. Lâm Lập Quả có bí danh là ''Hổ''.
Hổ vốn là sinh viên vật lý Đại học Bắc Kinh, lại khác thường là không ưa đấu tranh xô bồ bằng bạo lực của Hồng vệ binh. Hồ và nhóm bạn lập nên ''nhóm 571'' , đọc theo âm Bắc Kinh là : ''Ủ - Xí - Ỷ'' , viết là : '' Wu - Qi - Yi '', đọc thành : Vũ Khởi Nghĩa, có nghĩa là '' Nhóm khởi Nghĩa Vũ trang ''. Nhóm này kết luận Mao là kẻ cổ xuý bạo lực, tự hoang tưởng về mình, thúc đẩy kẻ này chống người khác; Mao là kẻ bạo chúa phong kiến lớn nhất lịch sử Trung Hoa, đã biến bộ máy nhà nước thành ''cỗ máy xay thịt''. Hổ còn gọi Mao là '' B52 '', bụng lớn chứa đầy tư tưởng xấu như đầy bom để giết đám đông.
5-. Khi Hổ nhận ra Mao sắp ra tay trị cả gia đình mình, Hổ nghĩ đến hành động ám sát Mao, bằng ném bom, dùng chất độc, hơi ngạt, nhưng đều thấy khó vì Mao rất cảnh giác giữ mình.
6-. Tháng 3-1971, Mao dự định họp một cuộc họp cán bộ để vợ Lâm là Diệp Quần, ủy viên bộ chính trị và vài kẻ theo Lâm kiểm điểm. Mao bảo Chu Ân Lai nhắn với Lâm yêu cầu Lâm có mặt, mọi sự Mao sẽ cho qua. Nhưng Lâm từ chối. Mao tức điên lên.
Tháng 8-1971 Mao tức giận quyết loại Lâm và nói ra ý định ấy với một số cận thần đặc biệt, với lời dặn chớ cho Lâm biết. Nhưng rồi tin ấy vẫn đến tai Lâm. Lúc ấy Lâm cùng gia đình nghỉ ở Bắc Đới Hà. Cả gia đình quyết sớm cao chạy xa bay. Mới đầu Hổ định dùng máy bay tại sân bay Sơn Hải Quan. Ngày 8-9, Hổ bay về Bắc kinh, cầm trong tay lệnh viết tay của Lâm gửi bộ tư lệnh không quân. Hổ được cấp ngay máy bay theo lệnh Lâm. Nhưng Hổ vẫn muốn giết Mao đã. Lúc này Mao đang đi kinh lý qua Thượng Hải.
Hổ biết Lâm có cả một màng lưới thân tín ở Thượng Hải, họ có thể vâng lệnh Lâm do ghét Mao sẵn. Hổ còn lên một phương án đồng thời hành động ở thủ đô Bắc Kinh để phối hợp với Thượng Hải.
Hổ (phải),Diệp Quần (giữa), Đô Đô (trái)
Một hướng hành động nữa là Hổ tìm gặp tướng không quân rất trẻ Giang Đằng Giao (Jiang Teng-jiao) từng tỏ ra khinh ghét Mao, bàn nhiều phương án: ném bom, dùng súng phóng lửa, bắn bazôka vào đoàn tầu hoả của Mao khi ở Thượng Hải về.
Các kế hoạch còn ngổn ngang, chuẩn bị còn sơ sài, thì có tin ngày 11 Mao sẽ về sớm. Chiều 12-9 Hổ lái chiếc máy bay nhỏ Trident đến Bắc đới hà, dụ định sáng hôm sau đưa gia đình xuống Quảng Châu rồi ra Hông Kông. Để đánh lạc hướng, Lâm Bưu báo cho xung quanh sáng mai sẽ lên đường bay lên cảng Đại Liên, ở gần đó, như Lâm thường tới nghỉ.
Thế nhưng vào thời điểm gay go ấy, Hổ phạm một sai lầm bi thảm là báo tin cho Lâm Lập Hành (Lin Li Heng) là chị ruột mình, còn có tên thân mật là Đậu Đậu (Đô Đô), rằng chuẩn bị gấp để mờ sáng cả nhà cùng lên đường.
Đô Đô yêu cha quý mẹ, nhưng bị nhồi sọ ở trường trở thành mê muội, hời hợt; trong cách mạng văn hoá Đô Đô, từng là sĩ quan phó chủ bút báo không quân. Đô Đô nghĩ rằng bỏ nước ra nước ngoài là hành vi phản bội không thể chấp nhận, liền mật báo cho lực lượng bảo vệ. Chu Ân Lai được báo ngay tin này, liền ra lệnh kiểm tra khẩn cấp vị trí của mọi máy bay, kể cả máy bay Trident thường chở Lâm Bưu. Bạn của Hổ trong bộ tư lệnh không quân báo ngay tin này cho Hổ. Nửa đêm, Hổ quyết định cất cánh ngay, nhưng không xuống Quảng Châu nữa mà bay lên Mông cổ để sang Liên xô.
23g50 phút xe chở gia đình Lâm vào sân bay. Trên xe có vợ chồng Lâm, Hổ và một bạn thân của Hổ cùng người lái. Viên quản lý thường ra tiễn cũng trong xe. Xe vượt cổng gác sân bay, viên quản lý nhận ra chuyện bỏ trốn liền hô hoán rồi nhảy xuống; có vài tiếng súng nổ. Xe đậu gấp bên máy bay Trident. Máy bay cất cánh lúc 12g30 đêm, chở vợ chồng Lâm, Hổ, bạn Hổ, ngừơi lái xe; tổ lái có 9 người thì chỉ có mặt trên máy bay 4 người. Máy bay đang được bơm nhiên liệu, vì vội, mới bơm được 12 tấn rưỡi, chỉ có thể bay được 2 đến 3 giờ tuỳ độ cao và tốc độ. Vì bay thấp tránh radar nên nhiên liệu hao nhanh. Đến Ngoại Mông 2 giờ sau thì đồng hồ chỉ sắp hết nhiên liệu, máy bay đang cố hạ khẩn cấp trên một thung lũng thì nổ tung lúc 2g30 ngày 13-9-1971. Không ai sống sót. Phía Liên xô cho ngay chuyên viên đến, khám kỹ xác người chết thiêu, qua xương, răng... kết luận đúng là xác Lâm Bưu vợ và con trai Lâm Bưu.
6-. Mao trở nên con người khác hẳn trước. Mao vừa uất hận vừa cay đắng không còn biết tin ai. Người Mao tin nhất, đưa lên cao đến thế lại thành kẻ thù rắp tâm giết mình. Vụ án Lâm Bưu càng mở rộng càng làm Mao mất ngủ và suy sụp. Thì ra có nhiều kẻ muốn ám sát, muốn giết Mao. 3 sĩ quan lái trực thăng có ý định hạ sát Mao vào ngày Quốc khánh ở lễ đài. Có âm mưu bắn vào đoàn tàu đặc biệt của Mao. Một sĩ quan không quân leo lên lầu cao hô đả đảo Mao rồi nhảy lầu tự sát. Mao biết rõ những lời dân chửi mình. Mao buộc phải tăng cường cảnh giác, không xuất hiện giữa đám đông, nới lỏng cuộc thanh trừng, phục hồi cho hàng chục vạn người bị án oan trong cách mạng văn hoá. Chỉ vài tháng năm 1971 Mao xọm hẳn như thêm hàng chục tuổi, ít nói, không cười, thêm bệnh sưng phổi, ho, mất ngủ dài dài, có lúc nói không ra hơi.
7-. Trong nỗi ám ảnh bị Liên xô bỏ rơi và lo sợ bị trừng phạt, trong niềm uất hận bị Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ vạch rõ những sai lầm và thất bại, trong niềm cay đắng bị cận thần tin cẩn nhất là Lâm Bưu từng là kẻ cứu mình biến thành kẻ định giết mình, vào cuối năm 1971 sang năm 1972, Mao có niềm an ủi khá lớn là được tổng thống Mỹ Nixon và cố vấn Nhà trắng Kissinger chiếu cố bắt tay thân thiện với hàng loạt sự kiện chấn động. Từ nền ngoại giao Ping pong, với cầu thủ Trương Tác Đống bắt tay cầu thủ Mỹ - vi phạm quy định là cầu thủ Trung hoa không được bắt tay trò chuyện riêng với người Mỹ, nhưng Trương được Mao khen về cái bắt tay này là ''một nhà ngoại giao tốt'', rồi đến việc Mỹ chính thức công nhận nước cộng hoà Nhân dân Trung hoa, Trung quốc vào Liên Hợp quốc chiếm ghế của Đàl loan, rồi chuyến Mao gặp Kissinger, nói đùa rằng : ông thấy phụ nữ Trung hoa có xinh đẹp không, nếu người Mỹ thích chúng tôi có thể xuất 10 triệu cô sang Mỹ, đến cuộc gặp lịch sử Nixon - Mao với tuyên bố chung Thượng Hải. Chưa bao giờ vấn đề Trung quốc cũng như tin tức về Mao và hình ảnh Mao được thế giới nói nhiều như vậy.
Nhưng niềm vui của Mao không được lâu. Mao vẫn mất ngủ, vẫn e ngại Liên xô, vẫn sợ bị gạt khỏi quyền lực, vẫn ra tay thanh trừng, dựa hẳn vào mụ vợ quái đản Giang Thanh và '' lũ 4 tên '' ma giáo, sống những năm cuối đời trong hốt hoảng lo âu, với một căn bệnh hiểm nghèo cực hiếm. Ra sao, xin mời các bạn xem phần sau.
(còn nữa)
Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)
Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc
Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)
Lựa chọn
Trang in Trang in
Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè
No comments:
Post a Comment