Sunday, March 21, 2010

ĐẨU TIẾP * THẦN SIÊU 1

*




ĐẨU TIẾP
NGUYỄN VĂN ĐỀ
biên soạn



THẦN SIÊU

LỊCH SỬ CỤ NGUYỄN VĂN SIÊU
(1799-1872)



Đền Ngọc Sơn




TÂN VIỆT
Hà Nội
1943

In tại nhà in Đông Dương, Hà Nội


GIA HỘI
Ottawa
2010
Ấn bản điện tử do
Nguyễn Thiên Thụ tăng bổ


Copyright © 2010 by GIA HOI Publisher





LỜI NÓI ĐẦU


Không có gì vĩnh viẽn tồn tại. Sách cũng mang số phận vô thường. Một số sách được tái bản nhiều lần, còn đa số sách chỉ nhìn thấy ánh mặt trời một lần. Ở nước Việt Nam, sách lại mang tai kiếp khôn lường vì bị người ta đốt, xé, và bị kết án.

Tôi có một số sách xuất bản trước 1945, đã tuyệt bản, nay tôi đánh máy lại. để vào Sơn Trung Thư Trang mà lưu trữ, đồng thời để cho độc giả ai cần có thể vào đọc theo tinh thần đại đồng:
"Ở đời muôn sự của chung"

Tôi đã hoàn thành các tác phẩm của Đẩu Tiếp:
-Đời Tài Hoa: viết về Nguyễn Hàm Ninh
-Trong 99 Chóp Núi, viết về Đinh Nhật Thận.
Và nay là Thần Siêu, viết về Nguyễn Văn Siêu, giới thiệu thơ của Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình Thi Tập.

Ngày xưa sách hiếm hoi và đắt đỏ, người ta thường chép tay và chuyền nhau những danh tác. Trong khi chép tất nhiên có chỗ sai lầm. Hơn nữa người xưa thường sửa chữa nguyên bản cho nên đi đến tình trạng tam sao thất bản. Tôi theo bản Khảo cổ Sài Gòn mà hiệu đính.


Sau 1975, tôi có ý định tăng bổ quyển Thần Siêu, và có ý định dịch Phương Đình Thi Tập., một là để qua ngày tháng dài, hai là để góp phần cho việc bảo tồn văn hóa Việt Nam. Tôi đã sao tập vi phim của Viện Khảo Cổ Sài gòn và ngõ lời mời một ông bạn giỏi Hán Văn cộng tác. Nhưng rồi ông bạn số gian nan, phải vào tù ra khám nhiều lần, rồi bệnh hoạn mà từ trần cho nên việc dịch thuật không thành.

Việc làm chung rất khó, vì mỗi người mỗi ý dễ sinh bất hòa. Làm chung cho một tập thể lại còn khó hơn vì mất nhiều thì giờ thảo luận, và chờ đợi. Làm riêng thì dễ sai lầm nhưng thoải mái , chóng thành và không có sự cãi cọ. Phải có tình đoàn kết thật sự và tâm bao dung lớn thì mới thành công trong cuộc hoạt động tập thể.

Nhưng những công trình lớn, phải có tập thể. Muốn làm chung lại còn phải có nhiều điều kiện.
Nay các bạn cùng lứa thì đã ngoại bảy , tám mưoi, tinh thần mệt mỏi, thân xác bệnh hoạn. Hơn nữa tình trạng nay " văn chương hạ giới rẻ như bèo", nhà văn, nhà thơ không có lợi nhuận mà còn phải bỏ thời giờ, tiền bạc cho việc in sách, sách soạn xong thì phải để đấy chờ cơ hội xuất hiện dưới ánh mặt trời. Tình trạng như vậy nên it ai muốn trở lại nghề cầm bút.

Tôi vẫn tiếp tục làm việc bất cứ hoàn cảnh nào. Quyển Thần Siêu của Đẩu Tiếp có nhiều khó khăn, một là thiếu nguyên văn chữ Hán, hai là mất mười bài thơ, có lẽ bị xé mất. Ôi, một số người mình là vậy, và một số người trên cõi đời này cũng vậy! Cho mượn sách thì một là không trả hoặc trả thì bị người ta xé mấy mấy tờ. Sách ở thư viện cũng vậy! Một người Pháp đã nói:
"Toujours perdus et souvent maltraités/ C'est le sort des livres empruntés"!

Sách tôi có lại bị mối ăn cho nên mất một số chữ, và mười bài bị xé kể trừ bài 17 đến 26. Tạm thời tôi sẽ bổ túc bằng những bài dịch mới trong khi chờ đợi tìm được nguyên bản Thần Siêu của Đẩu Tiếp. Tôi cũng cố gắng dịch thêm một số bài thơ đánh số từ 53 trở đi . Thuyền nhỏ không dám chở nặng. Tôi chỉ xin đóng góp một chút tượng trưng trong khi chờ đợi bậc cao nhân hay cơ quan nhà nước chủ trương dịch thi hay toàn bộ thi văn Phương Đình tiên sinh. Tôi còn thu thập một số bài viết về Nguyễn Văn Siêu để vào phần Tăng bổ cho sách được đầy đủ hơn, phong phú hơn.
Xin cảm tạ quý vị đã ghé thăm thư trang thô lậu của tôi.

NGUYỄN THIÊN THỤ



MỤC LỤC


TỰA của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 5

I. TIỂU SỬ NGUYỄN VĂN SIÊU 13

1.Thần Siêu giáng sanh, 19.
2.Thần Siêu trong con mắt của nhà tướng sĩ Tàu, 21.
3.Thần Siêu trong học đường,23.
4.Thần Siêu trong trường ốc
5.Thần Siêu trong"thế kỷ Tự Đức",34
6.Thần Siêu trên hoạn lộ, 37.
7.Thần Siêu trong việc đoán tụng, 40.
8.Thần Siêu lúc về núi và về trời, 44.
9.Ký giả chiêm bao thấy Thần Siêu, 47.

II NÉT BÚT THẦN. THI CA CỤ NGUYỄN VĂN SIÊU (1799-1872)

(TS, 53)

Tựa của Phạm Quỳnh, 55.
Mấy lời của tác giả, 59.
Mấy lời của dịch giả, 61.

Các bài thơ trong Thần Siêu đối chiếu với Phương Đình Thi Tập

Bài số 1 (Anh Ngôn tập I, bài 61,tờ 30)
Quá Thúy Ái, 69.
Quá Thúy Ái điếu Tiền Trạch phu nhân , Thần Siêu, 69.


Bài số 2 (Anh Ngôn tập II, bài 151, tờ 32 )
Dữ Dương Đình Ngô đài biệt
Tiễn bạn, TS,70

Bài số 3 (Anh Ngôn II, 152, 32)
Sơn thủy độ
Qua đò Sơn thủy . TS, 73.

Bài số 4 (Anh Ngôn tập I, bài 68, tờ 31)
Xuân nhật hiểu khởi
Ngày xuân dậy sớm, TS,74.

Bài số 5 (Anh Ngôn II, bài 157, tờ 34)
Lãnh Thủy khê
Qua khe Nước Lạnh, TS,76.

Bài số 6 (Anh Ngôn II. bài 93, tờ5)
Hiểu khởi tiểu đồng báo hữu khách chí ngâm thi thả khứ
Ngủ dây, 77.

Bài số 7 ( Anh Ngôn I, bài 35,tờ 14)
Giang vũ sơ tình
Mưa tạnh , 79

Bài số 8 (Anh Ngôn II, 169, tờ 37)
Bộ hải ngạn
Trên bờ biển, 80.

Bài số 9 (Anh Ngôn II, 162, tờ 45)
SƠN HÀNH CA
Đi đường núi. 82.

Bài số 10 (Anh Ngôn II, 147, tờ 31)
LÃNH TRÌ GIÁP
QUA LÃNH TRÌ, 85.

Bài số 11 (Anh Ngôn II, 171,tờ 35)
Động Hải chu trình
Trên sông Nhật Lệ, 86

Bài số 12. (Anh Ngôn II, 165, tờ 36)
Hà Hoa phủ trở vũ nhân giản thái thú Lê đài
Mắc mưa, 87.

Bài số 13 (Anh Ngôn II, 143, tờ 30)
Hồi thuyền
Thuyền cô trời tối gió to, 89.

Bài số 14 (Anh Ngôn II, 81, tờ 1)
Giai đăng Kiếm hồ Ngọc Sơn tự
Chơi HỒ GƯƠM, 91

Bài số 15 (Anh Ngôn II, 90, tờ 5)
LC HOA THI TIT HU PHÙNG QUÂN
TI
T HOA RƠI LI GP CHÀNG, 94

Bài số 16 (Anh Ngôn II, 68, tờ 36)
THANH HÀ ĐỘ
QUA CỬA GIANH, 96.

Bài số 17 (Anh Ngôn I, bài 1, tờ 1)
Nhĩ Hà
NHĨ HÀ

Bài số 18 (Anh Ngôn I, bài 2, tờ 2)
Nhĩ hà đối nguyệt
Ngắm trăng trên sông Nhị

Bài số 19 (Anh Ngôn I, 37, 17)
Ất Dậu niên tam nguyệt, thập cửu nhật hữu cảm
NHỚ THẦY

Bài số 20 (Anh Ngôn, bài 3, tờ 2)
Du Tây Hồ
Chơi Tây Hồ


Bài số 21 ( Anh Ngôn I, bài 11, tờ 22)
TÔ GIANG QUAN THỦY
NHÌN NƯỚC SÔNG TÔ LỊCH

Bài số 22 (Anh Ngôn I,15, tờ 7)
ĐĂNG SƠN ĐÍNH THIÊN PHÚC TỰ CHUNG LÂU
LÊN LẦU CHUÔNG CHÙA THIÊN PHÚC

Bài số 23 (Anh Ngôn I, 36, tờ 14)
Vũ hậu sơn

MƯA NÚI SAU

Bài số 24 (Anh Ngôn II,137, tờ 27)
TỪ LÝ MÔN
Từ biệt cổng làng

Bài số 25 (Anh Ngôn I, 44, tờ 12)
Đối cúc hũu sở tư
SUY TƯ ĐỨNG TRƯỚC HOA CÚC

Bài số 26 (Anh ngôn I, 33, tờ 14)
XUÂN NHẬT CẢM HOÀI
NGÀY XUÂN CẢM HOÀI

Bài số 27 ( Anh Ngôn I, 18, tờ 8)
TRĨ SƠN CỔ THÁP
Ngọn tháp xưa trên núi Phật tích ,115

Bài số 28 (Anh Ngôn I, bài số 19, tờ 8)
Khóa Thủy (a) song kiều
Cầu Khóa Thủy một cảnh đẹp ở núi Phật Tích, 117

Bài số 29 (Anh Ngôn I, 16, tờ 7)
SƠN ĐỘNG TRIỀU VÂN
ĐÁM MÂY MAI TRÊN ĐỘNG PHẬT TÍCH ,119

Bài số 30,
Dã khê độ
Qua đò Dã khê (TS, 121)

Bài số 31.(Anh Ngôn I, 92, tờ 5)
KHÁN ĐIỆP
CON BƯỚM, 122.

Bài số 32
Dạ vũ trú hữu gia
Đêm mưa ở nhà bạn , 123

Bài số 33 (Anh Ngôn II, 145, 32)
Sùng Ân tự
CHÙA SÙNG ÂN, 125

Bài số 34 (Anh Ngôn II, 143, tờ 25)
Hồi châu
Thuyền về, 127

Bài số 35 (Anh Ngôn I,43, tờ 17)
Tiên Hưng giáo thụ Lê Thường Lĩnh
Gửi thăm quan giáo thụ Lê Thường Lĩnh ,128

Bài số 36 (Anh Ngôn II,150, tờ 32)
Tam nguyệt hối nhật giang thượng ngâm
Trên sông tối ba mươi tháng ba, 132

Bài số 37 (Anh Ngôn II, 158, 34)
An Sơn huyện
QUA TRẠM YÊN HƯƠNG ,133

Bài số 38 ( Anh Ngôn II, 119, 16)
Bàng thôn túy tẩu
Lão say làng bên , 135

Bài số 39 (Anh Ngôn II, 138, tờ 27)
Điếu thành tây Loa Sơn cổ chiến trường xứ
Viếng bãi chiến trường Loa Sơn, 136

Bài số 40 ( Anh Ngôn II, 146, tờ 31 )
Chí Mễ Sở quan phỏng Lê Trác Phong đài
Qua Mễ Sở thăm nhà bạn, 138

Bài số 41 (Anh Ngôn 155, 33)
Tam Điệp hành
Qua đèo Ba Dội, 141.

Bài số 42 (Anh Ngôn II, 82, tờ 2)
Đăng chung lâu
Lên lầu chuông chùa Ngọc Sơn, 142

Bài số 43
Trung thu ngọa bệnh
Trên giường bệnh dưới trăng thu , 144


Bài số 44. (Anh Ngôn II, 159, 34)
ĐN CUÔNG TH VUA THC , 145

Bài số 45 (Anh ngôn I, 90, tờ 5)
Hoa tận điệp tình mang
Hoa rụng thương tình bướm , 146


Bài số 46 (Anh Ngôn II,67, tờ 31)
Vịnh thủy tiên hoa
Vịnh hoa thủy tiên , 148

Bài số 47. (Anh Ngôn II,111, tờ 13)
Nhân tự Bắc Ninh lai, ngôn Bắc Ninh sự cảm tác
Thời loạn nghe chuyện Bắc Ninh,155.

Bài số 48
Chân lạc
UỐNG TRÀ ĐỌC SÁCH, 157


Bài số 49 ( Anh Ngôn II, 83, 2)
Lâu thượng ngẫu đắc
TRÊN LẦU TRÔNG XUỐNG HỒ GƯƠM, 159

Bài số 50
Hồng nhật
Ngày xuân ngủ dậy , 159.

Bài số 51
Hoài cổ
Qua núi Cổ Bi 160.

Bài số 52. (Anh Ngôn I, 60, 30)
NHỊ HÀ HIỂU PHIẾM
BUỔI SÁNG TRÊN SÔNG NHỊ HÀ , 162.

Bài số 53 (Anh Ngôn I, bài 17, tờ 7)
LONG TRÌ HIỂU NGUYỆT
TRĂNG SỚM TRÊN LONG TRÌ

Bài số 54 (Anh Ngôn I, 6, tờ 2)
Đình tiền thính điểu
Trước sân nghe chim kêu

Bài số 55 ( Anh Ngôn I, 7, tờ 3)
Hương
Hương

Bài số 56 ( Anh Ngôn I, 34, 14)
Ái mai trúc
YÊU MAI TRÚC


Bài số 57
( Anh Ngôn II, 115, 17)
Tĩnh tọa
Tĩnh tọa

Bài số 58 ( Anh Ngôn II, 116, 17)
Xuân dạ thính vũ
Đêm xuân nghe mưa rơi

Bài số 59 (Anh Ngôn I, 5, tờ 2)
Đình tiền bộ nguyệt
Trước sân tản bộ dưới trăng

Bài số 60 (Anh Ngôn I, 63, tờ 30)
Chương Dương độ
Qua bến Chương Dương

Bài số 61 (Anh Ngôn II, 122, tờ 20)
Viên ngẫu hứng
Cảm hứng khi ở trong vườn

Bài số 62 (Anh Ngôn II, 123, tờ 21 )
Hiểu tọa
Buổi sáng ngồi uống trà

Bài số 63
( Anh Ngôn II, 154, tờ 33 )
Văn độ cô
Nghe chim ngói kêu

Bài số 64 (Anh Ngôn II, 158, tờ 34)
Họa Phúc Xuyên Lê đài phóng nguyệt vịnh.
NGẮM TRĂNG NƠI ĐẤT KHÁCH

Bài số 65 (Anh Ngôn II, 164, 36)
LÂM HOA

HOA RỪNG

Bài số 66
(Anh Ngôn II, 191, tờ 43)
Bạch sơn trà
Trà Bạch sơn

Bài số 67 ( Lưu hiền tập I, bài 3 tờ 2)
Thu dạ thính vũ
Đêm thu nghe mưa

Bài số 68 ( Lưu Hiền I, 58, tờ 19)
Tảo thu phùng vũ
Thu sớm gặp mưa

Bài số 69 ( Lưu hiền tập I, bài 63, tờ 23)
Liên đắc vũ
Luôn được mưa

Bài số 70
(Lưu hiền tập II, 11, tờ 4)
Thừa nguyệt phỏng hữu

Thưởng trăng hỏi bạn

Bài số 71 (Vạn Lý Tập, tờ 13)
Nam Quan kỷ biệt

TỪ BIỆT NAM QUAN

Bài số 72 (Vạn Lý Tập, tờ 9)
Bán dạ đáo gia
NỬA ĐÊM VỀ ĐẾN NHÀ





TỰA

(TS, 5)
Lâu nay thấy một đôi nhà xuất bản những quyển sách dịch Đường Thi, ấy là người Nam ta mà dịch thi Tàu. Còn thì chữ Hán của người Nam làm, mà người Nam ta dầu thỉnh thoảng thấy đăng trên vài tờ báo, như báo Tiếng Dân, nhưng lựa chọn mỗi phiên năm bảy bài mà đăng chứ không chú trọng vào một thi gia nào ngày xưa để làm g . . . kỷ niệm.

Hạ tuần tháng 6 năm nay (nhâm ngọ 1942) tôi được cái thơ của ông Nguyễn Văn Đề hiệu Đẩu Tiếp ở Hớn Quản ( Nam Kỳ) nói rằng ông có dịch thi Phương Đình là thi cụ Nguyễn Văn Siêu, ưng cho tôi xem bản thảo trước khi ấn hành.

(TS, 6)
Sau một tuần nhật, thấy bản thảo ấy do nhà bưu điện gởi đến, trước đề ba chữ "NÉT BÚT THẦN" là nhan đề của quyển sách.

Mở xem lược nội dung có ba đoạn:
-Đoạn trước tiểu tự của cụ Nguyễn Văn Siêu
-Đoạn thứ hai tự thi chương của cụ Nguyễn Văn Siêu gọi là "Nét Bút Thần"
-Xem lược qua rồi đọc kỹ lại, và đoạn lịch sử cụ Nguyễn Văn Siêu nào thân thế, nào tài hoa, khi đản sanh, khi niên thiếu, khi tùng học, khi khoa trường, khi hoạn lộ, khi cư ẩn và tạ thế đều liệt tự phân minh. Lại biểu dương cái văn tài của cụ về triều đức Dực Tông khi ấy đức Dực Tông đã tự phụ nhơn vật nước Nam mà có câu:"Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường".

Thi văn cụ là Thần rồi mà việc đoán tụng cũng là Thần, nên ông Đẩu Tiếp lại phụ biên thêm việc đoán tụng để cho rõ chữ "Thần Siêu Thánh Quát" là chữ truyền tụng đương thời mà ngày nay cũng còn nghe mãi mãi.

(TS,7)
Những điều kể trên ấy chưa lạ! Cái chuyện ông Đẩu Tiếp chiêm bao thấy Thần Siêu mới lạ! Ông chú ý về tập thi Phương Đình, năng ngâm, năng đọc nên sanh ra giấc mộng ấy chăng? Sao con gái ông là Tố Phương ấu nữ mất, ông buồn, ông làm thi cảm tác, lại nằm thấy Thân Siêu đến chữa thi cho ông? Chữa có một câu, giúp chỉ một vần, mà ông làm đến bảy bài tứ tuyệt, lại lắm bài tuyệt xướng như:

-Đất kia có đẻ ra người đâu!
Đâu biết con người, người đẻ đau!
Thảm thiết trên tay hòn máu nóng
Vô tính hòn đất nỡ vùi sâu!

-Rút chữ trong hoa đặt chữ con,
Mà hoa mạng lại muốn dài hơn.
Như hoa trẻ mới hay cười nụ,
Hoa nở còn lâu, trẻ chẳng còn!

Thi cảm tác về vấn đề này không hiếm chi sao tôi đọc bài này có sinh lòng cảm xúc?Tôi chăc rằng các bậc thi sĩ đọc đến cũng không khỏi động lòng như tôi!

Ấy là đoạn thứ nhất trong quyển sách

(TS, 8) này, lại có lẽ vì đoạn này mà diễn ra đoạn thứ hai là "Nét Bút Thần".

Nét Bút Thần, Thần là Thần Siêu, là Nguyễn Văn Siêu tiên sinh. Ông Đẩu Tiếp dịch thi của Thần Siêu là Phương Đình Thi Tâp, ông không đề chữ " dịch" lên trên nhan đề, vậy là ông trọng nguyên văn chữ Hán của Thần Siêu hơn dịch văn chữ nôm của ông. Quả vậy thời ông Đẩu Tiếp đã có công, có tình lại giữ lòng khiêm nhượng.

Phiên dịch cộng 52 bài, bài nào cũng có dịch văn xuôi rồi mới dịch ra vần theo lối thi lục bát. Trong ấy có chỗ rất công phu, những chỗ nào có điển tích khó hiểu, đều có chú thích,dẫn giải.
Cũng có điều ly kỳ là điển tích trong nguyên văn có chỗ nào sai lầm, ông cũng quy chánh lại, như câu:" Nhứt phụ hàm oan lục nguyệt sương" trong bài 47, ông không chịu để yên chữ "lục nguyệt sương " với điển Tề phụ hàm oan. Vì tam niên bất võ mới dùng điển Tề phụ. Còn lục nguyệt sương

(TS,9) là điển ông Trâu Diễn đời Châu, nên ông dịch rằng rằng:
"Riêng oan chút phận má hồng/ Một ngày mạng bạc, ba đông nắng vàng".

Chưa nói đến công phu phiên dịch, hãy nói đến công phu khảo cứu đây đã vui lòng độc giả. Nếu hồn thiêng Phương Đình tiên sinh biết được Đẩu Tiếp có công với tiên sinh chắc tiên sinh cũng đem lòng cảm bội. Hoặc giả khi Đẩu Tiếp chiêm bao thấy Phương Đình tiên sinh chữa giúp cho vần thi, ấy là khi tiên sinh hiện về để đáp tạ đó chăng? Nói vậy, ờ có lẽ!

Cả 52 bài phiên dịch đều đúng nghĩa, âm vận cũng êm ái dễ hiểu. Thử trích một câu mà nghe, như:
" Trích quyên bất tắc vị đồi ba/ Đại hỏa liệu nguyên tài nhứt.cứ."
Đừng khinh việc nhỏ không dè,/Cháy rừng tàn đuốc, vỡ đê, hang trùn".

Nghe một câu ấy đã biết mấy câu khác thật là một pho thi phiên dịch có giá trị.


Nói tóm lại, hai đoạn đã kể trên đều đáng

(TS, 10) khen, đáng mừng cho tác giả mà lại có thêm ba điều đặc sắc đáng yêu chuộng tác giả là:
-Có lòng tôn trọng bậc vĩ nh6an đời xưa của nước Đại Việt mình mà dịch ra quyển Nét Bút Thần này cho dân nước Việt ta xem để gây lòng cảm tưởng.
-Có lòng cảm xúc vô hạn khi nghe tin ấu nữ Tố Phương ở quê nhà bất hạnh, ngâm lên những vần thi ai oán, tỏ ra gương từ phụ đối với ấu nhi.
-Có lòng hiếu phụng thân sanh, biết thân phụ ưa thú văn chương hơn mùi cam chỉ, nên xuất bản quyển sách này dâng lễ lục tuần để làm vui thân sinh cho đúng hai chữ. . ng chi thử xem câu:

Giang hồ muôn dặm những ham chơi,
Nhìn lại cha già đã sáu mươi.
Nhà khó lấy chi mừng lễ thọ,
Gấm thêu chẳng có, có thơ thôi!

Với câu:
Thơ thần, chữ thánh đặt nên lời,
Ấy cũng nhờ ơn bố dạy nuôi.
Sách cũng như nhà. con có bố,
Ai nhìn thấy sách biết nhà vui."


Tôi là một người hưu lão ở Lâm hạ xứ kinh

(TS,11) ông Đẩu Tiếp ở Xa Cam, Hớn Quản, chỗ rừng rú trong Nam Kỳ, chưa từng quen biết nhau; mấy hôm nay tôi đọc quyển sách của ông, như tuồng tôi ngồi một bên ông mà nói chuyện!
Chẳng những thế mà thôi, các bạn làng thi đến thăm trong khi tôi đương duyệt quyển bản thảo này, luôn dịp đọc cho bạnn nghe, bạn đều tán mỹ và mừng được quen biết thêm một nhà thi sĩ là Đẩu Tiếp huynh ông.

Huế ngày rằm tháng bảy
Niên hiệu Bảo Đại thứ 17 (27 Aout 1942)

Lễ bộ thượng thư trí sự
Ưng Bình Thúc Giạ Thị
duyệt tự




I. TIỂU SỬ NGUYỄN VĂN SIÊU (1799-1872)

(TS,13)
Thông minh chính trực ấy gọi là "Thần". Ngưòi Việt Nam mình tưởng mấy ai thông minh chính trực như cụ Nguyễn Văn Siêu?
Đầu xứ Thái ngày xưa tự phụ là thông minh chính trực, đã đem mình so sánh với một vị thần có tiếng anh linh ở đất Bắc là vua Mai Hắc Đế trong câu đối đề ở đền Mai Hắc Đế rằng:

Thông minh ngã thị Hoàng gia tử,
Chính trực quân vi Hắc Đế thần!
Nghĩa là:
Thông minh ta là con nhà họ Hoàng;
Chính trực ngươi là ông thần họ Mai.

Năm kia ở Nam Kỳ có một vị thần kia được dân làng cưới vợ cho mình, và người ta cưới cho ngài một cô thiếu nữ (!). Một thầy gàn cũng tự phụ là thông minh chính trực dám đi ghen với thần mà có bài thơ rằng:
Đất Nam Việt có nhiều chuyện lạ,
Gái dương gian lại gả về âm.
U minh chẳng thấy hơi tăm,
Chẳng hay thiếu nữ đêm nằm nghe sao?
Hẳn nàng cứ chiêm bao mọi việc,

(TS,18)
Thương mình thì gối chiếc năm canh,
Hoa sao chịu để thần giành?
Chẳng qua chính trực thông minh là thần!

Khác với bao nhà nho ngông, cụ Nguyễn Văn Siêu bao giờ cũng khiêm tốn, không hề xưng Thần, xưng Thánh với ai, cái tiếng "Thần Siêu" là do đời tặng cho cụ vậy.





1.Thần Siêu giáng sanh hồi nào? Ở đâu?

(TS, 19.)
Trong đời Cảnh Thịnh Tây Sơn, ở tỉnh Sơn Tây(1), huyện Thanh Trì, làng Kim Lũ, có một ông già có học thức, có tánh khí khác thường.
Tuy cũng ưa thờ cúng lễ bái như những ông già khác nhưng cái ông già này lại chỉ chịu thờ cúng lễ bái những bậc danh nhân vĩ liệt của nước nhà như Trần Hưng Đạo đại vương là một.
Một hôm đức Thánh Trần ngự đồng gọi ông mà hỏi:
-Nhà có tin mừng, ngươi đã biết chưa?
-Bẩm chưa.
-Hừ! Lại còn chưa! Hỏi nội nhân nhà ngươi thì biết. Rồi đây sẽ có một bậc kỳ

(TS,20) nam ra đời, nhưng. . . ha ha! nhưng chẳng phải là con của nhà người đâu!
-Chẳng phải con của tôi thì con của Trời, Phật, Thần, Thánh cho tôi chứ gì! Tín chủ bụng bảo thế, rồi lại ngẫm nghĩ: Song nếu ta gần có con, vợ đã có thai thì sao vợ ta chưa nói cho ta biết?

Hỏi ra thì phu nhân đã dứt đường kinh hơn một tháng trời, nhưng chưa chắc là có thai hay có bịnh, nên chưa dám ngỏ với chồng. Sự thực thì phu nhân đã có thai, và đến giờ sửu ngày mồng ba tháng bảy năm kỷ vị (1799) thì phu nhân sinh được một câu trai rất mực khôi ngô, tuấn tú.

Người con trai này trước lấy tên là Định, khét tiếng thần đồng, sau đổi tên là Siêu, nổi danh thần Siêu.
Ấy là cụ Nguyễn Văn Siêu, tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình, người mà chúng ta đương đọc truyện hôm nay.

___

1. Tân chú: Theo Phương Đình Dư Địa Chí, tỉnh Hà Nội, thời Lê gọi là Đông kinh, đặt phủ Phụng Thiên, lĩnh hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương.Nhà Tây Sơn gọi là Bắc Thành.
+Năm đầu Gia Long cũng gọi Bắc thành tổng trấn , gồm 11 trấn gồm Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương.. .
+Năm Minh Mạng đổi Sơn Nam thượng trấn làm Sơn Nam trấn lĩnh 4 phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân, Khoái Châu. Năm thứ 12, bỏ Bắc Thành tổng trấn, bỏ Sơn Nam trấn, thuộc vào trấn Sơn Tây.Lấy Hoai Đức, Ứng Hoà, Lý nhân,Thường Tín của trấn Sơn Nam cũ làm tỉnh Hà Nội.
Phủ Thường Tín gồm các huyện Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, . Thanh Oai thuộc phủ Ứng Thiên. Huyện Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức. Phủ Hoài Đức đời Lê thuộc Sơn Tây.( Ngô Mạnh Nghinh dịch, Tụ Do, Saigon, 1960 , 218-220). Phan Huy Chú trong Dư Địa Chí ghi vùng đất Thăng Long xưa là Sơn Nam ; đời Quang Thuận gọi là thừa tuyên Thiên Trường, gồm các phủ Thường Tín, Ứng Thiên, Khoái Châu. . . (LTHCLC, KHXH, Hanội, 1992, tr.84.)
Quốc Triều Đăng Khoa Lục ghi NGuyễn Văn Siêu sinh năm bính thìn (1798), quán xã Dũng Thọ, huyện Thọ Xương,tỉnh Hà Nội, đỗ phó bảng khoa mậu tuất (1838) năm Minh Mạng thú 19, lúc 43 tuổi ( Trúc Liêu dịch, bộ QGGD, Saigon, 1962, 64.
Dịch giả chú sai, bính thìn thì sinh năm 1796.
Dương Quảng Hàm ghi rằng Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 và mất năm 1872. Tuy nhiên, theo Nam Phong t.XXIII, tr.328, và theo Quốc Triều Đăng Khoa Lục,q.10, tờ II b thì
Nguyễn Văn Siêu sinh năm bính thìn (1796), người thôn Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, nay là phố Án Siêu ở thành phố Hà nội. Ông sang sứ Trung Quốc năm 1849.(VNVHSY, TTHL, Saigon, 1968,tr. 357, chú 9)
Theo Trần Trung Viên, Nguyễn Văn Siêu (1797-1872) quê ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, mất năm Tự Đức thứ 25 (1872), thọ 74 tuổi (VDBG)
+Đại Nam Liệt Truyện chép Nguyễn Văn Siêu người Hà Nội, tiên tổ sanh ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, sau phụ vào huyện Thọ Xương, không chuyên về học khoa cử, dù đỗ hương tiến thường cáo từ đi tuyển cử, sau mới đỗ tiến sĩ ât khoa . Mất năm 74 tuổi. (Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập iv, 1993, tr.190). Tài liệu này rõ ràng hơn cả.
Ngày xưa cũng như ngày nay, việc học để mở mang kiến thức và cũng là một cách có công việc cho bản thân và cho xã hội. Học thì tất phải thi, phải có bằng cấp. Đã là cao nhân yếm thế thì cần gì phải thi cử? Đã thi cử tức là đi vào trần lụy. Còn bị bãi chức hoặc can gián, điều trần mà vua không nghe phải cáo bệnh ẩn dật, thì cao hơn những kẻ chịu đấm ăn xôi! Than ôi, xưa cũng như nay, không có việc làm thì lấy gì để sống ở đời ngoại trừ những kẻ giàu sang? Vua có ý kiến của vua, sao lại bắt vua phải theo ý kiến của mình?Vua không nghe thì tức giận, còn vua thì sao? Vua sẽ nghĩ : "Một kẻ dưới quyền sao lại bắt mình theo ý của y? "Thế thì vua cũng có quyền tức giận!Nhưng cái suy nghĩ , cái tức giận của minh quân và hôn quân khác nhau!


2.Thần Siêu trong con mắt của nhà tướng sĩ Tàu.

(TS, 21)
Cụ Nguyễn Văn Siêu mình tròn, mặt vuông,tai lớn, vai bằng, lòng bàn tay đỏ thắm như son, tiếng nói sang sảng như chuông.
Lúc cụ còn hàn vi, có gặp một tướng sĩ Tàu. Nhà tướng sĩ ngắm cụ hồi lâu, rồi mỉm cười:
-"Tướng ngài gần thi đỗ trạng nguyên, gần làm đến Tể tướng. Cái mão Tể tướng trên đầu ngài một tấc, cái biển trạng nguyên trên tay ngài một gang, ngài sau lớn lên thì vói tới nơi.!"

Ai nghe nói cũng tưởng rằng một mai lớn lên sẽ làm tướng đỗ trạng nguyên cho coi. Về sau, Trạng nguyên, tiên sinh

(TS,22)
không đỗ được, mà tể tướng, tiên sinh cũng không làm tới. Nhớ lại lời tiên đoán kia ai cũng cho là "thầy bói nói mò".. Duy tiên sinh hiểu được ý nghĩa bóng bảy xa xôi của lời tiên đoán là tự biết rằng nhà tướng sĩ có ý chê mình lùn thấp nên không đậu cao và làm lớn được.

Chính vì tiên sinh người lùn thấp, nên lúc làm lễ thôi nôi cho cậu con tiên sinh, cụ Nguyễn Hàm Ninh đùa rằng:
Bất nguyện ngô nhi đại quá nhân,
Đãn nguyện ngô nhi như phụ thân
Nghĩa là:
Con ta lọ ước lớn hơn ai,
Cho được bằng cha đã chán chơi!

Câu thơ đùa, chẳng có ý gì nhạo báng! Tiên sinh có kém gì ai mà nhạo báng được? Đức hạnh kém gì ai?Tài học kém gì ai?



3.Thần Siêu trong học đường

(TS,23) Tiên sinh có khiếu thông minh từ lúc còn bé. Lúc 13, 14 tuổi học với cụ thân ở nhà, đã làm được câu liễn treo ở phòng sách:


蓬 蓽 高人

Đạo tự cổ kim vô khúc kỉnh
Thiên đa bồng tất sản cao nhân

là đạo học xưa nay không có lối rẽ đường tắt,
Trong chốn lều tranh nhà cỏ trời hay sinh ra bậc cao nhân.

Đấng tiên công trông thấy, khen rằng ngày sau tất không đến nỗi hư hèn, bèn cho theo thọ giáo với cụ Phạm Lập Trai.
Tốn Ban tiên sinh có thơ răn đời rằng:
"Nhất bái chung thân thận trạch sư"
Nghĩa là lựa thầy phải cho cẩn thận, làm

(TS, 24) sao mà chỉ một lạy mà tìm được một ông thầy cho cả đời mình.

Đúng như lời nói ấy, tiên sinh đã chọn Phạm Lập Trai tiên sinh làm thầy. Một ông thầy như thế, lại gặp một học trò như thế, thật chẳng khác nào một người thợ mặt ngọc đại tài mà gặp được một viên ngọc vô giá tha hồ mà đẽo gọt thành cái ấn của khách công danh hay là thanh gươm của kẻ giang hồ, cũng được ông thầy rèn đúc tâm tri cho học trò cũng đại loại như thế.

Tùy theo mực thước kiểu mẫu của mình đưa ra ông thầy sẽ làm cho học trò hóa ra thường nhân nếu mình là thường nhân, hóa ra cao sĩ nếu mình là cao sĩ. Sau này ta sẽ thấy văn chương và tư tưởng của cụ Phương Đình đều chịu ảnh hưởng của Phạm Lập Trai tiên sinh hết thảy. Người cụ cũng là hạng người có chí, văn của cụ cũng là văn có phẩm y như văn và người của Phạm Lập Trai tiên sinh, không khác. Họ Phạm từ khi cáo quan về vườn, vẫn lấy việc giáo dục nhân tài làm nghĩa vụ. Cố nhiên trong hàng môn đệ tất phải có lắm danh nho. Áp đảo

(TS,25) được bọn này, văn danh của Nguyễn Văn Siêu bắt đầu vang dậy khắp nơi. Trên đàn văn xứ Bắc hồi bấy giờ hễ ai nhắc đến Nguyễn Văn Siêu hay Cao Bá Quát có lẽ cũng như trong đình đền miếu mạo mà nghe đọc đến danh hiệu tước vị của các bậc Thần thánh thì người đều tỏ lòng kính mộ khâm phục, không dám xuy trích kích bác điều gì. Ấy mới gọi là "Thần Siêu Thánh Quát".





4.Thần Siêu trong trường ốc

(TS, 26)

Đến Thần Siêu mà cũng bôn ba lều chõng!Thế thì người xưa dù có mắc vào cạm bẫy của khoa cử, chúng ta cũng đừng nên trách? Phải biết rằng ở cái nước và đương cái thời mà kẻ cầm cân nhân vật chỉ bằng ở khoa cử mà xem trọng xem khinh con người,hễ ai đã không do con đường khoa cử mà tấn thân, thì đã nói gì mà ai nghe, làm gì mà ai theo! Rồi ra dầu có tài học đức hạnh cao quý thế mấy, cũng chỉ bỏ hoài mà thôi! Và như thế chẳng là trái ý trời lắm sao?

Trời sinh ra người hiền đâu phải để cho người ăn không ngồi rồi mà tự cao tự đại một mình? Từ ngoài cõi giang hồ vô sự, Châu

(TS,27)
công bước vào trường chánh trị đa đoan, đương lấy trăm nỗi lo âu khó nhọc vì nước, vì đời đã đuợc tiếng là một ông thánh ưa sự làm việc.
Có lẽ vì muốn noi theo gương của thánh Châu công mà thần Siêu mới có mặt ở trường ốc và ở trào đình.
Nhưng lạ thay! Tại sao những người có tài và trí như thế, phần nhiều lại it có duyên phận với công danh dầu có thì cũng phải ba chìm bảy nổi mới nên.Thi Hương cũng như thi Hội, cụ Nguyễn Văn Siêu cũng bốn năm khoa mới đỗ. Giống ma quỷ nào đã đã lộn vào trường ốc mà phá rầy Thần Siêu mãi thế? Không phải ma quỷ gì đâu! Chính là tại Thần Siêu chữ xấu như. . . ma! Thần Siêu học thông như thần, song chữ viết xấu như "ma" thật! Thế nên vua Tự Đức có câu
thơ đùa:
Thần đâu mà chữ xấu như ma?
Lem lọ (1) cho người ngó chẳng ra!


____

(1). Xin lỗi vong linh của cụ. Vua Tự Đức dùng chữ lọ để chòi chữ Siêu (Siêu Hán văn có nghĩa là cao cả như cao siêu, siêu nhân, siêu việt, nhưng trong tiếng nôm. siêu là cái nồi nhỏ bằng đồng hay bằng đất nung , dùng để nấu nước hay sắc thuốc)




(TS,28)
Nếu phải họa phù trừ quỷ tặc
Khôn thiêng thì phải hộ Hoàng gia!

Nếu không có bài thơ đó của vua Tự Đức dẫn ra làm bằng, thì chắc nhiều người - truờng hợp Đào Duy Anh (1) - đều không thể tin được rằng một người văn hay mà lại có chữ xấu. Nhưng theo ngu ý, thì người nào văn đã hay thì chữ phải xấu mới đúng luật thừa trừ của trời đất. Không lẽ một người mà vừa có hoa bút, vừa có hoa tay ?Vậy theo ý tôi, chữ cụ Nguyễn Văn Siêu sở dĩ không được tốt lắm là vì cụ không có hoa tay mà ra. Song một người bạn tôi lại bảo: "Lý Bạch ngày xưa nằm mộng thấy bút sinh hoa (2). Từ đó văn chương càng xuất sắc thế thì hoa bút ai tin rằng có, cũng cho là có được đi, mặc dầu chỉ có trong mộng. Còn hoa tay là cái gì đâu? chữ tốt thiếu


__
1.Ông Đào Duy Anh viết chữ cũng không đẹp lắm
2.Theo lời Thúc Giạ Thị tiên sanh, nên thêm tên ông Giang Yêm mới đúng vì điều ấy nói về Giang Yêm nhiều hơn Lý Bạch. Lý Bạch mộng bút sinh hoa chỉ thấy biên trong Sự Văn Loại Ty mà thôi"
.


(TS,29)
chi người, mà hoa tay đã có người nào thấy? Rồi ông bạn giảng giải vì sao người ta bảo rằng cụ Phương Đình không có hoa tay. Theo lời ông bạn, thì ngay từ khi cụ mới bắt đầu học khai tâm đã học được mỗi ngày những năm sáu chục trang giấy in. Học nhiều như thế thì viết sao kịp mà học? Và muốn viết cho kịp, tất phải viết bừa, viết ẩu, viết liến thoắng, thành ra suốt đời cụ chỉ quen viết thảo, đến lúc vào trường thi, muốn viết cho minh bạch chân phương cho đúng lệ trường ốc thì lại viết không được, nếu cố gắng thì phải ngồi nặn nọt từng nét, thành mất ngày giờ, trễ mất hạn nộp bài.

Vậy chỉ vì chữ viết thảo, hoặc viết không thảo thì viết trễ, bài không nộp được, mà Phương Dình tiên sinh đành lao đao lận đận mãi với khoa trường. Người không muốn biết sức học của tiên sinh thì trộm chê là học dốt, là tính chậm, người biết thì mỉa mai là hữu tài mà vô phúc này kia.

Hỏng đã nhiều lần, tiên sinh đã lấy sự bôn ba làm mệt, đã định không thèm thi nữa, nhưng ghét thấy nhân gian chỉ vì chữ

(TS, 30) phù danh mà dám bảo nhà mình phúc bạc, phạm đến lòng tự ái của tổ tiên, nên khoa ât dậu (1825), tiên sinh lại ra ứng cử ở trường Hà và quyết tìm đủ phương cách để thi cho đậu, và đậu cao mới nghe. Đã có trống thu quyển, tiên sinh vẫn như không nghe, không biết vẫn ngồi điềm tĩnh trong lều, vừa uống rưọu vừa viết bài, viết một cách thong thả kỹ lưỡng, viết xong xem lại và thấy chữ viết rõ ràng sach sẽ, tiên sinh gật đầu đắc ý rồi ôm quyển vào lòng đặt lưng nằm nghi, mỉm cười mà tự nhủ rằng:
-Ta cứ nằm yên, đợi có người nhận quyển cho ta!"

Chiều hôm ấy, sau khi thí sanh đã về hết rồi, quan giám sát đi khắp các vi trường xem còn ai lẩn vẩn đấy không. Chợt thấy một người ôm quyển nằm rên, ngài liền dắt tới nhà Thập đạo có đông đủ cả các quan trường. Hỏi ra thì người ấy khai tên là Nguyễn Văn Siêu quê ở tỉnh Sơn Tây, đi thi khoa ấy vì ngộ gió đau bụng mà không thể đi nạp quyển được

(TS, 31)
đành xin chịu hỏng, không dám trách gì phận, giận gì duyên. Nghe nói quan trường ai nấy đều tỏ vẻ thương hại, thương hại cho cái ông Nguyễn Văn Siêu tiếng tăm lừng lẫy đã lâu, đến nay còn phải lều chõng đi thi mà lại gặp phải sự xui xẻo, rủi ro bất ngờ như thế. Trong số các quan trường có cụ thủ khoa Nguyễn Hàm ninh tỏ ra có bụng lân tài hơn cả, đứng ra xin thu quyển cho tiên sinh để tỏ lòng biệt đãi. Cụ Nguyễn Hàm Ninh hồi bấy giờ tuy phẩm hàm còn nhỏ, nhưng vẫn là kẻ bề tôi sủng hạnh nhất của đức Minh Mạng nên các quan trường nể mặt nghe lời. Lúc tiễn cụ ra chấm thi trường Hà, Tùng Thiện vương có câu thơ:
Thảng ức tích Lương viên du lữ,
Giang sơn xứ xứ hữu đề danh.

Nghĩa là nếu nhớ đến những bạn thơ rượu ngày xưa vui chơi với nhau ở vườn Lương Viên (1) thì trong đất nước ta đâu đâu cũng có

___

1.Một vị quan trường ngồi uống rượu ngâm thơ vời các bạn trong vườn Lương Viên của Thạch Sùng nói với các bạn rằng:"Đệ sẽ xin vì các anh mà tìm kiếm bạn Lưu Linh . Lý Bạch ở trong đám sĩ tử khoa này.


(TS,32)
người thi đỗ, đại ý nói rằng gặp ai hay thơ hay rượu trong đám sĩ tử ứng thí khoa này thì nên lấy đỗ, để đem về kinh cùng nhau chén tạc,chén thù, câu xướng câu họa. Cụ Nguyễn Hàm Ninh đã làm tròn cái sứ mạng ấy mà Tùng Thiện vương đã ủy thác cho mình, vì khoa ấy (ất dậu 1825)), Phương Đình tiên sinh đỗ Á nguyên, nghĩa là đỗ cử nhân thứ hai, đường vào đế khuyết bắt đầu từ bước thanh vân ấy!

Từ năm sau(1828), tiên sinh mỗi khoa mỗi vào kinh thi Hội, nhưng cái thuật đau bụng không thể còn đem diễn lại một lần thứ hai, mà chữ thì vẫn còn xấu, bài viết vẫn còn trễ, nên học mãi thêm mười năm, thi mãi thêm mấy khoa, đến khoa mậu tuất (1838), tiên sinh thi hội mới đỗ, mà mỉa mai thay, lại chỉ đỗ phó bảng mà thôi!(1)

"Khoa ấy, phó bảng mười người, tựu trung có ông Nguyễn Văn Siêu là danh tiếng". Đó là lời cụ Huỳnh Thúc Kháng đã ban dạy tôi năm xưa, lời nói ấy tuy có phần vắn tắt mà đầy ý tiếc thương, tiếc thương cho ai tài cao mà đậu thấp.


___

1. Tân bình:
Ngày xưa, các cụ khi trà dư tửu hậu thường kể các giai thoại văn chương. Giai thoại cũng là một thứ truyện dân gian, nghĩa là có thể sai lầm.Nếu quả như giai thoại thì cụ Nguyễn Văn Siêu và Phạm Quý Thích đều có sai lầm. Phạm Quý Thích là một bậc mô phạm, nhất là ngày xưa cũng như bây giờ việc tập viết cũng là một môn quan trọng. Các cụ chú trọng hình thức đi đôi với nội dung, nghĩa là văn hay phải đi đôi với chữ tốt. Viết chữ tốt đâu có khó!Ngày xưa có một tráng sĩ đạt mức bách bộ xuyên dương. Người ta khen ngợi. Tráng sĩ cuời mà nói: Có hay gì đâu. Chẳng qua là tập luyện nhiều. Tập viết nhiều tất viết đẹp, dù không đạt mức cao siêu thì cũng tạm được, đâu đến nỗi bị chê xấu!

Tại sao từ lúc học khai tâm, cụ Phạm Quý Thích lại bắt học quá nhiều mà bò quên việc tập viết?Như vậy là Phạm Quý Thích làm sai quy tắc sư phạm là phải đi từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, và bỏ quên môn tập viết.
Và nêu quả như Nguyễn Văn Siêu dùng mánh lới trong thi cử thì cụ không phải là chính nhân quân tử của đạo Khổng!




(TS,33)
Nhưng sự đậu thấp ấy cũng không thương tổn gì thanh danh trọng vọng của cụ. Muôn thuở, cụ vẫn là văn hào, thi bá của nước Nam nhà.


5.Thần Siêu trong"thế kỷ Tự Đức"

(TS,34)
Người ta đã gọi là "thế lỷLỗ y thập tư' (Siècle de Louis XIV) thế thì ai cấm mình không được gọi là "Thế kỷ Tự Đức".
Vua Tự Đức nước nhà cũng như vua Louis XIV của nước Pháp chỉ vì biết yêu quý văn thơ mà trong đời mình xuất hiện nhiều văn hào thi sĩ đại tài đại danh như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát, Đinh Nhật Thận, Trần Bích San, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Phú Thứ, Tôn Thọ Tường, Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương, Lại Đức công chúa và nhiều vị nữa không kể xiết.

(TS,35)

Có lẽ từ xưa không một thời đại nào mà ở đất nước này lại nẩy nở ra được nhiều ngọn bút xuất sắc như thế!
Dực tông hoàng đế tỏ ra rất tự phụ cho văn tài của nước mình trong câu thơ:
"Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường".
Nghĩa là văn như Thần Siêu, Thánh Quát thì ngó lại văn Tiền Hán cũng mất hay, và thơ như ông Tùng, ông Tuy thì ngó lại thơ Thạnh Đường cũng mất tài.Thế là cậy có bọn ông Nguyễn Văn Siêu mà vua Tự Đức đã xem thường nghề văn Trung Quốc. Có lẽ ngài còn muốn mượn nghề văn mà hơn cả Trung Quốc về nghề võ nữa là khác! Tôi dám nói thế vì trong lời ngự phê Phương Đình tiên sinh đi sứ Tàu, sẽ tường thuật sau này có câu:" Tả trẩm chi kiến vạn lý chi ngoại" nghĩa là ngõ hầu giúp trẫm được trông thấy rõ ràng ngoài nghìn dậm. Số là theo sử Đông Hán,lúc vua Quang Võ ra đánh lấy Lũng Thục có mã Viện đồ họa hình thế núi sông rõ ràng nên chúng phục vua Quang Võ rằng

(TS,36)" Thiên tử chi kiến vạn lý chi ngoại" là nhà vua trông thấy rõ ràng ngoài nghìn dặm. Nay vua Tự Đức trưng cái điển ấy ra, phải chăng Ngài có ý bảo cụ Nguyễn Văn Siêu làm Mã Viện mà đồ họa núi sông, để mình sẽ chiếm lấy đất nước Bắc triều như Quang Võ đã chiếm lấy Lũng Thục ngày xưa?



6.Thần Siêu trên hoạn lộ,

(TS, 37.
)
Cất chân vào quan trường, cụ Nguyễn Văn Siêu được triệu vào nội các lãnh chức Hàn Lâm viện kiểm thảo.Tại nội các, nhà vua thường cùng các quan đàm luận sách sử, xướng họa thơ văn cho nên các bậc có văn tài như Phương Đình tiên sinh mà được nhà vua yêu vì kính trọng là lẽ cố nhiên, và trên hoạn đồ,tiên sinh bước nhanh,nhảy cao cũng không phải lạ.

Tiên sinh ở nội các chưa đầy một năm thì qua năm Minh Mạng 21 (canh tí 1840) đã được thăng Lễ bộ chủ sự và được đặc cách cử Phó chủ khảo trường thi Thừa

(TS,38) Thiên mặc dầu phẩm hàm còn nhỏ. Năm sau (1841), Thiệu Trị nguyên niên, thăng Lễ bộ Viên ngoại lang, lại thăng Nội các thừa chỉ. Nắm 1847, thăng Thị giảng học sĩ.Năn ấy theo hầu đức Hiến tổ ngự đến thăm hoàng tử.Hoàng tử chạy đến vỗ vai tiên sinh mà bảo rằng: "Ta nghe khanh học thức anh bác, lòng rất lấy làm kinh mộ, sẽ xin tâu với đức Hoàng phụ để vời vào nhà Tiềm để giảng học."
Nhưng việc chưa kịp tâu thì đức Hiến tổ thăng hà, hoàng tử lên nối ngôi, hiệu là Tự Đức. Tiên sinh liền được thăng Thị Độc học sĩ (1848).Năm sau, tiên sinh vâng chiếu sung chức phó sứ đi Trung Quốc, trong chiếu có châu phê rằng;
"Khanh thiên tánh thông minh, học vấn uyên bác, thử hành nghi thấu tập kiến văn, tác trẫm nhĩ mục: lịch lãm B8ác triều chư danh lam thắng cảnh, cập chư địa phương phong tục tức mệnh Quản thành tử biên tập chu tường, sị hồi trình tấn lãm, tá trẫm minh kiến vạn lý chi ngoại. Khâm thử.
Nghĩa là" Khanh tai tỏ mắt sáng, nghe rộng thấy nhiều, phen này đi ra, nên gom góp những

(TS,39)
điều nghe thấy để làm tai mắt cho trẫm; trải xem những núi sông danh tiếng, luận xét những phong tục đặc biệt của mỗi địa phương bên Bắc triều, khanh phải cho ngay Quản thành tử (cây bút) chép lại rạch ròi đầy đủ, đợi lúc về trào dâng tâu ngự lãm, ngõ hầu giúp trẫm nghe thấy rõ ràng ngoài muôn ngàn dặm. Kính lấy lời trẫm.

Sau ở Bắc Kinh về, tiên sinh đem tấu bộ "Vạn Lý Tập Dịch Trình Tấu Khảo", được thăng thụ "Tập hiền viện họ sĩ" sung chức Kinh Diên khởi cư trú

Thật là "văn chương năng đạt phận".Lại cũng nhờ văn chương, nhờ có công toản tu sách "Chính biên Thực Lục" mà sau khi cảo thành, năm 1851, tiên sinh được bổ làm án sát Hà Tĩnh, rồi đổi ra án sát Hưng Yên.

Lúc bâý giờ trong trào xảy ra nhiều việc, tiên sinh dâng sớ khẩn cầu mấy điều không được phê chuẩn, bèn thác bịnh mà cáo về vườn.



7.Thần Siêu trong việc đoán tụng,

(TS,40.)
Trong khi làm án sát, tiên sanh đã xử nhiều vụ án rất tài tình.
Ở Hà Tĩnh hiện giớ, các cụ già thường kể truyện cho cháu nghe:
Một hôm quan án Siêu đi kinh lý ở hạt Kỳ Anh, qua một tiểu ấp kia nghe có tiếng đàn bà chửi rủa om sòm, chửi ai đã bắt trộm con gà của mình đêm trước. Ngài liền cho gọi lại, gọi luôn cả dân cư trong xóm độ chừng chục nhà. Trước mặt mọi người, ngài quở mắng con mẹ già hàm lớn tiếng kia, mất con gà của đáng bao lăm mà làm huyên náo cả xóm giềng. Đoạn ngài cho mỗi người trong xóm tát cho một cái và ngài để ý xem người nào tát

(TS,41) mạnh nhất. Quả nhiên, có một người tát rất mạnh, trong khi mọi người chỉ tát khẽ thôi. Ngài liền bắt người ấy lại buộc phải bồi thường ngay cho sự chủ bởi vì nếu không ăn cắp gà thì đâu có giận người chửi kẻ ăn trộm gà mà đánh mạnh người ta để trả thù? Lý vẫn vậy, nhưng tên ăn trộm kia đã gian còn ngoan, nhứt thiết cứ giương cổ kêu oan. Ngài bèn đi ngay tới nhà hắn, thấy có đứa con độ năm tuổi đương ngồi ở ngưỡng cửa. Ngài gọi tới cho kẹo để dỗ ngọt, rồi hỏi:"Hồi hôm con ăn cơm với gì? Con có được ăn thịt gà không?"
Đưá bé ngây thơ, dại dột đáp ngay rằng có. Thế là người cha hết đường chối cãi.

*

Hết vụ ăn trộm đến vụ ăn cướp cũng do quan án Siêu xử.
Một người nọ đi chợ về, tay cầm một tấm vải, một người khác tới cướp giựt rồi hai người cùng giằng xé nhau. Việc tới quan, không bên nào chịu thua bên nào,bên này bảo tấm vải mình mua, có chủ bán làm chứng

(TS,42)
đàng hoàng, bên kia cũng bảo rằng tấm vải của mình mua, và cũng có chủ bán làm chứng đàng hoàng. Vậy thì họa có thần mới biết được tấm vải về ai. Quan huyện Kỳ Anh chưa biết t xử sao thì vừa có quan án sát Siêu tới thanh tra. Quan án liền xử rằng: " Ta nghe cả hai bên đếu có lý cả mà vải thì chỉ có một tấm, thôi thì nên xé đôi tấm vải làm hai, mỗi thằng một nửa, thế là công bằng, bây có chịu không?"

Một người chịu ngay, còn một người nhất thiết kêu rằng tấm vải của mình bán mồ hôi nước mắt mà mua, nay quan trên xé cho người khác một nửa , không khác gì xé ruột hắn làm đôi.

Quan án cười rằng: "Ừ quả thế thì tấm vải này là của mày thật, còn thằng ăn cướp kia có phải của nó đâu mà nó tiếc? Nghe nói chia đôi tấm vải thì nó ưng thuận ngay, chắc là nó nghĩ rằng vải mình không mât tiền mua mà được nửa tấm cũng là may lám rồi! Còn đòi gì nữa!"

Hồi ấy Tùng Thiện vương nghe tin tiên sinh xử nhiều vụ thần tình như thế

(TS, 43) bảo tiên sinh chép lại thành sách, ý chừng muốn có một quyển "Việt Nam Bao Công Án" nên tiên sinh có chép lại một tập tường thuật tất cả những vụ kiện lớn nhỏ mà mình đã xử. Cuối mỗi vụ tiên sinh đều kết luận rằng phương pháp mưu mô xử kiện của mình không có gì mới lạ, chỉ là biết làm theo lời dạy của người xưa, người xưa dạy rằng :"Có nóng lòng mới đỏ mặt" nên trong vụ trộm gà trên kia, muốn biết ai là thủ phạm là ai, thì phải tìm cho biết ai là người để tâm thù hiềm cái người đã chủi kẻ ăn trộm gà và nếu tiên sinh hỏi đứa trẻ con của tên trộm xem nó có được ăn thịt gà không là vì"Ra đường thì hỏi bà già, vào nhà hỏi con trẻ". Cổ nhân đã bảo như thế . Lại cũng vì cổ nhân bảo rằng "Con có đẻ có đau, của có tậu có tiếc" (hay của có tạo có tiếc") nên chỉ trong vụ cướp vải trên cả, muốn biết ai tậu ra vải, thì phải biết ai tíếc vải lúc vải bị cắt đôi.

*
Xem chơi vài vụ kiện trên kia, đủ biết tiên sinh thật là một vị quan công minh, họa chăng muôn đời mới có một.



8.Thần Siêu lúc về núi và về trời

(TS,
44.)
Lúc cáo quan về, tiên sinh không về làng cũ mà lại về ở chơi trong một sở vườn mới mở tại làng Dũng Thọ, huyện Thọ Xương (tức ngõ gạch bây giờ).
Nhìn phong cảnh đẹp tiên sinh khẽ ngâm vài câu phong vân hoa nguyệt để di dưỡng tính tình. Nhưng chợt thấy trăng ám vì mây , hoa tàn vì gió, tiên sinh lại sực nhớ nỗi mình tuổi già sức yếu, thân cùng thế cô mà thêm buồn thêm tủi, rồi chỉ muốn say khướt đê quên khuấy sự đời.

Trong lúc kẻ cựu thần ngân sầu nơi yên tĩnh, bậc minh chúa vẫn không quên nỗi nhớ

(TS,45). Song ba bốn lần được thơ vời về đế khuyết, tiên sinh vẫn một mực cố từ không chịu ra nữa. Sao vậy?Có lẽ chỉ vì cái giận là vì lá sớ mình không được phê chuẩn, hãy còn canh cánh trong lòng.
Tiên sinh ra làm quan là cốt để thi thố những điều học thức của mình nay lời mình nói ra đã không được người nghe theo, thế thì còn làm quan làm gì? Có phải làm quan như ai chỉ vì mục đích vinh thân phì gia rồi đem cả khí phách nam nhi mà nhốt vào trong mấy hộc lương tháng hay sao?

Tiên sinh tánh tình cương trực, phẩm cách thanh cao, thực là một nhà nho kiểu mẫu lúc bấy giờ. Nhưng dù cho là đức Khổng tử hay đức Phật Thích Ca cũng còn có những người không chịu phục mình, thế thì ông thần Phương Đình nhà ta vị tât mọi người đều phục!
Có người mỉa tiên sinh rằng:
Siêu đồng, siêu đất cũng là siêu,
Siêu đất sao mà lắm kẻ yêu?. .

(TS, 46)
Ký giả được ông Nguyễn Ngọc Hồ, Kiểm sát Lâm Thủy, đưa cho xem bài ấy trọn bài, nhưng chả chép hết làm gì những lời sàm ấy của lũ iểu nhân chỉ chực "bôi nhọ" người.
Dám chắc lúc sinh tiền cụ Nguyễn vẫn tự tin rằng mình trong sạch và không thèm để ý đến những điều bôi nhọ ấy.
Tiên sinh hưởng thọ đưọc 73 tuổi, năm nhâm thân (1872) đến ngày tận số, tiên sinh vẫn không đau ốm gì cả, chỉ nằm ngủ rồi ngủ dài không tỉnh lại nữa. Thật là " một giấc ngàn thu!"

Và dễ thường cũng như ông nào đó ngày xưa nằm chiêm bao thấy mình được Thượng Đế triệu về làm bài ký Bạch ngọc lâu mà nhẹ nhàng dời gót lên mây? Nếu thế thì cụ sống là sống cái đời nhà văn, nhà thơ, mà chết cũng chết theo đạo nhà văn, nhà tho?
Thôi đã có sống, ai không có chết? Chỉ có câu thơ bất hủ không bao giờ chết mà thôi!



9.Ký giả chiêm bao thấy Thần Siêu

(TS, 47.) Xưa nay có nhiều chuyện huyền bí mà khoa học chưa khám phá ra được.Linh hồn phải chăng bất tuyệt?Nhà khoa học chưa trả lời, nhưng nhà thi sĩ thì vẫn cả quyết rằng " sống khôn, thác thiêng". Và nếu vậy có lẽ lúc mình chiêm bao thấy người xưa hiện về, là người xưa về đó thật chăng?
Nói ra tất có người cho là dị đoan, nhưng sự thật ký giả đã từng thấy Thần Siêu, vị thần mà ký giả thờ làm thần Bản mệnh, về chữa thơ cho mình trong mộng một lần rồi

(TS, 48)
Nguyên trong cảnh ky lữ, ký giả có bài thơ khóc đứa con gái bị thất toại ở quê hương:
Con xa đời mới năm, ba bữa,
Mà lại xa thầy trước mấy trăng!
Đương giận sinh ly, dồn tử biệt,
Trời cao đành khóc với Thần Đăng!

Đó là mộ khúc trong bài thơ nói trên. Ký giả không vưà lòng, vì hai câu đầu không ghép vận với nhau, đọc nghe không được êm tai, sướng miệng. Ký giả nằm thiêm thiếp nghĩ hoài mà không sao chữa được. Chợt thấy một ông đầu râu tóc bạc từ đâu bước lại gần văn kỷ. Lạ thay, cụ già ấy, ký giả chưa gặp bao giờ, nay gặp, trong bụng lại bảo ngay đó là cụ Nguyễn Văn Siêu! Cụ nhìn ký giả cười mà hỏi rằng:
-"Nhà ngươi nằm mơ mộng gì đó?
À, nằm nói thơ thẩn đúng hơn!Nằm nghĩ thơ chăng? Có một câu thơ như thế mà viết bất thông! Hôm nay 17 avril 1942, người tiếp được điễn tín ở nhà gửi tới từ ba hôm trước (hôm 15 Avril) nói rằng "Tố Phương meurt". Tin điễn vắn tắt có bấy nhiêu chữ, không hề nói con ngươi mệnh chung ngày nào, làm sao nhà ngươi dám

(TS,49)
quyết chắc rằng "Con xa đời mới năm ba bữa"?Tất nhà ngươi phải nghĩ rằng "Con xa đời phải bữa kia chăng?" là cái bữa 15 Avril 1942 mà ở nhà đánh điễn cho ngươi biết." Ký giả vội vàng ngồi ngay dậy, như muốn chụp ngay lấy câu:"Con xa đời phải bữa kia chăng?"

Con xa đời phải bữa kia chăng?
Mà lại xa thầy trước mấy trăng!
Thật là:
Tằng hữu cao ngâm xuất mộng trung,
(Nguyễn văn Siêu)

Bây giớ tỉnh mộng,, ngồi mà ngâm lại cả bài:

Từ mấy hôm nay ruột thấy buồn,
Mãi bây giờ mới biết nguồn cơn.
Nhà xa chuông điễn bên tại đổ
Tiếc nỗi ngàn vàng mất đứa con!. . .

*
Con xa đời phải bữa kia chăng?
Mà lại xa thầy trước mấy trăng!
Đượng giận sinh ly, dồn tử biệt,
Trời cao đành khóc với Thần Đăng!

*
Hỡi Tố Phương con có biết đau?
Đêm này mưa gió con nằm đâu?
Dòng mưa lạnh ngắt pha dòng lệ,
Chảy xuống đất vàng thấm cạn sâu!

*
Suốt đêm mưa gió khóc nghe buồn,
Có tiếng con trong con hỡi con?
Dưới đất dế còn lên tiếng gọi,
Khôn thiêng huống nữa các oan hồn!

*

-Đất kia có đẻ ra người đâu!
Đâu biết con người, người đẻ đau!
Thảm thiết trên tay hòn máu nóng
Vô tính hòn đất nỡ vùi sâu!

*

Ngảnh lại non Hoành đất cố hương,
Mây sầu nặng trĩu khóc thành sương,
Hoa xuân còn đó, hương xuân đượm,
Con vội về đâu hỡi Tố Phương?

*

-Rút chữ trong hoa đặt chữ con,
Mà hoa mạng lại muốn dài hơn.
Như hoa trẻ mới hay cười nụ,
Hoa nở còn lâu, trẻ chẳng còn!

*

Được tiên sinh chữa cho mấy chữ, bài thơ ấy đọc đi đọc lại nghe cũng tạm được. Lại nghĩ rằng: "Nếu tiên sinh đã có lòng hạ cố, đã muốn dạy thơ cho mình, thì sao tiên sinh không chữa luôn những bài thơ mình dịch của tiên sinh, có quan hệ với tiên sinh nhiều hơn? Bảo rằng những bài thơ ấy dịch được rồi thì không có lẽ!

Âu hẳn tiên sinh chỉ điểm cho một bài thơ tự mình làm ra để mình thầm hiểu rằng thơ làm còn phải chữa huống hồ thơ dịch!

Xin xem:

ĐẨU TIẾP * THẦN SIÊU 2






No comments: