XIV
MAO với Việt nam
Bùi Tín thuật theo Jung Chang & Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
"... Hãy tìm cho ra sự thật. Hãy cùng nói lớn lên sự thật. Sự thật và nhân dân quý hơn tất cả, đáng trọng hơn tất cả ..."
1-.Mao là một nhân vật không xa lạ gì với người Việt nam chúng ta. Đảng viên đảng cộng sản, cán bộ nhà nước, học sinh, sinh viên, già trẻ lớn bé đều nhiều lần nghe nói về ''Chủ tịch Mao Trạch Động'', ''đồng chí Mao Trạch Đông'', ''lãnh tụ Mao Trạch Đông'', ''cụ Mao'',''bác Mao'', ''ông Mao'', hay cả '' Mao Chủ Xí '', '' Mao xếnh xáng '', ''Mao Xế Tủng ''...với những mức độ tình cảm khác nhau.
Có thời Mao có mặt đậm nét ở nước ta. Hầu như nhà nào cũng có ảnh Mao. Ở cơ quan, ảnh lớn của Mao cạnh ảnh lớn của Staline là bắt buộc. Sách của Mao chiếm vị trí hàng cao nhất trong mọi thư viện và tủ sách. Mâu thuẫn luận, Thực tiễn luận, Trì cữu chiến, Bàn về chủ nghĩa Dân chủ mới... của Mao được coi là sách kinh điển. Rồi Mao Trạch Đông tuyển tập', Sách bìa đỏ cầm tay (Mao tuyển), huy hiệu Mao đỏ chót, nhỏ hay có khi to bằng miệng bát, có mặt khắp nơi.
Mao tuyển
Biết bao bài thơ ca ngợi Mao, từ Tố Hữu đến Hoàng Trung Thông, Bảo Định Giang, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư ... Mao là mặt trời, là cứu tinh, là ngôi sao sáng nhất, là cây đại thụ, là ngọn hải đăng, là người Ông hiền từ, là người Bác nhân ái, là vị lãnh tụ anh minh. Đoàn nhà văn Việt nam thăm Hồ Nam, đoàn Văn công quân đội sang Bắc Kinh quay phim Xô viết Nghệ Tĩnh được gặp Mao, những bài báo, luận văn kể lại được nhìn thấy Mao, được cầm tay Mao, được tận tai nghe được lời Mao nói, được nhận một điếu thuốc từ tay Mao là những nỗi niềm hạnh phúc quý báu nhớ đời.
2-. Trong các cuộc chỉnh huấn, kiểm thảo, trong cải cách ruộng đất, các lớp học trường đảng Nguyễn Ái Quốc, lời Mao dạy về đấu tranh giai cấp, về chính quyền từ họng súng, sùng bái đấu tranh vũ trang, đề cao bần cố nông, sỉ vả trí thức tư sản không bằng cục phân... được coi là những chân lý tuyệt đối và vĩnh cửu.
Tại Đại hội đảng lần thứ II ở Việt Bắc tháng 2- 1951, ông Hồ Chí Minh từng chỉ tay lên ảnh Staline và ảnh Mao treo cao trên hội trường và nói: ''hai vị lãnh tụ này của chúng ta không bao giờ phạm sai lầm, Bác có thể bảo đảm chắc chắn như thế''. Đến Đại hội đảng cộng sảnlần thứ III tháng 9-1960 ở Hànội, tư tưởng Mao Trạch Đông được ghi vào Điều lệ của đảng làm ''nền tảng lý luận và tư tưởng''.
3-. Trong Đại nhảy vọt của Trung quốc, ông Hồ Chí Minh là người hưởng ứng đầu tiên; ông đọc hàng ngày các báo Trung quốc, sưu tầm những tin ''hay nhất'', có nghĩa là ly kỳ - người thường khó tin nhất -, gửi ngay sang báo Nhân Dân để đăng. Như tin về nông dân xây lò cao trong sân nhà. Như bài Mao viết dạy rằng năng suất lúa có thể tăng gấp 3 lần không khó khăn, chỉ cần giống tốt, đủ nước, đủ phân, từ nay trồng lúa năng suất cao sẽ nhàn hạ như trồng hoa, làm vườn, diện tích có giảm một nửa vẫn thừa ăn. Một thời gian ngắn cuốn sách Kinh nghiệm Đại nhảy vọt của Trung quốc của tác giả Trần Lực (một bút danh ông Hồ) ra với số bản in cao nhất, trong đó nói về đủ thứ về sau bị coi là hoang đường, như thảm lúa năng suất gấp 5 lần bình thường, từng đoàn văn công nhảy trên thảm lúa mà cây lúa vẫn đứng thẳng, như diệt chim sẻ bằng chiêng trống. ''Chí Minh'' có nghĩa là cực sáng mà có lúc cũng mụ mị tin vào những chuyện nhảm nhí đến vậy thì con cháu có mụ mị lầm lẫn cũng là dễ hiểu.
Ông Hồ và Mao xếnh xáng tại Bắc Kinh (12/1957)
4-. Đọc cuốn sách của Jung và Jon về Mao, độc giả Việt nam dễ dàng đối chiếu và liên tưởng đến Việt nam, đến đảng Cộng sản Việt nam, đến những người lãnh đạo ở Việt nam vì 2 đảng đều chung một lò Đệ tam quốc tế Cộng sản mà ra, cùng coi Moscow là đất thánh của mình, cùng suy tôn Staline là lãnh tụ đàn anh, lại cùng chung nền văn hóa khổng giáo kiểu Nho gia, chung nền tảng kinh tế tiểu nông... Gần đây, trong năm 2007 này, 4 vị tứ trụ triều đình cộng sản Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, cũng như các vị cầm đầu các đại ban của trung ương đảng như Hồ Đức Việt (ban tổ chức trung ương ), Tô Huy Rứa (ban tuyên giáo) đều sang tận thủ đô đỏ Bắc Kinh để học hỏi kinh nghiệm đàn anh, và nhắc đi nhắc lại sẽ luôn theo gót chân những kẻ đang kế thừa Mao, đổi mới chứ không đổi màu...
5-. Hai đảng cộng sản Trung quốc và Việt nam sao mà giống nhau đến thế! Ví dụ khi Mao kể cho nhà văn và nhà báo Edgar Snow về cuộc chiến đấu rực lửa của Hồng quân qua cầu Đại Độ rằng 6 hàng xích sắt lớn nối 2 đầu cầu bị nung đỏ, phía trước là các ụ súng máy không ngừng nhả đạn, mà 22 Hồng quân vẫn bò qua mở đường, thì người cả tin nhất cũng phải thấy có cái gì không ổn, không hợp lý, không thể có thật, không thể ''nuốt trôi được''. Quả nhiên đây là chuyện Mao bịa ra, dựng đứng lên để thần tượng hóa quân lính mình. Ta có thể liên tưởng đến chuyện ở Việt nam ta, về em Lê Văn Tám ở cầu Thị Nghè Sài gòn năm 1946 đã tẩm xăng vào người thành đuốc sống để chạy thẳng vào kho đạn ở phía trong doanh trại địch cách hàng trăm thước làm kho đạn nổ tung. Câu chuyện được truyền tụng suốt nửa thế kỷ, thành kịch, tranh, thành ''vườn hoa Lê Văn Tám'', ''giải thưởng Lê Văn Tám'', để rồi cuối đời tác giả của nó phải lên tiếng cải chính là chuyện bịa 100%. Triệu triệu con người đã mụ mị, kể cho nhau chuyện phi lý: làm sao bật lửa tẩm xăng vào người thành đuốc sống mà còn có thể bước nổi đến một bước ngắn, chưa nói đến chạy hàng trăm mét!
Cũng như mới đây chuyện nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm chiến đấu một mình một súng, đọ sức một buổi với 120 lính Mỹ cường tráng, bị bắn vỡ trán còn hô 2 lần Bác Hồ muôn năm! Thật ra trong hồi ký của cô không hề có chuyện cô cầm súng, không hề có chuyện cô được huấn luyện để chiến đấu; mấy trang cuối cô chỉ tả nỗi lo sợ, làm sao bảo vệ mấy thương binh nặng trong khi cô mệt rũ đói lả, bộ đội địa phương huyện Đức Phổ bỏ chạy hết. Cứ theo như cuốn hồi ký thì Trâm đã nêu cao gương hy sinh tận tuỵ, đã là đáng quý rồi. Việc tô vẽ thêm nghe theo lời kể vu vơ của một anh lính Mỹ vớ vẩn nào đó để thêm một chiến công ''dỏm'', vẽ rắn thêm chân dài, để rồi phong Anh hùng, thì thật là quá lố! Làm hại cả một tấm gương quý, làm gia đình cô khó xử, cũng làm hại uy tín Bộ quốc phòng, nhẹ dạ khờ khạo đến vậy.
đấu tố kiểu TQ
đấu tố tại VN
6-.Để có những quyết định cá nhân ngông cuồng, và bắt buộc toàn đảng phải chấp nhận những ''sáng kiến'' tối tăm của mình, Mao trì hoãn các cuộc đại hội đảng theo quy định trong Điều lệ đảng là cứ 5 năm phải họp đại hội đảng một lần; lẽ ra sau Đại hội VIII họp tháng 9-1956, thì Đại hội IX phải họp vào khoảng tháng 9-1961, Mao trì hoãn cho đến tháng 8-1969 mới triệu tập đại hội IX, nghĩa là chậm đến 9 năm. Chính trong khoảng cách 13 năm ấy, Mao tự mình đề ra những chính sách ngông cuồng ''Đại nhảy vọt'' và “Cách mạng văn hóa'' đưa đất nước vào tình trạng bi thảm.
Ở Việt nam cũng vậy. từ Đại hội đảng I (tháng 3 -1935) ở Ma Cao (Trung quốc), đến tháng 2-1951 mới họp Đại hội II ở Việt Bắc, nghĩa là cách đến 16 năm, sau đó đến tháng 9-1960 mới họp Đại hội III, cách 9 năm, rồi lại đến năm 1976 mới họp Đại hội IV, nghĩa là cách đến 16 năm. Hoàn cảnh chiến tranh không phải là lý do chính đáng, vì chiến tranh vẫn có thể và lại càng cần họp đại hội một cách thiết thực để có những quyết định sắc bén, xác thực, tập trung trí tuệ của tập thể, tránh độc đoán, chủ quan, tùy tiện. Ở Việt nam, nếu như những vấn đề cực lớn như Cải cách ruộng đất (với đặc điểm chiếm hữu ruộng đất và phân chia giai cấp rất khác biệt ở nông thôn nước ta), cải tạo công thương nghiệp (cũng với những đặc điểm riêng ở Việt Nam ta), chính sách sau kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước (đặc biệt là chính sách với chính quyền và quân đội cũ ở miền Nam) đều không có thảo luận tập thể, một hay vài vị tự cho là thông minh sáng suốt nhất, không ai bằng, còn xung quanh toàn những kẻ xu nịnh tâng bốc lãnh tụ, cúi đầu vâng dạ, làm sao đất nước không lạc hậu, dân không lầm than, để cho bi kịch thuyền nhân bi thảm xảy ra làm chấn động thế giới mà lãnh đạo cho là điều tốt, còn nhân dân bị o ép vẫn dửng dưng vô cảm.
7-.Bên cạnh Mao, những quần thần cương trực khảng khái yêu nước thương dân thì ít, cực hiếm, còn gian thần xiểm nịnh thì quá thừa. Những Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Vương Minh, Chu Đức... đều bị thanh trừng, tra khảo, đầy đoạ thể xác và tinh thần đến chết thảm thương. Còn những gian thần như Lâm Bưu thì xu nịnh, tâng bốc Mao, cứu Mao khỏi nguy cơ trông thấy rồi cũng bị thải loại và bỏ chạy. Cũng như ở Việt nam, những Trần Độ, Nguyễn Hộ, Chu Văn Tấn, Dương Bạch Mai, Trần Xuân Bách, Đặng Kim Giang, những trí thức khá lớn Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo..., những văn nghệ sĩ quý tự do như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, Bùi Minh Quốc, Hà Minh Tuân, Việt Phương... đều bị từ kiểm điểm, tra khảo đến hành hạ, tù đầy, quản thúc, gia đình bị đày đoạ, phân biệt đối xử theo. Rõ ràng ở Việt nam cũng như ở Trung Quốc, những người bị thải loại nhìn chung đều có trí tuệ, tấm lòng với đất nước và đạo đức cao hơn những kẻ cầm quyền. Thiệt hại cho quê hương, đất nước không sao kể xiết.
“những đôi mắt mang hình viên đạn” (Lạng Sơn 1979)
8-. Cho đến thời kỳ ''đổi mới'' hiện nay, ở Trung quốc và Việt Nam vẫn còn những kẻ cơ hội sùng bái Mao và chế độ độc đảng, dị ứng với những giá trị của thời đại. Họ đàn áp những chiến sĩ dân chủ, bỏ tù những chiến sĩ dũng cảm dám đứng dậy đòi tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do bầu cử cho nhân dân. Điều rất đáng trách là vẫn còn những kẻ tự nhận là trí thức mà còn mụ mị làm thầy cãi cho chế độ độc đảng tệ hại kiểu Mao. Tiêu biểu gần đây là Phạm Toàn nào đó viết bài trên talawas lập luận rằng chớ nên đòi quyền dân chủ vội, hãy đợi 15, 20 năm nữa. Anh ta lại còn như thích thú lấy mấy cái trung tiện (đánh rắm) hôi hám làm bài học chính trị nhớ đời của mình (!); dân chủ hóa cũng như trung tiện (!), phải chờ cho đến đúng lúc, không sớm quá, không muộn quá. Cái gian xảo của anh trí thức ''dỏm'' này là đưa một hiện tưởng thuộc bản năng hoàn toàn sinh lý áp dụng vào một vấn đề thuộc trí tuệ sáng tạo trong lãnh đạo chính trị. Sự mụ mị đến tận cùng, còn dơ dáy về trí tuệ và nhân cách! Mà hình như anh ta còn là nhà sư phạm ! Anh ta hoàn toàn vô cảm không thấy trì hoãn trả lại tự do, dân chủ, trì hoãn luật pháp chỉ một ngày thì hàng triệu người dân, đồng bào mình, bị khổ cực oan ức ra sao. Một anh trí thức mụ mị coi Mao là thần tượng ắt trí tuệ bệ rạc đến thế.
9-. Điều quan trọng hơn nữa với bạn đọc Việt nam khi nghiền ngẫm về cuốn sách của Jung và Jon là cái mô hình quản lý xã hội mà Staline và Mao đã chọn sau Cách mạng tháng Mười - 1917 ở Nga và sau 1-10-1949 ở Trung quốc, đồng thời ứng dụng mô hình ấy ở Việt Nam và hơn 10 nước ''xã hội chủ nghĩa '' khác ở Đông Âu, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Cuba, cái mô hình ấy liệu vẫn còn sức sống nào, dù có cải tiến chút ít ?
Đặc điểm của cái mô hình ấy là: duy nhất một đảng cộng sản thống trị xã hội không chia sẻ với một đảng phái nào khác; được gọi là độc quyền đảng trị; thực hiện công nghiệp hóa vội vàng gấp gáp, lấy công nghiệp nặng làm trung tâm; hạn chế sở hữu cá nhân, tiêu diệt quyền tư hữu; nghiêm cấm tự do báo chí và thủ tiêu quyền tự do tín ngưỡng; thủ tiêu nền văn hóa truyền thống dân tộc, thực hiện văn hóa vô sản, thực tế là nền văn hóa cổ súy đấu tranh giai cấp tàn bạo, đẫm máu, đầy bạo lực, bất công.
Cả mô hình này đã đổ vỡ, phá sản tận gốc ở Liên Xô; Staline đã bị hạ bệ, bị cả thế giới và dân Liên Xô nhận ra là kẻ sát nhân tàn bạo hơn phát xít Hitler, nay đến lượt Mao đang được dân Trung quốc và thế giới nhận định lại cho thật đúng với thực tế. Các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc có thái độ nửa vời, đổi mới chút ít về chính trị và văn hóa, đổi mới nhiều hơn về kinh tế, nhưng vẫn duy trì chế độ độc quyền đảng trị. Trong Đại hội XVII (tháng 10-2007) họ vẫn nhắc đến Marx và Mao là bậc thầy; họ không dám hạ bệ Mao, họ đưa ra luận thuyết: ''Mao có 2 phần đúng, một phần sai'' có nghĩa về cơ bản vẫn là nhân vật lịch sử có nhìêu thành tích và cống hiến.
Công trình của Jung và Jon chính là một công trình khoa học lịch sử đồ sộ, đáng tin cậy, chứng minh Mao là một nhân vật hoàn toàn tiêu cực, là kẻ giết người hàng loạt, là tên đao phủ sô 1 trong lịch sử loài người, là tên dâm loạn, kẻ vô đạo đức, đầy thú tính, chịu trách nhiệm về cái chết của 70 triệu sinh mạng Trung quốc và các nước, trong đó có nhân dân Việt Nam, Triều Tiên, Cambốt, Lào, Mông Cổ, Tây Tạng ... Cuốn sách đang đi dần, ngấm dần vào nhận thức của nhân dân Trung Hoa, lay động lương tri và trách nhiệm của họ đối với hiện tại và tương lai đất nước. Đây có thể là cuốn sách có sức lay động sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại Trung quốc. Jung và Jon đã làm một việc tốt đẹp và cao quý, lại rất thiết thực.
10-. Cuốn sách cho ta bài học lớn. Hãy tìm cho ra sự thật. Hãy cùng nói lớn lên sự thật. Sự thật và nhân dân quý hơn tất cả, đáng trọng hơn tất cả. Dù là Staline, dù là Mao, dù bất cứ ai khác một thời được nể trọng, được sùng bái cũng phải đặt dưới nhân dân. Nhân dân nuôi sống chúng ta. Nhân dân làm nên lịch sử. Cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao quý nhất. Kẻ ngự trị trên đầu nhân dân, đẩy dân vào lầm than tủi cực chết chóc lạc hậu không thể là người tốt, đáng kính được. Phải biết hoài nghi một cách khoa học. Tự mình tập độc lập suy nghĩ, tự tìm ra sự thật và chân lý cho mình, cho đồng bào mình. Jung và Jon đã lật nhào thần tượng, không chửi bới, không thóa mạ, không đao to búa lớn. Lời lẽ ôn tồn, đưa ra nhân chứng, bằng chứng, để cho bạn đọc suy nghĩ và kết luận.
11-. Cuốn sách có một số lần nói đến Việt nam, đến Hồ Chí Minh gặp Mao và gặp Staline ở Moscow cuối năm 1949. Tác giả kể rằng cuối đời mình, Mao tỏ ra hài lòng với Chu Ân Lai ngay khi Chu đang bị bệnh ung thư hành hạ, vào cuối năm 1974, Chu vẫn chỉ đạo việc cho quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa (Paracels) do quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam đóng giữ, trước khi quần đảo này kịp rơi vào tay các đồng chí của họ ở Bắc Việt Nam.
bia kỉ niệm tại Hoàng Sa
do hải quân VNCH lập trước 1974
bia do hải quân Trung Quốc bịa,
ghi là do Trung Hoa Dân Quốc (!) lập năm 1935
Chỉ một nét ấy thôi là đủ để thấy rõ và sâu tham vọng của Mao, của Chu, của Đặng Tiểu Bình đối với Việt Nam ta. Chưa nói đến chuyện 5 năm sau đó, tháng 2-1979, Đặng xua quân vào 6 tỉnh miền Bắc nước ta giáp giới với Trung quốc tàn phá tan hoang từ nhà ở của dân, phá từ giường tủ, nồi niêu, bát đĩa cho đến nhà máy, trường học, bệnh xá, cầu cống, đường sắt... đến hàng vạn xác chết đồng bào và chiến sĩ ta. Vậy mà đảng vẫn không cho nhắc đến những ngày ''kỷ niệm đen tối'' hằng năm này, không cho đặt vòng hoa trước các mộ liệt sĩ, sợ làm phật lòng các đồng chí Trung quốc đàn anh.
Jung và Jon gợi ý cho người Việt ta một suy nghĩ sâu xa: ta được hưởng lợi gì khi suy tôn Mao làm lãnh tụ chính trị và tinh thần, khi lấy tư tưởng Mao làm nền tảng, để đến bây giờ vẫn tôn những người kế thừa Mao là đồng chí, là anh em, là nguồn kinh nghiệm quý?
Cuốn sách của Jung và Jon nhắn nhủ người Việt chúng ta rằng: người Trung quốc chúng tôi đã nhận ra bộ mặt thật của Mao rồi đó, dù cho những người cầm quyền ở Bắc Kinh vẫn còn giả đui giả mù. Mao thực sự chịu trách nhiệm về cái chết của 70 triệu sinh linh, trong đó có hàng triệu đồng bào Việt nam của các bạn rồi đó. Các bạn có nên tiếp tục theo tư tưởng của Mao, mô hình quản lý xã hội của Mao, vừa gia giảm lại vừa giữ gìn học thuyết Mao, phi Mao hóa một cách nửa vời, vừa nói dân chủ vừa giữ độc quyền một đảng, vừa nói dân chủ vừa cấm tư nhân làm báo, ông Nguyễn Minh Triết nói y hệt như Hồ Cẩm Đào, ông Nguyễn Tấn Dũng nói y hệt như Ôn Gia Bảo, có nên như vậy mãi chăng?
Cuốn sách này, các đảng viên cộng sản Việt nam cần đọc, trí thức Việt nam cần đọc, tuổi trẻ Việt nam cần đọc. Những người lãnh đạo, cầm quyền cần đọc. Để rồi tìm cho ra sinh lộ cho nước ta, cho dân ta.
Giữa lúc một số trí thức văn nghệ sĩ có tâm huyết đề ra tổ chức một cuộc trao đổi về tình hình và lối ra cho dân tộc ta, khởi đầu bởi các bạn Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Mai Thái Lĩnh... cuốn sách Những điều chưa biết về Mao ra mắt thật đúng lúc, vì mối quan hệ Việt - Trung luôn có ý nghĩa quyết định đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của Việt nam ta. Độc lập, tự chủ, chủ quyền toàn vẹn, quan hệ hợp tác bình đẳng, hội nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ văn minh phải chăng là con đường phải theo của nhân dân ta trong quan hệ Việt - Trung. Từ bỏ dứt khoát thái độ sùng bái, phụ thuộc, bất bình đẳng, quỵ lụy, đàn em, để bị lấn lướt hiếp đáp miệt thị, thiệt hại đủ đường và không sao lường hết...
Khi biết và đọc những bài này, từ trong nước một số người còn nặng lòng với ''bác Mao'' sẽ lại vu cáo tôi là theo lập trường phản động, bôi xấu đảng và nhà nước ta, rồi lải nhải là tôi bất mãn, phá hoại. Xin trình cả làng: tôi cất công phỏng dịch và tóm tắt công trình này chỉ vì lòng ngay dạ thẳng, vì thương dân mình chưa có tự do, yêu đồng bào mình chưa hoàn toàn giải thoát khỏi nạn độc quyền đảng trị, xót xa với tuổi trẻ mình còn bị mê hoặc, nên quê hương ta vẫn hèn kém so với thiên hạ. Cái nhục lớn này toàn dân ta hãy tỉnh dậy. Cuốn sách này là loại sách thức tỉnh. Cần và quý lắm.
Các bạn hãy tìm đọc toàn bộ cuốn sách đồ sộ, phong phú, biên tập cực kỳ công phu, với tâm huyết tràn đầy này. Không gì thay được nguyên bản. Trong khi chờ đợi, xin hãy vui lòng với bản phỏng dịch và tóm tắt trong 14 bài này, tôi làm gấp trong 3 tháng qua, miệt mài, say mê, ở tuổi 80, không tránh khỏi sơ xuất, xin được miễn thứ.
Một số tên Trung quốc trong sách này, là do anh Phùng Nguyên ở Paris phiên âm giúp ra tiếng Việt, xin cám ơn anh. Xin chân thành cám ơn các bạn.
Paris, tháng 10-2007
Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)
Tái bút: Các bạn quý mến,
Khi cuốn sách nhỏ này đang in, tôi nhận được email của Jung Chang và Jon Halliday gửi từ London với những lời như sau:
’'Chúng tôi hết sức vui mừng được bạn cho biết cuốn sách của chúng tôi về Mao đã có ích và bạn đã sử dụng cuốn sách cho những bài viết của bạn.
Cuốn sách đã được in rất đẹp bằng chữ Hán ở Hong Kong và phát hành tốt ở Đài loan. Tuy bị cấm trên lục địa, nhưng một số cuốn đã vào trong nước. Một số ấn bản khác được in trộm và phát hành rộng ngay trong nước, chưa kể một số bản khác được lấy xuống từ máy computơ. Từ trong nước, chúng tôi được biết một người lái xe tải đã chở sách này vào tỉnh Tứ Xuyên để bán.
Dù cho chính quyền ngăn cấm, cuốn sách được nhiều nhận xét và bình luận thuận lợi từ người trong nước.
Ở Bắc kinh, một người nước ngoài đã mua được bản tiếng Anh từ trong một hiệu sách...''
Xin chia sẻ niềm vui trên với các bạn.
Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc
Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)
Lựa chọn
Trang in Trang in
Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè
"Đăng Nhập" | Log vào/Đăng ký độc giả | 0 Ý kiến
No comments:
Post a Comment