Friday, March 26, 2010

MAO TRẠCH ĐÔNG 10

X
MAO trong cuộc Cách mạng văn hoá vô sản
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

"... Qua cuộc Cách mạng Văn hoá vô sản, Mao đã đạt được mục đích: duy trì quyền lực đã giành được không bị mất vào tay kẻ khác. Với biết bao nhiều sinh mạng và tổn thất cho nhân dân và đất nước ..."

Một bích chương của vệ binh đỏ
có ghi: “Hãy đập tan thế giới cũ,
thiết lập một thế giới mới!”
1-.Gọi là Cách mạng văn hoá vô sản, thật ra không có gì là cách mạng, cũng chẳng có gì là văn hoá, hay vô sản cả. Đây chỉ là thủ đoạn riêng của Mao để duy trì bằng được quyền lực cá nhân, khi quyền lực ấy bị lung lay.

Bước nhảy vọt lớn do Mao đề xuất với Công xã nhân dân, công nghiệp hoá lấy công nghiệp nặng làm trung tâm, các lò cao nông thôn, trò diệt chim sẻ, chính sách trưng thu lương thực... đã đưa Trung quốc vào thảm trạng chết đói rộng khắp, lòng dân hết chịu nổi. Đại hội đảng VIII họp từ năm 1956, lẽ ra Đại hội IX phải họp vào năm 1961, theo điều lệ đảng qui định. Nhưng Mao e ngại. Vì nếu họp giữa nạn đói lớn, khi các chính sách lớn đều phá sản thì Mao sẽ mất quyền, mất chức. Người sẽ thay thế Mao có thể sẽ là Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật số 2, được Quốc hội bầu là Chủ tịch Nước ngày 20-4-1959. Trước đó, Mao vừa là Chủ tịch đảng vừa là Chủ tịch nước. Lưu Thiếu Kỳ vốn là người ngay thẳng, dám góp ý với Mao, can ngăn Mao về những chính sách nóng vội, phiêu lưu.

2-. Tháng 2-1962 cuộc họp lớn của toàn đảng được triệu tập về Bắc Kinh, có 7 ngàn đại biểu, từ đó được gọi là Hội nghị Bẩy Nghìn.

Ý định của Mao là duy trì các chính sách cũ với một vài điều chỉnh, vin cớ là những vấp váp trên con đường cách mạng là chuyện thường, đó là chi phí cho học tập và thử thách, lỗi là tại bộ máy thực hiện, sẽ thay đổi cán bộ ở cơ sở... Mao đồng ý sẽ giảm trưng mua lương thực 34% nhằm xoa dịu nông dân. Mao để 2 tuần lễ cho mọi người tha hồ phát biểu ý kiến ở các nhóm. Nhưng ai cũng dè dặt vì tại hội nghị Lư Sơn tháng 7-1959 tấm gương Bành Đức Hoài bị trừng phạt ra sao do nói thẳng nói thật còn đó. Hai tuần tẻ nhạt trôi qua.

Mao yên trí ôm ấp các cô gái ở ngay một phòng riêng trong Đại lễ đường nhân dân và quyết định kết thúc cuộc họp trong ngày duy nhất họp toàn thể ở hội trường lớn, tại đó Mao đã thảo ra một bài kết luận sẵn và sẽ giao cho Lưu Thiếu Kỳ tuyên đọc.
Nhưng bất ngờ xảy ra. Sáng 27-1 Lưu Thiếu Kỳ không đọc bài Mao viết sẵn. Trước 7 ngàn đại biểu chăm chú Lưu lần lượt chứng minh các chính sách vừa qua đã lần lượt phá sản và tàn phá đất nước ra sao. Dân không có ăn, có mặc, xã hội thiếu mọi thứ cần để sống bình thường. Tình hình năm 1961 là bi thảm nhất. Lưu cao giọng: không có Nhảy vọt lớn, chỉ có nhảy vọt dài về phía sau. Lưu đề nghị giải thể Công xã nhân dân, từ bỏ bước nhảy vọt và ngừng chương trình công nghiệp hoá. Phần lớn 7 ngàn đại biểu tán thành lời nói thật của Lưu, môt số tiếp lời Lưu, yêu cầu từ bỏ chính sách cũ.

Mao bị một cú bất ngờ, một vố đau. Nhưng rất ranh khôn, Mao giữ kín sự cay cú đến phát điên, tìm chiến thuật xoa dịu, tỏ ra đồng tình và kéo dài cuộc họp nhằm đối phó. Chiến thuật của Mao là nhận thiếu sót, nhưng đổ tội cho quan chức cấp tỉnh, cho Bộ Nông nghiệp.

Vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ-Vương Quang Mỹ

3-. Phản công chính của Mao là gọi ngay Lâm Bưu đến để bàn mưu thâm. Sáng 29, Phó chủ tịch đảng Lâm Bưu lên diễn đàn ngay. Lưu cao giọng: ''Những thất bại là cái giá phải trả cho khôn lớn. Mao chủ tịch bảo thế. lời Mao chủ tịch bao giờ cũng đúng...'' Thế là Mao được cứu. Mao tự tin trở lại, khen Lâm và ngầm báo cho Lưu rằng: ngươi sẽ không thoát khỏi tay ta.

Cuộc họp kết thúc với không khí trở lại như bình thường; có những phát biểu khá gay gắt về tình hình đói kém, những không ai dám nói đến trách nhiệm của Mao, không dám đụng đến tên Mao, không ai dám phân tích sâu sắc nguyên nhân thật sự của tình hình bi thảm. Ngày 30-1-1962 Mao kết luận, lần đầu tiên từ khi làm chủ tịch 1-10-1949, Mao tự phê bình nhưng với sự lý giải chung chung: ''vì tôi là chủ tịch nên tôi phải nhận trách nhiệm'', v.v... Ngay sau đó, Mao chịu giảm thuế nông nghiệp, giảm trưng thu nông sản, giảm chi phí đóng tàu ngầm nguyên tử, giảm viện trợ cho các nước khác, tăng đầu tư cho nông nghiệp. Người dân được tương đối tự do sang Hồng Kông; hàng loạt người bị thanh trừng những năm 1957-58, lên đến 10 triệu, được phục hồi.

Rõ ràng là nhờ sự ngay thật, dũng cảm của Lưu Thiếu Kỳ mà nạn đói được chấm dứt, nông thôn và thành thị dễ thở hơn. Nhưng Lưu sắp phải trả giá.

4-. Mao nghiền ngẫm cách trả thù cay độc nhất đối với Lưu. Bằng cuộc Cách mạng văn hoá vô sản.

Tháng 5-1966 Mao thành lập Tiểu tổ Cách mạng Văn hoá để lãnh đạo, gồm Giang Thanh vợ Mao làm Tổ trưởng, Trần Bá Đạt nguyên thư ký riêng của Mao làm thường trực, Khang Sinh cầm đầu cơ quan mật vụ làm cố vấn, thêm Diệp Quần vợ Lâm Bưu làm ủy viên. Mao giao cho Lâm Bưu và Chu Ân Lai thay mặt đảng và chính phủ chỉ đạo Tiểu tổ này.

Nền tảng của cuộc Cách mạng này là uy tín tuyệt đối của Mao và không khí sùng bái cá nhân Mao đưa lên mức cao nhất để không một ai dám chống lại.

Nhân dân Nhật báo và đài phát thanh hầu như chỉ nói về Mao, những lời dạy và chỉ thị của Mao, ảnh Mao thường chiếm cả trang, in màu, chữ đỏ. Tổng kết lại có 1 tỉ 100 ngàn ảnh màu lớn chân dung Mao, 4 tỉ 8 huy hiệu Mao đủ cỡ, 1 tỉ tuyển tập Mao gọi là Mao tuyển, không biết cơ man nào là sách nhỏ Mao, bìa đỏ cầm tay, mà ai cũng có trong tay để đọc và học thuộc lòng...Sách nhỏ Mao bìa cứng còn được dùng để đập vào mặt, cổ, ngực, gáy nạn nhân, gây thương tích.

Ngày 13-6, Mao ra lệnh ngừng học trong cả nước để học sinh sinh viên làm cách mạng văn hoá. Thanh niên đều được ăn ở tại trường, đi lại bằng phương tiện công cộng đều miễn phí.

Mao 8 lần lên lễ đài Thiên An Môn, mặc quân phục xanh, đội mũ két mang hình sao đỏ, ve cổ áo mang 2 miếng dạ đỏ, cánh tay mang băng đỏ in 3 chữ Hồng Vệ Binh, thắt lưng da lớn, để duyệt hàng ngũ Hồng vệ binh.

Lợi dụng đặc tính tuổi trẻ hiếu động, ưa phiêu lưu, dễ kích động, thiếu suy nghĩ chín chắn, Mao chỉ thị cho họ phải có gan lớn hành động đảo lộn đập phá xã hội cũ, bạo động và tạo loạn, hung hãn với mọi kẻ thù của cách mạng, không chút thương xót, nương tay.
Những nạn nhân tiêu biểu đầu tiên là một bà hiệu trưởng trường trung học Bắc kinh bị đấu rồi đánh đá đến chết ngay tại trường và ''Nhà văn Nhân dân'' Lão Xá 69 tuổi bị bắt quỳ rồi bị xỉ vả đánh đập ngay tại trụ sở Hội Nhà Văn, đêm ấy ông nhảy xuống hồ.
Tiếp theo là hàng trăm giáo sư trường đại học Bắc kinh và Thanh Hoa, hàng trăm nghệ sỹ ưu tú nhà hát-múa-kịch Bắc kinh bị đưa ra đấu tố, đội mũ lừa, mặt bị bôi nhọ nhem, hết '' văn tố '' đến ''võ tố '', hàng chục người bị thương tích và chết, không ít người thắt cổ, uống thuốc ngủ liều cao, nhảy lầu...

Mao chỉ thị cho Hồng vệ binh trung ương và địa phương giao lưu kinh nghiệm và khí thế, làm cho tướng Trần Nghị sau này nhận định: cả nước biến thành trại giam, nơi tra tấn và địa ngục rộng lớn.

Theo lệnh Mao, bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị ra chỉ thị cho lực lượng công an toàn quốc không được can thiệp, cản trở, mà phải ủng hộ mọi hành động của Hồng vệ binh.
Những kẻ tham lam trong Hồng Vệ Binh mặc sức đi cướp phá các nhà có của, cướp đoạt vô vàn của quý, trang sức, vàng bạc, kim cương, đô la, đồ cổ, tranh cổ, sách cổ quý hiếm. Riêng Bắc Kinh có 6.843 di tích lịch sử được xếp loại, 4.922 bị phá huỷ và xâm hại, một sự tàn phá chưa từng có từ thời trung cổ.



Vương Quang Mỹ


và Lưu Thiếu Kỳ bị vệ binh đỏ đấu tố

5-. Khi không khí khủng bố đã có đà trong cả nước, Mao bắt tay vào cuộc trừng phạt kẻ tử thù: Lưu Thiếu Kỳ, kẻ dám phạm thượng, phê phán chính sách của Mao tháng 2-1962 trước 7 nghìn quần thần của Mao.

Ngày 5-8-1966 Mao ra quyết định truất mọi chức của Lưu Thiếu Kỳ, và nói rõ từ nay nhân vật số 2 là Lâm Bưu. Ngày 25-12-1966, trước ngày sinh nhật thứ 73 của Mao, 5 nghìn hồng vệ binh đi diễu hành giữa Bắc kinh, các xe gắn loa vang lên lời hét: Đả đảo Lưu Thiếu Kỳ! Ngày 1-1-1967 theo lệnh Mao, trên tường phía ngoài nhà ở của vợ chồng Lưu trong khu Trung Nam Hải bị vẽ nhiều khẩu hiệu lớn đả đảo vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ - Vương Quang Mỹ.

Lưu lấy Vương Quang Mỹ vào năm 1948. Vương lớn lên trong gia đình quyền quý. Cha bà là một chính khách và nhà ngoại giao lớn; mẹ bà là nhà giáo dục. Bà tốt nghiệp ngành vật lý trong một trường dòng do người Mỹ mở ở Trung quốc. Bà có học bổng trường Đại học Michigan (Hoa kỳ) nhưng từ chối để ở lại trong nước và gia nhập Đảng CS. Vợ cũ của Lưu bị Quốc dân đảng sát hại. Lưu quen Vương từ khi ở trong căn cứ đỏ. Hai vợ chồng tin yêu nhau rất mực và cùng chung quan điểm chính trị.

Trước khi giáng đòn quyết định với Lưu, Mao vẫn có chút do dự do uy tín Lưu quá lớn. Lưu từng ở Liên Xô những thời gian dài. Lưu là nhận vật Trung Hoa duy nhất còn sống và từng gặp Lénine ở Moscow năm 1921. Tối 13-1 Mao cho mời Lưu đến ''Phòng 118'' giữa Đại Lễ đường Nhân dân cố nhẹ nhàng trò chuyện, với ngụ ý rằng nếu Lưu tỏ ra mềm dẻo, quay lại thần phục Mao hoàn toàn thì Mao sẽ rộng lượng bỏ qua. Lưu điềm đạm nhưng kiên quyết không chịu khuất phục. Lưu chính thức đặt vấn đề từ chức đề về nông thôn sống như dân thường. Lưu yêu cầu Mao chấm dứt cuộc Cách mạng văn hoá, đừng trừng phạt ai nữa và nếu cần thì hãy chỉ trừng phạt một mình Lưu này mà thôi.
Ít ngày sau điện thoại của Lưu bị cắt. Cuộc quản chế không có xét xử bắt đầu. Ngày 1-4-1967 báo Nhân dân nhật báo gọi Lưu là ''tàn dư con đường tư bản''. Giang Thanh vì ghen tỵ với Vương Quang Mỹ chỉ đạo các cuộc đấu tố Vương trên đường phố; Vương phài mặc váy bẩn, cổ mang vòng hạt ngọc giả làm bằng nhựa như quả bóng ping pong. Bà bị bọn sinh viên tay chân Giang Thanh đánh đập đá, bắt cúi đầu quỳ xuống, nhưng bà vẫn ngẩng cao đầu đứng thẳng dậy. Về sau, một kẻ cầm đầu nhóm sinh viên độc ác này khi kể lại phải thừa nhận bà có nghị lực và nhân cách phi thường. Sau mỗi trận bà đều viết thư cho Mao nói rõ sự khinh bỉ của mình.

Nhằm đánh quỵ vợ chồng Lưu, vì biết rằng 2 vợ chồng rất gắn bó tin yêu khuyến khích an ủi nhau, Mao giở trò độc ác tách riêng 2 người, đấu mỗi người một nơi. Vì sợ Lưu phát biểu trước quần chúng những điều bất lợi cho Mao, lỡ ra nhà báo nước ngoài nghe được, Mao yêu cầu chỉ tổ chức đấu vợ chồng Lưu trong khu Trung Nam Hải, với những thanh niên là số lấy trong lực lượng bảo vệ. Để có bằng chứng truy tố ra toà án, Mao và Tiểu tổ cách mạng Văn hoá cùng Khang Sinh tìm mọi cách để khai thác mọi người có quan hệ gần gũi với vợ chồng Lưu. Hàng trăm người bị bắt, bị tra tấn, đe doạ, mớm cung. Cả một nhà tù được mở rộng để giam giữ số người trong ''vụ án Lưu Thiếu Kỳ''. Sử Triết (Shi Zhe), phiên dịch tiếng Nga ở Moscow, từng dịch cho Lưu khi gặp Staline, bị bắt giam đầu tiên. Rồi vợ chồng Lý Lập Tam (vợ người Nga), vợ chồng Lạc Phủ (Trương Văn Thiên) đều bị giam tại đây. Nhưng không có một bằng chứng nào có giá trị. Tất cả các tội làm việc cho Quốc dân đảng, cho Nhật bản, cho Liên Xô, chống đảng CS, cộng tác với CIA... đều chỉ là tưởng tượng. Mao không dám để cho điều tra viên hỏi cung trực tiếp vợ chồng Lưu vì sợ Lưu sẽ đưa ra những ý kiến xác đáng phê phán và kết tội chính Mao và các chính sách của Mao với những chứng cớ rõ ràng. Mao đành dùng cách đi tìm bằng chứng gián tiếp, nhưng vô hiệu. Vụ án bế tắc.

Tuổi trẻ bị kích động vào cuộc thanh trừng
do mưu đồ cá nhân của Mao

Vương Quang Mỹ bị giam 12 năm, có lúc nằm liệt giường hàng năm. Mẹ của bà chết trong tù, khi gần 80 tuổi. Lưu bị liệt một chân trong tù, bị mất ngủ liên miên, còn mắc bệnh tiểu đường và viêm phổi.

Một cuộc họp Trung ương đảng bầu ra từ Đại hội VIII năm 1956 được Mao triệu tập vội trước khi có Đại hội IX để chính thức ra quyết định khai trừ Lưu. Thật ra đây là thiểu số trung ương, chẳng có giá trị, vì quá nửa uỷ viên trung ương được bầu đã bị Mao thanh trừng. Tại hội nghị Chu Ân Lai đọc lời kết tội Lưu là: ''một kẻ phản bội, tay sai của kẻ thù, một con người thối nát''. Có lẽ chẳng ai tin chuyện ấy, cả Chu và cả Mao nữa.

Tháng 4 - 1969 tại Đại hội IX, họp sau Đại hội VIII đến 13 năm, sau những cuộc thanh trừng đẫm máu do Mao chủ trương, sau cái chết của ít nhất là 36 triệu nông dân khốn khổ điêu đứng và binh sỹ bị ném vào chiến tranh do những chính sách phiêu lưu của Mao, Mao củng cố được vị trí Hoàng đế đỏ của mình.

Mao dửng dưng báo tin cho đại hội là Lưu đang hấp hối.

Ngày 11-2-1968 trong nhà tù, vào lúc tỉnh táo, Lưu Thiếu Kỳ đã viết bản cãi tội cuối cùng, lên án thái độ độc đoán của Mao, một thái độ Mao có từ những năm 1920. Đây là văn kiện quý giá cho các thế hệ sau.

Tháng 10-1969 Lưu ốm nặng thêm. Cựu chủ tịch nước Trung Hoa nay là một người tù được chuyển bằng máy bay từ Bắc Kinh đến Khai Phong. Lưu tắt thở vào ngày 12-11-1969, sau 3 năm bị tù tội hành hạ. Ông được chôn ở một nơi kín đáo, với một bí danh, còn được báo là mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, để không ai dám đến gần nơi chôn. Ngày ông chết được giữ kín.

Bà Vương Quang Mỹ vợ ông sau đó vẫn bị quản thúc khắt khe, bà chết lặng lẽ ngày 13-10-2006 ở Bắc kinh (thông tin này không có trong sách của Jung và Jon; là một tin phụ trên báo Trung Quốc, trong sự dửng dưng của giới cầm quyền kế thừa Mao).

6-. Qua cuộc Cách mạng Văn hoá vô sản, Mao đã đạt được mục đích: duy trì quyền lực đã giành được không bị mất vào tay kẻ khác. Với biết bao nhiều sinh mạng và tổn thất cho nhân dân và đất nước. Nhìn lại, sự kiện bi thảm có một không hai trên thế gian này không có tý gì là cách mạng, là cực kỳ phản văn hoá, vô nhân đạo, còn đầy đoạ đến tận cùng giai cấp nghèo khổ vô sản.

Cuộc cách mạng văn hoá vô sản ở Trung quốc đặt ra cho mọi người một câu hỏi day dứt: làm sao một con người, với tham vọng không giới hạn, lại có thể dắt mũi, không chế, hành hạ, nhào nặn hàng tỉ con người theo ý riêng của mình, với những hậu quả không sao lường hết.

(còn nữa)

Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)


Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc

Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)


Lựa chọn

Trang in Trang in

Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè

No comments: