XII
MAO trong những ngày tháng cuối đời
Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
"... Mao coi kẻ thù dân tộc, kẻ thù giai cấp nhẹ hơn kẻ thù trong nội bộ đảng, nhẹ hơn những đồng chí cộng sản cũ của mình rất nhiều ..."
1-. Những ngày tháng cuối đời của Mao từ 1974 đến 1976 là thời gian Mao ốm đau, lo nghĩ trong tình trạng bấp bênh nhằm duy trì quyền lực cho đến chết - theo đúng nghĩa, với ước mong không bị mất quyền khi còn sống, sau khi mình tắt thở diễn biến ra sao cũng mặc.
Với một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thời gian cuối đời này, Mao chứng kiến cái chết của nhiều nhân vật từng gắn bó với mình, từ Bành Đức Hoài, Vương Minh, Hạ Long, Chu Đức, Khang Sinh, đến Chu Ân Lai, Tưởng Giới Thạch...Bảy cái chết của những nhân vật này gợi lại các mối quan hệ khác nhau với Mao.
2-. Cũng trong thời gian 3 năm cuối của Mao, cuộc đấu tranh khi ngấm ngầm khi quyết liệt diễn ra giữa 2 thế lực: một bên là ''liên minh bộ ba'' gồm Đặng Tiểu Bình - Chu Ân Lại - Diệp Kiếm Anh với một bên là '' lũ bốn tên '' gồm Giang Thanh - Trương Xuân Kiều - Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn. Cả 2 bên đều tự nhận là trung thành, chí cốt với Mao, đứng về phía đảng, dân tộc, nhân dân và cách mạng.
Thái độ của Mao trong thời gian này biến chuyển theo kiểu chập chờn lên xuống thất thường không dứt khoát, nhưng theo xu hướng gắn bó chặt với ''lũ bốn tên'' do chính Mao đẻ ra, với Cách mạng Văn hoá do chính Mao đề xướng, để rồi buộc phải từ bỏ dần những quái thai tệ hại ấy, đi đến nhượng bộ từng bước ''liên minh bộ ba'' được công luận và quần chúng ủng hộ ngày càng mạnh mẽ, với cuối cùng là lời trối trăn trứ danh: lật đổ, đảo chính cũng được, nhưng hãy dành cho vợ ta và lũ chúng nó (chỉ lũ 4 tên), nhưng phải để sau khi ta chết đã !
“Lũ bốn tên”: (hàng trên) Vương Hồng Văn, Trương
Xuân Kiều, (hàng dưới) Diêu Văn Nguyên, Giang Thanh
3-. Dưới đây là những diến biến cụ thể.
Từ tháng 5-1972, bác sĩ phát hiện Chu Ân Lai bị ung thư bọng đái, báo cáo với Mao. Mao ra lệnh: giấu kín Chu và gia đình Chu, không được mổ vì Chu đã cao tuổi; đến tận tháng 5-1974 - 2 năm sau, bệnh quá nặng, Chu đái ra máu nhiều, Mao mới cho mổ thì quá muộn rồi. Thật ra Mao có mối thâm thù với Chu là vào những năm 1931-32, khi Chu là thường trực bộ chính trị của đảng Cộng sản đóng ở Thượng hải, Chu đã ra quyết định khai trừ Mao ra khỏi đảng vì Mao để cho quân lính có những hành động thổ phỉ ở vùng Giang Tây. Sau này Chu đã cúi đầu phục vụ Mao hết mức, nhưng mối hận cũ Mao không quên. Mao chỉ muốn Chu chết trước mình và giữ cho Chu không phản mình khi Chu còn sống.
Thế là ngay khi Chu ốm nặng, Mao triệu tập 300 cán bộ cấp cao đưa ra một tài liệu từ năm 1932 lấy từ báo Thượng Hải lá thư công khai từ bỏ đảng CS ký tên bí danh của Chu lúc ấy, và bắt Chu kiểm thảo. Chu bị nhục, mất ngủ suốt mấy đêm, viết những lời tự sỉ vả mình và thề trung thành đến cùng với Mao. Để thấy Mao thâm độc chừng nào khi Chu từng phục vụ Mao như một tên nô lệ, theo dư luận nhận xét.
Vẫn chưa hết. ngày 22-6-1973 hiệp ước Mỹ - Xô được ký về ngăn ngừa cuộc chiến tranh hạt nhân, thế là Mao dồn tất cả giận dữ lên đầu Chu. Sau đó Mỹ quay lại không từ bỏ sự công nhận chính quyền Đài Loan như Kissinger từng hứa với Chu, Mao cũng gọi Chu đến mắng mỏ. Thái độ quá đáng của Mao đã là giọt nước làm tràn ly, và cuối cùng Chu đã tách mình dần ra khỏi Mao và ''lũ bốn tên'' để gắn gó ngày càng chặt với Đặng Tiểu Bình và Diệp Kiếm Anh thành ''liên minh bộ ba'', theo cách gọi của giới tướng lãnh hồi ấy.
Chu còn rất cay vì bị Mao đối xử ác độc. Vợ chồng Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu (Deng Yong Chao) không có con, có một con nuôi rất cưng là Tôn Duy Thể (Sun Wei Shi), phiên dịch tiếng Nga và tiếng Anh loại xuất sắc. Tôn lại đẹp kiểu kiêu sa quý phái, Mao có lần tán tỉnh không được. Trong cao trào chống xét lại Liên Xô, Giang Thanh vốn ganh ghét với Tôn mang cô ra đấu, cô bị tra hỏi về những cuộc dịch cho Staline, bị nhục hình và chết thảm trong tù.
4-. Thời gian cuối của Mao cũng được đánh dấu bằng thái độ luôn lo sợ Liên Xô tấn công xâm lược hay hãm hại mình. Nỗi lo này ngày càng lớn kể từ dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười ở Moscow năm 1964 khi nguyên soái Malinopski rỉ tai Chu và nguyên soái Hạ Long gợi ý gạt bỏ Mao như Liên Xô vừa gạt bỏ Khrouchtchev. Từ đó quan hệ Trung - Xô đóng băng, Hạ Long và mấy trăm bộ hạ bị tra tấn cầm tù đến chết. Tháng 6-1969 Hạ Long chết trong tù sau khi bị tra khảo và tra cung hàng trăm lượt. Tháng 6-1975 vợ con Hạ Long tổ chức truy điệu chồng và cha, Mao ra lệnh không được đọc diễn văn và không được có vòng hoa nào trong cuộc truy điệu. Thế nhưng lệnh Mao không được tôn trọng nữa và chính Chu Ân Lai đến dự và đọc điếu văn.
Mao sợ Liên Xô đến mức từ cuối 1964, không một cán bộ Trung quốc nào được sang Liên Xô; và cuối 1975 khi đoàn Liên Xô sang Bắc kinh để đàm phán về vấn đề biên giới 2 nước sau xung đột quân sự trên sông Issouri năm 1969, Mao phải sơ tán xuống Hoa Nam, luôn ở dưới hầm tránh bom nguyên tử. Mao tính rằng từ Ngoại Mông đến biên giới Trung Hoa chỉ 5 trăm kilômét lại bằng phẳng, xe tăng Liên Xô có thể tiến công sang nên Mao ra lệnh dựng lên nhiều dãy ''núi nhân tạo'', cao chừng 30 , 40 mét, rộng chừng 4 , 5 trăm mét ở bên ngoài Bắc kinh, cho đến phía ngoài khu Trung Nam Hải, tốn nhiều công sức của quân lính và dân công.
6-. Sang năm 1974 cách mạng văn hoá đã chấm dứt, các trường học đã mở lại, nhưng không ai được nhận định cuộc cách mạng ấy là sai lầm và thất bại. ''Lũ bốn tên'' vẫn được Mao bảo vệ, bọn Giang Thanh vẫn lộng hành.
Giang Thanh vẫn sống trong xa hoa, kiêu ngạo và buông thả. Giang từng nịnh Mao đến độ vênh váo: ''Tôi là con chó của Mao chủ tịch, chủ tịch bảo tôi cắn ai là tôi cắn''; Giang mê chơi chụp ảnh, dùng những ống kính đắt tiền nhất; Giang từng bắt hải quân cho 4 tàu chiến biểu diễn trên biển và pháo binh bắn đạn thật để chụp ảnh chơi; Giang bắt các cô phục vụ mình luôn quỳ, cúi rạp đầu, không được để đầu cao hơn đầu mình; nghĩ rằng các bà được truyền máu thanh niên sẽ khoẻ lên mọi mặt, nhất là về sinh lý, Giang lệnh cho bốn thanh niên hầu cận để bác sĩ của Giang lấy máu truyền cho mình, khi Mao biết được liền ra lệnh cấm; Giang bắt xây bể tắm lấy nước từ suối cách xa gần chục kilômét; Giang còn bắt người phục vụ đuổi bắt hết chim, ve sầu ở quanh nhà để bà lớn ngủ được yên...
Trong năm 1975, Mao còn nhượng bộ ''lũ 4 tên '' cử Trương Xuân Kiểu, mưu sĩ thâm hiểm được gọi là ''Rắn hổ mang'' - Cobra , làm phó cho Chu trong việc nắm chính quyền và nắm quân đội, nhưng bị Chu từ chối, cho Mao biết Trương từng làm việc cho cơ quan tình báo Quốc dân đảng.
7-. Từ sau sinh nhật lần thứ 80 tháng 12-1973, sang năm 1974 sức Mao giảm sút trông thấy. Mắt như mù hẳn, chân đi không vững, phải ăn nằm nghiêng trên giường. Tháng 7-1974 Mao đi nghỉ ở phía Nam trong 9 tháng. Các bác sĩ phát hiện Mao đã mắc một bệnh hiếm có, hiểm nghèo. Đặc điểm của căn bệnh này là một số tế bào thần kinh bị hủy hoại dần không ngăn chặn được, liệt từ bắp thịt chân tay, lên đến liệt họng, lưỡi, không nhai, không nói, không nuốt được, cuối cùng là liệt phổi đến tắt thở. Bệnh này gọi là bệnh Charcot, cực hiếm nhưng chưa có cách chữa, diễn biến trong 2 năm là chết. Chu và một số lãnh đạo chủ trương không để Mao biết, cũng không cho '' lũ bốn tên '' biết chuyện này.
8-. Trên giường bệnh Mao được biết Bành Đức Hoài chết trong tù ngày 29-11-1974. Bành là tử thù của Mao dám chống Mao quyết liệt nhất ở Lư Sơn. Mao ra lệnh không được báo tin ngày chết của Bành, cũng như trước đó Lưu Thiếu Kỳ chết ngày 12-11-1969 ở trại tù Khai Phong, Mao cũng ra lệnh không được loan tin, không có lễ tang hay lễ kỵ mấy năm sau, dù Lưu từng là Chủ tịch nước.
Ngày 5-4-1975, Tưởng Giới Thạch, tổng thống và lãnh tụ Quốc dân đảng chết ở Đài Bắc, thọ 89 tuổi; được tin Mao có thái độ hơi khác thường. Suốt cả ngày Mao gần như không ăn uống, mở băng ghi âm nghe nhạc buồn, cả ngày không gặp một ai, có lúc còn lau nước mắt. Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng từng hợp tác kháng Nhật, Mao có lúc ở trong cơ quan lãnh đạo Quốc dân đảng, nhưng cũng nói, viết không biết bao nhiêu câu chửi rủa Tưởng nặng lời nhất. Thật khó hiểu. Chỉ biết rằng Mao coi kẻ thù dân tộc, kẻ thù giai cấp nhẹ hơn kẻ thù trong nội bộ đảng, nhẹ hơn những đồng chí cộng sản cũ của mình rất nhiều.
Đặng Tiểu Bình cùng Lưu Thiếu Kì và Chu Ân Lai
9-. Giữa năm 1975 , Mao để Đặng Tiểu Bình từ nơi quản thúc trở về giúp Chu Ân Lai, vì việc quản lý nhà nước quá trì trệ. Đặng rất cay đắng với cách mạng văn hóa tàn phá đất nước, phá nát đảng, sắn tay cùng Chu ổn định tình hình, khôi phục sản xuất bình thường ở thành thị và nông thôn. Đặng rất bất bình với Mao, chống '' lũ bốn tên '' nhưng không dám đi xa hơn.
Đặng rất chê Chu đã tỏ ra cơ hội, mềm yếu trong chống bất công, còn tham gia thanh trừng tàn bạo theo lệnh Mao, nhưng nay thấy Chu có phần tách khỏi Mao, bất bình với '' lũ bốn tên '', nên đứng ra liên kết với Chu và Diệp Kiếm Anh, hình thành nhóm ''liên minh tay ba'', theo cách gọi hồi ấy của một số tướng lĩnh tiến bộ. Diệp từ 4 năm nay không mặn mà với cách mạng văn hóa, bị Mao bắt về hưu vì lý do sức yếu, nay thấy tình hình chuyển biến, liền quay lại chính trường. Nhà Diệp nhộn nhịp suốt ngày, các tướng lĩnh và sĩ quan tiến bộ nôn nóng muốn sớm loại bỏ lũ bốn tên tập hợp ở đây. Diệp nói chuyện thân mật với các sĩ quan, không gọi Mao là Mao chủ tịch như trước mà gọi là ''người số 1'', còn nói theo tiếng Anh là ''năm bơ oăn'' (number one). Các viên tướng đòi hành động gấp, Diệp chìa ngón tay cái ra xoay 1, 2 vòng rồi chỉ xuống đất, ý nói để khi Mao chết đã.
Liên minh tay ba Đặng - Chu - Diệp ngày càng có ưu thế, đến độ có lúc Đặng đập bàn quở mắng Giang Thanh về các tội vô kỷ luật, ''làm trái lời Mao chủ tịch''. Mao vẫn không chịu thừa nhận cách mạng văn hóa là sai lầm, còn cố đưa Vương Hồng Văn vào chính quyền để làm phó cho Chu nắm cả quân đội. Chu bỏ mặc Vương ngồi đó mà không giao một việc gì.
10-. Tháng 5-1975, Mao dự cuộc họp bộ chính trị cuối cùng trong đời mình. Mao thều thào nói, rất khó nghe. Nhiều lúc không hiểu Mao muốn nói gì. Mao kêu gọi: hãy giữ đoàn kết, xin đừng chia rẽ, chớ là kẻ xét lại..., chớ có âm mưu... rồi cuối cùng nói như trăn trối với số ngồi cạnh, trong đó có Đặng và Chu : nếu có tính đến một cuộc đảo chính thì hãy dành cho mụ vợ ta và lũ chúng nó (chỉ lũ bốn tên), sau khi ta chết (in ngiêng trong sách).
10-. Chu bị ngất xỉu rồi chết ngày 8-1-1976, thọ 78 tuổi. Mao lo sợ nhân tang lễ của Chu tình hình sẽ diễn biến xấu cho mình, liền ra lệnh quản thúc Đặng. Thế là Đặng lại bị giam lỏng một lần hơn 3 tháng nữa. Mao cử Hoa Quốc Phong một con người mờ nhạt chỉ biết vâng dạ mình thay Chu làm thủ tướng và cử tướng Trần Tích Liên, một viên tướng còn mờ nhạt hơn nữa nắm quân đội.
10-. Đầu tháng 6-1976 Mao bị liệt họng và lưỡi, khó thở rồi bị một cơn đau tim nặng, bước vào thời kỳ hấp hối, chỉ thở bằng máy; tử thần đã gõ cửa. Cũng vào lúc này, Chu Đức chết vào ngày 6-6-1976, thọ 90 tuổi. Chu Đức là Nguyên soái đứng đầu 10 vị nguyên soái của Hồng Quân từng bị Mao kết bè với Lâm Bưu để hạ thấp trong cuộc trường chinh. Trong cách mạng văn hóa, Mao để cho Chu bị đấu rất tàn nhẫn rồi cho về nghỉ hưu trong bần hàn và cô đơn. Mao rất e ngại uy tín và đức tính thẳng thắn ngay thật của Chu Đức. Mao sợ tang lễ Chu Đức sẽ tạo nên rối loạn. Sau khi lễ tang ổn, Mao mới đồng ý cho Đặng trở về.
Đặng trở thành người hùng của Trung quốc từ đó và nhất là sau khi Mao chết. Đặng (1904 - 1997) là người Tứ Xuyên, từ tuổi trẻ đã di cư sang Pháp lao động và học tập. Đặng cùng Chu Ân Lai vào đảng cộng sản tại Pháp rồi sang Liên Xô hoạt động. Đặng nhỏ nhắn, chỉ cao 1 mét 55, thông minh, chơi bài bridge khá cao. Đặng tham gia cuộc trường chinh, năm 1949 chỉ huy chiến dịch lớn Hoài - Hải, Nam tiến giải phóng miền phía Nam sông Dương Tử. Năm 1955 Đặng vào Bộ chính trị, làm tổng bí thư từ năm 1956 đến năm 1966, bị gạt khỏi quyền lực trong cách mạng văn hóa, đến năm 1975 trở lại giúp Chu Ân Lai ít lâu, năm 1976 lại bị quản chế 3 tháng, để tháng 6-1976 lại trở lại tham gia xoay chuyển tình thế.
Mao tiếp Thủ tướng Bhutto (1976): Tàn tạ!
11-. Trên giường bệnh Mao vẫn muốn tiếp khách để chứng tỏ mình vẫn còn là nhân vật lớn trên thế giới. Ba tháng trước khi tắt thở Mao còn gặp Julie Nixon, con gái tổng thống Nixon bị truất phế sau vụ Watergate, đến chào, trên ngực mang huy hiệu hình Mao; Mao sung sướng như trẻ nhỏ lắc tay Julie hồi lâu. Sau đó là đoàn khách Thái lan đến, khi Mao đang ngáy một cách khó nhọc; rồi thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào phòng Mao, Mao ngồi trên ghế nệm, đầu ngả ra phía sau, há mồm, dãi chảy ra, ú ớ không thành tiếng. Khách cuối cùng là thủ tướng Bhutto của Pakistan vào tháng 5-1976, khi Mao thấy ảnh mình chụp lúc ấy trông tiều tụy quá, Mao quyết định thôi không tiếp ai nữa.
12-. Mấy tuần lễ cuối cùng Mao được đưa sang ngôi nhà ở phía Tây trong khu Trung Nam Hải, được xây dựng gấp từ mấy năm nay cho Mao, mang tên ''Dinh 202'', rộng lớn, có thang máy đưa xuống hầm bê tông sâu chống bom nguyên tử và chống động đất. Ngay trước đó một cuộc động đất lớn xảy ra tại thị trấn công nghiệp Đường Sơn, cách Bắc kinh 160 kilômét về phía Đông, làm chết 14 vạn dân (có con số lên đến 60 vạn). Ngày 5-9 Mao lịm đi, không tỉnh lại nữa. Hoa Quốc Phong, thủ tướng thay Chu Ân Lai từ 5 tháng trước cùng một số cận thần thay nhau túc trực. Giang Thanh đứng sau rèm gần giường Mao nằm, không dám lộ mặt vì nhiều lần thấy mặt bà là Mao nổi cơn tức giận. Không có một người con hay cháu nào ở gần Mao lúc này.
Cô Mạnh Cẩm Vân (Meng Jin Yun) là cô y tá được Mao ưa nhất có mặt đến phút chót, nghe Mao nói nhỏ: ta rất khó chịu, gọi bác sĩ . Rồi Mao lịm đi hẳn. Lúc ấy là quá nửa đêm rạng ngày 9 tháng 9- 1976, 12 giờ đêm và 10 phút.
(còn nữa)
Bùi Tín
(lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday)
Trang liên hệ
· Đọc thêm về Mô hình Trung Quốc
Bài được đọc nhiều nhất trong Mô hình Trung Quốc:
Đọc sách: ''Những điều chưa biết về Mao'' [kì 1] (Bùi Tín)
Lựa chọn
Trang in Trang in
Gởi đến cho bạn bè Gởi đến cho bạn bè
No comments:
Post a Comment