IV MAO và cuộc sống ở Diên An Bùi Tín thuật theo Jung Chang& Jon Halliday 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 "... Khủng bố thanh trừng và sùng bái lãnh tụ, mị dân là hai cột trụ, thành chiếc thang dang vọng và quyền lực cá nhân cao tột đỉnh của Mao..."
| Tiến vào Diên An | 1-. Diên An, thủ đô đỏ của Mao suốt 12 năm từ 1937 đến 1949 là một thủ đô khác lạ, độc đáo của thế giới. Diên An là thị trấn khép kín, phòng vệ nghiêm mật, rất ít người lạ trong nước và nước ngoài được lọt vào để tự do di chuyển và quan sát. Khách nước ngoài, chính khách, nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế... vào Diên An được hướng dẫn chặt chẽ để chỉ thu nhận những gì mà Mao mong muốn, theo kiểu đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại.
Do đó cuốn sách của Jung và Jon cho chúng ta khá nhiều điều mới lạ, chân thực vè Diên An của Mao, đặc biệt là những nét dưới đây:
2-.Ngày 1-1-1937 khi Mao và Hồng quân cùng cơ quan lãnh đạo của đảng CS kéo vào Diên An, nơi đây đã là một thị trấn khá phát triển, có nhiều cửa hàng buôn bán, có nhà thờ công giáo khá lớn, gần đó có mỏ dầu khí bắt đầu được thăm dò. Nhiều nhà thơ từng ca ngợi vẻ đẹp của vùng này với những đồi hoa 'pivoine' đỏ rực.
Được tin hồng quân đến, nhiều nhà buôn bán lớn nhỏ, các gia đình có của bỏ đi, để lại hàng trăm ngôi nhà rộng rãi. Quanh phố xá là những dãy nhà gạch xen nhà đất, cả những nhà khoét vào đồi đất mềm và hang đá ở phía xa.
3-. Mao chọn nơi ở vùng đồi Phượng hoàng phía Tây thoáng mát, quanh là các cơ quan bảo vệ và tình báo, mật vụ. Ngay sau đó một đường hầm được đào đắp để có thể an toàn thoát ra phía ngoài xa khi có động. Mao có đến 3 chỗ ở được sửa chữa kỹ, có lò sưởi, nhà tắm, phòng làm việc đủ tiện nghi, Mao ở tuỳ thích theo mùa và công việc. Các nơi này rất kín đáo, cực kỳ cẩn mật, người thường không ai biết.
| Lộ trình vạn lý trường chinh | 4-. Trong cuộc trường chinh, Mao là người hiếm hoi mang được vợ đi theo, tên là Hạ Tử Trân, còn gọi là Quế Viên, vợ thứ 3 của Mao. Bà vợ đầu hơn Mao 4 tuổi do gia đình cưới cho năm 1908, không hề có quan hệ gì theo Mao kể, chết sớm năm 1910. Vợ thứ hai là Dương Khai Tuệ, con gái thầy dạy học của Mao ở Trường Sa, cưới năm 1920, có với Mao 3 con trai Ngạn Anh, Ngạn Thanh và Ngạn Long, bà bị quân Quốc dân đảng bắt và bị bắn ngày 14-11-1930. Ngay sau đó Mao lấy Hạ Tử Trân, một đảng viên CS trẻ vào đảng khi 16 tuổi. Hà xinh đẹp, gia đình buôn bán khá giá, có học, rất mắn, đẻ 6 con với Mao, hầu hết chết do suy dinh dưỡng trong hoàn cảnh gian nan, tuy Hạ thường được đi ngựa, được cáng trên đường hành quân. Tháng 10-1937 sau khi đến Diên An, Hà đang có mang, được sang Nga chữa bệnh, để lại ở Diên An con gái 2 tuổi có tên là Chiao Chiao. Sang đến Nga, Hạ sinh con trai, đặt tên Nga là Lyova, rất giống Mao, nhưng chỉ sống được 6 tháng, chết vì sưng phổi.
5-. Trước khi Hạ Tử Trân đi Nga, Mao đã có tình ý với Giang Thanh một diễn viên có tiếng từ Thượng Hải vào khu đỏ vì ưa nổi danh và có tính phiêu lưu. Mao từng có 3 vợ thì Giang Thanh có đến 4 đời chồng trong cuộc đời phiêu lưu tình ái hiếm có. Mao mê Giang, quyết lấy làm vợ dù cho Lạc Phủ lúc ấy là nhân vật số 1 ngăn cản. Mao mua chuộc Khang Sinh, ''giáo sư đỏ'' Vương Gia Tường và uy hiếp Chu Ân Lai buộc phải tán đồng. Khang Sinh trùm tình báo là người đứng ra bảo lãnh về tư cách và thái độ chính trị của Giang Thanh. Đám cưới ở Diên An, Mao không mời Lạc Phủ. Giang Thanh trở thành ''Bà lớn Mao'' ở thủ đô đỏ, sinh một con gái ở Diên An ngày 3-8-1940, tên là Mao Lý Nạp, thường gọi là Li Na. Mẹ và con gái sau này đều thành người hùng trong Cách mạng văn hoá.
6-. Trước khi gặp Giang Thanh (Jang Qing), Mao đã gặp Đinh Linh (Ding Ling) ở Diên An, cùng có quan hệ gần gũi đặc biệt, như nhà văn cao to đầy sức sống này kể lại khi về già. Hai người họa thơ với nhau, thích thú đùa vui về '' tam toà lục viện'' những cung tần mỹ nữ quanh Mao.
| | Dương Khai Tuệ | Hạ Tử Trân | Điều mới mẻ nữa là Jung và Jon kể khá rõ về quan hệ của Mao với các phụ nữ nước ngoài ở Diên An. Helen Snow vợ của nhà văn Edgar Snow được Mao cưng chiều đặc biệt sau khi cuốn Ngôi sao đỏ trên nước Trung hoa' có tiếng vang sâu rộng. Vợ chồng Edgar Snow phất to do bán rất chạy cuốn tiểu sử mới lạ ấy về Mao. Mao tự kể rồi Edgar Snow tán tụng thêm; Mao khôn khéo giấu kín như bưng mọi quan hệ gắn bó mình và đảng cộng sản Trung quốc với Staline và Liên Xô, với Dimitrov và Quốc tế cộng sản; nêu bật chế độ trong sạch, bình đẳng, giản dị, che giấu thói quan liêu, phân chia đẳng cấp trong hưởng thụ ở Diên An, tuy Edgar Snow và vợ thừa biết rõ nhiều điều bê bối của Mao. Lily Wu một diễn viên Mỹ trẻ cuối năm 1937 đã đến Diên An để tìm hiểu một thế giới mới lạ. Do ảnh hưởng một phần của cô nghệ sĩ 26 tuổi này mà phong trào khiêu vũ ở Diên An sôi nổi một thời, có khi đều đặn mỗi tối thứ 7, với sự tham gia của Mao, trong tiếng nhạc phát ra từ một máy hát cũ. Rồi đến Agnès Smedley tự giới thiệu là nhà văn cánh tả Mỹ, có thiện cảm với phong trào cộng sản quốc tế, đến thăm Diên An. Quan hệ giữa Mao với Lily và Smedley có lúc buông thả đến mức Hạ Tử Trân vợ Mao nổi cơn ghen, chửi tục Mao là '' đồ con lợn, tối mắt với bọn gái tư sản đế quốc'', rồi xông vào túm tóc và tát Lily; với Smedley, Hạ cũng có lần chửi bới đánh tát nhưng cô này to lớn hơn đánh trả cho bị ngã quỵ. Mấy cận vệ của Mao trố mắt nhìn. Mao im lặng bỏ đi.
Sau khi cưới Giang Thanh, Mao viết thư ngắn báo cho Hạ Tử Trân đang ở Nga biết rằng ông cắt đứt quan hệ với cô. Hạ bị bệnh tâm thần từ đó; bệnh ngày càng nặng, năm 1943 phải vào bệnh viện, năm 1946 được ra viện và trở về Trung quốc. Bà không được phép đến Bắc Kinh. Đến năm 1959 theo lời kể lại của Jung và Jon, Mao giở trò ác độc thâm hiểm ''giết'' luôn bà vợ từng sát cánh mình trong cuộc trường chinh. Lúc ấy Mao đến dự cuộc họp lớn ở Lư Sơn, gần Nam Xương, nơi Hạ Tử Trân đang sống một mình. Mao được biết Hạ sức cực yếu, có lần ngất đi khi nghe tiếng Mao truyền đi trên đài phát thanh. Thế là Mao cử người đến gặp Hạ nói rằng có người quen muốn gặp. Ngày 7-7-1959 ở Lư Sơn, khi Hạ bất thần thấy Mao sừng sững lặng thinh trước mặt sau 22 năm xa cách, bà ngất lịm vì u uất cay đắng. Mao bỏ đi không một lời an ủi, còn hẹn hão là mai sẽ trở lại gặp. Từ đó Hạ phát điên đến mức không nhận ra con gái. Bà chết năm 1984 trong cảnh cô đơn kiệt sức, khi 75 tuổi.
| Một căn nhà của Mao tựa vào vách núi… | 7-. Nhà quay phim đầu tiên đến Diên An là Roman Karmen từ Moscow. Những cuốn phim phóng sự của Karmen giới thiệu khắp thế giới những cảnh đẹp, cuộc sống lành mạnh, bình đẳng, lạc quan ở Diên An với hình ảnh vị lãnh đạo Mao Trạch Đông bệ vệ, sát quần chúng, có uy tín và tài năng. Trong cuốn phim, Mao cố tình làm ra vẻ quý trọng Staline, cầm trong tay ảnh Đại Nguyên Soái rồi trân trọng đặt trước mặt trên bàn làm việc. Điều này quả nhiên được Staline xem và tỏ ra hài lòng. Tranh thủ tín nhiệm của Staline là ý định thường trực cao nhất của Mao, vì Mao hiểu rõ quyền lực của Xít trong phong trào cộng sản quốc tế và trong chọn lựa người lãnh đạo cao nhất ở Trung quốc có ý nghĩa quyết định đến mức nào.
8-. Thanh niên yêu nước có cảm tình với Cộng sản khắp Trung Hoa đổ về Diên An hàng ngìn, hàng vạn người. Nhà cửa phải sửa sang, mở rộng làm thêm để đón. Trường học, giảng đường nhiều thêm. Họ kéo đến nghiêm trang như người hồi giáo đến thánh đường La Mecque. Nhưng chỉ được vài năm đầu. Họ dần dần vỡ mộng. Một số trí thức sinh viên từ Bắc kinh, Thượng Hải, Nam kinh, Quảng châu trở về bắt đầu phàn nàn về cảnh bất công rõ rệt, làm không đi với nói, tự cảm thấy bị lừa dối. Họ kể chuyện bếp tiểu táo cho cán bộ cao, trung táo cho cán bộ cấp dưới, đại táo cho binh lính và thanh niên, học sinh. Nhiều kiểu áo quần, vải cũng khác nhau về chất lượng cho mỗi cấp. Nhà ở càng khác biệt. Thuốc men, chữa bệnh theo đẳng cấp. Có người được thuốc đặc biệt tốt, kẻ khác chỉ có thuốc lá, theo Đông y. Có người chỉ được nằm bệnh xá, người nằm bệnh viện, có cả bệnh viện riêng cho cán bộ và sĩ quan cấp cao.
Có sinh viên nói kháy: ở Diên An chỉ có ánh mặt trời và không khí là được hưởng bình đẳng như nhau.
9-. Thế rồi hàng loạt thanh niên vỡ mộng đòi trở về, đòi rời khỏi Diên An. Từ năm 1942, tình hình căng thẳng. Hầu như chỉ được đến không được đi. Thế rồi thanh trừng và khủng bố xảy ra ngày càng rộng. Diên An trở thành nhà tù lớn, trong đó các nhà tù nhỏ dựng lên không kịp. Có lúc có đến 3 ngàn tù nhân trong thủ đô đỏ, một chục nhà tù lớn và rải rác những nhà giam tạm.
Mao mở các cuộc chỉnh huấn, kiểm thảo, kiểm điểm,buộc mọi người phải viết đi viết lại những bản tự phê bình, khai báo mọi quan hệ xã hội. Các cuộc đấu tố, truy hỏi lẫn nhau, tự thú, hối cải, làm đi làm lại diễn ra không ngớt. Nhiều người phải tự bịa ra tội, tự tưởng tượng tội phản quốc, phản đảng, quan hệ phức tạp với người của Quốc dân đảng để cố tỏ ra vẻ thành khẩn, trung thành, để được yên. Tự sát xảy ra hàng ngày, từ thắt cổ, nuốt thuỷ tinh, nhảy xuống giếng...
| ”bà lớn” Giang Thanh (trái) | 10-. Tiêu biểu cho cuộc thanh trừng ở Diên An là trường hợp của Vương Thực Vị (Wang Shi Wei). Jung và Jon kể: Vương là nhà văn trẻ có hoài bão, dấn thân cho lý tưởng. Sống vài tháng ở Diên An, anh vỡ mộng. Anh viết bài đăng trên Giải phóng nhật báo chỉ trích gay gắt chế độ đẳng cấp, thái độ độc đoán khinh quần chúng trong cuộc sống hàng ngày ở Diên An. Anh còn viết báo chữ to dán trên tường phê phán thói kiêu ngạo, bất công, đạo đức giả của cán bộ. Mao tức giận thấy bài viết của Vương được nhiều người tìm đọc: bài viết của ta không có ai đọc lại đọc cái tên lếu láo ấy, không thể được ! Thế là Mao phát động cuộc đấu chống Vương, chụp cho Vương cái mũ cơ hội chống đảng,'' trotskyt '' ngoan cố. Vương bị tố cáo có lúc nói chuyện riêng dám nói xấu cả ''đồng chí lãnh tụ Staline''. Vương vào tù không có xét xử, bị chửi bới, đánh đập đến độ bị khuất phục hoàn toàn. Ít lâu sau Vương được đưa ra gặp nhà báo nước ngoài, tự sỉ vả mình là ''trotskyt'', là cơ hội, là thối tha...
Vương bị tù từ cuối 1942 đến đầu 1944 được ra tù, vẫn không được yên thân. Anh bị giết ''không rõ nguyên nhân'' vào năm 1947, khi 41 tuổi, xác được thấy dưới đáy giếng cạn ở gần Diên An.
11-. Jung và Jon nói về một nạn nhân tiêu biểu nữa ở Diên An là người phụ nữ được cử làm người vú bế và trông nom bé gái Li Na của Mao và Giang Thanh. Cô là người vú thứ 3 của Li Na; bố cô chết trên đường hành quân, gồng gánh lương thực cho hồng quân, ốm kiệt sức rồi chết. Cô đến Diên An vào xưởng khâu giầy vải cho hồng quân rồi được cử bế con gái Mao. Cô còn phải phục vụ Giang Thanh mỗi lần gội đầu, chải tóc. Một lần Giang Thanh đau bụng, đi ngoài kéo dài. Thế là Giang đổ vấy tội cho cô, vu cáo là cô bỏ chất độc vào sữa cho Mao và Giang uống. Cô bị đấu tố rồi thải loại ra ở hang đá, một kiểu trại khổ sai, phải kéo sợi từ sáng đến khuya cho đến khi tình hình dịu lại cuối năm 1944.
12-. Nhân vật khét tiếng trong cuộc khủng bố trắng ở Diên An 2 năm 1942-43 là Khang Sinh trùm an ninh. Khang Sinh ở Nga lâu, dưới trướng Staline trong những cuộc khủng bố ghê rợn năm 1938-39, bản chất gian ác. Moscow không tin Khang vì hắn dễ lật lọng, phản trắc, quan hệ lịch sử không rõ ràng nhưng Mao lại cho thế mới ''tốt'', dễ sai bảo vì mặc cảm tội lỗi. Trong khủng bố ở Diên An, Khang bày ra nhiều trò cực ác, cho rắn, rết, bò cạp và chó dữ cắn, treo người, bỏ đói và khát, lạnh cóng, không cho ngủ, đánh bằng gậy, roi ''cặc bò '', quất vào chỗ hiểm; Khang có cái tật bệnh hoạn là ưa ngằm nhìn phụ nữ khoả thân, xong quay sang hạnh hạ bằng đủ loại nhục hình để được thấy nạn nhân của hắn khiếp sợ ra sao! Khang rất lập dị, chuyên mang kính đen, áo quần đen, đội mũ đen, cưỡi ngựa ô (đen), dắt con chó cũng đen. Thật ra mọi tội ác của Khang Sinh đều được Mao biết và khuyến khích chỉ để phục vụ cho tham vọng quyền lực của riêng mình. Về sau Khang gắn bó chặt với Giang Thanh và ''lũ 4 tên'' trong cách mạng văn hóa rồi bị ung thư cấp tính, chết lặng lẽ cuối năm 1975, khi Mao cũng hấp hối.
| Bộ chính trị tại Diên An năm 1938: Từ trái sang: Mao, Bành Đức Hoài, Vương Gia Tường, Lạc Phủ, Chu Đức, Bác Cổ, Vương Minh, Khang Sinh, Hạng Anh, Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Chu Ân Lai | 13-. Nạn nhân bi thảm trong khủng bố ở Diên An còn có Vương Minh. Vương Minh, tên thật là Trần Thiệu Vũ, sinh năm 1904 từng làm Tổng bí thư một thời gian ngắn năm 1931. Mao đã loại Trần Độc Tú, Trương Quốc Đào, thu phục Lạc Phủ, Chu Ân Lai, cô lập Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức..., rắp tâm vu cáo Vương Minh là chống đảng, vô kỷ luật nhưng Vương vẫn đứng vững vì Vương có bản lĩnh, lại được Staline, Dimitrov tin cậy. Mao ngăn không để Vương đi sang Nga. Nể sợ Staline, Mao buộc phải xoa dịu với Vương nhưng vẫn nuôi mối thù không đội trời chung với Vương. Mao từng 2 lần cho bộ hạ ám hại Vương bằng thuốc độc. Một lần vào tháng 3-1942, cho bác sĩ Jin dử cho Vương uống chất calomel trộn với soude, làm Vương nôn mửa, gan và lách bị thương tổn nặng. Đến tháng 6-1948 Mao lại cho tay chân ép Vương uống chất Lysol nhằm phá hoại bộ máy tiêu hoá, Vương đau thét vang rồi ngất. Thái độ Staline một thời ghét bỏ Mao cũng thay đổi khi ''giáo sư đỏ'' Vương Gia Tường trung thành với Mao thay Vương Minh làm đại diện đảng cộng sản Trung quốc ở Moscow, mặt khác Staline có thái độ thực dụng thấy Mao củng cố được thế lực khá vững rồi. Vương đành hoà dịu với Mao, thậm chí trong một hội nghị trung ương Vương còn có lời ca tụng Mao. Tuy vậy Vương rất buồn bực vì qua đại hội VII họp ở Diên An tháng 5 và 6-1945 Vương không còn ở trong cơ quan lãnh đạo. Vương nằm im, đến đầu năm 1950 Vương sang Moscow sống cuộc đời tỵ nạn. Theo lời Khrouchtchev kể Mao còn cho tay chân sang Nga để hãm hại Vương nhưng không thành vì Vương thường cho con chó Tek của mình nếm thức ăn trước và con chó đã chết vì thức ăn có thuốc độc mạnh. Vương Minh chết ở Liên Xô ngày 27-3-1974.
14-. Từ cuối 1944, Mao xây dựng được sự sùng bái cá nhân mình đến điên loạn. Ảnh Mao in màu phóng to và khẩu hiệu ''lãnh tụ vĩ đại Mao vạn tuế'' ở khắp nơi. Bài hát ''Đông phương hồng'' vang khắp. Huy hiệu hình Mao được sản xuất ngày càng nhiều, càng lớn. Trì cữu chiến (đánh lâu dài), Tân dân chủ chủ nghĩa, Mâu thuẫn luận, Thực tiễn luận... là những tác phẩm của Mao được in và phát hành rộng rãi. Tượng bán thân rồi tượng toàn thân Mao được dựng lên. Mọi sự đều khởi đầu làm mẫu từ Diên An rồi toả rộng khắp nước. Mao từ bỏ dần chính sách khủng bố, thanh trừng, còn mị dân, làm ra vẻ khiêm tốn, tiếc những sai lầm quá đáng vừa qua với luận điệu: quá tay vì quá hăng say, lầm lỡ như pha thuốc khử trùng quá mạnh, xử sự trong màn đêm khó phân biệt đúng sai, ta địch; nhiều cán bộ được phục hồi và khen thưởng. Khủng bố thanh trừng và sùng bái lãnh tụ, mị dân là hai cột trụ, thành chiếc thang dang vọng và quyền lực cá nhân cao tột đỉnh của Mao.
15-. Ở Diên An, Mao giành thắng lợi trọn vẹn tại Đại hội VII đảng CS Trung hoa họp từ 23-4 đến 11-6-1945, khi Đức đầu hàng và Nhật sắp tan rã. Đã 17 năm, sau Đại hội VI ở gần Moscow (tháng 7-1928) nay mới có Đại hội đảng. Về sau, 11 năm nữa mới có Đại hội VIII (tháng 9- 1956) ở Bắc Kinh. Tại Đại hội Diên An 755 đại biểu về họp. Mao được cử là Chủ tịch ban chấp hành trung ương đảng, đứng đầu bộ chính trị, đứng đầu ban bí thư.
Đây là bàn đạp để Mao tiến lên chiếm lĩnh cả giang sơn Trung quốc hơn 4 năm sau.
(còn nữa)Bùi Tín (lược thuật theo Jung Chang & Jon Halliday) |
No comments:
Post a Comment