Monday, May 4, 2009

NGUYỄN THIÊN THỤ * VĂN CHƯƠNG TRUYỀN KHẨU XXV




TRUYỆN HÀI XHCN


tập XXV

NGUYỄN THIÊN THỰ
sưu tầm

MỤC LỤC

421. QUAN HỆ VỢ CHỒNG
421. VẤN ĐỀ LƯƠNG BỔNG
423. CỘNG SẢN
424. BỆNH SARS
425. PHAN ĐÌNH GIÓT
426. NGÔN NGỮ VIỆT CỘNG
427. ĐƠN XIN TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚi
428. ĂN QUA LOA
429. CÁN BỘ VIỆT NAM SANG NGA
430. KHÓC CƯỜI BÊNH VIỆN RẠCH GIÁ
431. KHÓC CƯỜI BÊNH VIỆN PHÚ YÊN
432. KHÓC CƯỜI BÊNH VIỆN HÀ NỘI
433. KHAI SANH VÀ KHAI TỬ
434. BÍ THƯ HUYỆN
435. BÀI TRỪ NẠN HỌC THÊM, DẠY THÊM
436. TIÊN ĐOÁN TÌNH HÌNH KINH TẾ
437. HẠN CHẾ XE GẮN MÁY
438. CÔNG AN GIAO THÔNG
439. VIỆT NAM TOUR MẠO HIỂM
440.TỶ PHÚ VIỆT NAM


421. QUAN HỆ VỢ CHỒNG

Ông Tám đã ngoại thất tuần, muốn về thăm Việt Nam lần cuối. Ông đến tòa đại sứ Việt nam làm giấy tờ. Cán bộ phụ trách đọc kỹ đơn của ông, bất chợt ông ta nhăn mặt, nhíu mày lại hỏi ông:
-Ông kia, có một điểm mà tôi không hiểu là ở câu hỏi :"Liên hệ hiện nay với Chủ Nghĩa Xã Hội Việt Nam" ông ghi bằng hai chữ "vợ chồng" là ông ngụ ý gì?

-Dạ thưa cán bộ, ý tôi muốn nói là như tôi với vợ tôi. Tôi không yêu bả. Hôn nhân của tôi là do hai bên cha mẹ quyết định. .Bà ấy hung dữ độc ác, làm tôi khốn khổ . Vì sống mà không tự do, hạnh phúc nên đã ly dị...


422. VẤN ĐỀ LƯƠNG BỔNG


Thủ tướng CHXHCN Việt Nam được tiếng là người thực sự quan tâm đến đời sống nhân dân. Ông lại là một trong số rất ít cán bộ lãnh đạo cấp cao muốn và biết lắng nghe ý kiến của mọi người, kể cả những ý kiến “nghịch nhĩ”. Một hôm, ông mời nhà văn Nguyễn Tuân đến chơi và hỏi:“Anh nói thật cho tôi biết, trong xã hội ta hiện nay, lớp người nào sung sướng nhất?”

-“Lớp người vô lương” ,- Nguyễn Tuân đáp liền.
-Anh có thể nói rõ hơn được không?”
-“Đó là lớp cán bộ vô lương tâm và đám con ngồi không ăn lương nhà nước.”


Một lần khác, Thủ tướng về thăm vùng mỏ Mông Cái, Hòn Gai, giả dạng thường dân, thủ tướng ghé vào nhà một công nhân.
Sau khi hỏi mức lương của hai vợ chồng, ông nói:
-“Lương cô chú thấp như vậy, đời sống chắc khổ lắm?”
-Anh chồng đáp:“Lương thấp chưa hẳn đã khổ, chỉ lương… thiện mới khổ thôi ạ!
Thấy Thủ tướng ân cần lắng nghe, chị vợ mạnh dạn thêm:
-“Anh chị em công nhân chúng tôi rất tâm đắc về chủ trương đấu tranh chống tiêu cực đang diễn ra rầm rộ trong cả nước.


Thủ tướng bèn hỏi:
-Thế cô chú hiểu thế nào là đấu tranh chống tiêu cực? Và tiêu cực là gì?
-Thưa đồng chí, tiêu cực nghĩa là bên trên các vị lãnh đạo cứ tha hồ mà tiêu, còn bên dưới dân đen chúng ta cứ tha hồ mà cực”.


Cũng chuyện lương bổng.
Một Tổng thống Pháp gặp Tổng bí thư Liên Xô tại Liên Hiệp quốc. Tổng bí thư Liên Xô hỏi Tổng thống Pháp:
-Bên ông, mỗi tháng công nhân lĩnh lương bao nhiêu?Tổng thống Pháp đáp:
-Khoảng 1500 đồng EURO.
-Thế họ ăn tiêu hết bao nhiêu:
-Khoảng một ngàn EURO.
-Thế tiền còn lại họ làm gì?
-Đó là chuyện riêng của họ. Tôi không chú ý đến việc này!


Đến phiên Tổng thống Pháp hỏi:
-Bên ông, công nhân lương mỗi tháng bao nhiêu?
-Hai ngàn rup.
-Thế mỗi tháng họ tiêu bao nhiêu?
-Ba ngàn rup.
-Thế thì làm sao mà sống?Họ lấy đâu cho đủ tiền xài?
-Đó là việc riêng của họ, tôi không cần để ý đến .


423.
CỘNG SẢN

Một cậu học sinh choàng khăn đỏ tin lời cô giáo dạy bác Hồ yêu nước, bác Hồ yêu dân, bác Hồ yêu nhi đồng, bác Hồ đạo đức, đảng cộng sản bách chiến bách thắng.

Ông bố bảo : " Con hãy dũng cảm". Con thử đứng lên nóc tủ rồi nhẩy xuống."
Cậu bé thấy cao quá không dám nhảy, ông bảo con:
- Con cứ nhảy xuống, bố sẽ đỡ.
- Nhỡ bố không đỡ thì đau lắm.
- Bố đẻ ra con, chẳng lẽ bố lại lừa dối con sao?
Cậu bé nghe vậy liền nhảy xuống, nhưng ông bố không đỡ, đau lắm cậu mếu máo:
- Sao bố bảo đỡ con mà không đỡ?
- Con thấy chưa, đến bố đẻ còn lừa dối con, vậy sau này con đừng tin ai!



424. BỆNH SARS

Hiện nay, nếu một người ho, mặt đỏ và đầu cứ khật khừ cũng không có gì đáng nghi, nhưng nếu một người sốt thì bà con chung quanh sẽ ngay tới SARS!

Khỏi phải nói, từ khi phát hiện mình bị nhiễm, tôi lo và buồn như thế nào. Bởi vì cuộc đời còn quá nhiều cái hấp dẫn mà tôi chưa biết: Nào là kết quả cuộc thi hoa hậu qua ảnh, nào là ai sẽ nắm chức huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia, đấy là chưa kể sắp tới sẽ giảm giá cước điện thoại và hy vọng bãi bỏ việc gắn gương chiếu hậu! Biết bao nhiêu thứ xinh đẹp, vui tươi và hấp dẫn như thế mà mình phải từ bỏ vì nhiễm SARS thì thật không hợp lý chút nào.

Càng nghĩ tôi càng khổ sở, dằn vặt và thương tiếc mình. Tôi hứa với gia đình, với anh em trong cơ quan và với bản thân là nếu qua khỏi cơn này, sẽ đối xử với cơ thể mình đứng đắn và đàng hoàng hơn. Sẽ quan tâm, chăm sóc đến những nguyện vọng chính đáng của mồm, dạ dày, tay chân và mắt mũi chứ không bỏ bê như trước nữa.

Thật may mắn, đúng lúc tôi mắc bệnh cũng là lúc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đã tìm ra thuốc chữa bệnh SARS. Sau bao nhiêu ngày mất ăn mất ngủ, các nhà bác học ở khắp nơi trên thế giới làm việc liên tục (có nhiều vị không còn thời gian để tắm, để xem ca nhạc hay để đi săn trong mấy tháng liền) đã tìm ra thuốc chống SARS dạng viên nén và đưa vào sản xuất hàng trăm tấn một ngày đêm. Từng bao tải dược phẩm ùn ùn chở đến các nhà thuốc và tôi chỉ còn phải làm cái việc dễ nhất là đi mua.

Trước khi mua tôi đã hỏi giá cẩn thận. Để chữa cho tiệt căn bệnh cần 20 viên. Mỗi viên giá 10.000 đồng. Ngoài ra cần 5.000 đồng tiền khẩu trang, 2.000 đồng trà đá và 30.000 đồng tiền xe ôm, tôi đều chuẩn bị đầy đủ.

Nhưng thật sét đánh cho tôi, khi ra tới hiệu thuốc, tôi được cô bán hàng cho biết giá thuốc đã lên gấp 10 lần! Buổi tối trời mát dịu, đang lên cơn sốt mà người tôi còn nóng bừng thêm với số tiền quá lớn này. Hỏi lý do thì cô cho biết, giá thuốc 10.000 đồng là giá chưa tính hết thuế nhập khẩu, phí lưu kho và cước vận chuyển. Bây giờ tính đúng, tính đủ thì giá phải lên.

Biết làm thế nào được. Tuy tấm thân tôi đầy khuyết điểm, nó vẫn là tấm thân duy nhất mà tôi có trong thế giới này. Tôi vội vàng ra về, bán tống bán tháo cái tivi màn hình phẳng, cái tủ lạnh không đông đá và cái máy đánh trứng ba tốc độ mới mua, rồi cầm tiền lao ra hiệu thuốc.

Nhưng cô bán hàng cho biết thuốc trị SARS lại tăng lên nữa rồi. Không phải là 100.000 đồng mà 1 triệu đồng một viên, vì giá thuốc cũ còn quên chưa tính phí kiểm định, phí bảo quản và phí đóng gói. Khi tôi kêu đắt thì cô lạnh lùng tuyên bố là cửa hàng bán chứ không bắt ép ai cả. Nếu không mua, tôi cứ việc chữa bệnh bằng lá cây hay dầu con hổ, vốn là những thứ thuốc 100 năm nay không lên giá.

Mồ hôi lại toát ra. Tôi cảm thấy với giá thuốc như thế này thì mình chết cũng được rồi, nhưng còn cha mẹ, anh em, còn hóa đơn tiền điện và tiền nước ở nhà chưa thanh toán, tôi ra đi thì trút gánh nặng cho ai lo? Tôi bèn thất thểu về nhà, bán chiếc xe gắn máy, bán bộ vest từ khi mua tới giờ chỉ mặc có hai lần lúc ăn đám cưới. Tôi còn cầm cố cả giấy tờ mảnh đất vốn có ý định làm vốn dưỡng già. Tất cả được mấy chục triệu đồng. Tôi cho tất cả tiền vào bao tải, vác lên vai (không dám đi xe ôm vì sợ hụt tiền) mồ hôi nhễ nhại, lê bước ra hiệu thuốc.

Cô bán hàng đón tôi ngay từ cửa. Cô tươi cười thông báo giá thuốc trị SARS đã tăng tốc 100 lần - nghĩa là 10 triệu đồng một viên. Cô giải thích giá tăng lần này do tính đúng, tính đủ tất cả chi phí, có tham khảo giá thuốc tương đương trong khu vực và có tính đến độ hút hàng cũng như tính đến vốn đầu tư để tái sản xuất.

Người tôi nóng ngùn ngụt vì giận. Tại sao bao nhiêu năm nay, lúc bị đau răng, lúc bị muỗi đốt và đau bụng thì giá thuốc không tăng mà chọn đúng lúc khó khăn nhất, quyết liệt nhất thì lên giá ào ạt? Vậy giá thuốc ai quản lý, lương tâm, trách nhiệm để đâu? Tôi quát tháo om sòm, tôi dọa kiện tới tận trời xanh.

Bỗng một ông bác sĩ xuất hiện. Ông nhẹ nhàng bảo tôi rằng chưa có thuốc trị SARS. Các nhà bác học chỉ biết được là khi bị sốt, nếu cứ nóng giận liên tiếp khiến sốt càng ngày càng cao thì cuối cùng nó sẽ giảm. Y khoa gọi như thế là "độc trị độc". Mà muốn người bệnh hết sốt thì chỉ có cách vờ kêu có thuốc rồi tăng giá mà thôi! Tôi thấy toàn thân nhẹ nhõm. Tôi khỏi bệnh trong 2 giây. Tôi ôm chầm lấy cô bán thuốc, xúc động nghẹn ngào.


425. PHAN ĐÌNH GIÓT

Trong một giờ học sử, có nhiều giáo viên đến dự giảng, một cô giáo trẻ đang giảng về anh hùng Phan Đình Giót:
- Các em có biết không, anh Phan Đình Giót ấy, trước khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên, đã đái vào đầu bọn giặc. Hành động này chứng tỏ anh rất anh hùng, coi thường giặc, anh hùng theo kiểu rất Á đông.

Các giáo viên đến dự giảng rất ngạc nhiên và hỏi cô giáo trẻ lấy chi tiết lịch sử này từ tài liệu nào.
- Còn tài liệu nào nữa - Cô giáo trẻ trả lời - Sách giáo khoa Lịch sử Việt Nam lớp 5.
Cô giáo chỉ cho mọi người xem. Trong sách ghi, anh Phan Đình Giót trước khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai đã "dí tiểu liên vào đầu giặc". Nhưng chẳng may, do in mờ, dấu bị mất, nên cô giáo trẻ đã đọc thành "Đi tiểu liền vào đầu giặc".

Nguyễn Du Hý giáo sư Sử Học nêu thắc mắc: Đã vào được trong đồn giặc, đã dí tiểu liên vào đầu giặc thì cần gì phải bịt lỗ châu mai? Lỗ châu mai cao, trong đồn bắn ra thân người tất phải ngã lăn. Còn lỗ châu mai thấp, chúng có thể lấy súng đẩy ra. Việc dùng thân lấp lỗ châu mai quả là tưởng tượng ấu trĩ của nhà văn XHCN.

426. NGÔN NGỮ VIỆT CỘNG

Một đôi vợ chồng được đoàn thể chấp nhận, và được đoàn thể tổ chức đám cưới rất chu đáo. Ðêm ngủ với nhau, lúc thích quá chị vợ cứ kêu ầm lên. Anh chồng đùa:
- Em thích thế nào, tả cho anh nghe.
Chị vợ không trả lời. Lần thứ hai, lúc thích quá chị lại kêu. Anh chồng hỏi đùa lần nữa:
- Em thích thế nào tả cho anh nghe xem nào?
Cô vợ trả lời:
- Em không báo cáo được.Em rất hồ hởi phấn khởi. Em phát hiện tất cả các "cơ quan đoàn thể" chỗ nào cũng thích.


427. ĐƠN XIN TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚi


Năm 1976, tại Nghệ An, ông Thành viết đơn xin làm đám cưới cho con. Thời đó, Đảng và Nhà Nước không cho phép hội họp hay tụ tập đông người. Đám cưới thì phải đông người, nên phải làm đơn xin phép làm đám cưới cho con.

Trong đơn ông viết, "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Độc Lập, Hạnh Phúc" phía trên, sau đó là nội dung xin phép ...

Khi nộp đơn tại xã, anh Xã Trưởng, đảng viên, chất vấn:
- Đơn ông viết thiếu rồi, không đầy đủ.
Ông Thành đáp:
- Thưa đồng chí Xã Trưởng, thiếu chỗ nào?
Xã Trưởng chỉ vào đơn nói:
- Ông viết thiếu, phải viết là "Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc", sao ông chỉ viết "Độc Lập, Hạnh Phúc" không có "Tự Do".
Ông Thành nói:
- Tôi viết không thiếu, đồng chí xem lại, viết như đồng chí là dư thừa đó, vì nếu có "Tự Do", tôi đâu cần phải xin phép làm đám cưới cho con . Thời vua quan và thời thực dân cai trị, người dân đâu cần phải làm đơn xin tổ chức đám cưới như thời nay!



428. ĂN QUA LOA

Ca dao tục ngữ mới của Việt Nam có câu:
"Ăn qua loa,
Mặc áo chuyên gia,
Đi xe cố vấn."

Nhiều người nghĩ rằng "ăn qua loa" nghĩa là ăn sơ sài cho xong bữa. Cũng có người hiểu là trong chế độ sống tập thể, mỗi bữa ăn nhà bếp bấm chuông, đánh trống hay gọi máy phóng thanh (loa) để gọi sinh viên, bộ đội hay công nhân vào dùng bữa. Còn chuyên gia hay cố vấn là những cán bộ tài gỉỏi của Liên Xô, Trung Quốc hay Cuba đến giúp Việt Nam chống Mỹ và xây dựng XHCN. Nhưng không phải vậy. Mặc áo chuyên gia nghĩa là chuyên mặc áo rách, hở da thịt ra ngoài. Còn đi xe cố vấn nghĩa là đi xe hư, cũ, vỏ, ruột đều rách mà vẫn phải cố lấy dây quấn ( vấn) nhiều vòng mà đi tạm vì không có tiền mua cái mới!
Còn "Ăn qua loa" là một chuyện hài mà có thực hàng ngày trong xã hội XHCN. Việt Nam có bệnh khoe khoang và thổi phồng thành tích. Dân nghèo đói, công nông thương nghiệp đều thất bại nhưng ngày nào, tháng nào, đảng cộng sản và nhà nước vẫn huyênh hoang tăng năng suất, vượt chỉ tiêu.
Có một vị lãnh đạo đảng, muốn tỏ ra yêu dân nên đã đi thăm một vùng nọ. Ông hỏi nông dân:
-Các cô chú làm ăn có khá không? Có được ấm no, hạnh phúc không?
Mấy người nông dân ngần ngại mãi, mới có vài kẻ đứng lên trả lời:
-Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng và chính phủ, chúng tôi đã làm ra của cải vật chất nhưng bao nhiêu khoai lúa đều bị Hợp Tác xã lấy hết!
-Thế các cô chú sống bằng gì?
-Chúng tôi sống nhờ cái đài, cái loa a! (Ông vừa nói vừa chỉ vào cái loa phóng thanh của xã. ) Ngày nào, đêm nào chúng tôi cũng ăn qua loa ạ. Nghe cái loa nói đảng đã sản xuất hàng triệu tấn thóc, hàng vạn tấn cá, hàng vạn tấn đường là chúng tôi đã no lên tận cổ rồi!

429. CÁN BỘ VIỆT NAM SANG NGA

Lúc bấy giờ tình Việt Sô thắm thiết, từng đoàn cán bộ Việt Nam sang Liên Xô học tập, tham quan. Hầu hết không biết nói tiếng Nga vì mọi việc đã có thông dịch viên. Họ chỉ học được vài câu, vài từ cần thiết.
Người thứ nhất nói được câu: Cả ba chúng tôi. Người thứ hai nói được câu: Bánh mì. Người thứ ba nói được câu: Có nhanh lên không thì bảo.
Một hôm ba đồng chí này đói bụng mà thông dịch viên thì bận đi mua hàng để mang về Việt Nam bán lấy lời . Ba ông bèn rủ nhau vào một nhà hàng để ăn tối. Người phục vụ ra hỏi:
- Mấy người ăn?
Người thứ nhất trả lời: - Cả ba chúng tôi!
Người phục vụ lại tiếp: - Các ông gọi món gì ạ?
- Bánh mì- Người thứ hai trả lời
Khi người phuc vụ định quay vào gọi món thì người thứ ba quát:
- Có nhanh lên không thì bảo?

Bỗng nhiên anh phục vụ này lăn đùng ra chết. Có lẽ là do tiếng quát quá to của người thứ ba. Cũng có thể người phục vụ bị bệnh tim. Nhà hàng thì cho rằng ba anh cán bộ Việt Nam hành hung người phục vụ. Lập tức ba anh cán bị giải đến đồn công an.
Tại đây họ bị cảnh sát thẩm vấn:
- Các anh ăn gì ở nhà hàng?
- Bánh mì - Người thứ hai nhanh nhẩu trả lời.
- Ai đã giết anh ta?
- Cả ba chúng tôi - Người thứ nhất thản nhiên đáp.
Sau khi tra hỏi, đã đủ nhân chứng vật chứng để kết tội, cảnh sát trưởng tuyên án:
- Tội của 3 tên này đáng xử bắn
Khi nghe đến đây người thứ ba rất muốn minh oan, nhưng chỉ nói được mỗi một câu của mình:
- Có nhanh lên không thì bảo!


430. KHÓC CƯỜI BÊNH VIỆN RẠCH GIÁ


Tại bệnh viện Rạch Giá, em Phan Cẩm Nhàn, học sinh, 14 tuổi, con của vợ chồng anh Phan Trường An ở ấp Thạnh Tây A, tổ 10, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Cháu Nhàn đi học bằng xe đạp, bị ngã gãy đùi phía trên đầu gối, trường hợp này thật ra chữa cũng dễ, không có gì là nguy hiểm. Nhưng Bệnh viện Rạch Giá bó bột mà không thèm xếp đặt lại các mảnh xương, rồi cứ để như thế suốt một tháng rưỡi khiến nó đau nhức, kêu khóc khủng khiếp.

Đến lúc thấy cả cái đùi nó sưng tấy, bầm tím, bấy giờ người ta mới quýnh, cho giấy giới thiệu lên chữa tại Bệnh viện A7 ở đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn. Bệnh viện A7 cho biết nó đã bị hoại thư, phải cắt từ háng trở xuống chứ nếu chỉ cắt bên dưới sẽ lây sang chân bên kia. Gia đình anh Phan Trường An nghèo lắm, đến xin được của chị Dung một triệu bảy, rồi xin các nơi khác nữa vì vậy tiền bác sĩ và tiền thuốc men tương đối tạm ổn.

Rồi đùng một cái, người chị tên Phan Cẩm Vẹn, 21 tuổi, đang làm công nhân thợ may tại Biên Hòa, nghe tin em bị cưa chân tới háng, kêu rú lên một tiếng, ngã lăn xuống đất, phải đem đi Bệnh viện Biên Hòa cứu cấp rồi đem lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy ra sức cứu chữa nhưng cho biết Vẹn đã bị tâm thần, phải đưa tới Bệnh viện Nhiệt Đới tức chi nhánh của Bệnh viện tâm thần Chợ Quán. Như vậy, Bệnh viện Rạch Giá hành một đứa hóa hành hai đứa. Hiện nay, em Nhàn " đứa em " tuy đã chống nạng đi được nhưng phần xương mông còn lại đã biến thành ung thư và sẽ lan sang chân bên kia, mỗi lần hóa trị tốn tới mấy triệu bạc mà nhà thì nghèo, tình trạng hết sức nan giải. Còn Cẩm Vẹn " đứa chị " đã bớt tâm thần nhưng ngơ ngơ ngáo ngáo, suốt ngày không nói một tiếng, để đâu quên đó, chẳng biết làm ăn gì cả. Trong khi đó, anh Trường An hồi trước bị bệnh phổi, bác sĩ bảo phải cắt nửa lá phổi thì mới sống được. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình kiệt quệ, anh không còn tiền chữa chạy bệnh tình của mình nên bây giờ bệnh lại càng nặng, người cứ gầy rộc, chắc cũng khó sống.

Trong một trận banh, nếu một cầu thủ nào đó mà đá được hai trái vào gôn đối phương thì tiếng Pháp kêu là cú "đúp" (coup double), bảnh lắm. Còn nếu đá được tới 3 trái, tiếng Anh kêu là "hát-trích" (hattrick), lại càng bảnh nữa, cầu thủ quốc tế cũng ít khi làm được như vậy. Quý vị thấy Rạch Giá là một tỉnh nhỏ, Bệnh viện Rạch Giá thân yêu của chúng ta làm ăn cẩu thả, lười biếng, "chơi" một phát lập ngay được cú "hattrick" khiến cả gia đình anh Trường An khốn đốn, việc này các cầu thủ quốc tế cũng không bằng, rất đáng ghi vào sách kỷ lục Guiness.


431. KHÓC CƯỜI BÊNH VIỆN PHÚ YÊN

Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Mùa, vợ của anh Nguyễn Văn Được ở thị trấn Sông Cầu tỉnh Phú Yên, có bầu đứa con thứ ba, đứa trẻ khá lớn (4 kg) nên sanh hơi khó. Nếu ở Bệnh viện Từ Dũ Sài Gòn thì người ta dùng máy hút, hút cái một dễ như ăn cơm nhưng ở Sông Cầu, không có máy hút, người ta bèn mổ. Ừ, thì mổ cũng được, chẳng sao, nhưng khốn nỗi sau khi mổ xong, các vị "lang băm như ác tặc" đáng kính của chúng ta lại muốn lập thành tích đối với nhà nước về mặt kế hoạch hóa gia đình, nhân đó bèn cắt phăng ngay hai ống dẫn trứng và dạ con của chị Mùa đi.

Đến lúc khâu lại, họ khâu lộn, khâu trúng ống dẫn tiểu thành thử suốt mấy ngày liền, nước tiểu tiết ra làm bụng chị Mùa chướng lên, đau nhức, họ phải chở lên Bệnh viện Tuy Hòa điều trị. Bệnh viện Tuy Hòa cắt ống dẫn tiểu đi, thay bằng ống nhựa nhưng lúc khâu thành bụng lại vô tình chọc thủng ruột già, bụng lại chướng lên do phân và các vi sinh vật thấm ra làm nhiễm trùng các cơ quan bên trong ổ bụng. Không làm sao được, họ bèn đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn mổ lại nhưng chẳng ai bồi thường cho vợ chồng anh Được một đồng nào cả.

Từ đó đến nay, chị Mùa đã bị mổ đi mổ lại tổng cộng là 7 lần rồi, từ ống dẫn tiểu cho tới hậu môn đều thay bằng ống nhựa, gia sản bán sạch bách chẳng còn cái gì, sự sống chỉ toàn nhờ vào lòng hảo tâm của các độc giả trong và ngoài nước. Đến nay chị vẫn còn yếu, cứ đến ngày hẹn lại phải trở vào Bệnh viện Chợ Rẫy khám lại. Chị ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều đến nỗi đứa con thứ ba mới sinh ra (cũng con gái) ở Phú Yên với bà ngoại, nhà nghèo, không có sữa, ốm tong ốm teo, nay đã 2 tuổi, "quen" bà ngoại nhiều hơn quen mẹ.



432. KHÓC CƯỜI BỆNH VIỆN HÀ NỘI

Nghệ sĩ Hồng Sơn, một diễn viên điện ảnh rất nổi tiếng tại Hà Nội, trong nước hễ nghe nói đến Hồng Sơn thì ai cũng biết. Đã vậy, Bệnh viện của Đại học Y khoa Hà Nội là một bệnh viện hết sức uy tín, Hồng Sơn lại là bạn của một bác sĩ làm phó giám đốc bệnh viện này nên Hồng Sơn đến điều trị tại đấy sau khi bị tai nạn, và anh đã may mắn thoát chết trong gang tấc do bị dùng thuốc dỏm, nẹp dỏm, ốc vít dỏm... của Tàu sản xuất, chất lượng còn thua bù loong Chợ Lớn ngày xưa... Đây, xin mời quý vị đọc.

Sau vụ tai nạn do xe lạc tay lái ở Lạng Sơn ngày 27-12-2008, Hồng Sơn được vợ con đưa về tầng 4, tiệm áo cưới Thu Hương số 2 phố Cửa Nam, để tiện chăm sóc. Anh khoe rằng tình hình sức khỏe của mình đã đỡ nhiều, mươi hôm nữa bắt đầu tập đi lại. Cô bé cùng bị tai nạn với anh cũng đã bắt đầu tập đi nhưng một chân chưa có cảm giác.

Hồng Sơn cho biết lẽ ra anh đã đi được nhưng do nẹp và các ốc vít dỏm bị gãy nên phải vào viện mổ lần thứ hai. Việc đi lại vì thế bị chậm mất hai ba tháng. "Khi nghe tin mình bị tai nạn, đạo diễn Duy Thanh vội vã liên hệ với Bệnh viện Đại học Y để chuyển mình về cấp cứu. Viện phó ở đây lại là bạn mình nên ai cũng tin tưởng. Chẳng ngờ người ta tống nẹp, ốc vít Tàu cho mình nhưng bán với cái giá đắt nhất của nẹp nhập ngoại.

Hôm mổ lại mình còn sốc tưởng chết, tim ngừng đập do bị tiêm nhầm thuốc. Ông bác sĩ gây mê trong bệnh viện bảo những trường hợp như thế 200 người thì chết 199, ơn giời mình còn sống. Cũng là do cái số mình chưa đến lúc chết. Bệnh viện đền bù một trăm triệu đồng và yêu cầu mình không được kiện cáo, ngoài ra sẽ bảo lãnh miễn phí hai chân" - Hồng Sơn cười chua chát nhìn xuống đôi chân gầy tong teo trong ống quần đùi, được che bằng chiếc chăn mỏng.

Tai nạn xảy ra khi Hồng Sơn lên Lạng Sơn đóng phim "Không Chuyên Án" cho Duy Thanh. Sau phẫu thuật lần một anh lại phải đóng tiếp phim, đạo diễn sửa lại kịch bản, cho phép anh ngồi xe lăn. Đến lần phẫu thuật thứ hai anh đành bỏ dở khi vai diễn của anh chỉ còn một ngày quay, Duy Thanh đành nhồi lời của anh vào vai thằng đệ tử.

Hiện Hồng Sơn đang mong bình phục để theo đoàn phim của đạo diễn Thanh Vân vào Huế làm phim "Lều Chõng", tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố. Anh cho biết ngay từ khi mới mổ, đạo diễn Đức Việt cũng chờ anh khỏi để vào vai trong bộ phim nhựa về hip hop sẽ ra mắt Tết năm 2010.

Tuy mê nghiệp diễn nhưng Hồng Sơn tỏ ra dửng dưng với các giải thưởng, danh hiệu. "Mình chẳng cần giải thưởng. Người ta bảo mình nộp đơn để được phong tặng nghệ sĩ ưu tú mình cũng chả thiết. Nhiều đứa phải chạy vạy khổ thân lắm, không được thì cay cú. Danh hiệu bây giờ dỏm nhiều, nẹp sắt và ốc vít còn dỏm nữa là. Quan trọng nhất trong đời là sống chân thành, trung thực," nói đến đây anh hạ thấp giọng tự thú, "Mình cũng đã từng có lúc không trung thực đấy, ngày xưa nói dối là nghiện để đi vay tiền bạn bè!"


433. KHAI SANH VÀ KHAI TỬ

Trong một nhà tù XHCN, mấy tù nhân nói chuyện với nhau.
-Tớ là người đã chết rồi!
-Chết thì sao còn ngồi tù? Cậu mà chết thì thì ai mới là người sống?
-Ở đời nhiều chuyện linh tinh, phúc tạp lắm!Tớ phải cảm ơn trời đất . Có những người còn cơ cực hơn chúng ta nhiều ấy chứ. Còn cái xác là may rồi!
- Ðâu có thế, ông bạn, - anh ta phản đối - không còn ai có thể cơ cực hơn được.

-Đồng ý là phải khẳng định là tớ đã không còn tồn tại nữa. Bây giờ thậm chí tớ cũng không thể giải thích cho cậu được... Cậu có nhìn thấy tớ thật, nhưng cái đó chẳng nghĩa lí gì: tớ vẫn cứ là đã chết rồi, tớ không còn tồn tại.
Ðầu tiên tớ biết là tớ không còn nữa vào lúc tớ 6 tuổi. Ngày khai trường đã đến. Thế rồi bố tớ cầm tay tớ dắt vào trường tiểu học ở huyện. Ông hiệu trưởng đòi bố tớ cho xem giấy khai sinh của tớ.-
- Chúng tôi chưa khai cho cháu - bố tớ nói - hay ông lấy giấy của tôi vậy!
-Tất nhiên là không được.
Ở trường tiều học làng, xã, học trò không cần khai sinh, nhưng ở trường cấp huyện bắt buộc phải có khai sinh và hộ khẩu.
Phải làm đơn nộp vào phòng khai sinh huyện... Một cán bộ nhận đơn, rồi rút ra những sổ sách gì gì, sau đó lục mãi mới thấy phần ghi về bố tớ.- Ông là Nguyễn Văn Mít? - người ấy hỏi.
- Dạ phải - bố tớ đáp.
Cán bộ lần sách đọc những số liệu về bố tớ:
- Năm sinh 1930... huyện. . ., xã. . . số nhà cũ là 51, mới là 28. đường số 16?.. Năm 19 60 lấy vợ là Lê Thị Keo. Sinh con trai là Nguyễn Văn Xoài?. Phải vậy không?
- Ðúng ạ - bố tớ đáp - Tôi muốn làm giấy khai sinh cho thằng Nguyễn Văn Xoài. Tôi định cho cháu vào học trường huyện. Trước đây người ta không đòi khai sinh.
Cán bộ nghi hoặc nhìn bố tớ:
- Cha nội ơi, khai sinh nào cơ? Con ông chết lâu rồi còn gì!
-Con tôi còn sống sơ sờ đây này!Làm sao lại ghi là chết?
- Thế là thế nào? Mọi cái đều đúng, mà riêng chuyện thằng Nguyễn Văn Xoài chết thì lại sai? Sổ ghi là nó chết, mà người chết thì làm sao lấy giấy khai sinh được nữa.
Tớ khóc oà lên.
- Nín đi - bố tớ quát - Có phải sổ ghi chết là mình phải chết đâu mà sợ.
- Nhưng cán bộ bảo con đã chết rồi, hu...hu...!
Cán bộ nói:
- Sổ đã ghi là không có bao giờ sai . Ông có mưu gì chăng. Tôi không làm đâu. Không ai đi cấp khai sinh cho người chết rồi.
- Mưu gì là thế nào kia ạ? - bố tớ rụt rè hỏi.
- Cán bộ đáp: - Con ông chết rồi mà bắt chúng tôi làm khai sinh hả? Ông đòi chúng tôi làm người chết ra người sống hả? Tráo trở , gian lận như thế là bị tù đấy!
- Vậy xin hỏi, cháu nó chết ngày giờ nào ạ? - Bố tớ hỏi thêm.
Cán bộ liếc sổ:
- Nó hy sinh trong tháng 8-1948 tại Thái Nguyên, Nó được xoá sổ vì có giấy báo tử của tiểu đoàn 308.
Bố tớ nổi đoá:
- Bẩm ông, ông nghe đây, ông xem lại sổ xem, tôi lấy vợ năm 1960 cơ mà.
- Phải - Cán bộ đáp - có ghi : ông lấy vợ năm 1960.
- Tôi lấy vợ năm 1960 thì làm sao con tôi hy sinh năm 1948?
Cán bộ bối rối, lão nhìn tớ, nhìn sổ, rồi nhìn bố tớ, rồi lại nhìn sổ, cuối cùng kết luận:
-Sổ ghi chết là chết, không thể thay đổi.
-Nhưng con tôi đây này.Làm sao mà bảo nó đã chết trân?
-Ông có gì chứng minh nó tên là Nguyễn Văn Xoài còn sống.
-Tôi đến đây xin giấy khai sinh chứ tôi làm gì có giấy tờ!
Tớ sợ quá khóc ầm lên. Bố tớ nói:
- Làm gì mà gào lên thế con - bố tớ an ủi - Thôi, vào trường làng mà học, thế là xong.

Nhiều năm sau, lúc tớ lớn lên, lại có chuyện.
Các cậu có thể tin được rằng người ta bắt tớ vào lính hay không? Vì tớ chết rồi cơ mà. Tớ đã chết ở Thái Nguyên rồi. Làm sao người chết còn đánh nhau được? Nhưng bố con tớ không làm sao cho họ hiểu ra. Bọn cảnh sát tóm được tớ dẫn đến bàn tuyển quân. Thế đấy, lúc cần bắt người đi lính cho đủ số, chúng nó không cần giấy tờ, 14, 15 tuổi cũng bắt miễn là không đui, què, mẻ, sứt là bắt tuốt. Bố tôi lên huyện van nài:
- Bẩm cán bộ, trong sổ đã có mục khai tử cho nó rồi đấy ạ. Cháu nó có đâu. Nếu nó sống thật thì nó đã được cấp giấy khai sinh.
Bố tớ chưa kịp nói hết câu, lão trưởng ban quân sự huyện đã gào lên:
- Sao, nhà ông muốn giấu thằng này khỏi quân dịch à?
Tớ bị đưa về đơn vị ngay tút suỵt. Thực ra, tớ cũng mừng. Như thế nghĩa là tớ vẫn còn sống. Tốt quá. Rồi đến lúc hết chiến tranh, người ta thải lính cho khỏi tốn cơm.. Bạn bè tớ được giải ngũ, còn tớ không được cấp giấy cho về. Làm sao lại cho một thằng như tớ xuất ngũ được? Muốn xuất ngũ phải có giấy nhập ngũ đã chứ. Mà tớ lại không có cái giấy ấy. Ðơn vị tớ người ta gửi lên ban quân ngũ xin giấy cho tớ. Chưa đầy một tháng có giấy báo về : "Nguyễn Văn Xoài đã hy sinh năm 1953 tại Điện Biên Phủ."

- Người ta nhầm đấy - tôi nói với ngài sĩ quan chỉ huy đại đội - không phải tôi chết ở Điên Biên Phủ mà là ở Thái Nguyên cơ. Tốt nhất là ngài hỏi về phòng khai sinh, ở đấy có đủ số liệu.
Tớ đã tốn bao nhiêu công sức để đi chứng minh rằng mình vẫn còn sống. Không chứng minh thế, không giải ngũ được. Cuối cùng người ta cấp cho tớ một tờ giấy in nói rằng tớ đã mãn hạn quân dịch và được thả về.

Ðến nhà, tớ mới hay rằng bố tớ đã chết, nhưng ông ấy còn một món nợ ngân hàng 50 ngàn đồng tiền canh tác (nghĩa là tiền thuê cày, bừa, phân hóa học và thuốc trừ sâu ) và 100 ngàn đồng tiền thuế nhà nước chưa trả. Mà tớ lại là kẻ nối dõi tông đường duy nhất, tớ đành phải gánh nợ. Mấy ông phán sở tái chính không cho tớ một phút nào yên tĩnh.

- Các ông ơi, tôi có còn sống đâu! Ông nào không tin cứ đến phòng quân vụ mà hỏi. Ðến đấy chưa tin xin hỏi tiếp đến phòng khai sinh. Người chết làm sao trả nợ thay bố?
- Thế anh không phải là con trai ông Nguyễn Văn Mít hay sao? Anh định trốn nợ cha đấy hả?
- Không, tôi nào có trốn. Nhưng tôi chết thật rồi mà...

Chà! Giải thích thế nào được! "Muốn sao thì sao anh cũng phải trả nợ cho cha!" Tớ đã định bụng không trả, nhưng bọn họ nói rằng còn nợ thì chưa được thừa kế gia sản. Bố tớ lại còn một ít ruộng, một nhà ở và một cửa hàng. Tớ bèn vay tiền trả nợ. Tớ nghĩ, được hưởng gia tài rồi tớ sẽ trả hết. Lúc trả nợ thậm chí tớ còn thấy vui trong bụng. Ít ra khi trả nợ người ta cũng còn cảm thấy được rằng người ta còn sống. Nhưng đến cái khoản gia tài thì lại khắc hẳn! Làm sao chứng minh được rằng tớ là con bố tớ? Lại phải khai sinh! "Nhà anh chết rồi, sao còn thừa kế được gia tài? Mà anh còn chết trước bố anh nữa ấy chứ."

Tớ đâm đơn ra toà. Tớ thuê thầy cãi. Trước tòa, luật gia bộ tài chính phản bác tớ. Vì đại diện cho quyền lợi ngân khố quốc gia, lão ta khẳng định rằng một khi bố tớ đã không có người thừa kế thì tài sản kia phải nộp ngân khố. Vụ kiện kéo dài 2 năm. Không có giấy khai sinh tớ không xin đâu được việc làm. Nợ nần ngập cổ, một hôm tớ điên đầu lên và nói lảm nhảm những gì không nhớ. Tớ bị bắt và bị tống ngục. Thế là tớ phải trả nợ mà không được hưởng gia tài, tớ phải đi lính mà không được tiền hưu bổng và trơ cấp liệt sĩ. Và cuối cùng tớ phải ngồi tù vì thiếu giấy tờ, và tội chống đối nhà nước XHCN.


434. BÍ THƯ HUYỆN

Một cán bộ làm việc ở văn phòng huyện ủy . Anh ta thuộc hạng nịnh trên đạp dưới. Từ lúc mới vào làm việc cho đến bây giờ, lúc nào anh cũng ca tụng viên bí thư huyện ủy, rằng là đồng chí thông minh tài trí, chánh công vô tư, bách chiến bách thắng, đỉnh cao trí tuệ. . .

Huyện này thuộc vùng núi, có nhiều cọp.
Một hôm, anh cán bộ ninh nói với huyện ủy rằng:
-Đồng chí rất nhân đức, ngay cả thú vật cũng phải tránh xa vì danh tiếng của đồng chi đấy ạ. Hôm qua, khi tôi đi đến văn phòng huyện , chính tôi nhìn thấy đàn cọp lũ lượt rút sang huyện bên ạ". Ông bí thư huyện ủy mỉm cười sung sướng.

Đúng lúc đó, mấy người dân địa phương đến trình rằng đêm hôm trước có 3 người bị lũ cọp tha đi và họ yêu cầu quan huyện cử một tốp bộ đội đi bắt chúng. Huyện ủy quay sang anh chàng nịnh và hỏi: "Sao thế? Anh nói rằng đã nhìn thấy tất cả lũ cọp rút ra khỏi huyện ta rồi cơ mà?" .
Anh chàng bối rối:
- "Thưa đồng chí huyện ủy, có lẽ huyện ủy bên đó cũng vĩ đại và nhân đức như ngài. Chắc lũ cọp không có chỗ ẩn náu ở đó nên phải quay lại ạ".

435. BÀI TRỪ NẠN HỌC THÊM, DẠY THÊM

Sau thành công rực rỡ trong việc xóa bỏ tệ nạn nhận hối lộ, quốc gia Tiên Tiến thừa thắng xông lên quyết tâm tiến hành loại bỏ nạn dạy thêm học thêm. Biết đây là vấn đề khó khăn, lãnh đạo thành phố tổ chức một cuộc thi rộng rãi với đề tài: "Làm thế nào để chấm dứt nạn dạy thêm học thêm?"

Cuộc thi đã làm dân tình khắp nơi xôn xao, không phải vì đề thi mà vì số tiền thưởng to như quả núi: ba bài thi hay nhất được trao thưởng với tổng số tiền đúng bằng 1 tỷ!

Để bạn đọc đỡ sốt ruột, chúng tôi xin trích đăng luôn kết quả cuộc thi:

Giải ba: "Tại sao chỉ có 12 năm?"
Phàm cái gì không đủ người ta mới thêm. Có học thêm bởi thời gian học chưa đủ. Tất nhiên là không thể tăng thêm thời gian cho mỗi tiết học, mỗi buổi học, mỗi năm học... nhưng tại sao chúng ta lại không tăng... số năm học lên? Tại sao lại chỉ có 12 năm? Hãy thử cho thời gian học hết phổ thông là... 16 năm thử xem. Lúc đó thì tha hồ vừa học vừa chơi và ai thèm học thêm làm gì nữa. Ngoài ra, nếu kế sách này được áp dụng thì áp lực của các kỳ thi đại học sẽ giảm xuống trông thấy. Vì sao? Vì lúc đó người tốt nghiệp phổ thông trung học đã cỡ... 22 tuổi rồi. Mà vào tuổi này thì các cô các cậu đã lo lấy vợ lấy chồng, bụng dạ đâu mà thi đại học nữa.

Giải nhì: "Đột phá từ môn toán"
Ai cũng biết rằng môn học được dạy thêm hăng hái nhất là môn toán. Trong Câu lạc bộ 50 triệu (câu lạc bộ các giáo viên có thu nhập trên 50 triệu mỗi tháng) thì có tới 80% là giáo viên môn toán. Tại sao môn toán lại được học thêm nhiều đến thế? Chắc là vì nó không dễ học như môn địa lý. Nhưng theo điều tra của Viện Hậu học thì sau khi rời ghế nhà trường khoảng 1 năm, khả năng toán học của đa số chúng ta chỉ còn lại... bốn phép tính cộng trừ nhân chia. Vậy thì hà cớ gì phải dạy và học nhiều thứ thế trong chương trình toán học? Chỉ cần cải cách môn toán sao cho suốt quãng đời đi học ai cũng thông thạo 4 phép tính là đủ và thế là chẳng ai cần đi học thêm môn toán làm gì. Dĩ nhiên nếu áp dụng điều này thì sẽ có nhiều người đạt điểm tuyệt đối môn toán các kỳ thi. Nhưng không sao, chúng ta sẽ có câu hỏi phụ để xếp hạng: "Có bao nhiêu người giải đúng hết bài thi này?" Sau khi xử lý xong môn toán, chúng ta sẽ làm tiếp với các môn tương tự.

Giải nhất: "Cắt nguồn viện trợ"
Dựa vào kết quả nghiên cứu của một nhà khoa học tên tuổi về vấn đề "dạy học có trước hay học thêm có trước?", chúng ta xác định được rằng chính những kẻ học thêm mới là thủ phạm, các cô thầy chỉ là... tòng phạm. Nếu chúng ta cắt đứt đường học thêm thì vấn đề sẽ được giải quyết. Bằng cách nào? Dựa vào điểm yếu của những người đi học thêm là không thể tự mình... đóng tiền học được, phải cần phụ huynh viện trợ. Nhưng các bậc cha mẹ ấy đa số lại có thu nhập rất khiêm tốn. Tiền học thêm cho các đứa con thân yêu chỉ là một trong vô số hạng mục cần chi tiêu. Vậy thì chúng ta chỉ cần tăng giá điện, nước, cước điện thoại, Internet, xăng dầu, tăng giá thuốc tây... thì khoản tiền dành cho việc học thêm sẽ tự nhiên teo lại và thế là nạn học thêm sẽ tự lụi tàn.


436. TIÊN ĐOÁN TÌNH HÌNH KINH TẾ

Khrushchev đến thăm một nông trường, thấy bà chủ tịch có bộ ngực vĩ đại , bèn khen ngơi:
-"Năm nay, nước ta hẳn là bội thu sữa."
Không phải tay vừa, bà chủ tịch nông trường liền nhìn cái đầu nhẵn thín của Khrushchev và đáp:
- "Nhưng chắc chắn nước ta sẽ thất thu vụ len..

437. HẠN CHẾ XE GẮN MÁY

Xứ Đại An nhỏ bé nhưng có số lượng xe gắn máy nhiều nhất thế giới. Chính phủ đã ra sức thi hành các biện pháp để ngăn ngừa việc sử dụng xe gắn máy vì xe gắn máy làm ô nhiễm môi trường và lằm nghẽn tắc giao thông.

Các bộ đã có nhiều sáng kiến như đề nghị việc tạm ngừng đăng ký xe gắn máy, không nhập cảng xe gắn máy, và cấm phụ nữ thấp lùn, mông teo, ngực lép đi xe gắn máy, còn có những phương pháp sau:

- Các tuyến đường dành cho xe gắn máy nên bố trí vào các đoạn đường đang thi công, lầy lội, cũng là tuyến các xe vận chuyển rác, hút hầm cầu thường chạy, với đội ngũ cảnh sát giao thông được phân công mỗi ngày phải sử dụng hết 5 kg biên lai phạt cho xe gắn máy.

- Huy động đội ngũ rải đinh chuyên nghiệp khu vực cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài và một số vùng vốn có truyền thống rải đinh, tạo điều kiện cho đội ngũ vá ép chuyên nghiệp hành nghề "chém".

- Công ty Cấp thoát nước cần nghiêm túc duy trì tình trạng ngập triền miên tại các tuyến đường thường có nhiều xe gắn máy lưu thông (hoàn toàn nằm trong tầm tay của công ty này!).

* Trên đây là một số đề xuất nhỏ nhằm làm giảm lưu lượng xe gắn máy tham gia giao thông. Mời bạn đọc bổ sung thêm.

Phổ biến những lợi ích của xe buýt

Đi xe buýt sẽ tránh những thiệt hại đáng tiếc do đi xe máy gây ra. Bạn đừng lo chuyện mấy chiếc xe buýt bị đứt phanh như vừa rồi. Chỉ có đi xe máy mới sợ xe buýt đứt phanh thôi. 1. Tăng cường sức khoẻ: Bạn sẽ đi bộ từ nhà đến trạm xe, rồi từ trạm xe đến chỗ làm và ngược lại. Đây chính là cơ hội để bạn thực hiện một môn thể thao ít tốn kém mà vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, hệ hô hấp của bạn sẽ giảm được đáng kể cường độ vật lộn với lượng khói bụi, hoá chất mà bạn hít vào khi đi xe máy. 2. Rèn luyện tác phong công nghiệp: Bạn phải thu xếp sao cho kịp giờ xe chạy. Bạn đâu có muốn bị trễ giờ, phải không? (Dù đôi khi bạn phải đứng đợi xe với mấy con kiến đang bò lung tung trong bụng). 3. Mở mang kiến thức: Trên xe, bạn sẽ nghe được khối chuyện mà chưa chắc bạn đã đọc được trong bất kỳ cuốn sách nào. 4. Nâng cao tính cảnh giác và khả năng phản ứng: Có thể túi xách hoặc nữ trang của bạn sẽ chuyển sang trạng thái "bay". Phản ứng của bạn lúc này là vừa la vừa đuổi.



438. CÔNG AN GIAO THÔNG VIỆT NAM

Một anh nông dân nhờ có bà con làm huyện ủy xin xỏ nên được làm công an giao thông ở thành phố. Công việc của anh là đi tuần tiễu cùng với người đồng nghiệp già đầy kinh nghiệm. Đột nhiên, có một cú điện thoại gọi đến yêu cầu họ giải tán một số người đang lảng vảng ở khu vực. Hai người đi xe ra phố và quan sát thấy một đám đông nhỏ đứng ở góc phố. Tay nhân viên công lực mới hạ cửa sổ xuống, trỏ dùi cui điện hét lớn: - Biến ngay khỏi chỗ này!

Vài người liếc nhìn, nhưng không ai di chuyển cả. Nóng tiết anh ta lại gào to hơn: - Biến khỏi góc phố đó... ngay! Muốn bị phạt vì gây cản trở giao thông hả?
Nhóm người bắt đầu lục tục bước lên xe ô tô dời đi. Hãnh diện về hành động của mình, người cảnh sát trẻ quay sang người đồng nghiệp già và hỏi: - Thế nào, tôi làm việc cũng đầy uy lực đấy chứ? - Ồ khá tốt! - Người cảnh sát già mỉm cười – Chỉ có điều đó là điểm chờ xe buýt.


439. VIỆT NAM TOUR MẠO HIỂM

Sau một tuần cùng đoàn khách nước ngoài du lịch theo "tour mạo hiểm", chiều nay, hướng dẫn viên Ba Hoa đưa họ tới một nhà hàng, đặt tiệc để chia tay. Nhìn khách vào tiệc một cách uể oải, Ba Tê nâng ly gây khí thế.
- Nào, zô! zô! Trăm phần trăm! Chúc mừng chuyến đi thành công tốt đẹp. Dứt lời hắn ngửa cổ làm một hơi, khi nhìn lại thấy ly của khách vẫn còn nguyên. Không khí của bữa tiệc có vẻ như không được như mong muốn. Ba Hoa giả lả: - Chuyến đi vừa rồi thật hồi hộp, thật ấn tượng phải không?
Gã thanh niên người Ý búng búng liên tục vào ly: - Xin lỗi ông Ba Hoa, cho phép tôi nói thẳng... "Tour mạo hiểm" của quý vị chán phèo! Chẳng có cảm giác mạnh gì cả!

Ba Hoa ra vẻ ngạc nhiên: - Ồ, sao lại thế được?!.. Nội chuyến đi vào rừng nguyên sinh với nhiều động vật hoang dã...
Một tiếng "xì..." phát ra, khỏi cần biết tiếng Y Pha Nho cũng hiểu gã người Ý muốn tỏ thái độ gì. - Nguyên thủy... Hoang dã... Toàn tắc kè và chim. Lại còn có trang trại nuôi bò nữa chứ!... Chẳng bằng ở châu Phi, sư tử đi hàng bầy.


- Thế còn chuyến ra đảo Cá Mập?
Cả đoàn bỗng cười hô hố. Tay người Pháp xua tay cười ngặt nghẽo:
- Các bạn có nhớ cái đảo ấy không? Ha ha!.. Xin lỗi, đến con cá gầy cũng chẳng có nữa là...
Ba Hoa bỗng nổi tự ái: - Vậy là quý vị chưa biết đấy thôi, chuyến đi vừa rồi vô cùng nguy hiểm. Công ty đã không cho thông báo tới quý vị những điều xảy ra, e rằng tất cả ngất đi mất. Chao ôi! Mỗi lần nhớ lại tôi còn sởn da gà...

Cả đoàn im bặt, trố mắt nhìn như dò hỏi...
Ba Hoa xuống giọng: - Các bạn còn nhớ những chiếc môtô lượn qua lượn lại hôm khởi hành không?... Chúng đã sẵn sàng lao vào xe ta bất cứ lúc nào.
Tất cả lao xao, có người rú lên: - Khủng bố?
Ba Hoa trấn an: - Không phải! Đất nước tôi hoàn toàn an toàn về mặt này, chẳng qua là bọn choai choai rảnh quá nên giải trí thôi mà. À! Còn nữa, cả nhóm người bặm trợn trên rừng nữa...
Bà lão Hà Lan chen vào: - Cái nhóm mà ông bảo là người dân tộc chứ gì?
- Đúng rồi! Nhưng thực ra, chúng là... lâm tặc đấy!
Sau khi nghe giải thích tính chất của lâm tặc, cả đoàn có vẻ hồi hộp. Bà lão ngả người ra ghế hổn hển...

Ba Hoa đắc ý: - Đêm hôm ấy về thị xã mình đi ăn thịt rừng, các bạn thấy thế nào?
Cả nhóm xuýt xoa chép miệng: - Chà, tuyệt vời!... Rất tươi ngon...
Ba Hoa cười nửa miệng: - Đó là mối nguy hiểm lần ba... Nói thật nhé! Thịt những con thú đã được tẩm...
-Ma túy!? - Ai đó thốt lên hoảng hốt.
- Ồ không! Chỉ là... formol thôi!... Có gì đâu, chúng được chôn ở dưới đất cả tháng mới moi lên đấy!
Toàn bộ du khách nữ lăn đùng ra xỉu. Có người nôn thốc nôn tháo dù đã nuốt món ấy cả tuần lễ rồi. Riêng gã người Ý vẫn dửng dưng:
- Ăn thua gì!... Hồi đi Nam Mỹ tôi bị lạc, phải ăn cả giun dế ba ngày đấy.
Ba Hoa bắt đầu nổi nóng: - Còn chiếc xe tải gí sát khiến xe ta phải lao xuống ruộng, các bạn có nhớ không?
Những người chưa bị xỉu ồ lên: - Nhớ chứ! Tay tài xế bất cẩn quá... đáng lẽ hắn phải phanh lại...
Ba Hoa cười ruồi: - Chúc mừng quý vị thoát hiểm lần thứ tư! Chiếc xe đó đã bị... đứt phanh!
Một số gã đàn ông ngã phịch xuống ghế, mồ hôi tuôn dầm dề trên trán.
Ba Hoa bồi tiếp: - Chưa đâu, còn lần năm là chuyến qua sông bằng đò "3 không" đấy!
Tay người Mỹ lắp bắp: - "3 không" là thế nào?
- Người lái không bằng! Đò không kiểm định! Cuối cùng là không có món đồ cứu sinh nào cả!
Phịch!... Giờ chỉ còn mỗi gã người Ý. - Hiện nay, sự nguy hiểm vẫn chưa chấm dứt...
Nhìn vẻ mặt "điếc không sợ súng" của hắn, Ba Hoa nhếch mép tung đòn quyết định - Chúng ta đang ở trên tầng 10 của khách sạn...
- Xì! Ở New York tôi còn ở tầng 120 nữa là... Ba Hoa vòng ra đằng sau lưng gã, ghé vào tai, nói nhỏ:
- Nhưng tòa nhà này chỉ được cấp phép xây dựng có 3 tầng.
Quả nhiên sự thận trọng không bao giờ thừa. Ba Hoa nhẹ nhàng đỡ gã người Ý nằm xuống ghế.
Nhìn cả bọn ngất đi vì sợ hãi, chàng hướng dẫn viên cười khẩy: - Thế mà cũng đòi mạo hiểm!... Hừm! Nếu họ biết rằng nhà này đã xây bít lối thoát hiểm để kinh doanh, lỡ mà cháy thì... Nghĩ đến đây, Ba Hoa cũng ớn lạnh và lăn đùng ra xỉu nốt.


440.TỶ PHÚ VIỆT NAM

Một cô gái con lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lái xe vào đổ xăng. Trong khi chờ đợi, cô nghe
nhân viên trạm xăng hỏi những người khác :
-Xe kia nhiêu?
XeA : 20.000.....
Xe B:10.000.....
Xe C: 5.000 thôi.

Cô gái thắc mắc:
-Quái lạ ! sao xe người ta rẻ thế nhỉ ?
Đến lượt cô vào mua xăng, người nhân viên hỏi :
-xe cô bao nhiêu??
Cô thiếu nữ vênh mặt lên:
-Ngó thì biết mà. Xe này mới nhập cảng từ Mỹ về , hơn một triệu USD!


*

No comments: