Trần Độ
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trần Độ (23 tháng 9, 1923 – 9 tháng 8, 2002) là nhà quân sự và chính trị Việt Nam, Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mục lục[ẩn] |
Tiểu sử
Ông tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh trưởng trong một gia đình công chức ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở toà thông sứ tại Hà Nội, thường gọi là quan phán.
Năm 1939, ông tham gia làm báo Người Mới cùng với Nguyễn Thường Khanh, tức Trần Mai Ninh ở Hà Nội. Trong cuộc ruồng bố năm đó, ông bị Pháp bắt giữ nhưng không có chứng cứ để buộc tội nên ông lại được thả.
Trần Độ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Cuối năm 1941, ông lại bị bắt[1]. Tòa án tại Thái Bình xử án 15 năm tù giam. Cuối năm 1941, từ Hoả Lò (Hà Nội), Trần Độ bị đầy lên Sơn La. Tại đây, ở tù cùng thời gian này có Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ... Năm 1943, trên đường giải từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ đã trốn thoát để ra ngoài tiếp tục hoạt đông cách mạng. Ông lãnh đạo giành chính quyền ở Đông Anh, Hà Nội rồi bước vào cuộc đời binh nghiệp.
Năm 1946, ở tuổi 23, ông làm Chính ủy Mặt trận Hà Nội. Năm 1950, ông làm chính ủy Trung đoàn Sông Lô mà Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, rồi làm Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 32 tuổi (1955), Trần Độ là Chính ủy Quân khu 3 (Quân khu Tả ngạn) và đến năm 1958 được phong hàm Thiếu tướng.
Cuối năm 1964, ông vào miền Nam Việt Nam với bí danh Chín Vinh, cùng với các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm để gây dựng lực lượng vũ trang chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên.
Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ở chức vụ này ông đã soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình Cởi Mở văn hóa trong thời kỳ Đổi Mới.
Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).
Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng ba),...
Do bất đồng chính kiến với Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4 tháng 1 năm 1999 khi đã 58 tuổi đảng.
Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 2002 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu. Đám tang ông có sự tham dự hết sức đông đảo mọi tầng lớp quần chúng và trí thức, văn nghệ sĩ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng và gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có mặt đông đủ.
Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, ông Hà Sỹ Phu (phó tiến sĩ sinh vật học, nhà bất đồng chính kiến) viết:
- Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
- Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm.
Quan điểm đổi mới của Trần Độ
Ở cương vị thay mặt Đảng lãnh đạo văn nghệ, ông có ý thức "cởi trói" cho văn nghệ. Ông nhận thức rằng: "Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp".
Ông chỉ rõ rằng: "Cái ý thức giai cấp trong xã hội ta có những đặc điểm sau:
- Không có khả năng và phương pháp để phát hiện tài năng
- Không có khả năng và không biết sử dụng tài năng, vì nó cho rằng tài năng thường có hại, tài năng không chịu ngoan ngoãn phục tùng
- Nó lại càng không có khả năng phân biệt tài năng thật và tài năng giả, trí thức thật và trí thức giả. Nó chỉ thích nghe những điều xuôi chiều và xu nịnh, Nó không thể chịu được những cái độc đáo và không dung tha sự độc lập".
Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: "Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa".
Theo Trần Độ "nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng".
Ông kêu gọi: "Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ "hiệp thương" mà thực chất là gò ép".
Trần Độ có 4 câu thơ giãi bầy tâm sự thật ngao ngán (và được một số tài liệu đăng lại khác nhau):
|
|
Chính vì các quan điểm trên mà ông bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. [cần dẫn nguồn]
Ấn phẩm viết về cuộc đời ông sau khi ông mất
Tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vừa phát hành cuốn Chuyện tướng Độ. Cuốn sách dày 318 trang đã vẽ lại chân dung của Trần Độ, là một vị tướng nổi tiếng tài ba đồng thời là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Giúp bạn đọc tìm hiểu về một Trần Độ có nhiều công trạng, có cá tính, thuộc dạng “công thần” của cách mạng Việt Nam: 16 tuổi đã đi hoạt động; 17 tuổi bị địch bắt, bị giam cầm qua nhiều nhà tù…rồi trốn thoát tiếp tục hoạt động.
Có đoạn đại ý: sau 1974 ông được đi công tác nước ngoài (Cộng hòa Dân chủ Đức), ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn và không ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, ông nghiên cứu và viết một bức "Thư tâm huyết", dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, ông nghĩ, ông muốn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, gửi tới lãnh đạo đảng Cộng sản. Ông viết vào kiến nghị phát hiện của ông về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, ông không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm.
Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa[2].
Nhà văn Võ Bá Cường đã công bố nguyên vẹn bức thư ấy ở phần cuối cuốn sách. Bây giờ Trần Độ đã mất, cuốn sách này viết về những công trạng của ông, những việc ông đã làm, đã viết dù rằng ông đã là người bị khai trừ ra khỏi đảng cộng sản.[2].
Liên kết ngoài
- Hồi ký Trần Độ
- Trần Độ, Nhật ký Rồng Rắn
- Giới thiệu sách: Chuyện tướng Độ, truyện ký của Võ Bá Cường
- "Chuyện Tướng Độ" trên RFA
Ghi chú
- ^ Nhật Ký Trần Độ, tập I, chương 4
- ^ a b Chuyện Tướng Độ (xem tác phẩm)
Trần Độ
Nhật ký Rồng Rắn
Lời đầu
Ông Trần Độ(Năm 2000 - Canh Thìn, và 2001 - Tân Tỵ)
Đây là tập nhật ký lúc cuối đời của ông Trần Độ, người đã từng hy sinh cả cuộc đời cho đảng cộng sản, để rồi khi ông nhìn thấy rõ những tội lỗi mà đảng này đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, ông nói lên tiếng nói trung thực thì liền bị đảng trù dập bạo tàn. Ông bị quản thúc chặt chẽ cho đến lúc chết, và ngay trong tang lễ của ông, đảng cũng thực hiện những thủ đoạn bất nhân đối với người đã chết, kiểm soát từng người đến tham dự, kiểm duyệt từng dòng chữ trên những vòng hoa phúng điếu... Tập "Nhật ký rồng rắn" của ông đã bị công an tịch thu, nhưng tập bản thảo đã được những nhà đối kháng kịp lưu trữ và phổ biến. Chúng tôi xin gửi đến qúy độc giả tập hồi ký này đăng nhiều kỳ liên tiếp. (VNN)
“…Cuộc cách mạng ở Việt Nam đã đập tan và xoá bỏ được một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo, nhục nhã. Nhưng lại xây dựng nên một xã hội chưa tốt đẹp, còn nhiều bất công, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế, của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống như và tệ hơn là trong chế độ cũ…”
Để tặng các bậc lão thành và các cựu chiến binh hai cuộc kháng chiến, cùng các nhà trí thức và tất cả những ai quan tâm đến tiền đồ đất nước .
Lời đầu
Bản viết này để tặng các bậc lão thành cách mạng, các bậc trí giả và các người có trọng trách lãnh đạo hiện nay. Đây không phải là các luận văn, và không phải các bài văn chương. Đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”. Đây là những ý nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của một kiếp người. Đây chỉ là những ý nghĩ được ghi lại trong những ngày cuối năm Thìn và đầu năm Tỵ nên được gọi là nhật ký và nhật ký Rồng Rắn.
PHẦN MỘT
I. Hiện nay, cái gì là quan trọng nhất ?
14.11.2000(1)
Thử nghĩ về tình hình đất nước Việt Nam hiện nay.
Thử nêu một câu hỏi ?
Điều gì là điều quan trọng nhất cho đất nước hiện nay, điều gì là quan trọng cốt tử ?
Đó là tìm ra con đường phát triển đất nước cho mau chóng để thoát khỏi nghèo khổ, lạc hậu, để bù lại 50 năm gian khổ và 30 năm chiến tranh, gọi tắt là tìm đường phát triển.
Nay lại có vấn đề quan trọng hơn, quan trọng nhất, là: giải quyết bằng được cái gọi là Chủ nghĩa xã hội, đề cao và giữ vững vai trò của Đảng cộng sản ?
Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào ? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không ? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hoá, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải.
Đó có phải là một sự thật hiển nhiên không ?
Đảng cộng sản chân chính thì coi việc “phát triển đất nước” là quan trọng hơn là cố giữ vững và đề cao vai trò của Đảng.
Mọi tư duy phải xuất phát từ điểm này. Hồ Chí Minh cũng luôn nói về Đảng rằng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc. Thế là rất đúng.
17.11.2000
Nếu chỉ lấy yêu cầu phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng nhất để xem xét, thì thử hỏi:
Có nhất thiết chỉ có chủ nghĩa Mác- Lênin, chỉ có chủ nghĩa xã hội, mới làm cho đất nước phát triển hay không ? Nếu chỉ cần nêu cao vai trò của Đảng, thì có nghĩa là đất nước phát triển hay không phát triển là không quan trọng.
Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài Loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái Lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác-Lênin hướng dẫn không ? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không ? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu.
Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả. Còn Việt Nam, kể từ khi toàn thắng trong cuộc chiến tranh đến nay đã hơn 25 năm và sắp sửa có hoà bình 30 năm, dài bằng thời gian chiến tranh rồi, mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Chậm hay nhanh không quan trọng, cứ phải là xã hội chủ nghĩa đã. Thế tại sao hiện nay đất nước lại có những mặt phát triển rõ rệt là nông nghiệp, thương mại. Là vì nông dân được tự do làm ăn, tiểu thương được tự do buôn bán, là nhờ sau Đại hội VI, hai mặt đó được mở ra. Mới chỉ thế thôi, đất nước đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng còn nhiều người, nhiều cái không được tự do, còn nhiều trở ngại. Muốn cho đất nước phát triển nhanh thì cần phải làm sao cho mọi người dân đều được tự do làm ăn, nông dân, thương nhân, nhà doanh nghiệp (nhà doanh nghiệp sẽ kéo theo công nhân), các nhà khoa học, trí thức văn nghệ sĩ. Tất cả đều phải được tự do.
Tự do là chìa khoá của phát triển.
Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó.
Nếu thật sự coi phát triển đất nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân; phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một quan điểm, một ý kiến.
22.11.2000
Thật ra, không cần phải tranh cãi lý luận nhiều. Cứ nhìn một số sự thật hiển nhiên thế này:
- Cả thế giới, cả cuộc đời cứ vận động và cứ diễn biến, khó có thể dự liệu trước được.
- Trên thế giới có đến hơn 100 nước không cần chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội, không cần có Đảng cộng sản “tài tình” và “sáng suốt” mà cứ phát triển đến trình độ giàu có, văn minh cao. Gần 100 nước khác còn đang nghèo đói cực kỳ, nhưng họ cũng không phát triển theo chủ nghĩa xã hội.
- Bây giờ chỉ còn lại có 4 nước theo chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội. Trong đó nước lớn nhất và quan trọng nhất thì miệng nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng họ đưa đất nước tiến lên theo kiểu “có màu sắc Trung Quốc”. Họ phải chơi với Mỹ, xác định vai trò kinh tế tự do và vai trò kinh tế tư nhân. Còn Bắc Triều Tiên cũng đang buộc phải mở cửa, phải hoà hợp với Nam Triều Tiên để thoát khỏi cảnh đói nghèo và khó khăn.
- Nửa đầu thế kỷ, Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, rồi Liên Xô ra đời và sau đó, cả một thế giới xã hội chủ nghĩa hình thành, có sự phát triển một thời rất mạnh. Nhưng sau 70 năm thì chủ nghĩa xã hội không phát triển kịp với thế giới, bị sụp đổ và tan rã. Tiếp theo đó, nhiều Đảng cộng sản phải thay đổi tôn chỉ và đường lối. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa không hề tỏ ra nhớ tiếc.
- Càng ngày càng rõ ra là chủ nghĩa Mác - Lênin không dự đoán đúng được mọi việc, không giải quyết được tất cả mọi vấn đề mới nảy sinh của cuộc sống. - Có người nói cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga thành công và Liên Xô ra đời là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vậy thì sự sụp đổ của cái “quan trọng” ấy lại càng “siêu quan trọng”.
- Ở Việt Nam, từ 1975 đến 1985 ta chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Điều đó đã làm đất nước và nhân dân khốn khổ. May mà năm 1986, Đảng cộng sản phải nghe theo dân và phải đổi mới, nhưng sự đổi mới ấy lại cứ nửa vời, chập chờn, làm cho sự phát triển đất nước cũng cứ chập chờn, cứ nhùng nhằng, do đó đã qua đi 25 năm mà tương lai chưa hứa hẹn gì nhiều. Trong khi đó sự tụt hậu cứ càng ngày càng tụt xa, ta không sao theo kịp các nước không xã hội chủ nghĩa. Như vậy “xã hội chủ nghĩa” chỉ là một lý thuyết của một học thuyết chưa được chứng thực (chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ sau 70 năm tưởng rằng đã thành công).
Như vậy nó không thể là con đường duy nhất để phát triển đất nước.
(2)
Cách mạng và xây dựng, và tiến hoá
Hình như mỗi xã hội, mỗi đất nước trong tiến trình phát triển của mình đều phải trải qua những thời kỳ cách mạng và thời kỳ xây dựng.
Cách mạng là đập phá, đánh đổ. Nó có ý nghĩa xây dựng ở chỗ nó đập phá và đánh đổ những cái gì là lỗi thời cũ kỹ để tạo điều kiện cho những cái mới mẻ, cái tiến bộ ra đời và phát triển.
Khi xây dựng thì vẫn tiếp tục phải loại bỏ những cái gì lạc hậu, lỗi thời, cũ kỹ, phản động, nhưng xây dựng thì chủ yếu phải có việc xây đắp và tạo ra những giá trị mới cả tinh thần vật chất làm cho xã hội tiến bộ và phát triển cao hơn.
Nhưng cho đến ngày nay, với sự phát triển rất cao của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, thì hình như ỏ tất cả các xã hội nhân dân đều mong muốn đất nước phát triển hoà bình và mong muốn tránh bớt những bạo lực, những lật đổ và chiến tranh. Phải chăng lịch sử loài người đã bước sang kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên hoà bình và loại trừ bạo lực, loại trừ chiến tranh ? Nhân dân chỉ muốn tiến hoá, chứ không muốn cách mạng bạo lực! Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử kéo dài gồm những cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, hoà bình xây dựng, rồi lại bị xâm lược. Và lại chiến tranh chống xâm lược. Qua quá trình đó mà đất nước ta trưởng thành và phát triển. Cho đến nay, đất nước đã được hoà bình độc lập, thống nhất.
Không biết tương lai loài người sẽ phát triển, tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào ? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể lặp lại y nguyên những tình hình trước đây. Tuy nhiên, trước mắt ta thấy rất rõ là đất nước ta đang ở chỗ đã thực hiện được 3 chữ trong 5 chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra: đó là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Ta đã đạt 3 chữ hoà bình, độc lập, thống nhất. Ta đang phải thực hiện cho được 2 chữ dân chủ và giàu mạnh.
Theo cách khác, cũng do Hồ Chí Minh nêu ra 3 chữ:
1. Độc lập,
2. Tự do,
3. Hạnh phúc.
Ta đã đạt được độc lập và phải tiếp tục thực hiện nốt tự do và hạnh phúc, cũng tức là hai chữ dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh đã nói một câu mà bây giờ rất nhiều người biết và nhắc đến: “Độc lập mà không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng vô nghĩa”.
Như thế cũng có nghĩa là phải có dân chủ và giàu mạnh. Nhiều người cho rằng: có xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên có tự do hạnh phúc. Nhưng sự thật lớn của thế giới đã chứng thực là không phải vậy. Chiến tranh lớn và các hoạt động bạo lực, lật đổ càng ngày càng trở nên lạc hậu lỗi thời.
Để có tự do và hạnh phúc, không nhất thiết phải có bạo lực, không nhất thiết phải đánh đổ ai. Thậm chí ngày nay có những nền độc lập giành được cũng không cần có bạo lực và chiến tranh. Hiện nay nước ta đang bước vào xây dựng, mà xây dựng thì phải hoà bình, mà hoà bình xây dựng thì đất nước cũng hoà bình phát triển, tiến hoá ngày càng cao.
Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại thì hoá giải nó để tiến lên. Ta đã làm chủ đất nước. Vậy thì ta thực hiện cái nguyên lý mà Đảng cộng sản đã nêu ra và đề cao chất ngất. Đó là phê bình và tự phê bình. Ta có thể tự phê bình dân tộc, tự phê bình chính quyền, tự phê bình các cơ quan. Tự phê bình thì sẽ tiến bộ và có dân chủ. Tự ca ngợi, lại tự ca ngợi quá nhiều, quá đáng, thì đó là chỉ dấu báo hiệu sự tàn tạ.
Không được lạm dụng chữ cách mạng. Ta đang xây dựng thì chỉ có xây dựng: xây dựng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể lúc nào cũng phải có chương trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng.
Sản xuất không phải là cách mạng. Giáo dục không phải là cách mạng. Đại hội cũng không phải là cách mạng. Hội nghị liên hoan văn nghệ càng không phải là cách mạng. Chống lụt chống bão, cứu trợ từ thiện cũng không phải là cách mạng. Ở rất nhiều nơi, nhiều lúc, không cần đến cách mạng. Nhưng ở tất cả các nơi đều cần có tự do, và lớn nhất là “tự do làm ăn” phải có tự do hưởng lợi ích của kết quả sự làm ăn đó.
Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền cách mạng. Điều đó chỉ có ý nghĩa khi cách mạng vừa mới thành công.
Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng.
Chính quyền xây dựng thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin và trao đổi thông tin. Như thế tự do làm ăn mới thực hiện được. Xây dựng thì hàng ngày hàng giờ phải tạo ra những giá trị mới, từ nhỏ đến lớn. Nhưng công tác tư tưởng của Đảng thì lại chỉ quan tâm tới những công việc có ý nghĩa - có ý nghĩa kỷ niệm, có ý nghĩa lịch sử vv…, mà không quan tâm tới những công việc có hiệu quả tạo ra những giá trị mới.
Nguyện vọng tha thiết và sâu sắc của dân là được quyền sống, được quyền tự do kiếm sống nuôi mình, được quyền tự do lo cho con cái, cháu chắt. Mọi người ai cũng đều mong có nhà, có phương tiện đi lại, có phương tiện học tập giải trí. Muốn thế phải được tự do làm ăn, tự do thu nhập hợp pháp. Đó là điều cốt yếu và là lý tưởng thiết thực, chứ không cần một thứ tinh thần cách mạng để đánh đổ ai, không cần một lý tưởng cách mạng xã hội nào. Chính quyền của nhân dân cần hiểu rõ điều đó. Chỉ có nhân dân được tự do, đất nước mới phát triển được. Làm khác đi chỉ trở ngại cho sự phát triển của đất nước.
Ở Việt Nam cuộc cách mạng 50 năm đã đập tan được cái gì và xây dựng nên cái gì ?
3.12.2000
(3)
Quanh đi quẩn lại vẫn phải trả lời cho câu hỏi: nước ta đã từ cái gì bước sang cái gì và hiện đang là cái gì ?
Rõ ràng là ta đã từ chiến tranh bước sang hoà bình, đang từ tình trạng cách mạng bước sang tình trạng bình thường.
Và cũng có thể nói cách khác là ta đã từ tình thế chiến tranh cách mạng bước sang cuộc sống hoà bình đời thường.
Ai cũng phải nhận thấy rằng tình thế chiến tranh và cách mạng là tình thế không bình thường, là tình thế bất thường. Và hoà bình xây dựng là bình thường, là đời thường. Những ai cả đời, hoặc phần lớn cuộc đời, sống trong chiến tranh và cách mạng là những người có cuộc đời phi thường. Nhưng dù như thế những người phi thường đó cũng phải có một cuộc sống đời thường: ăn, ngủ, mặc, ốm đau, học tập, giải trí, nhất là lấy vợ (chồng) đẻ con, nuôi con vv… Chỉ có điều những chi tiết cuộc sống đời thường đó đã phải giải quyết và thực hiện một cách bất thường.
Bây giờ phải giải quyết và thực hiện cuộc sống đời thường đó một cách bình thường.
Đó là lẽ tự nhiên, và lẽ tự nhiên đó phù hợp với sự tự nhiên của tạo hoá. Ai cứ muốn làm khác lẽ tự nhiên đó thì trở nên gàn dở và điên cuồng.
Cuộc sống chiến tranh và cách mạng có những yêu cầu đặc trưng của nó. Những yêu cầu như:
• Có Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện;
• Có nguyên tắc tập trung dân chủ. Có yêu cầu kỷ luật sắt, chỉ có chấp hành không bàn cãi;
• Chịu đựng gian khổ, hi sinh;
• Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Đó là những yêu cầu cần thiết và hợp lý, mỗi người và toàn thể nhân dân vui lòng chấp nhận, tự nguyện chấp nhận và thực hành. Và thực sự, cuộc đấu tranh đã nhờ những yêu cầu đó mà có sức mạnh để giành thắng lợi.
Nhưng khi đất nước đã chuyển sang hoà bình xây dựng và cuộc sống đời thường thì không thể tiếp tục yêu cầu như vậy được nữa.
Trước đây phải có một Bộ chỉ huy, một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ để lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh và cách mạng. Bộ máy lãnh đạo có quyền đề ra những yêu cầu như vậy và mọi người sẵn sàng tự nguyện tuân theo.
Nhưng không thể cứ kéo dài những yêu cầu đó trong hoà bình và xây dựng.
Nếu cứ tiếp tục cứ yêu cầu như vậy trong hoà bình xây dựng thì đó là phản tiến bộ, phản dân chủ, là phản động.
Trong điều kiện hoà bình xây dựng, tức là trong đời thường cần có một bộ máy quản lí xã hội phù hợp với cuộc sống đời thường.
Tôi được đọc ý kiến của một số nhà nghiên cứu nêu lên một cách có lý luận là một xã hội đời thường như vậy cần có 4 thứ: (coi như 4 bánh xe của một cỗ xe)
1. Một xã hội công dân.
2. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi.
3. Một nhà nước pháp quyền.
4. Một nền dân chủ đầy đủ.
Như vậy là một xã hội đời thường phải có: xã hội công dân, thị trường, pháp quyền và dân chủ.
Bộ máy quản lý xã hội ấy là một bộ máy dân chủ. Nói dân chủ thì cứ phải dân chủ đã, không phải chưa nói dân chủ đã đề phòng “dân chủ quá trớn”, đề phòng “lợi dụng dân chủ”. Khi dân có dân chủ thì dân phải “dùng” cái quyền dân chủ đó, “dùng” không phải là “lợi dụng”. Mà dân chủ nào cũng là dân chủ có quy chế, có quy tắc.
Ai làm sai những quy chế, quy tắc đó thì phải phạt. Người đứng đầu như Chủ tịch, Thủ tướng, Chánh án, Giám đốc mà làm sai quy chế dân chủ thì cũng phải phế truất, không thể có chuyện đổ cho người ta tội “dân chủ quá trớn” và “lợi dụng dân chủ”. Và tại sao lại chỉ đề phòng “lợi dụng dân chủ” mà không đề phòng “lợi dụng không dân chủ” ? Bộ máy quản lý xã hội dân chủ là một bộ máy phải được xây dựng nên một cách dân chủ, nó có đủ quyền hạn mà nó được phân công, nhưng quan trọng nhất là nó phải được giám sát, tức là phải được nhân dân giám sát và các cơ quan trong bộ máy ấy giám sát lẫn nhau. Muốn thế phải thực hiện tự do ngôn luận và tự do bầu cử.
Ở ta, những điều đó đã được ghi trong Hiến pháp. Phải rà soát lại, phải thay đổi tất cả các bộ luật và các điều luật để bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp.
Nhưng rõ ràng có nhiều hiện tượng người dốt người kém lại cai trị, điều khiển người có tri thức; người không biết chuyên môn lại có quyền sai bảo dạy dỗ người có chuyên môn; người có trình độ rất thấp lại đi dạy dỗ chỉ đạo khắp nơi khắp chốn. Những hiện tượng đó là có thật, có thật rõ ràng, ai ai cũng thấy, ai ai cũng biết.
Quả là vào thập kỷ 80 thì cả nước mong ước thoát khỏi khủng hoảng toàn diện. Quả là đất nước lúc ấy ở vào tình trạnh “suýt chết”. Đó là chưa kể sau khi thắng lợi, hàng trăm nghìn người đã bỏ nước ra đi. Thế là hình thành nhiều trung tâm người Việt ở thế giới gần 2 triệu người.
Vậy là tại sao ? Tình trạng đó có phải do kẻ địch nào tạo ra, có kẻ địch nào bịa ra để nói xấu ta ?
Không !
Tất cả những ai đến nay ở tuổi 40-50 đều chứng kiến, cả “thắng lợi” lẫn “suýt chết” !
(4)
Vậy là do đâu ?
Quả thật là 50-70 năm vừa qua, đất nước ta đã trải qua nhiều biến động long trời lở đất, đã biến chuyển vĩ đại từ một đất nước nô lệ không tên tuổi trên thế giới, cực kỳ đói nghèo, dốt nát và lạc hậu, đầy nhục nhã, đầy dối trá, lừa đảo, đầy tệ nạn và oan khuất, trở thành một đất nước tên tuổi lừng lẫy, sự đói nghèo đó giảm bớt, sự dốt nát bị tiêu diệt.
Suốt quá trình đó, đều có vai trò nổi bật của Đảng cộng sản Việt Nam, có lúc tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Nhưng tất cả những thắng lợi và tiến bộ ấy không thể quy hết vào công của Đảng cộng sản được, tuy rằng Đảng cộng sản có công lớn. Cũng không thể quy hết công vào chủ nghĩa Mác được.
Vì 50 năm và 70 năm ấy, nhiều nước ở quanh ta cũng có những biến chuyển lớn, lớn hơn cả nước ta. Họ đã từ nghèo nàn lạc hậu trở thành những nước giàu có và văn minh, còn nước ta vẫn còn ở trạng thái tụt hậu, đang phải cố gắng đuổi theo, mà sự đuổi theo ấy còn đang đuối sức.
Những nước ấy không hề nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản. Đó là một sự thực hiển nhiên, bất cứ ai dù có nhắm mắt cố tình cũng không thể không nhìn thấy.
Hiện nay những người khoảng trên 70 tuổi, tức những người được sinh ra trước năm 1930, cũng tức là những người đã được sống trong xã hội trước Cách mạng Tháng 8, thường có sự so sánh mặt nọ mặt kia của xã hội ngày nay với xã hội ngày xưa.
Khi so sánh như thế, ai nấy cũng đều thấy xã hội ta, đất nước ta ngày nay được độc lập, đã “sạch bóng quân xâm lược”. Thật là rõ ràng, hiển nhiên ngày nay dân ta có đời sống khá hơn nhiều so với trước đây. Trước đây là đường phố đầy người chết đói và ăn mày, ngày nay một người dân trung bình cũng mơ ước và có khả năng thực hiện một ngôi nhà cho mình, cho con, một xe máy, một bộ ti vi, tủ lạnh, bếp ga, nhất là đối với người ở thành phố và đô thị. Như thế so với thời chết đói và ăn mày thì đã là một trời một vực. Cái chuyện thời nay khác thời trước cách đây 50- 70 năm là một sự thường vì nhiều nước được như thế và còn hơn thế nữa. Không thể nói là nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản được.
Nhưng còn xã hội ngày nay đã tốt đẹp chưa ? đã tự do, dân chủ chưa ? thì không ai thấy được. Nhưng ai cũng thấy rằng:
1. Xã hội hiện nay có một bộ máy quản lý to lớn kềnh càng quá, nhất là ở xã phường và huyện tỉnh. Bộ máy lại có nhiều Quan quá. Có một thời chữ Quan mất đi rồi, thay vào đó là chữ “Cán bộ”, “Đồng chí”. Nhưng ngày nay chữ “Đồng chí” chỉ còn trên giấy, còn thường ngày dân vẫn nói “các Quan” và “Quan càng to, càng nhiều bổng lộc”. Ngôn ngữ ấy trở lại như ngày xưa, trong xã hội rất nhiều người cũng cố gắng “phấn đấu” để được làm Quan. Vợ kiêu hãnh vì có chồng là Quan, con hãnh diện vì có bố, mẹ là Quan. Điểm này, xã hội ngày nay giống trước và trắng trợn, tệ hại hơn trước.
2. Càng Quan to thì lễ lạt, biếu xén càng to và bổng lộc càng nhiều.
3. Nhiều Quan to có mức độ sống không kém gì các quan ở những nước giàu có (nhà cửa, xe cộ, quần áo, ăn uống).
4. Trong bộ máy, có nhiều người khiến nhân dân phải sợ, phải kiêng nể, có nhiều bộ máy to nhỏ đáng sợ. Dân phải sợ công an, sợ cán bộ Đảng, vì cán bộ Đảng giống công an quá, cũng hay dò la, xem xét, hay doạ nạt. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!”.
5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khá đông đảo, nhưng không bênh vực được nhân dân chút nào. Nhân dân vẫn phải khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người (tức là biểu tình), vừa gửi đơn, vừa muốn trực tiếp đưa đơn, có rất nhiều trường hợp oan trái và oan khuất từ đời cha, đời ông đến đời con, đời cháu.
Những điều đó, báo chí lẻ tẻ đều có nói đến, nhưng còn rất ít. Phải nghe nhân dân nói với nhau ở hè phố, góc chợ và khắp nơi mới thấy rõ được bức tranh xã hội thật.
Vậy một xã hội mà ta mơ ước, ta lý tưởng hoá, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta đã xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa ?
Ta đã từng mơ ước, và từng lý tưởng hoá, ta đã từng chỉ ra là xã hội tương lai sẽ không có thất nghiệp, không có cờ bạc, không có gái đĩ, không trộm cắp vv... Nhưng xã hội ta ngày nay như thế nào? Vẫn có đầy đủ các tệ nạn của một xã hội cũ mà ta đã từng nguyền rủa và đã từng đập tan. Trước đây ta cho rằng chỉ có xã hội tư bản mới xấu xa như thế. Còn xã hội xã hội chủ nghĩa thì một trăm phần trăm tốt đẹp, một trăm phần trăm ngược lại với xã hội tư bản.
Thực ra, chủ nghĩa Mác rất nhân đạo, rất nhiều lòng tốt, nó chỉ ra cho loài người một tương lai sáng lạn: sẽ không có tư hữu, do đó không có bóc lột, thế là cuộc sống xã hội hoàn toàn công bằng và dân chủ.
Nhưng thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng nó không thể đơn giản như vậy. Hình ảnh ấy chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ. Thực tiễn cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Loài người cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm, tạo ra cho mình những kinh nghiệm và những giá trị tốt đẹp. Xã hội tư bản có những cái xấu, nhưng trong xã hội đó, nhân dân cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho mình, miễn là nhân dân được tự do. Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng có nhờ nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm được mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người, chỉ là một ảo tưởng hão huyền.
Thế mà Đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng.
Nhân dân cần được tự mình làm chủ cuộc đời của mình, nghĩa là phải được tự do sống, tự do làm ăn, rồi mọi việc của cuộc sống sẽ được giải quyết dần, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.
Nói đúng hơn là nhân dân cần đến tất cả các học thuyết, các chủ nghĩa, rồi nhân dân sẽ chọn lọc, cân nhắc, so sánh chúng với nhau để tìm ra cái nào có lợi cho đường đi của mình.
Đảng nào sáng suốt và tài tình là đảng tạo ra được những tự do như vậy cho nhân dân. Chứ còn đảng nào mà cứ bắt nhân dân phải nghe theo và sống theo các nghị quyết của mình thì đảng ấy chỉ là duy ý chí một cách dốt nát và tàn bạo.
Đảng ấy quyết không thể tồn tại.
7.12.2000
(5)
Tiếp tục câu hỏi lớn: cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam ?
Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xoá bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng.
Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính.
Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói … Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo vv… để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói.
Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch.
Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.
Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ.
Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc.
Nó đang làm hại cả một nòi giống.
9.12.2000
Vẫn có một câu hỏi lớn mà không biết có tìm được câu trả lời thoả đáng hay không ? Câu hỏi đó là:
Nhân dân Việt Nam, sau 70 năm đấu tranh gian khổ và 30 năm chiến tranh ác liệt với những hi sinh rất lớn lao và sâu sắc đã mang lại cho mình, cho đất nước một chế độ xã hội và một chính quyền thế nào ? một xã hội kiểu gì ?
Ta biết chắc là có những câu trả lời ngon lành như sau:
“Ta đang có một chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và có một xã hội xã hội chủ nghĩa cũng rất tốt đẹp. Vì nhà nước của ta ngày nay tên là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng cộng sản lãnh đạo. Bản chất của chế độ ta là công bằng dân chủ, nhân dân rất hạnh phúc.”
Đó là câu trả lời chính thống.
Ai nói khác đi là chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại Đảng cộng sản. Nhưng người dân thường và nhất là nhiều bậc lão thành, nhiều nhà trí thức và cả nhiều thanh niên nữa, đều thấy là không phải thế. Những người này thường lấy sự thực thường ngày ra đối chiếu, rồi thấy rằng chữ xã hội chủ nghĩa thật là vô duyên và vô nghĩa. Vì vậy đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên trở lại với tên nước mà Hồ Chí Minh đã đặt: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
=
No comments:
Post a Comment