Friday, July 27, 2012

TRONG CÕI 6

Giáo Sư Trần Quốc Vượng
Việt Nam nhân bản, dân tộc, dân chủ, khoa học 
Trong Cõi - Chương 16

 
Việt Nam hiện nay đang là một nước chậm phát triển về mọi mặt, cả về mức độ và tốc độ, trong khi thế giới từ nửa sau thế kỷ XX đã và đang biến chuyển rất nhanh. Bỏ qua một bên mọi giải thích khác nhau về chiến tranh, cách mạng, thiên tai, sai lầm chủ quan cho là cả về chiến lược và sách lược v.v... thì đấy vẫn là một nghịch cảnh hiển nhiên, tạo ra một bức xúc, đòi hỏi phải khắc phục, giải quyết về cơ bản, trong 10 năm còn lại của thế kỷ này...

Trên tầm mức hiện nay của khoa học kỹ thuật, cuộc sống loài người ngày càng quốc tế hoá, cho nên trong từng cư dân - quốc gia - khu vực xảy ra một quá trình biện chứng (mâu thuẫn biện chứng):

- Một mặt, là sự chăm lo giữ gìn bản sắc văn hoá riêng.

- Một mặt khác, là sự tăng cường giao lưu văn hoá. Giao lưu, tiếp xúc thì tất nhiên dẫn đến biến đổi, có giữ và có bỏ, có thêm và có bớt, người ta hay "nói chữ" là tích hợp, hội nhập, giao thoa, giao hoà văn hoá...

Văn hoá là cuộc sống, mà cuộc sống luôn luôn là một tổng thể bao gồm cả ba mặt (tuy 3 mà 1): BẢO TỒN - PHÁ HUỶ và SÁNG TẠO CÁI MỚI. Văn hoá là của CON NGƯỜI, con người vừa làm ra vừa tiêu thụ, hưởng thụ văn hoá. Nói "Dân là gốc Nước" theo kiểu cũ thì cũng đúng thôi, nhưng người xưa, chẳng hạn Phan Huy Chú, cũng nói "rộng" hơn: "Người là gốc Nước". Trong nước, có những người dân thường mà cũng có nhân tài, và thỉnh thoảng cũng có một vài thiên tài, "xuất chúng", dù cũng vẫn là nảy sinh từ trong nhân dân. Nói văn hoá đại chúng, nhân dân, chứ không chỉ riêng "công-nông-binh" hay như gần đây giáo sư Trần Đức Thảo đề nghị gọi: "công-nông-tri" là tác giả lớn nhất của văn hoá, thì cũng đúng thôi. Nhưng nhân tài, thiên tài bao giờ cũng có đóng góp lớn, thậm chí là đóng góp đặc biệt vào sự sáng tạo văn hoá. Và người dân bao giờ cũng cần, cũng tôn trọng và biết ơn các nhà văn hoá, các danh nhân văn hoá... đã làm cho họ được hưởng thụ, thưởng thức văn hoá nhiều hơn và cao hơn cái mà họ làm ra. Không phải là không có lý, khi các cụ ta xưa gắn văn hoá, văn minh với nhân tài và gọi là VĂN HIẾN (Hiến là chỉ các bậc hiền tài). Cho nên đường lối văn hoá của một chính phủ hay một đảng lãnh đạo, nói chung là của những người cầm quyền trị nước, nắm vận mạng quốc gia dân tộc là, một mặt cố gắng làm hết sức để nâng cao đời sống dân sinh, dân trí, dân quyền... nói chung, một mặt khác, phải hết sức vô tư phát hiện, bồi dưỡng, tôn trọng và sử dụng đúng mức và vượt mức càng tốt - mọi nhân tài. Riêng về điểm này, giới lãnh đạo quốc dân trước đây nói cũng chẳng sai gì lắm (trừ lối nói "tả khuynh" kiểu thập kỷ 30 "trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" hay hiểu thập kỷ 50 ví "trí thức" với "cục phân", hoặc nói "sau lưng", trong "nội bộ", gọi "trí thức" là "tụi", "bọn" (có văn bản hẳn hoi), bọn lắm chuyện... nhưng làm gì sai nhiều (chẳng hạn theo "chủ nghĩa lý lịch" "bè phái"...)).

Ngày xưa, triều đình nào mới lên sau một cuộc chiến tranh hay loạn lạc, muốn xây dựng lại đất nước, cũng đều "xuống chiếu cầu hiền", không thể chỉ dùng tướng đánh nhau (phá đổ là chính, như "đánh đổ" thực dân, đế quốc) để canh tân đất nước ("xây dựng" là chính). Nghĩa là sau chiến tranh, người chiến thắng cầm quyền bao giờ cũng có đường lối lớn: Hoà giải và Hoà hợp Dân tộc. Điều này, sau 75, phải nhận là Đảng cầm quyền làm rất kém và lẽ tự nhiên là để thất thoát nhân tài, thực ra là ngay trước đó nữa, từ sau 1954, ở nửa phía Bắc, bởi một đường lối "tổ chức cán bộ" rất hẹp hòi, phân biệt trong đảng, ngoài đảng, công nông, phi công nông... trong mọi lãnh vực, cho đi học nước ngoài, đề bạt, cất nhắc vào các chức vụ chủ chốt v.v... cuối cùng thì nghịch lý hiện ra rõ rệt ở thập kỷ 80, và tương đối phổ biến: Thằng dốt "lãnh đạo" những người giỏi chuyên môn, thằng ngu ngồi trên đầu người khôn! Để đến nỗi người dân thường và trí thức bảo: Sau 45, mới thoát ách thực dân thì ai cũng DỐT thôi. Có lẽ là trừ cụ Hồ và vài ông cao cấp. Nhưng sau 75, đã DỐT hay tiếp tục DỐT, nhưng lại còn NÁT nữa, thao nhũng bạo quyền v.v... Và kết quả dĩ nhiên là: Khủng hoảng toàn diện!!!

Xưa nay phép biện chứng của lịch sử "có chừa ai đâu", kẻ cả đảng Mácxít-Lêninít nữa: "Những chiến thắng lớn có thể trở thành những thất bại lớn" (Héraclite).

Trong một xã hội cổ truyền bị thực dân hoá và đô thị hoá kiểu thuộc địa, mà vẫn ở tình trạng trước công nghiệp hoá như Việt Nam thì, theo tôi, lực lượng năng động nhất của xã hội lại là tầng lớp trung nông khá giả ở nông thôn và tầng lớp tiểu tư sản ở thành thị. Trung nông là tầng lớp biết làm ruộng và tính toán làm ăn giỏi nhất, tạo ra nhiều nông sản hàng hoá nhất (kể cả các sản phẩm thủ công) cho một thị trường trong nước. Con cái họ được học hành và trở thành tầng lớp trí thức mới của dân tộc, của đất nước. Chính họ là tầng lớp sáng tạo ra nền văn hoá mới Việt Nam trên cơ sở giao hoà văn hoá Đông Tây, dung hoá cái cổ truyền của một xã hội "nông dân - nông nghiệp - xóm làng" với cái hiện đại của một xã hội "thị dân - thị trường - đô thị". Những tư tưởng mới được truyền bá trực tiếp từ phương Tây hay gián tiếp qua Liên Xô, Trung Hoa, Nhật Bản, mà cốt yếu là những tư tưởng nhân quyền, dân chủ hay tinh thần duy lý khoa học.

Chính là được họ tiếp thu và đồng hoá trước hết rồi đem phổ quát trong dân chúng, tạo nên một nền văn hoá mới và một nền khoa học mới Việt Nam. Nhưng sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong hợp tác hoá nông thôn, trong cải tạo công thương nghiệp ở đô thị, tuy chính sách đề ra thì không phải như thế, nhưng trong thực tế đã làm thui chột tầng lớp trung nông ở xóm làng và tầng lớp tiểu tư sản ở đô thị. Và như vậy, xét về mặt khách quan, là đã làm thui chột lực lượng sáng tạo văn hoá và khoa học ở nước ta mấy chục năm qua. Cộng vào đó, là một đường lối văn hoá hẹp hòi, quá nhấn mạnh đến việc khai thác lực lượng sáng tác từ nông công binh, viết, vẽ, diễn xướng "người thật, việc thật" gọi là để "phục vụ nông công binh" (cái này có ảnh hưởng rõ rệt của chủ nghĩa Mao) và thiếu khai phóng, chỉ nên lên việc học tập "Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em", không hiểu biết và đánh giá thấp những thành tựu văn hoá khoa học của các nhà văn hoá khoa học phương Tây, một thời nhất thiết bị dán nhãn "tư bản, đế quốc" và bị xem là "phản động, suy đồi".

Kết quả là, nền văn hoá khoa học Việt Nam mấy chục năm qua đã phát triển chậm chạp, nhiều mặt lạc hậu, và như nhận định của nhiều nhà khoa học văn hoá Việt Nam, thậm chí lạc điệu với thế giới đương thời. Đấy, căn bản là tình hình văn hoá khoa học Việt Nam trước Đại hội 6 Đảng Cộng sản Việt Nam, trước thời kỳ gọi là "Đổi mới tư duy".

Văn Hoá, dù hiểu theo nghĩa hẹp, "cổ điển" của nó là tư duy mỹ học hay là "chất lượng" văn hoá, các biểu tượng của văn chương, nghệ thuật, các tiến bộ khoa học và thành tựu văn minh... thì ở Việt Nam vừa qua phần lớn cũng chỉ tạo được những tác phẩm "xoàng xoàng bậc trung", nếu không muốn nói là nhiều tác phẩm kém giá trị, kém phẩm chất, rất hiếm tác phẩm vươn lên được những đỉnh cao như truyện Kiều ngày trước, khả dĩ "ngang tầm thời đại" với thế giới ngày nay. Hiểu theo nghĩa rộng hơn của văn hoá là lối sống và nếp sống, lối tư duy và hành động của một cộng đồng cư dân, suy nghĩ, phán đoán, tưởng tượng, hồi niệm, dự phòng về tương lai... thì nhìn chung, lối sống Việt Nam cho tới cuối thế kỷ XX vẫn rất nặng tính chất quê mùa, thôn dã, truyền khẩu, duy cảm, nặng tình nhẹ lý, từ làng đến nước vẫn thiếu một tính chất pháp quyền, sống theo lề thói hơn là sống theo pháp luật (mà cho đến nay ở nước ta đã có một bộ Luật Dân Sự và Tố Tụng Dân Sự đâu, đã có một nhà nước pháp quyền và những sự phân biệt rạch ròi các quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đâu, mọi thứ quyền lực từ trung ương đến địa phương vẫn tập trung trong tay các cấp uỷ Đảng hay một nhóm người, thậm chí chỉ một vài người "quyền sinh quyền sát").
 
Từ xã đến trung ương, lề thói "gia trưởng, cường hào, sứ quân, quan liêu" còn rất nặng nề. Công nhân, nông dân vẫn sống nghèo khổ và tăm tối, dốt nát và mê tín, nhất là trên rẻo cao và vùng xa đô thị, 6, 7 triệu dân còn mù chữ, phổ cập giáo dục cấp 1 nói và hứa hẹn đã lâu mà vẫn chưa thực hiện được (trong khi nhiều nước đã phổ cập ở cấp trung học). Trí thức cũng sống nghèo khổ. Khác xưa, là sống nghèo mà không trong sạch nữa! Nhiều người, kể cả các vị lãnh đạo, đã nói đến sự khủng hoảng đạo đức trong khủng hoảng toàn diện về kinh tế xã hội.

Tham nhũng, buôn lậu tràn lan. Có vẻ không nghiêm trọng, nhưng về lâu về dài thì nguy hơn nhiều, đó là lối sống "mánh mung" đã lan tràn hầu khắp các tầng lớp xã hội. Đó là hậu quả của sự bần cùng về kinh tế, sự bưng bít về tư tưởng văn hoá, sự độc đoán về lề lối cai trị và quản trị. Cho nên nói đến xây dựng văn hoá, không nên chỉ nghĩ đến văn chương, nghệ thuật mà không nghĩ đến lối sống và nếp sống của nhân dân, dân tộc. Cần nghĩ đến phương tiện cơ bản đề truyền đạt văn hoá, là giáo dục và truyền thông. Cần nghĩ đến nội dung cơ bản của văn hoá mới, hiện đại, là khoa học. Chiến lược văn hoá, là chiến lược tổng thể về con người. Không thể chỉ đổi mới kinh tế mà xoay chuyển được tình hình Việt Nam hiện tại.

(còn tiếp)

Giáo Sư Trần Quốc Vượng
Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam nhân bản, dân tộc, dân chủ, khoa học 
Trong Cõi - Chương 16 


(tiếp theo) 
   
Mọi hoạt động của chính quyền và các tổ chức xã hội khác cần nắm mục tiêu văn hoá vì con người. Nhân tố con người phải là trên hết, trước hết của mọi dạng thái phát triển. Đó là lẽ vì sao thế giới nhân bản ngày nay nêu mục tiêu phát triển trên nền tảng văn hoá (cần bỏ lối nhìn "duy vật lịch sử" giáo điều máy móc chỉ thấy kinh tế là cơ sở hạ tầng và xem văn hoá - khoa học - giáo dục chỉ là thượng tầng kiến trúc...).
 
Toàn dân làm văn hoá, vì một nền văn hoá toàn dân, không chỉ văn hoá công nông binh, càng không chỉ văn hoá của thiểu số trí thức, ưu tú, đặc quyền. Không chỉ "khoán trắng" công việc văn hoá cho "Ban Văn Hoá Tư Tưởng" hay "Bộ Văn Hoá" (mà trớ trêu thay, nhiều năm các cơ quan này lại năm trong tay một số người rất kém văn hoá và giáo dục, người cầm đầu cơ quan văn hoá địa phương lại phá "Đàn Nam Giao", người có trách nhiệm lớn trong chính phủ lại định phá banh Chùa Một Cột, các di tích văn hoá "để đời", niềm tự hào của cả dân tộc, như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... bị phá huỷ nặng nề và "xuống cấp" nghiêm trọng v.v...).

Con người Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần xã hội và dân tộc (nông thôn / đô thị, đa số / thiểu số, trẻ / già, trai / gái...) phải là nhân vật chính và là người hưởng thụ của mọi đường lối xây dựng văn hoá mới cao cả. Mọi cơ quan đoàn thể chính phủ và không chính phủ đề chăm lo công việc văn hoá, cũng không phải là việc áp đặt một mô hình con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đọc cho dân chép theo một cách thụ động những tiêu chuẩn về nếp sống văn minh và gia đình văn hoá mới. 
 
Văn hoá, hiểu như là Lối sống và Nếp sống, cũng như tiếng nói là một thành phần cấu trúc của văn hoá. Xét đến cùng, nói như chính lời Karl Marx, là một quá trình phát triển dường như tự nhiên. Đảng và chính phủ có đường lối văn hoá, mọi cơ quan đoàn thể, dù "làm" công việc giáo dục, thông tin, du lịch, thể thao, dù "làm" công tác thanh niên, phụ nữ, y tế, môi trường... đều tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cơ quan tham gia bảo tồn và sáng tạo văn hoá, phá bỏ hủ tục, mê tín dị đoan v.v..., nhưng phải khéo để cho lịch sử, văn hoá, tiếng nói v.v... phát triển cũng như những quá trình tự nhiên, đừng có lúc nào cũng chực gán ghép "ý thức hệ", uốn sửa "lập trường quan điểm" một cách máy móc, giả tạo, nhân danh... Làm văn mà như không làm, dạy mà như không dạy, đấy mới thực là làm văn, làm giáo dục một cách "nghệ thuật". Xã hội ta mấy chục năm qua có quá nhiều "thầy đời", "thầy tư tưởng"... ai cũng thích "dạy bảo" nhân dân, trong khi miệng thì nói "học hỏi quần chúng nhân dân", cuối cùng thì trong phong trào "đổi mới tư duy" chính những "bậc thầy tư tưởng" đó lại là những người "cần đổi mới tư duy" hơn ai hết, trước ai hết... Nói như cụ Hồ, đừng có nghĩ thay, làm thay nhân dân, cũng như đừng nghĩ thay làm thay văn nghệ sĩ. Một đường lối văn hoá chân chính là sự khuyến khích bảo vệ di sản văn hoá dân tộc dân gian, đừng vọng ngoại và sao chép mô hình văn hoá tư tưởng ngoại bang, ngoại tộc, cởi mở chứ đừng khép kín, khoan dung chứ đừng "bắt khoan bắt nhặt", tạo cho trí thức văn nghệ sĩ một không gian sáng tạo và phát sáng rực rỡ, thoải mái, tự do, phóng khoáng... một "môi trường văn hoá" dân chủ, coi trọng cá tính, giữ gìn bản sắc cá nhân và bản sắc dân tộc trong khi vẫn đối thoại cởi mở với các cách nhìn khác, lối sống khác, các nền văn hoá khác...

Không nên nhấn mạnh một chiều cái dân tộc mà cần biết, nên biết mở ra cái nhân loại phổ quát. Mà như thế, hơn đâu hết, cần chống thói độc tôn, độc quyền, trong lĩnh vực văn hoá. Xin nhắc lại một lần nữa rằng: Bản chất của văn hoá, cũng như cuộc sống, là luôn luôn sinh động và đa dạng.

Văn hoá luôn gắn liền với xã hội, nằm trong lòng xã hội nhưng mà là hương, trái ngọt, trứng ngon của xã hội. Cần học ứng xử dân gian cổ truyền "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" đừng "phũ phàng" ứng xử "thô bạo" với hoa thơm trái ngọt, với tác phẩm văn chương nghệ thuật, với văn nghệ sĩ, trí thức... Nghệ sĩ Đặng Đình Hưng vừa quá cố, thân phụ của nghệ sĩ đầy tài năng Đặng Thái Sơn, có một lần cùng tôi uống bia hơi ở Cổ Tôn, với tôi, đã "giáo dục" tôi một cách rất khéo: "Này ông giáo sư uyên bác, người Pháp bao giờ cũng nói: "Chers artistes et savants" (Thưa các nghệ sĩ và các nhà bác học yêu quí) chứ không phải là ngược lại đâu nhé!". Tôi vui vẻ thưa lại với ông: "Đúng vậy, tuy tôi chưa phải là nhà bác học đâu nhưng giả thử như thế đi nữa tôi cũng không "tự ái" khi được xếp sau nghệ sĩ, vì nói tới nghệ sĩ là nói tới cái tinh tế, thanh cao, hưởng thượng, có cái nhân vi mà cũng có cái thiên phú... cho rằng người ta có thể "đào tạo" một nhà khoa học, nhưng khó lòng chỉ do "đào tạo" mà có một nhà thơ lớn, một nhạc sĩ tài danh... Tuy tôi cũng biết rằng nhiều nhà bác học lớn cũng đồng thời có tâm hồn nghệ sĩ lớn. Khoa học và nghệ thuật không "chống" nhau đâu ông ạ! Nhà bác học lớn nhất thế kỷ này là Albert Einstein cũng bảo rằng: "Những phát minh khoa học lớn thường bắt nguồn từ những tiên cảm, trực giác trong đầu óc nhà khoa học".

Nếu Nguyễn Đình Thi viết lời nhạc quá hay, bảo Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là nới "lắng hồn núi sông ngàn năm" thì chính văn nghệ sĩ trí thức lớn là những người gìn giữ và cần gìn giữ nhất Tâm hôn và Tình tự dân tộc. Mỗi con người có quyền giữ cá tính cũng như mỗi dân tộc có quyền giữ bản sắc văn hoá của mình. Đó cũng chính là nhân bản, nhân đạo, nhân quyền.

Trung thành với tinh hoa truyền thống và có khả năng ứng biến, đổi mới, có khả năng đối thoại với tha nhân, với các nền văn hoá khác: Đó là phép biện chứng của một nền văn hoá khoẻ mạnh có sức sống.

Vậy cần để cho mỗi con người, mỗi cộng đồng được quyền tự do lựa chọn. Diệt chủng là một tội ác, mà diệt tộc tức là diệt chủng về văn hoá, còn là một tội ác nặng nền hơn. Đừng để người Rục, người B'ru... Việt hoá mà cũng không thể để người Việt Nam Pháp hoá, Mỹ hoá, Nga hoá hay Hoa hoá... Hơn đâu hết, mọi lối sống, mọi nền văn hoá đều bình đẳng. Tôi đã nói nhiều lần là chỉ có sự khác nhau về văn hoá, không có chuyện văn hoá cao hơn (ví dụ mặc quần, để răng trắng) và văn hoá thấp hơn (ví dụ đóng khố, mặc váy, nhuộm răng đen)...

Như vậy, bên trong quốc gia Việt Nam cũng như đối với bên ngoài, cần đẩy mạnh hợp tác văn hoá trên cơ sở tôn trọng các truyền thống, các giá trị văn hoá của từng cư dân, từng tộc người, để hoà chung, để mở vào cái nhân loại, làm giàu chung cho văn hoá con người, để con người hiểu biết và yêu thương nhau hơn...

Vì ta còn quá nghèo cho nên ta luôn luôn nói tới, quan tâm tới phát triển kinh tế. Nhưng phát triển là một trào lưu toàn diện, tổng thể, trong đó không thể thiếu được chiều kích văn hoá. Làm đường xe lửa qua Chi Lăng mà phớt lờ "kỳ tích Chi Lăng lịch sử" thế kỷ XV, xây cầu Bạch Đằng mà không để ý tới "chiến công Bạch Đằng" thế kỷ X, XIII, lấy đá ở Hòn Vọng Phu để rải đường hay làm cối, ham làm tiền mà xây bừa bãi "khách sạn du lịch" ở những di tích và danh thắng xưa v.v... đều là những hành động phản văn hoá và xét đến cùng là phản phát triển, làm nghèo nàn đi chất thơ mộng, chất thiêng liêng của non sông đất nước, chất hồi tưởng, hoài niệm của con người.

Phát triển kinh tế không có mục đích tự thân mà chỉ nên coi là phương tiện để phát triển con người toàn diện, không chỉ cần tiến bộ vật chất kỹ thuật, tri thức, con người còn có chiều kích đạo lý và cõi tâm linh sâu thẳm... Xuất cảng được gạo mà quan hệ người người vẫn xấu thì chả có nghĩa lý gì...
 
Tôi đã nhiều lần nói rằng cần bỏ đi trong những văn kiện của Đảng và nhà nước những lối nói "chiến thắng", "chinh phục", "thống trị"... tự nhiên. Cả một nền khoa học xã hội Việt Nam, từ kinh tế học đến triết học... phải chuyển thành các môn học sinh thái nhân văn.

Rất cần phát triển các phương tiện truyền thông đại chúng, báo, đài, TV... nhưng nếu không làm phong phú và đa dạng hoá nội dung truyền thông, báo toàn một giọng, đài một giải tần, TV một kênh... thì trớ trêu thay nó lại dẫn tới sự đơn nhất hoá, buồn tẻ, làm nghèo nàn bản sắc văn hoá, bản sắc cá nhân, những giá trị đạo lý cộng đồng sẽ xuống cấp. Bởi thế mà bao giờ cũng cần và xem trọng dư luận xã hội và sự phê phán. Nói qua nói lại bao giờ cũng làm cho cuộc đời thêm sinh động và "có một niềm vui sống". Nhiều năm qua phải nhận rằng cuộc sống Việt Nam có nhiều phần buồn tẻ và đơn điệu. Mà đã buồn tẻ và đơn điệu thì người ta đâm chán, chán đọc, chán nghe, chán họp, chán xem...

"Có văn hoá là được tự do" (être cultivé c'est être libre), đó là châm ngôn hiện nay của loài người tiến bộ. Dân gian Việt Nam bảo:

Cấm ăn, cấm nói, cấm cười.
Cấm ba điều ấy còn vui nỗi gì!

Người cầm quyền trị nước có thể bảo: Chỉ nói bậy, ai cấm bao giờ? Quả thật trên vỉa hè thành phố nào cũng vậy, cũng bầy ra những cảnh ăn nhậu bừa bãi, nói năng bừa bãi, cười đùa bừa bãi... không đẹp mắt, không văn hoá tí nào. Tự do dân chủ không phải và không thể là "mặc kệ nó".
 
Nhưng nói như Lão Tử "vật cực tắc phản", đấy cũng là hậu quả của nhiều cấm kỵ chính thống và nhiều phi phi văn bản... Tôi tin chắc rằng một khi có tự do dân chủ thực sự, từ nhà đến trường học, cơ quan, xưởng máy, từ làng xã, phường khóm đến vùng miền, đất nước, lập tức sẽ có kỷ luật và đạo lý xã hội. Lâu nay ta sửa ngọn mà không sửa gốc, cũng như nhiều lần tôi đã nói là nếu ta chỉ chê trẻ, mắng trẻ thì sẽ bị nhận chịu cảnh trẻ chửi mắng lại già. Người già, từ lớp tuổi tôi (50-60) trở lên, phải chịu phần trách nhiệm chính, tội lỗi chính, về tình trạng khủng hoảng toàn diện nhiều năm qua. Thuốc chữa, phỉa có một vị chính, ngoài nhiều loại khác làm "thang" là: "Sự dân chủ hoá cuộc sống và văn hoá".

Chấp nhận, tôn trọng cá tính, chịu được "ngựa hay có tật", chấp nhận bình đẳng tuy chưa hề đồng đẳng, chấp nhận khác nhau (tài năng, sức khỏe, giới tính, tôn giáo...) nhưng thoả thuận những mẫu số chung văn hoá dù nhỏ nhất để cùng chung sống với nhau, chứ đừng đẩy tới cực hạn những cái khác nhau, để rồi "ly thân", "ly dị", hay là "di tản" bên trong nước và ra nước ngoài...

Mà đã dân chủ thực sự thì nhất thiết phải có pháp quyền làm nền tảng, nhất thiết phải trừ bỏ độc đoán, chuyên quyền. Trước khi trách giới trẻ "phá bỏ thần tượng" Nguyễn Huy Thiệp, hãy "tự trách mình"! Tuổi tôi nghĩ vậy. "Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý". Xin phép tạm dừng ở đây...
 

Cornell 02-91. 
Giáo sư Trần Quốc Vượng
Nỗi ám ảnh của quá khứ

Trong Cõi - Chương 17
 
 
Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20.

Tạm bỏ qua một bên mọi sự "giải thích", nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân bành trướng, thiên tại, địch hoạ, chiến tranh, cách mạng, nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v... tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này...

Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế...

Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc / Nam, nào Cộng sản / không Cộng sản...

Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.
Với biết bao hệ luỵ của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ ?), là từ "người thua" đến "kẻ thắng", giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na mà MẤT MÁT. Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.

Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa... bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục!
Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương! Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên "mảnh đất ông bà", trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày... Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo. Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc "đổi đời" kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là "cách mạng", thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC. Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY. Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình...) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.    Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là "Tôi đã sống như một con thú". Con thú làm sao mà biết viết, biết in "Tướng về hưu", "Phẩm tiết"...? Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái "ý tại ngôn ngoại" của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó "anh phải sống", sự ràng buộc của "cơ chế"? v.v... Tôi nhớ lại, ngày 12-1-1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời "Đề cương Văn hoá Việt Nam", ông Trường Chinh - tác giả chính của cái "Đề cương" đó - đã nói với các "nhà khoa học xã hội" Việt Nam: "Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú!". Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trií thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu; điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra như thế! Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú! Vì con thú, như con trâu, con bò, dù co no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi! Theo đuôi con đầu đàn! Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuổi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được "khen" là "có ý thức tổ chức, kỷ luật" và vì vậy được vào Đảng, được "đề bạt" làm kẻ "cầm quyền" bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ "chấp hành", "thừa hành", nhưng có được chút "quyền": đối trên và nịnh trên, là dưới và nạt dưới! Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn bè của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi "tiệc bia" tiễn biệt thầy trò, bè bản, đã ngỏ với tôi lời "khuyên" tâm sự: "Nếu như thày mà cũng "đầu hàng cơ chế" nữa là bọn em mất nhờ đấy!". Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng việ và, gia nhập "cơ chế", trở thành "người lãnh đạo" của tôi hôm nay! Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập "Câu lạc bộ những người thích đùa". Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa anh ấy: - Cậu là đảng viên nhưng mà tốt! Câu nói đùa, mà "nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào" và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị "quy chụp" là "phản động". Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở "hàn vi", lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại Học trên ba chục năm trường, cùng "leo thang" rất chậm, từ "tập sự trợ lý" đến full professor, chair-department; anh là con "quan lớn", em của "nguỵ lớn" nhưng "có đức có tài", được chọn làm "hàng mẫu không bán" kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo - nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi "kiến nghị" kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DUỚI bao giờ cũng "chừng mực", chẳng "theo đuôi" mà cũng chẳng là "dissident" của chế độ. Anh thường bảo tôi: thì về cơ bản cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu "thành phần tốt", ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là "bất mãn cá nhân" thội. Tớ "thành phần xấu", ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị "quy" là "phản ứng giai cấp" rồi! O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa - nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia). Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!    Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó... * * * Báo Đoàn Kết của một cộng đồng người Việt Nam bên Pháp đưa tin: Vào cuối năm ngoái (1990), có một ông uỷ viên Bộ chính trị kiêm bí thư thường trực Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam nhân sang Paris dự Đại hội đảng Cộng sản Pháp, có tập hợp Việt kiều lại để nói chuyện. Trong khoảng 2 tiếng, ông chỉ "nói" mà không "nghe", lại còn bảo: "Sống ở nước ngoài, biết gì chuyện trong nước, tuổi 40-50 trở xuống - nghĩa là vào hạng tuổi con cháu ông - biết gì mà góp ý kiến!". Xem chừng bà con Việt kiều, nhất là anh chị em "trí thức", bực mình với ông lắm. Tôi là "trí thức" ở trong nước, ở Hà Nội nữa, nghe những lời lẽ ấy "quen tai" rồi. Cũng ông ấy, lúc còn làm "Bí thư thành uỷ" Hà Nội, khi thấy báo "Quân Đội Nhân Dân" 1987 công bố "Bức thư ngỏ gởi ông chủ tịch thành phố Hà Nội" của tôi, nói về việc "Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô" đã cho triệu tôi lên trụ sở Thành uỷ và "thân mật" bảo ban 2 điều: - Nếu anh là công nhân, anh nói (nôm na, tục tằn) kiểu đó tôi còn hiểu được, đằng này anh là giáo sư, là trí thức, sao lại nói (nôm na, "toạc móng heo, treo móng giò") kiểu đó ? - Nếu anh nói thế, "tôi" thì "tôi" nghe được, nhưng những "người khác", họ không nghe được! Từ nay anh nên "thay đổi" cái "giọng nói" của anh đi! Tôi cũng "trả lại ông" 2 điều: - Đảng bảo: "Trí thức là của Công Nông và cũng là Công Nông", vậy nếu công nhân - theo ông - nói được như vậy thì trí thức cũng nói được như vậy. Có gì - theo ông - là khác nhau giữa giọng "trí thức" và giọng "công nhân" ? - Ông không khác gì người khác. Nếu theo ông, ông "nghe được" vậy thì người khác cũng phải nghe được. Vậy tôi chả việc gì phải "đổi giọng" cả! Thực ra, tôi biết thừa cái "giọng tôi" chính ông nghe không được nên ông mới "góp ý" cho tôi, nhưng ông lại cố tình đổ cho là người khác nghe không được, hơn nữa ông lại cố tách "tôi" ra khỏi công nhân, "đề cao" tôi là "trí thức", để chỉ cốt răn dạy tôi: Với vị thế của anh, anh không được ăn nói với chúng tôi (những nhà lãnh đạo) bằng cái giọng như vậy! Bà xã tôi lúc ấy còn sống và là giáo viên trường Trung học Trưng Vương nổi danh ở Hà Nội - nghe tin tôi được / bị phải gọi lên thành uỷ, lấy làm lo lắng lắm, bảo tôi ("giọng" bà ấy bao giờ cũng vậy, con gái nhà "tư sản Hà Nội" mà): Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con! Chùa Một Cột có bị phá để làm Bảo tàng Lăng Bác, nếu có hại thì hại cả nước, đâu dính gì đến riêng anh mà anh cứ "la làng" lên, một con én chẳng làm nổi mùa xuân, "ăn cái giải gì" mà cứ nói, chỉ khổ vào thân; có cái giấy Úc mời sang kỷ niệm 200 năm nước "nó" đấy, khéo các "bố" ấy lại không cho đi, vợ con lại mất nhờ. Ôi, làm "thằng người Việt Nam", làm "trí thức Việt Nam" biết bao là "hệ luỵ". Tôi đưa chuyện HỌC TRÒ, BÈ BẠN, VỢ CON dàn trải trên mặt giấy đâu phải để "nói xấu" họ, nhất là nói về vợ tôi - nay đã mất, cầu cho linh hồn bà ấy tiêu diêu miền cực lạc - mà trong tâm khảm tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình xấu tính hơn bè bạn - vợ con - học trò. Tôi chỉ muốn nói về thân phận trí thức ở cái nước Việt Nam mang cái nhãn hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực ra là còn đang rất kém phát triển này: ông uỷ viên Bộ chính trị ấy, kiêm bí thư Trung ương này, kiêm bí thư thành phố này... ai chả nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà Nội đến Paris lại "gia trưởng", "nho giáo cuối mùa" hơn ai hết! Khổ vậy đó, Cho nên giáo sư Alexander Woodside, từ góc trời tây bắc của xứ tuyết Canada mới hạ một câu về cách mạng Việt Nam: "The spiritual and cultural milieu from which the vietnamese revolution sprang was both confucian and comunist" (Cái môi trường tâm linh và văn hoá mà từ đấy cách mạng Việt Nam phóng tới là cả Khổng Nho và Cộng sản). * * * Ông giáo sư Từ Chi một trong những bạn bè thân thiết của tôi từ một cậu tú ở Huế đi nam tiến ngay sau ngày 23 tháng 9 và trở thành cộng sản rồi năm 54 trở về học đại học để trở thành một nhà dân tộc học. Ông đi làm chuyên gia ở Tây Phi, thương một người con gái Hà Nội nhà nghèo vì chiến tranh mà lưu lạc mãi sang tận bờ sông Niger. Ông quyết đưa người phụ nữ bất hạnh đó trở về tổ quốc chỉ bằng cách kết hôn với nhau, dù ông biết trước rằng hành động dấn thân ấy ông phải về nước trước thời hạn. Và cho đến 25 năm sau, ông không bao giờ được ra nước ngoài, dù ông, không có bất cứ một hành vi gì phạm pháp. Cái án được phán quyết không theo "Luật hôn nhân và gia đình" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành năm 1960, mà là theo đạo lý hủ Nho. Về nước năm 65 qua ngã Moscow ông dừng chân ở đó 5 ngày gặp tôi ở quán cà phê Sính, ông rỉ tai tôi: "Chế độ Xo Viết không thể nào viable" (nguyên văn có nghĩa: không thể "thọ" được). Đấy là lời tiên tri đúng trước 1/4 thế kỷ! Vì sao NƯỚC và ĐẢNG có những người trí thức giỏi đến thế mà bây giờ cả NƯỚC, cả ĐẢNG đều lâm vào tình huống "khủng hoảng toàn diện"? Từ năm 65, cứ mỗi lần nghe thấy lời khuyến dụ tôi vào Đảng, ông lại bảo tôi: "Tuỳ ông đấy, nhưng... nếu ông có vào thì đừng để người ta đuổi ông ra!". Ông biết kỷ luật của Đảng ông là "kỷ luật sắt" mà tôi thì ông cũng biết quá rõ tôi là người "tự do", tính ưa phóng khoáng, là người "bất cơ" (không chịu ràng buộc) theo chữ dùng để đánh giá mình của nhà sử gia họ Tư Mã bên Tàu! Tôi hỏi ý kiến ông về tính chất Cách mạng Việt Nam. Ông trả lời: Cụ Hồ bảo nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân. Cứ đấy mà suy, thì cuộc "Cách mạng" bây giờ hẳn vẫn là một cuộc khởi nghĩa nông dân. Khác chăng là trước, khởi nghĩa nông dân do một số nhà nho xuất thân nông dân như Quận He, như Cao Bá Quát cầm đầu, bây giờ là do những người cộng sản cũng xuất thân ở nông thôn và có căn tính nhà nho, như cụ Hồ, như ông Trường Chinh... lãnh đạo. Ông đọc bài ông Nguyễn Khắc Viện rồi chứ, Confucianisme et Marxisme (La Pensée, No 105, Octobre 1962). Ông Viện là cộng sản và là con cụ nghè Nguyễn Khắc Niệm đấy! Đầu thế kỷ XX, trong xã hội yêu nước vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ở 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Và dòng trí thức Nho gia tàn lụi. Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi (bác sĩ)... Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX. Cái chủ nghĩa quốc gia của kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân - Nho giáo đã gần Dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của Cách mạng tháng Tám. Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hoá giải. * * * Dưới thời quân chủ - nông dân - nho giáo, ở Viễn Đông, có một ước mơ ĐẠI ĐỒNG. "Thế giới ĐẠI ĐỒNG, thiên hạ vi CÔNG". Ở đầu thập kỷ 20, trong một bài viết, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái chủ nghĩa ĐẠI ĐỒNG của Khổng Nho ấy rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Alexander Woodside nhận xét: Ông Mao phê phán rất dữ dằn Khổng Nho còn ông Hồ rất nhẹ nhàng với Nho Khổng. Xây "đời sống mới" năm 46, ông Hồ nêu khẩu hiệu của Nho Khổng: CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ. Dạy đạo đức cho cán bộ, ông Hồ lấy câu Nho Tống: "Tiên ưu hậu lạc". Về giáo dục xã hội, ông cũng dùng câu có sẵn của Khổng Mạnh, đại loại như "Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân..." (Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng...) hay là "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", v.v... và v.v... Đến di chúc, ông cũng đưa vào một câu trích dẫn của Đỗ Phủ đời Đường: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Thơ chữ Hán của ông, có nhiều câu, y phỏng theo Đường thi... Nhưng cái mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin hay kiểu Mao (Staline Mao hoá) dù đã ít nhiều Hồ hoá, Việt Nam hoá cũng tỏ ra không thành công trước thực tiễn "bướng bỉnh" của một nước Việt Nam nhỏ bé - tiểu nông. Người Cộng sản Việt Nam đã lầm khi tưởng rằng dù với cơ cấu kỹ thuật cũ, ít thay đổi, cứ làm đại việc công hữu hoá (quốc hữu hoá, tập thể hoá, hợp tác hoá...) thì vẫn xoá bỏ được áp bức bóc lột, cải tạo xã hổi chủ nghĩa thành công. Hoá ra là một công thức đơn giản hơn: CÔNG HỮU HOÁ + CHUYÊN CHÍNH (VÔ SẢN) = (QUÁ ĐỘ sang) CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Tôi và ông Từ Chi bàn mãi về chuyện này. Sau thời công xã nguyên thuỷ, chế độ áp bức bóc lột đầu tiên nảy sinh ở đất Việt với chế độ "thủ lĩnh địa phương", lang đạo, phia tạo (tiếng Anh tạm dịch là local chieftains) khi ruộng đất còn gần như y nguyên là "của công" nhưng "dân đen" là tiểu nông tản mạn còn thủ lĩnh giữ quyền "thế tập" theo dòng máu. Dân gian nói giản dị: Trống làng ai đánh thì thùng  Của cung ai khéo vẫy vùng thành riêng! Thì giờ đây, ruộng hợp tác, của kho hợp tác, bọn bí thư, chủ nhiệm, kiểm soát đều ở trong một cơ sở Đảng chuyên chính, chúng sẽ "vẫy vùng" thành riêng thôi!    Ba năm liền 76-79 tôi đi Định Công Thanh Hoá, khảo cổ (ngày), khảo kim (đêm). Và 3 ngày liền cuối năm 79, tôi thuyết trình trước Tỉnh Uỷ Thanh Hoá về sự phá sản của mô hình làng Định Công (người ta tuyên bố "Định Công hoá" toàn tỉnh Thanh Hoá, vời bài báo tràng giang "Bài học Định Công" của Bí thư Trung Ương Tố Hữu). Thính giả cứ bỏ dần trước sự "vắng mặt" của Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ (người ta phải "nhìn Trên" để định thế ứng xử). Còn một ông thường vụ phụ trách tuyên huấn kiên trì nghe 3 ngày, để sau này khi Định Công phá sản hoàn toàn, đã khoa trương tuyên bố, chứng tỏ ta đây sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo khác: - "Lúc bấy giờ (79), ai dám nghe Trần Quốc Vượng nói, ngoài tôi?" (ông ấy bây giờ là Bí thư Đảng uỷ Bộ Văn hoá - Thông tin). Năm 82 tôi đi Liên Xô thuyết trình khoa học. Bài viết của tôi bằng tiếng Việt, Dương Tường dịch sang tiếng Anh, Từ Chi dịch sang tiếng Pháp, bà Nona Nguyễn Tài Cẩn dịch sang tiếng Nga. Bà Nona bảo: bài của anh hay lắm, nhưng thuyết trình ở Paris thì hợp hơn, nói với trí thức nước tôi (Liên Xô), họ không hoan nghênh đâu! Mà quả nhiên! Về nước, tôi briefing cho bạn bè nghe về Liên Xô và nói lén qua hơi men: "Dứt khoát hỏng!" Và đấy là lần duy nhất tôi "được" đi Liên Xô. Đầu năm 83, giáo sư Phạm Huy Thông cho đăng bài của tôi lên trang đầu Tập san Khảo cổ học (1). Đảng uỷ Uỷ ban Khoa học Xã hội viết bản báo cáo dài lên ban Tuyên huấn Trung ương quy kết tôi 4 tội: - Chống chủ nghĩa Mác-Lê: vì tôi bảo: Công hữu hoá có thể đẻ ra bóc lột. - Chống công nghiệp hoá: vì tôi bảo: Nông nghiệp phải / còn là mặt trận sản xuất hàng đầu. - Chống đấu tranh giai cấp: vì tôi bảo: Nông dân khởi nghĩa - ngay cả ăn cướp - cũng không đánh vào người làng mà chủ yếu đi cướp nơi khác và đánh vào Quan. - Chống chuyên chính vô sản: vì tôi bảo: Chuyên quyền đẻ ra tham nhũng. Vụ án "văn tự" này kéo dài 3 năm, không có kết luận. 3 năm tôi được "ngồi nhà", khỏi đi Tây và nói tiếng Tây! Cuối năm 86, khi Đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam kết luận lại trong nghị quyết là Nông nghiệp là "mặt trận hàng đầu", giáo sư Phạm mỉa mai ở trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội: Thế bây giờ Đảng uỷ đúng hay Trần Quốc Vượng đúng ? Nhưng "nỗi ám ảnh của quá khứ" vẫn không tha người làm Sử như tôi (mà nói theo nhà Phật thì kiếp này còn là "quả" của kiếp trước kia mà). Năm 85, nhân năm "quốc tế người già", ông Nguyễn Hữu Thọ nhờ người nói tôi viết bài "Truyền thống người già Việt Nam". Báo Đại Đoàn Kết của ông không "đoàn kết" nổi bài của tôi, tôi nhờ báo Tổ Quốc của ông Nguyễn Xiển đăng dùm. Rồi năm 86 có hội Khoẻ Phù Đổng của đoàn Thanh Niên, ông Bí thư T.N. nhờ tôi viết bài "Phù Đổng khoẻ". Mùa hè nóng bỏng 86, trước Đại hội VI 5 tháng, ông Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tư tưởng H.T. đem hai bài của tôi ra "chửi bới" giữa Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đề bạt Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng là 4 trí thức chống đối. Ông Giàu, thầy học cũ của tôi, đâm thư kiện. Ông H.T. biên thư trả lời (tôi còn giữ làm "chứng từ thanh toán") bảo: Tôi không động đến anh, tôi chỉ động đến Trần Quốc Vượng, vì anh ta viết "Các vua Trần nhường ngôi" ám chỉ đòi chúng tôi rút lui, và viết "Thánh Gióng bay lên trời" ám thị chúng tôi đánh giặc xong còn cứ ngồi lại giành quyền vị...! Khốn khổ, vì sao các ông ấy cứ "mỗi lời là một vận vào khó nghe" như vậy? Hay là tại dân gian "nói cạnh" các cụ: Có tật giật mình? * * * Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, "trở thành chính mình". Nhưng xã hội quân chủ - nông dân - nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều "khuyết tật trong cấu trúc" - nói theo các nhà khoa học hôm nay: Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm "con hơn cha là nhà có phúc" mà vẫn không thích "ngựa non háu đá", "trứng khôn hơn vịt". Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp". Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích "nghênh ngang một cõi", gặp dịp là sẵn sàng "rạch đôi sơn hà". Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng "chờ được vạ má đã sưng", nên chỉ cứng đầu thì dại, "không ngoan" nhất là "luồn cúi" và trí thức "lớn" thì cũng tự an ủi "gặp thời thế thế thời phải thế". Vì ngoài thì "bế môn toả cảng", trong thì "chuyên quyền độc đoán", cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược. Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. "Nỗi ám ảnh của Quá khứ" vẫn còn đè nặng. Chỉ còn một cách để "đổi đời" cho DÂN, cho NƯỚC: Đó là xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công - nông - nghiệp với thị trường tự do, một tư tưởng cởi mở, rộng dung, khoáng đạt, tự do, một nền văn hoá đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hoà nhập với thế giới, với nhân gian... Tóm một chữ thì không phải là chữ "ĐẤU" mà là chữ "HOÀ": HOÀ BÌNH, HOÀ HỢP, HOÀ THUẬN, HOÀ GIẢI... Chẳng những NHÂN HOÀ mà cả NHIÊN HOÀ (hoà hợp với thiên nhiên, tự nhiên) "Hoà nhi bất đồng"... mong lắm thay! Cornell 1-5-91 

TRONG CÕI 5

15. Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một s... - 15. Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (Kinh nghiệm điền dã) 
 
(tiếp theo)
 
Bây giờ đến trường hợp TRƯƠNG HÁN SIÊU, một danh sĩ thời Trần. Tiểu sử ông này thì khá là rõ ràng.
 
 
Ông người làng Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cũ, nay là Hà Nam Ninh.
 
 
Xuất thân nghèo hèn, có tài văn chương, trở thành môn khách của Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn, vì vậy được tiến cử ra làm quan ở triều đình nhà
Trần, đến bậc đại quan (Hàn Lâm Học Sĩ, khi mất 1354, tặng chức Thái Bảo).
 
 
Tuy đã làm quan, nhưng, như Toàn Thư ghi lại, ông vẫn bị quý tộc triều đình khinh bỉ là "thôn cầu cước" (chân đá cầu nhà quê, nghĩa là một kẻ quê mùa). Khi làm quan ở Lạng Sơn, ông gả con gái cho thủ lĩnh thiểu số ở địa phương (Quang Lang, gần Chi Lăng ngày nay) cũng bị các triều quan đàm tiếu, chê bai...
   
Ông là tác giả bài Bạch Đằng Giang Phú, một áng văn chương nổi tiếng ở đời Trần. Ông cũng là một trong những kiện tướng trong giới nho sĩ bình dân
lên tiếng bài bác Phật giáo, với những bài văng bia bài Phật dựng ngay ở  một số chùa, trong đó có bài Linh T
ế Tháp Ký, khắc để ngay ở chân tháp Linh Tế dựng trên núi Non Nước ở ngã ba sông Đáy, Van Sàng (thị xã Ninh Bình), ngay gần làng quê của ông. Ông là người đặt tên cho núi Non Nước ở quê ông, một cái tên chữ Hán mang ý đẹp: Dục Thúy Sơn: Núi như hình con chim Trả đang tắm gội.
 
 
Có một điều này ít ai để ý tới: khi về già, ông lại tỏ ý hối hận về việc lầm lỗi đi công kích Phật Giáo ở thời trẻ của mình. Trong bài Dục Thúy
Sơn, ông viết:

Phù thế như kim biệt
Nhàn thân ngộ tạo phi
Đời lênh đênh trước khác nay,
Thân nhàn mới biết ngày trước lầm to!
(Trần Văn Giáp dịch)
 
 
Thế là đến khi về già, về hưu, tà tà ra khỏi việc quan, việc đời, cái chất "duy lý Nho giáo" trong ông đã nhường bước, ít ra là một phần, trước nhu
 cầu tâm linh, tôn giáo, hình như khó có thể hiểu được ở một Con Người.
 
 
Việc "chuyển biến tư tưởng" của ông ở thế kỷ XIV thời mạt Trần làm tôi nhiều phen nghĩ đến cái trường hợp của nhiều cán bộ cộng sản hiện nay ở Hà Nội, Việt Nam.
 
 
Thời trẻ, họ hăng hái hoạt động cách mạng, vào Đảng Cộng Sản theo chủ thuyết Mác-xít vô thần. Họ ủng hộ hoặc tự mình tham gia phá hủy không ít đình chùa miếu đền. Họ ngăn cản nhân dân, người dân thường, đi lễ bái, hội hè đình đám. Nhưng bây giờ về già, về hưu, thì họ lại cũng "trở về với nhân dân", nhiều người bây giờ đi giữ đền, giữ đình, giữ chùa, nhiều người vẫn ở nhà với con cháu nhưng mồng một, ngày rằm theo lịch trăng,
họ cũng đi lễ đền, lễ chùa, trước còn e dè, dấu diếm, sau thì công khai.
 Nhiều người, thậm chí còn nghiên cứu cả Phật giáo nữa và một số không ít lắm, vẫn tin vào thần thánh ma quỉ... nghĩa la một thứ "animisme"
cuối mùa... Họ giác ngộ hay là họ suy thoái? Cũng là tùy cách nhìn.
   
Có nghiệm sinh điều này thì mới hiểu được cái ứng xử của một số vị quan, nho sĩ các triều trước, trong đời sống chính trị thì có vẽ duy lý lắm "quỉ thần kính nhi viễn chi" như đức thánh Khổng đã dạy mà, nhưng trong đời sống hàng ngày và khi về già thì họ lại mê tín đủ chuyện. Tôi chưa bao giờ tin rằng Nho giáo thời xưa cũng như chủ nghĩa Mác-Lê ngày nay đã  từng chiếm được địa vị độc tôn ở trong xã hội, trong ý thức hệ Việt Nam, trong tâm thức dân gian... Luôn luôn là một tình trạng "hỗn dung".
   
Trở  lại trường hợp Trương Hán Siêu. Về già, ông làm gác Gió Mây (Phong Vân Các) ở trên núi Dục Thúy, ngay cạnh tháp Phật để ngày ngày lên dạo chơi, ngắm cảnh. Và làm nhà ngay chân núi Non Nước, cạnh ngôi đền Mẫu, giữa ngã ba sông. Sống một mình, trơ trọi một nhà, không có làng xóm láng giềng chi chi cả....
 
  Làng ông ở ngay gần đó thôi, cách vài cây số theo cách tính thời nay; sao ông không về làng với họ mạc, xóm giềng? Dân làng ông ngày nay - và lời truyền miệng lan rộng cả khắp vùng quanh núi Non Nước - nói rằng:
 
- Ông ghét bỏ dân làng và dân làng cũng chẳng ưa gì ông...
 
  Khi ông mất, thì làng xóm cũng chẳng thờ phụng gì. Ngôi đền thờ ông, mà người làm sách ngồi ở tận kinh đô viết, bảo là ở quê ông, kỳ thật là ở chân núi Non Nước, trên nền nhà cũ của ông. Mà bây giờ cũng chẳng còn nữa. Và cũng chẳng ai buồn nghĩ đến việc dựng lại...
 
Vì sao vậy? Cái "vấn đề" của ông với dân làng vẫn cứ là một điều bí ẩn, day dứt... Vì dân tin Phật mà ông ghét Phật chăng? Cái đó cũng có thể có một phần. Nhưng tôi e rằng đó chưa phải là điều cơ bản. Dù chưa biết gì, nhưng tôi tiên cảm thấy đó là do cái căn cước xã hội hơn là lý do tôn giáo, người Việt Nam cổ truyền được cái đức bao dung, ít kỳ thị tôn giáo... Họ hay kỳ thị về "lý lịch". Điều này ta sẽ thấy rõ hơn ở dưới đây... 

15. Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (Kinh nghiệm điền dã) 
   
Bây giờ ta nói đến trường hợp CHU VĂN AN. Ông sinh trưởng vào buổi mạt Trần, khi chế độ quân chủ Phật giáo đã tới hồi suy vong. Không biết bao giấy mực đã dốc ra để viết về ông. Người đầu tiên có lẽ là Trần Nguyên Đán, học trò tinh thần và bạn ông, nghe tin ông nhận lời từ quê ra Thăng Long dạy Quốc Tử Giám đã ví ông như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn, chèo lái trên Biển Học mà đổi mới phong tục, kỳ vọng ông sẽ biến suy thành thịnh. Bộ Tứ Thư Thuyết Ước của ông đã mất về tay giặc Minh, căn cứ trên lời bình của Lê Quý Đôn mà học gia? Nguyễn Đăng Thục nêu giả thuyết về Nho Học Chu Văn An với tinh thần "cùng lý chính tâm" là Tâm học, khác xa Tống Nho "cách vật trí tri" và còn đi trước cả Vương Dương Minh. Thơ ông có 7 bài được Bùi Huy Bích chép lại trong Hoàng Việt Thi Tuyển thì Lê Hữu Mục phát hiện tới 5 bài là nói về cảnh chiều tà mà vẫn giữ tinh thần lạc quan (5)... Nhưng mọi người nói về ông như là một điển hình khí tiết của nhà Nho, khẳng khái, trung thực, tiết tháo, dâng vua bài "Thất Trảm Sớ" xin chém bảy kẻ quyền thần, được bình luận là bài văn bất hủ "nghĩa cảm quỉ thần" (6). Vua không nghe lời, ông treo mũ áo ở Văn Miếu, từ quan về Chí Linh ở ẩn, trở lại với biệt hiệu "Gã tiều phu đi ở ẩn" (Tiều Ẩn)...

Tôi là một học trò trường Chu Văn An, lại cũng làm nghề dạy học, nên cũng hơn một lần xưng tụng ông về "nhân cách nhà giáo" và ám thị về sự thiếu nhân cách và thiếu tôn trọng nhân cách nhà giáo ở thời buổi ngày nay (7).
Nhưng những vấn đề đó không phải là chủ đề của bài này.

Là một kẻ "bất cơ" (không chịu ràng buộc) và tò mò, từ lúc 12 tuổi viết bài chính tả: "Ông Chu Văn An người làng Thanh Liệt huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông" tôi vẫn tự dặn lòng sẽ có ngày về thăm quê hương Thanh Liệt (thôn Văn). Ba chục năm sau, tôi mới có dịp về Thanh Liệt để thăm thú di sản Folklore Hà Nội, Sông Tô.

Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Ghé qua Thanh Liệt thì vào làng anh.
Làng anh Tô Lịch trong xanh,
Có nhiều vãi nhản ngon lành em ăn.
Làng thật đẹp, ấy thế mà vì sao khi từ quan đi ở ẩn, Chu Văn An không về làng mà lại đi sang tận núi Phượng Hoàng Chí Linh xứ Đông? (năm ngoái 1989, tôi đã tới thăm Phượng Hoàng Sơn, Kỳ Lân Sơn ở Chí Linh với hang động kỳ thú và lăng đền Chu Văn An trang nghiêm). Người ta thường bảo rằng Chí Linh có núi (Phượng Hoàng, Kỳ Lân...), có sông (Kinh Thầy), cảnh "sơn thủy hữu tình" hơn Thanh Liệt, thích hợp với người ở ẩn hơn, lại xa kinh kỳ Thăng Long hơn, chứ Thanh Liệt chỉ có sông Tô, không có núi, lại quá gần Thăng Long Hà Nội. Cũng là một lẽ...

Nhưng sao khi đến Thanh Liệt ta lại bất ngờ bắt gặp một cảnh tình quá ơ thờ đối với Chu Văn An, so với việc luận bình ồn ào náo nhiệt về ông ở chốn kinh kỳ. Không một di tích nào về Chu Văn An được giữ ở Thanh Liệt. Huyền tích cũng không!


Là một nhà folklore học, tôi lại bắt gặp huyền tích Chu Văn An dạy học hay đến mức con vua Thủy Tề cũng đội lốt người lên theo học ở làng Bằng Liệt: Ở đây còn Đền Càn thờ vị học trò thủy cung này của Chu Văn An và ngôi mả (tượng trưng) gọi là "mả thuồng luồng" ở bờ sông Tô Lịch (8). Ở làng Bằng tôi cũng thu được huyền tích về con vua Thủy Tề cảm ân nghĩa và theo yêu cầu thử thách của thầy Chu Văn An mà hy sinh thân mình để làm mưa, mà lời kể của người dân quê ngày nay khớp đúng với ma thuật cầu mưa theo qui luật Đồng Đại mà Mircea Eliade hay Carf Gustav Jung gọi là "nguyên lý liên hệ đồng thời không nhân quả" (9). Học trò thủy cung Chu Văn An hòa nước trong nghiên mực rồi rảy ra khắp bốn phương trời, tung cả bút lẫn nghiên lên trời tạo nên một cơn "Mưa Đen", nghiên mực rơi xuống Vĩnh Ninh, Thanh Trì làm thành Đầm Mực (ở ô trũng này có than bùn nên nước luôn đen), bút lông rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai) nên làng này về sau phát đạt văn chương (đây là quê hương của Ngô Thì Nhậm, danh sĩ thời Tây Sơn - thế kỷ XVIII - và Ngô gia văn phái).

Huyền tích về Chu Văn An hiện hữu ở làng Bằng (Bằng Liệt), làng Tó (Tả Thanh Oai), làng Viềng (Vĩnh Ninh, Đầm Mực), đền thờ ông thì lại ở Huỳnh Cung là nơi tương truyền ông mở trường dạy học mà những tể tướng Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... những đại danh sĩ, đại Nho cuối đời Trần đã xuất thân từ trường đó...

Một sự im lặng về ông ở chính làng quê ông Thanh Liệt (cho nên lối chép Sử-Văn là Chu Văn An mở trường dạy học ở quê ông cũng không đúng nốt. Ông mượn đất cuối làng bên (Huỳnh Cung) để dựng trường học). Vì sao quê hương ông không tự hào về ông mà lại để thiên hạ đề cao ông, thờ ông và thần hóa ông? Còn ở Thanh Liệt lại chỉ có một đền thờ thiêng, quanh năm dân làng và quanh miền tới lễ bái: Đó là đền thờ tướng Phạm Tu, quê gốc Thanh Liệt, sử Trung Hoa chép tên là đại tướng của Lý Nam Đế. Khó nghĩ đến lý do "bụt chùa nhà không thiêng" vốn cũng là thói thường của tâm thức dân gian.

Nhưng nhà học giả Vũ Tuân Sán và tôi đã tìm thấy cuốn Gia Phả của dòng họ Chu Văn An. Và ở đó có câu chuyện chưa từng được ai chép lại khi viết về Chu Văn An:

Ông không phải gốc người Thanh Liệt theo tâm thức "quê Cha đất Tổ" của người Việt Nam. Thanh Liệt chỉ là quê mẹ ông.

Cha ông, Chu Văn Hưng, là một người Tàu. Một khách thương Phúc Kiến, vì chạy loạn Mông Cổ mới sang Đại Việt và trú cư ở làng Thanh Liệt. Theo qui chế làng xã Việt Nam, ông là người ngụ cư chứ không phải người làng. Mà cũng theo qui chế ấy thì người ngụ cư sau khi phải đóng góp việc làng... qua 3 đời mới được công nhận là người làng và có quyền lợi bình đẳng như người làng. Cho nên Chu Văn An cũng chưa được xem là người Thanh Liệt. Cái "mặc cảm" ngụ cư ất trong xã hội thôn dã Việt cổ truyền là rất nặng nề, cho tới trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Theo tôi, chính do mặc cảm đó mà dân làng im lặng về ông. Do mặc cảm đó mà ông phải mở trường dạy học ở làng bên, rồi làng bên thờ ông chứ không phải là làng quê mẹ đẻ.

Khi từ quan đi ở ẩn, ông cũng vì mặc cảm ấy mà không về làng. Ngày trước, dù đi đâu ở đâu, ngày Tết cũng phải về quê lễ Tổ, thăm mộ Tổ, thăm họ hàng. Và tuyệt đại đa số quan lại Việt Nam, khi trí sĩ (về hưu) là về làng quê gốc.

Đi trệch ra khỏi ứng xử truyền thống đó, phần lớn, nếu không phải là tất cả các trường hợp, là có "vấn đề" chi đó với làng với xóm.

Tôi suy luận chăng? Vì ông Trương, ông Chu là người đời Trần, cách đây 6, 7 trăm năm có lẻ, chứ có phải người đời Lê, đời Nguyễn gần đây đâu mà còn kiểm chứng được? Cũng có thể.

Song tôi xin lấy 2 nhân vật đời Trần khác làm ví dụ (hai người thường, làm quan, không phải quí tộc Trần, vì quí tộc Trần có ấp phong, họ không về quê nhưng về ấp phong của mình. Như Trần Hưng Đạo về Vạn Kiếp, đã được xem là quê hương thứ hai).

Phạm Ngũ Lão, người đời Trần, quê ở Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên cũ (nay là Hải Hưng). Khi ông mất, nhà ông biến thành đền thờ ông, nay vẫn còn nguy nga tráng lệ, dân Hải Hưng tự hào về ông, giữ nhiều truyền thuyết về ông và có di cư ra Hà Nội (phố Lý Quốc Sư) thì vẫn rước bài vị ông ra thờ ở đền "Phù Ủng Vọng Từ".

Trần Cụ, người đời Trần, giỏi đàn, giỏi bắn nỏ... Ông có mối hận với dân làng, như Toàn Thư chép (10) và đã thề là không bao giờ bước chân về cái làng quê ấy nữa. Sau này mối hận được giải toả, ông lại về làng nhưng đi bằng thuyền và từ thuyền ghé nhà, ngồi ngay lên phản chứ không bao giờ dẫm chân xuống đất làng quê nữa...
Từ chuyện Chu Văn An, tôi xin chuyển qua chuyện Nguyễn Trãi, người cũng về Côn Sơn ở ẩn như Chu Văn An mà không về quê hương Nhị Khê.
 
So với Chu Văn An, Ức Trai "tốt phúc" hơn, vì ở Nhị Khê còn có đền thờ Nguyễn Trãi, nhưng nếu tinh ý một chút, ta sẽ thấy ngôi đền đó khá là mới (đời Nguyễn) và vị danh sĩ tập hợp thơ văn ông thành Ức Trai Di Tập là người làng Nhị Khê và cũng là ở đời Nguyễn thôi (Dương Bá Cung). Nguyễn là thời phục hồi Nho, trọng Nho và trọng việc đề cao các bậc Đại Nho ngày trước. Nhị Khê là một làng Nho học, nhiều dòng họ ở đây có người đỗ đạt, tới Nhị Khê mà chỉ nói tới Nguyễn Trãi thôi là người làng rất khó chịu.
 
Điều ai cũng thấy là qua thơ văn Nguyễn Trãi, ông rất nặng tình với Côn Sơn. Qua mấy trăm bài thơ Hán-Nôm (11), ông nhắc đến Nhị Khê được một, hai lần, ai cũng lấy làm lạ, còn về Côn Sơn ông nhắc đến hoài hoài. "Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác". Sau loạn ông cũng về Côn Sơn (1407-1417), bất đắc chí với triều đình, ông cũng về Côn Sơn và viết bài từ Côn Sơn Ca tuyệt bút. Trong khi đó không một bài thơ nào giành riêng cho quê hương Nhị Khê cả. Vì sao?
 
Tìm hiểu "lý lịch" Nguyễn Trãi, ta thấy ông người gốc Chí Linh xứ Đông. Ông nội ông, vì nghèo khó mới bỏ quê lên ở Nhị Khê. Với Nhị Khê, ông ông và bố ông vẫn là người ngụ cư. Còn ông thì phần lớn ở Thăng Long rồi ở Tây Đô (Thanh Hóa). Ông nhẹ tình với Nhị Khê cũng phải...
*
* *
Bây giờ ta chuyển qua nói về Đặng Trần Côn, tác giả Chinh Phụ Ngâm Khúc (bản chữ Hán), ra đời đầu thế kỷ XVIII. Ở đại học Yale, năm 1986, Huỳnh Sanh Thông đã dịch và xuất bản Chinh Phụ Ngâm Khúc bằng tiếng Anh. Rất gần đây tạp chí văn học Thời Tập (số 3-1990) tiếng Việt bên California có bài viết rất hay về "Mối tình tuyệt vọng của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm". Cả hai tài liệu đang lưu hành ở Mỹ này đều viết như ở Việt Nam rằng ông Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, tên nôm là làng Mọc, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông (nay đã thuộc ngoại thành Hà Nội), năm sinh không rõ (khoảng 1710), đậu Hương Cống, trượt thi Hội, được bổ làm Huấn Đạo, 1740 triều Cảnh Hưng được thăng tri huyện Thanh Oai rồi sau tới Ngự Sử Đài. Ông mất khoảng 1745, khi mới ngoài ba chục tuổi...
 
Không ai biết gì hơn về Đặng Trần Côn ngoài một, hai truyền thuyết về tính ham học, phóng dật, và... ham rượu.
Về quê ông ở Nhân Mục, hẳn mọi người dựa theo bài thơ của Phan Huy Ích, có câu mở đầu:
 
Nhân Mục tiên sinh Chinh Phụ Ngâm.
 
Cuốn Chinh Phụ Ngâm của ông Nhân Mục - ngày trước người Việt hay có lối lấy tên làng quê để gọi các cụ khoa bảng như cụ Nghè Lai Thạch (Nguyễn Huy Tự), cụ Cử Văn Ấp (Trần Ngọc Lâm) v.v...
 
Ở ven đô Thăng Long, dọc bờ phải sông Tô Lịch có tới 7 làng Mọc, tên chữ là Nhân Mục. Theo văn bia đời Lê Nguyễn ở đây, đã có "Nhân Mục Xã" lại còn "Nhân Mục cựu Xã". Tôi đã phải lần mò xuống tận Nhân Mục cựu xã, tên nôm là Mọc Thượng Đình, cũng là quê hương của cụ Tá Lan, thân sinh nhà văn Nguyễn Tuân, vì nghe nói ngôi mộ Đặng Trần Côn có kẻ làm nhà, đào đất làm lò gạch đã phạm phải. Quả thật đã có một ngôi mộ đã bị vi phạm. Bia mộ cũ có hay không thì không biết nhưng không thấy, chỉ thấy một tấm bia tương đối mới (đầu thế kỷ XX), với tên họ Đặng Trần Côn và chức danh Tri Phủ. Khi chưa đến Kẻ Mọc, tôi đã thắc mắc: Thế con cháu Đặng Trần Côn đâu mà để người ta phạm đến mộ Tổ như vậy? Khu đất này trước là bãi tha ma mộ địa, giờ đây người đông, đất chật, người ta lấn ra để làm nhà, vô tình phạm phải ngôi mộ Đặng Trần Côn tiên sinh. Tôi lại gặp một bất ngờ: làng Mọc Nhân Mục không có họ Đặng, không còn con cháu gì của Đặng Trần Côn. Dân làng hiện nay bảo: Ông Đặng là người nơi khác, không biết ở đâu đến làng Mọc ở ngụ cư. Làng Mọc là làng ven đô, vốn nổi danh giàu "Tiền làng Mọc, thóc làng Khoang" và sang "Quan Kẻ Mọc, thóc Mễ Trì".
 
Chắc Đặng Trần Côn là một hàn sĩ ở đâu đó đến làng Mọc ven đô ngồi dạy học và học thêm để thi Hội (và trượt). Cũng chắc rằng sau lời tỏ tình thất bại với Đoàn Thị Điểm, tức Hồng Hà Nữ Sĩ, thi nhân họ Đặng đã không xây dựng gia đình với ai khác, lại mất tương đối trẻ (35 tuổi) nên không có con cháu nối dõi tông đường, chăm lo hương hỏa và phần mộ tổ tiên...
 
Ở làng Mọc còn một gia đình, gốc nhà Nho, có gia phả, còn giữ lại được một vài câu đối và liễn, tương truyền là chữ của Đặng Trần Côn tiên sinh, viết tặng cũ tổ họ Nguyễn này, vốn là bạn của Đặng tiên sinh. Con cháu cũng được truyền lại là Đặng Trần Côn tiên sinh từ nơi khác đến Kẻ Mọc ngồi dạy học và là bạn thi tửu với cụ tổ Nguyễn nhà này...
 

Sao mà ở xã hội quân chủ Nho giáo Việt Nam ngày trước có nhiều bậc danh sĩ tài danh xuất thân nghèo khổ và có số phận lênh đênh như vậy? Thế thì phải xếp kẻ sĩ vào đẳng hạng nào trong nấc thang "giai cấp", theo cái nhìn "Mác-xít"?
 
Họ xuất thân "nông dân" nhưng về ý thức hệ thì lại theo Nho giáo là hệ tư tưởng của giai cấp "địa chủ" thống trị chăng? Tôi chỉ biết trong xã hội quân chủ cũ có những người nghèo, như Nguyễn Công Trứ "than nghèo" mà rất "hay chữ" (chữ Nho, Nho giáo), trong khi có những kẻ trọc phú một chữ Hán bẻ đôi cũng không biết...
 
 
Bây giờ ta chuyển sang trường hợp LÊ QUÝ ĐÔN, nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII, người làng Diên Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hiện tại. Cũng đã có quá nhiều sách báo, luận văn, hội nghị khoa học viết về ông và đề cập đến ông. Viện Sử Học Việt Nam từ nhiều năm nay chuẩn bị phiên dịch và xuất bản Lê Quý Đôn Toàn Tập. Thế nhưng về tiểu sử Lê Quý Đôn, không một tài liệu nào cho ta biết ông là con thứ mấy hay con bà thứ mấy trong gia đình họ Lê.

Mà tôi thì tuy không phải là chuyên gia về Lê Quý Đôn và cổ sử học Việt Nam nói chung, nhưng lại hay tò mò về những chuyện "vặt vãnh" ấy. Tôi vốn là đồ đệ của học thuyết "phân tâm học", một thời gian dài bị các học giả "Mác-xít chính thống" phê phán kịch liệt, chủ trương rằng nhân cách con người hình thành rất sớm, từ khoảng 3-5 tuổi (13) và như thế thì "rất khó cải tạo" và môi trường đầu tiên và tối trọng yếu để hình thành nhân cách là gia đình (nay thì nền Giáo Dục Việt Nam đã tự phê bình là trong một thời gian dài xem nhẹ giáo dục gia đình khi đặt ưu tiên vào giáo dục đoàn thể xã hội). Một người dù ở "giai cấp" nào, nhưng là con trưởng hay con út, là con bà cả hay con bà thứ, theo tôi, là khá quan trọng trong việc điều chế và tự điều chế ra thế ứng xử của anh ta. Mà về những điều đó, thì trớ trêu thay, xã hội học Mác-xít lại có vẻ xem nhẹ...
Năm 1985 tôi lần đầu tiên đến thăm làng quê Lê Quý Đôn nhân một hội nghị khoa học về Lê Quý Đôn ở Thái Bình. Trước khi đi, từ Hà Nội, tôi làm một phép thử. Tôi viết sẵn một bản thảo về chân dung Lê Quý Đôn trong đó mặc dù không có bất cứ một tài liệu gì đã được viết ra ở Hà Nội hay ở Thái Bình quê hương ông. Tôi cứ nêu giả thuyết Lê Quý Đôn là con bà vợ thứ của bố ông chứ không phải là con bà cả, lại cũng là con thứ, chứ không phải con trưởng. Xuống tới thị xã Thái Bình (chưa về quê Lê Quý Đôn), tôi nộp bản thảo cho ban tổ chức hội nghị (Hội nghị khoa học về Lê Quý Đôn). Đọc bản thảo của tôi, ban tổ chức hội nghị sững sờ và dùng dằng định không sắp xếp vào chương trình hội nghị. Lý do? Thì cũng dễ hiểu thôi, vì tôi "ăn nói xưng xưng", như thế chứ có chứng cớ gì đâu mà gọi là "khoa học" được? Cho đến bây giờ thì mọi người vẫn đinh ninh rằng Lê Quý Đôn là con trưởng của một vị tiến sĩ với một bà mẹ nghiêm chỉnh, "chính thất" cơ mà!

Nhân tiện nói: Cái đầu óc của nhiều cán bộ cộng sản có một khía cạnh tâm lý rất kỳ cục: tâm lý sợ những cái gì không chính thống. Nhưng tôi để ý thấy mấy cụ già là dòng dõi họ Lê Quý Đôn được cử từ quê hương Diên Hà "lên tỉnh" để "đón các đại biểu về thăm quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn", cùng đứng ngồi ở đó với ban Tổ Chức nhìn tôi với một vẻ là lạ, nửa ngại ngần, nửa thông cảm đồng tình. Vốn tự coi mình là thứ khá "sành" về tâm lý và sẵn thói phóng túng, "bất cơ", tôi bỏ ngay cái ghế của tôi ở hàng đầu "long trọng viên" (hội nghị nào ở Việt Nam cũng có một số ghế "giành riêng" cho các đại biểu được coi là "long trọng", cái đó vốn xuất phát từ đức tính hiếu khách, với thời gian, đã trở thành một tinh thần đẳng cấp rất đáng chê trách. Và nhiều ông "quan cách mạng" - chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - cho cái việc "ghế trên ngồi tốt sỗ sàng" (Kiều) của mình là việc rất tự nhiên). Tôi xuống sà vào ngồi chỗ "các cụ địa phương" ở "bên dưới" hội nghị. Và dò hỏi về tung tích Lê Quý Đôn.
 
Sau rất nhiều ngần ngại, sau rất nhiều lần "nhìn trước nhìn sau" một già làng ở Diên Hà mới bảo tôi:
- Ông giáo sư nói đúng đấy. Đúng ra Lê Quý Đôn không phải là con trưởng đâu!
- Ô! Thế sao lâu nay các cụ cứ để cho "họ" (các cán bộ văn hóa, tuyên truyền) ăn nói, viết lách như vậy?
- Chúng tôi la Dân, "dân ngu khu đen" mà, biết thế mà không dám nói, sợ trái ý cán bộ.
Ôi, người dân quê đồng bằng Bắc Bộ (Paysan du delta Tonkinois, chữ dùng của nhà địa lý học Pierre Gourou) quê tôi, sao mà họ vừa tinh khôn vừa vụng dại, vừa bướng bỉnh lại vừa chịu khuất như thế!

Chiều hôm đó về Diên Hà, tôi để mặc ban tổ chức bận bịu với những nghi thức, những lễ "dâng hương", "tưởng niệm"... Ở nhà thờ họ Lê, tôi đi tìm gặp và hỏi chuyện "dân làng" Lê Quý Đôn. Và tôi đã thu được một lời truyền miệng dân gian rất lý thú, chưa từng ai biết, chưa từng ai viết, và hôm nay cũng là lần đầu tiên tôi viết ra:

Ông thân sinh ra Lê Quý Đôn vốn là một nhà nho nghèo và "lận đận trường qui", mãi mà vẫn chưa đỗ đạt gì. Ông đã có một đời vợ cả, nhưng bà này không có con nên ông cụ bỏ và lấy bà khác (chắc cụ theo đạo đức Nho giáo "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", có ba điều bất hiếu, mà không có con nối dõi là bất hiếu nhất).

Bà này cũng không phải là mẹ Lê Quý Đôn. Bà ta sinh được hai người con trai. Lúc ấy, ông cụ cũng chưa đỗ đạt gì. Một chiều bà ra đồng làm việc, trước khi đi có dặn ông cụ ở nhà để ý trông mấy nong thóc phơi ngoài sân đất, nếu thấy có cơn mưa (chiều hè ở đồng bằng Bắc Bộ hay có mưa), thì "chạy" (cất giữ) dùm bà cụ. Ông cụ là chân học trò "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm", mải mê đọc sách, khi có cơn mưa thật, chạy mấy nong thóc phơi không kịp, để ướt cả.

Ở ngoài đồng về sau cơn mưa, thấy thóc bị ướt sạch, bà vợ giận ông chồng lắm: "Rõ là đồ vô tích sự! Lúc nào cũng chỉ ôm lấy mấy quyển sách! Sách mà ăn được à? Mà nào có đỗ đạt được gì cho cam! Chỉ khổ thân gái già này! Tao cho rồi đói rã họng ra cho mà xem!..." Mắng ông chồng một chặp, bà vợ cho thóc ướt và nồi hông đất, nhóm lửa hong cho khô thóc. Tiện thể bà quăng luôn các sách nho của ông chồng vào lửa...

Đến thế, là gia đình tan vỡ. Ông cụ bỏ vợ, bỏ con. Ông cụ cũng bỏ làng ra đi luôn. Sau này đỗ đến ông nghè (tiến sĩ), ông cụ mới trở về làng. Thì ông ấy đã lấy bà vợ khác, con gái một cụ nghè ở tỉnh bên. Chính bà vợ thứ ba này mới sinh ra Lê Quý Đôn nhưng ông cụ vẫn xem bà là "chính thất" (vì lẽ hai bà vợ trước ông cụ đã bỏ rồi). Và Lê Quý Đôn cũng được xem là con trai đầu!

- Thế còn hai con trai của bà vợ trước, họ là anh của Lê Quý Đôn chứ. Tôi "giả vờ" cãi lại các cụ già làng để "moi" thêm "tin tức".

- Thế này ông giáo sư ạ. Ông cụ Nghè Lê vinh quy về làng, vẫn không "nhận" bà vợ trước. Nhưng "bỏ vợ (được) chứ không bỏ con (được)". "Vợ mình là con người ta, suy đi tính lại chẳng bà con chi", "Anh em như thể chân tay, vợ chồng như áo cởi ngay tức thì" (đó là mặt trái của đạo đức dân gian).

Con cái dù sao vẫn là con mình. Cho nên cụ Nghè Lê vẫn nhìn nhận 2 anh con trai đầu, nhưng lấy lẽ (vin cớ) mẹ chúng đã bị bỏ nên bắt hai anh con trai này xuống làm con thứ, phải gọi Lê Quý Đôn bằng anh cả (tôn trưởng). Vì cụ lập ông Lê Quý Đôn làm trưởng nam.

Thì ra là thế! Chỗ khúc mắc của thân phận Lê Quý Đôn là thế! Và cán bộ tỉnh theo thuyết "chính thống" cho Lê Quý Đô là con trưởng của bà vợ chính cụ Nghè Lê xem ra cũng có lý do của nó!

Tôi hỏi chuyện các cụ già làng Diên Hà thêm chút nữa:
- Thưa các cụ, thế các cụ có được truyền lại là hai ông con trai trước của cụ Nghè Lê (hai người tuy nhiều tuổi hơn Lê Quý Đôn nhưng phải gọi Lê Quý Đôn bằng anh) về sau ra sao, có học hành đỗ đạt gì không? Và Lê Quý Đôn đối xử với hai ông "em" mà lẽ ra là "anh" như thế nào ạ?

- Ấy, tiếng là được nhận lại làm con cụ nghè, nhưng hai ông con trai này cũng chẳng được cụ nghè thương yêu gì mấy, vì dốt nát. Họ cũng lớn tuổi rồi, từ khi bố bỏ nhà, bỏ làng đi, hai ông con trai này sống với mẹ, vẫng nghèo khổ thôi, cơm còn chẳng đủ ăn, lấy đâu ra của mà học hành thi cử. Nên vẫn dốt nát và vẫn làm "dân cày" như chúng tôi vậy thôi... Có điều cụ Bảng Đôn (Lê Quý Đôn đậu bảng nhãn, vị tiến sĩ số 2 (sau trạng nguyên), nên vẫn thường được gọi là cụ Bảng) là người có "đức", cụ đối xử tốt với hai người anh trai cùng cha khác mẹ này, vẫn nhường cho họ cả ngôi nhà dân hàng xã, hàng tổng làm cho cụ Nghè Lê với ít thửa ruộng của cụ Nghè Lê. Cụ Bảng Đôn chắc cũng giữ ý sao đó nên ít về làng, vả lại cụ làm quan to (14) nên cũng thường ở kinh đô. Dân làng Diên Hà nghe tiếng cụ Bảng nhiều thôi chứ ít được gặp cụ lắm và không biết về cụ Bảng bao nhiêu...

Những lời truyền miện dân gian này về đại thể là đúng khớp với hành trạng và tính cách Lê Quý Đôn. Khi ông về trí sĩ, ông cũng không về ở làng, và ta biết rõ là ông mất khi đang ở Quê Mẹ.

Rời quê hương Lê Quý Đôn về "tỉnh" (thị xã Thái Bình), ngày hôm sau, tại Hội Nghị Khoa Học về Lê Quý Đôn, tôi đã công bố, bằng miệng, lời truyền miệng dân gian mà hôm nay tôi ghi lại ở trên về một "bí mật", một "khúc mắc", một nét "bi kịch" trong cuộc đời nhà bác học Lê Quý Đôn. Chuyện có vẽ "vặt vãnh" thôi, trong tổng thể đồ sộ của sự nghiệp và trước tác của Lê Quý Đôn... Nhưng với riêng tôi thì tôi rất lấy làm hài lòng vì, nói theo danh từ toán lý, phép thử của tôi đã được nghiệm đúng.

Trở về Hà Nội, bạn bè đồng nghiệp hỏi tôi rằng: Tôi không phải là chuyên gia về Lê Quý Đôn, đọc và tìm hiểu về ông này không bao nhiêu, vì sao tôi lại biết được một chi tiết tiểu sử của Lê Quý Đôn mà trước đó chưa ai biết, dù đã có những người làm luận án về Lê Quý Đôn. Thế là tôi được dịp nói về:

- Vai trò của Trực Giác Trực Quan trong nhiều phát minh, phát kiến khoa học. Có những nhà khoa học cỡ vừa phải thôi luôn luôn trình bày những phát hiện của mình như kết quả của một quá trình sưu tầm tài liệu công phu, phân tích tỉ mỉ, đối chiếu cẩn thận rồi tổng hợp khái quát cao... tóm lại là hết sức chặt chẽ trong suy lý, rất là duy lý, hợp lý, hệ thống, tổng thể. Nói đến trực giác, họ cho đó là cảm hứng nhất thời của thi nhân, nghệ sĩ, "không xài được" trong khoa học.

Nhưng ngay như nhà khoa học vĩ đại bậc nhất của thế kỷ XX Albert Einstein cũng không phủ nhận vai trò của trực giác trong những phát kiến khoa học! Trực giác nhiều khi là khởi điểm của những phát hiện khoa học lớn (15). Về khoa học cũng vậy, mà về triết học cũng vậy thôi.

"Những hệ thống triết học là sự triển khai, qua khái niệm và biểu tượng của một số trực giác nguyên sơ nào đó. Nếu tất cả chúng ta ai cũng có những trực giác cơ bản ấy thì các hệ thống sẽ coi như thừa".
("Systems of philosophy are the elaboration, through concepts and symbols, of certain original intuitions. If all of us had these basic intuition, systems should be superfluous") (T.R.V. Murti, In the central Philosophy of Buddhism, Ed. Ruskin House - London, 1955).

Cùng với trực giác nguyên sơ của nhà khoa học, cũng còn cái mà giáo sư Từ Chi và tôi hay nói đến là "cảm quan điền dã" rất cần thiết cho những ai đi điền dã như các nhà khảo cổ học, dân tộc học...

Riêng về trường hợp Lê Quý Đôn, tôi "bỗng dưng" nghĩ là thế (mẹ ông không phải vợ đầu, ông không phải con trưởng) khi giở sách viết về Lê Quý Đôn, đọc trong đêm trước khi đi Thái Bình thấy chi tiết ông Lê Quý Đôn mất ở quê mẹ mà không ở quê cha. Đấy là "trực giác" nhưng sau đó thì lý giải ra thế này:

Cụ thân sinh ra Ông, rất muộn mới đỗ đại khoa, hẳn đã có vợ từ trước, khi còn trẻ, ở làng, theo phong tục Việt Nam ngày xưa. Nay thấy cụ Nghè Lê đỗ, khi vinh quy mới lấy vợ, con gái một vị tiến sĩ khác, và bà vợ này sinh ra Lê Quý Đôn, tôi suy ra đây là bà vợ sau. Thế nhưng lại không thấy sách nào chép cả, mới đâm ngờ ngợ, chờ về Diên Hà hỏi lại.

Còn vì sao mà tôi biết và tôi "cảm" nhanh như vậy (ta vẫn gọi là "mẫn cảm") về bi kịch Lê Quý Đôn thì có lẽ là vì tôi là con cháu nhà Nho cả bên nội bố tôi lẫn bên ngoại mẹ tôi, nên có chút kinh nghiệm nghiệm sinh dù đại gia đình tôi là "Nho cuối mùa"...

Vả tôi hay đọc sách Tầu Ta về chuyện rừng nho, về các gia đình đại nho và đại quan nên cũng biết nhiều "mặt trái" của những gia đình ấy. Khi một danh nho đại quan đã "nổi tiếng", đã "làm lớn", và khi người sau viết tiểu sử các vị này, họ thường dấu các "mặt trái", những nét bi kịch ấy đi. Đó cũng là thói thường dân gian: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" v.v... như mấy chục năm nay, người ta chỉ nói đến, và khuếch đại nữa là đằng khác, về những mặt tốt của chế độ xã hội chủ nghĩa và bươi xấu "phương Tây tư bản đế quốc" khiến tạo ra một hình ảnh giả tạo: một bên là tấm gương "siêu sạch" (tịnh vô trần), một bên là đống rác bẩn thỉu v.v...

Nhưng ở đâu - và bao giờ còn nhân loại - thì cũng có Nhân Dân và trong nhân dân thì, từ trong chuyện cổ tích đến chính trường hiện tại, bao giờ chả có người xấu, người tốt. Trong tốt có xấu, trong xấu tối thiểu cũng có một cái gì tốt chứ, "nhân vô thập toàn" mà!

Và lối sống "hòa quang đồng trần" (hòa ánh sáng với bụi đời) của nhà Trần, của đời Trần, vẫn là cái gì tôi ưng ý hơn cả.

Từ trực giác nguyên sơ (original intuition), qua những kinh nghiệm tự thân trong công tác điền dã, qua cả những tri thức kiến văn nữa, lâu dần hình như ở trong tôi sẽ có cái có thể gọi là trực giác kinh nghiệm (experienced intuition), từ đó có thể khai mở những cái bị che đậy. Những tiếng Âu Tây giành cho sự khám phá khoa học: Discovery, découverte, thì, theo tôi hiểu, đều bao hàm động tác dis-cover, dé-couvrir ngụ ý mở cái nắp đậy cái sự thực, cái cần biết ở bên trong, mà bình thường vì một tư dục, tư ý nào đó mà nó bị che lấp. 
Tôi đã mở (đầu) bài kinh nghiệm điền dã Folklore này của mình bằng câu chuyện một vị tiến sĩ vô danh, nghĩa là không còn tên tuổi, để dẫn dắt đến câu chuyện của những người có tên tuổi.

Đến đây tôi sẽ khép (lại) bài kể lể khá dài dòng của mình bằng câu chuyện một người tuy có tên tuổi nhưng không lấy gì làm nổi tiếng lắm, hay đúng hơn đã trở nên có tên tuổi nhờ gắn bó máu thịt với một người tên tuổi (nhưng từ đầu đến cuối câu chuyện của tôi đều nói về các nhà Nho, các vị thái học sinh, tiến sĩ, bảng nhãn hay là phó bảng cả).

Đó là câu chuyện về cụ thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy.

Phó bảng là một học vị tiến sĩ, chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (1830-31).

Trong một lá đơn bằng tiếng Pháp gửi bộ Thuộc địa Pháp, Nguyễn Tất Thành (sau là Hồ Chí Minh) đã khéo dịch tên học vị của phụ thân mình là sous docteur (16), như ngày nay ta gọi là phó tiến sĩ.

Quê hương cụ, là làng Kim Liên, tên nôm là làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhưng đậu phó bảng rồi cụ đã làm thừa biện bộ Lễ ở Huế rồi tri huyện Bình Khê (Bình Định). Rồi bỏ quan (hay bị cách chức quan) cụ phiêu dạt vô Sài Gòn, ngồi bắt mạch kê đơn ở tiệm thuốc bắc Hoa kiều, để có chút cơm rượu... Lại phiêu lãng nữa, tới miền Tây Nam bộ, và cuối cùng mất ở Cao Lãnh (Sa Đéc nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Mộ cụ phó bảng được xây lại cuối năm 1954 sau sự kiện Genève tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam.

Người ta làm thế là vì cụ Hồ. Cũng như mộ bà Hoàng Thị Loan vợ cụ và là thân mẫu Hồ Chí Minh mới được dời xây lại vài năm nay ở Nam Đàn, Nghệ An. Người ta làm thế cũng là vì cụ Hồ. Hai ngôi mộ này, cũng như bản thân Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng Ba Đình, Hà Nội đều hiện hữu ngoài ý thức chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hồ vốn được xem là người giản dị, khiêm nhường...

Cũng đã có dăm cuốn sách nói về gia thế cụ Hồ Chí Minh. Nhưng câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết.

Chỉ là lời truyền miệng dân gian, ở Kim Liên, Nam Đàn, ở một số người gốc Nghệ hiện sống tại Hà Nội và nhiều nơi khác trên mảnh đất Việt Nam. Nếu trong Folklore, có hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là lan truyền thì từ lâu câu chuyện này cũng đã lan truyền từ làng Kim Liên ra khắp huyện Nam Đàn rồi khắp tỉnh Nghệ Anh rồi rộng ra hơn nữa... Nhưng phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta Sợ.

Sợ động chạm đến cụ Hồ. Một cái sợ vô nghĩa nhưng người ta cứ gán cho nó cái ý nghĩa chính trị giả tạo. Vì như bà Trịnh Khắc Niệm viết trong cuốn trong cuốn tiểu truyện bằng tiếng Anh "Life and Death in Shanghai" (17), đã được phiên dịch ra tiếng Việt: Ở xã hội xã hội chủ nghĩa, cuộc đời của các lãnh tụ cộng sản được coi là "bí mật quốc gia".

Nhưng đây không phải là chuyện cụ Hồ, tuy cũng có dính dáng đến cụ Hồ. Mà vì đây là chuyện cụ thân sinh ra cụ Hồ. Cụ Nguyễn Sinh Huy. Mà cũng là truyền miệng thôi, nghĩa là thuộc phạm trù giai thoại, folklore, chứ không thuộc phạm trù lịch sử, như tôi đã nói từ đầu bài này.

Người dân Kim Liên đồn rằng Nguyễn Sinh Huy không phải là thuộc dòng máu mủ của họ Nguyễn Sinh làng này. Mà là con của một người khác: Ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo.

Cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (đây là quê gốc của Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đây cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn thế kỷ XVIII, vốn họ Hồ ở xứ Nghệ), đây cũng là quê hương Hoàng Văn Hoan, người đồng chí thân cận một thời của cụ Hồ Chí Minh, được cụ Hồ giao phụ trách công tác đối ngoại của Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kháng chiến chống Pháp và là Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sống lưu vong ở Trung Hoa, có viết một tài liệu lịch sử làng Quỳnh Đôi quê ông, bà vợ nhà văn lớn Đặng Thái Mai, người một thời làm Bộ trưởng Giáo Dục trong chính phủ của cụ Hồ 45-46 rồi làm Viện trưởng viện Văn Học, là Hồ Thị Loan, cũng thuộc dòng họ Hồ này ở làng Quỳnh Đôi). Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước (thế kỷ XIX) cử nhân Hồ Sĩ Tạo có thời gian ngồi dạy học ở một nhà họ Hà, người làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, với làng Sen (Kim Liên). Đó là một nhà nghệ nhân dân gian, trong nhà có phường hát ả đào.

Nhà họ Hà có cô con gái tên là Hà Thị Hy, tài hoa, nhan sắc, đàn ngọt, hát hay, múa khéo, đặc biệt là múa đèn (đội đèn trên đầu, để đèn trên hai cánh tay, vừa hát vừa múa mà dầu trong đĩa không sánh ra ngoài) nên người làng thường gọi là cô Đèn. Người ta thường bảo: má hồng thì mệnh bạc. Như Đặng Trần Côn viết mở đầu khúc ngâm chinh phụ: "Hồng nhan đa truân" (Gái má hồng nhiều nỗi truân chuyên). Hay như Nguyễn Du than thở dùm người đẹp tài hoa trong truyện Kiều: "Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"... "Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu"...

Vả ở thời ấy, dưới chế độ quân chủ nho giáo lấy tứ dân (Sĩ Nông Công Thương) làm gốc, người ta vẫn xem thường nghề ca xướng và con nhà ca xướng "Xướng ca vô loài".

Cô Đèn, Hà Thị Hy tài hoa nhan sắc là thế mà rồi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mà trong nhà thì lại luôn có bậc văn nhân: ông cử Hồ Sĩ Tạo. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" là lẽ thường theo tâm lý dân gian, huống chi là giữa văn nhân - tài tử - giai nhân: "Trai tài Gái sắc" mà! Và cô Hà Thị Hy bỗng dưng "không chồng mà chửa". Mà ông cử Tạo thì đã có vợ có con rồi! Lệ làng ngày trước phạt vạ rất nặng nề, sỉ nhục hạng gái "chửa hoang" hạng "gian phu dâm phụ". Để tránh nỗi nhục cho con gái mình và cho cả ông cử Tạo đang làm "thầy đồ" được hết sức kính trọng trong nhà mình, nhà họ Hà phải bù đầu suy tính...

Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cày, tuổi cao mà góa vợ (bà vợ trước đã có một con trai là Nguyễn Sinh Thuyết, và người con trai này cũng đã có vợ).

Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình, "cho không" cô Hy làm vợ kế ông này, như một người con gái xướng ca, quá lứa, lỡ thì, lấy ông già góa vợ, mong ém nhém việc cô gái đã "to bụng".

Công việc rồi cũng xong. Cô Hy ôm bụng về nhà chồng, có cưới có cheo cẩn thận. Việc phạt vạ của làng không thể xảy ra. Nhưng cô gái tài hoa nhan sắc thì bao đêm khóc thầm vì bẻ bàng, hờn duyên tủi phận. Và ông lão nông dốt nát tuy được không cô gái đẹp nhưng cũng buồn vì đâu có đẹp đôi, lại cắn răng chịu đựng cái tiếng ăn "của thừa", "người ăn ốc (ông cử Tạo), kẻ đổ vỏ (cụ lão nông Nhậm)". "Miệng tiếng thế gian xì xầm", ai mà bịt miệng nổi dân làng. Mà trước hết là lời "nói ra nói vào", lời chì chiết của nàng dâu vợ anh Thuyết, vốn nổi tiếng ngoa ngoắt, lắm điều. Ông Nhậm đành cho con trai và vợ anh ta ra ở riêng, và mình ở riêng với bà vợ kế.

Chỉ ít tháng sau, bà vợ kế này đã sinh nở một mụn con trai, được ông đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, lấy họ ông, mặc dù ông biết rõ hơn ai hết đó không phải là con ông, con nhà họ Nguyễn Sinh này. Nàng dâu ông càng "tiếng bấc tiếng chì" hơn trước vì ngoài việc bố chồng "rước của tội của nợ", "lấy đĩ làm vợ" thì nay còn nỗi lo: Người con trai này - được ông nhận làm con - lớn lên sẽ được quyền chia xẻ cái gia tài vốn cũng chẳng nhiều nhặn gì của một gia đình nông phu thôn dã. Việc ấy xảy ra vào năm Quý Hợi, đời vua Tự Đức thứ 16 (1863).

Vì trọng tuổi, lại vì lo phiền, vài năm sau cụ Nhậm qua đời và cũng chỉ ít lâu sau đó, bà Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc trở thành đứa trẻ mồ côi. Lên 4, về ở với người anh gọi là "cùng cha khác mẹ" mà thật ra là "khác cả cha lẫn mẹ", cùng với bà chị dâu ngoa ngoắt, khó tính, lúc nào cũng chỉ muốn tống cổ cái thằng "em hờ" của chồng đi cho "rảnh nợ".

Không cần nói, ta cũng hiểu Nguyễn Sinh Sắc khổ tâm về tinh thần, khổ cực về vật chất như thế nào trong cái cảnh nhà Nguyễn Sinh như vậy. Ta cảm thấy vô cùng thương xót một đứa trẻ mồ côi sớm chịu cảnh ngang trái của cuộc đời. Bên ngoại thì ông bà đều đã mất, họ hàng chẳng còn ai chịu cưu mang đứa trẻ có số kiếp hẩm hiu này.

May có ông Tú đồ nho Hoàng Xuân Đường, người làng Chùa (Hoàng Trù) gần đó, xót thương đứa trẻ, dù sao cũng là hòn máu rơi của một nhà nho khác, lại có vẻ sáng dạ, nên đã đón về làm con nuôi, cho ăn học. Và đến khi Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, ông bà đồ họ Hoàng lại gả cho cô con gái đầu lòng, Hoàng Thị Loan, mới 13 tuổi đầu, cho làm vợ, lại làm cho căn nhà tranh ba gian ở ngay làng Chùa, để vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc ăn ở riêng. Ta dễ hiểu vì sao Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với họ hàng làng quê bên vợ, làng Chùa, hơn là với làng Sen "quê nội", "quê cha hờ". Con cái ông, từ người con gái đầu Nguyễn Thị Thanh, qua người con trai đầu Nguyễn Sinh Khiêm (tục gọi ông Cả Đạt) đến người con trai thứ Nguyễn Sinh Côn* (hay Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh) đều được sinh ra và bước đầu lớn lên ở làng Chùa bên quê Mẹ hay là quê ngoại. Khi ông Tú Hoàng (Hoàng Xuân Đường) mất, vợ chồng con cái Nguyễn Sinh Sắc lại về ăn ở chung với bà đồ Hoàng. Các cháu đều quấn quít bên bà ngoại.

Qua giỗ đầu cụ tú Hoàng, Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hương khoa Giáp Ngọ và đậu cử nhân (1894). Ông được nhận ruộng học điền, ruộng công của làng Chùa chia cho những người có học (nhằm khuyến khích việc học) để học thêm, chứ không phải nhận ruộng học của làng Sen. Khoa thi Hội Ất Mùi (1895), ông thi trượt.

Nhờ sự vận động gửi gắm của ông Hồ Sĩ Tạo, người cha thực của Nguyễn Sinh Sắc, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được coi như ấm sinh, để được nhận vào học Quốc Tử Giám ở kinh đô. (Ai cũng biết: Để được nhận vào học Quốc Tử Giám và làm giám sinh phải là con cháu của những gia đình có thế lực gọi là "danh gia tử đệ". Nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Sĩ Tạo là bậc khoa bảng cao quan thì làm sao Nguyễn Sinh Sắc được nhận? Thế là dù sao Hồ Sĩ Tạo vẫn còn có một "cử chỉ đẹp" với đứa con mà mình không dám nhận). Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898) ông lại trượt.

Ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10-2-1901), bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở kinh đô Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ngày sau) trở thành con trai út.

Nguyễn Sinh Huy đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ nuôi nấng chăm sóc dùm, rồi trở vào kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu phó bảng và được "vinh quy bái tổ" về làng. Theo thể thức triều đình, lễ vinh quy này phải diễn ra ở quê nội, dù là quê nội danh nghĩa, tức là làng Sen - Kim Liên. Hội đồng hương lý và dân xã dựng nhà tranh 5 gian (chứ không phải nhà ngói) trên một khoảnh đất vườn làng Sen, để đón quan Phó bảng tân khoa Nguyễn Sinh Huy về làng.

Thế là buộc lòng ông phải về "quê nội". Ông cũng đón hai con trai về ở cùng ông. Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Côn (Hồ Chí Minh ngày sau), về ở quê nội, nhưng thân ông, lòng ông vẫn hướng về quê ngoại là cái gì "đích thực" và gắn bó với tuổi thơ ông. Ông Phó bảng có đến thăm cụ Hồ Sĩ Tạo.

Nhưng gia đình ông phó bảng cùng hai con trai cũng không ở lâu tại Kim Liên. Chưa đầy 3 năm! Sau khi mẹ vợ mất, ông vào kinh đô nhận chức quan (1904) ở bộ Lễ, đem theo hai con trai vào Huế học. Năm 1907 ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê... Rồi sau khi bỏ quan (hay mất quan, khoảng 1910), ông phiêu bạt vô Sài Gòn rồi lục tỉnh Nam Kỳ. Không bao giờ ông về làng Sen trở lại nữa...

                                    *

Ở làng Sen sau này, chỉ có bà Thanh và ông Cả Đạt (Khiêm), cả hai đều không lập gia đình riêng.

Người ta bảo lúc sau khi cụ Hồ Sĩ Tạo đã qua đời, năm nào bà Thanh cũng qua Quỳnh Đôi góp giỗ cụ Hồ Sĩ Tạo. Thế nghĩa là cái "bí mật" về cội nguồn của cụ Phó bảng Huy, trong số các con cụ, ít nhất có bà con gái đầu biết. Người ta bảo: ông Cả Đạt cũng biết, tuy không bao giờ ông sang Quỳnh Đôi nhận họ.

Còn Nguyễn Sinh Côn - Nguyễn Tất Thành có biết không? Từ khoảng 11 đến 14 tuổi, ông ở làng Sen, có nhẽ nào không ai nói cho ông biết? Hay là trước đó nữa, khi ông ở làng Chùa quê ngoại gần gặn với làng Sen! Hay là sau đó nữa chả nhẽ không khi nào cụ Phó bảng hay bà Thanh hay ông Đạt lại không kể với ông về "bí mật" của gốc tích phụ thân mình?

Không có chứng cớ gì về việc ông Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, biết hay không biết chuyện này... Sau này khi hoạt động cách mạng, ông còn mang nhiều tên khác nữa...

Nhưng đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ này, thì người ta thấy ông mang tên Hồ Chí Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi tên tuổi Hồ Chí Minh trở thành công khai thì cũng bắt đầu từ đó dân gian Việt Nam, từ trí thức đến người dân quê, lại âm thầm bàn tán: Vì sao Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh? Và tên này cụ giữ mãi cho tới khi "về với Các Mác, Lê Nin" năm 1969.

Cuộc đời thực của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh còn quá nhiều dấu hỏi chứ phải đâu riêng gì một cái tên! Và biết làm sao được khi cụ Hồ, tôi nói lại một lần nữa theo cảm thức của người Ấn Độ, đã trở thành một huyền thoại. Huyền thoại Hồ Chí Minh được hình thành trong vô thức dân gian mà Carl Gustav Jung gọi là vô thức tập thể. Nhưng nó cũng có phần được hình thành một cách hữu thức, bởi một số cán bộ gần gụi cụ Hồ. Nghĩa là một phần cuộc đời cụ Hồ đã được huyền thoại hóa.

Ngay sau cách mạng tháng Tám, người ta còn in cả một cuốn sách (mỏng thôi) về sấm Trạng Trình có những câu vận vào cụ Hồ và sự nghiệp cách mạng tháng Tám. Và sấm Trạng Trình vẫn được vận vào cụ Hồ còn lâu về sau nữa, ở miền Nam Việt Nam và hiện nay ở một số người Việt lưu vong, dù là với hậu ý không ưa gì cụ Hồ... Nhưng đó lại không phải là chủ đề của bài viết này.

Trở lại với cái tên Hồ Chí Minh, lời truyền miệng dân gian bảo rằng: Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải cụ Nguyễn Sinh Nhậm.

Và dân làng Sen cũng bảo: Thì cứ xem, lần đầu tiên về thăm quê hương, sau cách mạng, sau mấy chục năm xa quê (15-6-1957), từ thị xã Vinh - tỉnh lỵ Nghệ An, cụ Hồ đã về làng Chùa trước, rồi sau mới sang làng Sen "quê nội" (18)!

Riêng tôi nghĩ, thì cũng phải thôi. Vì như ở trên ta đã thấy, cả một thời thơ ấu của cụ Hồ là gắn bó với quê ngoại làng Chùa, nơi cụ sinh ra và bước đầu lớn lên. Chứ đâu phải làng Sen, là nơi cụ chỉ ở có vài năm, lại là khi đã bắt đầu khôn lớn?



Tôi không muốn có bất cứ một kết luận "khoa học" gì về bài viết này. Vì nó không phải là một luận văn khoa học. Đây chỉ là việc ghi lại một số lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh hay là cái khổ tâm hay là cái "mặc cảm" của một số nhà trí thức Nho gia từ đầu thế kỷ XIV (Trương Hán Siêu, Chu Văn An) đến đầu thế kỷ XX (Nguyễn Sinh Huy) đối với làng quê (19).

Còn viết lách, thì bao giờ chẳng là chuyện:

"Thư bất tận ngôn, Ngôn bất tận ý"
(Viết không (bao giờ) hết lời nói,
Lời nói không (bao giờ) hết ý!)



(1) Trần Từ: Le village traditionnel, Etudes Vietnamiennes, Hà Nội, N#61, 1980.

(2) Lévi Strauss: Structural Anthoropology, bản dịch từ tiếng Pháp bởi Claire Jacobson và Grundfest Schvepf. New York 1963-1976.

(3) Leroi Bourhan: L'homme, hier et aujourd'hui. Recueil d'études en hommage à André Leroi Gourhan, Paris, Cujas, 1973.

(4) Về việc học và thi cử theo Nho giáo, có thể xem: Woodside Alexander, A Comarative Study of Nguyễn and Ch'ing Civil Government in a first half of Nineteenth Century, Cambridge, Mass, Harvard University Press, 1971.

(5) Lê Hữu Mục: Chu Văn An (1292-1370), Tập San Sử Địa Sài Gòn, số 27-28 tháng 7-12-1974, tr. 239-247. Theo Thơ Văn Lý Trần tập III, tr. 52-67 Chu Văn An còn để lại 12 bài thơ.

(6) Lê Tung: Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

(7) Tuổi trẻ Thủ đô, số tết Kỷ Tỵ 1989.

(8) Truyền thuyết này đã được ghi lại đầu tiên trong Lĩnh Nam Chích Quái, trong khoảng thế kỷ XV.

(9) Carl G. Jung: The Interpretation of Nature and the Psyche, Bollingen, series I.I.

(10) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Bản kỷ quyển 6.

(11) Nguyễn Trãi Toàn Tập in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung. Hà Nội, Khoa Học Xã Hội, 1976.

(12) The Lạc Việt, series 3, Yale Southeast Asia Studies, 1986, Introduction VII, The art of loving, Newyork Bantam books, 1963.

(13) Thân phụ Lê Quý Đôn là Lê Trọng Thư, sinh 1694, 18 tuổi đậu sinh đô (như tú tài thời Nguyễn), 19 tuổi bố mất. Sau lên Thăng Long học Vũ Thạnh. 27 tuổi đậu hương cống (như cử nhân đời Nguyễn), 31 tuổi đậu tiến sĩ (1724). Lấy vợ khác họ Trương, con gái thứ ba của Tiến sĩ Hầu Tước Trương Minh Lượng, 1726 sinh Lê Quý Đôn (xem Bùi Hạnh Cẩm, Lê Quý Đôn, NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1985).

(14) Lê Quý Đôn 1778 làm Hành Tham Tụng - quyền Tể Tướng. 1784 khi sắp mất, làm Thượng Thư Bộ Công.

(15) Schilpp, Paul Arthur: Albert Einstein, Philosopher - Scientist 2nd edition, Newyork, Tudor Pub Co, 19511. Albert Einstein, the human side: New glympses from his archives. Selected and edited by Helen Dukas and Bansh Hoffmann, Princeton, N.J. Princeton university press, 1979.

(16) Xem phụ bản bức thư này công bố trong: G. Boudarel, La Bureaucratie au Vietnam, par L'Harmattan, 1983.
Nguyễn Thế Anh: Du rêve mandarinal au chemin de la Révolution, Ho Chi Minh et l'école coloniale, La Voie nouvelle (Đường Mới) N1, Paris 6/1983, p. 13-14.
Một chút về tiểu sử Nguyễn Sinh Sắc và thời thơ ấu của Hồ Chí Minh, xin xem Sơn Tùng, Búp Sen Xanh (in lần thứ 2, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1984). Cốn sách này tuy là "tiểu thuyết", khi mới in lần thứ nhất, đã bị cán bộ Viện bản tàng Hồ Chí Minh phê bình trên báo Nhân Dân là có những chi tiết không đúng sự thực lịch sử (chủ yếu là mối tình đầu của cụ Hồ).

(17) Cheng Nien: Life and death in Shanghai, Globe Crafton Books, 1986.
Trịnh Khắc Niệm: Sống và chết ở Thượng Hải, NXB. Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh 1989.

(18) Xem "Le Nghe Tinh, province natale de Ho Chi Minh", Etudes Vietnamiennes, Hanoi, N59, 1979.

(19) Về những cách nhìn khác, chính thống hơn, lịch sử hơn, xin xem: Les lettres devant l'histoire. Etudes Vietnamiennes, Hanoi, 1979.

Riêng về Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Trãi xin xem:
- O.W. Wokters: Two essays on Đại Việt in the fourteenth century. The Lạc Việt, N9, 1979.
- A stranger in his own land: Nguyễn Trãi's Sins.
- Vietnamese Poems, written during the Ming occupation. The Vietnam Forum, N8, 1986.
 
.