Tuesday, July 17, 2012

ARCHIMEDES L.A. PATTI * WHY VIETNAM I



TẠI SAO VIỆT NAM? (Why Vietnam?) 

 BẢN DẠO ĐẦU CON CHIM HẢI ÂU CỦA NƯỚC MỸ (Prelude to America’s Albatross) 

Archimedes L.A. Patti 
Lê Trọng Nghĩa dịch 


Đây chỉ là một sự cố gắng nhằm giải đáp cho nhiều người Mỹ hai câu hỏi khá phức tạp và tiếp liền nhau: “Tại sao Việt Nam?” và “Cái gì đã xảy ra ở Đông Dương vào năm 1945?”. Lịch sử viết về thời kỳ đó hiển nhiên còn có một khoảng trống mà cuốn sách này hy vọng có khả năng góp phần bù đắp được. Các bản tường thuật thiên vị hoặc rời rạc của người Pháp và người Việt cũng đã không trình bày nổi một cách khách quan vai trò của nước Mỹ trong giai đoạn lịch sử bi thảm của Pháp, Việt và Mỹ này. Trong nhiều năm qua, các nhà chức trách Washington cũng đã tốn rất nhiều lời giải thích cho những câu hỏi dai dẳng về việc dính líu của người Mỹ chúng ta vào Việt Nam. Một số những lời giải thích đó đã không làm thoả mãn được ai và đã bị rơi rụng dần vì không đáng tin cậy. Số còn lại, đã từng được dùng làm chứng cứ cho lập luận rằng chúng ta phải ở đấy để giành lấy “hoà bình trong danh dự” cũng đã bị vứt bỏ qua sự kiện 30/04/1975. 

Các bản tuyên bố chính thức của Nhà Trắng, các tập hồi ký muộn mằn của các Tổng thống và các cố vấn thân cận của họ, các bản thuyết trình dày cộp ở Quốc hội mà nổi bật là tập hồ sơ Lầu Năm Góc “phơi trần mọi việc”; tất cả chỉ cố gắng nhằm biện bạch cho việc sa lầy càng ngày càng lún sâu của chúng ta và cũng chỉ có tác dụng bôi mờ, che giấu những mục tiêu cơ bản thực sự của chúng ta bằng những lập luận mơ hồ, những lời biện hộ và xác nhận sự bất hạnh của người Mỹ chúng ta ở đó. Là một bản tường thuật trực tiếp về sự có mặt đầu tiên của người Mỹ ở Đông Dương, 

“Tại sao Việt Nam?” ít ra cũng đáp lại được phần nào câu hỏi tại sao người Mỹ chúng ta đã ở đó, đồng thời lại cho thấy những chủ trương cao siêu cua những năm 1940 đã làm chúng ta xa rời những tình cảm đã được diễn đạt một cách cao thượng trong Hiến chương Bắc Đại Tây Dương - các dân tộc có quyền tự do lựa chọn Chính phủ mình muốn và phải được trả lại chủ quyền, quyền tự trị đã bị tước đoạt. Cuốn sách cũng không phải là một lời bào chữa hoặc một bản án kết tội ai mà chỉ là một sự trình bày thẳng thắn các sự kiện đúng như chúng đã diễn ra và được tác giả ghi lại theo dòng thời gian. Từ những sự việc được dẫn chứng, người đọc có thể tự rút ra những kết luận riêng của mình. Từ đó đến nay, cả một thế hệ con người đã trôi qua nên trong phần I của bốn phần của cuốn sách này, tôi thấy cần phải nhắc đến bối cảnh tình hình từ đầu năm 1942 đến thời điểm 1945.

 Phần II dành nói về các kinh nghiệm của bản thân tôi trong việc giao dịch với người Pháp, Trung Hoa và Việt Nam ở Trung Quốc và cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Hồ Chí Minh. Phần III thuật lại việc phái đoàn của tôi tới Hà Nội, vai trò của tôi trong công tác đối với người Nhật, Pháp và Việt. Phần này tả lại thời kỳ sôi động Tháng Tám, Tháng Mười 1945, việc nảy sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập đầu tiên, sự thất bại trong mưu toan của người Pháp định trở lại kiểm soát Đông Dương, cuộc chiếm đóng tàn phá của người Trung Hoa, cái chết của trung tá A. Peter Dewey, người Mỹ nạn nhân đầu tiên ở Việt Nam và việc đầu hàng chính thức của Nhật Bản

. Phần IV “Hậu quả” nêu lên những điểm nổi bật trong chính sách sau Thế chiến thứ hai của Mỹ, chính sách đã đưa đến sự dính líu trực tiếp của chúng ta vào Việt Nam và sơ lược tóm tắt những vấn đề tồn tại mà chúng ta còn phải đương đầu. Khi kể lại các cuộc nói chuyện riêng giữa tôi với Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn chuyển đến người đọc một vài suy nghĩ sâu sắc nhất của tôi về nhà cách mạng bí ẩn đó cùng với những khát vọng đối với nhân dân, đối với tiền đồ đất nước Việt Nam mới mẻ của ông. 

Đã có nhiều người Việt Nam coi cuộc rút lui vừa qua của can thiệp quân sự Mỹ ở Việt Nam như là trận thất bại cuối cùng của Chủ nghĩa thực dân trên đất nước họ. Nhưng từ 1945, Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ rằng dân tộc của ông sẽ còn vấp phải vô vàn khó khăn trong sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của kẻ thù. Điều mong muốn lúc đó của ông Hồ để Mỹ giữ một vai trò hoà bình và ổn định trong công cuộc phát triển đất nước ông, chưa bao giờ thể hiện xác đáng như hiện nay. 

Vì vậy trong khi chúng ta đang còn tiến từng bước ngập ngừng và chậm chạp trong việc lập quan hệ bình thường với nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, rõ ràng là đã đến lúc phải xem xét lại các nhận định cơ bản của chúng ta và xác định xem thực sự lợi ích tối cao của người Mỹ chúng ta là ở đâu. Người đọc có thể hỏi ngay tại sao đến nay tôi mới thuật lại câu chuyện này. Từ năm 1946, tôi đã phác thảo ra một bản tường thuật ngắn gọn về thời kỳ này nhưng còn vướng nhiều điều ràng buộc khác nên đành phải bỏ dở. Sau sự sụp đổ của Pháp ở Điện Biên Phủ, bản thảo của tôi cũng đã sẵn sàng để được cho in nhưng lúc đó đã là quá muộn. Đất nước chúng ta bị lôi cuốn vào tình trạng rối ren của thời kỳ chủ nghĩa chống Cộng điên cuồng Mac Carthy hoành hành. Bộ Lục quân rất nhạy cảm với những lời phê phán thù địch của giới quân sự đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, đã thông báo cho biết rằng việc tiết lộ công khai mọi tin tức hoặc ý kiến của tôi về vấn đề dính líu của Mỹ vào Việt Nam sẽ không làm cho chính quyền hài lòng và tôi có thể sẽ bị kỷ luật. Tôi phản đối nhưng vẫn phải chấp hành lệnh cấm của Bộ. 

Chỉ sau khi quân đội ta đã rút hết khỏi Việt Nam vào tháng 3-1973, tôi mới tập hợp lại các bản ghi chép cũ trong thời kỳ chiến tranh và dựng lại các sự kiện và tình huống, các chính sách và các hoạt động ban đầu của Mỹ ở Đông Dương. Công việc thu thập tài liệu khá phức tạp vì nhiều bức điện và báo cáo của tôi đã bị phân tán ở các cơ quan lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bộ Lục quân và Cục Tình báo Trung ương. Việc sưu tầm những tài liệu đó ở Bộ Lục quân đã không mang lại kết quả. Nhưng ở Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Trung ương CIA thì mọi thứ còn gần như nguyên vẹn và các tài liệu đã rất có ích cho tôi.


 Ở đây tôi xin tỏ lời cám ơn sự giúp đỡ tận tình của R.M. Blum, nhân viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội của nghị sĩ Fulbright, R. Spector thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Quân sự của quân đội Mỹ và Gail F. Donnalley, nguyên cán bộ lưu trữ Cục Tình báo Trung ương. Sự giúp đỡ của họ đã giúp tôi tìm thấy được những tài liệu gốc, nguyên bản, các bản viết tay, các hồ sơ thông báo, gồm cả tập “Những quan hệ Mỹ - Việt Nam”, tập Romanus - Saunderland nói về các hoạt động của Mỹ ở Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, hồ sơ của OSS/SSU - những tài liệu vô cùng quí giá cho bản thảo 1946 của tôi. 

 Quyển sách cũng sẽ không thể có được nếu như không có sự ủng hộ và giúp đỡ hào hiệp, được đánh giá cao của các bạn đồng nghiệp của tôi trong Chính phủ Liên bang, Viện Hàn lâm, những chuyên gia kỳ cựu về Đông Dương mà ở đây tôi chỉ nêu lên được một số tên. Tôi đã được sử dụng rộng rãi các tập hồ sơ lưu trữ quốc gia Mỹ, Thư viện Quốc hội, các phương tiện của Trung tâm Thư tín Quốc gia Washington ở Suitland, thư viện Mill Memorial ở Rollins College... Tôi đặc biệt cảm ơn F.E Taylor, cán bộ lưu trữ ngành Quân sự hiện đại trong sở Lưu trữ Quốc gia, P. Dowling, cán bộ lưu trữ ngành Ngoại giao, Sở Lưu trữ Quốc gia. J.L. Mc Farland, phụ trách thư viện Mill Memorial... và nhiều người khác đã giúp tôi rất nhiều trong việc kiên trì xác định, sưu tầm và cung cấp cho tôi những văn kiện quân sự chủ yếu, hồ sơ của Bộ Ngoại giao, tài liệu tham khảo trong thư viện Quốc hội. 


 Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn Mai van Elliot, Gareth Porter, Ngô Vinh Long và Trương Đình Hùng đã khéo léo giúp tôi làm sáng tỏ những điều rối ren trong nền chính trị và xã hội Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao và đặc biệt cảm ơn ba nhân vật đã bảo trợ, khuyến khích giúp dỡ tôi: Elizabeth Mc D. Mc Jintosh, đồng sự và bạn chiến đấu của tôi ở Trung Quốc đã góp ý kiến cho bản thảo đầu tiên, Ch.E. Cuningham khi làm Tổng biên tập Nhà xuất bản trường Đại học Washington đã giúp tôi xử lý và sử dụng một cách có hiệu quả một số lớn tài liệu, A. Wang, Giám đốc nhà xuất bản Hill và Wang, đã soát lại bản thảo thứ ba và đã khích lệ tôi rất nhiều.


 Tôi hân hạnh nhắc tới sự giúp đỡ to lớn của nhân viên Nhà xuất bản Đại học California, đặc biệt là trợ lý giám đốc Stanley Holwitz đã giúp tôi nhiều trong việc soát lại và và làm dễ dàng việc ấn hành cuốn sách này. Sau hết, xin cảm ơn Margaret, vợ tôi, người đã chép lại các bản thảo từ bản đầu tiên đến bản thứ năm và bản cuối cùng luôn luôn với một phong cách riêng, trong sáng và sâu sắc, cảm ơn con gái Julie của chúng tôi đã bỏ thời gian nghỉ hè để sắp xếp các bản phụ lục. Đối với hai mẹ con phải chịu đựng nhiều bận rộn, phiền hà trong sinh hoạt gia đình với từng chồng sách vở, tài liệu, bản đồ đuợc bày ra, tôi thân ái mến tặng cuốn sách này. Archimedes Patti Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #2 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 10:27:40 AM »



 PHẦN I
 WASHINGTON

 Chương 1 Mở đầu một kỷ nguyên 


 Tôi ở Côn Minh, Trung Hoa ngày 7-8-1945, khi tin điện truyền đi khắp thế giới rằng nước Mỹ đã ném một “quả bom nguyên tử” xuống Hiroshima. Hai ngày sau, Liên Xô tuyên bố tham chiến chống Nhật vào ngày 9-8. Và cũng vào ngày đó, chúng ta ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki. Đối với chúng tôi, những người đang chuẩn bị những cuộc hành quân rộng lớn chống Nhật, thật là sửng sốt khi nhận thức được rằng đó là sự báo hiệu kết thúc chiến tranh ở Viễn Đông. Ngày hôm sau, 10-8, thế giới được tin Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp nhận đề nghị đầu hàng của Nhật theo các điều khoản Potsdam không làm tổn hại đến ngôi Thiên hoàng. Trong niềm vui to lớn đó, chúng tôi tin là chiến tranh đã chấm dứt đối với người Mỹ, với tất cả những người châu Á, và do đó với mọi người. Chúng tôi đã không hiểu được rằng những cuộc chiến tranh mới để giành quyền lực, giành sự thống trị hay giành độc lập đã có thể ập đến gần như ngay tức khắc và cuộc sống của hàng triệu người lại bị cuốn sâu và ngay lập tức vào các cuộc chiến tranh đó như ở Trung Hoa, Ấn Độ, Indonésia và Mãn Châu và chỉ vì một số ít người.

 Trận cuối cùng trong Thế chiến thứ hai được trả giá khoảng một triệu rưỡi sinh mạng con người(1), và trận đánh đã trở thành cuộc đụng đầu dài nhất trong lịch sử hiện đại được bắt đầu ngay, không phải từ ở những thủ đô lớn của thế giới mà tại một ngôi làng nhỏ bé trong rừng không ai biết đến mang tên là Tân Trào, nơi đây đã tiến hành Đại hội bất thường của các đảng phái chính trị Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 1945.

 Tại Đại hội này, họ tuyên bố quyết tâm giành độc lập và bầu Hồ Chí Minh làm lãnh tụ của mình. Do hoàn cảnh mà tôi đã được có mặt tại nơi trung tâm các sự kiện đang diễn ra. Khi binh lính Mỹ ở Côn Minh và ở Trung Hoa ăn mừng chiến thắng Nhật thì Bộ chỉ huy quân đội Đồng minh ở Trung Hoa đã quyết định mở một số cuộc hành quân quan trọng sau cuộc đầu hàng. Cơ quan công tác chiến lược(2) đã nhận được chỉ thị của Chiến trường Trung Hoa yêu cầu phải thi hành một trong nhiều nhiệm vụ được giao là giải phóng các tù binh chiến tranh(3) của Đồng minh đang bị Nhật giam giữ tại một số trại ở Trung Hoa, Mãn Châu và Triều Tiên, còn ở Đông Dương thì không.


Tới ngày 10-8, đại tá Riehard P. Heppner, chỉ huy tình báo chiến lược tại Chiến trường Trung Hoa đã cho xúc tiến các kế hoạch đánh bất ngờ do OSS chuẩn bị nhằm giải phóng và bảo vệ các tù binh chiến tranh của Đồng minh. Một số đội Mercy của OSS được nhảy dù xuống các trại tù binh của Nhật để bảo vệ tù binh của chúng ta và trả về cho Đồng minh kiểm soát. Vài ngày sau, các đội này đã được nhanh chóng đưa đến Mukden (nơi tướng Wainwright(4) bị giam giữ) rồi Bắc Kinh (nơi thủy quân đảo Wake và những phi công lái máy bay trận tập kích Doolittle bị giam giữ) và các trại khác. Sau một cuộc thảo luận quan trọng, Heppner thuyết phục tướng A.C. Wedemeyer(5),


Tổng chỉ huy các lực lượng của Mỹ ở Chiến trường Trung Hoa rằng một đội Mercy cần được đưa sang Hà Nội và Đông Dương, nơi có đến vài nghìn tù binh (Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ và Pháp) đang bị giam giữ. Tôi phụ trách đội đến Hà Nội. Ngoài ra tôi còn được giao những nhiệm vụ khác như: chuẩn bị sơ bộ cho việc giải giáp quân Nhật ở Đông Dương, chịu trách nhiệm điều tra tội ác chiến tranh và báo cáo tin tức tình hình chính trị, quân sự và kinh tế. Ít tuần lễ sau, Hồ Chí Minh đã nói với tôi về một chính sách “tiêu thổ” đối với Việt Nam sau khi ông có linh cảm về điều đó.


Nhưng lúc bấy giờ cả ông và tôi đều không lường hết tầm lớn lao của cuộc xung đột sắp xảy ra cũng như sự phân hoá mà nó có thể gây ra trong đời sống của người Mỹ và trong chính thể nước Mỹ. Vào một buổi chiều nóng ẩm, chúng tôi đã gặp nhau để thảo luận việc bảo đảm an toàn cho những người Pháp sống ở Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trên miền Bắc; nhưng, như ông đã thường làm trong những lần gặp trước, ông đã lái câu chuyện sang yêu cầu cấp bách của ông về sự ủng hộ của Mỹ cho nền độc lập của Việt Nam - và một lần nữa, tôi lại trả lời rằng vấn đề ấy không thể giải quyết vào thời điểm này và cần phải được xem xét và giải quyết sau chiến tranh qua hội đàm giữa Hà Nội và Paris hoặc có thể ở Liên Hợp Quốc.


 Ông Hồ im lặng một lát, đoạn hạ giọng nhưng với sự quả quyết sâu sắc, ông nói rằng nếu người Pháp cố tình trở lại Việt Nam “như là những tên đế quốc để bóc lột, tàn sát và giết hại đồng bào tôi”, ông dám khẳng định với họ và thế giới rằng - đất nước Việt Nam có thể biến thành tro bụi, điều đó thậm chí có nghĩa là đối với tất cả cuộc sống của mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con, chính sách đó của Chính phủ ông cũng sẽ là một trong những chính sách “triệt để tiêu thổ đến cùng”. 

Lời nói này đã được phát ra từ một con người biết tự chủ trong cách nói cân nhắc về ngoại giao nên tôi hiểu đó không phải là một lời đe doạ vẩn vơ, và đến nay tôi vẫn còn nhớ như in trong óc. Buổi nói chuyện đó của chúng tôi ở Hà Nội, vào lúc các cuộc giao chiến đã chấm dứt nhưng trước khi người Nhật ở Đông Dương đầu hàng, và cũng trước khi các lực lượng quân sự Trung Hoa kéo đến để tiếp nhận sự giải giáp quân Nhật và điều khiển việc hồi hương của họ.

 Trong 6 tháng trước đó, tôi là người chỉ huy công tác tình báo bí mật của cơ quan mật vụ(6) thuộc OSS ở Đông Dương và đóng ở Côn Minh. Tôi đã cảm nhận đôi điều tai họa về tính không khoan nhượng của Pháp về qui chế của Đông Dương, một thái độ làm cho tương lai không tránh khỏi rắc rối. Có những khoảnh khắc mà chỉ cần một bước nhỏ trong hướng đi cũng có thể làm thay đổi một tiến trình lịch sử.

 ________________________________________

 (1) Khoảng 60.000 người Pháp, 56.000 người Mỹ và 1.500.000 người Việt Nam (2) OSS: Office of Strategic Services (3) POW: Prisoners of War (4) tướng Jonathan Mayhew Wainwright (1883-1953), nguyên tư lệnh quân Mỹ tại Philippin, là tù binh Mỹ cao cấp trong tay quân Nhật (1942-1945), sau được toán Mercy (toán công tác Cardinal) do thiếu tá R.F. Lamar chỉ huy giải thoát. Tướng Wainwright cũng là người bên cạnh tướng Mac Arthur trong buổi lễ tiếp nhận quân Nhật đầu hàng ngày 2-9-1945 trên chiến hạm Missouri. (5) tướng Albert Coady Wedemeyer (1897-1989), tư lệnh quân Mỹ, kiêm tham mưu trưởng lực lượng Đồng minh trên Chiến trường Trung Hoa (1944-1946) (6) SI: Secret Intelligence Nguồn: www.vuontaodan.net Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #3 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 10:32:42 AM » 




Chương 2 “…Nếu Trung Quốc thất bại...”

 Hồi tưởng lại cũng thấy kỳ quặc, vì lần đầu nhận được sự gợi ý điều tôi sang Đông Dương khi bóng tối bao trùm trên chiếc ghế lạnh của chiếc tầu đổ bộ Mỹ lắc la lắc lư gần bãi biển Anxio nước Ý. Tất nhiên vào những lúc ấy hoàn toàn không phải là việc không bình thường cho những cuộc thảo luận quan trọng tại những nơi mà không có lấy một chỗ ngồi - nó hoang vắng, một lâu đài bị bom đạn phá huỷ, một bãi biển bùn lầy, hoặc bất cứ đâu. Đó là chiến tranh. Vào tối ngày 21-1-1944, một nhóm chúng tôi ngồi xổm xung quanh tướng William J. (Wild Bill) Donovan, chỉ huy của OSS. Nhóm này có cả một vài chuyên viên hoạt động bí mật, đại tá John.T.Whitaker(1) và tôi. Donovan đã thảo luận các hoạt động ở Ý, Balkan và ở Pháp rồi tóm tắt lại cho chúng tôi về các kế hoạch của OSS cho cuộc hành quân Overlord, vượt eo biển vào chiếm Pháp. Ông khuyên Whitaker và tôi nên đi trước Overlord để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt ở Viễn Đông. 

Ông không gặp khó khăn mấy trong việc hoàn chỉnh tổ chức các đội hoạt động ở châu Âu nhưng đối với chúng tôi thì ông nhắc thêm là cũng có nhiều rắc rối. Chúng tôi đồng ý nhưng muốn biết kỹ hơn. “Sau khi chúng ta chiếm Rome”, Donovan chỉ trả lời gọn lỏn như vậy. Một giờ sau nửa đêm, sáng ngày 22, chúng tôi đổ bộ vào bờ biển Anxio. Cái gì đang chờ đợi được diễn ra trong cuộc dạo chơi ngắn ngủi 25 dặm đến Rome để thay cho một cuộc hành trình đẫm máu trong 5 tháng mới tới được thủ đô nước Ý. Quân đội chúng ta đã không tiến vào các phố xá của Rome trước ngày 4-6, đúng 2 ngày trước khi đổ bộ vào đất Pháp.

 Nhưng dù sao thì vào hạ tuần tháng 6, tôi cũng đã được rút khỏi Chiến trường Địa Trung Hải và trên đường về Washington. Whitaker gặp tôi tại địa điểm liên lạc và chúng tôi lái xe đến thẳng hiệu ăn Harvey, nơi tướng Donovan đang đợi tại một chiếc bàn khuất lối. Ông cho sửa soạn một bữa ăn trưa để họp nhằm tránh sự ngắt quãng như ở nhiệm sở. Tại đó, lần đầu tiên tôi biết rằng Donovan đã chọn tôi để cầm đầu một nhiệm vụ của OSS ở Đông Dương. Trong mùa hè 1944, chiến tranh ở châu Âu diễn ra ác liệt và ở đó còn nhiều trận phải giành được chiến thắng nhưng ở đó đã có một mục đích lớn chung cho tất cả và không khí tràn đầy lạc quan. Bức tranh ở Viễn Đông lại hoàn toàn khác. Cuộc xung đột nhiều mặt vì những lợi ích khác nhau chống lại sự thống nhất của Đồng minh. Tâm trạng ở Washington, London và Trùng Khánh là thất vọng.


 Ở Trung Quốc, Nhật kiểm soát hết các đường giao thông trên đất liền, ngoài biển và hầu hết các khu thành thị - công nghiệp nhưng không kiểm soát được các nông thôn rộng lớn chung quanh. Ở đó đang diễn ra cuộc chiến tranh phân liệt giữa các lực lượng gọi là Quốc gia của Tưởng Giới Thạch và những người Cộng sản của Mao Trạch Đông. Cuộc đấu tranh huynh đệ tương tàn này bị bọn quân phiệt có thế lực làm phức tạp thêm; bọn này lúc kết cấu với bên này lúc lại chuyển sang phía kia và là những kẻ mà bất luận trong tinh huống nào cũng không chịu phục tùng hoàn toàn đối với những nhà cầm quyền Chính phủ Trung ương của Tưởng. Vì những lý do trên nên các lực lượng vũ trang của Trung Quốc không thể sánh được với các lực lượng có kỷ luật và được tổ chức tốt của phương Tây.


Sự thiếu thống nhất giữa các nước Đồng minh ở Viễn Đông bộc lộ rất sớm. Sự sụp đổ của Singapore vào tháng 2-1942, tiếp theo là thảm hoạ ở Miến Điện đã làm tổn thương niềm kiêu hãnh dân tộc của nước Anh một cách nhanh chóng. Churchill, con người được thừa nhận là kẻ đứng đầu trong việc đề cao vị trí của nước Anh trong khu vực thuộc địa ở Đông Nam Á đang lo lắng đến sự an ninh của Ấn Độ. Ông ta coi Miến Điện là thành lũy cuối cùng cần phải giữ với bất cứ giá nào. Tất nhiên những ưu tiên tối thượng của ông ta luôn luôn vẫn là đảm bảo cho nước Anh tồn tại và là chiến lược “Châu Âu trước hết”. Tưởng Giới Thạch càng lo lắng trực tiếp hơn đối với cuộc chiến đấu ở Miến Điện vì đó là vấn đề bảo vệ biên giới của ông ta và bảo đảm cho bản thân ông luồng tiếp tế theo chương trình “Vay-Mượn” từ nước Mỹ

. ROOSEVELT – CHURCHILL - TƯỞNG


Tổng thống Roosevelt đồng tình với chiến lược “Châu Âu trước hết” của Anh nhưng muốn Churchill có một lập trường hiệu quả hơn ở Viễn Đông. Mấy năm qua, chúng tôi đã cam kết ủng hộ Tưởng trong cuộc đấu tranh chống tham vọng Liên Á của Nhật và Trung Quốc đã bị ép rất mạnh. Roosevelt sợ rằng Nhật tăng cường nỗ lực ở Trung Quốc, nắm lấy sự kiểm soát quân sự ở đó, và Trung Quốc có thể sụp đổ với nhũng hậu quả về chiến lược không lường hết được. Tổng thống đã bộc lộ sự lo lắng đó vào đầu năm 1942 với con trai của mình, Elliot khi ông hỏi: “... Nếu Trung Quốc thất bại, theo con thì có bao nhiêu sư đoàn lính Nhật sẽ rảnh tay - để làm gì? Chiếm nước Úc, chiếm Ấn Độ - và điều đó sẽ giống như một quả mận đã chín mùi chỉ còn chờ được hái. Tiến quân thẳng vào Trung Đông... một cuộc bao vây gọng kìm rộng lớn của người Nhật và Đức quốc xã, gặp nhau ở một nơi nào đó ở Cận Đông, cắt đứt hoàn toàn người Nga, chia cắt Ai Cập, cắt toàn bộ các đường giao thông liên lạc qua Địa Trung Hải? Chúng ta làm thế nào để tiếp tế cho Trung Quốc?... Con đường Miến Điện – và nếu nó bị sụp đổ?...

Ấn Độ? Vậy đó!”. Sau này, trong một cuộc thảo luận giữa ông với Elliot, Roosevelt nói thêm: “Điều mà chúng ta biết là thế này: Người Trung Quốc đang giết người Nhật và người Nga đang giết người Đức. Chúng ta cứ để cho họ tiếp tục, cho đến khi quân đội và hải quân của ta sẵn sàng giúp đỡ được”. Churchill cho rằng cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) có thể kéo ngược lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước Đồng minh châu Âu và Churchill đã nhanh chóng đến gặp Roosevelt tại Nhà Trắng ngay trong ngày Noel 1941.


Vấn đề cơ quan chỉ huy thống nhất của Đồng minh ở Viễn Đông đã được đưa ra thảo luận và Bộ Chỉ huy Mỹ, Anh, Hà Lan và Úc (ABDACOM) thuộc quyền chỉ huy của tướng Archibald P. Wavell đã nhanh chóng được thành lập. Cơ cấu chỉ huy mới đã loại Trung Quốc ra ngoài vì Roosevelt và Churchill đều nhất trí rằng Tưởng Giới Thạch có thể chống lại bất cứ sự kiểm soát nào của nước ngoài trên lãnh thổ của Trung Hoa. Tuy vậy, Roosevelt vì những lí do chiến lược và chính trị vẫn lo lắng về việc giữ Trung Quốc trong chiến tranh và thuyết phục Churchill cũng nên để cho Tưởng có một địa vị chính thức trong các nước Đồng minh.


Người Anh tán thành đề nghị đó của tổng thống, nhưng với điều kiện là không để Trung Quốc tham gia Hội đồng Tham mưu trưởng hỗn hợp (CSS). Kết quả cuối cùng là lập ra Chiến trường Trung Hoa riêng biệt, đặt dưới quyền chỉ huy của TưởngThống chế, bao gồm cả những phần đất như Thái Lan và Đông Dương lúc đó vẫn do Đồng minh chiếm đóng, nhưng không có Miến Điện. Tưởng được mời làm Tư lệnh tối cao Đồng minh, có một Bộ Tham mưu Đồng minh giúp việc. Thấy có lợi về chính trị và chiến lược, Tưởng chấp nhận vai trò độc đáo của một tư lệnh Đồng minh “độc lập” chỉ chịu trách nhiệm với chính mình và yêu cầu Mỹ gửi sang một sĩ quan cao cấp người Mỹ để giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Đồng minh ở Trùng Khánh.


Nhưng chỉ trong ít tuần, Wavell và Tưởng đã xung đột với nhau về vấn đề kiểm soát và phân phối hàng chi viện Vay - Mượn ở Miến Điện và về phương hướng trung tâm của chiến lược Đồng minh ở Viễn Đông. Mối hằn thù của họ đã làm suy yếu sự thống nhất của Đồng minh và là thảm họa đe dọa các mục tiêu quân sự của Mỹ cả ở Viễn Đông lẫn Thái Bình Dương. Gần như tiếp ngay sau đó, các cuộc tiến công nhanh chóng của quân đội Nhật chống người Anh và người Trung Hoa đã đặt ra cho tam cường vấn đề là phải cải tổ lại cơ cấu chỉ huy của họ. 

Trong vòng không đầy 2 tháng, ABDACOM của tướng Wavell bị tê liệt và đúng như nhận định của Churchill lúc trước cho rằng Tổng thống Mỹ phải có nhiệm vụ chủ yếu là làm việc với Trung Quốc trong tất cả mọi mặt và toàn bộ Thái Bình Dương (kể cả Trung Quốc) phải được đặt dưới quyền chỉ huy của Mỹ, mặc dù Tưởng vẫn còn nắm quyền điều hành tác chiến ở Trung Quốc. Wavell được cử giữ chức “Tư lệnh tối cao Ấn Độ”, có trách nhiệm về hành quân tác chiến ở Miến Điện. Phạm vi trách nhiệm của Anh được vạch ra từ Singapore đến bao gồm cả Trung Đông. Nguồn: www.vuontaodan.net Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #4 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 10:39:51 AM » 



 STILWELL NHẬP CUỘC

 Theo yêu cầu của Tưởng muốn một người Mỹ làm tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Đồng minh, tướng Marshall đã chỉ định thiếu tướng Joseph W. Stilwell(2) vào chức vụ đó. Ngày 6-3-1942, Stilwell được phái đến chỗ Tưởng với hàm trung tướng vừa mới được phong. Ông đã được Tưởng Thống chế và phu nhân tiếp đón thân mật ở Trùng Khánh, nhưng cũng ở đây ông đã thấy rõ được sự quan tâm của Tưởng đối với vấn đề chỉ huy ở Miến Điện và những khó khăn trong quan hệ Trung - Anh. Điều ngạc nhiên đối với ông là Tưởng tuyên bố rằng Stilwell chỉ là tham mưu trưởng các lực lượng Đồng minh (tức là Mỹ - Anh) mà thôi chứ không phải của quân đội Trung Quốc. Điều này đã đặt Stilwell vào một tình thế khó khăn từ những buổi ban đầu. Tưởng chọn và giữ lại một người bạn tin cậy cũ của mình, tướng Hà Ứng Khâm (Ho Yingchin) làm Tham mưu trưởng các lực lượng Trung Quốc. Stilwell đã được cử sang Trung Quốc để nhằm giúp Tưởng hoàn thành các nhiệm vụ của Tư lệnh Tối cao của một chiến trường Đồng minh, đã nhận thấy quyền lực của mình bị cắt xén đi quá nhiều. 

Ông cũng thấy ra được rằng mình làm cho một con người tự do và những quan niệm về lợi ích của Trung Quốc của người đó thì không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của người Anh và Mỹ. Khi có sự khác nhau xảy ra, Stilwell đã phải đóng vai trung gian dung hoà giữa những ý muốn của Tưởng với tư cách là chỉ huy một Chiến trường Đồng minh độc lập với những chỉ thị quân sự của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (Mỹ) và hỗn hợp (Anh - Mỹ). Stilwell còn đảm nhận thêm ba chức vụ khác nữa: Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội Mỹ ở Trung Quốc, Miến Điện và Ấn Độ (CBI); đại diện quân sự của Tổng thống Mỹ ở Trùng Khánh, và trách nhiệm phân phối toàn bộ đồ viện trợ chương trình “Vay - Mượn”. Việc phân phối hàng tiếp viện “Vay - Mượn” đã thường xuyên gây nên sự tranh chấp gay gắt. Tình trạng lộn xộn và giẫm đạp lên nhau này kéo dài mãi cho đến tháng 8-1943 mới chấm dứt khi Tổng thống, Thủ tướng và các Tham mưu trưởng của họ gặp nhau ở Quebéc để họp hội nghị Quadrant. 

Lần đầu tiên những người tham dự hội nghị đã hoàn toàn nhất trí với nhau về kế hoạch đánh bại Nhật Bản. Họ đã đi đến kết luận dùng Trung Quốc làm một căn cứ cực tốt cho các cuộc tập kích đường không vào các cứ điểm phòng thủ của Nhật Bản, các đường giao thông dẫn đến các biển phía Nam và cho cuộc xâm chiếm chính quốc Nhật. Kế hoạch của họ dự tính một cuộc tiến công bằng hai mũi từ phía đông và tây để chiếm lấy khu vực Quảng Đông – Hongkong. Mũi tiến công phía đông có lực lượng không lục hải quân phối hợp, lần lượt đánh chiếm các đảo để cuối cùng tập trung mở một cuộc tấn công thuỷ bộ vào bờ biển Trung Quốc. Từ phía tây, các lực lượng của Tưởng theo đường bộ tiến ra gặp các đạo quân Đồng minh đổ bộ vào đất liền. Sau đó hai cánh quân sẽ đánh lên phía Bắc Trung Quốc. Mốc thời gian cho các cuộc hành quân vào chính quốc Nhật Bản được ấn định vào năm 1947. 

Cũng như các lần trước, sự bất đồng giữa người Anh và người Mỹ lại nổ ra về vấn đề các cuộc hành quân ở Miến Điện, điểm then chốt đảm bảo sự thực hiện thành công của chiến lược mới được đưa ra. Người Mỹ chủ trương ngay sau khi đánh được quân Nhật khỏi miền bắc Miến Điện thì cấp thiết phải tiến quân về phía nam, chủ yếu để mở thông cảng Rangoon, tăng thêm dòng tiếp vận cho Trung Quốc. Người Anh lại có ý định giành lại Sumatra để lấy làm bàn đạp đánh chiếm lại Singapore và bán đảo Mã Lai. Do dó họ thích đi vòng và bỏ qua Rangoon.

 Các Tham mưu trưởng liên quân Mỹ mặc dầu đồng ý cho các phương hướng tiến công nói chung trong kế hoạch của Anh là đúng đắn nhưng trong thâm tâm họ lại sợ người Anh có thể tính toán đến một cuộc thương lượng hoà bình với Nhật Bản và như thế thì sẽ bỏ mặc cho người Mỹ chiến đấu đơn độc ở Thái Bình Dương. Họ đã chống lại bằng cách đưa ra đề nghị nhằm thực hiện một kế hoạch cấp tốc đánh đuổi quân Nhật ra khỏi Miến Điện, bảo vệ các đường tiếp vận ở bắc Miến Điện, củng cố cảng Rangoon và ấn định thời hạn đánh bại Nhật là 12 tháng sau khi Đức sụp đổ. Đề nghị của người Mỹ về một chiến dịch tấn công cấp tốc hướng trực tiếp thẳng ngay vào chính quốc Nhật đã bị người Anh bác bỏ một cách quyết liệt.


Đối với họ, một thắng lợi sớm ở châu Âu và việc cứu vãn đế quốc thuộc địa của họ ở Viễn Đông còn quan trọng hơn nhiều so với việc trước mắt Nhật Bản bị đánh bại. Nỗi bực tức gây ra vì những sự bất đồng đó đã được phản ảnh trong nhật ký của huân tước Alanbrooke, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh viết ngày 1-10-1943, như sau: “Một buổi sáng đấu nhau dồn dập với COS(2) tới mãi 12 giờ trưa; sau đó họp với P.M(3), các tham mưu trưởng, Dickie Mountbatten và Pownall. Cuộc họp đã dẫn đến một trận đấu căng thẳng kéo dài một tiếng đồng hồ giữ tôi và P.M về vấn đề rút quân từ Địa Trung Hải để bổ sung cho cuộc tấn công ở Ấn Độ Dương.


Tôi từ chối việc làm suy ýêu tiềm năng các lực lượng đổ bộ tổng hợp ở Địa Trung Hải để nhằm tổ chức trận tập kích táo bạo cho Mountbatten đánh vào Sumatra. Ngược lại, P.M lại sẵn sáng phá bỏ chính sách cơ bản của chúng ta và đặt Nhật lên vị trí trước cả Đức. Nhưng, cuối cùng tôi đã đánh bại hầu hết những ý đồ của ông ta” Mối đe doạ mới ở Viễn Đông, đặc biệt là các hoạt động tác chiến ở Ấn Độ Dương và bắc Sumatra đã thu hút sự quan tâm của Churchill nhưng ông ta vẫn không chịu chấp nhận ý kiến của Roosevelt cho rằng Trung Quốc là nhân tố cơ bản để đánh bại Nhật và các cuộc hành quân ở Miến Điện là có ý nghĩa quyết định cho vấn đề này.

 Trong một cuộc thảo luận quan trọng khác ở Hội nghị Quadrant, Churchill, đã lái câu chuyện sang việc thành lập một Bộ Chỉ huy Đông Nam Á (SEAC) mới cho các cuộc hành quân của Đồng minh ở châu Á. Roosevelt được biết tham vọng của Churchill là chiếm lại Singapore và sắp đặt một vị trí chỉ huy then chốt cho huân tước Louis Mountbatten, cháu của vua và là con trai của một bạn đồng nghiệp cũ của Churchill, công tước Louis de Battenberg. Tổng thống đồng ý thành lập SEAC; và ông, Thủ tướng cũng như các Tham mưu trưởng của họ đều tán thành bổ nhiệm phó đô đốc Mountbatten, cựu trưởng ban tác chiến hỗn hợp, làm Tư lệnh tối cao chiến trường Đông Nam Á.


Việc bổ nhiệm một đô đốc Hải quân hoàng gia chỉ xác nhận những sự nghi ngờ của Bộ Tham mưu Mỹ tại hội nghị là Churchill coi SEAC là một chiến trường thuỷ bộ hơn là một chiến trường mặt đất, một bộ chỉ huy mà ông ta muốn dùng để tiến hành chiến dịch Sumatra mà ông ta hằng ấp ủ để chiếm lại Singopore, biểu tượng của quyền lực đế quốc Anh ở châu Á. Một lần nữa, vị trí chỉ huy của Stilwell, như đã từng xảy ra, lại phải được điều chỉnh cho thích hợp với sự sắp xếp đã thay đổi từ chóp bu. Trong một bức điện tỉ mỉ ngày 17-8-1943, tướng Marshall đã giải thích một cách kiên nhẫn và khéo léo vị trí của Stilwell dưới quyền Mountbatten. Ông nhấn mạnh rằng chiến lược Miến Điện vẫn không thay đổi, nhưng thời biểu tác chiến phải gấp hơn do những khả năng tiếp tế trên các đường Miến Điện, cả đường bộ lẫn đường không, đã tăng lên. Tuy nhiên, Marshall nói tiếp, các quan hệ chỉ huy bên trong SEAC quá ư phức tạp. 


Việc thành lập SEAC có nghĩa là tới 4 chiến trường, ba chiến trường địa lý và một chiến trường tác chiến, đại biểu một cách tương ứng cho những lợi ích của ba nước và ba cơ quan tình báo, tất cả đều đang hoạt động trong cùng một khu vực. SEAC phải là một bộ chỉ huy của Anh - Mỹ, bao gồm Miến Điện, Ceylon, Sumatra và Malaysia, nhưng không có Ấn Độ. Ấn Độ nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy Ấn Độ, có trách nhiệm đối với Trung Đông là nơi các sư đoàn Ấn Độ đang chiến đấu cũng như đối với Viễn Đông. Tất nhiên, ở Trung Quốc, có Chiến trường Trung Quốc của Tưởng. Chiến trường tác chiến của Mỹ, CBI, hoạt động tất cả ở ba khu vực địa lý. Nó không phụ thuộc vào SEAC. Quân đội Trung Quốc ở Ấn Độ, do Stilwell chỉ huy, dựa vào Bộ Chỉ huy Ấn Độ về tiếp tế hậu cần, nhưng lại chiến đấu trong khu vực của SEAC dưới quyền chỉ huy của Mountbatten. Đội không quân thứ 14 của Mỹ dưới quyền chỉ huy của tướng Claire L. Chennault đóng ở Trung Quốc để hoạt động, được tiếp tế từ Ấn Độ, nhưng về hình thức lại nằm dưới quyền Tưởng Thống chế. 

Việc cai quản, phòng thủ và an ninh nội bộ của Bộ Chỉ huy Ấn Độ đặt dưới quyền của tướng Claude J.E. Auchinlek là người chịu trách nhiệm chính với chính phủ Ấn Độ. Là đại diện của nội các chiến tranh của Anh và phó vương Ấn Độ, Thống chế Wavell là trọng tài về những thứ tự ưu tiên giữa Bộ chỉ huy Ấn Độ và SEAC, nhưng mỗi bên có thể khiếu nại về những quyết định của Wavell lên tham mưu trưởng của Anh. 

Việc liên lạc giữa SEAC và Tưởng gặp trở ngại bởi việc chỉ định Stilwell làm phó Tư lệnh tối cao Đồng minh ở SEAC, và nhiệm vụ của ông là xem xét người Trung Quốc đóng vai trò của mình như thế nào. Marshall gọi đó là một sứ mệnh “không dễ dàng gì”. Thật dễ dàng nhận thấy rằng trong tình trạng rối rắm về chỉ huy ấy, không thể có một sự thống nhất của Đồng minh, và những bất đồng có thể xảy ra ở mọi cấp và mọi khu vực. Tuy nhiên Stilwell và Mountbatten bắt đầu mối quan hệ của họ một cách thuận lợi. Marshall đoán trước rằng Stilwell sẽ nhìn thấy ở đô đốc “một luồng không khí mát mẻ” và Stilwell đồng ý với điều đó khi ghi vào nhật ký của mình “Louis là một người rất tốt... đầy nhiệt tình và không thích sự chây ỳ và bảo thủ”. Vì thế Stilwell cũng đã có thể nói tới công việc của mình với tư cách Phó tư lệnh tối cao của Đồng minh rằng đã có một sự hợp tác thật sự với người Anh, Đồng minh chỉ yếu của Mỹ. Bất cứ một điều gì đe doạ chia rẽ hai nước này đều sẽ có ảnh hưởng đến toàn cầu. 

Như tướng Thomas T.Handy(4) diễn đạt về điều đó, nếu người Anh hát bài “Cầu Chúa phù hộ Đức vua”(5) thì Stilwell không thể hát theo được, nhưng ít ra ông ta có thể đứng dậy. Trước khi Mountbatten đến, qua thái độ công khai coi thường của Stilwell đối với thái độ “không làm gì cả” của người Anh và người Trung Quốc trong việc đuổi người Nhật ra khỏi Miến Điện, ông đã được gọi là “Joe có bộ mặt câng câng”.

Ông tỏ ra kiên quyết khi phê phán nạn tham nhũng của Quốc dân đảng Trung Quốc và việc sử dụng không đúng những hàng tiếp tế “Vay - Mượn” của chúng ta cũng như chủ trương của Tưởng muốn tiến hành một chiến dịch riêng chống phe cộng sản của Mao. Stilwell dần dần trở thành một bête noire(6) ở Viễn Đông. Tưởng cũng biết quá rõ sự chống đối của Stilwell và đến khoảng tháng 9-1943, những bất đồng của họ đã đạt tới điểm gay go. Chennault thì quy sự bất lực của mình về xu thế trên không cho tình trạng thiếu máy bay chiến đấu và tiếp tế lúc đầu đã được hứa cho và đã quở trách Stilwell là người phân phối vũ khí “Vay - Mượn”. Các viên chỉ huy Trung Quốc cũng buộc tội Stilwell vì đã từ chối những yêu cầu cung cấp binh lính và tiếp tế hậu cần cho họ. Nguồn: www.vuontaodan.net Logged (ak47) 

Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #5 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 10:41:43 AM » Khi Mountbatten tới Trùng Khánh ngày 16-10-1943, để gặp Tưởng Giới Thạch, ông đã được tướng Brehon B. Somervell cho biết rằng Tưởng đã công khai bày tỏ ý muốn của mình là Stilwell được rút đi. Đó là một sự bắt đầu khó khăn của Mountbatten trong việc giải quyết các vấn đề về bộ chỉ huy của ông. Sau một thời gian suy nghĩ, ông kết luận rằng không nên sử dụng bộ đội Trung Quốc nếu người đã chỉ huy họ hai năm rồi lại bị đuổi đi ngay trước khi tiến hành những cuộc hành quân chủ động và ông cho phép Somervell thông báo điều đó với Tưởng và cuộc khủng hoảng đã được giải quyết một thời gian với sự cam kết của Stilwell là sẽ hợp tác đầy đủ với Tưởng và sẽ nhũn nhặn hơn trong tương lai.


Một vấn đề hóc búa khác nữa đã nổi lên tại cuộc gặp gỡ ở Trùng Khánh. Về sau này không một ai nhớ được chính xác, vấn đề ranh giới giữa SEAC và Chiến trường Trung Quốc đã được nêu lên như thế nào. Những vấn đề đã được đặt ra tại Hội nghị Quadrant và những người tham gia hội nghị nhớ lại rằng người Trung Quốc đã được nói cho biết là Đông Dương và Thái Lan thuộc về Chiến trường Trung Quốc. Sự thật là Bộ tham mưu hỗn hợp thấy cần phải chuyển hai xứ đó sang cho SEAC và điều đó đã được truyền đạt một cách khôn khéo cho Tưởng. Tưởng đã kịch liệt phản đối. Cuối cùng vấn đề này được giải quyết theo một đề nghị thoả thuận lịch sử của Mountbatten, sự thoả thuận này đã có ảnh hưởng lâu dài sau này. Thái Lan và Đông Dương sẽ được giữ lại trong Chiến trường Trung Quốc với điều kiện cả Mountbatten và Tưởng đều có quyền hành động ở đó và khu vực nào do ai chiếm đóng thì tất nhiên sẽ nằm dưới quyền của Bộ chỉ huy chiếm đóng.


Cả hai Tư lệnh đều đã đồng ý, những sự thoả thuận ấy đã không được chấp nhận hay bị bác bỏ bởi Tổng thống, Thủ tướng và CCS, tất cả đều muốn để lại vấn đề gai góc này. Việc thành lập SEAC và việc buộc phải tạm ngưng xung đội giữa Stilwell và Tưởng đã không cải thiện được tình thế. Tướng Chennault, viên sĩ quan không quân cao cấp của Mỹ ở Trung Quốc đã kiên quyết phản đối quan điểm của Stilwell cho rằng những cuộc chiến đấu phải được tiến hành và giành thắng lợi trên mặt đất còn không lực chỉ là một cánh tay hỗ trợ. Ông ta cãi lại rằng Stilwell đã bỏ quá nhiều sức lực vào những cuộc cải tổ trong quân đội Trung Quốc và dành hết những phương tiện ít ỏi của mình vào công việc đó, do đó đã bỏ lỡ cơ hội để giành thắng lợi sớm hơn đối với Nhật. Chennault đã giành được sự ủng hộ của Tổng thống và của Tưởng, và đã được quyền ưu tiên nhận những hàng tiếp tế đó sang Trung Quốc, do Bộ chỉ huy


Vận tải đường không của Mỹ thực hiện. Luồng tiếp tế cho cuộc chiến tranh bằng không quân của Chennault đã gây trở ngại rất lớn cho Stilwell trong việc trang bị và huấn luyện các lực lượng Trung Quốc để tiến hành chiến dịch của ông ở Miến Điện. Chennault đã sử dụng trọng tải đang tăng lên một cách rất thành công và đã tăng cường những cuộc tấn công bằng không quân của ông vào các cứ điểm của Nhật ở phía đông Trung Quốc đến mức người Nhật lo sợ rằng người Mỹ sẽ lập được căn cứ cho những máy bay ném bom tầm xa mới chế tạo của mình ở phía đông Trung Quốc, và từ đó sẽ dễ dàng tấn công chính nước Nhật. Kết quả trực tiếp là những cuộc phản công quyết liệt của người Nhật chống lại những sân bay tiền tiêu của Mỹ mà Chennault đã sử dụng để hoạt động. Cuộc tấn công của người Nhật mở ra trong tháng 4-1944 và tiến sâu vào Trung Quốc trước một sự kháng cự không đáng kể trên bộ. Thống chế (Tưởng) từ chối việc gửi vũ khí bất cứ loại nào, vũ khí Trung Quốc hay vũ khí “Vay - Mượn”, cho những binh lính Trung Hoa phòng thủ ở các sân bay của Chennault.


Các báo cáo tình báo của các quan sát viên Mỹ vạch ra rằng sự từ chối của Tưởng phản ánh một sự thoả thuận giữa một vài viên chỉ huy Trung Quốc địa phương với người Nhật với điều kiện người Nhật sẽ để cho người Trung Hoa yên ổn ở tây nam Trung Quốc nếu người Trung Hoa không can thiệp khi người Nhật tấn công các sân bay có thể đe doạ chính quốc họ. Mỹ đã tỏ ra lo ngại một cách dễ hiểu đối với việc duy trì sự kiểm soát các sân bay dùng để làm căn cứ trên mặt đất cho không quân yểm trợ các chiến dịch của Mỹ ở tây Thái Bình Dương và đã có cố gắng cứu vãn tình hình. Các Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ kết luận rằng nếu Stilwell nắm lấy quyền chỉ huy tất cả các lực lượng ở Chiến trường Trung Quốc, cả Quốc dân đảng lẫn Cộng sản, thì ông ta có khả năng ngăn chặn được việc người Nhật chiếm các sân bay. Tổng thống đã đồng ý.

 STIWELL RA ĐI, WEDEMEYER NHẬP CUỘC

 Toàn bộ lịch sử Trung Quốc sau chiến tranh chỉ rõ rằng mọi cố gắng nào nhằm thuyết phục Quốc dân đảng và Cộng sản liên kết vào một hành động chung để chống người Nhật đều bị thất bại. Nhưng chưa bao giờ đề nghị kiểu đó đã đi tới chỗ gần được chấp nhận như bấy giờ. Từ tháng 7 đến tháng 9-1944, đại diện đặc biệt của Tổng thống, tướng Patrick J. Hurley(7), đã cố thuyết phục Tưởng để bổ nhiệm Stilwell làm Tư lệnh dã chiến ở Chiến trường Trung Quốc. Lúc đầu Tưởng đồng ý về nguyên tắc, sau đó lại thay đổi hoàn toàn, cho rằng Stilwell tỏ ra chưa đủ trình độ, và cuối cùng lại yêu cầu bãi bỏ Stilwell.

Cuối cùng Tổng thống cũng phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc về vấn đề này và ra lệnh cho Stilwell trở về nước, nhưng đã từ chối yêu cầu của Tưởng về việc cử một người Mỹ khác nắm quyền chỉ huy các lực lượng Trung Hoa ở Trung Quốc. Trong các giai đoạn cuối cùng của các cuộc thượng lượng không thành công này, tình thế của Đồng minh ở Thái Bình Dương đã được cải thiện đáng kể. Hải quân Mỹ đã đánh bại một cách quyết định Hải quân Thiên hoàng Nhật Bản trong trận đánh ở vịnh Leyte. Tướng Mac Arthur đã thiết lập vững chắc quyền lực của Mỹ ở Philippinnes. Và ngày 15-10, nguyên soái Xtalin tuyên bố với đại diện Mỹ ở Matxcơva và với Thủ tướng Anh rằng Liên Xô sẽ phái 60 sư đoàn sang chống Nhật Bản, trong vòng 3 tháng sau khi nước Đức thất bại. Trong không khí ấy, việc cứu các sân bay Trung Quốc trở nên ít khẩn trương hơn so với cuộc chiến tranh chống Nhật, nhưng vẫn còn một nguy cơ rất thực tế là Chính phủ Tưởng có thể ký một hoà ước riêng rẽ với Nhật hay chính bản thân Tưởng có thể bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính do những phần tử thân Nhật tiến hành.

Sự kiện nào cũng có thể giúp cho Nhật giải thoát được những lực lượng quan trọng để tăng cường sự bố phòng trên chính quốc Nhật. Đứng trước những khả năng đó, Tổng thống đã thay đổi ý kiến của mình và chỉ định thiếu tướng Wedemeyer làm sĩ quan cao cấp của Mỹ ở Chiến trường Trung Quốc và làm tham mưu trưởng cho Thống chế. Ngày cuối cùng tháng 10-1944, sau khi được thăng cấp lên trung tướng, Wedemeyer đến Trùng Khánh. Bốn hôm trước đó tướng Stilwell đã rời Karachi về Mỹ. Chennault vẫn ở lại. Những mệnh lệnh mà Wedemeyer nhận được từ Bộ chiến tranh và những phương tiện được đặt dưới quyền của ông rất khác với những thứ đã giao cho Stilwell hai năm rưỡi trước đây; dù rằng những vấn đề của ông, như chính ông đã biết rõ, vẫn như cũ: “Tạo ra những điều kiện để sử dụng có hiệu quả tối đa những phương tiện của Mỹ trong khu vực…

Người Trung Quốc phải được yêu cầu đóng một vai trò tích cực trong chiến tranh”. Plus ça change, plus c’est la même chose(Cool. Từ mùa hè 1944, Bộ chiến tranh đồng ý tách Chiến trường Trung Quốc - Miến Điện - Ấn Độ (CBI) ra làm đôi. Kế hoạch ấy vẫn còn có giá trị, và Wedemeyer giữ chức chỉ huy Chiến trường Trung Quốc riêng biệt, bao gồm Trung Hoa lục địa, Mãn Châu, và Đông Dương, cộng với những hòn đảo ngoài khơi, trừ Đài Loan. Những sự thoả thuận mơ hồ giữa các bộ chỉ huy tối cao với các bộ chỉ huy chiến trường về Đông Dương về sau này chứng tỏ có tầm quan trọng sống còn đối với các kế hoạch của Pháp nhằm chiếm lại thuộc địa cũ của họ.

 MỘT BABYLON HIỆN ĐẠI

Việc bổ nhiệm Wedemeyer ở Trung Quốc đã thách thức những quan niệm giáo điều và những giải pháp học viện về chỉ huy và kiểm soát ở một sân khấu chính trị phi lý. Ở phía bắc Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã thiết lập một nhà nước trong một nhà nước, ở đó có những người Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát được một mảng lớn lục địa Trung Quốc với những bộ máy kinh tế và quân sự riêng của họ, độc lập với kiểm soát của Đồng minh hay với quyền uy không chắc chắn của Tưởng.


 Ở Trùng Khánh, Quốc dân đảng được mọi người biết tới như một chính phủ, cũng bị chia thành nhiều mảng. Sự bất đồng giữa những chỉ huy của họ đang lan rộng. Tình hình kinh tế tệ hại của họ lại càng nặng nề thêm do sự bao vây của Nhật và nạn lạm phát tăng dần lên. Tình hình đó đe doạ Quốc dân đảng Trung Hoa phân hoá thành một nhóm những bè phái đấu đá nhau. Còn về Tưởng Giới Thạch, thì như Wedemeyer đã nhận định vắn tắt cho tướng Marshall biết: “bây giờ thì tôi phải kết luận rằng Thống chế và những người cùng cánh của ông ta đã hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tình hình, nhưng họ bất lực và bối rối”. Bộ tham mưu liên quân Mỹ, suy nghĩ về kinh nghiệm đã qua với Tưởng, đã bổ nhiệm Wedemeyer làm Tổng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Chiến trường Trung Quốc và đã cho cho phép ông “chấp nhận” thêm vai trò Tham mưu trưởng của Thống chế.


Như vậy, Mỹ tránh lặp lại một tình thế không thể để xảy ra như tình thế của Stilwell trước kia. Sự thu xếp mới này, khi đã được phát triển lên, đã tỏ ra rất tốt. Wedemeyer và Tưởng đã thu xếp được một mối quan hệ cá nhân trơn tru và thân mật với nhau. Cơ cấu chỉ huy riêng của chúng ta, tuy vậy, cũng vẫn còn nhiều vấn đề. Ở Trung Quốc, Wedemeyer thấy các nhân viên người Mỹ ở các lực lượng Hải, Lục, Không quân đều thuộc vào các đơn vị khác nhau, các đơn vị đã tỏ ra độc lập hoàn toàn hay một phần với ông với tư cách chỉ huy chiến trường.

Hạm đội Mỹ ở Trung Quốc thì báo cáo về Bộ Hải quân; OSS thì báo cáo về cho Ban tham mưu của mình ở Washington; cơ quan thu thập tình báo hỗn hợp (JICA) và Bộ chỉ huy máy bay ném bom XX thì đặt dưới quyền chỉ huy trục tiếp của Bộ tham mưu liên quân; còn Bộ chỉ huy vận tải đường không (ATC) thì độc lập với sự kiểm soát của các chiến trường Ấn Độ - Miến Điện cũng như Trung Quốc. Còn vô số phái đoàn Đồng minh và những tổ chức bí mật hoạt động bên cạnh người Anh và người Pháp ở Trùng Khánh. Đại sứ nước ta tại Trung Quốc, Clarence E. Gauss, mô tả tình cảnh ấy rất hay: “…


Ở đây có quá nhiều sự hỗn độn… Những thư từ do Đại bản doanh gửi cho chúng tôi cho thấy OSS, cũng như Miles(9) và Tai Li (10) đang quan tâm đến những vấn đề Đông Dương; “Hoạt động của OSS thông qua AGFARTS (sic)… Căn cứ của “Đội không quân thứ 14” đang thiết lập đường liên lạc của người Pháp ở Đông Dương một cách độc lập với phái đoàn quân sự Pháp ở đây và “người Trung Quốc và OSS đang hoạt động thông qua nhóm Gordon, một tổ chức hoàn toàn không được phái đoàn Pháp ưa thích… Như vậy chúng tôi có Miles và Tai Li, OSS và Gordon, Quân đội Mỹ; chúng tôi thấy phái đoàn quân sự Pháp thường đến gặp Quân đội và phái đoàn Pháp thường đến gặp chúng tôi với nhiều vấn đề; và không ai biết được cái gì đã làm ở đây hay cái gì phải được làm ở đây cả”.

Theo quan điểm chỉ huy và kiểm soát, đó là một Babylon hiện đại, và vị tân Tư lệnh Chiến trường đã hỏi ngay Marshall về việc xác định mối quan hệ của ông với nhiều tổ chức và với tướng Hurley, đại diện riêng của Tổng thống. Tuy nhiên, sự trả lời lại vô thưởng vô phạt và chỉ nhắc cho Wedemeyer những chỉ thị lúc ban đầu. Trong thực tế, Wedemeyer không bị hạn chế vai trò chỉ huy của ông bởi những chỉ thị mới và chi tiết nào, nhưng các cơ quan độc lập cũng không bị giới hạn về hoạt động của họ vào những đường dây chỉ huy chính thức nào, miễn là họ “thông báo” cho Tư lệnh chiến trường. Sự thu xếp có vẻ tiện lợi cho mọi điều có liên quan.

Wedemeyer được chính Donovan lựa chọn êkíp riêng của ông và đã bắt tay vào việc cải tổ cơ cấu chỉ huy và thay đổi nhân sự theo những nhu cầu hoạt động riêng của ông. Ông sử dụng thì giờ của mình một cách khôn khéo hơn và xử sự một cách thận trọng với các cơ quan tình báo khác nhau. Trong số những vấn đề chính trị - quân sự mà ông gặp phải với tư cách Tư lệnh chiến trường, có vấn đề Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và các Phái đoàn quân sự Pháp ở Côn Minh và Trùng Khánh. Vấn đề thứ nhất, về cơ bản là một vấn đề của Trung Quốc, phải được giải quyết với Tưởng. Vấn đề thứ hai lại có một lịch sử khác. Những hệ quả quốc tế của sự có mặt của Pháp ở Trung Quốc đã đụng đến những quyền lợi của Đồng minh và có liên quan với Mỹ một cách trực tiếp và nghiêm trọng.

________________________________________

 (1) thủ trưởng ban SI của OSS (2) Chief Of Staff: tham mưu trưởng liên quân (3) Prime Minister: thủ tướng (4) thủ trưởng Cục tác chiến và kế hoạch, WD (5) Quốc ca Anh (6) người đáng ghét nhất - tiếng Pháp (7) phái viên của tổng thống Mỹ, thay mặt SEAC bên cạnh Tưởng (Cool càng thay đổi lại càng vẫn thế - tiếng Pháp (9) chỉ huy hạm đội Mỹ tại Trung Quốc (10) người đứng đầu cơ quan mật vụ của Tưởng Nguồn: www.vuontaodan.net Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 03:10:51 PM »



 Chương 3

 Đông Dương: Một điểm cấp bách 

 F.D. ROOSEVELT VÀ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN 

 Tổng thống Roosevelt từ lâu đã nêu lên chính sách cơ bản của ông đối với vai trò của Pháp sau chiến tranh ở Viễn Đông. Ông coi chủ nghĩa thực dân là nguyên nhân chính của Thế chiến thứ hai. Khi thảo luận về nước Pháp với con trai mình ở Casablanca, ông cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm một phần về cuộc tấn công của Nhật ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng): “Elliot ạ, đừng một lúc nào nghĩ rằng người Mỹ có thể chết trong cái đêm Thái Bình Dương ấy(1) nếu không phải vì cái tính tham lam thiển cận của người Pháp, người Anh và người Hà Lan. Liệu chúng ta có nên cứ để cho họ làm mọi cái một lần nữa không?... Liên Hiệp Quốc - một khi nó được tổ chức ra - phải nắm lấy các thuộc địa. Liệu nó có thể làm được điều đó không?… Dưới một chế độ ủy trị, hay một chế độ quản trị - trong một số năm nào đó chẳng hạn”. Roosevelt đã thúc ép đưa vấn đề quản trị ra ở Cairo, Teheran và Yalta và ông đã nhận được sự tán thành của Tưởng Giới Thạch và Xtalin. Nhưng Churchill đã lẩn tránh. Hồi ức của Cordell Hull, công bố năm 1948, còn nhấn mạnh vấn đề này hơn nữa. Ông viết, Tổng thống ấp ủ những quan điểm mạnh mẽ về nền độc lập của Đông Dương thuộc Pháp. Ông lưu tâm đến sự lệ thuộc của Pháp vì đó là bàn đạp để cho người Nhật tấn công: Philippin, Malaysia và vùng Đông Ấn của Hà Lan.

 Ông không thể quên được cách cư xử của Chính phủ Vichy khi trao cho Nhật Bản quyền đóng quân ở đó; mà không hỏi ý kiến chúng ta nhưng lại cố làm cho thế giới tưởng rằng chúng ta đã đồng ý. Về chế độ quản trị, Hull nói: “Thỉnh thoảng Tổng thống nói thẳng với tôi và những người khác, ý kiến của ông rằng Đông Dương thuộc Pháp sẽ phải đặt dưới một chế độ qủan trị quốc tế ngay sau khi chiến tranh kết thúc, và để cho xứ này được độc lập càng sớm càng hay”. Hull cũng dẫn ra bản bị vong lục tháng Giêng 1944 của Tổng thống, trong đó nói rằng “... Đông Dương sẽ không bị trao trở lại cho nước Pháp mà sẽ được cai quản bởi một chế độ quản trị quốc tế…”. Tuy tổng thống có những ý kiến mạnh mẽ như vậy, nhưng không có một tuyên bố chính thức nào về chính sách của Mỹ hay một sự thoả thuận nào của Đồng minh được chính phủ Mỹ hoặc Bộ Tổng tư lệnh Đồng minh công bố cả

. LẬP TRƯỜNG CỦA PHÁP

Về phần mình, nước Pháp chưa bao giờ tỏ ra một chút gì muốn “giải thoát” cho thuộc địa cũ của nó. Mục tiêu của Pháp có phần nào hợp pháp, vì nó đưôc Mỹ ba lần chính thức cam kết ủng hộ. Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Welles đã viết ngày 13-4-1943, trong một lá thư gửi cho Henri Haye, đại sứ Pháp ở Washington: “Chính phủ Mỹ thừa nhận chủ quyền của người Pháp đối với lãnh thổ nước Pháp và đối với những thuộc địa của Pháp ở Hải ngoại... (và) nồng nhiệt hy vọng nước Pháp sẽ có thể khôi phục được nền độc lập của nước Pháp và sự toàn vẹn lãnh thổ của Pháp”; và đến tháng 11, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao ở Bắc Phi, Robert Murphy, đã viết cho Giraud rằng “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ quyền nước Pháp sẽ được phục hồi càng sớm càng tốt trên toàn bộ lãnh thổ, chính quốc và thuộc địa, trên đó cờ nước Pháp đã tung bay vào năm 1939”.

Hiệp định Clark - Darlan về cuộc tấn công của chúng ta vào Bắc Phi cũng đã ghi nhận sự đồng ý giữa hai bên rằng các lực lượng của Pháp sẽ “giúp đỡ và ủng hộ” Đồng minh trong việc phục hồi toàn bộ Đế quốc Pháp”. Do đó, một năm sau, “nước Pháp tự do” dưới quyền của tướng Charles de Gaulle đã quyết định thời điểm để trưng cờ ba sắc ra và để bảo đảm cho nước Pháp sau chiến tranh một chỗ ngồi trong các nước Đồng minh ở chiếc bàn ký hoà ước. Với mục đích ấy, Pháp đệ trình Đại bản doanh Đồng minh (AFHQ), vào tháng 10-1943, những yêu cầu của mình về việc trang bị cho quân đội viễn chinh Đông Dương của Pháp (CEFEO) để sẵn sàng hành động vào mùa thu 1944.


Đồng thời, đại diện Pháp ở Washington (2) nói cho tướng Marshall biết rằng các giới chức trách quân sự Pháp dự định yêu cầu được có đại diện trong Hội đồng chiến tranh Thái Bình Dương. Đối với những người vạch kế hoạch của Mỹ ở Washington, những yêu cầu ấy của Pháp là không cần thiết vì chiến lược Viễn Đông của Anh - Mỹ vẫn tiến triển yên ổn mà không cần có nước Pháp gánh thêm. Hơn nữa, ý đồ được nhấn mạnh của Pháp về việc giành lại đế quốc thuộc địa trước chiến tranh của nó là quá rõ ràng và đi ngược lại chính sách của Roosevelt đối với các dân tộc lệ thuộc. Cho đến cuối tháng 8-1944, chưa có một quyết định ở cấp cao nào được thông báo cho Pháp về sự tôn trọng ý định của nước này tham gia những cuộc hành quân ở Viễn Đông, đặc biệt ở Đông Dương.


 Sự thật là chưa đi tới được một quyết định nào vì những bất đồng giữa Anh - Mỹ về vấn đề thuộc địa. Trong tình hình ấy, không thể đồng ý với nhau về quyết định này và suốt cả cuộc chiến tranh cũng không đi tới một quyết định nào. Khi Wedemeyer được cử làm chỉ huy, những vấn đề của nước Pháp về trang bị cho Quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông và trở thành thành viên của Hội đồng chiến tranh Thái Bình Dương vẫn chưa được rõ ràng. Sức ép tiếp tục của De Gaulle đã vấp phải sự chống đối của chính quyền Washington và của tướng Eisenhower ở châu Âu. Để phá vỡ sự chống đối của Mỹ, De Gaulle gửi một phái đoàn quân sự lớn, do tướng Roger C. Blaizot cầm đầu, đến Ceylon. Ở đây, Pháp yêu cầu Mỹ tán thành và chính thức thừa nhận và nói với Mỹ rằng Pháp muốn có một qui chế giống như các phái đoàn Đồng minh khác đóng tại SEAC.


 Những yêu cầu ấy tỏ ra không đúng chỗ. Tuy nhiên cần phải ghi nhận rằng người Pháp đã nhận được một sự khuyến khích nhẹ dạ của một viên chức quân sự và ngoại giao Mỹ ở châu Âu. Rất dễ hiểu rằng những người Mỹ từng chia xẻ một số kinh nghiệm chiến tranh với những đồng nghiệp Pháp của họ không thấy khó khăn gì khi chấp nhận lập luận của “nước Pháp tự do” sẽ tham gia hành động của Đồng minh ở Viễn Đông và nước Pháp sẽ “giải thoát” Đông Dương khỏi kẻ thù chung. Điều đó cũng không phải là nhũng người Mỹ ở Paris ấy đã tiếp tay cho ý đồ của Pháp khôi phục lại chủ quyền thuộc địa của nó đối với Đông Dương, trái với những nguyện tắc của Hiến chương Đại Tây Dương và chính sách chống thực dân của Mỹ. Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #7 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 03:11:53 PM »


 CUỘC CHIẾN TRANH GIẰNG CO 

Chính vào thời điểm ấy của những mối quan hệ Pháp - Mỹ, lần đầu tiên tôi được biết những sự phức tạp của sự bổ nhiệm mới đối với tôi sang Viễn Đông. Tôi chuẩn bị nhiều tháng ở Washington cho sứ mệnh của tôi ở Đông Dương. Nhờ OSS mà tôi có thể có được những hồ sơ của Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) để tiếp cận với những thông tin mật. Cuối tháng Chạp 1944, từ trong những hồ sơ ấy, tôi biết rằng Samuel Reber, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao bên cạnh Bộ Tổng tư lênh tối cao quân viễn chinh Đồng minh (SHAEF) đã may mắn phát hiện ra rằng người Pháp đang tổ chức ở miền nam nước Pháp một đội quân 2 sư đoàn để sử dụng ở Viễn Đông. Điều đó xảy ra với sự đồng ý ngầm của SHAEF, chứng tỏ rằng quân đội ấy không tham gia các cuộc hành quân của Đồng minh và rõ ràng là nước Pháp sử dụng trang bị riêng của họ. Tôi lưu ý tướng Donovan về những ảo tưởng rõ ràng đối với kế hoạch của Pháp, không phải vì không để cho Pháp tham gia các cuộc hành quân của Đồng minh vì sợ rằng việc chuyên chở 2 sư đoàn của Pháp sẽ làm phân tán khả năng các cuộc hành quân đã được hoạch định.


Hơn nữa, Pháp không có khả năng hậu cần để duy trì một đội quân lớn mà không có sự giúp đỡ nào của Đồng minh. Việc chuẩn y một sự tăng thêm quân đội ở Viễn Đông ngoài kế hoạch như vậy sẽ gây ra nhiều căng thẳng đối với những dự trữ của SEAC và các tư lệnh chiến trường ở Trung Quốc, có hại cho những cuộc hành quân đã được chuẩn y của họ. Reber cũng được báo cáo là thiếu tá Bouheret đang tuyển mộ người Pháp cho một công việc bí mật Viễn Đông. Với sự có mặt của trung tá Carlton Smith thuộc SOE(3), những đội đã được tuyển mộ ở Pháp sẽ được gửi sang huấn luyện đặc biệt ở London. Kẻ đỡ đầu cho hành động mạo hiểm này được gọi là “Ủy ban phối hợp về những công việc Viễn Đông” hoạt động trong “Phái đoàn SHAEF” của Pháp ở Paris.

 Ngoài những đại biểu của cơ quan tình báo Pháp, nó còn gồm có những thành viên SOE của Anh và OSS của Mỹ. Vấn đề này đã được lưu ý cho Bộ trưởng Ngoại giao Stettinius bởi sự nhấn mạnh của Joseph W. Ballantine(4), rằng “thái độ của các nhà chức trách quân sự chúng ta ở Pháp tỏ ra không phù hợp với lập trường của Tổng thống... ngăn cấm hoạt động của Mỹ... đối với Đông Dương”. Mấy ngày sau (22 tháng Chạp), Stettinius viết cho Donovan rằng cho đến ngày 16-10, “Tổng thống nói rõ là vào lúc này chúng ta không được làm gì đối với các nhóm kháng chiến hay không được làm một điều gì khác đối với Đông Dương. Gần đây hơn, Tổng thống báo cho Bộ Ngoại giao biết Mỹ không được tán thành đặt bất cứ bất cứ một phái đoàn quân sự của Pháp nào ở Bộ tư lệnh Đông Nam Á”. Stettinius chỉ rõ rằng việc gửi một lực lượng viễn chinh Pháp sang tham gia giải phóng Đông Dương và một lực lượng nhỏ can thiệp vào những cuộc hành quân bí mật ở Đông Dương đều có liên quan chặt chẽ với phái đoàn quân sự Pháp.


 Ông yêu cầu Donovan xét xem sự tham gia của Mỹ do Reber báo cáo có phù hợp với những chỉ thị của Tổng thống không. Bức thư của Bộ trưởng Ngoại giao được chuyển cho tôi để trả lời. Trong khi đi tìm những tài liệu gốc trong đống hồ sơ Viễn Đông, tôi đọc qua nhiều tài liệu hồi đó làm cho tôi phải giật mình. Tài liệu thứ nhất là một bức điện dài của đại sứ Gauss đề ngày 26-7-1944 hỏi Bộ Ngoại giao xem “đã đến lúc Chính phủ Mỹ nêu rõ và xác định chính sách của mình đối với Đông Dương hay chưa”.

Cuộc điều tra của tôi chứng tỏ rằng vấn đề này đã được báo cáo cho Tổng thống ngày 26-8, khi có một aide - mémoire(5) của huân tước Halifax, đại sứ Anh ở Washington. Halifax cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này hết sức cấp bách vì Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, bị người Pháp ở London thúc bách phải trả lời họ. Những điểm cốt yếu của vấn đề này là việc đặt phái đoàn Blaizot tại SEAC và việc thành lập ở Ấn Độ một đội quân can thiệp nhỏ dường như đã thành lập ở Alger. Roosevelt không để cho mình bị rơi vào một quyết định của Pháp hay của Bộ Ngoại giao Anh.


Ngày 28-8, ông gợi ý hoãn vấn đề này lại đến sau khi ông gặp Churchill ở Québec tháng 9 tới(6). Nhưng sau cuộc gặp gỡ Québec, vẫn không có một lời nào phát ra từ Nhà Trắng cả. Phái viên liên lạc của tôi với Bộ Ngoại giao nói với tôi rằng đầu tháng 10, lãnh sự Mỹ ở Ceylon đã báo cáo về ý định của Anh ủng hộ phái đoàn Blaizot ở SEAC, ở đó Anh sẽ cộng tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc hành quân của Pháp ở Đông Dương.


Nhưng vì không giành được một sự đồng ý của Mỹ, phái đoàn vẫn sẽ có vẻ không chính thức và lúc đầu sẽ ở tại một khách sạn gần đó. Người Anh nêu lên một vấn đề khác - những hoạt động chính trị của Pháp trong chiến tranh ở Đông Dương, mà không phải là những hoạt động quân sự. Lập trường của họ là: đây là một vấn đề nội bộ giữa đại bản doanh của Mountbatten và chi nhánh chính trị của phái đoàn quân sự Pháp. Ở Washington, người của chúng ta tại Bộ ngoại giao và JCS coi sự thu xếp đó là không phù hợp với những qui định về các khu vực chiến trường, vì Đông Dương nằm trong chiến trường Trung Quốc, mà không phải trong SEAC.


Có quá nhiều vấn đề xa lạ đã được xen cài vào chiến lược của Đồng minh ở Viễn Đông vì sự ương ngạnh của Pháp và sự khuyến khích của Anh đối với việc giành lại những đế quốc thuộc địa đã mất đi của họ. Hơn nữa, vì thiếu một chỉ thị chính trị rõ rệt đối với qui chế hiện nay và sau chiến tranh của Đông Dương, nên những viên chức Bộ Ngoại giao chúng ta không phải bao giờ cũng đồng ý với nhau. Wedemeyer và Mountbatten có những sự bất đồng về khu vực chiến trường đối với những cuộc hành quân ở Đông Dương và cả hai viên tư lệnh này đều bị người Pháp thúc ép ở Trùng Khánh và ở Ceylon. OSS thì nằm kẹt giữa âm mưu ấy của Pháp.


Ban tham mưu OSS, từ cuối năm 1942 và với sự tán thành của JCS, đã vạch kế hoạch sử dụng các nhóm kháng chiến (Cộng sản Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Dương và các đội quân bù nhìn của Nhật) chống lại các lực lượng Nhật Bản. Dù những kế hoạch ấy có lợi thế về quân sự, nhưng lại vướng phải những dính líu chính trị. Ngày 10-10-1944, Donovan đã hỏi Abbot Mofat, vụ trưởng vụ Tây Nam Thái Bình Dương về những quan điểm của Bộ Ngoại giao, câu hỏi được gửi đến Nhà Trắng và ngày 16, Tổng thống trả lời rõ ràng: “Không được làm gì đối với các nhóm kháng chiến hay làm một điều gì khác về vấn đề Đông Dương...”. Donovan cũng được Hull căn dặn như vậy ngày 20-10.

Suốt trong hai tháng 11 và 12, Bộ Ngoại giao rối lên về việc bảo đảm phải đưa ra một chính sách có thể chấp nhận được. Cuối cùng, cuối tháng 12, do bản báo cáo của Reber nêu ra, Stettinius hỏi Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân cũng như tướng Donovan về sự tham gia thích hợp của Mỹ vào các cuộc hành quân ở Đông Dương, OSS giữ lập trường là không nên dấn mình vào nhũng hoạt động chiến tranh chính trị của Pháp, cũng như không để cho những hoạt động của mình phục vụ cho những tham vọng thuộc địa của Pháp. OSS không có gì xung đột với quan điểm của Tổng thống trong việc sử dụng những dự trữ của Pháp nếu chúng chỉ được dùng vào những nỗ lực của Đồng minh chống Nhật. Tổng thống hiển nhiên là đã thảo luận một vài vấn đề này với Churchill ở Hội nghị Québec, vì ông đã gửi thư cho Stettinius vào ngày đầu năm 1945 (để trả lời thư nhắc nhở thứ hai của Halifax), trong đó đặc biệt có nói rằng:

“Tôi thấy không cần phải dính dáng bất cứ một nỗ lực quân sự nào nhằm giải phóng Đông Dương khỏi người Nhật. Ngài có thể nói với Halifax rằng tôi đã nói rất rõ điều đó với Churchill. Xét cả hai mặt quân sự và dân sự, hành động vào lúc này là quá sớm”. Nhưng dù ông đã nói điều gì ở Québec, thì điều đó cũng không giảm đi chút nào quyết tâm của Pháp về việc bố trí nhân sự của nước này nhằm nhanh chóng giành quyền kiểm soát Đông Dương khi tới lúc cần thiết.


 ________________________________________ 

(1) ngày 22-1-1943 (2) Trung tướng Bethouart, Trưởng phái đoàn quân sự Pháp tại Washington, do tướng Giraud phái đến để điều đình về vấn đề trang bị vũ khí Mỹ cho quân đội Pháp (3) Ban hành động đặc biệt của Anh (tương tự OSS) (4) Giám đốc Viễn Đông sự vụ, Bộ Ngoại giao (5) công hàm nhắc lại - tiếng Pháp (6) Hội nghị Québec lần 2 (mật danh Octagon) 10-9-1944 Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #8 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 03:15:09 PM » Chương 4 Một cộng đồng tình báo khó hiểu Khi tôi nhận lấy sứ mệnh Đông Dương vào cuối năm 1944, tôi hoàn toàn bối rối trước những lợi ích xen kẽ nhau và những hoạt động không có liên hệ với nhau ở SEAC và Chiến trường Trung Quốc. Những cơ cấu chỉ huy trùng nhau, những mục tiêu quốc gia xung đột nhau, những sự ghen ghét giữa các nước Đồng minh và giữa các cơ quan và những cuộc đấu tranh giành quyền hành bên trong các cơ quan đã có tác dụng chống lại những hoạt động có hiệu quả và dẫn tới tổn thất to lớn về nỗ lực của con người và về tài sản quốc gia. Khi tôi định tìm hiểu hoạt động của OSS ở châu Á, tôi phải xuyên qua một mớ bòng bong: Đội 101 ở Nazir, Ấn Độ; Đội 202 ở Trùng Khánh; OSS/SACO làm việc với Quốc dân đảng Trung Quốc; OSS/AGFRST, một tổ liên kết OSS và đoàn không quân 14 ở Côn Minh; đội 303 ở New Delhi; đội 404 ở Kandy, Ceylon; các kế hoạch cho đội 505 ở Calcutta; phái đoàn DIXIE ở Diên An v.v... Tôi phải tốn nhiều thì giờ để gỡ ra cái mớ hỗn độn những đơn vị rõ ràng là trùng lặp và chưa có liên hệ với nhau ấy. Những cuộc điều tra về Ban tham mưu OSS chỉ làm cho tôi bối rối thêm. Một số ít người hiểu đó là vai trò của một và có thể là của hai đơn vị; một số người khác thì chỉ nói đơn giản: “Rất tiếc, điều đó đã được sắp xếp cả rồi”; còn một số người khác nữa, thành thật hơn, thì khoát tay và thừa nhận rằng họ không biết gì và cũng không hiểu được. Cuối cùng, tôi đã lắp ráp tất cả vào với nhau được. Sự tiến triển của OSS ở châu Á có thể vạch thành ba đoạn chính: OSS/Khu vực Thái Bình Dương, không bao giờ ra hỏi khu vực ấy và chỉ có liên lạc với Hawai; OSS/Trung Quốc; OSS/SEAC (về sau là OSS/Ấn Độ - Miến Điện). Ngay sau vụ Trân Châu Cảng, tướng Donovan được Tổng thống tán thành đã yêu cầu nhiều người cộng tác với mình xem xét khả năng tiến hành những hoạt động bí mật ở châu Á. Những sự tìm hiểu của họ cho thấy các hoạt động tình báo và du kích có thể tiến hành ở Đông Nam Á và Trung Quốc chống lại các đơn vị Nhật Bản trên lục địa và chống lại những mục tiêu ở Nhật Bản. Mùa hè 1942, tướng Stilwell chấp nhận nhóm hỗn hợp đầu tiên SI/SO(1) cho Trung Quốc. Nhưng vì “sự cần thiết quân sự”, Stilwell biến nhóm này từ phái đoàn bí mật đầu tiên của nó ở Trung Quốc thành một phái đoàn chiến thuật ở Miến Điện. Ông gọi nó là “trạm thí nghiệm của Mỹ, đội 101, SOS”. Nhóm này do thiếu tá (sau đó là trung tá) Carl Eifler chỉ huy. Mục đích thực sự của Stilwell khi đổi lại các kế hoạch của Donovan là ông cảm thấy có thể sử dụng đội này vào chiến dịch Miến Điện sắp tới của ông. Ông nhìn thấy trước những khó khăn đối với các hoạt động của OSS/Trung Quốc với Chính phủ Tưởng và với hạm đội Mỹ đang bắt đầu có nhũng hoạt động bí mật, ngoài lĩnh vực quân sự của nó ở Trung Quốc và chỉ đặt dưới quyền của Stilwell về danh nghĩa. Những hoạt động Hải quân do Hải quân Mỹ ở Trung Quốc tiến hành, dưới sự chỉ huy của hạm trưởng (sau đó là chuẩn đô đốc) Milton E.Miles, được bảo trợ bởi đô đốc Ernest J. King, chỉ huy những hoạt động hải quân. Ngay từ đầu Miles đã có một mối quan hệ lạ lùng với Cục trưởng cục an ninh nội bộ và phản gián của Tưởng(2), tướng Tai Li, một mẫu người của tính bí hiểm phương Đông. Như tôi trực tiếp biết được, liên minh Miles - Tai là một sự phiêu lưu tai hại đối với Mỹ. Tài liệu tình báo của họ, có một giá trị đáng ngờ đối Đồng minh, và những hành động ngoài lĩnh vực quân sự chỉ được chấp nhận như những hứa hẹn. 
Sự thật chứng minh rằng Tai Li đã lấy được tất cả đồ tiếp tế của Mỹ mà ông ta có thể lấy được, không cần đếm xỉa gì tới những thủ tục đối với Tư lệnh chiến trường của Mỹ. Những dự định của Donovan nhằm giành một chỗ đứng chân ở Trung Quốc bị hẫng mất do sự từ chối của Tai Li đối với việc đề nghị cho phép một cơ quan bí mật độc lập của nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc. Nguồn tiếp tế của hạm đội Miles bị giới hạn, so với sự phong phú của OSS, và nếu không cung cấp được cho các cơ quan tình báo Trung Quốc, thì vị trí của Miles ở Trung Quốc lâm vào thế nguy hiểm. Để cứu vãn tình hình của mình, Miles đề nghị với OSS cho thống nhất những hoạt động bí mật ở Trung Quốc, với một qui chế chính thức cho bản thân ông. Với sự khẩn khoản của Bộ trưởng Hải quân Frank Knox, là người chịu sức ép của nhóm “lobby Trung Quốc” của Tưởng ở Washington, Donovan chấp nhận đề nghị ấy. 

Thế là vào tháng Giêng 1943, Donovan đã nhập hội với Miles và Tai Li để triển khai sự thoả thuận của họ thành một tổ chức Trung Quốc - Hải quân - OSS; gọi là tổ chức hợp tác Trung - Mỹ (SACO), một trong những tên gọi sai nhất trong lịch sử. Tai Li được chỉ định là Giám đốc và Miles trở thành Phó giám đốc. Một lần nữa do sự thúc giục của Bộ Hải quân ở Washington, hạm trưởng Miles lại được bổ nhiệm làm người đứng đầu những hoạt động của OSS ở chiến trường châu Á. Nhưng vì Stilwell đã lập ra đội 101 ở Miến Điện, nên quyền của Miles đối với nhân viên OSS và đối với các hoạt động của nó ở Trung Quốc chỉ là danh nghĩa. Tuy vậy Miles và Bộ Hải quân cũng hài lòng với sự thoả thuận SACO. Chỉ với một nhúm nhỏ nhân viên OSS, Miles được bảo đảm về những cung cấp của Mỹ mỗi tháng 150 tấn và về việc kiểm soát sự phân phối các thứ đó. Vấn đề tiếp theo đó trong việc thành lập OSS ở Viễn Đông đụng phải những quan hệ OSS - Anh. Vào giữa năm 1943, đội 101 tỏ ra đáng giá đối với Stilwell và ông ta đã tán thành những kế hoạch mở rộng tổ chức và những hoạt động của nó. SOE của Anh hốt hoảng về cái cơ quan bí mật của Mỹ, vừa mới phôi thai, hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của Anh, và tìm cách ngăn chặn các kế hoạch bành trướng của nó. Mùa hè 1943, những mối quan hệ giữa OSS và Anh xấu đi đến mức đối dịch nhau công khai, làm trở ngại nghiêm trọng cho chiến dịch Miến Điện của Stilwell và những hoạt động của đội 101. Tất nhiên tình hình còn nghiêm trọng thêm vì những mối nghi ngại mạnh mẽ của SOE với tình cảm chống thực dân của Mỹ cũng như về những hệ quả của một sự tổ chức ganh đua nhau đối với những hoạt động chiến tranh chính trị trong các “dân tộc lệ thuộc” ở Đông Nam Á. 

Trong lúc đó, ở Trung Quốc, những mối quan hệ OSS - SACO đi tới chỗ bế tắc. Những hoạt động của OSS không được phép tiến hành. Những báo cáo của OSS gửi về Washington nói đầy rẫy lên rằng, trong khi SACO nhân danh mật vụ của Tai Li làm việc trôi chảy như một tổ chức Vay - Mượn(3) và tạo điều kiện rất thuận lợi cho những hoạt động của Hải quân ở Thái Bình Dương, thì nó lại đưa rất ít tin tức tình báo có ích cho Đồng minh ở Chiến trường Trung Quốc. 

Hơn nữa, nhân viên OSS được phái vào SACO không thể làm việc quá thời gian tiêu chuẩn và không thể kiên trì cố gắng phá vỡ sự chống đối không thấy rõ nhưng lại rất kiên quyết của người Trung Hoa. Bị ngăn cản hoạt động tình báo ngay từ đầu bởi tổ chức SACO và bị cả Tai Li và Hạm đội Mỹ ở Trung Quốc làm trở ngại (hạm đội Mỹ đã kiên quyết đứng về phía Tai Li), Donovan đã thay đổi tình hình bằng cách rút bỏ tư cách sĩ quan tình báo chiến lược CBI của Miles ngày 5-12-1943. Ông đẩy mạnh hoạt động của Đội 202 ở Trùng Khánh và chuyển nhiều người từ Đội 101 tới một đơn vị mới. Hạm trưởng Miles vẫn ở lại SACO với tư cách phó của Tai Li, nhưng đã bị thay thế bằng trung tá John Coughlim trong OSS/Trung Quốc. Coughlim, một sĩ quan quân đội chính quy đã từng làm sĩ quan phụ tá cho Eifler trong Đội 101 từ khi đội này bắt đầu thành lập. Trong khi tiến hành những thay đổi ở Trùng Khánh, Donovan quyết định giành cho được sự độc lập hoạt động cho OSS/Trung Quốc của mình, và ông đã tiếp xúc với tướng Chennault, viên chức cao cấp duy nhất của Mỹ ở Trung Quốc (khác với Stilwell) để bàn về việc cùng nhau tiến hành hoạt động bí mật. Vào lúc đó, Tư lệnh của Đội không quân (USAAF) thứ 14 đang thiếu tình báo chiến thuật có hiệu quả và đang cần có một hệ thống cứu nạn những phi công bị rơi xuống mặt đất. OSS của Donovan dược thành lập để giải quyết những hoạt động ấy. Ngược lại Donovan cũng cần có một người thân cận với Tưởng Thống chế để bù lại thái độ đối địch của Tai Li và hạm trưởng Miles, cũng như để che chở cho đơn vị OSS của ông hoàn toàn độc lập với SACO, tức là tất cả những gì mà Chennault có thể giúp được.


 Họ đạt tới một sự thỏa thuận, và ngày 26-4-1944, một sự thu xếp đã được chính thức tiến hành khi Stilwell cho thành lập một đơn vị mới với một cái tên khó hiểu có chủ tâm “Ban tham mưu kỹ thuật (lâm thời) không lực và mặt đất” (AGFRST), với bí số 5239, và sở chỉ huy ở Côn Minh. Sau tất cả những sự đối phó của chủ trương phá rối của Tai Li và óc bè phái đầy tham vọng của Miles, hành động của Donovan - Chennault đã thành công và SACO bị thất bại. Sự phối hợp diễn ra hết sức tốt cho đến đầu 1945 (và sau đó nó tồn tại lâu hơn như một lực lượng quân sự) có ảnh hưởng tốt đến những nhận định chính trị của Trung Quốc, những thay đổi trong chiến lược của Đồng minh và những sự cải tổ trên chiến trường. Vào những lúc Weydemeyer thay thế Stilwell, sự bành trướng và thành công của OSS trong những hoạt động bí mật ở chiến trường Trung Quốc đã đặt nó vào một vị trí có ưu thế trong cộng đồng tình báo Viễn Đông đối với hạm đội Mỹ ở Trung Quốc, BIS của Tai Li, SOE của Anh, các cơ quan tình báo của Pháp và Hà Lan, và phái đoàn đại diện không chính thức của Liên Xô. Donovan rất muốn đạt tới kết quả tối đa và tiếp tục kiểm soát được những quyền lợi của Mỹ ở một chiến trường của chiến tranh không chính qui đã gửi một giác thư cho Tổng thống vào mùa thu 1944 để nêu rõ rằng đã đến lúc để cho OSS/Trung Quốc trực tiếp chịu trách nhiệm với Tư lệnh chiến trường Mỹ và đề nghị, nếu cần, để cho OSS/Trung Quốc cũng phục vụ cho tướng Mc Arthur và đô đốc Nimitz ở Thái Bình Dương. Đoán trước sự đồng ý của Washington, Donovan bay sang Trung Quốc tháng Giêng 1945 để gặp bạn cũ mình là Wedemeyer. 

Viên Tư lệnh chiến trường mới này năm 1942 đã từng thảo ra chỉ thị đầu tiên của JSC về thành lập OSS, đã từng theo dõi qua bản doanh SEAC về những chiến công thắng lợi của Đội 101 ở Miến Điện, và cũng hiểu rõ Donovan và tổ chức của ông ta. Kết quả của những cuộc gặp gỡ của họ là một cuộc cải tổ lớn cơ quan tình báo chiến trường, OSS chịu trách nhiệm về tất cả các chương trình bí mật (trừ các chương trình của Trung Quốc). Hạm trưởng Miles (lúc này đã là chuẩn đô đốc) bị mất quyền kiểm soát. Cả hai tổ chức Hạm đội Mỹ ở Trung Quốc và AGFRST được đặt dưới quyền của Wedemeyer. OSS được nâng lên quy chế một ban chỉ huy độc lập chịu trách nhiệm hoàn toàn về chính trị với Wedemeyer, nhưng về mặt hoạt động thì chịu trách nhiệm với OSS/Trung Quốc. Sau đó Donovan bay sang bản doanh SEAC của Mountbatten ở Kandy. Ở đó, với sự tán thành của đô đốc, OSS/SEAC bị xoá bỏ và được thay thế bằng OSS/Ấn Độ - Miến Điện (OSS/IBT) đóng sở chỉ huy ở Kandy, tại đội 404. Trung tá Richard P. Hepper, người đã từng đương đầu OSS/SEAC, được chỉ định làm sĩ quan tình báo chiến lược ở Trung Quốc và đồng thời được đề bạt lên đại tá. Lúc đó, tôi đã sẵn sàng để sang Trung Quốc vào tháng 3, hầu hết các vấn đề tổ chức dường như đã được giải quyết.

 Donovan đã hoàn tất việc hợp nhất và kiểm soát các hoạt động bí mật và đã đặt được quyền hành của mình đối với công tác tình báo độc lập Mỹ - mục tiêu chủ yếu của ông đối với OSS/Trung Quốc. Thoạt nhìn, dường như không có trở ngại gì đối với sứ mệnh của tôi ở Đông Dương. Tôi được bảo đảm sự ủng hộ hoàn toàn của tướng Donovan và nhận những chỉ thị rõ ràng và đặc biệt trực tiếp từ Nhà Trắng. Wedemeyer đã được báo cho biết một cách đầy đủ và tôi đoán trước mọi cái sẽ thông đồng bén giọt. Nhưng đó là Washington. Còn ở Trung Quốc, không có điều gì là đơn giản cả.

 ________________________________________ 


(1) Nhóm mật vụ và công tác đặc biệt (2) Núp dưới danh nghĩa Cục điều tra và thống kê, BIS; (3) Nguyên văn: Lend - Lease organisation Logged (ak47) Thành viên * Bài viết: 123 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Bảy, 2008, 03:18:16 PM »



Chương 5

 OSS: Tổ phụ trách Đông Dương thuộc Pháp 

CHÍNH SÁCH: PHẢI GIÀNH LẤY CÔNG VIỆC 


Sau khi đã cải tổ OSS ở các khu vực của Tưởng và Mountbatten, Donovan trở về Washington. Whitaker và tôi đã gặp ông để thảo luận về sự phân công mới của chúng tôi ở Viễn Đông; và được biết rằng Wedemeyer đang chờ đợi chúng tôi; và Heppner đã được chỉ dẫn về chính sách của Mỹ, tức là: Tổng thống yêu cầu OSS không để cho Pháp chiếm lại thuộc địa cũ của họ; Tổng thống coi qui chế tương lai của Đông Dương là một vấn đề quyết định sau chiến tranh và không thuộc về giới quân sự Mỹ. Không một trường hợp nào được cung cấp vũ khí hay tiếp tế cho Pháp, ngoại trừ để đẩy tới những mục tiêu chống Nhật đã được Đồng minh tán thành.


 Tôi được biết về những hoạt động bí mật của Pháp ở Đông Dương từ các căn cứ SEAC và Trung Quốc, và tôi đã nêu ra vấn đề công tác với các phái đoàn quân sự Pháp ở Kandy, Trùng Khánh và Côn Minh. Tôi được trả lời “không phản đối”, miễn là tôi không làm gì được hiểu là “giúp đỡ” cho những mục tiêu quân sự hay chính trị của Pháp nhằm chiếm lại Đông Dương. Donovan đã thăm dò những ý kiến của tôi đối với người Pháp, đặc biệt với người Pháp ở Bắc Phi, những quan điểm của tôi về chính sách thuộc địa của họ đối vớii người Algerie, và về thái độ của De Gaulle đối với Mỹ, cũng như sự chống đối của ông ta đối với Tổng thống Roosevelt.


Tôi lấy làm ngạc nhiên và sửng sốt trước phương hướng của cuộc nói chuyện đột ngột diễn ra của chúng tôi. Tôi bày tỏ mối cảm tình của tôi đối với cảnh ngộ nước Pháp, nhưng với vai trò của nó dưới chế độ Vichy, với tư cách một dân tộc, nước Pháp không hiện lên như một hình ảnh dũng cảm với tư thế “chiến đấu đến cùng” của người Anh. Tuy nhiên, tôi nhận xét, nhiều người Phap nam và nữ đã làm tròn bổn phận mình ở Bắc Phi và châu Âu. Tôi thừa nhận là đã có một vài sự dè dặt đối với các chính sách thuộc địa của Pháp và đối với người Ả Rập ở Bắc Phi và tin rằng người Pháp vẫn muốn thiên về chính sách thước dây(1) ở Đông Dương.

 Donovan tỏ ra yên tâm với những nhận xét của tôi và tiếp tục bình luận rằng thái độ, nguyện vọng và cả những mục tiêu sau chiến tranh của Pháp không phải là công việc của chúng ta, nhưng lại yêu cầu tôi phải thấy trước sức ép to lớn buộc chúng ta phải rời bỏ lập trường trung lập của chúng ta từ những phía khác, ngoài phía Pháp ra.


Ông nói hiện nay đang có nhiều người ủng hộ chế độ thực dân trong các giới kinh doanh dầu mỏ và cao su ở Mỹ, có những kẻ nhiệt liệt tán thành Pháp quay trở lại đế quốc thuộc địa của họ, và có sự ủng hộ của Anh và Hà Lan đối với các chính sách thực dân của Pháp ở Đông Nam Á. Nếu tôi gặp phải một sự phản đối nghiêm trọng, “Hãy báo cho John(2) biết”. Trong 6 tháng liền tôi phụ trách “Tổ Đông Dương thuộc Pháp” ở OSS Washington, vạch ra các kế hoạch, nghiên cứu thư từ, tuyển chọn người cho tổ dã chiến và xem lại những hồ sơ có ích. Lúc đầu, những tài liệu ấy hết sức lộn xộn, trộn lẫn với những hồ sơ không có liên quan trong các bộ phận khác của OSS. Dần dần, với sự giúp đỡ của Austin Glass(3), Ducan Lee(4) và những người khác, tôi đã có thể tạo nên một tài liệu tập hợp những gì có liên quan đến bộ phận này của thế giới. Đống hồ sơ không có những tài liệu tình báo có ý nghĩa về bản thân xứ Đông Dương, nhưng lại có những thông tin rộng lớn về những ý đồ và khả năng của Nhật ở Trung Quốc và Đông Nam Á.


 Tôi tìnm thấy các báo cáo của hạm đội Mỹ ở Trung Quốc; của đội OSS ở vùng cộng sản Diên An với sự cộng tác của tổ quan sát Mỹ do trung tá David D. Barnett chỉ huy; của cơ quan tập hợp tình báo chung. Khi tôi nêu lên câu hỏi về sự đóng góp của Trung Quốc vào những nỗ lực tình báo, đặc biệt ở Đông Nam Á, thì những tay kỳ cựu về Trung Quốc “quen thuộc” của chúng ta bao giờ cũng cần phải được biệt rõ, “người Trung Quốc nào?” thì tôi không phải mất nhiều thì giờ để phân biệt Quốc dân đảng, Cộng sản, các nhóm bù nhìn Trung Quốc do người Nhật lập ra và những cái gọi là các “toán cướp Trung Quốc”.

Các toán này là những lực lượng độc lập, thường cướp bóc các mục tiêu tuỳ theo thời cơ, và những nguyên nhân chính trị không có liên quan gì với trang bị của chúng. Tôi cũng xem cả những báo cáo của người Pháp, vì những hồ sơ của chúng ta cho thấy rõ sự cộng tác của nước Pháp tự do với SOE của Anh, nhưng OSS không có tin tức gì thật chắc chắn từ nguồn này. Có một hồ sơ sơ sài về một tổ chức hoạt động của Đông Dương gọi là “GBT”. Nó không chứa đựng một tài liệu tình báo nào quan trọng nhưng đã để lộ rõ một hoạt động bí mật đang tiến hành ở Anh - Pháp - Trung Quốc có giá trị tiềm tàng đáng kể đối với sứ mệnh sắp tới của tôi. Chỉ có một tin tức khác có liên quan với các nguồn công tác bí mật có thể có là bức thư của Đông Dương Độc lập Đồng minh hội. Nó tương đối mới, đề ngày 18-8-1944, từ Trùng Khánh, Trung Quốc gửi cho đại sứ Mỹ. 

Những tác giả của nó kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ cho cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, cam kết ngược lại là sẽ cùng với người Mỹ chống “chủ nghĩa phát xít Nhật”. Cùng với ban tham mưu OSS, tôi theo đuổi khả năng sử dụng nhóm này. Ý kiến của họ không thống nhất, “những tay kỳ cựu về Trung Quốc quen thuộc” khuyên phải kiên quyết chống lại sự cộng tác với “những phần tử cách mạng”, trong khi những người mới đến này lại cho rằng chúng ta không mất gì mấy nếu sử dụng những nguồn dự trữ này để chống lại người Nhật ở bất cứ nơi nào trong Thái Bình Dương. Tôi bèn hỏi Donovan về lập trường của OSS. Ngay từ đầu, tôi đề nghị với tướng Donovan nên sử dụng du kích địa phương. Ông nói rằng ông và viên phó của Wedemeyer là trung tướng Robert B. Mc Clure, đã đồng ý về ý định tiến hành những hoạt động ở chiến trường Trung Quốc, đặc biệt về việc sử dụng du kích của Mao Trạch Đông. 

Khi tôi nhấn mạnh điểm sử dụng những tay chân người Đông Dương, Donovan trả lòi: “Cứ sử dụng bất cứ ai làm việc với chúng ta để chống lại người Nhật, nhưng đừng dính vào những hoạt động chính trị của Đông Dương thuộc Pháp”. Ông đảm bảo với tôi rằng lúc tôi sang Trung Quốc, Hepper sẽ có chỉ thị rõ ràng của Wedemeyer về sử dụng các đơn vị du kích. Những lời của Donovan rõ ràng là một chỉ thị đại cương để thực hiện công việc một cách tốt nhất và đồng thời cũng tránh rơi vào những âm mưu của Pháp trái ngược với chính sách của Mỹ. 


 MƯU MẸO “ESCAMOTAGE” CỦA PHÁP BỊ LỘ TẨY 

Tuy có những chỉ thị của Donovan đối với Pháp, tôi vẫn có những nghi ngại về những cố gắng của Pháp nhằm sử dụng và lợi dụng những phương tiện của Mỹ ở Viễn Đông theo một lối bí mật và xảo quyệt. Vào giữa tháng 11-1944, tôi được biết sau khi sự việc xảy ra từ lâu và qua sự báo động của một sĩ quan Mỹ ở SEAC rằng đề án do người Anh đảm nhận nhân danh phái đoàn quân sự Pháp ở Ceylon có tất cả những dấu hiệu của một hoạt động chiến tranh chính trị không được cho phép. 


Đề án ấy quan trọng ấy về mặt chính trị, và những chi tiết về sự khởi đầu và thực hiện của nó nói lên rất rõ rằng đó là một mẫu mực của sự hợp tác Anh - Pháp nhằm “làm phá sản” chính sách của Mỹ. Ngày 21-2-1944, lực lượng 136 đệ trình Bộ tham mưu hỗn hợp Mỹ - Anh của SEAC một đề nghị của Pháp về việc phối hợp nhân sự. Việc phối hợp ấy được gọi bằng tên mã là BELIEF(5) và chủ trương cho một tổ thâm nhập vào bắc Đông Dương.

Những mục tiêu của nó là: thành lập một tổ chức bí mật ở Đông Dương được kiểm soát từ bên ngoài và phá hoại những phương tiện cập bến của các cảng Đông Dương. Đề nghị ban đầu của Pháp như đã nêu với SOE, chủ trương cho “một hay nhiều sĩ quan trong phái đoàn quân sự Pháp” nhảy dù từ một căn cứ không quân Trung Quốc xuống bắc Bắc Kỳ. Nhưng tất cả những hoạt động không quân rời khỏi Trung Quốc đòi hỏi phải được sự tán thành của Chennault và các phái đoàn độc lập của Pháp không được phép làm điều đó, nên người Anh viết lại mục tiêu của phái đoàn thành ra: “ Việc thả người và tiếp tế xuống vùng phía bắc Bắc Kỳ nhằm phát triển một hoạt động do cơ quan mật vụ Anh tiến hành”. Việc thả dù được thực hiện đêm 4-5 tháng 7 từ một máy bay Anh đỗ ở Côn Minh. 

Hành động của Pháp có thể diễn ra mà không ai hay biết gì nếu không phải yêu cầu lực lượng 136 “một sự cho phép đặc biệt cho hoạt động BELIEF II, coi như một bộ phận nằm trong BELIEF I, được tung ra ngày 13-7. Hoạt động thứ hai này cũng được đại bản doanh SEAC và bản doanh Chennault tán thành. Trong lúc đó, thiếu tá Hải quân Taylor(6), sĩ quan cao cấp của Mỹ, ở sư đoàn “P”, được báo tin ngày 7-7 rằng lại có thể cần phải tổ chức hoạt động BELIEF lần thứ ba để vớt một sĩ quan Pháp đã nhảy dù trong BELIEF I lên, vì viên sĩ quan này đã mang một bức thư viết tay của tướng De Gaulle và phải lấy một sự trả lời từ Đông Dương mang đi.

 Mưu kế đánh lừa rõ ràng của người Pháp, được SOE tán thành và đồng loã, đối với chính sách của Mỹ đã làm cho Taylor tức giận và thúc bách ông thông báo cho tướng Wedemeyer (lúc đó là tham mưu phó của SEAC) biết toàn bộ sự việc. Giác thư của Taylor viết một cách thích hợp cho Bộ tham mưu hỗn hợp Anh - Mỹ nói rõ: “Giá trị và tầm quan trọng của hoạt dộng BELIEF rất lớn, và nếu nó bị coi là không có lợi cho chính sách quốc gia của Mỹ, thì theo quan điểêm của sư đoàn “P”, nó phải được ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng những thông tin mà hiện nay sư đoàn “P” nhận được không đưa lại một cơ sở nào để có một lời khuyên bảo thuận lợi hay không thuận lợi đối với yêu cầu của lực lượng 136 về sự giúp đỡ của phái đoàn quân sự Mỹ trong việc thực hiện kế hoạch của họ”. 

Hiểu rất rõ những xung đột chính trị trong vấn đề này, Wedemeyer đã thảo luận nó với Mountbatten. Mountbatten, đến lượt ông ta, đã mở một cuộc họp ngày 24-7 với tham mưu trưởng của mình, giám đốc tình báo John Keswick thuộc SOE/SEAC và cố vấn chính trị về công việc Trung Quốc, trung tướng R.A. Wheeler, đại diện cho Wedemeyer, và thiếu tướng R.T. Maddocks, trợ lý của Wheeler. Trong cuộc gặp mặt, Mountbatten nêu rõ rằng nhân viên người Pháp là thiếu tá De Langlade đã xuất hiện để mang một bức thư viết tay của tướng De Gaulle. 

Sau đó ông cho rằng “bức thư không nhằm mục đích thúc đẩy người Pháp ở Đông Dương đứng lên chống người Nhật mà rõ ràng chỉ là một bức thư giới thiệu”. 

Tướng Maddocks thừa nhận rằng trường hợp đó rất có thể là như vậy, nhưng lại khôn ngoan nêu lên rằng chưa thể biết được De Langlade đã có những chỉ thị miệng gì. Rõ ràng vụ rắc rối này có hiệu quả đi khá xa. Nó dính líu tới De Gaulle và đi ngược lại với chính sách và chiến lược của Đồng minh. Tướng Wheeler gợi ý báo cáo vấn đề này cho London và Washington. Mountbatten thì trực tiếp chỉ thị cho Keswick làm một bản báo cáo đầy đủ cho Bộ ngoại giao (Anh). Vì 4 tháng sau tôi mới được đọc lại những giác thư của Mỹ về vấn đề này, nên tất nhiên là tôi không thể không biết tới những ý đồ của Pháp và những phương pháp khá xảo quyệt được họ dùng để được bảo đảm sự ủng hộ và vận tải. Tôi cũng đã suy nghĩ về ảnh hưởng có thể có của những điều đó với những kế hoạch của tôi.


No comments: