11. Triết lý bánh chưng bánh dày
Ở
một vài đô thị Việt Nam hiện đại, như thủ đô Hà Nội, người ta đã làm và
bán bánh chưng, bánh dầy hàng ngày, như một thứ hàng quà, để phục vụ
cho thị hiếu thích ăn quà của dân đô thị. Quà là để ăn chơi, tất nhiên
cũng có thể "ăn no quà", nhưng về bản thể luận, quà là món ăn chơi, ăn
qua loa quít luýt thôi, chứ không phải là thứ lương thực thực phẩm chủ
yếu, hằng ngày...
Trong phong tục học và tâm (lý) học, người ta thường phân biệt hai cặp phạm trù:
- Cái thiêng liêng / cái thông thường (hay cái THIÊNG và cái TỤC)
- Cái nghi lễ / cái hằng ngày.
Giữa hai phạm trù này, có một phép biện chứng chuyển hóa lẫn nhau.
Ví như xôi, vốn là lương thực hằng ngày của người Việt cổ thời đại Đông
Sơn - Âu Lạc trở về trước (trong nhiêu di chỉ Phùng Nguyên - Bàu Trỏ đã
tìm thấy chõ xôi bằng đất nung) cũng như của các ngư dân Thái Mường
miền thung lũng trước Cách Mạng Tháng Tám.
Với xu hướng "tẻ
hóa" của nhà nông trồng lúa nước (do áp lực dân số và nhu cầu tăng năng
suất lúa), dần dà người Việt thời Lý, Trần và người Thái người Mường hôm
nay hằng ngày đều dùng cơn tẻ. Người ta dành chõ xôi cho những ngày giỗ
chạp, tết nhất, cưới xin, ma chay... nghĩa là chuyển hóa xôi thành món
ăn nghi lễ.
Bánh chưng bánh dầy ở đô thị thời hiện đại đã thuộc phạm trù cái hằng ngày, hay nói cách khác, đã được giải thiêng.
Nhưng ở thời đại Việt cổ truyền, và chừng nào đó, ở nông thôn Việt Nam
cho đến Tết xuân con Rồng 1988 này, bánh chưng bánh dầy vẫn thuộc phạm
trù nghi lễ. Người ta chỉ làm và dùng nó (dùng để cúng, để ăn, để làm
quà biếu tặng nhưng thường không để bán) trong ngày Tết hay trong những
ngày lễ hội (nhiều làng đồng bằng Bắc Bộ có tập tục Tết rằm tháng giêng
cúng và dùng bánh chưng, lễ hội tháng Ba lịch trăng (Mồng 3, mồng 6,
mồng 10...) cúng và dùng bánh dầy, chè kho).
Ngày trước,
bánh dầy, bánh chưng là những lễ vật và món ăn dân tộc. Bây giờ nó vẫn
còn là món ăn dân tộc đáng cho ta gìn giữ và trân trọng. Nhưng xin nhận
thức lại cho đúng mức hơn. Nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo
Việt Nam theo nghĩa chỉ Việt Nam mới có, mới dùng.
Bà Á
Linh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội là người Việt
gốc Hoa, quê gốc ở Tứ Xuyên, theo chồng Việt Nam sang sinh sống và công
tác ở Hà Nội từ mấy chục năm nay, nhân ngày tết cổ truyền năm con Khỉ
(1980) đã cho tôi biết là ở Tứ Xuyên quê bà có loại bánh lễ gần giống
như "bánh Tét" (bánh chưng gói tròn như cái giò) và được gọi âm Hán Việt
đọc là "tông bỉnh" nhưng âm Hán Tứ Xuyên đọc gần như Téung pính.
Ông Obayashi Taryo, giáo sư nhân học văn hóa Trường Đại học Tokyo trong
bài báo cáo cô đúc "Vị thần lấy trộm giống lúa" (Xem thông báo Unesco
tháng 12 - 1984, số chuyên đề về "Những nền văn minh lúa gạo") lại cho
ta biết món bánh mochi rất phổ biến và quan trọng của bếp ăn Nhật Bản
"được làm bằng gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm
rồi đem giã nóng bằng chầy cho đến khi thành bột dính trong đó không
còn phân biệt được hạt nữa... Mochi đóng vai trò quan trọng trong lễ
tết, đầu năm mới?
Đó
chính là bánh dầy với các loại hình to nhỏ khác nhau, được bầy thành
hàng trên bàn thờ cúng tổ tiên và sau đó được ăn với các thứ cháo đặc
biệt gọi là ojoni trong bữa ăn nghi thức sáng mồng một Tết của người Nhật.
Cho nên, xin nói lại cho chính xác hơn là bánh chưng, bánh dầy là sản
phẩm độc đáo của một vùng văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam
Á. Tất nhiên giáo sư viên sĩ Đào Thế Tuấn cho ta biết là lúa nếp có lọa
hình đa dạng nhất và điển hình nhất của ngày Tết Việt Nam.
Nhân ngày Tết năm con Rồng này, tôi xin đưa ra một minh giải văn
chương: Bà con cô bác miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét
là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh
toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói
vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là
hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa,
Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh
chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói
thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông
tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn
đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý
Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là
Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).
Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cói nô. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.
Đó
là tín ngưỡng và triết lý nô-nường-chày-cối chưng dầy của dân gian, của
tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông,
dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một
ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân
gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ
dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh
chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Nhân tiện nói thêm:
việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích
hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên thủy cũng
thuộc về tín ngưỡng phồn thực.
Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo.
Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi
tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biển đổi) với tự nhiên. Lá dong gói
bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản
phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt
lợn... Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải chỉ là, thậm chí
không phải chủ yếu là ở từng yếu tố hợp thành cái bánh mà là ở cơ cấu
của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, màu sắc, hương vị
của bánh chưng so với các lọai xôi đỗ và bánh nếp khác. Với gạo nếp, đỗ
xanh, thịt lợn... có thể tạo nên máy chục loại bánh xôi Việt Nam dùng
hàng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.
Huyền thoại qui công sáng tạo bánh chưng bánh dầy cho Lang Liêu, một
người con thứ của vua Hùng, tổ dựng nước Việt Nam. Cũng như "vua Hùng",
"Lang Liêu" là một "anh hùng văn hóa", nó không hề hiện hữu như một cá
thể (cá nhân) nhưng chỉ tồn tại trong công thể
(cộng đồng) của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lang Liêu có tài sáng tạo,
làm ra bánh chưng bánh dầy cho nên được nhường ngôi, trở thành "vua
Hùng" mới. Tuy cũng là cha truyền con nối như xu hướng phổ quát của lịch
sử loài người, nhưng không truyền cho con trai trưởng (trước thế kỷ XI,
dường như Việt Nam không có tập tục này và sau đó cho mãi đến thế kỷ
XIV, XV (Hồ Quý Ly cũng không nhường ngôi cho con trai trưởng là Hồ
Nguyên Trừng mà cho con thứ là Hồ Hán Thương) nó vẫn là một truyền thống
yếu, có xu hướng ngoại sinh) theo lý, cũng không truyền ngôi cho con
trai của một bà ái phi nào theo tình, mà truyền ngôi cho con nào hiền
tài, đó là sự kết hợp giữa truyền tử và truyền hiền, đó là sự hòa hợp lý
tính thời cổ đại...
Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao
người con của "vua Hùng" đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ
miệng... những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu... Cái giỏi của "Lang
Liêu", cái con mắt tinh đời của "vua Hùng" cũng là cái sáng giá trong
bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong
cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ,
ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách
thưởng thức, cách biến đổi thành những cơ cấu mới từ những nhân tố quen
thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.
Tìm cái đặc biệt trong những của lạ thì nào có khó khăn gì! Có khả năng
diễn tả cái phi thường bằng những cái thường thường mới là một tài năng
đặc biệt không dễ nhận ngay đựoc giá trị vì cứ tưởng là không khó mà
thật ra rất khó, vì nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự đi sâu tìm hiểu, sự nhập
thể rất sâu trong lòng văn hóa và nhân dân...
12. Một thời đã qua, một thời đang tới...
I. CỘI RỄ
Quê tôi nằm bên bờ một dòng sông nhỏ, dưới chân một trái núi nho nhỏ miệt đồng chiêm trũng xứ Nam...
Dòng sông Châu tách ra từ con sông Đáy bên tả ngạn, ở đúng cái nơi gọi
là xã Châu Cầu, Phủ Lý - nhân thời Lý Trần, xứ Sơn Nam Hạ thời Lê, có đủ
chất non xanh nước biếc và cái tụ hội đông vui của con người để vào thơ
của Quế Đường tiên sinh và sau trở thành thị xã Phủ Lý của tỉnh Hà Nam
quê hương của Ưu Thiên ("Kẻ lo sập trời!") Bùi Kỷ. Đôi bờ sông là bãi
mía, nương dâu, đồng khoai ngô biêng biếc và những rặng tre la đà rủ
bóng của những huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, Nam Xang... Tới chỗ
giáp ranh ba huyện, con sông này còn một nhánh nữa, vốn tách ra từ con
sông Nhuệ ở mạn Cầu Giẽ đổ về, sau khi uốn lượn dưới chân dải Đội Điệp -
mấy mỏm núi đồi còn sót lại của bán bình nguyên trung sinh trăm triệu
năm thuở trước... Phía dưới, dòng sông xưa còn quanh chảy ở ruộng đồng
Mỹ Lộc, soi bóng tháp Phổ Minh của phủ Thiên Trường nơi phát tịch của
hoàng tộc nhà Trần có gốc gác dân chài, cũng chính là dòng họ của kẻ hèn
mọn này, đang cầm cây sử bút hôm nay...
Đây, nơi kia, dưới
chân núi của Thanh Liêm, là quê quán Lê Hoàn "kẻ mồ côi" đã vươn lên
thành Thập Đạo tướng quân rồi vua Lê Đại Hành, rất đa tình và cùng cực
anh hùng một thời kháng Tống. Dòng họ ấy, bị gián đoạn với tư cách hoàng
gia, nhưng còn tiếp nối dài với tư cách thông gia triều Lý, và ở thời
Trần, đã nảy sinh hai vị anh hùng, kiên cường bất khuất chống Nguyên -
Mông, là Lê Phụ Trần (sau lấy Lý Chiêu Hoàng) và Trần Bình Trọng ( vốn
tổ tiên ở họ Lê này, sau được nhà Trần ban "quốc tính").
Ngày nay, vào thăm đình Hòa Mạc ở hợp tác xã Trác Bút anh hùng (Châu
Giang), ta còn thấy những câu đối nói đến "Mạc giang" xưa chảy qua làng.
Đó chính là sông Thiên Mạc (màn trời), nơi chứng kiến sự kiện bi tráng
của Bảo nghĩa hầu Trần Bình Trọng: "Ta thề làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc"...
Đội Điệp được ghi như "danh sơn" của xứ Nam bởi những cây đại bút Ức
Trai Nguyễn Trãi (Dư địa chí) và Quế Đường Lê Quí Đôn (Thượng kinh phong
vật chí). Nơi đây:
Ruộng Lê hoa cỏ ngọt ngào
Rêu in tháp Lý bia cao chưa mòn!
Lê
Đại Hành đã tới đây cày ruộng tịch điền và tìm thấy những hũ vàng, hũ
bạc. Triều Lý lập hành cung ở đấy để làm nơi tuần hành và triều hội. Ỷ
Lan thái hậu cùng vua Lý Nhân Tông đã sai dựng tháp "Sùng thiện diên
linh" và dựng chùa trên sườn núi Đọi, mở đại hội khánh thành năm Thiên
Phủ Đại Võ 1121. Bia Lý ghi lại những sự việc trên, còn sừng sừng trên
sườn non, cao hơn 2 mét, rêu phong mờ phủ màu thời gian... Những chi
nhánh họ Trần có mặt ở vùng này, những "người sang" thuộc dòng dõi hoàng
tộc Trần. Còn tôi, tôi thuộc dòng dân chài. Và chỉ thừa kế được của
dòng họ này một nước da ngăm đen và một tính tình phóng khoáng bẩm sinh.
II. THẾ HỆ ÔNG - BÀ
Tằng tổ tôi là một nông phu dưới thời vua Tự Đức. Gia sản có một mái
nhà tranh nơi Xóm Miếu, một miếng vườn con và hơn sào ruộng cỏ, mưa xuân
làn làn tiếng ếch kêu. Cụ sinh được một người con trai cả mắc bệnh "dở
hơi" từ thuở bé, và mấy người con gái, đều gả chồng làng.
Ông nội tôi là con út, nghe nói là "thiên tích thông minh", sáng dạ trời
cho! Lại nữa, theo tử vi ông tôi sinh năm Quý Dậu, mà "trai sinh chữ
Quý thì tài..." cho nên các cụ tôi tuy nghèo, nhưng cũng cố chạy vạy cho
con ăn học, "kiếm dăm ba chữ của thánh hiền". Thánh Hiền đây, là những
thầy Khổng, thầy Mạnh... ở tận đẩu tận đâu nơi Trâu Lỗ bên Tàu trong khi
tiếng súng thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ đã vang vọng ngoài thôn xóm.
Nhưng "cửa Khổng sân Trình" của ông tôi thoạt kỳ thủy chỉ là cái ngõ
tre, gọi cho có vẻ thơ mộng hơn là "ngõ trúc" và cái sân đất nện, gọi
tên là "mai đình" của một cụ đồ làng...
Học được mấy năm thì
thầy đồ làng cũng hết chữ. Thế là ông tôi phải "tiền lương gạo bị" lặn
lội lên tận tỉnh Hà (Hà Nội), ăn nhờ ở đậu nhà người quen làng Láng
Thượng, để theo học trường cụ cử Kim Cổ hay cụ cử Vũ Thạch, bên bóng
nước Hồ Gươm.
Chẳng hiểu sao, thông minh, cần cù, chịu khó
là thế mà ông tôi lận đận mãi, thi hương mấy khóa liền không đỗ... Nhà
nghèo, lại vợ con sớm nên ông tôi phải xoay ra "ngồi dạy học", bán chữ
cho ít "trò ranh" làng này, tổng nọ, để lấy "lương" mà ăn học... Có lúc,
được cụ nghè Văn Đình thương là nghèo mà "hay chữ" (chữ ông tôi thì
phải nói là đẹp tuyệt nên về sau hay được mời đi viết chữ và cất nóc nhà
cho nhiều gia đình khá giả ở đồng quê), ông tôi được cụ nghè nuôi,
tiếng là để dạy chữ Nho cho mấy đứa con cháu cụ, mà thực ra là để cụ kèm
cặp thêm văn bài. Về già, ông tôi hay nhắc đến quãng đời ngắn ngủi được
"ở hầu học cụ nghè Văn Đình" này, lòng rất tự hào... Chả là một người
con cháu cụ nghè, học trò ông tôi, sau này đỗ đạt "làm nên", làm quan
đến đâu tận Tổng đốc tỉnh Đông (Hải Dương) và khi áo gấm về làng trên xe
"ô tô đít vịt" vẫn kính cẩn gọi ông tôi bằng "thầy"...
Chữ
"cụ nghè" hay, con cụ nghè giỏi, nhưng ông tôi "lều chõng" đi thi mãi ở
trường Nam (Nam Định), cuối cùng cũng chỉ được "chân tú tài". Là bạn
đồng môn của ông nội tôi, cũng là con nhà nghèo và có vẻ còn kém thông
minh hơn là vì "khiêm tốn" hơn, tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng ông ngoại
tôi lại may mắn hơn đậu được "cử nhân".
Tình hình khác nhau
song lại có vẻ hợp nhau và trong một lúc hứng chí nơi chén rượu cuộc
cờ, khi cả hai ông tôi mới chỉ là những "thầy khóa" chưa đỗ đạt gì, các
cụ đã hứa gả con cho nhau để làm thông gia, thân gia. Thế là, tuy quê
nội quê ngoại tôi cách nhau cả ngày đường trên lưu vực Châu Giang, mới
15 tuổi đầu mẹ tôi đã về "làm bạn" với cha tôi... Người kém cha tôi một
tuổi.
Lẹt đẹt mãi mới trở nên ông tú, ông cử, tuổi đã cao,
nhà nghèo, lại đông con (các cụ tôi ngày xưa thường "lý luận": nhất thụ
bất thành lâm - một cây làm chẳng nên rừng - vì vậy cứ đẻ nhiều) cả ông
nội lẫn ông ngoại tôi đều không dám nghĩ đến việc tiếp tục học hành, thi
cử nữa. Thời "Nam triều bảo hộ" (bây giờ ta gọi là thời thuộc địa, thực
dân) ở đầu thế kỷ XX này, thì ông tú ông cử Hán học, không biết "chữ
Tây", lép vế, muốn ra làm quan kiếm ăn, chỉ có cách là đi dạy học. Thế
là cả ông nội ông ngoại tôi đều xin bố một chân "huấn giáo" - nghĩa là
giáo chức trông coi việc dạy chữ Nho ở một huyện - và đều phải sống xa
quê, đâu mãi tận Kiến An, Quảng Yên miền ven biển...
Ông
ngoại tôi có vẻ là người yêu nước hơn ông nội tôi, song cũng tiêu cực
thôi. Có hơi hướm gì đó của phong trào Đông Du - Đông kinh nghĩa thục,
có đọc thơ văn Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh... Ông tôi xin về nghỉ hưu
non, mượn cớ la có bệnh run gân (mà ông tôi cũng run thật, đi đứng cứ
rung chân rung tay luôn). Từ đấy cụ chả thiết làm gì nữa cả, chỉ chăm
chút hòn non bộ, ít cây hoa cảnh, cũng không mấy khi ra việc làng, cũng
ít đi lại thăm nom ai. Sống cô đơn. Hàng ngày chơi cờ một mình (thuở bé
tôi cho việc này là kỳ lạ nhất!). Ngâm thơ một mình. Ăn cơm một mình ở
"nhà trên" (trừ khi nào mẹ tôi đưa tôi về quê ngoại thì thằng "cháu
cưng" này được ăn cơm với ông), mọi việc nhà phó thác cho bà ngoại tôi
và các dì tôi. Bà ngoại tôi thì đúng là "bà đồ Khoan" cảnh nhà Nho thanh
bạch của sách giáo khoa thời thơ ấu. Bà lưng còng sớm vì suốt ngày ngồi
"đánh suốt" cho dì. Bà tôi dệt vải, hái chè bán lấy tiền đong thóc ăn.
Và sống nhờ vào vườn chè, hái bán chè tươi ở các phiên chợ. Hôm ấy, nhà
thế nào cũng có đĩa thịt rang hay đĩa đậu nướng trên mâm gỗ ở "nhà
ngang". Còn ông tôi ở "nhà trên" thì cố nhiên ngày nào bà tôi cũng phải
sắm cho ông "món nhắm" đựng trên chiếc mâm đồng... Thời đầu Nhật thuộc,
ông ngoại tôi lặng lẽ qua đời...
Ông nội tôi vẫn tự phụ là
"hay chữ" hơn ông ngoại tôi, "có chí" hơn và (nói vụng hương hồn cụ), có
vẻ "hiếu danh" hơn, nên cố xoay xở học chữ quốc ngữ và chút ít chữ Tây
(đại loại: "café" là cà phê v.v...) để được học trong trường "hậu bổ",
chuyển từ ngạch giáo chức sang ngạch "quan cai trị". Song vì tuổi cao,
kém chữ Pháp, nên Tây cũng chỉ "cho" một chức quan nhỏ ở hàng huyện,
"bang tá", "tri châu", rồi "trợ tá" (phó tri huyện) và cũng đến về hưu.
Tính ông nội tôi vốn năng động hơn ông ngoại, nên về hưu cụ cũng chẳng
chịu ngồi yên. Cụ đọc sách, dịch sách, chơi cờ, đi cất nóc đình, nóc nhà
cho hàng tổng, hàng huyện. Cụ lấy giống "nhãn tiến", "nhàn lồng" ở tận
Hưng Yên và nhiều cây ăn quả quý lạ các nơi về trồng trong vườn, dọc
đường làng và trồng luôn trên cả đường hàng tổng, tít mãi trên núi Đọi,
quanh ngôi chùa cổ, khiến sư cụ cứ xuýt xoa ca ngợi mãi. Chú họ tôi bảo
ông tôi làm giống như trong cuốn Thanh Đạm của Nguyễn Công Hoa (phần lớn
các chị tôi là học trò thầy Hoan). Nghỉ hè, chúng tôi thường về quê
"nghỉ mát", nó dỡn trên sóng nước Châu Giang, và "chén tiệt" nhãn lồng
và mọi thứ hoa quả trong vườn cụ. Cụ chiều các cháu thôi (vì cụ chỉ có
mỗi ông con trai, là bố tôi). Nhưng cụ bắt sáng sáng, trước khi đi bơi,
phải học vài trang chữ Nho, viết mấy trang thơ văn cổ, tập các câu đối
v.v... Tôi mới 5, 6 tuổi đã võ vẽ ít chữ Nho, là nhờ vậy...
III. THẾ HỆ BỐ - MẸ
Bố tôi sinh đúng năm "Mậu Tuất chính biến", năm Tây làm cầu Đô Mỹ
(Doumer, tức cầu Long Biên bây giờ), tức kém Bác Hồ 7, 8 tuổi, kém ông
Phan Kế Toại bố cậu bạn thân nhất của tôi dăm tuổi. Cả ba người, cũng
xuất thân nhà Nho nghèo mà đi theo ba hướng khác nhau, có ba thân phận
khác nhau: Bác Hồ đi Tây, công nhân hóa và trở thành người cộng sản đầu
tiên của Việt Nam, lãnh tụ vĩ đại của Dân tộc và của Đảng; ông Phan Kế
Toại nhờ tập ấm mà có học bổng, cũng đi Tây du học, trở thành quan đại
thần của "Nam triều và chính phủ Bảo hộ"; Bố tôi ăn học ở nhà và làm
quan chức cho Tây... Tới Cách mạng tháng Tám 1945 nhờ sự dìu dắt khôn
khéo và mềm mỏng của Bác Hồ, cả ba hướng đi này - cùng bao hướng đi khác
của người Việt Nam ta - mới dần dà hòa nhập vào một hướng đi chung, một
đường cách mạng...
Vì là con nhà Nho, lại là con trai một,
nên bố tôi cũng theo đuổi việc học chữ Nho "để giữ nghiệp nhà". Mẹ tôi
con nhà Nho nghèo, về làm dâu một nhà Nho nghèo nên không biết làm
ruộng. Lấy nhau xong, bà cởi đôi khuyên tai vàng đem bán, cất một gánh
hàng tấm đi buôn, để có chút "dằn vốn" riêng, đỡ đần thêm cho chồng ăn
học thành tài... Bố tôi thường đi "ăn theo" ở những nơi ông tôi ngồi dậy
học, học chữ Nho ông tôi nhân thể và học thêm ở đây đó chữ quốc ngữ và
chữ Tây. Học trò ông tôi trở thành bạn bè của bố tôi và sau này người
thì đi làm quan làm công chức, người thì đi làm cộng sản... Bố tôi cũng
"lều chõng" đi thi Hương ở trường Nam đúng một lần, vào được đến tam
trường thì trượt... Bà tôi thất vọng lắm với ông con trai một của mình,
nhưng lại đổ lỗi tại mẹ tôi làm ông "vướng bận thê noa". Từ đó ông
chuyên chú hẳn vào việc học mới "theo lối Tây học". Thế hệ ông là lớp
người Tây học đầu tiên, tuy có dính dấp đến chút ít Hán học ở đầu đời.
Học xong tiểu học, ông lên Hà Nội thì được vào "trường Bưởi". Thời buổi
bấy giờ mà chen chân được vào cái trường trung học độc nhất Hà thành này
là "oách" lắm, tuy, theo một bức ảnh cũ mèm còn lại, bố tôi và các bạn
đồng môn trường Bưởi vẫn còn mặc quần ta trắng áo dài đen, chưa ra vẻ
"ông Tây An Nam!". Tốt nghiệp trung học xong thì cũng là lúc Tây bắt đầu
mở trường Cao đẳng ở Đông Dương. Ôi, sinh viên cao đẳng thì "oai" quá
đi rồi, tuy cao đẳng thời ấy thì đâu phải đã là đại học! Không biết cái
tiêu chuẩn "Phi cao đẳng bất thành phu phụ" của các cô Hàng Ngang Hàng
Đào có từ bao giờ, chứ ở thời bố tôi thì học trò trung học cũng đã vợ
con rồi.
Ông vào học trường Cao đẳng Nông lâm: tốt nghiệp
ra, Tây nó bổ lên Lạng Sơn. Ông mua một cây súng hai nòng, một chiếc mũ
săn hổ bằng đồng và dắt vợ con lên xứ Lạng. Từ đó mẹ tôi cũng thôi luôn
việc buôn hàng tấm, đi theo chồng làm bà "nội trợ", được người đời gọi
là "bà tham", và do nhu cầu giao tiếp xã giao, bà cũng phải học dăm ba
câu tiếng Tây: Bonjour, Merci, Au revoir, Adieu... (các tiếng chào thông
thường).
Đầu lòng sáu ả "tố nga" rồi mà bố mẹ tôi vẫn không
nản. Thì chính ở xứ Lạng này bố mẹ tôi "bơi" được cậu con trai đầu lòng
tức là anh cả tôi, được quý như vàng vì là "cháu đích tôn" sẽ ăn "thừa
tự" ông bà tôi, nhưng tính tình thì trái ngược hẳn ông bố, bố tôi nghiêm
khắc, hách dịch bao nhiêu thì anh cả tôi hiền linh bấy nhiêu. Hai năm
một lần, bố tôi được "đổi tỉnh" để ngày về miền xuôi hơn. Và cũng đều
đặn như thế, cứ mỗi lần đổi tỉnh thì mẹ tôi lại hạ sinh một đứa con trai
cho đến tôi là con trai út sinh ở Hải Dương. Thành ra anh em, chị em
tôi mỗi người sinh ở một tỉnh. Cho đến khi con cái đã tròn một "tiểu
đội", thì bố tôi cảm thấy mình đã "làm tròn trách nhiệm" phận làm con,
làm chồng. Chịu ảnh hưởng triết lý xê dịch như Nguyễn Tuân, bố tôi xin
vượt miền Trung - đổi hẳn vào Sài Gòn. Rồi lang bang Vĩnh Long, Gò Công,
Trà Vinh và cả Nam Vang bên xứ "Căm bốt" (Campuchia). Xê dịch, ăn hút,
học gồng Trà Kha và mắc đủ thứ "tật" của một công chức thời Tây, rượu
chè, cà phê, thuốc lá và có hồi cả thuốc phiện nữa, rồi cô đầu, gái
nhảy... Ở Sài Gòn, bố tôi chết mê chết mệt một cô đào cải lương, bỏ cửa
nhà mặc mẹ tôi nuôi nấng con cái và nghe đâu còn có con riêng với cô đào
ấy nữa... Thế là mẹ tôi vốn hiền như đất, mẹ bèn nổi "cơn tam bành",
sống "ly thân" đến mấy năm... Bố tôi là người nóng tính, động một chút
là quát tháo và dùng roi vọt. Nhưng ông chỉ làm thế với con cái và người
giúp việc trong nhà. Chưa một lần nào trong đời ông dám đụng đến mẹ
tôi. Có vẻ như ông có chút ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Còn do ảnh hưởng
Nho ông có hiểu, thì đó là điều chắc chắn. Ông tôi về già, về hưu là bố
tôi dứt bỏ cuộc sống chơi bời ở Sài Gòn, xin đổi ra Hà Nội để chăm lo
cho con cái đi học và đi lại thăm nom ông bà tôi. Tất nhiên vẫn là tranh
thủ hành lạc, hưởng cái thú chơi bời ở Hà Nội và mấy tỉnh đồng bằng
sông Nhị...
Cách mạng tháng Tám
nổ ra, ông được phụ trách Sở Canh Nông Bắc Bộ. Toàn quốc kháng chiến,
ông dời Hà Nội xuống khu Ba. Và như một "phép mầu", từ một người công
chức lương Tây thượng hạng ngoại hạng, suốt ngày ăn hút chơi bời, ông
đổi đời. Và trở thành một người Cộng sản. Giải thích điều kỳ lạ này, bác
M, học trò ông tôi và là bạn thân nhất, đồng môn, đồng tuế, đồng nghiệp
của bố tôi, tham gia Việt Minh từ trước cách mạng và quay lại "giác
ngộ" bố tôi, đã có lần bảo tôi: "Cách anh bây giờ học hành nhiều, lý
luận cao siêu, cứ loay hoay tìm đủ lý do trừu tượng xa xôi... chứ tôi và
bố anh theo cách mạng, theo kháng chiến rồi theo Đảng hoàn toàn là NHỚ
CỤ HỒ, VÌ CỤ HỒ, THEO CỤ HỒ. Đơn giản thế thôi, CỤ HỒ và NGUYỄN ÁI QUỐC,
cụ đã rửa nhục mất nước cho Việt Nam mình. Và thế là chúng tôi đi theo
Cụ...". Bác M. nói, tôi phải tin. Lớp người trí thức Tây học pha Hán học
như bác và bố tôi, chủ yếu là được giác ngộ dân tộc mà theo Cách mạng
dân tộc, dân chủ mà chuyển giai cấp bản thân khác giai cấp xuất thân,
chuyển thế ứng xử lãng mạn quân tử Tàu (như ông tôi) sang lãng mạn tiểu
tư sản Tây rồi sang lãng mạn cách mạng, với cái gốc rễ tiểu tư sản của
mình...
IV.THẾ HỆ TÔI VÀ ANH EM BÈ BẠN
Tôi
tuổi con Chó, sinh sau Đảng 4 năm, giữa lúc Đảng đang gặp khó khăn của
thời kỳ phục hồi sau khủng bố trắng của Tây. Là con trai út, được mẹ
trực tiếp ôm ấp bú mớn, tôi "bện" mẹ suốt thời thơ ấu và ngay cả ở tuổi
thiếu niên (các anh các chị chỉ được mẹ tôi đẻ chứ không nuôi). Được
nuông chiều, hay bắt nạt và chành chọc với các anh vì cậy có mẹ bênh.
Hay khóc nhè, quà bánh gì cũng đòi hơn. Ông tôi cho là thằng bé hỏng, "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".
Dứt
khỏi vú mẹ, tôi bắt đầu đi học. Từ tuổi lên 5. Đứng sau chót của một
tiểu đội anh chị em đều đi học, tôi "nhập cuộc" khá dễ dàng và khá sớm.
Học theo và học leo với anh chị. Cả tiếng Tây, tiếng ta và chữ Hán.
Trong suốt thời gian học tiểu học ở trường Pháp Việt ngày hai buổi, trừ
thứ năm và chủ nhật. Bố tôi không cho phép bất cứ đứa con nào sao lãng
việc học hành. Ông là người "đốc chiến", bằng quát tháo và roi vọt, bằng
kiến thức cao đẳng Tây pha Hán học của mình. Bài vở nào cũng phải trình
ông trước khi đến trường. Bài tập ông xem. Bài học thuộc lòng tiếng Tây
phải đọc cho ông nghe trước... Bởi vậy, sức học ở trường của anh chị em
tôi chỉ được phép chấp nhận từ khá trở lên. Hai năm đầu tôi học lẹt
đẹt, vì còn non tuổi, lại nhớ mẹ và ham chơi. Đến lớp ba, thì tôi đã
"đứng" được và bắt đầu giật giải thưởng. Và đến trước Cách mạng, tôi tốt
nghiệp tiểu học hạng ưu, thiếu một tuổi. Về sau thì tôi nhớ ơn bố, nhớ
ơn anh chị và đã được sống trong không khí một gia đình "có học" (và chỉ
biết có học). Nhà đầy sách Tây, Tàu, ta, sách giáo khoa, anh chị em tôi
truyền lại cho nhau sách truyện đủ loại, từ nghiêm chính đến tạp nham,
từ tiểu thuyết diễm tình đến trinh thám kiếm hiệp. Anh "ngốn" thì em
cũng "ngốn". Tôi cả gan ngốn các truyện "La Petite Chose", "David
Copperfield"... Anh cả tôi học thi trung học bằng cuốn "Việt Nam Sử
Lược" của Trần Trọng Kim, "Việt Nam Văn học Sử yếu" của Dương Quảng Hàm.
Tôi "ngốn" cả hai cuốn sách đó vào trong cái bụng tiểu học của mình,
đọc thuộc lòng vanh vách từng đoạn làm anh em "lè lưỡi"... Có lẽ niềm
ham mê văn sử của tôi bắt đầu từ đó!
Các
chị tôi học xong trường Đồng Khánh thì lần lượt đi lấy chồng, chẳng ai
học lên tú tài cả. Các anh tôi, người thì học trường Bưởi, người thì học
trường Đỗ Hữu Vị (Nguyễn Trãi ngày nay). Tôi học trung học được một năm
thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ.. Cả gia đình
"tản cư" xuống khu III, về quê và tiếp tục học trong kháng chiến. Năm
1950 Tây chiếm hết khu II, và từ đó gia đình tôi mỗi người một ngả...
Các anh chị tôi vào bộ đội. Tôi theo chị cả vào xứ Thanh, tiếp tục đi
học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chị tôi theo chồng lên Việt
Bắc. Thế là còn trơ lại một mình tôi giữa xứ Thanh xa lạ, khi chưa tới
18 tuổi đầu! Bố mẹ tôi ở lại hoạt động trong vùng hậu khu địch khu III.
Thỉnh thoảng lắm, tôi mới được gặp bố mỗi khi ông vào Thanh học những
lớp trường Đảng ngắn ngày, hay họp hành gì đó. Ông nhờ cán bộ vào hoạt
động nội thành Hà Nội mua cho tôi một cặp kính (tôi bị "loạn thị" bẩm
sinh) và các sách toán lý bằng tiếng Tây (ngoài vùng "tự do" thiếu sách
nghiêm trọng). Có lần ông đem cho tôi cái áo len mẹ đan và mảnh vải nhựa
mẹ mua làm áo tơi mưa, còn tiền thì gần như không, vì ông làm cán bộ
khu, chỉ được lĩnh phụ cấp mấy chục cân... Chị cả tôi ở Việt Bắc, làm y
sĩ, thương cậu em út đột ngột bị đứt gãy cuộc sống gia đình vô tư lự và
bị "quẳng" vào đời một thân một mình, có lần nhờ được chú cán bộ trung
ương từ Việt Bắc vào Thanh công tác cho tôi một vạn đồng "tiền tài
chính" (có thể ăn được vài tháng) và mấy quyển truyện Liên Xô đã dịch ra
chữ Pháp "Ngôi Sao","Bão Táp", "Những người Xô Viết chúng ta"... Cả tiền và sách đều quá quý giá với xứ Thanh đương thời...
Tôi
phải định hướng cuộc sống tự lập xem ra còn "chín sớm" giữa vùng "tự
do" khu Bốn. Thiệt là may, hồi ấy xứ Thanh còn giữ truyền thống nhà nông
dân khá giả nuôi thầy giáo để dạy học thêm cho các con; hoặc một nhà,
hoặc vài nhà chung nhau nuôi một thầy. Tôi cầy cục kiếm được một nơi
nhận nuôi cơm và dạy vài đứa trẻ học tiểu học. Ba năm, cũng phải chuyển
chỗ ngồi dạy học tới mấy lần. Vô tình, tôi lai "trở về" với "mô hình"
của ông tôi ngày trước hay gần như thế, chỉ khác là ông tôi dạy và học
chữ Hán, còn tôi dạy và học chữ ta. Tôi vừa dạy học nuôi thân vừa tiếp
tục đi học lớp 8, lớp 9 theo chương trình "cải cách giáo dục" của ta.
Lúc đầu thì còn học ban ngày, sau phải học đêm để phòng tránh máy bay
địch dường như ngày nào cũng đánh phá vùng tự do khu Bốn của ta.
Không
hiểu sao, một đứa bé duy cảm lần đầu tiên xa nhà như tôi lại bỗng nhiên
trưởng thành và định hình được cuộc sống. Cố nhiên là nhờ cách mạng.
Một người bạn anh chị tôi, bí thư chi bộ trưởng trường phổ thông trong
những năm ấy, vừa là thầy, vừa là anh, chăm sóc tôi, nhất là "phần hồn".
Anh hướng dẫn tôi hoạt động hiệu đoàn, tham gia Hội Nghiên cứu Chủ
nghĩa Mác, rồi vào Đoàn Thanh niên cứu quốc.... Bạn bè xứ Thanh và bạn
bè khu III tản cư vào cùng học cũng giúp đỡ an ủi tôi nhiều. Tôi bắt đầu
có nhiều bạn. Và cho đến nay vẫn giữ cái thú thích giao du rộng, dù có
người chê bai tôi "quảng giao" quá hóa "tạp giao"!
Những năm đầu thập kỷ 50 là thời kỳ "trăng mật" của tình bạn, tình đồng chí...
Chúng
tôi cùng học, cùng tự học và cùng hoạt động trong trường, ngoài xã hội
với một ý thức tự giác và nghị lực phi thường. Tuổi trẻ đắm say, đam mê
mọi việc, học quên chết, làm quần quật, mỗi khi không có ai nhận nuôi
ngồi dạy học, tôi phải đi kiếm củi, gánh gạo thuê, kỷ lục gánh 50, 60 kg
từ rừng về nhà, xa 15 - 20 cây số.
Tôi
tự học theo sách Tây hết chương trình toán học đại cương và xin thi vào
trường Dự bị Đại học, ngành toán lý. Ngối chưa ấm chỗ đùng một cái có
giấy của bố tôi từ khu III gửi vào bảo ra cơ quan khi ở bên đường 12 gần
Nho Quan làm thủ tục đi học xa, vì bố tôi có "tiêu chuẩn" được xin cho
một con được đi học nước ngoài. Tôi suy nghĩ (thời đó gọi là "đấu tranh
tư tưởng") rồi quyết định không đi. Dại dột làm sao, tôi lại nói với bạn
bè điều đó, bảo là mình "không cần" bám vào tiêu
chuẩn của bố. Việc đến tai giáo sư Trần Văn Giàu, giám đốc nhà trường.
Ông gọi tôi lên bảo: "Ừ chú khá đấy! Nhưng như thế thì Đảng điều chú
sang học văn khoa, vừa học vừa tham gia Thường vụ hiệu đoàn!". Ông là
người rất thương, rất quý học trò (đến bây giờ ông đối với tôi vẫn rất
thân thiết), nhưng khá độc đoán, nóng nảy, người dưới khó ai dám cãi
lại.
Vì sợ ông
và cũng vì "tự ái" nữa, tôi cúi đầu không cãi nửa lời ra về, tự bảo "Thì
học văn khoa cần quái gì". Ở phổ thông tôi học khá đều các môn học,
thậm chí còn được coi là giỏi văn là đằng khác. "Cóc cần, học gì chả
được, làm gì chả được" là ý chí luận của tuổi trẻ luận hồi đó.
Và
thế là tôi được học những ông thầy cực tốt, những học giả có tên tuổi:
Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường... Và lớp
chúng tôi nói chung đều "nên người".
Tôi trở thành "chính tôi" là từ dạo đó...
(1988)
13. Dân gian và bác học
Thường
trong văn chương, nghệ thuật, trong văn hóa nói chung, người ta thường
hay phân biệt ra cái gọi là Dân Gian và thể đối lập của nó là Chính
Thống hay Thống Trị, Bác Học v.v...
Từ lâu rồi, một nhà dân gian học (folkloriste) (1) Pháp đã đưa ra cái định nghĩa giản dị kiểu ex-contrario:
"Là Dân Gian cái gì không phải là Chính Thống"
(Est populaire, ce qui n'est pas officiel)
Về
mặt lịch đại, người ta cho rằng những nền văn hóa nguyên thủy, đại thể
là vào thời đại Đồ Đá trong Khảo cổ học là những nền văn hóa nguyên hợp,
là tài sản chung của cả cộng đồng, là những vỉ xã hội, chẳng hạn như
các nhóm địa phương, các thị tộc, hay bộ lạc.
Kể
đến thời kỳ phát triển cao hơn, đại thể là từ thời đại kim khí, đồ đồng
đồ sắt trong khảo cổ học thì, theo với sự phân hóa, phân tầng xã hội
cũng nẩy sinh trong văn hóa cái hiện tượng được gọi là lưỡng phân văn hóa (2).
Từ
đây, đặc biệt là từ khi xuất hiện Nhà Nước, trong một quốc gia hay dân
tộc có tầng lớp thống trị và những kẻ bị trị thì cũng có hai nền văn hóa
riêng, một dòng thống trị và một dòng bị trị, hay dòng dân gian...
Ở
Việt Nam, trong mấy chục năm sau, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa
Marx-Lénine, mỗi khi đề cập đến vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, được coi là
cốt lõi của văn chương, nghệ thuật, văn hóa, Giới học giả Việt Nam
thường xuyên trích dẫn ít nhất là hai luận điểm này của Mác:
- "Ý thức hệ thống trị một thời đại là ý thức hệ của giai cấp thống trị". (3)
và của Lenin:
- "Trong một nền văn hóa dân tộc, có hai nền văn hóa, nền văn hóa của giai cấp thống trị và nền văn hóa dân gian".
Luận điểm này mới thọat nhìn hoặc là nhìn chung chung, thì xem ra có vẻ như không có vấn đề gì.
Nhưng
thói thường các môn đệ Marxistes - Léninistes không học hành đến nơi
đến chốn thì hay trích dẫn cắt xén ý kiến của các vị đạo sư hay là rơi
vào chủ nghĩa giáo điều, đẩy tư tưởng của các vị đạo sư tới chỗ tuyệt
đối và trở nên phi lý.
Người ta hay
tụng "kinh Mác-xít" rằng: "Vạn vật là mâu thuẫn", nhưng, như giáo sư
Trần Đức Thảo đã vạch ra trong một bài viết gần đây (4), rằng theo tư
tưởng của Marx, thì mỗi sự vật và hiện tượng là sự mâu thuẫn và hòa hợp
của hai mặt đối diện.
Một thời gian
dài, người ta chỉ nói đến mâu thuẫn xã hội, mà không nói đến hòa hợp xã
hội, e như vậy là nói đến "hòa hợp giai cấp", và như vậy là đi ngược với
lý thuyết giai cấp đấu tranh, "mất lập trường" (lập trường vô sản)!
Bởi vậy người ta không (hay là ít) nói đến cái con người nói chung, hay là cái chung của con người, cái xã hội nói chung, hay là cái chung của xã hội. Người ta muốn tìm cho ra ở bất cứ hiện tượng xã hội, ý tưởng xã hội nào cái "dấu ấn của giai cấp".
Chỉ
có con người giai cấp, không có con người nói chung. Chỉ có văn hóa của
một giai cấp nhất định, không có cái văn hóa chung của con người - nhân
loại. Trần Đức Thảo cho rằng đó là tư duy Marxiste (5).
Thế
nhưng, khi triển khai nghiên cứu thực tiễn lịch sử văn hóa - xã hội
Việt Nam, một số học giả Việt Nam đã nhận ra những cái khác biệt, khó mà
khuôn vào những luận điểm nói trên.
Hình
như trong tư duy văn hóa cổ truyền Á Đông, người ta không muốn nhấn
mạnh đến sự "ĐẤU" (struggle) mà nhấn mạnh sự "HÒA" (harmonie, Trung Hoa:
和; Việt Nam: Hòa; Nhật: wa). Người ta xuất phát từ một nguyên lý biện
chứng nguyên sơ là thuyết ÂM DƯƠNG. Âm và Dương có mâu thuẫn, như ánh
sáng và bóng tối, mà cũng có hòa hợp, như một ngày có ngày và đêm.
Lão Tử nói: "Nhất Âm nhất Dương vị chi đạo" (Đạo Đức Kinh).
Âm
- Dương hòa hợp, như Trời Đất, như Vợ Chồng. Trời đất có hòa hợp, thì
công việc đồng áng mới thuận. Vợ Chồng có hòa hợp, thì hạnh phúc đi tìm
mới được bảo đảm. Dân gian Việt Nam nói:
"Thuận Vợ thuận Chồng, tát biển Đông cũng cạn".
Trong
một làng, cái không gian xã hội cơ sở của người Việt Nam sau gia đình
và bao gồm các gia đình, thuở trước có phân biệt giàu/nghèo, sang/hèn,
nhưng vẫn có hòa điệu và cái triết lý "sống ở làng" cơ bản của người
Việt Nam là:
"Hòa cả làng" (6)
Cho
đến cái không gian xã hội cực đại (macro society) của người Việt Nam
ngày trước, là NƯỚC thì, do nhiều lý do địa lý lịch sử - như nước nhỏ
đứng trước cái khắc nghiệt của tự nhiên mưa nắng thất thường, lũ lụt,
bão tố... và trước áp lực thường xuyên, khi tiềm ẩn, lúc hiển lộ của nạn
bánh trướng, ngoại xâm phương Bắc v.v... Cộng đồng Việt Nam cũng sau
nhiều đau khổ nghiệm sinh, điều chế ra thế ứng xử Hòa Hợp và Hòa Giải:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
"Nhiễu đình phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng..."
NHÀ
- HỌ - LÀNG - NƯỚC, đó là cái phổ hệ xã hội của một Việt Nam cổ truyền,
có phân biệt mà cũng có hòa hợp, y như quang phổ, tuy phân tích ra thì
có 7 mầu song chung lại nơi ánh sáng trắng mà thôi. Trong tâm thức dân
gian, làng xóm như cái gia đình mở rộng và Nước như một cái làng lớn.
Cho nên ngôn ngữ xã hội vẫn là ngôn ngữ kiểu gia đình.
Khi
người Việt Nam, từ bậc đại sĩ phu công hầu khanh tướng triều đình Thăng
Long Kẻ Chợ cho đến người dân thường "kẻ quê" làng xóm, nhớ lại và nghĩ
suy về thời Cổ Việt họ Hồng Bàng, thì đâu họ có
nhắc đến vua Hùng, Lạc Hầu, Lạc tướng, phụ đạo, mị nương, hiền, xảo xứng
v.v... như mấy vị sứ giả đáng kính ở Viện Sử Học Việt Nam quan niệm
"duy lý sự" nào là chủ nô, nô lệ, quý tộc/ bình dân v.v... mà là chỉ
nhắc đến câu chuyện "trăm trứng nở trăm con" sinh ra "cùng một bọc (đồng
bào), ai ai cũng là con cái của Mẹ tiên Âu Cơ và Bố rồng Lạc Long Quân.
Có vua có tôi thật đấy, nhưng mà "vua tôi cùng cầy, không đắp bờ chia
ranh giới" (Ngô Thi Sĩ, Đại Việt Sử Ký) hay vua tôi cùng đi săn, được
mồi chim thú thì cùng nướng ăn chung, vua được hưởng hơn chăng là cái lá
gan quả cật... (truyền thuyết dân gian). Họ chỉ nhớ đến chuyện chàng
trai họ Chữ làm nghề chài cá, hai cha con chung nhau một chiếc khố ấy
thế mà vẫn sánh duyên cùng công chúa con vua Hùng, nàng mị nương Tiên
Dung nhan sắc đẹp như tiên v.v... Nếu một cô "mị nương" ở lầu Tây nào
đó, tuy mê tiếng sáo chàng dân chài Truơng Chi trên sông Tiêu Tương xứ
Bắc, nhưng lại chê bỏ chàng để sau đó câu chuyện trở thành "tình hận",
thì chẳng qua vì chàng "xấu xí", chứ đâu có phải như lời tân nhạc thế kỷ
XX "trách ai khinh nghèo quên nhau, đôi lứa bên giang đầu".
Người
Việt, đất Việt ra khỏi thời Bắc thuộc ngàn năm ở đầu thế kỷ thứ X. Như
nhiều sử gia Việt và kể cả nhà Việt Nam học Mỹ Keith W.Taylor đã nhận
xét: Những thủ lĩnh của phong trào phục hưng quốc gia KÊ VIỆT (tên chữ
là: ĐẠI CỒ VIỆT) phần lớn xuất thân bình dân chứ đâu phải dòng dõi cao
sang quyền quí cự tộc ở cuối thời Bắc thuộc. (7)
Vua Việt thế kỷ X đầu tiên xưng ĐẾ la Đinh Tiên hoàng đế thì tuy có vẻ "con quan":
Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,
Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư.
(Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca)
nhưng
mà là con vợ bé (8), lại sóm mồ côi bố, mẹ họ Đàm người Điền Xá (Hoa
Lư, Ninh Bình) mang con ở trong "động" Hoa Lư cạnh đền Sơn Thần (thần
núi), và cùng trưởng thành lên từ đứa trẻ chăn trâu, qua loạn lạc và dấn
thân trong loạn lạc và "trừ loạn" mà trở thành Vạn Thắng Vương rồi Đại
Thắng Đinh Hoàng Đế. "Chính Sử" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) còn chép
chuyện Đinh Bộ Lĩnh trong lúc chưa gặp thời còn phải lặn lội xách giỏ
tre đi bắt cá ban đêm mưa gió ở cửa biển Giao Thủy xứ Nam.
Vậy
đâu là sự tách bạch giữa một người con quan thuộc giai cấp "thống trị"
theo ngôn từ mác-xít với một kẻ mạt hạng chăn trâu, chài cá... Ông là
một người bình thường "mà phi thường" do đó làm nên.
Tiếp
vua Đinh và triều Đinh (968 - 980) là Lê và triều Lê (980 - 1009). Gốc
tích và lai lịch Lê Hoàn thì còn có phần chưa rõ, cuốn sử này (Đại Việt
Sử Lược) chép là người Trường Châu (Hà Nam Ninh Bình cũ), truyền thuyết
địa phương này nói là người Bảo Thái (huyện Thanh Liêm, Hà Nam cũ, nay
thuộc Hà Nam Ninh) cuốn sử khác (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) chép là người
Ái Châu (Thanh Hóa), truyền thuyết địa phương khác nói là người Trung
Lập (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa)... (9)
Nhưng
truyền thuyết nào cũng nói Lê Hoàn xuất thân nghèo khổ, cha đi kéo vó
đêm bị hổ vồ tha vào rừng ăn thịt mất, chính sử nào cũng nói Lê Hoàn mồ
côi cha từ thuở lên 3, đi ở làm con nuôi cho một nhà quan nhỏ họ Lê,
phải xay thóc, giã gạo trong đêm trường.... Lớn lên gia nhập đội quân
của Đinh Liễn, con trai cả Đinh Bộ Lĩnh, từ anh binh bét qua loạn ly
đánh chác mà trở thành ông tướng 10 đạo quân (Thập Đạo Tướng Quân).
Với
những ông vua Đinh Lê xuất thân "dân dã" như thế thì ta chưa thể nói
được rằng đã có sự "lưỡng phân văn hóa" giữa triều đình Hoa Lư và làng
quê dân gian Đại Cồ Việt. Lời sớ của Tông Cảo, sứ giả nhà Tống sang Hoa
Lư triều Lê Hoàn (được chép lại trong Văn Hiến Thông Khảo của Mã Đoan
Lâm - MaTuanLin - đời Nguyên) (10), cho dù có trừ đi cái nhìn kỳ thị của
kẻ đại diện "Thiên Triều" thì cũng bộc lộ vẻ "quê mùa" của triều đình
Hoa Lư, từ kiến trúc cung đình đến ứng xử vua quan... Vua Lê đất Vệt có
cưỡi ngựa, có áo mũ tề chỉnh ra bến đò Hoàng Long Giang đón sứ Tống thì
miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu và khi chiều tới thì, trước mặt sứ Tống, ông
vua ấy cũng vứt hết áo mũ tất hia, cởi trần, xắn quần xách đinh ba
xuống sông đâm cá!
Và chính sử nước
Việt có chép đến ngày kỷ niệm sinh nhật nhà vua thì sinh hoạt văn hóa
Hoa Lư ngày lễ long trọng ấy cũng không có gì khác hơn là cảnh đua
thuyền, vốn vẫn là một sinh hoạt văn hóa dân gian.
Cho
đến đời Lý, triều đình đã dời đô từ Hoa Lư thung lũng hẹp ra Đại La giữ
đồng bằng sông Nhị và đặt tên là Thăng Long. Về gốc tích họ Lý, đời
Trần bị đổi thành họ Nguyễn, người Đình Bảng (Bắc Ninh cũ), Sách Đại Nam
Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục hay sách Thiền Uyển Tập Anh chép truyện
thiền sư Định Không (868) có nói ông vốn dòng họ Nguyễn (tức Lý) "nối đời làm một dòng họ có thế lực"
(11). Anh em thiền sư Vạn Hạnh, Khánh Vân cũng như Lý Công Uẩn đều
thuộc dòng họ này. Điều đó khiến ta nghĩ như kiểu "mác-xít" rằng: Lý
Công Uẩn thuộc thành phần quý tộc, địa chủ, "cường hào"...?
Nhưng
các chính sử (12) đều im tiếng về ông bố thân sinh vua Lý, cho dù sáu
này khi lên ngôi rồi, Lý Công Uẩn có suy tôn cho cha là Hiền Khánh
Vương. Còn truyền thuyết dân gian, mà có sách sử cũng dựa vào, thì bảo
rằng mẹ vua, bà Phạm thị là một bà "hộ chúa" ở chùa Tiêu Sơn, đi qua
rừng, bị đười ươi nhảy ra ôm ấp mà có mang rồi sinh ra vua. Truyền
thuyết dân gian địa phương do tôi sưu tầm tại chỗ, thì cho rằng bà "hộ
chúa" này đã "ngủ" với sư Vạn (Vạn Hạnh) mà có mang. Sư phải "đuổi" bà
này sang chùa Tam Sơn không chịu mang tiếng "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ" nên
không chứa chấp, bà Phạm thị phải về chùa Đình Bảng của sư Văn (Lý Khánh
Văn, em sư Vạn Hạnh), sinh ra Lý Công Uẩn ở ngoài tam quan (cửa) chùa
(chùa "Dận"). Sư Văn nuôi 3 năm rồi trao đứa trẻ này cho sư Vạn nuôi và
dậy dỗ...
Với triều Lý, và với Thăng
Long, từ đầu thế kỷ XI đã có một nền văn hóa cung đình. Nền văn hóa này
được xây dựng trên nền tảng văn hóa dân gian Việt cổ truyền, được tích
hợp vào với những ảnh hưởng Trung Hoa từ Hán - Đường và nhất là những
ảnh hưởng văn hóa mới của Chămpa, xứ sở "Ấn Độ hóa" ở phía Nam. Chính
cái chất Chămpa của kiến trúc Lý (chùa tháp), của âm nhạc vũ đạo (Chiêm
thành âm và các apsàras Lý chạm trên gỗ, đá...) đã làm cho văn hóa cung
đình Lý được nâng cao đột khởi và khác biệt so với văn hóa dân gian cổ
truyền khiến trong một chừng mực nào đó, người ta đã có thể nói đến một
nền văn hóa dân tộc dưới thời Lý. Nhưng đó lại là một chuyện văn hóa học
đi xa khỏi trọng tâm của bài này (và sẽ được triển khai ở một luận văn
khác).
Điều cần chú ý là các vua đầu triều
Lý là những vua thân dân, gần gũi và thông cảm với dân chúng, như việc
vua thần cầy ruộng, hay đi xem dân gặt lúa v.v...
Các
vua Lý - cũng như Trần, lại là các vị vua sùng Phật mà dân cũng sùng
Phật, có nghĩa là tôn giáo và đời sống tâm linh từ cung đình đến dân
gian là giống nhau. Mà như mọi người đều biết, đạo Phật, nhất là Thiền Tông, chủ trương sự bình đẳng: "Chúng sinh đều có Phật tính" (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Saddharma Pundarika Sutra).
Thế
cho nên dưới thời Lý và trước đó lâu nữa va sau đó, trong chừng mực có
liên quan đến chủ đề của bài này, tôi xin đưa ra hai thí dụ:
1.
Thí dụ thứ nhất về chủ đề HOA SEN. Chắc chắn đây là một chủ đề Phật
Giáo, bắt nguồn từ Ấn Độ. Từ đầu công nguyên, các sư Ấn theo truyền
thống buôn sang truyền bá đạo Phật (và lẫn lộn cả những tín ngưỡng Bà La
Môn) ở Giao Châu. Xây chùa dựng tháp và đã du nhập nhiều giống cây mới,
trồng trong khuôn viên của nhà chùa rồi phổ biến dần trong dân chúng.
Theo Nam phương Thảo Mộc Trạng (của Kế Hoàn, đời Tấn, thế kỷ III), Hồ
tăng đã mang tới Giao Châu những loại cây hoa như hoa nhài (lài) và hoa
bóng nước.
Trong một bài viết trước
đây (13), tôi đã chứng minh rằng tên nhiều loại cây, hoa trong tiếng
Việt là bắt nguồn từ tiếng Sancrit hay Pali, chẳng hạn mít (paramíta),
nhài hay lài (thế kỷ XVII phát âm miài) (mơlika). Sen trong tiếng Việt
hay Liên trong tiếng Hán Việt cũng vậy (sengora).
Đào
khảo cổ ở Luy Lâu (1982), tôi và đồng nghiệp đã phát hiện được nhiều
đầu ngói ống có hình tượng trưng hoa sen, có niên đại khoảng thế kỷ III -
VI. Đây là thủ phủ của Sĩ Nhiếp (187 - 226), đây cũng là nơi có những
ngôi chùa cổ nhất ở đồng bằng sông Nhị từ đầu Công nguyên. Từ thời Lý,
Sen là một đề tài trang trí phổ biến trong các chùa chiền nước Việt.
Tiêu biểu độc đáo nhất là ngôi chùa Một Cột mà hình tượng kiến trúc là
đóa sen khổng lồ, nở giữa hồ nước, trên đó một tòa thiền tự với tượng
Phật vàng.
Biểu tượng HOA SEN bắt
nguồn sâu xa trong truyền thuyết Ấn Độ cong được ghi lại trong Áo NGhĩa
Thư Upanisad (Chandogya Upanisad, chương VIII) và trở thành tượng trưng
cho tinh thần Phật giáo, Kinh Nikaya Angattara viết:
Như bông sen, thanh tao, mỹ miều
Không nhiễm ố với nước đục
Không nhiễm ố với trần đục
Cho nên,hõi Ba La Môn, ta đã Giác!
Và Phật giáo Đại Thừa có cả một kinh mang tên Diệu Pháp Liên Hoa.
Người
bình dân Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu xa của Phật Thiền từ lâu nên cái
tư duy biểu tượng Phật Ấn của hoa sen đã được dân gian Việt Nam diễn đạt
tài tình mà hồn nhiên trong bài ca dao mà cho đến nay bất cứ người Việt
nam nào cũng thuộc nằm lòng:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Đây là một thí dụ điển hình về tư duy biểu tượng Phật Ấn đã được Việt Nam hóa và dân gian hóa.
Mà
đây không phải là một trường hợp riêng lẻ. Cái nhìn mà sự phân tích
tổng thể còn cho phép chúng ta phát hiện được trong lời nói dân gian
Việt Nam nhiều tư duy biểu tượng Phật Ân thâm trầm qua sự truyền bá của trí thức sư sãi vào tư duy dân gian đã trở nên vô thức, hồn nhiên.
Thí
dụ như trạng từ Hằng hà sa hay Hằng hà sa số trong tiếng Việt dân gian
phổ biến có nghĩa là nhiều, rất nhiều. Người dân Việt nói thế một cách
hồn nhiên và từ lâu đã "quên" hẳn nguyên nghĩa. Còn bây giờ người trí
thức ngôn ngữ học hay Phật học thì lý giải về mặt ngữ nghĩa như sau:
HẰNG HÀ: sông Hằng, Gangà ở Ấn Độ.
SA: từ Hán Việt, nghĩa là Cát
HẰNG HÀ SA: nhiều như cát sông Hằng
Trạng từ Việt ngữ Hằng Hà sa bắt nguồn từ Kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra). Lời kinh viết:
"Khi
ấy bồ tát Đại Huệ lại bạch đấng Thế Tôn: "Trong kinh chép Đức Thế Tôn
dậy rằng các đấng Như Lai (Tathagata), quá khứ, hiện tại và vị lai nhiều
như cát sông Hằng. Bạch Thế Tôn, câu ấy có thể hiểu theo nghĩa đen được
chăng hay nó có nghĩa biện biệt khác? Cug thỉnh Đức Thế Tôn giảng giải
cho" (Chơn Pháp dịch theo bản dịch từ Phạn ngữ của Suzuki) (14).
2. Thí dụ thứ hai về phép biện chứng Phật giáo gọi là "Tứ cú phân biệt". Đây
là tinh túy của kinh Kim Cương hay Bát Nhã Ba La Mạt Đa
(Vajrachedika-paramita Sutra) với triết lý thực hiện "Không chấp vào đâu
mà thực sinh cái tâm của mình" (Ưng vô sở trụ như sinh kỳ tâm).
Lôgích biện chứng từ đầu đến cuối là một chuỗi phủ định gọi là "Tứ cú"
(bốn mệnh đề) tùy theo căn cơ của chúng sinh mà diễn giải, tiếp thuL
Hữu nhi bất vô (Có thì chẳng không)
Vô nhi bất hữu (Không thì chẳng có)
Diệc hữu diệc vô (Cũng có cũng không)
Phi hữu phi vô (Chẳng có chẳng không)
Dưới thời Lý Nhân Tông, thiền sư Từ Đại Hạnh có một bài kể về CÓ - KHÔNG như sau:
Tặc hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không vi thủy nguyệt
Vật trước hữu không không
nghĩa là:
Bảo có thì đến một hạt bụi cũng không có
Bảo không thì tất cả cũng là không
Có không ví như nước (phản chiếu) trăng
Đừng chấp có (mà cũng) đừng phủ nhận không
(Cả hai CÓ - KHÔNG không phai thực tại tuyệt đối trường tồn)
Cuộc
đời của thầy Đạo Hạnh, đầy tính phóng túng, huyền bí, đã được huyền
thoại hóa dưới ảnh hưởng Mật Tông và tín ngưỡng thần bí và hồn linh dân
gian và trở thành câu chuyện và diễn xướng dân gian, từ chùa Láng (Yên
Lãng, ngoại thành Hà Nội) đến chùa Thầy (Quốc Oai, Sơn Tây cũ), với
những câu tục ngữ: "Nắng ông Từ (Từ = Từ Đạo Hạnh), mưa ông Lãng (Yên Lãng, quê Từ Đạo Hạnh) (Tháng Ba, ngày hội chùa Láng, là tháng
chuyển tiếp Xuân - Hè, nắng cũng dữ "nắng tháng Ba, chó già lè lưỡi",
mà mưa rét cũng dữ "Rét tháng ba, bà già chết cóng"). Hội Láng, Hội Thầy
là những hội mùa Dân gian Phật giáo nổi tiếng cả một vùng tây bắc Thăng
Long Hà Nội, ca dao dân gian nói:
Nhớ ngày mồng Tám tháng Ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy
Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy. (15)
Câu
chuyện dân gian về thầy Đạo Hạnh đã được ghi lại rất sớm, khoảng Trần -
Lê (thế kỷ XIV - XV), trong Lĩnh Nam Chích Quái. Và một điều kỳ lạ là
cả bài thơ Thiền, bài kệ "Có - Không" diễn giải "tứ cú" của Kinh Kim
Cương của thầy Đạo Hạnh cũng đã đi vào tâm thức dân gian, hồn thiêng dân
tộc, trở thành vài ca dao sau đây mà ở Hà Nội, Việt Nam không mấy ai
không thuộc:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Tuồng như đáy nguyệt lòng sông
Nào ai mà biết có không là gì.
(Có người bảo lời dịch này là của Huyền Quang thiền sư đời Trần, với hai câu sau là "Vầng trăng vằng vặc in sông. Chắc chỉ có có không không mơ màng").
Nhân
chuyện "CÓ - KHÔNG, KHÔNG - CÓ" và tư tưởng Thiền được dân gian hóa
thâm viễn này, những nhà trí thức ngôn ngữ học Phật học lai phát hiện
thêm một điều thú vị: Là ngôn ngữ dân gian Việt Nam, có những từ "phi
hữu phi vô" mà khó có tiếng nào có được trên thế gian này.
Thí dụ như hai từ THÌNH LÌNH và CHỢT.
Chúng
hoàn toàn đồng nghĩa với BẤT THÌNH LÌNH và BẤT CHỢT trong sát na hiện
tại đốn ngộ: Bỗng dưng giác ngộ theo quan niệm của Thiền Tông phương
Nam, với đệ lục tố HUỆ NĂNG (thế kỷ VIII).
Tiếng
Việt dân gian cũng có khi đi vào thế giới vô ngôn của thiền sư VÔ NGÔN
THÔNG, tổ sư của dòng thiền thứ hai của đất Việt, người Việt (820). Thí
dụ như:
LÀM ỒN: Nghĩa là tạo ra âm thanh tức là làm thanh. Nhưng LÀM THANH (THINH): lại có nghĩa là IM TIẾNG (16).
(Đây là một hiệu quả tuyệt vời của cách tiếp cận tổng thể và/ hay liên ngành Phật học, ngôn ngữ học, dân gian học).
Tư
tưởng Phật - Thiền luôn luôn là cây cầu nối của văn chương nghệ thuật,
văn hóa dân gian và văn chương nghệ thuật văn hóa gọi là "bác học" ở
thời Lý - Trần. Và thực ra là ở cả trước và sau thời kỳ đó nữa.
Tư
tưởng Nho giáo, nhất là cái học từ chương kiểu Tống Nho thì không được
như vậy. Ta thử nhìn lướt lại tình hình Nho giáo Việt Nam xem sao:
Thời
Lý Trần, đường lối tư tưởng chung của vua chúa triều đình là sự phối
hợp và dung hợp, điều hòa và dung hòa "Tam Giáo" (PHẬT, NHO, ĐẠO) cùng
các tín ngưỡng dân giân khác như: Thần Mẫu, hồn linh v.v... kể cả những
ảnh hưởng tôn giáo Chămpa, như việc thờ Đế Thích
(indra), việc thờ Linga-Ionic dưới hình thức tín ngưỡng phồn thực... (sẽ
bàn ở một luận văn khác). Tóm lại một câu: Tinh thần văn hóa Lý Trần là
tinh thần khai phóng, đa nguyên. Điển hình đời Lý, như Lý Thánh Tông,
vừa sùng Phật và lập dòng Thiền tông mới (Thiền phái Thảo Đường), hòa
hợp cả Thiền và Tịnh Độ (thờ Quan Thế Âm Bồ Tát ở chùa Một Cột, lại lập
Văn Miếu thờ Khổng Tử. Hay như Lý Nhân Tông, vừa ca ngợi Thiền, vừa ca
ngợi đạo sĩ:
Giác hải tâm như hải
Thông huyền đạo hựu huyền
Thông huyền kiêm biến hóa
Nhất Phật nhất thần tiên
(Giác Hải tâm như biển
Thông huyền đạo cũng huyền
Thần thông kiêm biến hóa
Một Phật một Thần Tiên)
Một Phật một Thần Tiên... và ở giữa, là Vua! (17)
Đời
Trần cũng vẫn vậy, vẫn kế tục đời Lý mở các khóa thi Tam Giáo. Trần
Thái Tông đã trình bầy cái triết lý phối hợp Tam giáo ở sách Khóa Hư Lục
và cả đời ông vua này là sự thực hiện và nghiệm sinh cái hệ thống tư
tưởng vừa "nhập thế" vừa "xuất thế" của mình:
"Vị minh nhân vọng phân Tam Giáo
Liễu đắc để đồng vị nhất tâm"
(Khóa Hư Lục)
(Người
chưa sáng tỏ - chân lý - mới chia bừa, phân biệt Tam Giáo (chứ) thấu
hiểu đến cùng thì đều đạt đến cái TÂM duy nhất) (18).
Sang
thời Lê rồi thời Nguyễn, triều đình vua chúa trở nên độc tài hơn về mặt
tư tưởng, chỉ muốn độc tôn Nho học, lấy Nho giáo làm tư tưởng chính
thống. Thì quả thật từ đấy trong nước hiện ra cảnh lưỡng phân văn
hóa,hiện ra hai trào lưu tư tưởng: tư tưởng khai phóng và tư tưởng bế
quan. Trào lưu khai phóng là dựa vào Tam giáo. Trào lưu bế quan, chịu
ảnh hưởng Tống Nho đã trở nên "cuối mùa" ở Trung Hoa, độc tôn Nho giáo
và có xu hướng bài bác Phật Lão, xếp vào dị đoan.
Song
ý muốn là một chuyện mà thực tế lại là chuyện khác. Lê Thánh Tông độc
tôn Nho nhưng bà vợ ông ta muốn có con vẫn đi chùa "cầu tự". Và vị trạng
nguyên Lương Thế Vinh của thời Hồng Đức thấy vua độc tôn Nho thì ông
vẫn viết các khóa văn lễ Phật, thấy vua cấm hát chèo "vì hay châm biếm
người trên" (Toàn thư) thì ông viết cả một cuốn sách về chèo (Hí Phường
Phả Lục). Trước đó nếu ta đọc Nguyễn Trãi, ta vẫn thấy cả Nho cả Phật cả
Lão trong tư duy sáng tác của ông. Những nhà Nho khai phóng thì vượt
qua Tống Nho mà "trở về" với Khổng Nho, và đường lối tư tưởng Khổng "mềm
dẻo" hơn với đạo Trung Dung, nhấn mạnh TRUNG:
"Trung giả dã, thiên hạ chi đại đạo dã"
(Trung là cái gốc (đường lối) của thiên hạ)
Và nhấn mạnh HÒA:
"Hòa giả dã, thiên hạ chi đạt đạo dã"
(Hòa là cái đạt đạo của thiên hạ)
Nhà
bác học Lê Quí Đôn đã có cái nhìn, nhận xét tổng quát, thống quan về
những thế kỷ độc tôn Nho giáo cuối cùng là suy bại tư tưởng, suy đồi đạo
đức, hư hỏng trí thức:
"Hồi quốc
sơ (đầu triều Lê) sau thời nhiễu nhương nhà Nho thưa thớt. Những người
làm đến chức Thị, Tụng thần như các ông (Nguyễn) Thiên Tích, ông Bùi Cầm
Hổ đã rực rỡ khí phách anh hào, lại sẵn lề can đảm, dám nói. Những
người mến thủ lâm tuyền như ông Lý Tử Cấu, Nguyễn Thi Trung đều một niềm
giữ tiết thảo trong sạch, không chút lòng mơ tưởng giầu sang. Đó là một
thời kỳ (thời kỳ phát triển "trong sạch" của Nho giáo).
"Trong
khoảng thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông 1470 - 1497), mở đường khoa mục
thành long trọng để kén nhân tài. Học trò bảo nhau thiên về mặt văn hay,
chỉ cốt thêu chạm lời phú, câu thơ cho đẹp, hầu mong lấy bảng cao, chức
trọng cho sang, còn phần khí tiết khẳng khái thì đã cảm thấy tan tác,
hủ suy.
Nhưng vì đường sủng vinh rộng
mở thì cách khóa lệ cũng nghiêm, có điềm tĩnh thì tự nhiên được cất
nhắc, kẻ chạy chọt cầu cạnh, chạy chọt thì bị cách, phạt. Bởi vậy người
làm quan bấy giờ ít bon chẹn. mà thiên hẹ còn biết quí danh nghĩa.
Đấy lại là một thời kỳ nữa. (Thịnh thời Nho giáo, nhưng đã có triệu chứng và mầm suy - TQV)
Từ
thời Đoan Khánh (1505) về sau, lối thanh nghị suy kém quá, thói luốn
cúi ngày thịnh dần. Kẻ quyền vị ít người giữ được lẽ liêm khiết, nhún
nhường, nơi triều đình ít thấy lời dám can ngăn lệnh thiết, gặp việc khó
thì chịu bỏ đẻ khỏi bận bịu, thấy cả nguy thì bán nước để cầu an, đến
bậc gọi là danh nho cũng yên lòng nhận lấy cái vinh sủng bất nghĩa, mà
vẫn còn thi ca đi lại, khoe hay, khoe giỏi với nhau. Phong thái sĩ phu
thật hỏng nát không bao giờ bằng thời này. (Thời kỳ suy bại của Nho giáo độc tôn, TQV)
Sự
tệ hại của cuộc biến chuyển này không thể nói xiết. Tìm trong khoảng
trên dưới một trăm năm quốc sử này, lấy bận đáng gọi là cao sĩ, thì chỉ
được có vài người, như bọn ông Lý Tử Cấu, thật đáng ngán cho những bậc
phong tiết, ít ỏi quá vậy". (19)
Lời
phán xét của bậc đại nho trong cuộc về sự suy đồi tất yếu cả về tư
tưởng nho sĩ và đạo đức quan lại vì sự độc tôn tư tưởng Tống Nho, đã gốc
ngoại lai, lại cuối mùa, theo tôi là một bài học lịch sử lớn cho các nhà lãnh đạo và giới trí thức Mác-xít Việt Nam hôm nay.
Đã
độc tôn thì tất yếu sẽ xa dần. Vì dân gian vẫn sống theo bản năng hồn
nhiên, chất phác, mềm dẻo, thích bình đẳng, phóng khoáng của Phật Thiền
mà không ưa cấp bậc tôn ti, khe khắt của Tống Nho. Giáo sư Cao Xuân Huy
ví người dân Việt và lối sống Việt như NƯỚC (water):
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Ở ao thì ngưng, ở sông thì chẩy....
Và
trên hết, đã là người dân thường thì "mỗi người một tính, một nết";
Tính là do trời sinh (tự nhiên) "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính"; nết
cũng vậy, "đánh đến chết, nết không chừa"... Không bao giờ có một khuôn
mẫu duy nhất cho Tình.
Đã độc tôn, thì tất yếu sinh ta chống đối,
trước hết là những người trí thức có nhân cách. Vì bản chất của trí
thức là sự tự do tư tưởng, tự do tìm hiểu. Vì chân lý, và giá trị, nói
cho cùng, là tương đối.
Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đen ?
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Cớ sao trăng lại chịu luồn đám mây ?
Độc tôn, độc hưởng thì dễ chủ quan rồi bế tắc. Nền minh triết dân gian "khôn ngoan" hơn:
"Làm con trai cứ nước hay mà nói"
Nói nước đôi, đâu phải là cơ hội, mà là tùy thời, tùy chỗ, tùy người. Lúc nói thế này:
Nước lã mà vã nên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan
cũng phải!
Lúc nói thế kia:
Có bột mời gột nên hồ...
cũng phải! v.v... Đây không phải là sự "ba phải", mà lại sự "tùy nghi" thích ứng...
Độc
tôn, sẽ sinh ra bi kịch. Bi kịch cá nhân. Bi kịch xã hội. Bi kịch
Nguyễn Trãi, là bi kịch trung quân mà thân dân, chống độc tài, chuyên
chế. Vì độc tài chuyên chế chỉ đẻ ra sự cúi luốn:
Ai ai đều đã bằng cân hết
Nước chẳng còn có Sử ngư.
Nhà
làm Sử mà uốn cong như lưỡi câu, thì làm sao ghi được sự thực ở một
thời chuyên quyền, độc đoán, vốn không ưa nói thẳng, nói thực kiểu dân
dã:
"Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng"
Nguyễn Trài là NHO, "Cuốc cùn xới xáo vườn chư tử" cũng thích THIỀN:
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương
(Ở trong vườn có ý
Định nói bỗng quên rồi)
(Chơi thăm chùa Tiên Du)
cũng thích cả Trang Lão:
"Ngư điểu vô tình lạc tỉnh thiên"
(chim cá - là giống - vô tình, chúng - vui - với tinh trời).
Thơ
Nôm Nguyễn Trãi tràn đầy những tục ngữ, thành ngữ dân gian (20). Ông
không muốn sự lưỡng phân văn hóa, ông vẫn mong và vẫn là nhíp cầu nối
dân gian va bác học đầu thế kỷ XV.
Chống
đối Nguyễn Trãi thời Thái Tổ, Thái Tông dẫn đến kết cục gãy cầu, tù
ngục và chu di. Chống đối cả chính trị lẫn văn hóa và thất bại.
Chống
đối Lương Thế Vinh thời Thánh Tông có vẻ chí thiên về văn hóa. Vua bài
Phật, ông thích Phật, vua ghét chèo, ông yêu chèo. Ông chuyển bi thành
hài. Tiểu sử ông, sách nào cũng chép: Ông là người "tài hoa danh vọng
tột bực" tính thích khôi hài". Ông trạng Lường bỏ vua, về hưu non, về
với dân, với làng, bỏ mũ đai võng lọng, và lại xuề xòa, quần manh áo cộc, như một nhà nông. Ông vẫn là một cây cầu nối dân gian và bác học ở giữa và cuối thể kỷ XV.
"Tức nước vỡ bờ", đầu thế kỷ XVI, với vua Quý, vua Loa, triều Lê thì sinh loạn.
Loạn Trần Cao đã được nhắc đến nhiều về mặt chính trị nhưng đáng được tìm hiểu về mặt văn hóa (21).
Trần
Cao khởi loạn từ một ngôi chùa: chùa Quýnh Lâm huyện Thủy Đường (Đông
Triều, Hải Hưng ngày nay), một thiền viện nổi tiếng từ đời Trần. Trần
Cao dựa vào lời sấm mà khởi nghĩa. Sấm kỳ phát triển từ Đinh - Tiền Lê.
Đỗ Thích thí Đinh Đinh
Lê gia xuất thanh minh
Cạnh đầu đe hoành tử
Đạo lộ tuyệt nhân hành
(Đỗ Thích giết hai Đinh
Nhà Lê sinh thánh minh
Ganh đua bao kẻ chết
Đường đi người vắng tanh)
Sấm ký (và lời đồng dao mang tính dự báo) đặc biệt phát triển dưới thời Lý, với sư Vạn Hạnh ở Đình Bảng:
Thụ căn điểu điểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa dao mộc lạc
Thập bất tử thành
.....
(Rễ cây thăm thẳm
Vỏ cây xanh xanh
Cây hóa đao rụng
Mười tám hạt thành)
Và sư Minh Không (Không Lộ) ở chùa Keo (Thái Bình):
Tập tầm vông
Có ông Khổng Minh Không
Chữa được bệnh Thần Tông...
Do
đời sống xã hội tự nhiên vô định, mà dân gian rất tin sấm ký. Dựa vào
lời sấm: "Phương Đông có khí sắc thiên tử", một Trần Cao xưng là chất
(huyền tôn) của Trần Thái Tông và là họ bên ngoại của mẹ Lê Thánh Tông,
cùng với con là Cung, mặc áo mầu đen mà nổi dậy cùng với đám quân sĩ
trọc đầu.
Trần Cao còn tự xưng là Đế
Thích giáng sinh. Đế Thích là một vị thần (thần sấm sét) của Ấn Độ giáo,
được các vua Lý Trần sùng phụng (ở Thăng Long có đền Đế Thích, nay là
chùa Vua, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); trước Tết hai ngày cùng triều thần
đến lễ đền Đế Thích (21). Đây là một ảnh hưởng Chămpam và trong quân
khởi nghĩa có ít nhất một người Chăm, sử chép là Đồng Lợi hay Phan Ất.
Về mặt văn hóa và dân gian, đấy là sự phản đối độc tôn Nho giáo của triều đình.
Loạn
nọ kế tiếp loạn kia, kết cục là việc cướp ngôi vua Lê của Mạc Đặng Dung
(1527). Về Mạc Đặng Dung và triều Mạc, tôi đã viết ở những bài khác. Ở
đây chỉ nói thêm đôi điểm:
1/ Mạc từ chối trên thực tế sự độc tôn Nho giáo.
a. Rất nhiều chùa được xây dựng và tu tạo lại ở đời Mạc (nên nhớ Lê Thánh Tông cấm toàn xã hội xây chùa mới).
Rất nhiều quan lại, đại thần, ông hoàng bà chúa Mạc quy y Phật pháp và quyên tiền ủng hộ nhà chùa và việc dựng chùa.
b.
Đạo quân và Đạo giáo lại phát triển trở lại dưới thời Mạc. Tôn giáo này
vốn tích hợp vào lòng nó những tín ngưỡng dân gian. Chỉ cần biết, dưới
thời Mạc, Nguyễn Dữ đã biên soạn cuốn "Truyền kỳ mạn lục", nối tiếp mạch
"U Linh" (Việt Điện U Linh Tập), "Chích quái" (Linh Nam Chích Quái) ở
thời Trần, kể cả chất "thần bí" của Trần Hưng Đạo với "Vạn Kiếp Thông Bí
Huyền Thư".
2/ Sầm Vỹ phát triển đến đỉnh cao ở thế kỷ XVI dưới thời Mạc, với sấm Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Trạng
Trình - Bạch Văn Cư Sĩ, lại là một thể hỗn dung mới phía Nho và Lão
tiếp tục khởi mạch "huyền bí" trong tâm thức dân gian.
Trạng
Trình là một khối mâu thuẫn về mặt chính trị và tinh thần. Ông là bậc
đại nho nhập thế, 7-89 tuổi chưa được về hưu vì vua Mạc trọng vọng và cố
lưu dụng ông, nhưng ông vẫn muốn là mây trắng bay (Bạch Vân) xuất thế.
Ông
là bậc đại quan của nhà Mạc mà không hoàn toàn ủng hộ Mạc (vì Mạc muốn
"phi Nho" và khai phóng). Ông xúi, bảo nhiều nhà nho (Phùng Khắc Khoan,
Lương Hữu Khánh là con cùng mẹ khác cha (Phùng) hay là con của thầy học
(Lương)... bỏ đất Mạc Bắc triều vào xứ Thanh đất Lê phục tích Nam triều.
Ba lực chính trị chống đối nhau lớn nhất ở thế kỷ XVI là Mạc - Trịnh -
Nguyễn đều hỏi ý kiến ông và ông đều "cố vấn" cho họ về hành xử lâu dài,
bằng những lời dự báo mang tính ẩn dụ, sấm truyền (22)... Ông là một
yếu tố tinh thần "ly tâm", một yếu tố "giải tập trung" của nền quân chủ
Nho giáo vốn chủ trương "đại nhất thống".
Ba
thế kỷ XVI-XVII-XVIII, cùng với sự phân liệt chính trị, sự suy đốn của ý
thức hệ Nho giáo, sự phục hồi của Phật giáo, Lão giáo, là sự đua nở của
tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân gian. Thể văn lục bát dân gian (có
sự tham dự tích cực của Nho sĩ, Đạo sĩ, Sư sãi bình dân ở khắp kẻ quê)
ra đời vào thế kỷ XVI, nảy nở và phát triển đến mức tinh tế ở thế kỷ
XVII, XVIII và đầu XIX. Điều này đã được nhiều người bàn tới nhưng xu
hướng chung là chỉ "qui công" cho "dân gian" một cách trừu tượng, xem
nhẹ vai trò sáng tạo của tri thức bình dân, vốn cũng xuất thân từ dân
gian.
Về mặt kiến trúc, điêu khắc, đây
mới thực sự là thời đại của nền "VĂN HÓA ĐÌNH LÀNG" trong khi có thể
gọi văn hóa Lý Trần là "VĂN HÓA CHÙA THÁP" (23). Đây là sự hồi tổ của
loại hình nhà sàn có cội nguồn Indonêsian. Đây là thời đại của "điêu
khắc đình làng" với chủ đề, motifs và phong cách (styles) dân gian "phi
Nho" và "phản phong". Sau 100 năm bị "cấm đoán" vì bị triều Lê xem là
"dâm tục", đạt đến thời kỳ phồn vinh của các loại hình "hát đối đáp nam
nữ" (24): Xoan - Ghẹo - Đúm - Ví - Họ v.v... Trong mấy bài viết gần đây
(25), tôi đã bác bỏ cái khuynh hướng nghiên cứu thiển cận của
các nhà dân gian học Mác-xít Việt Nam, bất cứ loại hình văn nghệ gì
cũng tìm cội nguồn trực tiếp, tự phát từ dân gian (thực ra đây không
phải là khuynh hướng "mác-xít", mà là khuynh hướng "dân túy" (populiste)
kiểu mác-xít.
Tôi muốn nêu lên một cái nhìn tác động giao thoa nhiều chiều giữa văn hóa dân gian và văn hóa "bác học" "thống trị".
Tôi đã bước đầu nêu lên, và kêu gọi sự nghiên cứu tiếp tục của các nhà
chuyên môn hơn, cái chiều hướng "ân gian hóa" của ca nhạc Chàm nơi các
cộng đồng Chàm bị cưỡng bức di cư ra Bắc và định cư tản mát ở xứ Bắc từ
thời Lý Trần.... để biến thành "Quan họ Bắc Ninh", sự "dân gian hóa" ca
múa nhạc cung đình Lê ở thánh đại Lam kính (Lam Sơn, quê hương nhà Lê)
để thành ra "Múa Xuân Phả" xứ Thanh (múa chèo thuyền với người đeo "ặt
nạ" tượng trưng các sứ giả nước ngoài đến triều Lê là sự suy thoái và
dân gian hóa của múa cung đình "Chư hầu lai triều" ở thời Lê).
Ca
nhạc cung đình Mạc sau năm 1592 phải "di tản" lên Cao Bằng và "sống" 3
đời, cho đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, cùng với sự "Kinh già
hóa Thổ" (quá trình Tây hóa người Kinh từ miền xuôi lên), về mặt dân tộc
học, là sự "dân gian hóa" và Tây hóa... để thành các dòng "mo then" với
"đàn tính" được coi là tượng trưng độc đáo của ca nhạc Tây.
Cũng
vậy, cái gọi là "dòng tranh Đông Hồ" ở vùng bến Hồ bờ sông Đuống Bắc
Ninh không có nguồn ngẫu phát dân gian đích thực như các nhà nghiên cứu
mỹ thuật Việt Nam nghĩ xưa nay, mà vốn là sự "dân gian hóa" những "tranh
tết Trung Hoa" địa phương (chủ yếu là miền Quảng Châu, Quảng Đông Trung
Quốc) được đem sang bán ở chợ Việt Nam vào thế kỷ XVII đầu XVIII trong
thời kỳ gọi là "mở cửa tạm thời" của triều Lê Trịnh với sự "đô thị hóa"
chốc lát, mà dân gian đã nêu trong thành ngữ "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì
Phố Hiến". Cũng vậy, vào thế kỷ XVII-XVIII, trước hết ở kinh đô, ở Phố
Hiến và một số thị tứ khác, bên cạnh chiếc "bánh tét" truyền thống gói
tròn (như bó giò) như hiện nay ở Nam Bộ vào dịp Tết, người Việt Nam bắt
chước người Tàu Quảng Đông gói bánh chưng vuông, để thuận theo triết lý
Trung Hoa "bánh dày tròn tượng trưng Trời", "bánh chưng vuông tượng
chưng Đất". Tuyệt đối cái ý tưởng tượng này không hiện hữu ở thời Lang
Liêu Hùng Vương, như truyền thuyết "giả dân gian" (Fake-lore) đã ghi
nhận. (26)
Đây cũng là thời kỳ Tiếng
Việt Kẻ Chợ (Thăng Long - Đông Đô) rồi tiếng Việt miền Bắc (Đàng Ngoài)
tiếp thu từ vựng mới của tiếng Hoa. Lịch sử biến thiên của tiếng Việt,
không phải chỉ chịu ảnh hưởng Hoa chủ yếu của hai thời kỳ HÁN - ĐƯỜNG
như một số nhà ngô ngữ học Việt Nam, trong đó có giáo sư Nguyễn Tài Cẩn
quan niệm. (27)
Nếu cần nói thêm, thì thế kỷ
XVII-XVIII cũng là thời kỳ âm nhạc Hồ Quảng và tuồng Quảng (Quảng Đông)
của Trung Quốc, được truyền bá mạnh sang Việt Nam, qua sự giao lưu gián
tiếp và qua sự du nhập trực tiếp, với sự thành lập các Minh Hương Xá
(các cộng đồng lưu vong người Hoa tránh nạn xâm lược của Mãn Thanh di cư
sang Việt Nam chủ yếu từ các khu vực Mãn Quảng (Phúc Kiến, Triều Châu,
Gia Ứng, Quảng Đông, Hải Nam gọi là Ngũ Bang của người lưu vong Trung
Hoa) và ảnh hưởng mạnh đến sự hình thành và phát triển của các "phường
Bát Âm" dân gian và tuồng chèo dân gian, ở các Đàng Ngoài và Đàng Trong
của nước Việt. Thế kỷ XVII-XVIII như thế, là một thời kỳ phát triển rất
quan trọng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa dân gian nói riêng.
Nêu những luận
điểm văn hóa học và dân gian học nói trên, không phải là tôi "cố tình"
hạ thấp năng lực sáng tạo của dân gian như các nhà học giả "Mác-xít
chính thống" hay "giả mác-xít" nào đó gần cho tôi. Tôi chỉ muốn "trả lại
cho César cái gì của César, trả lại cho Chúa cái gì của Chúa". Ngược
lại, ta có thể thấy cái khả năng dung hóa tuyệt vời của tâm thức và tinh
thần dân gian, biết tích hợp những nhân tố văn hóa cung đình chính
thống và những nhân tố văn hóa ngoại sinh để làm giầu phì nhiêu mảnh đất
văn hóa văn nghệ dân gian.
Cái thế kỷ
XVI với triều Mạc, dù trên trường kỳ lịch sử là một bướ hụt của sự khai
phóng và đổi mới Việt Nam, chính vì bước yếu và bước rụt rè do còn
thiếu một động lực xã hội đủ mạnh, tầng lớp thị dân "phi Nho" ở các đô
thị mới phát triển hay mới nảy sinh, đóng vai trò điều hành xã hội và
làm "chuyển động" khối quần chúng nông dân tản mạn, dốt nát và mê tín,
cho nên bước hụt, nhưng trong chừng mực nhất định vẫn là một sự giải tỏa
dồn nén tâm thức dân gian, sau 100 năm độc tôn Nho giáo, để đạt tới một
thời kỳ phồn thịnh của những khuynh hướng đa nguyên văn hóa - tư tưởng.
Không chỉ có sự phát triển trở lại
của Phật Lão như thời kỳ tam giáo thịnh hành Lý Trần. Một tôn giáo mới
đã ra đời. Đó là ĐẠO NỘI (28) với một thần điện địa phương phong phú
(29) (đa thần) bên cạnh các "thần tự nhiên" cổ truyền (Thần cây đa, Ma
cây gạo), thần núi, thần sông, thần biển, thần đất, thần bếp và các thần
Trung Hoa cảu Đạo giáo dân gian được "địa phương hóa" (Nam Tào, Bắc
Đẩu, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân...), đã xuất hiện các thần dân tộc
lớn nhỏ được phân loại bước đầu, với hàng trên cùng là "TỨ BẤT TỬ":
1/ Thần núi Tản Viên hay Sơn Tinh. Là thần tự nhiên cao cả nhất. Đại diện miền núi non, thung lũng.
2/
Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương. Với quá trình chuyển hóa phức tạp
từ Thần Cây, Thần Đất (Thổ Thần địa phương) chịu ảnh hưởng mạnh của
thần Indra Chămpa - Ấn (Thần Sấm) dần dà kết tụ thành anh hùng chống
ngoại xâm v.v...(Tôi đã có bài nghiên cứu riêng) đại diện nông dân đồng
bằng.
3/ Chử Đồng Tử. Với thế hỗn dung
Tiên Phật, đại diện tinh thần của tầng lớp chài cá và buôn bán ( thần
của dân chài dọc sông Nhị và thần của các lái buôn, ngày trước dùng
đường thuyền). (30)
4/ Liễu Hạnh. Đại
diện Thần Mẫu muôn thuở ("Hằng Nữ" hay "nguồn vô tận nữ tính"... dùng
một concept của Goethe). Đây là "Vân Cát Thần Nữ", một nhân vật rất lạ
lùng của Thần Điện của xã hội Việt Nam, nửa thực (có tiểu sử, ngày tháng
năm sinh, gia đình, làng quê cụ thể), nửa hư (biến hóa khôn lường).
(31)
Liễu Hạnh là đại diện (không duy
nhất nhưng mà nổi tiếng nhất, "tối linh chí linh" (thiêng nhất của các
thần thiêng) của NGUYÊN LÝ MẸ của nền VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM chống
lại NGUYÊN LÝ CHA của văn hóa Nho giáo phong kíến Trung Hoa đã ảnh hưởng
mạnh vào triều đình và tầng lớp trên (kẻ sĩ) của Việt Nam, nhất là từ
thời Lê.
Việc thờ Liễu Hạnh, với 2
trung tâm chính ở xứ Nam (Phi Vân hay Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định) và xứ
Thanh (Đền Sóng, Phố Cát) đã có sức cuốn hút lớn đối với người bình dân
(nhất là phụ nữ chiếm trên 1/2 số dân) ở thế kỷ XVIII. Và việc chính
quyền Lê Trịnh đàn áp và phá đền thờ Mẫu đã gây
nên một cuộc bạo loạn lớn, khiến cuối cùng, triều đình phải ngưng cuộc
đàn áp tôn giáo này và xây dựng lại Đền Mẫu.
Nếu
việc thờ Liễu Hạnh là một sự "trở về nguồn" (Thờ MẸ) của tư tưởng văn
hóa dân tộc dân gian, một sự giải Hoa hóa nền văn hóa Việt Nam, một sự
chống cự xu hướng Hoa hóa, Nho hóa, độc tôn của triều đình Lê Trịnh, thì
trái lại, trong khuôn khổ ĐẠO NỘI, nó lại rất hòa hợp với việc thờ ĐỨC
THÁNH TRẦN (Trần Hưng Đạo), đại diện của NGUYÊN LÝ CHA Việt Nam của
không những người anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâ, (theo nguyên lý
"Sinh vi danh tướng, Tử vi thần" của sự thờ phụng anh hùng Việt Nam, từ
Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Bố Cái, Lý Thường Kiệt,
Trần Hưng Đạo...) mà còn là người anh hùng có văn hóa có phép thiêng
trừ tà (Phạm Nhan) chữa bệnh (bệnh "hậu sản" phụ nữ Việt Nam ngày xưa
hay bị mắc sau khi sanh đẻ, do nhiễm trùng). Về cuối đời, sau chiến
thắng chống Mông Nguyên, Trần Hưng Đạo lui về Vạn Kiếp, viết sách, trồng
thuốc, hái thuốc chữa bệnh cho dân và thăm dân.
Đây
là sự hòa hợp của nguyên lý ÂM DƯƠNG, sự hòa hợp của nguyên lý MẸ và
nguyên lý CHA, được người bình dân Việt Nam khuôn vào đẳng thức sau của
tín ngường dân gian:
"Tháng Tám giỗ CHA
Tháng Ba giỗ MẸ"
(Cha
là Đức Thánh Trần, giỗ vào ngày 20 tháng 8 lịch trăng, cũng là hội đền
Kiếp Bạc, thờ Trần Hưng Đạo, ở xứ Đông (Hải Dương cũ nay là Hải Hưng).
Mẹ là bà Liễu Hạnh, giỗ vào ngày 10 tháng Ba lịch trăng, cũng là dịp hội
Phủ Giầy, thờ Liễu Hạnh công chúa, ở xứ Nam (Nam Định cũ nay là Hà Nam
Ninh. Mùa Xuân dương thịnh thì thờ Mẹ, mùa Thu âm thịnh thì thờ Cha. Đó
là sự hòa hợp lại Âm Dương của trời đất. Thành ngữ dân gian tương ứng
là: "GÁI tháng HAI, TRAI tháng TÁM". Đây là tín ngưỡng dân gian
tuyệt vời độc đáo của người Việt Nam, còn truyền mãi đến ngày hôm nay dù
chính quyền xã hội chủ nghĩa, dưới lý do chống mê tín dị đoan, đã cấm
đoán hội Phủ Giầy và nhiều hội hè dân gian khác hàng mấy chục năm trời.
Những năm cuối cùng của thập kỷ 80, tín ngưỡng dân gian lại thắng sự cấm
đoán của chính quyền, y như đã thắng trước đây ở cuối thế kỷ XVII.
Chính
quyền mới, có vẻ như tôn trọng và đề cao lịch sử trong rất nhiều trường
hợp, đã không học được bài học lịch sử của quá khứ, dù đã có hơn một
nhà sử học vạch ra một lần!
Thế kỷ
XVI-XVII-XVIII, với ĐẠO NỘI, với việc thờ cúng MẪU, và là sự hỗn dung
tôn giáo. Sự sùng bái các lực lượng tự nhiên, được tượng trưng bằng Thần
Hổ của lực lượng núi rừng, được dân gian "kỵ húy" gọi là ông Hùm, hay
ông "Ba Mươi" (ngày 30 hàng tháng theo lịch trăng là "đêm không trăng",
tượng trưng đêm tối hãi hùng, sự tối tăm hay là "vô minh" của danh từ
nhà Phật), và bằng thần RẮN (viễn ảnh của giao long, thuồng luồng trong
tín ngưỡng totemist của người Lạc Việt cổ), được gọi là ông XÀ, thường
được thờ cặp đôi gọi là "Ông CỤT ông DÀI" lấy lại cái biểu tượng
dualist, cái archetype (cổ tượng) từ thời nguyên thủy (32). Sự sùng bái
Thần MẪU được tăng cường từ thời Lý Trần bởi ảnh hưởng Chămpa về Nữ Thần
xứ sở (Yang Po Negara, rất phồn thịnh từ Huế tới Nha Trang miền Trung,
dưới cái tên nửa Hán Việt, nửa Chàm "Thiên Y ara" từ điện Hòn Chén của
Huế đến Tháp Bà Nha Trang, đền Bà Đen, bà Chúa Xứ ở núi Sam núi Sập Châu
Đốc Tây Nam).
Ở đồng bằng Bắc Bộ,
việc thờ thần Mẫu, dưới ảnh hưởng đạo giáo dân gian, được hệ thống hóa
thành "Tứ phủ công đồng" với ba Mẫu Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ, hay có
khi là 4 Mẫu, thêm Mẫu Thượng Ngân, đại diện Rừng Xanh. Mẫu Liễu Hạnh
thường được thờ riêng, hay là được đồng nhất với Mẫu Thiên Phủ. Nói theo
G.Condomines cái không gian xã hội của dân gian Việt Nam bao gồm cả
không gian thực và không gian ảo, không gian của người sống và không
gian của người chết, được quan niệm như một vũ trụ 3 tầng: TẦNG TRỜI -
TẦNG ĐẤT (gồm cả rừng núi) và TẦNG NƯỚC. Cho dù phần lớn người chết Việt
đều được chôn xuống đất, người Việt bình thường, cho đến hôm nay vẫn
còn quan niệm cõi ÂM hay cõi CHẾT có thể là dưới đất (Địa ngục) mà có
thể là dưới nước (sông, suối), như dân gian nói: "Hòn về nơi chín suối".
Đây là một nhân tố văn hóa Tầy Thái cổ, và chết là về nguồn, trở lại
cội nguồn mà cội nguồn phát tích, như ngườ Tầy Thái quan niệm là nơi
chín ngọn sông ngọn suối gặp nhau, cùng bắt nguồn, ở đâu đó Mường Ôm,
Mường Ai miền Tây Nam Trung Hoa (33).
Dưới
ảnh hưởng của bộ máy quan liêu hiện hữu của dương gian trần thế, cái
"cơ cấu quyền lực tinh thần" của thế giới siêu nhiên của Đạo Tam Phủ
cũng là một "cơ cấu quan liêu" bao gồm: bên dưới các Mẫu, là các "quan
lớn", được phân chia "cai quản" các nơi, từ miền núi Tây Bắc (quan lớn
Bảo Hà, Yên Bái Lào Cai, được đồng nhất với một nhân vật lịch sử Tầy
Nùng đời Lý thế kỷ XVI là NÙNG TRÍ CAO), miền núi Đông Bắc ("quan lớn
Bắc Lệ" vùng Chi Lăng Lạng Sơn) đến miền sông biển đến miền sông biển
("quan lớn Tuần Tranh, trên sông Tranh Hải Dương cũ, quan lớn Tuần Vường
(Đại Hoành, Nam Định) Tuần Lĩnh (Yến Lệnh, Hà Nam)... trên sông Nhị...
Và cạnh các quan, là các ông Hoàng, rồi bên dưới là các Cô, các Cậu chầu
hầu Mẫu (34).
Việc thờ Đức Thánh
Trần, thờ Mẫu... được tích hợp những kỹ thuật chamaniste (sa man), được
cho là hiện diện từ thời đại Đông Sơn, "VĂN HÓA TRỐNG ĐỒNG" trước Công
nguyên, được đối chiếu rất uyên bác và có sức thuyết phục bởi học giả
Trung Hoa Lăng Thuần Thanh (35) với Cửu Ca của Khuất Nguyên... và phong
tục đồng bóng lễ bái rất phát triển ở nước Sở (Ch'u) đương thời (thế kỷ
XIV trước Công nguyên), đã tạo nên, vào thời kỳ này của Việt Nam những
thành tựu văn nghệ dân gian đặc sắc gắn bó mật thiết với tôn giáo "đồng
bóng", đó là những điệu múa thiêng được nghiên cứu bởi Jeanne Cuisinier
(36), tranh thờ, được nghiên cứu bởi Maurice Durand (37)), cùng điệu
thức ca nhạc "Chầu Văn" giới âm nhạc Việt Nam hiện đại nghiên cứu thì ít
nhưng khai thác thì nhiều... (38)
Chính
quyền quan liêu thời Lê Trịnh cũng như chính quyền quan liêu xã hội chủ
nghĩa hiện nay đều không ưa các loại hình sinh hoạt văn hóa tôn giáo
dân gian này, đều coi là mê tín dị đoan và đều xem là những yếu tố làm
mất ổn định xã hội. Quan liêu Nho giáo và quan liêu Mác-xít trớ trêu
thay, lại có một điểm chung này: đó là sự "độc tôn", và trái hẳn bản
chất "trăm hoa đua nở" đa nguyên của văn hóa - tôn giáo và đều muốn giữ
gìn sự ổn định quân bình xã hội trên một số giáo điều cứng nhắc.
Thế
kỷ XVI và các thế kỷ tiếp theo, văn hóa, ý thức hệ độc tôn Nho giáo của
tầng lớp thống trị vua chúa, quan liêu còn bị tấn công và lam sói mòn ở
một phương diện khác: đó là sự truyền bá của đạo Thiên Chúa, từ phương
Tây và cùng với các thuyền buôn và các thương nhân, giáo sĩ phương Tây
(và Nhật Bản) vào Việt Nam cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Bài
này không phải là chỗ bàn về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, vốn đã
đựoc triển khai ở nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong,
ngoài nước (39). Nó được phát triển rất yếu ớt dưới nhân quan sử học
Mác-xít trong các công trình triết học và cả trong các giáo trình đại
học, nếu không phải là chỉ được khai thác ở điểm được coi là chính, là "âm mưu của chủ nghĩa thực dân" là sự "dọn đường cho chủ nghĩa thực dân"! (40).
Người
ta cố tình "quên" hay "xem nhẹ" những khía cạnh văn hóa của sự kiện
trọng yếu này. Và đây vẫn là một trong những điểm gây ra sự bất đồng ý
kiến lớn giữa các nhà trí thức Công giáo và trí thức Mác-xít của Việt
Nam. Do chủ đề hạn chế của bài viết này, ở đây tôi chỉ nêu ra một số
điểm mà bên này, Công giáo, hay bên kia, Mác-xít, chưa nhấn mạnh:
1/
Đạo Thiên Chúa, đến thế kỷ XVI, đã phát triển hàng ngàn năm ở phương
Tây và đã trở thành "cũ", thậm chí đã trở thành "bảo thủ", đứng trước
trào lưu "văn hóa phục hưng" (Renaissance) và sau đó các trào lưu "cải
cách tôn giáo", trớ trêu thay, họ lại trở thành cái "mới" trong nhãn
quan Việt Nam. "Có mới nới cũ" là một thói thường tâm lý Việt Nam và
nhân loại (chẳng hạn thành ngữ Pháp: Tout nouveau, tout beau"). Đó là
một điều kiện tâm lý thuận lợi của sự truyền bá đạo Thiên Chúa ở Việt
Nam. Khi người ta đã quá chán nản với lý thuyết "trung quân", "tam cương
ngũ thương", đã ràng buộc của Nho giáo, thì người ta dễ hướng tới cái
lý tưởng "bác ái" của Chúa Jésus Christ. (Cũng như gần đây và giờ đây, ở
Việt Nam và nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác, khi người ta đã quá chán
ngán với những giáo điều "Tổ quốc và xã hội chủ nghĩa là một", "Tuyệt
đối tin tưởng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản" phải "Trung
với Đảng", "Thiểu số phải phục tùng đa số", "Cấp dưới phải tuyệt đối
phục tùng cấp trên" v.v...tức là "đạo phục tùng" y như "đạo tam tòng"
của Nho giáo ngày trước, chứ không phải là đạo "tự do", thì đương nhiên
sau một thời gian bị dồn nén, người ta đã hướng tới "Thế Giới Tự Do", dù
là cũ kỹ ở phương Tây hay người ta "trở về lại" với lý tưởng (dù là ảo)
Bình Đẳng của Phật hay Bác Ái của Gia Tô.
2/
Lại nữa, giáo đoàn Jésuites, gồm những giáo sĩ đầu tiên, hay là chủ lực
quân, truyền bá Đạo Thiên Chúa vào Việt Nam là những người có học,
thông thạo toán, lịch pháp, thiên văn, y tế, lịch sử... nên đã cùng với
đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam nhiều tri thức văn hóa mới. Nguyễn
Văn Tố, người được Lê Quí Đôn nhắc tới trong Phủ Biên Tạp Lục, một người
Việt Nam đầu tiên biết sửa chữa và chế tạo đồng hồ, cũng là một tín đồ
Công giáo. Giáo sĩ Jésuites nổi tiếng là tự do phóng khoáng, cuối cùng
đã "đụng độ" với sự bảo thủ của Vatican và cuối cùng cà giáo đoàn này bị
giải tán...
3/ Từ lý tưởng Bác Ái của
Chúa Jesus thời cổ đại, giáo chức Thiên Chúa Giáo thời trung cổ và cận
đại đã hòa nhập tầng lớp thống trị phương Tây và bênh vực quyền lợi thws
tục của vua chúa phong kiến. Nói như nhà tri thức Công Giáo Việt Nam Lý
Chánh Trung, "Giáo hội của tôi đã biến thành Giáo Hội của người giàu, những người đi áp bức". (41)
Nhưng
thoạt kỳ thủy đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam thì nó lại
được sự hưởng ứng trước hết của những người nghèo, trước hết là dân
chài, những người bị gạt ra ngoài lề của xã hội quân chủ Nho giáo và
những người bình dân nghèo khổ.
Đi
thực tế điền dã và điều tra hồi cổ ở miền Bắc Việt Nam, tôi nhận thấy
các cộng đồng Thiên Chúa Giáo Việt Nam được phát triển trước hết ở vùng
ven biển, các cửa sông tập trung nhiều dân chài và
dọc các sông thành những vạn chài. Do nhu cầu tâm linh, dân chài có nhu
cầu tôn giáo, nhu cầu cùng quảy...
Thế
mà, từ đại triều đình Thăng Long, đến các tiểu triều đình ở làng xã
Việt Nam ngày trước, họ đều gạt dân chài ra rìa không những các sinh
hoạt xã hội cộng đồng, mà cả các sinh hoạt tôn giáo cộng đồng.
Ngày
Tết, là lễ hội lớn nhất của người Việt ngày xưa chẳng hạn, người ta chỉ
cho phép dân chài lên ĐÌNH lễ thần sau ngày mồng 5 Tết và sau "thằng
Mõ". Mõ là kẻ "ngụ cư" có thân phận thấp kém nhất làng, không ai ngồi
với mõ. Thế mà dân chài còn dưới mõ nữa, hỏi sự "dồn nén tâm linh" phải
"ức" đến đâu. Thế cho nên, theo lời các dân chài thi tín đồ Công Giáo và
dân cầy nghèo ven sông (tôi đi điều tra chủ yếu dọc sông Cầu, dọc sông
Đáy là hai "đường viền" đông bắc và tây nam của đồng bằng Bắc Bộ), khi
đạo Thiên Chúa được truyền bá đến với lý tưởng Bác Ái và tình "huynh đệ
phổ quát", dân chài và dân cầy nghèo, "cùng đinh" của làng xã và xã hội
quân chủ Nho giáo lập tức theo Công Giáo ngay, và sẵn tiền (dân chài có
nhiều của hơn nông dân, do đánh cá và buôn bán trao đổi), xây nhà thờ
Công Giáo ("những nhà thờ vạn", nhà thờ của dân chài) to đẹp hơn đình
làng và đối địch với đình làng.
Đạo
Thiên Chúa vào Việt Nam ngày ấy có tác dụng giải tỏa dồn nén những người
cùng đình và dân chài Việt Nam, những người ở vị thế bên lề.
4/
Những người nghiên cứu lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam lại cũng ít để
ý đến sự kiện này: sô đàn bà theo đạo nhiều hơn số đàn ông. Trong tầng
lớp trên, thì cũng là vợ quan, vợ chúa theo Đạo trước, mà hầu hết là vợ
lẽ và thứ phi. Thí dụ: ở Đàng Trong thứp hi của Nguyễn Hoàng, và ở Đáng
Ngoài thứ phi của Trịnh Tùng. Những tín đồ Công Giáo đầu tiên của cung
đình Nguyễn.
Vì sao? Điều này rất có ý nghĩa về mặt văn hóa học và dân gian học.
Với
thời Lê và nhất là Lê Thánh Tông, làng xã được tổ chức lại, được kiểm
soát chặt chẽ hơn trước về mặt xã hội và tôn giáo. Thế kỷ thứ XIV là thế
kỷ ra đời của CÁI ĐÌNH LÀNG Việt (42). Lê Thánh Tông ban "24 huấn điều"
Nho giáo bắt toàn dân học. Phải có Đình để các bậc đàn anh triệu dân
hội họp học tập "Huấn Điều. Đình trở thành "công sở" của làng từ đó.
Thần làng cũng được "kiểm tra" lại và nối tiếp thời Trần, phải được vua
phong "sắc" và cấp bậc (Thượng, Trung, Hạ đẳng thấn). Từ nghè miếu
riêng, thần cúng được "chuyển cư" về gian giữa và tối hậu của Đình làng
như là người đại diện tinh thần của Quân chủ, của Nhà vua.
Với
quân chủ Nho giáo là: chỉ có đàn ông mới được ra đình hội họp và tế lễ.
Thế là đình trở thành ngôi nhà giành cho đàn ông. "Văn Chỉ" và hội "Tư
Văn" cũng vậy. Nền giáo dục Nho giáo là nền giáo dục chỉ giành cho đàn
ông. Bị dồn nén và để giải tỏa dồn nén, đám phụ nữ trong làng liền lập
ra Hội Vãi Bà. Và các bà chiếm lĩnh các tôn giáo và trụ sở tôn giáo "phi
Nho": ĐỀN, MIẾU, PHỦ và CHÙA.
Đó là một đối trọng về tâm linh xã hội của đám đàn ông.
Trong
các gia đình quan lại vua chúa, bà vợ cả, bà vợ chính thất, bà chính
phi hay bà hoàng hậu là được "lựa chọn" theo tiêu chuẩn Nho giáo: Chọn
theo "môn đăng hộ đối" theo "đức". Các bà phi và các bà vợ bé thì không
phải vậy, tiêu chuẩn chọn lựa là theo "sắc" và không cần "môn đăng hộ
đối" lắm. Đó là "lớp dưới" của gia đình Nho giáo. Và bị xem thường hơn.
Vì
thế, cũng như những người thuộc "lớp dưới" của toàn xã hội quân chủ Nho
giáo, khi đạo Thiên Chúa mới vào Việt Nam. Họ là những người teo đạo
này trước tiên!
5/ Cùng với sự truyền
bá đạo Thiên Chúa vào Việt Nam trong các cộng đồng tôn giáo Việt Nam,
thế kỷ XVII, đã xuất hiện những người "thầy cả", không chỉ thông thạo
Kinh Thánh mà cong biết ngoại ngữ (Bồ Đào Nha, La Tinh...) mà còn có
những hiểu biết chung về văn hóa phương Tây. Chính họ là những cộng sự
viên của các giáo sĩ phương Tây trong việc sáng tạo ra CHỮ QUỐC NGỮ, hay
là việc La Tinh hóa chữ Việt (43). Về lâu dài, đây là một thành tựu văn
hóa lớn và có tác dụng sâu xa đến việc phổ biến tri thức, thông tin,
đến việc phát triển nền văn hóa giáo dục cận hiện đại Việt Nam. Thành
tựu văn hóa này gắn với lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, và thật là
điên rồ khi muốn tách bạch VĂN HÓA và TÔN GIÁO trong đời sống xã hội
ngày xưa chỉ thừa nhận VĂN HÓA là "tích cực" còn TÔN GIÁO là "tiêu cực"
(44).
Sự truyền bá đạo Thiên Chúa vào
Việt Nam là một phương tiện, vô thức và hữu thức, phủ định nền văn hóa
Nho giáo cổ truyền và đưa Việt Nam vào quĩ đạo giao lưu văn hóa phương
Tây. Vì lẽ đó, mà vua chúa Việt Nam cấm đạo ...
Trong những thế kỷ XVII-XVIII và đầu thế kỷ XIX, sự phối hợp và hòa hợp "dân gian" và "bác học" càng được đẩy mạnh.
Số
lượng nho sĩ thế kỷ XV còn thưa thớt, nhưng từ thế kỷ XVI-XVII trở đi,
số lượng nho sĩ tăng dần, do các kỳ thi được mở đều đặn 3 năm một lần,
từ thi Hương, đến thi Hội, thi Đình.
Ở
kẻ quê, ngày càng xuất hiện một tầng lớp nho sĩ bình dân: Sĩ xuất thân
từ NÔNG và đó không phải là 2 giai cấp theo quan niệm Mác-xít mà là 2
nghiệp cấp (profession cast) và không có ranh giới không thể vượt qua,
trái lại cái "cầu vượt" là sự nối tiếp.
Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Kẻ
sĩ xuất thân từ nhà nông, học "chữ nghìa thánh hiền" Khổng Mạnh, Hán
Nôm, trở thành "học trò", "sinh đồ", "thầy đồ", "ông tú", "ông cử", "ông
nghè"... và vẫn sống với dân làng... Họ tham gia sinh hoạt văn hóa dân
gian. Họ "tiêm" nhiều quan niệm nho giáo vào văn hóa dân gian. Nhưng họ
cũng góp phần nâng cao văn hóa dân gian
Họ là những "ông thơ", cố vấn cho các gánh chèo việc soạn kịch bản, lời lẽ, thơ ca..
Họ
tham gia vào sinh hoạt hát đối đáp và góp phần vào sự hoàn thiện thể
thơ "lục bát" dân gian. Bài lục bát đầu tiên mà nay ta còn biết được ở
đầu thế kỷ XVI của nho sũ Lê Đức Mao nghĩ hộ đám hát "Ả Đào" Ngạc (Từ
Liêm, ngoại thành Hà Nội).
Ả Đào, từ
một lề lối hát cửa đình dân gian, có sự tham gia soan lời, cả Nôm lẫn
Chữ của các nhà nho và sự tham gia của một nhân tố thứ ba nào đó, có thể
là ngoại lai, vì hát Ả Đào có giai điệu giống vài điệu hát Triều Tiên,
Nhật Bản đã trở thành từ thế kỷ XVIII-XĨ, một sinh hoạt âm nhạc vô cùng
tinh tế, thanh cao của nhiều làng quê Bắc bộ và kinh thành Thăng Long.
Nó chỉ trở nên suy đốn và bíen thành sinh hoạt đĩ điễm "cô đầu" với chế
độ thuộc địa và thành phố thuộc địa. (45)
Độc tôn Nho là cái nhìn thiển cận của một xã hội bế quan. Và cuối cùng dẫn xã hội đến chỗ bế tắc.
Nhận
thức như vậy, từ cuối thể kỷ XVIII, sau khi nhận xét về Nho giáo với
triều Lê, Lê Quí Đôn muốn "trở lại" tư tưởng khai phóng với khuynh hướng
đa nguyên văn hóa tư tưởng thời Lý Trần, ông viết:
"Phép
dậy dời của thánh hiền lấy đạo trung dung làm gốc... Các bậc thánh nhân
giảng học để làm sáng tỏ đạo Trời, để làm ngay thẳng lòng Người.
Còn
như tìm việc lạ lùng, bàn về quỉ quái, không phải lầ công việc thông
thường của các ngài, nên các ngài bàn đến những lẽ phổ thông là không
cho đời đường mê hoặc.
Giáo
lý của Phật Lão chuộng sự thanh đạm, thoát tục, xem không mọi sự, siêu
việt ra ngoài thế tục, tịch diệt hết mọi trần duyên, không để sự việc
bên ngoài làm bận thân ta..
Đó
cũng là cách độc thiện kỳ thân của các bậc cao nhã và những lời cao
siêu về đạo đức, những lời sâu rộng hình thần đều có ý nghĩa sâu xa
huyền diệu.
Bọn nhà Nho ta đều cứ giữ định kiến phân chia ra đạo nọ đạo kia mà điều gì cũng biện bác chê bai, thì sai lầm.
Chỉ
mới ở trong cõi chín châu này mà thổ nghi dân tính đã mỗi người một
khác. Huống hồ mà trên thì trời cao vòi vọi, giữa thì đất rộng bao la,
những sự biến hóa ở đời lớn lao, mới lạ, huyền ảo, kỳ quái, còn có giới
hạn nào.
Lấy
tấm thân nhỏ bé của người ta, thì dẫu có tài hoa, ăn nói dọc ngang suốt
tám cực, hút thỏ được cửu hoàn, nhưng dù thế nao đi nữa kiến thức cũng
vẫn chưa đủ rộng.
Đã
thế mà đối với những sự biến hóa kỳ dị của quỉ thần và của các loài
động vật, thực vật chép trong sách xưa, của những hình trạng ở các nước
xa xôi, những vật tượng ở nơi thiêng liêng, đều nhất thiết không tin.
Quả lầm lại có kẻ dám bỉ báng cả Tiên với Phật, sao mà ngu tối tự đắc đến thế nhỉ?" (36)
Đây là sự tự thức tỉnh của bậc đại nho trước sự khủng hoảng tư tưởng của thời Hậu Lê cuối thế kỷ XVIII.
Đây là khát vọng về một tư tưởng khai phóng để mở đường cho một xã hội khai phóng.
Đây cũng là bài học lịch sử cho các nhà lãnh đạo và tri thức Mác-xít Việt Nam hôm nay về tự do tư tưởng.
Là
nhà nho lớn, nhưng Lê Quí Đôn vẫn trọng Phật Lão, trọng những kiến thức
mới từ phương Tây mang lại (như ý niệm trái đất tròn), trọng trí thức
dân gian, từ việc làm nông nghiệp đến đời sống tinh thần, ca dao tục
ngữ... (47)
Ông vẫn là chiếc cầu nối
dân Dân Gian và Bác Học. Những câu lục bát trong Tử Vi Phú Đoán của ông
đến nay dân gian còn thuộc và đã trở thành kho tàng trí thức dân gian về
suy nghiệm vận mệnh con người.
Mà phải đâu ở thời buổi bế tắc cuối Lê đầu Nguyễn chỉ có một Lê Quí Đôn đã nghi suy như thế?
Ta
thấy một nhà thơ lớn khác, tuy khác hẳn Lê Quí Đôn về hành xử chính
trị. Lê Quí Đôn tuy "bất mãn" nhưng ông trung thành đến cùng với triều
Lê Trịnh, còn Ngô Thì Nhậm ra giúp triều mới Tây
Sơn, nhưng về cuối đời Ngô Thì Nhậm cũng đi ở chùa và nghiên cứu Phật và
còn mong mỏi phục hồi tông chỉ phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần nừa kìa!
(48)
Và cuối cùng, ta xét đến trường hợp NGUYỄN DU, chiếc cầu lớn giữa dân gian và bác học, theo như tôi hiểu.
Truyện Kiều là một tác phẩm văn chương bác học mà đông thời cũng là kết tinh của văn chương dân gian.
"Văn
chương truyện Kiêu, có những câu mà thi tứ phải hiểu qua tinh hoa của
thơ Lý Đỗ (Lý Bạch, Đỗ Phủ đời Đường) và có những hình ảnh, những rung
cảm, những âm điệu mà tượng trưng hay siêu thực của Tây phương hiện đại
mới khám phá. Nhưng đồng thời cũng là văn kể truyện,, giản dị, bình dân
và nhẹ nhàng để ngời ta có thể, dưới ánh đèn của một căn nhà vách đất,
đọc cho nhau nghe những buổi tối gia đình, để nghỉ ngơi sau một ngày
nhọc mệt" (49)
Tư tưởng Nguyễn Du, tư
tưởng truyện Kiều đã vượt lên trên quan niệm chật hẹp của nhà Nho cổ, có
một tinh thần dung hòa hết sức đặc trưng cho tâm thức Việt nam. Vượt
lên trên Nho, , Nguyễn Du lại trở về cái phóng khoáng của Thiền, cũng là
cái phóng khoáng của dân gian "có khi biến, có khi thường", có thể "lấy
hiếu làm trinh"... Lời kết thúc của truyện Kiều là triết lý Duy Thức
của Phật giáo Đại Thừa, căn cứ ở "tâm căn" chứ không trọng về "sự tướng"
của việc làm mà luận về Thiện Ác:
Thiện căn kia ở lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
Huỳnh Sanh Thông dịch:
Inside ourselves there lies the root of
The hear outweighs all talents on this earth (50)
Độc
tôn Nho không thể đẻ ra truyện Kiều, áng văn chương tiêu biểu của dân
tộc. Phải có Thiền. Và phải dấn thân tham dự nhiều sinh hoạt ca hát dân
gian của chị em phường vãi Nghệ Tĩnh quê Cha, và của trai gái Đúm Ví
quan họ Bắc Ninh quê bác và quê Vợ...
Và
Nguyễn Du sẽ mát lòng mát dạ biết bao nếu được biết rằng: Cho đến hôm
nay, không một tác phẩm văn chương nào như truyện Kiều được phổ biến sâu
rộng như thế trong dân gian, từ người mù chữ ở thôn quê đến các nhà tri
thức lớn ở kinh kỳ và hải ngoại.
Cái
quan hệ đối ứng và chuyển hóa lẫn nhau giữa dân gian và bác học ở Việt
Nam thì còn nhiều khía cạnh cần khai triển, nhiều vấn đề cần thảo luận.
Tôi
viết bài này với tư cách là một nhà dân gian học mà gần đây được bầu cử
vào những cương vị phụ trách Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam và Hội Văn
Nghệ Dân Gian Hà Nội.
Với bản thân, đây là một sự tỉnh thức sau nhiều mê lầm mậu ngộ.
Với
bạn bè đồng nghiệp, đây là một đề nghị. Tôi mượn lời tác giả "Tương Lai
Văn Hóa Việt Nam" để kết thúc bài viết với lời đề nghị này:
"Các
nhà bình sử thời nay nói giọng cách mạng, thường ưa trải tất cả mọi lỗi
lầm lên đầu giai cấp thống trị. Ra cái điều ta đây đứng vào thế "nhân
dân", thế "đại chúng", ta không chịu trách nhiệm về những hành động phản
dân tộc và phản văn hóa của giai cấp thống trị này. Giai cấp thống trị
phong kiên, họ nói, chặn đưng sự phát triển của nền văn hóa dân tộc bằng
cách mô phỏng nếp sống ngoại quốc, gieo rắc mê tín dị đoan. Họ lại nói
rằng chỉ có giai cấp nông dân mới thực sự sáng tạo văn hóa dân tộc: Nào
ca dao, nào tục ngữ, nào chuyện cổ tích, nào hát ví, hát dặm, hát quan
họ, nào tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, nào gạch Bát tràng...
Dùng
một lưỡi gươm bén chặt dân tộc ra làm hai, chia ra một bên là đa số
nhân dân và một bên là thiểu số thống trị phong kiến, và qui mọi tội lỗi
cho thiểu số này. Họ không muốn thấy rằng chính khối đại chúng thiếu
học mới là giới ưa dung dưỡng mê tín dị đoan. Họ không muốn thấy rằng
chính những nhà biết chức mới sáng tạo được chữ Nôm. Đánh bại được những
cuộc xâm lược đó đâu phải là công trình của riêng một giới nông dân mà
là công trình chung của mọi giới trong đó phải kể vai trò của giai tầng
trí thức phong kiến. Những công trình chung này: Sách vở do tiền nhân
trước tác, những chuông Qui Điền, những vạc Phổ Minh v.v... mà quân Minh
phá hủy, thiêu đốt hoặc chở về Bắc Kinh đều là những sáng tạo phẩm văn
hóa của giới biết chữ. Giới biết chữ và giới cầm quyền cũng đều là con
cháu của nông dân chứ không phải là con cháu của ai khác. Họ có lầm lẫm
thì cũng là cha ông của chúng ta, nói một cách khác hơn, họ là chúng ta.
Tổ tiên của chúng ta, cha ông của
chúng ta, những thành công và những lỗi lầm của họ còn đó, trong bàn tay
của chúng ta, chúng ta không làm sao loại bỏ ra khỏi chúng ta được.
Thái
độ khôn ngoan nhất là hãy chấp nhận một cách can đảm, để suy nghiệm, để
tự vấn và để thể hiện một ý thức mới có thể đưa bản thân ta và giống
nòi ta thoát ra một chân trời mới" (51)
Tôi
cũng hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của giáo sư O.W.Wolte khi ông xử
lý mối quan hệ giữa hai á-văn hóa (subcultures) dân gian và cung đình
trong một nền văn hóa Đại Việt thời Trần:
"Ever
one lived in a small country linked by abundant rivers-munications...
in a cultural system shaped by this environment can suppode that society
comprised a variety of relationships between I that refer to as two
subcultures, through they wuold be more as described ad two aspects of a
single culture that cannot be dis-sociated from each other. The first
of these would represent norms of behaviors astablished by and emanating
from dynastic Court, and the other would represent norms of behavior in
the villages that persisted of the Court's influence. Sometimes, of
course, village norms would can naturally to those who otherwise
belonged to the Court culture here one would expect the two subcultures
to inter-penetrate" (52).
____________________
(1) Poirier, Jean: Ethnologie génerale. Encyclopédia de Pléiade, Gallimard, Paris, 1968.
(2) Poirier, Jean: Ethnologie et Cultures. Encyclopédia Géneral, Gallimard, Paris, 1972.
(3) Marx, Karl: The German Ideology. Edited and with Introduction by C.J.Arthur, NewYork, Internatinal.
(4) Trần Đức thảo: Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không con người. Nhà xuất bản Hồ Chí Minh. TP.HCM, 1989.
(5) (nt)
(6) Trần Quốc Vượng: Some reflections on the human tradition of Vietnamese culture.
(7) K.W.Taylor: The birth of Vietnam. Berkeley. the University of california Press. 1983.
(8) Vũ Phương Đề: Công Dư tiệp Ký (thế kỷ XVII).
(9) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ QI, Đinh Kỷ.
(10) Việt Sử Lược, QI. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, QI.
(11) Mã Đoan Lâm (Ma Tuan Lin): Văn Hiến Thông Khảo, mục Tứ Duệ.
(12) Việt Sử Lược. QI Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, QI, Lê kỷ.
(13)
Trần Quốc Vượng: An Approach to the History of Vietnamese Culture
trough the Linguistic Avenue (A personal experimentation).
(14) Dalsetz Teitaro Suzuki: Lankavatara sutra.
(15) Hội tuy là hội chùa nhưng vẫn mang bản sắc của Hội Xuân, Hội chơi Hang mùa Xuân của trai gái tộc Thái Tầy.
(16) Tám Tràng Ngô Trọng Anh: Từ Cú Phân Biệt, Tạp chí Thế Kỷ, số 1, Caliornia, 1990, trg 13-20.
(17) Thơ Văn Lý Trần. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Viện Văn học, Hà nội. NXB Khoa học Xã hội. Tập 1, trg 1434.
(18) Trấn Thái Tông: Khóa Hư Lục, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.
(19)
Lê Quí Đôn: Kiến Văn Tiểu Lục. Lê Quí Đôn Toàn Tập, Nxb KHXH, Hà Nội,
1977. Cũng xem bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản,
Sài Gòn, 1963.
(20) Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi Toàn Tập, Viện Sử Học, Nxb KHXH, Hà Nội 1975.
(21)
Tạ Chí Đại Trường: Vị Trí của Đại Việt, Chiêm Thành, Phủ Nam trong lịch
sử Việt Nam. Về hiện tượng gọi là Nam tiến: Giòng lưu chuyển hóa. Tập
san Sử Địa. Số 3, trg 84-85. 1966.
(22) K.W.Taylor: Nguyễn Hoàng (1525-1613) and the beginning of the Vietnam's southward expansion.
(23) Xem các bài viết của Trần Lâm Biền, Trần Bá Văn, Trần Quốc Vượng... trong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 1980.
(24) Nguyễn Văn Huyên: Doctorat ès-Lettres, Paris, 1934.
(25) Trần Quốc Vượng: Folklore Việt Nam, Trữ lượng và viễn tưởng. Tập san Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 1990.
(26) Trần Quốc Vượng: Triết Lý Bánh Chưng Bánh Dầy. Báo Người Hà Nội, Số Xuân Mậu Thìn, 1988.
(27)
Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.
Nxb KHXH, Hà Nội. 1979. Một số vấn đề Hán Nôm. NXB Đại Học và Trung Học
Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
(28) Nguyễn Đăng Thục: Tư Tưởng Việt Nam. Tư tưởng Bình Dân Việt Nam. Lịch sử Triết học Đông phương, Khai trí, Sài Gòn, 1967.
(29) Nguyễn Văn Huyên: La culte des Immortels en Annam. Imprimerie d'extrême-orient, Hà Nội, 1944.
(30) Vũ Ngọc Khánh (chủ biên): Văn Cát Thần Nữ. Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1990.
(31) Bonifacy Auduste: Culte des génies thérimorphes. Bulletin de l'école française d'extrême orient (BEFEO), Hà Nội.
(32) Xem Quắm Tố Mường (kể chuyện bản Mường), Nxb Sử học Hà Nội, 1960.
(33)
Trần Thị Ngọc Diệp: Tín Ngưỡng Đồng Bóng (Les croyances médiumniques).
Tập San Viện Khảo Cổ, Tập VII, Sài Gòn 1971, trg 169-170 Tập VIII, Sài
Gòn 1974 trg 64-74. Những vị thánh của tín ngưỡng đồng bóng Tập VI, trg
61-74, 1974.
(34)
Lăng Thuần Thanh: Quốc Lập Trung Ương Nghiên Cứu Viện Viện San, Đài
Bắc, 1954 trg 40. Lời thuật lại củ Bửu Cầm. Tương quan giữa những hình
chạm trên trống Việt tộc và bài "Đồng Quán" trong Sở Từ. Tập san Sử Địa.
Số 25, trg 49 Saigon.
(35) *
(36) Jeanne Cuisinier: Danses Sacrées.
(37) Maurice Durand: Imageries populaires, EFEO, Hanoi, 1957. Connaissance du Vietnam, EFEO, Hanoi, 1954.
(38)
Phạm Duy: Đặc khảo về Dân nhạc Việt Nam, Saigon, Musics of Vietnam,
Edited by Dale R.Whitesile, Southern Illinois University Press, 1975.
* Trong bản in thiếu chú thích 35. (annonymous chú)
14. Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hoá Đông-Tây
Vào
thập niên 90 của thế kỷ trước, sau hơn 30 năm xâm lược và bình định, từ
Nam ra Bắc, thực dân Pháp đã đặt được ách thống trị về mọi mặt trên đất
Việt Nam.
Với toàn quyền Paul Doumer,
bắt đầu một thời kỳ mới mà các nhà sử học thường gọi là "Sự khai thác
thuộc địa lần thứ I", với kế hoạch ngũ niên 1898-1902, mà biểu tượng là
việc xây dựng chiếc cầu sắt bắc qua sông Hồng, lớn nhất Đông Dương thời
buổi đó (1). Đúng kỳ hạn, toàn quyền Paul Doumer mời vua Thành Thái dời
ngôi "hư vị" ở Huế ra Hà Nội để cùng khánh thành chiếc cầu này. Ông vua
đại diện cho một Quyền lực chính trị và văn hoá đã qua đứng trên cầu cạnh tên toàn quyền Pháp đại diện cho một Quyền lực chính trị và văn hoá mới. Ở một Hà Nội thuộc địa, "nhượng địa", Vua không còn quyền lực. Vua đã mở lời bằng một diễn văn kiểu mới mà vẫn ứng khẩu một đôi câu đối kiểu cũ, mượn NƯỚC NON mà ám dụ CON NGƯỜI:
Sông Nhị quả vô tình, sao để ngựa Hồ sang uống nước,
Núi Nùng còn trước mắt, thì nên hai lượt khóc cô thành!
Thay vì diễn văn cho cái MỚI, đó là Điếu văn cho cái CŨ.
Cái Mới, từ phương Tây lại, do sự trớ trêu của lịch sử, đã không đi theo con lộ giao lưu tự nguyện mà bằng nẻo đường cưỡng bách giao thoa (2).
Ba
mươi năm trước, trước nguy cơ tồn vong của đất nước, nhiều nhà trí
thức, mà tiêu biểu là NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, đã bao lần gửi "điều trần" lên
vua và triều đình Huế xin cải cách chính trị - kinh tế, đổi mới văn hoá -
giáo dục theo "chiến lược mở cửa", nhằm biến một xã hội bế quan truyền
thống, nhằm cập nhật văn hoá đất nước, thích ứng theo với xu thế phát
triển của Thị trường thế giới tư sản đương thời (3). Nhưng vua Tự Đức
của Việt Nam ở thập niên 60 thế kỷ trước không phải là vua Minh Trị của
Nhật Bản. Với mọi lo buồn và tranh cãi, cuối cùng xu hướng bảo thủ đã
thắng xu hướng cấp tiến.
Sự đổi mới đã không diễn ra. Và kết quả tất yếu là mất nước.
ÔNG NGHÈ - TIẾN SĨ NHO HỌC, biểu tượng của
nền Văn hoá - Giáo dục cũ, sau 30 năm cùng các đám dân quê khởi nghĩa,
cần vương chống Pháp đã, hoặc bị huỷ diệt, hoặc xuôi tay bất lực, không
kể một số ít "đầu hàng" Tây. Đầu thế kỷ XX, ông nghè tam-nguyên (đỗ đầu
ba kỳ thi nho giáo) YÊN ĐỔ đem cái danh vị của mình và giới trí thức cũ
ra chấm biếm bằng ẩn dụ:
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai!
......
Tưởng rằng đồ thật, hoá đồ chơi!
(Tiến sĩ giấy)
Một ông nghè khác, thám hoa (đỗ thứ ba, kỳ thi Nho cao nhất) Vũ Phạm Hàm lại "tức sự" bằng thể thơ lẽ ra là "trữ tình":
Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp
Chỉ tại nhà nho học chữ Tầu!
Những
cụ nghè đó - thuộc thế hệ ông nội ông ngoại của tác giả viết bài này -
cùng các cụ tú tài, cử nhân nho học, có 3 đường lối ứng xử văn hoá-giáo
dục:
1. Hoặc chống lại sự giao tiếp văn hoá Đông-Tây. Văn
hoá học gọi là cưỡng chống giao thoa (4). Và tàn lụi dần cũng nền văn
hoá-giáo dục cũ: đến 1918 trên toàn quốc, không còn nền giáo dục, thi cử
Nho giáo để đào tạo nhần tài kiểu cũ nữa (5). Nhiều cụ không những
không học Tây mà còn cấm luôn cả con cháu học "chữ Tây" (chữ Pháp và chữ
quốc ngữ la tinh hoá) và chỉ còn ngồi nhà mà than thở:
Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghè ông cống cũng năm co!
Người
ta vẫn đồn rằng giải nguyên PHAN BỘI CHÂU nhà yêu nước lớn đầu thế kỷ
XX không chịu học chữ quốc ngữ, lúc đó gọi là "chữ Tây".
Có thể
cưỡng chống giao thoa văn hoá một cách có ý thức, nhưng trước sức mạnh
và ý đồ "đồng hoá" của thực dân phương Tây, không tránh khỏi sự tàn lụi,
sự mất gốc về văn hoá.
Đầu thế kỷ XX thi sĩ TẢN ĐÀ, ở giao thời giữa hai thế hệ cũ mới, thở than:
Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược ni?
2. Hoặc
đầu hàng thực dân về chính trị, hoặc cố gượng học lấy một ít chữ Tây,
chữ quốc ngữ la tinh và văn hoá Tây trong những trường gọi là "hậu bổ"
("chờ-sau" sẽ "bổ nhiệm" làm quan) rồi ra làm quan cho Pháp, làm tay sai
"thực sự" hay là cũng có ít nhiều mặc cảm "lem luốc" nhưng cũng cố hoặc
gượng sống cho qua ngày, biết mình đã "hết thời", đành "hy vọng" ở đám
"hậu sinh".
Đây là sự chấp nhận bị đồng hoá một cách tiêu cực. Con cháu họ được cho theo học các nhà trường thực dân kiểu mới.
Giữa hai xu hướng này, cũng nảy sinh một xu hướng thứ ba:
3. Đó là xu hướng của các nhà nho cải cách,
mà tiêu biểu là cụ phó bảng PHAN CHU TRINH và nhà trường Đông Kinh
Nghĩa Thục ở Hà Nội (1907-1908) của cụ cử Lương Văn Can và các nhà nho
tiên tiến khác, kể cả các nghĩa sĩ của phong trào Đông Du (sang Nhật,
lấy Nhật Bản làm hình mẫu duy tân).
Tự phản tỉnh để rồi phê phán giới nho học cuối mùa quân chủ, đầu mùa thực dân, cụ Phan Chu Trinh than vãn trong thơ:
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cố văn chương tuý mộng trung!
([Trong khi] muôn dân nô lệ dưới cường quyền
[mà giới sĩ phu cứ] mê đắm trong văn chương sáo cổ)
hay gay gắt hơn trong phú "Lương ngọc tất danh sơn" (Ngọc quỷ ải núi danh tiếng):
Đời chuộng văn chương
Người tham khoa mục
Đại cổ tiểu cổ (vế lớn vế nhỏ trong văn)
suốt tháng dùi mài
Ngũ ngôn thất ngôn (5 chữ, 7 chữ trong thơ)
quanh năm lăn lóc
Ngóng hơi thở của quan trường để làm văn sách: Chích (Đạo Chích thời cổ - đứa ăn trộm) có thể phải mà Thuấn (vua hiền thời cổ) có thể sai
Nhật dãi thừa của người Tầu để làm từ phúc, Biền thì phải tứ mà Ngẫu thì phải lục (văn chương "biền ngẫu thể tứ-lục [4-6])
Tíu tít những phường danh lợi, chợ Tề định đánh cắp vàng
Lơ thơ bao kẻ hiền tài, sân Sở luống buồn dâng ngọc
Ấy chẳng riêng gì kẻ vị thân gia, tham lợi lộc
Mà lại đến cả mấy ngàn kẻ quần chúng áo rộng, trong một nước
Lùa vào mấy vạn ngàn nơi hắc ám địa ngục. (6)
Đấ y
là tiếng gọi cảnh tỉnh để "đổi mới": cụ Phan và các nhà nào mới cắt cái
búi tô cổ truyền, được cho là biểu tượng phong tục lạc hậu, để tóc ngắn
như người phương Tây, để biểu thị sự canh tân:
Phen này cắt tóc đi tu
Tụng kinh ĐỘC LẬP ở chùa DUY TÂN
Đấy
là xu hướng muốn giao thoa văn hoá Đông-Tây tự nguyện. Nhưng, ở ngoài
quỹ đạo của chính sách văn hoá thực dân, xu hướng này cũng bị bóp chết
một cách mù quáng, tàn bạo thẳng thừng, dẫn theo sự tù tội lưu đày của
cụ Phan và các nhà nho yêu nước.
Sau ngót hai chục
năm xa Tổ quốc, từ Pháp trở về năm 1925, Phan Chu Trinh lại diễn thuyết
ở Sài Gòn đêm 19-11-1925 về Đạo Đức và Luân Lý Đông Tây trong đó cụ kêu
gọi đồng bào mau mau thẩm định lại hệ thống giá trị Đông Tây đặng tìm
lấy một ý thức hệ mới cho dân tộc:
"Đem
văn minh đây là đem cái chân văn minh ở Âu Tây hoá hợp với chân Nho
giáo ở Á Đông, chớ không phải là tự do độc lập ở đầu lưỡi của mấy anh
Tây học lem nhem, mà cũng không phải là quốc hồn quốc tuý ngoài môi của
các bác Hán học dở mùa đâu...
Có người hỏi luân lý ta mất thì ta đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không ?
Tôi xin trả lời rằng: Không! Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu!
Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một
cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với
một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng cũng
không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được. Muốn cho sự kết quả về sau
được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có
sức lực bằng nhau đã.
Tôi diễn
thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của
ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy." (7)
Nhưng mà cụ Phan năm 1925-26, nói như người Pháp: "Il a fait son temps!" Thời thế lúc bấy giờ đã khác...
Trước
thực thể "thực dân" là một thực thể ngoại sinh đã bén rễ ở thuộc địa
qua hai lần "khai thác", lần trước với Paul Doumer và lần sau, sau Thế
chiến I, với Albert Sarraut, và để chống thực dân, trong lớp trí thức
mới gọi là Tây học của Việt Nam, con cháu các cụ Phan - thuộc thế hệ phụ
thân của kẻ viết bài này - đã hấp thụ hai tư tưởng chính trị - văn hoá
khác, trớ trêu thay, cũng là ngoại sinh:
1. Tư tưởng quốc gia tư sản, ảnh hưởng của chủ nghĩa "Tam Dân" của Tôn Dật Tiên bên Trung Hoa. (8)
2. Tư tưởng quốc tế vô sản, ảnh hưởng của Quốc tế cộng sản của Lénine, rồi Staline bên Liên Xô.
Xu hướng
thứ ba là chấp nhận sự kiện thuộc địa, học Tây và làm việc cho Tây, cho
văn hoá Việt Nam là "Tầu", là kém cỏi, cổ hủ. Theo tôi hiểu, nếu nền
chính trị Việt Nam trong 100 năm qua diễn biến quanh cái tương quan tam giác tính:
TRUYỀN THỐNG - ĐÔ HỘ - CÁCH MẠNG thì nền văn hoá Việt Nam trong 100 năm
qua cũng diễn biến quanh cái tương quan tam giác tính: CỔ TRUYỀN - GIAO
THOA - ĐỔI MỚI.
Chính trị,
Văn hoá Việt Nam diễn biến trong bối cảnh thế giới 100 năm qua (cuối
XIX-cuối XX) dầu muốn dầu không, không thể chủ yếu do các yếu tố thuần nội sinh chi phối mà đi thẳng từ truyền thống (gọi là Nho Việt Nam cho đến giữa và cuối XIX) đi thẳng sang Đổi mới (gọi là dân tộc-dân chủ mới)...
Tôi đã thử phác hoạ một lược đồ Diễn trình lịch sử Văn hoá Việt Nam (bảng kèm theo).
Sau đây
là mấy điểm nói thêm theo chủ đề bài viết khái quát. Các "chuyên gia"
bạn bè sẽ đi sâu vào sự giao hoà văn hoá ở từng ngành Ngữ, Văn, Thơ, Báo
chí, Mỹ thuật, Âm nhạc, Kiến trúc v.v...
Cái khung cảnh
"xã hội" chung trong đó và trên đó diễn ra những sinh hoạt văn hoá cổ
truyền là một nền sản xuất nông nghiệp đa canh nhưng yếu tố vượt trội là
nghề nông trồng lúa. Cư dân chủ yếu là nông dân, có giàu nghèo phân biệt, sang hèn cách chia, song tất cả đều sinh hoạt ở các làng xã. Lớp trí thức xuất thân từ nông dân, gồm sư sãi (thầy chùa), sống ở các tự viện cũng phần lớn là "chùa làng":
"Đất vua, chùa làng"
(Thành ngữ dân gian)
Các đạo sĩ sống ở các đền miếu cũng phần lớn là của làng xã, các thầy đồ ngồi dạy học ngay trong làng. Một số đại sĩ phu làm quan sống ở kinh kỳ hay các trấn lỵ tỉnh lỵ:
"Sống ở làng sang ở nước"
Nhưng
khi về hưu (hay từ chức, hay bị cách chức) thì cũng về sống ở làng. Một
nền văn chương chữ viết Hán-Nôm ít nhiều phát triển trong lớp trí thức
"các thầy" này còn kéo dài khoảng ba thập kỷ đầu thế kỷ XX. Nhưng tuyệt
đại đa số nhân dân - nông dân - là mù chữ (tỉ lệ này là 95% cho đến cách
mạng Tháng Tám 1945) và phát triển một nền văn nghệ dân gian, chủ yếu
là ngôn từ truyền miệng.
Theo tôi, đấy là bốn hằng số xã hội-văn hoá của hàng mấy ngàn năm văn minh thôn dã Việt Nam:
NÔNG DÂN - NÔNG NGHIỆP - NÔNG THÔN - FOLKLORE
Công thương nghiệp kém phát triển: Có một số làng-nghề và làng-buôn (cũng như một số vạn-chài [làng chài]) nhưng nhìn chung vẫn gắn chặt với nông nghiệp qua mạng lưới chợ quê.
Thăng Long (Hà Nội) được gọi là Kẻ Chợ, là đô thị duy nhất cho đến thế
kỷ XVI. Từ XVI-XIX có xuất hiện một số đô thị hành chính - một vài cảng
sông cảng biển được mở tạm thời và hạn chế. Nhìn chung đó là một xã hội
bế quan.
No comments:
Post a Comment