Tuesday, July 17, 2012

ARCHIMEDES L.A. PATTI * WHY VIETNAM, XI





Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #100 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:14:39 PM » 


Khi Bảo Đại cố nài Pháp phải có một hành động tích cực thì Léon Pignon, Cao uỷ mới và là người của D'Argenlieu đã cho biết Pháp chỉ trao trả chủ quyền cho “một chính phủ được Pháp tin cậy nhất”. Mùa hè 1949, Bảo Đại đã thất bại trong việc thành lập một chính phủ đáng tin cậy chỉ vì thiếu sự tín nhiệm của những người trung thực và vì các tham vọng cá nhân. Những người Quốc gia ngay thẳng đã không tham gia vì họ thấy nguyện vọng độc lập dân tộc không được đáp ứng. Khi Ngô Đình Diệm không được chấp nhận làm Thủ tướng; ông này đã phê phán những người không liêm chính ra nhận việc lúc đó như sau: 

“Nguyện vọng dân tộc của nhân dân Việt Nam sẽ chỉ được thoả mãn khi ngày mà đất nước chúng ta đạt được một chế độ chính trị giống như Ấn Độ và Pakistan đã được hưởng… Tôi cho rằng chỉ có một cách duy nhất đúng là phải dành những chức vụ tốt nhất trong nước Việt Nam mới cho những người xứng đáng nhất của đất nước. Tôi muốn nói đó là “những người kháng chiến”. Thay vì cho “những phần tử kháng chiến”, Bảo Đại đã chọn thủ lĩnh các cấp của ông ta trong những người đồng hoá sâu sắc với Pháp, những người giàu lớn đáng ngờ hoặc có dính líu chặt chẽ với giới mại bản xấu xa của Việt Nam và không một ai được quần chúng ủng hộ.

 Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết: “Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm một được 25 đảng viên”. Nhưng lúc đó ở Pháp, chính phủ Henri Queille đã cho ra một bản tuyên bố công khai (8-9-1949) tán dương việc “đã giải quyết xong vấn đề Đông Dương bằng cách thiết lập được chế độ Bảo Đại.

 Thực chỉ là câu chuyện phiếm. “Giải pháp Bảo Đại” đã chẳng đạt được một cái gì lâu dài, và cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn cứ tiếp tục, càng ngày càng đào xới sâu thêm vào nền kinh tế Pháp và có nguy cơ phát triển từ một cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa thành một cuộc chiến tranh có tầm cỡ thế giới. Bản thân Bảo Đại gần như không làm gì để cho chính phủ của ông ta thành đại diện và có hiệu lực hơn. Ông ta tiêu phí thời gian trong các cuộc vui chơi ở các thành phố nghỉ mát Đà Lạt, Nha Trang và Ban Mê Thuột; sống ngoài lề các hoạt động của chính phủ. Có lẽ để bào chữa cho hành động và thái độ của mình, ông ta đã có ý kiến về tình hình năm 1950 như sau: “Cái mà người ta gọi là một giải pháp Bảo Đại, nay đã không còn thực sự là một giải pháp của Pháp nữa… 


Tình hình Đông Dương mỗi ngày một trở nên tồi tệ”. Nhưng vào đầu năm 1950, chính phủ Bảo Đại lại biểu thị hoan nghênh Hồ Chí Minh vì việc Trung Cộng và Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mang lại cho Pháp và cho chế độ của ông ta viện trợ Mỹ và đã quốc tế hoá cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Trong tình huống đó, Pháp đã bị đặt vào trong một địa vị khó xử đối với Mỹ. Nếu phải chứng minh mục đích của Pháp là đấu tranh nhằm bảo vệ chính phủ Bảo Đại chống lại những người Cộng sản, thì không có gì khác hơn là Pháp phải thông qua thoả hiệp Élysée, nhờ đó mà chính phủ Bảo Đại mới tồn tại. Chỉ lúc đó Pháp mới có thể đòi hỏi chúng ta viện trợ trực tiếp về quân sự cho chiến tranh Đông Dương. Như vậy là sau khi đã kéo dài gần một năm, cuối cùng Pháp mới chịu thông qua Thoả hiệp vào ngày 16-2-1950. ***


Trong khi nước Mỹ có thể sử dựng một ảnh hưởng quyết định để thúc đẩy một cuộc thanh toán những nỗi cơ cực của người Việt Nam vào năm 1945-1946, và khi người Pháp có thể điều đình một cách khá thuận lợi với người Việt Nam trong mùa xuân 1947, cuối năm 1949 và suốt trong năm 1950, thì đã có một số trường hợp dần dần phát triển ra và có tác dụng kìm hãm sự tiến triển của tình hình qua một phức hợp các vấn đề quốc tế nan giải. Trong thời kỳ này, nền kinh tế Mỹ đang mục kích một sự biến đổi hoàn toàn từ sản xuất chiến tranh sang cung ứng cho các yêu cầu thời bình. Hạ tầng cơ sở công nghiệp cũng đã thay đổi. Khối dự trữ lao động đã bị quân đội hút đi mất khá nhiều nhân lực từ 1941 đến 1945, phải bổ sung bằng lực lượng phụ nữ, trước đây vẫn tách rời với công việc ngoài xã hội. Sau chiến tranh, sức sản xuất được mở rộng hết sức của chúng ta đã được dùng để thoả mãn các nhu cầu đã bị gạt đi trong thời chiến và đưa đến một mức sống cao hơn cho cả đất nước. Trong đại bộ phận các ngành công nghiệp, mức sản xuất phục vụ cho tiêu dùng trong nước và viện trợ kinh tế cho nước ngoài, đã đạt tới những đỉnh cao chưa từng có như trong năm 1947-1948. Nhưng bắt đầu từ cuối 1948 và sang 1949, đã cần phải có một sự điều chỉnh để giảm bớt số các nhà máy thu nhập kém không đảm bảo định mức.


Mặt thay đổi khác của nền kinh tế sau chiến tranh của chúng ta là hiện trạng kinh tế xã hội thu nhập bằng tiền lương kép trong xã hội Mỹ. Cả chồng lẫn vợ đều làm việc nên sức mua của họ tăng nhanh một cách rất không cân đối với thu cầu bình thường của họ, dẫn đến lạm phát gay gắt và làm giảm sức mua của đồng dollar. Các diều kiện này đã gợi ra trong tiềm thức người ta ý muốn quay trở lại với một nền kinh tế chiến tranh “hạn chế”. Đó chính là tình trạng kinh tế nước Mỹ trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Có thể như Mỹ đã tính toán trong việc cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Đông Dương vào đầu 1950, các quốc gia liên hiệp và Pháp đã mở cuộc điều đình ở Pau (Pháp) để ấn định thời gian và mức độ trao quyền tự trị cho chế độ Bảo Đại. Cuộc thương lượng lúc đầu dự tính vào tháng 1-1950, nhưng mãi đến 29-6 mói tiến hành được và kéo dài cho đến khi kết thúc vào tháng 11.

Bảo Đại đến Pháp để chờ Hiệp định Élysée được thông qua, chỉ đóng vai một “quan sát viên” suốt trong thời gian hội nghị, trước sự phiền lòng của Pháp vì họ chỉ muốn ông ta ở lại Việt Nam có lợi hơn và đừng can thiệp vào công việc ở Pau. Tuy các hiệp định Élysée và Pau đã đưa lại dược ít nhiều kết quả cụ thể cho chính phủ tự trị, nhưng người Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát về quân sự, ngoại giao và thương mại, hệ thống tài chính và toà án. Và dù cho nhượng bộ ít ỏi, nhưng nhiều người Pháp lại cho Hội nghị Pau là một sự từ bỏ quyền hành tai hại cho Pháp và cũng có nghĩa như là một sự cáo chung của Pháp ở Đông Nam Á. Phái đoàn quốc gia Việt Nam lúc đó lại quan niệm các kết quả đạt được cũng là một bước tiến bộ. Họ cảm thấy muốn giành được cái gì từ người Pháp thì cũng phải “rỉa mồi” dần, do đó cần phải có thời gian và kiên nhẫn. Tất nhiên họ đã lầm, không bao giờ Pháp cho Việt Nam độc lập để mất Đông Dương. Bảo Đại trở về Việt Nam và cho rằng ông ta đã làm hết sức mình để người Pháp phải giữ lời cam kết. Ông sẽ chờ và xem. Có thể người Mỹ sẽ khích lệ giúp đỡ.

Nhưng sau một ngày ở Sài Gòn, thấy Pháp từ chối không cho ông sử dụng dinh Norodom, trụ sở chính quyền thuộc địa Pháp, Bảo Đại liền rút lui về nhà ở Đà Lạt. Sự việc này cho thấy rõ tình hình chẳng có gì thay đổi cả. Giá như cuộc thương lượng đã mang lại một nền độc lập thực sự cho chế độ Bảo Đại, thì mối quan hệ tiếp theo sau giữa Mỹ và Pháp cũng có thể ít phức tạp hơn và cũng ít cay đắng một cách có ý nghĩa hơn. Không những thế, việc Pháp miễn cưỡng nhận phải trao trả quyền hành về chính trị và kinh tế cho Bảo Đại còn được các viên tư lệnh ngoan cố có khuynh hướng hiếu chiến khuyến khích thêm; họ nghi ngờ người Mỹ, quyết tâm giành chiến thắng quân sự, và khinh thường “giải pháp Bảo Đại”. Khi Pháp xin viện trợ, tướng Marcel Carpentier, Tổng tư lệnh quân Pháp, đã trả lời báo New York Times (9-3-1950) như sau: “Tôi sẽ không khi nào đồng ý cấp trang bị trực tiếp cho người Việt Nam. Nếu việc đó cứ được làm, tôi sẽ từ chức trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Người Việt không có tướng, không có tá, không có tổ chức quân sự để có thể sử dụng một cách có hiệu quả các trang thiết bị được giao.

 Đó sẽ là một sự lãng phí, mà Mỹ ở Trung Quốc đã phải gánh chịu khá nhiều”. Cuối cùng chính phủ Pléven đã phải thay Pignon (tháng 12-1950) và cử tướng Jean De Lattre De Tassigny làm Cao uỷ và Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, người đầu tiên và duy nhất được trao cả hai nhiệm vụ trong tay. De Lattre đã kích động được quân Pháp đang mất tinh thần và tập hợp họ lại thành lực lượng chiến đấu. Ông tự xưng là người lãnh đạo một đội thập tự quân chống Cộng và sẽ giành thắng lợi quyết định ở Việt Nam trong vòng 15 tháng, “cứu Việt Nam ra khỏi tay Bắc Kinh và Mátxcơva”.

Ông không thừa nhận ý kiến cho rằng Pháp vẫn còn hành động theo chủ nghĩa thực dân và đã từng nói với một ký giả Mỹ: Chúng tôi không còn có nhiều quyền lợi ở đó. Chúng tôi đã từ bỏ hoàn toàn tất cả các đất đai thuộc địa của chúng tôi. Ở đó, chúng tôi chỉ được một ít cao su, than và gạo… Có gì có thể so sánh được với máu của con em chúng tôi đã phải đổ ra, và với số tiền 350 triệu quan chúng tôi tiêu mỗi ngày ở Đông Dương? Việc mà chúng tôi làm là chỉ nhằm để cứu vớt dân chúng Việt Nam. Vì vậy chiến dịch tuyên truyền của Mỹ nói rằng chúng tôi vẫn là thực dân chỉ gây ra những tai hại ghê gớm cho chúng tôi, cho tất cả chúng ta: người Việt Nam, bản thân các ông và chúng tôi”.


 Hơn thế nữa, De Lattre, còn tin tưởng rằng người Việt phải được đưa vào tham gia chiến đấu. Qua lời phát biểu trong “Lời kêu gọi các thanh niên Việt Nam”, ông tuyên bố: “Cuộc chiến tranh này, dù các anh muốn hay không thì cũng vẫn là một cuộc chiến tranh của Việt Nam, cho Việt Nam. Và nước Pháp sẽ chỉ theo đuổi nó vì các anh và nếu như các anh cũng theo đuổi cuộc chiến đó cùng với nước Pháp… Thanh niên Việt Nam mà tôi thân thương như đối với thanh niên ở chính nước tôi, đã đến lúc các anh phải tự bảo vệ lấy đất nước mình”. Nhưng tướng De Lattre có nhiều điều nghi ngại về chính sách Mỹ đối với Bảo Đại. Ông ta cho rằng người Mỹ đau khổ vì “nhiệt tâm cứu thế” của mình, đã “làm bùng lên ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc cục đoan. Ở đây, truyền thống của Pháp phải là chủ yếu. Không được và không thể thủ tiêu nó. Không ai chỉ có thể đơn giản qua một đêm mà xây dựng ngay được một nước mới bằng cách duy nhất cung cấp các viện trợ kinh tế và vũ khí!”.

Cũng như Carpentier, De Lattre kiên quyết chống lại viện trợ trực tiếp của Mỹ cho quân đội Việt Nam và trao cho giới quân sự Việt Nam một chút ít quyền hành. Edmund A. Gullion, Bí thư Cố vấn của chúng ta ở Sài Gòn (từ 1950) đã nhầm lẫn khi cho De Lattre không có khả năng động viên một sự năng động mãnh liệt trong quân đội Quốc gia Việt Nam như ông ta đã từng làm được với số còn lại của quân viễn chinh Pháp: “Thật khó mà truyền được một tinh thần dân tộc hăng say vào một đội quân người bản xứ mà trước đây sĩ quan và hạ sĩ quan của họ đều là người Pháp da trắng… Các đơn vị Việt Nam đi hoạt động rất ít khi được người Pháp hỗ trợ…


 Có lẽ dấu hiệu có ý nghĩa nhất và cũng là đáng buồn nhất trong việc Pháp thiếu sót không tổ chức được quân đội Việt Nam thực sự độc lập và có thế chiến đấu theo cách của De Lattre hiểu, là ở Điện Biên Phủ đã vắng bóng mọi đơn vị chiến đấu Việt Nam. Đó là một cuộc trình diễn của Pháp”. Gullion đã ít nhiều sai lầm chung quanh vấn đề Điện Biên Phủ; tỷ lệ thành phần dân tộc trong số quân phòng thủ cứ điểm ngày 6-5-1954 cho thấy người Việt Nam chiếm gần 3% số sĩ quan, 16,2% số hạ sĩ quan, 39,2% số lính. Nhưng cơ bản Gullion đã nói đúng. Quân đội Việt Nam đã không hoặc có rất ít tiếng nói trong việc quyết định về các vấn đề chiến lược và chiến thuật và cũng có rất ít lý do để chiến đấu một cách mãnh liệt trong một cuộc chiến tranh của người Pháp.


*** Ở Washinton đã hình thành nhiều nhận định quan trọng làm cơ sở cho việc quyết định các chính sách của chúng ta từ 1950 đến 1954; sự quan trọng ngày càng lớn của châu Á trên chính trường thế giới, khuynh hướng của ta nhìn nhận “mối đe doạ Cộng sản” toàn cầu theo kiểu của một khối thống nhất, và mưu đồ của chế độ Việt Minh quyết tâm loại trừ người Pháp ra khỏi Đông Dương. Vấn đề chót này đã được giải quyết như là biểu hiện của một bộ phận trong âm mưu thôn tính toàn cầu ở Đông Nam Á của Cộng sản và nó cũng biện minh cho một định kiến được chấp nhận rộng rãi trong giới quan chức Washington cho rằng nếu Đông Dương “bị mất” thì toàn bộ còn lại của Đông Nam Á sẽ không tránh khỏi bị rơi vào xâm nhập của Cộng sản và sẽ bị chiếm qua một phản ứng dây chuyền. Khái niệm chiến lược này đã có trước khi nổ ra cuộc chiến Triều Tiên tháng 6-1950. Chắc rằng nó đã trải qua thời kỳ thai nghén trong khi Quốc dân Đảng rút khỏi lục địa Trung Quốc (12-1949). Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Louis Johnson bày tỏ lo ngại đối với sự tiến triển tình hình tại Đông Nam Á và đề cập tới việc mở rộng các chủ trương trước đây đối với từng nước một sang một kế hoạch cho từng khu vực. Logged ngao5 Cựu chiến binh *


Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #101 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:15:50 PM » Vào năm 1949 thì Nga, chứ không phải Trung Quốc, được coi như là nguồn gốc chính của mối đe doạ Cộng sản ở châu Á, mặc dù mọi người cũng nhận thức rằng Trung Quốc, Nhật và cả Ấn Độ cũng có thể mưu đồ thống trị châu Á trong quá trình thời gian. Nhưng trong năm 1949, Hội đồng An ninh Quốc gia của chúng ta đã giữ lập trường cho Mỹ là một nước lớn phương Tây, nên sẽ phải kìm chế không để cho bị lôi kéo vào Đông Nam Á; thay vì điều đó sẽ khuyến khích các dân tộc Ấn Độ, Pakistan, Philippin và các nước châu Á khác tích cực chủ động việc ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản. Hội đồng đã đặc biệt nêu ra Đông Dương, nhấn mạnh ở đó “phải có hành động làm cho người Pháp thấy rõ được sự cấp bách phải gạt bỏ các chướng ngại đã ngăn trở không cho Bảo Đại giành được sự ủng hộ của phần lớn những người Việt Nam”. Đông Dương có một tầm quan trọng đặc biệt vì đó là vùng độc nhất tiếp giáp với Trung Quốc và ở đó đang có một đội quân người Âu to lớn chiến đấu chống lại các lực lượng “Cộng sản”.


Các nguồn tin chính thức Pháp vẫn tiếp tục báo cáo với các nhà ngoại giáo của ta ở Paris, Sài Gòn, Hà Nội và Washington là “có một số đội quân Trung Quốc ở Bắc Kỳ, và một số lớn khác đang chuẩn bị hoạt động” chống lại người Pháp trên biên giới phía Trung Quốc. Cả hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, với những báo cáo (không đầy đủ) này lại có đầy đủ lý do để yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia xem xét tình hình và nghiên cứu các biện pháp để bảo vệ các quyền lợi Mỹ ở Đông Dương. Căn cứ vào tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã đưa ra một văn bản với đầu đề “lập trường của Mỹ đối với Đông Dương”. Vấn đề được nêu ra là “để quyết định biện pháp thực tế của Mỹ nhằm bảo đảm an ninh của Mỹ ở Đông Dương và ngăn chặn không cho sự xâm lược của Cộng sản bành trướng trong vùng này”. Sau khi đã phân tích vấn đề một cách rộng rãi dựa trên các nhận định như “mối đe doạ của Cộng sản xâm lược Đông Dương chỉ là một bước trong kế hoạch đã có sẵn của Cộng sản để chiếm lấy tất cả vùng Đông Nam Á” và việc Trung Quốc và Nga công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh mới đây đã đe doạ nghiêm trọng chế độ Bảo Đại do Pháp đỡ đầu, các tác giả văn kiện nói trên đã kết luận “điều quan trọng đối với quyền lợi an ninh Mỹ là phải cho thi hành mọi biện pháp thiết thực để ngăn chặn sự bành trướng sau này của Cộng sản ở Đông Nam Á”.

Văn kiện đã được đệ trình Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 27-2-1950 để được “xem xét một cách khẩn cấp”. Hội đồng An ninh Quốc gia khôn ngoan đã đồng ý với các kết luận của tác giả văn kiện, đặc biệt đối với khái niệm cho rằng cần phải thấy Thái Lan và Miến Điện sẽ có thể bị rơi vào vòng thống trị Cộng sản nếu như Đông Dương bị kiểm soát bởi một Chính phủ do Cộng sản “cầm đầu” và “lúc đó thì cán cân lực lượng ở Đông Nam Á sẽ bấp bênh nghiêm trọng”. Văn kiện đã được ghi dưới ký hiệu NSC- và được trình cho Tổng thống kèm theo lời đề nghị của Hội đồng “yêu cầu Tổng thống chấp nhận các kết luận và ra lệnh cho các Bộ và các Tổng cục có liên quan trong Chính phủ Mỹ thi hành dưới sự hiệp đồng của Bộ Ngoại giao”.


Tài liệu đã được Tổng thống thông qua ngày 27-3-1950 và được chấp nhận là chính sách của Mỹ. Cũng cần phải thấy rằng bản tài liệu NSC-64 đã được chuẩn bị và được chính quyền Truman thông qua trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lời tuyên bố kết luận của nó mà người ta thường gọi là “thuyết domino” được coi là có liên quan nhiều đến Triều Tiên, nhưng thực ra nó bắt nguồn từ cuộc đấu tranh Đông Dương. Cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ vào tháng 6 chỉ củng cố thêm quan điểm của chính quyền về “thuyết domino”, và làm các học thuyết Truman về vành đai ngăn chặn trở thành mục tiêu của quốc gia.

Cả các nhà chiến lược và các nhà làm chính sách đều thống nhất một ý nghĩ - giữ vững được tuyến Đông Nam Á là điều cần thiết cho quyền lợi an ninh nước Mỹ. Cuộc đấu tranh của Pháp ở Đông Dương, hơn bao giờ hết, được coi như là một bộ phận cấu thành của chiến lược ngăn chặn Cộng sản trong vùng này của thế giới, và chúng ta đã tăng cường và mở rộng các chương trình viện trợ của chúng ta cho Đông Dương. Việc chuyên chở viện trợ quân sự cho Pháp để tiến hành chiến tranh Đông Dương đã đạt mức ưu tiên thứ hai trong năm 1951, ngay sau Chương trình viện trợ chiến tranh Triều Tiên. Ở Paris, người ta tiếp nhận tin tức về việc bùng nổ cuộc chiến tranh Triều Tiên với nhiều nỗi lo lắng và ác cảm lớn. Phản ứng đầu tiên cho đó chỉ là một sự kiện địa phương, một cuộc chiến không liên quan gì tới Pháp và không trở thành một vấn đề quốc tế quan trọng. Nhiều người lại sợ rằng việc tham gia vào đó sẽ làm Mỹ xao lãng vấn đề kinh tế châu Âu và các chương trình phòng thủ chung.


Người khác lại nghi ngờ Mỹ có những động cơ ích kỷ và vụ lợi, chỉ nhằm mở rộng tuyến ngăn chặn của Mỹ sang phía tây của một nước Triều Tiên “thống nhất”, bảo vệ những quyền lợi của Mỹ ở Nhật và Đài Loan chống lại “mối đe doạ đỏ”, một hành động có thể dễ dàng đưa Mỹ và Liên Xô vào một cuộc đối đầu công khai và Thế chiến thứ ba. Có thể thấy một thí dụ về quan điểm của Pháp trong bài của báo Le Monde ngày 27-6, nói rằng nếu Triều Tiên bị mất thì ít ra cũng có lợi là dạy cho Mỹ một bài học. Điều đó sẽ bắt buộc chúng ta phải điều chỉnh lại chính sách đối với chân Á và phải xét xem một tình huống giống như thế có thể xảy đến cho Đông Nam Á không. Bài báo đòi hỏi chúng ta phải chấm dứt các thất bại ở Triều Tiên và Đài Loan bằng mọi cách giúp đỡ cho Pháp chống đỡ được ở Đông Dương.


Nó cũng cho biết quan điểm của Pháp là Đông Dương cũng đã khá loạn rồi, tại sao làm rối thêm bằng cách để cho bị lôi cuốn vào Triều Tiên nữa? Thực ra, cuộc chiến Đông Dương đã trở thành một gánh nặng về tâm lý và kinh tế cho người Pháp. Nó đã trở thành “La sale guerre”(1) và có vẻ cứ tiếp tục không bao giờ dứt. Vào năm 1949-1950, chỉ có một vài nhà chính trị và kinh doanh lớn có nói đến “cuộc thập tự chinh chống Cộng sản” và việc bảo vệ “danh dự Pháp” ở Viễn Đông. Tinh thần chống chiến tranh ở Pháp, Trung Cộng thắng lợi ở phía Bắc, có khả năng có thể xảy ra một cuộc thất bại quân sự của Pháp, tất cả đã tạo ra một cảnh tượng u buồn. Nỗi lo ngại chung sợ rằng cuộc chiến mới ở Triều Tiên có thể không có gì kìm hãm được nữa và đòi hỏi Pháp phải đóng góp nhiều hơn để phục vụ quyền lợi Mỹ ở Viễn Đông, đã tiêu tan trước lời tuyên bố ngày 27-6 của Tổng thống Truman, nói rằng ông đã chỉ thị “gia tăng việc cung cấp viện trợ quân sự cho quân đội Pháp và các quốc gia liên hiệp ở Đông Dương và gửi đến đó một phái đoàn quân sự”.


Mặc dù việc mở rộng viện trợ đã được quyết định trước khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên, và cũng chỉ được công bố sau đó 2 ngày, nhưng cũng đủ là một phát súng lệnh cho giới tư bản kinh doanh kếch xù đang hoạt động trên một quy mô lớn ở Đông Nam Á và rất mong muốn cho cuộc chiến ở Đông Dương tiếp tục kéo dài. Với sự tham gia tích cực của Mỹ vào châu Á, cuộc chiến Đông Dương đã đạt tới một quy mô mới. Nó đã được “quốc tế hoá” và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh chống Cộng của Mỹ. Mỹ đã mang lại sức sống cho cuộc chiến Đông Dương đúng ngay giữa lúc dư luận công chúng Pháp đang nghiêng về phía muốn gói ghém nó lại.


Quy mô mới này của cuộc chiến đã là một nguồn kích thích mạnh mẽ cho tất cả những thế lực chính trị và thương mại ở Pháp đang theo đuổi cuộc chiến tranh cho đến “thắng lợi cuối cùng”. Nhưng nó cũng làm cho nước Pháp càng phụ thuộc thêm vào Mỹ, ngay cả trên các lĩnh vực mà Pháp đã cố gắng giành giật lấy một sự độc lập tương đối trong chính sách của mình. Kết quả là ở Pháp, số người Pháp kiếm được lời lớn nhờ việc kéo dài cuộc chiến đã tăng lên rất nhiều. Ở tầm cỡ quốc tế, cuộc chiến không chỉ đã đưa lại quy mô mới đã nói ở trên mà còn cả một vấn đề ý thức trách nhiệm, thậm chí là ý thức phạm tội, mà điều này đã trở thành lý lẽ cho người Pháp cũng như người Mỹ sử dụng làm đòn bẩy để thực hiện những mục tiêu cuối cùng của họ.


Đã có ý kiến là trong khi cuộc chiến Đông Dương, đã và tiếp tục sẽ còn là một cuộc chiến của Pháp, do người Pháp điều khiển để nhằm đạt được một mục tiêu của Pháp (chủ nghĩa thực dân) thì “hành động cảnh sát” của Mỹ ở Triều Tiên chủ yếu lại là một cuộc chiến của Mỹ, do các tướng Mỹ điều khiển, người và tài chính do Mỹ cung cấp và chỉ nhằm phục vụ cho một mục tiêu của Mỹ ở châu Á (ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản). Qua sự chống đối cố hữu về các mục tiêu nói trên (“thuyết domino” chống với chủ nghĩa thực dân), người ta cũng có thể giải thích được khá nhiều về những bất đồng đã nảy sinh ra giữa Mỹ và Pháp trong thời kỳ 1950-1954. Một sự thật hiển nhiên là nếu không có viện trợ Mỹ, Pháp đã không thể theo đuổi được cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng chúng ta đã thiếu sót trong việc sử dụng cái đòn bẩy to lớn đó để ép Pháp phải có những bước đi tích cực hơn nữa trong việc trao hoàn toàn độc lập cho các quốc gia liên hiệp. Xem xét các mối quan hệ Pháp - Mỹ trong thời gian từ 1950 đến 1954, cho thấy rõ đòn bẩy của Mỹ đã được sử dụng một cách hết sức hạn chế và chính vì ưu tiên trong chính sách Mỹ lại đặt ở vấn đề ngăn chặn Cộng sản ở châu Á, nên giữa hai nước với nhau thì áp lực của Pháp đối với Mỹ lại mạnh hơn. Điều này cũng chẳng bao hàm ý nghĩa là nếu các quan điểm của Mỹ thắng thế thì vấn đề Cộng sản ở Đông Dương cũng sẽ được giải quyết.


Cuộc đấu tranh của Việt Minh để giành độc lập hoàn toàn đứng trên một bình diện Xã hội chủ nghĩa vẫn cứ tiếp tục, nhưng nó cũng có khả năng được các giới tư bản phương Tây chấp nhận nhiều hơn. Đúng là áp lực của Pháp thực ghê gớm. Trong thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh, Pháp tương đối yếu và phụ thuộc vào Mỹ qua khối NATO và Kế hoạch Marshall để có an ninh quân sự và phục hồi lại nền kinh tế. Trong cả hai lĩnh vực đó đều có những điểm tựa có thể sử dụng để tác động đến chính sách Pháp ở Đông Dương. 


Cả NATO và Kế hoạch Marshall đều được Chính phủ chúng ta và công chúng đánh giá là hết sức quan trọng đối với quyền lợi quốc gia Mỹ, trong khi đã được xác nhận rõ ràng là có một mối đe doạ của Xô viết đối với Tây Âu. Việc Cộng sản nắm chính quyền ở Pháp là một khả năng hiện thực (Lúc đó đảng Cộng sản Pháp là một đảng chính trị lớn nhất và đấu tranh mạnh nhất ở Pháp). Do đó, một sự đe doạ của Mỹ về việc rút viện trợ quân sự chính trị cho Pháp nếu Pháp không chịu thay đổi chính sách ở Đông Dương, là điều không thể chấp nhận được và sẽ gây nguy hại cho quyền lợi Mỹ ở châu Âu, quan trọng hơn rất nhiều so với bất cứ cái gì ở Đông Dương. Chỉ có nguồn duy nhất khác để gây ảnh hưởng là chương trình viện trợ quân sự cho Đông Dương. Ở đây, đòn bẩy của chúng ta lại bị các viên chỉ huy mặt trận của Pháp ràng buộc một cách ngặt nghèo. 

Tướng H.E. Navarre cho rằng ngoài công việc kế toán ra thì mọi chức năng của US-MAAG(2) ở Sài Gòn đều là can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp. Ngay cả khi đã nhận thức được rằng không có viện trợ Mỹ thì thực khó mà tiếp tục được cuộc chiến tranh, nhưng người Pháp cũng không bao giờ cho phép người Mỹ tham gia vào công tác đặt kế hoạch chiến lược hoặc định các chính sách. Hơn thế nữa, như trong năm 1945, người Pháp đã nghi ngờ viện trợ kinh tế Mỹ nhằm lôi kéo những người quốc gia Việt Nam và đã yêu cầu chúng ta cung cấp viện trợ “không có ràng buộc kèm theo” và thực sự không có sự kiểm soát về mặt sử dụng các hàng viện trợ đó.

 Qua thái độ này, cũng vào năm 1945, là một sự nghi ngờ ngấm ngầm cho rằng Mỹ muốn thay thế hoàn toàn người Pháp ở Đông Dương, về mặt kinh tế cũng như về mặt chính trị. Nỗi sợ hãi quá mức đối với cái bóng ma Cộng sản đã là một điều làm hại chúng ta. Không có lúc nào chúng ta đã xem xét tới khả năng khối Trung - Xô lại có thể là thực sự đáng sợ đối với chúng ta như chúng ta đã sợ họ. Cũng chẳng bao giờ các chiến lược gia và các nhà quyết định chính sách của chúng ta đã xác định được những mục tiêu thiết thực và có khả năng đạt được hơn với những định mức nhất định cho sự phát triển kinh tế và chiến lược của chúng ta, và đưa ra được một chính sách quốc gia dựa trên tham vọng toàn cầu, để có thể vì thế mà sự chung sống với thế giới Cộng sản đã được trả giá ít đắt đỏ và mang lại hiệu quả nhiều hơn.

 Như trước đây và bây giờ cũng vẫn còn ít nhiều như vậy để đối phó với mỗi “mối đe doạ của Cộng sản”, chúng ta chỉ bước được theo điệu nhảy của người Xô viết mà thôi và rất ít khi đứng được trên một lập trường sức mạnh đưa vào những kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn sàng và vững vàng. Vì sợ, không có quyết tâm và hám lợi, chúng ta đã phải chịu khuất phục trước những doạ nạt của cả bạn bè và kẻ thù. Trong những năm đầu thập kỷ 1950, Pháp đã có khả năng làm áp lực với Mỹ, chính vì ở Washington người ta đã quá tin ở điều cho việc bảo vệ một Đông Dương không Cộng sản là sống còn đối với quyền lợi của phương Tây và đặc biệt là của Mỹ. Điều cơ bản nhất là Pháp đã tiến hành một cuộc chiến mà chúng ta cho là rất cần thiết.


Do đó, người Pháp bao giờ cũng có thể, chỉ bằng cách đe doạ rút lui khỏi Đông Dương, cũng giành được nhân nhượng và giúp dỡ thêm. Khi nước Pháp thấy đã mệt mỏi về “cuộc chiến bẩn thỉu”, thì đó cũng chẳng phải là một điều không được đông đảo quần chúng trong nước Pháp tán thành. Năm 1953, khi chính phủ Laniel yêu cầu gia tăng mạnh mẽ viện trợ Mỹ, đại diện của Bộ Ngoại giao trong buổi họp của Hội đồng An ninh Quốc gia đã phân tích “nếu chính phủ Pháp này đang đề nghị chúng ta tăng cường viện trợ cho Đông Dương mà không được chúng ta giúp đỡ trong lúc này, thì đó cũng là chính phủ cuối cùng đã có một sự cố gắng thật sự để giành thắng lợi ở Đông Dương”. Chú thích (1) Cuộc chiến bẩn thỉu - tiếng Pháp (2)

Phái đoàn Viện trợ quân sự Mỹ Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #102 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:17:07 PM » Thành công của những thủ đoạn này là ở chỗ viện trợ của chúng ta đã được sử dụng để tăng thêm ít nhiều hiệu quả và quyết tâm chiến đấu của Pháp, chúng ta cũng đã có thể thúc đẩy Paris đặt ra kế hoạch Navarre điển hình, nhưng chúng ta đã không ảnh hưởng gì được tới cách điều khiển chiến tranh của Pháp hoặc đưa Pháp tới giải quyết vấn đề tranh chấp bằng chính trị..

Điều cám dỗ phải “đi cùng” với người Pháp cho tới khi nào Việt Minh bị đánh bại là hấp dẫn nhất vì hy vọng thắng trận vẫn lan tràn trong giới chính quyền Washington. Trước Điện Biên Phủ, tướng J.W. O'Daniel, chỉ huy MAAG ở Sài Gòn, đã báo cáo cụ thể là có thể giành chiến thắng nếu như Mỹ tiếp tục chi viện. Vào tháng 11-1953, ông ta lại đệ trình một bản báo cáo về Kế hoạch Navarre, nói rằng quân đội Liên hiệp Pháp nắm quyền chủ động và sẽ mở các chiến dịch tấn công vào giữa tháng 1-1954; đồng thời sẽ kìm giữ và phá lợi thế của Việt Minh ở đồng bằng Bắc Kỳ cho tới tháng 10-1954, để khi đó Pháp sẽ mở một cuộc tiến công quyết định trong vùng bắc vĩ tuyến 19. O'Daniel kết luận kế hoạch Navarre cơ bản là tốt và sẽ được ủng hộ, vì nó sẽ đưa lại thắng lợi quyết định. 


O'Daniel đã không biết được ông và chính phủ ông đã bị lừa. Trong một bản báo cáo mật gửi chính phủ Pháp vào cuối năm 1953 (đã được đưa ra trong bản hồi ký của mình năm 1956), chính Navarre đã tuyên bố là không phải giành lấy thắng lợi trong chiến tranh theo đồng nghĩa quân sự của nó một cách đơn giản, mà tất cả những gì có thể hy vọng được chỉ là một “coup nul”(1) - một đòn tháo gỡ ra ngoài cuộc. Cả O’Daniel và các quan chức Bộ Ngoại giao chúng ta đều không biết về những chỉ thị tuyệt mật của Hội đồng Quốc phòng Pháp gửi cho Navarre, ra lệnh cho ông ta phải phòng thủ Lào, nếu có thể được, nhưng “trước hết, phải bảo đảm an toàn cho đội quân viễn chinh Pháp” và chuẩn bị, bằng những điều kiện quân sự tốt nhất mà ông ta có thể làm được, để đi đến thương lượng. Một vấn đề quan trọng khác giúp làm đòn bẩy cho Pháp là tình hình ở châu Âu.

 Một mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại Mỹ năm 1953-1954 là việc thành lập một cộng đồng phòng thủ châu Âu (EDC) để “trùm lên” một quân đội Tây Đức mới được đặt trong một lực lượng liên kết Đồng minh để phòng thủ Tây Âu. Pháp không nhiệt tình tham gia EDC do Mỹ bảo trợ, vì một mặt Pháp sợ một nước Đức vũ trang, mặt khác Pháp không đồng tình với Mỹ về một cuộc xâm lược của Xô viết vào châu Âu. Nhưng Pháp tham dự EDC lại là cần thiết để 5 nước tham dự khác chấp thuận vào cộng đồng, do đó Mỹ phải ra sức thuyết phục Pháp. 


Chính vì sự ưu tiên cao đối với EDC trong kế hoạch của Mỹ, nên chúng ta đã phải miễn cưỡng rất nhiều trong việc chống chọi với Pháp ở Đông Dương, đã không thấy ngay được một sự mâu thuẫn ngầm trong chính sách của chúng ta thúc ép Pháp cùng một lúc vừa phải chấp nhận vào EDC, vừaa phải có cố gắng lớn hơn nữa ở Đông Dương đang đòi hỏi Pháp tăng cường lực lượng sang Viễn Đông. Nhưng Quốc hội Pháp sẽ không chấp nhận EDC nếu như, ít nhất, Pháp không được bảo đảm là quân đội Pháp ở châu Âu sẽ được cân bằng với quân đội của Đức. 


Vì thế, Pháp đã viện cớ là việc tham gia EDC có khả năng ngăn trở Pháp đưa thêm lực lượng sang Đông Dương. Lại còn một đòn bẩy khác thể hiện trong khả năng Pháp có thể đưa vấn đề Đông Dương ra bàn ở Hội nghị Genève. Điều đó đã xảy ra trong cuộc họp của các Ngoại trưởng Tứ cường tháng 2-1954 ở Berlin. Hội nghị Genève sẽ họp bàn để tìm một giải pháp chinh trị cho cuộc chiến Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao J. Foster Dulles không muốn thương lượng về Đông Dương nếu như chưa có được một sự cải thiện rõ rệt trong tình hình quân sự của Pháp để họ phải điều đình trên một thế mạnh hơn rất nhiều.


 Nhưng chính phủ Laniel, dưới áp lực ngày càng mạnh của dư luận công chúng Pháp muốn kết thúc chiến tranh Đông Dương, mặc dù đã có sự phản dối của chúng ta, nhưng vẫn cố nài đưa vấn đề Đông Dương ra bàn ở Hội nghị Genève. Có tin nói Bộ trưởng Ngoại giao Bidault đã báo cho biết là nếu chúng ta không chấp thuận thì EDC chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Tổng hợp các nhân tố đó lại, thấy thực tế chúng ta đã để cho chúng ta bị kẹt trong việc đưa ra một đường lối hợp lý đối với Việt Nam từ 1950 đến 1954. Chúng ta đã bị giam chặt bởi chính ngay “thuyết domino” của chúng ta, bởi những hy vọng lạc quan của chúng ta về một chiến thắng quân sự của Pháp, bởi sự thiếu sót trong việc đưa ra các định mức thực tế trong các chính sách chống Cộng được dựa vào các kế hoạch vững chắc và vì đã để cho các nhu cầu kinh tế trong nước của chính chúng ta đóng một vai trò quá lớn. 

Về phía Pháp, trong cuộc đấu tranh, đồng thời nhưng hoàn toàn khác, để nhằm giữ lại thuộc địa Đông Dương cũ của họ, Pháp đã sẵn sàng ngăn chặn mọi chủ trương khác bằng cách chối từ không cho Bảo Đại bất kỳ một sự tự trị thực sự nào, kìm hãm sự phát triển của quân đội Quốc gia Việt Nam, và sử dụng đòn bẩy to lớn của họ trong các khó khăn ở châu Âu để thủ tiêu các cố gắng chống thực dân Pháp của chúng ta ở Việt Nam

 ***


 Tình hình chiến tranh Việt Nam càng ngày càng tồi tệ đã nói lên rất rõ những thất bại về chính trị của chúng ta suốt trong 4 năm đó. Cuối năm 1949, quân Pháp dưới quyền của tướng M. Carpentier đã mất quyền chủ động, và tháng 1-1950, tướng Giáp đã mở một loạt các chiến dịch chống lại người Pháp. Qua cuộc tấn công đầu tiên Giáp không uy hiếp trực tiếp vùng chiến lược đồng bằng sông Hồng và từ tháng 2 đến tháng 4 đã xúc tiến những chiến dịch quy mô lớn nhằm đảm bảo cho Việt Minh kiểm soát cả miền đông bắc Bắc Bộ. Trong mùa hè 1950, khi quân Liên hợp quốc đánh đi đánh lại xuyên qua bán đảo Triều Tiên, Giáp lại bồi thêm thất bại cho quân đội Carpentier trên hành lang Lạng Sơn - Cao Bằng. Vừa bị đánh bại trong các cuộc hành quân với Giáp, người Pháp còn bị chính phủ trong nước họ làm mất tinh thần vì quyết định giảm đi 9.000 quân ở Đông Dương. Quốc hội Pháp đã bày tỏ tình cảm của mình tiếp tục ủng hộ cuộc chiến đấu bằng cách yêu cầu chính phủ không được đưa lính mới gọi nhập ngũ sang bổ sung cho Đông Dương. 


Sau hơn 3 năm chiến đấu không mang lại được kết quả gì, người Pháp vẫn đánh giá thấp quyết tâm của Việt Minh và đánh giá quá cao lòng dũng cảm của chính mình. Khi mà lính thuỷ đánh bộ của chúng ta đổ bộ ở Inchon, Triều Tiên giữa tháng 9, thì Giáp cũng mở trận tấn công vào thị trấn chiến lược Đông Khê (20 dặm đông nam Cao Bằng). Đồn quân của Pháp ở Cao Bằng đã hoảng sợ bỏ chạy về phía Nam và bị tổn thất nặng nề trên đường rút lui. 

Ngày 17-10, Pháp rút bỏ Lạng Sơn và đến cuối tháng thì toàn bộ nửa phần Bắc Bộ đã lọt vào tay Việt Minh, và không bao giờ quân Pháp còn đặt chân tới đó được nữa. Như một nhà văn đã viết “Khi đám khói tan đi, người Pháp mới thấy đã phải chịu một thất bại ở thuộc địa lớn nhất kể từ khi Montcalam chết ở Quebec”(2). Ở chính quốc Pháp là một tình hình không thể chịu đựng được nữa. Thua trong nhiều trận đánh là điều có thể tha thứ được, nhưng thua cuộc chiến Đông Dương sẽ là một tai hoạ cho số thực dân và những người cầm đầu buôn bán chiến tranh ở Pháp. Trước đó mấy tháng, Pháp đã yêu cầu sự viện trợ của chúng ta dựa trên cơ sở hứa hẹn cuộc chiến phải được tiến hành một cách thắng lợi. Mấy tuần sau đó (tháng 5-1950), 

Tổng thống Truman đã cho mở một ngân khoản và đặt ra một Phái đoàn Viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) để đến tháng 6 chúng ta chỉ còn việc ra sức cổ vũ người Pháp. Nhưng đến tháng 11 thì cuộc chiến Đông Dương đã chuyển thành một cuộc tháo lui nhục nhã. Đó là một sự bối rối không thể nào chịu được đối với người Pháp kiêu hãnh và làm dấy lên những hoài nghi nghiêm trọng ở Pháp cũng như ở Mỹ về việc quân Pháp có thể giành dược thắng lợi quân sự đang mong muốn. Bộ chỉ huy tối cao Pháp trong một thời gian đã tỏ ra rất lo lắng về tình trạng cuộc chiến không thể tiến triển được: thực tế nó đã trở thành bế tắc.

 Sau lần đi thanh tra về, tướng G. Revers đã đề nghị phải có một số thay đổi về chính trị và quân sự, nhưng tất cả những điều đó đều không được bộ máy chỉ huy quân sự và chính phủ Pháp ưa chuộng. Nhiều phần trong bản báo cáo tối mật của Revers đã “được tiết lộ” cho những người Cộng sản Pháp biết, và vào tháng 4-1950, trước sự kinh ngạc của người Pháp, nhiều đoạn nguyên văn trong báo cáo đã được phát đi từ Đài phát thanh Việt Bắc (đài phát thanh Việt Minh). Nguy hại hơn nữa là phần chính trị trong báo cáo Revers cũng lại “bị tiết lộ” và được mọi người biết và gọi là “vụ án các tướng”, một vụ bê bối của quốc gia phản ảnh mặt trái hành vi của một số tướng Pháp. Vụ bê bối các thất bại quân sự đặt ra vấn đề lại phải có thay đổi trong chỉ huy và “điệu nhảy valse cho các tướng” lại tiếp tục.


Từ Leclerc năm 1945 đến Valluy, Blaizot, rồi Carpentier, nay thêm De Lattre tháng 12-1950 và tiếp theo nữa là Salan, Navarre và cuối cùng là Ély. Tướng De Lattre nắm quyền chỉ huy thay tướng Carpentier và cũng thay Pignon để làm Cao uỷ Pháp. Trước mắt ông ta là một quân đội mất tinh thần, bại trận, bị sứt mẻ, tháo chạy từ vùng đông bắc Bắc Kỳ về Hà Nội đầy những thường dân hoảng loạn đang chuẩn bị trốn chạy trước cuộc đột kích của Việt Minh. Họ đã nghe đài phát thanh Việt Bắc nói chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sắp trở lại Hà Nội, và cộng đồng người Pháp cũng đang ở trong tình trạng hết sức hoang mang. Lại có tin đồn Giáp đã hứa với Hồ Chí Minh là ông sẽ vào Hà Nội trong ngày Tết âm lịch, tháng 2-1951. Dưới áp lực của công chúng; chính phủ Pháp đã phải cho đưa tàu Pasteur, chiếc tàu khách to nhất còn lại lúc đó sang Đông Dương để di tản tất cả thường dân Pháp đi khỏi Bắc Việt Nam.


Nhưng De Lattre, một con người nổi tiếng về mọi phương diện, đã không nói đến chuyện rút lui, mà cũng chẳng muốn chịu thua mà không chiến đấu. Ông ta đã cho chuyển xuống tàu Pasteur toàn những binh lính bị thương tới 2/3 chuyến tàu và cho chở về Pháp, mặc cho nghị viện ở Paris la ó và bất bình. De Lattre, một trong những viên tướng có năng lực của Pháp trong Thế chiến thứ hai, được đánh giá cao là một viên tư lệnh chiến trường và nhà chiến lược. Nhưng cá tính độc đoán của ông, thường được so sánh chẳng kém gì D'Argenlieu, sẽ làm cho các giới giao tiếp cá nhân và tập thể với ông hết sức khó khăn. Tính kiêu kỳ và tính khí của ông làm cho các người dưới quyền khiếp đảm và họ đã gọi (sau lưng) ông ta là “Vua Jean”. Không nói đến đặc điểm cá tính thì phải nhận rằng De Lattre là một người lãnh đạo và gây được tin tưởng. Khi được hỏi tại sao lại nhận lấy một sự nghiệp nhiều phần được coi như là thất bại rồi, ông đã trả lời là chưa thất bại và ông đang chiến đấu trong một đội 

Thập tự quân chống lại Cộng sản. Trái với quan điểm của nhiều người lúc bấy giờ, cho rằng Bộ chỉ huy tối cao Pháp đã đề cử ông cốt để làm dịu những lời chỉ trích của Bộ Tổng Tham mưu trong vụ bê bối của các tướng và để chủ trì cho sự cáo chung một cách có hệ thống Đế quốc Pháp ở Viễn Đông, De Lattre lại cho thấy nhiều dấu hiệu ông không có ý định rút lui. Như đã nói ở trên, ông ta hy vọng sẽ chiến thắng trong vòng 15 tháng. Việc đầu tiên ông ta thực hiện là chuyển từ hỗn loạn sang trật tự, từ thất vọng sang hy vọng, từ lãnh đạm sang chủ động và không phải chỉ ở trong quân đội của ông mà trong cả thường dân Pháp và những người Việt không Cộng sản. Ông hứa hẹn ít: không cải tiến, không tăng cường, không có thắng lợi dễ dàng mà chỉ có nhiều hy sinh hơn nữa. Và, với quân đội, ông nói “Không có vấn đề gì cả, các người sẽ được chỉ huy”. 

Đối với những người lính trước đây đã rất ít khi hiểu được họ làm gì ở Đông Dương, thì đây là một lời tuyên bố tích cực đầu tiên của Bộ chỉ huy tối cao. Còn với danh nghĩa là Cao uỷ, ông đã đặt ra nhiệm vụ phòng vệ cho các thường dân Pháp ở Đông Dương, và đã trưng dụng mà không cần báo trước các máy bay dân sự cua Pháp khi hạ cánh xuống Sài Gòn để chuyên chở lực lượng tăng viện ra mặt trận. De Lattre chưa có mặt ở Đông Dương một tháng trước khi Giáp thực hiện “giai đoạn cuối cùng” cuộc tổng tiến công để đẩy người Pháp ra khỏi đồng bằng và chiếm lại thủ đô Hà Nội. Giáp đã tấn công vào quân đội De Lattre ở chung quanh Vĩnh Yên ngày 16-1. 

Sau thắng lợi ban đầu của Việt Minh, hoả lực của Pháp có bom napall không quân hỗ trợ, đã giúp giành lại được ban ngày, và bộ đội của Giáp rút khỏi chiến trường ngày 17. Không hề nản sau trận thất bại đầu, Giáp tập hợp lực lượng và lại đánh vào Mạo Khê (15 dặm bắc đông bắc Hái Phòng). Trận đánh bắt đầu từ đêm 23-24 tháng 3 và kéo dài đến chiều ngày 28. Một lần nữa, Giáp lại không phá được tuyến phòng thủ của Pháp; Pháp chỉ bị 40 người chết và 150 người bị thương. Một cuộc tấn công thứ ba, ít tham vọng hơn, đã xảy ra ngày 29-5, dọc bên bờ sông Đáy, khoảng 60 dặm nam Hà Nội. Mặc dù đã giành được ít nhiều thắng lợi ban đầu, nhưng trận đánh đã kết thúc ngày 18-6. Giáp chưa chuẩn bị đầy đủ cho “giai đoạn cuối cùng” và mùa mưa tới đã làm gián đoạn các chiến dịch của ông. Nhưng De Lattre thấy ông ta không thể bảo vệ 7 triệu dân và 7.000 dặm vuông đất đai đồng bằng Sông Hồng vì thiếu binh lực nên đã vội vàng cho xây một loạt các cứ điểm mạnh từ Móng Cái tới Vĩnh Yên (45 dặm bắc Hà. Nội) rồi về phía nam tới bờ biển.


 Hệ thống cứ điểm phòng ngự này được gọi là “phòng tuyến De Lattre” và cũng giống như phòng tuyến Maginot nổi tiếng. Các tuyến phòng thủ cố định này luôn được tuần tiễu, nhưng Việt Minh cũng vẫn dễ dàng xâm nhập qua được. “Tuyến De Lattre” và các đơn vị cơ động tuần tiễu đòi hỏi phải có khoảng 1 vạn lính mà De Lattre khó lòng cung cấp đủ nếu ông còn muốn để quân tìm đánh Việt Minh. Nhưng Bộ Tổng Tham mưu Pháp đã đồng ý cho xây dựng phòng tuyến do tướng Revers đề ra từ tháng 5-1949, mà lại không cho tăng thêm quân số. Sự chống đối chính trị ở Pháp không cho gửi lính mới nhập ngũ sang Đông Dương nên đã tước bỏ mọi hy vọng có thêm quân tăng viện từ chính quốc. Chỉ còn có một giải pháp khác: quân đội Quốc gia Việt Nam. Chú thích (1) Trận đấu không mang lại kết quả (2) B. Fall, “Con đường không vui” Logged ngao5 Cựu chiến binh * 


Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #103 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:19:01 PM » Với tư cách là quốc trưởng, Bảo Đại có thể gọi một đội quân quốc gia, nhưng ông ta đã cưỡng lại không làm. Ông ta không có những nhà lãnh đạo quân sự. Người Pháp cũng đã không đào tạo ra được người Việt Nam nào có cấp bậc cao hơn những người chỉ huy các đơn vị nhỏ hoặc thông thạo các vấn đề chiến lược. Bảo Đại còn bị các quan chức cai trị Pháp chống đối mạnh mẽ, số này vốn là tay chân của Pignon, người được De Lattre thay thế, và đi theo đường lối của đảng Cộng hoà Bình dân và Tập hợp Dân chúng Pháp chống lại việc có một đội quân người bản xứ không do Pháp trực tiếp kiểm soát.


Sau cùng là Bảo Đại cũng lo một đội quân như thế rất có thể sẽ chạy hàng loạt sang phía Việt Minh. Chính De Lattre (khi đó còn ở Pháp) đã gạt bỏ được sự chống đối đó và thuyết phục người Pháp là cần có một quân đội quốc gia do người Việt Nam chỉ huy để đỡ gánh nặng quân sự cho Pháp. De Lattre đã tác động đến thái độ của Pháp và sau đó một học viện quân sự đã được mở ra vào tháng 11-1950. Nhưng các sĩ quan tốt nghiệp học viện lại chỉ được phục vụ trong đội quân viễn chinh Pháp, được đưa vào các đơn vị “da vàng” của quân viễn chinh, có nghĩa là họ không phải là quân nhân Việt Nam, mà là quân nhân Pháp. Đó không phải là đúng như ý định của De Lattre và càng thúc bách Bảo Đại và thủ tướng Trần Văn Hữu của ông ta phải lập một quân đội quốc gia. Cuối cùng, đến tháng 7-1951, Bảo Đại cho tiến hành cuộc gọi quân đầu tiên, nhưng chỉ có một số ít người đáp lại. Các nhà chức trách quốc gia cũng như địa phương đã không nhiệt tình hưởng ứng vì sợ có ảnh hưởng không hay về chính trị. 

Nhiều thanh niên, để trốn bị động viên đã đi theo các đơn vị dân binh Cao Đài hoặc Hoà Hảo. De Lattre nổi cáu, đã nói với một toán tân binh “Hãy chiến đấu cho đất nước các anh như những con người. Nếu các anh là Cộng sản thì hãy đi theo Việt Minh. Ở đó cũng có người đang say mê chiến dấu cho một lý tưởng tồi tệ!”(1). De Lattre đã làm được nhiều việc trong thời gian ngắn ngủi khi ông ở Đông Dương, tuy chẳng có việc gì tác động được đến bước kết thúc cuối cùng của cuộc chiến tranh. Hoạt động của ông ta đã bị chững lại vì bị bệnh nguy kịch; vị Thống chế tương lai của nước Pháp còn phải chịu đựng cái chết bi thảm của người con trai độc nhất, thiếu uý Bemard De Lattre, hy sinh ở trận sông Đáy trong đợt chiến dịch thứ ba không thành công của Giáp nhằm chiếm lại đồng bằng và Hà Nội. Ông ta đã đến Washington (tháng 9-1951) dể thảo luận vấn đề viện trợ Mỹ cho Pháp, mà ông đánh giá cao, nhưng khi trở về Paris thì tình trạng sức khỏe bị suy sụp.

 Nhưng ông ta vẫn cho rằng viện trợ trực tiếp cho các quốc gia liên hiệp là “có hại” và vẫn muốn viện trợ phải do Pháp phân phối và qua con đường của Pháp. Ông nói với Robert Blum, lúc đó phụ trách chương trình viện trợ kinh tế Mỹ, “với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, tôi có thể hiểu được điều đó (viện trợ Mỹ), nhưng là người Pháp thì tôi không thích”. Blum (vào năm 1952) đã nói về cái tam giác Bảo Đại - Pháp - Mỹ như sau: “Một mặt là những lời tuyên bố chính thức được nhắc đi nhắc lại là Pháp không hề có quyền lợi vị kỷ ở Đông Dương, chỉ mong muốn thực hiện độc lập cho các quốc gia liên hiệp và ngăn chặn được sự xói mòn ghê gớm nguồn tài nguyên của Pháp. Mặt khác lại là vô số các tỉ dụ về sự cố tình kéo dài nền cai trị của Pháp, việc can thiệp vào các vấn đề chính trị chủ yếu, việc đầu cơ, thường xuyên cãi vã và nói xấu sự chuyến giao quyền lực và giải quyết vấn đề độc lập… 

Rõ ràng là có mâu thuẫn trong hành động của Pháp giữa sự mong muốn rút ra khỏi cuộc chiến không được dân chúng ủng hộ, tốn kém và chắc chắn là không có kết quả, với ý định được thấy nó kết thúc trong danh dự, thoả mãn được niềm tự hào của Pháp, đồng thời lại bảo toàn được quyền lợi. Sự khác biệt này đã thể hiện một cách khá sâu sắc trong thái độ với tướng De Lattre ở Đông Dương, nơi ông được ca tụng như một thiên tài chính trị và là một vị cứu tinh về quân sự… và đối với ông, ở Pháp, bị người ta nghi ngờ cho rằng chỉ vì danh vọng cá nhân mà đem tài nguyên của Pháp tiêu phí trong một cuộc phiêu lưu nguy hiếm. Về vấn để tham gia của Mỹ, Blum nói tiếp: “

Thực khó mà đánh giá được kết quả của gần 2 năm (1950-1952) Mỹ tích cực tham gia vào công việc ở Đông Dương. Mặc dù chúng ta đã lao vào một cuộc hợp tác không dễ dàng, một mặt, với người Pháp sặc mùi “thực dân” nhưng không thể tránh khỏi, và mặt khác, với những người Việt Nam yếu đuối và chia rẽ, nhưng chúng ta cũng đã không có đầy đủ khả năng hoà giải hai bạn đồng minh đó trong một cuộc đấu tranh có xu hướng đặc biệt chống Cộng”.

 Và Blum kết luận: “Tình hình ở Đông Dương không làm cho chúng ta hài lòng và thể hiện không có triển vọng tiến bộ có thể, không thể giành được một chiến thắng quân sự quyết định, chính phủ Bảo Đại có rất ít hứa hẹn phát triển được tài năng và giành được sự trung thành của dân chúng, và việc đạt tới được các mục tiêu của Mỹ thực là xa xôi”. Phân tích và kết luận của Blum về thực chất không khác gì các nhận xét của thượng nghị sĩ John F. Kennedy khi ông tới thăm Việt Nam tháng 11-1951 và đã tuyên bố: “… tự chúng ta đã lìên minh với sự cố gắng tuyệt vọng của chế độ Pháp nhằm duy trì những tàn dư của một đế quốc. Nhưng chính phủ Việt Nam bản xứ đã không có được một sự ủng hộ rộng rãi trong nhân dân của vùng này”. Tuy De Lattre đã làm cho Pháp được thảnh thơi chút ít trước cuộc tiến công mãnh liệt nhưng không có kết quả của Việt Minh, nhưng cuộc thương lượng đình chiến ở Triều Tiên bắt đầu từ tháng 7-1951 đã làm cho cả Pháp và Mỹ lo ngại về khả năng một cuộc xâm lược qui mô lớn của Trung Quốc đối với Đông Dương


. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì đã có một số lớn quân Trung Quốc tập trung ở biên giới Bắc Kỳ và nhiều đồ viện trợ đã được cung cấp cho Việt Minh. Pháp đã nhận định về mối đe doạ mới đó với một nỗi hoảng sợ và thất vọng. Các nhà làm chính trị của họ đã bắt đầu nghĩ tới thương lượng và thoả hiệp với Việt Minh khi mà lực lượng so sánh, theo họ nghĩ, sẽ nghiêng về phía Pháp. Nhưng Mỹ lại nhận định khả năng xâm lược của Trung Quốc trong điều kiện địa vị quân sự của Pháp tiếp tục suy sụp, nặng về phía coi đó là một mối đe doạ của sự bành trướng Cộng sản hơn là về việc mất mát một thuộc địa của Pháp. Sau các cuộc thất trận của Việt Minh vào đầu 1951, Giáp đã phải xem xét lại chiến lược của mình và quyết định cho lui về “giai đoạn hai” theo lý luận về chiến tranh cách mạng, áp dụng trở lại các chiến thuật du kích, quấy rối, tiêu hao và làm suy yếu các cơ cấu phòng thủ cố định của Pháp. 

Trong khi De Lattre trở về Pháp (1-12-1951), phó của ông ta, tướng Raoul Salan, đã nắm quyền chỉ huy, quyết đưa quân đi đánh Việt Minh. Nhưng Giáp đã không tiếp chiến, trừ khi ông thấy có thể đánh theo kiểu của mình. Quân Pháp đã đánh vào những chỗ trống không và thường xuyên bị tổn thất nặng nề. Các chiến sĩ Việt Nam đã làm cho quân Pháp phải bộc lộ, đánh rồi biến mất vào trong rừng. Hoặc họ có thể tiềm nhập vào một vị trí của Pháp, đánh phá rồi rút, gây thiệt hại, làm gián đoạn giao thông liên lạc, gây thương vong nghiêm trọng mà họ chẳng phải chịu tổn thất nào. Mùa thu năm 1951, các chính trị gia Pháp cần một cách khốn khổ phải có được một trận thắng ở Đông Dương. Quốc hội Pháp chuẩn bị thảo luận ngân sách Đông Dương tài khoá 1952-1953 và các nhà ngoại giao Pháp ở Washington đang cố gắng thuyết phục nhân dân chúng ta tăng thêm phần Mỹ gánh vác các chi phí của cuộc chiến tranh. Do đó, một “chiến thắng vang dội ở Đông Dương, ngược lại với sự bế tắc ở Triều Tiên, sẽ có một tác động mạnh đến phái bồ câu ở Paris và gây xúc động cho Quốc hội Mỹ ở Washington”. De Lattre, trong khi chỉ còn ở lại Đông Dương ít tuần lễ nữa, đã chọn giành một thắng lợi dễ dàng bằng cách cho chiếm thủ đô yên tĩnh của dân tộc Mường, Hoà Bình (khoảng 40 dặm tây nam Hà Nội). 


Quân Pháp chiếm đô thị này chiều ngày 14-11-1951 mà không gặp một sự đề kháng nào. Cho rằng Việt Minh sẽ không thể phản kích, trong những lần tiếp sau, Pháp đã đưa thêm một số lớn thiết giáp, pháo binh và binh lính vào thung lũng sông Đà bên cạnh, dự định tiến vào trung tâm căn cứ của Giáp ở vùng đông bắc (?). Đó là một quyết định tồi! Giáp đã không chịu tiếp chiến vào lúc đó, theo cách đánh của Pháp, nhưng ông đã không bỏ lỡ khả năng đánh tiêu hao quân Pháp trong lúc họ nghỉ ngơi. Phòng ngự của Pháp dựa vào một loạt các đồn bốt ngoại vi dọc sông Đà và đường 6, bắc và đông Hoà Bình. Giáp đã tấn công vào đồn chính ở Tu Vũ (độ 20 dặm bắc Hoà Bình) ngày 9-12 và chưa đến 24 giờ sau, đã đuổi được quân Pháp chạy qua sông Đà. Trận Tu Vũ chỉ là một điềm dữ. Các cuộc chiến đấu giằng co để giành kiểm soát sông Đà đã diễn ra suốt trong tháng 12, trong khi người Pháp ngoan cố tăng cường người và trang bị cho các vị trí của họ. 


Và Giáp đã đánh theo luật lệ của ông ta. Việt Minh ẩn nấp trong vùng núi đá vôi gần đó, lại xuất hiện vào tháng 1-1952 để dùng chiến thuật của Giáp đánh tiêu hao quân Pháp. Đến cuối tháng, thấy rằng nỗ lực cũng không mang lại kết quả gì, Salan cho rút toàn bộ mũi tấn công Hoà Bình, cứu thoát binh lực và trang bị để chuẩn bị cho các trận đánh sau này ở đồng bằng và vào vùng cao nguyên người Thái (bắc Bắc Kỳ từ phía tây sông Hồng tới biên giới Lào). Trận “chiến thắng vang dội” đã không hình thành được mà quân đội và trang bị của Pháp lại bị hao tổn thảm hại. 

Tình trạng suy sụp của quân Pháp đã trở thành mối lo ngại chủ yếu cho chính phủ Pháp, cũng như cho những người hoạch định chính sách Mỹ. Khả năng có thể xảy ra một cuộc xâm lăng của Trung Quốc đè nặng lên sự suy nghĩ của Bộ tham mưu Liên quân và các nhà ngoại giao chúng ta. Đầu năm 1952, Hội đồng An ninh Quốc gia đã kết luận là sự can thiệp của Mỹ sẽ được hạn chế trong việc đối phó với một cuộc xâm lăng trực tiếp của Trung Quốc. Trong khi không xảy ra tình huống đó, nhưng lại phải đương đầu với tình hình đang diễn ra, Hội đồng An ninh Quốc gia đã khuyến cáo chúng ta phải gia tăng mức viện trợ cho quân đội Liên hiệp Pháp nhưng “không được làm giảm nhẹ trách nhiệm cơ bản về quân sự của các nhà chức trách Pháp trong công cuộc phòng thủ Quốc gia Liên hiệp”. 


Tổng thống Truman đã thông qua một bản Tuyên bố chính sách về “các mục tiêu và phương hướng hoạt động của Mỹ đối với Đông Nam Á”, do Hội đồng An ninh Quốc gia đệ trình ngày 25-6-1952, trong đó có đoạn viết “Cho thực hiện các phương hướng tối thiểu sau đây về hành động quân sự, hoặc dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hoặc là cùng với Pháp và Anh, và chính phủ bạn nào khác: 1) Một sự phòng thủ kiên quyết bản thân Đông Dương, trong đó Mỹ sẽ cung cấp sự hỗ trợ về đường không và đường biển ở mức độ có thể thực hiện được. 2)Cắt đứt các đường giao thông của Trung Cộng, bao gồm cả các tuyến trong đất Trung Quốc. 3) Mỹ hy vong sẽ cung cấp được các lực lượng chủ yếu để thực hiện công tác trên mục 2)… Thất bại của Pháp đầu năm 1952 này đã làm đảo lộn quyết định của các nhà hoạch định chính sách của chúng ta; họ sợ sự bành trướng của Cộng sản đến mức đã cam kết đưa quân đội của chúng ta tham gia vào một cuộc chiến tranh thực dân của Pháp. Chim Hải âu, điềm lành trời mang lại cho nước Mỹ, đã vỗ cánh lên đường bay qua biển cả. ***


 Vào lúc này, Đông Dương đã có một vị Cao uỷ mới, Jean Letourneau. Ông là một người Công giáo cánh hữu, đảng viên phong trào Cộng hoà Bình dân có đường lối thực dân, trước là Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại rồi trở thành Bộ trưởng các Quốc gia Liên hiệp. Tháng 4-1952, khi ông thay De Lattre làm Cao uỷ thì ông vẫn giữ chức Bộ trưởng. Sự kiêm nhiệm đó đã mang lại cho ông những quyền hành lớn lao ở Việt Nam “độc lập” hơn bất kỳ một viên cựu toàn quyền nào trong thời buổi chế độ thực dân. Đòn chính trị của Letourneau được sử dụng để kìm hãm chế độ Bảo Đại vào tháng 6-1952 là thủ tướng Trần Văn Hữu đã phải trao quyền cho thủ trưởng cơ quan mật thám chính trị của ông ta là Nguyễn Văn Tâm, tuy cả hai đều là công dân Pháp. Một Phái đoàn điều tra của Quốc hội Pháp sau này (tháng 5-1953) đã lên án Letourneau thực hiện “một chế độ độc tài thực sự, không bị hạn chế hoặc kiểm soát”. Phái đoàn gồm có một đảng viên Xã hội, một Độc lập, một Cộng hoà Bình dân, và một Xã hội cấp tiến, đã phát biểu: “Bè lũ trong dinh Norodom” tự cho mình cái hào nhoáng là cai trị theo kiểu cách Pháp và trị vì trên một đất nước mà phong trào cách mạng đang âm ỉ… Sài Gòn mà nạn cờ bạc, truỵ lạc, say mê tiền tài và quyền thế, cuối cùng dẫn đến thoái hoá về tinh thần và huỷ hoại ý chí…, và chính quyền Bảo Đại, là nơi mà các Bộ trưởng… hiện ra dưới con mắt đồng bào của họ chỉ là những công chức Pháp…”


 Chú thích: (1) B. Fall, “Hai Việt Nam” Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #104 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:20:50 PM » Báo cáo của Phái đoàn đã chỉ trích Pháp về sự suy đồi của Việt Nam: “Thực là nghiêm trọng vì sau 8 năm để buông trôi và vô chính phủ, sự có mặt ở Đông Dương của một Bộ trưởng tại chỗ vẫn không có khả năng chấm dứt những vụ bê bối hàng ngày trong đời sống của xứ thuộc địa như việc ban cấp các giấy phép, chuyển tiền, đền bù thiệt hại chiến tranh, và trao đổi buôn bán. Dù cho chính quyền của chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tệ đoan này đi nữa, thì cũng thật đáng chê trách là chính quyền đã được khẳng định là đã không biết tới hoặc đã dung túng những cái đó”. Một chủ bút có thế lực người Pháp, bình luận về báo cáo của Phái đoàn đã phê phán “khuynh hướng tự nhiên của vị thống đốc quân sự là muốn mình tồn tại mãi mãi” và “một số các nhóm chính trị Pháp đã sống nhờ vào nguồn thu nhập chính của họ trong chiến tranh… qua các vụ trao đổi hối đoái, tiếp tế cho quân đội viễn chinh và việc đền bù chiến tranh”. 


Ông kết luận: “Sự thật là các việc này đã được biết, càng giúp thêm cho thấy đã có một kế hoạch rõ ràng được xây dựng từng bước nhằm loại trừ mọi khả năng thương lượng ở Đông Dương đế đảm bảo kéo dài không thời hạn cuộc xung đột và việc chiếm đóng về quân sự”. Trong khi mà cả tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương chuyển biến một cách khốn khổ trong nửa cuối năm 1952; thì ở Mỹ, cuộc vận động bầu cử Tổng thống đang tiến triển và chính quyền Eisenhower sắp nhận chức nên càng làm cho sự cam kết của chúng ta ở Đông Dương sâu sắc thêm. 

Trong một thời gian dài, phe đối lập đã không ngừng lên án chính quyền Truman phải chịu trách nhiệm đã để “mất” Tmng Quốc cho Cộng sản. Phát biểu của John Foster Dulles trong cuộc vận động tuyển cử đã không nghi ngờ cho thấy ông coi Đông Nam Á là một vùng then chốt trong cuộc xung đột với “đế quốc” Cộng sản, và điều quan trọng là phải kéo tuyến ngăn chặn lên phía bắc Bát Gạo của châu Á - tức là bán đảo Đông Dương. Tổng thống Eisenhower trong bản Thông điệp gửi quốc dân đầu tiên của ông (ngày 3-2-1953) đã hứa sẽ có “một chính sách đối ngoại tích cực và mới” và đã đi tới gắn liền cuộc xâm lăng của Cộng sản ở Triều Tiên và Malaysia với Đông Dương. Dulles, Bộ trưởng Ngoại giao mới, đã tuyên bố Triều Tiên và Đông Dương là hai cạnh sườn của kẻ thù chủ yếu là Trung Cộng ở giữa. 


Chính quyền của đảng Cộng hoà đã rõ ý đồ muốn ngăn ngừa không để mất Đông Dương bằng cách có một thái độ chống Cộng thẳng thừng hơn. Cuộc thương lượng kéo dài ở Triều Tiên đã gây ra sự lo ngại là Trung Cộng có thể chuyển sự chú ý của họ sang phía Đông Dương và Tổng thống Eisenhower ngày 16-4-1953 đã cảnh cáo rằng nếu cuộc đình chiến ở Triều Tiên chỉ đơn thuần giải phóng cho các đội quân để họ tiến hành một cuộc tấn công vào một nơi nào khác thì đó sẽ chỉ là một sự bịp bợm. Và sau cuộc đình chiến ở Triều Tiên được ký kết, Dulles tiếp tục luận điểm nói trên đã có nhận xét (trong diễn văn ngày 2-9-1953) “một mặt trận duy nhất của Cộng sản xâm lược kéo dài từ Triều Tiên đến bắc Đông Dương ở phía Nam”. Ông nói tiếp: “Trung Cộng đã và hiện còn đang huấn huyện, trang bị và tiếp tế cho lực lượng Cộng sản Đông Dương. Ở đây cũng có nguy cơ, giống như ở Triều Tiên, Trung Quốc sẽ có thể đưa quân đội của họ vào Đông Dương. Trung Cộng sẽ thấy rằng một cuộc xâm lược thứ hai như vậy sẽ không thể xảy ra mà không mang lại những hậu quả nghiêm trọng, không phải chỉ hạn chế vào cho Đông Dương. 


Tôi nói điều đó một cách không màu mè… với hy vọng ngăn ngừa sự tính toán sai lầm mới của kẻ xâm lược”. Những lời cảnh cáo với Trung Quốc này có bao hàm một ý muốn phân biệt giữa sự thành công và thất bại trong việc ngăn chặn Hồ Chí Minh giành được một thắng lợi hoàn toàn dựa trên khả năng Trung Quốc tăng cường sự viện trợ hoặc trực tiếp can thiệp. Cảnh cáo Trung Quốc chắc chắn còn là nhằm mục đích răn đe thêm đối với sự can thiệp của người Trung Quốc và ngầm mang theo một sự đe doạ là nếu Trung Quốc nhảy vào cuộc chiến tranh Đông Dương thì Mỹ bắt buộc phải có hành động tiếp theo thích đáng, tốt nhất là cùng với các nước đồng minh, nhưng cũng có thể chỉ một mình nếu cần. Ngoài ra, chính quyền Eisenhower còn có ý cho rằng, áp dụng chính sách đánh trả hàng loạt, Mỹ sẽ đánh một đòn nguyên tử trừng phạt đối với Trung Quốc mà không nhất thiết phải đưa lục quân của chúng ta tham gia vào một cuộc chiến tranh ở châu Á. * 


Giáp, trong thời gian bầu cử chính quyền mới của chúng ta, đã tìm ra được gót chân Achille(1) của Pháp: thiếu cơ động và hậu cần nặng nề cồng kềnh; và ông đã cho thực hiện cách đánh “vận động chiến” của ông để chuẩn bị chiến tranh với những cuộc hành quân quy mô lớn, một bước để đi tới “trận địa chiến” và giành thắng lợi. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là đánh chiếm cao nguyên Thái và chiếm đóng Lào. Ngày 11-10-1952, Giáp cho 3 đại đoàn vượt sông Hồng trên một tuyến 40 dặm, lướt quét các tiền đồn Pháp trên đường tiến về sông Đà. Ngày 30-11, các đơn vị đi đầu của Việt Minh đã tới biên giới Lào. Trong quyển “Hai Việt Nam”, Bernard Fall đã viết về tình hình đó như sau: “các sư đoàn Cộng sản, ngay trước mắt người Pháp đang làm chủ trên không, đã vượt qua 180 dặm trong 6 tuần chiến đấu mà chẳng phải dùng đến một con đường bay, một xe cơ giới nào”. 

Đến ngày 1-12, người Pháp đã rút lui tương đối an toàn về sau phòng tuyến De Lattre ở phía bắc Hà Nội, nhưng cũng không phải không thiệt hại nặng về người và trang bị. Trong đầu xuân 1953, Giáp đưa cuộc “vận động chiến” của ông từ đất Thái sang Lào. Rồi Giáp tiến về phía nam cho đến khi Pháp quyết định né tránh bằng cách chuyển sang phía đông về Cánh đồng Chum, nhưng Giáp vẫn đuổi theo và bao vây họ ở đó. Đến ngày 7-5, quân đội của Giáp rút về Việt Bắc, để lại phía sau một lực lượng nhỏ để cầm giữ người Pháp, đồng thời tăng cườg nhiều cố vấn chính trị cho Pathet Lào dưới quyền của Hoàng thân Souphanouvong. Tháng 5-1953 cũng là tháng đã nổ ra cuộc khủng hoảng mới trong nội các Pháp và J. Laniel, một đảng viên Độc lập được đưa vào ghế thủ tướng. Laniel thay Letourneau bằng M. Dejean và cử làm Công sứ Tổng uỷ viên, một chức vụ có nhiều quyền hạn khác trước. Việc chấn chỉnh bộ máy Cao uỷ cũ cũng giúp loại trừ được một số lộng hành này nhưng lại đẻ ra một số mới khác. 

Các chức năng dân sự của Cao uỷ cũ được chia ra cho Công sứ Tổng uỷ viên và ba Cao uỷ Pháp ở Việt Nam, Lào và Cambodia. Các quyền hành quân sự trước đây nằm trong tay Cao uỷ Pháp nay được chuyển cho Công sứ Tổng uỷ viên là sĩ quan duy nhất chịu trách nhiệm về phòng thủ và an ninh ở Đông Dương. Như thế là Công sứ Tổng uỷ viên đã nắm được toàn bộ quyền phân phối viện trợ cho các quốc gia Liên hiệp. Cách tổ chức mới này đã làm cho người thủ trưởng dân sự trở thành một người trọng tài thực sự về các vấn đề quân sự. Đó cũng là một điều nổi bật còn giữ lại từ thời của các viên Toàn quyền; quân đội chỉ có một nhiệm vụ nhỏ là duy trì trật tự. Tướng Henri-Eugène Navarre là người chỉ huy đầu tiên và cũng là người cuối cùng đã cảm thấy sự kiểm soát mới của bên dân sự ràng buộc đối với các hoạt động quân sự. 

Ông ta đã đưa ra một kế hoạch nhằm đánh bại Việt Minh một cách quyết định vào năm 1955 và đã được Mỹ, đặc biệt là tướng O’Daniel và Bộ trưởng ngại giao Dulles ủng hộ. Kế hoạch Navarre đó, còn được gọi là “Quan niệm của Navarre về các cuộc hành quân ở Đông Dương” đã đưa ra một công thức giành thắng trận có thể thành công mà không phải đưa quân Mỹ vào tham gia trực tiếp và chỉ cần dựa vào một sự viện trợ đại quy mô của Mỹ về quân sự. Từ tháng 5-1953, Mỹ đã tuôn hàng tiếp tế vào Lào và Thái Lan và cung cấp cho Lào 6 máy bay C-119 cùng với các tổ lái dân sự. Quốc hội đã đồng ý cho cấp 400 triệu dollar viện trợ cho Pháp trong tài khoá 1954, nhưng sau khi Pháp đưa ra kế hoạch Navarre, Quốc hội đã chuẩn cho thêm một khoản phụ 385 triệu. Tuy đã có đủ viện trợ, nhưng tướng Navarre vẫn thấy mình bị hạn chế trong việc mở rộng các cuộc hành quân chống lại Việt Nam vì quyền quyết định cung cấp các nguồn tài nguyên nói trên của Công sứ Tổng uỷ viên. 

Vì tất nhiên là Dejean phải theo chính sách Pháp - không được tung ra thêm nhiều lực lượng hơn nữa mà phải chuẩn bị cho cuộc điều đình - và Navarre đã bị chỉ trích là kế hoạch của ông có thể thất bại. Những thắng lợi của Việt Minh trong thời kỳ này đã cho thấy rõ thêm tình trạng nguy ngập của Pháp; các chiến dịch mới nhất của Giáp chứng tỏ lực lượng Việt Minh đang lên, một phần do tác động của việc Nga và Trung Quốc tăng cường viện trợ quân sự. Lực lượng chiến đấu Pháp đã tụt xuống thấp một cách nguy hiểm, và không hy vọng có sự bổ sung nhanh từ Pháp. Đó là một bức tranh ảm đạm. Trong một số giới chính trị ở Paris lại xôn xao về “một giải pháp danh dự”, trước sự bực bội của các quan chức Washington. Bộ Tổng chỉ huy Pháp và cánh hữu thực dân quan niệm “giải pháp danh dự” phải là một chiến thắng quân sự, và về điểm này họ được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ, mặc dù với những động cơ khác nhau. 

Để tạo được một tình hình quân sự cho phép đạt được “giải pháp danh dự” thì nhất thiết cần phải xây dựng một lực lượng chiến đấu mạnh hơn Việt Minh, và nhất định phải cơ động hơn. Đó cũng là bài học tướng Salan đã tiếp thu được trong một năm đối đầu với Giáp. Và việc tìm kiếm “một giải pháp danh dự” vẫn cứ được tiếp tục. Ở Washington, thượng nghị sĩ J.F. Kennedy đã thấy giải pháp Bảo Đại không đi tới đâu và Pháp thì ngoan cố đối với việc trao trả độc lập cho Việt Nam, đã viết: “Độc lập chân chính… chưa có được ở Đông Dương, chức năng cua chính phủ bản xứ bị bó hẹp…;

 Chính phủ nước Việt Nam, một quốc gia quan trọng bậc nhất trong vùng, thiếu sự ủng hộ của quần chúng…, chúng ta sẽ nhấn mạnh tới vấn đề độc lập chân chính… Tôi tin tưởng mạnh mã rằng người Pháp không thể thành công ở Đông Dương nếu không có những nhân nhượng cần thiết để làm cho quân đội bản xứ trớ thành một quân đội đáng tin cậy và đánh lớn được”. Sau đó Kennedy phê phán người Pháp: “Năm nào chúng ta cũng nhận được 3 điều bảo đảm. 

Thứ nhất là nền độc lập của các quốc gia Liên hiệp hiện nay đã được thực hiện; thứ hai, nền độc lập đó sẽ sớm được hoàn thiện trên cơ sở những bước “nay” đã đạt được; và ba, quân đội Liên hiệp Pháp đảm bảo sẽ giành được chiến thắng quân sự, hoặc đúng là cơ bản giành được chiến thắng đó”. Suốt trong thời kỳ chúng ta giúp đỡ cho người Pháp, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có ý kiến thấy cần thiết phải khuyến khích Pháp trao trả cho người Việt quyền tự trị rộng rãi hơn. Áp lực của Mỹ đã thể hiện rõ trong bản tuyên bố công khai của thủ tướng Laniel (ngày 3-7-1953) nói rằng chủ quyền của các quốc gia Liên hiệp sẽ “được hoàn thiện” qua việc chuyển giao cho các nước này các chức năng hiện vẫn còn nằm trong tay người Pháp, nhưng lại không đưa ra được thời hạn cuối cùng cho việc hoàn thành độc lập. F. Mitterand(2) (thuộc cánh tả trung tâm) đã bình luận như sau: “Từ năm 1949 đến nay, chúng ta đã 18 lần trao trả “độc lập hoàn toàn” cho Việt Nam. 

Nhưng đã có lần nào chúng ta làm thực đúng được điều đó đâu?”(3) Trong câu chuyện riêng, Bảo Đại cũng nêu: “Hoàn thiện” là cái gì? Đối với người Pháp, bao giờ cũmg chỉ có vấn đề họ phải trả chúng tôi độc lập. Tại sao họ lại không thể trao trả một lúc và tất cả?”(4) Ngày 6-8, chính quyền mới của Eisenhower đã đưa ra những điều kiện đặc biệt để đảm bảo có viện trợ tiếp tục của Mỹ cho Pháp; một trong các điều kiện đó là Pháp công khai cam kết có “một kế hoạch nhằm gây được sự ủng hộ và hợp tác của người bản xứ Đông Dương”.

 Điều gay go đối với Pháp là khoản 385 triệu dollar chúng ta đã hứa để giúp thực hiện kế hoạch Navarre và Eisenhower cũng nắm chắc vấn đề này. Ông đã chỉ thị cho Đại sứ Douglas Dillon của chúng ta ở Paris báo cho Thủ tướng Laniel và Bộ trưởng Ngoại giao Bidault là chúng ta mong rằng Pháp “tiếp tục theo đuổi một chính sách nhằm hoàn thiện nền độc lập các quốc gia Liên hiệp theo đúng như bản tuyên bố ngày 3-7”. 

Mỹ lo ngại nếu không có một sự ràng buộc nào của chính phủ Pháp với một nước Việt Nam không Cộng sản thì áp lực chính trị trong nội bộ nước Pháp có thể đẩy chính phủ họ tìm kiếm một giải pháp thương lượng thay vì cho giải pháp quân sự. Người ta cho rằng (trước trận Điện Biên Phủ) nếu kế hoạch Navarre thất bại hoặc tỏ ra phá sản, người Pháp có thể điều đình ngay với những điều kiện tốt nhất có thể được, mà không cần tính toán xem những điều kiện đó có đảm bảo ngăn ngừa được cho một Đông Dương không Cộng sản hay không. Đó là một điều các nhà chiến lược và làm chính sách của chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Mong muốn của họ là nước Pháp chống dỡ được và phá tan dược mọi mưu đồ của Việt Minh muốn chiếm chính quyền bằng bất cứ cách nào. Theo chiều hướng đó, chính quyền Eisenhower đã sớm cho triển khai chính sách của chúng ta nhằm tác động đến người Pháp chống lại việc kết thúc cuộc chiến tranh trong những điều kiện “không thoả đáng” đối với các mục tiêu cơ bản của chúng ta. 


Theo đường lối Hội đồng An ninh Quốc gia vạch ra ngày 16-1-1954, Tổng thống đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao chúng ta báo cho Pháp biết: “1- Trong khi tình hình quân sự chưa có một sự cải tiến rõ rệt, thì không có cơ sở cho một cuộc thương lượng với những điều kiện có thể chấp nhận được. 2- Chúng tôi (Mỹ) dứt khoát phản đối mọi ý kiến về một cuộc ngừng bắn, coi đó là một bước đầu để đưa tới thương lượng; vì một cuộc ngừng bắn (như thế) sẽ dẫn đến một sự suy sụp không thể nào cứu vãn được về vị trí quân sự (của Pháp - Việt ở Đông Dương); một chính quyền được gọi là Liên hiệp không Cộng sản sẽ có thể trao đất nước vào tay Hồ Chí Minh trong tình hình không thuận lợi cho việc thay thế Pháp bởi Mỹ hoặc Anh. 


Chú thích (1) ý chỉ chỗ yếu nhất - ND (2) sau này là Tổng thống Pháp (3) B. Fall, “Hai Việt Nam” (4) Shaplen, “Cuộc cách mạng thất bại” Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #105 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:21:37 PM » Chỉ lệnh nói trên cho thấy một cách chắc chắn là các nhà hoạch định chính sách của chúng ta đã sẵn sàng ngả theo việc Mỹ tiếp quản Đông Dương nếu người Pháp bị sa lầy ở đó. Thập kỷ đầu cuộc chiến tranh lạnh đã dần từng tí một đẩy chúng ta vào vũng lầy Đông Nam Á. 


Quan niệm cứng nhắc chẳng hay ho gì của chúng ta về một khối Cộng sản xâm lược thuần nhất cũng như nhận thức theo cảm tính của chúng ta về việc “mất” Trung Quốc đều là những con đường dẫn chúng ta tới chỗ bị trơn tuột. Thuyết “domino” lại đẩy chúng ta lao vào con đường đó nhanh hơn một chút nữa. Rồi việc thiếu hiểu biết một cách sâu sắc về các đặc tính riêng của các nước Đông Nam Á và sự khác biệt giữa các xã hội các nước này đã che mắt không cho chúng ta thấy được những nỗi hiểm nghèo dọc trên đường chúng ta đi. Sau hết, mọi người đều cho rằng chúng ta đã được giao cho giữ một địa vị lãnh đạo trong những vùng xa xăm hẻo lánh này. Rất ít người có thể nhận thức được sự dính líu dã càng ngày càng sâu thêm. Nhưng vào đầu năm 1954, với trận Điện Biên Phủ và các cuộc hội nghị quốc tế ở Genève đã hiện ra ở chân trời, thì chúng ta đã bị ngập quá sâu trong vũng lầy và trong một cuộc xung đột vừa với các mục tiêu của Pháp, vừa với của Việt Nam. Đó cũng là một năm của những quyết định đầy hiểm nghèo, và chim hải âu đã bay lượn quanh trên con tàu quốc gia chúng ta. 

***

 Cuối mùa xuân 1953, bộ đội của Giáp đã hành quân vòng qua đồng bằng sông Hồng, Bắc Bộ, sang phía Tây vào cao nguyên Thái, vượt biên giới Lào rồi chuyển về hướng Nam đến đóng trong vùng rộng lớn từ Cánh đồng Chum, Trung Bộ; ở đó họ đã đánh phá tiêu hao quân của Salan một cách thắng lợi. Trong cuộc hành quân, Giáp đã tránh các cứ điểm phòng ngự mạnh, tràn qua hoặc chiếm các tiền đồn ít quan trọng của Pháp. Một trong số đó là vị trí sân bay nhỏ Điện Biên Phủ gần biên giới Lào, bị Pháp chiếm từ ngày 30-11-1952. Để ngăn chặn áp lực ngày càng tăng của Việt Nam và mở ra một cục diện quân sự thuận lợi cho Paris giành “giải pháp danh dự”, Salan cho rằng ông ta cần phải có thêm binh lực. Kế hoạch của ông nhằm tăng cường sức chiến đấu của quân đội bằng cách rút họ ra khỏi các chốt phòng ngự cố định để làm cho họ cơ động thêm lên. 

Ông ta biết rằng không có hy vọng chờ đợi sự giúp đỡ của chính quốc Pháp, nhưng các quốc gia Liên hiệp có thể cung cấp cho ông ta số binh lực cần thiết để thay vào số quân rút khỏi các đồn trại phòng ngự cố định nếu như Paris chấp nhận lời đề nghị của ông. Tất nhiên, ông cũng cần được tăng cường một số lượng lớn về vũ khí và trang bị, nhưng có thể do Mỹ sẽ đảm nhiệm cung cấp. Chính phủ Pháp chấp nhận kế hoạch của Salan và đề nghị với Mỹ tăng thêm viện trợ. Yêu cầu của Pháp thật đúng lúc. Việc Giáp tiến quân vào Lào trong tháng 4, đi đôi với việc suy giảm trong nỗ lực chiến tranh của Pháp được tuyên truyền khá rộng rãi, đã gây nhiều lo ngại cho chính quyền Washington, làm họ sợ một sự sụp đổ hoàn toàn của Pháp, nên đã cho tuôn mạnh đồ viện trợ tiếp tế vào Lào và Thái Lan từ tháng 5-1953. Nhưng viện trợ chỉ được cung cấp với điều kiện kế hoạch mới của Salan phải mang lại được những thắng lợi về quân sự; và vũ khí trang bị phải chủ yếu được dùng cho quân đội do các quốc gia Liên hiệp tuyển mộ. Viện trợ mới và kế hoạch sửa đổi đặt ra cho chính phủ Pháp vấn đề phải có một ê kíp lãnh đạo quân sự mới, và đến lúc đó thì Salan được thay thế bởi nhà chiến lược cừ khôi, tướng Henri Eugène Navarre, nắm quyền chỉ huy từ 20-5-1953. Như đã nói ở trên, Hội đồng Quốc phòng Pháp đã chỉ thị cho Navarre phải hạ thấp yêu cầu phòng thủ Lào và trước hết “phải đảm bảo an toàn cho đội quân viễn chinh Pháp”. Nhưng sau khi nhậm chức, Navarre đi kiểm tra tình hình tại chỗ và đã định ra một chiến lược riêng của ông ta. Ông chấp nhận một phần các khái niệm của De Lattre và Salan để sử dụng và đưa ra một kế hoạch cừ khôi nhưng tai hại, mang tên ông. Nó đã được Washington đề cao nhưng lại bị Paris kết tội.


Kế hoạch đòi hỏi phải có một lực lượng tấn công cơ động mạnh dể giành lại thế chủ động vào mùa thu năm 1954. Trong thời gian quá độ, Navarre cho thực hiện một chiến lược phòng ngự (như Paris đã chỉ thị) ở bắc vĩ tuyến 18, nhưng sẽ tích cực tiêu diệt đối phương ở miền trung Trung Bộ và Nam Bộ (trái với các chỉ thị của Paris) trong nửa đầu năm 1954. Rồi đến mùa thu 1954, ông sẽ tung ra cuộc tổng tiến công (như đã thoả thuận với O’Daniel và Dulles) ở bắc vĩ tuyến 19 với mục đích tạo ra một điều kiện thuận lợi mong muốn cho một sự dàn xếp về chính trị của cuộc chiến tranh. Trong khi đó thì cuộc đình chiến ở Triều Tiên rốt cục đã được ký kết ngày 26-7. Sau những buổi hội đàm dài nhất trong lịch sử - 2 năm và 17 ngày, bao gồm 575 cuộc gặp gỡ riêng. Một cuộc hội nghị đã được xúc tiến 90 ngày sau khi hoàn thành việc trao đổi tù binh, để thảo luận “tương lai của Triều Tiên và các vấn đề có liên quan”. Việc trao đổi tù binh kết thúc ngày 6-9. Cuộc đình chiến đã được Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và số lớn các nước “khối” châu Âu hoan nghênh, nhưng không được Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chào mừng như là một báo hiệu của hoà bình thế giới. Hồ Chí Minh trong một bức điện gửi cho Mao Trạch Đông (ngày 4-8) chỉ bày tỏ một sự phấn khởi to lớn của nhân dân Việt Nam về việc cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc. Phải chăng người Việt Nam đã phấn khởi vì họ thấy trước là Trung Quốc sẽ chú ý nhiều hơn đến những nhu cầu của Việt Minh? Hay là họ phấn khởi vì cuộc thương lượng hoà bình ở Triều Tiên đã đặt ra khuôn mẫu của một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương? Có thể có cả hai vấn đề. Chắc chắn rằng Trung Quốc có xu hướng thiên về chiến tranh, chỉ cần cố gắng ít nhiều để phân tán bộ máy quân sự của họ không còn cần thiết ở Triều Tiên nữa để đáp ứng nhu cầu của ông Hồ, cũng đủ làm cho ông đối phó được với Pháp - thậm chí cả với Mỹ - từ một thế mạnh. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington và Paris nhìn một cách lo lắng và chờ đợi hành dộng sắp tới của Bắc Kinh, và Dulles đã báo cho Trung Quốc biết qua bài phát biểu ở Saint Louis (2-9-1953), về “những hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xâm lược sai lầm khác”. Trong cuộc họp báo ngày hôm sau, người ta đã hỏi Dulles xem có phải bài diễn văn của ông có bao hàm ý Mỹ muốn đưa vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương ra bàn ở Hội nghị chính trị của Triều Tiên đã được dự kiến không. Dulles đã đáp lại: “Chúng tôi đã nói là cuộc hội nghị như dự kiến đã định lúc ban đầu… sẽ chỉ hạn chế vào vấn đề Triều Tiên. Nhưng… (nếu) Trunng Cộng tỏ ra có ý muốn giải quyết một cách hợp lý vấn đề Đông Dương, thì về phương diện kỹ thuật, chúng tôi không thể trả lời “Không”, chúng tôi cũng không muốn nói đến vấn đề đó”. Mùa thu, được tướng O'Daniel và Bộ trưởng Dulles khuyến khích, Navarre cho thực hiện kế hoạch của ông ta. Trong thời gian ngắn, ban đầu hình như mọi việc đều tốt, nhưng chỉ đến cuối năm, mặt trận trở thành tai hoạ. Rõ ràng là người Pháp cũng như người Mỹ đã không thể không công nhận là quân Pháp dã đánh vào những khoảng trống ở Đông Dương. Chỉ mới tiếp xúc là quân đối phương đã tan biến vào trong rừng để rồi lại xuất hiện ở nơi khác. Buộc phải rút lui khỏi miền Nam xứ Thái cuối tháng 9, Navarre liền quay trở về vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với một lực lượng 20 tiểu đoàn, ông ta định tiêu diệt một trung đoàn quân chính quy Việt Minh trong tỉnh Thái Bình (khoảng 40 dặm đông nam Hà Nội). Như đã đoán trước, lực lượng của Giáp lại biến đi; song cuối tháng 10, Pháp hãnh diện báo cho tướng O’Daniel về một “chiến thắng mới” làm ông này xúc động báo cáo ngay về Tham mưu trưởng Liên quân ở Washington. Với hy vọng kéo Giáp vào bẫy, Navarre cho 3 tiểu đoàn dù chiếm lại Điện Biên Phủ ngày 20-11. Giáp đã không cắn mồi; trái lại ông đã để cho Pháp tăng cường phòng thủ đồn ngoại vi đó và xúc tiến chuẩn bị bao vây cứ điểm của Navarre. *** Những lời phát biểu của Dulles với báo chí ngày 3-9 về khả năng thương lượng với Trung Cộng chung quanh vấn đề Đông Dương, đã gợi cho Laniel con đường phải giải quyết vấn đề với Hồ Chí Minh. Ngày 19-9, Chủ tịch Hồi đồng Bộ trưởng Liên Xô Georgi Malenkov, một người chủ trương mạnh mẽ hoà dịu, nhấn mạnh vào đòi hỏi của “nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới” phải làm cho cuộc đình chiến Triều Tiên thành một khởi điểm để “làm giảm nhẹ căng thẳng quốc tế ở khắp mọi nơi, bao gồm cả Viễn Đông”. Ngày 21, Andrei Vishinsky, đại diện Liên Xô tại Liên hợp quốc, đề nghị tiếp “một cuộc giảm binh bị và tuyên truyền nhằm đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến tranh mới”. Chu Ân Lai liền ủng hộ đề nghị của Liên Xô (ngày 8-10) và nêu lên vấn đề ghế của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc; ông nhắc lại lập luận của Malenkov về việc làm giảm tình hình căng thẳng quốc tế nhằm củng cố hoà bình ở Viễn Đông. Những người Cộng sản trong quốc hội Pháp nắm lấy đường lối của Mátxcơva, Bắc Kinh, liền tiếng yêu cầu thương lượng hoà bình với Hồ Chí Minh, giống như Mỹ đã làm với Kim Nhật Thành ở Triều Tiên. Sau thất bại tháng 9 của Navarre, tâm trạng ở Pháp trở nên u ám. Dân chúng ngoài đường và một số các nhà làm chính trị trong quốc hội đã cho rằng Pháp đưa binh lính ra trận để phục vụ cho cuộc Thập tự chinh chống Cộng của Mỹ. Họ đã đi đến một nhận thức ác nghiệt về cuộc chiến tranh Đông Dương, nói đó chỉ là một cái địa ngục không có gì khác hơn là để Pháp chôn vùi thuộc địa, và đối với Pháp đấy là một cuộc chiến tranh không thắng. Đáp lại những yêu cầu đó, ngày 27-10, Laniel công bố ý định của ông muốn thương lượng. Nhưng với ai? Không với Hồ Chí Minh mà cũng không phải vì “Bộ tham mưu” của ông ta tỏ ra muốn có một cuộc đối thoại nào đó. Ngày 12-11, trước quốc hội, Laniel nhắc lại quan điểm của ông ta, tuyên bố chính phủ ông không cứ nhất định giành đạt cho được một “giải pháp quân sự”, mà sẽ thu xếp để có một “giải pháp ngoại giao”; mang theo ngụ ý “giải pháp quân sự” là của Mỹ, còn Pháp không phải thế. Cuộc tranh cãi tại quốc hội Pháp đã chia đất nước ra thành hai phái: phái muốn thương lượng và phái muốn kéo dài công cuộc béo bở này của họ. Phái sau này, thường là thuộc giới tư bản kinh tế tài chính, chịu ảnh hưởng của phong trào Cộng hoà Bình dân, kiêu hãnh bám lấy “danh dự” của nước Pháp và cho rằng không thể chấp nhận việc quan hệ với Hồ Chí Minh Cộng sản - ít ra thì cũng cho đến khi ưu thế quân sụ của Pháp đặt người Pháp trong một thế lợi để ra các điều kiện. Trong khi ưu thế quân sự trên chiến trường chưa thấy đâu và ở Pháp tranh cãi nhau, thì Navarre, vào giữa tháng 11, vẫn lên tiếng biện minh cho những thất bại của ông ta bằng những lời ca cẩm cũ - vì không có đủ quân. Yêu cầu tăng viện của ông ta bị Uỷ ban Quốc phòng dứt khoát gạt bỏ; ông ta phải bằng lòng với những cái đã có. Cũng trong thời gian đó, Laniel lo xúc tiến các cuộc điều đình hoà giải, nên đã đưa một phái đoàn bí mật do Phó đô dốc Cabanier cầm đầu đến Sài Gòn để hỏi ý kiến Navarre xem đã đến lúc thuận lợi để mở các cuộc diều đình ngừng bắn chưa. Navarre phát biểu (ngày 20-11) là hãy còn sớm quá, và tình hình quân sự Pháp sẽ thuận lợi hơn vào mùa hè tới (1954). Trong thời gian Navarre chiếm Điện Biên Phú, tờ nhật báo Thuỵ Điển Expressen, đã cho đăng (ngày 29-11) những câu trả lời của Hồ Chí Minh cho một loạt các câu hỏi do Sven Lôfgren, phóng viên của báo ở Paris đặt ra. Trả lời của ông Hồ đề ngày 26-11 và cho biết ý định của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn điều đình một cuộc ngừng bắn với điều kiện chính phủ Pháp công nhận và tôn trọng nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam vào năm 1955. Chính phủ Pháp đã phản ứng một cách tiêu cực. Laniel quan tâm theo dõi “ý định muốn thương lượng” của ông Hồ, nhưng đa số ngoan cố phản động trong chính phủ quyết định coi như không biết đến lời đề nghị đó. Lập trường của chính phủ Pháp là ông Hồ phải đưa ra đề nghị bằng những đường chính thức, chứ không phải qua các “lời rao mật trên báo chí”. Ngày 12-12, thông tấn xã của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại nhắc lại lời đề nghị thương lượng của ông Hồ trên cơ sở như đã nêu. Rồi, lần nữa, ngày 19, ngày kỷ niệm 7 năm cuộc chiến tranh, trong thông điệp gửi Quân dội Nhân dân Việt Nam, ông Hồ cho phát thanh lời tuyên bố cho thả hàng trăm tù binh Pháp và thêm một lần nữa đề nghị thương lượng. Tuy những cuộc thăm dò hoà bình này chẳng trực tiếp mang lại được điều gì nhưng gián tiếp đã làm tăng thêm tình cảm chính trị công chúng ngày càng mạnh ở Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến tranh dường như vô tận và rất tốn kém. Trong khi đó, các báo cáo lạc quan của Navarre vẫn đưa ra hy vọng là chiến thắng đang ở trong tầm tay. Laniel và các quan chức Pháp khác đã nói với Đại sứ quán chúng ta là họ coi đề nghị của ông Hồ chỉ là tuyên tuyền, nhưng cũng phải thừa nhận là nó đã tác động sâu sắc đến công chúng và các giới quân sự ở Pháp và ở Đông Dương. Laniel còn cho biết tổng thống Auriol đã bị kích động đến mức ông đã nói với Laniel phải hỏi ý kiến các đại diện ba quốc gia Liên hiệp ngay tức khắc để nắm lấy khả năng sớm nhất nhằm mở các cuộc điều đình với đại diện của Hồ Chí Minh. Nhưng Laniel đã dứt khoát từ chối. Các quan chức Mỹ thì hoài nghi; báo cáo của Đại sứ quán cho thấy trong diễn văn ngày 24-11 của Laniel còn có khoảng rộng rãi dành cho cuộc điều đình, và các đề nghị của ông Hồ đã tăng thêm áp lực cho việc hoà giải. Chính sách kiên định của Mỹ là lái cho Pháp tránh xa khỏi bàn hội nghị trong khi chưa giành dược những thắng lợi quân sự quan trọng trên chiến trường. Dulles đã nhiều dịp nói với Bidault rằng Mỹ thấy kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương trong điều kiện thuận lợi cho Cộng sản là một điều không nên. Ông muốn người Pháp tiếp tục cuộc chiến vì ông tin tưởng một cách sâu sắc rằng Đông Dương là một mắt xích chủ yếu trong phòng tuyến ngăn chặn Cộng sản, nhưng cũng vì chúng ta đã bị các báo cáo của Pháp về sự tiến bộ của chiến tranh làm mờ mắt. Từ Sài Gòn, O’Daniel đã báo về là chiến thắng của Pháp có thể chắc chắn nếu được chúng ta giúp đỡ về vật chất, và chính quyền Washington đã vui vẻ đổ vào đó càng nhiều đồ viện trợ. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #106 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:22:16 PM » Trong cuộc hội nghị tại Bermuda (tháng 12-1953), Tổng thống Eisenhower, thủ tướng Laniel đã bị tình hình mặt trận Đông Dương làm cho bối rối. Các vị đã kín đáo biểu thị mối lo lắng của họ trong bản thông cáo ngày 7-12, nói rằng họ đã xem xét tình hình Viễn Đông và có kế hoạch triệu tập một cuộc hội nghị chính trị để đi tới được “một cuộc hoà giải về vấn đề Triều Tiên” và khôi phục lại “các điều kiện bình thường hơn ở Viễn Đông và Đông Nam Á”. Trong khi Pháp còn đang bận rộn tìm một cách điều đình có thể chấp nhận được và Navarre cố gắng làm chuyển biến tình thế quân sự của ông ta, thì Giáp đã sẵn sàng thận trọng cho bật cái bẫy ở Điện Biên Phủ. Ngày 22-12, ông mở cuộc tấn công 5 ngày, cắt đứt Đông Dương ở chỗ hẹp nhất và xuyên qua cả Việt Nam và Lào. Cuộc tiến công chấm dứt khi Giáp tới sông Mékong trên biên giới Thái Lan. Kế hoạch Navarre rõ ràng là không thực hiện được. Các quan chức cao cấp ở Washington do Phó Tổng thống Nixon cầm đầu, “nhóm ủng hộ Trung Quốc” ở Quốc hội, và toàn thể cánh cực hữu bảo thủ đảng Cộng hoà đã lên tiếng cảnh cáo quốc dân về mối đe doạ của Trung Cộng ở Đông Dương. Trong bài phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ngày 23-12, Nixon đã thẳng tay gạt bỏ nguyên nhân thực sự của cuộc chiến Đông Dương và nhận xét “Nếu Trung Quốc không phải là Cộng sản, thì có thể đã không có cuộc chiến Đông Dương…”. Song ý kiến của Nixon cũng có thể là một phản ảnh xác đáng trong dư luận công chúng lúc đó cũng như sau này. Quan điểm của họ vẫn là nếu như thủ tiêu được nhân tố Cộng sản thì mọi cái ở Việt Nam sẽ tốt đẹp. Giới quan chức của Mỹ đã được thông báo kém đến mức càng làm cho sự rối rắm kéo dài thêm. Bộ trưởng Dulles, trong cuộc họp báo 6 ngày sau, nói đến sự thất bại ở Đông Dương. Ông đã cho biết là ý nghĩa quân sự trong hoạt động của Cộng sản đã được “thổi phồng lên một cách quá đáng”, và “chẳng có lý do gì… để mọi người phải hoảng sợ”. Ông nói thêm, ông “chẳng khi nào nghĩ rằng có nhiều sự chân thật” trong các hoạt động thăm dò hoà bình của Hồ Chí Minh. Và Dulles đã cảnh cáo là một sự can thiệp của Trung Cộng vào Đông Dương có thể gây ra một phản ứng của Mỹ “không nhất thiết hạn chế vào khu vực đặc biệt mà Cộng sản đã chọn làm chiến trường xâm lược mới của họ”. Vào mùa thu 1953, giữa Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô có nhiều vấn đề nghiêm trọng phải giải quyết, trong đó Đông Dương chỉ là một, vì còn có vấn đề tương lai của nước Đức và Áo. Mỹ lo đối phó với sự bành trướng của Cộng sản, đã sáng chế ra kế hoạch Cộng đồng Phòng thủ châu Âu (EDC) mà nội dung chủ yếu chỉ là nhằm tái vũ trang nước Đức. Pháp kịch liệt chống lại một nước Đức mới được phục hồi về kinh tế và quân sự, nhưng Pháp lại cần tới những lợi ích thu lượm được từ EDC do Mỹ đỡ đầu, để xây dựng địa vị của mình ở châu Âu. Vì những lý do nhất định, Liên Xô cũng chống lại EDC và ủng hộ những sự dè dặt của Pháp trong việc tham gia Cộng đồng. Mỹ mong muốn giải quyết được vấn đề, đã đưa ra đề nghị họp hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao nhưng Liên Xô thoái thác. Phản đề nghị của Liên Xô nêu ra yêu cầu trước hết Phương Tây phải từ bỏ EDC và tiến hành triệu tập một cuộc hội nghị 5 nước lớn, tức là có bao gồm cả Trung Cộng. Cuối cùng, những người Xô viết cũng thoả thuận một cuộc hội nghị chỉ có 4 nước lớn ở Berlin vào tháng 1-1954. Hội nghị khai mạc ngày 25-1 trong khu vực Mỹ ở Berlin. Dẫn đầu các đoàn đại biểu là Dulles (Mỹ), Eden (Anh), V. Molotov (Liên Xô), và Bidault (Pháp). Vấn đề đầu tiên trong chương trình nhằm giải quyết việc thống nhất nước Đức và các đồng minh nhưng rồi các vấn đề khác xen vào. Thậm chí, trước khi hội nghị họp, Malotov đã đề nghị với Bidault là người Nga sẵn sàng giúp đỡ thu xếp một cuộc đình chiến ở Đông Dương để đánh đổi lấy việc Pháp rút khỏi EDC. Nhưng Bidault, với tư cách đại diện của Pháp, tỏ ra kiên quyết ủng hộ Cộng đồng và lập trường của ông ta không lay chuyển. Tuy vậy đối với ông, Đông Dương cũng thành một vấn đề; xu hướng chính trị và cá nhân ông thiên về một “giải pháp quân sự”, nhưng ông ta lại được chỉ thị phải tìm kiếm một sự “giàn xếp về ngoại giao” đủ cho điều đó, có nghĩa là phải giao dịch với Việt Minh. Do đó, Bidault cần và tích cực sự tranh thủ giúp đỡ của Liên Xô. Trong những ngày tiếp theo, Bidault đã gặp riêng Molotov, Eden và Dulles để mong đưa được vấn đề Đông Dương vào chương trình nghị sự Hội nghị Genève sắp họp. Nhưng Dulles vẫn cứng rắn dù cho lúc đó ông cũng đồng ý. Nói cho cùng thì đây là một cuộc chiến tranh của Pháp và chính phủ Laniel không thể nào hoàn toàn tránh không chịu thương lượng mà không bị dư luận dân chúng ghét bỏ và làm cho bản thân chính phủ sụp đổ trước các đảng phái đối lập chống chiến tranh. Hội nghị đã kết thúc ngày 18-2 mà chẳng đi tới được một sự thoả hiệp nào về việc thống nhất nước Đức hay một hiệp định về Áo. Nhưng trước khi kết thúc, những người tham dự hội nghị đã đồng ý chấp nhận đề nghị của Molotov, mở cuộc đàm phán hoà bình ở Viễn Đông của 5 nước lớn tại Geneve vào ngày 26-4 để thảo luận về cách thức và biện pháp đi tới một cuộc hoà giải về vấn đề Triều Tiên và bàn việc vãn hồi hoà bình ở Đông Dương. Dulles đã thành công trong việc chống lại những cố gắng của Liên Xô muốn dành cho Trung Cộng quy chế của một cường quốc đỡ đầu hội nghị và đã đòi phải ghi trong thông cáo Berlin lời tuyên bố là việc mời hoặc tham dự Hội nghị Genève không bao hàm một sự công nhận về ngoại giao. Tuy vậy, khi Dulles trở về Washington ngày hôm sau, ông đã gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục các lãnh tụ Quốc hội là việc Trung Cộng ngồi với đại diện của Mỹ tại bàn hội nghị sẽ không có nghĩa là Mỹ công nhận chế độ Bắc Kinh. *** Cũng vào thời gian đó (tháng 12-1953 - tháng 1-1954), lực lượng của Giáp bắt đầu chiếm lĩnh trận địa chung quanh Điện Biên Phủ, đồng thời tiếp tục xâm nhập vào Lào. Các cố gắng của Navarre nhằm chặn đứng làn sóng đỏ đã không dạt kết quả, quân đội lại bị tổn thất nặng, bị phân tán nhất là không quân. Ngày 6-2, Lầu Năm góc công bố tin gửi 40 máy bay B.26 và 200 nhân viên kỹ thuật dân sự Mỹ sang Đông Dương. Đô đốc A.W. Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, khi điều trần về việc này trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ nghị viện một tháng trước khi Điện Biên Phủ bị bao vây, đã nói rằng kế hoạch Navarre là “một khái niệm chiến lược quy mô lớn, chỉ trong một vài tháng sẽ tạo ra một sự chuyển biến thuận lợi cho tiến trình phát triển cuộc chiến tranh”. Báo chí Mỹ bình luận nhiều về lời công bố 6-2 cho rằng việc phái các chuyên viên có thể chỉ là một tiền đề cho việc gửi quân chiến đấu sang Đông Dương để bảo lãnh cho người Pháp đang bị lung lay. Hai ngày sau khi có công bố, thượng nghị sĩ M. Mansfield đã chất vấn ở Thượng viện có phải vì người Pháp không thể chống đỡ được nữa nên chúng ta bắt buộc phải đưa Không quân và Hải quân sang chi viện giúp họ? Phải chăng điều đó có nghĩa là nếu tình hình đòi hỏi thì quân chiến đấu Mỹ cũng sẽ được phái sang đó? Để làm giảm nhẹ những sự lo ngại này và cũng là để hỗ trợ cho lập trường của Radford, 3 ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng C.E. Wilson tuyên bố sẽ không có phi công và bộ binh chiến đấu Mỹ ở Đông Dương, và còn nói thêm là không hề có kế hoạch chi viện nào đã được vạch ra “ở mức cao hơn như hiện nay”. Wilson bác bỏ ý kiến cho rằng Đông Dương có thể trở thành một Triều Tiên khác đối với Mỹ. Ông nói theo quan điểm chúng ta và của người Pháp “cuộc chiến tranh đang có khả năng và có thể đưa đến một thắng lợi quân sự đúng như chúng ta dự kiến trong giai đoạn này”. Yêu cầu tăng viện của Pháp và lời trấn an của các quan chức Mỹ nói rằng “mọi việc tiến triển tốt” đã không có nghĩa gì đối với người dân bình thường. Tại cuộc họp báo của Tổng thống ngày 10-2, Marvin Arrowsmith, thuộc hãng thông tấn A.P đã hỏi Eisenhower có phải “việc gửi các chuyên gia sang Đông Dương sẽ có thể dẫn đến việc chúng ta tham gia vào một cuộc chiến tranh nóng ở đó không?”. Tổng thống chỉ trả lời: “… Không ai có thể chống đối gay gắt hơn tôi trong việc để cho Mỹ dính líu vào một cuộc chiến tranh nóng trong vùng này; vì vậy mọi hành động tôi cho phép đều được tính toán… để không thể xảy ra chuyện đó”. Daniel Schorr của đài CBS nắm ngay lấy điều đó và chất vấn có phải nhận xét của Tổng thống có nghĩa là “ngài quyết tâm không để cho bị lôi cuốn vào chiến tranh hay có lẽ là vào sâu hơn trong chiến tranh Đông Dương, bất kể cuộc chiến tranh sẽ diễn biến ra sao?”. Tổng thống đã đáp lại, “Tôi không muốn tiên đoán xu hướng phát triển tình hình thế mới trong lúc này… Tôi nói là tôi không thể tạo ra một thảm kịch lớn hơn nữa cho nước Mỹ để bị lôi kéo sâu hơn nữa với những đơn vị lớn vào một cuộc chiến tranh toàn diện, trong bất kỳ nơi nào trong vùng này”. Tổng thống kết thúc nhận xét với Schorr bằng cách biện minh cho sự can thiệp của Mỹ cho “vì đây là trường hợp của các nước độc lập và tự do chống lại sự lấn chiếm của Cộng sản”. Nhưng Tổng thống đã bỏ qua một quan điểm quan trọng: chỉ có nước Pháp mới “độc lập và tự do”, còn Việt Nam là một xứ bán thực dân thuộc địa, đang nửa chừng tham gia vào một cuộc chiến tranh giành độc lập, chẳng phải là một nước “độc lập và tự do” cho tới khi có Hội nghị Genève, nghĩa là còn hơn 5 tháng nữa. Trong khi ở Mỹ còn đang sôi nổi tranh cãi về sự tham gia của quân đội Mỹ, dư luận công chúng Pháp lại mong muốn có một sự “rút ra” nhanh chóng khỏi cuộc chiến tranh vô tận này. Lào đang bị đe doạ nên Bộ trưởng Quốc phòng Pleven nóng lòng muốn biết ở đó có được phòng vệ không. Hội đồng Quốc phòng Pháp đã báo cho ông biết phải chỉ thị cho Navarre rút lui khỏi Thượng Lào nếu cần, nhưng phải nhớ là việc bảo đảm an toàn cho quân viễn chinh Pháp vẫn là vấn đề ưu tiên số một. Pléven sang Đông Dương tháng 2-1954 để trực tiếp thanh tra tình hình tại chỗ. Đi cùng còn có tướng Paul Ély, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, tướng Fay, Tham mưu trưởng không quân và tướng C. Blanc Tham mưu trưởng lục quân. Đoàn thanh tra đã gặp tướng Navarre và tướng Ély đã tỏ ra lo ngại cho chiến lược “cứ điểm con nhím” sẽ chỉ là “một thứ bày cỗ sẵn cho Việt Minh xơi”. Navarre biện bạch cho chiến lược hoàn chỉnh của ông ta, vừa cách ly được Việt Minh, lại vừa nắm được lực lượng cơ động trong tay. Ngay như đối với Điện Biên Phủ, một trong các “cứ điểm” ngoại vi, Navarre nói chưa chắc đối phương đã chịu dành lực lượng bao vây cứ điểm đó. Ông ta cho rằng mặc dù Việt Minh có ý định tấn công cứ điểm nhưng đã phải bỏ chỉ vì cứ điểm đã được bố phòng khá mạnh. Lúc đó, tướng Fay có hỏi về việc sử dụng sân bay Điện Biên Phủ sau các trận mưa lũ. Navarre đáp lại là không ai báo cáo cho ông biết có nhược điểm gì đặc biệt ở đây nhưng ông cũng sẽ xem xét vấn đề này. Đoàn thanh tra trở về Pháp ngày 1-3. Báo cáo quân sự và chính trị đã vẽ ra một hình ảnh bi đát. Các tướng kết luận “Không giải pháp quân sự nào có thể thực hiện được”; dù cho có tăng viện mạnh mẽ đến đâu chăng nữa và bằng bất kỳ cách nào cũng không thể tác động giúp cho có lối thoát. Pléven cho tình hình chính trị hoàn toàn không thuận lợi cho người Pháp. Ông nhận định Việt Minh có thể không được người ta ưa chuộng nhưng lại được người ta sợ và tôn trọng. Số các làng xã trước đây do chính phủ Bảo Đại kiểm soát nay giảm sút dần theo chiều thuận với sự mở rộng vùng của Việt Minh. Pléven đề nghị phải hết sức cố gắng ở Genève để tranh thủ được một giải pháp có thể chấp nhận được. Nhưng ông cũng khuyên phải chống lại sự giao thiệp trực tiếp với ông Hồ vì như thế sẽ bị phe Bảo Đại coi như là một sự phản bội. Do đó lời giải đáp duy nhất là phải lợi dụng Hội nghị Genève làm con đường danh dự để kết thúc chiến tranh. Chính phủ Paris hoảng sợ. Người ta cảm thấy không còn thời gian nữa và phải làm ngay một cái gì thật dữ dội để cứu vãn lấy cái thuộc địa cũ kia. Sau các cuộc vận động thường diễn ra giữa phái diều hâu và phái bồ câu, ngày 5-3 Lamel đưa trình trước Quốc hội các điều khoản cho một cuộc ngừng bắn: 1- Tất cả quân đội Việt Minh rút khỏi Lào. 2- Vạch “một tuyến không người” chung quanh đồng bằng sông Hồng và tất cả lực lượng Việt Minh, dưới sự kiểm soát, phải rút ra ngoài. 3- Ở Trung Bộ, tập trung các lực lượng Việt Minh vào một khu vực sẽ được ấn định sau. 4- Tước vũ khí hoặc cho rút lui tất cả quân đội Việt Minh ở Cambodia và Nam Bộ. Người kém thông thạo nhất cũng thấy ngay được các điều kiện của Laniel đòi hỏi một sự đầu hàng của Việt Minh và thể hiện chỉ là một hy vọng ngây ngô qua một hành động tuyệt vọng trong giờ chót để kết thúc cuộc chiến tranh mà 7 năm chiến đấu ròng rã cũng đã không đạt được. Rõ ràng là họ không chịu điều đình với những người “bồi” của thời đại thực dân cũ. Ông Hồ và các cố vấn của ông cũng không non dại gì trong các cuộc vận động chính trị quốc tế, nhưng dù sao thì ngày 10-3, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng cho biết là sẵn sàng xem xét đề nghị của Pháp. Thực ra, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã nghiên cứu đề nghị đó một cách nghiêm chỉnh, không phải là trong khuôn khổ các mục tiêu của Pháp, mà dưới ánh sáng của tất cả những ảnh hưởng của Hội nghị Genève sắp diễn ra. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #107 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:23:27 PM » Trong 6 tháng, ông Hồ và các cố vấn của ông đã theo dõi một cách chặt chẽ sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh. Các tin tức từ Mátxcơva, Delhi và Bắc Kinh đã chỉ ra mối đe doạ là Mỹ càng ngày càng tích cực đứng vào bên cạnh Pháp. Lời tuyên bố mới nhất của Eisenhower trong cuộc họp báo ngày 10-3 làm cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lo ngại vì nó đã gợi ra vấn đề Mỹ có kế hoạch trực tiếp tham gia vào Việt Nam, sẵn sàng đến mức có thể thực hiện điều đó bất cứ lúc nào. Trước ngày Eisenhower gặp nhà báo, thượng nghị sĩ J.C. Stennis trong Uỷ ban Quân vụ đã yêu cầu chúng ta cho rút các chuyên gia không quân ra khỏi Đông Dương. Ông nói “chúng ta đang từng bước đưa một cách trực tiếp người của chúng ta tham gia vào cuộc chiến đấu. Sớm muộn rồi chúng ta cũng phải hoặc chiến đấu hoặc tháo lui”. J.J. Patterson, báo New York News, đã chộp lấy điều đó và hỏi Tổng thống cho biết “chúng ta sẽ làm gì nếu như một trong số người của chúng ta ở đó bị bắt hoặc bị giết?”.


Tổng thống đáp lại “Tôi muốn nói điều này “sẽ không có sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến tranh, nếu đó không phải là kết quả của một hành động hợp hiến được Quốc hội chấp thuận và cho tuyên bố”. Thực rõ như ban ngày, và do đó Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể nhận thức được dễ dàng là chiều hướng đang đi tới một sự tham gia tích cực, và Eisenhower đã lựa chọn một sự can thiệp trực tiếp công khai của Mỹ. Rõ ràng là đối với vấn đề Mỹ nhúng tay vào Việt Nam cuối năm 1953 chẳng một ai lại đồng tình cho chúng ta đi sâu vào cuộc xung đột Pháp - Việt đến mức như thế. Bộ Lục quân đã tỏ ý nghi ngờ đối vối ý kiến của một số người hoạch định chính sách cho rằng chúng ta cần phải tiếp tục viện trỡ quân sự và giúp đỡ cho Pháp để cuối cùng sẽ không phải đưa bộ binh chiến dấu vào. Họ đã lập luận là nếu như vùng này thực sự quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mỹ như Hội đồng An ninh Quốc gia đã xác nhận thì vấn đề cần phải được giải quyết một cách dứt khoát hơn bằng cách đi tới một sự hoà giải đặc biệt.


 Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu Lục quân đã đề ra một cách ít kiên quyết hơn là Lục quân không có khả năng đưa quân lính tham gia chiến đấu trên đất liền ở Đông Dương trong khi Mỹ phải xúc tiến đồng thời các chương trình quân sự ở châu Âu và Viễn Đông. Họ gợi ý đánh giá lại sự quan trọng của Đông Dương và Đông Nam Á so với cái giá phải trả để cứu vãn các khu vực này. Nhưng do tình hình Pháp suy sụp nhanh chóng vào tháng 12 và tháng 1, Bộ Quốc phòng đã phải xét đến vấn đề can thiệp vào Đông Dương để đảm bảo đất nước này không bị rơi vào tay Cộng sản. Lần này, chẳng ai có ý kiến gì khác. Trưởng phòng tác chiến Hải quân, đô đốc R. Anderson đề nghị với Bộ trưởng Wilson (ngày 6-1-1954) cho chúng ta đưa các đơn vị chiến đấu ngay tới Đông Dương chỉ dựa trên “sự đảm bảo ủng hộ mạnh mẽ, hợp lý của dân bản xứ đối với quân đội của chúng ta “dù có được chính phủ Pháp đồng ý hai không đồng ý”.


Phó đô đốc A.C. Davis, Giám dốc Nha quân vụ đối ngoại Bộ Quốc phòng lại nhận xét vấn đề với những lập luận vững chắc hơn: 'Việc quân Mỹ tham chiến ở Đông Dương phải được tránh bằng mọi giá. Còn nếu như lúc đó, chính sách quốc gia quyết định không thể có biện pháp thay thế nào khác thì Mỹ không nên tự dối mình, cho rằng có khả năng chỉ cần tham gia một phần thôi, như “chỉ sử dụng đơn vi không và hải quân”. Chẳng ai có thể vượt được thác Niagara chỉ bằng một cái thuyền con”.

Và Davis nói tiếp: “Chú ý: Nếu việc đưa các lực lượng không quân và hải quân vào tham chiến ở Đông Dương được xác định là thuận lợi thì khó có thể mà nghĩ rằng có thể làm thế nào để tránh không phải đưa lục quân vào vì nhất định là phải có căn cứ, mà việc bảo vệ các căn cứ và bến cảng này tất nhiên sẽ đòi hỏi phải có lực lượng mặt đất của Mỹ và… cũng cần phải có đơn vị chiến đấu mặt đất để hỗ trợ cho việc di tán khi bị uy hiếp. Điều đó bắt chúng ta phải hiểu rằng một khi đã lao vào thì không có biện pháp rẻ tiền nào để tiến hành một cuộc chiến tranh”.

Sự khác biệt quá rõ ràng giữa một bên là sự đánh giá cao về quan trọng chiến lược của chúng ta đối với Đông Dương và một bên là sự bất lực của chúng ta để đi đến một quyết định dứt khoát về việc sử dụng quân đội ở Đông Dương cần cho việc bảo vệ vùng đất này, đã đòi hỏi Hội đồng An ninh Quốc gia phải họp bàn (ngày 8-1-1954). Đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã có nhiều ý kiến về việc khi một trong hai tình huống sau đây sẽ xảy ra: một, người Pháp bỏ cuộc; và hai, Pháp yêu cầu phải có số lớn quân đội Mỹ. Bộ Ngoại giao cho rằng tình hình Pháp đã quá nguy hiểm đến mức “bắt buộc Mỹ phải quyết định ngay việc sử dụng quân đội Mỹ trong cuộc chiến đấu ở Đông Nam Á”. Nhưng đại diện Bộ Quốc phòng đã từ chối không dám đảm bảo cho việc Mỹ can thiệp. Cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia đã để trống vấn đề hành động của Mỹ trong trường họp cần thiết không thể chối cãi được phải có quân đội để ngăn ngừa không để “mất” Đông Dương. Nhưng vấn đề này, các tham mưu trưởng Liên quân đã có thái dộ thẳng thắn. Các Tham mưu trưởng liên quân cho rằng kế hoạch Navarre cơ bản là tốt, nhưng dứt khoát đã bị thất bại vì hố ngăn cách chia rẽ giữa người Pháp và người Việt, vì Navarre thiếu sót không chịu thực hiện những lời khuyên bảo của chúng ta, và vì Paris chần chừ trong việc cần thiết phải có nhân nhượng chính trị đối với chính phủ Bảo Đại. Do đó các Tham mưu trưởng Liên quân đã từ chối cả việc dùng quân chiến đấu Mỹ cũng như sự ủng hộ việc sử dụng đó một cách dứt khoát. Vì không giải quyết được một cách rõ ràng vấn đề cơ bản của sự can thiệp Mỹ, Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã đi đến một “giải pháp” liên tịch - chỉnh đốn lại những chỗ suy yếu của Pháp. Họ giữ lập trường là sẽ có biện pháp quân sự thay thế ở mức vừa đủ để Pháp không đòi hỏi phải có sự can thiệp trực tiếp của Mỹ. Đại diện Bộ Quốc phòng nêu ra ba lý do đã làm tình hình Pháp xấu đi: thiếu tinh thần quyết thắng, sự ngoan cố không chịu giải quyết yêu cầu độc lập thực sự của người Đông Dương, và việc họ từ chối không chịu đào tạo các sĩ quan chỉ huy người bản xứ. Bộ Quốc phòng cho rằng trước khi Mỹ can thiệp thì vấn đề cơ bản phải được giải quyết là Mỹ có sẵn sàng làm áp lực một cách mạnh mẽ trước hết là trong khuôn khổ Cộng đồng phòng thủ châu Âu (EDC) bắt Pháp ở Paris cũng như ở Đông Dương phải có những biện pháp thích đáng để sửa lại các thiếu sót của họ. Theo Bộ Quốc phòng, chỉ khi nào các biện pháp đó được xúc tiến thì Mỹ mới chịu xem xét một cách nghiêm chỉnh việc đưa lục quân chiến đấu vào bảo vệ quyền lợi của Pháp và các quốc gia Liên hiệp. Tác dụng thực sự của lập trường Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân là nhằm đối phó với ý kiến cho rằng một hành động quân sự nhanh chóng của Mỹ ở Đông Dương là vừa có thể làm được lại vừa cần thiết. Nhận thức rõ tình hình hết sức bấp bênh của Pháp ở Đông Dương, điều mà Mỹ chỉ phỏng đoán mà không biết đích xác, Pléven đã đề nghị (ngày 11-3) với Hội đồng Bộ trưởng để tướng Ély nhận lời mời của đô đốc Radford sang tham Washington. Ông ta có nhiệm vụ trao đổi với các nhà lãnh đạo Mỹ sự thật về tình hình quân sự để Mỹ sẽ không đến Genève với tư tưởng là sắp giành được chiến thắng quân sự. Điều lo lắng trước hết của Pháp cũng như Mỹ là mối đe doạ Trung Cộng can thiệp. Không ai lạ gì việc Việt Nam nhận được những phi cơ MiG-15 của Liên Xô sản xuất và do phi công Trung Quốc lái sẽ có thể gây tai hoạ cho đội không quân bé nhỏ và yếu ớt của Pháp ở Đông Dương. Pleven cũng không hài lòng là đã không có một hiệp định được ký kết với Mỹ về hành động của chúng ta phải làm gì trong những trường hợp tương tự. Bidault cho biết chỉ có một sự thoả thuận miệng của chúng ta và chỉ nói là sẽ xem xét lại vấn đề khi tình hình có gì xảy ra. Bidault đã đảm bảo với các Bộ trưởng rằng, theo ý riêng ông ta, Mỹ sẽ trân trọng thực hiện điều đã nói. Nhưng Pleven không thoả mãn: ông ta muốn có sự cam kết cụ thể hơn và Ély đã nhận được chỉ thị phải làm mọi cách để đạt được điều đó. *** Ngày 13-3, Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới quyền chỉ huy trục tiếp của tướng Giáp, khởi đầu cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ. Cái pháo đài mới được tăng cường này đã có tầm quan trọng về một chính trị và tâm lý hơn hẳn giá trị chiến lược thực tế của nó vì Hội nghị Genève sắp khai mạc. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thấy được một cách đúng đắn đây là một trận đánh có tính chất quyết định, không phải chỉ nhằm giành dược một chiến thắng vang dội, mà sẽ làm cho họ mạnh hẳn lên, họ đã chuẩn bị bao vây cứ điểm này. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng còn nhằm đánh cho quân đội Liên hiệp Pháp một đòn chí tử để gây tác động tâm lý đối với nước Pháp, làm nhân dân Pháp và những người Việt chống Cộng mất ý chí tiếp tục cuộc đấu tranh. Trong khi Laniel đưa ra với Việt Minh những điều kiện phi lý về một cuộc ngừng bắn, thì người Việt Nam cũng đã chuẩn bị xong cho trận Điện Biên Phủ. Sự chuẩn bị đã được bắt đầu từ cuối tháng 11-1953, khi Navarre quyết định đánh chiếm lại cái tiền đồn nhỏ này mà Việt Minh thì lại quyết tâm “giải phóng” nó. Việt Minh đã cho xúc tiến những cố gắng ghê gớm về công tác hậu cần và tác chiến, có phần nào giống như những biện pháp của thế kỷ XVIII, nhưng đến thế kỷ XX này vẫn còn phát huy tác dụng rất lớn. Trung Cộng đã viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về mặt vật chất và sau đình chiến Triều Tiên đã gửi thêm tới nhiều cố vấn quân sự. Một viên tướng cao cấp Trung Quốc đã được phái tới hành dinh của Giáp( ); nhiều sĩ quan khác được đưa vào công tác ở các cấp khác nhau của quân Việt Minh. Trung Cộng cũng đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 60 súng cao xạ 35 ly do Nga chế tạo, các thiết bị ra đa và nhiều khẩu đội Kachiusa (súng phóng rocket nhiều nòng) do người Trung Quốc điều khiển để bảo vệ cho 100 pháo 105 ly (của Mỹ sản xuất) bố trí ở các sườn núi bao quanh Điện Biên Phủ. Người Trung Quốc còn góp thêm 1.000 xe vận tải Môlôtôva đưa qua đường bí mật từ Mông Tự, Trung Quốc, tới Điện Biên Phủ. Nhưng kỳ công chủ yếu trong công tác hậu cần quy mô khổng lồ của Việt Minh chính là sự vận chuyển do họ tổ chức từ các nguồn cung cấp địa phương. Nó đã đảm bảo duy trì được một luồng tiếp tế và nhân lực đầy đủ, vững chắc cho các đại đoàn của Giáp đang bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Rõ ràng là cuộc tấn công đã làm cho người Pháp hoàn toàn bị bất ngờ. Khởi đầu là một trận pháo kích bất ngờ dữ đội, chứng minh cụ thể hoả lực phản pháo và các cuộc đánh phá bằng đường không của Pháp là không có hiệu quả. Người Pháp đã mất ưu thế về binh lực (mặc dù họ có 12 tiểu đoàn trong căn cứ) và mất cả ưu thế về hoả lực. Trận đánh ác liệt kéo dài bắt đầu từ ngày 13, đến ngày 18 thì cứ điểm cuối cùng trong 3 cứ điểm trên núi bảo vệ phía bắc Điện Biên Phủ bị mất. Cứ điểm đầu tiên, Béatrice, bị chiếm trong đêm 13 - 14 tháng 3; cứ điểm thứ hai, Gabrielle mất ngày 15; và 3 ngày sau là Anne Marie, cứ điểm thứ ba phải bỏ. Chi tiết trận đánh đã được mô tả đầy đủ trong nhiều sách, đại loại như cuốn “Con đường không vui” của Fall. Nếu Giáp cứ tiếp tục phát triển tháng lợi như những ngày đầu này thì chắc chắn rằng căn cứ chính cũng sẽ bị mất trong vòng 2 tuần lễ. Nhưng thực tế là cuộc tấn công cuối cùng chỉ được phát động vào ngày 7-5-1954. Trong quá trình diễn biến trận đánh, những lời tuyên bố, riêng cũng như trước công chúng, đầy lạc quan của Mỹ đã được thay thế bằng luận điệu cho rằng nếu không có những bước đi mới để đối phó với sự viện trợ của Trung Quốc thì Pháp sẽ bị suy sụp. Tướng Ély đã đến Washington ngày 20-3. Dulles và Radford tỏ ra hết sức lo ngại về sự biến chuyển đột ngột của tình hình. Họ muốn được nghe Ély nói cho biết việc gì đã xảy ra với kế hoạch Navarre và tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Ély đưa ra một nhận định lạc quan và đảm bảo với người của chúng ta là Điện Biên Phủ có thể chống trả được khi đã được Mỹ cung cấp các máy bay ném bom B.26. Tiếp đó Ély bàn đến vấn đề can thiệp của Mỹ nếu như Tnmg Quốc tham chiến, nhưng Dullẹs đã nói là ông không thể trả lời về việc này. Ély xem câu trả lời của Dulles là một sự thay đổi lập trường của Mỹ, nhưng ông không thất vọng vì Eisenhower đã đồng ý sẽ trực tiếp gặp ông ta. Eisenhower đã tiếp Ély ở Nhà Trắng vào sáng ngày 22-3. Đô đốc Radford cũng có mặt trong buổi tiếp. Tổng thống cho biết chúng ta sẽ thoả mãn các yêu cầu xin tăng thêm viện trợ của Pháp và nói riêng, chúng ta sẽ tiếp tế với mọi khả năng của chúng ta để cứu Điện Biên Phủ. Tướng Ély được yêu cầu nán ở lại, để bàn với Radford về các việc phải làm. Trong cuộc họp ngày hôm sau, Radford đã đề nghị dùng máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tập kích lớn ban đêm vào quân Việt Minh ở Điện Biên Phủ và gọi đó là “Operation Vulture”( ), sử dụng khoảng 60 máy bay ném bom B.29 cất cánh từ căn cứ Clark Field ở Phillippin và được 150 máy bay chiến đấu của Hạm đội 7 Mỹ yểm hộ. Trong khi Radford và Ély thảo luận về Cuộc hành quân Chim Ó, Dulles họp báo vào ngày 23 và tuyên bố một cách lạc quan: “Tôi không cho rằng sắp tới Cộng sản sẽ thắng trận ở Đông Dương”. Ông bỏ qua các câu hỏi về vấn đề tăng thêm viện trợ cho Pháp và nói không hay biết gì về việc các yêu cầu đó có được đặt ra hay không, nhưng ông lại thêm “nếu họ có yêu cầu viện trợ vật chất và thực sự điều đó là cần thì chúng ta sẽ đáp ứng theo khả năng nhanh chóng nhất của chúng ta”. Chú thích (1) tức Vi Quốc Thanh, về sau được Trung Quốc phong hàm Thượng tướng năm 1955 (2) Cuộc hành quân Chim Ó Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #108 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:24:08 PM » Trước khi Ély rời Mỹ, ông ta đã nói chuyện một cách hoàn toàn thẳng thắn với các quan chức của chúng ta ở Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao. Thay vì cho mối lạc quan ngoài mặt đêm trước là một sự nghi hoặc nghiêm trọng. Ít nhiều Ély đã hở cho biết là Pháp sắp điều đình một cuộc ngừng bắn dù với những điều kiện không thuận lợi nhất. Cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền (Mỹ) vào cuối tháng 3 đã đưa đến chỗ cho người ta thấy: 1. Sự can thiệp một chiếu của Mỹ sẽ không có hiệu quả nếu như không có lục quân tham gia, 2. Việc sử dụng lục quân Mỹ là điều không thể chấp nhận được xét trên phương diện tiếp tế hậu cầu và chính trị, 3. Sự can thiệp để cứu nguy vùng này tốt hơn hết là nên tiến hành dưới hình thức một hành động tập thể của các quân đội đồng minh. Đó là ý nghĩa cuộc thảo luận của Hội đồng An ninh Quốc gia, ý tổng quát các báo cáo đặc biệt của tnmg tướng M.B. Ridgway và Thứ trưởng Ngoại giao W.B. Smith và của Tổng thống Eisenhower. Theo đó, trong cuộc thảo luận với tướng Ély, Dulles đã đi xa hơn vấn đề viện trợ trước mắt ngay cho quân đội đóng ở Điện Biên Phủ và vạch ra việc có thể thành lập một tổ chức phòng thủ khu vực cho Đông Nam Á. Đó chính là lúc mà chính quyền Eisenhower bắt đầu xem xét lại lập trường của mình và từ bỏ việc đơn phương can thiệp. Bất kỳ một sự can thiệp nào của chúng ta sẽ chỉ là một bộ phận trong hành động tập thể với các đồng minh châu Âu và châu Á của chúng ta. Trong bài diễn văn đọc tại Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài, ngày 29-3, Dulles đã báo động cho công chúng biết tình hình nguy ngập của Đông Dương và kêu gọi “hành động thống nhất” - nhưng cũng không giải thích thêm ý ông muốn nói gì. Khái niệm không được xác định đó đã làm cho người Anh và người Pháp và cả đến người Trung Quốc phải kinh hoàng - Để làm giảm bớt nguy cơ gây ra một sự phản ứng quá mức hay một sự tính toán sai lầm, trong tình trạng lộn xộn đó, Bộ Ngoại giao đưa ra một lời giải thích mật là “hành động thống nhất” can thiệp sẽ không nhằm mục đích lật đổ hoặc tiêu diệt chế độ Bắc Kinh. Thế rồi trong nội bộ chính quyền, Bộ ngoại giao đề nghị: 1- Không có can thiệp quân sự Mỹ trong lúc này, và không hứa hẹn gì điều đó với người Pháp 2- Tiếp tục làm kế hoạch can thiệp bằng quân sự, 3- Và thảo luận với các đồng minh có tiềm năng về khả năng thành lập một khối địa phương trong trường hợp xảy ra một sự hoà giải không thể chấp nhận được ở Genève. Tất nhiên là tình hình của đồn quân bị bao vây không cải tiến được. Giáp mở một cuộc tấn công lớn ngày 30-3 làm cho sân bay thường xuyên bị khống chế bằng hoả lực và trở nên vô dụng cho người Pháp. Ba ngày sau, quân đội Việt Minh tiến vào chỉ còn cách trung tâm Điện Biên Phủ một dặm trước khi dồn quân địch rút lui để tập hợp lại. Ngày 3-4, Tổng thống quyết định Mỹ sẽ không can thiệp đơn phương. Bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ cũng phải dựa trên cơ sở của việc thành lập một lực lượng liên minh với các đồng minh của Mỹ để tiến hành “hành động thống nhất”, việc Pháp công khai tuyên bố nhanh chóng thực hiện độc lập cho các quốc gia Liên hiệp, và phải được Quốc hội thông qua (mà điều này sẽ phụ thuộc vào hai điều kiện ở trên). Tuy đã có những phương châm đường lối chính trị như vậy nhưng Hội đồng An ninh Quốc gia trong phiên họp ngày 6-4 lại đưa ra một cách khá kỳ quặc những mục tiêu trái ngược là Mỹ “nếu cần sẽ can thiệp để tránh việc mất Đông Dương, và chủ trương không từ một biện pháp nào để làm cho người Pháp kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh của chính họ”, và cũng ủng hộ, coi như là phương thúc tốt nhất thay thế cho việc Mỹ can thiệp, một tổ chức địa phương trong đó người châu Á sẽ tham gia ở mức tối đa. Eisenhower đã chấp nhận ý kiến đề bạt của Hội đồng nhưng dựa vào đó lại xác định nỗ lực đầu tiên của chính quyền sẽ hướng vào việc thành lập một tổ chức phòng thủ tập thể địa phương chống lại sự bành trướng của Cộng sản, tranh thủ sự ủng hộ của Anh đối với các mục tiêu của Mỹ ở Đông Nam Á và làm áp lực với Pháp để họ nhanh chóng thực hiện việc cho Đông Dương độc lập. Trong khi đó, Tổng thống ra sức tìm kiếm ở hậu trường Quốc hội một sự ủng hộ cho việc Mỹ tham gia vào một tổ chức địa phương, và nếu có thể được thì đồng thời cũng bí mật khởi sự vạch kế hoạch động viên quân đội. Trong khi Tổng thống đi đến quyết định ngày 3-4 chống lại việc can thiệp đơn phương của Mỹ thì tướng Ély trở về Paris ngày 27-3, đã báo cáo lại cho Pleven cuộc đối thoại của ông ở Washington, đặc biệt là lời đề nghị phi thường của Radford về việc xúc tiến cuộc hành quân Chim Ó. Laniel cho triệu tập một cuộc họp bí mật bất thường của các quan chức cầm đầu nước Pháp để thảo luận về ý kiến của Radford. Phản ứng của nhũng người tham gia dự hội nghị, trong đó có Pleven, Bidault và các nhà lãnh đạo quân sự, cùng nhiều người khác, rất hỗn độn. Họ cảm thấy sự can thiệp của Mỹ lúc đó sẽ gây ra một phản ứng dữ dội của người Trung Quốc và sẽ mở rộng cuộc chiến tranh (điều mà Bidault và nhóm diều hâu không phải là không vừa lòng) nhưng cũng sẽ quốc tế hoá cuộc xung đột và làm cho Pháp mất quyền chủ động (điều mà Lamel không muốn). Một sĩ quan liên lạc được phái đến Sài Gòn ngay 1 tháng tới để hỏi ý kiến Navarre. Trả lời của ông này là bằng mọi cách, nước Pháp phải chấp nhận sự giúp đỡ để cứu Điện Biên Phủ và “ổn định được tình hình”. Không hay biết gì về quyết định của Eisenhower chống lại việc can thiệp đơn phương, các quan chức cầm đầu nước Pháp trong một phiên họp bí mật khác ngày 4-4, đã đồng ý chấp nhận đề nghị của Radford. Laniel cho mời đại sứ Dillon tới gặp và đưa ra một đề nghị chính thức để Mỹ can thiệp. Dillon thận trọng nói phải chờ và trả lời của Dulles cũng tới ngay lập tức nhưng không làm cho người Pháp phấn khởi: Mỹ không thể làm gì được vì không có sự chấp thuận của Quốc hội và không có sự hợp tác của các nước đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Anh, và không có tuyên chiến thì tất cả mọi sự đều không thể thực hiện được. Như thế là yêu cầu của Pháp đã bị gạt bỏ và Điện Biên Phủ phải tự thu xếp lấy số phận của mình. Khi những cố gắng của Pháp ở Điện Biên Phủ đã bắt đầu chững lại và vấn đề Mỹ sẽ làm gì đã tới một điểm cấp bách thì chính quyền Eisenhower đã từ bỏ sự can thiệp đơn phương. Bộ Quốc phòng vẫn tỏ ra miễn cưỡng trước việc Lục quân nhấn mạnh rằng chỉ riêng có hoạt động của Không quân, Hải quân thì chẳng làm được chuyện gì và nhất định cần phải có quân bộ. Kinh nghiệm Triều Tiên vẫn còn sống động và ý nghĩ đến một cuộc chiến tranh trên bộ khác ở châu Á đã làm cho mọi người phải ngập ngừng. Hơn nữa, Eisenhower không muốn lao vào một cuộc phiêu lưu mà không có sự đồng ý của Quốc hội, còn thái độ của Quốc hội lại tuỳ thuộc vào sự tham gia của các đồng minh. Do đó, Dulles đã ra sức thuyết phục Anh, Pháp và các đồng minh châu Á tham dự vào một liên minh “thống nhất hành động”. Thái Lan và Philippin đã đáp ứng một cách thuận lợi đối với lời kêu gọi “hành động thống nhất”, nhưng Anh thì tỏ ra thận trọng và ngập ngừng. Churchill chấp nhận gợi ý của Eisenhower phái Dulles tới London để hội đàm.


 Nhưng người Anh cảm thấy nguy hiểm trong việc nóng vội đi đến một liên minh phòng thủ trước khi có hội nghị Genève, Eden quyết không để cho bị “xô đẩy vội vàng vào những quyết định quân sự ngu dại”. Dulles bay tới London rồi lại tới Paris (11-14 tháng 4). Tại London, ông đã bị cả Churchill và Eden phản đối kịch liệt. Trong ý nghĩ, Dulles chỉ muốn buộc người Anh vào một liên minh mà sau này đã phát triển thành Tổ chức phòng thủ Đông Nam Á (SEATO). Ông cho rằng điều đó sẽ răn đe không cho Trung Quốc can thiệp sâu thêm nữa vào Đông Dương và nhờ có đoàn kết mà địa vị các nước phương Tây sẽ được củng cố thêm. Eden không chịu, ông phản đối mọi hành động quân sự hay một sự cảnh cáo nào trước khi có hội nghị Genève.

Ngoài ra, Pháp lại không được mời dự vào liên minh đó. Eden tin rằng Pháp muốn đến Genève với một thái độ tự do hành động hoàn toàn và không bị điều ràng buộc gì có thể hạn chế họ trong việc thực hiện được hoà bình. Dulles nhận định lập trường của Anh là một thứ nhằm đi đến thoả hiệp, sợ sự tham gia của Mỹ sẽ làm tăng thêm nguy cơ Trung Quốc can thiệp và là một sự mở rộng chiến tranh. Sau những cuộc hội đàm này, mối quan hệ giữa Dulles và Eden đã hoàn toàn trở nên căng thẳng. 

Dulles tức giận về cách của Eden bỏ rơi Đông Dương; còn Eden, ông rất bi quan về ý đồ quân sự của Dulles trong một vùng giá trị không chắc chắn nhưng Mỹ lại có những kế hoạch mập mờ và hết sức phiêu lưu. Hơn thế nữa, người Anh lại nghĩ rằng Đông Dương không thể bị mất hết hoàn toàn ở hội nghị Genève vì thiếu chưa có “hành động thống nhất”. Họ đã bị người Mỹ làm cho bối rối về câu chuyện “mất” Đông Dương; ở Bộ Ngoại giao Anh, người ta cho rằng Pháp không thể thua trận trong thời gian từ nay (tháng 4-1954) cho đến khi bắt đầu mùa mưa dù cho họ đánh nhau có kém đi chăng nữa. Dulles cũng chẳng thu được gì tốt hơn ở Paris.

Người Pháp đang tìm kiếm một hành động nhanh chóng để tránh cho Điện Biên Phủ bị thất trận đến nơi. Nhưng Dulles lại không muốn cho mình bị lôi kéo xa rời khỏi phương thức liên minh tập thể để giải quyết cuộc chiến tranh. Pháp cũng sợ rằng một tổ chức liên minh, tất nhiên là quốc tế, sẽ nắm lấy quyền kiểm soát cuộc chiến tranh từ tay họ; nên họ chỉ muốn có một sự giúp đỡ trong khu vực ở Điện Biên Phủ theo kiểu “Hành quân Chim ó”. Người Pháp còn phản đối vì cho không cuộc vận động cho “hành động thống nhất” sẽ chỉ ngăn trở hoặc làm chậm lại các cuộc thương lượng hoà giải mà họ càng ngày càng mong đợi. Mục tiêu của người Mỹ chúng ta lại nhằm làm cho người Pháp giữ vững quyết tâm tiếp tục cuộc chiến đấu. Thủ tướng Laniel khẳng định với Dulles là chính phủ của ông sẽ không làm gì để trực tiếp hoặc gián tiếp trao Đông Dương cho Cộng sản. Nhưng ông còn nhắc nhở Dulles về lòng mong muốn mãnh liệt của người Pháp để rút khỏi Đông Dương bằng bất cứ giá nào. Laniel nhấn mạnh sự cần thiết phải chờ kết quả của hội nghị Genève và người Pháp không cho thấy trước cảm giác họ cho Genève sẽ không thành công. Cố gắng đến cùng, Dulles ở Paris và Bedell Smith ở Washington ra sức thuyết phục Pháp là chỉ có kêu gọi Anh can thiệp, như họ đã kêu gọi Mỹ, mới có thể cứu nguy được cho Điện Biên Phủ. Nhưng người Anh vẫn không lay chuyển. Churchill đã bác bỏ đề nghị của đại sứ Pháp René Massighi muốn Anh tuyên bố Anh sẽ liên kết với Mỹ và Pháp trong việc phong thủ Điện Biên Phủ. Ngày 15-4, Dulles đã trở lại Washington chỉ với những lời hứa của Anh và Pháp “sẽ nghiên cứu khả năng phòng thủ tập thể” cho Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, mà chẳng có gì đáng phấn khởi cho một hành động phối hợp. Điện Biên Phủ tất nhiên đã đi đến bước đường cùng vào cuối tháng 4.

 Giáp đã đào hầm hào bao vây lấy người Pháp và khoá chặt mọi đường rút lui. Ngày 21-4, tướng Christian De Castries, tư lệnh quân Pháp yêu cầu tăng viện người và vũ khí tiếp tế “bằng bất cứ giá nào”. Trong khi đó, đã có thêm 45.000 quân Việt Minh đến bổ sung cho 4 sư đoàn đang bao vây khoảng 16.5 00 người trong cứ điểm Pháp. Đến ngày 23, lực lượng của Giáp đã tiến sâu vào chỉ cách trung tâm Điện Biên Phủ gần 700 thước.

***


Trong khi cuộc đấu tranh vô vọng ở Điện Biên Phủ tiếp tục thì ngày 26-4, khởi đầu phần một hội nghị Genève. Phần này chỉ hạn chế vào vấn đề Triều Tiên, song Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, lại yêu cầu Mỹ và các cường quốc phương Tây khác không được tham dự vào các vấn đề của Viễn Đông. Dulles đưa lý do là quyền của Mỹ là một điều đã được khẳng định.


Nhưng Chu đáp lại Triều Tiên là một vấn đề của châu Á và phải do những người châu Á giải quyết “bằng cách tìm kiếm những biện pháp chung để bảo đảm hoà bình và an ninh ở châu Á”. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov ủng hộ ý kiến của Chu và thêm vào “các dân tộc châu Á có toàn quyền để giải quyết công việc của chính phủ họ”. Dulles trở về Washington ngày 4-5 và ngày 7 công khai tuyên bố theo kế hoạch đã định trước, ông đã uỷ cho Thứ trưởng Ngoại giao, tướng W. Bedell Smith đại diện cho ông ở Hội nghị Genève. Ông chê trách người Pháp đã không trao trả độc lập cho các quốc gia Liên hiệp mà theo ông cách đó sẽ tước bỏ được lý do đòi lãnh đạo cuộc đất tranh giành độc lập của nhũng người Cộng sản. Rồi ông tiên đoán về sự thất thủ không thể tránh khỏi của Điện Biên Phủ, nhưng lại trấn an “việc mất Điện Biên Phủ sẽ củng cố, chứ không làm suy yếu đi, mục tiêu của chúng ta là đoàn kết lại với nhau”. 

Ông đưa ra một câu hỏi hùng hồn: “Chúng ta sẽ làm gì chung quanh cuộc xung đột ở Việt Nam?”. Ông cảnh báo về nguy cơ “Cộng sản nắm chính quyền và sẽ cố xâm lược mới thêm”. Ông nói “Nếu việc đó xảy ra, yêu cầu cấp bách hơn hết là phải tạo điều kiện để tiến hành hành động thống nhất để phòng thủ khu vực”. Còn về vấn đề trực tiếp can thiệp và tuyên chiến, Dulles nhấn mạnh là Eisenhower sẽ không có hành động gì mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #109 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 02:25:18 PM » Ở Điện Biên Phủ, tiếng súng cuối cùng im lặng vào khoảng 2 giờ sáng, giờ dịa phương, ngày 8-5-1954. Và đến 4 giờ chiều hôm đó, giai đoạn hai Hội nghị Genève được triệu tập để thảo luận vấn đề Đông Dương. Đó là một cuộc gặp gỡ giữa nhiều thế lực chính trị và kinh tế khác nhau, có Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thủ vai trò chính nhưng đồng thời cũng có những mối quan hệ khách và chủ đối với các cường quốc. Cuộc hội nghị mở đầu một cách gay cấn trong một bầu không khí ảm đạm, không chắc chắn và đầy nghi ngờ. Khối Cộng sản nắm toàn bộ các chủ bài. 

Tất cả những người tham dự hội nghị đều mang theo những động cơ riêng của mình, không có ai tỏ ra vị tha vì người khác: Pháp đã mất hết ý chí chiến đấu và mong muốn có một cuộc hoà giải nhanh chóng; Mỹ đã thất bại trong việc cố buộc Pháp vào hoạt dộng quân sự thống nhất nhằm đấu tranh chống lại sự bành trướng của Cộng sản ở Đông Nam Á nhưng vẫn theo đuổi nục đích ngăn chặn Cộng sản; Anh mong thiết lập lại hoà bình và làm giảm căng thẳng quốc tế đang tác động tai hại đến quyền lợi Anh trong vùng; Trung Cộng lại muốn nắm lấy thời cơ để đối phó với Mỹ trên một thế bình đẳng trong các vấn đề quốc tế; còn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì mong muốn và hy vọng được công nhận như là một thực thể có chủ quyền để được đối xử một cách tương xứng với các giá họ đáng phải được.

Trong số các bên tham dự hội nghị, chỉ có Mỹ là nước ít bị rắc rối nhất về phương diện lý tưởng. Từ lâu, chúng ta đã lên tiếng về mối quan tâm của chúng ta đối với qui chế tương lai của Đông Dương, mà chúng ta quan niệm như là một quốc gia độc lập dưới những hình thức và mức độ khác nhau. Với thời gian, khái niệm tự quyết đối với Đông Dương đã trở nên lẫn lộn và nhất thời đã thoái hoá thành một câu chuyện chỉ ở đầu lưỡi mặc dù vẫn còn dược coi là một cao vọng lý tưởng. Chính sách của chúng ta tại Genève được xác định dựa trên những nhận thức giả tạo. Khi chúng ta cho rằng chúng ta phải giúp cho người Đông Dương chống lại Cộng sản để giành lấy tự do và độc lập thì những lời tuyên bố chính thức của Mỹ và thực tế lại không chứng minh được điều đó. Trước hết là Acheson rồi sau đến Dulles chỉ một mực nói về việc “ngăn chặn Cộng sản”, chứ không nói gì đến tự do khỏi ách thống trị của người Pháp, điều mà Việt Minh đang chiến đấu điên cuồng. Rồi trong các nhà hoạch định chính sách của chúng ta còn có nhận định sai trái cho rằng chính phủ Bảo Đại tham nhũng và mất hết uy tín, vẫn được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nhân dân. Chúng ta đã không chịu chấp nhận một sự thật là nó đã có một quá trình lịch sử nặng tính chất cơ hội chủ nghĩa và hai mặt, và nó đã được người Pháp dựng lên ở bên ngoài để thủ tiêu các nguyện vọng tự quyết của người Đông Dương và bảo vệ quyền lợi thực dân Pháp. Các tài liệu chính thúc ghi nhận sự tham gia của chúng ta vào Đông Dương hoàn toàn không có chứng cứ gì là chính phủ Mỹ đã xúc tiến một sự cố gắng nào để điều tra về thực chất của Hồ Chí Minh và phong trào giành độc lập của ông ta. Nó đã được bác bỏ một cách chiếu lệ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ vì coi như là “thiên Cộng sản” và quyết tâm bắt tay với thực dân Pháp để xúc tiến một cuộc chiến tranh ác liệt chống lại Việt Nam. Chưa một lúc nào Mỹ có ý định tìm hiểu và tranh thủ tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam, mà trái lại vẫn tiếp tục kiên trì cung cấp mọi thứ cần thiết cho chính phủ Pháp ở Đông Dương nhằm tiêu diệt những cố gắng đã có cội rễ sâu rộng để hoàn thành độc lập dân tộc.

Sau chót, chính sách của chúng ta đã được xác định dựa trên cơ sở một nhận thúc hoàn toàn không có căn cú - cho là Pháp ủng hộ mục tiêu chống Cộng của Mỹ, địa vị quân sự Pháp vững vàng và ngày càng được cải thiện. Về vấn đề này chúng ta không thể tự trách mình, nhưng cũng phải gánh phần trách nhiệm. Rốt cuộc, trong gần 8 năm, các nhà ngoại giao và lãnh đạo quân sự của chúng ta đã tin tưởng một cách mù quáng vào tất cả những cái thất thường và thất vọng của người Pháp đưa ra để giành lấy sự ủng hộ của Mỹ cho sự nghiệp thực dân của họ, mà không bao giờ chúng ta nghi ngờ và chỉ muốn ra ơn. Các quan chức Mỹ đã không chịu nhìn một cách lạnh lùng, khắt khe về vấn đề Đông Dương; lúc nào cũng mang kính hồng trên mắt.

Ngay khi kết cuộc vào ngày 8-5, Dulles vẫn còn không chịu công nhận phần của chúng ta trong sự sụp đổ mà chỉ muốn gán điều đó một cách không chính đáng cho người Pháp. Đúng là người Pháp cũng rất miễn cưỡng phải thú nhận đã thất bại trước người Mỹ, nhưng chúng ta cũng chẳng phải quá u mê trước một sự thật đã hiển nhiên. Cái hố ngăn cách rộng lớn giữa sự việc người Pháp chuyển dần đến việc điều đình ngừng bắn và sự đòi hỏi của đất nước chúng ta muốn tiếp tục cuộc chiến tranh cho đến một “kết thúc thắng lợi” mà không có sự tham gia của Mỹ, đã càng sâu sắc thêm trước khi bắt đầu các cuộc bàn luận

. Khi hội nghị khai mạc, bên cạnh những sai khác biệt nhau về động cơ, và chính sách sai lầm của Mỹ, giữa các nước đồng minh còn tồn tại nhiều mâu thuẫn sâu sắc khác. Một trong những mâu thuẫn đó là với người Anh. Người Pháp đã khai thác một cách khá thông minh chương trình viện trợ của Mỹ mà không cần phải kéo toàn bộ lực lượng Mỹ tham gia nhưng cũng bất lực trong việc cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Người Anh lại bị Mỹ cho là trở ngại chủ yếu đầu tiên cho một “hành động thống nhất” và đã bị lên án là để cho những quyền lợi ích kỷ của bản thân Anh trong các vùng khác của Đông Nam Á che mắt nên đã không đánh giá hết tầm quan trọng chiến lược lớn lao đối với thế giới tự do trong việc “cứu thoát” Đông Dương. Ngược lại, sự đoàn kết của khối Cộng sản về cuối Hội nghị thể hiện không những chỉ ở sự thống nhất Trung - Xô trong việc mong muốn điều đình mà còn ở chỗ họ hoàn toàn có sự nhất trí với trong cả ba phía. Sau khi Stalin chết, chính sách của Liên Xô dưới thời Malenkov đã dịu đi rất nhiều. 


Không còn nghi ngờ gì là các vấn đề ưu tiên trong nước đã tác động đến chế độ mới phải công bố mong muốn có một sự giảm căng thẳng trong tình hình quốc tế. Bắc Kinh tham gia một cách sâu hơn vào sự nghiệp của Việt Minh, đã xúc tiến viện trợ cho quân đội của Giáp từ tháng 2 đến tháng 4-1954, nhưng cũng đồng tình với Mátxcơva về việc mong muốn triệu tập một cuộc hội nghị quốc tế, mà Trung Quốc sẽ tham gia để kết thúc cuộc chiến tranh. Những tin tức hạn chế có giá trị cho thấy trong ba phía, chỉ riêng có Việt Nam Dân chủ Cộng hoà coi việc thương lượng lúc đó còn quá sớm và đã chủ trương, trước khi điều đình, phải gia tăng mạnh mẽ nỗ lực quân sự. Đề nghị đối thoại của ông Hồ với Pháp được công bố rộng rãi tháng 11-1953 nhằm tác động đến tình hình nội bộ và dư luận chính giới nước Pháp và làm mất tinh thần quân đội Việt - Pháp nhiều hơn là thể hiện thực lòng muốn đi tới một cuộc hoà giải thoả đáng. 

Những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phát đi trong các tháng sau chứng minh điều quan tâm lớn nhất trước tiên của Việt Nam là thực hiện được một thắng lợi nhanh chóng ở đồng bằng sông Hồng và trên các vùng của Lào hơn là đi vào bàn hội nghị trong khi mà quân Pháp còn đang bị phân tán ra khắp Đông Dương. Tình hình trên, nói một cách khái quát, đã tác động đến Hội nghị Genève. Thế mạnh và thế yếu có thể là đặc điểm riêng của lập trường Cộng sản và lập trường phương Tây. Tuy vậy các nhãn hiệu trên hình như cũng chưa phải là hoàn toàn thích đáng trong ảnh hưởng qua lại giữa và trong nội bộ hai bên; điều đó lại càng cho ta thấy rõ Hội nghị Genève trong phải là để đưa đến một thắng lợi của hoà bình.


 *** Một trong những điều kiện thoả đáng đầu tiên ở Hội nghị Genève đã đạt được trong quá trình cuộc trao đổi giữa Molotov và Eden ngày 5-5 là khi Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô tán thành nhận định của Eden cho đây là một trong những cuộc điều đình khó khăn nhất mà ông đã gặp. Thực tế, mới thoáng nhìn người ta thấy ngay hình như có ít nhiều điều ngược đời khi mà giai đoạn bàn về Đông Dương (8-5 - 21-7) trong điều kiện khó khăn đã thấy, chỉ trong 12 tuần lễ đã đi đến được một cuộc hoà giải. Các vấn đề then chốt đã được hoãn lại cho đến giờ phút cuối cùng trong khi cuộc thảo luận kéo dài liên miên về những việc tương đối ít quan trọng.

Sự tiếp xúc giữa các phái đoàn với nhau lại bị hạn chế vì thành kiến tư tưởng, chính trị đối lập, làm cho một số đoàn viên phải hoạt động như những người trung gian hoà giải trong khi vẫn phải đại diện cho quyền lợi quốc gia mình; và các quyết định chủ yếu cuối cùng đã đạt được nhưng ngoài những khuôn khổ đặc biệt mà những người tham dự hội nghị đã phải mất một tháng để xây dựng nên. Chester L. Cooper, một nhân viên trong phái đoàn Mỹ, tác giả cuốn sách “Cuộc thập tự chinh thất bại: Mỹ ở Việt Nam”, đã cho thấy mùi vị của những sự phi lý chi phối các quan hệ cá nhân các nhà thương lượng: “Ý đồ của phái đoàn khá lớn của Mỹ muốn coi phái đoàn Trung Quốc to lớn hơn như là không tồn tại - và ngược lại - đã làm cho tình hình bốc thêm nhiều hương vị. Nhiều người Trung Quốc và Mỹ đã quen biết nhau từ trước trong những vai trò khác… 

Bản thân tôi cũng đã có lần đứng một mình trong thang máy đối diện với một thanh niên Trung Quốc mà tôi đã biết khi còn ở trường trung học… Nhưng chẳng ai trong chúng tôi lên tiếng, mà chỉ nhìn nhau bắt đầu mỉm cười rồi cười. Đến trước phòng họp chúng tôi càng cười ngất. Nhưng khi cửa phòng mở, chúng tôi vội vàng nghiêm chỉnh lại và từ lúc đó, tránh không dám nhìn ngó tới nhau nữa”. Cái chướng ngại quan trọng đầu tiên vấp phải là sự kèo nài của Cộng sản cho các lực lượng Kampuchia tự do (Khmer Issark) và Lào tự do (Pathet Lào), do Việt Minh lãnh đạo, được quyền có ghế ngồi bên cạnh các chính phủ Vương quốc Kampuchia và Lào. Phải đến tận ngày 16-6, khi Chu Ân Lai và phái đoàn của ông, báo cho Eden biết quân đội Việt Minh sẽ rút lui khỏi Kampuchia và Lào thì cuộc tranh luận về việc này mới chấm dứt. 

Những sự bàn luận mất thời giờ về quyền hạn chính thức của các “lực lượng kháng chiến” Cộng sản ở Lào và Kampuchia cũng khá hay ho, nhưng còn kém việc phải xác định qui chế của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại Hội nghị Berlin, đã thoả thuận với nhau rằng việc mời các chính phủ khác tham gia hội nghị sẽ chỉ do các bên tham dự hội nghị Berlin, có nghĩa là do Tứ cường, mà không có Bắc Kinh. Nhưng, Molotov đã xác nhận ngay từ phiên họp toàn thể đầu tiên (ngày 8-5), Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được Bắc Kinh cũng như Mátxcơva mời, đó là một hành động đã bị Pháp và Mỹ đả phá mạnh mẽ. 

Song cũng chẳng có mưu toan nào được đưa ra để gạt bỏ sự tham dự của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mặc dù có sự chống đối của chính phủ Bảo Đại đòi hỏi phải được coi là chính phủ duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại được toàn thể nhìn nhận là một trong những người chiến đấu chủ yếu mà sự đồng ý ngừng bắn của họ là không thể thiếu được, do đó đòi hỏi phải có họ tham gia. Hơn thế nữa, Liên Xô đã báo cho Pháp biết là sẽ không chấp nhận sự có mặt của các phái đoàn các quốc gia liên kết nếu như Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không được chấp nhận dự Hội nghị. Giữa lúc đó, Điện Biên Phủ thất thủ, tất cả các bên đều đồng ý là sẽ có 9 đoàn đại biểu (không phải là quốc gia) thảo luận về vấn đề Đông Dương. Cả 9 đoàn ngồi chung quanh một cái bàn tròn để trao đổi ý kiến trong suốt ngày thứ hai, che lấp một thực tế là cuộc điều đình thực sự không phải ở chỗ đó.


 Tất nhiên là có đề nghị, tranh luận, đệ trình… nhưng việc mặc cả thời sự đã được dành cho cuộc thảo luận riêng, thường vắng mặt các bên Đông Dương thân phương Tây. Tuy vậy, các cuộc đối thoại ở Genève cũng bị chi phối gắt gao bởi các âm mưu, của các cường quốc lớn; những xung đột về chính trị và tư tưởng, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đã gay gắt đến mức là lối ngoại giao phải được xúc tiến theo một kiểu đi vòng, do Eden và Molotov thường xuyên hoạt động như người trung gian và chuyển tin giữa các đại biểu các đoàn không muốn cùng ngồi với nhau. 

Một điển hình trong thái độ của Mỹ, như Dulles đã nói với các nhà báo trước khi họp phiên đầu tiên là chỉ có một cách làm ông có thể gặp Chu Ân Lai nếu như hai xe của họ đụng nhau. Việt Minh đã đưa tới một phái đoàn 4 người và 3 trong số dó không xa lạ gì với người Pháp. Họ do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, Đồng là người phát ngôn chính của Việt Minh trước đây tại Hội nghị Fontainebleau (tháng 7-1946) và mới được nâng lên làm Phó Thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Người khác là Phan Anh, Bộ trưởng Kinh tế; Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng; và Hoàng Văn Hoan(1), thân Trung Quốc, 

Đại sứ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Bắc Kinh. Cả bốn đều là những cái tên quen thuộc trong những ngày đầu tiên của chế độ ông Hồ tại Hà Nội. Phải đến hạ tuần tháng 6, các đại diện cấp cao của Pháp và Việt Minh mới gặp nhau mặt đối mặt; các nhà lãnh đạo quân sự Việt Minh họp với đại diện của Lào và Kampuchia; các người cầm đầu phái đoàn Pháp và Trung Quốc trao đổi ý kiến với nhau trong các cuộc gặp gỡ riêng. Cho đến tháng cuối cùng của hội nghị, những người Cộng sản và chống Cộng Việt Nam vẫn từ chối không chịu nói chuyện với nhau. Điều quan trọng hơn cả là phái đoàn Mỹ theo chỉ thị nghiêm ngặt, phải tránh các cuộc tiếp xúc với người Trung Quốc nên chỉ dùng được những thông tin hạng nhì do các đại diện Anh, Pháp và Liên Xô cung cấp; đối với Việt Minh, Mỹ cũng phải chịu theo một thể thức như vậy. Chú thích (1) Đại sứ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Trung Quốc (1951-1958). Bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị và các chức vụ khác năm 1978 và đã bỏ trốn sang Bắc Kinh ngày 3-7-1978 trên đường đi Berlin. Logged Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 » Lên

No comments: