Tuesday, July 17, 2012

ARCHIMEDES L.A. PATTI * WHY VIETNAM VII

Chương 24 
Những câu chuyện rắc rối 

BÃO TÁP TRONG MỘT ẤM TRÀ

 Sáng hôm sau tôi nhận được một điện khẩn của Helliwell, nói tôi phải giải quyết một số vấn đề của toán Sainteny - họ thiếu lương thực, thất lạc điện gửi về Côn Minh, và cái gọi là mối đe doạ Nhật nhiễu phá hệ thống thông tin của họ. Một vấn đề lớn là đại biện lâm thời Pháp trong một cuộc đối thoại gay gắt với Đại sứ quán của ta, đã yêu cầu giải thích điều mà Pháp gọi là “Mỹ không thực hiện điều thoả thuận cho phép Pháp tiếp tục được vận chuyển người Pháp và vật liệu sang Hà Nội”. Đây đúng là một ý đồ của Pháp nhằm lợi dụng khai thác địa vị của Mỹ ở Trung Quốc. Vì thực tế, không có một sự thoả thuận nào giữa Mỹ và Pháp có liên quan đến sử dụng, vận chuyển hay về các mặt nào khác của quân đội Pháp ở Trung Quốc. 

Chỉ có những thoả thuận được thi hành giữa Trung Quốc và Pháp, có liên quan đến Mỹ chăng nữa thì chỉ do lúc đó tướng Wedemeyer giữ vai trò Tổng tham mưu trưởng của Tưởng. Để tránh va chạm với Trung Quốc, người Pháp đã quay sang phía OSS, nêu ra điều thoả thuận về hoạt động của OSS - DGER trước đây. Heppner đã báo cho Pháp biết là thoả thuận OSS - DGER đã hết hiệu lực từ khi chiến tranh kết thúc, còn việc cấm vận hiện nay là do chính phủ Trung Quốc quyết định. Heppner cũng đã thông báo cho họ hay tướng Wedemeyer đã thay mặt Tưởng ra lệnh cấm OSS không được chuyên chở những nhân viên không phải là người Mỹ vào Đông Dương trong lúc này. Ông đã gợi ý cho Pháp nên gặp Tưởng.

Cơn bão táp này, tất nhiên cũng chỉ do Sainteny gây ra để chống lại tôi. Sainteny đã gửi điện tín khuấy động người Pháp ở Trùng Khánh và Calcutta về một âm mưu Hoa - Mỹ nhằm gạt Pháp ra khỏi Đông Dương và việc OSS bày mưu lập kế để thay thế nền cai trị của Pháp bằng Chính phủ Hồ Chí Minh do Cộng sản đỡ đầu. Hai bức điện điển hình, do Sainteny tiết lộ ra sau này, có ghi(1): “Chúng tôi phải đối phó với một cuộc vận động hỗn hợp của Đồng minh nhằm loại Pháp ra khỏi Đông Dương. Chỉ có Chính phủ (Paris) mới có thể chống lại ở tầm cỡ quốc tế…


 Điều đó cũng cần phải được hiểu là, vào giờ phút này, bắc Đông Dương không còn là thuộc Pháp”. Và: “Thái độ của Đồng minh đối với nước Pháp có nguy cơ làm cho chúng ta hoàn toàn bị mất mặt… làm việc gì tôi cũng phải thông qua Patti. Tôi nhấn mạnh rằng thực tế trong lúc này, thái độ của Đồng minh có hại hơn là của Việt Minh. Chỉ Leclerc hoặc De Gaulle mới có thể và cần hoạt động”. Chiều hôm đó tôi đến gặp Sainteny và thấy ông buồn bã. Nhưng lần này tôi rất bực bội. Ông dễ dàng công nhận là đã báo cáo về Trung Quốc rằng tôi đã không hợp tác chặt chẽ, ông và toán của ông coi như bị cầm thì tại chỗ và tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn vì người gác Nhật đã được “thay thế” bằng những người An Nam bất lực và hay báo thù. Tôi hỏi một cách cộc cằn tại sao ông lại kêu ca với Trùng Khánh về việc thiếu thốn lương thực… và nếu quả thực thế thì tại sao lại không cho tôi biết trước khi báo cáo về Trùng Khánh. Sainteny hơi lúng túng và tỏ ra bực bội vì thấy bị hỏi về những điều nhỏ nhen này. Ông thanh minh là đã có nói điều dó trước khi những người “bồi An Nam” bỏ trốn đi, mà người Pháp thì không được phép ra ngoài để mua bán gì… Tôi hiểu ngay vấn đề lương thực thực sự chỉ là một cái cớ. Sainteny bảo tôi không nên quá quan tâm đến những người Pháp ở Trùng Khánh vì họ không nắm được việc Sainteny phải đối phó với những người “Cộng sản Việt Nam chống đối” và bọn lính Nhật kiêu căng đang bao vây. Ông cho “dân” Trùng Khánh chỉ biết “ăn bánh ngọt, uống trà” trong khi Đông Dương đang suy sụp. Đó chỉ là một quan điểm cục bộ hẹp hòi của cá nhân Sainteny; vì chắc chắn ông biết rằng các nhà ngoại giao Pháp ở Trùng Khánh đang cố gắng giải quyết cho xong với Tưởng vấn đề độc quyền lãnh thổ của Pháp ở Trung Quốc… Tôi cho rằng những điều xuyên tạc và bịa đặt của Sainteny đã chẳng giúp gì được trong việc nâng cao địa vị của Pháp ở địa phương hay trên trường quốc tế. Tôi có hỏi tại sao ông ta lại đặt tôi vào cái thế phải giải thích những câu chuyện vụn vặt đó mà tôi đã không gây ra và cũng chẳng nắm được… … Tôi không thật nắm chắc được động cơ của Sainteny. Đây cũng có thể chỉ là những vấn đề nhỏ nhen cá nhân. Nhưng cũng rất có khả năng là ông đã cố ý bịa ra chuyện để đánh lừa, lấy cớ là Pháp thiếu, không có đủ cơ sở tiếp tế hậu cần ở Hà Nội để xin tăng thêm số người Pháp ở Đông Dương. Nhưng dù động cơ thật của ông là gì đi nữa thì mưu mô làm mất uy tín của Mỹ ở Hà Nội hay ở Trung Quốc cũng đã chẳng có ảnh hưởng gì tới người Trung Quốc và bất kể thế nào thì họ cũng vẫn là lực lượng chiếm đóng. Tôi nói với Sainteny là tôi có gặp ông Hồ buổi sáng và đã đề cập đến việc gặp gỡ giữa hai bên, như ông ta đã yêu cầu, nhưng ông Hồ cho biết rằng ông không có ý định muốn có sự gặp gỡ trong thời điểm đặc biệt này. Tôi muốn làm dịu bớt lời chối từ của ông Hồ nên có ý kiến có lẽ nên thu xếp một cuộc gặp gỡ vào những ngày sau. Sainteny nhún vai: “Không quan trọng! Chúng tôi sẽ làm điều mà chúng tôi phải làm. Mặc kệ!”. Tôi hỏi xem ông có nhận được phản ứng gì của Paris đối với chính phủ mới của Hồ Chí Minh không. Câu trả lời của ông mập mờ, chẳng đâu vào đâu. Như sực nhớ ra, Sainteny nói là Paris đã có kế hoạch riêng của họ, và thực sự cũng chẳng phải lo lắng gì đến các hoạt động của bọn “đỏ” ở Đông Dương. Cuộc nói chuyện đã kéo quá dài. Tôi ra về và Sainteny nhắc lại việc những “cai ngục” người Nhật của ông ta đã được những người “Cộng sản An Nam” thay thế. Điều gợi ý của tôi để toán của ông rời khỏi Dinh và chuyển đến một trụ sở ít phức tạp hơn gần Phái đoàn Mỹ, được đáp lại là ông chỉ đóng ở nơi nào mà “sự công nhận chính thức chủ quyền Pháp” được ghi nhận. Ông còn cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng, nếu ông không thể làm gì khác hơn nữa thì ít nhất ông cũng cần phải duy trì “sự có mặt của Pháp” bằng cách chiếm đóng trụ sở cũ của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. MỘT BỨC ĐIỆN GỬI CHO TRUMAN Nếu như người Pháp băn khoăn lo lắng về chiến lược của Tưởng định gạt họ ra khỏi Đông Dương thì ông Hồ và Việt Minh của ông cũng chẳng yên tâm trước những mưu đồ của Trung Quốc đối với tương lai sự lãnh đạo của họ. Từ sáng sớm, Võ Nguyên Giáp đã gửi cho tôi một thư yêu cầu tôi chuyển bức công điện sau đây của ông Hồ gửi Tổng thống Truman. “Để đảm bảo có kết quả cho vấn đề mà Uỷ ban liên tịch các nước Đồng minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Uỷ ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi… Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam,và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (sic) (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành), có quyền có đại diện trong Uỷ ban đó. Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký thay”. Tôi cho rằng đây chỉ là một sự tính toán, táo bạo và có thể không có hiệu quả của ông Hồ để có được một vị trí giữa các nước có quyền quyết định về tương lai của Đông Dương. Nếu chỉ có Trung Quốc là cường quốc chiếm đóng duy nhất thì đó là một triển vọng không thể chấp nhận được đối với ông. Sự công nhận của quốc tế, nếu đạt được, sẽ củng cố cả vai trò của phong trào độc lập và địa vị lãnh đạo của cá nhân ông. Có hay không có điều đó thì sự mong muốn cho Mỹ tham gia một cách tích cực vào việc quyết định đường lối chính sách, sẽ chỉ cốt để cân bằng lại đối với những mục đích lợi dụng của Trung Quốc, Pháp và Anh. Điều khá mỉa mai là trong khi ông công bố một cách thành thực là đã kháng chiến chống Nhật, thì lại đúng là nhờ vào sự cộng tác tích cực của Nhật mà Chính phủ ông mới hoạt động được. Tỷ dụ như ngay mới đây, Nhật đã lặng lẽ để lại cho người Việt tất cả bộ máy cảnh sát dân sự, trừ việc canh gác nhà Ngân hàng Đông Dương và các hoạt động của Hiến binh Nhật. Tôi không muốn chuyển bức điện của ông Hồ mà lại không có sự thảo luận với ông nên đã tìm gặp ông vào giữa buổi sáng hôm đó. Cùng với ông, còn có Hoàng Minh Giám(2). Chúng tôi đi thẳng ngay vào đề là tôi không thể gửi được bức điện cho Tổng thống Truman. Đó là một vấn đề ngoại giao vượt ra ngoài quyền hạn của tôi. Nhận xét đó không làm cho ông Hồ bối rối. Với nụ cười cởi mở thường thấy và lộ thái độ thoải mái, ông nói ông hoàn toàn thông cảm việc tôi không thể trực tiếp liên lạc với Nhà Trắng nhưng chắc cũng có thể gợi ý cho ông cách nào đó để liên lạc với Truman; điều đó mới thực là quan trọng. Không đợi tôi kịp trả lời, ông quay sang Giám và bảo Giám giải thích về nội dung bức điện. Giám đang chờ, và bằng một thứ tiếng Pháp lưu loát, nói bức điện có hai mục đích: thứ nhất là tranh thủ sự có mặt của một người tham dự vô tư, nếu được Mỹ là tốt nhất, trong các cuộc thương lượng giữa Trung Quốc và Pháp, vì họ có thể làm nguy hại cho nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và thứ hai, khuyến khích cho các nước Đồng minh công nhận Chính phủ Lâm thời của ông Hồ là đại diện duy nhất và hợp pháp của nhân dân Việt Nam trong các vấn đề có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam… Giám giải thích điểm hai còn bao gồm việc sắp đặt cơ cấu tổ chức và vai trò của các phái dân tộc chủ nghĩa khác nhau, một điều quan trọng đối với ông Hồ, nếu như ông phải cùng với họ nắm một loại chính quyền hợp pháp nào đó… Theo Giám lập luận thì việc Đồng minh công nhận Chính phủ Lâm thời chậm chừng nào thì chỉ làm suy yếu địa vị lãnh đạo của họ chừng đó và chỉ làm lợi cho Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng trong việc dựng lên bộ máy cai trị thân Trung Quốc. Đến đây ông Hồ xen vào nói rằng tình hình cấp bách phải làm cho Mỹ dùng ảnh hưởng của mình đối với Trung Quốc, bắt họ phải chấp nhận Chính phủ Lâm thời của ông như “một chính phủ đã tồn tại trước khi bọn bù nhìn thân Quốc dân Đảng vượt biên giới vào Việt Nam”. Không công nhận cách lập luận trên, tôi chỉ nhắc lại chính sách của Mỹ: Mỹ không có kế hoạch can thiệp vào công việc nội bộ của Đông Dương, bất kể ở phía người Trung Quốc, người Pháp hay người Việt và hơn nữa, theo tôi hiểu thì đại diện duy nhất Đồng minh phụ trách tiếp nhận đầu hàng ở miền bắc Đông Dương sẽ là người Trung Quốc. Nhân viên Mỹ đi cùng đoàn tiếp nhận đầu hàng Trung Quốc chỉ là những người trước đây đã được phái tới lực lượng chiến dấu Trung Quốc để làm cố vấn quân sự, không có nhiệm vụ chính trị và không có quyền đại diện chính phủ Mỹ trong các công việc quốc tế. Tôi nêu ý kiến một cách thẳng thắn. Vì thật là sai lầm nếu như dấy lên một hy vọng về việc Mỹ làm trung gian khi tôi biết rằng điều dó sẽ không thể có. “Ông già” mẫn cảm hiểu vấn đề và với một thái độ chịu đựng trang trọng, ông nói ông đánh giá cao và tôn trọng lập trường của Mỹ. Nhưng nếu tôi làm ơn chuyển hộ ông bức điện, dù chỉ về Trùng Khánh thôi, thì ông cũng rất sung sướng. Có lẽ cũng có người nào đó “ở cấp cao” sẽ thông hiểu được cảnh ngộ của người Việt Nam. Về sau, coi như là một việc nhân nhượng với họ, tôi nhận sẽ chuyển điện về cho Đại sứ Hurley, nhưng cũng nói với ông Hồ rằng tôi sẽ không thể đoán trước được Đại sứ sẽ có hành động gì không. Trong thâm tâm tôi, tôi cho rằng nỗ lực đó sẽ không mang lại kết quả; và thực sự đúng là như vậy. « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 11:26:51 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #61 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 09:54:09 AM » Tôi cũng thông báo cho ông Hồ biết Sainteny yêu cầu có cuộc đàm thoại. Ông suy nghĩ một lát rồi hỏi xem mục đích để làm gì? Tôi nói chỉ có thể phỏng đoán là nhằm để bàn về vai trò tương lai của Pháp ở Đông Dương. Ông Hồ nhẹ nhàng đáp lại là thực tế trong lúc này không còn gì phải thảo luận với Sainteny nữa, trừ phi, ông nói thêm, đó là việc quân đội Pháp trở lại Việt Nam, và nếu như Sainteny có ý như vậy thì tốt hơn hết là nên chờ cho sự việc xảy ra đã rồi hãy gặp nhau. Ông nói nếu như Sainteny có điểm gì có tính chất xây dựng cần trình bày trong khuôn khổ một thông báo chính thức của Paris, thì ông ta nên gửi cho Chính phủ Lâm thời xem xét. Rõ ràng là vấn đề đã kết thúc và tôi không nói gì thêm nữa. Giám rời khỏi phòng, tôi cũng xin rút lui nhưng ông Hồ nói tôi ở lại. Ông mới được tin nhiều quan chức quan trọng Pháp ở Paris đến Trùng Khánh để điều đình với Tưởng về vấn đề đặc quyền ngoại giao ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu và Quảng Châu. Tất nhiên, những cuộc điều đình đó sẽ không được tiến hành mà không có ảnh hưởng lớn đến quy chế tương lai của Việt Nam. Đi sâu thêm, ông Hồ tỏ vẻ lo ngại về vấn đề quyền sở hữu và quản lý đường xe lửa Vân Nam phủ đi từ Hà Nội về Côn Minh và vấn đề khai thác sử dụng cảng Hải Phòng. Ông bình luận một cách buồn bã rằng thật là một điều kinh khủng khi thấy ở Yalta cũng như ở Postdam, các cường quốc Đồng minh đã quyết định những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà không có một sự chiếu cố nhỏ nhặt nhất đối với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Tôi không đồng ý và có một quan niệm khác. Sự quan tâm chủ yếu của Tổng thống Roosevelt đối với vấn đề Đông Dương ở Cairo, Tehéran và Yalta là số phận tương lai của dân tộc Việt Nam. Ông đã đề cập một cách hoàn toàn đầy sức thuyết phục tới vấn đề tự trị cho nhân dân Việt Nam với Stalin và cả Churchill, cũng như đã nói riêng với Tưởng, và đã giành được sự ủng hộ hết lòng của Stalin và Tưởng. Trong khi bảo vệ sự nghiệp của Việt Nam, Roosevelt đã bày tỏ một cách minh bạch là ông chỉ mong muốn chấm dứt chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương ngay cả khi cần phải trả giá bằng sự bất hoà với Anh, và làm gián đoạn mối quan hệ Mỹ - Pháp. Hơn nữa, tôi nói, Tổng thống cũng đã thấy Tưởng công khai tuyên bố lập trường không can thiệp của mình, và tôi nhắc cho ông Hồ biết, chỉ trước đó 4 hôm, Tưởng nói lặp lại lập trường nói trên và tuyên bố: “… Tuân theo các điều khoản trong bản hiệp định của Đồng minh mới đây, ngoài việc phái các lực lượng tới để tiếp nhận đầu hàng của Nhật trong vùng bắc vĩ tuyến 16, chúng tôi không có tham vọng đất đai ở Đông Dương thuộc Pháp. Chúng tôi mong rằng người Việt Nam sẽ từng bước thực hiện được nền độc lập của họ qua con đường tụ trị, và qua đó thực hiện được những điều khoản của Hiến chương Đại Tây Dương…”(3). Một lần nữa, lại nổi lên vấn đề những người Việt Quốc gia vượt qua biên giới trong gồng gánh của lực lượng chiếm đóng của Lư Hán. Giáp và tôi đã thảo luận vấn đề này từ mấy hôm trước và đã kết luận là có thể dẫn đến những cuộc xung đột nghiêm trọng. Tôi đã báo cáo cho Tổng hành dinh Chiến trường và Đại sứ quán khả năng tiềm tàng có thể nổ ra rối loạn nội bộ, và thậm chí xung đột vũ trang, nếu như những người Việt Quốc gia từ Trung Quốc ở về lại có ý định muốn đánh đổ Chính phủ Lâm thời. Ông Hồ và tôi nói đến đó thì Giám trở vào, mang theo một bức điện. Ông có tin quân Trung Quốc đã qua biên giới ngày 27-7 ở Cao Bằng và đã tước vũ khí của một phân đội nhỏ Việt Minh đóng ở Lạng Sơn. Nhưng khoảng một giờ sau, bộ đội tăng cường của Việt Minh từ nông thôn kéo đến đã phản công đánh cho quân Trung Quốc phải rút lui và chịu điều đình để có đường tự do đi về phía nam. Người Trung Quốc đã phải yêu cầu Việt Minh thông qua một tổ chức chính quyền liên hợp ở cấp tỉnh để đảm bảo duy trì pháp luật và trật tự trong tỉnh. Xem ra thì biện pháp cuối cùng có thể được lựa chọn sẽ là một chính phủ quân quản vĩnh cửu. Nhưng sau những cuộc thảo luận sôi nổi, mọi người đã nhất trí thành lập một chính quyền liên hợp cấp tỉnh gồm 2 đại biểu của Việt Minh, 2 của Phục Quốc và 3 người độc lập. Ông Hồ lắc đầu phản đối, cho đó là một điều không thể chấp nhận được: bọn Phục Quốc từ lâu đã là bù nhìn của Nhật và không thể tin cậy được. Giám giải thích là Phục Quốc gồm có ba đảng quốc gia do Nhật đỡ đầu, một trong số đó do Trần Trọng Kim lãnh đạo. Ông Hồ ngắt lời và nói là Phục Quốc đã được tổ chức ra từ trước Thế chiến thứ nhất, với sự bảo trợ của Phan Bội Châu, “một học giả chính trực, một người quốc gia chân chính” với nhiều hoài bão về một sự cộng tác Nhật - Việt. Trong thời niên thiếu,, ông nói, tôi đã có nghĩ đến việc đi theo phong trào Đông Du phục vụ cho châu Á của Tiến sĩ Châu. Nhưng sau này, thấm nhuần một tinh thần độc lập chống sự đô hộ của ngoại quốc mạnh mẽ, ông đã quyết định chuyển đi theo hướng tây - sang Pháp. Ông Hồ và Giám đưa ra nhiều tài liệu về sự cộng tác của Phục Quốc với quân xâm lược Nhật và ông Hồ cũng nhắc lại kinh nghiệm bản thân của ông với nhóm lưu vong ở Trung Quốc trong vai trò của “những tên đầy tớ trung thành của Quốc dân Đảng”. Những người cộng tác thù địch này sẽ chẳng mang lại được gì thêm cho chế độ mới và rõ ràng ở đây chỉ là một việc ông Hồ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Trước khi tôi ra về, ông Hồ lại nhắc lại sự mong mỏi khẩn thiết của ông là tôi sẽ báo cáo cho Trùng Khánh tất cả những gì đang xảy ra ở miền Bắc này. MỘT BỨC ĐIỆN GỬI CHO “ÔNG TAM” Tôi có dấu vết đầu tiên về việc ông Hồ có ý định giải quyết vấn đề những người Việt Quốc gia đã xuất dương qua một bức thư tôi nhận được trong ngày hôm sau của Võ Nguyên Giáp. Ông yêu cầu tôi trên cơ sở cảm tình cá nhân, chuyển giúp ông một bức điện cho “ông Tam”. Bức điện tỏ ra vô thưởng vô phạt và thông thường tôi không cho nó ẩn ý nào khác. “Của: Võ Nguyễn Giáp, tức Văn Gửi cho: ông Tam, nhờ AGAS chuyển Việt Minh đã thành lập Chính phủ Cộng hoà Lâm thời. Nhân danh cá nhân tôi, mời ông về Hà Nội”. Nhưng tôi cảnh giác vì thấy ông Hồ đã tỏ ra lo lắng trong khi thảo luận về các đảng phái thân Trung Quốc. Tôi thoáng có ý nghĩ là Giáp có thể có ý đồ muốn xoay xở với Việt Minh. Nhưng tôi đã gạt bỏ ngay ý nghĩ đó, vì sự trung thành của Giáp đối với ông Hồ và Việt Minh là một điều không thể nghi ngờ được. Nhưng yêu cầu của Giáp là không bình thường. Từ trước, chỉ có ông Hồ nhờ tôi chuyển điện tín và nội dung các bức điện bao giờ cũng rõ ràng. Điều làm tôi thắc mắc là cái “ông Tam” này, ông Tam duy nhất mà AGAS có liên lạc là Nguyễn Tường Tam(4), lãnh tụ đảng Đại Việt, thân Nhật, hợp tác với Việt Nam Quốc dân Đảng, nổi tiếng chống Cộng sản và lại chính là người mà Sainteny đã bí mật liên lạc thăm dò cách đó khoảng một tháng. Điều làm tôi thắc mắc là Giáp, vốn là một trợ thủ chủ yếu của ông Hồ, mà chỉ do sáng kiến cá nhân dám mời lãnh tụ của một đảng đối lập về gặp ở Hà Nội. Có gì bảo đảm cho Giáp là tôi sẽ không thảo luận về bức thư này với ông Hồ, mà Giáp thì cũng chẳng yêu cầu tôi phải giữ bí mật. Với cách lập luận đó, tôi cho rằng Giáp đã hành động với sự đồng ý của ông Hồ và tôi đã chuyển bức điện đi. Nhưng tôi vẫn phân vân không hiểu tại sao lại có bức điện này. Nó có thể sẽ mang lại cho Việt Minh lợi lộc gì? Hay đây là một cái bẫy chỉ nhằm để bắt cóc hoặc ám sát? Chắc không phải như vậy. Việc thủ tiêu Tam sẽ không ngăn trở được mục đích cuối cùng của Việt Nam Quốc dân Đảng là nhằm tiêu diệt Việt Minh do Cộng sản lãnh đạo. Có lẽ ông Hồ, một bậc thầy mưu lược, đã suy nghĩ theo cái kiểu người Mỹ chúng ta: “nếu anh không đánh được họ, thì hãy theo họ”. Một chiến thuật mà ông đã từng sử dụng và thu được ít nhiều thành công. Qua suy nghĩ, tôi cho rằng ông Hồ không thể hoà trộn Việt Minh của ông với Quốc dân Đảng mà có thể chỉ là việc một lãnh tụ chủ chốt trong các đảng chống Cộng sẽ bị lôi kéo bằng cách mua chuộc, o ép, doạ nạt, hoặc một cái gì đó mà vẫn không từ bỏ đảng mình để đi theo với Việt Minh… Tôi yêu cầu Bob Knapp, một chuyên gia về chiến tranh chính trị của chúng tôi, giúp tôi phân tích tình huống mới này. Chúng tôi bắt đầu từ sự việc ai cũng đã biết là ông Hồ và Tam đã cộng tác với Trương Phát Khuê ở Đồng minh Hội trong những năm 1943-1944 và kiểm lại tất cả các tình huống mà chúng tôi đã biết về họ. Vào mùa hè 1943, qua sự tiếp xúc của OSS với những người Cộng sản Trung Quốc trong Quốc dân Đảng, tướng Tiêu Văn đã tìm gặp ông Hồ, lúc đó là tù chính trị của Trương. Tiêu và ông Hồ đã đi tới một quan hệ gần gũi nhau về lý tưởng và đến cuối tháng 7, Trương đã đưa ra một đề nghị xin thả ông Hồ gửi cho Tổng Bí thư Quốc dân Đảng Trung Quốc. Đề nghị đó được chấp nhận vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, với điều kiện ông Hồ sẽ được giải thoát khỏi bị tù đày, nhưng được giữ lại dưới quyền kiểm soát của Trương để làm công tác chính trị trong Việt kiều. Trương yêu cầu ông Hồ giúp chấn chỉnh tổ chức Đồng minh Hội, vì nó đã chẳng có hiệu lực gì từ khi thành lập vào mùa thu 1942 và đang bị xâu xé vì mâu thuẫn nội bộ. Mặc dù có sự tranh chấp giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Nam Quốc dân Đảng, ông Hồ cũng đã thành công trong việc làm cho Đồng minh Hội trở thành một liên minh có hoạt động, đáp ứng được yêu cầu của Trương về mặt tổ chức, kỷ luật, công tác tình báo. Khi ông Hồ rời Trung Quốc về biên giới Việt Nam vào tháng 8-1944, ông có khá nhiều kẻ thù, nhưng đồng thời cũng có nhiều bạn bè trong số các lãnh tụ bất mãn của khối chống Cộng trong Đồng minh Hội. Nguyễn Tường Tam là một trong số này. Knapp và tôi đi đến kết luận là khi ông Hồ được tin quân Lư Hán kéo bọn tay chân cũ trong Đồng minh Hội đi theo họ, trong số đó đặc biệt có bọn Việt Nam Quốc dân Đảng đáng căm thù thì ông đã dự đoán Trung Quốc có kế hoạch định lật đổ ông để thay thế bằng một tên bù nhìn thân Trung Quốc ngoan ngoãn. Nếu quả thực họ có mưu đồ như vậy, thì ông Hồ cũng biết rằng chính phủ và lực lượng quân sự rất hạn chế của ông sẽ không thể đối phó được với sức mạnh quân sự của Tưởng. Nhưng còn một vấn đề rầy rà khác cho ông Hồ là việc có thể có hoặc sẽ có một “hoạt động” Trung - Pháp, nhằm lật đổ ông, tiêu diệt Việt Minh và trao trả Việt Nam lại cho Pháp. Chúng tôi có được bản giải thích của cơ quan nghiên cứu R&A của OSS về lời tuyên bố của Tưởng ngày 24-8, mà tôi đã có dịp nói đến ít nhiều trong cuộc gặp gỡ với ông Hồ, và đặc biệt là về chính sách 14 điểm của Quốc dân Đảng trong việc chiếm đóng Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến việc các nhà Trung Quốc học của OSS chúng ta cho rằng chính phủ Trung Quốc không có ý định muốn để cho mình bị sa lầy ở Đông Dương. Thái độ trước đây của Tưởng đối với người Việt Nam đã được trình bày cho Roosevelt ở Cairo tháng 11-1943, hình như vẫn còn có giá trị. Lúc đó Tưởng đã phát biểu là người Việt Nam không phải là người Trung Quốc, không để bị đồng hoá với xã hội Trung Quốc và Tưởng không có quyền lợi về đất đai ở Đông Dương. Nhưng, lời tuyên bố mới nhất về chính sách của Trung Quốc lại không chịu ghi nhận phong trào độc lập của Việt Nam và việc thành lập của một Chính phủ Việt Minh. Thay vào đó, nó lại công nhận chủ quyền Pháp đối với Đông Dương và bao hàm việc Trung Quốc sẽ xúc tiến cộng tác với Pháp ở tầm cỡ quốc tế để giải quyết vấn đề quyền lợi Trung - Pháp tại Đông Dương. Như thế rõ ràng là Hồ Chí Minh và Chính phủ “thực tế” của ông đã không có một vai trò gì trong kế hoạch sau chiến tranh của Quốc dân Đảng Trung Quốc và sự ủng hộ trước đây của Trương Phát Khuê đối với những người Quốc gia Việt Nam, dù cho đã được Trùng Khánh chuẩn y, cũng không có góp phần gì vào trong cái mưu đồ to lớn của Thống chế - nhằm làm cho Trung Quốc chiếm địa vị ưu thế trên bàn hội nghị hoà bình với nước Pháp. Giả sử sự phân tích của chúng tôi là đúng đắn, thì việc mời Tam, trong khi những người cộng tác chính trị với ông còn đang trên đường đi từ Vân Nam vào Việt Nam, có nghĩa là ông Hồ đã cố gắng vận dụng chiến thuật một cách cừ khôi trội hơn người Trung Quốc… Ông Hồ biết rằng Tam đã không được Tiêu Văn trọng vọng ở Đồng minh Hội và bị Vũ Hồng Khanh, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng, đối xử một cách thậm tệ. Cũng có khả năng Tam và Đại Việt của ông có thể bị cắt đứt khỏi Đồng minh Hội. Cũng có thể ông được ép nhận một Bộ trong Chính phủ mới và một số ghế nào đó trong Quốc hội cho những người theo ông. Hành động đó, nếu thành công, chắc chắn sẽ mở rộng cơ sở của chính phủ Việt Minh và đồng thời lại làm suy yếu các đảng phái đối lập từ Trung Quốc về. Chú thích (1) “Xem lịch sử”, J. Sainteny (2) Lãnh tụ đảng Xã hội và là bạn thân của ông Hồ (3) Tuyên bố của Tưởng được đăng trên tờ Trung ương Nhật báo ngày 25-8-1945 ở Côn Minh. (4) Nguyễn Tường Tam (1910-1963), nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Đảng này dựa vào Trung Quốc như một đồng minh để giành độc lập dân tộc, chống lại sự kiểm soát quốc gia của Pháp. Khi thế lực của Nhật bắt đầu thống trị Đông Dương (1940), Tam chuyển sang nhờ sự viện trợ của Nhật để chống Pháp và lập ra đảng Đại Việt dân chính (gọi tắt là đảng Đại Việt). Pháp đã đàn áp và bắt giam các lãnh tụ của đảng này. Tam trốn thoát sang Trung Quốc (1942) và theo Việt Nam Quốc dân Đảng của Vũ Hồng Khanh ở Côn Minh. Đây là “Việt Nam Quốc dân Đảng” thứ hai, mặc dù Tam không lộ rõ mặt ở Trung Quốc nhưng Tam và đảng Đại Việt đã được xác định là những người Quốc gia thân Nhật. Trương Phát Khuê quyết định bắt giam Tam (1944) để “dạy cho ông một bài học”. Ngay trước khi họp Đại hội Đồng minh Hội lần thứ hai (3-1944), Trương thả Tam và mời làm đại biểu dự Đại hội ở Liễu Châu và ở đó Tam đã gặp Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng. Mùa thu 1945, ông Hồ tranh thủ sự ủng hộ của Tam và trao cho Tam chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Liên hiệp Lâm thời (1-1946). Khi được mời dẫn đầu đoàn dự Hội nghị Fontainebleau, Tam đã cáo ốm và cùng với Vũ Hồng Khanh đã trốn sang Trung Quốc rồi qua Hongkong. Tháng 2-1947, Tam, Khanh và một số lãnh tụ Đồng Minh Hội khác đã tham gia các hội nghị ở Nam Kinh và Quảng Châu để lập ra Mặt trận Dân tộc Thống nhất nằm tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ ông Hồ và thuyết phục Bảo Đại làm người phát ngôn cho họ. Nhưng họ đã thất vọng với người Pháp và Bảo Đại đã từ chối đứng trung gian hai bên Việt Minh và Pháp. Tháng 10-1947, Tam rút lui khỏi phong trào ủng hộ Bảo Đại và hoạt động chính trị, nhưng vẫn tiếp tục viết báo từ hải ngoại chống lại sự can thiệp của Pháp và Mỹ vào Việt Nam. Trong cuộc nổi dậy của Phật giáo 1963, Tam đã tự vẫn (7-1963) để phản đối sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #62 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:00:21 AM » Chương 25 Trước ngày lễ Độc lập HẾT KHÓ KHĂN NÀY LẠI ĐẾN KHÓ KHĂN KHÁC Trong một thời gian ngắn ngủi 8 ngày, các sự kiện ở Hà Nội đã phá vỡ các kế hoạch của Đồng minh nhằm chuyển sang một cách có trật tự từ thời chiến sang thời bình. Một cuộc tiếp thu đầu hàng về quân sự theo như thường lệ, không có cảnh báo trước, sẽ làm nảy sinh một cơn lốc chính trị có tầm cỡ quốc tế. Những sự xung đột về quyền lợi của nhiều nước đã nhanh chóng bùng ra liên tục và đã đặt ra cho cơ quan OSS chúng tôi nhiệm vụ phải thỉnh thị, hoà giải hay quyết định. Tôi cho rằng sự thay đổi trong những diễn biến tình hình này là trực tiếp do sự chậm trễ cố tình của Tưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ chiếm đóng của mình. Điều đó đã góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ tiếp theo. Nó đã giúp cho người Nhật có thời gian để tung ra trận đấu cuối cùng nhưng vô tích sự để nhằm giành ưu thế về tư tưởng. Nó đã cung cấp cho ông Hồ cơ hội để thiết lập cơ cấu chính trị của ông mà không bị chống đối từ bên ngoài. Còn đối với người Pháp thì sự chần chừ của Tưởng chỉ càng làm cho họ dễ bảo hơn nữa trong cuộc thương lượng của Tưởng với Paris. Hiến binh Nhật đã tiến hành một chiến dịch bỉ ổi chống người da trắng trong người Việt và người Hoa ở Đông Dương, nhằm vào các cường quốc phương Tây ở châu Á. Người Pháp, sau khi đã mất hết quyền kiểm soát thuộc địa cũ của mình, đã rơi vào một tình trạng thất vọng tập thể, chửi bới thậm tệ người Việt Nam, Trung Quốc và người Mỹ. Những tin đồn đại về một cuộc chiếm đóng lâu dài của Quốc dân Đảng đã làm cho dân chúng của ông Hồ và thực dân Pháp kinh hoàng. Họ mường tượng ngay đến những tháng năm đầy áp bức độc đoán, cướp đoạt, đói khát và chết chóc. Vị trí của chúng tôi trong OSS trở thành không thể chịu đựng được nữa. Quyền hạn của tôi bị bó hẹp trong các vấn đề quân sự nhưng phần lớn các sự việc và vấn đề chúng tôi phải đương đầu thực chất lại là chính trị. Tôi báo cho Côn Minh và Trùng Khánh biết rõ tình hình phức tạp và rất dễ bùng nổ ở đây nhưng hình như các nhà chức trách quân sự và ngoại giao đều không quan tâm lắm. Tôi đã đề nghị với Heppner gặp thảo luận với Đại sứ Hurley và giục ông phái một viên chức ngoại giao có thẩm quyền để đến đối phó với cái lò lửa Hà Nội đang sôi sục này, nhưng chỉ dược đáp lại “chuyển tất cả mọi vấn đề cho các nhà chức trách đảm nhiệm việc chiếm đóng ngay sau khi họ tới”. Thế là hay, nhưng khi nào thì người Trung Quốc sẽ tới? Chúng tôi đã biết các đơn vị tiền trạm đã vượt qua biên giới vào ngày 27, nhưng không rõ Lư Hán và cơ quan chính trị của ông ta ở đâu? Thời gian ông ta đến có thể đoán chừng là còn phụ thuộc vào sự thành công của Tưởng trong việc vô hiệu hoá được viên thống đốc Vân Nam và những thắng lợi trong cuộc thương lượng của Tưởng với Pháp ở Trùng Khánh và Paris. Điều đó đòi hỏi phải có thời gian. Trong khi chờ đợi, chúng tôi làm được gì thì làm để biểu thị sự có mặt của nhà chức trách Đồng minh và duy trì một cái có vẻ như là một nền trật tự. Những yêu cầu khẩn khoản của tôi về chỉ đạo chính trị và sự giúp đỡ để đối phó với tình hình bấp bênh của Hà Nội đã làm cho Đại sứ quán chúng ta nổi cáu và bức công hàm của ông Hồ gửi Tổng thống Truman lại như đổ dầu thêm. Đại sứ Hurley đã phật ý vì ông vẫn cho rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh của ông Hồ chỉ là một sụ mở rộng của “mối đe doạ đỏ ở phương Đông” của Mao Trạch Đông. Sự bực tức của Đại sứ lại được bồi thêm bằng những lời kết tội của Pháp quy cho đại diện Mỹ ở Hà Nội là “chống Pháp” và có cảm tình với “Cộng sản”. Hurley đã điên lên về việc Heppner ngoan cố không chịu gọi tôi về Trung Quốc và cho tôi xuống tàu về Mỹ. Ở cấp Chiến trường, cơ quan của Wedemeyer đã chất vấn OSS về các “hoạt động chính trị của tôi tại Hà Nội”. Sau này (vào tháng 10), Q. Roosevelt cho tôi hay là Tai Li đã phàn nàn với đại tá Dickey, thủ trưởng G-2(1) Chiến trường Trung Quốc, là tôi đã thân thiện quá với Việt Minh và không hợp tác với nhà đương cục Trung Quốc. Ngày thứ bảy 1-9, tôi nhận được một bức điện khá nghiêm khắc của Helliwell nhắc nhở tôi rằng hành dinh của Wedemeyer “rất không bằng lòng về hoạt động của OSS ở Đông Dương”. Trong bức điện có ghi: “ở đây nhận được báo cáo là Patti đã tổ chức các cuộc gặp gỡ và đứng làm môi giới cho người Pháp và An Nam”, như thế là trái với các chỉ thị của Chiến trường và “Chiến trường muốn bằng bất cứ giá nào, tránh các hoạt động chính trị nếu các hoạt động đó đặt Mỹ vào một thế đứng giữa”. Bức điện kết luận bằng một lời cảnh cáo: “Chúng ta có nguy cơ nghiêm trọng là cả phân đội có thể bị gọi về”. Tôi rất buồn phiền về thái độ của những người chúng ta ở Trung Quốc nhưng cũng không có gì phải ngạc nhiên. Tôi biết họ đang phải chịu áp lực của người Pháp và người Trung Quốc, nhưng tôi cũng ý thức được trách nhiệm trong nhiệm vụ của mình. Wedemeyer, Heppner và Helliwell đều biết rõ một cách đầy đủ các mệnh lệnh Donovan chỉ thị cho tôi không được giúp đỡ người Pháp trong mưu đồ của họ trở lại Đông Dương. Họ cũng đã được thông báo đầy đủ về việc lựa chọn tôi để đảm nhiệm công việc này là trên cơ sở tôi thông suốt các chính sách Mỹ đối với “các dân tộc lệ thuộc”, như đã nhiều lần nói đến trước đây. Tôi cảm thấy sâu sắc rằng chính sách Mỹ đã thay đổi, tôi sẽ được khuyên nhủ về vấn đề đó và bị gọi về. Mặc dù các lý do đưa ra đã được cường điệu lên (một cách khá khéo léo), tôi vẫn muốn trình bày cho OSS - Trung Quốc biết rõ sự việc. Tôi điện báo cho Heppner biết từ khi tôi đến, tôi chỉ thu xếp có được một cuộc gặp gỡ giữa Sainteny và Giáp, và đó là một cuộc gặp gỡ do Sainteny yêu cầu. Không hề có vấn đề làm môi giới chính trị, tuy rằng gần như ngày nào chúng tôi cũng phải can thiệp với các nhà chức trách địa phương về việc đảm bảo an ninh cho người Âu, nhất là đối với người Pháp. Trong nhiều trường hợp chúng tôi đã phải thay mặt người Pháp xin giùm cho một số tay sai đi khiêu khích bị bắt quả tang. Tôi cũng nhắc lại cho Côn Minh những điều mà tôi đã nêu ra trước đây… Tôi đã yêu cầu Chiến trường và AGAS, ngay từ khi tôi mới tới, cho một nhân viên chuyên môn để phụ trách vấn đề tù binh chiến tranh và để tôi chuyển về công tác của OSS. Một tổ công tác nhỏ dưới quyền đại tá Norlinger(2) đã được đưa tới ngày 28-8. Nhưng thực không may, Norlinger cũng chẳng có gì thành công hơn tôi trong công tác đối với người Nhật về vấn đề tù binh. Chỉ ít lâu sau, Narlinger và toán của ông cũng bị lôi cuốn vào các vấn đề chính trị Pháp - Việt. Norlinger thông thạo tiếng Pháp và là người thân Pháp trong Thế chiến thứ nhất nên đã dễ dàng trở thành một mục tiêu cho Pháp làm áp lực để giải thoát các tù binh người Pháp ra khỏi Thành. Người Pháp đã nắm lấy những “người Mỹ mới”, thuyết phục Norlinger rằng cộng đồng thường dân Pháp tại Hà Nội đang bị bọn Cộng sản Việt Nam “đe doạ giết” và chỉ có việc thả các tù binh Pháp ra để tổ chức một “lực lượng bảo vệ chống lại cuộc tấn công của người An Nam” thì mới có thể cứu được họ. Tất nhiên, luận điệu đó chỉ là một thứ cặn nước rửa bát dể cho lợn. Chính phủ Lâm thời đã đảm bảo với tôi rằng sẽ tránh dùng bạo lực đối với người Pháp bằng mọi cách, do đó không có lý do gì để mà hốt hoảng, mặc dù có những sự khiêu khích của người Pháp. Tôi thảo luận với Norlinger về cái thế cân bằng mong manh về chính trị, trên cơ sở đó người Nhật và Chính phủ Việt Nam mới đang duy trì một nền trật tự công cộng hết sức bấp bênh; và tôi đã mạnh mẽ nhắc nhở ông đừng để mắc mưu vào các vấn đề chính trị. Ông đồng ý tình hình có độ nhạy cao và rất dễ dàng bùng nổ, nhưng tôi lại thấy ở ông một cảm tình ngầm cho những “người Pháp - các đồng minh cũ của chúng ta đang bị đàn áp”. Những người Pháp có quan hệ với ông cũng cảm nhận được điều đó và họ đã khai thác đến cùng, để cho người Mỹ phải trả giá. Trước mắt, người Pháp và người Trung Quốc đang chống đối lại phái đoàn OSS thì nhóm của Norlinger đã trở thành một lực lượng thứ ba trong vấn đề gây rối. Họ đã không hài lòng về những điều hạn chế của tôi đối với các hoạt động thân Pháp chống Việt Minh của họ và trong những tháng sau khi tôi còn đang phụ trách phái đoàn OSS, thì những thủ đoạn chia rẽ của họ mặc dù có động cơ tốt, chính là nguồn gốc của nhiều sự trao đổi chẳng hay ho gì giữa Hà Nội và Côn Minh. MỘT NHÃN HIỆU ĐẶC BIỆT CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN Sáng thứ bảy đó, tôi và Grélecki đi một vòng thành phố. Hôm sau, 2 tháng 9 là ngày lễ lớn, Ngày Độc lập, khắp nơi tưng bừng không khí ngày hội. Ai cũng bận rộn, hớn hở, và vội vàng nhưng không ai tỏ ra hấp tấp. Trước cửa nhà, trên ban công, ngoài cổng ra vào đầy các loại cờ đỏ hoa, đèn. Nhiều toán người hăm hở giăng lên ngang trên đường phố, những khẩu hiệu hô hào “Độc lập và Tự do cho Việt Nam”, và hoan nghênh Đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Thỉnh thoảng chúng tôi lại phải dừng xe nhường đường cho một toán Scout(3), một đội nữ du kích hoặc một đơn vị vũ trang vượt qua. Giữa một vườn hoa nhỏ, một đội quân nhạc đang biểu diễn. Người Việt Nam hướng dẫn chúng tôi giải thích một cách trịnh trọng: “Ngày mai Chính phủ mới sẽ ra mắt dân chúng và chế độ của người Pháp đã bị bãi bỏ”. Tôi hỏi ai sẽ cầm đầu Chính phủ mới, và anh ta trả lời ngay “Hồ Chí Minh”. Anh ta chưa hề trông thấy ông Hồ, mà cả ảnh cũng không. Anh cũng chẳng rõ ông ở đâu về, ngoài việc chỉ được nghe nói Hồ Chí Minh đã “ở ngoại quốc lâu năm” nhưng cũng không rõ ở đâu, Tôi hỏi anh ta có biết gì về xu hướng chính trị của ông Hồ. “Ồ, có chứ, ông Hồ là Việt Minh, một đảng của nhân dân”. Có biết Việt Minh là Cộng sản không? Người hướng dẫn tỏ vẻ lúng túng rồi thú thật rằng anh ta thực sự không hiểu tôi muốn nói gì về Cộng sản. Tôi không tiếp tục câu chuyện nhưng cũng nhận thấy ngay được rằng khi nói đến Hồ Chí Minh, giọng anh ta đượm vẻ tự hào cứ như ông Hồ là một người thân thuộc trong gia đình mình vậy. Tôi đã gặp hiện tượng này nhiều lần trong các tuần lễ sống ở Hà Nội. Trong buổi sáng, tôi cũng có dịp nói chuyện với một số thương gia. Nói chung, họ tỏ ra vui mừng trước triển vọng một Chính phủ gồm toàn người Việt, nhưng một số cũng tỏ ra vô thưởng vô phạt, còn một số ít thì hoài nghi không biết rồi sẽ có gì khác trước nhiều không. Tôi cũng thường gợi hỏi xem họ hiểu về Việt Minh và Cộng sản thế nào. Nhưng chỉ có ba hoặc bốn người có thể trả lời, các câu trả lời của họ rất lộn xộn, từ “không tốt” đến “tuyệt vời”, “bây giờ thì nhân dân sẽ chăm lo mọi việc”. Trong chiến tranh tôi đã sống với những người kháng chiến Pháp và Ý (trong đó có nhiều người Cộng sản). Giống như người Pháp, người Ý có ít nhiều không giống với các dân tộc khác về động cơ chính trị. Cả hai dân tộc đã đấu tranh để lật đổ một khái niệm tư tưởng mà Hitler và Mussolini đã đặt lên đầu họ, ngoài ra không có gì khác hơn. Khi đã đạt được mục đích đó, cả hai nước lại chuẩn bị để quay trở lại nguyên tình trạng cũ, chỉ không có khái niệm về chủ nghĩa quốc xã hoặc phát xít mà thôi. Tôi thấy phải chờ đợi một tình huống hoàn toàn khác ở Việt Nam. Người Việt Nam sẽ không thoả mãn chỉ với sự đánh bại chế độ phát xít của Vichy và Tokyo. Họ không muốn quay trở lại tình trạng trước chiến tranh của họ. Họ muốn có thay đổi. Họ muốn đòi lại đất nước họ và làm cho nó tự do và độc lập đối với sự đô hộ của bên ngoài. Đó cũng chính là điều tôi đã thấu hiểu được từ các nhà hoạt động chính trị trong 6 tháng trước đây ở Trung Quốc. Nhưng sáng nay tôi đã không bắt gặp cái động cơ chính trị đó trong những người dân mà tôi có dịp nói chuyện. Họ đã cũng không phải là người Việt Nam mà mới chỉ hai tuần lễ trước đây đã khuấy động Hà Nội lên để chiếm lấy chính quyền. Không, đây chỉ là những người dân ngụ ở thành thị, số dân đô thị đã được liên kết vào cộng đồng người Pháp, đã quen với sự giàu có và lối sống đầy đủ tiện nghi. Từ những câu trả lời rối rắm của họ, tôi kết luận họ không phản đối thay đổi. Đúng là họ đã không được thực là sung sướng với người Pháp hoặc các chúa tể Nhật, vì dù sao thì đó cũng vẫn là người ngoại quốc và không thể tin cậy được. Họ cảm thấy dễ chịu hơn với những người đồng chủng của họ, dù cho nhưng người đó là quan lại hay “chức dịch”, miễn họ là người Việt Nam. Nhưng rõ ràng là số dân chúng thực sự muốn có thay đổi không phải là trong giai cấp tư sản ở Hà Nội. Tôi nhớ lại điều ông Hồ đã nói với tôi hồi tháng 4 tại một gian buồng nhỏ ở biên giới Trung Quốc: Việt Nam là một nước nông nghiệp, 90% dân chúng sống nhờ vào ruộng đất, họ đã bị một chế độ phong kiến và quan lại đàn áp bóc lột dã man như đối với những người nô lệ; do đó, giống như các nước phương Đông, sự thay đổi kinh tế - xã hội ở Việt Nam phải do nông dân khởi xướng và được sự ủng hộ của công nhân. Nhưng muốn thắng lợi, phải có sự ủng hộ hoàn toàn của nông dân. Trên đường về biệt thự Gauthier, ngẫm nghĩ về điều ông Hồ nói, cuối cùng tôi đã hiểu sâu sắc rằng: quần chúng tiến hành cuộc cách mạng là từ ở miền thôn quê, các làng xóm và rừng núi - họ là nông dân. Một vị khách đã đợi tôi tại biệt thự. Đó là ông Bửu(4), một người Việt Nam dáng ưu tú, có thể khoảng gần 30. Tôi nhớ hình như đã trông thấy ông ở đâu nhưng không chắc chắn. Tôi và Bernique bắt tay và ông tự giới thiệu là do “Bộ Nội vụ cử tới”, nhưng phát âm tiếng Anh hoàn hảo và giọng Oxford không che lẫn được của ông làm tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Ông đưa cho tôi một thư viết tay trên hai mặt tấm danh thiếp của Giáp: Bộ trưởng Bộ nội vụ gửi lời chào v.v… Ông Bửu là đại diện cho cá nhân Bộ trưởng(5) và mong rằng phái đoàn sẽ làm dễ dàng cho công việc của ông. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:01:45 AM » Bửu nói mục đích cuộc đến thăm là để báo cho tôi biết một “tình hình nguy hiểm” đang làm cho Hồ Chủ tịch rất không yên tâm. Đó là việc phải đối phó với các hoạt động bí mật của Pháp được điều khiển từ Calcutta. Tôi đã tóm tắt câu chuyện của ông trong bản báo cáo gửi Côn Minh. “Đã nhận được nhiều báo cáo của Việt Minh tại chỗ nói rằng nhiều nhân viên của Pháp đã được thả dù xuống nhiều nơi và đã bị Việt Minh bắt giữ coi như tù binh chiến tranh. Người mới nhất, đại uý Dupré Louis, có mang theo mệnh lệnh do De Raymond ký thay cho tướng De Gaulle, nói rằng người cầm mệnh lệnh được Chính phủ Cộng hoà Lâm thời Pháp uỷ nhiệm hoạt động ở Đông Dương, chỉ thị cho các nhà chức trách dân sự và quân sự hết sức giúp đỡ… và yêu cầu tất cả người thuộc Nhóm Kháng chiến nội địa của Pháp mà chưa bắt được liên lạc với một phái đoàn nào khác, thì phải tự đặt mình dưới quyền điều khiển của ông ta và phải tuyệt đối tuân theo chỉ thị của ông… Nhiệm vụ là chiếm lấy tất cả các dinh thự và công sở dân sự cũng như quân sự, cả của tư nhân nếu cần. Ông sẽ thay mặt Chính phủ Cộng hoà Lâm thời Pháp để giải quyết mọi vấn đề dân sự, hành chính và quân sự trong vòng được uỷ nhiệm. Tất nhiên, ông ta sẽ từ bỏ chức trách của mình ngay sau khi có các đại diện chính thức có thẩm quyền của Pháp tới”. Bửu hỏi xem tôi có được báo cho biết về các hoạt động này của Pháp không và cần giải thích cho ông rõ về ý đồ của người Pháp. Tất nhiên là tôi có biết ý đồ của người Pháp mặc dù không được báo riêng cho biết về kế hoạch cụ thể của họ và tôi đã bảo thẳng Bửu là đã có nhiều quan chức cai trị dân sự được phái tới Việt Nam trong thời gian phái đoàn chúng tôi tới Hà Nội. Tôi giải thích thêm, dựa vào kinh nghiệm trước đây ở châu Âu, người Pháp đã cho xúc tiến một thời kỳ quân dân quản trong các vùng mới được giải phóng và các toán được thả dù xuống Việt Nam hình như đúng là những nhân viên cai trị để nhằm thực hiện công việc đó. Tôi nói thêm là đã hỏi Giáp chung quanh vấn đề Messmer nhưng Bửu trả lời không biết gì. (Giáp cũng đã không trả lời gì khác). Qua việc cử Bửu tới, Giáp cũng ngầm cho biết Việt Minh đã ở khắp mọi nơi, nắm được chính xác tất cả những gì xảy ra ở Việt Nam, và Chính phủ Lâm thời sẽ không ngồi yên một cách vô tích sự trong khi người Pháp âm mưu quay trở lại bằng vũ lực. Tôi cảm ơn Bửu đã thông báo tin tức nhưng cũng không để lộ ra tôi sẽ có làm gì hay không. Bửu cũng chẳng hỏi tôi xem có hành động gì không, nhưng cho rằng (rất đúng) tôi sẽ báo cho Trùng Khánh. Thực là không may, câu chuyện của Bửu đã chẳng mang lại được điều gì để làm yên lòng cho Sainteny. Tôi cũng chẳng rõ được các toán người Pháp ở đâu và hoàn cảnh của họ bị bắt giữ như thế nào. Ông Hồ mời Gréleki và tôi đến dự bữa cơm chiều trước ngày Độc lập. Đúng 4 giờ 30, lần đầu tiên chúng tôi vào cổng cuốn Bắc Bộ phủ, trước đây là dinh của Thống sứ Pháp. Người gác chào một cách lịch sự và một sĩ quan trẻ tuổi dẫn chúng tôi đến một phòng trên tầng hai. Một phòng rộng, thanh nhã nhưng bày biện đơn sơ, chỉ có một đi văng, một số ghế thông thường và một bàn trà. Rõ ràng trái ngược với nhũng phòng choáng lộn của Sainteny ở dinh Toàn quyền. Chủ tịch Hồ, có Giám và Giáp bên cạnh, ra đón chúng tôi một cách sốt sắng như là đã lâu lắm không gặp nhau. Vì rằng chúng tôi chính đã họp với nhau chỉ 2 ngày trước đây trong một ngôi nhà cũ ở phố Hàng Ngang, nhưng đây mới thật là lần đầu tiên gặp nhau trong khung cảnh chính thức. Ông Hồ giới thiệu với tôi những người có mặt khác(6) rồi cũng đi sang phòng bên cạnh, ở đó đã có bày sẵn bàn ăn. Tôi ngồi bên phải ông Hồ, còn Grélecki ở bên trái. Giám ở bên phải tôi và Giáp bên trái Grélecki, đối diện vối tôi. Các món ăn, như thường lệ, cũng giản đơn, ngon và theo kiểu Việt Nam. Người ta thấy ngay, đây cũng là một dịp mang nhiều ngụ ý chính trị. Ông Hồ mở đầu câu chuyện và nói rằng cuộc đi thăm phố phường của tôi buổi sáng đã gây ra một sự “xôn xao nho nhỏ”. Dân chúng đã vui sướng khi thấy tôi quan tâm đến công việc chuẩn bị của họ cho buổi lễ ngày mai và ông cũng muốn được nghe tôi nói về đdiều đó. Tôi có thoả mãn về những điều đã được nghe và thấy không? Ông tỏ ra tò mò và quan tâm một cách nghiêm chỉnh. Không phải ông không biết những điều đã được phát biểu ra đâu, vì trong số những người tò mò ở dọc đường nhất định có nhân viên cảnh sát và chắc rằng họ đã báo cáo lại mọi câu chuyện đã nói. Nhưng chính là ông muốn thấy phản ứng cá nhân của tôi vì ông biết rằnng những phản ứng đó sẽ được phản ảnh trong báo cáo của tôi gửi về Trung Quốc. Để tránh khỏi dính líu vào các vấn đề chính trị và tư tưởng, tôi phát biểu đã có ấn tượng mạnh mẽ đối với công tác chuẩn bị cho ngày lễ và sự cởi mở của dân chúng mà tôi đã bắt chuyện. Tôi ca tụng tài tổ chúc của nhũng người điều khiển các hoạt động ngày hôm sau và sự hân hoan của quần chúng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của họ. Các vị khách tỏ ra hài lòng và Giám đã phấn khởi nói xen vào là mặc dù quỹ để tổ chức buổi lễ do Thành phố đài thọ, nhưng hiện nay thì chính bản thân nhân dân đã bỏ tiền ra thanh toán các chi phí để sửa sang, làm sạch và trang trí cho thành phố. Ông nói thêm là không phải sử dụng đến các quỹ của Chính phủ và thực ra thì Chính phủ cũng chẳng có. Ngân hàng Đông Dương và các ngân hàng phụ thuộc vẫn còn nằm trong tay người Nhật và Chính phủ Lâm thời cũng chẳng có cách nào để có được tiền. Tôi hỏi xem có chuẩn bị diễu binh không. Với một giọng chán ngán, Giáp trả lời cũng muốn có một số đơn vị đi diễu hành, nhưng bộ đội “vừa mới ở rừng về” không có đủ thời gian luyện tập, nên đành phải bằng lòng với những đơn vị “sắp hàng đứng tại chỗ” vậy. Ông Hồ ngắt lời và nói điều đó không hề gì, bộ đội sẽ đến đó để cho dân chúng xem, và “quân đội nhân dân” cũng có thể xem Chính phủ của họ mới được thành lập. Chúng tôi trở lại gian phòng lớn để dùng trà. Trừ ông Hồ, Giáp, và Giám, còn những người Việt khác đều rút lui, có thể phải đi chuẩn bị cho ngày mai. Năm người chúng tôi quay quần lại chung quanh bàn trà trong khi ông Hồ rót cà phê nóng của Pháp vào trong những tách nhỏ Trung Quốc xinh xắn. Với một giọng thân mật, ông phát biểu mời chúng tôi dự bữa cơm trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam, để tỏ lòng biết ơn của cá nhân ông và các đồng sự của ông trong Chính phủ đối với Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào của ông đã nhận được trong những năm gần đây. Ông đặc biệt cảm ơn OSS(7), về sự cộng tác từ năm 1943 và mong rằng tinh thần “hợp tác hữu ái” đó sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới. Nhớ lại sự cộng tác trước đây của ông với người Mỹ ở Trung Quốc và sau này tại vùng núi rừng Bắc Ký, ông đã nhắc tới tướng Chennault, đại tá Helliwell, tới Glass với những lời lẽ đầy nhiệt tình, và tới cả các “bạn chiến đấu” của ông, các thiếu tá Thomas và Holland cùng với những người khác trong các toán của họ. Trong một lúc dừng chuyện trò, Giám nhận xét rằng qua Hội nghị San Francisco( 8 ) của Liên Hợp Quốc, người ta có thể rút ra kết luận là Mỹ đã không hiểu thấu một cách đầy đủ về cảnh ngộ của người Việt Nam. Ông tự hỏi không hiểu tại sao vấn đề “thực sự” của Đông Dương lại không được nêu lên, ngoại trừ trong những lời lẽ nói về vai trò của Pháp như là một cường quốc thực dân. Chẳng phải rõ ràng là người Việt Nam cũng rất thiết tha với cái mà người Mỹ đã đấu tranh cho công cuộc cách mạng của họ, “giải phóng khỏi ách áp bức của ngoại quốc và giành độc lập dân tộc đó sao?”, người Mỹ “từ năm 1776 đã mở đường cho thế giói bước vào một kỷ nguyên độc lập dân tộc”, hơn ai hết, cần phải đánh giá được cái điều mà người Việt Nam đang ra sức làm cho bản thân mình. Và, chắc là để nhắc nhở tôi, ông nói thêm rằng, “ngay cả nước Ý” năm 1848 cũng đã học tập một trang lịch sử của Mỹ. Trong khi ông Hồ gật đầu tỏ vẻ bằng lòng, còn Giáp vẫn ngồi phớt lạnh thì Giám làm một tràng phê phán các tội lỗi xấu xa của người Pháp. Người Pháp đã cho họ là những “người cách mạng” và “dân An Nam vô ơn bạc nghĩa”. Đúng, họ là những “người cách mạng”! Họ đã nổi dậy chống thực dân Pháp, các chúa tể ngoại quốc bóc lột họ. Còn “vô ơn”, thì họ đã chịu những ân huệ gì? Phải chăng là quyền ưu đãi được làm lao động khổ sai, làm những con đường đẹp đẽ dẫn đến các dinh thự nguy nga, những đồn điền trù phú của người Pháp… Giáp không thể kìm chế được nữa và nói xen vào là Pháp đã xây dựng nhiều nhà tù hơn trường học, nhiều trại lính hơn nhà ở cho dân… Tất nhiên Pháp cũng lập ra một số trường tốt cho một số ít người Việt Nam được ưu đãi, nhưng chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích thực dân của họ. Nếu có người muốn ra nước ngoài du học, họ cũng không được tự do, ngay cả sang Pháp. Điều nhận xét trên gợi cho tôi cảm thấy hình như ông quá gay gắt và tôi có phần dè dặt trong việc nhận định chính ông cũng đã được sự giáo dục của Pháp, giống như Giám, Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và nhiều người khác nữa; họ đều là sản phẩm của hệ thống giáo dục Pháp. Làm sao có thể dung hoà được điều đó với những lời kết tội của ông đối với Pháp trong lĩnh vực giáo dục? Giáp thừa nhận có ngoại lệ và nói rằng một vài người trong số cộng sự của ông xuất thân từ những tầng lớp giàu sang, nhưng phần lớn thì không phải thế. Số đông này thường phải chịu đựng những điều sỉ nhục tàn tệ và sự phân biệt đối xử trong học tập… « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:34:19 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 10:02:00 AM » Ông Hồ nói chắc chắn là tôi đã rất thông thạo về chế độ thuộc địa của Pháp nên cũng không cần bàn luận về dĩ vãng làm gì, và tốt hơn hết là nên nhìn vào tương lai. Ông nói ý nghĩ của mình về những tháng sắp tới sẽ có tính chất quyết định cho Việt Nam, vì vậy người Việt Nam có nhiệm vụ phải biểu thị cho các nước Đồng minh biết lòng tin tưởng sắt đá và quyết tâm không gì lay chuyển nổi để tự giải thoát mình khỏi “mọi sự cai trị của bên ngoài dù cho đó là người Pháp, Nhật, Trung Quốc hay bất kỳ ai”, và nhân dân Việt Nam đã đạt tới một “trình độ trung thành về chính trị” cho phép họ có quyền được quản lý lấy mình. Ông Hồ luôn luôn nhắc tới “14 điểm” của Wilson và Hiến chương Đại Tây Dương, và ông trích dẫn lời hứa hẹn riêng cho Việt Nam của Mỹ. Tiếp đó, ông nêu lên những lời đặt điều xung quanh vấn đề xu hướng chính trị của ông, và tôi chăm chú nghe. Ông nói có được biết nhiều về những lời buộc tội của Pháp, Anh, Trung Quốc cho ông là một “tay sai Xô viết” và Việt Minh là sự bành trướng của “bộ máy Moskva ở Đông Nam Á”. Nhưng Mỹ, dưới “sự lãnh đạo sáng suốt của Tổng thống Roosevelt vĩ đại”, đã công nhận quyền của tất cả các đảng phái được cùng tồn tại sẽ không bận tâm gì về cái nhãn hiệu Cộng sản được người ra gắn cho phong trào của ông. Ông Hồ giữ vững quan điểm là trong lúc đặc biệt này, Việt Minh là một “phong trào dân tộc, bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam”. Tất nhiên, ông công nhận, Đảng Cộng sản Đông Dương là một nhân tố lãnh đạo trong phong trào giành độc lập dân tộc, nhưng các đảng viên của họ “trước hết phải là người dân tộc chủ nghĩa, sau đó mới là đảng viên của đảng”. Giáp, thường khó mà im lặng được lâu, đã phát biểu một điều khá bất ngờ “Việt Minh đã làm theo kỹ thuật và chiến thuật tổ chúc của Cộng sản để lập ra các đảng chính trị khác nhau nhằm đấu tranh cho một nền độc lập trong một trật tự xã hội giống như chủ nghĩa Cộng sản, nhưng không phải vì thế mà nó có ý định thay thế một cường quốc bên ngoài khác vào chỗ của người Pháp của Việt Nam”. Tôi đã có ý muốn hỏi ngay xem ông có ý gồm Liên Xô vào lúc đó không, nhưng cảm thấy khiếm nhã và vô vị, nên thôi. Giáp không phải chỉ là một người Cộng sản mà còn là một người Việt Nam trung thực và thẳng thắn. Ông Hồ tiếp tục nói, riêng ông muốn Mỹ biết các yêu cầu của ông cho nhân dân Việt Nam rất “nhỏ nhặt và giản đơn”. Họ muốn có một nền “độc lập hạn chế”, không có sự cai trị của Pháp, có quyền sống tự do trong gia đình các nước. Ở đây có một sự thay đổi trong đường lối cứng rắn của đảng. Việc ông Hồ nói tới một nền độc lập “hạn chế” chứ không phải hoàn toàn, gợi cho thấy trong suy nghĩ của ông có điều nghi ngờ không biết có thể đạt được mục tiêu cuối cùng ngay trong vòng đầu này không. Có thể ông cũng đang muốn thoả hiệp với người Pháp, hay cũng có khả năng với người Trung Quốc. Tôi phân vân và chỉ biết nghe. Ông Hồ nói tiếp, dân chúng Việt Nam khao khát được đi tham quan các nước ngoài, “đặc biệt là sang Mỹ, như tôi đã làm từ lâu”. Họ mong đợi đến ngày mà nước Pháp không còn chỉ là nơi duy nhất để học tập, ngày mà học vấn không chỉ hạn chế trong một số người được ưu đãi, ngày mà các sinh viên cũng có thể tới học tập tại nước Mỹ. Ông Hồ muốn được các chuyên gia kỹ thuật Mỹ giúp thiết lập một số công nghiệp mà Việt Nam có khả năng đảm đương được. Thấy Giám muốn nói, ông Hồ dừng lại. Theo quan điểm của Giám thì Việt Nam cần và muốn trước hết là quyền tự do buôn bán, các cảng tự do, và vốn của nước ngoài - ngay cả vốn của Pháp, mặc dù ông không tin rằng Pháp có khả năng cung cấp được. Theo ý kiến ông, điều mong muốn trước hết là vốn của Mỹ và việc buôn bán với Mỹ, và khi Việt Nam đã có diều kiện, sẽ mở mang các sân bay và bến tàu để có thể tiếp nhận hàng hoá của Mỹ một cách điều hoà(9). Giám tiếp tục nói dài về vấn đề này, về tương lai của Việt Nam. Ông Hồ nêu ngay lên một vấn đề hết sức cấp bách, tình hình nguy ngập về lương thực. Ông nói về nạn đói khủng khiếp năm 1944. Tình hình lương thực năm nay cũng không khá hơn vì mưa lớn và lụt lội. Thực tế thì số thóc dự trữ để làm giống cho vụ sau cũng đã mang ra ăn hết. Tình hình lương thực “vào đúng lúc này đã cực kỳ nguy hiểm”. Nếu như quân chiếm đóng Trung Quốc định tiếp tế bằng thị trường địa phương tại chỗ, thì “mọi người sẽ chết đói”. Những báo cáo mới nhất từ phía bắc gửi về cho ông Hồ đã chỉ ra rằng quân đội Vân Nam “vô kỷ luật và không ai kiểm soát được”. Và ông Hồ e rằng họ tiến về Hà Nội và Huế thì tình hình lương thực ở đó đã khó khăn sẽ trở thành không sao chịu nổi. Do đó ông nói tôi cần phải kêu gọi sự chú ý của Chính phủ Mỹ cho tiến hành kiểm tra đối với quân chiếm đóng Trung Quốc và yêu cầu người Trung Quốc mua bán chứ đừng trưng thu các vật phẩm và lương thực trong thời gian họ chiếm đóng “để tránh gây ra” tình hình người Việt Nam bắt buộc phải tiến hành chiến tranh đối với người Trung Quốc để bảo vệ cuộc sống và gia đình họ. Tôi đồng ý chuyển lời yêu cầu của ông. Đến 7 giờ 30, chúng tôi cho là đã đến lúc phải cáo lui vì ngày hôm sau là một ngày nặng nhọc. Ở cầu thang, Giáp nói riêng với tôi về những mưu toan xâm nhập của Pháp bằng cách thả dù một số “viên chức cao cấp”. Tôi hỏi có phải những người mà Bửu đã nói với tôi hôm trước không. “Phải”, ông trả lời và nói thêm là cũng có những người khác nữa. Ông nhắc tới “thiếu tá Messmer từ Calcutta tới” cùng với 2 nhân viên khác thuộc toán của ông. Đến thứ hai, Bửu sẽ mang tới cho tôi một bản báo cáo đầy đủ. Giáp lắc đầu và bình: “Không biết đến bao giờ họ mới hiểu được rằng họ không được hoan nghênh ở Việt Nam, trong tình huống hiện nay?”. Chú thích (1) Ban tình báo (2) S.L. Norlinger, đại tá, thuộc G-5, Bộ tham mưu chiến trường, cầm đầu đơn vị cứu tế xã hội đối với tù bình Đồng minh ở Hà Nội. (3) Hướng đạo sinh (4) tức Tạ Quang Bửu, một nhà chính trị độc lập (5) tức Võ Nguyên Giáp (6) Tôi không nhớ được tên 3 trong 4 người đã đến. (7) tức muốn nói về những cố gắng của OSS Trùng Khánh trong những năm 1943-1944 để xin thả ông ra khỏi nhà tù của Trương Phát Khuê ( 8 ) tức Hội nghị Liên Hợp Quốc từ 25-4 đến 26-6-1945. (9) Câu chuyện được các nhà viết sử (Devillers, B. Fall…) nhắc lại nhiều lần là cả ông Hồ và tôi đã thảo luận về các nhân nhượng kinh tế sau chiến tranh hoặc sự điều đình để đồi lấy việc Mỹ bào đảm nền độc lập của Việt Nam và những câu chuyện đồn đại ra ngoài phạm vi của vấn đề, đều là bịa đặt do các nhà văn Pháp đặt ra, giống như bài của Dessinger đăng trong Le Monde ngày 14-4-1947. « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:33:16 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #65 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:34:17 PM » Chương 26 Ngày lễ Độc lập TÔI NÓI ĐỒNG BÀO NGHE RÕ KHÔNG? Ngày chủ nhật đầu tiên trong tháng 9 là ngày lễ các Thánh tử vì đạo của riêng hơn một triệu dân Thiên chúa giáo ở Bắc Việt Nam(1). Có thể cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà ông Hồ đã chọn ngày đó làm Ngày lễ Độc lập. Tại các nhà thờ Thiên chúa giáo, cũng như các chùa Phật giáo, buổi lễ vẫn tiến hành long trọng, các bài thuyết pháp có thêm những ý chính trị ủng hộ chính phủ mới thành lập và nền độc lập của Việt Nam. Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bầy ong, từng đoàn lúc lớn lúc nhỏ, lũ lượt dần dần kéo đến cạnh quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó, có cả toán dân miền núi với y phục địa phương của họ và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền. Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng hoặc xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng hay màu sáng, tay khoác nón. Cho đến tận trưa, cả toán OSS chúng tôi lăn lộn ở ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích… Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, Anh, một số bằng tiếng Việt Nam: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Hoan nghênh Đồng minh”, “Hoan nghênh phái đoàn Mỹ”, “Thà chết, không nô lệ”… Khoảng trưa, Knapp, Bernique, Grelecki và tôi đi về phía quảng trường Ba Đình. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực lễ đài dành cho quan khách, để đi xem buổi lễ chỉ như một người quan sát trong quần chúng. Chúng tôi chọn được một điểm thuận lợi ngay trước lễ đài giữa đám viên chức địa phương. Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh den, có cả các chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ. … Cách họ không xa, là các nhà sư Phật giáo khoác áo cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao Đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ. Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho bộ đội của Giáp và Chu Văn Tấn, lực lượng được huấn luyện, trang bị, có kỷ luật nhất của họ. Mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao, họ trưng bày các vũ khí mới một cách hãnh diện, lúc trong tư thế “đứng nghiêm”, lúc “nghỉ” Ở đó còn có các đơn vị “tự vệ”, dân quân mặc áo lẫn lộn quần áo nhà binh Pháp hoặc Nhật hoặc quần áo ngắn xanh hay đen, mang theo một loạt các vũ khí cũng lộn xộn, từ súng kíp, gươm, dao rùa, mã tấu có cán gỗ dài và cả gậy tày… Có thứ hình như họ mới lấy từ các đình, chùa ở làng ra. Tất cả dựng lên một cảnh tượng sinh động và kinh hoàng(2). Mặt trời đã lên cao. Không khí oi bức. Nhưng đôi lúc cũng có cơn gió nhẹ thổi làm phất phới cả cái biển cờ trên quảng trường. Cao trên cột trước lễ đài, lá cờ đỏ với ngôi sao vàng lớn phấp phới bay. Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi có người đã bắt đầu xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô “bồng súng, chào”, quần chúng bỗng im lặng trong khi các vị chức quyền tìm chỗ đứng vào đằng sau cái bao lơn được trang trí bằng màu trắng và đỏ. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu - đó là Hồ Chí Minh. Lê Xuân, nguyên là người liên lạc của chúng tôi, đã đến và sẵn sàng bình luận, nhận xét. Anh ta cũng đã đi một vòng và cho rằng quần chúng hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo “mới” của Chính phủ. Mọi người đều muốn biết “ông Hồ Chí Minh bí ẩn” này là ai? Ông ở đâu về? Nhưng không phải chỉ có người Việt Nam mới không quen thuộc với cái tên đó đâu. Ngay cả đến cơ quan Bộ Ngoại giao chúng ta ở Côn Minh và Trùng Khánh cũng không biết gì về vấn đề này, mặc dù là đã có nhiều báo cáo cụ thể của tôi. Một tháng sau, khi đọc một công văn của Sprouse, lãnh sự ở Côn Minh, tôi ngạc nhiên thấy còn nói đến “Ho Chi Minh”. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng đã biết tên thật của ông Hồ. Một tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu “ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được hướng dẫn của các đảng viên, lên tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ ngồi yên mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ!”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe, nắm lấy từng lời. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân phải cố gắng lắm để dịch nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng. Ông Hồ tiếp tục: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Sau đó, quay về bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1791, nói về quyền con người và quyền công dân, ông Hồ nói: “Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(3). Đến khoảng 2 giờ, ông Hồ kết thúc bản Tuyên ngôn. Tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị - quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá. Trong các vấn đề quan hệ đối ngoại, Giáp đã vạch ra rằng Mỹ và Trung Quốc là những đồng minh đặc biệt và liên tục ủng hộ đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Điều thú vị là không thấy nói gì đến Liên Xô. Tôi không bao giờ bỏ không ghi những lời Giáp nói, nhưng sáng ngày hôm sau, báo chí Hà Nội lạl đăng tin Giáp đã phát biểu “Mỹ đã góp phần lớn nhất cho sự nghiệp giải phóng của Việt Nam và đã cùng với nhân dân Việt Nam đấu tranh chống phát xít Nhật, vì thế Cộng hoà Mỹ vĩ đại là một đồng minh tốt của chúng ta”.


 Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Dân chủ Lâm thời Việt Nam. Mãi đến tận khuya hôm đó, báo chí địa phương mới cung cấp cho chúng tôi một bản nguyên văn lời tuyên bố của ông Hồ; chúng tôi dịch và chuyển ngay bằng điện đài cho Côn Minh. Tôi cũng gửi kèm theo bằng đường hàng không bài tường thuật và nhận định của tôi… Sau khi các phần thủ tục kết thúc, chúng tôi cũng phải mất đến 30 phút mới tìm đường ra khỏi được nơi tập trung

. Nhờ đi tắt qua khu vực Thành được dành riêng, tránh được những phố đầy người, nên chúng tôi trở về nhà Gauthier đúng vào giờ cơm chiều. Tôi đã mời tất cả các người Mỹ ở Hà Nội đến cơ quan của OSS để tham dự ngày lễ “14-7” lặng lẽ và không pháo hoa của người Việt Nam. Để đề phòng những chuyện xung đột có thể xảy ra giữa những người Việt Nam vui mừng hớn hở và người Pháp tuyệt vọng, và để giữ cho người Mỹ tránh khỏi các cuộc hỗn loạn, tôi đã yêu cầu đại tá Nordlinger và đại uý Mekay, thủ trưởng toán AGAS cùng với cả nhóm đến ăn cơm cùng với chúng tôi… Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #66 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:35:24 PM »

 MỘT NGÀY CHỦ NHẬT ĐEN TỐI Ở SÀI GÒN

Mọi việc trôi chảy cho đến 9 giờ tối thì tôi nhận được một bức thư của Imai báo ở Sài Gòn xảy ra rối loạn nghiêm trọng. Ngày Độc lập ở Hà Nội đã biểu thị cho lòng tự hào dân tộc, danh dự của địa phương, và một sự biết kiềm chế đáng khen, nhưng tại Sài Gòn thì bạo lực và chết chóc đã kéo dài thêm danh sách những người “Việt Nam hy sinh”. Theo báo cáo của Imai thì những người lãnh đạo Việt Minh ở Sài Gòn, hoặc các chỉ thị của Hà Nội hoặc muốn biểu thị một sự đoàn kết với Hà Nội, đã tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ nhân Ngày Độc lập.

Những người tổ chức đã mất nhiều công sức để duy trì trật tự và tránh các cuộc xô xát với người Pháp. Người ta đã nói với dân chúng rằng các người đại diện Anh và Mỹ sẽ đến Sài Gòn vào ngày hôm ấy(4) và đó cũng là một dịp rất tốt cho người Việt Nam để biểu thị một cách hoà bình, trong trật tự sự thống nhất dân tộc trước các nước Đồng minh. Nhưng các lãnh tụ Việt Minh đã kinh ngạc khi thấy trong đám quần chúng khoảng 20 vạn người đi diễu hành dọc phố Catinat, các đảng phái chính trị hợp thành liên minh miền Nam, đã trương lên những biểu ngữ, bích trương đầy tính chất tranh giành chia rẽ đảng phái.


Khi những người biểu tình tiến đến trước cửa Nhà thờ Lớn thì nghe có tiếng súng nổ từ phía nhà Câu lạc bộ Pháp ở phố Norodom. Cha Tricoire, một giáo sĩ Thiên chúa giáo trong nhà thờ của trại giam và rất được người Việt mến đã bị bắn gục trong khi đang đứng trên bậc cửa nhà thờ. Nghe nói ông bị thương nặng và nằm gục ở đó nhiều giờ. Tin đồn người Pháp tấn công lan ra hết sức nhanh chóng và tiếp đó là sự hoảng sợ. Không điều tra xem nguồn phát súng ở đâu, cảnh sát Việt Nam đã có bắt ngay hàng trăm người Âu và những người thân Pháp. Bọn lưu manh địa phương nắm ngay lấy cơ hội lộn xộn, xông vào một số nhà và cửa hàng người Pháp và Hoa, cướp đi mọi thứ mà chúng có thể mang được. Cuộc biểu tình có trật tự đã biến thành một sự điên loạn của quần chúng, nghi ngờ lẫn nhau, đưa đến cho đất nước mới sinh một tương lai chính trị không chắc chắn. Những tin tức mà Hà Nội nhận được qua đài phát thanh Delhi đã khơi cho tình hình bùng cháy to lên. 

Tin nói về việc tướng Mac Arthur (trong buổi tiếp nhận Nhật đầu hàng trên chiến hạm Missouri sáng hôm đó) đã khuyến khích đại diện Pháp, tướng Leclerc, sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Chính phủ Paris để gửi quân đội sang chiến trường Thái Bình Dương. Ở Hà Nội người ta được tin rằng, sau khi ký hiệp ước, Mac Arthur đã kéo Leclerc ra một chỗ và nói “Nếu tôi cần phải khuyên ông thì tôi sẽ nói với ông đưa quân tới, nhiều quân hơn nữa, theo khả năng cao nhất của ông”.

 Lời của Leclerc trên đài Delhi cộng thêm với sự rối loạn ở Sài Gòn đã nâng niềm hy vọng của người Pháp ở Hà Nội lên điểm cao mới. Quá tin vào một cuộc quay trở lại của quân đội Pháp đang giơ cao ngọn cờ tam tài có Đồng minh hỗ trợ, họ cho là tin tức đã báo hiệu một sự sụp đổ nhanh chóng của Việt Minh. Một giờ sau, Imai tới để báo cho tôi thêm những tin nhận được từ Bộ chì huy tối cao Nhật và cho biết câu chuyện của Leclerc đã khuấy động xôn xao và gây gổ nhỏ ở trong Thành. Nhưng Bộ tư lệnh Nhật vẫn nắm chắc được tình hình.


 Trong mấy tuần trước, tướng Mordant, “lãnh tụ” của những người “kháng chiến” theo De Gaulle(5) và cũng là một tù binh trong Thành, đã định làm một cuộc nổi dậy, hy vọng để mở màn cho việc quân đội dưới quyền của Leclerc quay trở lại. Chúng tôi đã có tin nhóm Mordant cất những kho lớn vũ khí và đạn dược tại các nhà và cửa hàng của người Pháp, chuẩn bị sẵn sàng cho lúc nổi dậy. Nhưng không phải chỉ có riêng tôi biết được kế hoạch của Mordant: Giáp cũng có những nguồn tin của ông. Như mọi lần, tin của ông bao giờ cũng chính xác hơn của tôi. 

Ông biết rõ người Pháp đã cất dấu vũ khí ở đâu và tên tuổi của các người lãnh đạo. Cũng còn nguy cơ thực sự là một số Việt Minh nóng đầu nào đó có thể tự động “thủ tiêu” số tù binh Pháp ở trong Thành cùng với những lãnh tụ Pháp ở bên ngoài mà người ta đã biết. Tôi trao đổi những mối lo lắng của tôi với Giáp và Imai, tất nhiên là với riêng từng người. Cả hai đều đảm bảo với tôi rằng đã có những biện pháp đề phòng cẩn thận, ít nhất cũng cho tới khi các lực lượng Đồng minh tới. Nhưng các sự kiện xảy ra ở Sài Gòn đã cho thấy tình hình dễ bùng cháy đến chừng nào. Rốt cuộc không có ai là thủ phạm của phát súng đầu tiên - 

Người Pháp bị kết tội không có chứng cớ, một số kẻ hiếu chiến trong phong trào liên minh Việt Nam cảm thấy bị lợi dụng, chính người Nhật hay những người thân Nhật, hay đơn giản chỉ là một người mất trí. Ai mà biết được? Tôi thực sự không muốn những chuyện tương tự xảy ra ở Hà Nội. Các rối loạn ở Sài Gòn, sự náo động trong người Pháp tại Hà Nội, và lời công bố khiêu khích của Leclerc, cộng với báo cáo của Bửu và mối lo lắng của Giáp xung quanh vụ xâm nhập bí mật của một số quan chức “cao cấp”


Pháp, đòi hỏi chính sách Mỹ đối với Pháp phải được làm sáng tỏ rõ ràng. Đêm đó tôi đã điện báo cho Helliwell biết sự quan tâm của tôi đối với tình hình náo động ở bên ngoài và tình hình an ninh của chúng tôi. Tôi nói nhiều về nguy cơ hai mặt ở trong Thành và yêu cầu cho phép được thực hiện các biện pháp đề phòng đặc biệt. Tôi khuyên phải ngăn ngừa việc thả sớm các tù binh Pháp đang chờ hồi hương vì sợ rằng, được thả ra, họ sẽ xúc tiến thực hiện các kế hoạch “kháng chiến” của Mordant và sẽ làm nổ ra cuộc xung đột trong thường dân. Đồng thời tôi muốn gia tăng bảo vệ cho các quân nhân cũng như các thường dân Pháp trong trường hợp người Việt trả thù lại đối với sự việc đã xảy ra ở Sài Gòn hay khi họ thấy bị đe doạ vì quân đội Pháp quay trở lại. Đó là những vấn đề sinh tử nhưng lại không thuộc phạm vi nhiệm vụ của tôi và phải được giải quyết ở cấp Chiến trường, vì vậy tôi đề nghị phải có một cuộc họp bàn ở Côn Minh vào ngày 5-9. Quá nửa đêm, sự vật mới trở lại yên ắng trong ngôi nhà Gauthier. Nhưng đèn vẫn còn cháy sáng cho tới rạng đông trong mái nhà cũ ở phố Hàng Ngang, trong căn buồng của Pháp tại dinh Toàn quyền, và trong nhà một số lãnh tụ chính trị Pháp và Việt Nam. Đó quả là một đêm không dễ dàng ở Hà Nội. Chú thích (1)

 Người Thiên chúa giáo ở Bắc Việt Nam có khoảng chừng hơn 1 triệu. Dấu hiệu tính chất quần chúng của ông Hồ thể hiện trong lời kêu gọi của ông đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có nhiều nhóm tôn giáo khác nhau. Người ta đồn rằng, năm 1945, ông Hồ vì kính trọng đối với Thiên chúa giáoViệt Nam nên đã cử một người Công giáo nổi tiếng là Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ đầu tiên của ông.

Thiên chúa giáo Việt Nam đã ủng hộ chủ nghĩa Quốc gia của ông Hồ cho đến tháng 12-1946, khi bắt đầu nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước đó, vào tháng 3-1946, Giám mục Lê Hữu Từ, vùng Phát Diệm, đã được cử làm Cố vấn Tối cao thay cho Bảo Đại đã bỏ trốn sang Hongkong. (2) Ước lượng khoảng 50 đến 60 vạn người, theo không ảnh của Mỹ chụp ngày hôm đó. (3) Đây là một bản dịch lời của ông Hồ do một phiên dịch Việt Nam thông thạo tiếng Anh, có được nghe tại chỗ. (4) Điều này có liên quan đến toán OSS - AGAS dưới quyền trung uý Mỹ, R. Counasse ngày 2-9 được đưa đến sân bay Sài Gòn để giải phóng các tù binh Đồng minh, trong đó có 214 người Mỹ. (5) Trong bản tướng thuật này, vẫn giữ lại danh từ “kháng chiến” mà người Pháp đã dùng. Nhưng cũng cần nói rõ là từ khi đã có ngừng chiến với Nhật thì hoạt động của Pháp chỉ là nhằm mục đích đánh đổ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #67 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:38:47 PM » Chương 27 Hậu quả của ngày chủ nhật đen tối  

NHỮNG SUY ĐOÁN

 Sáng sớm ngày thứ Hai, Hà Nội nhận được các báo cáo thiệt hại đầu tiên qua đài phát thanh Sài Gòn. Từ các nguồn không được xác nhận, tung ra tin một cuộc “thảm sát lớn” đã xảy ra trong “ngày chủ nhật đen tối” ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, có tới “một trăm người chết - hàng ngàn người bị thương”. Nhưng theo tài liệu chính thức ngày hôm sau thì: 3 người Pháp, cộng với Cha Tricoire, và 14 bốn người Việt chết, trong đó có một em gái nhỏ. Cuộc “thảm sát” là như thế đó. Các câu chuyện xuyên tạc mới và những tin đồn dại lan nhanh ở Hà Nội. Và trong người Pháp người ta nghe thấy những lời bàn tán độc ác về một cuộc trả thù đối với người “An Nam”. Cũng có những sự ức đoán vô căn cứ rằng cảnh sát Việt Minh phối hợp với Hiến binh Nhật đang chuẩn bị một cuộc vây ráp để bắt những người Pháp kháng chiến đã lộ mặt. Tôi hỏi lại tướng Tsuchihashi, ông cũng nhận được tin về những hoạt động của Pháp, nhưng theo chỗ ông biết thì không có một hành động bạo lực công khai nào xảy ra và ông cũng không nhận được yêu cầu giúp đỡ từ phía những người cảnh sát Việt Nam. 

Sài Gòn cũng báo cho ông biết số thiệt hại là 5 người chết, hàng tá người bị thương và một số vụ cướp bóc. Bản doanh thống chế Terauchi(1) cho biết cảnh sát Sài Gòn đã bắt giữ độ 200 người Pháp, đã lộ mặt là “những kẻ gây rối”. Sau khi trao đổi về phương hướng hoạt động, tôi nêu lại lời căn dặn nhắc nhở trước đây là vấn đề duy trì trật tự công cộng vẫn thuộc trách nhiệm của ông ta và nói thêm, mặc dù tôi không có quyền ra lệnh cho các chỉ huy Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16, họ vẫn có trách nhiệm trong khu vực đó giống như ở đây, cho tới khi lực lượng của Anh tới. 

Tới đây, Tsuchihashi gợi ý là tốt hơn hết, cả hai chúng tôi nên thảo luận tình hình với Hồ Chí Minh. Trong khi đó, trong chừng mực có thể ông sẽ chuyển ý kiến của tôi cho Bộ chỉ huy Tập đoàn quân Nam và đảm bảo với tôi rằng quân đội của ông ở phía Bắc sẽ làm mọi cách để bảo vệ tính mạng và tài sản của người Âu và Việt Nam. Từ Hành dinh của Tsuchihashi tôi đi thẳng tới Bắc Bộ phủ. Ông Hồ tiếp tôi ngay và chúng tôi nhận định về tình hình ở Sài Gòn và các ảnh hưởng có thể của nó tới toàn quốc. Ông Hồ cung cấp thêm một số chi tiết về Sài Gòn nhưng không có gì quan trọng, trong khi một số nhân viên tham mưu thân cận của ông tới. Trong số đó có Trần Huy Liệu, Bộ trưởng tuyên truyền và Giáp. 

Theo gợi ý của ông Hồ, Liệu nói lại cho tôi nghe ý kiến của ông về sự việc đã xảy ra. Theo Liệu, từ hội nghị ngày 13 - 16 tháng 8 ở Tân Trào, tất cả các đại biểu đã thông suốt và thống nhất ý kiến là cuộc cách mạng sẽ “dân chủ”, cố gắng hết sức tránh không dùng bạo lực và lập ra một mặt trận thống nhất và có kỷ luật của tất cả các đảng phái chính trị đấu tranh cho độc lập để ra mắt với Đồng minh. Tình hình đó đã thực hiện được ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhưng “một số đồng bào miền Nam” đã không thấy hết sự quan trọng của việc phải duy trì “trật tự xã hội và kinh tế”, đặc biệt trong giai đoạn chuyển tiếp này. Liệu có ý nói đến tính chất mờ ám của một số phần tử chính trị ở Nam Kỳ và Kampuchia, đặc biệt là các nhóm Quốc gia không Cộng sản. Ông đã đưa ra một thí dụ, đó là “bọn cướp” Bình Xuyên. 

Tôi không biết, nên hỏi cho rõ thêm. Nhóm này được mô tả do một tướng cướp nổi tiếng là Bảy Viễn chỉ huy, hoạt động từ làng Bình Xuyên trong vùng lầy phía nam Chợ Lớn, có khoảng từ 500 đến 1.000 tên cướp, thường đánh phá cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và các nhà giàu Pháp ở ngoại ô Sài Gòn. Có tin Bảy Viễn đã đi theo với bọn Phục Quốc sau cú 9-3, nhưng chỉ nhằm để xoay tiền và tranh thủ được công nhận công khai hoạt động. Tôi hỏi xem có phải cuộc rối loạn hôm trước là do Bảy Viễn gây ra không. Có người trả lời “hình như không phải”

. Bọn Bình Xuyên đến sau, thủ phạm chính là người Pháp. Sau đó, người ta giải thích thêm là các phần tử khác cũng có nhiều lý do cụ thể để gây rối trật tự và đặc biệt là để làm mất uy tín của Việt Minh mà chính sách ôn hoà đã làm cho họ không đồng tình. Nhóm Troskism đang kiểm soát ngành cảnh sát là một trong số những phần tử đó, ngoài ra còn có nhóm chính trị tôn giáo Cao Đài và Hoà Hảo, cũng ác cảm đối với Việt Minh. Thấy tôi lúng túng trong việc phân biệt Việt Minh và mục tiêu của những người Troskism. Liệu giảng giải là cả hai về căn bản đều thống nhất với khái niệm độc lập dân tộc, nhưng đối lập nhau hoàn toàn trong việc xác định các ưu tiên để hoàn thành giai đoạn “dân chủ - xã hội chủ nghĩa”. Nhóm Troskism chủ trương vũ trang quần chúng, xoá bỏ mọi tàn dư của nền thống trị ngoại quốc, chống lại các cố gắng của Đồng minh nhằm phục hồi chủ quyền của Pháp và cho thi hành ngay các cải cách xã hội. 


Còn Việt Minh thì ít cực đoan hơn, vẫn ít nhiều chấp nhận cơ cấu chính quyền cũ, và sẵn sàng thương lượng với Đồng minh. Việt Minh ủng hộ một sự chuyển tiếp từng bước - từ chế độ dân chủ cộng hoà sang xã hội chủ nghĩa tiến bộ rồi chủ nghĩa cộng sản, vì thế tránh được va chạm của một sự thay đổi đột ngột về kinh tế xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp gắn liền với nó. Nhũng sự khác biệt này phản ảnh chủ nghĩa thực dụng của Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng một tình huống khá tế nhị, trong đó người Việt Nam phải tự khẳng định mình và trong cuộc chiến tranh giành giữa các đảng phái để nắm được quyền lãnh đạo chính trị. Thực tế, sự lãnh đạo của ông Hồ trong tháng 9-1945, ngoài Bắc Kỳ ra, thì rất mong manh. Sự kiểm soát của ông đối với khu vực miền Nam có thể nói đúng ra là không vững vàng. Để làm giảm nhẹ nhược điểm thiếu kỷ luật của Đảng trong sự việc xảy ra ở Sài Gòn, 

Liệu phát biểu là Chính phủ Hồ ở Hà Nội chưa có dịp thuận lợi để khích lệ chính quyền của Giàu. Nhưng điều đó có nghĩa là những tên quấy rối chưa bị Giàu trừng trị và điều đó làm cho mọi người ở Hà Nội lo lắng. Ông Hồ gật đầu tán thành và nói với một cử chỉ nhẹ nhàng, ra hiệu cho mọi người rút lui, trừ Liệu và Giáp. Ông Hồ tỏ ra thấm mệt với sự căng thẳng trong những tuần lễ vừa qua. Ông trông già đi và mệt mỏi, với những vết nhăn sâu ở trán. Khi người khác nói, ông hơi nhắm mắt lại và nhẹ nhàng ngả đầu ra thành ghế, không hút thuốc. Khi những người khác đã ra khỏi phòng, ông ngả người trên ghế, hai tay đan vào nhau, và hỏi ý kiến tôi. Nhớ lại các nhận xét của tôi lúc đó mạnh mẽ và quá tự tin, nhưng điều lo lắng trước mắt của tôi là tránh đổ máu. Tôi nêu ra vấn đề nghiêm trọng của tình hình (lúc dó chưa biết cụ thể về sự thiệt hại) và tôi sợ sẽ có những ảnh hưởng lớn trong khắp nước, nếu như ông Hồ không làm một cái gì đó để trấn an người Pháp, cho họ biết rằng hành động ngày hôm qua không phải do Việt Minh gây nên. 

Tôi báo cho ông Hồ biết là tôi đã trao đổi với tướng Tsuchihashi và ông này nhận thức rõ ràng được nhiệm vụ bảo đảm trật tự và an ninh công cộng của mình; cơ quan của ông sẽ tiếp xúc với Chính phủ Lâm thời để phối hợp kế hoạch đối phó với những sự bất ngờ. Giáp lại muốn biết có sử dụng quân đội Nhật không, nếu có thì phải phối hợp kế hoạch với tướng Chu Văn Tấn. Tôi nói tôi không biết nhưng cho rằng điều đó có thể nêu trực tiếp với người Nhật. Trở lại vấn đề ở Sài Gòn, ông Hồ muốn các nhà chức trách Đồng minh biết rằng, bất chấp việc đảng nào hay nhóm nào đã gây ra cuộc rối loạn, Việt Minh sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo không để cho tình hình tái diễn trở lại. Tôi đã định hỏi xem ông làm thế nào để giữ được lời hứa, nhưng lại thôi. Ông Hồ lại hỏi tôi có ý kiến gì cần nêu nữa không. Tôi gợi ý bước thứ nhất là nên ra lệnh thả “hàng trăm” người Pháp nghe nói đã bị bắt ở Sài Gòn. Sau đó, phải có một chương trình giáo dục cho người Việt Nam về các mục tiêu và mục đích trước mắt của Chính phủ mới. Có như thế thì mới có thể xua tan được những nghi ngờ và các tin đồn đang lan tràn trong dân chúng. 

Ông Hồ tỏ ý tán thành, lần đầu tiên trong tối nay ông đã mỉm cười và tuyêu bố đã cho họp phiên đầu tiên của Chính phủ vào sáng nay và Hội đồng Chính phủ đã thông qua một chương trình 6 điểm. Theo ông Hồ, điểm thứ nhất của chương trình là có kế hoạch tăng gia sản xuất lúa gạo để ngăn chặn nguy cơ nạn đói. Trước mắt, ông đề nghị mỗi gia đình, bắt đầu từ bản thân ông, cứ 10 ngày để dành ra một bát gạo rồi tập trung lại mang chia cho những người thiếu thốn. Các điểm khác trong chương trình gồm có: một cuộc vận động chống nạn mù chữ; tổng tuyển cử; vận động phong trào cần, kiệm, liêm, chính; huỷ bỏ thuế thân, thuế đò, thuế chó; cấm hút thuốc phiện; cuối cùng là hoàn toàn tự do tín ngưỡng và đoàn kết tôn giáo.

 Có phần nào phấn khởi và cũng vui vì đã nắm trước được ý của tôi, ông mỉm cười một cách độ lượng và hỏi: “Còn gì nũa không?”. Tôi nêu ra vấn đề nên cử một nhân vật nào nổi tiếng của Việt Minh ở Hà Nội vào làm đại diện cho cá nhân ông, đồng thời có cố vấn chủ chốt cho Giàu trong thời kỳ quá độ này. Tôi cho rằng như thế sẽ tăng thêm được uy tín cho Giàu. Ý kiến của tôi đã được chấp nhận và ông Hồ hứa sẽ xem xét vấn đề những người Pháp bị bắt giữ ở Sài Gòn đã được thả ngay chưa. Quay sang phía Liệu, ông hỏi về phương hướng tuyên truyền cho công chúng. Liệu đáp lại là sáng nay đã cho phép công bố tất cả các pháp lệnh mới trên tờ công báo(2) và ra tuyên bố công khai lên án những người phá rối trật tự ngày hôm qua. 

Giáp, Bộ trưởng Nội vụ đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm về an ninh nội địa, tỏ ra lo lắng về giọng bài diễn văn Leclerc đọc trên đài phát thanh Delhi. Ông hỏi xem tôi có thể nói rõ thêm vê câu nói của Mac Arthur với Leclerc cho phép “đưa quân đội” đến Đông Dương. Tôi phân bua không rõ và cho rằng nhận xét của Leclerc không có liên quan gì đến vấn đề này hoặc đã bị người ta cố tình xuyên tạc đi. Nhưng mọi người đều biết rằng Pháp đang xúc tiến điều đình với người Anh và Anh sắp vào chiếm đóng Nam Việt Nam, và chắc chắn quân đội Leclerc sẽ đi theo cùng. Giáp tỏ ra ngán ngẩm trước sự phân tích của tôi, nhưng cũng nhận ra là ông cũng đồng ý với tôi, ông cảm thấy nếu người Anh cho phép người Pháp tái chiếm lại Đông Dương thì trước sau rồi cũng sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh lâu dài. Ông tin tưởng rằng phong trào độc lập nhất định không thể từ bỏ sự nghiệp của mình mà không có đấu tranh. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #68 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:40:09 PM »  

CÁC ỦY VIÊN CỘNG HÒA PHÁP 

Sau khi tôi từ biệt ông Hồ, Giáp đi cùng tôi sang phòng lớn và kể cho tôi nghe về tình hình của Cédile và Messmer. Trong đêm 22 - 23 tháng 8, sau khi toán OSS của chúng tôi tới Hà Nội thì hai phi cơ C.47 của không lực Hoàng gia Anh (RAF) từ Calcutta tới cũng cho thả dù hai toán người Pháp, mỗi toán 3 người, một toán gần Sài Gòn và một toán ở phía bắc Hà Nội. Toán vào Sài Gòn rơi xuống một ruộng lúa cạnh Biên Hoà, đã bị nông dân bắt giữ và sau đó được trao trả cho các nhà chức trách Nhật. Phụ trách toán này là một nhân viên dân sự tự xưng là “đại tá” J. Cédile, Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Nam Kỳ. 

Cédile đã được người Nhật đưa về giữ ở Sài Gòn nhưng đã được thả ra ngày 24-8. Từ đó, ông ta xúc tiến điều đình với Giàu và Lâm uỷ Nam Bộ nhưng không đạt kết quả gì nhiều. Toán thứ hai hạ xuống gần thị trấn Phúc Yên, tây bắc Hà Nội. Thủ trưởng toán này là thiếu tá Pierre Messmer, được chỉ định làm Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong toán còn có một dược sĩ, đại uý Brancourt, đã sống ở Việt Nam trước cú 9-3, và một nhân viên điện đài, đội Marmot, người đã đi cùng Langlade trong các lần công tác đến gặp Decoux và Mordant trước cuộc đảo chính. Messmer và toán của ông đã bị du kích của Giáp bắt giữ nhiều ngày, sau dó đã được thả ở gần biên giới Trung Quốc để cho về với đồng bào của họ ở bên đó. Tôi hỏi Giáp tin tức về vụ Dupré; ông cười và cho biết “Dupré” chỉ là bí danh của Messmer. Khi tôi nói lại với Sainteny về những điều Giáp kể về số phận của Messmer, ông không tin và cho đó chỉ là một trò đánh lừa độc ác của dân “An nam mít”. 

ĐỘI TIỀN TRẠM CỦA LƯ HÁN 

Hội nghị Trung - Nhật ở Khai Viễn đã kết thúc vào ngày 2-9 và phái đoàn Nhật, trừ Imai, đã trở về Hà Nội ngày 3. Imai đã được giao mang một bức thư chỉ thị cho tướng Tsuchihashi nên đã đáp trên một phi cơ liên lạc đặc biệt về Hà Nội ngay từ đêm 2-9. Đi cùng với bộ phận còn lại của phái đoàn Nhật còn có đơn vị tiền trạm của bộ tham mưu Lư Hán. Đây là những người Trung Quốc đầu tiên trong số 150.000 người sẽ đặt chân tới Hà Nội và phải một năm sau mới rời khỏi đất Việt Nam(3). Chiều hôm đó, đại tá Sakai báo cho tôi biết tướng Tsuchihashi đã nhận được bản giác thư về việc đầu hàng và yêu cầu tôi thông báo cho Trùng Khánh biết. Đến đêm, máy bay chở các sĩ quan Mỹ thuộc cơ quan của tướng Gallagher(4) cũng tới. Họ bắt liên lạc với phái đoàn chúng tôi và thu xếp chỗ ăn ở cho phái đoàn USMAAG(5) của tướng Lư Hán. 

Còn tướng Gallagher sẽ đến sau, trong tháng. Sáng hôm sau, thiếu tá Stevens trong. nhóm tiền trạm, nói với tôi đi tìm trụ sở cho tướng Gallagher và giúp kiếm một biệt thự thích đáng cho tướng Lư Hán. Tôi đề nghị lấy chỗ tôi ở, một toà nhà rộng rãi của Bộ Tài chính cũ. Nhưng Stevens, không rõ được ai gợi ý, lại cho rằng phải đóng ở dinh Toàn quyền mới xứng đáng với một sĩ quan cao cấp Mỹ, nên đã định trưng thu nơi đó mà không cho tôi biết. Sau bữa cơm chiều, Stevens điện cho tướng Gallagher: “Đã đến xem dinh Toàn quyền, định lấy làm trụ sở. Nhưng lại có vấn đề chính trị vì thiếu tá ở đó nói nhận được lệnh của De Gaulle phải ở lại trong Dinh. Ông nhường lại toà nhà nhưng giữ lại gian buồng đang ở cho đến khi Bộ chỉ huy Tối cao Pháp đến tiếp quản. Tôi có nên cho qua vấn đề này và chấp nhận một vai trò thứ yếu không?”. Tôi có thói quen chỉ kiểm tra điện tín muộn về khuya nên chậm phát hiện sai sót này, nhưng đã thảo luận ngay với Stevens và dứt khoát yêu cầu tìm trú ở nơi khác vì Sainteny chắc chắn đã phản đối ầm ĩ cái âm mưu nham hiểm của Mỹ và Trung Quốc nhằm đuổi Pháp ra khỏi dinh Toàn quyền.

 TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TĂNG THÊM  

Trong hai ngày, Hà Nội hình như bị nén lại qua sự biểu thị lạc quan ôn hoà của Pháp và sự chịu đựng gắng gượng của người Việt Nam thì những tin tức từ Sài Gòn tới vẫn còn rất đáng lo ngại. Vẫn tiếp tục xảy ra những sự thái quá như ngày 2-9, mặc dù Giàu đã cố gắng ngăn chặn. Những tin phát thanh của Anh, Pháp từ các đài Delhi và Sài Gòn đã loan báo chính quyền Việt Minh đã không còn kiểm soát được tình hình. Trái lại, Imai lại cho tôi hay Tổng hành dinh Nhật ở Sài Gòn cho biết Lâm uỷ Nam Bộ, và đặc biệt là Dương Bạch Mai, viên cảnh sát trưởng địa phương(6) vẫn làm chủ được tình thế. Tôi có cảm tưởng như người Nhật muốn lẩn tránh vì họ hy vọng không bị bắt buộc phải dính líu đến việc giữ gìn trật tự. Đài Sài Gòn cũng đã loan tin những người bị bắt vì phá rối trật tự trong ngày lễ Độc lập đã được thả ra. 

Nhưng trái với điều mong đợi, người Pháp ở Sài Gòn và Hà Nội lại có thái độ nghi ngờ và sợ sệt. Họ ngại rằng những người được tha có thể sẽ bị người Việt trả thù ngay sau khi ra khỏi nhà tù. Sở dĩ như vậy vì họ cũng được tin là Dương Bạch Mai cho tước vũ khí các phần tử Cao Đài và Hoà Hảo nhưng không đạt kết quả. Trong trường hợp đó, người Pháp lại cảm thấy ở trong tù được an toàn hơn. Báo Dân chúng, cơ quan của Việt Minh ở Sài Gòn cũng đưa ra những tin tức gây lộn xộn. Với những đầu đề chữ lớn, tờ báo kêu gọi nhân dân giữ bình tĩnh, tái lập lại trật tự, và biểu thị một sự trưởng thành về chính trị. Nhưng nội dung bài thì lên án những người Quốc gia không phải Việt Minh đã gây rối loạn trong ngày chủ nhật và phá hoại sự nghiệp độc lập bằng cách tấn công vào các “người Việt Nam yêu chuộng hoà bình”.

 Chúng tôi hiểu rằng ở đây họ muốn vạch mặt những người Troskism đã bán rẻ mình cho các phần tử cực đoan. Các báo chí chống Cộng ở Sài Gòn, được nhóm Troskism tiếp tay, liền phản kích lại, kết tội Giàu và “đồng bọn” là thân Pháp, có mưu đồ khôi phục lại nền cai trị cũ của Pháp và như thế là phản bội sự nghiệp độc lập của dân tộc. Triển vọng tỏ ra ác liệt. Nếu cái tinh thần sôi sục chống Pháp đó lan ra miền Bắc thì tôi không dám chắc rằng Chính phủ của ông Hồ đã có đủ khả năng để đối phó được. Trên đường ra sân bay, tôi dừng lại ở dinh Toàn quyền. Sainteny tiếp tôi một cách rất thân mật và hỏi han về “việc rắc rối ở Sài Gòn”.


Tôi đã kể lại nhũng gì tôi biết nhưng Sainteny không đặc biệt quan tâm lắm. Quan niệm của ông là Việt Minh đã mất quyền kiểm soát tình hình và việc cả đất nước sẽ trở nên hỗn loạn chỉ còn là một vấn đề thời gian, không nhất thiết vì chống Pháp mà là giữa những người Việt Nam tranh chấp nhau. Rõ ràng là những “người Pháp khốn khổ” sẽ bị kẹt vào giữa, nhưng biết trách ai được? Chắc chắn không phải là những người Pháp “đã bị bỏ rơi”. Tình hình chỉ có thể cứu vãn được nếu như người Anh hoặc người Trung Quốc đến kịp thời. … Thái độ bình thản của Sainteny trong lúc này đã gây cho tôi một cảm giác rõ rệt là ông đã biết nhiều hơn những điều ông đã nói với tôi. Phải chăng ông đã lường trước được việc quân đội của Leclerc sắp tới? Hay ông ta có thể đã sẵn sàng chờ thấy cờ tam tài tung bay trong tiếng quân nhạc? Ngay cả đến việc sai sót dự định trưng dụng dinh Toàn quyền, ông cũng bỏ qua cho là nhỏ nhặt. Sự có mặt của người Mỹ sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày đi đường nữa, khi quân đội Trung Quốc tới Hà Nội, do đó tôi cũng rất lo lắng và cũng rất tò mò muốn biết về cuộc rối loạn mà Pháp có thể đang trù tính. Ở sân bay, tôi đã gặp Imai và thiếu tá Miyoshi đang chờ ở đó. Họ đến để thông báo cho tôi biết kế hoạch của Nhật trong trường hợp có sự bùng nổ tại các đô thị bắc vĩ tuyến 16. Bộ tư lệnh Nhật yêu cầu tôi chuyển báo cho các nhà chức trách Trung Quốc biết họ đã hoàn toàn sẵn sàng thi hành trách nhiệm của họ trong việc giữ gìn an ninh và trật tự công cộng nếu được Chính phủ Lâm thời yêu cầu giúp đỡ, hoặc nếu, theo ý họ, Chính phủ tỏ ra bất lực hay hoạt động không có hiệu quả. Chúng tôi đồng ý là trách nhiệm về vấn đề trật tự vẫn thuộc quyền viên tư lệnh Nhật cho tới khi họ được chính thức thay thế. Còn về việc Nhật muốn dựa vào khả năng của Chính phủ Lâm thời thì đó là một vấn đề phải bàn bạc thống nhất với Chính phủ này và không có liên quan gì tới Đồng minh. Tôi chỉ nhắc lại là Tưởng thống chế mong rằng tư lệnh Nhật thông hiểu đầy đủ các điều khoản trong bản giác thư về đầu hàng. Tôi gợi ý cho Imai và Miyoshi là các nhà đương cục Nhật nên chính thức thông báo kế hoạch của mình cho Chính phủ Lâm thời biết. Họ cũng có thể, nếu họ muốn, nói rằng họ đã thảo luận vấn đề này với tôi. … Chúng tôi lên máy bay vào khoảng 6 giờ 30 và hạ cánh xuống Côn Minh trong đêm. Helliwell dón tôi tại sân bay, với một bộ mặt nhăn nhó. Rõ ràng là Đông Dương đã thu hút được sự chú ý của Trùng Khánh từ khi xảy ra các sự kiện trong “ngày chủ nhật đen tối”. Chú thích (1) Thống chế Bá tước Hisaichi Terauchi, Tư lệnh Tập đoàn quân Phương Nam Nhật (2) Việt Nam Dân quốc Công báo (3) Theo Hiệp định Pháp - Hoa 1946 thì chậm nhất là ngày 31-3-1946, quân Trung Quốc phải rút hết khỏi Việt Nam. Nhưng sự thật thì đơn vị Trung Quốc cuối cùng (Sư đoàn 2 danh dự) rời Hải Phòng vào tháng 10-1946 (4) trong chuyến bay có các sĩ quan: trung tá Stodter (tình báo), thiếu tá Stevens (hành chính) và trung uý Unger (tuỳ tùng của tướng Gallagher) (5) US Military Assistance Nhóm Cố vấn Viện trợ Quân sự Mỹ (6) Một người Cộng sản cựu trào Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #69 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:46:43 PM » Chương 28 Đi tìm chính sách của Truman TÂM TRẠNG LO ÂU Ở TRUNG QUỐC Đến tuần đầu tháng 9 là sự tưng bừng vui vẻ, phấn khởi vì chiến thắng ở Côn Minh đã phải nhường bước cho một bầu không khí đầy lo âu, nghi kị và mưu đồ đen tối. Người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ đều thất vọng, chán nản và ở trong một trạng thái bực dọc. Nếu Đông Dương là một lò lửa thì Trung Quốc là ngọn núi lửa đang sôi sục và sẵn sàng bùng nổ. Trong khu vực của OSS, xuất hiện nhiều bộ mặt mới. Một số là những tay kỳ cựu đã hoạt động lâu năm trong nội địa Trung Quốc. Số khác mới toanh, mới từ Mỹ đến, quá chậm để phục vụ chiến tranh nhưng lại lợi hại cho các hoạt động hậu chiến. Helliwell cho tôi biết đủ thứ chuyện đã xảy ra ở Côn Minh, Trùng Khánh và Diên An, hàng loạt vấn đề mà OSS, Wedemeyer, Hurley và Tưởng đang phải đương đầu. Các toán Mercy của chúng tôi đã gặp vô vàn khó khăn với người Nga, Nhật và quân của Mao, từ vụ tìm cứu thê thảm tướng Wainwright từ một trại tù binh Nhật ở Mãn Châu Lý cho đến cái chết vô nghĩa của John M. Birch trong khi tiến hành chiến dịch tìm cứu ở Suchow. Một vấn đề hoàn toàn khác và tình hình rối loạn ở Côn Minh, đang lan tràn một cách nguy hiểm những tin đồn đại về nội chiến. Thống đốc Long Vân đe doạ làm đảo chính chống lại Quốc dân đảng và định bắt giữ tất cả người Mỹ và các đồ viện trợ của Đồng minh ở Vân Nam để làm con tin. Wedemeyer đã yêu cầu Heppner bảo vệ tính mạng và tài sản người Mỹ trong trường hợp có nổi loạn và trung tá A.T. Cox(1) đã được lệnh bố phòng các cơ sở của OSS, toà Lãnh sự Mỹ, trụ sở Hội Chữ thập đỏ và các quyền lợi khác của Mỹ. Nhưng vấn đề hàng đầu đối với Wedemeyer và Hurley vẫn là họ đang bị Pháp và Anh làm áp lục về việc kiểm soát Đông Dương. Heppner lại ở Côn Minh nên ngay đêm hôm tôi tới, Helliwell và tôi đã cùng ông bay về Trùng Khánh để gặp các đại diện Đại sứ quán và Chiến trường thảo luận về các hoạt động của tôi ở Đông Dương và về chính sách của Mỹ. Giữa lúc tình hình nóng bỏng thì USS - Trung Quốc lại phải cải tổ tổ chức. Không còn cần đến nhũng tổ phá hoại biệt kích và đánh du kích nữa, nên phải đưa họ về nước. Nhiệm vụ phái đoàn OSS sau chiến tranh ở Trung Quốc hoàn toàn chuyên về công tác tình báo và phản gián mà thôi. Helliwell đã được chỉ định cầm đầu Nha Mật vụ mới lập. Đến trưa, Heppner cho chúng tôi biết còn có nhiều vấn đề khác đã gây phiền toái cho người Mỹ. Quentin Roosevelt đã được xem những lời trích dẫn trong một bản giác thư của Bộ ngoại giao do J.C Dunn(2) viết. Bản giác thư nói về cuộc gặp gỡ ngày 29-8 giữa Tưởng phu nhân với Tổng hống Truman, trong đó Tổng thống đã chỉ rằng “đã không đi tới một quyết định nào” liên quan đến tương lai của Đông Dương trong cuộc thảo luận mới đây của Tổng thống với tướng De Gaulle(3). Tôi rất băn khoăn về tình trạng mập mờ trong lập trường của Mỹ và hỏi Heppner nhưng ông cũng lúng túng. Đại sứ Hurley đã tỏ ra muốn thấy không có gì tốt hơn là một “Đông Dương dân chủ”, và hay nhất là thuộc quyền bảo trọ của Quốc dân Đảng. Trong các công văn chính thức mới đây gửi về Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, ông đã có nhiều dịp lên án “đế quốc” Anh, Pháp và Hà Lan. Nhưng rõ ràng là ông không vừa lòng với Hồ Chí Minh và việc Cộng sản nắm chính quyền nên đã muốn cho rút toán OSS về và để Tưởng đối phó với mọi vấn đề. Đại sứ cũng đã yêu cầu có một sự giải thích làm sáng tỏ chính sách Mỹ nhưng chỉ nhận được của Washington một câu trả lòi ngắn gọn “không có gì thay đổi”. Nhưng chính sách lại đang thay đổi, ít nhất cũng trong phạm vi thi hành. Mặc dù có điều xác nhận “không có quyết định” của Tổng thống Truman và “không thay đổi” của Bộ Ngoại giao, thực tế lại cho thấy chúng ta không còn chống đối một cách tích cực những mưu mô của người Pháp nhằm chiếm lại Đông Dương bằng vũ lực nếu cần. Tôi nêu vấn đề có thể đã đến lúc OSS nên rút lui khỏi hội trường. Heppner không đồng ý - OSS nhất định sẽ vượt qua được khi nào mà chúng ta có được một lập trường dứt khoát rành mạch của Nhà Trắng.  

ĐI BÊN RÌA CÁC LỐI THOÁT

Chúng tôi tới Trùng Khánh lúc khoảng 2 giờ 30 và đi thẳng ngay tới Đại sứ quán. Tướng Olmsted(4) chủ trì cuộc hội nghị và mở đầu nói rằng Đông Dương trước đây phần nào đã bị lãng quên giữa nhiều vấn đề cấp bách khác. Nhưng những sự kiện mới xảy ra đã đòi hỏi Chiến trường phải đi thẳng vào các vấn đề của khu vực này. Heppner tỏ ý vừa lòng và giới thiệu tôi báo cáo cho hội nghị biết tình hình mới nhất. Tôi nêu ra nhiệm vụ chung đối với toàn Đông Dương, nhấn mạnh vào chỉ thị đặc biệt tháng 4 của Nhà Trắng về hoạt động của chúng tôi ở Trung Quốc, và các mối quan hệ với M.5 ở Côn Minh, sau đó nói đến vai trò hiện nay của phái đoàn OSS ở Hà Nội. Tôi báo cáo tổng hợp về các sự kiện xảy ra từ khi chúng tôi đến Hà Nội, tả lại tóm tắt sự xung đột của các thế lực chính trị và mối quan hệ giữa người Mỹ, người Pháp và người Việt Nam.


Tôi vạch rõ vị trí trung lập của chúng tôi đối với nguyện vọng của nước Pháp và hoài bão của người Việt nhằm nắm quyền kiểm soát Việt Nam. Nhưng, tôi nói trên trường chính trị chúng ta đã đạt tới một điểm, mà ở đó chúng ta gặp cực kỳ khó khăn để tiếp tục giữ được lập trường trung lập, vì vậy vấn đề được đặt ra là phải có một sự xem xét lại lập trường này.

Tướng Olmsted đã hỏi một cách chính xác về những chỉ thị công tác ban đầu của tôi và sau này đã có gì thay đổi trong đó không? Tôi đáp lại là tướng Donovan đã chỉ thị cho tôi một cách đơn giản là tiến hành các hoạt động bí mật chống Nhật ở Đông Dương, và thiết lập một mạng lưới tình báo có hiệu lực để phục vụ cho tướng Wedemeyer. Đáp lại câu hỏi của bí thư Đại sứ quán Paxton(5) về những chỉ thị sử dụng các lực lượng và phương tiện của Pháp; tôi nói là hoàn toàn chính đáng được sử dụng họ trong chừng mực mà điều đó không phải là một cách để khuyến khích hay giúp đỡ người Pháp thực hiện ý đồ muốn chiếm lại thuộc địa cũ của họ bằng vũ lực. Tôi lại nhắc lại rằng tướng Wedemeyer và Đại sứ Hurley đều biết rõ về các chỉ thị công tác nói trên và tôi đã được sự ủng hộ đầy đủ của Hành dinh

Chiến trường và ở một mức độ thấp hơn, của Đại sứ quán. Paxton phát biểu là nhiệm vụ của tôi thuộc lãnh vực quân sự nên Đại sứ quán không có sự lãnh đạo trực tiếp, trừ trường hợp cố vấn về mặt chính trị nếu được hỏi ý kiến. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý về điểm này, nhưng vấn đề chính sách Mỹ là một vấn đề của Đại sứ quán nên tôi hỏi là từ tháng 4, chính sách đã có gì thay đổi không. Paxton trả lời là chỉ thị cuối cùng của Bộ Ngoại giao đã được ghi trong công hàm ngày 7-6 của Thứ trưởng Ngoại giao Grew. Heppner và tôi xác nhận là có được biết công hàm đó và hỏi thêm là như thế chúng tôi có thể hiểu là chỉ thị tháng 4 vẫn còn có giá trị đối với tôi.

Lúc này, tướng Olmsted xen vào, tỏ ý muốn biết bản công hàm tháng 6 là gì. Paxton tuyên bố bản công hàm ghi “không thay đổi” trong chính sách nhưng cũng thêm vào đó những điều nhập nhằng. Thứ trưởng Grew đã vạch ra rằng khái niệm của Roosevelt về vấn đề uỷ trị đối với Đông Dương hầu như đã bị gạt bỏ ở hội nghị San Francisco. 

Lúc đó Mỹ đã nhấn mạnh vào việc phải có một biện pháp tự trị tiến bộ cho tất cả các nước phụ thuộc. Grew đã nêu rõ ý kiến của Tổng thống Truman là vấn đề sẽ được giải quyết sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng vào thời điểm thích hợp nào thì phải hỏi chính phủ Pháp để có được một “sự trả lời tích cực”. Theo ông, chính qua những lời gián tiếp này mà Tổng thống muốn nói là đã không đạt tới một quyết định nào về tương lai của Đông Dương. “Được!”, Olmsted lại hỏi, “Thế rồi sao?”. Trong tuần lễ đó (tuần lễ từ 2-9), Đại sứ Hurley đã phải thảo luận với Wedemeyer một dự án khá hóc búa của Pháp ở Washington, đề đạt coi Đông Dương như là một vùng đất đai của địch đầu hàng trong khu vực của Anh dưới quyền đô đốc Mounbatten. 

Người Pháp còn đề nghị thêm: đối với viên chỉ huy Nhật, tướng Tsuchihashi thì bản thân tướng này sẽ đầu hàng với người Trung Quốc trên lãnh thổ Trung Quốc, nhưng còn việc đầu hàng của quân ông ta thì sẽ giao cho người Pháp thuộc quyền Bộ chỉ huy Anh tiếp nhận. Theo Paxton, đề nghị của Pháp đã đặt Đại sứ chúng ta vào một vị trí rắc rối đối với Tưởng. Thực may mắn là Washington đã không chịu khuất phục hoàn toàn và đã giữ lập trường là nếu người Pháp tranh thủ được sự đồng tình của Anh và Trung Quốc về vấn đề đó thì Mỹ cũng sẽ vui lòng chấp nhận hành động theo, và tướng Mac Arthur sẽ không có gì bị phản đối trên các lãnh vực quân sự. Olmsted ngắt lời, nói rằng rõ ràng là tướng Mac Arthur sẽ khó mà biện minh được cho việc sửa đổi lại

 Mệnh lệnh chung số 1 qua việc cắt xén các nghị quyết của Hội nghị Potsdam và đưa người Pháp vào số các nước Đồng minh đã được chỉ định tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Nhưng ông thêm, Tưởng sẽ không bao giờ đồng ý cho phép một nước không tham gia vào cuộc chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương - nước Pháp - đứng ra nhận sự đầu hàng các lực lượng Nhật trên chiến trường do ông phụ trách. Theo Olmsted, tướng Wedemeyer đã thảo luận các vấn đề này với Thống chế và bác sĩ K.C. Wu(6) và người Trung Quốc sẽ trả lời dứt khoát là “không!”.

Đến đây, Heppner nhận xét vấn đề khó xử của Đông Dương khi nào cũng là một điều rnâu thuẫn của Mỹ trước những quyền lợi của Pháp và các nguyên tắc về dân chủ của Mỹ. Qua việc trao đổi thư tín riêng với một người nào đó trong Bộ chỉ huy Đông Nam Á (SEAC), ông đã được biết vào khoảng 30-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cho Bishop, bí thư uỷ ban Mỹ ở New Delhi, rằng Mỹ không có ý định phản đối việc Pháp quay lại cai trị Đông Dương, và nói rộng ra, không có vấn đề xem lại chủ quyền Pháp đối với Đông Dương. Nhưng Bộ Ngoại giao vẫn không ngớt nhắc lại đó không phải là chính sách của Mỹ nhằm giúp Pháp chiếm lại Đông Dương bằng vũ lực. 

Heppner nói tiếp: Bộ còn báo cho Bishop biết Mỹ mong muốn Pháp phục hồi lại quyền cai trị với danh nghĩa là yêu sách của Pháp đã được nhân dân Đông Dương ủng hộ và sự ủng hộ đó đã được chứng minh bằng những sự kiện tiếp sau. Nói một cách khác đi, lập trường của chúng ta sẽ là đứng ngoài và để cho Pháp chiếm lại quyền cai trị, ngay cả bằng vũ lực, miễn là chúng ta không giúp đỡ và chỉ chờ xem kết quả. Helliwell, vẫn ngồi yên từ đầu, bật lên nói là điều mà tất cả chúng tôi thắc mắc: chính sách gì mà như vậy? Chúng ta có giúp người Pháp chiếm lại quyền hay không? Chúng ta có giúp Hồ Chí Minh thiết lập một chế độ “dân chủ” cho đồng minh Nga của chúng ta không? Hay là chúng ta đã “hoá dại” và quên hết những lời lẽ hào nhoáng trong Hiến chương Bắc Đại Tây Dương, trong bản Tuyên ngôn Độc lập, và v.v…? 

Tất cả chúng tôi chờ Paxton trả lời, nhưng tướng Olmsted đã phá vỡ sự im lặng kéo dài và tuyên bố là chúng ta không thể thay đổi được chính sách cũ mà cũng chẳng làm ra được chính sách mới, nhưng chắc là chúng ta có đầy đủ khả năng để giải thích được chính sách hiện hành. Cuối cùng, Paxton đã gợi ý là chúng tôi nên xem xét đến một điểm trong chính sách nói trên có liên quan cả đến người Pháp và Việt Minh. Đối với người Pháp, chúng ta ở trong một thế không hay ho gì là không có khả năng hỗ trợ về tiếp tế hậu cần để giúp họ từ Chiến trường Trung Quốc trở lại Đông Dương. Do đó chúng ta phải để cho người Trung Quốc, tuy không muốn, nhưng lại là người duy nhất có điều kiện giúp đỡ cho người Pháp. 

Không cần phải có chúng ta xen vào giữa họ. Vì vậy chúng ra sẽ không làm gì cả. Còn về Hồ Chí Minh, ông đã chiếm lại được vị trí của mình, nhưng đang cưỡi trên con ngựa rừng không yên, và chỉ cầm được một dây chằng. Trong khi Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Chính phủ lâm thời Việt Nam thì không thấy có gì phải cam kết giúp đỡ họ. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể ủng hộ về mặt tinh thần, một cách không chính thưc và kín đáo nhưng không có gì quan trọng. Chúng ta sẽ biến, khi người Nhật đã được giải giáp và hồi hương. Đó là quan điểm của Paxton và đó cũng là một ý kiến giúp đỡ khá hay ho, đẹp đẽ của một nhân viên Đại sứ quán. “Nhưng”, tôi hỏi, “thế còn OSS”? Cảm thấy có ít nhiều gay gắt nên Olmsted vội trả lời: “Trước đã làm gì thì các anh cứ đúng như thế mà làm. 

Nhiệm vụ của các anh là thu xếp với người Nhật và người Trung Quốc về việc đầu hàng của người Nhật. Các anh còn phải làm hồ sơ về các tội phạm chiến tranh. Và sau hết là nhiệm vụ lâu dài của các anh. Vấn đề quan hệ quốc tế với Pháp, Trung Quốc và Việt Nam là một vấn đề thuộc Bộ Ngoại giao giải quyết”. Chúng tôi chuyển sang các vấn đề khác. Cơ quan tham mưu Chiến trường đã theo dõi các báo cáo và đặc biệt chú ý đến các sự kiện xảy ra mới đây ở Sài Gòn. Tướng Wedemeyer lo lắng tình hình đó có thể vượt ra ngoài vĩ tuyến 16 và muốn thường xuyên nắm được tin tức. 

Theo gợi ý của Heppner, tôi kể lại tất cả những điều mà tôi đã được nghe nói ở Hà Nội: sự lo sợ của người Pháp, phản ứng của người Việt và mối quan tâm của người Nhật. Tôi cho rằng, mặc dù sự rối loạn xảy ra trên khu vực của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (SEAC) nhưng nó cũng có thể tác động mạnh mẽ một cách dễ dàng sang khu vực thuộc chiến trường Trung Quốc. Lúc này, vấn đề được thu hẹp trong sự tranh chấp chính trị giũa những người Việt đang tìm cách kiểm soát chính phủ và chỉ có những tác động ngoài lề đối với dân chúng Pháp và Trung Quốc. Nhưng với việc quân Anh sắp tới Sài Gòn để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật và lại có người Pháp theo đuôi người Anh thì có thể nổ ra rối loạn nghiêm trọng. Một điều quan trọng cuối cùng tôi nêu lên là đã có một toán chuyên gia OSS - AGAS Mỹ nào đó đi cùng với đội tiền trạm Anh và chắc chắn rằng họ cũng sẽ phải đối phó với những vấn đề mà chúng tôi đã gặp ở Hà Nội.

No comments: