Vào đầu thế kỷ 20 này, Marx, Einstein và Freud có ảnh hưởng lớn
trong việc thay đổi nhãn quan của con người đối với tự nhiên và xã hội.
Thật vậy, Einstein với thuyết Tương Đối đã đặt cơ sở mới cho Vật Lý Học
và Vũ Trụ Học, Freud với Phân Tâm Học mở đầu cho việc khai phá chiều sâu
tâm lý con người, và Marx làm đảo lộn xã hội khi đưa ra chủ nghĩa Duy
Vật Lịch Sử.
Tất nhiên, trong khoa học tự
nhiên không phải chỉ có Einstein nhưng Einstein đã làm cách mạng nền
tảng khoa học khởi từ Newton. Trong việc nghiên cứu và trị liệu con
người, Freud không những khám phá ra vị thế của vô thức, luận điểm Mặc Cảm Oedipe
của ông đặt định cấu trúc quan hệ con người một cách triệt để. Khi
nghiên cứu xã hội bằng khoa kinh tế chính trị, Marx tìm ra quy luật phát
triển của lịch sử con người trong vận động thực tiễn. Những khám phá
của Einstein, Freud và Marx đã mang những chiều kích mới về tự nhiên,
con người và xã hội; quả thật những lý luận đó có tính cách mạng, phân
biệt hẳn với những lý luận và những nhân vật khác trong lịch sử tri thức
nhân loại ở thế kỷ này. Nhưng Freud và Marx còn một điểm chung khác: sự
phát triển lý luận của họ rộng lớn trong sinh hoạt xã hội đã đi đến chỗ
cực đoan, giáo điều: những hiệp hội phân tâm học quốc tế và những đảng
CS quốc tế trở thành những tổ chức thế quyền củng cố những giới luật
chặt chẽ chẳng khác những hệ thống giáo quyền.
Phân
tâm học của Freud cũng như chủ nghĩa Mác đã kinh qua những luận giải
của các môn đệ, phát triển ra nhiều hệ phái. Cho nên việc đọc lại Freud
hay đọc lại Marx đặt thành vấn đề: Có phải trở về “Freud nguyên thủy”
hay “Marx nguyên thủy” ngõ hầu tìm ra những tư tưởng chân thực của họ?
Đặt vấn đề như vậy, chắc hẳn sẽ gặp những ý kiến khác biệt như sau:
- Những tư tưởng trung thực của chính Marx so với những phát triển của
chủ nghĩa Mác về sau, điều đó còn có nghĩa là Marx không chịu trách
nhiệm về những thành quả của chủ nghĩa Mác (hay chủ nghĩa Cộng sản)
trong quá trình lịch sử.
- Không thể
quan niệm một chủ nghĩa Mác thuần túy tách biệt khỏi thực tiễn lịch sử,
bởi về mặt lý luận, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra một lý luận thực tiễn, không
phải đi giải thích thế giới mà vấn đề là phải biến đổi nó. Chủ nghĩa
Mác đã gắn liền với quyền lực chính trị.
Thế nên, đọc Marx như thế nào? Có thể đọc Marx từ cái nhìn của một người Việt nam?
Đã có người thử đặt vấn đề nhìn Marx từ quan điểm của nước Mỹ, như Clinton Rossiter với Marxism: The View from America
(1960). Khi đối chiếu chủ nghĩa Mác với truyền thống nước Mỹ, Rossiter
đã muốn chỉ ra rằng chủ nghĩa Mác không bao giờ có cơ hội thắng lợi ở
Mỹ, vì từ cơ bản, chủ nghĩa Mác có tính nhất nguyên, trong khi truyền
thống Mỹ với lý tưởng của chủ nghĩa tự do có tính đa nguyên. Tại sao ở
một nước công nghiệp tân tiến nhất như nước Mỹ, môi trường thuận lợi cho
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và sau đó tiến lên chủ
nghĩa Cộng sản như Marx tiên đoán, lại có rất ít người theo chủ nghĩa
Mác? Rossiter đã kể ra, ít nhất bảy nguyên do về sự thất bại của chính
Marx: như Marx đã không có khiếu trình bày các luận diểm cơ bản trong lý
thuyết của ông, mặc dầu ông được nhiều người đọc, những định nghĩa về
“ý thức,” “vật chất,” những khái niệm như “quan hệ sản xuất” trong học
thuyết Mác không rõ ràng, những sự kiện ông dẫn ra đã không cập nhật,
khi phá đổ trật tự xã hội cũ, ông đã không có một đề cương xây dựng xã
hội mới cũng như quan điểm của ông rất cực đoan một chiều về con người,
xã hội cũng như lịch sử.
Vấn đề đặt ra là
“chủ nghĩa Mác có thích hợp với các xã hội phương Đông?” Chính Marx đã
phân chia những giai đoạn lịch sử nhân loại trên cơ sở chế độ kinh tế,
theo như ông nói là những phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong
kiến và tư bản. Ba phương thức sau áp dụng vào xã hội Tây phương, tạo
thành một nhóm. Như vậy phương thức sản xuất châu Á ở một phạm trù khác.
Tuy nhiên Marx và Engels không có cơ hội để đi sâu vào việc tìm hiểu
phương thức sản xuất này. Trong quá trình vận động lịch sử đi từ chủ
nghĩa tư bản qua chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản, có một
khoảng cách - đề ra vấn nạn về sự thống nhất của quá trình lịch sử.
Nếu
phương thức sản xuất châu Á mang tính đặc thù khác hẳn với phương Tây,
có một khả năng về tiến trình lịch sử theo một con đường khác, như vậy
chiều hướng lịch sử có tính đa nguyên; hơn nữa, nếu bản chất của phương
thức sản xuất châu Á không diễn ra trong vận động biện chứng của lịch sử
từ cổ đại qua phong kiến, tư bản, hiểu theo nghĩa lịch sử của xã hội
hiện hữu là lịch sử đấu tranh giai cấp, có phải những xã hội theo phương
thức sản xuất châu Á đi theo một tiến trình khác? Như vậy chủ nghĩa Mác
không có một thực tiễn, nói khác đi, không áp dụng vào những xã hội
châu Á? Điều đó có nghĩa, hoặc không thể đọc Marx từ quan điểm châu Á,
hoặc phủ nhận những giá trị của học thuyết Mác.
Như
đã trình bày ở trên, người ta không thể đọc Marx về mặt kinh tế chính
trị dưới nhãn quan phương Đông. Vì lý thuyết kinh tế chính trị của Marx
không thể áp dụng vào xã hội phương Đông, nếu chúng ta hiểu Marx chỉ
giải quyết những vấn đề trong những tiền đề lý luận ông đưa ra. Nhưng
chắc hẳn điều đó không có nghĩa là phủ nhận học thuyết Mác một cách đơn
giản. Trên thực tế, nếu học thuyết Mác không có những giá trị quan trọng
hơn, chủ nghĩa Mác đã không có sức thu hút một số đông đảo những người
tin theo như ở phương Đông vậy.
Mặt khác,
mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa Mao cũng xác định chủ
nghĩa Cộng sản đã áp dụng vào một phần xã hội châu Á.
Đọc
Marx như thế nào là một nhân tố quan trọng trong việc xác định vị thế
của người nghiên cứu đối với chủ nghĩa Cộng sản, vì tác động hai mặt:
hiểu Marx theo quan niệm “chính thống” của người Cộng sản, hoặc có một
cái nhìn khác về Marx, những phát triển của chủ nghĩa Mác ở ngoài quỹ
đạo Xô viết.
Đọc Marx với những hệ luận phức tạp đó, phải chăng vì Marx có những khuyết điểm như Rossiter đã nêu ra.
Thật
sự, hình thành tư tưởng của một con người còn tùy thuộc vào nhiều nhân
tố khác nhau. Ở trường hợp Marx, ngoài yếu tố ông được đào tạo từ môi
trường triết học và từ lãnh vực này, Marx chuyển hướng nghiên cứu kinh
tế chính trị học, những tác phẩm chủ đạo của Marx đều chưa trọn vẹn, như
tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học; Khởi Thảo Những Nguyên Lý Kinh Tế Chính Trị Học; và Tư Bản. Hơn nữa, những tác phẩm Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học cũng như Khởi Thảo Những Nguyên Lý
là những bản thảo chỉ được xuất bản vào thập niên 30 và 40 của thế kỷ
20, đánh dấu những chiều hướng giải thích chủ nghĩa Mác mới lạ và khác
biệt, gây ra nhiều tranh luận.
Cuộc đời
và tác phẩm của Marx có những quan hệ, gắn bó với hoạt động của những
phong trào công nhân và trào lưu xã hội chủ nghĩa, do đó những bản viết
của Marx cũng có tác động hai mặt đối với thực tiễn.
Những
yêu cầu thực tiễn đã thúc đẩy Marx đi vào con đường phê phán triệt để,
với một giọng vẫn đầy chất lửa gây hấn. Những tác phẩm của Marx đều khởi
từ cơ sở phê phán, cho nên ngay từ những tác phẩm thời trẻ như Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel; Phê Phán Triết Học về Nhà Nước của Hegel (1843) đến những tác phẩm thời trưởng thành, cơ bản là tập Tư Bản cũng mang một tiêu đề phụ là Phê Phán Kinh Tế Chính Trị (1867). Chính qua tính phê phán này, có những học giả phân biệt “chủ nghĩa Mác phê phán” với “chủ nghĩa Mác khoa học.”
Sự
phân biệt này không chỉ thuần túy dựa vào những vấn đề của Marx, còn
chỉ ra tư tưởng Marx biến chuyển một cách cơ bản. Cũng trong chiều hướng
đó, người ta còn phân biệt Marx thời trẻ và Marx thời già, sự phân biệt
này cũng không chỉ nêu ra tiến trình của tư tưởng Marx mà còn phân biệt
triệt để như trường hợp nhà mác-xit Pháp L. Althusser khi ông quan niệm
“có một sự đoạn tuyệt nhận thức luận” trong học thuyết Mác. Điều này có
nghĩa là tư tưởng Marx thời trưởng thành đã đoạn tuyệt với tư tưởng
thời trẻ, rũ bỏ hẳn những tàn dư của chủ nghĩa duy tâm. Lập trường này
còn đối lập một Marx/nhà lý luận khoa học với một hình ảnh Marx của chủ
nghĩa nhân đạo như một số học giả khác quan niệm.
Thật sự, những lý giải khác nhau về học thuyết Mác cũng phân định ba lập trường:
1. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời trẻ mới thực sự quan trọng vì nó mang tính nhân đạo và thuần tuý của Marx.
2. Những người quan niệm tư tưởng Marx thời già mới tiêu biểu cho chủ
nghĩa Cộng sản vì nó dựa trên cơ sở kinh tế chính trị học, như Louis
Althusser cho rằng Marx đã khám phá ra một lý luận về lịch sử, tức chủ
nghĩa Duy vật lịch sử - đó là bước đầu đoạn tuyệt triết học ý thức hệ -
để xây dựng một triết học mới, tức chủ nghĩa Duy vật biện chứng.
3. Những người quan niệm tư tưởng Mác thống nhất và xuyên suốt giai
đoạn trẻ đến lúc trưởng thành, như vậy chỉ có một học thuyết Mác. Nếu
chỉ có sự khác biệt giữa những tác phẩm thời già với thời trẻ chỉ là sự
sử dụng từ thay đổi, những cơ sở lý luận không thay đổi.
Ba
khuynh hướng lý giải tư tưởng Mác không những chỉ khác biệt về mặt nhận
thức, chủ yếu còn khác biệt về mặt chính trị, mở ra những chiều hướng ý
thức hệ mới. Chẳng hạn, khai phá lý luận về tha hóa trong tác phẩm Mác
thời trẻ phù hợp với trào lưu tư tưởng hiện đại của chủ nghĩa Hiện sinh
đã mở đường cho nhiều học giả nghiên cứu vấn đề này. Những lý giải khác
nhau dẫn đến sự đối lập giữa chủ nghĩa Mác chính thống và chủ nghĩa xét
lại trong việc đọc Marx. Quả thật Marx là một trong những tác giả gây ra
nhiều tranh luận nhất, phần vì Marx diễn đạt tư tưởng không được minh
xác, Marx lại không thống nhất với chính mình về những khái niệm ông đưa
ra, chẳng hạn như khái niệm “giai cấp.” Mặt khác, chủ nghĩa Mác dựa vào
quyền bính đã là cơ sở cho những đường lối giải thích tùy tiện vào
những người theo Marx. Sự đối lập nghiêm trọng nhất là chủ nghĩa
Mác-Stalin với những lý giải khác của chủ nghĩa Mác. Quả thật kể từ khi
đảng Cộng sản bôn-sê-vích nắm quyền ở Nga, chỉ có một chủ nghĩa Mác giáo
điều theo Lênin và Stalin. Tư tưởng Mác trở thành một bộ phận kinh điển
của chủ nghĩa Mác Xô viết. Những phản ứng của trường phái Zagreb (Nam
Tư) và những người mác xít Tây Âu chứng tỏ chủ nghĩa Mác đã biến dạng và
phân hóa.
Đặt vấn đề đọc lại Marx bao
hàm cả mặt triết lý lẫn chính trị. Marx khởi sự là một triết gia, song
quan điểm của ông thật triệt để khi ông đòi hỏi triết học phải biến đổi
thế giới (trong Luận Cương Feuerbach 11, Marx viết: Những triết gia chỉ đi giải thích thế giới, song vấn đề thực ra là phải biến đổi nó/Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretiert, es konnt darauf an, sie zu verandern).
Đó là điểm khác biệt giữa Marx và những triết gia đi trước. Mặt khác,
cũng như trường hợp Hegel, những môn đệ theo Marx còn triệt để trong
quan niệm: triết học Marx chấm dứt giòng lịch sử triết học, nghĩa là sau
Marx, người ta không thể vượt khỏi chủ nghĩa Mác. Về mặt chính trị, đọc
Marx phải khởi từ một chỗ đứng rõ rệt, hoặc chấp nhận Marx, hoặc chống
Marx (đó là ý nghĩa “tính đảng” như người cộng sản quan niệm).
Tuy
nhiên đứng ở một vị trí cực đoan như vậy đối với chủ nghĩa Mác chỉ có
nghĩa chủ trương một chủ nghĩa Mác giáo điều, đóng kín mọi ngả đường
phát triển học thuyết Mác, biến tư tưởng Mác thành những tín điều tuyệt
đối. Đọc Marx một cách sinh động là nhìn nhận có một tiến trình tri thức
trong tư tưởng Marx với những nét đặc thù của nó.
Những
tranh luận về tư tưởng Mác mang hai mặt đối lập: hoặc sử dụng Mác trong
ý đồ biến đổi thế giới, hoặc sử dụng Mác trong ý đồ bảo trì trật tự
hiện hữu; hoặc biện hộ tính chính thống như chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa
Stalin, hoặc đề ra tính công chính của chủ nghĩa Mác để chống lại những
chủ nghĩa này như một số nhà triết học Đông Âu chủ trương; hoặc chấp
nhận lý luận về lịch sử mà phủ nhận biện chứng về tự nhiên, hoặc phủ
nhận triết học và khẳng định chủ nghĩa Mác là một khoa học.
Xét tiến trình hình thành tư tưởng Mác dựa trên những tác phẩm Marx đã hoàn tất hay mới khởi thảo:
Giai đoạn 1: Những tác phẩm thời trẻ, tính cho đến năm 1845, ngoài luận án tiến sĩ, là:
- Năm 1844, khởi thảo Phê Phán Triết Học về Quyền của Hegel.
- Năm 1844, tập Bản Thảo Kinh tế và Triết học.
- Viết chung với Engels năm 1845, Hệ Tư Tưởng Đức và
Gia Đình Thần Thánh.
- Năm 1845, Luận cương Feuerbach.
Giai đoạn 2:
- Năm 1848, Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
- Năm 1847, Sự Nghèo Nàn của Triết Học.
- Hai năm 1857-1858, Những Nguyên Lý Phê Phán Kinh Tế
Chính Trị Học.
Giai đoạn 3:
- Tư Bản tập 1 và tập 2, 3 do Engels xuất bản; Lý Luận về
Giá Trị Thặng Dư do Kautsky xuất bản.
- Năm 1975, Phê Phán Đề Cương Gotha.
Một cái nhìn toàn diện cho thấy ngay từ những bài viết thời trẻ, Marx vẫn tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề ông đưa ra trong Phê Phán Triết Học về Quyền
của Hegel, khám phá ra sứ mạng lịch sử đặc biệt của giai cấp vô sản
cũng như ý tưởng “cách mạng” không phải từ động lực bên ngoài mà xuất
phát từ thành tựu xu hướng nội tại của nó. Có một khâu xuyên suốt quá
trình biện chứng trong học thuyết Mác, do đó khi phân chia những tác
phẩm của Marx theo ba giai đoạn nêu trên không có nghĩa là cắt đứt khâu
biện chứng đó, hay chối bỏ một giai đoạn nào cả.
Vấn
đề đọc Marx còn khởi từ một vấn nạn: một bên học thuyết Mác là một lý
luận toàn diện và duy lý, mặt khác chủ nghĩa Mác lại là cơ sở cho những
tổ chức, đảng và Nhà nước của giai cấp công nhân, điều đó hàm ngụ sự
thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như người cộng sản quan niệm? Một
vấn nạn khác: đứng trên quan điểm nào xét chủ nghĩa Mác trong sự đối lập
giữa bình diện cộng đồng (gemainschaft) và văn hóa (kultur) với bình diện xã hội (gesellschaft) và văn minh (Zivilization) như người Đức quan niệm?
Đọc
Marx còn khởi từ vấn đề tác phẩm: khi người ta nhìn Marx như một nhà tư
tưởng nhân bản cuối cùng của nhân loại, tác phẩm chủ đạo của ông phải
là tập Bản Thảo Kinh Tế Triết Học. Nhìn Marx như một nhà xã hội học tiền phong, tất cả những bản viết khác của Marx đều phụ thuộc vào tác phẩm chính là tập Tư Bản.
Marx
xuất thân từ môi trường triết học và hành trang lý luận của ông chứng
tỏ ông thừa kế một di sản văn hóa, đồng thời cũng có những kế thừa. Một
luận điểm chung của những người cộng sản như Engels và Lênin đã coi ba
nguồn gốc đồng thời với ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học
Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp. Vấn đề đặt ra
là triết học Đức nào? Có phải Marx vẫn chưa ra khỏi ảnh hưởng triết học
duy tâm Hegel? Hay ảnh hưởng của Kant và Fichte? Chính từ những tranh
luận đó đã phát sinh những chiếu hướng giải thích Marx theo chủ nghĩa
Kant mới, chủ nghĩa Hegel, chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, cấu
trúc luận, mặc dầu người cộng sản muốn phân định một ranh giới rõ rệt
giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật.
Những suy luận từ đọc Marx qua tập Bản Thảo Kinh Tế Triết Học sẽ xây dựng một hình ảnh Marx nhân bản của chủ nghĩa cá nhân, hoặc ngược lại đọc Marx qua Tư Bản
với sự đoạn tuyệt tri thức luận sẽ dẫn đến một hình ảnh Marx/nhà khoa
học vượt lên trên những giá trị của con người đối lập với tự nhiên và xã
hội. Cả hai hình ảnh về Marx đều phiến diện. Một lý luận về tha hóa
trong học thuyết Mác phải gắn liền với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đó là
lý do Marx đã tốn nhiều năm vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị học,
với một đối tượng cụ thể là vấn đề “tư bản” và quá trình sản xuất của xã
hội tư bản. Mặt khác, quan niệm đó đã phủ nhận mối quan hệ gắn bó nhất
quán giữa những tác phẩm triết học thời trẻ với những tác phẩm kinh tế
chính trị thời trưởng thành của Marx.
Ngày
nay, mặc dầu toàn bộ sách vở của Marx chưa được tập đại thành song
những tác phẫm xuất bản vào thế kỷ 20 đã chỉnh đốn những lý giải thiên
lệch về chủ nghĩa Mác.
Cũng nhờ đó, nó
soi sáng phần nào những nguyên tắc giáo điều thống trị trong khối cộng
sản từ nhiều thập niên qua, cũng như mở đường hứa hẹn cho một nhận thức
mới về chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Mác có
thể dẫn đến chủ nghĩa hư vô như K. Axelos quan niệm, nhưng tư tưởng của
Marx không phải khởi từ một viễn tượng hư vô chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác
gắn liền với quyền bính, nó suy thoái khi toàn bộ hệ thống cộng sản sụp
đổ, song tư tưởng Mác vẫn còn giá trị viễn tượng hứa hẹn trên bình diện
nhân văn. Đó là vị thế duy nhất của Marx trong lịch sử văn hóa nhân
loại.
Những Đóng Góp của Engels:
Vị trí của Engels trong việc hình thành chủ nghĩa Mác thật quan trọng và phức tạp:
- Engels là người cộng sự của Marx trong việc hợp tác trí thức viết ra những tác phẩm nổi tiếng của chủ nghĩa Mác như Hệ Tư Tưởng Đức; Gia đình thần thánh; Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản.
- Engels là người đồng chí tận tụy sát cánh với Marx trong cuộc sống cũng như hoạt động của phong trào công nhân quốc tế.
-
Engels là người có công quảng bá những luận điểm của chủ nghĩa Mác và
có ảnh hưởng lớn rộng trong tư tưởng, chiến lược và sách lược cho những
lý luận của chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Engels chính là người sáng lập
ra những “chủ nghĩa duy vật lịch sử” và “chủ nghĩa duy vật biện chứng,”
là cơ sở của những chủ nghĩa Mác hiện đại (chủ nghĩa Lênin, Trốtkít,
Stalin và Mao).
Mặc dầu chính Engels tự
nhận là người cộng sự thứ yếu bên cạnh Marx trong việc xây dựng cơ sở
chủ nghĩa Mác, ông có những tác phẩm riêng và tư tưởng của ông có những
điểm dị biệt với tư tưởng Mác. Ngoài ba tác phẩm viết chung với Marx
trước năm 1850, Engels đã trước tác những tác phẩm quan trọng như Chống Duhring (1878); Nguồn Gốc của Gia Đình, Tư Hữu và Nhà Nước (1884), Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức (1888) và một di cảo đã xuất bản là Biện Chứng của Tự Nhiên.
Những điểm dị biệt này đã không được đặt thành vấn đề nghiêm trọng có thể do hai mặt:
-
Sinh hoạt trí thức và chính trị của những học viện nghiên cứu chủ nghĩa
Mác trong thế giới cộng sản vẫn chính thức coi chủ nghĩa Mác với hai cơ
sở “chủ nghĩa duy vật lịch sử” và “chủ nghĩa duy vật biện chứng,” rút
ra từ những tác phẩm của Engels là những cơ sở chính thống của chủ nghĩa
Mác.
- Phần lớn những học giả phương Tây
nghiên cứu chủ nghĩa Mác có nghi vấn hoặc nhìn ra những dị biệt giữa
Marx và Engels thường không tìm hiểu bản chất sự dị biệt này, hoặc chỉ
tìm hiểu Marx và không quan tâm đến Engels, hoặc coi quan điểm của Marx
và Engels thống nhất với nhau, hoặc chấp nhận những chú giải của Engels
về Marx như những chú giải chính thức của Marx.
Ngày nay việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa Marx và Engels vì :
-
Khuynh hướng quan niệm biện chứng của lịch sử xác định vai trò chủ thể
trong lịch sử, quan hệ giữa cá nhân và xã hội và biện chứng là tác động
qua lại giữa chủ thể và khách thể.
-
Khuynh hướng quan niệm biện chứng của tự nhiên xác định những quy luật
chung của tự nhiên ứng dụng vào lịch sử con người, cho nên hành động và ý
hướng của con người về mặt đại thể phải tuân theo những vận động khách
quan của lịch sử, độc lập với việc con người thực hiện hay không thực
hiện.
Sự đối lập giữa hai khuynh hướng
này cũng chỉ ra những tranh luận về chủ nghĩa Mác phê phán và chủ nghĩa
Mác khoa học, chủ nghĩa Mác nhân đạo và chủ nghĩa Mác giáo điều, chủ
nghĩa thực chứng và chủ nghĩa tất định kinh tế.
Ở
đây tôi không đi sâu vào những tranh luận giải thích và phê phán về
Marx với Engels, vì những tranh luận này ngay từ những thập niên đầu thế
kỷ hai mươi đến nay đã dẫn đến một văn kiện tài liệu đồ sộ và phức tạp
của những người mácxit cũng như những nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Ngay
trong khuynh hướng chấp nhận biện chứng lịch sử cũng không hẳn nhất
trí, chẳng hạn quan điểm của Sartre không hẳn đồng nhất với quan điểm
của Lukács (trong giai đoạn “Lịch sử và ý thức giai cấp”), còn phải kể
đến vô số những quan điểm khác nhau của I. Fetscher, H. Lefebvre, T.
Adorno . . . Trong phần nhận định những đóng góp của Engels vào chủ
nghĩa Mác, người viết muốn chỉ ra những nét chính yếu trong lý luận của
Engels như quan niệm nhận thức là phản ánh thực tại, tính tương đối của
tri thức, những quy luật về biện chứng của tự nhiên đã là cơ sở triết
học của chủ nghĩa Mác “chính thống,” hay còn gọi là chủ nghĩa
Mác-Xôviết, khởi từ đó, những quan điểm về nhà nước, chuyên chính vô
sản, chủ nghĩa xã hội cũng như những lý luận về khoa học tự nhiên và xã
hội trong những tác phẩm chính của Engels đã là mẫu mực cho một ý thức
hệ cộng sản ở giai đoạn đảng cộng sản nắm quyền bính:
1.
Về quan hệ hợp tác trí thức giữa Marx và Engels : người cộng sản thường
ca ngợi mối quan hệ hợp tác trí thức cũng như tình bạn vĩ đại giữa Marx
và Engels, nhưng ngày nay một số học giả cũng như những người nghiên
cứu tiểu sử Marx và Engels phát hiện những điểm không rõ rệt như khi
Engels viện dẫn lập luận cho rằng Marx và ông nhất trí với nhau về mọi
điều cơ bản, hay Marx đã đọc và đồng ý với những luận điểm trình bày
trong tác phẩm Chống Duhring, hay trong Biện Chứng của Tự Nhiên (vì những điều này Engels chỉ nêu ra sau khi Marx đã mất).
2. Về cơ sở triết học: Trong tác phẩm Ludwig Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức
(1888), Engels đã đưa ra một lập trường khẳng định về chủ nghĩa duy vật
làm cơ sở triết học cho thế giới quan và nguyên tắc tính đảng của Lênin
sau này trong Chủ Nghĩa Duy Vật và Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Phê Phán. Đó
là sự phân cách rõ rệt giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, quan
niệm chỉ có một thực tại là thế giới vật chất, khả thị cảm xúc, tư duy
và ý thức của con người là sản phẩm của óc, bộ phận vật chất. Engels
viện dẫn Feuerbach để xác định một chủ nghĩa duy vật với quan niệm “vật
chất không phải là một sản phẩm của tinh thần, nhưng chính tinh thần là
một sản phẩm cao nhất của vật chất. “ (Die Materie ist nicht ein
Erzeugnis des Geistes, sondern der Geist ist selbst nur das hochste
Produkt der Materie. )
Sự phát hiện và xuất bản tập Bản Thảo Kinh Tế và Triết Học năm 1844, cũng như Hệ tư tưởng Đức
chỉ được thực hiện sau thời đại của Kautsky và Lênin, đã mở ra một con
đường mới phát triển nhận thức về chủ nghĩa Mác- sự phát hiện quan trọng
này khiến nhiều học giả đặt vấn đề về thái độ của Engels đối với những
tập bản thảo mà ông là người có trách nhiệm sở hữu. Quả thực Engels đã
xác định lập trường trong lời mở đầu tác phẩm dẫn trên (Ludwig Feuerbach und der Augang der klassischen deutschen Philosophie)
đề ngày 21 tháng hai năm 1888: “Phần viết về Feuerbach không nghiêm
túc. Phần hoàn tất nhằm trình bày quan niệm duy vật lịch sử chứng tỏ
kiến thức về lịch sử kinh tế của chúng tôi trong giai đoạn này thiếu
sót. Nó không có phần phê phán học thuyết Feuerbach, vì thế nó không cần
thiết trong mục đích hiện nay. “ Đó là nguyên do Engels đã giữ lại bản
thảo Hệ tư tưởng Đức (viết chung với Marx, mà phần lớn là công trình của Marx) để cho ra đời tác phẩm L. Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức.
Nếu
so sánh giữa hai bản văn, phần luận về Feuerbach trong Hệ Tư Tưởng Đức
và phần tóm lược trong tác phẩm dẫn trên của Engels, không có điểm chung
nào cả. Tuy Engels có viện dẫn ý kiến của Marx trong lời mở đầu tác
phẩm Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học xuất bản năm 1859,
nội dung đoạn văn của Marx cũng chỉ ra rõ ràng là vì “tình thế thay đổi
nên tác phẩm đã không được in ra,” nhưng Marx cũng nhấn mạnh đã hoàn tất
được mục tiêu chính là “tự soi sáng làm cho dễ hiểu” quan điểm của họ
đối lập với quan điểm ý thức hệ của triết học Đức trong khoảng mùa xuân
năm 1845.
Quan điểm của Marx trong giai đoạn này được trình bày rõ ràng trong bản thảo 1844 và Hệ tư tưởng Đức 1845. Những phân tích về sự dị biệt giữa Marx và Engels của nhà triết học Nam tư Ante Pazanin trong Mác và Chủ Nghĩa Duy Vật (Marx i materijalizam), 1972, và nhà triết học Pháp Michel Henry trong Mác, một triết học về thực tại (Marx, une Philosophie de la Réalité), 1976, đã đưa ra mấy luận điểm quan trọng:
a.
Quan niệm thống nhất tự nhiên và lịch sử của Marx đã vượt lên khỏi sự
phân biệt của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, là chân lý thống
nhất của hai chủ nghĩa này.
b. Tư tưởng
triết học của Marx chỉ ra trong Hệ tư tưởng Đức đã lật đổ khái niệm về
hữu thể thống trị giòng lịch sử triết học phương tây bắt nguồn từ thời
cổ đại Hy lạp.
Michel Henry nhận định:
“tư tưởng nơi Marx là thị kiến về hữu thể, mà cấu trúc nội tại của nó
không thể giản lược vào cấu trúc nội tại của thị kiến này, cũng không
thể giản lược vào lý luận, nó chính là thực tiễn. “
Trong lời mở đầu Phê Phán về Quyền của Hegel,
Marx đã viết một câu bất hủ: “Anh không thể thủ tiêu triết học nếu
không thực hiện nó.” (Ihr konnt die Philosophie nicht aufheben, ohn sie
zu verwirklichen) Khái niệm thủ tiêu (aufheben) triết học chỉ ra:
-
Ý nghĩa của hoạt động cách mạng, thực tiễn phê phán (die Bedeutung der
revolutionaren, der praktisch kritischen Tatigkeit) trong Luận Cương Feuerbach I và sự phê phán triệt để chủ nghĩa duy vật và biện chứng trong Hệ Tư Tưởng Đức.
-
Vận động triệt để này thay thế sự giải phóng thông qua một hình thái tư
tưởng khác bằng sự giải phóng thông qua biến đổi xã hội, ngõ hầu cùng
lúc triết học vừa thành tựu vừa triệt huỷ.
-
Tác nhân thực hiện nó là giai cấp vô sản. Trong bản văn dẫn trên, Marx
đã viết: “triết học không thể tự thực hiện nếu không thăng hóa được vô
sản và vô sản không thể tự thăng hóa nếu không thực hiện triết lý. “
(Die Philosophie kann sich nicht verwirklichen ohne die Aufhebung des
Proletariats, das Proletariat kann sich aufheben ohne die Verwirklichung
der Philosophie. )
Trong Ludwig
Feuerbach và Sự Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức, Engels đã bổ sung
quan niệm duy vật về lịch sử bằng việc đặt lại vấn đề triết học như sau:
“Vấn đề cơ bản lớn nhất của mọi triết
học, đặc biệt của triết học hiện đại là vấn đề về quan hệ giữa tư duy và
hữu thể. “ (Die grosse Grundfrage aller, spezielle neueren Philosophie
ist die nach dem Verhaltnis von Denken und Sein. )
Ở
một đoạn kế tiếp, ông viết: “Vấn đề quan hệ giữa tư duy và hữu thể,
giữa tinh thần và tự nhiên là vấn đề tột đỉnh của toàn thể triết học.
Tùy vào những giải đáp mà các triết gia trả lời vấn đề này đã phân chia
thành hai phe lớn. Những triết gia nào khẳng định tinh thần có trước tự
nhiên thuộc về phe duy tâm. Những người nào coi tự nhiên có trước, thuộc
vào những trường phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật. “
Đối
chiếu với quan điểm của Marx, có thể coi Engels như người đầu tiên theo
“chủ nghĩa xét lại” trong giòng lịch sử của chủ nghĩa Mác. Song quan
điểm của Engels thật quan trọng vì nó là cơ sở của chủ nghĩa duy vật
biện chứng ở đầu thế kỷ hai mươi, từ Plekhanov, Lênin đến Stalin.
Mặc
dầu trong tác phẩm dẫn trên, Engels quan niệm “chủ nghĩa duy vật không
là gì khác hơn sự nghiên cứu thế giới thực,” song ông không vượt khỏi
vòng rào của truyền thống siêu hình cổ điển. Thay vì nhận thức thế giới
lịch sử cụ thể, ông đã khai triển theo chiều hướng duy nghiệm của thế kỷ
18. Trong tác phẩm Chống Duhring, Engels còn xác định:
“Cái
thống nhất thực của thế giới dựa vào tính vật chất . . . do sự phát
triển lâu dài của triết học và khoa học tự nhiên.“ Cũng trong tác phẩm
này, Engels đã phát biểu sự thăng hoa triết học theo ý nghĩa “không còn
triết học nữa nhưng là một thế giới quan đơn giản chỉ hình thành và
chứng thực qua những khoa học thực nghiệm. “
3.
Về biện chứng của tự nhiên: Trong phần lý luận về tư bản, tôi sẽ phân
tích tính biện chứng trong bộ Tư bản của Marx cũng như chính ông đã xác
định phép biện chứng đó về bản chất “có tính cách phê phán và cách
mạng,” không những phân biệt với phương pháp của Hegel, thậm chí còn đối
lập trực tiếp vì:
“Dưới hình thức huyền
bí, phép biện chứng trở thành thời thượng ở nước Đức, nó có vẻ tô điểm
và vinh danh thực trạng hiện hữu. Trong hình thức hợp lý, nó là một sự
xúc phạm ghê gớm đối với giai cấp tư bản và những giáo sư lý luận của
giai cấp này, bởi vì nó cũng nhận thức khẳng định về thực trạng hiện
hữu, đồng thời nó cũng nhận thức về sự phủ định thực trạng này, với sự
tan rã không thể tránh khỏi; vì nó quan sát mọi hình thái xã hội phát
triển về mặt lịch sử trong vận động lưu chuyển của nó, và do đó nó xét
đến tình trạng nhất thời cũng như sự hiện hữu tạm thời của thực trạng
này. “
Theo Hegel, thế giới thực chỉ là
hình thức hiện tượng bề ngoài của “Ý Tưởng”, trong khi Marx đưa ra một
luận điểm đảo ngược:” Ý Tưởng không là gì khác hơn thế giới vật chất
được phản ánh trong tinh thần con người và diễn dịch thành hình thái tư
duy. “ (. . . bei nur ist das Ideele nichts anderes als das am
Menschenkopf umgesetze und ubersetzte Materielle. )
Marx
cũng chỉ ra ông sử dụng phép biện chứng như một “phương pháp trình
bày;” ông không đưa ra môt phép lý luận về phép biện chứng và ông chưa
hề nói đến “chủ nghĩa duy vật biện chứng. “ Từ ngữ này được coi là do
Engels đặt ra. Trong lời tựa Chống Duhring xuất bản lần thứ ba, Engels
khẳng định “Marx và tôi hầu như là những người duy nhất đã cứu vãn phép
biện chứng có ý thức thoát khỏi triết học duy tâm Đức và đem áp dụng vào
quan niệm duy vật về tự nhiên và lịch sử. “
Engels
phân tích phép biện chứng của Marx chỉ ra những mối quan hệ qua lại và
phạm trù trong khoa học, phân biệt với những đường lối tư duy siêu hình
cổ điển. Phương pháp biện chứng đó là hình thức phát triển thực duy nhất
của tư duy, không rơi vào cạm bẫy tư tưởng duy tâm. Tuy nhiên trong Hệ
Tư Tưởng Đức Marx đã đưa ra quan điểm thống nhất của tự nhiên và lịch
sử, cũng như ông không chấp nhận một quan niệm về lãnh vực tự nhiên ở
bên ngoài con người, ít ra về mặt thực tiễn. Mối quan hệ giữa tự nhiên
và con người tạo thành một toàn bộ thống nhất, như Marx đã viết: “Toàn
bộ lịch sử thế giới không là gì khác hơn . . . sản xuất của con người
thông qua lao động, sự phát triển của tự nhiên dành cho con người. “
Trong Hệ tư tưởng Đức, ông cũng chỉ rõ: “Chúng ta chỉ biết một khoa học,
khoa học về lịch sử. Lịch sử có thể xét từ hai mặt . . . nó có thể chia
thành lịch sử tự nhiên và lịch sử con người. Nhưng cả hai mặt này không
thể tách rời nhau. Bao lâu con người tồn tại, thì tự nhiên và lịch sử
vẫn là những điều kiện tiên quyết đối với nhau. “
Tính
biện chứng trong lịch sử con người ở chỗ Marx nhận ra mặt phủ định thực
tại là một điều kiện lịch sử được áp dụng vào thực tiễn như một hành
động lịch sử giải phóng giai cấp vô sản, trong đó thực tại xã hội và ý
thức tác động lẫn nhau. Cho nên trong lời Bạt quyển Tư Bản xuất bản lần
thứ hai (tiếng Đức), gần ba mươi năm sau, Marx đã trở lại đề cập vấn đề
biện chứng rút ra từ phép biện chứng của Hegel. Tuy nhiên ông không
trình bày một cách có hệ thống và đầy đủ về phép biện chứng này như thế
nào, đã gây nhiều tranh luận cho những người mácxít về sau. Sự khác biệt
giữa hai quan niệm biện chứng: một đằng chỉ ra mối quan hệ giữa chủ thể
và khách thể, một đằng chỉ ra vận động và quan hệ liên kết không chỉ
thuần túy tranh luận trên bình diện nhận thức, nhưng xác định về mặt
thực tiễn chính trị - mâu thuẫn đối kháng giữa quan điểm nhất nguyên và
đa nguyên trong sinh hoạt chính trị, sách lược và chiến lược đấu tranh
chính trị.
Quan niệm về tự nhiên của
Engels xây dựng trên lý luận tiến hóa được lý giải dưới ánh sáng biện
chứng. Engels cho rằng Marx và ông đã chỉ ra được một chủ nghĩa duy vật
mới bao hàm những khám phá mới nhất của khoa học tự nhiên. Trong quyển
Chống Duhring, ông định nghĩa: Biện chứng không là gì khác hơn khoa học
về những quy luật chung của vận động và sự phát triển của tự nhiên, xã
hội con người và tư duy.
Engels quan niệm
“Tự nhiên là kiểm tra của biện chứng. “ (Die Natur ist die Probe auf
die Dialektik) và thông qua những khoa học tự nhiên hiện đại, phép biện
chứng đã đem lại những thành quả phong phú cho tự nhiên và chứng thực là
trong tự nhiên, phân tích cho cùng, mọi vật diễn ra không phải theo
tính cách siêu hình mà theo tính biện chứng. “. . . tự nhiên không vận
động trong một tuần hoàn chu kỳ lập lại không ngừng, nhưng diễn ra một
quá trình lịch sử thực sự. “ (. . . dass sie sich nicht im ewigen
Einerlei eins stets wiederholten Kreises bewegt, sondern eine wirkliche
Geschichte durchmacht. )
Lịch sử ở đây
không phải theo ý nghĩa của Marx dẫn ra ở trên, thăng hoa trong lịch sử
con người - mà ở đây là một lịch sử tự nhiên, với toàn bộ thực tại là
vận động phát triển không ngừng của vật chất theo những quy luật chung
của biện chứng. Engels nhận định trong tự nhiên có những lực tác động mù
quáng không có ý thức và quy luật chung của biện chứng diễn ra trong
tác động qua lại này. Cho nên trong lịch sử xã hội, dầu con người hành
động một cách ý thức, có chủ đích nhất định, điều đó cũng chỉ quan trọng
cho việc nghiên cứu lịch sử những đặc tính và thời đại cá biệt, song
quá trình diễn biến của lịch sử vẫn xác định bởi những quy luật chung
nội tại.
Engels cũng khẳng định một quan
điểm duy vật về tự nhiên “. . . không là gì khác hơn quan niệm về tự
nhiên một cách tự tại, không thêm bớt gì ở bên ngoài vào. “ Những điểm
chính yếu trong lý luận biện chứng về tự nhiên của Engels có thể tóm
lược như sau:
1. Tính thuần nhất của thế giới căn cứ vào tính vật chất của nó.
2. Những hình thái cơ bản của mọi hiện hữu ở bên ngoài không gian và thời gian.
3.
Vận động là phương thức hiện hữu của sự vật. Tự nhiên là một phức hợp
bao gồm những quá trình, với vô số những hình thái biến đổi.
Trong Biện Chứng của Tự nhiên, Engels đã lập lại những quy luật biện chứng của Hegel:
- Quy luật biến đổi từ lượng sang chất và ngược lại.
- Quy luật tác động qua lại của những mặt đối lập.
- Quy luật phủ định của phủ định.
Sự
khác biệt với Hegel, theo Engels, ở chỗ Hegel quan niệm những quy luật
trên là quy luật của tư duy trong khi những quy luật biện chứng này là
những quy luật thực sự của phát triển tự nhiên và do đó có giá trị trong
mọi khoa học tự nhiên.
Trong Chống
Duhring, Engels cũng đã viện dẫn Marx để bảo đảm cho quan niệm triết lý
duy vật này: “Khi Marx định nghĩa quá trình là phủ định không phải Marx
thử chứng nghiệm tính tất yếu lịch sử của nó, mà ngược lại sau khi chứng
tỏ về mặt lịch sử, quá trình đó diễn ra và cũng có thể diễn ra trong
tương lai, Marx đã định nghĩa nó như một quá trình phù hợp với quy luật
đặc biệt của biện chứng. “
Những quy luật
biện chứng nêu trên được phân tích trong tập di cảo “Biện chứng của tự
nhiên” (chưa hoàn tất và xuất bản lần thứ nhất vào năm 1925) cũng như
trong “Chống Duhring” đã phác họa một lý luận về tự nhiên của Engels :
- Nhận thức những quy luật của thế giới tự nhiên độc lập với ý chí và tinh thần con người.
-
Một lý luận về sự phát triển không ngừng của tự nhiên. Sự vật diễn ra
theo một vận động tất yếu, dầu con người chưa nhận thức được.
-
Quy luật biến đổi chỉ rõ sự đối lập với chủ nghĩa duy vật máy móc ở
chỗ, vận động của tự nhiên biến đổi từ lượng qua chất, không phải chỉ là
những chất phụ thuộc đơn thuần, sản phẩm của tri giác, nhưng tạo ra
những chất mới, đồng thời những chất cũ mất đi. Quy luật tác động qua
lại giữa những mặt đối lập chỉ rõ tự nhiên là một hệ thống những xung
đột và áp lực. Quy luật phủ định của phủ định chỉ ra sự phủ định không
phải chỉ thuần tuý huỷ diệt, nhưng là một vận động phát triển trong khi
huy diệt, lại bảo toàn và phát triển ở mức độ cao hơn. Vận động này được
mô tả như một phát triển theo đường vòng trôn ốc.
Ảnh hưởng biện chứng tự nhiên của Engels rất phổ biến trong chủ nghĩa cộng sản hiện đại :
-
Người cộng sản thường sử dụng từ “biện chứng” đối lập với từ “siêu
hình” để gán cho những tư tưởng đối nghịch. Phép biện chứng trở thành
một từ ngữ then chốt để chỉ một hình thái tư duy, một hệ tư tưởng chuyên
chính, một triết học mang tính đảng. Trong khi Marx quan niệm thăng hoa
triết học thì ngược lại qua việc xây dựng một thế giới quan duy vật,
Engels đã trở lại những vấn đề cổ điển của triết học, mở đường cho hệ
thống triết học chính thống Xô viết qua “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa
kinh nghiệm phê phán” của Lênin và “Chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch
sử” của Stalin.
- Trong: Chống Duhring,
Engels quan niệm ngoại trừ lý luận về tư duy và những quy luật của tư
tưởng (luận lý hình thức và phép biện chứng) còn tất cả những điều khác
phải sát nhập vào trong khoa học thực nghiệm của tự nhiên và lịch sử,
dẫn đến quan niệm của người cộng sản nhằm xây dựng một “thế giới quan
khoa học”. Trong Biện Chứng của Tự Nhiên, Engels chỉ nhắc đến Marx một
lần trong việc áp dụng phương pháp biện chứng vào khoa kinh tế chính trị
học. Dựa trên những kiến thức của khoa học tự nhiên ở thời đại của ông,
Engels đến gần với Hegel thời già qua giai đoạn Wissenschaft der Logik,
những kiến thức này phần lớn đã lỗi thời – tuy nhiên, những nét chính
yếu trong tư tưởng của ông như khuynh hướng tự nhiên, nhận thức là phản
ánh thực tại, tri thức có tính tương đối, tự nhiên có những quy luật
biện chứng độc lập với tư tưởng con người vẫn được coi là những mẫu mực
của triết học cộng sản hiện đại. Bản chất “khoa học” trong phép biện
chứng như Engels trình bày qua hai tác phẩm Chống Duhring và Biện Chứng
của Tự Nhiên có khả năng thâu nhận mọi thành quả khoa học, song điều đó
không có nghĩa là triết học của ông đóng góp vào việc phát triển khoa
học. “Phương pháp biện chứng” như Engels quan niệm không phải là một
phương pháp có khả năng phát hiện những thành quả mới cho khoa học tự
nhiên. Quả thật “Biện chứng của tự nhiên” của Engels chứa đựng nhiều
điển hình về một suy luận thuần túy trong những phiêu lưu kiến thức của
ông đối với các khoa học tự nhiên và toán học. Giới hạn trong phép biện
chứng, Engels đã loại bỏ hai khám phá lớn nhất ở thời đại của ông là
nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học và lý luận chọn lọc tự nhiên
(Xem “Triết học và Khoa học” của ĐPQ, xb. năm 1972). Nhà sinh vật học
người Pháp J. Monod gọi khoa biện chứng duy vật này là một “phóng chiếu
vật linh”. Quả thật, Engels không giải quyết được lưỡng luận đề ra trong
mối quan hệ giữa hệ thống và phương pháp: một đằng ông quan niệm những
khái quát triết lý không có giá trị nếu không xây dựng trên kinh nghiệm
khoa học, mặt khác khi phê phán chủ nghĩa duy nghiệm, ông lại cho triết
học giữ vai trò kiểm soát đối với thực nghiệm.
-
Sở dĩ những người cộng sản sau này như Lênin và Stalin chấp nhận toàn
bộ lý luận biện chứng tự nhiên của Engels vì quan niệm một lý luận phát
triển từ trình độ thấp lên trình độ cao có giá trị thực tiễn về mặt
chính trị trong mục tiêu đấu tranh của người cộng sản như xác quyết tính
ưu việt của xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa, trong khi thay thế xã hội này mà
vẫn bảo toàn những giá trị to lớn của văn hóa vật chất và trí thức kết
tập ở những phát triển về trước, phân biệt mâu thuẫn đối kháng trong xã
hội Tư Bản Chủ Nghĩa và những xã hội về trước với mâu thuẫn không đối
kháng trong xã hội Xã Hội Chũ Nghĩa và xã hội cộng sản, khẳng định tỷ
suất trung bình của lợi tức quốc gia trong xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa cao
hơn so với xã hội Tư Bản Chủ Nghĩa. Khi đề cao những quy luật của biện
chứng, người cộng sản tiến đến chỗ tuyệt đối hóa những giá trị của quy
luật và đem phép biện chứng trở lại tính cách huyền bí như chính Marx đã
phê phán biện chứng của Hegel.
hết:
Chương 1
, xem tiếp:
Chương 2
|
Đánh máy: HuyTran
Nguồn: HuyTran - VNthuquan - Thư viện Online Được bạn: Ct.Ly đưa lên vào ngày: 9 tháng 3 năm 2009 |
|
No comments:
Post a Comment