Sunday, January 22, 2017

NAM HOA KINH XXI- LIỆT NGỰ KHẤU- THIÊN HẠ

Chương XXXII LIỆT NGỰ KHẤU (Liệt Ngự Khấu)

  1 Liệt Ngự Khấu đi sang nước Tề, nửa đường quay về, gặp Bá Hôn Mâu Nhân[1]. Bá Hôn Mâu Nhân hỏi: - Sao lại trở về? Đáp: - Vì tôi sợ. - Sợ cái gì? - Tôi ăn tại mười nhà làm tương mà năm nhà dọn cho tôi ăn trước. - Như vậy thì có gì mà sợ? - Sợ vì lòng chân thành của tôi không hoàn toàn mà nó hiện ra rực rỡ bên ngoài. Dùng cái bề ngoài ấy mà chấn phục nhân tâm, khiến người ta trọng tôi hơn các bậc trưởng lão, như vậy tai nạn sẽ tới. Những người bán tương ấy chỉ sống bằng nghề bán thức ăn, lợi không được bao, quyền thế lại chẳng có gì mà còn đối xử với tôi như vậy, huống hồ ông vua một vạn cổ xe [tức nước Tề], thân thể mệt nhọc vì việc nước, tâm trí để hết vào chính sự. Ông ấy sẽ giao trọng trách cho tôi, xét xem tôi có được việc không. Vì vậy mà tôi sợ. Bá Hôn Mâu Nhân bảo: - Anh nhận xét sáng suốt đấy. Nhưng dù anh làm một thường dân thì người ta cũng qui phụ anh. Ít lâu sau, lại nhà [Liệt Ngự Khấu], thấy dép để đầy ngoài cửa[2], Bá Hôn Mâu Nhân đứng hướng về phương Bắc, cằm tì vào chiếc gậy, một lát rồi lặng thinh đi về. Người coi cửa[3] cho Liệt tử hay. Liệt tử không kịp xỏ dép, vội vàng xách dép chạy theo, tới cổng thì đuổi kịp, hỏi: - Thầy tới mà sao không chỉ cho tôi phương thuốc gì [tức một lời khuyên răn nào]? Bá Hôn Mâu Nhân đáp: - Vô ích. Ta đã bảo anh rằng người ta sẽ qui phụ anh đấy, quả nhiên như vậy. Không phải là anh cố ý làm cho người ta qui phụ anh, mà là anh không biết cách làm cho người ta đừng qui phụ anh. Cần gì phải làm điều dị thường để cho người ta cảm mộ mình trước như vậy? Không có lí họ thúc đẩy anh tỏ tài riêng của anh ra[4]. Những người giao thiệp với anh không có gì để nói với anh cả. Những lời nhỏ nhen của họ có hại như thuốc độc đấy. Anh mê muội, không giác ngộ thì làm sao có thể cải hoá anh được[5]. Kẻ khéo léo thì lao khổ, kẻ thông minh thì đa ưu. Người vô tài thì [an phận] không cầu gì cả, ăn no rồi ngao du, như một chiếc thuyền không bị cột, phiêu lưu trên mặt nước. Họ hư tâm mà ngao du[6]. 2 Một người nước Trịnh tên là Hoãn ra rả học bài ở đất Cầu Thi. Chỉ trong ba năm thành một Nho gia, ân trạch lan tới ba họ, như nước sông Hoàng Hà thấm nhuần tới chín dặm [ở hai bên bờ]. Người đó cho em học đạo Mặc, thành một Mặc gia. Nho và Mặc tranh luận nhau, người cha bên người em tên là Địch. Mười năm sau, Hoãn [tức giận] tự sát. Một đêm, người cha nằm mộng thấy Hoãn về bảo: - Chính tôi cho con ông học thành một Mặc gia, thế mà không bao giờ ông thăm mộ tôi, nơi đó cây bá mùa thu đã có trái? Con người sở dĩ được chút tài gì, thì cái đó không phải công của người mà là do trời cho. Trời khiến như vậy mới được như vậy. Hoãn kia tự cho mình có tài hơn người mà khinh cha thì không khác gì người nước Tề đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống[7]. Hết thảy người đời nay đều như tên Hoãn đó. Do dó, [ta có thể kết luận rằng] người có đức phải đừng nghĩ rằng mình có đức, huống hồ là người có Đạo. [Khoe rằng mình có Đạo] người xưa bảo là mắc cái tội trái đạo trời (hoặc cướp công trời). 3 Thánh nhân yên ở chỗ yên, không yên ở chỗ không yên; người thường yên ở chỗ không yên, không yên ở chỗ yên[8]. Trang tử bảo: Biết Đạo là điều dễ; không nói về Đạo mới khó. Biết mà không nói là tiến lại thiên nhiên; biết mà nói là tiến tới “nhân vi”. Cổ nhân tiến tới thiên nhiên chứ không tiến tới nhân vi. 4 Chu Bình Mạn tốn cả gia sản là ngàn vàng để nhờ Chi Li Ích dạy cho cách mổ thịt rồng. Sau ba năm, kĩ thuật tinh xảo rồi mà không có chỗ dùng. 5 Thánh nhân không cho cái tất nhiên là tất nhiên cho nên không dùng binh (hoặc không giao tranh); người thường cho cái không tất nhiên là tất nhiên nên hay dùng binh. Thích dùng binh thì tìm cách thoả mãn sở thích của mình. Trông cậy vào binh lực thì sẽ chết. Trí tuệ của kẻ tầm thường thì chỉ nghĩ tới lễ vật và thư từ, thù tạc, khiến tinh thần mệt mỏi vào những việc nông cạn, thô lậu. Vậy mà họ tưởng mình dùng Đạo giúp hết cả vạn vật, đạt được sự hợp nhất và sự hư tĩng của hình thể. Như vậy mê hoặc về vũ trụ, bị luỵ về hình thể mà không biết được nguồn gốc của vạn vật. Bậc chí nhân đưa tinh thần về chỗ Vô thuỷ mà vui ở chỗ Hư vô; như nước chảy mà không có hình tích, phát tiết ở chỗ cực trong sạch. Buồn thay! Trí tuệ cho anh biết được cái nhỏ nhặt như ngọn lông mà không biết được cái đạo lớn yên tĩnh. 5 Một người nước Tống tên là Tào Thương được vua Tống sai đi sứ qua Tần, khi đi chỉ có năm cỗ xe. Vua Tần bằng lòng ông ta lắm, cho một trăm cỗ. Về tới Tống, ông ta gặp Trang tử, bảo: - Ở trong một đường hẽm trong một xóm nghèo khổ, quẫn quách tới nỗi phải bện dép để sống, đói tới nỗi cổ ngẳng, mặt xanh xao, đó là sở đoản của Thương tôi. Nhất đán gặp vua một nước vạn cỗ xe rồi được tặng một trăm cỗ xe, đó là sở trường của Thương tôi. Trang tử đáp: - Vua Tần bị bệnh, vời một y sĩ tới trị. Y sĩ mổ một cái nhọt lớn, nặn hết mũ ra, vua Tần thưởng cho một cỗ xe; còn kẻ nào liếm trĩ của ông thì ông thưởng cho năm cỗ xe. Vậy việc càng đê tiện thì càng được thưởng nhiều. Phải ông trị bệnh trĩ cho vua Tần không, sao mà được thưởng nhiều xe như vậy? Thôi ông cút đi”. 6 Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Nhan Hạp: - Quả nhân muốn dùng Trọng Ni làm tướng quốc, nước có thể khá hơn được không? Nhan Hạp đáp: - Nước sẽ nguy thêm. Ông Trọng Ni ấy tai hại lắm! Trang sức bằng lông chim và hình vẽ, chỉ dùng những lời hoa mĩ, coi chi tiết là chủ yếu, dạy dân che dấu bản tính[9], mà không biết rằng mình không thành tín. Lòng và tinh thần dân theo ông ấy thì không hướng thượng được. Trọng Ni thích hợp với nhà vua ư? Nhà vua muốn tôi đồng ý[10] với nhà vua ư? Nếu vậy thì nhà vua lầm rồi. Khiến cho vua bỏ chân tính mà học cái hư nguỵ, thì làm sao gọi là dạy dân được. Nếu nhà vua mưu tính cái lợi cho đời sau thì nên bỏ ý ấy đi, chỉ làm cho dân thêm khó trị thôi. 8 Gia ân cho người mà không quên được công mình, đó không phải là đức nhân của trời. Con buôn là hạng đáng khinh, tuy có lúc phải giao thiệp với họ nhưng trong lòng mình vẫn khinh họ[11]. Hình phạt ở ngoài [nghĩa là về thể xác] là búa rìu và gông cùm; hình phạt ở trong là sự dao động và thái quá. Kẻ tiểu nhân bị hình phạt ở ngoài thì bị tra tấn bằng búa rìu, gông cùm, bị hình phạt ở trong thì bị âm dương hành hạ. Chỉ bậc chí nhân là tránh được cả hình phạt ở ngoài lẫn ở trong. 9 Khổng Tử bảo: “Lòng người ta hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời nữa. Vì trời còn có những hiện tượng đúng kì: xuân hạ thu đông, sáng và tối; còn người ta thì bề ngoài thì kín đáo mà trong lòng thì sâu thẳm. Cho nên có kẻ bề ngoài thận trọng mà hành vi lại phóng túng; có kẻ bề ngoài có vẻ trưởng thượng đáng kính mà lòng thì xấu xa; có kẻ bề ngoài nhu thuận, hẹp hòi mà lòng lại khoáng đạt; có kẻ bề ngoài cứng cỏi mà lòng lại nhu nhược; có kẻ bề ngoài hoà hoãn mà trong lòng lại nóng nảy. Cho nên có kẻ ham điều nhân nghĩa như khát khao, mà lại trốn nhân nghĩa như trốn lửa. Cho nên bậc quân tử dùng người thì sai đi xa để xét lòng trung tín của họ, giao cho những việc gần để xét lòng kính cẩn của họ; bảo làm những việc khó để xét tài năng của họ; thình lình hỏi họ để xét trí thông minh của họ; đưa ra một kì hạn gấp để họ có giữ chữ tín không; giao phó tiền bạc để xem họ có đức nhân (tức bất vị lợi?) không; bảo cho họ biết trước việc nguy hiểm để xem có đổi tiết tháo không; cho họ uống rượu say để xem họ có giữ được phép tắc không; cho họ ở những chốn hổn tạp (trai gái sống chung với nhau) xem họ có dâm loạn không. Thí nghiệm chín cách như trên rồi thì biết được kẻ nào xấu xa”. 10 Chính Khảo Phụ lần đầu được lệnh bổ dụng thì cúi đầu xuống, lần thứ nhì thì khom lưng xuống, lần thứ ba[12] thì phủ phục xuống, men theo tường mà chạy. Cung kính như vậy thì ai dám đem việc không phải phép mà làm nhục ông ta?[13] Hạng phàm phu lần đầu được lệnh bổ dụng thì vênh vênh váo váo; lần thì nhảy múa trên xe, lần thứ ba thì goi chú bác bằng tên tục. Ai dám so sánh hạng đó với vua Nghiêu và Hứa Do?[14] ° Hoạ không gì lớn bằng đức có tâm[15] mà tâm có mắt, tâm có mắt nên nhìn bằng tâm, mà nhìn bằng tâm thì bại hoại.[16] Có năm loại hung đức, mà tệ nhất là đức ở trong tâm. Thế nào là đức ở trong tâm? Đức ở trong tâm là tự cho mình phải và chê tất cả những cái người ta không làm[17]. Cùng khốn có tám loại cực đoan; thông đạt có ba cái tất nhiên; thân thể có sáu tạng phủ. Đẹp đẻ, có râu, cao, lớn, cường tráng, bảnh bao, dũng mãnh, quả cảm, tám cái đó mà hơn người thì sẽ bị cùng khốn. Theo sau người, khuất phục người, sợ người ta về ba cái đó mà chịu kém người thì sẽ thông đạt (thành công). Trí tuệ mà lộ ra ngoài thì chỉ đeo đuổi ngoại vật; dõng mãnh nóng nảy, thì gây sự oán thù; hay bàn về nhân nghĩa thì bị người ta trách móc. Hiểu rõ phép đạt sinh thì hanh thông; dùng trí tuệ thì hoá nhỏ nhen; hiểu rõ mệnh trời thì tuỳ thuận tự nhiên, mà hiểu vận mệnh thì tuỳ ngộ nhi an. 11 Một người lại bái kiến vua Tống, được ân tứ mười cổ xe, đánh mười cổ xe đó lại khoe Trang tử, Trang tử bảo: - Trên bờ Hoàng Hà có một gia đình nghèo, sống nhờ nghề đan cỏ ngải. Một hôm một người con lặn xuống vực, vớt được một viên ngọc châu đáng giá ngàn vàng. Người cha bảo con: “Lấy một phiến đá đập bể nó đi! Một viên ngọc đáng giá ngàn vàng tất phải ở dưới cằm một con rồng đen trong một vực sâu chín đợt. Con lấy được nó chắc là trong khi con rồng đó ngủ; nó tỉnh dậy thì còn gì là đời con nữa!”. Nước Tống ngày nay còn sâu hơn cái vực chín đợt, mà vua Tống còn hung dữ hơn con rồng đen nữa. Chú được mười cỗ xe đó chắc là trong lúc ông ta ngủ; ông ấy mà tỉnh dậy thì tất chú bị nát thây mất. 12 Một ông vua muốn vời Trang tử ra làm quan. Trang tử đáp sứ giả: - Ông có thấy con bò để tế đất không? Người ta trùm cho nó tấm gấm thêu, cho nó ăn cỏ và đậu lớn, để một ngày kia đắt nó lại thái miếu, giết nó để tế. Lúc đó nó có muốn làm một con bê cô độc, phỏng có được không? 13 Trang tử hấp hối. Môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng. Ông nghe được bảo: - Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa? Môn sinh đáp: - Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy. Trang tử bảo: - Tại trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục (đằng nào cũng vậy). Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới? 14 Dùng cái không quân bình[18] để quân bình vạn vật, thì cái quân bình đó không phải là quân bình. Dùng cái không ứng nghiệm để ứng nghiệm vạn vật thì cái ứng nghiệm đó không phải là ứng nghiệm. Trí thông minh bị ngoại vật sai khiến, duy sự thần linh là ứng nghiệm được vạn vật. Trí thông minh không bằng sự thần linh, điều đó ai cũng biết từ lâu rồi. Mà kẻ ngu muội vẫn trông cậy vào trí thông minh, chìm đắm vào nhân sự, dụng công vô ích. Đáng thương thay! NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHƯƠNG TỪ VÔ QUỈ VÀ LIỆT NGỰ KHẤU
Chương Từ Vô Quỉ này, hình thức và nội dung đều rất phức tạp, có những bài thuần tuý lí luận (bài 4, 13, 14, 15), có những bài là ngụ ngôn (bài 3, 9, 10, 12) hoặc cố sự (bài 5, 6, 7, 8), lại có những bài (1, 2) khó mà quyết định được là cố sự (truyện có thật) hay ngụ ngôn (truyện tưởng tượng). Tìm một vài tư tưởng làm trung tâm cho chương thì không thấy. Bài 2, 3: bàn về cách trị dân, khuyên không nên bắt dân lao khổ để cung phụng “tai mắt mũi miệng” của mình, không nên theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh (bài 2); phải trừ cái hại cho dân, cũng như người chăn ngựa phải trừ cái hại cho ngựa (bài 3). Bài 1: bảo muốn làm cho vua cười thì đừng giảng đạo đức cho họ nghe. Bài 4: khuyên đừng nên chìm đắm vào ngoại vật. Bài 5: bàn về cái lẽ phải được mọi người chấp nhận. Bài 6: chép cố sự Trang tử thương tiếp Huệ tử. Bài 7: chép cố sự Quản Trọng giới thiệu Thấp Bằng với Tề Hoàn công. Bài 8: cảnh cáo ta hễ tự phụ, khoe tài thì chết. Bài 9: khuyên nên mai danh ẩn tích. Bài 10: bàn về đức của thánh nhân. Bài 11: chỉ là một truyện coi tướng. Bài 12: bảo hiền nhân có lợi mà cũng có hại cho xã hội. Bài 13: vẽ chân dung ba hạng người: hạng hợm hĩnh, hạng cẩu thả sống gởi, hạng còng lưng giúp ích cho đời. Bài 14 và 15: gồm những tư tưởng vụn về chân nhân và Đạo. Xét chung tư tưởng hợp với Trang mà cũng có vài bài (10, 12) hợp với Lão, nhưng không phát huy thêm được gì. Bảo các tác giả chương này ở trong môn phái Trang hay thuộc nhóm Đạo gia thì cũng được. Bài 7 chép trong Liệt tử (VI.3) và trong Lữ thị Xuân Thu (chương Quí Công) vì vậy mà ta có thể đoán tác giả ở cuối thời Chiến Quốc, và sự thu thập các tạp văn trong chương đã được thực hiện vào đời Hán. Chương XXXII Liệt Ngự Khấu này ngắn hơn Từ Vô Quỉ mà có phần phức tạp hơn nữa. Cũng không có chủ điểm. Đại khái có thể coi là những bài văn ngắn của môn phái Trang tử do người đời Hán sưu tập.[19] Chú thích: [1] Liệt Ngự Khấu tức Liệt tử. – Bá Hôn Mâu Nhân là một ẩn sĩ nước Sở, Liệt tử rất trọng. [2] Dép của môn đệ hoặc hạng khách khứa trọng Liệt tử. [3] Người này có nhiệm vụ thông báo khi có khách tới. [4] Nguyên văn: dao nhi bản tài, có sách dịch là làm dao động bản tính của anh. [5] Bài này, từ đầu tới đây, tôi đã dịch trong cuốn Liệt tử, trang 130-33. Nay tôi dịch lại để sửa vài chữ ở những đoạn trên, còn đoạn cuối này, đành để như cũ, vì tối nghĩa quá, không biết dịch sao cho đúng. [6] Mấy hàng cuối này không có trong cuốn Liệt tử và không liên lạc gì với truyện, tách ra phải hơn. [7] Nước đó của trời chứ đâu phải của mình mà cấm, cũng như tài của Hoãn là do trời cho, có gì mà tự đắc. Hai câu này L.K.h. dịch là: Người em thành một Mặc gia là do thiên phú. Người anh (tên Hoãn) tự cho đó là công của mình mà trách cha bênh vực em, thì cũng không khác gì người nước Tể đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống. Dịch như vậy thì trên dưới hô ứng nhau mật thiết hơn; dịch như trên thì sát nghĩa hơn. [8] V.P.C. chú giải: như Liệt Ngự Khấu thấy năm nhà bán tương dọn cho mình ăn trước mà sợ, rốt cuộc bị người ta qui phụ nhiều quá (coi bài 1 chương này) thế là lòng bất an không thắng được sự dao động của vật, nhưng cái đó ngoài dự liệu của ông, mà sự không an ở chỗ không an của ông khác với người thường. H.C.H. dịch là: Thánh nhân thuận theo bản tính của vật, không ép vật theo mình, người thường là trái hẳn bản tính để truy cầu ngoại vật, không cho vật thuận theo tự nhiên. L.K.h. giảng: Thánh nhân sửa mình hoài nên sung sướng, không truy cầu ngoại vật mà hại cho mình; còn người thương đeo duổi cái lợi vật chất nó không tuỳ thuộc họ, mà không nghĩ tới sự tu tâm dưỡng tính nó tuỳ thuộc họ. Tiền Mục chẳng giảng gì cả, để cho chúng ta hiểu ra sao thì hiểu. Có lẽ họ Tiền này khôn hơn cả. [9] L.K.h. dịch là: biến đổi bản tính của mình để dạy dân. [10] Dư di dữ?. Tiền Mục dịch là: muốn tôi vui ư? [11] Câu này H.C.H. dịch là: khiến cho con buôn khinh họ (tức hạng người không quên công đức của mình), tuy có thời đàm luận với họ, nhưng trong lòng vẫn không cho là phải (?). [12] Có sách giảng: lần đầu được đề cửa làm chức sĩ, lần thứ nhì lên chứ đại phu, lần thứ ba lên chức khanh. [13] Nguyên văn: thục cảm bất quĩ. L.K.h. dịch là: ai dám không bắt chước. [14] Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do không thèm nhận. [15] Phải chăng cố ý làm điều đức hạnh như H.C.H. giảng? Hay là: có ý thức về đức của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch? [16] Chắc tác giả muốn nói nhận xét sự vật không bằng mắt mà bằng thành kiến, bằng sự yêu ghét của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch? [17] Tôi thú thực không hiểu tác giả muốn nói gì. [18] Nguyên văn là bình. L.K.h. dịch là hoà bình. [19] Trong chương XXIV Từ Vô Quỉ có một bài (bài 6) và trong chương XXXII Liệt Ngự Khấu có đến bốn bài (6, 11, 12, 13) chép cố sự về Trang tử; cả năm bài đó đều được cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn trong tiểu mục Đời sống (của Trang tử). [Goldfish] hết: Chương XXXII , xem tiếp:

Chương XXXIII 列御寇》

庄子》第32章 列御寇


列御寇之齐,中道而反,遇伯昏瞀人。伯昏瞀人曰:“奚方而反?”曰:“吾惊焉。”曰:“恶乎惊?”曰:“吾尝食于十浆而五浆先馈。”伯昏瞀人曰:“若是则汝何为惊已?”曰:“夫内诚不解,形谍成光,以外镇人心,使人轻乎贵老,而赍其所患。夫浆人特为食羹之货,无多余之赢,其为利也薄,其为权也轻,而犹若是,而况于万乘之主乎!身劳于国而知尽于事。彼将任我以事,而效我以功。吾是以惊。”伯昏瞀人曰:“善哉观乎!女处已,人将保汝矣!”无几何而往,则户外之屦满矣。伯昏瞀人北面而立,敦杖蹙之乎颐。立有间,不言而出。宾者以告列子,列子提屦,跣而走,暨于门,曰:“先生既来,曾不发药乎?”曰:“已矣,吾固告汝曰:人将保汝。果保汝矣!非汝能使人保汝,而汝不能使人无保汝也,而焉用之感豫出异也。必且有感,摇而本性,又无谓也。与汝游者,又莫汝告也。彼所小言,尽人毒也。莫觉莫悟,何相孰也。巧者劳而知者忧,无能者无所求,饱食而敖游,汎若不系之舟,虚而敖游者也!
“郑人缓也,呻吟裘氏之地。祗三年而缓为儒。河润九里,泽及三族,使其弟墨。儒墨相与辩,其父助翟。十年而缓自杀。其父梦之曰:‘使而子为墨者,予也,阖尝视其良?既为秋柏之实矣。’夫造物者之报人也,不报其人而报其人之天,彼故使彼。夫人以己为有以异于人,以贱其亲。齐人之井饮者相捽也。故曰:今之世皆缓也。自是有德者以不知也,而况有道者乎!古者谓之遁天之刑。圣人安其所安,不安其所不安;众人安其所不安,不安其所安。
“庄子曰:‘知道易,勿言难。知而不言,所以之天也。知而言之,所以之人也。古之人,天而不人。’朱泙漫学屠龙于支离益,单千金之家,三年技成而无所用其巧。圣人以必不必,故无兵;众人以不必必之,故多兵。顺于兵,故行有求。兵,恃之则亡。小夫之知,不离苞苴竿牍,敝精神乎蹇浅,而欲兼济道物,太一形虚。若是者,迷惑于宇宙,形累不知太初。彼至人者,归精神乎无始,而甘冥乎无何有之乡。水流乎无形,发泄乎太清。悲哉乎!汝为知在毫毛而不知大宁。”
宋人有曹商者,为宋王使秦。其往也,得车数乘。王说之,益车百乘。反于宋,见庄子,曰:“夫处穷闾厄巷,困窘织屦,槁项黄馘者,商之所短也;一悟万乘之主而从车百乘者,商之所长也。”庄子曰:“秦王有病召医。破痈溃痤者得车一乘,舐痔者得车五乘,所治愈下,得车愈多。子岂治其痔邪?何得车之多也?子行矣!”
鲁哀公问乎颜阖曰:“吾以仲尼为贞幹,国其有瘳乎?”曰:“殆 哉圾乎!仲尼方且饰羽而画,从事华辞。以支为旨,忍性以视民,而不知不信。受乎心,宰乎神,夫何足以上民!彼宜女与予颐与,误而可矣!今使民离实学伪,非所以视民也。为后世虑,不若休之。难治也!”施于人而不忘,非天布也,商贾不齿。虽以事齿之,神者弗齿。为外刑者,金与木也;为内刑者,动与过也。宵人之离外刑者,金木讯之;离内刑者,阴阳食之。夫免乎外内之刑者,唯真人能之。
孔子曰:“凡人心险于山川,难于知天。天犹有春秋冬夏旦暮之期,人者厚貌深情。故有貌愿而益,有长若不肖,有慎狷而达,有坚而缦,有缓而悍。故其就义若渴者,其去义若热。故君子远使之而观其忠,近使之而观其敬,烦使之而观其能,卒然问焉而观其知,急与之期而观其信,委之以财而观其仁,告之以危而观其节,醉之以酒而观其侧,杂之以处而观其色。九徵至,不肖人得矣。”
正考父一命而伛,再命而偻,三命而俯,循墙而走,孰敢不轨!如而夫者,一命而吕钜,再命而于车上舞,三命而名诸父。孰协唐许?贼莫大乎德有心而心有睫,及其有睫也而内视,内视而败矣!凶德有五,中德为首。何谓中德?中德也者,有以自好也而吡其所不为者也。穷有八极,达有三必,形有六府。美、髯、长、大、壮、丽、勇、、敢,八者俱过人也,因以是穷;缘循、偃仰、困畏,不若人三者俱通达;知慧外通,勇动多怨,仁义多责,六者所以相刑也。达生之性者傀,达于知者肖,达大命者随,达小命者遭。
人有见宋王者,锡车十乘。以其十乘骄稚庄子。庄子曰:“河上有家贫恃纬萧而食者,其子没于渊,得千金之珠。其父谓其子曰:‘取石来锻之!夫千金之珠,必在九重之渊而骊龙颔下。子能得珠者,必遭其睡也。使骊龙而寐,子尚奚微之有哉!’今宋国之深,非直九重之渊也;宋王之猛,非直骊龙也。子能得车者,必遭其睡也;使宋王而寐,子为赍粉夫。”
或聘于庄子,庄子应其使曰:“子见夫牺牛乎?衣以文绣,食以刍叔。及其牵而入于大庙,虽欲为孤犊,其可得乎!”
庄子将死,弟子欲厚葬之。庄子曰:“吾以天地为棺椁,以日月为连璧,星辰为珠玑,万物为赍送。吾葬具岂不备邪?何以加此!”弟子曰:“吾恐乌鸢之食夫子也。”庄子曰:“在上为乌鸢食,在下为蝼蚁食,夺彼与此,何其偏也。”以不平平,其平也不平;以不徵徵,其徵也不徵。明者唯为之使,神者徵之。夫明之不胜神也久矣,而愚者恃其所见入于人,其功外也,不亦悲夫!



Chương XXXIII THIÊN HẠ (Thiên hạ)

1 Trong thiên hạ có rất nhiều người nghiên cứu về đạo, thuật mà ai cũng cho học thuyết của mình là hoàn toàn. Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, nó ở đâu? Đáp: “Nó ở khắp nơi. Hỏi: “Thần thánh ở đâu giáng xuống? Minh vương ở đâu hiện ra? Đáp: Thánh nhân sinh ra, minh vương thành công đều do cái đạo thuần nhất. Không rời cái gốc của Đạo thì gọi là “thiên nhân”; không rời cái tinh vi của Đạo thì gọi là “thần nhân”; không rời cái chân thật của Đạo thì gọi là “chí nhân”. Lấy trời làm tôn chủ, lấy đức làm căn bản, lấy đạo làm cửa, tiên đoán được sự biến hoá[1], thì gọi là thánh nhân. Dùng lòng nhân ái mà gia ân cho người, dùng chính nghĩa mà qui định đạo lí, dùng lễ để tiết chế hành động, dùng nhạc để điều hoà tính tình, cảm hoá người khác bằng lòng nhân từ thì gọi là người quân tử. Dùng pháp độ để phân biệt, dùng danh hiệu để biểu minh, dùng sự tham kiểm để chứng nghiệm, dùng sự kê khảo để quyết đoán; đặt ra điều mục phân minh như một, hai, ba, bốn[2] để cho bách quan giữ thứ tự đó mà điều khiển việc nước. Coi cày cấy là việc thường ngày, coi sự ăn mặc là chủ yếu, sản xuất nhiều, dư thì để dành, săn sóc người già yếu, cô nhi, quả phụ, khiến cho ai cũng được nuôi nấng, đó là đạo lí của dân[3]. 2 Cổ nhân thật là hoàn toàn (về đạo thuật). Phối hợp với thần minh, theo phép tắc của trời đất, họ nuôi dưỡng vạn vật, điều hoà thiên hạ, ban ân huệ cho trăm họ, hiểu rõ căn bản của Đạo và không rời pháp độ[4]. Thông đạt được âm dương, mưa gió, tối sáng[5] và bốn phương đông tây nam bắc; bất luận là lớn nhỏ, tinh thô, sự vật vận hành ra sao, họ điều tác động tới hết. Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân[6] nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, bách gia chư tử đôi khi trích dẫn để giảng. 3 Rồi tới khi thiên hạ đại loạn, thánh hiền không xuất hiện nữa, đạo đức không còn thuần nhất nữa. Rất nhiều người chấp nhất, có thiên kiến mà tự cho mình là phải. Như tai mắt mũi miệng, mỗi cơ quan có một khả năng riêng mà không thể thông với nhau (dùng thay nhau được). Cũng vậy, học phái hoặc kĩ thuật của trăm nhà, đều có sở trường, thời cơ thích hợp thì đều có chỗ dùng được đấy, nhưng không bao quát được hết: họ chỉ là những nhà thiên kiến. Họ mổ xẻ cái thuần mĩ của trời đất, phân tích cái lí của vạn vật, cái nhất quán của cổ nhân, vì vậy ít người trong bọn họ thấy được hết cái đẹp của trời đất, đạt được sự thần minh[7]. Vì vậy mà cái Đạo của thánh nhân và minh vương bị mờ tối, che lấp mà không biểu lộ được. Người thời nay đều theo ý riêng, thiên kiến của mình lập ra một phương thuật riêng. Buồn thay! Học phái của bách gia cứ phân tán ra trăm ngả tới cực đoan mà không trở về cái gốc, thì không thể nào hợp với chân lí được! Khiến cho học giả đời sau bất hạnh không thấy được sự thuần nhất của trời đất, và cái đại thể của cổ nhân. Đạo thuật trong thiên hạ sắp bị chẻ nhỏ ra rồi. 4 Không phô trương với hậu thế[8], không lãng phí mọi vật, không khoe khoang về điển chương chế độ, gắng sức giữ qui củ (một kĩ luật nghiêm) để sẳn sàng giúp đời một cách cấp thiết, trong đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Mặc Địch và [môn sinh là] Cầm Hoạt Li được nghe thuyết đó thấy thích, nhưng họ tỏ ra thái quá trong việc họ làm, và dễ dàng quá (nghĩa là không xét kĩ) trong việc họ cấm[9]. Họ cấm nhạc, lấy lẽ rằng để tiết kiệm, bảo sống không nên ca hát, người thân thiết chết thì không nên bận đồ tang. Mặc tử chủ trương kiêm ái, mưu cái lợi chung cho mọi người, phản đối chiến tranh. Đạo của ông là không oán giận; ông hiếu học, biết rộng nhưng không chấp nhận những ý kiến khác mình. Ông không đồng ý với thánh vương đời xưa, bỏ hết lễ nhạc. Về cổ nhạc thì Hoàng Đế đặt ra điệu Hàm Trì, vua Nghiêu có điệu Đại Chương, vua Thuấn có điệu Đại Thiều, vua Vũ có điệu Đại Hạ, vua Thang có điệu Đại Hộ, vua Văn vương có điệu Tịch Ung, vua Võ vương và ông Chu công có điệu Vũ. Tang lễ thời xưa, sang hay hèn đều có nghi lễ nhất định, phân biệt đẳng cấp trên dưới, như thiên tử thì có bảy lớp quan quách, chư hầu có năm lớp, đại phu ba, kẽ sĩ hai. Riêng Mặc tử là sống cấm ca hát, khi người thân chết thì cấm mặc đồ tang, áo quan bằng gỗ vông chỉ dày ba tấc [bằng khoảng một phần ba gang tay], mà không có quách, đó là phép chung cho mọi người. Đem đạo đó dạy người, đâu phải là yêu người, chính mình theo đạo đó thì cũng không phải là yêu mình. Tôi không công kích Mặc tử; nhưng người ta ca hát mà ông ấy cấm ca hát, người ta khóc [người chết] mà ông ấy cấm khóc; người ta chơi âm nhạc mà ông ấy cấm âm nhạc; như vậy có hợp nhân tình không? Sống thì lao khổ, chết thì bị chôn cất bạc bẽo, cái đạo ấy khắc nghiệt quá, khiến người ta ưu uất, buồn rầu, khó thi hành được. Tôi còn ngại rằng nó không phải là đạo của thánh nhân, trái với lòng người, không ai chấp nhận nó. Tuy một mình Mặc tử theo được, nhưng còn những người khác thì sao? Ông ấy cách biệt với thiên hạ như vậy, thật là xa đạo của thánh vương quá. Mặc tử tự bênh vực đạo của mình, bảo: “Thời xưa Vũ trị lụt, khai thông sông rạch, khiến cho nước chảy ra cõi bốn rợ và khắp chín châu Trung Quốc. Thời đó có ba trăm con sông lớn, ba ngàn chi lưu, còn rạch nhỏ thì vô số. Vua Vũ đích thân cầm sọt, cầm cuốc để khai thông cho nước các sông nhỏ theo dòng chảy ra sông lớn. Cực khổ đến nỗi đùi teo lại, ống chân không còn một sợi lông, xông pha gió mưa để dựng nước. Ông là bậc đại thánh mà lao khổ phục dịch cho thiên hạ như vậy đấy”. Mặc tử nói như vậy, cho nên Mặc gia đời sau nhiều người mặc áo da, vải thô, đi giày dép bằng gỗ hoặc cỏ, làm việc suốt ngày đêm không nghỉ, cho sống lao khổ là lí tưởng tối cao, bảo: “Không vậy thì không phải theo đạo vua Vũ, không đáng là môn đồ Mặc tử”. Đệ tử của Tương Lí Cần, môn sinh của Ngũ Hầu và những Mặc gia ở phương Nam như Khổ Hoạch, Dĩ Xỉ, Đặng Lăng tử… đều tụng Mặc kinh (kinh của Mặc tử) mà càng có những tư tưởng quái dị, chống đối nhau, tự xưng là Biệt Mặc, công kích nhau bằng những lí luận “kiên bạch” (cứng và trắng), “đồng dị” (giống nhau và khác nhau), “lẻ và chẳn giống nhau”[10]. Hết thảy đều coi các cự tử[11] là thánh nhân, đều nguyện thờ cự tử làm thủ lảnh để mong được nối nghiệp. Ngày nay những cuộc tranh luận của họ vẫn chưa dứt. Dụng tâm của Mặc tử và Cầm Hoạt Li tốt, nhưng thực hành sai. Họ khiến cho những người đời sau học đạo của họ ganh đua nhau lao khổ tới nỗi đùi teo, ống chân rụng hết lông. Như vậy là cái tội làm nhiễu loạn thiên hạ thì lớn mà công làm cho thiên hạ được trị thì ít[12]. Nhưng Mặc tử quả là người tốt trong thiên hạ, không tìm được người nào khác như ông ấy. Chịu cực khổ dù cho thân thể khô đét, ông ấy cũng không bỏ việc giúp đời. Thật là bậc sĩ có tài năng, nhiệt tâm. 5 Không để cho thế tục làm luỵ mình, không dùng ngoại vật để kiểu sức (loè loẹt bề ngoài) mình, không cẩu thả[13] với người, không đố kị người, mong cho thiên hạ được thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, mọi người và mình đủ ăn đủ mặc thì thôi, theo quan niệm đó mà biểu lộ tâm chí của mình, trong đạo thuật cổ nhân có chủ trương đó. Tống Kiên và Doãn Văn[14] được nghe thuyết đó, thấy thích, làm một kiểu mũ giống núi Hoa[15] để đội cho khác người. Trong việc tiếp ứng với vạn vật, họ chủ trương trước hết đừng để cho thành kiến che lấp[16]. Họ cho rằng sự bao dung là hành động tự nhiên của con người; dùng lòng bao dung đó để thân cận với vạn vật, điều hoà thiên hạ, đó là căn bản chủ trương của họ. “Bị người ta khinh bỉ mắng chửi cũng đừng lấy làm nhục”, đó là lời họ dùng để ngăn người ta tranh đấu, cấm chỉ sự đem quân xâm chiếm nước khác, cứu cái nạn chiến tranh trên đời. Họ chu du thiên hạ truyền bá thuyết đó, khuyến cáo vua chúa, dạy bảo dân chúng; dù không ai tán thành, họ vẫn gắng sức thuyết phục, không chịu ngừng, cho nên bảo: “Người trên kẻ dưới ngán không muốn tiếp họ nữa thì họ cũng nhất định lại”. Xét ra họ lo tính cho người khác nhiều quá mà lo tính cho thân họ ít quá. Họ bảo: “Nhu cầu của tôi ít lắm[17], chỉ cho tôi mỗi ngày nửa đấu gạo là đủ. Tôi chỉ sợ các ông ăn không đủ no thôi, còn tôi dù có đói, cũng không quên những người khác”. Suốt ngày đêm họ nói hoài: “Phải làm sao cho người khác sống”. Làm sao chúng ta có thể khinh hạng người cứu đời đó?[18] Họ cũng bảo: “Người quân tử không hà khắc với người khác, không để thân thể bị ngoại vật chi phối. Cái vô ích của thiên hạ thì tìm hiểu nó [cho phí công], không bằng bỏ nó đi”. Bề ngoài họ cấm sự xâm lăng và dùng binh; ở trong họ tiết tình, quả dục. Học thuyết của họ, lớn nhỏ, tinh thô, họ đem tuyên truyền và áp dụng, chỉ có bấy nhiêu thôi. 6 Công chính mà không thiên vị đảng phái, bình dị mà không ích kỉ, quyết đoán mà không có thành kiến, tuỳ theo ngoại vật mà không phân biệt mình và người, không tư lự, không dùng mưu trí; đối với sự vật, không lựa chọn mà cứ theo diễn tiến tự nhiên; đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Bành Mông, Điền Biền và Thận Đáo[19] được nghe thuyết đó thấy thích. Qui tắc chính của họ là vạn vật ngang nhau (tề vật)[20]. Họ bảo: “Trời che được mà không chở được, đất chở được mà không che được. Đại Đạo bao dung được vạn vật mà không phân biệt (vật này hơn, vật kia kém). Họ biết rằng vạn vật đều có chỗ dùng được, ở chỗ không dùng được, cho nên bảo: “Lựa chọn thì không dùng được hết (vì có cái phải bỏ đi), dạy dỗ thì tất có chỗ không tới, chỉ thuận theo Đạo là không bỏ sót cái gì hết”. Cho nên Thận Đáo chủ trương bỏ trí tuệ đi, quên mình đi, cứ theo cái thế bất đắc dĩ mà hành động, thản nhiên thuận theo sự vật, như vậy là hợp lí với Đạo lí. Ông bảo: “Trí thức không biết gì cả. Nếu miễn cưỡng cầu được biết chỉ hại thôi”[21]. Ông tuỳ vật, thuận tình, không lãnh nhiệm vụ gì cả, cười thiên hạ tôn trọng người hiền; ông phóng túng, không làm gì hết mà chê bậc đại thánh trong thiên hạ. Ông tròn trịa theo sự biến hoá, bỏ quan niện thị phi đi, để khỏi bị luỵ vì vật, ông không tin tri thức cùng sự suy nghĩ của mình, không biết trược sau, đứng một mình một cõi. Đẫy ông ta thì ông ta mới tiến tới, lôi kéo ông ta thì ông ta mới bước đi. Ông ta quay tròn như ngọn gió lốc, như chiếc lông trong không trung, như cái cối xay[22], như vậy được an toàn, không lầm lẫn. Hành động hay nghỉ ngơi, ông cũng không thái quá, không bao giờ có tội cả. Tại sao vậy? Tại một người vô tri thì không lập tiêu chuẩn cho mình, nên không phải lo lắng, không bị cái luỵ do dùng trí tuệ, dù động hay tĩnh cũng không bao giờ rời đạo lí tự nhiên, mà suốt đời không bị chê. Ông ấy bảo: “Chúng ta rán làm như vật vô tri là được rồi, không cần làm thành hiền. Cục đất kia có khi nào li khai đại Đạo đâu”. Bọn hào kiệt đương thời chê ông: “Cái Đạo của Thận Đáo không thể thi hành cho người sống được, đưa người ta tới cảnh giới chết; nó chỉ đáng cho người ta coi là kì quái thôi”. Điền Biền cũng cùng một chủ trương, theo học Bành Mông, và học được cái lẽ dạy mà không dùng lời. Bành Mông bảo: “Những người đạt Đạo thời xưa, chỉ cốt tu dưỡng tới cái mức không cho cái gì là phải, không cho cái gì là trái nữa là thôi[23]. Sự giáo hoá của họ vô hình như gió thổi, làm sao có thể dùng lời mà truyền được”[24]. Ý kiến của họ trái ý kiến của mọi người, nên không ai theo, chung qui vẫn là uyển chuyển theo sự vật. Cái mà họ gọi là Đạo, thật ra không phải là Đạo, lời họ nói không khỏi lầm lẫn. Tóm lại, Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo đều không biết Đạo, nhưng đại khái cũng nhận định được một phần nào đó của Đạo. 7 Coi Đạo là tinh tuý, vật là thô lậu[25], coi sự tích luỹ là không đủ; lòng hư tĩnh, độc lập như thần minh, đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Quan Doãn và Lão Đam[26] được nghe thuyết đó thấy thích, rồi lập ra thuyết vô và hữu, và qui cả về cái thái nhất (thái cực); thái độ bề ngoài thì mềm mại và khiêm tốn, mà trong lòng không hư, không làm tổn thương vạn vật. Quan Doãn bảo: “Mình không có chủ kiến, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật thì hình thái của vật sẽ hiện rõ; khi mình hành động thì như dòng nước, khi mình tĩnh thì như tấm gương. Cảm ứng với tiếng vang dội lại, lòng như hư vô, thanh tĩnh, tịch mịch, hoà hợp với vật mà không cạnh tranh – còn như nếu muốn được thì mất – không ở trước người mà luôn luôn theo sau người”. Lão Đam bảo: “Biết như con trống mà giữ như con mái, làm khe nước cho thiên hạ, biết vinh mà giữ nhục, làm cái hang cho thiên hạ”[27]. Mọi người đều tranh nhau tới trước, riêng ông ở lại phía sau. Ông bảo: “Tôi cam chịu sự nhục trong thiên hạ”. Mọi người đều cầu cái “thực”, riêng ông giữ cái “hư”. Vì ông [tri túc] không chất chứa, nên có dư. Ông sống ung dung an thích nên không bị tổn thương. Ông vô vi và chê cười bọn khéo léo. Mọi người đều cầu hạnh phúc, riêng ông chịu uốn mình để được an toàn. Ông bảo: “Chỉ cầu tránh được tai hoạ”. Ông coi sự tinh thâm là căn bản, sự kiệm ước là cương kỉ, bảo: “Cứng rắn sẽ bị huỷ hoại, nhọn thì sẽ bị cùn”. Ông khoan dung với vạn vật, không xâm lấn ai cả. Tuy hai ông ấy chưa đạt tới cảnh giới cực cao của Đạo, nhưng cũng là những bậc chân nhân hiểu rộng của thời cổ. 8 Thanh tĩnh, vô hình mà biến hoá hoài. Sống ư? Chết ư? Trời đất chỉ là một ư? Thần minh đi đâu? Người ta mang nhiên (không biết gì cả) đi về đâu? Rồi hốt nhiên tới đâu? Vạn vật bao la trong vũ trụ mà không có vật nào đáng cho ta qui về cả. Đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Trang Chu được nghe thuyết đó thấy thích rồi diễn những thuyết viễn vong vô cứ, nhưng lời lẽ hư vô, không đầu đuôi, những nghị luận phóng khoáng nhưng không thiên lệch, vì ông không nhìn một cách phiến diện. Ông cho rằng thiên hạ hôn mê hỗn trọc, không diễn bằng những lời nghiêm trang được, cho nên dùng những lời biến hoá vô định để suy diễn tình lí của vạn vật, dẫn chứng những “trọng ngôn” để người ta tin là thực, dùng những “ngụ ngôn”[28] để khai triển học thuyết (hoặc mở mang tâm ý người khác). Riêng ông hoà hợp với tinh thần của trời đất, nhưng không khinh thị vạn vật, không khen không chê, sống yên ổn với người đời. Sách ông viết tuy tân kì, đặc biệt, nhưng uyển chuyển, không hại cho đại Đạo. Văn từ của ông chỗ hư chỗ thực mà hoạt kê, kì ảo, thú vị. Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn; tôn chỉ của ông là đạt được Tự nhiên và hoà hợp với Tự nhiên. Nhưng khi ông thuận ứng với sự biến hoá của tự nhiên để giải thích vạn vật, thì ông vẫn chưa thấu triệt được đạo lí, thuyết minh chưa được rõ ràng, còn những chỗ mờ mờ, chưa đạt được điểm tối cao của Đạo[29]. 9 Huệ Thi có nhiều phương thuật, sách ông chép chất đầy năm xe[30]. Đạo của ông bác tạp, không thuần nhất, lời của ông không hợp với đại Đạo. Ông xét về vạn vật như sau: - Cái cực lớn thì không có cái gì bao vây nó ở bên ngoài, gọi nó là cái “đại nhất”; cái cực nhỏ thì không có cái gì ở trong, gọi nó là “tiểu nhất”[31]. - Cái gì không có chiều dày thì không chồng chất lên được, vậy mà nó lớn tới ngàn dặm[32]. - Trời với đất đều thắp như nhau, núi và chằm đều bằng nhau (ở một mực ngang nhau)[33]. - Mặt trời vừa lên tới đỉnh thì bắt đầu xế rồi; vật vừa mới sinh ra thì đã bắt đầu tiến tới chỗ chết rồi[34]. - Xét chỗ giống nhau lớn và giống nhau nhỏ thì hai chỗ giống nhau đó có khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ; vạn vật hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau lớn[35]. - Phương Nam vô cùng mà lại hữu cùng[36] (có giới hạn). - Hôm nay tôi tới nước Việt mà tôi đã tới từ hôm qua rồi[37]. - Những vòng móc liền vào nhau (như dây chuyền) có thể gỡ ra được[38]. - Tôi biết trung tâm của thiên hạ, nó ở phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt[39]. - Phải yêu khắp vạn vật vì vũ trụ là một[40]. Huệ Thi cho những lí luận đó là rất cao, đem ra dạy các nhà biện luận và các nhà biện luận trong thiên hạ rất thích học thuyết của ông. Họ bảo: - Trứng có lông[41]. - Gà có ba chân[42]. - Kinh đô Dĩnh của Sở gồm cả thiên hạ[43]. - Chó có thể thành cừu[44]. - Ngựa có trứng[45]. - Con ễnh ương có đuôi[46]. - Lửa không nóng[47]. - Núi từ trong miệng mà ra[48]. - Bánh xe lăn mà không chạm đất[49]. - Mắt không nhìn thấy[50]. - Ý không đạt được vật, nếu đạt được thì nó không bao giờ ngừng[51]. - Rùa dài hơn rắn[52]. - Cái “củ” không làm được hình vuông, cái “qui” không làm được hình tròn. - Cái lỗ mộng không ôm được cái mộng[53]. - Khi chim bay cái bóng của nó không hề nhúc nhích[54]. - Mũi tên bay thật nhanh mà có lúc nó không bay và có lúc nó không ngừng[55]. - Con chó con (cẩu) không phải là con chó (khuyển)[56]. - Một con ngựa vàng và một con bò đen, cộng là ba[57]. - Chó trắng là chó đen[58]. - Con ngựa con mồ côi chưa từng có mẹ[59]. - Cái gậy dài một thước, mỗi ngày chặt một nửa, vạn đời cũng không hết[60]. Bọn biện luận gia dùng những lí luận như trên mà tranh biện với Huệ Thi, suốt đời không hết. Những biện luận gia như Hoàn Đoàn, Công Tôn Long[61], đều khéo dùng nguỵ biện mà làm mê hoặc lòng người, thay đổi ý nghĩ của họ, nhưng chỉ làm cho họ thua, không đáp được, chứ không làm cho họ tâm phục; đó, bọn biện luận gia tự hạn chế mình như vậy. Huệ Thi suốt ngày dùng tài trí của mình để tranh biện, với người khác. Nghe ông nói chuyện tưởng đâu là bậc rất hiền minh. Ông bảo: “Trời đất vĩ đại thay!” (là muốn nói rằng chỉ có trời đất hơn ông được thôi). Nhưng Huệ Tử chỉ muốn hơn người chứ không có học thuật xác đáng[62]. Phương Nam có một dị nhân tên là Hoàng Liễu, hỏi Huệ Thi tại sao trời không sập, đất không sụp, và mưa gió, sấm sét ở đâu mà ra. Huệ Thi không do dự, đáp liền chẳng cần suy nghĩ, giảng khắp về vạn vật, nói một hơi không ngưng, thao thao bất tuyệt. Như vậy mà vẫn chưa cho là đủ, còn đưa ra thêm những điều quái dị nữa. Ông nói ngược lại thiên hạ mà cho là đúng, muốn được cái tiếng là thắng người, cho nên không thích hợp với ai hết. Đạo đức của ông kém, ông gắng sức truy cầu ngoại vật, học thuyết thật hẹp hòi. Đứng về Đạo trời đất mà xét tài năng của Huệ tử, thì ông chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu? Ông phát huy kĩ năng về một phương diện, có thể bảo là tài giỏi đấy; giá ông ta chuyên tu đại Đạo thì cũng có thể gần đạt được[63]. Nhưng ông ta không yên tĩnh tu dưỡng mà để cho tinh thần tán loạn vào vạn vật, để được cái danh là biện sĩ, tiếc thay! Tài năng của ông phóng đãng, không đưa tới đâu, chạy theo vạn vật mà không biết trở về đại Đạo, không khác gì la lên để ngăn chận tiếng vang, chạy đua với cái bóng của mình, buồn thay! NHẬN ĐỊNH Chương cuối này có nhiều đặc điểm: - dài mà toàn là nghị luận, không dùng ngụ ngôn. - ý liên lạc từ đầu tới cuối, rất nhất trí; tôi chia làm chín đoạn (không thể gọi là bài được như các chương trên): đoạn 1 nhắc lại quan niệm đạo thuật của cổ nhân và các hạng người đạt Đạo nhiều hay ít, từ thiên nhân, thần nhân, chí nhân, tới thánh nhân, quân tử; đoạn 2 khen đạo Nho (các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ) đã truyền lại cho hậu thế kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc; đoạn 3 chê các các học giả đời sau chấp nhất, thiên kiến, chi li quá, không được thấy toàn thể của đạo; để chứng minh lời đó, tác giả trong các đoạn sau phê bình Mặc tử, Cầm Hoạt Li (đoạn 4); Tống Kiên, Doãn Văn (đoạn 5); Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo (đoạn 6); Lão tử và Quan Doãn (đoạn 7); Trang tử (đoạn 8); Huệ Thi, Hoàn Đoàn, Công Tôn Long (đoạn 9). Học thuyết nhà nào cũng có chỗ thiếu sót, đặc biệt là ba nhà nguỵ biện sau cùng xa đạo quá, chỉ có Lão tử, nhất là Trang tử là gần đạo hơn cả. - về mỗi học thuyết, tác giả rán tìm uyên nguyên nhưng chỉ mơ hồ rằng “cổ nhân đã có thuyết đó”, cơ hồ tác giả cho rằng mỗi nhà chỉ ghi chép lại, phát huy thêm những tư tưởng của nhiều nhà vô danh thời trước; chủ trương đó đúng, đối với thời đó có thể gọi là tấn bộ; - lí luận vững, mạch lạc, lời văn già giặn, từ xưa tới nay ai cũng khen là hay (Hồ Thích khen là tuyệt diệu), rõ ràng là của một người học rộng, có tài. Nhưng người đó là ai, thì ý kiến rất phân vân. Đa số các học giả như Lục Trường Canh, Diệu Nại, Vương Phu Chi, Tô Thức, Lương Khải Siêu, La Căn Trạch… cho là chính Trang tử viết, và chính chương Thiên hạ này tự tay hậu tự của một thiên. Một số khác ít hơn, như Lâm Tây Trọng, Tiền Huyền Đông, Cổ Hiệt Cương, Hồ Thích… bảo không phải của Trang. Tôi chỉ biết lí luận của mỗi một nhà trong nhóm trên: La Căn Trạch. Đại khái La bảo: - Đầu chương Thiên hạ có câu: “Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, ở đâu?”[64] (Cổ chi sở vị đạo thuật giả, ô hồ tại?). Lời câu đó cũng gần giống lời câu này trong Tề vật luận: “Đạo đi đâu mà không còn” (Đạo ô hồ vãng nhi bất tồn?)[65]. Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc. - Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang. - Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong đoạn 2 chỉ có mấy chữ: “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân, còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở vào thời đại Trang tử. Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc. - Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang. - Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong hai đoạn chỉ có mấy chữ “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân[66], còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở thời đại Trang tử. Lí lẽ đó cũng không vững: người viết có thể không biết rõ – hoặc biết mà cho là không quan trọng – các học thuyết của Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi, nên không nhắc tới; vả lại nếu không phải viết ở cuối thời Chiến Quốc thì cũng không nhất định ở thời đại Trang tử. Không có gì chứng tỏ rằng người đó chính là Trang. Theo thiển ý, có nhiều lí do để ngờ rằng tác giả [chương Thiên hạ] không phải là Trang: - Đầu chương, đoạn 2, tác giả viết: “Cổ nhân thật là hoàn toàn… Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, Bách gia[67] chư tử đôi khi trích dẫn để giảng”. Trang tử không có ác cảm với đạo Khổng, nhưng học thuyết của ông có nhiều điểm trái với đạo Khổng: Khổng hăm hở giúp đời, ông thì “tiêu dao du”; Khổng thì phân biệt tôn ti, ông thì “tề vật”… như vậy không có lí gì ông lại đề cao Khổng học, coi trọng Thi, Thư, Lễ, Nhạc, cả kinh Xuân Thu nữa. Có một điều chúng ta hơi thắc mắc là tác giả đề cao Khổng học mà sao không nhắc tới Khổng Tử. Tô Thức bảo là tại tác giả quá tôn trọng Khổng Tử (kì tôn chi dã chí hĩ), không đám đặt Khổng Tử đứng chung – dù là đứng trên đi nữa – với các nhà khác. Như quả vậy thì lại càng hiển nhiên rằng tác giả không phải là Trang tử như Tô Thức nghĩ. - Trang tử vốn có tinh thần khoáng đạt, cho là không có gì là hoàn toàn “thi” hay hoàn toàn “phi”, mà trong đoạn 2 đó đề cao Khổng học là hoàn toàn, rồi trong đoạn sau lại vạch những chỗ chi li, thiên kiến của các nhà khác, tôi e rằng điều ấy cũng không phù hợp với chủ trương của Trang. - Nhất là đoạn cuối, giọng của ông khi xét về Huệ Thi thật là gay gắt: ông cho Huệ Thi “chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu?”. Trong bộ Trang tử có nhiều bài chép sự giao du thân mật giữa Trang tử và Huệ Thi; đặt biệt bài 6 Từ Vô Quỉ cho Trang tử thở dài, nhớ tiếc bạn: “Từ khi Huệ Tử mất, đối thủ của tôi cũng chết rồi, tôi không còn ai đàm luận nữa”. Bài 6 đó chưa đáng tin hết, nhưng có điều chắc chắn là hai nhà chơi thân với nhau, thường gặp nhau, không có lí gì Trang lại viết sách mạt sát bạn là con muỗi, con nhặng. - Đoạn 8 phê bình Trang tuy có chỗ chê là “học thuyết viễn vong vô cứ, lời lẽ hư vô, không đầu đuôi”, “chưa thấu triệt đạo lí… chưa đạt được điểm tối cao của Đạo”, nhưng tựu trung vẫn cho học thuyết của Trang cao hơn cả các nhà khác (Mặc, Lão…) như: “Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn…”. Tôi có thể hiểu được thái độ ngang tàng của Trang khi ông không thèm nhận các chức tước vua chúa đương thời tặng ông, nhưng khó tưởng tượng được một triết gia mà lại tự đề cao mình quá như vậy[68]. Một điểm đáng nghi nữa: trong Nội thiên, Trang tử không dẫn một câu nào trong Đạo Đức kinh (vì cuốn này xuất hiện sau Trang – coi phần I); mà trong đoạn 7 trong chương Thiên hạ này, đã khen Lão tử lại dẫn hai câu trong Đạo Đức kinh. Vậy có thể cho rằng tác giả chương này cũng như tác giả chương Trí Bắc du (Ngoại thiên) không phải là Trang tử. Là môn đệ của Trang thì có thể tin được. - Sau cùng, cứ xét bút pháp thì thấy tác giả chương này phải là một học giả uyên thâm, mực thước, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, chứ không cái giọng tài hoa, đột ngột, hư hư thực thực trong Nội thiên. Vậy chúng ta có thể ngờ rằng không phải Trang tử. Sáu lí do tôi vừa kể không thể gọi là chắc chắn lắm nhưng ít nhất cũng có giá trị ngang với những lí do của La Căn Trạch. Chú thích: [1] Nguyên văn: triệu ư biến hoá. H.C.H. giảng là vượt lên khỏi sự biến hoá. [2] Nguyên văn: kì sổ nhất nhị tam tứ thị dã. L.K.h. dịch là: đó là bốn công việc… [3] Nguyên văn: dân li lí dã. D.N.L. dịch là: đạo trị dân. L.K.h. dịch là: tổ chức sinh hoạt của dân. [dân li lí dã: sách in như vậy, nhưng tôi tìm trên mạng chỉ thấy: 民之理也 dân chi lí dã - Goldfish]. [4] Nguyên văn: minh ư bản sổ, hệ ư mật độ. Theo H.C.H. thì sổ đây có nghĩa là phép tắc, bản sổ tức là Thiên Đạo; độ đây là chế độ, mật độ là “nhân đạo”. [Các trang trên mạng đều chép: 明於本數, 係於末度 minh ư bản sổ, hệ ư mạt độ, tức “mạt độ” chứ không phải “mật độ” - Goldfish]. [5] Nguyên văn: lục thông, tôi dịch theo D.N.L., các sách khác không giảng. Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới là bốn phương, còn tử dịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trở bốn mùa. [Lục thông tứ dịch: 六通四辟, có bản chép là 六通四闢. Tôi nghĩ câu sau nên sửa lại như thế này: Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới và bốn phương, còn tứ tịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trỏ bốn mùa – Goldfish]. [6] Nguyên văn: tấn thân. Thân là cái đài to, tấn là lụa sắc đỏ; tấn thân trỏ hạng người làm quan. [7] Mấy hàng này nghĩa hơi tối. Mỗi sách giảng mỗi khác. Tôi châm chước theo L.K.h. và D.N.L. [8] Tôi theo L.K.h. Các sách khác dịch là: không làm cho phong tục đời sau xa xỉ. [9] Tôi theo L.K.h.; Hoàng Cẩm Hoành dịch là: Giữ vững ý kiến của mình. [10] Theo D.N.L. Theo H.C.H. thì: lẻ và chẳn không có thứ tự. Theo L.K.h. thì: lẻ và chẳn không gặp nhau. Nguyên văn: cơ ngẫu bất ngỗ; còn thuyết “dị đồng” coi chú thích 5 bài 9, trang 395 ở sau. [11] Người giỏi nhất trong phái. [12] L.K.h. dịch là: như vậy khá hơn loạn; nhưng chưa được trị. Nguyên văn: loạn chi thượng dã, trị chi hạ dã. [13] Nguyên văn: Cẩu (thả). Chương Thái Viêm bảo chính là chữ hà (hà khắc) chép lầm, và dịch là: không hà khắc với người. Có lí. [14] Tông Kiên (có sách viết là Tống Khanh hoặc Tống Vinh) sinh khoảng – 383, mất khoảng -290. Sách Mạnh tử chép ông giảng về lợi để Tần, Sở đánh nhau. Mạnh tử chê đem lợi ra thuyết thì hỏng. – Doãn Văn là ẩn sĩ nước Tề, sinh khoảng -360, mất khoảng -380. [15] Núi Hoa Sơn ở tỉnh Sơn Tây, trên dưới quân bình, coi như hình vuông. Đội thứ mũ đó để tỏ rằng mình cũng quân bình. [16] Nguyên văn: tiếp vạn vật dĩ biệt hựu vi thuỷ. D.N.L. dịch là:...trước hết phải phân biệt thiện ác. L.K.h. dịch là: …trước hết phải phân biệt phần của mỗi người. [17] Nguyên văn: thỉnh dục cố trí. Lương Khải Siêu bảo là “tình dục cổ quả” mà chép lầm. Tôi theo Lương. L.K.h. dịch là: nếu ông muốn thì cho tôi… D.N.L. không dịch. [18] Chỗ này H.C.H. cho là lời của phái Tống Kiên và dịch khác. [19] Bành Mông là một ẩn sĩ nước Tề, thầy học của Điền Biền. Điền Biền sinh khoảng -370, mất khoảng -290, được Tề Tuyên Vương phong chức Thượng đại phu, viết bộ Điền tử gồm 25 thiên đều thất truyền. Thận Đáo, người nước Triệu, sinh khoảng -370, mất khoảng -290, viết 42 thiên sách thất truyền. Hán thư, Nghệ văn chí của Ban Cố sắp vào phái Pháp gia. [20] Vì vậy mà Cố Hiệt Cương, Phó Tư Niên, Dong Triệu Tổ cho rằng chương Tề vật luận trong Nội thiên do Thận Đáo viết. [21] Nguyên văn: Tri bất tri tương bạc tri, nhi hậu lân thương chi giả dã. D.N.L. dịch là: “Xét người, tuy mình hiểu biết rồi đấy mà làm bộ như không biết, nếu mình tỏ ra hiểu biết thì gần như làm hại người ta rồi”. L.K.h. dịch là: “Cái biết không biết gì cả. Lời đó của Thận Đáo mạt sát tri thức làm cho tri thức bị thương tổn nặng”. [22] Có sách dịch là đá mài. [23] L.K.h. dịch là: cốt sao cho không ai chê họ, không khen họ là được rồi. [24] Câu này từ “Sự giáo hoá của họ…”, L.K.h. cho là lời của Bành Mông. [25] Nguyên văn: dĩ bản vi tinh, dĩ vật vi thô. Chữ bản (gốc) có thể hiểu là “vô”, chữ vật có thể hiểu là “hữu”. H.C.H. giảng bản là bản nguyên của trời đất. [26] Quan Doãn, sinh khoảng -440, mất khoảng -360, họ Doãn tên Hi, làm chức coi cửa ải, nên gọi như vậy (Quan là cửa ải). – Lão Đam tức Lão tử. [27] Hai câu này ở trong Đạo Đức kinh, chương XXVIII: “Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; (…) tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc”; đại ý là không khoe khoang mà nên tỏ vẻ nhũn nhặn, đừng tranh sự vinh quang mà giữ địa vị khiêm tốn, thì người ta sẽ qui phụ mình như nước chảy vào cái khe, cái hang, tức chỗ thấp. [28] Về những danh từ “trọng ngôn” và “ngụ ngôn” xin coi bài 1 chương Ngụ ngôn. [29] Nguyên văn: kì ứng ư, hoá nhi giải ư vật giả, kì lí bất kiệt, kì lai bất thuế, mang hồ, muội hồ, vị chi tận giả. Mấy bài trong chương này, nhất là ba bài số 5, 6, 7 chúng tôi đều dịch thoát. Riêng câu này, L.K.h. dịch ngược hẳn lại. Chúng tôi theo các bản chữ Hán. [Cụ Nguyễn Hiến Lê tham khảo năm bản chú giải; trong đó chỉ có một bản chữ Pháp của Liou Kia – hway, bốn bản kia đều là chữ Hán – Goldfish] [30] Thời đó còn phải khắc chữ trên thẻ tre. [31] Câu này dễ hiểu. Đã cực lớn thì không có gì lớn hơn để bao ở ngoài được nữa; đã cực nhỏ thì không có gì nhỏ hơn để chứa bên trong nữa. [32] Nguyên văn: vô hậu bất khả tích dã, kì đại thiên lí. L.K.h. không chấn câu sau chữ hậu, và dịch là: “Không có vật gì dày mà không chồng chất lên được, nó lớn tới ngàn dặm”, và ông giảng như một đống đá, cứ chất hoài thì nó thành một đống lớn đến ngàn dặm. Tôi dịch theo các bản chữ Hán mà không biết có đúng không. [33] Có thể hiểu như vầy: xét theo phương diện tương đối thì trời cao đất thấp, núi cao hơn chằm, nhưng so sánh với cái vô cùng thì trời đất, núi chằm đều không đáng kể gì, ngang nhau hết. [34] Lẽ này dễ hiểu. [35] L.K.h. giảng: như cây thông giống cây bách và cây hồng, nhưng sự giống nhau của cây thông và cây bách, khác với sự giống nhau của cây thông và cây hồng.; đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ. Còn chỗ giống nhau, khác nhau lớn thì như: mọi sinh vật đều giống nhau vì đều do tạo hoá sinh ra, nhưng khác nhau là vì là những phần tử khác nhau trong vũ trụ. [36] Người Trung Hoa thời đó không biết hết phương Nam, cho nó là vô cùng, nhưng so với vũ trụ vô cùng thì nó vẫn là hữu cùng. [37] Có người giảng: hôm nay mới tới nước Việt, nhưng từ hôm qua đã nghĩ tới việc tới nước Việt, cho nên bảo tới từ hôm qua. – L.K.h. giảng: hôm nay là hôm qua của ngay mai, nên đứng về ngày mai mà nói thì hôm nay tức là hôm qua. [38] Theo L.K.h.: đập bể cái vòng thì gỡ ra được. D.N.L. bảo: vì chúng chỉ móc vào nhau chứ không dính nhau. [39] Nước Yên ở phương Bắc, nước Việt ở phương Nam, vậy phía Bắc nước Yên không thể là phía Nam của nước Việt được. Nhưng trong vũ trụ vô biên, cả Trung Hoa cũng chỉ là một cái chấm nhỏ, vậy phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt cũng ở trong cái chấm đó thôi, không phân biệt được. [40] Lẽ này dễ hiểu: đều là con của tao hoá cả thì nên yêu nhau. [41] Trứng nở ra con chim, con chim có lông, thì trong trứng tất có lông hay cái gì để sau thành ra lông. [42] Ta nói đến chân gà là có một ý niệm rồi, mỗi chân con gà là một ý niệm nữa, tất cả là ba ý niệm. [43] Trong vũ trụ vô biên, thiên hạ và kinh đô Dĩnh đều lẫn vào nhau thành một điểm rất nhỏ, vậy bảo thiên hạ gồm Dĩnh thì ngược lại cũng có thể bảo Dĩnh gồm thiên hạ. [44] Có người giảng: con chó có thể coi lầm con cừu. Người khác giảng: tiếng “chó” ta dùng để chỉ con chó; nhưng khi mới đặt ra nó, ta dùng để chỉ con cừu cũng được, tên vật chỉ là một mặc ước giữ chúng ta với nhau. [45] L.K.h. giảng: ngựa cũng như mọi vật khác từ cái chủng (germe) nguyên thuỷ mà ra, và trong sự tiến hoá của vạn vật phải qua giai đoạn sinh trứng (như loài cá, loài chim) rồi mới tới giai đoạn mang thai (loài ngựa, loài người). [46] Nguyên văn: đinh tử hữu vĩ. Đinh tử, L.K.h. dịch là cái đinh. Các sách chữ Hán dịch là con ễnh ương, vậy con ễnh ương cũng có đuôi. L.K.h. cũng nhận rằng không hiểu gì cả nên không giảng tại sao cái đinh lại có đuôi. [47] Không ai giảng được câu này. [48] Miệng ta phát ra tiếng “núi”, vậy núi ở trong miệng ta mà ra. [49] Có sách giảng: Khi xe ngửng thì bánh xe chạm vào đất, khi nó chạy, bánh không dính vào đất nữa, nếu không làm sao chạy được? Nhưng “chạm” với “dính” khác nhau chứ? [50] Không phải là mắt thấy mà tinh thần của ta thấy. Không có tinh thần thì mắt không thấy gì cả. [51] Câu này nguyên văn là “chỉ bất chí”, có sách dịch là ngón tay không đạt được vật. Không ai giảng được rõ ràng, nhất là phần cuối câu. [Cả câu: 指不至,至不絕 chỉ bất chí, chí bất tuyệt - Goldfish] [52] Có sách giảng: cái ý niệm vuông hay tròn đã có sẳn trong đầu rồi người ta mới tạo ra cái “củ” (để vẽ hình vuông) và cái “qui” (để vẽ hình tròn). – Lại có sách giảng: xét cho thật kĩ thì hình do cái củ và cái qui vẽ thành, không hoàn toàn vuông hay tròn. [53] Xét cho thật kĩ thì lỗ mộng không khi nào ôm được thật khít cái mộng. [54] Vì bóng con chim bay trong giây phút sau không phải là cái bóng trong giây phút trước, cái bóng trong giây phút trước đó mặc dù ta không nhìn thấy nữa, nhưng vẫn ở chỗ cũ, không hề nhúc nhích. [55] Mỗi nhà giảng mỗi khác. L.K.h. giảng như vầy: nếu lấy không gian mũi tên chiếm làm đơn vị và chỉ xét theo từng đơn vị ấy thôi thì mũi tên không bay; nếu lấy làm đơn vị khoảng không gian từ chỗ mũi tên phát ra tới cái địch, thì mũi tên có bay. [56] Câu này của Công Tôn Long. Theo L.K.h.: con “cẩu” là con chó con, lông chưa dài; còn “khuyển” là con chó lớn, lông đã dài rồi; con cẩu chưa thành con khuyển, nên không phải con khuyển. [57] Ngựa vàng là một ý niệm, bò đen là một ý niệm nữa; khi hai con đứng với nhau lại có một ý niệm chung về ngựa và bò, vậy là ba ý niệm. [58] Có sách giảng: trắng và đen là tiếng ta đặt ra, vậy ta cũng có thể đảo ngược lại, gọi là đen cái màu mà hiện nay ta gọi là trắng. Có sách lại giảng: chó trắng là lông nó trắng nhưng đồng thời nó cũng đen vì mắt của nó đen. Còn một cách giải khác: màu sắc là do ánh sáng, áng sáng thay đổi thì màu sắc cũng đổi thay, trắng cũng có thể hoá xanh, đỏ hay đen. [59] Câu này cũng của Công Tôn Long. Ông muốn bảo: con ngựa con đó bây giờ không có mẹ, tức là chưa bao giờ có mẹ. Ông nói bậy, vì không chấp nhận sự biến đổi: trước nó có mẹ, bây giờ mới không. [60] Vì cứ chặt một nửa thì con một nửa, hôm sau còn một nửa của một nửa còn lại hôm trước, cứ như vậy hoài vạn đời sau cũng còn lại một nửa của cái nửa còn lại hôm trước. – Hy Lạp thời cổ, thế kỉ thứ năm trước T.L. Zénon cũng có một nguỵ biện như vậy: Achille chạy rất nhanh, con rùa chạy rất chậm; con rùa chạy trước một quảng rồi thì vạn đời sau Archille cũng không đuổi kịp con rùa. [61] Hoàn Đoàn và Công Tôn Long đều là người nước Triệu, Công Tôn Long sinh khoảng -330, mất khoảng -242, chịu ảnh hưởng của Huệ Thi, thuộc phái Danh gia, soạn cuốn Công Tôn tử nay còn 6 thiên. [62] Câu này L.K.h. cho là lời của Huệ Thi và dịch là: Nhưng tôi đây này, vũ trụ làm gì được tôi? (Nguyên văn: Thi tồn hùng nhi vô thuật). [63] Câu này, nguyên văn là: Phù sung nhất thượng khả, viết dũ quí, đạo cơ hĩ. Tôi theo H.C.H. – D.N.L. dịch là: càng tôn trọng ngôn từ, đừng phát ngôn (bừa bãi) thì càng gần với đạo. L.K.h. dịch là: Cái hiểu biết của Huệ Thi có thể diễn đạt được một khía cạnh của chân lí nếu ông ta bảo: “Càng quí trọng cái Đạo thì càng gần nó”. [64] Câu này có lẽ in thiếu chữ “quả”, vì trên nhiều trang web chữ Hán, câu tương ứng là: 古之所謂道術者,果惡乎在 Cổ chi sở vị đạo thuật giả, quả ô hồ tại. [Goldfish]. [65] Trong Nội thiên tôi dịch thoát là: Khi nào thì Đạo không còn? [66] Tuân tử là người nước Triệu, sau qua Sở làm quan, nhưng vì ông thuộc Khổng phái nên có thể miễn cưỡng gọi ông là bậc sĩ nước Trâu, nước Lỗ. [67] Chữ “bách gia” này thời Trang tử đã có ai dùng chưa? [68] Khổng tử khi gặp tai nạn ở đất Khuông, nói với môn sinh, đại ý rằng thời đó chỉ duy có ông là giữ được lễ, nhạc, pháp độ của Văn vương, nếu trời chưa muốn những cái đó mất đi thì người đất Khuông không làm gì được ông. (Luận ngữ - Tử hãn 5). Và trước khi mất, ông thở dài hát: “Núi Thái Sơn sắp sụp, cây thượng lương sắp đổ. Bậc triết nhân sắp mất”. Nhưng cả hai lời đó đều nói với môn sinh. Lời trên (ở đất Khuông) chỉ diễn cái ý sống chết do mệnh trời; lời dưới chưa chắc đúng vì không thấy chép trong Luận ngữ, mà dù có đúng chăng nữa thì cũng chỉ là lời than thở, tuyệt nhiên không có ý tự cao tự mãn. Mà trong Luận ngự còn cả chục chỗ khác cho ta thấy Khổng tử rất khiêm tốn. Còn Lão tử thì ai cũng nhận rằng ông là bậc thánh về đức khiêm nhu, chịu ở dưới người, ở sau người chứ không muốn ở trên người, ở trước người. hết: Chương XXXIII , xem tiếp: PHỤ LỤC

《庄子》第33章 天下


天下之治方术者多矣,皆以其有为不可加矣!古之所谓道术者,果恶乎在?曰:“无乎不在。”曰∶“神何由降?明何由出?”“圣有所生,王有所成,皆原于一。”不离于宗,谓之天人;不离于精,谓之神人;不离于真,谓之至人。以天为宗,以德为本,以道为门,兆于变化,谓之圣人;以仁为恩,以义为理,以礼为行,以乐为和,熏然慈仁,谓之君子;以法为分,以名为表,以参为验,以稽为决,其数一二三四是也,百官以此相齿;以事为常,以衣食为主,蕃息畜藏,老弱孤寡为意,皆有以养,民之理也。古之人其备乎!配神明,醇天地,育万物,和天下,泽及百姓,明于本数,系于末度,六通四辟,小大精粗,其运无乎不在。其明而在数度者,旧法、世传之史尚多有之;其在于《诗》、《书》、《礼》、《乐》者,邹鲁之士、缙绅先生多能明之。《诗》以道志,《书》以道事,《礼》以道行,《乐》以道和,《易》以道阴阳,《春秋》以道名分。其数散于天下而设于中国者,百家之学时或称而道之。
天下大乱,贤圣不明,道德不一。天下多得一察焉以自好。譬如耳目鼻口,皆有所明,不能相通。犹百家众技也,皆有所长,时有所用。虽然,不该不遍,一曲之士也。判天地之美,析万物之理,察古人之全。寡能备于天地之美,称神明之容。是故内圣外王之道,暗而不明,郁而不发,天下之人各为其所欲焉以自为方。悲夫!百家往而不反,必不合矣!后世之学者,不幸不见天地之纯,古人之大体。道术将为天下裂。
不侈于后世,不靡于万物,不晖于数度,以绳墨自矫,而备世之急。古之道术有在于是者,墨翟、禽滑厘闻其风而说之。为之大过,已之大顺。作为《非乐》,命之曰《节用》。生不歌,死无服。墨子泛爱兼利而非斗,其道不怒。又好学而博,不异,不与先王同,毁古之礼乐。黄帝有《咸池》,尧有《大章》,舜有《大韶》,禹有《大夏》,汤有《大濩》,文王有辟雍之乐,武王、周公作《武》。古之丧礼,贵贱有仪,上下有等。天子棺椁七重,诸侯五重,大夫三重,士再重。今墨子独生不歌,死不服,桐棺三寸而无椁,以为法式。以此教人,恐不爱人;以此自行,固不爱己。未败墨子道。虽然,歌而非歌,哭而非哭,乐而非乐,是果类乎?其生也勤,其死也薄,其道大觳。使人忧,使人悲,其行难为也。恐其不可以为圣人之道,反天下之心。天下不堪。墨子虽独能任,奈天下何!离于天下,其去王也远矣!墨子称道曰:“昔禹之湮洪水,决江河而通四夷九州也。名山三百,支川三千,小者无数。禹亲自操橐耜而九杂天下之川。腓无跋,胫无毛,沐甚雨,栉疾风,置万国。禹大圣也,而形劳天下也如此。”使后世之墨者,多以裘褐为衣,以屐蹻为服,日夜不休,以自苦为极,曰:“不能如此,非禹之道也,不足谓墨。”相里勤之弟子,五侯之徒,南方之墨者若获、已齿、邓陵子之属,俱诵《墨经》,而倍谲不同,相谓别墨。以坚白同异之辩相訾,以奇偶不仵之辞相应,以巨子为圣人。皆愿为之尸,冀得为其后世,至今不决。墨翟、禽滑厘之意则是,其行则非也。将使后世之墨者,必以自苦腓无跋、胫无毛相进而已矣。乱之上也,治之下也。虽然,墨子真天下之好也,将求之不得也,虽枯槁不舍也,才士也夫!
不累于俗,不饰于物,不苟于人,不忮于众,愿天下之安宁以活民命,人我之养,毕足而止,以此白心。古之道术有在于是者,宋钘、尹文闻其风而悦之。作为华山之冠以自表,接万物以别宥为始。语心之容,命之曰“心之行”。以聏合欢,以调海内。请欲置之以为主。见侮不辱,救民之斗,禁攻寝兵,救世之战。以此周行天下,上说下教。虽天下不取,强聒而不舍者也。故曰:上下见厌而强见也。虽然,其为人太多,其自为太少,曰:“请欲固置五升之饭足矣。”先生恐不得饱,弟子虽饥,不忘天下,日夜不休。曰:“我必得活哉!”图傲乎救世之士哉!曰:“君子不为苛察,不以身假物。”以为无益于天下者,明之不如己也。以禁攻寝兵为外,以情欲寡浅为内。其小大精粗,其行适至是而止。
公而不党,易而无私,决然无主,趣物而不两,不顾于虑,不谋于知,于物无择,与之俱往。古之道术有在于是者,彭蒙、田骈、慎到闻其风而悦之。齐万物以为首,曰:“天能覆之而不能载之,地能载之而不能覆之,大道能包之而不能辩之。”知万物皆有所可,有所不可。故曰:“选则不遍,教则不至,道则无遗者矣。”是故慎到弃知去己,而缘不得已。泠汰于物,以为道理。曰:“知不知,将薄知而后邻伤之者也。”謑髁无任,而笑天下之尚贤也;纵脱无行,而非天下之大圣;椎拍輐断,与物宛转;舍是与非,苟可以免。不师知虑,不知前后,魏然而已矣。推而后行,曳而后往。若飘风之还,若羽之旋,若磨石之隧,全而无非,动静无过,未尝有罪。是何故?夫无知之物,无建己之患,无用知之累,动静不离于理,是以终身无誉。故曰:“至于若无知之物而已,无用贤圣。夫块不失道。”豪桀相与笑之曰:“慎到之道,非生人之行,而至死人之理。”适得怪焉。田骈亦然,学于彭蒙,得不教焉。彭蒙之师曰:“古之道人,至于莫之是、莫之非而已矣。其风窨然,恶可而言。”常反人,不见观,而不免于魭断。其所谓道非道,而所言之韪不免于非。彭蒙、田骈、慎到不知道。虽然,概乎皆尝有闻者也。
以本为精,以物为粗,以有积为不足,澹然独与神明居。古之道术有在于是者,关尹、老聃闻其风而悦之。建之以常无有,主之以太一。以濡弱谦下为表,以空虚不毁万物为实。关尹曰:“在己无居,形物自著。”其动若水,其静若镜,其应若响。芴乎若亡,寂乎若清。同焉者和,得焉者失。未尝先人而常随人。老聃曰:“知其雄,守其雌,为天下溪;知其白,守其辱,为天下谷。”人皆取先,己独取后。曰:“受天下之垢”。人皆取实,己独取虚。“无藏也故有余”。岿然而有余。其行身也,徐而不费,无为也而笑巧。人皆求福,己独曲全。曰:“苟免于咎”。以深为根,以约为纪。曰:“坚则毁矣,锐则挫矣”。常宽容于物,不削于人。虽未至于极,关尹、老聃乎,古之博大真人哉!
寂漠无形,变化无常,死与?生与?天地并与?神明往与?芒乎何之?忽乎何适?万物毕罗,莫足以归。古之道术有在于是者,庄周闻其风而悦之。以谬悠之说,荒唐之言,无端崖之辞,时恣纵而不傥,不奇见之也。以天下为沈浊,不可与庄语。以卮言为曼衍,以重言为真,以寓言为广。独与天地精神往来,而不敖倪于万物。不谴是非,以与世俗处。其书虽环玮,而连犿无伤也。其辞虽参差,而諔诡可观。彼其充实,不可以已。上与造物者游,而下与外死生、无终始者为友。其于本也,弘大而辟,深闳而肆;其于宗也,可谓稠适而上遂矣。虽然,其应于化而解于物也,其理不竭,其来不蜕,芒乎昧乎,未之尽者。
惠施多方,其书五车,其道舛驳,其言也不中。历物之意,曰:“至大无外,谓之大一;至小无内,谓之小一。无厚,不可积也,其大千里。天与地卑,山与泽平。日方中方睨,物方生方死。大同而与小同异,此之谓‘小同异’;万物毕同毕异,此之谓‘大同异’。南方无穷而有穷。今日适越而昔来。连环可解也。我知天之中央,燕之北、越之南是也。泛爱万物,天地一体也。”惠施以此为大,观于天下而晓辩者,天下之辩者相与乐之。卵有毛。鸡有三足。郢有天下。犬可以为羊。马有卵。丁子有尾。火不热。山出口。轮不蹍地。目不见。指不至,至不绝。龟长于蛇。矩不方,规不可以为圆。凿不围枘。飞鸟之景未尝动也。镞矢之疾,而有不行、不止之时。狗非犬。黄马骊牛三。白狗黑。孤驹未尝有母。一尺之棰,日取其半,万世不竭。辩者以此与惠施相应,终身无穷。桓团、公孙龙辩者之徒,饰人之心,易人之意,能胜人之口,不能服人之心,辩者之囿也。惠施日以其知与之辩,特与天下之辩者为怪,此其柢也。然惠施之口谈,自以为最贤,曰:“天地其壮乎,施存雄而无术。”南方有倚人焉,曰黄缭,问天地所以不坠不陷,风雨雷霆之故。惠施不辞而应,不虑而对,遍为万物说。说而不休,多而无已,犹以为寡,益之以怪,以反人为实,而欲以胜人为名,是以与众不适也。弱于德,强于物,其涂隩矣。由天地之道观惠施之能,其犹一蚊一虻之劳者也。其于物也何庸!夫充一尚可,曰愈贵,道几矣!惠施不能以此自宁,散于万物而不厌,卒以善辩为名。惜乎!惠施之才,骀荡而不得,逐万物而不反,是穷响以声,形与影竞走也,悲夫!

NAM HOA KINH XX- THUYẾT KIẾM - NGƯ PHỦ

Chương XXX
GIẢNG VỀ KIẾM THUẬT
(Thuyết kiếm)
 Xưa, vua Văn vương nước Triệu thích kiếm thuật, kiếm sĩ đầy cung đình, có tới ba ngàn người, ngày đêm đấu kiếm trước mặt vua, mỗi năm trên trăm người chết hay bị thương, mà nhà vua không chán. Như vậy ba năm, nước suy, chư hầu tính chuyện xâm chiếm. Thái tử là Khôi lấy làm lo, vời bọn tả hữu lại bảo: - Ai thuyết phục vua cha bỏ trò đấu kiếm đó đi thì sẽ được thưởng ngàn vàng. Họ đáp:  - Chỉ Trang tử là thuyết phục nổi. Thái tử bèn sai người đem ngàn vàng tặng Trang tử. Trang tử không nhận, nhưng cũng theo sứ giả yết kiến thái tử, bảo: - Thái tử có điều gì dạy bảo Chu tôi mà cho tôi ngàn vàng? Thái tử đáp: - Tôi nghe nói tiên sinh là bậc thánh trí nên kính cẩn dâng ngàn vàng để tiên sinh chu cấp cho các người tuỳ tòng, nay tiên sinh không nhận thì Khôi tôi đâu dám thưa. - Tôi nghe nói thái tử muốn cậy Chu tôi để trừ một cái tật đam mê của đại vương. Nếu lời tôi thuyết trên thì trái với ý đại vương, dưới thì không làm tròn được điều thái tử uỷ thác, tất tôi sẽ bị tử hình mà ngàn vàng đó có ích gì cho tôi đâu? Trái lại tôi thuyết phục được, thực hiện được ý muốn của thái tử thì trong nước Triệu này, tôi muốn gì mà chẳng được, [kể chi tới ngàn vàng]? - Vâng. Nhưng vua chúng tôi chỉ tiếp các kiếm sĩ thôi. - Dạ, tôi đánh kiếm cũng giỏi lắm. - Hạng kiếm sĩ mà vua chúng tôi tiếp đều đầu tóc bù xù, tóc mai bồng lên, mũ chụp xuống mắt, dải mũ thô xấu, áo vạt sau ngắn hơn vạt trước, mắt trợn trừng, ăn nói ấp úng, có vậy vua chúng tôi mới vui lòng. Nay tiên sinh bận áo nhà Nho[1] mà vô thì e việc không êm đâu. Trang tử bảo: - Vậy tôi xin bận y phục của các kiếm sĩ ấy. Ba ngày sau, Trang tử bận y phục kiếm sĩ, vô yết kiến thái tử, thái tử dẫn vô bái kiến vua Triệu. Vua Triệu tuốt gươm ra, đợi. Trang tử ung dung bước vô điện, thấy vua cũng không cuối đầu. Vua Triệu bảo: - Thầy có gì chỉ giáo quả nhân mà cậy thái tử dẫn vô? Trang tử đáp:  - Thần nghe nói đại vương thích kiếm thuật, nên xin yết kiến đại vương để nói về kiếm thuật. - Kiếm thuật của thầy có gì đặc biệt để chế phục kẻ khác? - Kiếm thuật của thần, cứ mười bước giết được một người, như vật suốt ngàn dặm không ai cản được thần. Vua Triệu mừng lắm, bảo: - Vậy là vô địch trong thiên hạ. - Cái Đạo đánh kiếm của thần như vầy: cố ý để lộ nhược điểm của mình cho địch thủ thấy, địch thủ sẽ thừa cơ mà tấn công, thần tấn công sau mà đâm trúng trước. Thần xin thử cho đại vương coi. Vua Triệu bảo: - Thầy hãy về nghỉ ở quán xá, để quả nhân chuẩn bị xong cuộc đấu kiếm rồi mời thầy tới. Rồi vua Triệu cho các kiếm sĩ tỉ thí với nhau bảy ngày, số tử vong trên sáu chục người, sau cùng lựa được năm, sáu người giỏi nhất, bảo họ cầm kiếm ở dưới điện, và cho vời Trang tử tới, bảo: - Hôm nay thầy sẽ tỉ thí với các kiếm sĩ của quả nhân. - Thần đã mỏi mắt trông chờ ngày nay. - Kiếm thầy dùng dài ngắn ra sao? Trang tử đáp: - Kiếm nào thần dùng cũng được. Nhưng thần có ba cây kiếm để đại vương lựa. Và thần xin giảng về ba cây kiếm đó trước rồi sau sẽ dùng thử. - Xin thầy cho nghe. - Ba thứ kiếm đó là kiếm của thiên tử, kiếm của chư hầu và kiếm của người thường. - Thế nào là kiếm của thiên tử? - Kiếm của thiên tử thì mũi nhọn là Yên Khê, Thạch Thành, lưỡi là nước Tề, nước Đại, sống [lưng] là nước Tấn, nước Nguỵ, cán là nước Chu và nước Tống, chuôi là nước Hàn và nước Nguỵ; có bốn rợ bao bọc, có bốn mùa làm bao (túi), có Bột Hải bao quanh, có Thường Sơn làm đai, nó khống chế bằng ngũ hành [tức kim mộc thuỷ hoả thổ], dùng thưởng phạt để quyết đoán, dùng âm dương để đóng mở, mùa xuân, mùa hạ thì phù trì, mùa thu, mùa đông thì túc sái. Thứ kiếm ấy một khi đâm tới thì không ai chống nổi, vung lên cao thì không ai đỡ nổi, hạ xuống thì không ai chạy thoát, múa chung quanh thì không ai lại gần được. Ở trên cao nó chém những đám mây nổi, ở dưới thấp nó chặt đứt những địa mạch. Dùng cây kiếm đó có thể điều khiển được chư hầu, thống phục được thiên hạ. Kiếm của thiên tử như vậy. Vua Triệu hoang mang, bối rối, hỏi: - Thế nào là kiếm của chư hầu? - Kiếm của chư hầu mũi nhọn là kẻ sĩ trí dũng, lưỡi là kẻ sĩ thanh liêm, sống là kẻ sĩ hiền lương, cán là kẻ sĩ trung tín, chuôi là kẻ sĩ hào kiệt. Thứ kiếm ấy, một khi đâm tới thì cũng không ai chống nổi, vung lên cao thì cũng không ai đỡ nổi, hạ xuống thì cũng không ai chạy thoát, múa chúng chung quang thì cũng không ai lại gần được. Ở trên cao nó giống mặt trời tròn, tuỳ theo mặt trời, mặt trăng và các tinh tú mà chiếu sáng; ở dưới thấp nó giống mặt đất vuông, theo bốn mùa mà vận hành; ở giữa nó hợp tâm lí của dân chúng, đem lại thái bình cho bốn phương. Dùng cây kiếm ấy thì làm cho chấn động như sấm sét, trong bốn cõi không ai không qui phục, tuân theo mệnh lệnh của vua. Kiếm của chư hầu như vậy. - Còn thế nào là kiếm của người thường? - Kiếm của người thường thì đầu tóc bù xù, tóc mai bồng lên, mũ chụp xuống mắt, mắt trợn trừng, ăn nói ấp úng. Khi đấu kiếm trước mặt mọi người, trên nó chặt đầu của đối phương, dưới nó đâm thủng gan phổi của đối phương. Kiếm của người thường như vậy, không khác gì đá gà, sớm mượn gì cũng toi mạng, không ích gì cho quốc gia cả. Hiện nay đại vương ở ngôi thiên tử chí tôn, mà lại thích kiếm thuật của người thường, tôi trộm nghĩ không nên. Vua Triệu bèn kéo Trang tử lên điện, tại đó người trông coi về ngự thiện đã dọn tiệc sẳn. Vua Triệu [xấu hổ] ba lần chạy chung quanh chiếu tiệc.  Trang tử bảo: - Xin đại vương bình tĩnh ngồi xuống. Lời giảng về kiếm thuật của tôi hết rồi.  Sau đó, ba tháng vua Triệu không ra khỏi cung. Các kiếm sĩ không được trọng đãi nữa đều tự sát hết.
 Chương này ngắn, chỉ có một bài. Tác giả muốn dùng thuật đánh kiếm để giảng về đạo trị thiên hạ, tư tưởng không có chỗ nào hợp với Trang tử mà lại đặt vào miệng Trang tử. Lời lẽ thô lậu, có cái giọng của bọn tung hoành gia tầm thường (kém xa Tô Tần, Trương Nghi) của thời Chiến Quốc.Chú thích:[1] Trang Chu sao lại bận áo nhà Nho?



《庄子》第30章 说剑


昔赵文王喜剑,剑士夹门而客三千余人,日夜相击于前,死伤者岁百余人。好之不厌。如是三年,国衰。诸侯谋之。太子悝患之,募左右曰:“孰能说王之意止剑士者,赐之千金。”左右曰:“庄子当能。”太子乃使人以千金奉庄子。庄子弗受,与使者俱往见太子,曰:“太子何以教周,赐周千金?”太子曰:“闻夫子明圣,谨奉千金以币从者。夫子弗受,悝尚何敢言。”庄子曰:“闻太子所欲用周者,欲绝王之喜好也。使臣上说大王而逆王意,下不当太子,则身刑而死,周尚安所事金乎?使臣上说大王,下当太子,赵国何求而不得也!”太子曰∶“然。吾王所见,唯剑士也。”庄子曰:“诺。周善为剑。”太子曰:“然吾王所见剑士,皆蓬头突鬓,垂冠,曼胡之缨,短后之衣,瞋囗目而语难,王乃说之。今夫子必儒服而见王,事必大逆。”庄子曰:“请治剑服。”治剑服三日,乃见太子。太子乃与见王。王脱白刃待之。庄子入殿门不趋,见王不拜。王曰:“子欲何以教寡人,使太子先。”曰:“臣闻大王喜剑,故以剑见王。”王曰:“子之剑何能禁制?”曰:“臣之剑十步一人,千里不留行。”王大悦之,曰:“天下无敌矣。”庄子曰:“夫为剑者,示之以虚,开之以利,后之以发,先之以至。愿得试之。”王曰:“夫子休,就舍待命,令设戏请夫子。”王乃校剑士七日,死伤者六十余人,得五六人,使奉剑于殿下,乃召庄子。王曰:“今日试使士敦剑。”庄子曰:“望之久矣!”王曰:“夫子所御杖,长短何如?”曰:“臣之所奉皆可。然臣有三剑,唯王所用。请先言而后试。”王曰:“愿闻三剑。”曰:“有天子剑,有诸侯剑,有庶人剑。”王曰:“天子之剑何如?”曰:“天子之剑,以燕谿石城为锋,齐岱为锷,晋卫为脊,周宋为镡,韩魏为夹,包以四夷,裹以四时,绕以渤海,带以常山,制以五行,论以刑德,开以阴阳,持以春夏,行以秋冬。此剑直之无前,举之无上,案之无下,运之无旁。上决浮云,下绝地纪。此剑一用,匡诸侯,天下服矣。此天子之剑也。”文王芒然自失,曰:“诸侯之剑何如?”曰:“诸侯之剑,以知勇士为锋,以清廉士为锷,以贤良士为脊,以忠圣士为镡,以豪桀士为夹。此剑直之亦无前,举之亦无上,案之亦无下,运之亦无旁。上法圆天,以顺三光;下法方地,以顺四时;中和民意,以安四乡。此剑一用,如雷霆之震也,四封之内,无不宾服而听从君命者矣。此诸侯之剑也。”王曰:“庶人之剑何如?”曰:“庶人之剑,蓬头突鬓,垂冠,曼胡之缨,短后之衣,瞋目而语难,相击于前,上斩颈领,下决肝肺。此庶人之剑,无异于斗鸡,一旦命已绝矣,无所用于国事。今大王有天子之位而好庶人之剑,臣窃为大王薄之。”王乃牵而上殿,宰人上食,王三环之。庄子曰:“大王安坐定气,剑事已毕奏矣!”于是文王不出宫三月,剑士皆服毙其处也。


Chương XXXI ÔNG CHÀI (Ngư phủ)



  1 Khổng Tử đi chơi trong rừng Màn Đen, ngồi nghỉ trên Gò hạnh[1]. Trong khi môn đệ đọc sách, Khổng Tử gãy đàn cầm và hát, chưa được nửa khúc thì thấy một ông chài ghé thuyền tiến lại, râu và lông mày đều bạc, tóc xoã, tay áo phe phẩy[2], lên tới chỗ cao rồi ngừng lại, tay trái đặt lên đầu gối, tay phải chống cằm, ngồi nghe. Khi khúc hát chấm dứt ông lão vẫy Tử Cống và Tử Lộ tới, rồi trỏ Khổng Tử, hỏi: - Ai vậy? Tử Lộ đáp: - Vị quân tử nước Lỗ. - Họ gì? - Họ Khổng. - Thầy Khổng đó làm nghề gì? Tử Lộ làm thinh. Tử Cống đáp: - Thầy Khổng bản tính trọng trung tín, thi hành nhân nghĩa, sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân[3], trên đối với vua thì trung, dưới thì giáo hoá dân chúng, làm lợi cho thiên hạ. Đó, thầy Khổng làm những việc ấy. Ông lão lại hỏi: - Có làm vua người nào không? Tử Cống đáp: - Không. - Thế có phụ tá cho một ông vua nào không? - Không. Ông lão cười, quay trở về, vừa đi vừa nói: - Có lòng nhân thật đấy, nhưng ta ngại rằng thầy ấy không tự cứu được đâu. Đã khổ tâm, mệt thân mà lại nguy cho cái bản chân. Hởi ơi, như vậy là rời cái Đạo quá xa. Tử Cống trở về kể lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử đẩy cây đàn cầm qua một bên, đứng dậy bảo: - Ông ấy là bậc thánh chăng? Rồi bước xuống gò, đi tìm ông lão, tới bờ thì thấy ông lão đương chống cái sào có móc [dùng để kéo thuyền]. Thấy Khổng Tử, ông ta quay lại, đứng yên. Khổng Tử lùi lại, vái hai vái rồi tiến tới. Ông lão hỏi: - Thầy muốn gì? Khổng Tử đáp: - Vừa rồi cụ nói chưa hết lời rồi đi. Khâu tôi ngu muội, không hiểu ý cụ, nên xin phép cụ đứng dưới gió[4], mong được cụ chỉ giáo chỗ kém cõi của tôi. - A, thầy chịu học hỏi thật! Khổng Tử vái hai vái nữa rồi đứng ngay lại, thưa: - Khâu tôi ham học từ hồi trẻ, tới bây giờ sáu mươi chín tuổi, chưa được nghe lời chí lí nào, cho nên đâu dám không hư tâm để học thêm? Ông lão bảo: - Luật tự nhiên trong vũ trụ là đồng thanh tương ứng, đồng loại tương tòng[5]. Tôi xin đem sở đắc của tôi để luận hành vi của thầy. Hành vi của ngài thuộc về nhân sự. Nếu thiên tử, chư hầu, đại phu và dân chúng, bốn hạng người đó cùng làm tròn phận sự của mình thì xã hội cực trị rồi; trái lại, nếu không làm tròn phận sự của mình thì không loạn gì bằng. Cho nên quan lại phải làm hết sức của mình, dân phải lo công việc của mình, không vượt cái phận của mình [thì mới hết loạn]. Ruộng nương bỏ hoang, nhà cửa dột nát, ăn mặc không đủ, thuế má không nộp, vợ chồng không hoà thuận nhau, trẻ không kính già, đó là điều đáng lo cho dân thường. Không làm tròn nhiệm vụ, bỏ bê việc quan, không thanh liêm, người dưới quyền làm biếng, công nghiệp, thanh danh không có gì đáng khen, tước lộc không giữ được, đó là điều đáng lo của các quan đại phu. Triều đình không có trung thần, quốc gia hỗn loạn, bách công kĩ nghệ không khéo, phẩm vật để tiến cống [thiên tử] không tốt, xuân thu hai kì triều bái thiên tử thì tới trễ, không theo mệnh lệnh thiên tử, đó là điều đáng lo cho chư hầu. Âm dương bất hoà, nóng lạnh không hợp thời tiết làm hại cho vạn vật, chư hầu bạo loạn, đánh chiếm lẫn nhau khiến dân tàn mạt, lễ nhạc không có pháp độ, tài chính thiếu thốn, nhân luân không giữ được, trăm họ dâm loạn, đó là điều đáng lo của thiên tử. Nay thầy, trên không có quyền thế của một thiên tử hay một chư hầu, dưới không có quan chức của một đại thần mà đòi sửa đổi lễ nhạc, chăm sóc nhân luân, để giáo hoá dân chúng, chẳng là đa sự quá ư? Vả lại người ta có tám cái tật, sự việc có bốn cái đáng lo, điều đó không thể không xét được. Không phải việc của mình mà mình làm, như vậy là lạm[6]; người ta không muốn nghe mà mình cứ cố khuyên bảo, như vậy là “nịnh”[7]; đoán trước ý người để làm vừa lòng người, như vậy là hót, siểm; chẳng lựa phải trái [cứ nói theo ý người ta], như vậy là a dua; thích vạch cái xấu của người, như vậy là gièm pha; làm cho bạn bè người ta giận nhau, thân thích người ta xa nhau, như vậy là gây loạn (tặc); khen kẻ gian trá, bài xích kẻ khác mình, như vậy là gian tà; chẳng phân biệt tốt hay xấu, cứ dong nạp hết ngầm gợi điều người ta thích, như vậy là hiểm. Tám tật ấy, ngoài thì làm loạn người khác, trong thì làm loạn cho bản thân, người quân tử không kết bạn với bọn người ấy, mà vua chúa không dùng họ làm bề tôi. Bốn điều đáng lo là: thích kinh doanh việc lớn, thay đổi chế độ cũ để cầu danh, như vậy là quá lạm (thao); tự cho mình là thông minh mà chuyên quyền, xâm lấn người ta, chỉ theo ý mình, như vậy là tham; biết lỗi mà không sửa, người can mà không nghe, lại còn làm điều ác hơn nữa, như vậy là lì (ngận); đồng ý với mình thì khen, trái ý mình thì chê, như vậy là kiêu căng. Chỉ người nào bỏ được tám tật và tránh được bốn điều đáng lo kể trên thì mới có thể dạy được. Khổng Tử xấu hổ thở dài, lại cuối xuống, vái hai vái rồi ngửng lên, thưa: - Khâu tôi bị đuổi hai lần ở nước Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề; ở Tống người ta đốn cây dưới đó tôi đã ngồi, rồi bị vây ở khoảng giữa Trần và Thái[8], tôi không biết đã mắc lỗi gì mà bị bốn lần gièm pha như vậy. Ông lão để lộ vẻ buồn rầu, đáp: - Thầy khó giác ngộ thật! Một người sợ cái bóng của mình, ghét những vết chân của mình bèn chạy trốn; nhưng càng bước nhiều thì vết chân càng nhiều, càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót; thấy như vậy vẫn còn chậm lại càng rán chạy mau hơn nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó cực ngu, không biết rằng đứng vào chỗ tối thì sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa[9]. Thầy cũng vậy, xét về nhân nghĩa, phân biệt sự đồng dị (giống nhau và khác nhau), coi sự biến hoá của động tĩnh, tìm qui tắc để thích nghi sự cho và sự nhận, điều lí các tình cảm yêu và ghét, điều tiết sự vui thích và giận dữ, thì làm sao tránh được tai hoạ. Thầy nên cẩn thận sửa mình, giữ gìn bản chân để cho người và vật tự thích nghi[10], thì sẽ tránh được tai hoạ. Nay thầy không sửa mình, mà lại đi cầu ở người [hoặc trách người], như vậy chẳng là quá coi trọng ngoại vật ư? Khổng Tử xấu hổ, hỏi: - Xin cụ giảng cho thế nào là bản chân? Ông lão đáp: - Bản chân là cái cực tinh thành. Không tinh thành thì không cảm động người được. Cho nên kẻ gượng khóc thì bề ngoài tuy bi thảm mà trong lòng không thương tiếc; kẻ làm bộ giận thì tuy nghiêm mà không uy; kẻ gượng thân ái thì tuy cười mà không thật vui vẻ. Thực bi thảm thì không gào khóc mà trong lòng thương tiếc; thực giận dữ thì tuy chưa lộ sắc giận mà đã uy nghiêm; thực thân ái thì tuy không cười mà đã vui vẻ. Bản chân ở trong lòng thì tinh thần biểu lộ ra ngoài, vì vậy mà người ta quí cái bản chân. Đem bản chân dùng vào phương diện nhân luân như thờ cha mẹ thì hiếu thuận, thờ vua thì trung trinh, uống rượu thì vui, đưa ma thì buồn. Trong sự trung trinh, cần nhất là lập công; trong sự uống rượu, cần nhất là vui; trong sự đưa ma, cần nhất là sự buồn thảm; trong sự thờ cha mẹ, thì cần nhất là làm cho cha mẹ vui lòng; thành công có nhiều cách, không phải chỉ có một đường mà thôi. Như thờ cha mẹ thì cần làm vui lòng cha mẹ, bất luận dùng cách nào; uống rượu cần vui, bất luận dùng thứ chén nào; đưa ma cần bi thảm, chẳng cần biết nghi lễ. Lễ là do thế tục đặt ra; còn bản chân là cái trời cho, nó tự nhiên, không hề biến đổi. Cho nên thánh nhân lấy trời làm phép tắc và quí bản chân, không câu nệ thế tục; còn kẻ ngu thì trái lại, không biết lấy trời làm phép tắc mà chỉ lo không hợp với thế tục, không biết quí bản chân mà chỉ theo mọi người, bị thế tục biến hoá, cho nên lòng không thoả mãn[11]. Tiếc thay, thầy sớm chìm đắm vào sự giả dối, trễ rồi mới được nghe giảng về đại Đạo. Khổng Tử lại vái hai vái, rồi ngửng lên, thưa: - Hôm nay tôi gặp được cụ thật là may mắn, do trời dun giủi. Xin tiên sinh đừng lấy là xấu hổ mà cho tôi được phục dịch, và đích thân dạy dỗ tôi. Xin cho biết tiên sinh ở đâu để tôi tới thụ nghiệp mà học đại Đạo. Ông lão đáp: - Tôi nghe nói: Kẻ nào theo nổi mình thì hãy dắt kẻ đó tới cái Đạo huyền diệu, bằng không thì đừng dắt dẫn, như vậy mình mới khỏi mang lỗi. Thầy gắng sức đi. Thôi tôi đi đây. Dứt lời, ông lão xô thuyền ra rồi biến mất trong đám lau. Nhan Uyên quay xe lại, Tử Lộ chìa cho Khổng Tử sợi dây để nắm leo lên xe, nhưng Khổng Tử không quay lại, đợi cho nước hết gợn sóng, không nghe thấy tiếng động của chiếc thuyền nữa rồi mới dám lên xe. Tử Lộ ngồi ở một bên, hỏi thầy: - Con phục dịch thầy đã từ lâu, chưa hề thấy thầy kính sợ ai như vậy. Ông vua các nước có vạn cổ xe và ngàn cổ xe hễ tiếp thầy thì coi thầy như ngang hàng, mà thầy còn có vẻ ngạo mạn là khác nữa. Nay ông chài đó đứng chống cái sào trước mặt thầy mà thầy cúi gập mình xuống, vái hai vái rồi mới đáp, như vậy chẳng thái quá ư? Bọn chúng con đều lấy làm lạ, ông chài đó có cái gì mà được thầy kính trọng tới mức đó? Khổng Tử cúi dựa vào cái thanh ngang của xe, thở dài: - Do (tên Tử Lộ), anh thật là khó cải hoá. Anh hụp lặn trong lễ nghĩa bao lâu nay rồi mà chưa bỏ được cái lòng bỉ lậu ấy đi. Lại đây, ta nói cho nghe. Gặp người già mà không biết kính thì không biết lễ; thấy người hiền mà không biết tôn thì là không có đức nhân. Nếu ông lão ấy không phải là bậc chí nhân thì làm sao khiến cho người khác phải cúi mình ngưỡng mộ; cúi mình ngưỡng mộ mà không chân thành thì là mất bản chân mà hại cho bản thân. Ôi! Không có lỗi nào lớn bằng bất nhân mà anh mắc đúng cái lỗi ấy. Vả lại, Đạo sinh ra vạn vật; vật nào mất cái Đạo thì chết, có nó thì sống, hành động trái nó thì thất bại, thuận nó thì thành công. Cho nên thánh nhân tôn trọng Đạo, bất luận là nó ở đâu. Có thể bảo rằng ông lão đánh cá ấy có được cái Đạo, làm sao ta không kính ông? NHẬN ĐỊNH Chương này cũng rất ngắn và chỉ gồm một bài. Có một câu kể nỗi gian truân của Khổng Tử, chữ dùng y hệt trong chương Đạo Chích. Nội dung cũng là đả đảo Khổng Tử (chẳng hạn thói câu nệ lễ nhạc của Khổng), nhưng giọng không quá thô lậu như trong Đạo Chích, và tác giả cũng có tinh thần xây dựng hơn: đề cao bản chân và Đạo của Lão, Trang. Nhưng thuyết “giữ được bản chân thì cực tinh thành, không tinh thành thì không cảm được lòng người” cũng không khác gì thuyết “Thành giả, thiên chi đạo; thành chi giả, nhân chi đạo dã”[12] trong Trung Dung, chương 20. Tác giả chắc quên điều đó nên mới cho ông chài đem ra giảng cho Khổng Tử nghe. Theo La Căn Trạch, tác giả có lẽ là một ẩn sĩ trong phái Đạo gia ở cuối Tần đầu Hán. Chú thích: [1] Cây hạnh tức cây mận ngoài Bắc (VN), tựa như cây mơ. [2] Nguyên văn: bị phát du duệ. L.K.h. dịch là tóc dày, cổ tay áo vén lên. [3] Nguyên văn: tuyển nhân luân. D.N.L. dịch là: tuyển chọn nhân tài. [4] Lời nói nhún, người dưới nói chuyện với người trên thì đứng ở dưới gió. [5] Nghĩa là cùng một loại thì theo nhau. [6] Quá lạm, tức như lấn. [7] Chữ nịnh ở đây nên hiểu là giả đạo đức hoặc thích khéo nói. [8] Mấy hàng này gần giống hệt bài 1 chương Đạo Chích. [9] Câu này chắc sách in thiếu; tôi xin tạm bổ sung bằng mấy chữ nghiêng: “Người đó cực ngu, không biết rằng đứng vào chỗ tối thì sẽ không còn cái bóng và sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa”. Nguyên văn: Bất tri xử âm dĩ hưu ảnh, xử tỉnh dĩ tức tích, ngu diệt thâm hĩ. 不知處陰以休影, 處靜以息跡, 愚亦甚矣. [Goldfish]. [10] Nguyên văn hơi khó hiểu: hoàn dĩ vật dữ nhân. L.K.h. dịch là: để của cải của thầy cho người khác. [11] Nguyên văn: cố bất túc. Diệp Ngọc Lân dịch là: không thảnh công. L.K.h. dịch sát là: không đủ. [12] Phan Văn Các dịch là: “Thành vốn là đạo của Trời. Muốn đạt được thành, là đạo của người. [Goldfish].  


雜篇漁父

《庄子》第31章 渔父


孔子游乎缁帷之林,休坐乎杏坛之上。弟子读书,孔子弦歌鼓琴。奏曲未半,有渔父者,下船而来,须眉交白,被发揄袂,行原以上,距陆而止,左手据膝,右手持颐以听。曲终而招子贡、子路二人俱对。客指孔子曰:“彼何为者也?”子路对曰:“鲁之君子也。”客问其族。子路对曰:“族孔氏。”客曰:“孔氏者何治也?”子路未应,子贡对曰:“孔氏者,性服忠信,身行仁义,饰礼乐,选人伦。上以忠于世主,下以化于齐民,将以利天下。此孔氏之所治也。”又问曰:“有土之君与?”子贡曰:“非也。”“侯王之佐与?”子贡曰:“非也。”客乃笑而还行,言曰:“仁则仁矣,恐不免其身。苦心劳形以危其真。呜呼!远哉,其分于道也。”
子贡还,报孔子。孔子推琴而起,曰:“其圣人与?”乃下求之,至于泽畔,方将杖拏而引其船,顾见孔子,还乡而立。孔子反走,再拜而进。客曰:“子将何求?”孔子曰:“曩者先生有绪言而去,丘不肖,未知所谓,窃待于下风,幸闻咳唾之音,以卒相丘也。”客曰:“嘻!甚矣,子之好学也!”孔子再拜而起,曰:“丘少而修学,以至于今,六十九岁矣,无所得闻至教,敢不虚心!”客曰:“同类相从,同声相应,固天之理也。吾请释吾之所有而经子之所以。子之所以者,人事也。天子诸侯大夫庶人,此四者自正,治之美也;四者离位而乱莫大焉。官治其职,人忧其事,乃无所陵。故田荒室露,衣食不足,征赋不属,妻妾不和,长少无序,庶人之忧也;能不胜任,官事不治,行不清白,群下荒怠,功美不有,爵禄不持,大夫之忧也;廷无忠臣,国家昏乱,工技不巧,贡职不美,春秋后伦,不顺天子,诸侯之忧也;阴阳不和,寒暑不时,以伤庶物,诸侯暴乱,擅相攘伐,以残民人,礼乐不节,财用穷匮,人伦不饬,百姓淫乱,天子有司之忧也。今子既上无君侯有司之势,而下无大臣职事之官,而擅饰礼乐,选人伦,以化齐民,不泰多事乎?且人有八疵,事有四患,不可不察也。非其事而事之,谓之总;莫之顾而进之,谓之佞;希意道言,谓之谄;不择是非而言,谓之谀;好言人之恶,谓之谗;析交离亲,谓之贼;称誉诈伪以败恶人,谓之慝;不择善否,两容颊适,偷拔其所欲,谓之险。此八疵者,外以乱人,内以伤身,君子不友,明君不臣。所谓四患者:好经大事,变更易常,以挂功名,谓之叨;专知擅事,侵人自用,谓之贪;见过不更,闻谏愈甚,谓之很;人同于己则可,不同于己,虽善不善,谓之矜。此四患也。能去八疵,无行四患,而始可教已。
孔子愀然而叹,再拜而起,曰:“丘再逐于鲁,削迹于卫,伐树于宋,围于陈蔡。丘不知所失,而离此四谤者何也?”客凄然变容曰:“甚矣,子之难悟也!人有畏影恶迹而去之走者,举足愈数而迹愈多,走愈疾而影不离身,自以为尚迟,疾走不休,绝力而死。不知处阴以休影,处静以息迹,愚亦甚矣!子审仁义之间,察同异之际,观动静之变,适受与之度,理好恶之情,和喜怒之节,而几于不免矣。谨修而身,慎守其真,还以物与人,则无所累矣。今不修之身而求之人,不亦外乎!”
孔子愀然曰:“请问何谓真?”客曰:“真者,精诚之至也。不精不诚,不能动人。故强哭者,虽悲不哀,强怒者,虽严不屯,强亲者,虽笑不和。真悲无声而哀,真怒未发而威,真亲未笑而和。真在内者,神动于外,是所以贵真也。其用于人理也,事亲则慈孝,事君则忠贞,饮酒则欢乐,处丧则悲哀。忠贞以功为主,饮酒以乐为主,处丧以哀为主,事亲以适为主。功成之美,无一其迹矣;事亲以适,不论所以矣;饮酒以乐,不选其具矣;处丧以哀,无问其礼矣。礼者,世俗之所为也;真者,所以受于天也,自然不可易也。故圣人法天贵真,不拘于俗。愚者反此。不能法天而恤于人,不知贵真,禄禄而受变于俗,故不足。惜哉,子之蚤湛于伪而晚闻大道也!”
孔子再拜而起曰:“今者丘得遇也,若天幸然。先生不羞而比之服役而身教之。敢问舍所在,请因受业而卒学大道。”客曰:“吾闻之,可与往者,与之至于妙道;不可与往者,不知其道。慎勿与之,身乃无咎。子勉之,吾去子矣,吾去子矣!”乃剌船而去,延缘苇间。
颜渊还车,子路授绥,孔子不顾,待水波定,不闻拏音而后敢乘。子路旁车而问曰:“由得为役久矣,未尝见夫子遇人如此其威也。万乘之主,千乘之君,见夫子未尝不分庭伉礼,夫子犹有倨傲之容。今渔父杖拏逆立,而夫子曲要磬折,言拜而应,得无太甚乎!门人皆怪夫子矣,渔父何以得此乎!”孔子伏轼而叹,曰:“甚矣,由之难化也!湛于礼义有间矣,而朴鄙之心至今未去。进,吾语汝:夫遇长不敬,失礼也;见贤不尊,不仁也。彼非至人,不能下人。下人不精,不得其真,故长伤身。惜哉!不仁之于人也,祸莫大焉,而由独擅之。且道者,万物之所由也。庶物失之者死,得之者生。为事逆之则败,顺之则成。故道之所在,圣人尊之。今之渔父之于道,可谓有矣,吾敢不敬乎!”

分类:道家思想 书名:《庄子》(南华经) 作者:庄子 前页  目录  后页

NAM HOA KINH XIX- NHƯỢNG VƯƠNG-ĐẠO CHÍCH

Chương XXVIII
CÁC ÔNG VUA NHƯỜNG NGÔI
(Nhượng vương)

 Vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa Do, Hứa Do không nhận, bèn nhường cho Tử Châu Chi Phụ[1]. Tử Châu Chi Phụ đáp: - Tôi cũng muốn là thiên tử, nhưng hiện tôi đau một bệnh ngầm[2], còn phải lo trị nó đã, chưa rảnh mà trị thiên hạ được. Trị thiên hạ là việc rất quan trọng mà còn không muốn hại sức khoẻ vì nó, huống hồ là việc khác. Chỉ người nào không quan tâm tới việc trị thiên hạ là mới có thể giao thiên hạ cho được thôi.
°
 Vua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho Tử Châu Chi Bá (cũng là Tử Châu Chi Phụ trong đoạn trên). Tử Châu Chi Bá đáp:  - Tôi đương đau một bệnh ngầm, còn phải lo trị nó đã, chưa rãnh mà trị thiên hạ được. Ngôi thiên tử là tối cao mà ông ấy không chịu đem sinh mệnh của mình ra đổi. Người đạt Đạo khác người thường ở điểm ấy.
°
 Vua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho [một ẩn sĩ là] Thiện Quyển. Thiện Quyển đáp:  - Tôi sống trong vũ trụ, mùa đông bận áo da lông, mùa hè bận áo vải thô, mùa xuân đủ sức cày ruộng gieo lúa, tới mùa thu gặt hái, đủ để ăn và nghỉ ngơi. Mặt trời mọc thì dậy làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ, tiêu dao trong khoảng trời đất mà lòng thư thái sung sướng. Thế thì tôi nhận thiên hạ làm gì? Buồn thay, ông chẳng hiểu tôi chút nào cả. Từ chối rồi, Thiện Quyển bỏ đi, vô trong rừng sâu, không ai biết nơi nào.
°
 Vua Thuấn muốn nhường ngôi cho một người bạn nông phu ở Thạch Hộ. Người bạn ấy đáp: - Phải gắng trị nước. Làm vua như bác thực là lao khổ! Lời đó có ý chê đức của vua Thuấn chưa được hoàn toàn[3]. Rồi nông phu đó cõng con, vợ đội ít đồ dùng trong nhà, dắt nhau ra biên, suốt đời không trở về nữa.
2
 Vua Thái Vương Đản Phụ ở đất Bân[4], rợ Địch tấn công đất Bân hoài. Ông bèn cống họ da thú và lụa, họ không nhận; cống chó ngựa cũng không nhận; cống châu ngọc cũng không nhận; rợ Địch chỉ muốn chiếm đất đai thôi. Thái Vương Đản Phụ [họp dân chúng lại] bảo: - Tôi không muốn nhẫn tâm để con em các người ra trận mà chết, như vậy có khác gì tôi giết họ. Các người gắng ở lại đây. Làm thần dân của tôi hay của người Địch thì cũng vậy. Tôi nghe nói không nên đem cái dùng để nuôi người [tức đất đai] mà hại người [tức bắt dân ra trận]. Rồi ông chống gậy ra đi, dân chúng dắt dìu nhau theo ông mà lập một nước ở chân núi Kì Sơn [tại Thiểm Tây ngày nay]. Có thể bảo ông là người trọng sinh mệnh. Biết trọng sinh mệnh thì dù là phú quí cũng không nên hưởng thụ nếu có hại cho thân mình, còn như nghèo hèn thì không nên vì lợi lộc mà làm tội cái hình hài. Ngày nay, những kẻ chức cao tước lớn chỉ lo mất địa vị, thấy các lợi mà quên hẳn thân mình. Như vậy chẳng là mê muội ư?[5]
3
 Trong ba đời liên tiếp, người Việt giết vua. Thái tử tên Sưu lo quá, chạy trốn vào động Đan, thế là nước Việt không có vua. Người Việt bèn đi tìm thái tử, theo dấu vết đến động Đan. Thái tử không chịu ra, họ phải đốt lá ngải hun động và đánh xe của vua chờ ở ngoài. Khi nắm được dây leo lên xe, thái tử ngửa mặt lên trời than: “Làm vua! Làm vua! Tại sao không tha cho tôi, cứ phải tôi mới được?”. Thái tử Sưu không sợ làm vua mà sợ cái hoạ làm vua. Có thể bảo ông là không vì ngôi vua mà làm hại sinh mệnh của mình, chính vì vậy mà người Việt mới muốn ông làm vua.
4
 Hai nước Hàn và Nguỵ cùng tranh nhau lấn đất. Tử Hoa tử [người nước Nguỵ], lại yết kiến Chiêu Hi Hầu nước Hàn, thấy nhà vua có vẻ lo, nên bảo: - Nay có người muốn nhường thiên hạ, và viết trước mặt nhà vua một minh ước như vầy: “Ai mà tay trái lấy tờ minh ước này thì tay phải bị chặt, tay phải lấy thì tay trái bị chặt; nhưng lấy được nó thì sẽ được cả thiên hạ”. Như vậy nhà vua có chịu lấy không? Chiêu Hi Hầu đáp:  - Quả nhân không chịu. Tử Hoa tử bảo: - Hay lắm! Vậy là nhà vua coi hai cánh tay trọng hơn thiên hạ; thân thể còn trọng hơn hai cánh tay nữa. Mà nước Hàn lại khinh [nhỏ, không quan trọng] hơn thiên hạ nhiều, và phần đất hai bên tranh nhau lại khinh hơn nước Hàn nhiều. Sao nhà vua lại vì phần đất nhỏ đó mà âu sầu lo lắng, hại cho sinh mạng mình như vậy. Chiêu Hi Hầu bảo: - Hay! Đã nhiều người khuyên quả nhân mà quả nhân chưa được nghe lời nào như lời ông. Tử Hoa tử là người biết phân biệt khinh và trọng.
5
 Vua Lỗ nghe tiếng [ẩn sĩ] Nhan Hạp là người đạt Đạo, sai sứ giả mang tơ lụa lại làm lễ phẩm đón rước. Nhan Hạp đứng bên một cửa ngõ tồi tàn, bận áo vải thô, đương cho bò ăn. Sứ giả tới, Nhan Hạp đích thân tiếp. Sứ giả hỏi: - Đây phải là nhà Nhan Hạp không? Nhan Hạp đáp:  - Phải, đây là nhà của Hạp. Sứ giả dâng lễ phẩm. Nhan Hạp bảo: - Tôi ngờ rằng sứ giả nghe lầm, coi chừng bị tợi đấy. Về hỏi lại cho kĩ đi. Sứ giả về hỏi lại chắc chắn rồi trở lại thì Nham Hạp đã dọn đi đâu rồi. Nhan Hạp quả là người ghét phú quí. Cho nên bảo: “Cái tinh tuý của Đạo là để trị bản thân mình, cái dư thừa của Đạo để trị nước, cái cặn bã của Đạo để trị thiên hạ”. Do đó mà xét thì công nghiệp của đế vương là việc thừa của thánh nhân, không thể dùng nó để toàn thân, dưỡng sinh được. Hiện nay bọn quân tử[6] trong đời hầu hết là chạy theo vật chất mà làm nguy hại thân mình, huỷ bỏ sinh mệnh mình. Chẳng đáng buồn ư? Trước khi làm việc gì, bậc thánh nhân cũng xét làm cách nào và mục đích gì. Nay có người lấy hòn ngọc của Tuỳ Hầu[7] làm viên đạn để bắn con chim sẻ bay cao một ngàn nhẫn[8] thì tất bị thiên hạ chê cười vì dùng một vật quí để đạt một kết quả không đáng một chút gì. Mà sinh mệnh chẳng quí hơn hòn ngọc Tuỳ Hầu ư?
6
 Bài này y hệt bài VIII.6 trong cuốn Liệt tử, chúng tôi đã dịch rồi – bản Lá Bối trang 154. Đại ý: Liệt tử đói mà không nhận lúa vua cho.
7
 Sở Chiêu vương mất nước, một người bán thịt cừu tên là Thuyết chạy theo vua. Khi trở về nước, Chiêu vương thưởng những người chạy theo mình; tới phiên người bán thịt cừu, người này đáp[9]:  - Đại vương mất nước thì Thuyết tôi cũng mất quán thịt cừu. Đại vương trở về nước thì tôi cũng lấy lại quán thịt cừu. Vậy là tước lộc của tôi đã được phục hồi, có gì mà phải thưởng? Chiêu vương ra lệnh ép phải nhận, người đó thưa: - Trước đại vương mất nước không phải là tội của tôi, nên tôi không dám ở lại để bị tội chết; nay đại vương trở về, không phải là công của tôi, nên tôi không dám nhận thưởng. Chiêu vương ra lệnh cho người đó vô yết kiến. Người đó bảo: - Theo luật pháp nước Sở, phải có công lớn, được trọng thưởng mới được vua cho yết kiến. Tôi tài trí không đủ để giữ nước, dũng cảm không đủ để giết địch. Quân nước Ngô vô kinh đô [Dĩnh], Thuyết tôi sợ tai nạn nên chạy trốn, không phải cố ý đi theo vua. Nay đại vương định bỏ pháp luật, qui ước mà cho tôi vô yết kiến, tôi không muốn nhờ cách đó mà được người ta nhắc tới trong thiên hạ. Chiêu vương bèn bảo quan tư mã là Tử Cơ: - Người bán thịt cừu đó địa vị thấp mà tính tình thật cao thượng. Ông thay quả nhân mà đề cử người đó lên một trong các chức tam công[10]. Người bán thịt cừu hay lệnh đó, đáp: - Tôi biết rằng chức tam công quí hơn nghề bán thịt cừu, bổng lộc được vạn chung[11], nhiều hơn cái lợi bán thịt cừu, nhưng tôi đâu dám ham tước lộc mà để vua mang tiếng lạm phong chức tước! Thuyết tôi không dám nhận, chỉ mong được trở về bán thịt cừu thôi. Và người đó từ chối.
8
 Nguyên Hiến[12] ở nước Lỗ, trong một căn nhà chật hẹp, mái lợp bằng cỏ tươi, cánh cửa tạm bợ bằng cỏ bồng, then cửa bằng cành dâu, cửa sổ hay phòng làm bằng cái vò lủng đáy, che bằng vải thô. Nhà dột mà đất thì ẩm thấp. Nguyên Hiến ngồi ngay ngắn, gảy đờn và hát. Tử Cống ngồi xe, thắng ngựa lớn, mà tàn bằng lụa, trong màu tía, ngoài màu trắng, cao quá nên xe không vô ngõ được. Nguyên Hiến đội cái nón bằng vỏ cây, dép vẹt gót, chống một cây gậy bằng cành lê, đích thân ra cửa tiếp bạn [vì không có tiểu đồng]. Tử Cống bảo: - Ôi! Sao tiên sinh khốn khổ như vậy? Nguyên Hiến đáp liền: - Hiến tôi nghe nói không có tiền của thì là nghèo, học mà không hành được thì mới là khốn. Hiến tôi nghèo chứ không khốn khổ. Tử Cống đứng sửng lại, xấu hổ. Nguyên Hiến cười bảo: - Hành động để chiều lòng người, ai cũng kết thân được; học để cầu danh, dạy học để cầu lợi, giả nhân nghĩa mà làm điều gian ác, đi đâu thì xe ngựa lộng lẫy, cái đó, Hiến tôi không nhẫn tâm làm được.
9
 Tăng tử ở nước Vệ, bận áo bằng gai mà không có lót, mặt sưng phù lên, chân tay đều chai cả, ba ngày không nhóm bếp, mười năm không may áo. Hễ sửa lại cái mũ thì dây đứt, kéo tay áo ra thì lòi khuỷ tay, xỏ chân vào giày thì gót giày bung. Lết đôi giày rách đó mà hát những bài tụng[13] đời Thương, tiếng hát vang xa như tiếng nhạc cụ bằng đồng bằng đá hợp tấu. Thiên tử[14] không vời ông ta làm bề tôi được, các vua chư hầu không kết bạn với ông ta được. Người nào tu dưỡng tâm chí [như ông ấy] thì quên hình hài của mình, người nào bảo dưỡng hình hài thì quên lợi lộc, còn người đạt Đạo thì quên tâm trí đi.
10
 Khổng Tử bảo Nhan Hồi: - Hồi, lại đây! Nhà con nghèo, địa vị con thấp hèn, sao con không ra làm quan? Nhan Hồi đáp: - Con không muốn làm quan. Con có năm chục mẫu ruộng ngoài thành khỏi lo cơm cháo, hai mẫu vườn ở trong thành khỏi lo tơ, gai [tức quần áo], con gảy đàn cầm đủ để tiêu khiển, theo học đạo của thầy đủ để vui thích. Con không muốn làm quan. Khổng Tử tỏ vẻ mừng, bảo: - Ý đó hay. Thầy nghe nói: “Người biết tri túc thì không vì lợi lộc mà luỵ thân; người nào chỉ tìm sự vui vẻ của tâm hồn thì mất mát gì cũng không lo buồn; người nào biết tu dưỡng nội tâm thì không xấu hổ vì không có chức vị”. Thầy đã tụng những lời đó từ lâu, nay mới thấy con theo được. Đó là một sự thành công của thầy.
11
 Nguỵ công tử tên là Mâu được phong đất Trung Sơn bảo Chiêm tử [một người hiền nước Nguỵ]: - Thân tôi ở [nơi hẻo lánh] bờ sông góc biển này mà lòng tôi lưu luyến cảnh [lộng lẫy ở] cung điện nước Nguỵ. Làm sao bây giờ? Chiêm tử bảo: - Công tử nên trọng sự dưỡng sinh, trọng dưỡng sinh thì khinh lợi [tức vật chất]. Công tử Mâu bảo: - Tôi biết được vậy mà không tự chủ được. - Không tự chủ được thì cứ thuận theo lòng mình, như vậy tinh thần được yên, không oán ghét cái gì cả. Vì người nào không tự chủ được mà cứ miễn cưỡng ép mình thì tinh thần bị thương tổn đến hai lần, không thể sống lâu được[15]. Mâu là công tử nước Nguỵ có vạn cổ xe [tức một nước lớn], mà ở một nơi núi hang hẻo lánh, tất thấy khó chịu hơn một kẻ sĩ áo vải (tức hạng bình dân). Ông ấy chưa đạt được Đạo nhưng có thể bảo là tâm ý cũng đã đáng khen.
12
 Khi Khổng Tử bị vây ở khoảng giữa nước Trần và nước Thái, bảy ngày ăn toàn rau, không được một hột cơm, dung nhan tiều tuỵ mà vẫn gảy đàn ca hát trong phòng. Nhan Hồi hái rau ở ngoài, nghe Tử Lộ và Tử Cống nói với nhau: - Thầy chúng mình bị đuổi ra khỏi nước Lỗ, rồi phải trốn khỏi nước Vệ; tại nước Tống, người ta đốn cây dưới đó thầy đã ngồi; thầy bị cùng khốn ở nước Thương và nước Chu, bây giờ lại bị vây ở đây. Có lệnh ai giết thầy mình cũng vô tội, ai muốn sỉ nhục thầy mình cũng không bị cấm. Vậy mà thầy không dứt tiếng đàn, và tiếng ca hát. Một người quân tử mà vô liêm sĩ tới bực đó ư? Nhan Hồi không biết đáp hai người đó ra sao, vô kể lại cho thầy nghe. Khổng Tử gạt cây đàn cầm sang một bên, thở dài, bảo: - Do với Tử (tức Tử Lộ và Tử Cống) là bọn tiểu nhân thiển cận. Gọi chúng vô đây, ta giảng cho. Tử Lộ và Tử Cống vô. Tử Lộ bảo: - Tình cảnh lúc này có thể gọi là khốn cùng rồi. Khổng Tử bảo: - Nói gì vậy? Người quân tử mà hiểu đạo thì gọi là thông đạt, không hiểu đạo thì gọi là khốn cùng. Nay ta giữ vững đạo nhân nghĩa mà gặp tai nạn thời loạn, có gì đâu mà bảo là khốn cùng? Ta tự xét lòng ta, thấy không có gì là không hiểu Đạo, gặp tai nạn ta vẫn giữ được Đức của ta. Tới mùa đông, sương tuyết đổ xuống mới biết cây tùng cây bách là xanh tốt. Tai nạn ở giữa Trần và Thái này chẳng phải là cái may cho ta ư? Nói rồi, Khổng Tử cầm cây đàn cầm lên tiếp tục gảy và ca hát. Tử Lộ phấn khởi cầm cái mộc mà múa. Tử Cống bảo:  - Từ trước tới nay tôi không biết trời cao tới đâu, đất dày tới đâu. Cổ nhân mà đạt Đạo thì khốn cùng vũ trụ cũng vui, hiển đạt cũng vui. Khốn cùng và hiển đạt đều không ảnh hưởng gì tới cái vui cả. Còn giữ được Đạo và Đức thì cùng và thông chỉ như lạnh và nóng, mưa và gió nối tiếp nhau thôi. Cho nên Hứa Do vui ở phía Bắc sông Dinh mà Cung Bá tiêu dao ở núi Cung sơn[16].
13
 Vua Thuấn muốn nhường thiên hạ cho một người bạn là Vô Trạch ở phương Bắc. Vô Trạch đáp: - Nhà vua kì dị thật! Xuất thân ở đồng ruộng mà lại tới triều đình vua Nghiêu! Như vậy chưa đủ sao mà còn muốn dùng hành vi ô nhục đó làm dơ bẩn tôi nữa. Nói rồi, Vô Trạch gieo mình xuống vực Thanh Lãnh[17] tự tử.
14
 Vua Thang trước khi đem quân đánh vua Kiệt[18], hỏi kế Biện Tuỳ. Biện Tuỳ đáp: - Đó không phải là việc của tôi. Vua Thang hỏi: - Vậy tôi phải hỏi ai bây giờ? - Tôi không biết. Vua Thang lại hỏi kế Vụ Quang. Vụ Quang cũng đáp: - Đó không phải là việc của tôi. Vua Thang hỏi: - Vậy tôi phải hỏi ai bây giờ? - Tôi không biết. - Ông Y Doãn[19] là người ra sao? - Ông ấy mạnh mẻ và chịu được điều sỉ nhục, ngoài ra tôi không biết. Vua Thang bèn cùng Y Doãn lập kế đánh Kiệt, thắng, rồi nhường ngôi cho Biện Tuỳ. Biện Tuỳ từ chối: - Nhà vua hỏi ý tôi trước khi đánh vua Kiệt, tức cho tôi là kẻ cướp; thắng vua Kiệt rồi nhường ngôi cho tôi, tức cho tôi là tham (phú quí). Tôi sinh vào thời loạn mà một người vô đạo hai lần làm dơ bẩn tôi bằng những hành vi ô nhục. Thôi đừng nói nữa, tôi không nghe nữa đâu. Nói rồi Biện Tuỳ gieo mình xuống sông Chu[20] mà chết. Vua Thang lại nhường ngôi cho Vụ Quang, bảo: - Người có trí tuệ thì mưu tính việc thiên hạ, người có vũ lực thì bình định thiên hạ, người có lòng nhân thì lên ngôi trị thiên hạ, đó là Đạo thời xưa. Sao ông không lên ngôi? Phế vua, không phải là việc nghĩa; giết vua không phải là việc nhân; dân chúng mạo hiểm gian nan mà mình hưởng vinh hoa phú quí, như vậy không phải là liêm. Tôi nghe nói: Nhà vua bất nghĩa thì mình không nên nhận bổng lộc, nước mà vô đạo thì mình không nên ở. Làm sao tôi chịu để ông tôn sùng được. Thôi, tôi không muốn thấy cái cảnh đó nữa đâu.  Nói rồi, Vụ Quang cột một phiến đá lớn vào lưng, gieo mình xuống sông Lư[21] mà chết.
15
 Xưa kia, khi nhà Chu mới phát, nước Cô Trúc có hai kẻ sĩ: Bá Di và Thúc Tề[22]. Hai người đó bảo nhau: - Nghe nói ở phương Tây có một người hình như đạt Đạo, mình thử lại đó xem sao. Khi họ tới phía Nam núi Kì[23], vua Võ vương hay tin sai là Đán lại hội kiến, đề nghị với họ như sau: “Chúng tôi sẽ tặng hai ông bổng lộc hạng nhì [chỉ kém người trong họ vua], quan chức hạng nhất. [Nếu hai ông chịu thì] chúng ta sẽ chép lời thề, vấy máu bò lên lời thề rồi chôn xuống đất”. Bá Di và Thúc Tề nhìn nhau cười: - Ha! Lạ thay, cái mà chúng tôi gọi là Đạo đâu phải vậy. Xưa kia, khi vua Thần Nông làm chủ thiên hạ rồi, mỗi mùa đều tế lễ để tỏ lòng cung kính trời đất quỉ thần mà không cầu phúc. Ông trị dân thì hết lòng trung tín mà không đòi hỏi dân điều gì. Ai vui vẻ tham dự việc nước thì ông để cho tham dự, ai vui vẻ tự ý quản trị thì ông nhường cho quản trị. Ông không nhận người ta suy bại mà dựng sự nghiệp cho mình, không thấy người ta hèn kém mà đề cao mình, không lợi dụng thời cơ mà mưu tư lợi cho mình. Nay nhà Chu thấy nhà Ân loạn mà đoạt chính quyền của Ân, dùng mưu mô, đem tước lộc ra dụ thiên hạ[24], trông cậy vào binh lực để bảo vệ uy quyền, sát sinh để thề mà mong được tín nhiệm, khoe hành vi của mình để làm vui lòng dân chúng, tấn công các nước láng giềng để làm giàu, như vậy là dẹp loạn [của nước Ân] để thay vào bằng sự bạo ngược. Chúng mình nghe nói kẻ sĩ thời xưa gặp thời trị thì không trốn trách nhiệm, nhưng gặp thời loạn thì bỏ chức vụ đi, không cẩu thả ngồi lại. Ngày nay thiên hạ ở trong cảnh hôn ám, đức nhà Chu[25] đã suy, ở với Chu để cho hành vi của Chu làm dơ bẩn thân mình sao bằng rời bỏ Chu để bảo tồn sự thanh khiết của mình. Quyết định rồi, hai ông ấy lên phía Bắc, ở ẩn trong núi Thú Dương mà chịu chết đói.[26] Hạng người như Bá Di, Thúc Tề dù đem phú quí tặng họ, họ cũng nhất định không nhận[27]. Tiết tháo họ thanh cao, khác hẳn thế tục, chỉ vui với lí tưởng của mình mà không cạnh tranh với đời. Tiết tháo của Bá Di và Thúc Tề như vậy.
 Tô Đông Pha cho rằng chương này (cũng như các chương Đạo Chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ) lời lẽ thiển lậu. Một phần lớn là những cố sự về các ẩn sĩ thời cổ, không thèm làm vua, không ham phú quí (như bài 1, 3, 5, 7, 13…); có cố sự chép đúng như bài Thái vương Đản Phụ y hệt bài 15 Lương Huệ vương hạ (Mạnh tử); có cố sự chép sai hoặc tác giả tự sửa đổi cho hợp với chủ trương của mình như bài 13 về Bá Di, Thúc Tề. Đại ý toàn chương là khuyên chúng ta tìm cái vui trong cuộc sống thanh khiết, hợp đạo. Nhưng xét về tư tưởng thì có chỗ mâu thuẫn. Ví dụ bài 1 bảo: “Trị thiên hạ là việc rất quan trọng mà còn không muốn hại cho sức khoẻ vì nó, huống hồ là việc khác”. Thế mà bài 13 lại đề cao những người như Vô Trạch, Biện Tuỳ, Vụ Quang tự cho là bị sỉ nhục vì vua muốn nhường ngôi cho, rồi gieo mình xuống sông, vực mà chết. Bút pháp cũng có bài rất dở; dở nhất là bài 12, Tử Lộ và Tử Cống chê Khổng Tử: “Thầy chúng mình bị đuổi ra khỏi nước Lỗ, rồi phải trốn khỏi nước Vệ; tại nước Tống, người ta đốn cây dưới đó thầy đã ngồi; thầy bị cùng khốn ở nước Thương và nước Chu, bây giờ lại bị vây ở đây. Có lệnh ai giết thầy mình cũng vô tội, ai muốn sỉ nhục thầy mình cũng không bị cấm. Vậy mà thầy không dứt tiếng đàn, và tiếng ca hát. Một người quân tử mà vô liêm sĩ tới bực đó ư?”. Bài đó cũng như bào 8, 9, 10, không phải là cố sự, chỉ có thể coi là ngụ ngôn, nhưng tác giả đã cho Tử Lộ và Tử Cống (hai môn đệ giỏi của Khổng Tử) là hạng ngu độn, không hiểu gì về thầy mà lại có giọng quá vô lễ với thầy. Vì tư tưởng có chỗ mâu thuẫn, bút pháp không đều, nên chúng tôi nghĩ rằng chương này do nhiều người viết. Không có gì cho ta quyết đoán được rằng những tác giả đó thuộc môn phái Lão hay môn phái Trang. Chúng ta chỉ có thể cho họ là Đạo gia vì có khuynh hướng ẩn dật. Một điểm nên để ý: Nhiều bài trong chương này cũng thấy chép trong các sách khác, như bài 2 chép trong Mạnh tử, vài 6 trong Liệt tử và ba bài 1, 11, 15 chép của Lữ thị Xuân Thu. Có một số học giả còn thấy một số cố sự chép trong Hoài Nam tửHàn Phi ngoại truyện. Vậy chương này xuất hiện vào đời Hán.  Chú thích:[1] Một ẩn sĩ, họ Tử, tên Châu. Chi Phụ là tên tự.[2] Nguyên văn: u ưu chi bệnh. U là tối tăm, ưu là lo lắng. H.C.H. dịch là: bệnh nặng.[3] Nếu đức mà hoàn toàn, nghĩa là đạt Đạo thì có thể “vô vi” mà trị nước, không khó nhọc gì cả.[4] Đản Phụ là tổ nhà Chu, cha Vương Quí, ông nội Văn vương. Đất Bân ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay.[5] Trừ hai câu cuối, bài này gần y hệt bài 15 chương Lương Huệ Vương hạ trong bộ Mạnh tử. Kết như tác giả bài này đã lạc đề mà còn nông cạn.[6] Chữ quân tử ở đây trỏ bọn có chức tước chứ không nhất định là người đức hạnh.[7] Đây là thứ ngọc trai quí ở sông Bộc tỉnh Sơn Đông. Tương truyền một con rắn thần muốn đáp ơn vua nước Tuỳ, nhả ra tặng vua.[8] Mỗi nhẫn là tám thước đời Chu.[9] Đáp với một vị quan coi về việc thưởng công, chứ không phải đáp với vua.[10] Ba chức lớn nhất trong triều thời đó: thái sư, thái phó, thái bảo.[11] Mỗi chung là 64 đấu lúa.[12] Một môn sinh của Khổng Tử.[13] Kinh Thi gồm ba phần: phong là ca dao của dân gian các nước; nhả là những bài ca dùng trong những yến tiệc, tế lễ ở triều đình, miếu đường; và tụng là những bài ca khen các vua các đời Hạ, Thương, Chu.[14] Tức vua nhà Chu.[15] Lời khuyên này có thể tốt cho Nguỵ Mâu nhưng không thể áp dụng cho mọi trường hợp.[16] Cung Bá là một người hiền đời Chu, khi Chu Lệ vương chết, chư hầu tôn ông làm thiên tử, ông miễn cưỡng nhận tước vương thôi, ở ngôi được 14 năm rời nhân một lần đại hạn, lập Tuyên vương lên thay mình, trở về làm chư hầu. Có sách đọc là Công. Cung sơn ở Hà Bắc ngày nay.[17] Vực Thanh Lãnh ở Hả Nam ngày nay.[18] Kiệt là vua cuối cùng đời Hạ. Thang là vua sáng lập đời Thương. [19] Biện Tuỳ và Vụ Quang đều là ẩn sĩ. Y Doãn: coi chú thích bài 6 chương Canh Tang Sở.[20] Ở Hà Nam ngày nay. Có sách chép là sông Đồng. Hai chữ đó hơi giống nhau.[21] Có sách nói ở Liêu Đông, có sách bảo ở miền Bắc Kinh.[22] Cô Trúc là một nước chư hầu ở Liêu Tây ngày nay. Bá Di và Thúc Tề là hai người con của vua Cô Trúc. Coi chú thích Đại Tôn sư 1.[23] Núi Kì ở Thiểm Tây ngày nay, nơi đó có kinh đô nhà Chu.[24] Nguyên văn: thượng mưu nhi hạ hành hoá. Cũng có thể hiểu là người trên mưu mô thì người dưới hối lộ. Tôi sở dĩ dịch như trên là muốn cho hợp với việc Đán đem tước lộc dụ Bá Di và Thúc Tề. [25] Chu là nước thiên tử. Cô Trúc là nước chư hầu.[26] Truyện Bá Di Thúc Tề này, Sử kí của Tư Mã Thiên có chép, nhưng khác. Tư Mã Thiên đáng tin hơn.[27] Nguyên văn: kì ư phú quí dã, cẩu khả đắc dĩ, tác tất bất lại. Các sách đều dịch “lại” là nhờ, ý thật khó hiểu. Theo Chương Bính Lân, câu đó là một phương ngôn và chữ lại có nghĩa là lấy.
所欲得為君也。

《庄子》第28章 让王


尧以天下让许由,许由不受。又让于子州支父,子州之父曰:“以我为天子,犹之可也。虽然,我适有幽忧之病,方且治之,未暇治天下也。”夫天下至重也,而不以害其生,又况他物乎!唯无以天下为者可以托天下也。舜让天下于子州之伯,子州之伯曰:“予适有幽忧之病,方且治之,未暇治天下也。”故天下大器也,而不以易生。此有道者之所以异乎俗者也。舜以天下让善卷,善卷曰:“余立于宇宙之中,冬日衣皮毛,夏日衣葛絺。春耕种,形足以劳动;秋收敛,身足以休食。日出而作,日入而息,逍遥于天地之间,而心意自得。吾何以天下为哉!悲夫,子之不知余也。”遂不受。于是去而入深山,莫知其处。舜以天下让其友石户之农。石户之农曰:“捲捲乎,后之为人,葆力之士也。”以舜之德为未至也。于是夫负妻戴,携子以入于海,终身不反也。
大王亶父居豳,狄人攻之。事之以皮帛而不受,事之以犬马而不受,事之以珠玉而不受。狄人之所求者土地也。大王囗父曰:“与人之兄居而杀其弟,与人之父居而杀其子,吾不忍也。子皆勉居矣!为吾臣与为狄人臣奚以异。且吾闻之:不以所用养害所养。”因杖生䇲而去之。民相连而从之。遂成国于岐山之下。夫大王囗父可谓能尊生矣。能尊生者,虽贵富不以养伤身,虽贫贱不以利累形。今世之人居高官尊爵者,皆重失之。见利轻亡其身,岂不惑哉!
越人三世弑其君,王子搜患之,逃乎丹穴,而越国无君。求王子搜不得,从之丹穴。王子搜不肯出,越人熏之以艾。乘以王舆。王子搜援绥登车,仰天而呼曰:“君乎,君乎,独不可以舍我乎!”王子搜非恶为君也,恶为君之患也。若王子搜者,可谓不以国伤生矣!此固越人之所欲得为君也。
韩魏相与争侵地,子华子见昭僖侯,昭僖侯有忧色。子华子曰:“今使天下书铭于君之前,书之言曰:‘左手攫之则右手废,右手攫之则左手废。然而攫之者必有天下。’君能攫之乎?”昭僖侯曰:“寡人不攫也。”子华子曰:“甚善!自是观之,两臂重于天下也。身亦重于两臂。韩之轻于天下亦远矣!今之所争者,其轻于韩又远。君固愁身伤生以忧戚不得也。”僖侯曰:“善哉!教寡人者众矣,未尝得闻此言也。”子华子可谓知轻重矣!
鲁君闻颜阖得道之人也,使人以币先焉。颜阖守陋闾,苴布之衣,而自饭牛。鲁君之使者至,颜阖自对之。使者曰:“此颜阖之家与?”颜阖对曰:“此阖之家也。”使者致币。颜阖对曰:“恐听谬而遗使者罪,不若审之。”使者还,反审之,复来求之,则不得已!故若颜阖者,真恶富贵也。
故曰:道之真以治身,其绪余以为国家,其土苴以治天下。由此观之,帝王之功,圣人之余事也,非所以完身养生也。今世俗之君子,多危身弃生以殉物,岂不悲哉!凡圣人之动作也,必察其所以之与其所以为。今且有人于此,以随侯之珠,弹千仞之雀,世必笑之。是何也?则其所用者重而所要者轻也。夫生者岂特随侯之重哉!
子列子穷,容貌有饥色。客有言之于郑子阳者,曰:“列御寇,盖有道之士也,居君之国而穷,君无乃为不好士乎?”郑子阳即令官遗之粟。子列子见使者,再拜而辞。使者去,子列子入,其妻望之而拊心曰:“妾闻为有道者之妻子,皆得佚乐。今有饥色,君过而遗先生食,先生不受,岂不命邪?”子列子笑,谓之曰∶“君非自知我也,以人之言而遗我粟;至其罪我也,又且以人之言,此吾所以不受也。”其卒,民果作难而杀子阳。
楚昭王失国,屠羊说走而从于昭王。昭王反国,将赏从者。及屠羊说。屠羊说曰:“大王失国,说失屠羊。大王反国,说亦反屠羊。臣之爵禄已复矣,又何赏之有。”王曰:“强之。”屠羊说曰:“大王失国,非臣之罪,故不敢伏其诛;大王反国,非臣之功,故不敢当其赏。”王曰:“见之。”屠羊说曰:“楚国之法,必有重赏大功而后得见。今臣之知不足以存国,而勇不足以死寇。吴军入郢,说畏难而避寇,非故随大王也。今大王欲废法毁约而见说,此非臣之所以闻于天下也。”王谓司马子綦曰:“屠羊说居处卑贱而陈义甚高,子綦为我延之以三旌之位。”屠羊说曰:“夫三旌之位,吾知其贵于屠羊之肆也;万锺之禄,吾知其富于屠羊之利也。然岂可以贪爵禄而使吾君有妄施之名乎?说不敢当,愿复反吾屠羊之肆。”遂不受也。
原宪居鲁,环堵之室,茨以生草,蓬户不完,桑以为枢而瓮牖,二室,褐以为塞,上漏下湿,匡坐而弦歌。子贡乘大马,中绀而表素,轩车不容巷,往见原宪。原宪华冠𫄳履,杖藜而应门。子贡曰:“嘻!先生何病?”原宪应之曰:“宪闻之,无财谓之贫,学而不能行谓之病。今宪贫也,非病也。”子贡逡巡而有愧色。原宪笑曰:“夫希世而行,比周而友,学以为人,教以为己,仁义之慝,舆马之饰,宪不忍为也。”
曾子居卫,緼(yun4)袍无表,颜色肿哙,手足胼胝,三日不举火,十年不制衣。正冠而缨绝,捉襟而肘见,纳屦而踵决。曳纵而歌《商颂》,声满天地,若出金石。天子不得臣,诸侯不得友。故养志者忘形,养形者忘利,致道者忘心矣。
孔子谓颜回曰:“回,来!家贫居卑,胡不仕乎?”颜回对曰:“不愿仕。回有郭外之田五十亩,足以给𫗞粥;郭内之田十亩,足以为丝麻;鼓琴足以自娱;所学夫子之道者足以自乐也。回不愿仕。”孔子愀然变容,曰:“善哉,回之意!丘闻之:‘知足者,不以利自累也;审自得者,失之而不惧;行修于内者,无位而不怍。’丘诵之久矣,今于回而后见之,是丘之得也。”
中山公子牟谓瞻子曰:“身在江海之上,心居乎魏阙之下,奈何?”瞻子曰:“重生。重生则利轻。”中山公子牟曰:“虽知之,未能自胜也。”瞻子曰:“不能自胜则从,神无恶乎!不能自胜而强不从者,此之谓重伤。重伤之人,无寿类矣!”魏牟,万乘之公子也,其隐岩穴也,难为于布衣之士,虽未至乎道,可谓有其意矣!
孔子穷于陈蔡之间,七日不火食,藜羹不糁,颜色甚惫,而弦歌于室。颜回择菜,子路、子贡相与言曰:“夫子再逐于鲁,削迹于卫,伐树于宋,穷于商周,围于陈蔡。杀夫子者无罪,藉夫子者无禁。弦歌鼓琴,未尝绝音,君子之无耻也若此乎?”颜回无以应,入告孔子。孔子推琴,喟然而叹曰:“由与赐,细人也。召而来,吾语之。”子路、子贡入。子路曰:“如此者,可谓穷矣!”孔子曰:“是何言也!君子通于道之谓通,穷于道之谓穷。今丘抱仁义之道以遭乱世之患,其何穷之为?故内省而不穷于道,临难而不失其德。天寒既至,霜雪既降,吾是以知松柏之茂也。陈蔡之隘,于丘其幸乎。”孔子削然反琴而弦歌,子路扢(音xi4)然执干而舞。子贡曰:“吾不知天之高也,地之下也。”古之得道者,穷亦乐,通亦乐,所乐非穷通也。道德于此,则穷通为寒暑风雨之序矣。故许由娱于颖阳,而共伯得乎丘首。
舜以天下让其友北人无择,北人无择曰:“异哉,后之为人也,居于畎亩之中,而游尧之门。不若是而已,又欲以其辱行漫我。吾羞见之。”因自投清泠之渊。
汤将伐桀,因卞随而谋,卞随曰:“非吾事也。”汤曰:“孰可?”曰∶“吾不知也。”汤又因瞀光而谋,瞀光曰:“非吾事也。”汤曰∶“孰可?”曰:“吾不知也。”汤曰:“伊尹何如?”曰:“强力忍垢,吾不知其他也。”汤遂与伊尹谋伐桀,克之。以让卞随,卞随辞曰:“后之伐桀也谋乎我,必以我为贼也;胜桀而让我,必以我为贪也。吾生乎乱世,而无道之人再来漫我以其辱行,吾不忍数闻也!”乃自投椆水而死。汤又让瞀光,曰:“知者谋之,武者遂之,仁者居之,古之道也。吾子胡不立乎?”瞀光辞曰:“废上,非义也;杀民,非仁也;人犯其难,我享其利,非廉也。吾闻之曰:‘非其义者,不受其禄;无道之世,不践其土。’况尊我乎!吾不忍久见也。”乃负石而自沈于庐水。
昔周之兴,有士二人处于孤竹,曰伯夷、叔齐。二人相谓曰:“吾闻西方有人,似有道者,试往观焉。”至于岐阳,武王闻之,使叔旦往见之。与盟曰:“加富二等,就官一列。”血牲而埋之。二人相视而笑,曰:“嘻,异哉!此非吾所谓道也。昔者神农之有天下也,时祀尽敬而不祈喜;其于人也,忠信尽治而无求焉。乐与政为政,乐与治为治。不以人之坏自成也,不以人之卑自高也,不以遭时自利也。今周见殷之乱而遽为政,上谋而下行货,阻兵而保威,割牲而盟以为信,扬行以说众,杀伐以要利。是推乱以易暴也。吾闻古之士,遭治世不避其任,遇乱世不为苟存。今天下闇,周德衰,其并乎周以涂吾身也,不如避之,以洁吾行。”二子北至于首阳之山,遂饿而死焉。若伯夷、叔齐者,其于富贵也,苟可得已,则必不赖高节戾行,独乐其志,不事于世。此二士之节也。


[1] Chương XXIX ĐẠO CHÍCH

(Đạo Chích)  Khổng Tử là bạn của Liễu Hạ Quí. Liễu Hạ Quí có một người em tên là Đạo Chích. Đạo Chích[1] cầm đầu chín ngàn bộ hạ hoành hành trong thiên hạ, xâm đoạt các nước chư hầu, đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt cóc vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên. Họ qua nơi nào, nếu là nước lớn thì cố giữ thành, nước nhỏ thì núp sau luỹ, dân tình khốn khổ. Khổng Tử bảo Liễu Hạ Quí: - Làm cha thì phải răn đe con, làm anh thì phải dạy bảo em. Nếu cha không răn đe được con, anh không dạy bảo được em thì sao gọi là cha, là anh, để người ta quí được nữa? Tiên sinh là bậc tài sĩ trên đời, em là Đạo Chích làm hại thiên hạ mà tiên sinh không biết dạy. Khâu tôi trộm lấy làm xấu hổ cho tiên sinh, xin thay tiên sinh lại thuyết phục nó. Liễu Hạ Quí đáp:  - Ông bảo làm cha phải răn đe con, làm anh thì phải dạy em. Nhưng nếu con em không chịu nghe lời cha, anh thì dù có tài biện thuyết như ông, phỏng làm gì được không? Mà thằng Chích lòng sôi nổi như suối nóng, ý chí như bão táp; nó mạnh đủ để đương đầu được với mọi kẻ thù, bẻm mép đủ để che giấu, tô điểm những tật của nó, hễ thuận ý nó thì nó ưa thích, trái ý nó thì nó giận, mắng chửi liền. Ông đừng nên đi. Khổng Tử không nghe, cứ đi. Nhan Hồi đánh xe [ngồi bên trái], Tử Cống ngồi bên phải [cho cân], thấy Đạo Chích đương nghỉ ngơi với bộ hạ ở phía Nam núi Thái Sơn. Họ bâm gan người làm món ăn bữa chiều. Khổng Tử xuống xe, tiến lại gần người canh gác, bảo: - Tôi là Khổng Khâu nước Lỗ, nghe tiếng tướng quân là người nghĩa khí cao, muốn xin yết kiến. Nói rồi ông vái hai vái. Người đó vô thông báo, Đạo Chích nghe xong, nổi giận tới nỗi [nẩy lửa] sáng như ngôi sao, tóc dựng ngược muốn hất cái mũ lên. Hắn bảo: - Tên Khổng Khâu đó, phải là kẻ xảo trá ở nước Lỗ đấy không? Ra bảo nó như vầy cho ta: “Mày là tên bày đặt ra lời này lẽ nọ rồi nói thác ra của vua Văn vua Võ, mày đội cái mũ trang sức loè loẹt[2], đeo dây lưng bằng da bò. Mày ba hoa nói bậy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc![3] Mày khua môi múa mỏ, bày đặt ra điều thị phi để mê hoặc bọn vua chúa, khiến kẻ sĩ trong thiên hạ không trở về bản tính được; mượn cớ trọng hiếu đễ mà thực là là chỉ cầu được phong hầu mà hưởng phú quí. Tội mày nặng lắm. Cút ngay đi, nếu không tao bầm gan mày để ăn bữa trưa!”. Nhưng Khổng Tử vẫn xin vô thông báo lần nữa, bảo: - Tôi may mắn được quen ông Liễu Hạ Quí, xin được vô bái kiến dưới trướng. Người canh gác vô thông báo lần nữa. Đạo Chích bảo: - Cho nó vô. Khổng Tử vội vàng tiến vô, không dám ngồi vào chiếu, lùi lại, vái Chích hai vái. Chích nổi giận đùng dùng, duỗi hai chân, đặt tay lên chuôi kiếm, ngó Khổng Tử trừng trừng, giận dữ như con cọp cái đương cho con bú mà bị quấy phá. Hắn bảo: - Khâu, lại đây! Mày nói mà thuận ý tao thì được sống, nếu trái thì sẽ mất mạng đấy. Khổng Tử bảo: - Khâu tôi nghe nói trong thiên hạ có ba đức quí: thân thể cao lớn, dong mạo đẹp đẻ vô cùng, bất luận già trẻ, sang hèn trông thấy đều thích, đó là đức quí thứ nhất; trí tuệ bao quát trời đất, biện biệt được mọi vật, đó là đức quí thứ nhì; dũng hãn quả cảm, qui tụ được nhiều binh lính mà thống lĩnh họ, đó là đức thứ ba, thấp hơn cả. Ai mà có một trong ba đức đó thì đáng làm vua trong thiên hạ. Nay tướng quân có đủ cả ba: cao tám thước hai[4], diện mục đều sáng, môi đỏ như son, răng trắng như vỏ sò nước Tề[5], tiếng vang như chuông. Như vậy mà người ta gọi tướng quân là “tướng cướp tên Chích”, tôi trộm lấy làm xấu hổ cho tướng quân, lẽ nào lại chịu như vậy. Nếu tướng quân chịu nghe lời tôi thì tôi sẽ vì tướng quân đi sứ Ngô, Việt ở phương Nam, Tề, Lỗ ở phương Bắc, Tống, Vệ ở phương Đông, Tấn, Sở ở phương Tây. Tôi sẽ thuyết phục người ta xây một cái thành mấy trăm dặm, lập một ấp lớn mấy trăm ngàn nhà, tôn tướng quân làm vua chư hầu, mà mở một cuộc đời mới từ nay; bãi binh, cho lính về, tập hợp anh em, nuôi nấng họ và cúng giỗ tổ tiên. Đó là hành vi của bậc thánh nhân và kẻ sĩ có tài, thiên hạ chỉ mong được có vậy. Đạo Chích vẫn chưa nguôi giận, đáp: - Khâu, lại đây! Kẻ nào bị thuyết phục vì lợi, hoặc nghe lời khuyên mà sửa tính, người đó chỉ là hạng ngu xuẩn, tầm thường. Nay tao cao lớn, dong mạo đẹp đẽ, ai trông thấy cũng thích, đó là cái đức cha mẹ tao di truyền lại chẳng đợi mày khen, tao cũng biết. Mà tao nghe nói người nào thích khen trước mặt người khác thì sau lưng sẽ nói xấu người ta. Mày hứa cho ta một thành lớn với nhiều nhân dân, là muốn dùng lợi mà dụ dỗ tao, tao coi như hạng tầm thường. [Nếu được nữa đi thì] phỏng tao giữ được bao lâu? Thành dù lớn tới mấy cũng không bằng cả thiên hạ được. Nghiêu, Thuấn làm chủ thiên hạ đấy mà con cháu không có một miếng đất cắm dùi; Thang, Vũ làm thiên tử đấy mà đời sau tuyệt diệt; như vậy chẳng do nắm được cái lợi lớn đấy ư? Vả lại tao nghe rằng đời xưa cầm thú nhiều mà người ít, cho nên dân mới phải làm ổ để ở mà tránh chúng; ban ngày lượm hạt giẻ, trái “lật”, ban đêm ngủ ở trên cây, cho nên mới gọi là “thời ở trong ổ” [Sào thị chi dân]. Đời xưa, con người không có quần áo, mùa hè chất chứa cành cây để mùa đông đốt mà sưởi, cho nên gọi là “thời biết cách sống” [tri sinh chi dân]. Thời Thần Nông người ta ngủ ngon, sáng dậy thư thái. Người ta chỉ biết có mẹ mà không biết có cha, sống chung với hưu nai, cày ruộng mà ăn, dệt vải mà mặc, không có ý hại lẫn nhau. Đó là thời Đức tuyệt cao. Nhưng rồi Hoàng Đế kém đức, giao chiến với Si Vưu ở cánh đồng Trác Lộc, máu chảy tới trăm dặm; Thang đuổi vua đi, Võ vương giết Trụ. Từ đó về sau, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đa số đàn áp thiểu số. Từ Thang, Võ tới nay, chỉ toàn là bọn gây loạn thôi. Mà bây giờ mày muốn theo đạo vua Văn, vua Võ, nắm ngôn luận trong thiên hạ để dạy đời sau. Mày bận áo rộng tay [áo của Nho sĩ], đeo cái đai hẹp kia, dùng xảo ngôn và hành vi giả dối để mê hoặc bọn vua chúa trong thiên hạ, mà mong được phú quí. Đạo tặc bậc nhất là mày đấy. Tại sao thiên hạ không gọi mày là thằng tướng cướp Khâu mà lại gọi tao là thằng tướng cướp Chích? Mày dùng lời ngọt ngào để dụ dỗ Tử Lộ theo mày; nó bỏ cái mũ cao, cây kiếm dài đi, theo học mày, và thiên hạ đều khen Khổng Khâu biết ngăn bạo hành, cấm điều trái. Nhưng rốt cuộc, Tử Lộ muốn giết vua nước Vệ mà thất bại, bị vua Vệ bằm thây làm mắm ở cửa Đông kinh thành; vậy là giáo dục của mày lầm lẫn rồi. Mầy tự hào là bậc thiên tài, thánh nhân ư? Mày bị đuổi hai lần ở Lỗ, bị trục xuất khỏi Vệ, bị khốn đốn ở Tề, bị vây ở khoảng giữa Trần và Thái, khắp thiên hạ không còn chỗ nào để dung thân. Mày dạy Tử Lộ mà khiến thây nó bị băm ra làm mắm. Như vậy là cái Đạo của mày không ích gì cho mầy và cho người, có đáng cho ai nghe không? Trên đời không ai được tôn sùng bằng Hoàng Đế, mà đức của Hoàng Đế cũng không hoàn toàn, gây chiến ở đồng Trác Lộc, máu chảy trăm dặm. Nghiêu làm cha thì bất từ, Thuấn làm con thì bất hiếu, Vũ bán thân bất toại[6]; Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ. Văn vương bị giam ở Dữu Lí[7]. Sáu[8] ông đó được thiên hạ đề cao đấy. Nhưng xét cho kĩ, họ đều bị cái lợi mê hoặc mà mất bản chân, khiến họ làm ngược lại bản tính của họ; hành vi của họ thật đáng xấu hổ. Hạng người mà thiên hạ khen là hiền thì có Bá Di, Thúc Tề. Hai ông ấy từ chối ngôi vua nước Cô Trúc để rồi chết đó trên núi Thú Dương, thịt xương không ai chôn cho. Bảo Tiêu tô điểm đức hạnh mà chê bai người đời, sau phải ôm cây mà chết[9]. Thân Đồ Địch can vua, vua không nghe, rồi ôm đá gieo mình xuống sông, làm mồi cho cá và ba ba[10]. Giới Tử Thôi rất trung quân, tự cắt đùi để nuôi Tấn Văn công trong khi bỏ nước mà đi, sau Văn công quên công Tử Thôi, Tử Thôi giận, bỏ vô rừng, ôm cây mà chịu chết thiêu. Vĩ Sinh[11] hẹn với một người con gái ở dưới cầu, nàng không đến; nước sông dâng lên, Vĩ Sinh không về, ôm cột cầu mà chịu chết đuối. Sáu người đó chết không khác gì con chó bị giết, con heo bị nhận nước, tên hành khất cầm cái bầu đi xin ăn. Họ đều ham danh mà khinh chết, không nhớ tới cái điều căn bản là di dưỡng tuổi thọ.  Hạng người mà thiên hạ khen là trung thần, không ai bằng Tỉ Can và Ngũ Tử Tư[12], mà Tử Tư thì bị ném thây xuống sông, Tỉ Can bị moi tim. Hai ông ấy được gọi là trung thần ấy, rốt cuộc bị thiên hạ cười chê, như vật thì có gì đâu mà đáng khen. Khâu, mày muốn thuyết tao, đem chuyện quỉ thần ra nói thì tao không biết; chứ nói chuyện người thì bất quá chỉ như vậy, tao biết cả rồi. Tao nói về tình người cho mày nghe này: mắt ưa sắc đẹp, tai ưa tiếng êm đềm, miệng muốn nếm vị ngon, chí khí (tức hoài bảo) muốn được thoả mãn. Người ta thượng thọ thì trăm tuổi, trung thọ thì được tám mươi, hạ thọ được sáu mươi; mà trừ những lúc đau ốm suy yếu, những lúc có tang, buồn rầu lo lắng ra, thì mỗi tháng chỉ còn bốn năm ngày mở miệng ra cười được thôi. Trời với đất vô cùng, kiếp người hữu hạn, đem cái thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác gì bóng câu qua cửa[13]. Kẻ nào không biết thoả mản ý chí, giữ gìn thọ mệnh thì không hiểu gì về Đạo cả. Những lời nói của mày, Khâu, tao không chấp nhận được. Dông đi, về ngay đi, đừng nói thêm nữa! Cái Đạo của mày điên rồ vô nghĩa, xảo trá, hư nguỵ, không làm cho người ta bảo toàn được chân tính, không đáng đem ra bàn. Khổng Tử vái hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái như tro tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước xe, đầu cuối xuống, thở không ra hơi. Về tới phía ngoài cửa Đông kinh đô Lỗ thì gặp Liễu Hạ Quí. Liểu Hạ Quí hỏi: - Mấy bữa rày không thấy mặt ông đâu. Mà sao xe và ngựa có vẻ như đi xa mới về. Bộ ông đi thăm thằng Chích về phỏng? Khổng Tử ngẩng mặt lên trời thở dài: - Phải. - Thế nó có nói gì trái ý ông như tôi đoán không? - Có. Khâu tôi như người vô bệnh mà để người ta châm cứu vậy. Tôi đã chạy lại xoa đầu, vuốt râu cọp, suýt nữa bị cọp nhai.
2
 Tử Trương hỏi Mãn Cẩu Đắc[14]: - Sao không sửa đức hạnh? Đức không tốt thì không ai tin, không được ai tin thì không được giao cho chức vụ, không có chức vụ thì không có bổng lộc. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì nhân nghĩa vẫn là căn. Dù cho không cầu thanh danh lợi lộc, chỉ phản tỉnh thôi, cũng thấy rằng kẻ sĩ không thể một ngày nào là không sửa đức hạnh.  Mãn Cẩu Đắc đáp: - Vô liêm sỉ thì giàu có, [nói khéo] được nhiều người tin thì hiển vinh. Muốn được thanh danh và lợi lộc thì cơ hồ chỉ cần vô liêm sỉ và được nhiều người tin. Vậy xét về thanh danh và lợi lộc thì được nhiều người tin mới là cần. Còn như không cầu thanh danh lợi lộc, mà phản tỉnh thì kẻ sĩ chỉ ôm được cái bản tính trời cho thôi. Tử Trương bảo: - Xưa, Kiệt và Trụ, sang tới mức làm thiên tử, giàu tới mức có thiên hạ; nhưng ngày nay bảo những kẻ oa trữ: “Anh hành động như như Kiệt và Trụ” thì kẻ đó đỏ mặt lên, bất bình; vậy là ngay bọn tiểu nhân cũng khinh Kiệt và Trụ. Trọng Ni và Mặc Địch là hạng bình dân nghèo khổ, nhưng ngày nay bảo một tể tướng: “Hành vi của ông như của Trọng Ni và Mặc Địch” thì tất ông ta biến sắc, xấu hổ, rằng mình không xứng với lời khen đó; vậy là hai bậc hiền ấy quả được người đời quí trọng. Cho nên có quyền thế như thiên tử vị tất được người ta quí, nghèo khổ như dân thường vị tất đã bị người ta khinh. Sự kính trọng hay khinh bỉ là do hành vi tốt hay xấu. Mãn Cẩu Đắc bảo:  - Kẻ cướp nhỏ thì bị bắt, kẻ cướp lớn thì được làm vua chư hầu. Ở cửa dinh các vua chư hầu, toàn là bọn giảng về nhân nghĩa[15]. Xưa kia, Tề Hoàn công là Tiểu Bạch giết anh và thu nạp chị dâu, mà Quản Trọng chịu làm bề tôi; Điền Thành tử giết vua, chiếm nước Tề[16] mà Khổng Tử chịu nhận lễ vật của y. Vậy là bình luận thì chê người ta mà hành động thì chịu hạ mình trước người ta; chẳng phải là ngôn ngữ và hành vi giao chiến nhau ở trong lòng ư? Chẳng phải là mâu thuẫn ư? Cho nên có sách bảo: “Cái gì xấu? Cái gì đẹp? Thành công thì làm đầu, thất bại thì làm đuôi”. Tử Trương bảo: - Nếu ông không có đức hạnh tốt thì trong chỗ thân thích gần xa không có luân thường, quí và tiện không hợp nghĩa, già trẻ không có trên dưới, như vậy thì làm sao phân biệt được ngũ luân và lục vị?[17] Mãn Cẩu Đắc đáp:  - Vua Nghiêu giết con cả, vua Thuấn đày người em cùng cha khác mẹ[18], như vậy là trong chỗ thân thích có luân thường không? Vua Thang đuổi vua Kiệt đi, Võ vương giết vua Trụ như vậy là quí hay tiện [tức trên và dưới] có hợp nghĩa không? Chu công giết anh[19], như vậy là trên dưới có thứ tự không? Nho gia thì ngôn luận giả dối, Mặc gia thì kiêm ái. Như vậy có phân biệt ngũ luân và lục vị không? Ông đề cao thanh danh, tôi đề cao lợi lộc. Sự thực cả thanh danh lẫn lợi lộc đều không thuận với lí, không làm sáng cái Đạo. Tôi xin nó thẳng với ông này: “Tiểu nhân vì lợi lộc mà hi sinh, quân tử vì thanh danh mà hi sinh; mỗi bên đều vì một lí do riêng mà làm hư hỏng tình cảm cùng bản tính của mình, và đều là bỏ cái đáng làm và hi sinh cho cái không đáng làm. Cho nên bảo: “Đừng như tiểu nhân [mà trục lợi] thì thuận theo được bản tính; đừng như quân tử [mà ham danh] thì theo được thiên lí. Dù cong dù ngay, cũng nên giúp bản tính của mình thuận ứng tự nhiên, quan sát bốn phương, cùng với bốn mùa mà thay đổi. Dù phải dù trái cũng phải giữ cái đạo lí trong thâm tâm mình. Thực hiện được lí tưởng riêng của mình, như vậy mới gần Đạo được. Đừng nên cố chấp trong hành vi, đừng học đạo nhân nghĩa, mà hỏng việc mình làm. Đừng đeo đuổi phú quí, đừng mong gắp thành công, như vậy là bỏ mất Đạo tự nhiên.[20] Tỉ Can bị moi tim, Tử Tư bị khoét mắt[21], đó là cái hoạ trung quân; Trực Cung làm chứng cha ăn cắp cừu, Vĩ Sinh chết đuối, đó là cái vạ giữ chữ tín; Bảo tử ôm cây mà chết khô, Thăng tử[22] bị vu oan mà không tự bào chữa, đó là cái hại liêm khiết; Khổng Tử không thấy mẹ, Khuông tử không thấy cha[23], đó là cái hại của nhân nghĩa. Những truyện ấy truyền lại cho đời sau, cho ta thấy kẻ sĩ mà ngôn ngữ chính trực, hành vi quả quyết thì gặp tai ương, chịu hoạ hoạn như vậy.
3
 Vô Túc hỏi Tri Hoà[24]: - Mọi người đều ham danh cầu lợi, chạy theo kẻ giàu làm thuộc hạ cho họ và tôn quí họ. Được người ta tôn sùng thì được trường thọ, thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ. Tại sao riêng anh lại không muốn làm như người ta, trí tuệ không đủ chăng, hay là biết đấy mà không đủ sức làm, nên cứ theo chính đạo, không dám rời? Tri Hoà đáp: - Thí dụ có một kẻ trọc phú, tự so với những người cùng sinh một thời, ở cùng một làng, và tự nhận nhận mình siêu quần bạt tục. Như vậy là không có chính đạo để xét cổ kim, phân biệt thị phi, thay đổi theo thói tục, bỏ mất cái rất quan trọng là sinh mệnh, cái cực tôn quí là đạo Đạo, mà muốn làm gì thì làm. Bà với kẻ đó về viễc giữ gìn sinh mệnh để được trường thọ, thân thể an nhàn, ý chí vui vẻ, chẳng là khó quá ư? Kẻ đó không quan tâm gì tới bệnh tật có hại cho thân thể, tới nỗi vui mừng hay lo sợ có hại cho tâm linh, hành động mà không biết để làm gì. Như vậy thì dù được làm thiên tử, có cả thiên hạ, cũng không tránh được hoạ. Vô Túc bảo: - Sự giàu có có lợi cho người ta đủ điều từ cái đẹp tới uy quyền trên đời, muốn gì được nấy; bậc chí nhân và thánh nhân không sao bì kịp. Người giàu có nhờ dũng lực của kẻ khác mà gây được uy thế, dùng mưu trí của kẻ khác mà hoá ra sáng suốt, nhờ đạo đức của kẻ khác mà được tiếng là hiền lương. Tuy không có đất đai mà tôn nghiêm không khác gì vua một nước. Vả lại thanh sắc, hương vị, quyền thế, lòng người không cần phải học, thân thể không cần phải tập cho quen mà tự nhiên ai cũng thích. Ai cũng biết yêu ghét, trốn tránh, đeo đuổi mà chẳng cần có thầy dạy, đó là bản tính con người. Thiên hạ tuy chê bai thái độ đó nhưng mấy ai tránh được. Tri Hoà đáp:  - Bậc trí giả hành động là vì nhu cầu [vì cái lợi] của mọi người, mà không trái pháp độ, cho nên biết tri túc mà không tranh giành, không có lí do thì không đòi hỏi, tranh giành với bốn phương mà không biết mình tham. Hễ cho là có dư rồi [tức người biết tri túc] thì từ bỏ ngoại vật, bỏ cả thiên hạ mà không tự cho mình là liêm. Cái thực chất của lòng tham lam và lòng liêm khiết không do ảnh hưởng của ngoại vật mà do tự xét lòng mình. Có quyền thế của thiên tử mà không ỷ sự tôn quí đó để khinh người; giàu có làm chủ cả thiên hạ mà không dùng tiền của để giễu cợt người. Tính trước tai hoạ, suy nghĩ về sự phản phúc (thịnh rồi suy). Từ chối uy quyền lợi lộc vì biết nó có hại cho bản tính, chứ không phải vì muốn được thiên hạ khen. Vua Nghiêu và vua Thuấn nhường thiên hạ [cho Thiện Quyển và Hứa Do], không phải vì yêu thiên hạ [muốn cho người có tài trị thiên hạ], mà vì không muốn để cho cái hoa mĩ làm hại sinh mệnh của mình. Thiện Quyển và Hứa Do không nhận ngôi báo, không phải là làm bộ từ chối, mà vì không muốn bận việc nước mà hại cho mình. Bốn ông đó đều biết tìm cái lợi, từ bỏ cái hại cho mình, mà thiên hạ khen là hiền. Họ hiền thật đấy nhưng không phải để cầu danh. Vô Túc bảo:  - Muốn giữ cái danh thì phải chịu khổ về thân thể, từ bỏ những cái thú[25], sống đạm bạc để duy trì sự sống, như vậy có khác gì đau khổ dai dẳng mà không chết cho? Tri Hoà đáp:  - Quân bình là phúc, hữu dư là hoạ, vật nào cũng vậy, mà hoạ lớn nhất là tiền của hữu dư. Bọn phú gia tai ồn tiếng chuông, tiếng trống, tiếng sáo; miệng ngấy những vị thịt và rượu, những cái đó ảnh hưởng xấu tới ý chí, hoá ra bỏ bê công việc. Thực là loạn! Ăn tới nghẹn họng[26], ì à ì ạch như kẻ đội nặng mà leo núi. Đời gì mà khốn khổ! Tham tiền của mà bị nhục[27], tham quyền thì kiệt lực, ở không thì chìm đắm (trong sự nhàn cư), quen sung sướng đầy đủ thì hoá ra nô lệ [sự an lạc]; những cái đó đều là bệnh tật cả. Muốn giàu có mà trục lợi thì mất tự do, như bị giam trong bốn bức tường mà không thoát ra được; tham quá, bao nhiêu cũng vơ, thật là nhục! Chứa chất của cài mà không dùng đến, cứ ôm vào ngực, không chịu bỏ ra, thì lòng đầy phiền não, muốn kiếm thêm hoài, không chịu ngừng, thật là rầu rĩ lo lắng. Kẻ giàu có thì ở trong nhà phải phòng thủ nghiêm mật, cất nhiều lầu canh, nhiều hành lang, ra ngoài không dám đi một mình, sống chỉ những lo và sợ. Sáu cái đó [loạn, khổ, nhục, bệnh tật, rầu rĩ, lo sợ] đều là những hoạ lớn trong thiên hạ, bọn phú gia quên đi mà không để ý tới, đến khi tai hoạ xảy ra rồi mới dùng hết tâm tư, tiền của chỉ cầu được một ngày yên ổn mà không được cho! Vậy đã chẳng được thanh danh, cũng chẳng được lợi lộc. Đem tất cả tinh thần, sinh lực ra để tranh giành mà rốt cuộc như vậy, chẳng là mê hoặc ư?
 Chương này bút pháp rất tầm thường, không đáng cho vô một cuốn mà đời sau tôn xưng là một cuốn kinh: Nam Hoa Kinh; nhưng chúng tôi cũng dịch cho được trọn bộ và để độc giả thấy tính cách hổn tạp của phần Tạp thiên. Cả ba bài đều là những đối thoại tưởng tượng giữa những nhân vật có thật (nhưng không sống cùng một thời với nhau) hoặc tượng trưng, đều dẫn những cố sự quen thuộc về Nghiêu, Thuấn, Tử Tư, Tỉ Can, Hứa Do, Kiệt, Trụ… Tầm thường nhất là bài 1: tác giả mạt sát Khổng Tử và chê tất cả các thánh hiền của Nho gia bằng một giọng ngây thơ, để khuyên người ta tha hồ hưởng lạc “vì trời đất vô cùng, đem thời gian hữu hạn gởi vào trong cái khoảng vô cùng thì không khác gì bóng câu qua cửa”. Bài 2 cũng chê đạo Khổng, cho thánh nhân của nhà Nho là ham danh mà ham danh cũng không hơn gì ham lợi. Trong bài này dùng chữ “tể tướng” mà theo La Căn Trạch, danh từ đó chỉ xuất hiện vào cuối thời Chiến Quốc. Bài 3 tương đối khá hơn, khuyên ta tri túc, nhất là đừng ham giàu sang, nhưng lí luận cũng không có gì đặc sắc. La Căn Trạch cho chương này do Đạo gia ở cuối đời Chiến Quốc viết. Thuyết đó có thể tin được.Chú thích:[1] Liễu Hạ Quí tức Liễu Hạ Huệ, họ Triển, tên Cầm, nhà ở dưới gốc cây liễu, nên gọi là Liễu Hạ, nổi tiếng là trong sạch. Đạo Chích là tên cướp tên Chích, theo Tư Mã Thiên, sống đời Hoàng Đế. Bài này chỉ là ngụ ngôn vì Liểu Hạ Huệ, Đạo Chích và Khổng Tử sống ba thời khác nhau. [2] Nguyên văn: quán chi mộc chi quan: đội cái mũ tua tủa như nhánh cây.[3] Ý nói: đồ ăn hại.[4] Mỗi thước hồi đó khoảng một gang tay.[5] Nước Tề ở bờ biển.[6] Vua Nghiêu giết con trưởng, có sách nói là không truyền ngôi cho con – Vua Thuấn cưới vợ mà không xin phép cha mẹ - Vua Vũ lo việc trị thuỷ (trừ cảnh lụt cho dân), dầm mưa dãi nắng mà sinh bệnh.[7] Văn vương khi còn là Tây Bá bị vua Trụ giam bảy năm.[8] Có sách bảo sỡ dĩ có sáu ông là vì Văn vương được người sau thêm vào, có sách sửa lại là “bảy”.[9] Bảo Tiêu là một ẩn sĩ đời Chu, không vợ con, vô rừng ở, lượm trái cây mà ăn. Tử Cống nói khích: “Ông chê Chu mà ở trên đất của Chu, ăn trái cây của Chu. Như vậy có phải không?”. Bảo Tiêu bèn ôm cây mà chết khô.[10] Truyện Thân Đồ Địch đã chép trong chương VI và XXVI. [11] Giới Tử Thôi, cũng gọi là Giới Chi Thôi, trốn theo thái tử Trùng Nhĩ, sau thành Tấn Văn Công. Tấn Văn công thưởng các người tòng vong mà quên ông, ông cõng mẹ vào núi ở. Văn Ông hối hận mời Thôi ra, Thôi không ra; Văn Công đốt núi để ông phải ra, nhưng ông ở lì trong núi mà chụi chết thiêu. Hôm đó là ngàu mồng 3 tháng 3. Từ đó, vua ra lệnh này ấy cấm lửa, phải ăn nguội, để kỉ niện Thôi. Tết đó là Tết Hàn thực – Vĩ Sinh là người nước Lỗ thời Chiến Quốc.[12] Tỉ Can – chương Nhân gian thế bài 1. Ngũ Tử Tư tên là Viên, giúp Ngô vương Phù Sai thắng Việt vương Câu Tiển, sau vì can gián Phù Sai, Phù Sai ghét, bắt tự tử rồi ném thây xuống sông.[13] Nguyên văn: kì kí chi quá khích dã, là con ngựa kì ngựa kí (loài ngựa chạy rất nhanh) vụt qua kẻ tường (hoặc một chỗ nứt ở đất, theo L.K.h.)[14] Tử Trương là một môn sinh của Khổng Tử. Mãn Cẩu Đắc là một tên tưởng tượng có nghĩa là: thoả mãn về sự cẩu thả mà được danh lợi. Tên đó tượng trưng cho hạng người tham lam.[15] Nguyên văn: chư hầu chi môn, nhân nghĩa tồn yên. H.C.H. dịch là: “trong nhà các vua chư hầu, việc làm nào cũng hợp nhân nghĩa”. Tôi ngờ là không hợp với nghĩa của cả đoạn.[16] Coi bài 2 chương Khư khiếp.[17] Ngũ luân ở đây là ông, cha, mình, con, cháu mình. Lục vị, cũng gọi là lục kỉ, là vua tôi, cha con, vợ chồng. Nhưng cũng có thuyết bảo ngũ luân là nhân nghĩa lễ trí tín; lục vị là cha mẹ, anh em, vợ chồng.[18] Tên là Tượng, có sách nói là bị đày đi xa, có sách nói là được phong đất.[19] Vương Quí là con thứ của Thái vương nhà Chu, cha của Văn vương. Chu công là con của Văn vương giết Quản và Thái vì hai người này muốn là phản.[20] Đoạn này tối nghĩa, mỗi nhà giảng một khác.[21] Tử Tư can gián vua Ngô là Phù Sai, bị Phù Sai giết, bảo: “Ta chết rồi thì treo đầu lâu ta ở cữa Đông nước Ngô, để ta được thấy quân Việt diệt nước Ngô. Phù Sai nỗi giạn, sai khoét mắt Tử Tư. Coi thêm chú thích bài 1 chương Đạo Chích. [22] V.P.C. đọc là Thăng – Một thái tử của vua Tần bị sủng phi của cha vu oan mà không tự bào chữa, tự tử và chết. [Có lẽ cụ NHL muốn nói là: chữ 申 thay vì đọc Thân (申子 Thân tử), cụ theo V.P.C. đọc là Thăng (Thăng tử) – Goldfish].[23] Khổng Tử lo chu du các nước để cứu vớt thiên hạ mà khi mẹ chết không được thấy mẹ.  Có sách bảo có lẽ là Trần Trọng tử vì liêm khiết, mà xa mẹ xa anh, ở ẩn một nơi. Khuông tử, người nước Tề, can cha, cha không nghe, bị cha ghét, bèn di du học, cha chết không về được.[24] Đây là những tên tưởng tượng. Vô Túc (không biết thế nào là đủ) tượng trưng cho sự tham lam. Tri Hoà (biết lẽ trung hoà) tượng trưng sự thủ phận, thanh liêm. [25] Nguyên văn là cam: những cái ngon ngọt.[26] Đoạn cuối này nhiều chỗ cũng mỗi sách giảng một khác. Như chỗ này, nguyên văn: cai nịch ư bằng khí, có sách dịch là chìm đắm mà thịnh khí.[27] Nguyên văn là uỷ. Có sách giải là bệnh, có sách giải là oán. Chương XXI

《庄子》第29章 盗跖


孔子与柳下季为友,柳下季之弟名曰盗跖。盗跖从卒九千人,横行天下,侵暴诸侯。穴室枢户,驱人牛马,取人妇女。贪得忘亲,不顾父母兄弟,不祭先祖。所过之邑,大国守城,小国入保,万民苦之。孔子谓柳下季曰:“夫为人父者,必能诏其子;为人兄者,必能教其弟。若父不能诏其子,兄不能教其弟,则无贵父子兄弟之亲矣。今先生,世之才士也,弟为盗跖,为天下害,而弗能教也,丘窃为先生羞之。丘请为先生往说之。”柳下季曰:“先生言为人父者必能诏其子,为人兄者必能教其弟,若子不听父之诏,弟不受兄之教,虽今先生之辩,将奈之何哉?且跖之为人也,心如涌泉,意如飘风,强足以距敌,辩足以饰非。顺其心则喜,逆其心则怒,易辱人以言。先生必无往。”孔子不听,颜回为驭,子贡为右,往见盗跖。
盗跖乃方休卒徒大山之阳,脍人肝而包𫗦(音bu3)之。孔子下车而前,见谒者曰:“鲁人孔丘,闻将军高义,敬再拜谒者。”谒者入通。盗跖闻之大怒,目如明星,发上指冠,曰:“此夫鲁国之巧伪人孔丘非邪?为我告之:尔作言造语,妄称文、武,冠枝木之冠,带死牛之胁,多辞缪说,不耕而食,不织而衣,摇唇鼓舌,擅生是非,以迷天下之主,使天下学士不反其本,妄作孝弟,而侥幸于封侯富贵者也。子之罪大极重,疾走归!不然,我将以子肝益昼𫗦之膳。”
孔子复通曰:“丘得幸于季,愿望履幕下。”谒者复通。盗跖曰:使来前!”孔子趋而进,避席反走,再拜盗跖。盗跖大怒,两展其足,案剑瞋目,声如乳虎,曰:“丘来前!若所言顺吾意则生,逆吾心则死。”
孔子曰:“丘闻之,凡天下有三德:生而长大,美好无双,少长贵贱见而皆说之,此上德也;知维天地,能辩诸物,此中德也;勇悍果敢,聚众率兵,此下德也。凡人有此一德者,足以南面称孤矣。今将军兼此三者,身长八尺二寸,面目有光,唇如激丹,齿如齐贝,音中黄钟,而名曰盗跖,丘窃为将军耻不取焉。将军有意听臣,臣请南使吴越,北使齐鲁,东使宋卫,西使晋楚,使为将军造大城数百里,立数十万户之邑,尊将军为诸侯,与天下更始,罢兵休卒,收养昆弟,共祭先祖。此圣人才士之行,而天下之愿也。”
盗跖大怒曰:“丘来前!夫可规以利而可谏以言者,皆愚陋恒民之谓耳。今长大美好,人见而悦之者,此吾父母之遗德也,丘虽不吾誉,吾独不自知邪?且吾闻之,好面誉人者,亦好背而毁之。今丘告我以大城众民,是欲规我以利而恒民畜我也,安可久长也!城之大者,莫大乎天下矣。尧、舜有天下,子孙无置锥之地;汤、武立为天子,而后世绝灭。非以其利大故邪?且吾闻之,古者禽兽多而人少,于是民皆巢居以避之。昼拾橡栗,暮栖木上,故命之曰‘有巢氏之民’。古者民不知衣服,夏多积薪,冬则炀之,故命之曰‘知生之民’。神农之世,卧则居居,起则于于。民知其母,不知其父,与麋鹿共处,耕而食,织而衣,无有相害之心。此至德之隆也。然而黄帝不能致德,与蚩由战于涿鹿之野,流血百里。尧、舜作,立群臣,汤放其主,武王杀纣。自是之后,以强陵弱,以众暴寡。汤、武以来,皆乱人之徒也。今子修文、武之道,掌天下之辩,以教后世。缝衣浅带,矫言伪行,以迷惑天下之主,而欲求富贵焉。盗莫大于子,天下何故不谓子为盗丘,而乃谓我为盗跖?子以甘辞说子路而使从之。使子路去其危冠,解其长剑,而受教于子。天下皆曰∶‘孔丘能止暴禁非。’,其卒之也,子路欲杀卫君而事不成,身菹于卫东门之上,是子教之不至也。子自谓才士圣人邪,则再逐于鲁,削迹于卫,穷于齐,围于陈蔡,不容身于天下。子教子路菹。此患,上无以为身,下无以为人。子之道岂足贵邪?世之所高,莫若黄帝。黄帝尚不能全德,而战于涿鹿之野,流血百里。尧不慈,舜不孝,禹偏枯,汤放其主,武王伐纣,文王拘羑(音you3)里。此六子者,世之所高也。孰论之,皆以利惑其真而强反其情性,其行乃甚可羞也。世之所谓贤士:伯夷、叔齐。伯夷、叔齐辞孤竹之君,而饿死于首阳之山,骨肉不葬。鲍焦饰行非世,抱木而死。申徒狄谏而不听,负石自投于河,为鱼鳖所食。介子推至忠也,自割其股以食文公。文公后背之,子推怒而去,抱木而燔死。尾生与女子期于梁下,女子不来,水至不去,抱梁柱而死。此六子者,无异于磔犬流豕、操瓢而乞者,皆离名轻死,不念本养寿命者也。世之所谓忠臣者,莫若王子比干、伍子胥。子胥沉江,比干剖心。此二子者,世谓忠臣也,然卒为天下笑。自上观之,至于子胥、比干,皆不足贵也。丘之所以说我者,若告我以鬼事,则我不能知也;若告我以人事者,不过此矣,皆吾所闻知也。今吾告子以人之情:目欲视色,耳欲听声,口欲察味,志气欲盈。人上寿百岁,中寿八十,下寿六十,除病瘦死丧忧患,其中开口而笑者,一月之中不过四五日而已矣。天与地无穷,人死者有时。操有时之具,而托于无穷之间,忽然无异骐骥之驰过隙也。不能说其志意、养其寿命者,皆非通道者也。丘之所言,皆吾之所弃也。亟去走归,无复言之!子之道狂狂汲汲,诈巧虚伪事也,非可以全真也,奚足论哉!”
孔子再拜趋走,出门上车,执辔三失,目芒然无见,色若死灰,据轼低头,不能出气。
归到鲁东门外,适遇柳下季。柳下季曰:“今者阙然,数日不见,车马有行色,得微往见跖邪?”孔子仰天而叹曰:“然!”柳下季曰:“跖得无逆汝意若前乎?”孔子曰:“然。丘所谓无病而自灸也。疾走料虎头,编虎须,几不免虎口哉!”
子张问于满苟得曰:“盍不为行?无行则不信,不信则不任,不任则不利。故观之名,计之利,而义真是也。若弃名利,反之于心,则夫士之为行,不可一日不为乎!”满苟得曰:“无耻者富,多信者显。夫名利之大者,几在无耻而信。故观之名,计之利,而信真是也。若弃名利,反之于心,则夫士之为行,抱其天乎!”子张曰:“昔者桀、纣贵为天子,富有天下。今谓臧聚曰:‘汝行如桀、纣。’则有怍色,有不服之心者,小人所贱也。仲尼、墨翟,穷为匹夫,今谓宰相曰‘子行如仲尼、墨翟。’则变容易色,称不足者,士诚贵也。故势为天子,未必贵也;穷为匹夫,未必贱也。贵贱之分,在行之美恶。”满苟得曰:“小盗者拘,大盗者为诸侯。诸侯之门,义士存焉。昔者桓公小白杀兄入嫂,而管仲为臣;田成子常杀君窃国,而孔子受币。论则贱之,行则下之,则是言行之情悖战于胸中也,不亦拂乎!故《书》曰:‘孰恶孰美,成者为首,不成者为尾。’”子张曰:“子不为行,即将疏戚无伦,贵贱无义,长幼无序。五纪六位,将何以为别乎?”满苟得曰:“尧杀长子,舜流母弟,疏戚有伦乎?汤放桀,武王杀纣,贵贱有义乎?王季为适,周公杀兄,长幼有序乎?儒者伪辞,墨子兼爱,五纪六位,将有别乎?且子正为名,我正为利。名利之实,不顺于理,不监于道。吾日与子讼于无约,曰‘小人殉财,君子殉名,其所以变其情、易其性则异矣;乃至于弃其所为而殉其所不为则一也。’故曰:无为小人,反殉而天;无为君子,从天之理。若枉若直,相而天极。面观四方,与时消息。若是若非,执而圆机。独成而意,与道徘徊。无转而行,无成而义,将失而所为。无赴而富,无殉而成,将弃而天。比干剖心,子胥抉眼,忠之祸也;直躬证父,尾生溺死,信之患也;鲍子立干,申子不自理,廉之害也;孔子不见母,匡子不见父,义之失也。此上世之所传、下世之所语以为士者,正其言,必其行,故服其殃、离其患也。”
无足问于知和曰:“人卒未有不兴名就利者。彼富则人归之,归则下之,下则贵之。夫见下贵者,所以长生安体乐意之道也。今子独无意焉,知不足邪?意知而力不能行邪?故推正不妄邪?”知和曰:“今夫此人,以为与己同时而生,同乡而处者,以为夫绝俗过世之士焉,是专无主正,所以览古今之时、是非之分也。与俗化世,去至重,弃至尊,以为其所为也。此其所以论长生安体乐意之道,不亦远乎!惨怛之疾,恬愉之安,不监于体;怵惕之恐,欣欣之喜,不监于心。知为为而不知所以为。是以贵为天子,富有天下,而不免于患也。”无足曰:“夫富之于人,无所不利。穷美究势,至人之所不得逮,贤人之所不能及。侠人之勇力而以为威强,秉人之知谋以为明察,因人之德以为贤良,非享国而严若君父。且夫声色滋味权势之于人,心不待学而乐之,体不待象而安之。夫欲恶避就,固不待师,此人之性也。天下虽非我,孰能辞之!”知和曰:“知者之为,故动以百姓,不违其度,是以足而不争,无以为故不求。不足故求之,争四处而不自以为贪;有余故辞之,弃天下而不自以为廉。廉贪之实,非以迫外也,反监之度。势为天子,而不以贵骄人;富有天下,而不以财戏人。计其患,虑其反,以为害于性,故辞而不受也,非以要名誉也。尧、舜为帝而雍,非仁天下也,不以美害生;善卷、许由得帝而不受,非虚辞让也,不以事害己。此皆就其利、辞其害,而天下称贤焉,则可以有之,彼非以兴名誉也。”无足曰:“必持其名,苦体绝甘,约养以持生,则亦久病长厄而不死者也。”知和曰:“平为福,有余为害者,物莫不然,而财其甚者也。今富人,耳营钟鼓管籥(音yue4)之声,口惬于刍豢醪醴之味,以感其意,遗忘其业,可谓乱矣;侅(音gai1)溺于冯气,若负重行而上阪,可谓苦矣;贪财而取慰,贪权而取竭,静居则溺,体泽则冯,可谓疾矣;为欲富就利,故满若堵耳而不知避,且冯而不舍,可谓辱矣;财积而无用,服膺而不舍,满心戚醮,求益而不止,可谓忧矣;内则疑劫请之贼,外则畏寇盗之害,内周楼疏,外不敢独行,可谓畏矣。此六者,天下之至害也,皆遗忘而不知察。及其患至,求尽性竭财单以反一日之无故而不可得也。故观之名则不见,求之利则不得。缭意绝体而争此,不亦惑乎!”