Sunday, January 22, 2017

NAM HOA KINH XXI- LIỆT NGỰ KHẤU- THIÊN HẠ

Chương XXXII LIỆT NGỰ KHẤU (Liệt Ngự Khấu)

  1 Liệt Ngự Khấu đi sang nước Tề, nửa đường quay về, gặp Bá Hôn Mâu Nhân[1]. Bá Hôn Mâu Nhân hỏi: - Sao lại trở về? Đáp: - Vì tôi sợ. - Sợ cái gì? - Tôi ăn tại mười nhà làm tương mà năm nhà dọn cho tôi ăn trước. - Như vậy thì có gì mà sợ? - Sợ vì lòng chân thành của tôi không hoàn toàn mà nó hiện ra rực rỡ bên ngoài. Dùng cái bề ngoài ấy mà chấn phục nhân tâm, khiến người ta trọng tôi hơn các bậc trưởng lão, như vậy tai nạn sẽ tới. Những người bán tương ấy chỉ sống bằng nghề bán thức ăn, lợi không được bao, quyền thế lại chẳng có gì mà còn đối xử với tôi như vậy, huống hồ ông vua một vạn cổ xe [tức nước Tề], thân thể mệt nhọc vì việc nước, tâm trí để hết vào chính sự. Ông ấy sẽ giao trọng trách cho tôi, xét xem tôi có được việc không. Vì vậy mà tôi sợ. Bá Hôn Mâu Nhân bảo: - Anh nhận xét sáng suốt đấy. Nhưng dù anh làm một thường dân thì người ta cũng qui phụ anh. Ít lâu sau, lại nhà [Liệt Ngự Khấu], thấy dép để đầy ngoài cửa[2], Bá Hôn Mâu Nhân đứng hướng về phương Bắc, cằm tì vào chiếc gậy, một lát rồi lặng thinh đi về. Người coi cửa[3] cho Liệt tử hay. Liệt tử không kịp xỏ dép, vội vàng xách dép chạy theo, tới cổng thì đuổi kịp, hỏi: - Thầy tới mà sao không chỉ cho tôi phương thuốc gì [tức một lời khuyên răn nào]? Bá Hôn Mâu Nhân đáp: - Vô ích. Ta đã bảo anh rằng người ta sẽ qui phụ anh đấy, quả nhiên như vậy. Không phải là anh cố ý làm cho người ta qui phụ anh, mà là anh không biết cách làm cho người ta đừng qui phụ anh. Cần gì phải làm điều dị thường để cho người ta cảm mộ mình trước như vậy? Không có lí họ thúc đẩy anh tỏ tài riêng của anh ra[4]. Những người giao thiệp với anh không có gì để nói với anh cả. Những lời nhỏ nhen của họ có hại như thuốc độc đấy. Anh mê muội, không giác ngộ thì làm sao có thể cải hoá anh được[5]. Kẻ khéo léo thì lao khổ, kẻ thông minh thì đa ưu. Người vô tài thì [an phận] không cầu gì cả, ăn no rồi ngao du, như một chiếc thuyền không bị cột, phiêu lưu trên mặt nước. Họ hư tâm mà ngao du[6]. 2 Một người nước Trịnh tên là Hoãn ra rả học bài ở đất Cầu Thi. Chỉ trong ba năm thành một Nho gia, ân trạch lan tới ba họ, như nước sông Hoàng Hà thấm nhuần tới chín dặm [ở hai bên bờ]. Người đó cho em học đạo Mặc, thành một Mặc gia. Nho và Mặc tranh luận nhau, người cha bên người em tên là Địch. Mười năm sau, Hoãn [tức giận] tự sát. Một đêm, người cha nằm mộng thấy Hoãn về bảo: - Chính tôi cho con ông học thành một Mặc gia, thế mà không bao giờ ông thăm mộ tôi, nơi đó cây bá mùa thu đã có trái? Con người sở dĩ được chút tài gì, thì cái đó không phải công của người mà là do trời cho. Trời khiến như vậy mới được như vậy. Hoãn kia tự cho mình có tài hơn người mà khinh cha thì không khác gì người nước Tề đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống[7]. Hết thảy người đời nay đều như tên Hoãn đó. Do dó, [ta có thể kết luận rằng] người có đức phải đừng nghĩ rằng mình có đức, huống hồ là người có Đạo. [Khoe rằng mình có Đạo] người xưa bảo là mắc cái tội trái đạo trời (hoặc cướp công trời). 3 Thánh nhân yên ở chỗ yên, không yên ở chỗ không yên; người thường yên ở chỗ không yên, không yên ở chỗ yên[8]. Trang tử bảo: Biết Đạo là điều dễ; không nói về Đạo mới khó. Biết mà không nói là tiến lại thiên nhiên; biết mà nói là tiến tới “nhân vi”. Cổ nhân tiến tới thiên nhiên chứ không tiến tới nhân vi. 4 Chu Bình Mạn tốn cả gia sản là ngàn vàng để nhờ Chi Li Ích dạy cho cách mổ thịt rồng. Sau ba năm, kĩ thuật tinh xảo rồi mà không có chỗ dùng. 5 Thánh nhân không cho cái tất nhiên là tất nhiên cho nên không dùng binh (hoặc không giao tranh); người thường cho cái không tất nhiên là tất nhiên nên hay dùng binh. Thích dùng binh thì tìm cách thoả mãn sở thích của mình. Trông cậy vào binh lực thì sẽ chết. Trí tuệ của kẻ tầm thường thì chỉ nghĩ tới lễ vật và thư từ, thù tạc, khiến tinh thần mệt mỏi vào những việc nông cạn, thô lậu. Vậy mà họ tưởng mình dùng Đạo giúp hết cả vạn vật, đạt được sự hợp nhất và sự hư tĩng của hình thể. Như vậy mê hoặc về vũ trụ, bị luỵ về hình thể mà không biết được nguồn gốc của vạn vật. Bậc chí nhân đưa tinh thần về chỗ Vô thuỷ mà vui ở chỗ Hư vô; như nước chảy mà không có hình tích, phát tiết ở chỗ cực trong sạch. Buồn thay! Trí tuệ cho anh biết được cái nhỏ nhặt như ngọn lông mà không biết được cái đạo lớn yên tĩnh. 5 Một người nước Tống tên là Tào Thương được vua Tống sai đi sứ qua Tần, khi đi chỉ có năm cỗ xe. Vua Tần bằng lòng ông ta lắm, cho một trăm cỗ. Về tới Tống, ông ta gặp Trang tử, bảo: - Ở trong một đường hẽm trong một xóm nghèo khổ, quẫn quách tới nỗi phải bện dép để sống, đói tới nỗi cổ ngẳng, mặt xanh xao, đó là sở đoản của Thương tôi. Nhất đán gặp vua một nước vạn cỗ xe rồi được tặng một trăm cỗ xe, đó là sở trường của Thương tôi. Trang tử đáp: - Vua Tần bị bệnh, vời một y sĩ tới trị. Y sĩ mổ một cái nhọt lớn, nặn hết mũ ra, vua Tần thưởng cho một cỗ xe; còn kẻ nào liếm trĩ của ông thì ông thưởng cho năm cỗ xe. Vậy việc càng đê tiện thì càng được thưởng nhiều. Phải ông trị bệnh trĩ cho vua Tần không, sao mà được thưởng nhiều xe như vậy? Thôi ông cút đi”. 6 Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Nhan Hạp: - Quả nhân muốn dùng Trọng Ni làm tướng quốc, nước có thể khá hơn được không? Nhan Hạp đáp: - Nước sẽ nguy thêm. Ông Trọng Ni ấy tai hại lắm! Trang sức bằng lông chim và hình vẽ, chỉ dùng những lời hoa mĩ, coi chi tiết là chủ yếu, dạy dân che dấu bản tính[9], mà không biết rằng mình không thành tín. Lòng và tinh thần dân theo ông ấy thì không hướng thượng được. Trọng Ni thích hợp với nhà vua ư? Nhà vua muốn tôi đồng ý[10] với nhà vua ư? Nếu vậy thì nhà vua lầm rồi. Khiến cho vua bỏ chân tính mà học cái hư nguỵ, thì làm sao gọi là dạy dân được. Nếu nhà vua mưu tính cái lợi cho đời sau thì nên bỏ ý ấy đi, chỉ làm cho dân thêm khó trị thôi. 8 Gia ân cho người mà không quên được công mình, đó không phải là đức nhân của trời. Con buôn là hạng đáng khinh, tuy có lúc phải giao thiệp với họ nhưng trong lòng mình vẫn khinh họ[11]. Hình phạt ở ngoài [nghĩa là về thể xác] là búa rìu và gông cùm; hình phạt ở trong là sự dao động và thái quá. Kẻ tiểu nhân bị hình phạt ở ngoài thì bị tra tấn bằng búa rìu, gông cùm, bị hình phạt ở trong thì bị âm dương hành hạ. Chỉ bậc chí nhân là tránh được cả hình phạt ở ngoài lẫn ở trong. 9 Khổng Tử bảo: “Lòng người ta hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời nữa. Vì trời còn có những hiện tượng đúng kì: xuân hạ thu đông, sáng và tối; còn người ta thì bề ngoài thì kín đáo mà trong lòng thì sâu thẳm. Cho nên có kẻ bề ngoài thận trọng mà hành vi lại phóng túng; có kẻ bề ngoài có vẻ trưởng thượng đáng kính mà lòng thì xấu xa; có kẻ bề ngoài nhu thuận, hẹp hòi mà lòng lại khoáng đạt; có kẻ bề ngoài cứng cỏi mà lòng lại nhu nhược; có kẻ bề ngoài hoà hoãn mà trong lòng lại nóng nảy. Cho nên có kẻ ham điều nhân nghĩa như khát khao, mà lại trốn nhân nghĩa như trốn lửa. Cho nên bậc quân tử dùng người thì sai đi xa để xét lòng trung tín của họ, giao cho những việc gần để xét lòng kính cẩn của họ; bảo làm những việc khó để xét tài năng của họ; thình lình hỏi họ để xét trí thông minh của họ; đưa ra một kì hạn gấp để họ có giữ chữ tín không; giao phó tiền bạc để xem họ có đức nhân (tức bất vị lợi?) không; bảo cho họ biết trước việc nguy hiểm để xem có đổi tiết tháo không; cho họ uống rượu say để xem họ có giữ được phép tắc không; cho họ ở những chốn hổn tạp (trai gái sống chung với nhau) xem họ có dâm loạn không. Thí nghiệm chín cách như trên rồi thì biết được kẻ nào xấu xa”. 10 Chính Khảo Phụ lần đầu được lệnh bổ dụng thì cúi đầu xuống, lần thứ nhì thì khom lưng xuống, lần thứ ba[12] thì phủ phục xuống, men theo tường mà chạy. Cung kính như vậy thì ai dám đem việc không phải phép mà làm nhục ông ta?[13] Hạng phàm phu lần đầu được lệnh bổ dụng thì vênh vênh váo váo; lần thì nhảy múa trên xe, lần thứ ba thì goi chú bác bằng tên tục. Ai dám so sánh hạng đó với vua Nghiêu và Hứa Do?[14] ° Hoạ không gì lớn bằng đức có tâm[15] mà tâm có mắt, tâm có mắt nên nhìn bằng tâm, mà nhìn bằng tâm thì bại hoại.[16] Có năm loại hung đức, mà tệ nhất là đức ở trong tâm. Thế nào là đức ở trong tâm? Đức ở trong tâm là tự cho mình phải và chê tất cả những cái người ta không làm[17]. Cùng khốn có tám loại cực đoan; thông đạt có ba cái tất nhiên; thân thể có sáu tạng phủ. Đẹp đẻ, có râu, cao, lớn, cường tráng, bảnh bao, dũng mãnh, quả cảm, tám cái đó mà hơn người thì sẽ bị cùng khốn. Theo sau người, khuất phục người, sợ người ta về ba cái đó mà chịu kém người thì sẽ thông đạt (thành công). Trí tuệ mà lộ ra ngoài thì chỉ đeo đuổi ngoại vật; dõng mãnh nóng nảy, thì gây sự oán thù; hay bàn về nhân nghĩa thì bị người ta trách móc. Hiểu rõ phép đạt sinh thì hanh thông; dùng trí tuệ thì hoá nhỏ nhen; hiểu rõ mệnh trời thì tuỳ thuận tự nhiên, mà hiểu vận mệnh thì tuỳ ngộ nhi an. 11 Một người lại bái kiến vua Tống, được ân tứ mười cổ xe, đánh mười cổ xe đó lại khoe Trang tử, Trang tử bảo: - Trên bờ Hoàng Hà có một gia đình nghèo, sống nhờ nghề đan cỏ ngải. Một hôm một người con lặn xuống vực, vớt được một viên ngọc châu đáng giá ngàn vàng. Người cha bảo con: “Lấy một phiến đá đập bể nó đi! Một viên ngọc đáng giá ngàn vàng tất phải ở dưới cằm một con rồng đen trong một vực sâu chín đợt. Con lấy được nó chắc là trong khi con rồng đó ngủ; nó tỉnh dậy thì còn gì là đời con nữa!”. Nước Tống ngày nay còn sâu hơn cái vực chín đợt, mà vua Tống còn hung dữ hơn con rồng đen nữa. Chú được mười cỗ xe đó chắc là trong lúc ông ta ngủ; ông ấy mà tỉnh dậy thì tất chú bị nát thây mất. 12 Một ông vua muốn vời Trang tử ra làm quan. Trang tử đáp sứ giả: - Ông có thấy con bò để tế đất không? Người ta trùm cho nó tấm gấm thêu, cho nó ăn cỏ và đậu lớn, để một ngày kia đắt nó lại thái miếu, giết nó để tế. Lúc đó nó có muốn làm một con bê cô độc, phỏng có được không? 13 Trang tử hấp hối. Môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng. Ông nghe được bảo: - Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa? Môn sinh đáp: - Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy. Trang tử bảo: - Tại trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục (đằng nào cũng vậy). Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới? 14 Dùng cái không quân bình[18] để quân bình vạn vật, thì cái quân bình đó không phải là quân bình. Dùng cái không ứng nghiệm để ứng nghiệm vạn vật thì cái ứng nghiệm đó không phải là ứng nghiệm. Trí thông minh bị ngoại vật sai khiến, duy sự thần linh là ứng nghiệm được vạn vật. Trí thông minh không bằng sự thần linh, điều đó ai cũng biết từ lâu rồi. Mà kẻ ngu muội vẫn trông cậy vào trí thông minh, chìm đắm vào nhân sự, dụng công vô ích. Đáng thương thay! NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHƯƠNG TỪ VÔ QUỈ VÀ LIỆT NGỰ KHẤU
Chương Từ Vô Quỉ này, hình thức và nội dung đều rất phức tạp, có những bài thuần tuý lí luận (bài 4, 13, 14, 15), có những bài là ngụ ngôn (bài 3, 9, 10, 12) hoặc cố sự (bài 5, 6, 7, 8), lại có những bài (1, 2) khó mà quyết định được là cố sự (truyện có thật) hay ngụ ngôn (truyện tưởng tượng). Tìm một vài tư tưởng làm trung tâm cho chương thì không thấy. Bài 2, 3: bàn về cách trị dân, khuyên không nên bắt dân lao khổ để cung phụng “tai mắt mũi miệng” của mình, không nên theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh (bài 2); phải trừ cái hại cho dân, cũng như người chăn ngựa phải trừ cái hại cho ngựa (bài 3). Bài 1: bảo muốn làm cho vua cười thì đừng giảng đạo đức cho họ nghe. Bài 4: khuyên đừng nên chìm đắm vào ngoại vật. Bài 5: bàn về cái lẽ phải được mọi người chấp nhận. Bài 6: chép cố sự Trang tử thương tiếp Huệ tử. Bài 7: chép cố sự Quản Trọng giới thiệu Thấp Bằng với Tề Hoàn công. Bài 8: cảnh cáo ta hễ tự phụ, khoe tài thì chết. Bài 9: khuyên nên mai danh ẩn tích. Bài 10: bàn về đức của thánh nhân. Bài 11: chỉ là một truyện coi tướng. Bài 12: bảo hiền nhân có lợi mà cũng có hại cho xã hội. Bài 13: vẽ chân dung ba hạng người: hạng hợm hĩnh, hạng cẩu thả sống gởi, hạng còng lưng giúp ích cho đời. Bài 14 và 15: gồm những tư tưởng vụn về chân nhân và Đạo. Xét chung tư tưởng hợp với Trang mà cũng có vài bài (10, 12) hợp với Lão, nhưng không phát huy thêm được gì. Bảo các tác giả chương này ở trong môn phái Trang hay thuộc nhóm Đạo gia thì cũng được. Bài 7 chép trong Liệt tử (VI.3) và trong Lữ thị Xuân Thu (chương Quí Công) vì vậy mà ta có thể đoán tác giả ở cuối thời Chiến Quốc, và sự thu thập các tạp văn trong chương đã được thực hiện vào đời Hán. Chương XXXII Liệt Ngự Khấu này ngắn hơn Từ Vô Quỉ mà có phần phức tạp hơn nữa. Cũng không có chủ điểm. Đại khái có thể coi là những bài văn ngắn của môn phái Trang tử do người đời Hán sưu tập.[19] Chú thích: [1] Liệt Ngự Khấu tức Liệt tử. – Bá Hôn Mâu Nhân là một ẩn sĩ nước Sở, Liệt tử rất trọng. [2] Dép của môn đệ hoặc hạng khách khứa trọng Liệt tử. [3] Người này có nhiệm vụ thông báo khi có khách tới. [4] Nguyên văn: dao nhi bản tài, có sách dịch là làm dao động bản tính của anh. [5] Bài này, từ đầu tới đây, tôi đã dịch trong cuốn Liệt tử, trang 130-33. Nay tôi dịch lại để sửa vài chữ ở những đoạn trên, còn đoạn cuối này, đành để như cũ, vì tối nghĩa quá, không biết dịch sao cho đúng. [6] Mấy hàng cuối này không có trong cuốn Liệt tử và không liên lạc gì với truyện, tách ra phải hơn. [7] Nước đó của trời chứ đâu phải của mình mà cấm, cũng như tài của Hoãn là do trời cho, có gì mà tự đắc. Hai câu này L.K.h. dịch là: Người em thành một Mặc gia là do thiên phú. Người anh (tên Hoãn) tự cho đó là công của mình mà trách cha bênh vực em, thì cũng không khác gì người nước Tể đào giếng rồi cấm không cho ai lại uống. Dịch như vậy thì trên dưới hô ứng nhau mật thiết hơn; dịch như trên thì sát nghĩa hơn. [8] V.P.C. chú giải: như Liệt Ngự Khấu thấy năm nhà bán tương dọn cho mình ăn trước mà sợ, rốt cuộc bị người ta qui phụ nhiều quá (coi bài 1 chương này) thế là lòng bất an không thắng được sự dao động của vật, nhưng cái đó ngoài dự liệu của ông, mà sự không an ở chỗ không an của ông khác với người thường. H.C.H. dịch là: Thánh nhân thuận theo bản tính của vật, không ép vật theo mình, người thường là trái hẳn bản tính để truy cầu ngoại vật, không cho vật thuận theo tự nhiên. L.K.h. giảng: Thánh nhân sửa mình hoài nên sung sướng, không truy cầu ngoại vật mà hại cho mình; còn người thương đeo duổi cái lợi vật chất nó không tuỳ thuộc họ, mà không nghĩ tới sự tu tâm dưỡng tính nó tuỳ thuộc họ. Tiền Mục chẳng giảng gì cả, để cho chúng ta hiểu ra sao thì hiểu. Có lẽ họ Tiền này khôn hơn cả. [9] L.K.h. dịch là: biến đổi bản tính của mình để dạy dân. [10] Dư di dữ?. Tiền Mục dịch là: muốn tôi vui ư? [11] Câu này H.C.H. dịch là: khiến cho con buôn khinh họ (tức hạng người không quên công đức của mình), tuy có thời đàm luận với họ, nhưng trong lòng vẫn không cho là phải (?). [12] Có sách giảng: lần đầu được đề cửa làm chức sĩ, lần thứ nhì lên chứ đại phu, lần thứ ba lên chức khanh. [13] Nguyên văn: thục cảm bất quĩ. L.K.h. dịch là: ai dám không bắt chước. [14] Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do không thèm nhận. [15] Phải chăng cố ý làm điều đức hạnh như H.C.H. giảng? Hay là: có ý thức về đức của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch? [16] Chắc tác giả muốn nói nhận xét sự vật không bằng mắt mà bằng thành kiến, bằng sự yêu ghét của mình, nhận rằng mình có đức, như L.K.h. dịch? [17] Tôi thú thực không hiểu tác giả muốn nói gì. [18] Nguyên văn là bình. L.K.h. dịch là hoà bình. [19] Trong chương XXIV Từ Vô Quỉ có một bài (bài 6) và trong chương XXXII Liệt Ngự Khấu có đến bốn bài (6, 11, 12, 13) chép cố sự về Trang tử; cả năm bài đó đều được cụ Nguyễn Hiến Lê dẫn trong tiểu mục Đời sống (của Trang tử). [Goldfish] hết: Chương XXXII , xem tiếp:

Chương XXXIII 列御寇》

庄子》第32章 列御寇


列御寇之齐,中道而反,遇伯昏瞀人。伯昏瞀人曰:“奚方而反?”曰:“吾惊焉。”曰:“恶乎惊?”曰:“吾尝食于十浆而五浆先馈。”伯昏瞀人曰:“若是则汝何为惊已?”曰:“夫内诚不解,形谍成光,以外镇人心,使人轻乎贵老,而赍其所患。夫浆人特为食羹之货,无多余之赢,其为利也薄,其为权也轻,而犹若是,而况于万乘之主乎!身劳于国而知尽于事。彼将任我以事,而效我以功。吾是以惊。”伯昏瞀人曰:“善哉观乎!女处已,人将保汝矣!”无几何而往,则户外之屦满矣。伯昏瞀人北面而立,敦杖蹙之乎颐。立有间,不言而出。宾者以告列子,列子提屦,跣而走,暨于门,曰:“先生既来,曾不发药乎?”曰:“已矣,吾固告汝曰:人将保汝。果保汝矣!非汝能使人保汝,而汝不能使人无保汝也,而焉用之感豫出异也。必且有感,摇而本性,又无谓也。与汝游者,又莫汝告也。彼所小言,尽人毒也。莫觉莫悟,何相孰也。巧者劳而知者忧,无能者无所求,饱食而敖游,汎若不系之舟,虚而敖游者也!
“郑人缓也,呻吟裘氏之地。祗三年而缓为儒。河润九里,泽及三族,使其弟墨。儒墨相与辩,其父助翟。十年而缓自杀。其父梦之曰:‘使而子为墨者,予也,阖尝视其良?既为秋柏之实矣。’夫造物者之报人也,不报其人而报其人之天,彼故使彼。夫人以己为有以异于人,以贱其亲。齐人之井饮者相捽也。故曰:今之世皆缓也。自是有德者以不知也,而况有道者乎!古者谓之遁天之刑。圣人安其所安,不安其所不安;众人安其所不安,不安其所安。
“庄子曰:‘知道易,勿言难。知而不言,所以之天也。知而言之,所以之人也。古之人,天而不人。’朱泙漫学屠龙于支离益,单千金之家,三年技成而无所用其巧。圣人以必不必,故无兵;众人以不必必之,故多兵。顺于兵,故行有求。兵,恃之则亡。小夫之知,不离苞苴竿牍,敝精神乎蹇浅,而欲兼济道物,太一形虚。若是者,迷惑于宇宙,形累不知太初。彼至人者,归精神乎无始,而甘冥乎无何有之乡。水流乎无形,发泄乎太清。悲哉乎!汝为知在毫毛而不知大宁。”
宋人有曹商者,为宋王使秦。其往也,得车数乘。王说之,益车百乘。反于宋,见庄子,曰:“夫处穷闾厄巷,困窘织屦,槁项黄馘者,商之所短也;一悟万乘之主而从车百乘者,商之所长也。”庄子曰:“秦王有病召医。破痈溃痤者得车一乘,舐痔者得车五乘,所治愈下,得车愈多。子岂治其痔邪?何得车之多也?子行矣!”
鲁哀公问乎颜阖曰:“吾以仲尼为贞幹,国其有瘳乎?”曰:“殆 哉圾乎!仲尼方且饰羽而画,从事华辞。以支为旨,忍性以视民,而不知不信。受乎心,宰乎神,夫何足以上民!彼宜女与予颐与,误而可矣!今使民离实学伪,非所以视民也。为后世虑,不若休之。难治也!”施于人而不忘,非天布也,商贾不齿。虽以事齿之,神者弗齿。为外刑者,金与木也;为内刑者,动与过也。宵人之离外刑者,金木讯之;离内刑者,阴阳食之。夫免乎外内之刑者,唯真人能之。
孔子曰:“凡人心险于山川,难于知天。天犹有春秋冬夏旦暮之期,人者厚貌深情。故有貌愿而益,有长若不肖,有慎狷而达,有坚而缦,有缓而悍。故其就义若渴者,其去义若热。故君子远使之而观其忠,近使之而观其敬,烦使之而观其能,卒然问焉而观其知,急与之期而观其信,委之以财而观其仁,告之以危而观其节,醉之以酒而观其侧,杂之以处而观其色。九徵至,不肖人得矣。”
正考父一命而伛,再命而偻,三命而俯,循墙而走,孰敢不轨!如而夫者,一命而吕钜,再命而于车上舞,三命而名诸父。孰协唐许?贼莫大乎德有心而心有睫,及其有睫也而内视,内视而败矣!凶德有五,中德为首。何谓中德?中德也者,有以自好也而吡其所不为者也。穷有八极,达有三必,形有六府。美、髯、长、大、壮、丽、勇、、敢,八者俱过人也,因以是穷;缘循、偃仰、困畏,不若人三者俱通达;知慧外通,勇动多怨,仁义多责,六者所以相刑也。达生之性者傀,达于知者肖,达大命者随,达小命者遭。
人有见宋王者,锡车十乘。以其十乘骄稚庄子。庄子曰:“河上有家贫恃纬萧而食者,其子没于渊,得千金之珠。其父谓其子曰:‘取石来锻之!夫千金之珠,必在九重之渊而骊龙颔下。子能得珠者,必遭其睡也。使骊龙而寐,子尚奚微之有哉!’今宋国之深,非直九重之渊也;宋王之猛,非直骊龙也。子能得车者,必遭其睡也;使宋王而寐,子为赍粉夫。”
或聘于庄子,庄子应其使曰:“子见夫牺牛乎?衣以文绣,食以刍叔。及其牵而入于大庙,虽欲为孤犊,其可得乎!”
庄子将死,弟子欲厚葬之。庄子曰:“吾以天地为棺椁,以日月为连璧,星辰为珠玑,万物为赍送。吾葬具岂不备邪?何以加此!”弟子曰:“吾恐乌鸢之食夫子也。”庄子曰:“在上为乌鸢食,在下为蝼蚁食,夺彼与此,何其偏也。”以不平平,其平也不平;以不徵徵,其徵也不徵。明者唯为之使,神者徵之。夫明之不胜神也久矣,而愚者恃其所见入于人,其功外也,不亦悲夫!



Chương XXXIII THIÊN HẠ (Thiên hạ)

1 Trong thiên hạ có rất nhiều người nghiên cứu về đạo, thuật mà ai cũng cho học thuyết của mình là hoàn toàn. Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, nó ở đâu? Đáp: “Nó ở khắp nơi. Hỏi: “Thần thánh ở đâu giáng xuống? Minh vương ở đâu hiện ra? Đáp: Thánh nhân sinh ra, minh vương thành công đều do cái đạo thuần nhất. Không rời cái gốc của Đạo thì gọi là “thiên nhân”; không rời cái tinh vi của Đạo thì gọi là “thần nhân”; không rời cái chân thật của Đạo thì gọi là “chí nhân”. Lấy trời làm tôn chủ, lấy đức làm căn bản, lấy đạo làm cửa, tiên đoán được sự biến hoá[1], thì gọi là thánh nhân. Dùng lòng nhân ái mà gia ân cho người, dùng chính nghĩa mà qui định đạo lí, dùng lễ để tiết chế hành động, dùng nhạc để điều hoà tính tình, cảm hoá người khác bằng lòng nhân từ thì gọi là người quân tử. Dùng pháp độ để phân biệt, dùng danh hiệu để biểu minh, dùng sự tham kiểm để chứng nghiệm, dùng sự kê khảo để quyết đoán; đặt ra điều mục phân minh như một, hai, ba, bốn[2] để cho bách quan giữ thứ tự đó mà điều khiển việc nước. Coi cày cấy là việc thường ngày, coi sự ăn mặc là chủ yếu, sản xuất nhiều, dư thì để dành, săn sóc người già yếu, cô nhi, quả phụ, khiến cho ai cũng được nuôi nấng, đó là đạo lí của dân[3]. 2 Cổ nhân thật là hoàn toàn (về đạo thuật). Phối hợp với thần minh, theo phép tắc của trời đất, họ nuôi dưỡng vạn vật, điều hoà thiên hạ, ban ân huệ cho trăm họ, hiểu rõ căn bản của Đạo và không rời pháp độ[4]. Thông đạt được âm dương, mưa gió, tối sáng[5] và bốn phương đông tây nam bắc; bất luận là lớn nhỏ, tinh thô, sự vật vận hành ra sao, họ điều tác động tới hết. Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân[6] nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, bách gia chư tử đôi khi trích dẫn để giảng. 3 Rồi tới khi thiên hạ đại loạn, thánh hiền không xuất hiện nữa, đạo đức không còn thuần nhất nữa. Rất nhiều người chấp nhất, có thiên kiến mà tự cho mình là phải. Như tai mắt mũi miệng, mỗi cơ quan có một khả năng riêng mà không thể thông với nhau (dùng thay nhau được). Cũng vậy, học phái hoặc kĩ thuật của trăm nhà, đều có sở trường, thời cơ thích hợp thì đều có chỗ dùng được đấy, nhưng không bao quát được hết: họ chỉ là những nhà thiên kiến. Họ mổ xẻ cái thuần mĩ của trời đất, phân tích cái lí của vạn vật, cái nhất quán của cổ nhân, vì vậy ít người trong bọn họ thấy được hết cái đẹp của trời đất, đạt được sự thần minh[7]. Vì vậy mà cái Đạo của thánh nhân và minh vương bị mờ tối, che lấp mà không biểu lộ được. Người thời nay đều theo ý riêng, thiên kiến của mình lập ra một phương thuật riêng. Buồn thay! Học phái của bách gia cứ phân tán ra trăm ngả tới cực đoan mà không trở về cái gốc, thì không thể nào hợp với chân lí được! Khiến cho học giả đời sau bất hạnh không thấy được sự thuần nhất của trời đất, và cái đại thể của cổ nhân. Đạo thuật trong thiên hạ sắp bị chẻ nhỏ ra rồi. 4 Không phô trương với hậu thế[8], không lãng phí mọi vật, không khoe khoang về điển chương chế độ, gắng sức giữ qui củ (một kĩ luật nghiêm) để sẳn sàng giúp đời một cách cấp thiết, trong đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Mặc Địch và [môn sinh là] Cầm Hoạt Li được nghe thuyết đó thấy thích, nhưng họ tỏ ra thái quá trong việc họ làm, và dễ dàng quá (nghĩa là không xét kĩ) trong việc họ cấm[9]. Họ cấm nhạc, lấy lẽ rằng để tiết kiệm, bảo sống không nên ca hát, người thân thiết chết thì không nên bận đồ tang. Mặc tử chủ trương kiêm ái, mưu cái lợi chung cho mọi người, phản đối chiến tranh. Đạo của ông là không oán giận; ông hiếu học, biết rộng nhưng không chấp nhận những ý kiến khác mình. Ông không đồng ý với thánh vương đời xưa, bỏ hết lễ nhạc. Về cổ nhạc thì Hoàng Đế đặt ra điệu Hàm Trì, vua Nghiêu có điệu Đại Chương, vua Thuấn có điệu Đại Thiều, vua Vũ có điệu Đại Hạ, vua Thang có điệu Đại Hộ, vua Văn vương có điệu Tịch Ung, vua Võ vương và ông Chu công có điệu Vũ. Tang lễ thời xưa, sang hay hèn đều có nghi lễ nhất định, phân biệt đẳng cấp trên dưới, như thiên tử thì có bảy lớp quan quách, chư hầu có năm lớp, đại phu ba, kẽ sĩ hai. Riêng Mặc tử là sống cấm ca hát, khi người thân chết thì cấm mặc đồ tang, áo quan bằng gỗ vông chỉ dày ba tấc [bằng khoảng một phần ba gang tay], mà không có quách, đó là phép chung cho mọi người. Đem đạo đó dạy người, đâu phải là yêu người, chính mình theo đạo đó thì cũng không phải là yêu mình. Tôi không công kích Mặc tử; nhưng người ta ca hát mà ông ấy cấm ca hát, người ta khóc [người chết] mà ông ấy cấm khóc; người ta chơi âm nhạc mà ông ấy cấm âm nhạc; như vậy có hợp nhân tình không? Sống thì lao khổ, chết thì bị chôn cất bạc bẽo, cái đạo ấy khắc nghiệt quá, khiến người ta ưu uất, buồn rầu, khó thi hành được. Tôi còn ngại rằng nó không phải là đạo của thánh nhân, trái với lòng người, không ai chấp nhận nó. Tuy một mình Mặc tử theo được, nhưng còn những người khác thì sao? Ông ấy cách biệt với thiên hạ như vậy, thật là xa đạo của thánh vương quá. Mặc tử tự bênh vực đạo của mình, bảo: “Thời xưa Vũ trị lụt, khai thông sông rạch, khiến cho nước chảy ra cõi bốn rợ và khắp chín châu Trung Quốc. Thời đó có ba trăm con sông lớn, ba ngàn chi lưu, còn rạch nhỏ thì vô số. Vua Vũ đích thân cầm sọt, cầm cuốc để khai thông cho nước các sông nhỏ theo dòng chảy ra sông lớn. Cực khổ đến nỗi đùi teo lại, ống chân không còn một sợi lông, xông pha gió mưa để dựng nước. Ông là bậc đại thánh mà lao khổ phục dịch cho thiên hạ như vậy đấy”. Mặc tử nói như vậy, cho nên Mặc gia đời sau nhiều người mặc áo da, vải thô, đi giày dép bằng gỗ hoặc cỏ, làm việc suốt ngày đêm không nghỉ, cho sống lao khổ là lí tưởng tối cao, bảo: “Không vậy thì không phải theo đạo vua Vũ, không đáng là môn đồ Mặc tử”. Đệ tử của Tương Lí Cần, môn sinh của Ngũ Hầu và những Mặc gia ở phương Nam như Khổ Hoạch, Dĩ Xỉ, Đặng Lăng tử… đều tụng Mặc kinh (kinh của Mặc tử) mà càng có những tư tưởng quái dị, chống đối nhau, tự xưng là Biệt Mặc, công kích nhau bằng những lí luận “kiên bạch” (cứng và trắng), “đồng dị” (giống nhau và khác nhau), “lẻ và chẳn giống nhau”[10]. Hết thảy đều coi các cự tử[11] là thánh nhân, đều nguyện thờ cự tử làm thủ lảnh để mong được nối nghiệp. Ngày nay những cuộc tranh luận của họ vẫn chưa dứt. Dụng tâm của Mặc tử và Cầm Hoạt Li tốt, nhưng thực hành sai. Họ khiến cho những người đời sau học đạo của họ ganh đua nhau lao khổ tới nỗi đùi teo, ống chân rụng hết lông. Như vậy là cái tội làm nhiễu loạn thiên hạ thì lớn mà công làm cho thiên hạ được trị thì ít[12]. Nhưng Mặc tử quả là người tốt trong thiên hạ, không tìm được người nào khác như ông ấy. Chịu cực khổ dù cho thân thể khô đét, ông ấy cũng không bỏ việc giúp đời. Thật là bậc sĩ có tài năng, nhiệt tâm. 5 Không để cho thế tục làm luỵ mình, không dùng ngoại vật để kiểu sức (loè loẹt bề ngoài) mình, không cẩu thả[13] với người, không đố kị người, mong cho thiên hạ được thái bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, mọi người và mình đủ ăn đủ mặc thì thôi, theo quan niệm đó mà biểu lộ tâm chí của mình, trong đạo thuật cổ nhân có chủ trương đó. Tống Kiên và Doãn Văn[14] được nghe thuyết đó, thấy thích, làm một kiểu mũ giống núi Hoa[15] để đội cho khác người. Trong việc tiếp ứng với vạn vật, họ chủ trương trước hết đừng để cho thành kiến che lấp[16]. Họ cho rằng sự bao dung là hành động tự nhiên của con người; dùng lòng bao dung đó để thân cận với vạn vật, điều hoà thiên hạ, đó là căn bản chủ trương của họ. “Bị người ta khinh bỉ mắng chửi cũng đừng lấy làm nhục”, đó là lời họ dùng để ngăn người ta tranh đấu, cấm chỉ sự đem quân xâm chiếm nước khác, cứu cái nạn chiến tranh trên đời. Họ chu du thiên hạ truyền bá thuyết đó, khuyến cáo vua chúa, dạy bảo dân chúng; dù không ai tán thành, họ vẫn gắng sức thuyết phục, không chịu ngừng, cho nên bảo: “Người trên kẻ dưới ngán không muốn tiếp họ nữa thì họ cũng nhất định lại”. Xét ra họ lo tính cho người khác nhiều quá mà lo tính cho thân họ ít quá. Họ bảo: “Nhu cầu của tôi ít lắm[17], chỉ cho tôi mỗi ngày nửa đấu gạo là đủ. Tôi chỉ sợ các ông ăn không đủ no thôi, còn tôi dù có đói, cũng không quên những người khác”. Suốt ngày đêm họ nói hoài: “Phải làm sao cho người khác sống”. Làm sao chúng ta có thể khinh hạng người cứu đời đó?[18] Họ cũng bảo: “Người quân tử không hà khắc với người khác, không để thân thể bị ngoại vật chi phối. Cái vô ích của thiên hạ thì tìm hiểu nó [cho phí công], không bằng bỏ nó đi”. Bề ngoài họ cấm sự xâm lăng và dùng binh; ở trong họ tiết tình, quả dục. Học thuyết của họ, lớn nhỏ, tinh thô, họ đem tuyên truyền và áp dụng, chỉ có bấy nhiêu thôi. 6 Công chính mà không thiên vị đảng phái, bình dị mà không ích kỉ, quyết đoán mà không có thành kiến, tuỳ theo ngoại vật mà không phân biệt mình và người, không tư lự, không dùng mưu trí; đối với sự vật, không lựa chọn mà cứ theo diễn tiến tự nhiên; đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Bành Mông, Điền Biền và Thận Đáo[19] được nghe thuyết đó thấy thích. Qui tắc chính của họ là vạn vật ngang nhau (tề vật)[20]. Họ bảo: “Trời che được mà không chở được, đất chở được mà không che được. Đại Đạo bao dung được vạn vật mà không phân biệt (vật này hơn, vật kia kém). Họ biết rằng vạn vật đều có chỗ dùng được, ở chỗ không dùng được, cho nên bảo: “Lựa chọn thì không dùng được hết (vì có cái phải bỏ đi), dạy dỗ thì tất có chỗ không tới, chỉ thuận theo Đạo là không bỏ sót cái gì hết”. Cho nên Thận Đáo chủ trương bỏ trí tuệ đi, quên mình đi, cứ theo cái thế bất đắc dĩ mà hành động, thản nhiên thuận theo sự vật, như vậy là hợp lí với Đạo lí. Ông bảo: “Trí thức không biết gì cả. Nếu miễn cưỡng cầu được biết chỉ hại thôi”[21]. Ông tuỳ vật, thuận tình, không lãnh nhiệm vụ gì cả, cười thiên hạ tôn trọng người hiền; ông phóng túng, không làm gì hết mà chê bậc đại thánh trong thiên hạ. Ông tròn trịa theo sự biến hoá, bỏ quan niện thị phi đi, để khỏi bị luỵ vì vật, ông không tin tri thức cùng sự suy nghĩ của mình, không biết trược sau, đứng một mình một cõi. Đẫy ông ta thì ông ta mới tiến tới, lôi kéo ông ta thì ông ta mới bước đi. Ông ta quay tròn như ngọn gió lốc, như chiếc lông trong không trung, như cái cối xay[22], như vậy được an toàn, không lầm lẫn. Hành động hay nghỉ ngơi, ông cũng không thái quá, không bao giờ có tội cả. Tại sao vậy? Tại một người vô tri thì không lập tiêu chuẩn cho mình, nên không phải lo lắng, không bị cái luỵ do dùng trí tuệ, dù động hay tĩnh cũng không bao giờ rời đạo lí tự nhiên, mà suốt đời không bị chê. Ông ấy bảo: “Chúng ta rán làm như vật vô tri là được rồi, không cần làm thành hiền. Cục đất kia có khi nào li khai đại Đạo đâu”. Bọn hào kiệt đương thời chê ông: “Cái Đạo của Thận Đáo không thể thi hành cho người sống được, đưa người ta tới cảnh giới chết; nó chỉ đáng cho người ta coi là kì quái thôi”. Điền Biền cũng cùng một chủ trương, theo học Bành Mông, và học được cái lẽ dạy mà không dùng lời. Bành Mông bảo: “Những người đạt Đạo thời xưa, chỉ cốt tu dưỡng tới cái mức không cho cái gì là phải, không cho cái gì là trái nữa là thôi[23]. Sự giáo hoá của họ vô hình như gió thổi, làm sao có thể dùng lời mà truyền được”[24]. Ý kiến của họ trái ý kiến của mọi người, nên không ai theo, chung qui vẫn là uyển chuyển theo sự vật. Cái mà họ gọi là Đạo, thật ra không phải là Đạo, lời họ nói không khỏi lầm lẫn. Tóm lại, Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo đều không biết Đạo, nhưng đại khái cũng nhận định được một phần nào đó của Đạo. 7 Coi Đạo là tinh tuý, vật là thô lậu[25], coi sự tích luỹ là không đủ; lòng hư tĩnh, độc lập như thần minh, đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Quan Doãn và Lão Đam[26] được nghe thuyết đó thấy thích, rồi lập ra thuyết vô và hữu, và qui cả về cái thái nhất (thái cực); thái độ bề ngoài thì mềm mại và khiêm tốn, mà trong lòng không hư, không làm tổn thương vạn vật. Quan Doãn bảo: “Mình không có chủ kiến, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật thì hình thái của vật sẽ hiện rõ; khi mình hành động thì như dòng nước, khi mình tĩnh thì như tấm gương. Cảm ứng với tiếng vang dội lại, lòng như hư vô, thanh tĩnh, tịch mịch, hoà hợp với vật mà không cạnh tranh – còn như nếu muốn được thì mất – không ở trước người mà luôn luôn theo sau người”. Lão Đam bảo: “Biết như con trống mà giữ như con mái, làm khe nước cho thiên hạ, biết vinh mà giữ nhục, làm cái hang cho thiên hạ”[27]. Mọi người đều tranh nhau tới trước, riêng ông ở lại phía sau. Ông bảo: “Tôi cam chịu sự nhục trong thiên hạ”. Mọi người đều cầu cái “thực”, riêng ông giữ cái “hư”. Vì ông [tri túc] không chất chứa, nên có dư. Ông sống ung dung an thích nên không bị tổn thương. Ông vô vi và chê cười bọn khéo léo. Mọi người đều cầu hạnh phúc, riêng ông chịu uốn mình để được an toàn. Ông bảo: “Chỉ cầu tránh được tai hoạ”. Ông coi sự tinh thâm là căn bản, sự kiệm ước là cương kỉ, bảo: “Cứng rắn sẽ bị huỷ hoại, nhọn thì sẽ bị cùn”. Ông khoan dung với vạn vật, không xâm lấn ai cả. Tuy hai ông ấy chưa đạt tới cảnh giới cực cao của Đạo, nhưng cũng là những bậc chân nhân hiểu rộng của thời cổ. 8 Thanh tĩnh, vô hình mà biến hoá hoài. Sống ư? Chết ư? Trời đất chỉ là một ư? Thần minh đi đâu? Người ta mang nhiên (không biết gì cả) đi về đâu? Rồi hốt nhiên tới đâu? Vạn vật bao la trong vũ trụ mà không có vật nào đáng cho ta qui về cả. Đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Trang Chu được nghe thuyết đó thấy thích rồi diễn những thuyết viễn vong vô cứ, nhưng lời lẽ hư vô, không đầu đuôi, những nghị luận phóng khoáng nhưng không thiên lệch, vì ông không nhìn một cách phiến diện. Ông cho rằng thiên hạ hôn mê hỗn trọc, không diễn bằng những lời nghiêm trang được, cho nên dùng những lời biến hoá vô định để suy diễn tình lí của vạn vật, dẫn chứng những “trọng ngôn” để người ta tin là thực, dùng những “ngụ ngôn”[28] để khai triển học thuyết (hoặc mở mang tâm ý người khác). Riêng ông hoà hợp với tinh thần của trời đất, nhưng không khinh thị vạn vật, không khen không chê, sống yên ổn với người đời. Sách ông viết tuy tân kì, đặc biệt, nhưng uyển chuyển, không hại cho đại Đạo. Văn từ của ông chỗ hư chỗ thực mà hoạt kê, kì ảo, thú vị. Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn; tôn chỉ của ông là đạt được Tự nhiên và hoà hợp với Tự nhiên. Nhưng khi ông thuận ứng với sự biến hoá của tự nhiên để giải thích vạn vật, thì ông vẫn chưa thấu triệt được đạo lí, thuyết minh chưa được rõ ràng, còn những chỗ mờ mờ, chưa đạt được điểm tối cao của Đạo[29]. 9 Huệ Thi có nhiều phương thuật, sách ông chép chất đầy năm xe[30]. Đạo của ông bác tạp, không thuần nhất, lời của ông không hợp với đại Đạo. Ông xét về vạn vật như sau: - Cái cực lớn thì không có cái gì bao vây nó ở bên ngoài, gọi nó là cái “đại nhất”; cái cực nhỏ thì không có cái gì ở trong, gọi nó là “tiểu nhất”[31]. - Cái gì không có chiều dày thì không chồng chất lên được, vậy mà nó lớn tới ngàn dặm[32]. - Trời với đất đều thắp như nhau, núi và chằm đều bằng nhau (ở một mực ngang nhau)[33]. - Mặt trời vừa lên tới đỉnh thì bắt đầu xế rồi; vật vừa mới sinh ra thì đã bắt đầu tiến tới chỗ chết rồi[34]. - Xét chỗ giống nhau lớn và giống nhau nhỏ thì hai chỗ giống nhau đó có khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ; vạn vật hoàn toàn giống nhau và hoàn toàn khác nhau, đó là những chỗ giống nhau, khác nhau lớn[35]. - Phương Nam vô cùng mà lại hữu cùng[36] (có giới hạn). - Hôm nay tôi tới nước Việt mà tôi đã tới từ hôm qua rồi[37]. - Những vòng móc liền vào nhau (như dây chuyền) có thể gỡ ra được[38]. - Tôi biết trung tâm của thiên hạ, nó ở phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt[39]. - Phải yêu khắp vạn vật vì vũ trụ là một[40]. Huệ Thi cho những lí luận đó là rất cao, đem ra dạy các nhà biện luận và các nhà biện luận trong thiên hạ rất thích học thuyết của ông. Họ bảo: - Trứng có lông[41]. - Gà có ba chân[42]. - Kinh đô Dĩnh của Sở gồm cả thiên hạ[43]. - Chó có thể thành cừu[44]. - Ngựa có trứng[45]. - Con ễnh ương có đuôi[46]. - Lửa không nóng[47]. - Núi từ trong miệng mà ra[48]. - Bánh xe lăn mà không chạm đất[49]. - Mắt không nhìn thấy[50]. - Ý không đạt được vật, nếu đạt được thì nó không bao giờ ngừng[51]. - Rùa dài hơn rắn[52]. - Cái “củ” không làm được hình vuông, cái “qui” không làm được hình tròn. - Cái lỗ mộng không ôm được cái mộng[53]. - Khi chim bay cái bóng của nó không hề nhúc nhích[54]. - Mũi tên bay thật nhanh mà có lúc nó không bay và có lúc nó không ngừng[55]. - Con chó con (cẩu) không phải là con chó (khuyển)[56]. - Một con ngựa vàng và một con bò đen, cộng là ba[57]. - Chó trắng là chó đen[58]. - Con ngựa con mồ côi chưa từng có mẹ[59]. - Cái gậy dài một thước, mỗi ngày chặt một nửa, vạn đời cũng không hết[60]. Bọn biện luận gia dùng những lí luận như trên mà tranh biện với Huệ Thi, suốt đời không hết. Những biện luận gia như Hoàn Đoàn, Công Tôn Long[61], đều khéo dùng nguỵ biện mà làm mê hoặc lòng người, thay đổi ý nghĩ của họ, nhưng chỉ làm cho họ thua, không đáp được, chứ không làm cho họ tâm phục; đó, bọn biện luận gia tự hạn chế mình như vậy. Huệ Thi suốt ngày dùng tài trí của mình để tranh biện, với người khác. Nghe ông nói chuyện tưởng đâu là bậc rất hiền minh. Ông bảo: “Trời đất vĩ đại thay!” (là muốn nói rằng chỉ có trời đất hơn ông được thôi). Nhưng Huệ Tử chỉ muốn hơn người chứ không có học thuật xác đáng[62]. Phương Nam có một dị nhân tên là Hoàng Liễu, hỏi Huệ Thi tại sao trời không sập, đất không sụp, và mưa gió, sấm sét ở đâu mà ra. Huệ Thi không do dự, đáp liền chẳng cần suy nghĩ, giảng khắp về vạn vật, nói một hơi không ngưng, thao thao bất tuyệt. Như vậy mà vẫn chưa cho là đủ, còn đưa ra thêm những điều quái dị nữa. Ông nói ngược lại thiên hạ mà cho là đúng, muốn được cái tiếng là thắng người, cho nên không thích hợp với ai hết. Đạo đức của ông kém, ông gắng sức truy cầu ngoại vật, học thuyết thật hẹp hòi. Đứng về Đạo trời đất mà xét tài năng của Huệ tử, thì ông chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu? Ông phát huy kĩ năng về một phương diện, có thể bảo là tài giỏi đấy; giá ông ta chuyên tu đại Đạo thì cũng có thể gần đạt được[63]. Nhưng ông ta không yên tĩnh tu dưỡng mà để cho tinh thần tán loạn vào vạn vật, để được cái danh là biện sĩ, tiếc thay! Tài năng của ông phóng đãng, không đưa tới đâu, chạy theo vạn vật mà không biết trở về đại Đạo, không khác gì la lên để ngăn chận tiếng vang, chạy đua với cái bóng của mình, buồn thay! NHẬN ĐỊNH Chương cuối này có nhiều đặc điểm: - dài mà toàn là nghị luận, không dùng ngụ ngôn. - ý liên lạc từ đầu tới cuối, rất nhất trí; tôi chia làm chín đoạn (không thể gọi là bài được như các chương trên): đoạn 1 nhắc lại quan niệm đạo thuật của cổ nhân và các hạng người đạt Đạo nhiều hay ít, từ thiên nhân, thần nhân, chí nhân, tới thánh nhân, quân tử; đoạn 2 khen đạo Nho (các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ) đã truyền lại cho hậu thế kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc; đoạn 3 chê các các học giả đời sau chấp nhất, thiên kiến, chi li quá, không được thấy toàn thể của đạo; để chứng minh lời đó, tác giả trong các đoạn sau phê bình Mặc tử, Cầm Hoạt Li (đoạn 4); Tống Kiên, Doãn Văn (đoạn 5); Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo (đoạn 6); Lão tử và Quan Doãn (đoạn 7); Trang tử (đoạn 8); Huệ Thi, Hoàn Đoàn, Công Tôn Long (đoạn 9). Học thuyết nhà nào cũng có chỗ thiếu sót, đặc biệt là ba nhà nguỵ biện sau cùng xa đạo quá, chỉ có Lão tử, nhất là Trang tử là gần đạo hơn cả. - về mỗi học thuyết, tác giả rán tìm uyên nguyên nhưng chỉ mơ hồ rằng “cổ nhân đã có thuyết đó”, cơ hồ tác giả cho rằng mỗi nhà chỉ ghi chép lại, phát huy thêm những tư tưởng của nhiều nhà vô danh thời trước; chủ trương đó đúng, đối với thời đó có thể gọi là tấn bộ; - lí luận vững, mạch lạc, lời văn già giặn, từ xưa tới nay ai cũng khen là hay (Hồ Thích khen là tuyệt diệu), rõ ràng là của một người học rộng, có tài. Nhưng người đó là ai, thì ý kiến rất phân vân. Đa số các học giả như Lục Trường Canh, Diệu Nại, Vương Phu Chi, Tô Thức, Lương Khải Siêu, La Căn Trạch… cho là chính Trang tử viết, và chính chương Thiên hạ này tự tay hậu tự của một thiên. Một số khác ít hơn, như Lâm Tây Trọng, Tiền Huyền Đông, Cổ Hiệt Cương, Hồ Thích… bảo không phải của Trang. Tôi chỉ biết lí luận của mỗi một nhà trong nhóm trên: La Căn Trạch. Đại khái La bảo: - Đầu chương Thiên hạ có câu: “Cái mà người xưa gọi là đạo thuật đó, ở đâu?”[64] (Cổ chi sở vị đạo thuật giả, ô hồ tại?). Lời câu đó cũng gần giống lời câu này trong Tề vật luận: “Đạo đi đâu mà không còn” (Đạo ô hồ vãng nhi bất tồn?)[65]. Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc. - Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang. - Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong đoạn 2 chỉ có mấy chữ: “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân, còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở vào thời đại Trang tử. Giống thì có giống, nhưng chỉ có bấy nhiêu mà bảo hai câu đó cùng của một người viết thì chưa có gì làm chắc. - Đoạn 8 có câu “(Trang tử) không khen không chê, sống yên ổn với người đời” rất có thể là lời của Trang tử tự nói về mình. Tôi nghĩ câu đó cũng rất có thể là lời một người khác, chẳng hạn một môn đồ của Trang, nói về Trang. - Chương Thiên hạ nếu do một người ở cuối đời Chiến Quốc viết thì tất phải phê bình học thuyết của Mạnh tử, Tuân tử, Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi. Nhưng trong hai đoạn chỉ có mấy chữ “các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ” tạm cho là ám chỉ Mạnh và Tuân[66], còn các nhà khác tuyệt nhiên không nhắc tới, vậy thì người viết phải ở thời đại Trang tử. Lí lẽ đó cũng không vững: người viết có thể không biết rõ – hoặc biết mà cho là không quan trọng – các học thuyết của Trâu Diễn, Thương Ưởng, Hàn Phi, nên không nhắc tới; vả lại nếu không phải viết ở cuối thời Chiến Quốc thì cũng không nhất định ở thời đại Trang tử. Không có gì chứng tỏ rằng người đó chính là Trang. Theo thiển ý, có nhiều lí do để ngờ rằng tác giả [chương Thiên hạ] không phải là Trang: - Đầu chương, đoạn 2, tác giả viết: “Cổ nhân thật là hoàn toàn… Sự sáng suốt của họ về điển chương, pháp độ, nay ta còn thấy dấu vết trong các bộ sử chép các cựu pháp truyền từ đời nọ đến đời kia, như trong các kinh Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Các bậc sĩ và tấn thân nước Trâu, nước Lỗ đa số điều hiểu các điển chương pháp độ ấy. Kinh Thi làm thông đạt tâm trí, kinh Thư giảng về chính sự, kinh Lễ qui định hành vi, kinh Nhạc điều hoà tính tình, kinh Dịch nghiên cứu sự biến hoá của âm dương, kinh Xuân Thu giảng về danh phận. Những điển chương ấy truyền bá trong thiên hạ, thi hành ở Trung Quốc, Bách gia[67] chư tử đôi khi trích dẫn để giảng”. Trang tử không có ác cảm với đạo Khổng, nhưng học thuyết của ông có nhiều điểm trái với đạo Khổng: Khổng hăm hở giúp đời, ông thì “tiêu dao du”; Khổng thì phân biệt tôn ti, ông thì “tề vật”… như vậy không có lí gì ông lại đề cao Khổng học, coi trọng Thi, Thư, Lễ, Nhạc, cả kinh Xuân Thu nữa. Có một điều chúng ta hơi thắc mắc là tác giả đề cao Khổng học mà sao không nhắc tới Khổng Tử. Tô Thức bảo là tại tác giả quá tôn trọng Khổng Tử (kì tôn chi dã chí hĩ), không đám đặt Khổng Tử đứng chung – dù là đứng trên đi nữa – với các nhà khác. Như quả vậy thì lại càng hiển nhiên rằng tác giả không phải là Trang tử như Tô Thức nghĩ. - Trang tử vốn có tinh thần khoáng đạt, cho là không có gì là hoàn toàn “thi” hay hoàn toàn “phi”, mà trong đoạn 2 đó đề cao Khổng học là hoàn toàn, rồi trong đoạn sau lại vạch những chỗ chi li, thiên kiến của các nhà khác, tôi e rằng điều ấy cũng không phù hợp với chủ trương của Trang. - Nhất là đoạn cuối, giọng của ông khi xét về Huệ Thi thật là gay gắt: ông cho Huệ Thi “chỉ như con muỗi, con nhặng vo ve, lao khổ mà có ích lợi gì cho vạn vật đâu?”. Trong bộ Trang tử có nhiều bài chép sự giao du thân mật giữa Trang tử và Huệ Thi; đặt biệt bài 6 Từ Vô Quỉ cho Trang tử thở dài, nhớ tiếc bạn: “Từ khi Huệ Tử mất, đối thủ của tôi cũng chết rồi, tôi không còn ai đàm luận nữa”. Bài 6 đó chưa đáng tin hết, nhưng có điều chắc chắn là hai nhà chơi thân với nhau, thường gặp nhau, không có lí gì Trang lại viết sách mạt sát bạn là con muỗi, con nhặng. - Đoạn 8 phê bình Trang tuy có chỗ chê là “học thuyết viễn vong vô cứ, lời lẽ hư vô, không đầu đuôi”, “chưa thấu triệt đạo lí… chưa đạt được điểm tối cao của Đạo”, nhưng tựu trung vẫn cho học thuyết của Trang cao hơn cả các nhà khác (Mặc, Lão…) như: “Đạo đức của ông sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn…”. Tôi có thể hiểu được thái độ ngang tàng của Trang khi ông không thèm nhận các chức tước vua chúa đương thời tặng ông, nhưng khó tưởng tượng được một triết gia mà lại tự đề cao mình quá như vậy[68]. Một điểm đáng nghi nữa: trong Nội thiên, Trang tử không dẫn một câu nào trong Đạo Đức kinh (vì cuốn này xuất hiện sau Trang – coi phần I); mà trong đoạn 7 trong chương Thiên hạ này, đã khen Lão tử lại dẫn hai câu trong Đạo Đức kinh. Vậy có thể cho rằng tác giả chương này cũng như tác giả chương Trí Bắc du (Ngoại thiên) không phải là Trang tử. Là môn đệ của Trang thì có thể tin được. - Sau cùng, cứ xét bút pháp thì thấy tác giả chương này phải là một học giả uyên thâm, mực thước, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, chứ không cái giọng tài hoa, đột ngột, hư hư thực thực trong Nội thiên. Vậy chúng ta có thể ngờ rằng không phải Trang tử. Sáu lí do tôi vừa kể không thể gọi là chắc chắn lắm nhưng ít nhất cũng có giá trị ngang với những lí do của La Căn Trạch. Chú thích: [1] Nguyên văn: triệu ư biến hoá. H.C.H. giảng là vượt lên khỏi sự biến hoá. [2] Nguyên văn: kì sổ nhất nhị tam tứ thị dã. L.K.h. dịch là: đó là bốn công việc… [3] Nguyên văn: dân li lí dã. D.N.L. dịch là: đạo trị dân. L.K.h. dịch là: tổ chức sinh hoạt của dân. [dân li lí dã: sách in như vậy, nhưng tôi tìm trên mạng chỉ thấy: 民之理也 dân chi lí dã - Goldfish]. [4] Nguyên văn: minh ư bản sổ, hệ ư mật độ. Theo H.C.H. thì sổ đây có nghĩa là phép tắc, bản sổ tức là Thiên Đạo; độ đây là chế độ, mật độ là “nhân đạo”. [Các trang trên mạng đều chép: 明於本數, 係於末度 minh ư bản sổ, hệ ư mạt độ, tức “mạt độ” chứ không phải “mật độ” - Goldfish]. [5] Nguyên văn: lục thông, tôi dịch theo D.N.L., các sách khác không giảng. Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới là bốn phương, còn tử dịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trở bốn mùa. [Lục thông tứ dịch: 六通四辟, có bản chép là 六通四闢. Tôi nghĩ câu sau nên sửa lại như thế này: Theo Khang Hi tự điển thì còn một thuyết nữa: lục thông là trên, dưới và bốn phương, còn tứ tịch (mà Diệp dịch là bốn phương) trỏ bốn mùa – Goldfish]. [6] Nguyên văn: tấn thân. Thân là cái đài to, tấn là lụa sắc đỏ; tấn thân trỏ hạng người làm quan. [7] Mấy hàng này nghĩa hơi tối. Mỗi sách giảng mỗi khác. Tôi châm chước theo L.K.h. và D.N.L. [8] Tôi theo L.K.h. Các sách khác dịch là: không làm cho phong tục đời sau xa xỉ. [9] Tôi theo L.K.h.; Hoàng Cẩm Hoành dịch là: Giữ vững ý kiến của mình. [10] Theo D.N.L. Theo H.C.H. thì: lẻ và chẳn không có thứ tự. Theo L.K.h. thì: lẻ và chẳn không gặp nhau. Nguyên văn: cơ ngẫu bất ngỗ; còn thuyết “dị đồng” coi chú thích 5 bài 9, trang 395 ở sau. [11] Người giỏi nhất trong phái. [12] L.K.h. dịch là: như vậy khá hơn loạn; nhưng chưa được trị. Nguyên văn: loạn chi thượng dã, trị chi hạ dã. [13] Nguyên văn: Cẩu (thả). Chương Thái Viêm bảo chính là chữ hà (hà khắc) chép lầm, và dịch là: không hà khắc với người. Có lí. [14] Tông Kiên (có sách viết là Tống Khanh hoặc Tống Vinh) sinh khoảng – 383, mất khoảng -290. Sách Mạnh tử chép ông giảng về lợi để Tần, Sở đánh nhau. Mạnh tử chê đem lợi ra thuyết thì hỏng. – Doãn Văn là ẩn sĩ nước Tề, sinh khoảng -360, mất khoảng -380. [15] Núi Hoa Sơn ở tỉnh Sơn Tây, trên dưới quân bình, coi như hình vuông. Đội thứ mũ đó để tỏ rằng mình cũng quân bình. [16] Nguyên văn: tiếp vạn vật dĩ biệt hựu vi thuỷ. D.N.L. dịch là:...trước hết phải phân biệt thiện ác. L.K.h. dịch là: …trước hết phải phân biệt phần của mỗi người. [17] Nguyên văn: thỉnh dục cố trí. Lương Khải Siêu bảo là “tình dục cổ quả” mà chép lầm. Tôi theo Lương. L.K.h. dịch là: nếu ông muốn thì cho tôi… D.N.L. không dịch. [18] Chỗ này H.C.H. cho là lời của phái Tống Kiên và dịch khác. [19] Bành Mông là một ẩn sĩ nước Tề, thầy học của Điền Biền. Điền Biền sinh khoảng -370, mất khoảng -290, được Tề Tuyên Vương phong chức Thượng đại phu, viết bộ Điền tử gồm 25 thiên đều thất truyền. Thận Đáo, người nước Triệu, sinh khoảng -370, mất khoảng -290, viết 42 thiên sách thất truyền. Hán thư, Nghệ văn chí của Ban Cố sắp vào phái Pháp gia. [20] Vì vậy mà Cố Hiệt Cương, Phó Tư Niên, Dong Triệu Tổ cho rằng chương Tề vật luận trong Nội thiên do Thận Đáo viết. [21] Nguyên văn: Tri bất tri tương bạc tri, nhi hậu lân thương chi giả dã. D.N.L. dịch là: “Xét người, tuy mình hiểu biết rồi đấy mà làm bộ như không biết, nếu mình tỏ ra hiểu biết thì gần như làm hại người ta rồi”. L.K.h. dịch là: “Cái biết không biết gì cả. Lời đó của Thận Đáo mạt sát tri thức làm cho tri thức bị thương tổn nặng”. [22] Có sách dịch là đá mài. [23] L.K.h. dịch là: cốt sao cho không ai chê họ, không khen họ là được rồi. [24] Câu này từ “Sự giáo hoá của họ…”, L.K.h. cho là lời của Bành Mông. [25] Nguyên văn: dĩ bản vi tinh, dĩ vật vi thô. Chữ bản (gốc) có thể hiểu là “vô”, chữ vật có thể hiểu là “hữu”. H.C.H. giảng bản là bản nguyên của trời đất. [26] Quan Doãn, sinh khoảng -440, mất khoảng -360, họ Doãn tên Hi, làm chức coi cửa ải, nên gọi như vậy (Quan là cửa ải). – Lão Đam tức Lão tử. [27] Hai câu này ở trong Đạo Đức kinh, chương XXVIII: “Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê; (…) tri kì vinh, thủ kì nhục, vi thiên hạ cốc”; đại ý là không khoe khoang mà nên tỏ vẻ nhũn nhặn, đừng tranh sự vinh quang mà giữ địa vị khiêm tốn, thì người ta sẽ qui phụ mình như nước chảy vào cái khe, cái hang, tức chỗ thấp. [28] Về những danh từ “trọng ngôn” và “ngụ ngôn” xin coi bài 1 chương Ngụ ngôn. [29] Nguyên văn: kì ứng ư, hoá nhi giải ư vật giả, kì lí bất kiệt, kì lai bất thuế, mang hồ, muội hồ, vị chi tận giả. Mấy bài trong chương này, nhất là ba bài số 5, 6, 7 chúng tôi đều dịch thoát. Riêng câu này, L.K.h. dịch ngược hẳn lại. Chúng tôi theo các bản chữ Hán. [Cụ Nguyễn Hiến Lê tham khảo năm bản chú giải; trong đó chỉ có một bản chữ Pháp của Liou Kia – hway, bốn bản kia đều là chữ Hán – Goldfish] [30] Thời đó còn phải khắc chữ trên thẻ tre. [31] Câu này dễ hiểu. Đã cực lớn thì không có gì lớn hơn để bao ở ngoài được nữa; đã cực nhỏ thì không có gì nhỏ hơn để chứa bên trong nữa. [32] Nguyên văn: vô hậu bất khả tích dã, kì đại thiên lí. L.K.h. không chấn câu sau chữ hậu, và dịch là: “Không có vật gì dày mà không chồng chất lên được, nó lớn tới ngàn dặm”, và ông giảng như một đống đá, cứ chất hoài thì nó thành một đống lớn đến ngàn dặm. Tôi dịch theo các bản chữ Hán mà không biết có đúng không. [33] Có thể hiểu như vầy: xét theo phương diện tương đối thì trời cao đất thấp, núi cao hơn chằm, nhưng so sánh với cái vô cùng thì trời đất, núi chằm đều không đáng kể gì, ngang nhau hết. [34] Lẽ này dễ hiểu. [35] L.K.h. giảng: như cây thông giống cây bách và cây hồng, nhưng sự giống nhau của cây thông và cây bách, khác với sự giống nhau của cây thông và cây hồng.; đó là những chỗ giống nhau, khác nhau nhỏ. Còn chỗ giống nhau, khác nhau lớn thì như: mọi sinh vật đều giống nhau vì đều do tạo hoá sinh ra, nhưng khác nhau là vì là những phần tử khác nhau trong vũ trụ. [36] Người Trung Hoa thời đó không biết hết phương Nam, cho nó là vô cùng, nhưng so với vũ trụ vô cùng thì nó vẫn là hữu cùng. [37] Có người giảng: hôm nay mới tới nước Việt, nhưng từ hôm qua đã nghĩ tới việc tới nước Việt, cho nên bảo tới từ hôm qua. – L.K.h. giảng: hôm nay là hôm qua của ngay mai, nên đứng về ngày mai mà nói thì hôm nay tức là hôm qua. [38] Theo L.K.h.: đập bể cái vòng thì gỡ ra được. D.N.L. bảo: vì chúng chỉ móc vào nhau chứ không dính nhau. [39] Nước Yên ở phương Bắc, nước Việt ở phương Nam, vậy phía Bắc nước Yên không thể là phía Nam của nước Việt được. Nhưng trong vũ trụ vô biên, cả Trung Hoa cũng chỉ là một cái chấm nhỏ, vậy phía Bắc nước Yên và phía Nam nước Việt cũng ở trong cái chấm đó thôi, không phân biệt được. [40] Lẽ này dễ hiểu: đều là con của tao hoá cả thì nên yêu nhau. [41] Trứng nở ra con chim, con chim có lông, thì trong trứng tất có lông hay cái gì để sau thành ra lông. [42] Ta nói đến chân gà là có một ý niệm rồi, mỗi chân con gà là một ý niệm nữa, tất cả là ba ý niệm. [43] Trong vũ trụ vô biên, thiên hạ và kinh đô Dĩnh đều lẫn vào nhau thành một điểm rất nhỏ, vậy bảo thiên hạ gồm Dĩnh thì ngược lại cũng có thể bảo Dĩnh gồm thiên hạ. [44] Có người giảng: con chó có thể coi lầm con cừu. Người khác giảng: tiếng “chó” ta dùng để chỉ con chó; nhưng khi mới đặt ra nó, ta dùng để chỉ con cừu cũng được, tên vật chỉ là một mặc ước giữ chúng ta với nhau. [45] L.K.h. giảng: ngựa cũng như mọi vật khác từ cái chủng (germe) nguyên thuỷ mà ra, và trong sự tiến hoá của vạn vật phải qua giai đoạn sinh trứng (như loài cá, loài chim) rồi mới tới giai đoạn mang thai (loài ngựa, loài người). [46] Nguyên văn: đinh tử hữu vĩ. Đinh tử, L.K.h. dịch là cái đinh. Các sách chữ Hán dịch là con ễnh ương, vậy con ễnh ương cũng có đuôi. L.K.h. cũng nhận rằng không hiểu gì cả nên không giảng tại sao cái đinh lại có đuôi. [47] Không ai giảng được câu này. [48] Miệng ta phát ra tiếng “núi”, vậy núi ở trong miệng ta mà ra. [49] Có sách giảng: Khi xe ngửng thì bánh xe chạm vào đất, khi nó chạy, bánh không dính vào đất nữa, nếu không làm sao chạy được? Nhưng “chạm” với “dính” khác nhau chứ? [50] Không phải là mắt thấy mà tinh thần của ta thấy. Không có tinh thần thì mắt không thấy gì cả. [51] Câu này nguyên văn là “chỉ bất chí”, có sách dịch là ngón tay không đạt được vật. Không ai giảng được rõ ràng, nhất là phần cuối câu. [Cả câu: 指不至,至不絕 chỉ bất chí, chí bất tuyệt - Goldfish] [52] Có sách giảng: cái ý niệm vuông hay tròn đã có sẳn trong đầu rồi người ta mới tạo ra cái “củ” (để vẽ hình vuông) và cái “qui” (để vẽ hình tròn). – Lại có sách giảng: xét cho thật kĩ thì hình do cái củ và cái qui vẽ thành, không hoàn toàn vuông hay tròn. [53] Xét cho thật kĩ thì lỗ mộng không khi nào ôm được thật khít cái mộng. [54] Vì bóng con chim bay trong giây phút sau không phải là cái bóng trong giây phút trước, cái bóng trong giây phút trước đó mặc dù ta không nhìn thấy nữa, nhưng vẫn ở chỗ cũ, không hề nhúc nhích. [55] Mỗi nhà giảng mỗi khác. L.K.h. giảng như vầy: nếu lấy không gian mũi tên chiếm làm đơn vị và chỉ xét theo từng đơn vị ấy thôi thì mũi tên không bay; nếu lấy làm đơn vị khoảng không gian từ chỗ mũi tên phát ra tới cái địch, thì mũi tên có bay. [56] Câu này của Công Tôn Long. Theo L.K.h.: con “cẩu” là con chó con, lông chưa dài; còn “khuyển” là con chó lớn, lông đã dài rồi; con cẩu chưa thành con khuyển, nên không phải con khuyển. [57] Ngựa vàng là một ý niệm, bò đen là một ý niệm nữa; khi hai con đứng với nhau lại có một ý niệm chung về ngựa và bò, vậy là ba ý niệm. [58] Có sách giảng: trắng và đen là tiếng ta đặt ra, vậy ta cũng có thể đảo ngược lại, gọi là đen cái màu mà hiện nay ta gọi là trắng. Có sách lại giảng: chó trắng là lông nó trắng nhưng đồng thời nó cũng đen vì mắt của nó đen. Còn một cách giải khác: màu sắc là do ánh sáng, áng sáng thay đổi thì màu sắc cũng đổi thay, trắng cũng có thể hoá xanh, đỏ hay đen. [59] Câu này cũng của Công Tôn Long. Ông muốn bảo: con ngựa con đó bây giờ không có mẹ, tức là chưa bao giờ có mẹ. Ông nói bậy, vì không chấp nhận sự biến đổi: trước nó có mẹ, bây giờ mới không. [60] Vì cứ chặt một nửa thì con một nửa, hôm sau còn một nửa của một nửa còn lại hôm trước, cứ như vậy hoài vạn đời sau cũng còn lại một nửa của cái nửa còn lại hôm trước. – Hy Lạp thời cổ, thế kỉ thứ năm trước T.L. Zénon cũng có một nguỵ biện như vậy: Achille chạy rất nhanh, con rùa chạy rất chậm; con rùa chạy trước một quảng rồi thì vạn đời sau Archille cũng không đuổi kịp con rùa. [61] Hoàn Đoàn và Công Tôn Long đều là người nước Triệu, Công Tôn Long sinh khoảng -330, mất khoảng -242, chịu ảnh hưởng của Huệ Thi, thuộc phái Danh gia, soạn cuốn Công Tôn tử nay còn 6 thiên. [62] Câu này L.K.h. cho là lời của Huệ Thi và dịch là: Nhưng tôi đây này, vũ trụ làm gì được tôi? (Nguyên văn: Thi tồn hùng nhi vô thuật). [63] Câu này, nguyên văn là: Phù sung nhất thượng khả, viết dũ quí, đạo cơ hĩ. Tôi theo H.C.H. – D.N.L. dịch là: càng tôn trọng ngôn từ, đừng phát ngôn (bừa bãi) thì càng gần với đạo. L.K.h. dịch là: Cái hiểu biết của Huệ Thi có thể diễn đạt được một khía cạnh của chân lí nếu ông ta bảo: “Càng quí trọng cái Đạo thì càng gần nó”. [64] Câu này có lẽ in thiếu chữ “quả”, vì trên nhiều trang web chữ Hán, câu tương ứng là: 古之所謂道術者,果惡乎在 Cổ chi sở vị đạo thuật giả, quả ô hồ tại. [Goldfish]. [65] Trong Nội thiên tôi dịch thoát là: Khi nào thì Đạo không còn? [66] Tuân tử là người nước Triệu, sau qua Sở làm quan, nhưng vì ông thuộc Khổng phái nên có thể miễn cưỡng gọi ông là bậc sĩ nước Trâu, nước Lỗ. [67] Chữ “bách gia” này thời Trang tử đã có ai dùng chưa? [68] Khổng tử khi gặp tai nạn ở đất Khuông, nói với môn sinh, đại ý rằng thời đó chỉ duy có ông là giữ được lễ, nhạc, pháp độ của Văn vương, nếu trời chưa muốn những cái đó mất đi thì người đất Khuông không làm gì được ông. (Luận ngữ - Tử hãn 5). Và trước khi mất, ông thở dài hát: “Núi Thái Sơn sắp sụp, cây thượng lương sắp đổ. Bậc triết nhân sắp mất”. Nhưng cả hai lời đó đều nói với môn sinh. Lời trên (ở đất Khuông) chỉ diễn cái ý sống chết do mệnh trời; lời dưới chưa chắc đúng vì không thấy chép trong Luận ngữ, mà dù có đúng chăng nữa thì cũng chỉ là lời than thở, tuyệt nhiên không có ý tự cao tự mãn. Mà trong Luận ngự còn cả chục chỗ khác cho ta thấy Khổng tử rất khiêm tốn. Còn Lão tử thì ai cũng nhận rằng ông là bậc thánh về đức khiêm nhu, chịu ở dưới người, ở sau người chứ không muốn ở trên người, ở trước người. hết: Chương XXXIII , xem tiếp: PHỤ LỤC

《庄子》第33章 天下


天下之治方术者多矣,皆以其有为不可加矣!古之所谓道术者,果恶乎在?曰:“无乎不在。”曰∶“神何由降?明何由出?”“圣有所生,王有所成,皆原于一。”不离于宗,谓之天人;不离于精,谓之神人;不离于真,谓之至人。以天为宗,以德为本,以道为门,兆于变化,谓之圣人;以仁为恩,以义为理,以礼为行,以乐为和,熏然慈仁,谓之君子;以法为分,以名为表,以参为验,以稽为决,其数一二三四是也,百官以此相齿;以事为常,以衣食为主,蕃息畜藏,老弱孤寡为意,皆有以养,民之理也。古之人其备乎!配神明,醇天地,育万物,和天下,泽及百姓,明于本数,系于末度,六通四辟,小大精粗,其运无乎不在。其明而在数度者,旧法、世传之史尚多有之;其在于《诗》、《书》、《礼》、《乐》者,邹鲁之士、缙绅先生多能明之。《诗》以道志,《书》以道事,《礼》以道行,《乐》以道和,《易》以道阴阳,《春秋》以道名分。其数散于天下而设于中国者,百家之学时或称而道之。
天下大乱,贤圣不明,道德不一。天下多得一察焉以自好。譬如耳目鼻口,皆有所明,不能相通。犹百家众技也,皆有所长,时有所用。虽然,不该不遍,一曲之士也。判天地之美,析万物之理,察古人之全。寡能备于天地之美,称神明之容。是故内圣外王之道,暗而不明,郁而不发,天下之人各为其所欲焉以自为方。悲夫!百家往而不反,必不合矣!后世之学者,不幸不见天地之纯,古人之大体。道术将为天下裂。
不侈于后世,不靡于万物,不晖于数度,以绳墨自矫,而备世之急。古之道术有在于是者,墨翟、禽滑厘闻其风而说之。为之大过,已之大顺。作为《非乐》,命之曰《节用》。生不歌,死无服。墨子泛爱兼利而非斗,其道不怒。又好学而博,不异,不与先王同,毁古之礼乐。黄帝有《咸池》,尧有《大章》,舜有《大韶》,禹有《大夏》,汤有《大濩》,文王有辟雍之乐,武王、周公作《武》。古之丧礼,贵贱有仪,上下有等。天子棺椁七重,诸侯五重,大夫三重,士再重。今墨子独生不歌,死不服,桐棺三寸而无椁,以为法式。以此教人,恐不爱人;以此自行,固不爱己。未败墨子道。虽然,歌而非歌,哭而非哭,乐而非乐,是果类乎?其生也勤,其死也薄,其道大觳。使人忧,使人悲,其行难为也。恐其不可以为圣人之道,反天下之心。天下不堪。墨子虽独能任,奈天下何!离于天下,其去王也远矣!墨子称道曰:“昔禹之湮洪水,决江河而通四夷九州也。名山三百,支川三千,小者无数。禹亲自操橐耜而九杂天下之川。腓无跋,胫无毛,沐甚雨,栉疾风,置万国。禹大圣也,而形劳天下也如此。”使后世之墨者,多以裘褐为衣,以屐蹻为服,日夜不休,以自苦为极,曰:“不能如此,非禹之道也,不足谓墨。”相里勤之弟子,五侯之徒,南方之墨者若获、已齿、邓陵子之属,俱诵《墨经》,而倍谲不同,相谓别墨。以坚白同异之辩相訾,以奇偶不仵之辞相应,以巨子为圣人。皆愿为之尸,冀得为其后世,至今不决。墨翟、禽滑厘之意则是,其行则非也。将使后世之墨者,必以自苦腓无跋、胫无毛相进而已矣。乱之上也,治之下也。虽然,墨子真天下之好也,将求之不得也,虽枯槁不舍也,才士也夫!
不累于俗,不饰于物,不苟于人,不忮于众,愿天下之安宁以活民命,人我之养,毕足而止,以此白心。古之道术有在于是者,宋钘、尹文闻其风而悦之。作为华山之冠以自表,接万物以别宥为始。语心之容,命之曰“心之行”。以聏合欢,以调海内。请欲置之以为主。见侮不辱,救民之斗,禁攻寝兵,救世之战。以此周行天下,上说下教。虽天下不取,强聒而不舍者也。故曰:上下见厌而强见也。虽然,其为人太多,其自为太少,曰:“请欲固置五升之饭足矣。”先生恐不得饱,弟子虽饥,不忘天下,日夜不休。曰:“我必得活哉!”图傲乎救世之士哉!曰:“君子不为苛察,不以身假物。”以为无益于天下者,明之不如己也。以禁攻寝兵为外,以情欲寡浅为内。其小大精粗,其行适至是而止。
公而不党,易而无私,决然无主,趣物而不两,不顾于虑,不谋于知,于物无择,与之俱往。古之道术有在于是者,彭蒙、田骈、慎到闻其风而悦之。齐万物以为首,曰:“天能覆之而不能载之,地能载之而不能覆之,大道能包之而不能辩之。”知万物皆有所可,有所不可。故曰:“选则不遍,教则不至,道则无遗者矣。”是故慎到弃知去己,而缘不得已。泠汰于物,以为道理。曰:“知不知,将薄知而后邻伤之者也。”謑髁无任,而笑天下之尚贤也;纵脱无行,而非天下之大圣;椎拍輐断,与物宛转;舍是与非,苟可以免。不师知虑,不知前后,魏然而已矣。推而后行,曳而后往。若飘风之还,若羽之旋,若磨石之隧,全而无非,动静无过,未尝有罪。是何故?夫无知之物,无建己之患,无用知之累,动静不离于理,是以终身无誉。故曰:“至于若无知之物而已,无用贤圣。夫块不失道。”豪桀相与笑之曰:“慎到之道,非生人之行,而至死人之理。”适得怪焉。田骈亦然,学于彭蒙,得不教焉。彭蒙之师曰:“古之道人,至于莫之是、莫之非而已矣。其风窨然,恶可而言。”常反人,不见观,而不免于魭断。其所谓道非道,而所言之韪不免于非。彭蒙、田骈、慎到不知道。虽然,概乎皆尝有闻者也。
以本为精,以物为粗,以有积为不足,澹然独与神明居。古之道术有在于是者,关尹、老聃闻其风而悦之。建之以常无有,主之以太一。以濡弱谦下为表,以空虚不毁万物为实。关尹曰:“在己无居,形物自著。”其动若水,其静若镜,其应若响。芴乎若亡,寂乎若清。同焉者和,得焉者失。未尝先人而常随人。老聃曰:“知其雄,守其雌,为天下溪;知其白,守其辱,为天下谷。”人皆取先,己独取后。曰:“受天下之垢”。人皆取实,己独取虚。“无藏也故有余”。岿然而有余。其行身也,徐而不费,无为也而笑巧。人皆求福,己独曲全。曰:“苟免于咎”。以深为根,以约为纪。曰:“坚则毁矣,锐则挫矣”。常宽容于物,不削于人。虽未至于极,关尹、老聃乎,古之博大真人哉!
寂漠无形,变化无常,死与?生与?天地并与?神明往与?芒乎何之?忽乎何适?万物毕罗,莫足以归。古之道术有在于是者,庄周闻其风而悦之。以谬悠之说,荒唐之言,无端崖之辞,时恣纵而不傥,不奇见之也。以天下为沈浊,不可与庄语。以卮言为曼衍,以重言为真,以寓言为广。独与天地精神往来,而不敖倪于万物。不谴是非,以与世俗处。其书虽环玮,而连犿无伤也。其辞虽参差,而諔诡可观。彼其充实,不可以已。上与造物者游,而下与外死生、无终始者为友。其于本也,弘大而辟,深闳而肆;其于宗也,可谓稠适而上遂矣。虽然,其应于化而解于物也,其理不竭,其来不蜕,芒乎昧乎,未之尽者。
惠施多方,其书五车,其道舛驳,其言也不中。历物之意,曰:“至大无外,谓之大一;至小无内,谓之小一。无厚,不可积也,其大千里。天与地卑,山与泽平。日方中方睨,物方生方死。大同而与小同异,此之谓‘小同异’;万物毕同毕异,此之谓‘大同异’。南方无穷而有穷。今日适越而昔来。连环可解也。我知天之中央,燕之北、越之南是也。泛爱万物,天地一体也。”惠施以此为大,观于天下而晓辩者,天下之辩者相与乐之。卵有毛。鸡有三足。郢有天下。犬可以为羊。马有卵。丁子有尾。火不热。山出口。轮不蹍地。目不见。指不至,至不绝。龟长于蛇。矩不方,规不可以为圆。凿不围枘。飞鸟之景未尝动也。镞矢之疾,而有不行、不止之时。狗非犬。黄马骊牛三。白狗黑。孤驹未尝有母。一尺之棰,日取其半,万世不竭。辩者以此与惠施相应,终身无穷。桓团、公孙龙辩者之徒,饰人之心,易人之意,能胜人之口,不能服人之心,辩者之囿也。惠施日以其知与之辩,特与天下之辩者为怪,此其柢也。然惠施之口谈,自以为最贤,曰:“天地其壮乎,施存雄而无术。”南方有倚人焉,曰黄缭,问天地所以不坠不陷,风雨雷霆之故。惠施不辞而应,不虑而对,遍为万物说。说而不休,多而无已,犹以为寡,益之以怪,以反人为实,而欲以胜人为名,是以与众不适也。弱于德,强于物,其涂隩矣。由天地之道观惠施之能,其犹一蚊一虻之劳者也。其于物也何庸!夫充一尚可,曰愈贵,道几矣!惠施不能以此自宁,散于万物而不厌,卒以善辩为名。惜乎!惠施之才,骀荡而不得,逐万物而不反,是穷响以声,形与影竞走也,悲夫!

No comments: