Sunday, January 22, 2017

NAM HOA KINH VII - BIỂN MẪU- MÃ ĐỀ

PHẦN III - Chương VIII
NGOẠI THIÊN

NGÓN CHÂN DÍNH NHAU
(Biền mẫu)

1

Ngón chân cái dính ngón thứ nhì, tay có nhánh (tức có sáu ngón) tuy là do trời sinh, nhưng đều là dư về phương diện cơ thể; cái bướu, chỗ thịt thừa tuy từ thân thể phát ra nhưng đều dư về phương diện bản tính tự nhiên. Nhân và nghĩa tuy cũng như ngũ tạng[1], nhưng nếu thi hành quá mức thì không phải là đạo đức chân chính.

Ngón chân dính nhau là có một miếng thịt vô dụng; tay có sáu ngón là có một ngón vô ích. Ai thi hành quá mức những tình cảm phát ra từ ngũ tạng (tức từ nội tâm), thì là kiểu sức nhân nghĩa mà lạm dụng sự thông minh.

Lạm dụng thị giác thì làm mê loạn ngũ sắc, sai lạc cả đường và nét, khiến người ta choá mắt vì màu xanh, màu vàng và sự rực rỡ của hình thêu, phải vậy không? Li Chu[2] là thí dụ điển hình.

Lạm dụng thính giác thì làm cho ngũ thanh[3] hỗn tạp, lục luật[4] thác loạn, khiến người ta đinh tai về tiếng đồng, tiếng đá, tiếng tơ, tiếng trúc[5], tiếng hoàng chung, đại lữ[6] phải vậy không? Sư Khoáng là thí dụ điển hình.

Tỏ ra nhân nghĩa thái quá, biểu lộ cái đức, làm hại cái bản tính để cầu danh, như vậy khiến lòng người hoá ra mê hoặc, muốn theo mình mà không theo được, phải vậy không? Tăng Sâm và Sử Ngư[7], là những thí dụ điển hình.

Đa ngôn, nguỵ biện, dùng những lời vô ích như ngói chất đống, chỉ rối nùi, đùa giỡn với thuyết “kiên bạch, dị đồng”[8], tức là làm cho tâm thần mỏi mệt, tìm cái hư danh bằng những lí luận phù phiếm, phải vậy không? Dương Chu và Mặc Địch là những thí dụ điển hình.

Tất cả những kẻ đó đều bước lầm vào con đường thái quá, không phải là theo cái chính Đạo trong thiên hạ.

2

Người nào làm gương mẫu về chính Đạo, thì giữ được sự thể tự nhiên của tính mệnh (nghĩa là trời sinh ra sao thì cứ để như vậy), cho nên ngón chân có liền nhau cũng không gọi là dính, ngón tay có mọc nhánh cũng không cho là dư, dài không cho là thừa, ngắn không cho là thiếu. Vì vậy mà chân vịt tuy ngắn, nếu nối cho dài ra thì vịt sẽ đau; chân hạc tuy dài, nếu cắt ngắn đi thì hạc sẽ khổ. Vậy thì cái gì trời sinh ra dài thì không nên làm cho ngắn lại; cái gì trời sinh ra ngắn thì không nên nối cho dài ra. Tự nhiên nó như vậy rồi, có gì đáng ngại mà phải sửa đổi? Nhân và nghĩa chẳng phải là tính tự nhiên của con người ư? Thế thì tại sao những người nhân từ lại nhiều ưu tư như vậy?

Một người có ngón chân dính nhau, cắt rời ra thì khóc; một người có ngón tay mọc nhánh, chặt đi thì gào thét. Hai người đó hoặc thiếu ngón chân (vì hai ngón dính liền làm một thì kể như một), hoặc dư ngón tay, cũng đau khổ như nhau. Những người nhân từ đời nay đau khổ nhìn nỗi đau khổ của người khác. Trái lại những kẻ bất nhân, coi thường những tình cảm tự nhiên (tức lòng thương người), chỉ tham phú quí. Nhân và nghĩa không phải là tính tự nhiên của con người sao? Nhưng tại sao từ đời tam đại[9] tới nay người ta bàn tán ồn ào về chúng như vậy?


3

Phải dùng cái móc, cái dây (nẩy mực), cái qui (compas), cái củ (thước vuông) để sửa lại, thì tức là tổn thương bản tính; phải dùng dây thừng dây gai, dùng keo sơn để giữ cho chắc thì đều là làm trái với thiên chân. Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, vỗ về bằng nhân nghĩa, như vậy là làm mất cái chân tính tự nhiên của họ.

Vật nào cũng có cái chân tính tự nhiên; chân tính đó tự nhiên cong thì không phải dùng đến móc, tự nhiên thẳng thì không phải dùng đến dây, tự nhiên tròn thì không phải dùng đến cái qui, tự nhiên vuông thì không phải dùng đến cái củ. Cái gì tự nhiên dính nhau thì không phải dùng đến keo sơn, cái gì tự nhiên cột chắc với nhau thì không phải dùng đến dây thùng, dây gai. Vạn vật tự nhiên sinh ra mà không biết tại sao; được bẩm thụ tính này tính nọ mà không biết do đâu. Từ xưa đến nay vẫn như vậy, không có gì thiếu sót. Đã vậy thì làm sao nhân và nghĩa có thể kết chặt mọi người như keo sơn, như dây lớn dây nhỏ mà ảnh hưởng được tốt tới thế giới do Đạo và Đức chi phối? Chúng chỉ làm cho người ta mê hoặc thôi.

4

Mê hoặc nhỏ thì làm thay đổi phương hướng, còn mê hoặc lớn thì làm thay đổi bản tính. Làm sao biết được điều ấy? Từ khi vua Thuấn đề cao nhân nghĩa, thiên hạ đều chạy theo nhân nghĩa, như vậy chẳng phải là ông đã làm thay đổi bản tính con người đấy ư? Chúng ta hãy bàn rõ về điểm đó nào. Từ đời tam đại đến nay, không ai là không bị ngoại vật làm thay đổi bản tính: kẻ tiểu nhân hi sinh cho lợi, kẻ sĩ hi sinh cho danh, đại phu hi sinh cho nhà, thánh nhân hi sinh cho thiên hạ [mà không nghĩ gì tới thân], những hạng người đó công việc khác nhau, danh phận khác nhau, nhưng làm tổn thương bản tính, quên mình vì ngoại vật thì đều như nhau.

Tang và Cấu[10] đều chăn cừu và để cừu lạc, đứa thứ nhất vì mãi đọc sách, đứa thứ nhì vì mãi đánh bạc; nguyên nhân[11] tuy khác nhau nhưng đều là đánh mất cừu cả.

Bá Di chết vì danh ở chân núi Thú Dương, Đạo Chích chết vì lợi ở gò Đông Lăng; nguyên nhân chết tuy khác nhau nhưng đều làm tàn hại đến sinh mệnh, tổn thương bản tính cả, vậy thì tại sao khen Bá Di mà chê Đạo Chích? Đều hi sinh cho ngoại vật cả mà kẻ chết vì nhân nghĩa thì người đời gọi là quân tử; kẻ chết vì tiền của thì người đời gọi là tiểu nhân. Đều chết như nhau cả mà phân biệt quân tử với tiểu nhân. Xét về điểm họ làm tàn hại sinh mệnh, tổn thương bản tính thì Đạo Chích và Bá Di cũng như nhau, sao lại gọi người này là quân tử, người kia là tiểu nhân?

5

Người nào cưỡng với bản tính để thi hành nhân nghĩa thì dù có được như Tăng Sâm, Sử Ngư[12] tôi cũng không cho là giỏi; người nào cưỡng với bản tính để nếm ngũ vị thì dù có được như Du Nhi[13], tôi cũng không cho là giỏi. Cũng vậy, người nào cưỡng bản tính để thẩm định ngũ âm, thì dù có được như Sư Khoáng tôi cũng không cho là tai sáng; người nào cưỡng bản tính để nhận định ngũ sắc, thì dù có được như Li Chu, tôi cũng không cho là mắt sáng. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là nhân nghĩa mà là cái mà mình tự có sẵn trong bản tính. Cái tôi gọi là giỏi, không phải là theo nhân nghĩa, mà là theo bản tính cùng khả năng thiên phú của mình. Như người tôi gọi là sáng tai, thì không nghe người khác mà chỉ tự nghe mình thôi; người tôi cho gọi sáng mắt thì không thấy người khác mà chỉ tự thấy mình thôi. Không thấy mình mà thấy người, không tự mình mà phải nhờ người, thì ta bỏ mình theo người, được cái sở đắc của người mà mất cái sở đắc [tức cái thiên chân] của mình, thích cái người khác thích[14] chứ không thích cái mình thích, thì Đạo Chích và Bá Di đều thiên lệch, lạc lối hết.

Tôi xấu hổ vì Đạo Đức kém, nhưng tôi không dám làm điều nhân nghĩa mà cũng không dám có những hành vi thác loạn, bậy bạ.

°

(Chương này và ba chương sau có nhiều điểm giống nhau nên tôi sẽ nhận định chung).

Chú thích:
[1] Nghĩa là người ta có ngũ thường (năm đức): nhân, lễ, nghĩa, trí, tính cũng như có ngũ tạng (tâm, can, tì, phế, thận). Người Trung Hoa cho rằng ở trong vũ trụ là ngũ hành (kim mộc thuỷ hoả thổ), ở trong cơ thể con người là ngũ tạng, phát ra ngoài là ngũ thường.
[2] Là người mắt rất sáng ở đời Hoàng Đế, đứng xa hơn một trăm bước mà thấy được đầu lông mùa thu. Trong sách Mạnh tử gọi là Li Lâu.
[3] Ngũ thanh tức là ngũ âm: cung, thương, dốc, chuỷ, vũ.
[4] Lục luật (trong số đó có hoàng chung), và lục lữ (trong số đó có đại lữ) là những danh từ về âm nhạc, khó giải thích cho rõ được.
[5] Tức tiếng nhạc khí làm bằng đồng, đá, tơ hay trúc.
[6] Đại lữ: một trong các lữ; danh từ âm nhạc.
[7] Tăng Sâm, tên tự là Dư, môn đệ Khổng Tử, thuật cuốn Đại học, rất có hiếu. – Sử Ngư, một người đồng thời với Khổng Tử, rất ngay thẳng, làm gương cho đời bằng đức nghĩa.
[8] Thuyết “cứng không phải trắng” này đã chú thích ở phần trên, bài 6 chương V. Còn thuyết “dị đồng”, xin coi chú thích bài 9 chương XXXIII: Thiên hạ.
[9] Tức ba đời Hạ, Thương, Chu.
[10] Có người bảo chữ cốc ở đây chính là chữ cấu. Tang là tên chung trỏ các nô lệ đàn ông, cấu là tên chung trỏ các nô tì.
[11] Dịch sát thì là: công việc.
[12] Tăng Sâm là môn sinh của Khổng Tử, rất có hiếu. Sử Ngư là một đại phu nước Vệ, rất ngay thẳng, tự sát để can vua. 
[13] Một người sành ăn thời cổ, biết dùng riềng và quế để gia vị.
[14] Như Bá Di thích danh, Đạo Chích thích tiền của, toàn là những cái thuộc về thế tục, chứ không thuộc về thiên chân của họ.
hết: PHẦN III - Chương VIII , xem tiếp: Chương IX
外篇 駢拇
 

《庄子》第08章 骈拇


骈拇枝指出乎性哉,而侈于德;附赘县疣出乎形哉,而侈于性;多方乎仁义而用之者,列于五藏哉,而非道德之正也。是故骈于足者,连无用之肉也;枝于手者,树无用之指也;多方骈枝于五藏之情者,淫僻于仁义之行,而多方于聪明之用也。
是故骈于明者,乱五色,淫文章,青黄黼黻之煌煌非乎?而离朱是已!多于聪者,乱五声,淫六律,金石丝竹黄钟大吕之声非乎?而师旷是已!枝于仁者,擢德塞性以收名声,使天下簧鼓以奉不及之法非乎?而曾、史是已!骈于辩者,累瓦结绳窜句,游心于坚白同异之间,而敝跬誉无用之言非乎?而杨、墨是已!故此皆多骈旁枝之道,非天下之至正也。
彼正正者,不失其性命之情。故合者不为骈,而枝者不为跂;长者不为有余,短者不为不足。是故凫胫虽短,续之则忧;鹤胫虽长,断之则悲。故性长非所断,性短非所续,无所去忧也。
意仁义其非人情乎!彼仁人何其多忧也。且夫骈于拇者,决之则泣;枝于手者,齕之则啼。二者或有余于数,或不足于数,其于忧一也。今世之仁人,蒿目而忧世之患;不仁之人,决性命之情而饕贵富。故意仁义其非人情乎!自三代以下者,天下何其嚣嚣也。
且夫待钩绳规矩而正者,是削其性者也;待绳约胶漆而固者,是侵其德者也;屈折礼乐,呴俞仁义,以慰天下之心者,此失其常然也。天下有常然。常然者,曲者不以钩,直者不以绳,圆者不以规,方者不以矩,附离不以胶漆,约束不以纆索。故天下诱然皆生,而不知其所以生;同焉皆得,而不知其所以得。故古今不二,不可亏也。则仁义又奚连连如胶漆纆索而游乎道德之间为哉!使天下惑也!
夫小惑易方,大惑易性。何以知其然邪?自虞氏招仁义以挠天下也,天下莫不奔命于仁义。是非以仁义易其性与?
故尝试论之:自三代以下者,天下莫不以物易其性矣!小人则以身殉利;士则以身殉名;大夫则以身殉家;圣人则以身殉天下。故此数子者,事业不同,名声异号,其于伤性以身为殉,一也。
臧与谷,二人相与牧羊而俱亡其羊。问臧奚事,则挟策读书;问谷奚事,则博塞以游。二人者,事业不同,其于亡羊均也。
伯夷死名于首阳之下,盗跖死利于东陵之上。二人者,所死不同,其于残生伤性均也。奚必伯夷之是而盗跖之非乎?
天下尽殉也:彼其所殉仁义也,则俗谓之君子;其所殉货财也,则俗谓之小人。其殉一也,则有君子焉,有小人焉。若其残生损性,则盗跖亦伯夷已,又恶取君子小人于其间哉!
且夫属其性乎仁义者,虽通如曾、史,非吾所谓臧也;属其性于五味,虽通如俞儿,非吾所谓臧也;属其性乎五声,虽通如师旷,非吾所谓聪也;属其性乎五色,虽通如离朱,非吾所谓明也。吾所谓臧者,非所谓仁义之谓也,臧于其德而已矣;吾所谓臧者,非所谓仁义之谓也,任其性命之情而已矣;吾所谓聪者,非谓其闻彼也,自闻而已矣;吾所谓明者,非谓其见彼也,自见而已矣。夫不自见而见彼,不自得而得彼者,是得人之得而不自得其得者也,适人之适而不自适其适者也。夫适人之适而不自适其适,虽盗跖与伯夷,是同为淫僻也。余愧乎道德,是以上不敢为仁义之操,而下不敢为淫僻之行也。

Chương IX
MÓNG NGỰA
(Mã đề)
Ngựa có móng để dẫm lên sương tuyết, có lông để chống gió lạnh. Chúng ăn cỏ, uống nước, co giò nhảy nhót. Đó là chân tính của chúng. Chúng có cần gì đến đài cao, chuồng rộng đâu.

Một hôm Bá Lạc[1] bảo: “Tôi khéo nuôi ngựa”, rồi đốt, hớt lông chúng, gọt và đánh dấu móng chúng, làm chuồng có sàn gỗ cho chúng ở. Mười con có hai ba con chết. Ông bắt chúng chịu đói chịu khát, phải chạy nước kiệu, phải phi, dùng cái ách bắt chúng đứng yên thành hàng, dùng hàm thiếc khóp mõm chúng, dùng roi quất vào mông chúng, và ngựa chết già nửa.

Người thợ gốm đầu tiên bảo: “Tôi khéo nặn đất sét”, rồi dùng cái qui để làm hình tròn, cái củ để làm hình vuông. Người thợ mộc đầu tiên bảo: “Tôi khéo làm đồ gỗ”, rồi dùng cái móc để làm hình cong, cái dây để làm hình thẳng. Bản tình của đất sét, gỗ có hợp với cái qui, cái củ, cái móc, sợi dây thừng không? Vậy mà đời sau khen Bá Lạc khéo nuôi ngựa, thợ gốm khéo nặn đất sét, thợ mộc khéo làm đồ gỗ. Hạng người muốn cai trị thiên hạ cũng làm như vậy đó.

2

Tôi cho rằng người khéo cai trị thiên hạ không hành động cách ấy. Bản tính con người không thay đổi. Dệt vải để mặc, cày ruộng để ăn, ai cũng có chung tính đó, mà hồn nhiên, không thiên tư. Như vậy gọi là “thiên phóng”: để mặc thiên nhiên.

Thời đại chí đức [đức được hoàn toàn], người nào cũng bước chậm chạp, ung dung, mắt nhìn thẳng đằng trước. Thời ấy trong núi không có đường mòn, trên chằm không có thuyền, không bắc cầu. Vạn vật cùng sống với nhau, không xâm phạm nhau. Cầm thú thành đàn, thảo mộc sum xuê. Cho nên có thể cột một sợi dây nhỏ dắt cầm thú đi chơi, có thể leo lên cây nhìn tận ổ con quạ[2], con chim khách.

Thời ấy, loài người sống chung với cầm thú, sinh hoạt chung với vạn vật; như vậy đâu có phân biệt quân tử với tiểu nhân. Vạn vật đều vô tri như nhau, sống theo bản tính của mình. Hết thảy đều vô dục như nhau, cho nên gọi là hồn nhiên, chất phác. Chất phác nên dân chúng mới giữ được bản tính.

3

Rồi sau thánh nhân xuất hiện, gắng sức thi hành điều nhân, cố ý noi theo điều nghĩa, mà thiên hạ bắt đầu mê loạn. Âm nhạc làm cho con người phóng đãng, lễ nghi phiền toái gây nhiều bó buộc, và người ta bắt đầu chia rẽ nhau.

Không đục đẽo gỗ thì làm sao thành được cái chén để cúng? Không đập mài ngọc trắng thì làm sao trang sức được vương trượng? Không bỏ Đạo đức đi thì nhân và nghĩa có gì đáng lựa?[3] Không  rời tính tình tự nhiên thì dùng làm chi tới lễ nhạc? Ngũ sắc không loạn thì ai vẽ chi vẻ này vẻ nọ? Ngũ âm không loạn thì ai đặt chi ra lục luật?[4] Đục đẽo gỗ để làm đồ dùng, đó là tội của thợ mộc. Huỷ bỏ Đạo đức[5] để thay nhân nghĩa vào, đó là tội của thánh nhân.

4

Những con ngựa hoang sống trong đồng, ăn cỏ, uống nước; khi vui thì cà cổ vào nhau, khi giận thì quay lại đá nhau. Chúng chỉ biết có vậy thôi.

Khi đeo cái ách vào cổ chúng, cái nguyệt đề[6] vào trán chúng để chế ngự chúng, chúng hoá ra lấm lét, bực tức, vặn cong cái ách, giật đứt dây cương, cắn hàm thiếc để phản kháng. Chúng hoá ra xảo quyệt, tàn nhẫn, đó là tội của Bá Lạc.

Thời vua Hách Tư[7], dân chúng ở trong nhà, không biết mình làm gì, ra ngoài không biết mình đi đâu[8], ăn thấy thích, no rồi thì vỗ bụng đi chơi. Họ chỉ biết có vậy thôi.

Rồi sau thánh nhân xuất hiện, dùng lễ nhạc uốn nắn con người, sửa thái độ con người cho ngay ngắn, đề cao nhân nghĩa để vỗ về nhân tâm. Từ đó dân chúng mới tận lực dùng trí xảo, tranh nhau lợi lộc, không làm sao ngăn được nữa, đó là tội của thánh nhân[9].

Chú thích:
[1] Có người đọc là Bá Nhạc. Họ Tôn, tên Dương, tự là Bá Lạc, một người giỏi coi tướng ngựa thời Tần Mục Công.
[2] Có sách bảo chữ điểu (chim) phải sửa là chữ ô (quạ)
[3] Lão tử bảo: Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa = phế bỏ đạo lớn rồi, mới đặt ra nhân nghĩa.
[4] Coi chú thích trong bài 1 chương VIII.
[5] Nghĩa là không sống hồn nhiên theo luật thiên nhiên nữa.
[6] Đồ đeo vào trán ngựa, hình như mặt trăng.
[7] Một vua thời thượng cổ, có sách chú thích là vua Thần Nông.
[8] Nghĩa là hồn nhiên, cữ động theo bản tính, không suy nghĩ, tính toán.
[9] Thánh nhân trong chương này trỏ hạng thánh nhân theo quan niệm nhà Nho, không theo quan niệm của Trang tử trong câu: Chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh (bài 1, chương 1).
Chương IX
, xem tiếp: Chương X

提到《馬蹄》的書籍 電子圖書館 打開字典


馬蹄:


《庄子》第09章 马蹄


马,蹄可以践霜雪,毛可以御风寒。齕草饮水,翘足而陆,此马之真性也。虽有义台路寝,无所用之。及至伯乐,曰:“我善治马。”烧之,剔之,刻之,雒之。连之以羁絷,编之以皂栈,马之死者十二三矣!饥之渴之,驰之骤之,整之齐之,前有橛饰之患,而后有鞭生筴之威,而马之死者已过半矣!陶者曰:“我善治埴。”圆者中规,方者中矩。匠人曰:“我善治木。”曲者中钩,直者应绳。夫埴木之性,岂欲中规矩钩绳哉!然且世世称之曰:“伯乐善治马,而陶匠善治埴木。”此亦治天下者之过也。
吾意善治天下者不然。彼民有常性,织而衣,耕而食,是谓同德。一而不党,命曰天放。故至德之世,其行填填,其视颠颠。当是时也,山无蹊隧,泽无舟梁;万物群生,连属其乡;禽兽成群,草木遂长。是故禽兽可系羁而游,鸟鹊之巢可攀援而窥。夫至德之世,同与禽兽居,族与万物并。恶乎知君子小人哉!同乎无知,其德不离;同乎无欲,是谓素朴。素朴而民性得矣。及至圣人,蹩躠为仁,踶跂为义,而天下始疑矣。澶漫为乐,摘僻为礼,而天下始分矣。故纯朴不残,孰为牺尊!白玉不毁,孰为珪璋!道德不废,安取仁义!性情不离,安用礼乐!五色不乱,孰为文采!五声不乱,孰应六律!
夫残朴以为器,工匠之罪也;毁道德以为仁义,圣人之过也。夫马陆居则食草饮水,喜则交颈相靡,怒则分背相踢。马知已此矣!夫加之以衡扼,齐之以月题,而马知介倪闉扼鸷曼诡衔窃辔。故马之知而能至盗者,伯乐之罪也。夫赫胥氏之时,民居不知所为,行不知所之,含哺而熙,鼓腹而游。民能已此矣!及至圣人,屈折礼乐以匡天下之形,县跂仁义以慰天下之心,而民乃始踶跂好知,争归于利,不可止也。此亦圣人之过也。

No comments: