TỪ VÔ QUỈ
(Từ Vô Quỉ)
(Từ Vô Quỉ)
Ẩn sĩ nước Nguỵ là Từ Vô Quỉ, do Nữ Thương[1] giới thiệu, vô yết kiến Nguỵ Vũ Hầu. Nguỵ Vũ Hầu uỷ lạo: - Tiên sinh tiều tuỵ quá. Chắc đời sống trong rừng núi cực nhọc lắm, nên mới lại thăm quả nhân đây. Từ Vô Quỉ đáp: - Tôi lại uỷ lạo nhà vua, chứ nhà vua can gì uỷ lạo tôi. Nếu lòng nhà vua đầy thị dục, cứ tiếp tục yêu ghét không dứt thì tính mệnh sẽ bị tổn hại; mà nếu nhà vua bỏ hết thị dục, không yêu không ghét nữa, thì tai mắt sẽ bị tổn hại. Vì vậy tôi lại uỷ lạo nhà vua đây, chứ nhà vua can gì phải uỷ lạo tôi? Vũ Hầu chưng hững, không biết đáp sao. Một lát sau, Từ Vô Quỉ lại nói: - Tôi xin trình bày với nhà vua những nhận xét của tôi về loài chó. Thứ chó hạ đẳng thì chỉ nghĩ tới chuyện ăn cho no, không khác gì loài chồn; con nào nhìn mặt trời vào hạng trung đẳng; còn thứ thượng đẳng quên thân thể của chúng đi. Thuật coi tướng chó của tôi còn kém thuật coi tướng ngựa nữa. Loài ngựa, con nào mà đường nét hoặc thẳng như vạch bằng dây mực, hoặc cong như cái móc, đường thì vuông như thước thợ, đường thì tròn như vẽ bằng cái qui (com-pa), con đó đáng là ngựa quí trong nước, nhưng còn kém những con quán tuyệt trong thiên hạ, cực có tài mà bề ngoài như rầu rĩ, ngơ ngác như tự quên chúng. Những con này tài tới nỗi khi phi không lưu lại một vết hoặc làm tung một hạt bụi nào cả[2], không ai theo được dấu của chúng. Vũ Hầu nghe thích quá, cười vang. Khi Từ Vô Quỉ bước ra ngoài, Nữ Thương hỏi: - Chỉ có Từ Vô Quỉ làm cho nhà vua vui được như vậy, nhờ cách nào đó? Muốn làm cho nhà vua vui, chúng tôi xa thì nói về thi, thư, lễ, nhạc, gần[3] thì nói về kim bản, lục thao[4], không biết bao người gắng sức phụng sự mà không làm cho nhà vua hé môi ra được. Nay tiên sinh nói với nhà vua những gì mà nhà vua vui như vậy? Từ Vô Quỉ đáp: - Tôi chỉ nói về cách coi tướng chó và tướng ngựa thôi. Nữ Thương ngạc nhiên: - Chỉ có vậy thôi ư? - Vậy ông không biết chuyện một người nước Việt bị đày đi xa ư? Mới xa nước được mấy ngày, gặp người quen thì mừng. Xa nước được một năm, mới thấy người nào giống người nước Việt thì đủ mừng rồi. Xa nước càng lâu, lòng nhớ người đồng hương càng nặng. Một người lạc vào một nơi hoang vắng, đương tìm lối ra trong cỏ lê cỏ hấp lấp kín đường của loài chồn loài cáo, bổng nghe thấy tiếng chân người thì làm sao không mừng, huống hồ là được nghe thấy tiếng nói tiếng cười của anh em, cha mẹ, thân thích. Đã từ lâu rồi, nhà vua chúng ta không được nghe những lời đàm tiếu của người thường.[5]
2
Từ Vô Quỉ yết kiến Vũ Hầu, Vũ Hầu bảo: - Tiên sinh ở trong rừng núi, ăn trái “tự”, trái “lật”, rau hành, rau “phỉ” mà bỏ quả nhân từ bấy lâu. Nay tiên sinh đã già. Tiên sinh muốn nếm mùi rượu thịt hay là muốn quả nhân mưu hạnh phúc cho xả tắc đây? Từ Vô Quỉ đáp: - Tôi sinh trong một gia đình nghèo hèn, chưa bao giờ dám nghĩ tới việc hưởng rượu thịt của nhà vua. Tôi tới đây là để uỷ lạo nhà vua. - Sao vậy? Quả nhân có gì mà phải uỷ lạo? - Uỷ lạo hình thể và tâm thần nhà vua. - Thế là nghĩa làm sao? Từ Vô Quỉ đáp: - Trời đất nuôi người, ai cũng như ai. Người ở địa cao cũng không tự cho là quí, người ở địa vị thấp cũng không tự cho là tiện. Riêng nhà vua làm chủ một nước có vạn cổ xe mà bắt dân chúng phải lao khổ để cung phụng cho tai mắt mũi miệng của mình, điều đó tâm thần nhà vua[6] không chấp nhận, vì tâm thần mọi người đều thích sự hoà đồng mà ghét sự vị kỉ. Sự vị kỉ là một thứ bệnh, cho nên tôi uỷ lạo nhà vua. Tại sao nhà vua cứ giữ bệnh đó hoà vậy? Vũ Hầu bảo: - Muốn gặp tiên sinh từ lâu. Quả nhân muốn yêu dân, theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh đi, nên chăng? Từ Vô Quỉ đáp: - Không nên. Yêu dân tức là bắt đầu hại dân đấy. Theo đạo nghĩa mà dẹp việc binh tức là gây ra binh đao đấy. Nhà vua làm vậy sẽ không thành công đâu, vì muốn cho quá tốt thì sẽ gây hoạ. Nhà vua làm điều nhân nghĩa thì chẳng bao lâu sẽ hoá ra giả dối. Có cái hình tích [trỏ nhân nghĩa] gây ra hình tích: thành công tất gây ra thất bại, cải biến phép thường thì tất gây ra chiến tranh với nước ngoài. Nhà vua đừng nên dàn bộ binh ở dưới lầu cao, đừng tập hợp kị binh ở trên đàn, đừng trái đạo mà cầu thoả dục, đừng dùng xảo trá mà thắng người, đừng dùng mưu mô để thắng người, đừng dùng chiến tranh để thắng người. Giết nhân dân của người ta, xâm chiếm đất đai người ta để thoả mãn tư dục cùng tâm thần của mình, chiến tranh như vậy là tốt ở chỗ nào? Nhà vua đừng nên làm như vậy mà nên bồi dưỡng lòng thành, ứng với luật trời đất, đừng bao giờ làm trái nó, như vậy dân sẽ tránh được cái hoạ chết chóc. Sao nhà vua lại muốn dẹp việc binh đi?
3
Hoàng Đế lại thăm Đại Ngỗi ở trên núi Cụ Tì. Phương Minh đánh xe [ngồi bên trái], Xương Ngụ ngồi bên phải [cho cân]; Trương Nhược và Tập Bằng đi phía trước, dẫn ngựa, Côn Hôn và Hoạt Kê đi phía sau. Tới cánh đồng Tương Thành[7], bảy ông thánh ấy lạc lối, không gặp ai để hỏi đường. Bỗng họ thấy một đứa trẻ chăn ngựa, bèn hỏi: - Em biết đường lên núi Cụ Tì không? Đứa nhỏ đáp: - Con biết. Hoàng Đế hỏi: - Em biết ông Đại Ngỗi không? - Con biết. Hoàng Đế bảo: Thằng bé này lạ thật, chẳng những biết núi Cụ Tì mà còn biết chỗ ở của ông Đại Ngỗi nữa. [Rồi quay lại hỏi đứa nhỏ]: - Thế em biết cách trị thiên hạ không? - Trị thiên hạ cũng vậy chớ có chuyện gì đâu. Hồi nhỏ con đi chơi trong cõi lục cực [khắp thiên hạ], bị chứng mờ mắt. Một người lớn tuổi bảo con đánh cái xe mặt trời[8] mà đi chơi trong cánh đồng Tương Thành, nay bệnh của con đã đỡ, con lại đi chơi ra ngoài cõi lục cực. Trị thiên hạ thì cũng như vậy mà thôi.[9] Hoàng Đế bảo: - Trị thiên hạ quả không phải là việc của em rồi, nhưng tôi cũng cứ hỏi em thêm nữa. Em đó từ chối. Hoàng Đế cố hỏi, em đáp: - Cách trị thiên hạ có khác gì cách chăn ngựa đâu. Chỉ trừ cái hại cho ngựa là được. Hoàng Đế cúi đầu sát đất, lạy hai lạy, gọi em là “thiên sư” (bực thầy trên trời) rồi đi.
4
Người trí mưu mà không có cơ hội tư lự thì không vui; người biện luận không có cơ hội biện thuyết thì không vui; người khảo sát không có cơ hội chỉ trích, rầy la thì không vui. Những người đó đều bị ngoại vật trói buộc. Kẻ sĩ thanh cao thì được đề cao ở triều đình; kẻ sĩ khéo trị dân thì được vinh hiển; kẻ có sức mạnh thì thích sự gian nan; kẻ dũng cảm thì thích chống hoạn nạn; binh sĩ thì thích chiến tranh; kẻ khắc kỉ thân hình khô đét thì ham hư danh; kẻ thích pháp luật (Pháp gia) thì thích mở rộng trật tự trong nước; kẻ thích lễ nhạc (Nho gia) thì sửa sang dáng điệu; người thích nhân nghĩa thì trọng sự giao tế. Nông phu mà không có việc cày bừa để làm thì không vui; thương nhân không có công việc chợ búa thì không vui; người thường có công việc làm từ sáng tới tối thì mới hăng hái; thợ thuyền có khéo chế tạo được khí cụ thì mới phấn khởi; kẻ tham tiền mà không tích luỹ được tiền của thì buồn; kẻ quyền thế không có gì hơn người để khoe thì rầu rĩ; kẻ mạo hiểm sinh sự thì thích thời biến loạn để rình cơ hội mà dùng tài năng của mình, không thể vô vi được. Tóm lại, mọi người đều theo thời, mỗi người một việc mà không thay đổi được; họ lôi kéo hình hài, bản tính của họ, chìm đấm vào ngoại vật, suốt đời không giác ngộ. Buồn thay!
5
Trang tử bảo Huệ tử: - Người bắn cung vô tình bắn trúng đích thì có thể gọi là thiện xạ rồi kết luận rằng mọi người đều là Hậu Nghệ cả không? Huệ tử đáp: - Được. Trang tử lại hỏi: - Nếu trong thiên hạ không có chân lí chung cho mọi người mà ai cũng tự cho mình là nắm được chân lí, thì có thể bảo rằng mọi người đều là minh triết như vua Nghiêu được không? Huệ tử đáp: - Được. Trang tử bảo: - Vậy thì Nho, Mặc, Dương Chu, Công Tôn Long là bốn, với ông nữa là năm, nhà nào nắm được chân lí? Hay cũng như chuyện Lỗ Cự[10]? Một hôm một môn sinh của Lỗ Cự bảo: - Con đã học được đạo của thầy: mùa đông con tạo ra lửa để nấu cái vạc và mùa hè đã tạo ra băng[11]. Lỗ Cự bảo: - Cách đó chỉ là dùng khí dương thu hút khí dương, khí âm thu hút khí âm, không phải là đạo của ta. Nói rồi, Lỗ Cự hoà hai cây đàn sắt, một cây đặt ở phòng ngoài, một cây đặt trong phòng trong. Khi ông ta gảy âm “cung” của một cây đàm thì âm “cung” của cây đàn kia cũng vang lên; gảy âm “giốc”[12] cũng vậy, đó là lẽ “âm luật tương đồng”. Nếu Lỗ Cự sửa đổi một dây của một cây đàn để thành điệu lạ (biến điệu) thì sẽ không còn sự hoà hợp giữa ngũ âm nữa. Như vậy đụng vào một dây thì hai mươi lăm dây của cây đàn kia rung động cả lên, sẽ nghe thấy tiếng đấy nhưng là những tiếng không hoà hợp nhau, không có âm nào làm chủ âm cả. Sự không hoà hợp đó cũng như sự tranh biện của năm nhà đó vậy.[13] Huệ tử bảo: - Nay các phái Nho, Mặc, Dương Chu và Công Tôn Long tranh biện với tôi, dùng lời lẽ công kích nhau, lớn tiếng áp đảo nhau, ai cũng cho là phải, như vậy là làm sao?[14] Trang tử đáp: - Nước Tề có người qua Tống tìm đứa con trai thất lạc mà không cho người giữ cửa thành nước Tống đủ chi tiết về nó, rồi khi trở về, chở theo nhiều bình và chuông quí, bao rất kỹ lưỡng. Người đó không tìm con, tuy qua Tống mà cũng như không ra khỏi nhà. Thái độ người đó thật khó hiểu. Một người nước Sở ở nhờ nhà một người khác mà nổi giận trách người coi cửa của chủ nhà, rồi nửa đêm, lúc không có người, gây lộn với người đưa thuyền, bị người này liệng xuống sông trước khi rời bờ.[15]
6
Một hôm Trang tử đưa ma, ngang qua mộ của Huệ tử, bèn quay lại nói với người đi phía sau: - Một người đất Dĩnh (nước Sở) đầu mũi dính[16] một cục đất sét trắng lớn bằng cánh con ruồi, nhờ người thợ mộc tên là Thạch dùng lưỡi rìu đẽo đi. Thạch múa rìu vù vù như tiếng gió, đẽo văng cục đất sét mà không đụng tới mũi, và người kia cũng không hề thất sắc. Vua Tống Nguyên Quân hay truyện đó, cho vời thợ mộc Thạch lại bảo: “Thử làm lại với quả nhân xem nào”. Thạch từ chối: “Thần đã làm được việc đó, nhưng đối thủ của thần chết đã lâu rồi”[17]. Trang tử kết: “Từ khi Huệ tử mất, đối thủ của tôi cũng chết rồi, tôi không còn ai để tranh luận nữa”.
7
Bài này tức nửa dưới bài VI.3 trong Liệt tử chép truyện Quản Trọng khuyên vua Tề dùng Thấp Bằng, chỉ khác dăm ba chữ. Trong Liệt tử chúng tôi đã dịch rồi – trang 106-09.
8
Vua Ngô qua sông Trường Giang, lên núi Khỉ. Nhiều con khỉ trông thấy, sợ, chạy trốn trong rừng sâu. Chỉ có một con ung dung ngồi gãi, tỏ tài để khiêu khích nhà vua. Vua Ngô bắn một mũi tên, nó bắt được. Nhà vua bèn bảo bọn tuỳ tùng xúm lại bắn, rốt cuộc con khỉ bị bắn chết.. Nhà vua quay lại bảo bạn là Nhan Bất Nghi: - Con khỉ ấy chết vì cậy tài và khiêu khích quả nhân. Nên lấy đó mà răn mình. Đừng tỏ vẻ ngạo mạn với người khác. Nhan Bất Nghi về nhà, thờ Đổng Ngô làm thầy để bỏ vẻ tự cao, diệt tính ham thanh sắc và vinh hoa. Sau ba năm, Nhan được mọi người trong nước khen.
9
Nam Bá Tử Kì ngồi tựa cái bàn con, ngửa mặt lên trời, thở dài. Nhan Thành tử[18] lại gần thưa: - Thầy là bậc siêu nhân. Sao thầy phải làm cho thân hình như cây khô, lòng như tro tàn thế kia? Nam Bá Tử Kì đáp: - Ta có thời ở ẩn trong núi trong hang. Lúc đó, vua Tề là Điền Hoà một lần lại thăm ta mà được dân chúng nước Tề ba lần khen. Ta tất phải có danh tiếng rồi ông ấy mới biết ta được chứ; ta tất phải tự khoe ta rồi ông ấy mới tìm kiếm ta chứ. Nếu ta không có danh tiếng thì làm sao ông ấy biết ta? Than ôi! Ta thương cho kẻ nào tự táng tâm, ta lại thương cho người nào thương kẻ đó, ta lại thương cho người nào thương cho người thương kẻ đó; và từ đó ta cứ mỗi ngày mỗi xa lần người đời.
10
Khổng Tử lại nước Sở, vua Sở đãi rượu mừng. Tôn Thúc Ngao cầm bình rượu đứng lên, Thị Nam Nghi Liêu[19] vẩy rượu[20] rồi nói: - Cổ nhân gặp những lúc như lúc này tất tuyên bố một lời gì đây. Khổng Tử bảo: - Ta nghe nói có thứ ngôn luận mà không nói. Tôi chưa hề giảng về điều đó, bây giờ xin giảng. Ông Thị Nam Nghi Liêu tung các viên đạn mà tránh được cái hoạ cho hai nhà[21]; ông Tôn Thúc Ngao nằm yên cầm quạt lông mà dân thành Dĩnh (kinh đô nước Sở) khỏi phải ra trận[22]. Tôi giá có một cái miệng rộng ba thước cũng không dùng được vào việc gì đâu? Nghi Liêu và Thúc Ngao diễn cái Đạo không bằng lời nói[23] [mà bằng hành động]; còn Khổng Tử thì ngôn luận mà không nói. Cho nên cái Đức bao gồm trong cái Đạo, mà lời nói ngừng lại ở chỗ trí tuệ không thể biết được, lẽ đó thực cao minh. Cái mà Đạo bao gồm thì Đức không thể bao gồm được, cái mà trí tuệ không biết được thì lời nói không thể diễn được. Sự phân biệt cái danh[24] (hay chính danh?) dù của Nho gia hay Mặc gia đều tai hại. Biển không từ một dòng nước nào chảy qua phía Đông[25] mà không nhân, nhờ vậy mà nó cực rộng lớn. Bậc thánh nhân bao gồm cả trời đất, gia ân cho khắp thiên hạ mà không ai biết, cho nên sống thì không có tước vị, chết không có tên thuỵ [tên đặt cho người chết theo hành vi lúc còn sống], không làm giàu, không cầu danh; như vậy là bậc đại đức. Chó không phải cứ sủa giỏi mà là chó tốt; người không phải cứ nói hay mà là người hiền, huống hồ là cố ý muốn thành công lớn. Thành công lớn chưa đủ để thành vĩ đại, huống hồ là cố ý làm ra có đức. Vĩ đại, hoàn bị thì không gì bằng trời đất mà trời đất có cầu được như vậy đâu. Đã vĩ đại, hoàn bị thì không cầu gì cả, không mất gì cả, không bị ảnh hưởng của ngoại vật, tự tìm thấy những cái kì diệu vô cùng trong bản tính mình, theo cổ nhân mà không bắt chước cái hình thức của cổ nhân. Đó là cái đức chân chính của bậc “đại nhân”.
11
Tử Kì có tám người con, bảo chúng đứng sắp hàng trước mặt, rồi vời Cửu Phương Nhân lại, nhờ coi dùm xem đứa nào có tướng tốt. Cửu Phương Nhân bảo: - Cậu Khốn có tướng tốt. Tử Kì ngạc nhiên, mừng rỡ hỏi: - Tốt ra sao? - Cậu Khốn sau sẽ suốt đời được ăn chung với vua. Tử Kì rầu rầu rơi nước mắt, than: - Con tôi sao mà tới nỗi cực khổ như vậy? Cửu Phương Nhân bảo: - Được cùng ăn với vua thì vinh dự cho cả ba họ [họ cha, họ mẹ và họ vợ], huống hồ là cha mẹ, mà ông lại khóc, vậy ông sợ phúc lộc à? Con có phúc mà cha lại cho không có phúc. Tử Kì hỏi: - Thầy Nhân, làm sao thầy biết chắc rằng thằng Khốn sẽ sung sướng? Nó sẽ ăn thịt, uống rượu nhưng nó đâu biết rượu thịt đó ở đâu mà ra không? Tôi không mục súc mà ở góc nhà tây nam bỗng có một con cừu, tôi không săn bắn mà ở góc nhà đông bắc bỗng có một con chim “thuần”, như vậy mà không ngạc nhiên sao được? Tôi và con tôi ngao du trong khoảng trời đất, cha con tôi cùng chia cái vui của trời, chia thức ăn của đất, không gây chuyện gì, không mưu tính gì, không làm gì khác thường, thuận theo trời đất, không bị ngoại vật quấy rối, cứ phóng nhiệm, không định làm việc gì cả. Nay thầy đoán rằng con tôi sẽ được thưởng (được chức tước), như vậy là nó sẽ có công lao gì đó. Lời đoán đó kì dị thì chắc hành động của nó cũng sẽ kì dị. Nếu bị cái hoạ đó thì không phải tội của cha con tôi, mà là mệnh trời. Vì vậy mà tôi khóc. Ít lâu sau thằng Khốn bị phái qua nước Yên, giữ đường bị cướp bắt. Nếu để còn cả hai chân thì khó bán làm nô lệ [vì có thể chạy trốn được], nên tên cướp chặt một chân thàng Khốn, rồi đem bán cho người nước Tề tên là Cừ, để làm gác cổng,[26] nhờ vậy mà Khốn được ăn thịt suốt đời.
12
Niết Khuyết gặp Hứa Do, hỏi: - Ông đi đâu đó? - Tôi trốn vua Nghiêu đây. - Tại sao? - Vua Nghiêu hăm hỡ làm việc nhân, tôi e sẽ bị thiên hạ cười mất và đời sau sẽ có cái nạn người ăn thịt người. Qui tụ dân là việc dễ, yêu họ thì họ thân với mình, cho họ lợi lộc thì họ chạy tới, khen họ thì họ gắng sức, mà bắt họ chịu cái gì không thích thì họ li tán. Lòng yêu và cái lợi liên quan tới nhân nghĩa. Những hành vi nhân nghĩa thường là giả dối, và làm công cụ cho kẻ tham lam. Sự quyết đoán của một người không cai trị được thiên hạ cũng như liếc mắt một cái không thấy được mọi khía cạnh của mọi vật[27]. Vua Nghiêu biết rằng người hiền có lợi cho thiên hạ, mà không biết rằng người hiền cũng có hại cho thiên hạ. Phải là bậc cao hơn bậc hiền trí mới hiểu được lẽ đó.
13
Có những kẻ hợm hĩnh, tự cho mình là phải, có những kẻ cẩu thả sống gởi, có những kẻ cong lưng gánh vác việc đời. Kẻ hợm hĩnh cho mình là phải là kẻ chỉ học một ông thầy rồi dương dương tự đắc, mãn nguyện rồi, không biết rằng thời nguyên thuỷ, vũ trụ không có một vật nào cả. Như vậy là hợm hĩnh. Kẻ cẩu thả sống gởi như những bọ chét sống trên mình con heo, lựa những chỗ lông thưa mà coi là những cung điện và vườn tược rộng rãi, dùng những nếp da ở đùi, ở vú, khuỷu chân, kẻ chân làm phòng yên ổn, dễ chịu[28], có ngờ đâu một ngày kia người đồ tể vung tay chất củi và cỏ lên mà thui con heo và chúng cũng bị thiêu sống luôn. Họ cũng như những con bọ chét đó, cũng tiến cũng thoái với người che chở chúng. Như vậy là cẩu thả an phận. Kẻ còng lưng gánh vác việc đời thì như ông Thuấn. Thịt cừu đâu có yêu gì kiến, chính là kiến đánh hơi mà bu lại vì thịt cừu có mùi hôi. Hành vi của ông Thuấn cũng nặng mùi, khiến cho dân chúng thích; cho nên ba lần dời chỗ ở mà dân chúng vẫn qui phụ, sau tới miền Chí Đặng mà cũng tụ tập được trăm ngàn gia đình. Vua Nghiêu nghe tiếng ông Thuấn là người hiền, đề cử ông ở một miền cằn cỗi, không có cây cỏ, bảo: “Xin nhờ ông gia ân trạch cho dân miền này”. Thế là ông Thuấn được đề cử cai trị một miền cằn cỗi. Lúc đó ông Thuấn đã già, trí óc đã suy, mà không được nghĩ. Ông Thuấn là hạng người còng lưng gánh vác việc đời.
14
Bậc thần nhân[29] không thích quần chúng qui phụ. Quần chúng qui phụ thì sinh xung đột mà hoá ra bất lợi. Cho nên thần nhân không thân quá, cũng không sơ quá, giữ đạo đức, bồi dưỡng cái khí để thuận ứng thiên hạ. Như vậy gọi là chân nhân. Chân nhân bỏ cái trí tuệ của con kiến, mong tự tại như con cá, bỏ cái ý muốn của con cừu.[30] Người nào chỉ nhìn theo cái sức nhìn được của con mắt, chỉ nghe theo cái sức nghe được của lỗ tai, chỉ suy nghĩ theo khả năng suy nghĩ của cái tâm, người đó quân bình, ngay thẳng, biến hoá đều thuận tự nhiên. Bậc chân nhân thời cổ cư xử với người theo đạo tự nhiên, không ép tự nhiên phải theo ý chí của mình. Đó là bậc chân nhân thời cổ. Được là sống, mất là chết; nhưng cũng có thể được là chết mà mất là sống. Trong các loại thuốc có vị cẩn, có vị cát cánh, có vị kê ưng, có vị trư linh[31]. Những vị ấy vốn tầm thường mà có lúc lại là quí[32]. Trong đời nhiều việc như vậy lắm, kể sau cho hết? Khi Việt vương Câu Tiển thống nhất ba ngàn quân [mà thua Ngô vương Phù Sai] phải rút về Cối Kê, chỉ có vị đại phu Văn Chủng là biết nước Việt sẽ phục hồi được. Nhưng lại chỉ có Văn Chủng là không biết trước được mình sẽ bị giết [khi Câu Tiển thắng được kẻ thù].[33] Cho nên bảo mắt con cú có cái ứng dụng của nó [là nhìn ban đêm], chân con hạc có cái độ dài của nó, chặt cho ngắn đi sẽ đau khổ cho nó. Cho nên bảo gió thổi trên sông làm cho nước sông bốc hơi, mặt trời chiếu xuống sông làm cho nước sông bốc hơi. Cả gió lẫn mặt trời cùng làm cho nước sông bốc hơi, vậy mà sông vẫn không cạn, vì luôn luôn có nước nguồn chảy xuống sông. Vậy đất tiết ra nước, nước không bao giờ rời đất; hình chiếu thành bóng, bóng không bao giờ rời hình; sinh vật không bao giờ rời khỏi những giới hạn tự nhiên của nó. Nhìn cho rõ quá thì hại mắt, nghe cho rõ quá thì hại tai, tham quá thì hại tâm. Tóm lại, tài năng nào cũng làm suy tổn những khả năng tự nhiên của ta và sự suy tổn đó khó mà bồi bổ được. Cho nên cái khổ mới tăng lên. Vì ham thành công mới bị thất bại, cái hoạ mãi lâu về sau mới xuất hiện. Ai cũng cho tài năng của mình là vật quí, buồn thay! Vì không biết xét như vậy nên mới khiến cho nước mất và dân bị giết.
15
Chân chỉ dẫm lên một khoảnh đất nhỏ, nhưng nhờ có tất cả chỗ đất không dẫm lên mà nó mới đi được xa. Trí tuệ chỉ biết được một ít sự vật, nhưng nhờ có tất cả những cái nó không biết mà nó mới hiểu được thế nào là Đạo tự nhiên. Biết được cái hợp nhất lớn, cái âm (trái với dương) lớn, nhãn quan lớn, cái quân bình lớn, cái luật lớn, cái đức tin lớn, cái yên định lớn, tức đạt được tri thức tuyệt cao. Vì cái hợp nhất lớn quán thông được hết thảy, cái âm lớn giải trừ được hết thảy, cái nhãn quan lớn thấy được hết thảy, cái quân bình lớn bao quát hết thảy, cái luật lớn điều hành hết thảy, cái đức tin lớn thu phục được hết thảy, cái yên định lớn nâng đỡ được hết thảy. Có đạo lí tự nhiên, có sự giác ngộ thấu triệt, có cái then chốt của Đạo lớn, có phép tắt tuỳ thuận ngoại vật. Giải thích mà có vẻ như không giải thích, biết mà có vẻ như không biết, không biết rồi sau mới biết. Tìm hiểu là việc không thể có giới hạn mà cũng không thể không có giới hạn. Vạn vật tuy lộn xộn nhưng đều có cái gì không thay đổi. Cổ kim không thể thay đổi nhau được mà cũng không suy tổn. Như vậy mà luận đạo thì chẳng là sơ lược ư? Sao không hỏi đạo lí [thâm diệu] ấy mà cứ mê hoặc hoài vậy? Đem cái không mê hoặc giải cái mê hoặc để trở về bản tính không mê hoặc, rồi sau mới đạt được cảnh giới “đại bất hoặc” [tức đạt được Đại Đạo][34].
°
(Xem nhận định ở cuối chương XXXII Liệt Ngự Khấu). Chú thích:[1] Một đại thần nước Nguỵ. Nữ là tên họ.[2] Đó là nghĩa gốc của từ ngữ “tuyệt trần” mà ngày nay dùng với nghĩa là: nhất đời.[3] Nguyên văn là hoành và tung: ngang và dọc, mà các bản tôi có đều dịch là xa và gần.[4] Kim bản, lục thao là, tên hai thiên trong Chu thư, theo L.K.h., nói về thống kế và võ bị.[5] Ý nói nhà vua chỉ được nghe những lời trần hủ trong thi, thư, lễ, nhạc. Nguyên văn: chân nhân chi ngôn. Chữ chân nhân ở đây nghĩa khác hẳn chữ chân nhân (bậc đạt Đạo) trong các bài khác, trỏ hạng người thường như chúng ta. L.K.h. dịch là: paroles vraiment humaines.[6] Nguyên văn: thần giả. H.C.H. dịch là bậc thần minh. Tôi dịch là tâm thần nhà vua cho hợp với câu của Từ Vô Quỉ ở trên: Uỷ lạo hình thể và tâm thần nhà vua.[7] Những tên Đại Ngỗi, Phượng Minh, Xương Ngụ, Trương Nhược, Tập Bằng, Côn Hôn và Hoạt Kê đều là những tên tưởng tượng, tượng trưng cái gì đó. Núi Cụ Tì và cánh đồng Tương Thành cũng chưa chắc là những tên thật.[8] Nguyên văn: thừa nhật chi xa. Quách Tượng bảo là: mặt trời mọc thì đi chơi, mặt trời lặn thì thôi.[9] L.K.h. giảng: đại ý đoạn này là trị thiên hạ thì đừng nghĩ đến cái lợi vật chất như người ngao du ở ngoài cõi lục cực. Lục cực là trên dưới và bốn phương. Các cuốn khác không giảng.[10] Một người đầu đời Chu.[11] Có sách chú thích cách đó như sau: gom thật nhiều than hồng ở dưới cái đỉnh, và thả một bình nước sôi (!) xuống giếng.[12] Cung và giốc là hai trong ngũ âm.[13] Tức của Nho, Mặc, Dương, Công Tôn Long và Huệ Thi.[14] Trong phần I, tiểu mục Đời sống (của Trang tử), cụ Nguyễn Hiến Lê có trích dẫn đoạn tranh biện giữa Trang tử và Huệ tử từ đầu bài 5 đến lời đáp này của Huệ tử; nhưng lời đáp đó ở trong phần trích dẫn lại như thế này: “Nay các phái Nho, Mặc, Dương Chu và Công Tôn Long tranh biện với tôi, dùng lời lẽ công kích nhau, lớn tiếng áp đảo nhau, mà không ai bác bẻ được tôi, còn gì sướng cho bằng”, và cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Huệ Thi chỉ là một nhà nguỵ biện (…) [Huệ Thi] tranh biện chẳng phải tìm chân lí gì cả, mà chỉ cốt tìm cái vui là không ai bác bẻ được mình” (?). [Goldfish].[15] Hai truyện người nước Tề và người nước Sở này, không có sách nào giải thích được ý nghĩa. Tôi theo bản dịch của L.K.h., nhưng chính Liou cũng thú thực chẳng hiểu gì cả.[16] H.C.H. dịch là quyệt lên đầu mũi một cục đất sét…[17] Ý muốn nói: Phải có người bình tĩnh, không thất sắc như người đất Dĩnh kia thì mới thi hành cái tài của mình được.[18] Môn sinh của Nam Bá Tử Kì. Trong Tề vật luận bài 1 gọi là Nam Thành Tử Du.[19] Tôn Thúc Ngao làm tướng quốc Sở Trang vương, đồng thời với Nghi Liêu; lúc đó Khổng Tử chưa sanh. Vậy truyện này chỉ là một ngụ ngôn.[20] Cổ nhân, trong các dịp long trọng, cũng như khi tế lễ, vẩy rượu xuống đất rồi mới uống.[21] Theo H.C.H. thì quân Sở và quân Tống đương giao chiến, Nghi Liêu tung các viên đạn lên rồi bắt (lúc nào cũng có tám viên ở trên không, chỉ có một viên ở trong tay), quân hai bên ngưng chiến để coi. Nhưng có bản chú thích khác hẳn.[22] Vì quân địch thấy ông bình tĩnh như vậy, không dám xâm phạm mà rút về.[23] Nguyên văn: bất đạo chi đạo.[24] H.C.H. dịch là thanh danh, tôi e lầm.[25] Các sông lớn của Trung Hoa đều từ phía Tây chảy ra phía Đông (biển).[26] Có sách bảo chữ Cừ ở đây chính là chữ Khang, và tên Khốn làm chức thanh tra đường phố chứ không phải gác cổng.[27] Có sách dịch là: cũng như cắt một cái mà muốn mọi vật chỉnh tề. Toàn là đoán mò cả, chỉ vì nguyên tác có chữ miệt (chữ tất bên chữ kiến) mà mỗi nhà hiểu mỗi khác.[28] Nguyễn Tịch (một trong Trúc lâm thất hiền đời Lục Triều) bảo người quân tử ở trong thiên hạ như con rận ở trong quần, chắc đã đọc đoạn này.[29] Tức rất sáng suốt.[30] Ám chỉ: thái độ của con kiến là thấy thịt cừu thì bu lại, mùi hôi của thịt cừu thu hút loài kiến (cũng như đức nhân của vua Thuấn thu hút dân chúng); và thái độ tiêu dao của con cá trong sông hồ.[31] Cẩn, cũng có tên là ô đầu, trị phong; cát cánh trị bệnh huyết trong tim; kê ưng, tức kê đầu thảo, uống thì sống lâu, trư linh trị bệnh khát[32] Nguyên văn là có lúc lại làm hoàng đế, nghĩa là thành vị chính trong thang thuốc.[33] Truyện này có chép kĩ trong Đông Chu liệt quốc.[34] Đoạn này nghĩa hơi tối, mỗi sách hiểu một khác, mà cách hiểu nào cũng có lí. Tôi châm chước H.C.H.
鬼》
提到《徐無鬼》
《庄子》第24章 徐无鬼
徐无鬼因女商见魏武侯,武侯劳之曰:“先生病矣,苦于山林之劳,故乃肯见于寡人。”徐无鬼曰:“我则劳于君,君有何劳于我!君将盈耆欲,长好恶,则性命之情病矣;君将黜耆欲,牵好恶,则耳目病矣。我将劳君,君有何劳于我!”武侯超然不对。少焉,徐无鬼曰:“尝语君吾相狗也:下之质,执饱而止,是狸德也;中之质,若视日;上之质,若亡其一。吾相狗又不若吾相马也。吾相马:直者中绳,曲者中钩,方者中矩,圆者中规。是国马也,而未若天下马也。天下马有成材,若卹若失,若丧其一。若是者,超轶绝尘,不知其所。”武侯大悦而笑。徐无鬼出,女商曰:“先生独何以说吾君乎?吾所以说吾君者,横说之则以《诗》、《书》、《礼》、《乐》,从说则以《金板》、《六韬》,奉事而大有功者不可为数,而吾君未尝启齿。今先生何以说吾君?使吾君说若此乎?”徐无鬼曰:“吾直告之吾相狗马耳。”女商曰:“若是乎?”曰:“子不闻夫越之流人乎?去国数日,见其所知而喜;去国旬月,见所尝见于国中者喜;及期年也,见似人者而喜矣。不亦去人滋久,思人滋深乎?夫逃虚空者,藜藋柱乎鼪鼬之径,良位其空,闻人足音跫然而喜矣,又况乎昆弟亲戚之謦欬其侧者乎!久矣夫,莫以真人之言謦kai4吾君之侧乎!”
徐无鬼见武侯,武侯曰:“先生居山林,食芧栗,厌葱韭,以宾寡人,久矣夫!今老邪?其欲干酒肉之味邪?其寡人亦有社稷之福邪?”徐无鬼曰:“无鬼生于贫贱,未尝敢饮食君之酒肉,将来劳君也。”君曰:“何哉!奚劳寡人?”曰:“劳君之神与形。”武侯曰:“何谓邪?”徐无鬼曰:“天地之养也一,登高不可以为长,居下不可以为短。君独为万乘之主,以苦一国之民,以养耳目鼻口,夫神者不自许也。夫神者,好和而恶奸。夫奸,病也,故劳之。唯君所病之何也?”武侯曰:“欲见先生久矣!吾欲爱民而为义偃兵,其可乎?”徐无鬼曰:“不可。爱民,害民之始也;为义偃兵,造兵之本也。君自此为之,则殆不成。凡成美,恶器也。君虽为仁义,几且伪哉!形固造形,成固有伐,变固外战。君亦必无盛鹤列于丽谯之间,无徒骥于锱坛之宫,无藏逆于得,无以巧胜人,无以谋胜人,无以战胜人。夫杀人之士民,兼人之土地,以养吾私与吾神者,其战不知孰善?胜之恶乎在?君若勿已矣!修胸中之诚以应天地之情而勿撄。夫民死已脱矣,君将恶乎用夫偃兵哉!
黄帝将见大隗乎具茨之山,方明为御,昌寓骖乘,张若、谐朋前马,昆阍、滑稽后车。至于襄城之野,七圣皆迷,无所问涂。适遇牧马童子,问涂焉,曰:“若知具茨之山乎?”曰:“然。”“若知大隗之所存乎?”曰:“然。”黄帝曰:“异哉小童!非徒知具茨之山,又知大隗之所存。请问为天下。”小童曰:“夫为天下者,亦若此而已矣,又奚事焉!予少而自游于六合之内,予适有瞀病,有长者教予曰:‘若乘日之车而游于襄城之野。’今予病少痊,予又且复游于六合之外。夫为天下亦若此而已。予又奚事焉!”黄帝曰:“夫为天下者,则诚非吾子之事,虽然,请问为天下。”小童辞。黄帝又问。小童曰:“夫为天下者,亦奚以异乎牧马者哉!亦去其害马者而已矣!”黄帝再拜稽首,称天师而退。
知士无思虑之变则不乐;辩士无谈说之序则不乐;察士无凌谇之事则不乐:皆囿于物者也。招世之士兴朝;中民之士荣官;筋国之士矜雅;勇敢之士奋患;兵革之士乐战;枯槁之士宿名;法律之士广治;礼乐之士敬容;仁义之士贵际。农夫无草莱之事则不比;商贾无市井之事则不比;庶人有旦暮之业则劝;百工有器械之巧则壮。钱财不积则贪者忧,权势不尤则夸者悲,势物之徒乐变。遭时有所用,不能无为也,此皆顺比于岁,不物于易者也。驰其形性,潜之万物,终身不反,悲夫!
庄子曰:“射者非前期而中谓之善射,天下皆羿也,可乎?”惠子曰:“可。”庄子曰:“天下非有公是也,而各是其所是,天下皆尧也,可乎?”惠子曰:“可。”庄子曰:“然则儒墨杨秉四,与夫子为五,果孰是邪?或者若鲁遽者邪?其弟子曰:‘我得夫子之道矣!吾能冬爨鼎而夏造冰矣!’鲁遽曰:‘是直以阳召阳,以阴召阴,非吾所谓道也。吾示子乎吾道。’于是乎为之调瑟,废一于堂,废一于室,鼓宫宫动,鼓角角动,音律同矣!夫或改调一弦,于五音无当也,鼓之,二十五弦皆动,未始异于声而音之君已!且若是者邪!”惠子曰∶“今乎儒墨杨秉,且方与我以辩,相拂以辞,相镇以声,而未始吾非也,则奚若矣?”庄子曰:“齐人蹢子于宋者,其命阍也不以完;其求钘钟也以束缚;其求唐子也而未始出域:有遗类矣!夫楚人寄而蹢阍者;夜半于无人之时而与舟人斗,未始离于岑而足以造于怨也。”
庄子送葬,过惠子之墓,顾谓从者曰:“郢人垩慢其鼻端若蝇翼,使匠人斫之。匠石运斤成风,听而斫之,尽垩而鼻不伤,郢人立不失容。宋元君闻之,召匠石曰:‘尝试为寡人为之。’匠石曰:‘臣则尝能斫之。虽然,臣之质死久矣!’自夫子之死也,吾无以为质矣,吾无与言之矣!”
管仲有病,桓公问之曰:“仲父之病病矣,可不讳云,至于大病,则寡人恶乎属国而可?”管仲曰:“公谁欲与?”公曰:“鲍叔牙。”曰:“不可。其为人洁廉,善士也;其于不己若者不比之;又一闻人之过,终身不忘。使之治国,上且钩乎君,下且逆乎民。其得罪于君也将弗久矣!”公曰:“然则孰可?”对曰:“勿已则隰朋可。其为人也,上忘而下畔,愧不若黄帝,而哀不己若者。以德分人谓之圣;以财分人谓之贤。以贤临人,未有得人者也;以贤下人,未有不得人者也。其于国有不闻也,其于家有不见也。勿已则隰朋可。”
吴王浮于江,登乎狙之山,众狙见之,恂然弃而走,逃于深蓁。有一狙焉,委蛇攫𢮞,见巧乎王。王射之,敏给搏捷矢。王命相者趋射之,狙执死。王顾谓其友颜不疑曰:“之狙也,伐其巧、恃其便以敖予,以至此殛也。戒之哉!嗟乎!无以汝色骄人哉?”颜不疑归而师董梧,以锄其色,去乐辞显,三年而国人称之。
南伯子綦隐几而坐,仰天而嘘。颜成子入见曰:“夫子,物之尤也。形固可使若槁骸,心固可使若死灰乎?”曰:“吾尝居山穴之中矣。当是时也,田禾一睹我而齐国之众三贺之。我必先之,彼故知之;我必卖之,彼故鬻之。若我而不有之,彼恶得而知之?若我而不卖之,彼恶得而鬻之?嗟乎!我悲人之自丧者;吾又悲夫悲人者;吾又悲
夫悲人之悲者;其后而日远矣!“
仲尼之楚,楚王觞之。孙叔敖执爵而立。市南宜僚受酒而祭,曰:“古之人乎!于此言已。”曰:“丘也闻不言之言矣,未之尝言,于此乎言之:市南宜僚弄丸而两家之难解;孙叔敖甘寝秉羽而郢人投兵;丘愿有喙三尺。”彼之谓不道之道,此之谓不言之辩。故德总乎道之所一,而言休乎知之所不知,至矣。道之所一者,德不能同也。知之所不能知者,辩不能举也。名若儒墨而凶矣。故海不辞东流,大之至也。圣人并包天地,泽及天下,而不知其谁氏。是故生无爵,死无谥,实不聚,名不立,此之谓大人。狗不以善吠为良,人不以善言为贤,而况为大乎!夫为大不足以为大,而况为德乎!夫大备矣,莫若天地。然奚求焉,而大备矣!知大备者,无求,无失,无弃,不以物易己也。反己而不穷,循古而不摩,大人之诚!
子綦有八子,陈诸前,召九方歅曰:“为我相吾子,孰为祥。”九方囗曰:“梱也为祥。”子綦瞿然喜曰:“奚若?”曰:“梱也,将与国君同食以终其身。”子綦索然出涕曰:“吾子何为以至于是极也?”九方囗曰:“夫与国君同食,泽及三族,而况父母乎!今夫子闻之而泣,是御福也。子则祥矣,父则不祥。”子綦曰:“歅,汝何足以识之。而梱祥邪?尽于酒肉,入于鼻口矣,而何足以知其所自来!吾未尝为牧而牂生于奥,未尝好田而鹑生于宎,若勿怪,何邪?吾所与吾子游者,游于天地,吾与之邀乐于天,吾与之邀食于地。吾不与之为事,不与之为谋,不与之为怪。吾与之乘天地之诚而不以物与之相撄,吾与之一委蛇而不与之为事所宜。今也然有世俗之偿焉?凡有怪征者必有怪行。殆乎!非我与吾子之罪,几天与之也!吾是以泣也。”无几何而使梱之于燕,盗得之于道,全而鬻之则难,不若刖之则易。于是乎刖而鬻之于齐,适当渠公之街,然身食肉而终。
啮缺遇许由曰:“子将奚之?”曰:“将逃尧。”曰:“奚谓邪?”曰:“夫尧畜畜然仁,吾恐其为天下笑。后世其人与人相食与!夫民不难聚也,爱之则亲,利之则至,誉之则劝,致其所恶则散。爱利出乎仁义,捐仁义者寡,利仁义者众。夫仁义之行,唯且无诚,且假乎禽贪者器。是以一人之断制天下,譬之犹一覕也。夫尧知贤人之利天下也,而不知其贼天下也。夫唯外乎贤者知之矣。”
有暖姝者,有濡需者,有卷娄者。所谓暖姝者,学一先生之言,则暖暖姝姝而私自说也,自以为足矣,而未知未始有物也。是以谓暖姝者也。濡需者,豕虱是也,择疏鬣长毛,自以为广宫大囿。奎蹄曲隈,乳间股脚,自以为安室利处。不知屠者之一旦鼓臂布草操烟火,而己与豕俱焦也。此以域进,此以域退,此其所谓濡需者也。卷娄者,舜也。羊肉不慕蚁,蚁慕羊肉,羊肉羶也。舜有羶行,百姓悦之,故三徙成都,至邓之虚而十有万家。尧闻舜之贤,举之童土之地,曰:“冀得其来之泽。”舜举乎童土之地,年齿长矣,聪明衰矣,而不得休归,所谓卷娄者也。是以神人恶众至,众至则不比,不比则不利也。故无所甚亲,无所甚疏,抱德炀和,以顺天下,此谓真人。于蚁弃知,于鱼得计,于羊弃意。以目视目,以耳听耳,以心复心。若然者,其平也绳,其变也循。古之真人!以天待之,不以人入天,古之真人!
得之也生,失之也死;得之也死,失之也生:药也。其实堇也,桔梗也,鸡雍也,豕零也,是时为帝者也,何可胜言!
句践也以甲楯三千栖于会稽,唯种也能知亡之所以存,唯种也不知其身之所以愁。故曰:鸱目有所适,鹤胫有所节,解之也悲。故曰:风之过,河也有损焉;日之过,河也有损焉;请只风与日相与守河,而河以为未始其撄也,恃源而往者也。故水之守土也审,影之守人也审,物之守物也审。故目之于明也殆,耳之于聪也殆,心之于殉也殆,凡能其于府也殆,殆之成也不给改。祸之长也兹萃,其反也缘功,其果也待久。而人以为己宝,不亦悲乎!故有亡国戮民无已,不知问是也。故足之于地也践,虽践,恃其所不蹍而后善博也;人之知也少,虽少,恃其所不知而后知天之所谓也。知大一,知大阴,知大目,知大均,知大方,知大信,知大定,至矣!大一通之,大阴解之,大目视之,大均缘之,大方体之,大信稽之,大定持之。尽有天,循有照,冥有枢,始有彼。则其解之也似不解之者,其知之也似不知之也,不知而后知之。其问之也,不可以有崖,而不可以无崖。颉滑有实,古今不代,而不可以亏,则可不谓有大扬搉乎!阖不亦问是已,奚惑然为!以不惑解惑,复于不惑,是尚大不惑。
Tắc Dương
1 Tắc Dương[1] qua chơi nước Sở, nhờ Di Tiết (một triều thần của Sở) giới thiệu với vua Sở, vua Sở không chịu tiếp, Di Tiết ra về liền. Bành Dương lại thăm đại phu Vương Quả, bảo: - Sao ông không chịu nói giúp tôi với nhà vua? - Vương Quả đáp: - Tôi không được vua nễ bằng Công Duyệt Hưu[2]. - Công Duyệt Hưu là ai vậy? - Ông ấy mùa đông bắt[3] ba ba ở sông Trường Giang, mùa hè nghỉ ở gần chân núi, có ai đi ngang qua hỏi thì đáp: “Nhà của tôi đấy”. Di Tiết còn không giúp ông được, huống hồ là tôi. Tôi không bằng ông ấy. Ông ấy không có đức hạnh nhưng khôn, không để lộ thâm ý của mình nên không ai dò được lòng ông[4], thích giao du với những người phú quí, không giúp ai tiến đức mà trái lại làm cho đức của người ta tiêu ma đi thôi. Người nào mùa đông bị lạnh thì bận thêm áo cho được ấm như như mùa xuân, người nào bị thương thì thử tìm thứ gió mát để được lạnh như mùa đông[5]. Vua Sở uy nghi mà nghiêm khắc, đối với kẻ phạm tội thì dữ như cọp, không tha. Ai mà dám thuyết phục ông ta, nếu không phải là người khéo nói hoặc có đức lớn? Bậc thánh nhân [như Công Duyệt Hưu], lúc cùng khốn thì làm cho người ta quên cảnh nghèo khổ; lúc hiển đạt thì làm cho bọn vương công quên tước lộc mà hoá ra khiêm tốn. Thánh nhân có thể cùng vui với vạn vật, hoà đồng với mọi người mà vẫn giữ được bản tính, cho nên không nói mà làm cho người chung quanh hoà hợp, ở chung với ai thì khiến người đó tự cải hoá. Cha con hoà thuận, ai nấy đều giữ địa vị của mình. Nhưng hành vi của thánh nhân tự nhiên, an nhàn. Vậy mà đối với nhân tâm thật xa cách[6]. Vì vậy tôi khuyên ông tìm Công Duyệt Hưu mà nhờ giới thiệu.
2
Thánh nhân thấu suốt được vạn vật, bao quát được vũ trụ mà không hiểu tại sao. Đó là nhờ bẩm tính. Thánh nhân hành động theo bẩm tính, lấy tự nhiên làm chuẩn tắc. Người khác thấy vậy gọi là thánh. Chỉ lo tri thức không đủ, nhưng tri thức không biết tới đâu là cùng, vậy thì nỗi lo cũng vô cùng, làm sao mà ngưng được? Người nào sinh ra đã đẹp rồi, người khác có thể đưa gương cho soi[7] mà không cho hay là đẹp thì người đó cũng không biết là mình đẹp hơn người. Người đó cơ hồ như thấy mình đẹp, mà cũng cơ hồ như không thấy mình đẹp, cơ hồ biết người ta khen mà cũng cơ hồ như không biết người ta khen mình[8]. Nhờ vậy mà cái đẹp của người đó làm cho người khác thích hoài, mà người khác cũng yêu người đó hoài. Cái đẹp tự nhiên thì như vậy. Bậc thánh nhân yêu người, người khác bảo vậy thì mới biết rằng mình yêu người, nếu không thì cũng không biết. Họ cơ hồ như thấy mà cơ hồ cũng như không thấy mình yêu người, cơ hồ như biết người ta khen mà cơ hồ như không biết người ta khen mình. Như vậy mà thánh nhân yêu người hoài và người khác cũng vui vẻ, tin cậy họ hoài. Cái đức tự nhiên thì như vậy.
3
Đi xa trở về, được trông lại tổ quốc cố hương thì lòng thấy sung sướng hoan hỉ; dù gò đống cây cỏ che lấp mất chín phần mười, lòng cũng vẫn thích, huống hồ là được thấy lại, nghe lại những cái mình đã thấy, đã nghe. Mình chăm chú nhìn như thể cái gì cũng ở trên cái đài cao mười nhẫn vậy.[9]
4
Vua Nhiễm Tương (hay Tướng?), đạt được Đạo mà ứng với mọi sự biến hoá như đứng ở trung tâm một cái vòng tròn từ đó phát ra những đường toả ra mọi phía. Ông hoà hợp với vạn vật, không có thuỷ (quá khứ) không có chung (vị lai), cũng không có hiện tại. Luôn luôn ông biến hoá với vạn vật, hợp nhất với cái không bao giờ biến hoá (tức Đạo). Ai cố ý bắt chước tự nhiên thì không bắt chước được vì bị vạn vật lôi cuốn, như vậy thì làm sao thành việc được? Vậy tôi với thánh nhân không có trời, không có người, không có thuỷ (trái với chung), không có vật. Thánh nhân hoà hợp với thế gian, cùng trôi nổi với đời mà không ngừng, đức hạnh đầy đủ, không suy bại, vô tâm và hợp với đạo, đâu có cần bắt chước cái gì?[10]
5
Vua Thang được trời cho trị dân, dùng ông Môn Doãn và ông Đăng Hằng làm sư phó, theo lời hai ông ấy mà không bị ảnh hưởng của họ, đạt được Đạo mà ứng với mọi sự biến hoá. Do đó người ta không khen hai ông sư phó mà khen vua Thang biết lựa người. Danh tiếng nổi lên mà pháp lệnh cũng thành, cả hai cái đó đều hiển hiện.
°
° °
Khổng Tử bỏ hết cả ưu tư mà giúp vạn vật. Ông Dong Thành[11] bảo: “Bỏ ngày, bỏ năm đi, không có trong, cũng không có ngoài”.[12]
6
Nguỵ Oanh kí một minh ước với Điều hầu Mâu[13]. Điều hầu Mâu bội ước, Nguỵ Oanh giận, tính sai người ám sát. Công tôn Diễn[14] làm chức tê thủ, cho việc đó đáng xấu hổ, tâu: - Bệ hạ làm vua một nước một vạn cổ xe mà lại sai một tên thất phu trả thù cho mình ư? Thần xin hai chục vạn quân qua đánh Tề, bắt dân Tề làm tù binh, lùa bò, ngựa của chúng về, vua Tề tất ưu sầu mà nổi nhọt ở lưng. Thần sẽ tiêu diệt nước Tề, Điền Kị[15] sẽ bỏ chạy, thần sẽ bắt, quất cho tới gãy xương sống. Quí tử (một bề tôi của vua Nguỵ) nghe vậy, lấy làm xấu hổ, tâu với vua: - [Xin bệ hạ đừng đem quân đánh Tề]. Chúng ta xây một cái thành cao mười nhẫn, nay thành đã xây xong. Nếu nó bị huỷ hoại thì đau lòng bọn khổ sai đã xây cất nó. Bảy năm nay nước mình không có chiến tranh, đó là công của bệ hạ. Công tôn Diễn là người gây loạn, không nên nghe. Hoa tử (cũng là một bề tôi của vua Nguỵ) nghe vậy, lấy làm xấu hổ, tâu với vua: - Kẻ nào khéo nói khuyên đánh Tề là kẻ gây loạn, kẻ nào khéo nói khuyên không đánh Tề cũng là kẻ gây loạn; mà kẻ nào bảo hai người đó đều là gây loạn thì chính kẻ ấy cũng gây loạn nữa. Nguỵ Oanh hỏi: - Vậy thì quả nhân phải làm sao? Hoa tử đáp: - Bệ hạ cứ thuận theo Đạo mà làm. [Nhà vua hoang mang]. Huệ tử dắt Đái Tấn Nhân[16] lại. Đái Tấn Nhân nói với vua: - Nhà vua có biết con ốc sên không? - Biết. - [Nó có hai cái sừng]. Trên sừng bên trái của nó có một nước tên là Xúc[17], trên sừng bên phải có một nước tên là Man. Hai nước đó tranh đoạt đất của nhau hoài, số tử thương tới mấy vạn, khi quân một nước bại tẩu thì quân nước kia truy kích mười lăm ngày mới về. - Ồ, truyện đó là truyện bịa, vô nghĩa. - Tôi xin giảng cái nghĩa của nó cho nhà vua nghe. Nhà vua có cho rằng vũ trụ chung quanh chúng ta là vô cùng không? - Nó vô cùng. - Trong cái khoảng vô cùng đó, những quốc gia tiếp xúc nhau có phải là rất nhỏ, không đáng kể, có cũng như không không? - Phải. Đái Tấn Nhân nói tiếp: - Trong các quốc gia ấy có nước Nguỵ, trong nước Nguỵ có kinh đô Lương và trong kinh đô ấy có nhà vua. Nhà vua với vua nước Man đó, có khác gì không? - Không. Khách về rồi, vua Nguỵ rầu rĩ như người mất hồn. Huệ tử vô, Nguỵ Oanh bảo: - Người khách đó là một vị đại đức, bậc thánh nhân cũng không bằng đâu. Huệ tử bảo: - Như thổi vào ống tiêu thì tiếng vang lên, mà thổi vào cái lỗ vòng ở đầu cây kiếm thì tiếng rất nhỏ. Ai cũng khen vua Nghêu, vua Thuấn, nhưng hai vua đó so với Đái Tấn Nhân chỉ như những thanh âm thật nhỏ thôi.
7
Khổng Tử trên đường qua nước Sở, nghỉ tại nhà một người bán nước tương ở Nghi Khâu, thấy vợ chồng, tôi tớ, tì thiếp nhà hàng xóm leo lên đỉnh nhà [để nhìn ông]. Tử Lộ hỏi ông: - Họ tụ họp ở trên đỉnh nhà làm chi vậy? - Bên đó một môn sinh của thánh nhân mai danh trong dân chúng, ẩn náo ở chốn đồng ruộng, tên tuổi không ai biết đến, nhưng chí hướng thì vô cùng. Miệng người đó tuy nói mà lòng không nói. Không theo thế tục, không chen vai với người đời, không khác gì người ở trên cạn mà bị chết chìm vậy[18]. Người đó có phải là ông Nghi Liêu ở Thị Nam chăng? Tử Lộ xin qua mời người đó sang chơi. Khổng Tử bảo: - Đừng, vì ông ấy biết rằng thầy nhận ra được ông, mà lại biết thầy qua Sở, như vậy tất ngờ rằng thầy sẽ thuyết phục vua Sở vời ông ta. Với lại ông ta cho thầy là người khéo nói; như vậy thì nghe thầy nói ông ta cũng lấy làm xấu hổ rồi, huống hồ còn đích thân qua thăm thầy nữa. Mà ông ta cũng không còn ở đó nữa đâu. Tử Lộ không nghe, cứ qua coi thì nhà đã không còn ai cả.
8
Một viên quan coi biên cương ở Trường Ngô hỏi Tử Lao (một môn đệ của Khổng Tử): - Ông vua trị dân không nên cẩu thả, cũng không nên khinh suất. Trước kia tôi làm ruộng, cày qua loa cho xong, mà bừa cũng sơ sài, cho nên mùa màng không trúng. Mấy năm nay tôi thay đổi phương pháp: cày sâu mà bừa kĩ nên trúng mùa, ăn quanh năm không hết.[19] Trang tử nghe được lời đó, bảo: - Hiện nay trong việc dưỡng thân tu tâm, nhiều người cũng mắc cái lỗi của viên quan coi biên cương đó, làm trái luật tự nhiên, không theo bản tính của mình, diệt tình cảm thành thực, đánh mất tâm thần mà chạy theo quần chúng. Như vậy là cẩu thả với bản tính, để cho vật dục, tội ác xâm chiếm bản tính mà phát sinh mạnh mẽ như cỏ dại, diệt mất bản tính mà tinh khí tiêu tán hết. Như ung nhọt vỡ mũ, nội nhiệt, lao tổn vậy.
9
Bá Củ học Lão Đam, một hôm thưa: - Thầy cho con đi du lịch khắp thiên hạ. Lão Đam bảo: - Để làm gì? Chỗ nào cũng như đây thôi. Bá Củ lại xin nữa. Lão Đam hỏi: - Anh muốn tới nước nào trước. - Tới nước Tề trước. Tới Tề, Bá Củ thấy một người bị xử tử, lật lại cho ngay ngắn, lấy triều phục đắp cho, rồi kêu trời mà khóc: - Hởi ơi! Hởi ơi! Ông đã bị tai hoạ lớn nhất trên đời. Người ta đã bảo không được ăn cướp, không được giết người. Vinh nhục phân biệt ra rồi mới gây tội ác, của cải tích tụ rồi mới sinh ra tranh đoạt. Ngày nay những những tội ác, những tranh đoạt đó làm khốn khổ hình hài con người, không lúc nào được nghỉ ngơi. Muốn khỏi bị như ông, phỏng có được không? Các vua thời xưa hễ thành công là cho là nhờ dân, thất bại thì nhận lấy là vì mình; chính trực được là nhờ dân [giữ phép nước], cong queo là tại mình. Cho nên có một người dân đói rét thì vua tự trách mình. Ngày nay không vậy. Vua chúa giấu ý định của mình mà cho kẻ nào không đoán được là ngu; bắt dân làm những việc khó quá mà buộc tội những kẻ nào không dám làm; giao cho những trách nhiệm nặng nhọc quá mà trừng phạt kẻ nào không gánh vác nổi; định những cái đích xa quá mà giết kẻ nào không đạt được. Vì vậy dân chúng tận dụng trí lực mà không được mới phải giả dối. Giả dối mỗi ngày mỗi nhiều, dân làm sao chống lại được?[20] Sức mạnh không đủ thì đành phải giả dối, trí tuệ không đủ thì phải dối trá, tiền của không đủ thì đành phải ăn trộm ăn cắp. Dân mà ăn trộm ăn cắp thì ai là người đáng trách (vua hay dân)?.
10
Cừ Bá Ngọc [đại phu nước Vệ] sáu chục tuổi mà sáu chục lần thay đổi ý kiến, không lần nào cho là trái một điều trước kia nhận là phải. Không biết điều mà hiện nay ông ta nhận là phải thì năm mươi chín năm trước có cho là trái không? Vạn vật sinh ra từ một cái gì đó nhưng không biết gốc của chúng ở đâu. Thấy chúng ra đấy mà không biết chúng ra bằng cửa nào [vì Đạo không có hình thể, không ai thấy được]. Ai cũng trọng cái mà trí tuệ biết được, mà không ai thấy rằng phải nhờ cái mà trí tuệ không biết được rồi mới biết được đạo lí[21]. Như vậy chẳng là mê hoặc lớn ư? Thôi đi! Thôi đi! Không sao tránh được sự lầm lẫn ấy. Cái mà người ta cho là phải, có thực là phải không?
11
Khổng Tử hỏi ba ông thái sử [viên quan chép sử] Đại Tháo, Bá Thường Khiên và Hi Vi: - Vệ Linh công say đắm rượu và nhạc, không lo việc nước, mãi săn thú bằng tên và bằng lưới, không dự các cuộc hội họp với chư hầu, vậy mà sao được tên thuỵ là Linh Công?[22] Đại Thao đáp: - Linh là tên thuỵ của người vô đạo, đặt như vậy là phải. Bá Thường Khiên bảo: - Một hôm Linh công đương tắm chung với ba bà vợ trong một cái bồn thì quan đại phu Sở Thu có việc gắp phải vô. Linh công với lấy khăn che mình và bảo ba bà vợ che mình đi. Tuy dâm dật nhưng biết trọng người hiền, vì vậy mà đặt tên là Linh công. Hi Vi bảo: - Khi Linh công chết, người ta bói xem nên chôn ông ở đâu. Quẻ bảo chôn ở bên mộ tổ tiên thì không tốt, nên chôn ở Sa Khâu. Đào sâu được vài nhẫn thì thấy một cái quách cổ bằng đá. Chùi rửa sạch rồi, đọc được hàng chữ này trên quách: “Con cháu không được chôn ở đây. Linh công sẽ được chôn ở đây”. Vậy là việc đặt tên là Linh công đã quyết định từ trước rồi, hai ông kia [Đại Thao và Bá Thường Khiên] làm sao mà biết được?
12
Thiều Trí hỏi Thái Công Điều[23]: - Thế nào là lời[24] trong xóm làng? Thái Công Điều đáp: - Làng xóm gồm mười nhà, khoảng trăm người thành một đơn vị phong tục. Tập hợp nhiều cái bất đồng thì thành cái tương đồng, phân tán một cái tương đồng ra thì thành nhiều cái bất đồng. Người ta có thể thấy một trăm bộ phận của con ngựa mà không biết thế nào là con ngựa. Nhưng trông thấy một con ngựa ở trước mắt với trăm bộ phận của nó thì biết ngay thế nào là con ngựa. Các lớp đất nhỏ chồng chất lên nhau mà thành gò, núi. Các dòng nước nhỏ tập hợp lại với nhau mà thành sông Trường Giang, sông Hoàng Hà. Bậc đại nhân tập hợp những kinh nghiệm riêng của từng người mà tìm ra được nguyên tắc chung. Kinh nghiệm nào từ ngoại giới vô, được nội tâm chấp nhận, thì không còn mang thành kiến nữa, ý nào từ nội tâm phát ra hợp với chính đạo thì sẽ phổ biến khắp nơi. Bốn mùa khí hậu khác nhau, trời không thiên vị mùa nào, nhờ vậy mà thành một năm. Năm vị đại thần [thượng thư] mỗi vị có một chức vụ, vua không thiên vị người nào, nhờ vậy mà nước được bình trị. Các quan văn và các quan võ tài năng khác nhau, vua không thiên vị với bên văn hay bên võ, nhờ vậy quốc gia có đủ người tài. Mỗi vật có một lí do tồn tại riêng của nó. Đạo không thiên vị với vật nào, vì vậy mà “vô danh” (không có tên gọi). Vì vô danh nên “vô vi”, không làm gì cả, không làm mà không gì không làm. Thời gian có lúc đầu, lúc cuối; thế giới có sự biến hoá, hoạ và phúc tiếp theo nhau, ở phương diện này là trái, không hợp, mà ở phương diện khác là phải, là hợp. Mỗi vật đều theo đuổi một mục tiêu riêng, xu hướng khác nhau. Như trong cái chằm lớn cả trăm giống cây cùng sống, mà trên núi lớn cây và đá cùng chung một nền[25]. Như vậy là lời trong làng xóm. Thiều Trí hỏi: - Như vậy có thể gọi tất cả cái đó là Đạo không? Thái Công Điều đáp: - Không. Số vật ở trên thế giới nào phải chỉ có một vạn, sở dĩ gọi là “vạn vật” là vì tiếng “vạn” đó gợi ý nhiều thế thôi. Cũng vậy, hai tiếng “trời đất” gợi ý cái hình thể rất lớn, mà hai chữ “âm dương” gợi ý cái khí rất lớn. Cũng vậy, “Đạo” bao gồm tất cả, vì nó lớn mà gọi nó như vậy. Nó có tên đó nhưng nó có thể so sánh với cái không có tên không?[26] Gọi nó là Đạo để dễ nói thì cũng như ta đặt tên “ngựa”, “chó”, xa với thực tại nhiều quá. Thiều Trí hỏi: - Những vật ở trong bốn phương và lục cực do đâu mà sinh ra? Thái Công Điều đáp: - Hai khí âm, dương chiếu lẫn nhau, bao lẫn nhau, thay đổi nhau. Bốn mùa tuần hoàn, tương sinh tương sát, do đó mà có yêu ghét, dang ra, xích lại. Giống đực giống cái giao hợp, sinh sản bất tuyệt. An nguy nối tiếp nhau mà hoạ phúc tương sinh. Nhanh chậm đụng chạm nhau, do đó mà có tụ hợp và phân tán. Tất cả những cái đó có danh có thực, có thể kể ra được; những cái tinh vi có thể ghi chép được. Những cái gì nối tiếp nhau đều có thứ tự, những cái gì biến chuyển đều theo một luật, hễ tới cùng thì quay trở lại (cùng tắc phản), hết rồi thì lại bắt đầu. Do đó hiện đạt được bề ngoài của vạn vật thôi. Người đạt Đạo không tìm chung cục, không trở lui về nguyên thuỷ của vạn vật, vì cái đó vượt ra ngoài sự nghị luận. Thiều Trí hỏi: - Theo Quí Chân thì thời nguyên thuỷ, không có vật gì hoạt động cả; theo Tiếp tử thì có cái gì hành động mà tạo ra thế giới. Hai thuyết đó, thuyết nào đúng? Thái Công Điều đáp: - Gà gáy, chó sủa, cái đó ai cũng biết. Nhưng dù là bậc đại trí cũng không biết được tại sao con nọ gáy, con kia sủa mà không thể suy đoán được rồi rốt cuộc ra sao. Phân tích [nguyên nhân và cứu cánh, nguồn gốc và chung cục] thì rốt cục sẽ nghĩ rằng có cái cực nhỏ không thể so sánh được và cái cực lớn không có giới hạn. “Có cái gì hành động mà tạo ra thế giới”, với “không có vật gì hành động cả”, hai thuyết đó đều đứng về phương diện vật thể mà lập luận, đều sai cả. “Có cái gì hoạt động” là thuyết “thực”; “không có gì hành động” là thuyết “hư”. Cái gì có “danh” có “thực” thì ở trong khu vực “chân thực”; cái gì vô danh, vô thực thì ở trong khu vực không hư của vật. Cái gì có thể dùng lời nói mà diễn, dùng trí mà suy đoán, cái đó li khai Đạo lớn rồi. Sự sinh không thể tránh được, sự tử không thể ngăn được, sinh và tử liên quan mật thiết tới ta mà ta không thấy được lí do. Thuyết có cái gì tạo ra thế giới và thuyết trái lại, thực ra chỉ là những giả thuyết vì còn ngờ mà đặt ra. Đi ngược về thời nguyên thuỷ, tôi chỉ thấy vô cùng, mà tìm sự kết thúc trong vị lai, tôi cũng chỉ thấy vô tận. Hai cái vô cùng đó đều vượt ra ngoài khu vực ngôn ngữ mà cùng một lí với vạn vật. Hai thuyết có cái gì tạo ra thế giới và không có cái gì sáng tạo đều là những lời nói hạn chế ở khu vực vạn vật.[27] Đạo không thể “có” mà cũng không thể “không”, gọi nó là Đạo chỉ là đặt tạm cho nó cái tên để dễ nói thôi. Hai thuyết trên kia chỉ nhìn vào một khía cạnh tức sự vật, chứ không đạt được cái nguyên tác lớn (tức Đạo). Nếu dùng lời nói mà đủ thì chỉ cần nói về Đạo suốt ngày là hiểu hết về nó; nếu dùng lời nói mà không đủ thì có nói suốt ngày cũng chỉ quanh quẩn nói về vật [làm sao mà hiểu về Đạc được?]. Cảnh giới tối cao của Đạo và vật, ngôn ngữ và trầm tư đều không thể “chở” nó được. Không nói gì cả, cũng không trầm tư, đó là cái mức cao nhất của nghị luận[28].
Nội dung chương này cũng rất hỗn tạp: có 4 bài không liên quan gì tới học thuyết của Trang, chẳng hạn bài 3 nói về cái vui khi thấy lại cố hương; bài 7 kể truyện một ẩn sĩ muốn thấy mặt Khổng Tử mà không thèm tiếp Khổng Tử; nhất là bài 11 kể lí do đặt tên thuỵ cho vua Vệ Linh công. Có bài rất ngắn như các bài 3, 4, 5; có bài rất dài như bài 12. Xét những bài quan trọng thì ta thấy bài 9, 12 diễn tư tưởng của Lão tử; bài 4, 10 diễn tư tưởng của Trang tử. Như câu: “Vinh nhục phân biệt ra rồi mới gây ra tội ác; của cải tích tụ rồi mới gây ra sự tranh đoạt” (bài 9), và câu: “Đạo không thiên vị vật nào vì vậy mà “vô danh”; vì vô danh cho nên “vô vi”, không làm gì cả mà không có gì là không làm” (bài 12) đều diễn lại những ý của Lão tử. Trong bài 12, tác giả còn muốn suy diễn đến triệt để câu: “Đạo khả đạo phi thường Đạo” của Lão, cho nên chê tất cả những người nói về Đạo, dù họ cho Đạo là “vô” hay “hữu”: “Có cái gì hành động mà tạo ra thế giới” với “không có gì hành động”, hai thuyết đó đều đứng về phương diện vật thể mà lập luận, đều sai cả”. Cuối cùng tác giả kết luận: “…ngôn ngữ và trầm tư đều không thể “chở” được Đạo. Không nói gì cả, cũng không trầm tư, đó là cái mức cực cao của nghị luận”. Còn như giống với Trang tử thì có câu: “Đối với thánh nhân thì không có trời, không có người, không có thuỷ (trái với chung), không có vật. Thánh nhân hoà hợp với thế gian, cùng trôi nổi với đời mà không ngừng…” (bài 4); nhất là câu này ở cuối bài 10: “Ai cũng trọng cái mà trí tuệ biết được mà không ai thấy rằng phải nhờ cái trí tuệ không biết được, rồi mới biết đạo lí” mà chúng ta có thể so sánh với câu: “Biết được nhân sự là dùng cái mà trí tuệ có thể biết được để bảo hộ cái mà trí tuệ không thể biết được…” trong Đại tôn sư 1. Vì nội dung hỗn tạp như vậy nên ta có thể tin rằng chương này do nhiều người viết, mà một số người này chịu ảnh hưởng của Lão hoặc của Trang. La Căn Trạch sắp họ vào phái Đạo gia vì Đạo gia gồm những nhà tu hành theo cả Lão, Trang. Chú thích:[1] Tắc Dương, tên tự của Bành Dương là người nước Lỗ, đi khắp các nước để thuyết phục các vua chúa, sau cùng tới Sở, muốn giúp Sở Văn vương.[2] Một ẩn sĩ của Sở.[3] Có sách giảng là đâm. Nhưng ba ba cũng như rùa, làm sao đâm được.[4] Nguyên văn: dĩ chi thần kì giao. L.K.h. dịch là: không nghe linh hồn mình (?).[5] Ý muốn nói tuỳ hoàn cảnh chăng?[6] Nghĩa là có tâm hồn siêu thoát, không quan tâm tới việc đời, không cố ý làm việc thiện, cứ hồn nhiên.[7] Nguyên văn: nhân dữ chi giám. L.K.h. dịch là: Những người khác làm tấm gương cho người ấy soi.[8] Nghĩa là người khác bảo vậy thì hay vậy chứ không tự đắc.[9] Câu này không ai hiểu tác giả muốn nói gì. [10] Bài này rất tối nghĩa, mỗi sách dịch một khác. Tôi châm chước H.C.H. [11] Nhân vật thời vua Hoàng Đế, có sách bảo là vua trước khi Hoàng Đế lên ngôi, có người bảo là bề tôi của Hoàng Đế, và là người đặt ra lịch.[12] Vì có ngày thì mới có đêm, ngày là một phần của năm, cho nên không phân biệt ngày và đêm, vì có trong thì mới có ngày, đâu là giới hạn của trong và ngoài?[13] Nguỵ Oanh, tức vua Huệ vương nước Nguỵ. Điều hầu tức vua uỷ vương nước Tề, tên Mân. [Tôi ngờ rằng (tên) Mâu in sai thành (tên) Mân. – Goldfish].[14] Công Tôn Diễn làm chức tê thủ, một chức tướng quân, đội cái mũ như đầu con tê ngưu, một loài vật tựa con trâu, có mỗi một sừng.[15] Theo Thành Huyền Anh, Điền Kị là tướng nước Tề.[16] Đái Tấn Nhân là một người hiền nước Lương, tức nước Nguỵ. Huệ tử đây là Huệ Thi, bạn của Trang tử, và làm tể tướng nước Nguỵ.[17] Xúc có nghĩa là đụng chạm. Man là man di. Xúc tượng trưng cho các nước xâm lăng.[18] Ý nói ẩn dật chìm trong đám đông.[19] Đoạn này L.K.h. dịch ngược hẳn, bảo phải cày sâu [20] Ý muốn nói: Khi sự giả dối tăng lên quá, gần thành thông lệ thì người ngay thẳng có muốn chống lại cũng không được.[21] Ý câu này gần giống hệt ý câu sau đây trong bài Từ Vô Quỉ 15: “Trí tuệ chỉ biết được một ít sự vật, nhưng nhờ có tất cả những cái nó không biết mà nó mới hiểu được thế nào là Đạo tự nhiên”. [Goldfish].[22] Hồi xưa, các sử gia theo hành vi đức hạnh của vua trong khi còn sống mà đặt tên thuỵ cho vua. Khổng Tử có ý chê ba ông thái sư đó là đặt tên thuỵ mà không đúng. Linh công ham mê tửu sắc, bỏ bê việc nước, đâu có thông minh tài giỏi mà đặt tên thuỵ là Linh.[23] Tên này tượng trưng cho sự điều hoà, hoà hợp trong vũ trụ mà trí không của con người (Thiều Trí) không sao hiểu nổi.[24] Nguyên văn là ngôn. H.C.H. dịch là ngôn luận. L.K.h. dịch là ngôn ngữ.[25] Nghĩa là cây, đá tuy khác nhau, nhưng cùng nằm trên núi hoặc đâm rễ trong núi.[26] Ý muốn nói: Đạo vốn không thể dùng một tên nào để gọi được, tạm gọi nó là Đạo, vì nó lớn, bao quát tất cả, nhưng tên đó không phải là nó.[27] Nghĩa là chỉ xét vạn vật mà suy ra như vậy, không thể bảo là biết rõ chân tướng của Đạo được.[28] Nguyên văn: phi ngôn, phi mặc, nghị kì hữu cực. L.K.h. dịch là: “cảnh giới tối cao của Đạo và vật đó vượt lên khỏi ngôn ngữ và trầm tư, ra ngoài mọi nghị luận của loài người”.
hết: Chương XXV , xem tiếp: Chương XXVI
|
《庄子》第25章 则阳
则阳游于楚,夷节言之于王,王未之见。夷节归。彭阳见王果曰:“夫子何不谭我于王?”王果曰:“我不若公阅休。”彭阳曰:“公阅休奚为者邪?”曰:“冬则戳鳖于江,夏则休乎山樊。有过而问者,曰:‘此予宅也。’夫夷节已不能,而况我乎!吾又不若夷节。夫夷节之为人也,无德而有知,不自许,以之神其交,固颠冥乎富贵之地。非相助以德,相助消也。夫冻者假衣于春,暍者反冬乎冷风。夫楚王之为人也,形尊而严。其于罪也,无赦如虎。非夫佞人正德,其孰能桡焉。故圣人其穷也,使家人忘其贫;其达也,使王公忘爵禄而化卑;其于物也,与之为娱矣;其于人也,乐物之通而保己焉。故或不言而饮人以和,与人并立而使人化,父子之宜。彼其乎归居,而一闲其所施。其于人心者,若是其远也。故曰‘待公阅休’。”
圣人达绸缪,周尽一体矣,而不知其然,性也。复命摇作而以天为师,人则从而命之也。忧乎知,而所行恒无几时,其有止也,若之何!生而美者,人与之鉴,不告则不知其美于人也。若知之,若不知之,若闻之,若不闻之,其可喜也终无已,人之好之亦无已,性也。圣人之爱人也,人与之名,不告则不知其爱人也。若知之,若不知之,若闻之,若不闻之,其爱人也终无已,人之安之亦无已,性也。旧国旧都,望之畅然。虽使丘陵草木之缗入之者十九,犹之畅然,况见见闻闻者也,以十仞之台县众间者也。冉相氏得其环中以随成,与物无终无始,无几无时。日与物化者,一不化者也。阖尝舍之!夫师天而不得师天,与物皆殉。其以为事也,若之何!夫圣人未始有天,未始有人,未始有始,未始有物,与世偕行而不替,所行之备而不洫,其合之也,若之何!
汤得其司御,门尹登恒为之傅之。从师而不囿,得其随成。为之司其名之名嬴法得其两见。仲尼之尽虑,为之傅之。容成氏曰:“除日无岁,无内无外。”
魏莹与田侯牟约,田侯牟背之,魏莹怒,将使人剌之。犀首公孙衍闻而耻之,曰:“君为万乘之君也,而以匹夫从仇。衍请受甲二十万,为君攻之,虏其人民,系其牛马,使其君内热发于背,然后拔其国。忌也出走,然后抶其背,折其脊。”季子闻而耻之,曰:“筑十仞之城,城者既十仞矣,则又坏之,此胥靡之所苦也。今兵不起七年矣,此王之基也。衍,乱人也,不可听也。”华子闻而丑之,曰:“善言伐齐者,乱人也;善言勿伐者,亦乱人也;谓‘伐之与不伐乱人也’者,又乱人也。”君曰:“然则若何?”曰:“君求其道而已矣。”惠之闻之,而见戴晋人。戴晋人曰:“有所谓蜗者,君知之乎?”曰:“然。”“有国于蜗之左角者,曰触氏;有国于蜗之右角者,曰蛮氏。时相与争地而战,伏尸数万,逐北旬有五日而后反。”君曰:“噫!其虚言与?”曰:“臣请为君实之。君以意在四方上下有穷乎?”君曰:“无穷。”曰:“知游心于无穷,而反在通达之国,若存若亡乎?”君曰:“然。”曰:“通达之中有魏,于魏中有梁,于梁中有王,王与蛮氏有辩乎?”君曰:“无辩。”客出而君惝然若有亡也。客出,惠子见。君曰:“客,大人也,圣人不足以当之。”惠子曰:“夫吹管也,犹有嗃也;吹剑首者,吷而已矣。尧、舜,人之所誉也。道尧、舜于戴晋人之前,譬犹一吷也。”
孔子之楚,舍于蚁丘之浆。其邻有夫妻臣妾登极者,子路曰:“是稯稯何为者邪?”仲尼曰:“是圣人仆也。是自埋于民,自藏于畔。其声销,其志无穷,其口虽言,其心未尝言。方且与世违,而心不屑与之俱。是陆沉者也,是其市南宜僚邪?”子路请往召之。孔子曰:“已矣!彼知丘之著于己也,知丘之适楚也,以丘为必使楚王之召己也。彼且以丘为佞人也。夫若然者,其于佞人也,羞闻其言,而况亲见其身乎!而何以为存!”子路往视之,其室虚矣。
长梧封人问子牢曰:“君为政焉勿卤莽,治民焉勿灭裂。昔予为禾,耕而卤莽之,则其实亦卤莽而报予;芸而灭裂之,其实亦灭裂而报予。予来年变齐,深其耕而熟耰之,其禾蘩以滋,予终年厌飧。”庄子闻之曰:“今人之治其形,理其心,多有似封人之所谓:遁其天,离其性,灭其情,亡其神,以众为。故卤莽其性者,欲恶之孽为性,萑苇蒹葭始萌,以扶吾形,寻擢吾性。并溃漏发,不择所出,漂疽疥癕,内热溲膏是也。”
柏矩学于老聃,曰:“请之天下游。”老聃曰:“已矣!天下犹是也。”又请之,老聃曰:“汝将何始?”曰:“始于齐。”至齐,见辜人焉,推而强之,解朝服而幕之,号天而哭之,曰:“子乎!子乎!天下有大灾,子独先离之。曰‘莫为盗,莫为杀人’。荣辱立然后睹所病,货财聚然后睹所争。今立人之所病,聚人之所争,穷困人之身,使无休时。欲无至此得乎?古之君人者,以得为在民,以失为在己;以正为在民,以枉为在己。故一形有失其形者,退而自责。今则不然,匿为物而愚不识,大为难而罪不敢,重为任而罚不胜,远其涂而诛不至。民知力竭,则以伪继之。日出多伪,士民安取不伪。夫力不足则伪,知不足则欺,财不足则盗。盗窃之行,于谁责而可乎?”
蘧伯玉行年六十而六十化,未尝不始于是之,而卒诎之以非也。未知今之所谓是之非五十九非也。万物有乎生而莫见其根,有乎出而莫见其门。人皆尊其知之所知,而莫知恃其知之所不知而后知,可不谓大疑乎!已乎!已乎!且无所逃。此所谓然与然乎!
仲尼问于大史大弢、伯常骞、狶韦曰:“夫卫灵公饮酒湛乐,不听国家之政;田猎毕弋,不应诸侯之际:其所以为灵公者何邪?”大弢曰:“是因是也。”伯常骞曰:“夫灵公有妻三人,同滥而浴。史鳅奉御而进所,搏币而扶翼。其慢若彼之甚也,见贤人若此其肃也,是其所以为灵公也。”狶韦曰:“夫灵公也,死,卜葬于故墓,不吉;卜葬于沙丘而吉。掘之数仞,得石槨焉,洗而视之,有铭焉,曰:‘不冯其子,灵公夺而里之。’夫灵公之为灵也久矣!之二人何足以识之。”
少知问于大公调曰:“何谓丘里之言?”大公调曰:“丘里者,合十姓百名而为风俗也,合异以为同,散同以为异。今指马之百体而不得马,而马系于前者,立其百体而谓之马也。是故丘山积卑而为高,江河合水而为大,大人合并而为公。是以自外入者,有主而不执;由中出者,有正而不距。四时殊气,天不赐,故岁成;五官殊职,君不私,故国治;文武殊材,大人不赐,故德备;万物殊理,道不私,故无名。无名故无为,无为而无不为。时有终始,世有变化,祸福淳淳,至有所拂者而有所宜,自殉殊面;有所正者有所差,比于大泽,百材皆度;观于大山,木石同坛。此之谓丘里之言。”少知曰:“然则谓之道足乎?”大公调曰:“不然,今计物之数,不止于万,而期曰万物者,以数之多者号而读之也。是故天地者,形之大者也;阴阳者,气之大者也;道者为之公。因其大以号而读之则可也,已有之矣,乃将得比哉!则若以斯辩,譬犹狗马,其不及远矣。”少知曰:“四方之内,六合之里,万物之所生恶起?”大公调曰:“阴阳相照相盖相治,四时相代相生相杀。欲恶去就,于是桥起。雌雄片合,于是庸有。安危相易,祸福相生,缓急相摩,聚散以成。此名实之可纪,精之可志也。随序之相理,桥运之相使,穷则反,终则始,此物之所有。言之所尽,知之所至,极物而已。睹道之人,不随其所废,不原其所起,此议之所止。”少知曰:“季真之莫为,接子之或使。二家之议,孰正于其情,孰偏于其理?”大公调曰:“鸡鸣狗吠,是人之所知。虽有大知,不能以言读其所自化,又不能以意其所将为。斯而析之,精至于无伦,大至于不可围。或之使,莫之为,未免于物而终以为过。或使则实,莫为则虚。有名有实,是物之居;无名无实,在物之虚。可言可意,言而愈疏。未生不可忌,已死不可阻。死生非远也,理不可睹。或之使,莫之为,疑之所假。吾观之本,其往无穷;吾求之末,其来无止。无穷无止,言之无也,与物同理。或使莫为,言之本也。与物终始。道不可有,有不可无。道之为名,所假而行。或使莫为,在物一曲,夫胡为于大方!言而足,则终日言而尽道;言而不足,则终日言而尽物。道,物之极,言默不足以载。非言非默,议有所极。”
No comments:
Post a Comment