Sunday, January 22, 2017

NAM HOA KINH III- DƯỠNG SINH CHỦ -THẾ GIAN

PHÉP DƯỠNG SINH

(Dưỡng sinh chủ)

 Đời người thì có hạn mà tri thức thì vô cùng. Đem cái có hạn mà đuổi cái vô cùng thì tinh thần sẽ mệt mỏi; đã mệt mỏi mà không ngừng nữa thì sẽ chết mất. Làm điều thiện thì bị luỵ vì danh tiếng, làm điều ác thì chịu khổ vì hình phạt. Chỉ người nào giữ được đạo trung[1] là bảo toàn được thân, mệnh, mà phụng dưỡng được cha mẹ, sống được trọn tuổi trời.

2

Một tên bếp[2] của vua Văn Huệ[3] mổ bò, hai tay hắn nắm con vật, đưa vai ra thúc nó, rồi hai chân bấm vào đất, hai đầu gối ghì chặt nó. Hắn đưa lưỡi dao cắt xoẹt xoẹt, phát những âm thanh có tiết tấu y như khúc “tang lâm” và bản nhạc “kinh thủ”[4].

Vua Văn Huệ khen:

- Giỏi! Nghệ thuật của nhà ngươi sao mà cao tới mức đó được?

Hắn đặt lưỡi dao xuống đáp:

- Thần nhờ thích cái Đạo, nên nghệ thuật mới tiến được. Hồi mới học nghề mổ bò, thần chỉ thấy con bò thôi. Ba năm sau, thần không thấy con bò nữa. Lúc này thần dùng tinh thần hơn là dùng mắt. Cảm quan ngưng lại, chỉ còn tâm thần là hoạt động. Thần biết cơ cấu thiên nhiên của con bò, chỉ lách lưỡi dao vào những chỗ kẽ trong thân thể nó, không đụng tới kinh lạc, gân, bắp thịt[5] của nó, huống hồ là tới những xương lớn. Một người đồ tể giỏi một năm mới làm cùn một con dao, vì chỉ cắt thịt mà thôi. Một đồ tể tầm thường cứ mỗi tháng là cùn một con dao vì phải chặt vào xương. Con dao này đây, thần dùng đã mười chín năm rồi, đã mổ mấy nghìn con bò mà lưỡi còn bén như mới mài. Khớp xương nào cũng có kẽ, mà lưỡi dao thì mỏng. Biết đưa những lưỡi thật mỏng ấy vào những kẽ ấy thì thấy dễ dàng như đưa vào chỗ không. Vì vậy, dùng mười chín năm rồi mà lưỡi dao của thần vẫn bén như mới mài. Mỗi khi gặp một khớp xương, thần thấy khó khăn, thần nín thở[6], nhìn cho kĩ, chầm chậm đưa lưỡi dao thật nhẹ tay, khớp xương rời ra dễ dàng như bùn rơi xuống đất. Rồi thần cầm dao, ngửng lên, nhìn bốn bên, khoan khoái, chùi dao[7], đút nó vào vỏ.

Vua Văn Huệ bảo:

- Lời tên bếp đó thật hay, nghe rồi ta hiểu được phép dưỡng sinh.

3

Công Văn Hiên thấy viên hữu sư[8], ngạc nhiên hỏi (kẻ tả hữu):

- Ai đó? Sao hắn chỉ có một chân? Do trời hay do người đấy?

- Do trời chứ không phải do người. Trời sinh ông ấy có một chân còn những người khác thì có hai chân. Vì vậy mà biết là do trời chứ không phải do người[9].

4

Con trĩ trong chằm, cứ mười bước lại mổ [một thức ăn], trăm bước lại uống, không chịu bị nhốt để người ta nuôi, vì được nuôi, tuy không phải khó nhọc, nhưng không thích[10].

5

Lão Đam chết, Tần Dật lại điếu khóc ba tiếng rồi ra. Một môn sinh của Lão Đam hỏi:

- Ông phải là bạn của thầy tôi không?

- Phải.

- Điếu như vậy coi được sao?

Tần Dật đáp:

- Được chứ. Mới đầu ta tưởng những người khóc toàn là người thân cả, bây giờ thấy là không phải[11]. Khi tôi vô điếu, thấy có những người già khóc ông như khóc con, có những người trẻ khóc ông như khóc cha[12]. Ông ấy cư xử với người khác, chắc không cầu họ khen mà họ vẫn khen, không cầu họ khóc mà họ vẫn khóc, như vậy là họ trốn đạo trời, trái chân tình, quên cái bản chân của ông ấy; cổ nhân bảo thế là bị hình phạt của trời. Thầy anh sinh ra là ứng với thời, rồi chết đi là thuận lẽ trời. Vui với thời, thuận đạo trời, thì không bị vui buồn làm dao động trong lòng. Người xưa bảo như vậy là được Trời giải phóng cho.

6

Hết thanh củi này tới thanh củi khác, nhưng lửa vẫn lan tới vô cùng[13].


NHẬN ĐỊNH

Muốn được thảnh thơi (tiêu dao) sống trọn tuổi trời (chung kì thiên niên) thì phải biết phép dưỡng sinh, mà phép dưỡng sinh là thuận lẽ trời.

Việc đời vô cùng phức tạp, nhưng cứ theo tự nhiên mà thích ứng với nó, điều khiển nó thì không mệt sức, không thương tổn tinh thần (bài 2). Sống chết, tai nạn là lẽ tự nhiên, là mệnh trời, đừng buồn vì những cái đó (bài 5 và có lẽ cả bài 3). Đừng trọng vật chất mà trọng tinh thần, phải giữ tinh thần tự do, thư thái như con trĩ trong bài 4. Sau cùng phải giữ đạo trung, đừng làm quá sức mình.

Quả là một bài học khôn, chủ trương của Trang khác hẳn của Mạnh tử, nhất là của Mặc tử.
Chú thích:
[1] Nguyên văn là “duyên đốc”, theo cái mạch “đốc”. Người Trung Hoa cho rằng cơ thể người ta có bảy tĩnh mạch chạy từ trên xuống dưới. Mạch “đốc” ở giữa sáu mạch kia, chạy từ cổ, theo sống lưng xuống. Vì vậy theo mạch “đốc” có nghĩa là giữ đạo trung, không thiên lệch, không thái quá.
[2] Nguyên văn: bào đinh. Chữ đinh ở đây không phải là tên người, mà là một tiếng chỉ chung hạng dân tầm thường.
[3] Các sách đều chú giải rằng vua Văn Huệ ở đây là Lương Huệ vương.
[4] Tang lâm và Kinh thủ là tên những bản vũ nhạc thời cổ.
[5] Theo L.K.h nghĩa là lách theo những chỗ bắp thịt dính vào xương. Có sách giảng là gân và đốt xương.
[6] Nguyên văn: truật nhiên nghĩa là sợ sệt, ngại ngùng, phải cẩn thận lắm.
[7] Nguyên văn: thiên đao. V.P.C. giảng như vậy.
[8] Một chức quan.
[9] Viên hữu sư ấy bị chặt chân vì có tội, nhưng đó là do mệnh trời bắt phải vậy, cho nên bảo là do trời.
[10] Nguyên văn: thần tuy vương, bất thiện dã. L.K.h. dịch là: Vì vậy nó không ham cái hạnh phúc của một ông vua (?).
[11] Trọn đoạn này mỗi sách giảng một khác, mà không có cách nào xuôi cả. Riêng câu này tôi theo D.N.L. H.C.H. dịch là: mới đầu tôi tưởng ông ấy là bậc chí nhân (như thánh nhân), nay biết là không phải. L.K.h. dịch là: Lúc nãy tôi cho ông ấy còn sống, bây giờ ông ấy không còn nữa. Nguyên văn: Thuỷ dã ngô dĩ vi kì nhân dã, nhi kim phi dã.
[12] (khóc) cha: bác Vvn cho rằng cụ Nguyễn Hiến Lê đã dịch thoát ý, đúng ra là (khóc) mẹ; nguyên văn cả câu: tiểu giả khốc chi, như khốc kỳ mẫu 少者哭之,如哭其母. Hay là sách in nhầm (khóc) mẹ thành (khóc) cha chăng?
[13] Bài này mỗi người hiểu mỗi khác. D.N.L. cho củi trỏ hình thể, ngọn lửa trỏ tinh thần, hình thể mất mà tinh thần không. L.K.h. hiểu là: lửa [do gió] mà lan rộng ra thì không sao dập được. Tôi cho rằng lửa ở đây trỏ sự sống.
hết: Chương III , xem tiếp: Chương IV

吾生也有涯,而知也无涯。以有涯随无涯,殆已!已而为知者,殆而已矣!
为善无近名,为恶无近刑,缘督以为经,可以保身,可以全生,可以养亲,可以尽年。
庖丁为文惠君解牛,手之所触,肩之所倚,足之所履,膝之所倚,砉然响然,奏刀騞(huo1)然,莫不中音,合于桑林之舞,乃中经首之会。
文惠君曰:“嘻,善哉!技盍至此乎?”庖丁释刀对曰:“臣之所好者道也,进乎技矣。始臣之解牛之时,所见无非全牛者;三年之后,未尝见全牛也;方今之时,臣以神遇而不以目视,官知止而神欲行。依乎天理,批大郤,导大髋,因其固然。技经肯綮之未尝,而况大軱乎!良庖岁更刀,割也;族庖月更刀,折也;今臣之刀十九年矣,所解数千牛矣,而刀刃若新发于硎。彼节者有间而刀刃者无厚,以无厚入有间,恢恢乎其于游刃必有余地矣。是以十九年而刀刃若新发于硎。虽然,每至于族,吾见其难为,怵然为戒,视为止,行为迟,动刀甚微,謋然已解,如土委地。提刀而立,为之而四顾,为之踌躇满志,善刀而藏之。”文惠君曰:“善哉!吾闻庖丁之言,得养生焉。”
公文轩见右师而惊曰:“是何人也?恶乎介也?天与?其人与?”曰:“天也,非人也。天之生是使独也,人之貌有与也。以是知其天也,非人也。”
泽雉十步一啄,百步一饮,不蕲畜乎樊中。神虽王,不善也。
老聃死,秦失吊之,三号而出。弟子曰:“非夫子之友邪?”曰:“然。”“然则吊焉若此可乎?”曰:“然。始也吾以为其人也,而今非也。向吾入而吊焉,有老者哭之,如哭其子;少者哭之,如哭其母。彼其所以会之,必有不蕲言而言,不蕲哭而哭者。是遁天倍情,忘其所受,古者谓之遁天之刑。适来,夫子时也;适去,夫子顺也。安时而处顺,哀乐不能入也,古者谓是帝之县解。”
指穷于为薪,火传也,不知其尽也。



Chương IV
THẾ GIAN
(Nhân gian thế)

1

Nhan Hồi hỏi Trọng Ni [tức Khổng tử]

- Anh tính đi đâu?

- Con đi qua nước Vệ.

- Để làm gì?

- Con nghe nói vua Vệ [Vệ Trang Công] đương tuổi tráng niên, hành vi độc đoán, coi thường việc nước, không thấy lỗi của mình, coi thường mạng dân, người chết đầy đất, nhiều như cỏ khô trong đồng cháy, dân không biết đi đâu. Con đã từng nghe thầy bảo: “Nước nào đã bình trị thì mình nên bỏ mà đi, nước nào loạn thì mình nên tìm tới”. Như một thầy lang thấy bệnh nhân là trị[1]. Con theo lời dạy của thầy mà mong lại cứu nước Vệ được phần nào chăng?

Trọng Ni bảo:

- Lại đó để mà bị giết à? Đạo thì không nên tạp, tạp thì hoá phiền toái, phiền toái thì gây hỗn loạn, hỗn loạn thì gây lo lắng, mà không thể cứu được. Hạng “chí nhân”[2] thời xưa giữ vững đạo mình rồi sau mới giúp người khác. Đạo của anh chưa được vững mà sao sửa được hành vi tàn bạo của người khác [tức vua Vệ].

Lại thêm, anh biết tại sao “đức” sở dĩ bại hoại, còn mưu trí do đâu mà ra không? Đức bại hoại do hiếu danh, mưu trí phát ra do thích tranh đua. Hiếu danh gây ra sự khuynh loát lẫn nhau, mưu trí tạo ra những phương tiện để tranh dành. Hai cái đó đều là những khí cụ bất tường; không làm cho hành vi con người được tận thiện[3].

Đức cao và lòng chân thành không đủ để thắng được tính khí của người; danh tốt và tinh thần hiếu hoà vị tất đã cảm được lòng người; nếu anh cố lấy những lời nhân nghĩa, phải đạo mà thuyết con người tàn bạo ấy, thì tức là lấy cái xấu của họ để làm nổi bật cái tốt đẹp của mình, như vậy là “bừa” người ta như bừa cỏ. Bừa người ta thì bị người ta bừa lại, thầy ngại rằng anh sẽ bị hãm hại mất.

Giả sử vua Vệ yêu người hiền mà ghét người ác, thì cũng đâu đặc biệt cần tới anh [vì nước Vệ có nhiều bậc hiền tài rồi]. Anh không can gián thì thôi, nếu can gián thì vua Vệ sẽ nhân kẽ hở của anh mà đả anh[4]; anh mà chịu thua thì mắt anh sẽ hoa lên, nét mặt anh sẽ dịu xuống, miệng anh sẽ tìm cách bào chữa, thái độ anh sẽ phục tòng, anh sẽ thuận theo ý ông ta. Như vậy không khác gì dùng lửa để diệt lửa, dùng nước để ngăn nước, chỉ tăng thêm tội ác của ông ta. Còn nếu như anh nhất định một lòng can gián, mà không được ông ta nghe thì nhất định sẽ bị ông giết.

Xưa, vua Kiệt giết [hiền thần là] Quan Long Phùng; vua Trụ giết [chú là] Vương tử Tỉ Can[5]. Những bậc đó ở địa vị thấp làm trái ý vua để bênh vực dân chúng, bị vua hãm hại chính vì hiền đức của họ. Ham danh thì hậu quả như vậy đó.

Xưa vua Nghiêu đánh các nước Tùng Chi[6] và Tư Ngao; vua Vũ đánh nước Hữu Hổ. Ba nước đó bị tàn phá, dân chúng bị diệt, vua bị giết, vì vua của họ dùng binh lực để cướp bóc các nước láng giềng mà làm giàu. Vừa hiếu danh vừa tham lợi thì hậu quả như vậy đó. Anh không biết điều đó ư? Dẫu bậc thánh nhân cũng không khắc phục được lòng ham danh và lợi, huống hồ là anh. Nhưng có lẽ anh đã có kế hoạch nào đó rồi, thử nói cho thầy nghe nào.

Nhan Hồi đáp:

- Con sẽ rán cung kinh mà khiêm nhường; cương quyết mà chuyên nhất, như vậy được không?

- Không được, vì vua Vệ tự mãn mà tính tình bất thường; không ai dám làm trái ý ông ta; ông ta áp đảo thiện ý của người khác để làm theo ý mình. Con người đó, những thói tốt hằng ngày có thể sửa tính được, mà còn không chịu theo thì làm sao thực hành được đức lớn?[7] Ông ta tất sẽ cố chấp, không chịu sửa đổi. Nếu ông ta bề ngoài tán đồng anh, mà trong lòng không phản tỉnh[8], thì anh dùng phương pháp đó có ích lợi gì?

- Nếu vậy thì con dùng cách “trong thẳng mà ngoài cong”[9] của cổ nhân.

Kẻ nào “trong thẳng” là môn đệ của trời; môn đệ của trời thì cho vua với mình cũng là con của trời. Là con trời thì đâu cần người khác phê phán ngôn luận của mình là phải hay trái. Thuận với tự nhiên như vậy thì giữ được thiên chân như đứa bé, nên người ta gọi là em bé, mà em bé là môn đệ của trời.

Kẻ nào “ngoài cong” là môn đệ của người. Hai tay chấp lại, cầm cái hốt, quì xuống, cúi đầu, đó là bầy tôi giữ lễ với vua. Mọi người giữ lễ đó, làm sao con dám không giữ? Làm như mọi người thì không ai trách mình. Như vậy là môn đệ của người.

Kẻ nào hành động như cổ nhân thì là môn đệ của cổ nhân; kẻ đó chỉ lập lại những lời của cổ nhân can ngăn vua, nhưng đó là lời của cổ nhân chứ không phải lời của chính mình; cho nên dù có cương trực thì cũng không có tội vì chỉ là theo cổ nhân thôi mà.

Con tính làm như vậy, thầy nghĩ có nên không?

Trọng Ni đáp:

- Không. Biện pháp của anh nhiều quá mà không thông đạt. Anh chỉ tính làm sao cho khỏi bị tội, như vậy cảm hoá nhà vua sao được?

- Con hết cách rồi. Xin thầy chỉ cho con có biện pháp nào nữa không?

- Anh trai giới đi rồi thầy sẽ chỉ cho. Làm theo thành kiến mà dễ thành công là trái với lẽ trời.[10]

- Nhà con nghèo, đã mấy tháng nay con không uống rượu, không ăn thịt, như vậy có thể gọi là trai giới được không?

Trọng Ni bảo:

- Đó là trai giới để tế lễ, không phải là trai giới của tâm (tâm trai).

- Thưa thầy, thế nào là trai giới của tâm?

- Anh tập trung tinh thần, không nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, không nghe bằng tâm mà nghe bằng cái khí. Tai chỉ nghe được thanh âm, tâm chỉ lãnh hội được hiện tượng, khí vốn hư cho nên dung nạp được vạn vật. Đạo ở chỗ hư không, cho nên bảo “hư không” là trai giới của tâm.

- Con khi chưa biết được sự trai giới của tâm thì chỉ cảm thấy có mình thôi, khi đã biết rồi thì không thấy có mình nữa[11]. Như vậy có phải là “hư không” không?

- Phải, sự kì diệu của chỗ trai giới của tâm là như vậy đó. Thầy bảo anh này: anh có vô nước Vệ thì đừng nên động tâm vì danh lợi[12]. Vua Vệ có nghe lời anh thì anh hãy nói, không nghe thì anh đừng nói. Đừng cho họ thấy kẽ hở của mình, công kích được mình, cứ hư tâm mà đợi khi nào không thể không nói được hãy nói, như vậy là gần đạt được Đạo.

- Đi mà không chạm đất là điều khó hơn không để lại một vết chân nào trên đất[13]. Giúp việc cho người thì dễ gian dối, giúp việc cho trời thì khó gian dối[14]. Thầy nghe nói có cánh thì bay được, chưa hề nghe nói không cánh mà bay được; nghe nói dùng trí tuệ thì đạt được tri thức, không nghe nói không dùng trí tuệ mà đạt được tri thức[15]. Từ cái hư không của tâm thần mà phát ra ánh sáng; cái phúc ở cả trong sự hư tĩnh của tâm thần. Tâm thần không hư tĩnh thì gọi là “ngồi mà dong ruổi” (toạ trì: thân thể ngồi yên mà tâm thần thì lang thang). Người nào có thể khiến cho tai, mắt thành những cảm quan hướng nội mà thông suốt, mà không dùng tâm trí, thì dù quỉ thần cũng phải qui phục, huống hồ là người? Đó là phép thích ứng với mọi biến hoá của vạn vật, cái nút, cái chốt của sự sáng suốt của ông Vũ, ông Thuấn, cái qui tắc xử sự xuất đời của Phục Hi, Kỉ Cừ[16] huống hồ là bọn người thường.


2

Viên đại phu nước Sở họ Diệp [tên Chư Lương], hiệu là Tử Cao, sắp phải đi sứ nước Tề, lại hỏi Trọng Ni:

- Vua Sở phó thác cho tôi một sứ mệnh quan trọng. Vua Tề đối với các sứ thần các nước ngoài thường tỏ ra rất cung kính, nhưng rốt cuộc chẳng chịu giúp gì cả. Thuyết phục một người thường đã là khó rồi, huống là một ông vua chư hầu. Tôi ngại quá. Thầy tướng bảo Chư Lương tôi rằng: “Việc bất luận là lớn nhỏ, ít có việc nào không gây tai hại[17]. Nếu không thành công, thì nhất định là chịu sự trừng phạt của người trên; nếu thành công thì chịu cái “hoạ của âm dương” [nghĩa là phải lo lắng, lao tổn tinh thần], bất luận là thành công hay không thành công mà không gây tai hại, thì chỉ bậc hiền đức mới được vậy”.

Tôi bình thường ăn uống đạm bạc, không cầu món ngon, không cần phải giải nhiệt [vì không ăn những đồ bổ mà sinh nóng]. Vậy mà sáng được vua giao cho sứ mệnh thì buổi chiều tôi phải uống nước đá [nước đóng băng] vì lo lắng mà hoá ra nóng trong mình. Chưa thi hành sứ mệnh mà âm dương bất hoà như vậy, nếu sứ mệnh mà thất bại thì bị thêm hình phạt của vua nữa. Làm sao chịu nổi hai nỗi ưu hoạn đó? Làm sao trọn được đạo bề tôi bây giờ? Thầy có điều gì khuyên tôi không?

Trọng Ni đáp:

- Trên đời có hai luật chính là mệnh trời và bổn phận. Con yêu cha mẹ, đó là mệnh trời vì đó là thiên tính cố kết trong lòng đứa con. Bề tôi thờ vua, đó là bổn phận; bất luận thời nào, ở đâu, cũng bị sự thống trị của vua[18] không sao tránh khỏi được, cho nên đó là một luật lớn. Con thờ cha mẹ thì phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, như vậy là chí hiếu; bề tôi thờ vua phải chấp nhận mọi sự nguy hiểm, như vậy là tận trung. Người nào làm việc hết lòng thì vui hay buồn cũng không đổi lòng. Biết rằng sự thể không thay đổi được mà an mệnh chấp nhận nó, như vậy là chí đức [có đức tuyệt cao]. Phận làm tôi, con, thế nào cũng có những điều không được như ý, phải miễn cưỡng làm tròn bổn phận mà quên mình đi, như vậy đâu còn tham sống sợ chết nữa? Ông cứ làm sứ mệnh được giao phó đi.

Tôi đã được nghe điều này, xin kể lại: trong việc giao tế với nhau, nếu ở gần nhau thì do tiếp xúc hàng ngày mà tin nhau; nếu ở xa nhau thì chỉ căn cứ vào những lời trung thực của nhau. Những lời này do một người thứ ba truyền đạt. Truyền đạt những lời vui vẻ hoặc giận dữ của hai bên, là một công việc cực khó. Vì hai bên muốn làm vui lòng nhau thì họ tâng bốc nhau lên; nếu giận nhau thì họ không tiếc lời trách móc nhau. Cái gì quá mức tất không đúng sự thực, không làm cho người ta tin được. Người nào truyền đạt những lời gây lòng nghi ngờ thì tất gặp tai hoạ. Cho nên cách ngôn có câu: “Truyền những lời bình thường thôi, đừng truyền những lời quá lố, như vậy may ra bảo toàn được thân”.

Như người đấu võ, mới đầu nghiêm chỉnh lắm, rồi sau mới dùng ngón ngầm, rốt cuộc sẽ dùng cả trăm quỉ kế để hạ đối phương. Người uống rượu mới đầu lễ độ rồi sau say sưa, hỗn loạn, hoá ra phóng đãng. Mọi việc đều như vậy: mới đầu nhã nhặn, rồi sau thô tục, mới đầu là chuyện nhỏ, sau thành đại hoạ. Lời nói như sóng gió, mà việc truyền đạt thì có đắc có thất (lỡ lời). Sóng gió dễ nổi lên, sự đắc thất cũng bất thường (như sóng gió) dễ sinh ra nguy hiểm. Sở dĩ người ta nổi giận vì những lời nói quá của người kia. Con thú bị dồn vào đường cùng, sắp chết, nổi giận hoá ra hung dữ với người thợ săn; kẻ dưới bị người trên đối xử hà khắc quá thì cũng bất giác nảy ra ý hãm hại người trên. Những ý nghĩ bất giác như vậy rồi sẽ đưa tới đâu?

Cho nên cách ngôn có câu: “Đừng sửa đổi mệnh lệnh của vua. Đừng miễn cưỡng làm quá để thành công”. Cái gì vượt quá mức tức là quá độ[19].

Sửa đổi mệnh lệnh, miễn cưỡng làm quá thì sẽ hỏng việc. Cho nên giải pháp tốt nhất là phải thủng thẳng. Việc hỏng rồi khó sửa lại được. Vậy chẳng nên thận trọng ư?

Nên vượt ra ngoài sự vật mà tiêu dao tự tại, thuận theo lẽ tất nhiên để dưỡng tâm, đó là đạt được Đạo. Ông không cần thêm ý kiến của ông, cứ làm theo lệnh của vua. Đó là một việc khó đấy[20].

3

Nhan Hạp (một người hiền nước Lỗ) được vời làm sư phó cho thái tử của Vệ Linh Công, lại thỉnh giáo Cừ Bá Ngọc, bảo:

- Có một người bản tính tàn bạo, hiếu sát, để cho nó làm theo ý nó thì tất hại cho nước tôi. Nếu ngăn cản nó thì nguy hiểm cho tính mạng tôi. Trí tuệ của nó chỉ đủ để thấy người khác lầm lỗi mà không hiểu tại sao họ lầm lỗi[21]. Đối với kẻ đó tôi phải làm sao bây giờ?

Cừ Bá Ngọc đáp:

- Câu hỏi của ông hay lắm. Ông nên cẩn thận, giữ gìn đừng lầm lỗi. Ngoài mặt nên nhã nhặn, thân mật, trong lòng nên hoà thuận. Như vậy vẫn có thể có tai hoạ được. Nhã nhặn, thân mật nhưng đừng nhu nhược [dung túng kẻ đó phạm tội]; lòng hoà thuận nhưng đừng phô trương. Ai nhã nhặn, thân mật tới nhu nhược, bị (kẻ ác) đồng hoá thì sẽ sa đoạ. Ai khoa trương sự hoà thuận là muốn cầu danh, mưu mô hại người[22]. Học trò ông còn là một đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít như nó; nó hành động không có phép tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó; nó phóng đãng, ông cũng làm bộ phóng đãng với nó; như vậy ông lần lần sửa đổi được nó.

Ông có thấy con bọ ngựa đưa càng lên định ngăn chiếc xe không? Nó không thấy việc đó không thể làm được vì nó quá tự cao tự đại. Ông phải coi chừng đấy. Phải thận trọng. Nếu ông khoe tài ông mà xúc phạm học trò ông thì ông gần như con bọ ngựa đó.

Ông có biết người ta nuôi cọp ra sao không? Người ta không dám cho nó ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó.

Phải cho nó ăn đúng giờ, tuỳ theo nó vui vẻ hay hung dữ mà thuần phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó.

Một người yêu ngựa tới nỗi dùng sọt hứng phân nó, dùng vỏ sò lớn hứng nước tiểu nó. Một hôm muỗi bu trên mình ngựa, người đó vô ý đập muỗi mạnh quá, ngựa kinh hoảng, cắn bể hàm thiếc, rồi làm nát đầu và ngực người nuôi. Bản ý người đó tốt mà bị hại như thế đấy. Vậy ông chẳng nên thận trọng ư?

4

Một người thợ mộc tên Thạch, qua nước Tề, tới một chỗ tên là Khúc Viên, thấy trên nền xã (nơi tế thổ thần) có một cây “lịch”. Tàn lá nó che được cả ngàn con bò, vòng thân nó tới cả trăm vi[23]; nó cao như núi, lên khỏi mặt đất tám trượng rồi mới đâm cành. Có tới một chục cành lớn có thể khoét làm thuyền được. Người ta ùn ùn kéo nhau tới coi, nhưng người thợ cả không thèm ngó, cứ tiếp tục đi.

Người học trò tập nghề nhìn cây ấy một hồi lâu lại nói với thầy: “Từ khi con theo thầy học nghề, chưa bao giờ con thấy khúc gỗ lớn như vậy. Tại sao thầy không ngừng lại coi?

Người thợ cả bảo:

- Thôi, đừng nói nữa. Cây đó vô dụng. Dùng để đóng thuyền thì thuyền chìm; để đóng quan tài thì quan tài mau nát; để làm cánh cửa thì cánh cửa thấm nước; để làm đồ dùng thì đồ dùng mau hư; để làm cột nhà thì cột nhà mau bị mối, mọt. Không dùng được việc gì cả. Chính vì nó vô dụng nên mới thọ được như vậy.

Sau khi về nhà, người thợ cả nằm mê thấy cây của thổ thần đó hiện lên bảo: “Tại sao chú cứ so sánh như vậy? Chú muốn ta giống với những cây hữu dụng ư? Khi cây tra[24], cây lê, cây quất, cây bưởi có trái chín thì chúng bị tàn phá, cành lớn bị bẻ gẫy, cành nhỏ bị vặt trụi. Vì chúng hữu dụng nên khốn khổ suốt đời và chết sớm. Thế là tự chúng gây sự tàn phá cho chúng. Những vật nào hữu dụng cũng đều như vậy cả. Đã từ lâu ta cầu được vô dụng, mấy lần suýt chết, nay mới được như sở nguyện đấy. Sự vô dụng đó rất hữu ích đối với ta. Nếu ta dùng được vào việc gì thì làm sao sống lâu mà to lớn được như vầy? Chú và ta đều là sinh vật cả. Một sinh vật làm sao phán đoán được một sinh vật khác?[25] Một người vô dụng sắp chết như chú làm sao biết được thế nào là một cây vô dụng?

Người thợ cả tỉnh dậy, kể lại giấc mộng cho học trò nghe. Người này hỏi:

- Cây đó đã cầu được vô dụng, thế thì tại sao lại làm cây tượng trưng thổ thần?

Người thợ cả đáp:

- Im đi, đừng nói nữa. Nó tạm dựa vào thổ thần như vậy để những kẻ không hiểu nó khỏi chê nó là vô dụng. Nếu nó không tượng trưng cho thổ thần thì bị người ta đốn rồi còn gì? Cách tự bảo toàn của nó thật khác thiên hạ; lấy thường tình mà chê trách nó, chẳng là sai lầm quá ư?

5

Nam Bá Tử Kì tới đồi Thương, thấy một cây lớn lạ lùng, tàn nó có thể che cả ngàn cỗ xe bốn ngựa.

Ông ta tự hỏi:

- Cây này là cây gì? Nó dùng được vào việc gì không? Từ dưới nhìn lên, những cành nhỏ cong queo của nó không thể xẻ thành cái đòn, cái rường nhà được. Ngó xuống, cái thân to lớn nứt nẻ, đầy mắt của nó không làm quan tài được. Liếm lá của nó thì miệng sẽ loét lỡ. Nó hôi thúi, chỉ ngửi thôi cũng hoá điên, mê sảng suốt ba ngày.

Rồi Tử Kì tự kết luận:

- Cây đó thật vô dụng cho nên mới lớn được như vậy. Bậc thần nhân cũng cầu được bất tài như cây đó.

6

Nước Tống, ở một nơi tên là Kinh Thị, mọc nhiều cây thu, cây bách, cây dâu. Những cây mà thân vừa một chét tay, thì bị đốn làm cọc cho khỉ. Những cây vừa một ôm thì dùng làm rường cột cho những nhà lớn. To hơn nữa thì khoét làm quan tài cho những thương gia giàu có và các nhà sang trọng. Vì vậy mà những cây đó bị búa rìu đốn, không hưởng hết tuổi thọ. Vì chúng hữu dụng nên mới bị hoạ.

Thời xưa, bọn thầy pháp không dùng con bò trán trắng, con heo mõm cong, và đàn ông bị bệnh trĩ liệng xuống sông để tế thần, vì cho như vậy là bất tường. Nhưng chính thần nhân thì lại cho vậy là đại cát.

7

Xưa có một người hình thù kì quái: cằm thòng xuống tới dưới bụng, vai nhô lên khỏi đỉnh đầu, xương sống đưa lên trời; ngũ tạng [tức tâm, can, tì, phế, thận] nằm lộn ngược lên phía trên [trong ngực], hai đùi đưa lên tới ngang sườn. Hắn may vá, giặt dịa cho người khác, đủ ăn. Hắn vét hột trong các thùng lúa đủ nuôi mười người[26]. Khi có lệnh trưng binh, hắn khoanh tay mà đi thong dong trong đám đông. Khi có lệnh bắt xâu, hắn được miễn vì tàn tật. Khi nhà nước cứu giúp các người tàn tật thì hắn được ba chung[27] lúa và mười bó củi. Một kẻ hình thù kì quái mà tự túc được và hưởng hết tuổi thọ của trời, huống hồ là người làm bộ có đức tính kì quái.

8

Khổng tử qua nước Sở. Một người cuồng nước Sở là Tiếp Dư[28] tới trước nhà Khổng tử, hát:

Con phượng kia, con phượng kia,
Sao mà đức suy như vậy?
Không thể biết trước[29] được tương lai,
Không thể trở lui được về dĩ vãng.
Khi thiên hạ thịnh trị
Thì thánh nhân thực hiện sứ mệnh mình.
Khi thiên hạ loạn lạc
Thì thánh nhân bảo toàn thân mình.
Như thời này thì chỉ cầu đừng bị hình phạt.
Hạnh phúc nhẹ hơn cái lông
Mà không biết ai biết nhận lấy nó.
Tai hoạ nặng hơn trái đất
Mà không ai biết tránh nó.
Thôi đi, thôi đi! Đừng mong lấy đức cảm hoá người.
Nguy thay, nguy thay! Đừng tự làm khổ mình nữa[30].
Gai góc, gai góc! Đừng ngăn bước đường của ta[31].
Đi vòng, đi vòng quanh, đừng để gai đâm vào chân.

9

Cây trên núi tự rước lấy búa rìu vào thân; mỡ tự dẫn lửa nên phải cháy; cây quế ăn được nên bị lột vỏ, cây sơn nhựa dùng được nên bị rạch vỏ. Ai cũng biết chỗ dùng được của vật hữu dụng, mà không biết chỗ dùng được của cái vô dụng.

NHẬN ĐỊNH

Vương Tiên Khiêm tóm tắt ý nghĩa chương này như sau: Nhan đề “Nhân gian thế” có nghĩa là “dương thế” [tức xã hội thời đại Trang tử]. Thiên này[32] bảo: Phục vụ một ông vua bạo ngược, sống trong cái xã hội loạn lạc, ô uế, giao thiệp với người khác, tiếp xúc với sự vật, đừng nên cầu có tiếng tăm mà nên ẩn danh, che giấu bớt đức hạnh của mình đi, như vậy mới bảo toàn được tính mạng và đạo của mình. Cuối thiên, Trang tử mượn lời của Tiếp Dư:

Không thể biết trước được tương lai,
Không thể hối tiếc được về dĩ vãng.

để bày tỏ lòng mình…

Bài 1 chỉ cho ta phép can gián: phải hư tâm, đừng tranh thắng, khi nào không thể không nói được thì hãy nói.

Bài 2 chỉ cách đi sứ, nói rộng ra là cách giao tế: chỉ truyền lại những lời bình thường của người khác thôi, bỏ đi những lời quá lố, làm đúng việc người ta giao phó cho, nhưng đừng mong thành công mà làm quá, như vậy thì may ra bảo toàn được thân.

Bài 3 chỉ cách dạy người: phải thuận theo thiên tính của họ, như nuôi cọp thì phải để ý tới tính hiếu sát của nó mà đừng xúc phạm nó.

Từ bài 4 trở đi – trừ bài 8, bài người cuồng nước Sở khuyên Khổng tử - bài nào cũng diễn ý này: muốn bảo toàn được thân thì che giấu tài đức của mình đi, kẻ vô dụng, tàn tật lại là kẻ sống yên ổn nhất.

Tóm tắt cả chương chỉ dạy ta cách bảo toàn được thân trong thời loạn. Thâm thuý nhất là câu cuối của chương: “Nhân giai tri hữu dụng chi dụng, nhi mạc tri vô dụng chi dụng dã”[33]

Về sự chân nguỵ trong chương này, xin coi phần I, chương II – Nên so sánh chương Nhân gian thế này với chương Sơn mộc, phần III.

Chú thích:
[1] Dịch sát là: cửa nhà thầy lang thì có nhiều bệnh nhân.
[2] Tức hạng đạt Đạo, đức rất cao.
[3] Nguyên văn: phi sở dĩ tận hành dã – Có sách dịch là không làm tiêu chuẩn cho phép xử thế được.
[4] L.K.h dịch là: nếu anh không có gì để can gián thì vua Vệ sẽ thấy anh làm thinh mà tỏ rằng ông ta thắng anh.
[5] Tỉ Can là chú ruột của vua Trụ, cũng là con vua, nên gọi là Vương tử.
[6] Bài II.9 chép là Tông, Khoái (2 nước).
[7] H.C.H. dịch là: sao có thể dùng đức lớn mà cảm hoá ông ta được?
[8] L.K.h. dịch là: nếu bề ngoài anh cúi đầu trước mặt ông ta mà trong lòng không chỉ trích ông ta thì có ảnh hưởng gì tới ông ta được.
[9] Nội trực, ngoại khúc nghĩa là bề ngoài chiều đời, nhưng trong lòng vẫn giữ chủ trương của mình.
[10] Câu này mội sách giảng một khác. L.K.h. dịch là: kẻ nào có thành kiến thì chẳng thấy công việc của mình dễ dàng ư? Trời rực rỡ không hợp với kẻ đó (!)
[11] L.K.h. dịch khác: Con chưa đạt được cảnh giới hư không ấy nên con vẫn còn là Nhan Hồi. Nếu con đạt được thì con sẽ không còn là Nhan Hồi nữa.
[12] L.K.h. dịch là: Nếu anh gặp được vua Vệ thì đừng động tâm vì địa vị của ông ta.
[13] D.N.L. và H.C.H đề dịch: không đi trên đường là điều dễ, đi mà không để một vết chân trên đất là điều khó. Nguyên văn: tuyệt tích dị, vô hành địa nan.
[14] H.C.H. dịch là: Làm việc người thì dễ, vô tâm mà thuận theo tự nhiên là khó. D.N.L.: Ở đời mà có thành kiến thì dễ làm bậy, không có thành kiến thì khó làm bậy.
[15] Nguyên văn: Văn dĩ hữu trí trí giả hĩ. Chữ trí (trí tuệ) ở đây có lẽ nên hiểu là trực giác. Khi mình đã hư tâm được rồi.
[16] Đời thượng cổ Trung Hoa không có ông vua nào tên là Kỉ Cừ, cho nên Văn Nhất Đa, một thi sĩ kiêm học giả hiện đại, cho hai chữ Kỉ Cừ là Nhân Toại, mà Nhân Toại là Toại Nhân (người đầu tiên dạy cho dân tộc Trung Hoa dùng lửa) viết ngược.
[17] Nguyên văn: quả bất đạo, dĩ hoan thành. Mỗi sách giảng một khác. L.K.h.: nếu không theo đạo mà thành công thì rất ít việc, không sinh ra ân hận sau này. Lại có sách chú giải: rất ít việc không làm đúng theo đạo mà rồi vui vẻ thành toại được. Chỉ vì chữ hoan đọc là hoan thì có nghĩa là vui vẻ, mà đọc là quan thì có nghĩa là lo lắng.
[18] L.K.h. dịch là: kẻ bề tôi ở đâu cũng không quên vua được.
[19] Nguyên văn: quá độ dật dã. Có sách bảo chép lộn, phải đọc là: quá độ ích dã, và có nghĩa là: Quá độ là làm tăng mệnh lệnh của vua.
[20] Đoạn này thực tối nghĩa. Mỗi sách giảng mỗi khác.
[21] Nguyên văn: bất tri kì sở dĩ quá. D.N.L. và H.C.H đều dịch là: không thấy lỗi của chính mình.
[22] Có bản dịch là: khiến cho người ta tranh danh dự với mình, mà mưu mô làm hại mình. Nguyên văn: vi thanh vi danh, vi yêu vi nghiệt.
[23] Một vi là mười trượng, như vậy là ngàn thước, tức 1.000 x 0,2m: 200 mét ngày nay!
[24] Một loại như cây lê.
[25] Nguyên văn: nại hà tai? Có sách dịch là: Sao chú lại muốn dùng ta?
[26] D.N.L. và H.C.H. đều dịch là làm nghề bói và đoán số mệnh mà nuôi được mười người.
[27] Chung là một đơn vị bằng 6 hộc 4 đấu (mỗi hộc là 10 đấu)
[28] Tiếp Dư: coi bài 3 chương I.
[29] Có sách dịch: đợi được, hoặc trông cậy được.
[30] Dịch cho sát là: vẽ một vòng tròn trên đất rồi nhảy vào đó mà đứng. L.K.h. dịch là: lựa một nước để phụng sự.
[31] Nguyên văn: vô thương ngô hành. Có sách chú giải chữ hành đó là đầu hay gót chân.
[32] Tức chương này.
[33] Chữ Hán: 人皆知有用之, 用之用也. Chữ giai có nghĩa là đều, cùng; trong sách in là dai – [Goldfish]

颜回见仲尼,请行。曰:“奚之?”曰:“将之卫。”曰:“奚为焉?”曰:“回闻卫君,其年壮,其行独。轻用其国而不见其过。轻用民死,死者以国量,乎泽若蕉,民其无如矣!回尝闻之夫子曰:‘治国去之,乱国就之。医门多疾。’愿以所闻思其则,庶几其国有瘳乎!”
仲尼曰:“嘻,若殆往而刑耳!夫道不欲杂,杂则多,多则扰,扰则忧,忧而不救。古之至人,先存诸己而后存诸人。所存于己者未定,何暇至于暴人之所行!且若亦知夫德之所荡而知之所为出乎哉?德荡乎名,知出乎争。名也者,相札也;知也者争之器也。二者凶器,非所以尽行也。
且德厚信矼,未达人气;名闻不争,未达人心。而强以仁义绳墨之言術暴人之前者,是以人恶有其美也,命之曰灾人。灾人者,人必反灾之。若殆为人灾夫。
且苟为人悦贤而恶不肖,恶用而求有以异?若唯无诏,王公必将乘人而斗其捷。而目将荧之,而色将平之,口将营之,容将形之,心且成之。是以火救火,以水救水,名之曰益多。顺始无穷,若殆以不信厚言,必死于暴人之前矣!
且昔者桀杀关龙逢,纣杀王子比干,是皆修其身以下伛拊人之民,以下拂其上者也,故其君因其修以挤之。是好名者也。
昔者尧攻丛枝、胥、敖,禹攻有扈。国为虚厉,身为刑戮。其用兵不止,其求实无已,是皆求名实者也,而独不闻之乎?名实者,圣人之所不能胜也,而况若乎!虽然,若必有以也,尝以语我来。”
颜回曰:“端而虚,勉而一,则可乎?”曰:“恶!恶可!夫以阳为充孔扬,采色不定,常人之所不违,因案人之所感,以求容与其心,名之曰日渐之德不成,而况大德乎!将执而不化,外合而内不訾,其庸讵可乎!”
“然则我内直而外曲,成而上比。内直者,与天为徒。与天为徒者,知天子之与己,皆天之所子,而独以己言蕲乎而人善之,蕲乎而人不善之邪?若然者,人谓之童子,是之谓与天为徒。外曲者,与人之为徒也。擎跽曲拳,人臣之礼也。人皆为之,吾敢不为邪?为人之所为者,人亦无疵焉,是之谓与人为徒。成而上比者,与古为徒。其言虽教,谪之实也,古之有也,非吾有也。若然者,虽直而不病,是之谓与古为徒。若是则可乎?”仲尼曰:“恶!恶可!大多政法而不谍。虽固,亦无罪。虽然,止是耳矣,夫胡可以及化!犹师心者也。”
颜回曰:“吾无以进矣,敢问其方。”仲尼曰:“斋,吾将语若。有心而为之,其易邪?易之者,白皞(hao4)天不宜。”颜回曰:“回之家贫,唯不饮酒不茹荤者数月矣。如此则可以为斋乎?”曰:“是祭祀之斋,非心斋也。”
回曰:“敢问心斋。”仲尼曰:“若一志,无听之以耳而听之以心;无听之以心而听之以气。听止于耳,心止于符。气也者,虚而待物者也。唯道集虚。虚者,心斋也”
颜回曰:“回之未始得使,实自回也;得使之也,未始有回也,可谓虚乎?”夫子曰:“尽矣!吾语若:若能入游其樊而无感其名,入则鸣,不入则止。无门无毒,一宅而寓于不得已则几矣。绝迹易,无行地难。为人使易以伪,为天使难以伪。闻以有翼飞者矣,未闻以无翼飞者也;闻以有知知者矣,未闻以无知知者也。瞻彼阕者,虚室生白,吉祥止止。夫且不止,是之谓坐驰。夫徇耳目内通而外于心知,鬼神将来舍,而况人乎!是万物之化也,禹、舜之所纽也,伏戏、几蘧之所行终,而况散焉者乎!”
叶公子高将使于齐,问于仲尼曰:“王使诸梁也甚重。齐之待使者,盖将甚敬而不急。匹夫犹未可动也,而况诸侯乎!吾甚栗之。子常语诸梁也曰:‘凡事若小若大,寡不道以欢成。事若不成,则必有人道之患;事若成,则必有阴阳之患。若成若不成而后无患者,唯有德者能之。’吾食也执粗而不臧,爨无欲清之人。今吾朝受命而夕饮冰,我其内热与!吾未至乎事之情而既有阴阳之患矣!事若不成,必有人道之患,是两也。为人臣者不足以任之,子其有以语我来!”
仲尼曰:“天下有大戒二:其一命也,其一义也。子之爱亲,命也,不可解于心;臣之事君,义也,无适而非君也,无所逃于天地之间。是之谓大戒。是以夫事其亲者,不择地而安之,孝之至也;夫事其君者,不择事而安之,忠之盛也;自事其心者,哀乐不易施乎前,知其不可奈何而安之若命,德之至也。为人臣子者,固有所不得已。行事之情而忘其身,何暇至于悦生而恶死!夫子其行可矣!
丘请复以所闻:凡交近则必相靡以信,远则必忠之以言。言必或传之。夫传两喜两怒之言,天下之难者也。夫两喜必多溢美之言,两怒必多溢恶之言。凡溢之类妄,妄则其信之也莫,莫则传言者殃。故法言曰:‘传其常情,无传其溢言,则几乎全。’
且以巧斗力者,始乎阳,常卒乎阴,泰至则多奇巧;以礼饮酒者,始乎治,常卒乎乱,泰至则多奇乐。凡事亦然,始乎谅,常卒乎鄙;其作始也简,其将毕也必巨。言者,风波也;行者,实丧也。夫风波易以动,实丧易以危。故忿设无由,巧言偏辞。兽死不择音,气息勃然于是并生心厉。剋核太至,则必有不肖之心应之而不知其然也。苟为不知其然也,孰知其所终!故法言曰:‘无迁令,无劝成。过度益也。’迁令劝成殆事。美成在久,恶成不及改,可不慎与!且夫乘物以游心,托不得已以养中,至矣。何作为报也!莫若为致命,此其难者?”
颜阖将傅卫灵公大子,而问于蘧伯玉曰;“有人于此,其德天杀。与之为无方则危吾国,与之为有方则危吾身。其知适足以知人之过,而不知其所以过。若然者,吾奈之何?”蘧伯玉曰:“善哉问乎!戒之,慎之,正女身哉!形莫若就,心莫若和。虽然,之二者有患。就不欲入,和不欲出。形就而入,且为颠为灭,为崩为蹶;心和而出,且为声为名,为妖为孽。彼且为婴儿,亦与之为婴儿;彼且为无町畦,亦与之为无町畦;彼且为无崖,亦与之为无崖;达之,入于无疵。
汝不知夫螳螂乎?怒其臂以当车辙,不知其不胜任也,是其才之美者也。戒之,慎之,积伐而美者以犯之,几矣!
汝不知夫养虎者乎?不敢以生物与之,为其杀之之怒也;不敢以全物与之,为其决之之怒也。时其饥饱,达其怒心。虎之与人异类,而媚养己者,顺也;故其杀者,逆也。
夫爱马者,以筐盛矢,以蜃盛溺。适有蚊虻仆缘,而拊之不时,则缺衔毁首碎胸。意有所至而爱有所亡。可不慎邪?”
匠石之齐,至于曲辕,见栎社树。其大蔽牛,絜之百围,其高临山十仞而后有枝,其可以舟者旁十数。观者如市,匠伯不顾,遂行不辍。弟子厌观之,走及匠石,曰:‘自吾执斧斤以随夫子,未尝见材如此其美也。先生不肯视,行不辍,何邪?”曰:“已矣,勿言之矣!散木也。以为舟则沉,以为棺椁则速腐,以为器则速毁,以为门户则液瞒,以为柱则蠹,是不材之木也。无所可用,故能若是之寿。”
匠石归,栎社见梦曰:“女将恶乎比予哉?若将比予于文木邪?夫楂梨橘柚果蓏之属,实熟则剥,剥则辱。大枝折,小枝泄。此以其能苦其生者也。故不终其天年而中道夭,自掊击于世俗者也。物莫不若是。且予求无所可用久矣!几死,乃今得之,为予大用。使予也而有用,且得有此大也邪?且也若与予也皆物也,奈何哉其相物也?而几死之散人,又恶知散木!”匠石觉而诊其梦。弟子曰:“趣取无用,则为社何邪?”曰:“密!若无言!彼亦直寄焉!以为不知己者诟厉也。不为社者,且几有翦乎!且也彼其所保与众异,而以义喻之,不亦远乎!”
南伯子綦游乎商之丘,见大木焉,有异:结驷千乘,隐,将芘其所藾。子綦曰:“此何木也哉!此必有异材夫!”仰而视其细枝,则拳曲而不可以为栋梁;俯而视其大根,则轴解而不可以为棺椁;舐其叶,则口烂而为伤;嗅之,则使人狂醒三日而不已。子綦曰“此果不材之木也,以至于此其大也。嗟乎,醒三日而不已。子綦曰:“此果不材之木也,以至于此其大也。嗟乎,神人以此不材。”
宋有荆氏者,宜楸柏桑。其拱把而上者,求狙猴之杙斩之;三围四围,求高名之丽者斩之;七围八围,贵人富商之家求禅傍者斩之。故未终其天年而中道之夭于斧斤,此材之患也。故解之以牛之白颡者,与豚之亢鼻者,与人有痔病者,不可以适河。此皆巫祝以知之矣,所以为不祥也。此乃神人之所以为大祥也。
支离疏者,颐隐于齐,肩高于顶,会撮指天,五管在上,两髀为胁。挫针治獬,足以𫗫口;鼓荚播精,足以食十人。上征武士,则支离攘臂于其间;上有大役,则支离以有常疾不受功;上与病者粟,则受三锺与十束薪。夫支离者其形者,犹足以养其身,终其天年,又况支离其德者乎!
孔子适楚,楚狂接舆游其门曰:“凤兮凤兮,何如德之衰也。来世不可待,往世不可追也。天下有道,圣人成焉;天下无道,圣人生焉。方今之时,仅免刑焉!福轻乎羽,莫之知载;祸重乎地,莫之知避。已乎,已乎!临人以德。殆乎,殆乎!画地而趋。迷阳迷阳,无伤吾行。吾行郤曲,无伤吾足。”
山木,自寇也;膏火,自煎也。桂可食,故伐之;漆可用,故割之。人皆知有用之用,而莫知无用之用也。

No comments: