Wednesday, November 11, 2009

IX. BỮA TIỆC TẤT NIÊN

***



Khoảng 1985, tôi giao thiệp khá rộng rãi với bạn bè. Trước 1975, tôi chỉ giao du với các đồng nghiệp trong trường. Việc trường, việc nhà, và việc nghiên cứu đã chiếm nhiều thời giờ của tôi, không cho phép tôi mở rộng vòng tay lớn. Sau khi thất nghiệp, tôi hưởng ngày Trời, tháng Phật ung dung vô ngại. Ai rủ đi đâu tôi cũng đi. Ai mời ăn nhậu thì tôi cũng hăng hái tham gia.Người này giới thiệu người kia, người kia giới thiệu người nọ, thành thử mỗi ngày mối quan hệ bạn bè càng rộng rãi. Niềm vui của chúng tôi là kéo nhau vào một quán nhỏ bên lề đường dưới gốc me uống cà phê hoặc nhậu nhẹt và bàn chuyện trời đất. Bà vợ của anh bạn tôi gọi chúng tôi là '' người Việt gốc Me''! Tôi vui vẻ cười và cho đó là một ý kiến khá ngộ nghĩnh! Bây giờ nghĩ lại những ngày đó thật vui. Trong địa ngục, chúng ta vẫn thấy những ngôi sao ở phường trời xa! Và tình bạn trong gian khổ vẫn thiết tha, nồng đượm nhất! Uống cà phê như thế gọi là uống ''cà phê vẫy''! Một sáng nào hay chiều nào đó , ta đạp xe đạp đi lang thang trên đường phố. Bỗng nghe sau lưng như có ai gọi mình. Dừng xe quay lại thì thấy có hai ba bàn tay vẫy rối rít. Không rõ là ai vẫy mình hay vẫy người khác. Tiến lại gần hơn thì thấy rõ trong đám bảy, tám người ngồi dưới gốc me, có vài người mình quen. Thế là xuống yên, dựng xe vào gốc cây, ngồi xuống bàn, rồi giới thiệu nhau, hỏi uống gì, rồi cầm đũa, và nâng chén, không cần biết trong túi còn bao nhiêu tiền, vì tuy nghèo, nhưng trong đám, lúc nào cũng có một hai Mạnh Thường Quân hay Tín Lăng Quân sẵn sàng bao cả bọn! Đó là phong thái của bọn '' ngụy quân, ngụy quyền Sài gòn'' chúng tôi lúc bấy giờ, không biết nay nay còn giữ như thế hay đã biến mất theo ''cơ chế mở cửa''?

Bạn bè chúng tôi đủ loại, là giáo sư, kỹ sư, luật sư, thẩm phán, nhà báo, nhà văn, sĩ quan,binh sĩ và sĩ quan, có kẻ ngồi tù chế độ một hai lần. Một ông bạn già tôi ngồi tù về nên khi ra tù có một nhóm bạn hữu vốn là bạn tù thường đến chơi nhà. Tôi thường gặp họ nên trở thành quen thân, cùng đi ăn nhậu và lui tới nhà. Trong đó có Lê Hiền, làm Tổng thư ký cho tờ Đại Dân Tộc (?) của Tôn Thất Đính, và ông hình như cũng là chủ bút của tờ Bút Thép cho nên Lê Hiền cũng được gọi là Bút Thép. Được giới thiệu là ông cũng đi ngồi tù về.( Hồi ký của Nhã Ca mấy trang đầu cũng nói đến 26 văn nghệ sĩ bị giam tại Phan Đăng Lưu có Lê Hiền). Tôi đã đến nhà Lê Hiền chơi. Đây là một dãy nhà khang trang , hai ba tầng lầu, có hàng chục phòng ở đường Lê Lai, gần nhà ga Sài gòn. Tôi ngạc nhiên hết sức. Vì lúc này, phong trào đánh tư sản đã qua. Anh chị tôi là tư sản, nhà nhỏ hơn mà bị tịch thu, sao ngôi nhà to lớn của Lê Hiền thì không? Tôi nghi ngờ căn nhà này là cơ quan của cộng sản mà Lê Hiền là một tay hoạt động bí mật. Tôi hỏi dò một ông bạn họ Nguyễn vốn là thiếu tá an ninh tổng thống phủ, ông trả lời:
Lê Hiền tên thật là Cao Minh Hựu, là bà con với Cao Minh Chiếm!
Nên biết Cao Minh Chiếm là giám đốc công an Sài gòn lúc này. Dòng họ Cao Minh của Cao Minh Chiếm cũng như dòng họ Hà Huy của Hà Huy Giáp ở miền Nam vốn là cộng sản gộc! Tôi đem việc đó nói với các bạn. Một ông bạn thẩm phán cự tôi bảo rằng tôi chia rẽ bạn bè, nói xấu người tốt. Anh còn bảo rằng bà Lê Hiền là người quốc gia vì khi anh đến nhà, nghe bà Lê Hiền thường chế nhạo nhà nước bây giờ nhiều cục quá nào là cục đường bộ, cục đường thủy, cục đường phèn và cục.
Tôi nói với ông bạn già việc này thì sau đó ông cũng cho biết theo tin tức của ông Lê Hiền là một trung tá cộng sản ở Bến Tre. Sau đó, có người cho biết đã nhìn thấy một văn bản do trung tá Lê Hiền ký. Sau việc này, chúng tôi vẫn giữ thái độ như cũ với Lê Hiền. Nhiều khi Lê Hiền rủ chúng tôi đến nhà người nọ người kia. Ông cho biết ông là bạn cũ hoặc có liên hệ bà con với những người này. Chính việc lui tới này là dịp mà Lê Hiền điều tra thăm dò một số tổ chức chống cộng.
Ông thường hỏi dò tôi:
Trung cộng có khả năng tấn công Việt Nam lần thứ hai không?
Đã biết rõ Lê Hiền nên tôi luôn luôn giữ thế thủ:
- Trung cộng không dám tấn công Việt Nam lần thứ hai vì lần thứ nhất đã bị quân đội Việt Nam đánh cho đại bại . Hơn nữa, nếu Trung quốc tấn công lần thứ hai sẽ bị Liên Xô đánh thẳng vào Bắc Kinh!
- Cộng sản Việt Nam có tồn tại lâu dài không?
-Không.
- Tại sao? Có chứng cớ gì không?
-Kinh Dịch nói cực âm sinh dương, cực dương sinh
âm. Trên thế gian này không thế lực nào tồn tại lâu dài!
Ông cười mà bảo:
- Đó là lý luận cổ hủ, và chung chung, không có tài liệu cụ thể.
Tôi bảo:
- Đúng! Tôi chỉ lý thuyết suông, làm gì có tin tức chính xác!
-Ông thường tỏ cho tôi biết lực lượng của ông đã bắt liên lạc với mấy người Mỹ. Tôi nghe với thái độ dửng dưng cũng như không hỏi han gì về việc này. Tôi cố ý tỏ cho ông biết tôi không thích cộng sản nhưng không chống cộng sản vì tôi chỉ là một nhà giáo bình thường, không có mộng tưởng lấp biển vá trời!
Nhà của ông bạn già tôi sáng tối trưa chiều đều đông văn hữu đến uống rượu ngâm thơ và bàn thiên văn địa lý. Tâm hồn ông bạn cởi mở nhưng vị trí ngôi nhà lại bất tiện cho việc tâm sự trong một giai đoạn nghiêm ngặt của nền công an trị. Nhà ông ở tại một góc đường mà hai bên nhà đều nằm sát đường đi, phòng khách nằm dưới mắt quan sát của khách vãng lai. . . Một người khách mới gặp tôi buổi đầu tại đây nói:
-Mọi việc đều phải qua ngõ Vinh Sơn!
(Ý nói phải chiến đãu như vụ nhà thờ Vinh Sơn). Nghe y nói thế, tôi vội vàng đứng dậy ra về. Một lần khác, một người được giới thiệu là Sao Trên Trời, Sao Trên Rừng hay Sao Dưới Biển gì đó, gặp tôi lần đầu tại nhà ông bạn già, dã bộc lộ tâm sự:
- Các anh có sinh viên đông đảo, các anh phải đứng lên lãnh đạo!
Mới gặp nhau, chưa rõ thân thế mà đã bàn chuyện quan trọng như thế, thì không phải là người tốt. Một là cò mồi, hay là nông nổi, mà nông nổi, dại dột thì không thể làm việc lớn!
Chính ông bạn già của tôi vốn là người từng trải, lại đã nhiều lần vào tù ra khám mà cũng vụng suy. Ông nghe một vài ông nhà báo, và một vài ông bán trời không văn tự, tin rằng quốc tế đã sắp đặt cho vua Bảo Đại về Sài gòn.
Tôi nói rằng:
-Bảo Đại đã làm vua cả nước, nay còn tham gì làm vua một mảnh Sài gòn bốn bề là cộng sản! Giả sử ông là Bảo Đại, ông có dại gì chui vào lưới không? Trong trường hợp này, dân chúng có dám ủng hộ không? Và phe quốc gia có lợi gì không? Sau 1945, rồi 1954, 1968, và 1975, người ta đã bỏ ra khỏi nước, ai dại gì mà đun đầu trở lại cái tròng cộng sản! Giả sử ong về Sài gòn, ông được bao nhiêu quân? Bao nhiêu lương thực để chống nhau với cộng sản? Ai giúp ông vũ khí, tiền bạc để chống cộng? Và quốc tế là ai? Pháp chăng? Mỹ chăng? Mỹ đã tìm cớ rút lui thì trở lại làm gì? Pháp quá yếu, có đủ sức chống Nga, Tàu không? Cộng sản nay chiếm cả nước, dại gì mà chừa một chỗ nhỏ cho Bảo Đại! Giả sử đó là đề nghị của cộng sản, tất có mưu kế, ông tin vào lời hứa của cộng sản chăng?
Ông tức giận ra về. Tôi biết trong tâm, ông cho tôi là một kẻ hèn nhát, nhưng tôi không để tâm, vẫn lui tới chuyện trò với ông. Ít lâu sau, tổ chức này gồm một ông cựu chủ bút , mấy cựu ký giả và ông bạn già bị cộng sản bắt giam về tội tôn phò Bảo Đại. Chính cộng sản đã tung các tin vịt, đã tổ chức, kêu gọi tham gia mà trong tổ chức đã có một số là công an nằm vùng, cùng đốc thúc hành động để rồi chúng vây bắt lập công và tiêu diệt lực lượng đối kháng. Đó là kế hoạch ''dẫn xà xuất động'' của cộng sản.

Như thường lệ, cuối năm chúng tôi thưòng tổ chức ăn tất niên. Lần này, Lê Hiền đứng mời các bạn ăn tất niên tại tư gia của ông. Khi chúng tôi đến đông đủ, trong phòng khách đã sắp sẵn bàn ghế, chén đũa. Trong phòng khách, một người thân thể to lớn, mặt mũi đen đúa hung dữ như là công an trong phòng tra tấn đứng lo phục vụ. Lê Hiền giới thiệu :
- ''Đây là chú Sáu, người nhà''!
Chủ nhân mời chúng tôi ngồi xuống, và chú Sáu rót rượu. Nhưng buồn cười và lạ lùng nhất, ly rượu khai vị lại toàn là xăng! Các bạn tôi nói đùa:
-Năm nay chắc cháy dữ!
Riêng tôi nghĩ rằng đó là một báo hiệu xấu. Chúng tôi nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Trong khi chờ dợi các món ăn bưng lên, chủ nhà đặt câu hỏi và yêu cầu mọi người lần lượt trả lời.
Lê Hiền hỏi:
-Giả sử nay mai công việc xảy ra, chúng ta nên làm khán giả hay diễn viên?
Các bạn tôi, người thì đáp làm diễn viên, người thì đáp làm khán giả. Đến lượt tôi, tôi đáp lời:
- Tôi không thể trả lời ngay được. Tùy tình hình thực tế mà làm diễn viên hay khán giả. Thí dụ như tôi thích tân nhạc mà người ta yêu cầu tôi ca cải lương, tất nhiên tôi không ca cải lương được! Tôi làm thầy giáo mà yêu cầu tôi thủ vai hát bội, dù tôi muốn làm diễn viên cũng không thể làm được. Mọi việc trong tương lai còn tùy khả năng và lòng yêu thích của tôi, chưa quyết là làm diễn viên hay khán giả.
Sau bữa tiệc tất niên, ngày tháng trôi qua trong yên lặng. Xuân qua, hạ tới và đông lại về. Nhóm chúng tôi lại chuẩn bị tất niên. Các bạn tôi muốn lần này tổ chức tại nhà hàng Nguyễn Tấn Đời ở cuối đường Nguyễn Văn Học mà sau này họ đổi tên là Nơ Trang Long, Bình Thạnh. Tôi khuyên các bạn nên tổ chức tại nhà như mọi năm, không nên tổ chức tại nhà hàng vì trước đây họ cũng lợi dụng ăn tất niên tại các nhà hàng để ra mắt tổ chức này, tổ chức nọ, hoặc họp báo để tuyên bố hoặc ra tuyên ngôn. . . Các bạn tôi không nghe lời. Kết cuộc, tháng chạp năm đó, công an bắt hết những ai có mặt. Riêng tôi và một bạn, cũng là nhà giáo, từ chối không dự nên tai qua nạn khỏi. Cũng nên nói thêm rằng ngày các bạn tôi bị bắt, tôi và nhà tôi sang bên nhà nhạc gia ăn giỗ. Khi về, khoảng 5 giờ chiều, tôi định ghé ông ông bạn già trao cho ông bạn một ít giấy trắng để ông bạn sáng tác, dịch thuật ( Lúc này giấy đắt, khó mua). Chẳng may xe hỏng, tôi phải đem thợ sửa mất gần hai tiếng đồng hồ. Xe sửa xong trời đã tối gần bảy giờ. Tôi sợ các con tôi ở nhà chờ đợi, lo lắng nên về thẳng, không ghé thăm bạn già. Hôm sau, nghe tin công an vây bắt nhà bạn, họ chờ mãi cho đến tám giờ tối mới lui binh. May thay, ngày đó không ai ghé nhà ông bạn! Tôi rất mừng vì Trời Phật đã che chở tôi khỏi cảnh ngục tù. Cũng nói thêm nữa, là ngày sau, một ông bạn kỹ sư ( nay tôi quên mất tên) ở Phú Nhuận, đến cho tôi hay các bạn bị bắt. Tôi thản nhiên đón nhận tin trên. Ông bạn tỏ vẻ run sợ.
Tôi bảo:
- Có gì mà phải sợ! Mình không làm gì thì họ bắt mình làm gì!
Một thời gian sau, ông bạn kỹ sư xuất cảnh . Sau mấy năm, các bạn tôi được trả tự do, tôi mới biết trong tù, ngày nào công an cũng tra hỏi về tôi. Các bạn tôi đều trả lời là tôi không tham gia tổ chức. Có người thuật lại rằng ông kỹ sư đến nhà tôi hôm đó là do công an phái tới thăm dò thái độ của tôi ra sao. Đó là kết quả của các vụ án Mười Vân (Đồng Nai) và nhóm Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Mai Văn Hạnh mà hàng ngàn dân Sài gòn bị tai bay vạ gió!

***

No comments: