Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 6

**

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

19.

Liền kề ngôi nhà gỗ lim lợp ngói 7 gian của nhà tôi là ngôi nhà cũng 7 gian như thế của chú Bẩy bị bỏ không đã vài chục năm nay, kể từ ngày chú dẫn cả gia đình vào Nam làm ăn sinh sống. Vì thế nó thành vương quốc của loài chim sẻ với những chiếc tổ như cái búi rác rửa bát ngoài cầu ao giắt chi chít trên những lỗ hổng mái nhà. Từ đây chúng đẻ trứng, sinh con, đánh chửi nhau inh ỏi.
Tôi nhắc đến ngôi nhà hoang này vì gần đây Đội Khoảnh có hai việc làm không thể không gây bàn tán cho mọi người. Một là, bỗng dưng ông ta cho gia đình bà Tụ, cố nông, nơi ông ta đang “ba cùng” được chuyển đến đây ở, mà theo như Đội Khoảnh nói thì để ông ta, vừa làm văn phòng Đội, vừa có điều kiện tiếp tục thực hiện “ba cùng” với gia đình cố nông này. Hai là, bỗng dưng (lại bỗng dưng), ông ta đột ngột hạ thành phần cho chị Nghiệm, từ thành phần liên quan với địa chủ thành trung nông lớp trên. Rồi, dựa vào cái nguyên lý do ông ta đưa ra “thỏ không thể sống chung với chó sói, nông dân không thể ở cùng nhà với địa chủ”, ông ta ra lệnh buộc chị Nghiệm phải từ bỏ gia đình tôi để sang sống với gia đình cố nông Lê Thị Tụ. Tại đây, chị Nghiệm được ưu tiên sở hữu hẳn một gian buồng.
Thế là từ đây ngôi nhà hoang của chú Bẩy trở thành trung tâm của hai cái sự “hành”: Một là, hành xác bố mẹ tôi và các địa chủ khác, hai là hành lạc chị dâu tôi. Tuy vậy Đội sáng suốt nên cũng có sự phân công phân nhiệm rõ ràng. Hành xác địa chủ thì dành cho những người như Kền, như Lâm bạch tạng. Còn hành lạc chị Nghiệm thì đội Khoảnh độc quyền.
Người bị “hành xác” đầu tiên là mẹ tôi.
Theo con số từ văn phòng Đội phích xuống thi số thóc nhà tôi bị truy thu tính đến thời điểm đó là 95 thùng, bao gồm 35 thùng thuế nông nghiệp và 60 thùng thóc thoái tô. Đây là con số ma vì như trên đã nói, nó được tính ra từ diện tích ma, diện tích tự báo. Dĩ nhiên bố mẹ tôi không thể nào đóng nổi số thóc quá lớn này. Năm ấy mất mùa, 9 thùng rưỡi còn chẳng có nói chi 95 thùng.
Đêm ấy cả nhà tôi sợ đến nỗi không ai ngủ được. Vì việc hành hạ mẹ tôi rồi bố tôi, các chú thím tôi và nhiều địa chủ mới được quy lên, đều được diễn ra ở ngôi nhà hoang ấy. “ Con vợ thằng Lân, bao giờ mày nộp đủ số thóc ấy cho Đội” - Tiếng lão Kền . “Dạ, trong nhà con một hạt chả có, chứ đừng nói đến một thùng”- Tiếng mẹ tôi. “Không có thóc thì đưa vàng ra thay cũng được”- “Nhà nông thì làm gì có vàng”- “A, con này bướng thật! Quỳ xuống”… “Véo, véo!” tiếng roi rít lên trong không khí. “Ai, ái…đau quá! Đau quá!” Tiếng mẹ tôi kêu lên. Lại tiếng lão Kền: “Có nộp vàng không thì bảo!”- “Dạ, đã bảo nhà con không có mà”- “A, con mụ này bướng nhỉ- Ra quỳ gối ngoài sân kia! Không phải quỳ chỗ ấy mà quỳ lên cái vỏ mít kia kìa!”- “Xin ông tha cho, thân già đầu gối toàn xương với da, con quỳ không được!”- “Vậy khi bóc lột ông bà nông dân chúng tao chúng mày có hỏi thế không”.
Mẹ tôi được thả về vào lúc đã quá nửa đêm. Cái Thân khát sữa khóc từ chập tối đến giờ tiếng khàn như con mèo hen. Bây giờ đến lượt bố tôi bị gọi sang. Tôi cứ phải lấy tay bịt tai lại vì không sao chịu nổi tiếng quát tháo, tiếng roi vọt đang quật lên da thịt bố tôi mà tôi nghĩ như chính của tôi. Cứ thế hết đêm ấy sang đêm khác, hết bố mẹ tôi lại đến các chú thím tôi liên tiếp bị gọi đến căn nhà hoang này để đánh đập, để truy tô, để cho đám nông dân chưa sạch máu đầu quát tháo, chửi rủa.
Đêm ấy, sau khi bị quỳ trên đám gai mít trở về, quần áo rách bươm, chân tay sưng tấy, bố tôi buồn bã nói với mẹ tôi và tôi, giọng nghẹn lại:
-Tình hình này, nếu cứ ở nhà mãi thì không chết vì đói cũng chết vì bị tra tấn và bị nhục. Bu nó là đàn bà chắc họ chỉ hành hạ thế này thôi. Còn với tôi chắc họ còn làm dữ hơn nhiều và họ sẽ còn khui ra rồi đổ lên bao nhiêu tội lỗi nữa. Thôi xin nhà cho tôi trốn đi. Biết đâu tôi lại tìm được một chỗ sống.
- Ông định đi đâu.
-Tôi đi xuống ấp Thiện Tùng ở dưới bể. Ở đấy người ta vốn kính trọng cụ Hàn nhà mình chắc họ sẽ che chở tôi. Còn kiếm sống thì tôi đã có cái nghề này.
Bố tôi đập tay vào cái bị cói đeo bên người nghe loảng xoảng tiếng kim khí va vào nhau. Đó là nghề cắt tóc. Hoá ra mấy tháng trước ngày Đội về, bố tôi bỗng dưng “dở chứng” ra chợ Thông học ông Mễ được cái nghề “đè đầu thiên hạ” này là vì như thế. Quân tử phòng thân mà. Ai mà biết được!
Nửa đêm, bố tôi khoác bị quần áo và đồ dùng cắt tóc ra đí. Bố tôi đi rồi mấy mẹ con tôi nằm lăn ra giường khóc cho đến sáng.
Gia đình tôi khốn khổ thế, gia đình các chú thím cũng chẳng dễ chịu hơn. Mấy ngày nay, không chịu nổi áp lực của những đòn truy tô, thím Sáu đã phải nhảy xuống cái ao sau nhà định tự tử, khi bụng mang thai sắp đến ngày sinh đẻ. Rất may, người nhà cứu được tính mạng của thím nhưng đứa bé trong bụng thím bị sinh non, thiếu tháng. Đứa bé sinh non ấy, chú Sáu đặt tên là Sạch (Nguyễn Thị Sạch). Tên ấy bổ sung cho tên của anh trai nó, chú đặt tên là Hết, sinh trước hai năm, đánh dấu thời điểm năm 1953, nhà chú bị bọn lính ngụy ngoài bốt Thẫm vào rỡ và lấy đi hầu hết tài sản. Còn Sạch là để đánh dấu thời điểm này. Hết Sạch tức là hết tất cả. Kiếp con ngừơi thật khổ. Hết lúc trước và sạch lúc sau. Bé Sạch do sinh thiếu tháng lại đúng vào lúc cả làng đói vàng mắt nên chỉ sống oặt oẹo bằng nước cơm, cháo khoai lang được mấy tháng rồi cũng ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chỉ còn lại Hết (về sau để dễ phát âm mọi người thường gọi gộp là Hết Sạch) sống đến tận ngày nay nhưng trí óc đần độn, tính tình dở dở ương ương, bố bảo xem chai nước mắm có bị thối không thì bê cả chai lên ngửi ngoài vỏ, lấy vợ về phải có người cầm tay chỉ việc mới biết cách làm tình.
- Tại lúc nó còn bé, bập bẹ nói, tôi bị Đội và ông bà nông dân gọi đi truy tô, bế nó đi theo, nghe tiếng quát tháo, tiếng roi vọt nhiều quá, đầu óc nó hoảng loạn mà hoá ra bị ngớ ngẩn như thế, chứ lúc mới sinh ra nó khôi ngô tuấn tú .
Bây giờ, đã gần 50 năm trôi qua, hễ ai hỏi về Hết Sạch, thím Sáu thường giải thích như thế. Nghĩ mà kinh hoàng, sởn tóc gáy.

20.

Sáng hôm sau, gặp tôi ngoài giếng xóm, chị Nghiệm kéo tôi ra một chỗ rồi nói nhỏ:
- Chị báo tin mừng cho chú. Chị được hạ thành phần rồi. Không còn bị là phú nông nữa mà là trung nông lớp trên!
Tôi chưa kịp hỏi thêm, chị đã giải thích: “Đội bảo, chị là con dâu, ruộng đất đã được nhà chồng chia cho đâu mà bảo là phú nông”.
Vậy là từ nay gia đình tôi mất đi một người. Tôi vừa giận vừa thấy thương chị Nghiệm. Vậy là chị Nghiệm được thành người nghèo rồi. Oi, bao giờ tôi mới được thế nhỉ!
Một buổi trưa, con sáo tôi đang nuôi bị lạc sang căn nhà hoang ấy. Tôi trèo tường sang để bắt nó về nhưng vừa bước vào sân đã bị bà Tụ giữ lại không cho đi: “ Không được vào nhà, Đội đang giáo dục lập trường giai cấp cho con dâu địa chủ”. Tôi biết tỏng tong tổ con chuồn chuồn rồi. Là chuyện ấy chứ còn chuyện gì nữa. Chờ cho bà Tụ mải đuổi theo con mèo vừa quắp đi con cá con trai bà vừa câu được, tôi lẻn ra sau nhà. Chỗ ấy, có chiếc cửa sổ mục nát lâu nay vẫn đóng im ỉm. Thằng Miêng con trai út bà Tụ, 9,10 tuổi, bé dại “không sợ liên quan với con địa chủ”, thấy tôi nó cầm ngay lấy tay rồi vừa cười vừa chỉ chỏ: “Lại đây xem, có cái này hay lắm”. Vừa tò mò, vừa tức với chị Nghiệm nên tôi đi theo nó, dí mặt vào khe cửa sổ, ghé mắt xem. Trời ơi, không ngờ hôm nay tôi lại phải chứng kiến cảnh bẩn thỉu ấy. Trên chiếc giường tre ọp ẹp, phía trước che bằng tấm chăn đơn Nam Định, phía sau trống tuềnh trống toàng, chắc vì Đội Khoảnh không ngờ nơi ấy lại có cái khe cửa sổ để bên ngoài có thể nhòm qua được, hai cơ thể, một đàn ông, một đàn bà trần truồng đang quằn quại, quấn chặt lấy nhau như hai con rắn đến thời kỳ giao phối. A, thì ra đàn ông đàn bà ăn ngủ với nhau là như thế đấy. Chị Nghiệm kính yêu, người bao năm nay chính chuyên, thủ tiết thờ chồng của tôi hôm nay thế này đây. Mặt tôi đỏ bừng lên, tim đập còn rộn ràng hơn cả tiếng trống ếch thiếu nhi những đêm tố khổ. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là hoạt động tính giao của loài người.
Tôi chạy ra ngoài. Lợi dụng lúc vắng người, bắt chước đám quỷ sứ trong xóm mỗi khi muốn trêu chọc bà Tụ, tôi bê nguyên nồi hông nước giải đổ đánh thùm một cái vào chum nước ăn của nhà bà. Rồi tôi biến mất ngay. Bà Tụ từ trong nhà lập cập chạy ra chửi phủ đầu: “Cha tiên sư thằng khốn nạn nào đổ nước đái vào chum nước nhà bà. Phen này bắt được bà xé xác nó ra. Nó là quân Việt gian, quân phản động. Nó phá hoại không để Đội làm việc…”
Rất may, đội Khoảnh hôm ấy không phát hiện ra tôi vừa “nhòm trộm” ông ta. Nếu không chắc tôi cũng bị quy là “Quốc dân đảng phản động” và bị bắt giam rồi.
Kết quả sau những ngày “ba cùng” và thực hiện sứ mạng giáo dục lập trường giai cấp của Đội Khoảnh là: trong khi cái thành phần giai cấp của chị Nghiệm được xẹp xuống (từ phú nông xuống trung nông) thì cái bụng chị lại ngày một to kềnh ra (từ lẹp kẹp đến tròn vo như cái trống cà rùng) để rồi chín tháng sau một “ông Trời cháu” (có thể gọi như thế vì ở quê tôi người ta vẫn gọi Đội là “ông trời con” mà) đã ra đời. Sau vụ việc này, chị Nghiệm bế con, về quê bên kia sông Hồng, bỏ lại sau lưng làng tôi với dòng họ nhà chồng, đồng thời bỏ luôn cả cái thành phần nghèo khổ mà chị mong ước bao lâu mới có được. Từ đó, tôi không được gặp chị nữa. Còn chị, hình như vì quá xấu hổ về chuyện ấy nên cũng không bao giờ trở lại quê tôi.
Ơ quê tôi thời kỳ này những cô gái đẹp nếu không may lọt vào những đôi mắt…xanh, à quên, đục lờ của những ông trời con này thì thật khó mà thoát được. Nhất là một khi các cô được các ông ấy tín nhiệm tuyển chọn làm chỗ để thực hiện “ba cùng”, hoặc “bắt xâu, bắt chuỗi”.
“Đội về Đội dựa vào mông- Đội đi Đội để trống đồng em mang”. Đến nay chưa có ai tổng kết xem ngày đó có bao cô gái bị chửa hoang vì những ông Đội này. Nhưng một khi đã vào ca dao, vào văn học dân gian thì chắc đó không phải là trường hợp cá biệt. Ngày nay đọc lại câu ca dao này ta thấy mỉa mai, cay đắng nhưng ngày đó thực tình có không ít ông bố bà mẹ lại thấy đó là niềm tự hào, mãn nguyện như chuyện có con gái tiến cung ngày xưa.
Không biết En của tôi có thoát khỏi tai nạn này!

21.

Câu hỏi ấy cứ lởn vởn như treo cái móc trước mắt tôi cả một thời gian sau đó. Nó chỉ được trả lời khi vào một đêm trăng thanh gió mát, tôi đi thả bò trên cánh đồng Ao Đào. Đây là thời điểm có thể gọi là lý tưởng với đám trẻ chăn bò. Cả cánh đồng rộng mênh mong lúa vừa gặt xong chỉ còn trơ cuống rạ, khoai lạc thì sắp rỡ, sắp bới, trâu bò được tháo khoán tha hồ ăn lá ăn lá, ăn dây hết ruộng này sang ruộng khác mà không bị ngăn cấm. Thoải mái nhất là vào ban đêm. Thả bò xong, người đi chăn chỉ cần tìm một chỗ nào kín đáo, cao ráo như nóc một ngôi mộ xây hoặc một ụ gò cao, gom rạ khô dưới ruộng trải lên, nhổ dây lang dây lạc cuộn lại làm gối, nằm xuống, mượn gió nồm nam hây hẩy làm quạt, là có thể đánh một giấc ngon lành và nếu không có sương đêm lành lạnh đánh thức bắt choàng dậy chạy đi tìm bò để dắt về thì có thể ngủ đến sáng hôm sau.
Nhưng đêm ấy, nằm như thế lâu rồi mà tôi vẫn không sao ngủ được. Tôi nghĩ đủ thứ, nhớ đủ thứ. Nhớ nhất vẫn là nhớ En. Vậy là từ sau cái đêm tặng nàng chiếc áo rồi sau đó ôm hôn nàng, chiếc hôn đầu tiên của đời tôi để biết được thế nào là hương sắc, là da thịt của người con gái mà dư vị của nó đến bây giờ vẫn còn ngọt ngào dù bao cay đắng trải qua, tôi chưa được ngồi bên En một lần nào. Không khí căng thẳng của cuộc cải cách ruộng đất, những con mắt hận thù, ghẻ lạnh của những người nông dân càng ngày càng kéo dãn ra khoảng cách giữa hai chúng tôi. Chợt nhớ lại câu cái Ngân, em tôi khoe với tôi lúc ban chiều rằng chị En hồi này tối đến thường ra ao Đào cất vó tép, chỗ ấy nhiều tép lắm, có đêm được lưng rá, tôi vội ngồi dậy lặng lẽ âm thầm đi đến chỗ đó với hy vọng được gặp hoặc ít ra cũng được nhìn thấy Én. Đây là cái ao, có mặt đơn côi giữa cánh đồng, nghe nói ngày trước ông nội tôi thuê người đào trên ruộng đất của nhà mình để lấy đất đắp nền nhà. Tôi nhón chân đi như một con mèo. Từ xa, đã cảm nhận được hơi nước lành lạnh thổi tới. Rồi nghe thấy tiếng nước chảy qua vuông vải màn rơi xuống mặt ao lõng bõng. Đến gần thì nhìn thấy En đang giơ chiếc gậy dài ra cất lên từng chiếc vó. Mặt ao lăn tăn gợn sóng lấp lánh. Anh trăng như dát bạc lên những chiếc gọng vó, lên mái tóc dài tha thướt và khuôn mặt thanh tú toả sáng long lanh của En. Nấp đằng sau đống dây lang dây lạc chất cao, tim tôi đập rộn lên. Tôi chỉ muốn nhảy bổ ra ôm chặt lấy En để thoả lòng ao ước bấy lâu nay. Nhưng ngay lập tức tay chân tôi bị khựng lại . Tôi vừa nghe thấy có tiếng người nói lào xào ở trên bờ ao phía sau En. Rõ ràng là tiếng lão Đội Khoảnh. Lúc đầu tôi không rõ đó là tiếng gì, sau mới thấy đấy là câu năn nỉ: “Em làm gì mà cứ chần chừ mãi vậy, bỏ vó đấy, lên đây với anh để chúng ta bàn chuyện này. Mau lên, anh còn đi họp Đội”. Và tiếng En, chỏng lỏn, nhát gừng:
- Anh nói gì thì cứ nói đi. Tôi phải cố cất sao cho đủ số tiền để mai đong gạo, chứ ăn khoai mãi nóng ruột lắm rồi!
Chợt tôi thấy Đội Khoảng đang ngồi bỗng đứng thẳng lên, dập hai bàn tay vào đùi rồi đứng nghiêm và nói như ra lệnh:
- Đồng chí En! Tôi hỏi lại một lần nữa. Đồng chí có chấp hành lệnh của cấp trên của đồng chí không.
Chả biết có phải vì nghe thấy hai tiếng “đồng chí” thiêng liêng này mà ngay sau đó, En đã phải đặt vó xuống nước rồi từ từ uể oải bước lên bờ, đi đến chỗ Đội Khoảnh đang ngồi. Rồi tôi không nghe thấy Đội Khoảnh nói gì, chỉ thấy En nói rất to:
- Tôi đã nói với anh nhiều lần rồi. Tôi đã có người yêu và dù chết, tôi cũng chỉ yêu có người ấy.
Tiếng Đội Khoảnh gầm gừ:
- Cô lại nói đến cái thằng địa chủ chó chết ấy phải không. Này đêm nay tôi sẽ cho cô biết cái trinh tiết ấy của cô liệu cô có giữ cho nó mãi mãi được không nhé! Này, trinh tiết này…
Tôi thấy thằng Đội Khoảnh vật ngửa En xuống rãnh Khoai rồi nằm chồm lên, rồi tôi cũng kịp nhìn thấy En đã chồm dậy được và kêu cứu.
Nhanh như một con ếch nhảy từ bờ xuống ruộng, tôi vọt thảng đến chỗ En. Bằng sức mạnh phi thường bộc phát của tuổi 16, của lòng căm thù lên đến tột đỉnh, tôi dơ thẳng chân đạp mấy cái liền vào mặt thằng Đội Khoảnh. Hắn sợ quá vội buông En ra rồi cứ theo bờ ruộng mà chạy, không hề dám ngoảnh đầu lại. Toàn bộ sự việc diễn ra quá nhanh và cũng do tôi chủ động cố gắng kìm nén không để bật ra một câu nói nào nên cả hai, Đội Khoảnh và En không hề biết người vừa can thiệp là ai. Chỉ đến khi hoàn hồn En mới biết và bảo tôi phải tìm cách thoát thân ngay. Nhờ thế chuyện này sau đấy cũng không ai biết cả. Tôi nghĩ có thể Đội Khoảnh đoán ra được. Nhưng hắn đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt thôi, ngu gì mà mở hũ mắm thối cho người khác ngửi, trong khi “ông vua đứng thứ hai sau Trời” này đang rất cần uy tín, dù giả hiệu.
Nhờ thế mà tôi thoát nạn. Nhưng thật tình cũng nhờ thế mà tôi hiểu được lòng En đối với tôi.

22.

Tôi lại thắp lên 3 nén nhang, gióng lên 5 tiếng chuông và gõ 7 tiếng mõ. Tiếng Én lại hiện về.
Trong đợt tố khổ, anh Kền mỗi lần đi họp về lại bắt em sắp tới phải đứng ra tố cáo ông bố anh là cách đây mấy tháng trước khi đội về, lợi dụng lúc em sang nhà anh để làm việc gì đó, đã đè em ra hiếp dâm em nhiều lần, khi thì ở chân đống rơm, khi thì trong chuồng trâu. Em không chịu, bảo Kền đừng có ăn không nói có, rồi tội ngợp mặt. Kền bảo em, sao ngu thế, bọn địa chủ có được phép cãi lại đâu mà lo. Với lại có tố nặng thì lão ấy mới bị quy là địa chủ cường hào gian ác, mới bị xử tử và mới bị tịch thu toàn bộ gia sản được. Có thế, nhà mình mới được chia nhiều nhà, nhiều ruộng nhà nó.
Rồi anh ta bảo với em: “Tao cũng sẽ tố nó thật nặng. Tao tố rằng cái năm làng mình chưa tề ấy, thằng chánh Lân một buổi trưa đang đi trên đê bỗng dưng làm động tác giả vờ bị gió làm bay mũ xuống ruộng, ấy là nó chỉ điểm đấy. Thế là chỉ một loáng sau, máy bay giặc kéo đến, ném xuống làng ta hai quả bom napan làm chết 2 người và 1 con bò, vậy không phải thằng Lân chỉ điểm thì còn ai vào đây nữa!”
Nói xong, anh ta có vẻ tự mãn về cái tài bịa đặt của mình lắm, đã vừa thổi sáo miệng vừa nói với bố em: “Còn bố nữa. Bố cũng phải nghĩ ra một câu tố nào cho thật độc mới đựơc. Như hắn nhiều lần đánh bố hoặc có lần bắt bố ăn cứt chẳng hạn!” Bố em nghe nói thế, mới tức điên lên, cầm nguyên cái bát điếu ném vào mặt Kền, may mà anh ta tránh được. Bố em chửi: “À, thằng này láo nhỉ, mày dám bảo bố mày ăn cứt hả! Được rồi tao sẽ tố ông chánh Lân. Tao tố rằng năm tháng 3 năm At Dậu nếu ông ấy không lừa gạt giấu vợ con cho tao mấy đấu gạo đem về nấu cháo cho chúng mày ăn dần chống đói thì chúng mày chết lâu rồi”. Kền cười méo miệng: “Nó làm thế là để xoa dịu tinh thần đấu tranh của giai cấp cần lao đấy bố ơi. Coi chừng, bố bị mắc lừa chúng đấy!”.
Thế là em và bố em đứng về một phía, Kền một phía, hai bên cứ cãi nhau ỏm tỏi, không sao dứt được . Chỉ đến khi lão đội Khoảnh từ nhà bà Tụ hớt hải chạy sang theo yêu cầu của Kền, bố con em mới tạm yên.

No comments: