NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)
Đêm ấy, trừ cái Thân, em út tôi còn bé, chưa dứt sữa mẹ, còn lại cả nhà, kể cả cái Ngân, mới mười tuổi, đều mất ngủ. Bố tôi chốc chốc lại bật lửa hút thuốc lào. Tiếng điếu rít trong đêm nghe thật ai oán. Mẹ tôi thì liên tục lẩm bẩm trong miệng: “Đúng là mình ngu, ngu hết chỗ nói. Ngày đó được đồng nào xào đồng ấy, có phải vừa sướng thân, đỡ khổ chồng con, lại giờ đây được mọi người kính trọng. Con ơi, con đừng giận bu . Đáng nhẽ cái phiên chợ Thông hôm ấy bu phải mua áo len cho con , đằng này bu lại tiếc tiền chỉ dám mua cho con một chiếc áo sợi. Bu chỉ nhằm nhè dành tiền để mua ruộng thôi”.
Tôi thì lại càng đau khổ hơn. Bởi dù gì thì bố mẹ tôi đang cảnh về chiều trong khi tôi như bình minh vừa ló. Đời chúng tôi còn dài lắm. Chả lẽ chúng tôi không có quyền được phấn đấu, không có quyền được trở thành ngừơi hữu ích của xã hội.
Hôm sau đúng là ngày “lịch sử sang trang” với gia đình tôi. Mở đầu là cách xưng hô mà ông bà nông dân dành cho bố mẹ tôi, những người năm ấy đều ở tuổi ngoài năm mươi. Mà nếu như chiều hôm qua, hôm kia họ còn gọi bố mẹ tôi là ông, là bà rồi xưng con xưng cháu thì nay tất cả từ đứa nhãi ranh chưa sạch máu đầu đến người rụng răng, tất cả đều đồng loạt gọi bố mẹ tôi là thằng, là mày, là con mẹ, là con mụ, con đĩ rồi xưng tao, chúng tao nghe cứ ráo hoảnh như đám trẻ con ngoài bãi chăn bò đánh chửi nhau…Ai đặt ra cái quy định vô văn hoá này nhỉ! Ai. Cho mãi mãi những năm tháng sau này, tôi vẫn không được nghe một lời giải thích, một chỉ thị hay một chủ trương.
Phát súng đầu tiên bắn vào nhà tôi bằng thứ ngôn ngữ xằng bậy này không phải ai khác mà là từ miệng lão Kền:
- Vợ chồng thằng Lân đâu ra cho ông bà nông dân bảo.
Cả nhà tôi sững sờ. Bố tôi không tin vào lỗ tai mình nên chạy ra hỏi lại :
- Kền! Nói gì ?
- Kền kèn cái con mẹ chúng mày! Thôi, không lôi thôi dài dòng văn tự nữa, nghe tao báo lại lời của các anh Đội đây: Chiều nay vàng mặt trời, vợ chồng nhà mày phải đến từ đường ông Thoại để nghe Đội phổ biến chính sách đối với gia đình địa chủ. Không được vắng mặt, nghe chưa?
- Dạ…vâng.
Lần này, chắc để yên chuyện, bố mẹ tôi đồng thanh “ngoan ngoãn”.
Bọn họ đi rồi, cả nhà tôi ngao ngán. Nhục ơi là nhục. Nếp sống tôn ti gia truyền của gia đình chúng tôi đâu rồi. Bao đời nay chúng tôi tôn ti đến mức đã là con nhà bác thì bé cũng phải được gọi bằng anh, bằng chị. Vậy mà nay, đúng như mẹ tôi nói, họ nhà tôm lộn cứt lên đầu rồi. Khủng khiếp quá.
14.
Trưa hôm sau, vừa ăn cơm xong thì chị Nghiệm sang nhà rủ tôi đi họp “con cái địa chủ”. Bố mẹ tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Chị Nghiệm là vợ anh Nghiệm, anh cả tôi, bao năm nay ở goá thờ chồng. Anh Nghiệm bị giặc bắn chết cách đấy 4 năm trong trận càn Quang Thẩm khi chúng bắt thanh niên trai tráng xếp thành hàng cho chúng lia đạn trung liên. Năm Cải cách chị Nghiệm 25 tuổi. Khá đẹp. Nếu Én đẹp trần tục như quả chín lúc nào cũng hấp dẫn mời gọi bầy chim thì chị Nghiệm dân giã như bức tranh tố nữ chỉ muốn treo cao để ngắm nhìn. Đẹp thế, vậy mà suốt 4, 5 năm goá chồng, chị vẫn giữ được mình, vẫn lạnh lùng với mọi cám dỗ. Nhớ mùa hè năm ngoái khi hoà bình mới lập lại, không biết từ đâu đưa đến, quê tôi bỗng dưng như lên cơn động rồ, cả xóm, cả làng, trai gái trẻ già xúm xít rủ nhau đi nhảy …kết đoàn. “Kết đoàn là sức mạnh, kết đoàn là chiến thắng”. Chỗ nào cũng nhảy, cũng hát bài hát đó. Cứ có hai người trở lên là nhảy. Nhảy ở sân nhà. Nhảy ngoài sân đình. Nhảy ngoài đồng. Những đêm trăng sáng thì nhảy thâu đêm. Muốn mời ai nhảy chỉ cần vỗ hai tay vào nhau đánh đét một cái, xoè ra, nhịp nhịp bàn chân và miệng hát: “Chúng mình cùng đoàn kết tiến lên…Xây cuộc đời tươi mới hoà bình…”là bạn nhảy, dù đang băm bèo cho lợn hay hút thuốc lào… cũng bỏ việc đấy, đứng lên tay nắm tay, dậm dậm chân, nhảy và nhảy. Cứ như điên. Thật lạ. Ngày đó không ai thống kê được xem có bao cô gái trinh bạch, xuân xanh hơ hớ…chỉ vì nhảy mà biến thành… đàn bà, bụng mang dạ chửa. Chắc là nhiều. Vì thế mới thành ca dao : “Người ta chết vì nước vì non – Con gái tôi chết vì son đố mì”. Chị Nghiệm của tôi thật đáng ngợi ca vì đã không bị dính vào đám mạng nhện đó. Phải nói chị là người bản lĩnh. Vậy mà…
Chị Nghiệm bảo với tôi sáng nay đội Khoảnh cũng báo cho chị biết có cuộc họp này. Tôi hơi lấy làm lạ. Sao đội Khoảnh lại báo riêng cho chị ấy.
15.
Theo lời dặn của Én, trước khi mở cuốn băng ghi âm ra nghe, tôi thắp lên 3 nén nhang, gióng lên 5 tiếng chuông và gõ lên 7 tiếng mõ. Quá khứ và hiện tại như hoà quyện lấy nhau.En lại hiện về chập chờn hư ảo. Tiếng Én xa xôi như từ cõi âm vọng về:
“Mấy đêm nay, em không sao ngủ được. Em có hỏi anh Kền sao lại đánh người ta. Anh ấy bảo địa chủ là giống hôi tanh bẩn thỉu như loài chó, chuyên hút máu người, như loài đỉa, không đánh nó để nó nhờn, nó liếm mặt, nó đeo bám à! Em cũng hỏi sao người ta già bằng bố bằng mẹ mình mà các anh lại gọi bằng thằng, bằng mày. Kền trả lời: Phải thế mới hạ được uy thế của bọn địa chủ. Chứ cứ gọi chúng bằng ông bằng anh như trước, chúng coi thường, khó hoàn thành công cuộc cải cách lắm, Đội bảo vậy, Đội bảo đúng là đúng, cô cứ tin đi.
Em căm ghét Kền lắm. Em chỉ muốn nhổ bọt vào mặt anh ta. Đồ bất nhân. Em hứa với anh bất kỳ hoàn cảnh nào em cũng vẫn yêu anh. Dạo trước, bất chấp sự ngăn cản của mẹ, anh cứ yêu em thì nay cũng chẳng ai cấm được em yêu anh. Em yêu anh đến trọn đời, mong anh hãy tin như thế !”
16.
Trong thời gian xây tháp, căn nhà nhỏ bé lụp xụp như cái chuồng trâu lâu nay khoá cửa bỏ đấy của cô Ngân, em gái tôi được trưng dụng làm “trụ sở ban chỉ huy công trường”. Có hơi người gian nhà ấm áp hẳn lên. Chả bù mấy năm vừa qua nền nhà cứ mốc xanh, ngai ngái. Tuy vậy, với cái nhà bé bằng mắt muỗi này, lúc đầu có vài người thì còn ở được, sau con cháu đánh tiếng về đông, nhà không chưa nổi, chúng tôi đành phải chia bớt người sang bên nhà vợ chồng lão Hết Sạch, con chú Sáu. Bên ấy nhà hai tầng rộng rãi, thoáng mát, bao nhiêu người mà chả chứa hết. Hết Sạch năm nay cũng đã già, gần 50 tuổi rồi còn gì, vậy mà hắn nói vẫn chưa sõi, vẫn chưa phân biệt được giữa tôi với hắn họ hàng máu mủ thế nào, đi đường vẫn cứ chúi đầu về phía trước, gặp ai cũng mắt trước mắt sau chỉ tìm cách trốn chui trốn lủi. Nghe nói hắn sợ, ai hắn cũng sợ, kể cả đứa trẻ con, vì cứ tưởng đó là “ông đội cải cách” đến bắt mẹ nó đi truy tô. Ay vậy mà cái lão “thần kinh” ấy gần đây lại là tấm gương điển hình để nhiều người đem ra so sánh rồi chửi chúng tôi rằng “các bác mang tiếng có hệ thần kinh tốt đẹp rồi trí óc khôn ngoan hơn thằng Hết Sạch rất nhiều nhưng thử hỏi có bác nào phục hồi nổi được toàn bộ cơ ngơi nhà cửa của bố mẹ ngày trước. Vậy mà vợ chồng thằng Hết Sạch làm được đó. Thế mới tài.
Mà nào có phải học hành tốn cơm tốn gạo gì đâu. Từ ngày lấy nhau về, mà cái sự lấy nhau này bây giờ cũng vào loại “chuyện lạ Việt Nam”, đêm động phòng phải có người hướng dẫn trước cho Hết Sạch, phải làm thế này thế nọ, sau đó hai vợ chồng chỉ có hàng xay hàng xáo, chỗng giã vợ sàng mà làm nên cơ đồ này đó, giỏi chưa. Vậy mà các bác kêu gọi người ta về nguồn, bản thân các bác đâu có về nổi. Chả ai như bác (ấy là họ nói tôi) một miếng đất để đủ xây cái từ đường cho chi họ, cũng không lo nổi, đến nỗi phải xây cái chuồng chim để thờ, lại còn sĩ diện gọi là tháp lưu niệm, thật nhục ơi là nhục!”
Sau gần hai tháng trời mấy anh em tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt, cái tháp lưu niệm đã gần hoàn thành. Phải nói Túy, con trai chú Hai tôi, có tài kiến trúc và đầu óc thẩm mỹ. Nhìn ngôi tháp ai cũng ưng ý. Vừa có dáng tháp rùa ở hồ Hoàn Kiếm, vừa như chùa Cổ Lễ bên Nam Định thu nhỏ. Tháp cao chỉ khoảng độ 4 mét nhưng vẫn đủ chỗ để chia được thành năm tầng, mỗi tầng tương ứng một thế hệ. Tính từ đời cụ Giáo là cụ cố thì đến đời con cái chúng tôi là đã trọn 5 đời . Sách Thọ Mai xưa quy định khi đã quá 5 đời, con cháu sẽ chôn bài vị đi, không còn phải cúng giỗ đời thứ nhất nữa (ngũ đại mai thần chủ)
Trên thân tháp, mỗi tầng lại được chia làm từng ngăn nhỏ làm thành tủ thờ riêng cho mỗi gia đình, mỗi cá nhân.
Bốn mặt của tháp, được đắp nổi thếp vàng bốn đôi câu đối với bốn chữ “đại tự” viết bên trên. Mặt bắc có chữ “Đức”, mặt đông chữ “Hữu”, mặt tây chữ “Thế”. Mặt nam có chữ “Tâm”. Đôi câu đối của mặt Nam là: “Đức thừa tiên tổ thiên niên thịnh- Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh” . Có nghĩa “Thừa hưởng đạo đức của tổ tiên thì nghìn năm phát triển- Phúc đức con cháu được hưởng đến trăm đời”. Có ý răn dạy con cháu nên luôn nhớ đến tổ tiên.
Chúng tôi phân công vợ chồng Hết Sạch quản lý ngôi tháp với nhiệm vụ thắp nhang, quét dọn, đóng mở cổng khi có người muốn vào cúng bái . Anh em con cháu sẽ góp tiền lại để hàng năm trả lương cho vợ chồng nhà này.
Đêm hôm ấy vợ chồng Hết Sạch chính thức thực hiện nhiệm vụ được giao. Hết sạch đem chăn màn đến ngủ. Hai ngọn đèn điện, một ở cổng, một ở đỉnh tháp được thắp sáng suốt đêm. Gần năm mươi năm nay, gia đình, họ hàng chúng tôi mới có được một “sinh hoạt cộng đồng” vui như thế. Ai ngờ, sáng sớm hôm sau, vừa bảnh mắt, Hết Sạch đã hốt hoảng chạy về nhà, nói chẳng ra hơi, vừa nói vừa bịt mũi, liu lô líu lường:
- Cức ! Thằng đểu nào… nó…nó trát cứt… lên tường… lên cả …bệ thờ! Thối…thối lắm.
Tôi vội chạy sang đã thấy mấy đứa em đứa cháu đến đó trước, hai tay bịt mũi, đầu lắc lia lịa. Bọn lưu manh không chỉ trát cứt, chúng còn dùng than củi viết la liệt, làm sống lại những câu khẩu hiệu, tưởng đã quên đi được từ mấy chục năm nay: “Đả đảo bọn địa chủ!”, “Cương quyết không cho bọn địa chủ ngóc đầu dậy”, “Hãy dìm chúng nó xuống bùn đen vạn kiếp”… Cô Thêu, vợ lão Hết Sạch, đọc thấy tức quá chanh chua chửi, không khác gì bà nông dân bị mất gà:
-Tiên sư quân khốn nạn! Không ngóc đầu dậy để cả đời cứ phải đói rách, phải đi ăn mày ăn xin ăn cắp à. Đừng thấy người ta ăn nên làm ra, học hành tấn tới, ghen ăn tức ở, hiểu chưa!
Chả ai còn lạ gì lối chửi chanh chua của mấy người đàn bà nông thôn miền bắc. Tôi bảo Thêu không được chửi bậy nữa mà trứơc mắt phải xúm nhau lại dọn cho sạch đám bẩn thỉu dơ dáy này đã.
Thế là mỗi người một việc, người xách nước, kẻ lau chùi, chả mấy lúc tháp thờ nhà tôi lại thơm tho sạch sẽ như cũ. Tôi ra xã rồi lên huyện báo cáo chuyện vừa xảy ra. Một anh công an huyện được phái về để làm sáng tỏ điều này. Tôi đi với anh sang nhà lão Kền. Vậy là lâu lắm rồi hôm nay tôi mới lại bước vào căn nhà này. Một cái ổ chuột thì đúng hơn. Chăn gối, giường chiếu bừa bộn. Mùi hôi thối của phân, mùi khai khắm của nước tiểu ứ đọng lâu ngày xông lên tận óc, tởm lợm. Một lão già hốc hác như nắm xương khô với chiếc đầu lâu sâu hoắm hai hố mắt, nằm bất động trên chiếc giường bằng tre ọp ẹp, định cất đầu dậy nhưng do không gượng nổi nên lại nằm vật xuống, nhếch cái miệng móm mém ú ớ định cất tiếng chào nhưng không nên lời làm tôi phải lên tiếng trước:
- Oi, ông Kền đấy ư !
Tôi đến nắm lấy tay lão. Kền run rẩy nắm lại, miệng lắp bắp mãi mới nói được: “Cậu! Cậu vẫn khoẻ chứ!”
Tôi chẳng muốn cải chính tiếng “cậu” làm gì. Chẳng qua đó cũng chỉ là thời tiết, sáng nắng chiều mưa của đời người, của nhân tình thế thái, việc chi phải nặng lòng.
Tuy lâu rồi hôm nay mới gặp lại lão già này nhưng những “thành tích bất hảo” của lão, tôi chẳng còn lạ gì. Tôi biết ngày ấy, sau khi Đội rút đi, do thuộc thành phần cốt cán bần cố nông nên lão được cử làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xóm Trung, chứa tới 125 hộ với diện tích vài trăm mẫu. Đang từ một cố nông, không thước đất cắm dùi, kinh nghiệm quản lý đã không, đến kỹ thuật cày cấy lão cũng rất lơ mơ, nên cái hợp tác xã do hắn đứng đầu sản xuất bị thất bại, xã viên đói mờ mắt là chuyện hiển nhiên, không tránh khỏi. Đã vậy, lại mang sẵn trong người cái máu thèm tiền (máu tham hễ thấy hơi đồng là mê)của người đã mấy đời không nghèo khổ, lão đã không thoát khỏi sự mồi chài, quyến rũ của đồng tiền. Thế là lão, trước tiên bị sa thải vì năng lực yếu kém, sau phải vào tù vì tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa với mức án 10 năm. Rồi trong tù lão lại phạm thêm tội nữa, tội giết bạn tù vì gianh ăn và bị khoác thêm mức án 20 năm. Lão mới ra tù về nhà cách đây mấy tháng, về được ít hôm thì bị xuất huyết não, bán thân bất toại, ỉa đái cả ra quần áo, giường chiếu. Đứa con dâu lão, vợ của thằng con trai nghiện ma tuý nặng, di chứng của những ngày đi đãi cát tìm vàng, mỗi lần phải tự tay dọn cứt dọn đái cho lão lại chửi lão tục tĩu hơn chửi chó.
Anh công an đi cùng tôi vào đề luôn:
- Ông Kền có biết đứa nào trát cứt lên bàn thờ nhà người ta không!
Lão giả vờ như không nghe thấy, anh công an phải nhắc lại. Bấy giờ hắn mới nhăn mặt:
-Thưa không biết ạ!
Anh công an tấn công thêm:
- Làm thế là phạm tội hình sự đấy ông Kền ạ. Tội xúc phạm nơi thờ tự của người khác đấy.
Nghe xong , hắn không biết nói gì thêm, tiu nghỉu gật đầu chào lại khi chúng tôi quay chân ra về. Bỗng hắn cho cô con dâu chạy ra gọi tôi quay trở lại rồi nói nhỏ:
- Cậu có tiền cho lão mấy đồng. Lão đói quá,thèm miếng bún ăn với mắm tôm mà lâu nay chẳng có.
Tôi đưa cho lão tiền. Lão run run đỡ lấy bằng cả hai tay, mắt sáng lên nhìn tôi như kẻ tội đồ được quan toà chiếu cố giảm án. Lão lầm bầm trong miệng: “Vậy là cuối cùng, chúng tôi vẫn lại là…chúng tôi!”
Từ đấy cái tháp thờ nhà tôi mới tạm yên.
17.
Cũng vào cái năm Mùi ấy và lại vẫn vào buổi chiều. Nắng hè đổ dài bóng cây cau xuống mảnh sân gạch trước cửa nhà. Con ngõ tre men theo bờ ao sau nhà tôi vang lên tiếng trống ếch và tiếng hô mới lạ của đội thiếu nhi: “Kính mời bà con nông dân đến từ đường ông Thoại tham gia tố khổ !”.
Bố tôi bỏ chiếc xe điếu xuống, thở dài:
- Thế là bước đầu tiên của cuộc phát động quần chúng đã bắt đầu.
Tôi buồn bã hỏi lại:
- Hôm nay người ta tố ai thế thầy nhỉ?
Bố tôi buồn buồn:
-Thiếu nhi chả vừa hô đấy thôi. Có khổ tố khổ. Họ sẽ tố tất cả những điều họ cho là khổ.
Dĩ nhiên các gia đình địa chủ, phú nông không được tham gia tố khổ. Đêm ấy tôi rủ Thăng đi nghe trộm xem họ tố khổ thế nào. Chúng tôi trèo lên ngọn cây si mọc ở bờ ao trước cửa từ đường, chui vào búi rễ chằng chịt rậm rịt như râu kỳ lân tết trung thu . Trong quầng sáng vàng khè của hai ba ngọn đèn bão, cuộc tố khổ được mở đầu bằng một chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Có ai đó hát rằng: “Thằng phong kiến thường hay nói rằng: giầu nghèo hay đói no, tình chung là tại số. Kiếp trước ông trời đã định cho chúng ta”. Rồi hàng loạt người hát nhái theo điệp khúc: “Đừng nghe lời quân gian tham, bần cố trung nông ta ơi, đời mình xác xơ là vì địa chủ”. Tân nhạc xong là đến hát chèo. Không ngờ người lên “hát hiến tặng bà con một bài” lúc này lại là nàng Én của tôi. Nàng hát bài chèo theo điệu xẩm xoan“Ai xui là xui bông lúa chín”. Giọng nàng ngọt lìm gạo tám thơm. Mỗi câu hát lại như xoáy vào lòng tôi một nỗi buồn tê tái.
Cuộc biểu diễn văn nghệ chấm dứt, cuộc “biểu diễn” thứ hai có tên là “tố khổ” được bắt đầu lên. Đội Khoảnh đứng lên làm “nhạc trưởng” “hát” mấy câu mào đầu. “Hàng nghìn năm nay nông dân ta lầm than đói khổ là do sự bóc lột tàn bạo của giai cấp địa chủ. Bọn chúng là con muỗi, con đỉa hút máu nông dân. Chúng ta phải vùng lên tiêu diệt chúng. Muốn thế phải có lòng căm thù. Căm thù càng lớn hành đông càng lớn. Mà muốn căm thù thì phải vạch ra được tội ác của chúng. Phải tố khổ. Trong chúng ta đây ai mà chả có khổ do bọn địa chủ gây ra. Vậy đề nghị bà con anh chị em hãy tố ra!”. Đội Khoảnh vừa nói xong, đã thấy từ cuối nhà vang lên tiếng hô mào đầu của Kền: “Có khổ tố khổ! Nông dân vùng lên! Tố khổ nhiều, đấu tranh mạnh!” Lập tức cả trăm cái mồm hô theo.
Đêm ấy bà con nông dân xóm tôi đã đứng lên tố địa chủ với đủ mọi loại tội ác nghe rợn cả người. Nào tội đánh người. Tội hiếp dâm. Tội ngồi mát ăn bát vàng. Tội thu nặng địa tô. Tội chỉ điểm cho giặc đem máy bay đến ném bom. Tội là Quốc dân Đảng. Qua đây cho thấy người nông dân nào cũng tốt, cũng khổ, cũng bị bóc lột tận xương tuỷ và tên địa chủ nào cũng gian ác, dã man, dâm dục.
Nghe chán tai quá, tôi rủ Thăng luồn cành cây nhảy xuống bờ ao chuồn về nhà. Rất may không ai nhìn thấy chúng tôi.
Sau buổi tố khổ có tính chất mở màn ấy, cả xã tôi bừng lên cơn sốt tố khổ. Người người tố khổ, nhà nhà tố khổ, đêm trước tố không hết, khổ còn nhiều thì dành đến đêm sau rồi đêm sau nữa tố nốt. Tố ở xóm không đủ thì tố ở thôn, ở xã. Khổ ít nói thành khổ nhiều. Không có khổ thì cứ việc bịa ra rằng mình khổ. Không bị đánh đập cứ vu là bị đánh đập. Không bị hiếp dâm cứ nhận là bị hiếp dâm. Đã sao. Có ai xác minh gì đâu mà lo. Dịp này quê tôi bỗng dưng xuất hiện một từ ngữ mới xưa nay chưa có trong từ điển. Đó là từ “tố điêu”. Tố điêu. Đúng thế. Và ai cũng biết thế, nhưng không ai từ chối nó, không buổi họp, buổi mít tinh nào, lại không vang lên những khẩu hiệu mang nội dung đó, được hùng dũng hô to qua cửa miệng của hàng trăm hàng nghì người: “Có khổ tố khổ- Nông dân vùng lên- Tố khổ nhiều- Đấu tranh mạnh…”.
Về sau tôi mới được biết để những người nông dân quê tôi có thể đường hoàng đứng lên giữa chỗ đông người, nói trơn lèo lèo, không ngập ngọng, chữ tác đánh chữ tộ, không run như cầy sấy, ngược lại nhiều khi còn biết diễn tả tình cảm, sứơt mướt khóc lóc làm nhiều người nghe phải chảy nước mắt xụt xùi theo, là do trước đó Đội Khoảnh trong nhiều đêm liền đã phải làm “đạo diễn” bất đắc dĩ cho những “diễn viên” tự nguyện diễn theo kịch bản đã soạn sẵn. Nào là phải tố thế nào cho lâm ly bi đát, phải khóc mếu thế nào cho rung động lòng người. “Thằng địa chủ gian ác kia! Mày cúi mặt mày xuống, mày vểnh tai mày lên, để nghe tao nói đây” là những câu giáo đầu được hầu như tất cả nông dân làng tôi lúc này thuộc lòng. Mà muốn được diễn tả thành thạo những động tác ấn đầu, vít tóc địa chủ điệu nghệ như diễn viên trên sân khấu, bà con nông dân quê tôi thường phải được tập luyện nhiều đêm tại sân đình với những thân cây chuối dựng đứng đóng vai địa chủ.
Cũng mãi sau này tôi mới hiểu người ta đua nhau tố điêu như thế chỉ vì có như thế người tố mới được thêm ruộng thêm vườn thêm nhà thêm cửa. Có thế, người không nghèo và có lý lịch ba bốn đời không trong sạch cho lắm, như có cụ cố là phó lý, có ông nội là lý trưởng, có bố là trương tuần… mới có cơ may thoát khỏi bị quy là địa chủ, phú nông.
Chưa bao giờ làng tôi, những người không nghèo lắm hoặc những người lo bị rơi vào hoàn cảnh như chúng tôi, ngày nào cũng mơ, đêm nào cũng ước, ôi…giá gia đình mình sau một đêm thức dậy bỗng được trở thành một người nghèo, nghèo rớt mùng tơi như cụ HàVăn Quận ở Thanh Hoá, được chụp hình trên tờ báo ảnh Việt Nam, ra vào dịp cuối năm 1954, 80 tuổi vẫn chưa biết được cục đường hình thù vuông méo ra sao, mùi vị ngọt đắng thế nào.
Thế mới là hạnh phúc!
18.
Đợt “tố khổ” khủng khiếp qua đi. Đám địa chủ chúng tôi tưởng những nỗi khổ do bà con nông dân trút lên đầu mình đã được giải toả, được hạ nhiệt thì sẽ chả còn cái gì để mà “khổ” nữa. Nào ngờ lại còn nhiều cái “khổ” hơn. Khổ vì phong trào “tự báo ruộng đất”, khổ vì chiến dịch “truy tô” và khổ vì đấu tranh trên “đấu trường”.
Tự báo ruộng đất là gì? Thưa, là cái phong trào xác định diện tích ruộng đất, vườn tược, ao chuôm không cần thước đo, không cần căn cứ vào sổ sách văn tự, mà đơn thuần chỉ bằng cảm giác chủ quan.Theo đó, ông bà nông dân sẽ tự báo lên cho Đội, cho những người dự hội nghị biết diện tích từng thửa ruộng , từng mảnh vườn của mỗi gia đình địa chủ, theo như lối bán đấu giá, để từ đó Đội tính ra số thóc lúa phải nộp thuế nông nghiệp, phải truy thu hoặc số thóc tô phải thoái .
Không biết bao nhiêu chuyện khôi hài. Mảnh ruộng của nhà tôi ở ven đường Cổ Cò, trước cửa đình Hát là thuộc vào diện này. Kích thước của nó, ngang bao nhiêu, dọc bao nhiêu, bản đồ địa chính vẽ từ thời Pháp và trong văn tự ghi rõ rành rành như thế, vậy mà Đội không tin, phải đem ra bình bầu lôi thôi rắc rối thế này :
Ong Cấp vốn là người nuôi rẽ bò nhà tôi lên tiếng trước:
- Mảnh ruộng ấy không phải 5 sào như địa chủ khai trong giấy tờ đâu. Mà phải là 7 sào. Mấy năm trời đánh trâu cày bừa mảnh này, tôi biết mà. Chồn cả chân bò, mỏi nhừ cả gối người .
Lâm bạch tạng tiếp:
- Mảnh ấy, không 8 sào, tôi xin đi đầu xuống đất. Một lần gánh rạ qua tôi thấy nó lớn lắm mà.
Thằng Tạo lác bĩu môi:
- 8 sào sao được. Phải là 1 mẫu. Cấy rẽ mấy năm tôi biết mà.
Kết quả lần tự báo khôi hài ấy, mảnh ruộng 5 sào nhà tôi tăng diện tích 1 mẫu 2. Các mảnh khác cũng bị dãn nở như bị nấu với bột nở như thế, làm số ruộng đất vốn có của gia đình tôi trong phút chốc phồng lên từ 5 mẫu đã vụt lên thành 9 mẫu 7 sào.
Hỏi thăm những địa chủ khác thì thấy ruộng đất nhà họ cũng đều bị những cái miệng thần…dân như miệng lưỡi phù thủy, làm tăng đột biến như thế. Nhà chú Sáu từ 3 mẫu lên 5 mẫu. Chú Tư, chú Năm từ 2 lên 4.
Từ số diện tích ma này, tất nhiên số thóc tô, thóc thuế nông nghiệp phải truy nộp cũng phải cũng phải tăng theo, phải thành con số … ma luôn. Các gia đình địa chủ chết về những con ma ấy. Con ma của nhà tôi là 95 thùng thóc các loại. Các nhà khác cũng cứ thế tăng lên.
Tiếp theo đó là “khổ nạn” “truy tô” (truy nộp thóc thoái tô, thóc thuế nông nghiệp) bắt đầu.
Người bị đem ra làm vật tế thần đầu tiên cho chiến dịch này là mẹ tôi rồi đến bố tôi.
*
No comments:
Post a Comment