Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 7

***

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

23.

Cũng năm Mùi ấy, tôi đi cày buổi đầu tiên trong đời. Cũng may mới 16 tuổi tôi đã có vóc có dáng, nếu không làm sao xách nổi cái cày mỗi khi con bò bước tới đầu bờ để chuyển sang luống khác. Tôi phải cày vì bị Đội cấm gia đình địa chủ được thuê mướn nhân công, tức là được tiếp tục bóc lột trong khi Đội đang phát động nông dân vùnglên xoá bỏ bóc lột.
Vậy là bố con tôi bị buộc phải tự lo liệu lấy chuyện cấy cày.
Cũng may, cuối năm ngoái, đoán trước diễn biến thời cuộc, bố tôi đã bắt tôi phải tập cày. Con bò của nhà tôi lúc ấy đang ở “tuổi bê”, vừa dứt vú mẹ. Nó cày được như bây giờ là do bố con tôi đã công phu luyện tập cho nó, cái công việc quê tôi gọi là “vực”, không khác gì tài tử dạy hổ. Bây giờ, các hiệu lệnh như “họ” là dừng lại, “vặt” là rẽ phải và “diệt” là rẽ trái, nó tiếp nhận và hiểu được rất chính xác.
Những ngày trước bố tôi thì cày, còn tôi cắt cỏ. Trưa đến, đem cơm ra đồng cho bố tôi, tôi đem luôn cỏ cho bò ăn lúc nghỉ trưa. Công việc đang tiến triển đều đặn ai ngờ lúc này bố tôi lại phải trốn đi, bỏ lại tất cả, ruộng đồng, nhà cửa, vợ con, trong khi đó thời vụ đã ập đến nơi. Mạ gieo đã đến lúc phải nhổ lên cấy. Nếu không, nó lên ống thì có cấy cũng chả có ăn. Trước tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, tôi đánh liều xin mẹ cho tôi thử đi cày. Không còn cách nào khác, mẹ tôi đành phải chấp nhận.
Ngày đầu tiên giắt bò, vác cày ra đồng tôi muốn phát khóc. Do chiều cao cơ thể tôi thấp hơn chiếc cày nên đi đường cứ luôn phải kiễng chân, nếu không lưỡi cày quệt đất, chỉ có méo mặt. Đã vậy con bò còn hay giở chứng, ngoái phải quay trái, hết bứt lá tre hai bên bờ giậu lại ăn rê cỏ dọc đường, rõ thật khổ. Hôm nay lại có thêm con Đốm đi theo. Mỗi khi con bò giở chứng, nó lại xủa lên ăng ẳng. Có Đốm cũng thấy vui, đỡ mệt.
Rồi mọi việc cũng qua đi suôn sẻ. Ngày qua ngày, tôi đã cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Cứ đà này chẳng bao lâu tôi sẽ cày hết diện tích ruộng nhà tôi. Con bò và tôi càng ngày càng hiểu nhau, ăn ý nhau hơn. Nó đã ngoan hơn trước nhiều. Lặng lẽ kéo cày, dù mưa hay nắng. Đất pha cát, nhẹ, nó kéo. Đất sét gan gà cứng như đá, nó cũng kéo. Cả mặt đất bị rầm rầm lật lên. Nhớ lại câu hát vực bò bố tôi hát hôm nào: “Nặng kéo, nhẹ kéo” tôi thấy thương nó quá.
Cày được dăm bảy ngày thì có một sự cố xảy ra. Chiều hôm ấy đang ngon trớn, chiếc cày bỗng giở chứng, cứ chúi sâu xuống lòng đất, càng lúc càng bâm sâu hơn. Con bò cứ phải dạng chân, chùn lưng ra kéo, nước bọt phun đằng trước, phân phọt đằng sau mà chiếc cày không sao nhích lên được. Cuối cùng, mệt quá, nó đành phải đứng ì ra, mũi thở ồ ồ nhưng cái đầu chốc chốc lại quay lại nhìn tôi. Hai con mắt nó lộ rõ vẻ bối rối. Hình như hối hận vì không làm được cái việc mà tôi đang trông mong ở nó.
Tôi cũng thấm mệt, cũng thở hắt ra không kém gì con bò. Mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo. Tức muốn phát khóc lên và tôi đã khóc. Nước mắt chảy ròng ròng trên má, chảy luôn cả xuống rãnh cày. Tôi khóc vì tủi thân. Mới mấy tháng trước thổi được nồi cơm bố còn khen rối rít, vậy mà giờ đây một mình đã phải vật lộn với nắng mưa, đồng ruộng thế này. Tôi khóc để cầu mong ai đó ra tay giúp tôi. Nhưng mong thì cứ mong thôi, chứ điều ấy làm sao có được. Cả xã đang bao vây gia đình tôi, đang cách ly chúng tôi với chung quanh như đối xử với người bị hủi. Hôm qua, mẹ tôi ra chợ định mua mấy tấm bánh đa cho chúng tôi ăn đỡ thèm vì từ hôm Đội về đến giờ, chúng tôi có biết đồng quà tấm bánh ra sao đâu, nhưng bà bán bánh sợ liên quan cứ nhất định rằng không chịu bán cho địa chủ, cuối cùng, đói ăn vụng, túng làm liều, lợi dụng lúc bà ta sơ hở, mẹ tôi đã xông vào…cướp giật. Cũng may bà bán hàng do vốn không ghét bỏ gì mẹ tôi mà chỉ vì sợ liên quan nên đã lờ đi. Nhờ thế chúng tôi mới có miếng bánh đa để nhai côm cốp với nhau.
Chán nản, tôi đảo mắt nhìn ra khắp cánh đồng. Tôi thấy ở mảnh ruộng xa có một người đàn ông đang lúi húi cày. Như chết đuối vớ được cọc, tôi vội vàng bỏ bò, bỏ cày giữa luống để chạy đến với người đàn ông ấy. Hoá ra là anh Trúc, người cùng họ với tôi. Lúc đầu, biết là có tôi đến, anh Trúc cứ quay mặt đi không thèm ngoái lại. Tôi biết anh sợ có ai đó thấy anh đang “liên can với con cái địa chủ” sẽ làm khó dễ anh nên tôi không dám đến gần. Đành phải ngồi xụp xuống rãnh ngô cách xa anh hàng chục thước, lào thào cầu khẩn anh: “Sửa giúp em chiếc cày với!”. Anh Trúc cũng chẳng thèm nhìn tôi. Anh nói với con bò nhưng tôi biết là nói với tôi: “Hết luống này tao cho mày nghỉ để tao sửa cày”. Rõ là khổ.
Nhận được tín hiệu ấy, tôi mừng lắm, vội vàng cứ rãnh ngô mà lủi. Một lúc sau tôi về tới ruộng của tôi.
Anh Trúc đến. Như một ông tiên có phép lạ, anh rút con dao nhíp trong túi ra, gọt sửa lại cái gọi là con thẻ rồi chẳng nói nửa lời, anh bỏ đi ngay. Tôi giục bò cày thử . Oi, sung sướng quá, đường cày lại ngọt như mía rồi. Con bò thân yêu của tôi lại có thể ung dung nhàn nhã bước đi. Hai bên luống đất lại ngả rào rào.
Chiều hôm ấy, tự thưởng cho mình và cho con bò, tôi tháo cày sớm hơn mọi ngày. Tôi thả bò cho nó ăn cỏ trên bãi bóng đầu làng rồi nằm xoài xuống cỏ, chống đầu lên tay, thảnh thơi ngắm nhìn vầng mặt trời đỏ ối của hoàng hôn mùa hè đang chìm dần sau ngọn núi xanh xanh bên tỉnh Hà Nam. Gío nam thổi mát rượi. Lẫn trong gió, từ trong làng vọng ra tiếng phát thanh qua loa sắt tây của anh Cáu, thông tin xóm tôi: “Mời bà con nghe tin đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chủ tịch dẫn đầu đã lên đường thăm hữu nghị chính thức Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa anh em…”
Tôi căng tai lắng nghe trọn vẹn bản tin, không giấu nổi nỗi vui mừng khi được biết, đây là lần đầu tiên kể từ khi Cách mạng tháng 8 thành công đến nay, Chính phủ nước ta mới có một cuộc đi thăm các nước quy mô như thế. Càng phấn khích hơn khi nghe danh sách trong đoàn có hai ông bộ trưởng, nghe nói cũng xuất thân từ một thành phần không lấy gì làm tốt đẹp như tôi.
Ô, vậy thì, tôi cũng có thể, rất có thể được làm một việc gì đó trong tương lai. Từ đó trở đi, cứ như có một cái gì đó cựa quậy trong li ti huyết quản của tôi làm tôi không thể nào nằm yên để giãn gân cốt trên bãi cỏ được nữa. Tôi ngồi bật dậy để cố nghe cho trọn bản tin.
Ước mơ sau này được trở thành một nhà hoạt động xã hội phút chốc trỗi dậy trong tôi. “Làm trai cho đáng nên trai…”. Tôi đang sắp “làm trai” đây. Tôi sẽ phải làm gì để thực hiện được điều ấy? Làm gì để đáng nên trai?
Từ sau rặng tre xanh của làng tôi lại vọng ra tiếng trống ếch rộn ràng của đội thiếu nhi xóm và tiếng hô: “Có khổ tố khổ- Nông dân vùng lên !” “Tố khổ nhiều- Đấu tranh mạnh !’
Những câu khẩu hiệu nghe nhiều rồi mà tôi vẫn không sao quen nổi. Mỗi lần nó vang lên là một lần tôi đau buốt lên tận óc.
Chợt nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của mình, toàn thân tôi lại nhủn ra như con sâu đất. Tôi nằm vật xuống bãi cỏ, thở dài, chán nản….

24

Vác cày dắt bò về nhà, tắm táp xong, ăn vội mấy củ khoai mẹ tôi vừa luộc, tôi ra bãi bán gà bán vịt ở chợ Thông đầu làng bỏ ra đồng 5 xu có lỗ dành dụm được mua vé xem phim.
Mấy hôm nay đám thanh niên làng tôi kháo nhau nhiều về bộ phim có cái tên rất chữ nho: Bạch Mao Nữ . Người có chút hiểu biết thì giải thích: “Mao là lông nhưng với con người thì phải gọi là tóc. Bạch là trắng. Bạch mao nữ là người con gái tóc trắng. Tóc trắng vì cô ấy bị địa chủ hành hạ phải trốn vào hang đá, sống như con vật trong một thời gian dài, đến nỗi còn trẻ mà tóc đã trắng như cước”.
Lúc này phim ảnh ở quê tôi còn là một cái gì vừa lạ vừa bí hiểm và việc chiếu phim luôn được coi là một sự kiện. Để đón nhận buổi sinh hoạt giải trí kỳ thú hiếm có này, nhiều người làm đồng đã phải về sớm hơn ngày thường, cơm ăn sớm hơn và ra bãi sớm hơn. Đám thanh niên nam nữ thì nhấm nhỉ hẹn hò nhau cả từ mấy ngày trước, vì đây là cơ hội hiếm có để họ gặp gỡ, tán tỉnh thậm chí cấu chí nhau.
Vào bãi, tôi thui thủi tìm chỗ khuất để ngồi một mình, chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai và cũng chẳng muốn ai thấy mình. Tuy vậy, tôi vẫn nhìn thấy En đứng ở phía sau, cách tôi khoảng mươi bước chân. Hình như với nàng, ông trời luôn trang bị riêng cho tôi một giác quan nào đấy, nhạy bén và tinh vi, để tôi luôn được “thấy” nàng như con bướm dù không cố tình tìm vẫn phát hiện ra những bộng hoa có phấn, có mật. Hết một cuốn phim đèn lại bật sáng để người ta thay phim. Và lúc ấy mặc dù ý chí tôi ngăn cản nhưng con mắt tôi cứ cưỡng lại để hướng về phía nàng. Tôi thấy nàng đang nói đang cười với đám trai làng. Nàng đã đẹp, mắt nàng đã rất đẹp, trước ánh sáng đèn điện, nàng càng đẹp hơn, ánh mắt càng long lanh hơn. Nàng rất xứng đáng là một diễn viên điện ảnh. Thế là từ trong lòng tôi lại nảy ra một ước mơ, một ước mơ kỳ cục mà tôi dám chắc không một đứa trẻ nào cùng tuổi với tôi thời gian ấy lại ước mơ như thế, tôi ước mơ rằng sau này tôi sẽ viết chuyện phim và nàng sẽ là nhân vật hoặc diễn viên chính trong bộ phim ấy của tôi.
Tôi cứ ngậm ngùi và tự cười mình về cái ước mơ lạ lùng của thời tuổi trẻ. Nhưng dù sao, tôi cũng phải cám ơn nàng. Vì nàng mà tôi có được những ước mơ giữa lúc thân phận tôi như con chim bị vặt trụi lông chuẩn bị nướng trên bếp than, giữa lúc tâm hồn tôi như mảnh đất khô cằn không còn chỗ cho ước mơ hình thành hoặc cất cánh.
Đèn điện phụt tắt. Tiếng xè xè của máy chiếu phim lại êm ái vang lên. Như bao người khác, tôi lại đắm mình vào câu chuyện đang diễn ra trước mặt. Câu chuyện đang đến lúc cao trào, người xem như đang nín thở thì bỗng cả bãi giật mình vì có những tiếng hô không biết xuất phát từ đâu: “ Đả đảo bọn địa chủ áp bức bóc lột” . Lập tức cả rừng người đứng hết dậy, nắm chặt tay giơ lên trời và dõng dạc hô theo: “Đả đảo! Đả đảo!” . Tôi chỉ còn biết cúi gằm người xuống, cố thu nhỏ mình lại để mong sao đừng ai nhìn thấy tôi, đừng ai phát hiện ra tôi là con cái địa chủ, là cùng giai cấp với cái tên địa chủ khốn nạn bên Trung Quốc đang bị cả triệu người căm thù tột độ thế kia. Nếu không, chắc chắn tôi sẽ phải thế mạng cho nhân vật trong phim hoặc ít ra cũng phải chia bớt những hòn gạch, cục đá mà bà con đang rầm rầm ném lên màn ảnh . Đúng lúc đó, sân bãi lại rùng rùng chuyển động lên một lần nữa, cứ như vừa có một cơn gió lốc, khi không biết từ đâu đó vang lên một loạt tiếng súng tiểu liên khô đanh. Người ta bắn ai và ai bắn thế nhỉ? Sau hoàn hồn mới biết, hoá ra có anh du kích nào đó đã lầm tưởng cảnh trong phim với cuộc sống bên ngoài, tưởng diễn viên là tên địa chủ gian ác, đã tỏ rõ lập trường giai cấp kiên định của mình bằng cách giương súng lên bắn nát màn ảnh. Sau cơn sợ hãi hết hồn, cả đám đông đã cười ồ lên vì nhận ra sự ngô nghê quá đáng của ngừơi cầm súng.
Thấy ngồi nán lại càng thêm bất lợi, tôi đánh bài chuồn. Chuồn mà bụng dạ vẫn không yên, chỉ sợ ai đó chạy theo bắt trói lại rồi vu cho cái tội “phản đối phim cải cách”. May sao chuyện ấy đã không xảy ra. Nhớ lại chuyện xảy ra trong buổi mít tinh chào mừng Đội về xã, tôi không khỏi cười một mình. Ong Vượng thợ rèn ngoài xóm chợ, không hiểu vô tình hay cố ý, chữ tác đánh chữ tộ, đã hô “hoan nghênh” thành “đả đảo”, có người mách lại, thế là bị du kích dẫn giải đi luôn. May mà truy gốc ông là bần nông, nếu không khó mà thoát khỏi gông cùm.

25.

Những ngày tiếp theo gia đình tôi vẫn cứ tiếp tục bị bao vây.
Một hôm cái Ngân đòi bằng được tôi phải gỡ chiếc xe đạp xuống cho nó tập đi vì từ hôm Đội về làng đến giờ, bố tôi toàn đem treo nó lên xà nhà. Gọi là xe cho oai chứ thực ra đây chỉ là mớ sắt phế liệu nhặt được từ nhà ông giáo Rĩnh, họ hàng nhà tôi, di cư vào Nam bỏ lại. Bố tôi khéo tay chế biến lại mà thành. Nó không phanh, không gácđờbu, han dỉ, đen trùi trũi như chiếc que đun. Riêng xăm lốp thì mãi gần đây bố tôi mới mua lại được từ hàng bán đồ cũ, chứ trước đây nó chỉ là hai bánh cao su đặc, mỗi lần ngồi lên yên xe, đường xóc, đau thốn tận thắt lưng. Đã vậy mỗi lần quẹo bánh xe đột ngột, cái lốp đặc trật ra ngoài , bố con tôi (hoặc nhờ người đi đường) lại phải xúm nhau vào “hò dô” đem hết sức bình sinh, người kéo người đạp mới đưa được nó vào vành bánh như cũ.
Hôm ấy, biết đem xe ra khỏi nhà là có chuyện nhưng vì cái Ngân năn nỉ, khóc lóc quá, tôi đành phải chiều nó. Quả nhiên có chuyện thật. Ngân vừa mới đem xe ra ngõ, chưa kịp nhảy lên yên đã bị lão Kền từ đâu nhảy bổ ra, giữ chặt lấy xe, mặt đỏ gay, miệng quát tháo:
- Cái này là của chúng tao. Mày định phân tán tài sản phải không? Chúng tao tịch thu.
Nói xong lão ghé vai vác thẳng chiếc xe về văn phòng đội. Em gái tôi khóc lóc chạy theo đòi lại, bị lão co giò đạp cho một cú nên thân ngã dúi xuống bờ ao. Ngay đêm ấy, thấy chuyện quá vô lý, tôi viết một lá đơn gửi lên Đội Khoảnh nại rằng đây là xe bố tôi tự tạo làm phương tiện cho em tôi đi học, chứ không phải tài sản “do bóc lột mà có” nhưng Đội Khoảnh cũng lờ đi luôn. Sau này thỉnh thoảng tôi lại gặp ông ta dùng chiếc xe này chở En đi đây đi đó. Xe đàn ông lại không có gácbaga nên En cứ phải ngồi ở cái khung ngang đằng trước, để hai tay Đội Khoảnh lúc nào cũng cứ như ôm chặt lấy En. Tôi nhìn mà buồn lắm. Những hai lần buồn. Hắn đã tịch thu xe của mình lại còn …hăm he muốn tịch thu luôn cả người yêu nữa chăng.
Xung quanh cái gọi là phân tán tài sản này, gia đình tôi còn gặp phải một chuyện uất ức đến tận bây giờ. Sau lần mẹ tôi xin phép Đội bán đi đôi lợn cấn đang lớn như thổi trong chuồng, ra chợ đong được mười thùng thóc nộp thoái tô, để vừa thực hiện đúng lời hứa với Đội Khoảnh, vừa khỏi bị quỳ trên vỏ quả mít gai nhọn tua tủa giữa sân gạch nắng, số thóc phải nộp của nhà tôi vẫn chưa đủ. Có ít nộp ít, có nhiều nộp nhiều, ít hay nhiều không quan trọng, quan trọng là ở thái độ chấp hành chính sách. Có được mau chóng hạ thành phần là căn cứ vào thái độ này, mà được hạ thành phần thì con cái sau này mới ngóc đầu lên được. Đội Khoảnh thường dỗ dành đám địa chủ như thế. Mẹ tôi ngỡ thật mới tính đến bài liều lén mượn đôi hoa tai bằng vàng của người em gái, định đem bán lấy tiền đong thêm thóc nộp cho Đội, được cân nào hay cân ấy. Mẹ tôi bảo cứ được việc cho Đội đã, còn nợ nần sau này được hạ thành phần, được tự do làm ăn, sẽ bòn góp trả nợ sau.
Mẹ tôi giấu đôi hoa tai vào thúng đỗ đen rồi quẩy quang gánh sang xin phép Đôi Khoảnh cho ra khỏi làng. Đội Khoảnh gật đầu. Mẹ tôi mừng lắm. Vậy mà chỉ vừa ra khỏi cổng làng, mẹ tôi đã bị đám lão Kền, bắt hạ gánh xuống cho họ kiểm tra. Không hiểu sao họ lại lôi ra được đôi hoa tai ấy trong thúng đỗ. Lập tức, mẹ tôi bị dẫn giải về trụ sở Đội. Tôi cũng bị triệu đến . Đến nơi, đã thấy bà bị trói chặt hai tay vào chiếc cột nhà. Đội Khoảnh bảo tôi:
- Con vợ Lân, mẹ anh, dám đánh lừa Đội, xin đi bán đỗ mà lại đem vàng đi phân tán. Anh viết cho chúng tôi tờ biên bản phạm pháp quả tang.
Ông ta xé tờ giấy từ quyển sổ đưa cho tôi cùng chiếc bút máy Trường Sơn, vẫn gọi là chiếc “bắp cày”. Tôi cãi lại:
- Bu tôi không đem vàng đi phân tán. Mà đem đi bán lấy tiền đong thóc nộp cho các ông. Tôi không viết…
- Có thật mày bướng không chịu viết không?
Lão Kền ở ngoài chạy vào, trừng mắt nhìn tôi. Mẹ tôi sợ quá bèn năn nỉ:
- Thôi viết đi, con ơi!
Thương mẹ, tôi đành cầm lấy bút.
- Nào, viết thế nào các ông đọc đi !
Đội Khoảnh đọc : “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà -- Độc lập-Tự do- Hạnh phúc- BIÊN BẢN PHẠM PHÁP QUẢ TANG- Hôm nay, 12.6.1955, vào hồi 1 giờ chiều, thanh niên xóm Quyết Thắng, thôn B.A, xã H.B, huyện…tỉnh… đã bắt được quả tang tên Nguyễn Thị Hợi, vợ của tên địa chủ Nguyễn Đức Lân, có hành vi phân tán tài sản, tức một đôi hoa tai bằng vàng, là thứ thời gian này bọn địa chủ không được quyền đem ra khỏi nhà. Tên Hợi đã cúi đầu nhận tội hành vi sai trái của mình. Ký tên…”
Đội Khoảnh đọc xong thì cũng là lúc tôi viết xong. Tôi đưa tờ biên bản lại cho Đội Khoảnh, ông ta gắt lên: “Sao mà anh ngu thế. Phải đưa cho con mẹ anh nó ký rồi mới đưa cho tôi chứ !”. Ôi, nhục ơi là nhục. Nhưng tôi biết làm gì hơn lúc này. Không biết trên đời này xưa nay có người con nào phải viết về mẹ mình như thế không. Tôi đưa tờ giấy mang kín nét chữ của tôi cho mẹ tôi ký. Mẹ và con, người đưa, người nhận, hai tay đều run lẩy bẩy. Gần năm mươi năm trôi qua, bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện ngày ấy, tôi vẫn không bớt xót xa khi nghĩ lại cảnh mẹ tôi giơ tay đón lấy cái bút từ tay tôi, run run loay hoay mãi mới ký được chữ “HỢI”, tên của chính mình, to như con gà mái, dưới dòng chữ của tôi.
Đấy, cái kẻ mang tiếng ngồi mát ăn bát vàng, ăn sung mặc sướng, xảo quyệt, gian ngoan là như thế đó. Kẻ đầu sỏ của giai cấp bóc lột, cái giai cấp tôi bị ghi vào lý lịch, bị khổ ải suốt đời vì nó, là như thế đấy. Các nhà triết học, cha đẻ của các học thuyết đấu tranh giai cấp ơi. Các vị dù thông minh tài giỏi đến đâu, chắc cũng không thể nào hình dung nổi rằng, ở nước tôi, ở quê tôi, từng có những kẻ thù của giai cấp vô sản như mẹ tôi, người lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người gần như cả đời chưa bao giờ được ăn một bữa cơm no, chưa bao giờ được xỏ chân vào đôi giầy, đôi dép, hai gót chân lúc nào cũng nứt toác, mùa khô hanh máu chảy thành giọt, thành dòng. Kẻ thù của giai cấp cần lao đấy, các ông ơi.
Đêm ấy cả nhà tôi không ngủ được vì ức. Oi, sao mà oan trái thế. Mượn vàng của người khác đem bán để đong thóc nộp cho các ông lại bị chính các ông kết tội, hỏi còn uất ức nào hơn không, hả trời?
Mẹ tôi khóc rấm rứt. Các em tôi ngơ ngác. Con Đốm buồn nằm im một chỗ, còn tôi thì hết ngồi lại đứng, bứt rứt không yên. Giá ngày đó có máy quay phim, hẳn tôi đã có một tác phẩm để đời.
Mấy hôm sau những tưởng mọi việc sẽ qua đi, chẳng ai nhắc lại chuyện cũ làm gì nữa vì mục đích của cuộc khám thúng đột xuất ấy cốt để moi vàng thì đã thành công rồi, còn mong chi nữa. Vậy mà không, họ đâu có dễ dàng buông tha. Họ còn đem chuyện ấy đăng lên tờ Tả ngạn sông Hồng, tờ báo địa phương duy nhất của thời kỳ này. Ngày ấy làng tôi làm gì có báo để xem. Tôi biết được là do trưa hôm ấy đang chăn bò bên bờ giếng xóm thì nghe loa phóng thanh bằng sắt tây phát từ cái chòi đặt trên ngọn cây bàng cao nhất chợ Thông rằng: “A lô, a lô, mời đồng bào nghe tin địa chủ phân tán tài sản…”. Thế là cái tên Nguyễn Thị Hợi của mẹ tôi lại bị đem ra bêu xấu trước bàn dân thiên hạ một lần nữa. Tôi lại tức sôi máu. Rồi tôi tự giận tôi. Hôm nay cơn cớ gì mà lại đem bò ra giếng xóm để chăn, để lỗ tai phải nghe những điều không đáng nghe, những điều uất úc, bất công, vô lý và vô nhân đạo…
Thế là mất cả chì lẫn chài. Thế là số thóc tô còn thiếu vẫn nguyên còn thiếu. Thế là hy vọng được hạ thành phần một lần nữa bị tiêu tan.
Thấy tôi buồn ủ rũ mẹ tôi an ủi:
- Thôi con ạ, của đi thay người. Nhà ta vẫn còn con lợn nái sắp đẻ trong chuồng…Con của nó sẽ giúp nhà mình sớm trả được cái nợ này cho Đội.
Tôi lại hy vọng.

26.

Tôi lại thắp lên ba nén nhang, gíong năm tiếng chuông và gõ bẩy tiếng mõ. Quá khứ hiện về. Thực tại ập đến. Trong làn khói mờ ảo và âm thanh xa vời, tôi nghe lời tâm sự của Én …
Chiều tối hôm ấy, Kền từ văn phòng Đội về, em thấy anh ta cứ lấm lét như đang giấu diếm một vật gì trong túi áo. Thấy khả nghi em hỏi, Kền mới dẫn em vào trong buồng nói nhỏ, mặc dù lúc này trong nhà chỉ có mình em với anh ấy, rồi rút ra một gói giẻ rách. Anh ta mở gói ra chìa cho em nhìn thấy một chiếc hoa tai bằng vàng có mặt đá óng ánh. Em hỏi anh ta cái thứ này anh lấy ở đâu. Kền bảo của con mụ Chánh Lân. Sao lại lấy của người ta. Em hỏi. Kền bảo, anh và Đội Khoảnh tịch thu khi nó định phân tán tài sản. Tịch thu thì phải nộp vào công quỹ chứ. Kền nói, Đội Khoảnh bảo chẳng ai hay biết đâu, hãy cứ lấy về dùng đã rồi ông ta sẽ có cách. Cách gì. Xé tờ biên bản đi hoặc đem vàng giả thay vào. Việc này không may bị phát giác thì cứ đổ hết tội cho con mụ địa chủ Lân đánh lừa, thế là xong. Nói địa chủ là giống gian manh ai mà chả tin. Em hỏi Kền: “Hoa tai bao giờ cũng có đôi, vậy đâu một chiếc”. Đội Khoảnh lấy một rồi, còn chiếc này, lão cho tao đem về để anh em mình chia nhau. Nói xong, anh ta xuống bếp mang con dao rựa lên, kê vào ngưỡng cửa, chặt phập một cái, chiếc hoa tai đứt làm đôi, bắn ra hai phía. Kền cầm một miếng đưa cho em. Em không nhận. Anh ta chửi em: “Mày đừng có mà ăn mày còn đòi xôi gấc! Thằng Phổng nó sắp cưới mày. Nhà nó cố nông nghèo rớt mùng tơi, cái bát mẻ còn chẳng có nói gì cái thứ này, mấy đời nay nhà nó không bao giờ nhìn thấy cái này đâu. Có cái này nó cho là mày giầu nó sợ bằng bố”. “Vậy anh đưa cái ấy cho tôi. Này, vàng này!” Thế là em ném thẳng mảnh hoa tai ấy xuống cái ao nuớc thối hoăng hoắc bên cạnh nhà. Kền tức quá. Giáng vào mặt em cú tát nổ đom đóm mắt. Em không khóc mà bật lên cười khanh khách vì em nghĩ đến anh, đã làm được một việc nhỏ để tạ lỗi với anh. À, nhân đây cũng xin thưa lại với anh. Trước khi Đội về, anh chàng Phổng, cố nông, mồ côi cả cha lẫn mẹ cứ đòi hỏi em làm vợ, em khôngchịu. Em kiên quyết sẽ không lấy ai, yêu ai, vì em có anh và chỉ nghĩ đến anh…

No comments: