NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)
Tháng 6 năm ấy, bão thời cuộc, bão của lòng người đang hoành hoành khủng khiếp thì ông trời hình như muốn thử thách ý chí của đám người đang bị quật nghiêng ngả thêm một lần nữa hay sao mà đang yên lành lại bồi thêm một trận bão thiên nhiên nữa, cũng long trời lở đất không kém, được gọi là bão năm Mùi.
Sau trận bão, chúng tôi hầu như không còn gì để ăn. Có đợt mấy ngày liền toàn phải ăn quả đu đủ xanh, vặt ra từ mấy cây vừa bị cơn bão năm Mùi quật đổ, nằm lăn lóc như lợn con trong vườn. An liền tù tì thứ quả có nhựa trắng như mủ mụn nhọt này độc lắm, xót ruột lắm nhưng dù sao còn dễ ăn hơn củ chuối. Mẹ tôi vốn giỏi tính toán, thấy thế bà mới nảy ra sáng kiến đem đu đủ xanh ra chợ bán rồi mua ngô về. Chúng tôi lại phải ăn ngô rang, thứ thực phẩm nhai xái cả quai hàm …mà vẫn không thấy no bụng, chỉ thấy khát nước. Đã vậy khi ăn còn bị chia khẩu phần từng hạt theo thứ bậc, tuổi tác, sức vóc trong nhà cho công bằng và sòng phẳng nữa chứ.
Sang trọng và có vẻ tẩm bổ hơn thì thỉnh thoảng có nồi cháo cua, thứ cua đồng chưa biết gọi mẹ, nhỏ xíu, các em tôi giữa trưa nắng, ra đồng móc lỗ bờ ruộng bắt về, mẹ tôi cho vào cối đá giã nát ra, lọc lấy nước nấu với gạo. Món “đặc sản” này thật tình xưa nay, ngoài mẹ tôi ra, tôi chưa thấy ai nấu bao giờ và sau đó cũng chẳng bao giờ thấy mẹ tôi nấu lại nữa. Giờ đây mỗi lần nhớ lại tôi cứ lại một mình xấu hổ với mình. Gớm, sao mà lúc đó tôi thèm cơm đến thế, thèm đến nỗi mỗi khi chăn bò trên bờ ruộng nhìn thấy những bông lúa nếp trĩu bông, lòng tôi lại nôn nao mơ tưởng đến những đĩa xôi đầy tú hụ, ngày trước mỗi lần nhà có giỗ tết, tôi thường giơ hết cả năm ngón tay ra nắm thành từng cục to, rõ thật to rồi nhét cả vào mồm, nhồm nhoàm nhai, sướng lắm. Vừa nhai vừa lắng nghe cái dư vị ngọt ngào, béo ngậy của từng hạt cơm đang lan toả đến từng li ti huyết quản. Những lúc như thế, tôi lại nhớ đến thằng Bờm. Cứ nghĩ nó ngu. Bây giờ mới thấy đúng. Khi đói, mọi cái, ngoài miếng ăn, đều là phù phiếm. Thèm cơm nhất là những hôm do bị ốm, được mẹ ưu tiên cho ở nhà trông đứa em gái út. Nó được hưởng chế độ riêng: mỗi buổi chiều một nắm cơm bằng quả cam. Tôi có nhiệm vụ phải cho em ăn vắt cơm đó. Thoát khỏi cảnh vất vả ngoài đồng, tôi lại bị dầy vò bởi nỗi thèm cơm.
Sau này, đi đó đi đây, dự nhiều bữa tiệc sang trọng, cao lương mỹ vị, nhưng chưa bao giờ tôi có được cảm giác ngon như miếng cơm ngày ấy.
28.
Tôi bị sốt thương hàn. Bệnh mỗi ngày một nặng. Cứ sốt liên miên ngày nọ qua ngày kia. Người gầy rộc hẳn đi, soi gương trông tiều tụy chả khác gì thằng ăn mày ngoài chợ Thông. Lắm hôm nằm một mình giơ cánh tay lên ngắm, tôi giật mình như không tin đó là cơ thể của tôi nữa. Bởi da thịt gì mà nhẽo nhèo, xanh rớt, gân tím gân xanh nổi lên rõ mồn một như gân lá khoai môn thế kia.
Sốt cao và âm ỉ như thế mà cả đợt chả có viên thuốc nào. Giữa xóm làng hẻo lánh lại bị bao vây tứ phía biết tìm đâu ra thuốc và nếu có thì cũng chẳng có tiền mua.
Vậy mà đến một hôm không hiểu tại làm sao cơn sốt trong tôi lại tự dưng lui. Cứ như có phép tiên nào ấy. Tôi tỉnh táo và khỏe dần trở lại. Sức đề kháng của tuổi mới lớn ghê thật. Tôi đã đi lại được và đã thấy muốn được làm việc. Nghĩ lại mấy tuần qua, thấy thương mẹ tôi quá. Từ hôm tôi nằm liệt giừơng đến giờ, bao công việc cày bừa dồn hết lên đôi vai gầy guộc của mẹ tôi và các chú tôi sang làm “đổi công” . Tôi xin mẹ cho tôi được ra cày nốt mảnh ruộng ở cánh Rộc Đỉa, mảnh cuối cùng trong đám ruộng nhà tôi. Lúc đầu mẹ tôi không chịu, bảo, tôi tuy khỏi bệnh nhưng người còn xanh, yếu lắm. Với lại gọi là Rộc Đỉa nên cánh ấy nhiều đỉa lắm, toàn lại đỉa trâu to bằng quả chuối mắn, nó bu vào hút máu thì có mà khốn. Sau do tôi nài nỉ, mẹ tôi đành chấp nhận yêu cầu của tôi nhưng bắt tôi phải đem theo mồi thuốc chống đỉa do bố tôi tự chế từ ngày ông còn ở nhà bằng bồ hóng trộn với ớt bột và vôi đựng trong một mảnh vải cũ có gắn que cầm. Thứ này mỗi khi bị đỉa cắn chỉ cần chấm vào miệng nó, bị cay nó phải nhả ra ngay, đỡ phải cầm tay mà lôi như kéo chiếc nịt cao su, ghê rợn lắm. Cùng đi cày với tôi hôm nay, ngoài con bò thân yêu còn có con Đốm, người bạn gần gũi của tôi lâu nay. Ngoài ra còn một cái ấm nhôm đựng nước mưa để uống, một tấm vải nhựa màu lá chuối khô, công cụ che mưa hiếm có vào loại bậc nhất thời kỳ này, khiến ai sở hữu nó đều hoá thành người sang trọng. Hôm ấy, trước khi đánh bò xuống ruộng cày, tôi đã cẩn thận gấp gọn tấm vải mưa,đặt trên bờ ngòi rồi cẩn thận lấy chiếc ấm nhôm đựng đầy nước đè nặng lên. Thế này là chắc chắn rồi. Gió có to như bão cũng đừng có hòng hất nó xuống ngòi được. Cẩn thận hơn tôi còn bắt con Đốm ngồi đó canh chừng. Nhưng nó đã không chịu nghe lời tôi. Tôi xuống ruộng cày, nó cũng nhảy xuống chạy theo, đùa giỡn ríu ra ríu rít.
Tôi cày được hai ba đường, nhìn lên bờ ngòi đã không thấy tấm vải mưa đâu nữa. Tôi vội vàng họ bò lại rồi chạy bổ lên bờ ngòi. Con Đốm cũng vội vã phóng theo. Tiếc của quá, mặc dù thừa biết đè nặng thế này, mảnh vải mưa không thể bay đi đâu được, tôi vẫn nhảy ùm xuống ngòi, bất chấp người tôi đang ướt đẫm mồ hôi. Con Đốm cũng nhảy xuống nước bơi lặn cùng tôi ngoi ngóp kiếm tìm. Thực ra tôi không tìm tấm vải mưa mà là tìm sự yên tâm. Một lúc sau tôi buộc phải lên bờ vì cảm thấy có nguy cơ bị choáng. Mà đúng như thế thật. Chỉ ít phút sau thì toàn thân tôi ớn lạnh, hai con mắt lao xao, lập lòe hoa cải hoa cà.
Mãi mấy tháng sau, khi chú Sáu từ trại giam trở về, tôi mới biết mảnh vải mưa của tôi hôm ấy bị thằng Tho, tay trộm cắp có tiếng của làng tôi lấy trộm. Hắn kể ra chuyện này khi cùng bị còng chung một cùm với chú tôi. Khôi hài nhất là hắn không bị bắt vì tội trộm cắp gia truyền mà vì tội là Đảng viên Quốc dân đảng.
Tôi nằm vật xuống bờ cỏ, lịm đi và không biết sẽ nằm như thế đến bao giờ nếu như ngón tay tôi không chạm phải một vật mềm mềm nũn nũn, căng mọng. Một con đỉa trâu vừa hút no máu ở cổ tôi, to nần nẫn như quả chuối mắn, rụng xuống bãi cỏ . Thật phúc bảy mươi đời nhà tôi, con đỉa lại không chui vào lỗ tai. Nếu không, chắc chắn tôi không thoát khỏi số phận thằng bé trong câu chuyện mẹ tôi thường kể để răn đe tôi mỗi khi tôi tắm dưới ao lâu quá. Chuyện kể đứa bé nọ bị đỉa chui qua tai vào óc gây ngứa ngáy khó chịu đến nỗi mỗi khi vào bếp nó cứ phải dùng cái vung nóng úp lên đầu. Mẹ nó thấy thế đã cầm chiếc que đun gõ nhẹ lên đầu nó. Nào ngờ đầu nó bị vỡ toang, bò ra lúc nhúc toàn đỉa là đỉa, con nào con nấy căng tròn, béo nhẫy.
29.
Tôi dồn hết sức lực yếu ớt còn lại trừng trị con đỉa trâu lúc này đang no căng máu của tôi, to nần nẫn như quả chuối hột, bằng cách kẹp nó vào đoạn cuống ống rạ chẻ đôi rồi thẳng tay kéo mạnh một nhát, con vật chuyên hút máu người (mà lúc này thường được ông bà nông dân thường ví nó như bọn địa chủ chúng tôi), bị xẻ dọc làm hai mảnh. Máu phọt mạnh ra, đặc sệt, tím đi đỉ như tiết gà cúm. Vừa nhìn thấy thế, tôi đã rùng mình, choáng váng rồi lịm đi, bất tỉnh.
Chắc tôi cứ phải nằm như thế không biết đến bao giờ, nếu như chiều hôm đó, khi gà đã lên chuồng, con Đốm không ngại vác cái bụng chửa chềnh ềnh, từ đồng chạy thẳng về nhà, nhay nhay hàm răng vào ống quần mẹ tôi để báo tin thì mẹ tôi đã không biết để cùng chú Sáu soi đèn ra cánh Rộc Đỉa cõng tôi về.
Tôi bị sốt trở lại. Bị ốm “vật lại” thế này là nặng lắm.
Sau này, nghe cái Ngân kể lại tôi mới biết ngay đêm ấy tôi đã bị lên một cơn mê sảng phải nói rất khủng khiếp. Hết hát rồi lại hô khẩu hiệu. Rồi cười sằng sặc, rồi khóc nức nở.
Em tôi cho biết cơn mê này chỉ chấm dứt khi mẹ tôi kiếm đâu về được một vốc tay gạo để nấu cháo cho tôi.
Mẹ tôi bảo cả nhà tôi hôm nay bị đói lả hoàn toàn chỉ vì cô Mơ, người gọi mẹ tôi là cô ruột (thế mới biết lúc này họ hàng cũng chẳng có nghĩa lý gì). Vì sáng hôm ấy, mẹ tôi đang lo gạo cho bữa trưa thì may sao, như được ông trời cứu trợ, từ mảnh vườn sau nhà bỗng kêu đánh bịch một tiếng, tiếng kêu của quả mít vừa chín rụng xuống vườn. Tôi nói “trời giúp” là vì nếu là mít không tự rụng thì chúng tôi không thể trèo lên cây mà hái xuống quả mít ấy được. Bởi theo quy định của Đội, sau khi đã bị “tịch biên”, mọi thứ tài sản trong nhà tôi đều thuộc quyền quản lý của Đội, của ông bà nông dân, chúng tôi không có quyền sử dụng. Lại càng may hơn, quả mít rụng này đã thối ủng thối nhũn đến hơn một nửa. Mít có thối như thế, đem ra chợ để bán, ông bà nông dân có bắt gặp cũng chẳng nỡ bắt tội. Vậy mà cả nhà tôi đã lầm. Quả mít thối ấy mẹ tôi đựng vào trong chiếc ró rách mà vẫn bị cô Mơ, phát hiện rồi cô ta không chỉ tịch thu mà còn bắt giải mẹ tôi về giam ở trụ sở Văn phòng Đội đến chiều mới tha về. Cả nhà tôi đói vàng mắt là vì thế. Tôi bị đói lả, bị mê sảng cũng vì thế. Thật không ngờ, anh em họ hàng con cháu mà đối với nhau cạn tàu ráo máng như thế.
Tôi tỉnh dậy giữa lúc mẹ tôi đang bón từng thìa cháo cho tôi. Cả nhà cùng oà lên reo rồi cùng khóc. Tôi cứ ngơ ngơ ngác ngác như vừa từ cõi chết trở về.
Những ngày sau tôi hỏi mẹ tôi về nguồn gốc vốc gạo đã cứu sống tôi ấy nhưng mẹ tôi cứ giấu không cho biết. Chắc mẹ tôi sợ lộ chuyện này ra người cho gạo sẽ mắc tội liên can với địa chủ chăng. Nếu mẹ tôi nghĩ thế thì cũng đúng thôi. Vì bà từng gặp phải cảnh này.
Cách đây mấy hôm, mẹ tôi được Đội cho phép xuống chợ tỉnh, cách làng tôi cả chục cây số, bán gánh củi lượm trong vườn để mua một số đồ ăn thiết yếu. Lúc đi không có chuyện gì đáng nói nhưng lúc về, tôi thấy hơi khác. Ay là, cùng với đôi quang thúng của mình, mẹ tôi còn toòng teng quẩy thêm một đôi nữa. Thấy lạ, tôi hỏi, mẹ tôi cười: “Của dì Sót chúng mày đó” . Hoá ra sớm nay, vừa ra khỏi cổng làng, nhìn thấy dì Sót, em gái ruột, đi trước mấy bước, mẹ tôi mừng quá, vì mấy tháng nay bị bao vây ngăn cách, chị em có được gặp nhau đâu. Mẹ tôi cố rảo bước để theo kịp dì. Nhưng khốn thay, mẹ tôi không tài nào đuổi kịp dì được. Vì hễ mẹ tôi đi chậm thì dì đi chậm, chạy nhanh dì chạy nhanh hơn. Hai người phụ nữ già cứ như hai đứa trẻ con chơi trò đuổi bắt. Buồn cười nhất là trên đường đi, thấy có một lúc dì đứng sựng lại, mẹ tôi đã mừng, tưởng ở nơi xa làng mạc thế này, dì không còn sợ nữa nên muốn được chuyện trò với mẹ tôi. Nào ngờ, chỉ là để dì móc nhanh từ trong quang thúng ra một vật gói bằng lá chuối, ném phịch xuống lề đường, rồi lại ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh về phía trước. Mẹ tôi bảo thấy dì như thế thì tức lắm nhưng cũng phải nhặt cái gói ấy lên xem là gói gì. Oi, hoá ra đó là gói xôi lạc mà dì muốn cứu đói cho mẹ con tôi. Sau này tôi còn được biết thêm, dì Sót hễ ra khỏi nhà là lại đem theo đồ ăn bên người, chỉ mong tình cờ gặp được mẹ con tôi, dì sẽ dấm dúi cho. Thật khổ thân dì. Hôm ấy, cầm gói xôi lạc lên tay, mẹ tôi không thể nào nuốt nổi, nước mắt cứ ứa ra. Sao lại có con người đớn hèn đến thế. Đó là lúc đi. Còn lúc về, trời xui đất khiến làm sao, vừa ra khỏi thị xã, mẹ tôi lại nhìn thấy dì đang đi đằng trước. Lại nghĩ đây là nơi đất khách quê người, giữa đường giữa chợ, cùng đói khát, rách rưới như nhau, ai biết ai bần nông, ai địa chủ, nên mẹ tôi đã chủ động gọi trước: “Sót ơi, đợi chị với!”. Tưởng dì sẽ đứng lại chờ. Ai ngờ vừa nghe thấy tiếng mẹ tôi, dì đã cắm cổ chạy như bị ma đuổi. Tức quá, mẹ tôi liền chạy đuổi theo, nắm lấy áo dì, kéo lại. Mẹ tôi quỳ xuống đường, lạy như tế thần: “Sót ơi, dù “bà” có là bần nông hay cố nông thì “bà” vẫn là em ruột của “con”…”Con” thương, “con” nhớ “bà” lắm…”
Dì Sót càng sợ hơn, mặt mày xanh xám, chân tay run lẩy bẩy, dì quẳng luôn cả đôi quang gánh lại cho mẹ tôi rồi cố chạy thoát thân.
Mẹ tôi bảo đến em ruột còn nghĩ thế nói gì người ngoài.
Nhưng mấy ngày sau câu chuyện về người nông dân cứu tôi bằng vốc gạo vẫn bị tiết lộ.
Hoá ra là Én. Đêm ấy vì lòng thương con cao độ, mẹ tôi đã bất chấp nỗi nhục có thể xảy ra khi bị người khác sợ hãi tránh xa như tránh một con hủi mà có lần bà đã vấp phải với người em của bà, bà đã liều mình mò sang nhà ông Khán Vịnh xin cơm.
Thật may lúc ấy En đi tập văn nghệ vừa về đến nhà, nghe bố nói lại, Én đã vào buồng bốc lấy một nắm gạo bỏ vào cái vỏ gáo dừa đưa cho ông Khán đem ra ngõ đưa cho mẹ tôi. Chuyện này sau đó ông Khán Vĩnh kể lại mẹ con tôi mới biết. Bát cơm Phiếu Mẫu nỗi ơn nghìn trùng. Tôi chịu ơn ông Khán về cốc gạo này. Nhưng cũng khốn cho ông. Vì thế mà ông bị liên lụy. Lão Kền đã nhìn thấy cử chỉ ấy của ông. Hắn tố giác ông với Đội Khoảnh. Ông bị đem ra kiểm thảo trước dân và lại phải giơ tay thề thật độc: “Có bóng đèn hoa kỳ đây, từ nay, nếu còn cưu mang con cái địa chủ, quỷ thần hai vai sẽ bẻ cổ tôi hoặc Đội sẽ xử bắn tôi!”
Sau này, tôi có được nghe bà con kể lại, cái đêm ông Khán Vĩnh bị kiểm thảo, không hiểu sao ông nói lắp dữ vậy, cứ ” thưa thưa…tôi tôi”, cả tiếng đồng hồ mới nói hết được một câu. Kết quả bị ông bà nông dân tự ái, la hét đuổi thẳng cổ ra ngoài. Ra ngoài ông cười hô hố: Tụi bay thua mưu lão già dớ dẩn rồi nhé!
30.
Tôi vẫn tiếp tục đi cày. Con bò thân yêu của tôi vẫn ngoan ngoãn cùng tôi, nặng kéo, nhẹ kéo hết thửa ruộng này đến thửa khác. Tôi thương nó lắm. Thương nhất mỗi khi nghĩ đến cảnh cùng cày bừa vất vả thế này mà tôi thì được ăn những thứ do công việc ấy làm ra như gạo như khoai, còn nó thì lại chỉ ăn những thứ trời cho, không cần lao động vẫn có. Tôi thương nó vì nắng như đổ lửa thế này, tôi còn có cái áo cái quần để che thân, cái nón để đội trên đầu, trong khi nó cứ phải trần trụi, lấy da làm áo, lấy lông làm nón.
Chính vì thế, tôi luôn cố gắng kìm nén để không mắc phải sai lầm rằng ra ta là con người, là chúa tể của muôn loài, nắm trong tay số phận của mi, ta muốn làm gì thì làm, cho mi vui thì mi được vui, muốn hành hạ mi thì mi phải chịu. Không,không…tôi không bao giờ làm thế. Con bò của tôi có lẽ cũng nhận ra điều ấy nên cả tháng trời, nó không trái ý tôi bao giờ. Cứ ngoan ngoãn kéo hết đường cày này đến đường khác. Đang được nghỉ giữa luống, thấy tôi ra vừa cầm đến sợi dây thừng là nó vội vã rướn người, nín thở kéo cày đi luôn, chẳng chờ tôi phải ra roi.
Oi, vậy mà có một hôm tôi đã đánh nó. Đánh khá đau. Đánh dã man là khác. Hơn 40 năm rồi giờ nhớ lại vẫn cứ thấy còn đau nhói. Tôi đánh nó không phải vì nó mà vì tức giận với con người, với đồng loại của tôi. Giận cá chém thớt.
Tôi hèn là ở chỗ ấy.
Chuyện là thế này, trưa hôm ấy, tôi tháo cày để cùng nghỉ với nó. Tôi ăn cơm, còn nó ăn cỏ, cả hai thứ đều do mẹ tôi gánh ra cho. Đang ăn bỗng nó nghe thấy tiếng kêu rống đực thống thiết của con cái cũng đang nghỉ, ăn cỏ, ở một mảnh ruộng xa. Nghe tiếng của quy luật, của hạnh phúc ngàn đời của muôn loài, con bò của tôi đã quên cả ăn, bỏ ngoài tai lời la hét và tiếng roi vút rin rít trong không khí của tôi, xồng xộc chạy đến nơi đang có tiếng gọi của tình yêu đó. Con bò vốn khỏe và tất nhiên chạy nhanh hơn tôi nên khi tôi hồng hộc chạy được đến nơi thì cũng là lúc nó đang mãn nguyện đứng dựng người lên, bám chặt hai chân thân con bò cái và khi nó đang co rút toàn thân định thực hiện bằng được động tác truyền giống đầy hứng thú của muôn loài thì bất ngờ, không biết từ đâu một hòn đáp trúng vào đầu nó kêu đánh hự một tiếng. Con bò đau quá vội vàng bỏ cuộc, tiu nghỉu quay về chỗ cũ. Tôi nhìn nó vừa giận vừa thương. Và nếu chỉ thế, tôi cũng chẳng bắt phạt nó làm gì, đằng này ngay sau đó lỗ tai tôi lại phải hứng lấy câu chửi thậm tệ của thằng Sáo, đứa trẻ đang chăn con bò cái đó. Sáo là con ông Sậu, cấy rẽ ruộng nhà tôi.
- Ai cho phép mày đem cái giống địa chủ truyền sang ông bà nông dân chúng tao?... Nó mà có chửa rồi đẻ ra giống địa chủ là chết với ông.
Tôi giận lắm nhưng không biết làm gì, chỉ còn biết giong con bò về đến tận ruộng nhà mình, cột chặt lại, cho cái mõm của nó dí thật sát vào cái cọc tre, để nó không cựa quậy được, rồi cứ thế tôi đánh. Đánh đến gãy nát cái roi mà vẫn chưa thấy hả giận. Rồi lại đánh nữa. Thấy ruộng bên, luống thuốc lào vừa hái trụi lá, còn trơ lại thân cây, dẻo như roi mây, tôi lại sang nhổ về làm roi và lại đánh tiếp. Tôi quất tới tấp lên lưng, lên đầu, lên mặt nó. “Mày làm nhục tao. Mày…mày…” . Mỗi tiếng “mày” là một roi quật xuống.
Hả giận, mệt quá, tôi ngồi xệp xuống luống cày. Vừa nhìn lại nó tôi đã phải quay đi. Mình nó dầy đặc vết roi. Những con lươn bầm đỏ chằng chịt.
No comments:
Post a Comment