***
Cứ ba năm một lần, vào ngày rằm tháng hai âm lịch, các bộ tộc ở miền núi xứ Bắc thường tập trung tại núi Tản viên để luận kiếm. Tại miền Bắc có khoảng 50 bộ tộc sinh sống như Thái , Thổ, Mán, Mường, Mèo, Nùng, Hmong, Tày, Dao, Lô Lô, PuPéo, Rơ-măm, Brâu, Pà Thẻn, La Hủ, Vân Kiều, Sán Dìu, Khơ Mú... . .Sự phân loại rất khó khăn và phức tạp. Ngay cả trong bộ lạc Thái còn có Thái Trắng, Thái Đỏ, Thái đen; giống Mán có Mán đồng tiền, Mán Hòa Bình; giống Tày Có, Tày Hay, Tày Men, Tày Mười, Tày Xang; giống Mường có Mường Thanh Hóa, Mường Hòa Bình. Trong các bộ lạc trên, Thái , Thổ, Mán, Mường, Mèo, Nùng, Hmong, Tày là tám bộ lạc nổi tiếng hơn cả, đuợc gọi là bát đại sắc tộc.Tất cả dân tộc miền núi này sống hoà hợp trong quốc gia Văn Lang, dưới sự lãnh đạo của vua Hùng. Chính các dân tộc miền núi đứng ra tổ chức cuộc luận kiếm và họ mời vua Hùng làm chủ tọa và làm trọng tài.
Võ nghệ thì có nhiều môn phái khác nhau nhưng trong thập bát ban võ nghệ, kiếm được coi là đứng đầu cho nên cuộc tranh tài của các đại cao thủ tại núi Tản đã lấy kiếm mà luận tài thử sức. Các bộ lạc đều được tham dự nhưng mỗi phái đoàn thường mang theo năm, mười người kể cả ngưởi tùy tùng.
Ngày luận kiếm đã đến. Trên một khoảnh đất rộng rãi trước đền thờ đức thánh Tản, người ta đã dựng một khán đài bằng gỗ lợp tranh để vua Hùng và các tộc trưởng các bộ lạc ngồi xem. Trước mặt khán đài là một đấu trường, là khoảnh sân cỏ rộng bằng một gian nhà, được vẽ một vòng tròn bằng vôi. Ở trước đấu trường, người ta làm một cái cổng tam quan kết bằng hoa và lá, xung quang cờ đuôi nheo bay phất phới. Trống điểm thùng thùng lúc khoan, lúc nhặt. Khi vua ngự đến, ban bát âm cử nhạc thánh thót. Các công chúa, các tiểu thư ngồi trên khán đài; còn các thiếu nữ người Mán, Mường, Mèo, Thái. . . mặc áo quần sặc sở tạo thành một bức tranh sống động ở xung quanh đấu trường. Các vệ binh phải cầm roi xua liên tiếp và nạt nộ ầm ĩ vì bọn thanh niên nam nữ xô đẩy nhau và đùa giỡn ở trước võ đài . Tiếng kêu gọi nhau ơi ới, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng chửi rủa nghe lanh lảnh là đặc thù của ngày lễ hội.
Theo lệ cũ, bát đại tù trưởng thay nhau chủ trì cuộc luận kiếm. Người đứng ra phụ trách việc tổ chức kỳ này là Nông Vạn Phúc, tù trưởng người Nùng. Trước khi tham dự cuộc luận kiếm, mỗi bộ lạc phải chọn một kiếm khách tài giỏi nhất, và một kiếm khách dự khuyết. Các kiếm khách các bộ lạc từng đôi thi tài, cuối cùng lấy ra tám đại cao thủ. Trước hết bốn cặp đấu với nhau, sau đó thành hai cặp đấu với nhau, và cuối cùng là một cặp đấu với nhau. Ai thắng sẽ trở thành đệ nhất cao thủ của Văn lang quốc.
Khởi đầu, có 30 đấu thủ bắt thăm đấu từng đôi một. Đợt hai còn bảy cặp đấu với nhau. Đợt ba còn bốn cặp đấu với nhau. Khởi đầu đợt ba, Đèo Vân Long đấu với Uông Thanh Lâm. Sau khi bái tổ và cúi đầu chào nhau, cả hai liền trổ tài. Cả hai là tù trưởng, là thanh niên trai tráng khoẻ mạnh. Đèo Vân Long người Tày sử dụng song kiếm, tiến thoái nhịp nhàng và múa như vũ bão. Uông Thanh Lâm, người Thái trắng dùng trường kiếm, thủ nhiều hơn công. Cả hai đều đóng khố, ở trần trùng trục như hai con bò mộng. Đấu hơn nửa buổi không phân thắng bại. Ban tổ chức phải ra lệnh đình hoãn để hai bên nghỉ ngơi và dùng bữa trưa. Giờ mùi, hai bên tiếp tục lên võ đài. Uông Thanh Lâm thay đổi chiến thuật. Chàng tấn công như vũ bão khiến Đèo Thanh Long phải lùi bước. Vì bất cẩn, Đèo Thanh Long trợt chân té xuống. Trong nháy mắt, Uông Thanh Lâm kề kiếm vào cổ khiến Đèo Thanh Long phải đầu hàng.
Hiệp tiếp theo, Nông Xin Phát, người Nùng đấu với La Hiêu Xình người Thổ. Cả hai đều đóng khố, để đầu trần, đI chân đất. Cả hai dùng song kiếm. La Hiêu Xinh thuộc phái hầu kiếm, y nhảy tả sang hữu, rồi lăn lộn dưới đất chém vào hạ bộ của Nông Xìn Phát những nhát kiếm ác liệt khiến Nông Xìn Phát nhiều phen luống cuống. Cuối cùng La Hiêu Xinh nhảy từ trên cao xuống chém đứt tai Nông Xìn Phát và kết thúc trận đấu.
Trận tiếp theo nữa là Ra Com Xay người Mán đấu với Giàng A Sáo người Mường. Cả hai là tù trưởng già nua tóc bạc nhưng còn vẻ tiên phong đạo cốt. Ra Com Xay mặc áo cộc đỏ, quần cộc xanh, đầu trùm khăn lam. Giàng A Sáo thì đóng khố, đi chân đất. Sau khi chào hỏi nhau xong, cả hai rút kiếm và thủ thế. Sau vài khắc, cả hai vẫn ghìm kiếm và im lặng gườm nhau. Bỗng Ra Com Xay hét lên một tiếng và xông vào Giàng A Sáo . Cả đấu trường, người ta nghe một tiếng thét rùng rợn. Đồng thời người ta thấy cả hai người rời nhau ra và ngã xuống đất. Cả hai đã bị chém vào đầu. Cuộc đấu kết thúc bằng cái chết của hai tù trưởng kiêu hùng.
Trận cuối do Cầm Thanh Khao lão nhân người Hmong đấu với Lò Xây Xây đạo nhân người Mèo. Cầm Thanh Khao lão nhân mặc trường bào trắng , thắt lưng đỏ, đi chân đất còn Lò Xây Xây mặc áo ngắn màu xanh, quần đen, thắt lưng đen, đi hài tía. Sau khi bái tổ và chào hỏi nhau, cả hai tiến đánh như vũ bão. Sau một ngày trời bất phân thắng bại, cả hai được ban tổ chức cho nghỉ ngơi để hôm sau tái đấu. Khoảng giờ thìn hôm sau, cuộc đấu tiếp diễn. Cầm Thanh Khao vừa ôm bầu rượu vừa tấn công đối thủ trong khi Lò Xây Xây ung dung cầm quạt phe phẩy như đang dạo chơi trên bờ sông. Đến giờ ngọ, cả hai vẫn đồng cân sức.
Mặt trời lên cao, không khí oi bức. Cầm Thanh Khao nâng bầu rượu lên uống một hớp như đang làm thơ trong một vườn hoa. Bỗng một thoáng, Cầm Thanh Khao nhảy chồm tới, miệng phun rượu vào mắt Lò Xây Xây đạo nhân, tay múa kiếm quyết chém ngang lưng đôi thủ . Cùng lúc này, Lò Xây Xây đạo nhân chỉ quạt về phía Cầm Thanh Khao lão nhân, người ta thấy năm sáu mũi kim từ quạt bay ra. Trong khi Cầm Thanh Khao lão nhân co rúm người và run bần bật thì Lò Xây Xây đạo nhân nhảy lùI ra sau ôm mặt nhăn nhó. Một bên trúng kim độc, một bên trúng rượu độc, ban tổ chức phải đem cả hai vào hậu trường cấp cứu. Sau đó ban tổ chức tuyên bố bãi bõ tư cách kiếm khách cả hai vì đã dùng hành vi ám toán đối thủ.
Chung kết là Uông Thanh Lâm đấu với La Hiêu Xình. Cuộc long tranh hổ đấu xảy ra hai ngày vẫn bất phân thắng bại. Ban tổ chức phải đưa ra ý kiến là tổ chức thi văn bổ túc.
Cuộc thi võ đã kết thúc, ngay chiều hôm đó, võ đài đã biến thành một quang cảnh mới. Ngay trước ngự tọa, người ta trải bốn năm chiếc chiếu cạp điều. Ở chiếu giữa là chỗ ngồi của hai đấu thủ, còn xung quanh là chiếu của các giám khảo. Trên các chiếu người ta bày hương trầm, hoa, rượu, trà, bánh trái và thuốc lào. La Hiểu Xinh bốc thăm ưu tiên nên có quyền ra câu hỏi trước:
-Trên thế gian, cái gì mạnh nhất?
Uông Thanh Lâm đáp:
-Thanh kiếm là mạnh nhất.
La Hiêu Xinh nói:
-Thanh kiếm không mạnh nhất. Nếu thanh kiếm trở nên oai hùng là do sức lực toàn thân, nhất là sức mạnh cánh tay, và trí óc con người. Thanh kiếm chỉ là một công cụ vô tri, vô năng, vô lực.
Uông Thanh Lâm chất vấn La Hiêu Xình:
-Tôi trả lời, ông bảo là sai. Vậy theo ông cái gí có sức mạnh nhất trên đời?
La Hiểu Xinh đáp:
-Theo tôi, tình yêu mạnh nhất trên đời.
Uông Thanh Lâm nói:
-Tình yêu là sức mạnh nhưng không phải là nhất. Tình yêu chưa chắc tạo được hạnh phúc vì bao nhiêu người yêu nhau mà vẫn bỏ nhau. Vả lại, tình yêu chỉ có sức mạnh trong trong khoảng 18-50 mà thôi. Hơn nữa một số không cần tình yêu đò là hạng chân tu và người bất lực hoặc bệnh hoạn.
Theo tôi, tiền bạc mạnh nhất vì ai cũng cần tiền. Đứa trẻ mới sanh cho chí người già sắp chết, người tu hành cho đến nhà từ thiện, ai cũng cần tiền. Mãnh lực đồng tiền rất lớn, nó làm cho con người bán danh dự, bỏ đạo đức, bán đất đai tổ tiên đã ngàn năm xây dựng. Kẻ lưu manh tham tiền đã đành mà nhà tu hành hoặc bậc trí thức cũng bất chấp liêm sỉ, chạy theo đồng tiền mà đổi trắng thay đen. Nhân dân ta có câu tục ngữ: “ Có tiền mua tiên cũng được”. Và ngày nay khắp nơi có bài ca chiến thắng:
“Tiền là tiên, là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà tiến thân,
Là cái cân công lý.
Tiền! Hết ý!”
Ban tổ chức nhận định rằng về nan đề thứ nhất, cả hai ngang nhau. Đến lượt Uông Thanh Lâm ra đề:
-Ông có phải là người oai phong nhất không?
La Hiêu Xình đáp:
-Dưới vua, tôi là người oai phong nhất vì tôi là tù trưởng, có 500 mẫu ruộng, hai ngàn con bò, năm trăm con trâu, và ba trăm cô vợ trẻ đẹp.
Uông Thanh Lâm cười đáp:
-Vậy thì ông còn thua tôi. Tôi đây có 600 mẫu ruộng, năm ngàn con bò, năm ngàn con trâu và năm trăm cô vợ trẻ đẹp. Ngoài ra tôi có 80 đứa con, gồm 50 trai và 30 gái. Nhưng những cái đó chưa ăn thua gì, vì có tiền thì mua bao nhiêu vợ cũng được. Mà nhiều vợ thì lắm con Cổ nhân nói : “Cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con”. cũng chỉ là chuyện thường thế gian Ông xem đây, những người hầu cận của tôi đây. Rất đặc sắc, rất đặc sắc, trong thế gian, ngoài vua ra, không ai bằng tôi! Trong khi bao nhiêu người khoái sưu tầm vàng ngọc, gấm vóc, tranh cổ, bình xưa, tôi đây chỉ thích sưu tập nhân tài trong thiên hạ.
La Hiêu Xình nói:
-Những điều ông nói là không thể kiểm soát được. Ông muốn nói bao nhiêu mà chả được. Làm sao biết ông có 600 mẫu ruộng, năm ngàn con bò, năm ngàn con trâu và năm trăm cô vợ trẻ đẹp? Còn mấy tên hầu cận của ông thì cũng giống mấy tên hầu cận của tôi, có khác gì đâu?
Uông Thanh Lâm nói:
-Ông lầm rồi! Mấy thằng đầy tớ của tôi rất chiến! Rất cừ! Tôi hiện nay có hàng ngàn đầy tớ, thuộc đủ hạng người, mà người nào cũng xuất chúng, Không một tên nô lệ nào trên thế gian lại có một lịch sử, một quá khứ oai hùng như chúng nó. Tất cả chúng nó có ba đặc tính chung:
-Thứ nhất, chúng nó trước đây tích cực chống tôi và dân tộc tôi. Nay chúng quay ra ca tụng tôi, cam tâm làm nô lệ cho tôi.
-Thứ hai, chúng nó là những người có danh vọng.
- Thứ ba, những nô bộc của tôi mang tính quốc tế và đa dạng. Trong nước, ngoài nước đều có người của tôi. Nước nào cũng có người của tôi. Chúng ở ngoại quốc nay về hẳn với tôi chầu chực hôm mai bên cạnh tôi. Cũng có kẻ sáu tháng ở với tôi, sáu tháng về thăm nhà bên đó. Cũng có kẻ nằm vùng ở nước ngoài. Đầy tớ của tôi rất đa dạng, nào là y sĩ, thầy kiện, học giả, văn sĩ, thi sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, giáo sĩ, hoà thượng, đạo sĩ, sinh viên, học sinh, giáo sư, tiến sĩ. . .
Trong đám đầy tớ của tôi, hai thằng A Tam và A Tứ đây vốn là người dân Miêu. Thằng A Tam, lúc nhỏ là lưu manh đệ nhất ở xứ Đoài, gặp thời loạn nhảy lên làm đại tướng, còn thằng A Tứ là đệ nhất đàng điếm và cũng là đệ nhất nhạc công của Miêu tộc, sáng tác cả trăm bản nhạc, được dân Miêu ca tụng là thánh tổ nhạc..
La Hiêu Xình nói:
-Ông đánh thắng rồi bắt chúng làm nô lệ, đó là chuyện thường xưa nay, chứ có gì lạ đâu mà ông khoe!
Uông Thanh Lâm cười mà rằng;
-Ông nói sai. Bậc đại nhân, đại nghĩa không bao giờ dùng bạo lực. Dùng vũ lực thì làm cho người miễn cưỡng tuân phục nhưng tâm bất phục. Phải làm sao mà chúng tâm phục, khẩu phục, phải bò đến trước mặt mình năn nỉ, van xin thì mới tỏ là bậc đại trượng phu, oai phong đệ nhất. Trường hợp của tôi rất đặc biệt cơ! Hai thằng này có quyền thế nên đã nhanh chân chạy sang xứ Cỏ Hoa trước khi Miêu tộc bị tôi xâm chiếm. Dân Miêu khốn khổ phải vượt biển, kẻ bị cướp biển, người bị cá ăn thịt , một số rất ít đến Cỏ Hoa và các nước ngoại quốc, còn hai tên này đi tàu bè rất ung dung và sống vênh vang ở xứ Cỏ Hoa.
Tôi phải dùng mấy trăm lượng vàng và mất công thuê người dụ dỗ mấy năm trời chứ đâu có dễ. Hai thằng này thời trước cao ngạo lắm, nay thì rất ngoan, bảo chúng nó quỳ xuống làm chó sủa gâu gâu, chúng cũng nghe theo. Dù tốn mấy trăm lạng vàng, khi đi đó đi đây, có thằng mang giày cởi dép, có đứa đấm lưng, bóp chân, có đầy tớ hầu điếu đóm, có nô lệ bưng trà, rót rượu thì tôi rất là sung sướng, rất là oai phong! Các bậc vua chúa đi ra ngoài thường mang theo bọn vai u thịt bắp làm kẻ tả hữu, còn tôi, tôi là người trí tuệ đỉnh cao cho nên tôi dùng nô lệ cũng dùng thứ thượng hạng. Có như vậy mới quý hiếm và tăng giá trị mình. Tôi nay cho chúng sướng gấp mười ngày trước khi chúng làm quan ở Miêu tộc. Chúng nay đuợc ở nhà cao cửa rộng, rượu nồng dê béo, tiền xài hàng vạn, gái đẹp hằng trăm, dù tôi vác gậy đuổi chúng, chúng cũng không đi. Tôi cho chúng mọi thứ, tôi chẳng bắt chúng làm một công việc gì cả. Khi tôi đi đó đi đây,nhất là lúc tiếp các đại thần hay tiếp khách ngoại quốc, tôi chỉ cần chúng đứng khoanh tay hầu bên cạnh tôi là đủ.
Tôi rất yêu chúng nó vì chúng nó đem lại vinh dự và oai phong cho tôi. Mai sau khi tôi chết, tôi sẽ chôn hài cốt hai đứa bên cạnh để kiếp sau và sau nữa, chúng sẽ hầu hạ tôi. Và ở cổng lăng tôi, thay vì phải làm hai con chó đá. như cổ tục, tôi sẽ cho thợ đắp hình chúng nó theo dạng đầu người mình thú như con Sphinx bên Hy Lạp.. Ông có thấy dưới hoàng đế, tôi là người oai phong nhất không?
Nói xong, ông quay sang A Tam, A Tứ cười:
-Tao nói vậy có đúng không, chúng bay?
Cả hai tên nô bộc tuổi 70-80 cúi đầu khom lưng rất lễ phép và thưa
-Dạ đúng, bẩm đại nhân!
Kết cuộc, ban tổ chức đồng ý chọn Uông Thanh Lâm làm đệ nhất kiếm khách nước Văn Lang. Vua Hùng thưởng cho Uông Thanh Lâm 500 lượng vàng, ban áo mão cân đai, và giữ lại kinh đô làm Cửu môn Đề đốc quản lĩnh quân đội trong kinh thành
**
No comments:
Post a Comment